Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Khazarula

Khazarula

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Đăng Bẩy
 
      Nodar Dumbadze (1928-1984) sinh trưởng từ miền Tây Gruzia, tốt nghiệp đại học, khoa Kinh tế học, làm trợ giáo thí nghiệm ở trường. Từ năm 1957 ông chuyển sang làm báo, viết văn, làm điện ảnh, đạt đến đỉnh vinh quang: Giải thưởng Lenin về văn học nghệ thuật của Liên bang Xô Viết, 1980. Nodar Dumbadze đã được dịch giả Phạm Mạnh Hùng và Đào Minh Hiệp chuyển đến bạn đọc nước ta hai tác phẩm nổi tiếng: Quy luật của muôn đờiNhững ngọn cờ trắng. Đây là một trong số những truyện ngắn cuối đời của nhà văn Gruzia đặc sắc này...
 
Mười bốn tuổi, tôi mới nói chuyện với nó lần đầu tiên. Đó là một cây táo già - tuổi 55-60 - gần như là bạn đồng tuế của bà tôi, và người ta đặt tên cho cây táo là Khazarula.
Tôi còn nhớ, trước kia, cứ đến mùa đông, bà tôi lại đem quả của cây táo đó đến Tbilisi. Từ nhà ga đượm đầy hương thơm thôn quê, bà đến thẳng buồng tôi ngủ, bà ôm lấy tôi, dúi cho tôi một quả táo mát lạnh, trông có vẻ xấu xí nhăn nheo, bà nói:
- Cháu ạ, đây là táo cây Khazarula, mọc ở sân nhà mình đấy. Cháu đừng có chê nó nhăn nheo. Chưa nếm thì chưa biết, chứ trần đời không có thứ táo nào ngon hơn đâu. Nếm đi, cháu.
Sau đó tôi chuyển về làng. Bấy giờ tôi mới làm quen với Khazarula. Thân cây đầy những hốc, vẻ khô khốc, nhưng vẫn khỏe, đẹp và rợp bóng, cây táo đứng kiêu hãnh ở đầu nhà hầm rượu, đeo quanh mình những bình, những hũ lớn nhỏ. Nhưng than ôi, đã ba năm nay, cây táo không trổ hoa nữa, và tất nhiên, không đậu quả.
Một lần đầu xuân, vừa rạng sáng, bà đã đánh thức tôi dậy. Tôi mở mắt thấy trong tay bà là một chiếc rìu mài sắc lấp lánh.
- Bà bảo cháu cái gì? - Tôi vờ sợ sệt và rúc đầu vào chăn.
- Đừng có vờ vịt! Dậy đi, còn phải làm chứ, không thì bà xách tai lôi mày ra khỏi giường bây giờ! - Bà tôi đã bực đấy.
- Làm gì vào lúc sáng sớm thế này? - Tôi miễn cưỡng hỏi.
- Việc này... Không có tay đàn ông thì đố có làm nổi... Nó lại còn trêu tao nữa à. Ôi dào, đàn bà thì làm gì được nó! - Bà làu bàu.
- Bà nói gì thế? Chắc là nói bác đội trưởng chứ gì?
- Rồi khắc nói sau? Dậy đi!
- Thôi được, cháu dậy đây... Nhưng bà phải cho cháu biết là bà nói ai chứ?
- Khazarula chứ còn ai nữa! Cây táo ấy thật là tệ, thật vô lương tâm! Hại người ta như thế, thật chả thấy bao giờ.
- Ai hại bà? Cái cây ấy à?
- Đúng thế!
- Cây táo ấy à? - Tôi không tin vào tai mình nữa.
- Táo tiếc gì nó - không có lấy một quả? Nó là khúc củi chứ không phải là cây táo!
- Thế cháu phải làm gì... Phải đẵn nó đi à?
- Không, trước hết phải khảo đã... Nếu nó không nghĩ lại thì ta đẵn quách! Biết làm sao được?
Bà căn dặn tôi tỷ mỉ phải làm như thế nào để khảo cái cây, rồi bà để rìu đấy và đi vào nhà.
- Bà nghĩ là cái cây nó biết nghe à? - Tôi bật cười.
- Nếu trên vai nó có một cái đầu thì nó phải nghe được!
- Thế bà đi đâu?
- Cháu phải bảo cho nó biết, một mình cháu mới được - rồi bà sập cánh cửa lại.
Tôi cầm chiếc rìu, xuống sân và đi về phía góc nhà hầm rượu. Những lộc non trên cây táo đã nhú.
“Chẳng lẽ cây lại hiểu được tiếng người?” - tôi nghĩ và tủm tỉm. Rồi tôi cầm lại cán rìu cho thuận tay hơn và dùng hết sức giáng xuống, nhưng đến nửa chừng, tôi ghìm lại, chỉ khẽ cụng rìu vào rễ cây, và trong đầu, tựa như đọc một mẩu độc thoại, tôi lẩm nhẩm “nên hay không nên”:
- Chặt hay không chặt? Chă-ặ-t hay không chặt?
Sau hồi lâu nín lặng, tôi vung tay và nói thật to, cốt cho cái cây nghe thấy mà vẫn loan truyền đến tận mái đá hầm rượu:
- Thôi, mặc quách nó. Chờ một năm nữa. Nếu có quả thì tốt, nếu không, cháu khắc đào tận gốc, trốc tận rễ. Thoát khỏi tay cháu sao được?
Và, làm hệt như bà dặn, tôi nhìn Khazarula. Cây táo vẫn điềm nhiên không một mảy may lo lắng, chỉ khoan khoái tắm mình dưới ánh sáng tỏa ra từ ông mặt trời vừa nhô lên đầu núi.
Tự cười thầm, tôi bập rìu vào một khúc gỗ bên gốc táo và vào nhà.
- Thế nào? - Bà tôi hỏi.
- Sợ rồi. Nó biết sợ rồi, sợ rùng cả mình! Bà xem kìa!
Tôi nhìn ra cái cây và cười sặc sụa - còn Khazarula thì run bắn toàn thân, rung cả cành lá...

Mùa xuân đã đến độ. Từ bờ sông Kubadouly, mùa xuân ghé vào sân nhà tôi, như một cô gái đẹp chân trần mơn mởn, dạo gót trên cỏ non và lay động tất cả mọi sinh vật. Hạnh đào đã ra hoa, mận, lê cũng ra hoa... Còn cây Khazarula vẫn đứng một mình tựa hồ trong mơ, họa có trời mới biết nó đang nghĩ ngợi điều gì.
Và một lần nữa, khi trời vừa hé sáng, bà lại đánh thức tôi dậy. Vừa lay tôi vừa chỉ tay về cây táo, bà nói:
- Cháu trông cây táo kìa!
Khoác hờ một tấm áo phớt hồng, cây Khazarula mỉm cười và nhìn chúng tôi không phải không có vẻ đáo để:
- Hoa, có điểm hoa! - tôi buột miệng
Khazarula đã ra hoa, có thế chứ! Những bầy ong mật đã kéo nhau về, có thế chứ! Quả đã đơm đầy cành, có thế chứ! Những quả táo đã chín, có thế chứ! Cây đã hào phóng tặng bao nhiêu là rượu, là mứt, là táo khô không chỉ cho riêng nhà tôi, mà cho cả hàng xóm chung quanh nữa! Con bò đực miệng phì đầy bọt đi vòng quanh Khazarula, và sáng nào cũng chở đầy một giỏ táo đến cho con bò sữa nhà Theofan Dujadze.
- Thôi, lạy trời, mày hãy để cho mụ bò nhà tao được yên, chứ không nó chẳng cho sữa nữa mà lại cho toàn nước quả táo mất! -Theofan nổi nóng vội hét bảo tôi.
- Khazarula, cây sinh ra sự gì thế này? Hả cây? - tôi nói với cây táo, và lấy sào khều từ ngọn cao quả táo cuối cùng lỗ chỗ vết mỏ chim.
- Còn sao nữa! Đã gọi là cây táo thì phải như thế chứ lỵ! - Khazarula trả lời bằng tiếng cót két của những thớ gỗ già.
Nhưng mọi sự đã kết thúc ở đó. Tôi có dỗ dành, có hỏi han, có khảo tra đến thế nào cũng không được! Từ độ ấy, trên các cành cây Khazarula cấm thấy một quả táo nào.

... Hai năm sau, khi chúng tôi lấy rượu vang ủ từ hầm, bà tôi nhìn lên bầu trời mùa đông u ám, rồi nhìn cây Khazarula, bà lắc đầu buồn bã và nói như thể với chính mình:
- Chiều tối tuyết sẽ xuống... Hết củi mất rồi... Phải hạ cây Khazarula thôi...
- Đợi một năm nữa, bà ạ! Sang mùa xuân cháu sẽ bảo nó, cháu sẽ khảo nó một lần nữa. - tôi đề nghị.
- Không cháu ạ, bây giờ khảo khiếc gì thì cũng vô hiệu thôi. - bà tôi rầu rĩ nói.
- Cháu không chặt nó đâu! - Tôi kêu lên.
- Không chặt là thế nào? Táo là gì của mày, là bà nội hay là chó con, hử? - Bà tôi dỗi.
- Bà ơi, nhưng cây Khazarula thì thế nào cháu cũng không chặt đâu! - Tôi bướng bỉnh.
- Tại sao? - Bà kinh ngạc.
- Tại bà! Chính bà đã bảo cháu là: cái cây này này, nó cũng biết nghe và hiểu chúng ta.
- Cháu ơi, các bà già thiếu gì những chuyện nhảm nhí. Cây cối, con người có còn hiểu nhau nữa đâu mà. Bà nói đùa vậy thôi, cháu cũng tin à? - Bà tôi cố chữa lại.
- Cháu không chặt, thế thôi! Cây táo không những chỉ nghe được, mà còn nhìn thấy chúng ta nữa cơ. Bà cứ trông xem, nó còn nghiêng nghiêng đầu nữa kìa! - Tôi chỉ về cái cây.
- Trời ơi! Tôi đang nghe thấy gì thế này! - bà tôi xua xua tay. - Cháu đâm dở chứng mất rồi hay sao? Tại tôi, tại tôi hết! Tội trời tôi chịu! Bà con láng giềng ơi, làng nước ơi, hãy giúp tôi cảnh tỉnh thằng cháu dở chứng này với, để cho đầu óc nó được quang quẻ! Hu... hu... hu!...
- Việc gì thế, cụ ơi, cụ la lối gì thế? Nó có tội gì mà sao mới mở mắt cụ đã rủa nó? - Bác Ananya Kalukvadze đi qua, rẽ vào sân nhà tôi, hỏi.
- Đừng có hỏi, đừng có hỏi, bác Ananya quý mến!... Hồi năm kia, tôi sai nó ra khảo cây Khazarula. Bây giờ tôi bảo nó đẵn hạ cây táo đi, nó không chịu! Nó bảo cây này hiểu ý người nên nó không chịu chặt! - Bà tôi trả lời, tay chìa cho bác hàng xóm một cốc rượu vang Odessa hồng tía.
- Thôi, cầu giời cho bà cháu cụ được mạnh khỏe, cụ Daredjan ạ! - Bác Ananya tợp một ngụm rượu vang ngon lành đến nỗi tôi cũng ứa nước miếng.
- Thế nghĩa là cây hiểu ý người có phải không? - Bác Ananya hỏi.
- Bác cứ lắng nghe mà xem, không những nó đã hiểu ý người mà lại còn nhìn thấy chúng ta nữa kia đấy! Mà nó cũng chả dính dáng gì đến chuyện này, chỉ tại tôi nói linh tinh làm nó đâm ra lẩn thẩn, tại tôi tất!
- Nó có uống rượu không?
- Uống...
- Thì hãy rót nữa cho tôi đi, cụ Daredjan quý hóa, rồi tôi khắc phân giải xem ai lầm ai lẫn, cụ hay là rượu - bác Ananya mỉm cười.
Bà tôi lại rót. Bác Ananya im lặng cạn cốc và một hồi lâu sau mới nói:
- Tôi cho là tại cả hai - cụ và rượu vang của cụ... Thế còn muốn đi đến kết luận... thì cụ cứ rót cho cốc nữa đã nào!
Bà tôi lại rót đầy cốc, nhưng cứ nhìn vào bác hàng xóm bằng con mắt mà nếu như tôi ở địa vị bác Ananya thì tôi chối phắt. Thế nhưng bác Ananya lại vẫn uống cạn rồi đưa ra kết luận của mình:
- Thế này nhé, cụ Daredjan quý hóa ạ, mọi tội lỗi là do rượu hết. Nhưng không sao. Bây giờ tôi tẩy óc cho nó... Này, cháu nói xem, cây biết nghe tiếng người phỏng? - Bác quay sang tôi.
- Nghe được! - Tôi công nhận.
- Thế còn đá?
- Cả đá nữa!
- Cả sông nữa chứ?
- Đúng thế.
- Cầu trời cho cháu khỏe mạnh. Thế cụ, cụ Daredjan quý hóa, cụ biết không, chuyện này thú vị nữa là khác. Đây: giá thử như cụ... Cụ thử nghĩ xem, cụ là cây táo, cây táo Khazarula này này... Và cụ, theo như cái thằng láu cá này nói, cụ nghe thấy hết, cụ hiểu biết hết... Thế rồi một gã đàn ông nào đó, như tôi chẳng hạn, đến bên cụ... Với một chiếc rìu. Và muốn đẵn cụ. Cụ thấy không, cụ hiểu điều đó, nhưng không đủ sức để tránh, để trốn. Ấy thế đấy! Đây, xin thưa với cụ là khắc lú lẫn ngay thôi! - Bác Ananya lại chìa cốc ra, nhưng bà tôi làm như không thấy. - Rót đi, cụ ơi, tôi đã nói ra cái điều quan trọng nhất đâu mà!
Bà tôi rót rượu. Bác Ananya uống hết rồi nhìn tôi:
- Rõ ràng, cháu là một chàng trai thành phố... Nhưng đã đến lúc cháu phải hiểu cái triết lý của dân cày. Cái gì mà người nông dân không muốn giữ trong nhà? Đó là bò cái không sữa, cây cối không quả và đàn bà không con... - Bác Ananya bỗng nín bặt và lén nhìn bà tôi.
- Gì thế, Ananya? - Bà tôi cười khẩy. - Ta mà không có con thì lấy đâu ra thằng ôn này?
- Đấy... Nghĩa là... đàn bà không con này... Nhưng bà nội cháu có những bảy người con kia. Cháu hiểu không?
- Bác muốn nói gì, bác Ananya? - Tôi hỏi.
- Tại làm sao cháu không đẵn cái cây này? - Bác hỏi
- Cháu thương.
- Thương gì? Thương cây ấy à?
- Khổ thân chúng ta nếu chúng ta phải trông mong vào cái ngữ người như thế. - bà tôi thở dài.
- Cụ đừng nói vậy, cụ Daredjan kính mến! - Bác Ananya nghiêm giọng.
- Không nói sao được! Gà nó không dám cắt tiết - thương mà! Cá nó không dám đụng đến -thương mà!.. Con lợn mà nó định chọc tiết hồi giáp tết năm ngoái ấy, cách đây không lâu, người ta đã tìm được ở làng Intabured rồi. Chả được tích sự gì đâu?
- Thật không, chú mình? - Bác Ananya hỏi.
- Thật đấy, bác ạ. Mà thôi đi, trời ạ, bác đừng có lên lớp cháu nữa, cháu không chặt cây Khazarula đâu!
- Nghĩa là thương, hử?
- Sao lại không?
- Thế thì kệ mày!... Thì hãy rót cho tôi cốc nữa nào, cụ Daredjan quý hóa! Còn cây Khazarula, sáng mai nó sẽ kềnh ra ngay trước cửa nhà cụ. Giờ thì tôi còn bận một tý...
Bà tôi rót rượu. Bác Ananya nốc cạn và hỏi, cứ làm lơ như không ấy:
- Thế cụ không có cái gì nhắm được à, cụ Daredjan kính mến?
- Có cái đòn xóc rõ dài đây, Ananya quý hóa ạ, có muốn không?
Bác Ananya lặng lẽ đứng dậy, rời khỏi sân, leo lên đầu dốc.
- Đi đâu đấy, Ananya kính mến, bác định xuống dưới kia cơ mà.
- Đi, có việc đây, cụ Daredjan quý mến của tôi ạ, vườn nho của chủ tịch nhà ta đang gọi.
- Thì hãy làm phúc tạt qua giàn nho nhà Shakroy một tý, không thì nho nhà tôi đi đời nhà ma mất! - Bà tôi nài nỉ.
Bác Ananya quặt sang hướng khác về phía nhà Shakroy. Bác dừng một phút rồi quay lại
- Cháu bảo là cây Khazarula biết nhìn phỏng? Hề hề hề!... Tớ đây, người anh em ạ, còn chẳng nhìn thấy gì nữa là cây Khazarula của người anh em! Hề hề hề... - rồi bác khật khưỡng đi tiếp.

... Chú bé ấy đã đúng. Cái cây trơ trụi và lặng thinh đã nghe và đã thấy tất cả. Những ý nghĩ nặng nề choán lấy Khazarula. Lúc nửa đêm, trái tim của nó đập mau hơn, và những nhánh rễ của nó tỏa khắp chung quanh hầm rượu đã co quắp lại. Hầm rượu rùng mình. Khazarula co rễ về mạnh hơn, và hầm rượu chừng như nứt nẻ, vết rạn đầu tiên đã hé ra một chút. Một chất lỏng sánh, hồng tươi loang ra khắp rễ cây táo. Khazarula chậm rãi, dè dặt nhấp vài giọt chất lỏng lạ lùng ấy, và khắp thân nó có một cơn rùng mình khác thường chạy qua. Dần dà nó thấy thân mình dần dần giãn nở một cách êm ái, và Khazarula lại bóp mạnh hơn vào hầm rượu, khoang hầm toác ra mấy chỗ, rồi vỡ toang, và chất lỏng từ đó ào ra, tựa như một trận mưa rông rênh trong ngày hè khô hạn.
... Trước kia, hồi còn trẻ trung nó vẫn thắc mắc, sao con người chẳng bám vào đất bằng rễ mà vẫn biết đứng, biết nhúc nhích và biết chạy. Rồi nó cũng chẳng nghĩ về điều đó nữa, bởi vì đã rõ một điều: chẳng có ai trên đời lại đủ sức để trả lời cái câu hỏi luẩn quẩn đến mức ấy.
Hôm nay, phép lạ đã hiện ra: hầm rượu đã rỗng, Khazarula đã uống đến giọt cuối cùng, bí mật của con người và của chất lỏng lạ lùng đó đã được khám phá... Cây táo già đã hiểu, vì sao người ta lại hôn nhau, lại khóc lóc khi nâng chén, vì sao họ hát hò nhảy múa vòng quanh nó, vì sao họ cười đùa, họ đấu đá, vì sao họ lại kính cẩn đến thế khi đổ đầy căn hầm một thứ chất lỏng đỏ thắm... Khazarula hiểu hết, và cây cũng muốn hát, muốn chạy, muốn hôn, muốn khóc và nhảy múa, nhưng nó không thể thực hiện được nguyện vọng đó, bởi nó chỉ là một cái cây thông thường chứ đâu phải là một con người. Và cây đành chỉ biết làm theo sức của nó - đung đưa và rì rầm cho tới sáng...
Và tới sáng... Sáng sớm, Khazarula cảm thấy một đòn khô khốc giáng vào sườn nó. Đòn không hiểm, vì thế Khazarula cũng không để ý đến. Tiếp đó nó cảm thấy đòn thứ hai, thứ ba và nhiều nhiều nữa. Cứ thế liên tiếp gần một giờ đồng hồ. Khazarula hiểu là nó đang bị giằng kéo. Một cái gì đó lạ lẫm, một sức nặng không tưởng nào đấy cứ níu lấy nó, và nó mỗi lúc một nhân nhượng cái sức mạnh khó hiểu kia. Và đây, một tiếng nghiến “két” rõ dài đã vang lên. Khazarula chao đảo, mất thăng bằng và bắt đầu ngã - mới đầu còn chậm, sau cứ nhanh dần. Tiếng bổ khô khốc khiến tay, vai và xương cốt của nó gãy răng rắc. Khazarula nghe thấy hết, nhưng không hiểu sao nó không hề thấy đau đớn. Nó nhắm mắt và thiếp ngủ...
- Dậy đi cháu! Ananya hạ được cây táo rồi. - bà đánh thức tôi. - Này, cầm lấy rìu và đẵn cành đi.
Hồi đêm, tuyết rơi. Làng trở nên sạch sẽ, đẹp tươi, gợi nhớ đến một cô dâu trong bộ áo cưới trắng tinh. Chỉ có sân nhà tôi trông thật tiều tụy - trên bãi ép nho ủ rượu, cây táo già nằm đó như một thi thể.
Tôi lại gần cái cây bị hạ và bỗng rụng rời - từ thân thể táo ứa ra một chất lỏng đỏ tươi!
- Bà ơi! - tôi kêu lên.
- Gì thế cháu?
- Bà lại đây!
- Đằng ấy có gì nữa!
- Lại đây, bà khắc thấy!
Bà tôi đến.
- Cái gì thế này? - bà kinh ngạc hỏi.
- Cháu không biết... Có lẽ là máu...
- Làm gì có chuyện đó. Đang tháng Giêng, cây cỏ ngủ cả. Nhựa chỉ chảy vào tháng Hai... - bà tôi sợ sệt chấm tay vào thứ nước lạ lùng, rồi đưa lên mũi ngửi và phát hoảng nhìn tôi. - Mau lên. Mở hầm rượu ra xem nào!
Tôi nhanh nhẹn mở nắp, hầm rượu đã rỗng không.
- Đức mẹ Maria ôi, hãy thương xót chúng con!
Bà nội giơ hai tay lên trời và chậm chạp quỳ xuống.

Khazarula choàng mở mắt vì lạnh. Nằm trong tư thế không quen đối với nó, nó thấy thế giới thật khác thường. Thoạt đầu nó nghĩ là mắt nó bị lòa. Nhưng sau đó, nom thấy cậu bé tóc tai bơ phờ, tỳ cằm vào cán rìu, bên cạnh là một bà cụ bận đồ đen hai tay giơ lên trời. Khazarula hiểu ra rằng lúc này đã là kết thúc, và nó khép mắt lại.
Mãi mãi.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét