Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Trên mảnh đất người đời - Chương 3

Trên mảnh đất người đời

Tác giả: Anatoli Ivanov
Dịch giả: Thái Hà
Nhà xuất bản Văn Học - Năm 1985

3

Những con sóng đen vỗ mạnh vào mạn thuyền. Đêmiđôp cứ nghiến răng chèo, bất chấp tiếng mái chèo kêu răng rắc như sắp gẫy. Trong bóng tối đen như mực, không nhìn rõ hòn đảo nhỏ trên sông, nhưng Đêmiđôp linh cảm thấy ông đang bơi đúng hướng và mũi thuyền sắp sửa chạm vào chỗ đá sỏi.
Sau đó, ông ngồi lặng trong hốc đất khuất vắng, rít hết điếu thuốc rẻ tiền này đến điếu khác, nghe tiếng hút buồn thảm trong những bụi cây trụi lá trên bờ đảo, tiếng nước sông Ôbi mùa xuân đánh vào chân.
Đối diện với hòn đảo, nằm dọc theo bờ sông là làng Đubrôvinô, lúc này có thể nhận ra qua những ánh đèn thưa thớt. Đêmiđôp đưa mắt tìm trong số những ánh đèn đó cái ô cửa “mắt sói”, giờ đây lại bắt đầu cháy sáng.
Anh đốt kho thóc của nông trang chứ Maksêep có lỗi gì?”. Những lời đó văng vẳng bên tai Đêmiđôp từ lúc ông chèo thuyền tiến gần đến hòn đảo, đến lúc này vẫn chưa thôi.
Tội gì à? - Đêmiđôp nhếch môi cười nhạt. - Chuyện đó có lẽ phải cắt nghĩa cho mi lần nữa. Nhưng cắt nghĩa cái gì, chẳng cần cắt nghĩa thì mi cũng đã hiểu rõ cả rồi...”.
Sau đó Đêmiđôp lại nghĩ đến chuyện nhiều người gọi ông, Đêmiđôp, là con người kỳ quặc. Kể ra thì cả cuộc đời này nghĩ cũng kỳ quặc thật. Trái đất rộng là thế, trên đó có biết bao nhiêu chỗ. Vậy mà có khi chỉ hai người sống với nhau vẫn thấy chật. Nhưng lại không có cách nào rời nhau ra được. Con người ta đúng là kỳ quặc... Trái đất này có biết bao sinh vật, nhưng không có sinh vật nào như con người, vì chỉ có con người là có lý trí, có ý thức. Nhưng nếu vậy, thì cứ việc sống, đừng cản trở người khác, trên trái đất này thiếu gì chỗ tốt, cứ việc tìm lấy chỗ của mình, việc gì phải đi tranh giành của người khác. Nhưng sự đời lại không thể... và lại nảy ra vấn đề là nếu xét về mặt khác... Thôi thì cứ cho rằng có kẻ nào đó có làm điều ác đối với anh. Tất nhiên là vì hắn ít trí khôn. Vậy thì dù cho điều ác đó có lớn như thế nào chăng nữa, anh cũng hãy rộng lượng mà tha thứ cho hắn. Vì dù sao anh vẫn là con người. Thế nhưng ông, Paven Đêmiđôp lại không thể nào tha thứ được. Kể ra giá mọi người hiểu cho rằng ông không có lỗi gì đối với bản thân, đối với cuộc sống, đối với mọi người, thì có thể ông sẽ tha thứ, sẽ bỏ được rượu, sẽ sẵn sàng làm tất cả. Nhưng mọi người lại không hiểu, không tin... Nhưng đó lại vẫn chỉ là mới xét có một mặt. Còn mặt khác, - lại chẳng có ai để hiểu, để tha thứ. Ở đây, ở Đubrôvinô này, chẳng ai hay biết gì về số phận ông, trừ có Maksêep và vợ hắn. Người ta chỉ biết ông là người coi rừng và một kẻ say rượu, và cùng lắm chỉ đoán là giữa ông và vợ chồng Maksêep có điều gì bất hòa. Nghĩa là, bây giờ ông đã về hưu, ở đó, ở Ênitxây, vùng Kraxnôirkơ, người ta biết ông. Nhưng ở đó, ở làng Kômmôgôrôvô cũ, con người cũng đã thay đổi - người thì bỏ đi nơi khác, người thì từ nơi khác đến, nhiều người thậm chí đã chết vì kể từ cái ngày mà... đến nay cũng đã hơn ba chục năm. Ở đó còn ai nhớ đến ông, đến Paven Đêmiđôp nữa? Ông muốn kêu to với mọi người: mọi người ơi, tôi không có lỗi! Nhưng kêu với ai và để làm gì? Cứ cho rằng ông có thể kêu lên như thế cho cả thế giới này biết. Thì sẽ ra sao? Thì có khi mọi người sẽ tròn mắt nhìn ông kinh ngạc, - hắn ta điên hay sao mà gào lên như vậy? Mà đúng thế thật... Tóm lại là nếu cứ suy ngẫm như thế thì có thể tha thứ cho hắn ta, tha thứ cho tên Maksêev được chăng? Nhưng mình lại không tha thứ được, mình mang nỗi hận trong người, như con gà mang trứng mà không sao đẻ được. Mình đang tự đầu độc cả cuộc đời mình lẫn cuộc đời hắn.
Paven Đêmiđôp cứ nghĩ ngợi như vậy mà cảm thấy hình như ông không còn là ông mới vừa hôm qua nữa, tựa như trong con người ông xảy ra điều gì khó hiểu, có một lòng tốt nào đó, không cần thiết cho ông, và nói chung là cái lòng tốt phản bội, đang len lỏi vào tim ông. Thằng Grinka lớn lên chắc sẽ không tán thành cái kiểu tốt ấy của ông.
Những ánh đèn trên bờ sông càng ngày càng thưa dần, rồi lần lượt tắt đi. Riêng cái “mắt sói” là vẫn cứ sáng, chọc thủng màn đen bằng thứ ánh sáng đỏ nhờ khó chịu. Đêmiđôp nhìn ánh đèn ấy, và trong lồng ngực ông, trong đầu ông - chỗ nào trong cơ thể ông máu cũng như sôi lên: “Ta sẽ không tha thứ, không... Không thể tha thứ được!”.
Ông nhắm mắt lại, ngả người ra phía sau, đập gáy vào cái bờ đất. Ông nhắm thật chặt, chặt đến đau buốt cả con ngươi, nhưng vẫn nhìn thấy rõ cái “mắt sói”: nó vẫn sáng và sáng mãi...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét