Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 18

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 18

Ngày hôm ấy có một người đến thăm cha Iôram. Cuộc trao đổi của họ ngắn ngủi, mù mở và đáng sợ.
- Thưa cha, - Khách nói, sau những lời chào hỏi đầu tiên, - những người bạn của cha đã cưu mang cha trong đêm ấy sẽ rất vui mừng nếu cha quên đi tên của họ!
Khách ngồi quay lưng về phía Batsana, vì vậy ông không thể thấy vẻ mặt của họ. Nhưng căn cứ vào vẻ mặt cha Iôram, Batsana hiểu rằng kẻ đến đây là một kẻ phạm tội.
- Quên cả cây thánh giá? - Cha Iôram hỏi.
- Cả địa chỉ nữa!
- Nhưng địa chỉ thì xe “Cấp cứu” biết rồi, - Mặt tái nhợt, linh mục nói.
- Xe “Cấp cứu” lượm được cha trên đường, nó được gọi tới qua điện thoại tự động.
- Vậy ra mọi việc đã được tính trước cả rồi ư?
- Đúng thế.
- Còn cây thánh giá? - Cha Iôram nhắc lại.
- Tôi không biết đấy là nói về cây thánh giá nào...
- Anh biết!
- Tôi chỉ biết những điều tôi đang nói với cha!
- Anh cho rằng thế giới lợp bằng rơm ư? - Linh mục mỉm cười chua chát.
- Bằng ngói Macxây, thưa cha! - Khách chữa lại.
- Anh bỏ ra bao nhiêu tiền mua cây thánh giá của tên khốn kiếp nọ? - Giọng cha Iôram run lên.
- Xin nói thẳng: những lời cha nói về cây thánh giá, tôi chẳng hiểu gì cả. Nếu đó là một trong những triệu chứng bệnh thì tôi không thể giúp được gì cho cha. Nếu cha cần một cây thánh giá, hay ngược lại, muốn bán cây thánh giá thì cứ nói thẳng, tôi sẽ giúp cha. Đừng ngại, chúng tôi không bao giờ kì kèo về tiền nong...
- Chúng tôi là những ai? - Cha Iôram hỏi.
- Chúng tôi! - Khách trả lời gọn lỏn.
- Thế anh là ai?
- Người trung gian...
- Tôi không muốn nói chuyện với anh!
- Tôi cũng vậy...
- Nếu thế thì tạm biệt...
- Tôi thấy việc chúng ta gặp lại nhau không có lợi gì, vì thế xin vĩnh biệt cha... - Khách đứng lên.
- Anh dọa tôi ư? - Cha Iôram hỏi, nhưng giọng nói cho thấy cha đã hoảng.
- Không, chúng tôi báo trước!
Batsana nãy giờ vẫn lẳng lặng nghe cuộc đối thoại kì dị ấy mà ông chẳng hiểu gì, nhưng mấy lời cuối cùng của người lạ mặt khiến ông mất kiên nhẫn.
- Anh bạn trẻ, xin hãy đến gần đây! - Ông yêu cầu.
Batsana không thú gì việc chuyện trò với tên trâng tráo đó, nhưng ông rất muốn nhớ mặt hắn. Gã lạ mặt chậm chạp quay về phía Batsana và hỏi bằng giọng vờ ra vẻ lễ độ, trong đó lộ rõ ý mỉa mai không che giấu được.
- Ông hỏi tôi ạ?
Batsana giật mình. Tên này không có mặt! Dường như mọi cái đều ở đúng chỗ của nó: mắt, tai, mũi, môi, cằm... Tuy vậy, người này không có mặt, những đường nét của y không biểu lộ điều gì, không một tình cảm, không một diễn biến của tâm hồn, tư tưởng, Batsana hiểu rằng không thể nhớ mặt một người như thế, những kẻ như thế tự chúng tìm ra tất cả những người chúng cần, những người chúng quan tâm. Hiểu được điều đó, Batsana nheo mắt và cố gợi lại trong trí nhớ hình ảnh người khách khác thường đó, nhưng uổng công, hình dáng kẻ lạ mặt tan biến như một ảo ảnh.
Khi Batsana lại mở mắt, kẻ đó không còn ở trong phòng bệnh nữa.
- Ai đấy? - Batsana hỏi vị linh mục đang ngớ người ra. - Lần đầu tiên tôi thấy một người có khuôn mặt trơ trơ như vậy!
- Đấy không phải là người. Đấy là quỷ xa-tăng...
*
*    *
Con nhồi máu cơ tim khiến cha Iôram phải vào bệnh viện lần này là đợt thứ hai. Và xin bạn đọc đáng kính đừng tưởng rằng cha bề trên của nhà thờ Ortatsala bị đau nặng như thế trong lúc đọc “Chuyện mười ngày” [Docameron, tập truyện đặc sắc của nhà văn Ý Bôccaxiô, ra đời năm 1352 (N.D)] bất hủ hay đoạn miêu tả yến tiệc trong cung điện của Bantada, do nhà tiên tri Đanien lưu lại cho hậu thế.
[Bantada, vua cuối cùng của Babilôn. Sách của Đanien kể câu chuyện trong một bữa tiệc linh đình, hoàng đế truyền lệnh mang đến những chiếc bình thiêng của Nabasôđônêxo, trước đấy đã lấy được ở nhà thờ Giêrayzalem. Liền đó thấy hiện lên một bàn tay viết những chữ bí ẩn. Ngay đêm hôm ấy, Xiruyt đã làm cho sông Ơphrat đổi dòng, rồi đột nhập vào Babilôn và giết Bantađa (N.D)].
Cha Iôram là nạn nhân của một việc hoàn toàn bất ngờ đối với cha.
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, ở Pari công tước Xaurmăc Amirêgibili người Gruzya sống lưu vong từ trần, thọ chín mươi tuổi. Trong di chúc, công tước yêu cầu đưa hài cốt của mình về Gruzya để làm lễ cầu siêu trong nhà thờ Ba Ngôi Ortatsala, còn cây thánh giá bằng vàng nạm ngọc bích mà ông ta không hề rời xa cho đến lúc tạ thế thì ông hiến dâng lên ảnh Đức Mẹ cũng của nhà thờ đó.
Chắt của Amirêgibi - Kêtêvan Anđrôđikasvili - Mirôliupxkaia đã làm đúng theo di chúc của người bị đau khổ vì nhớ quê hương. Hài cốt ông già được mai táng ở nghĩa trang Kuki, còn cây thánh giá kèm theo bản di chúc và chú dẫn thích đáng thì trao cho cha Iôram.
Trong phần chú dẫn, ngoài đoạn miêu tả cây thánh giá và chỉ rõ giá trị của nó, còn có phần cho biết cây thánh giá này nguyên là của em gái Văctang Gorgaxan [Vua Gruzya, người sáng lập thành phố Tbilixi (mất năm 502)] - quận chúa Guranđuctơ - và Gorgaxan, năm mười sáu tuổi, sau khi đã đánh tan quân alan và khada và giải thoát được em gái khỏi chốn giam cầm, đã chính tay đeo cây thánh giá lên cổ em.
Khó mà nói được những điều cho biết đó thực đến mức nào và bằng cách nào cây thánh giá ấy đã trở thành gia bảo của dòng họ Amirêgibi, nhưng nó là vật hết sức quý, nhất là đối với nhà thờ Ortatsala lâu nay vẫn sống lay lắt, và cha Iôram tiếp nhận món quà ấy như một ân huệ vô cùng lớn lao của thượng đế.
Từ đó, hàng năm, vào ngày Đức bà Marya, cha Iôram kính cẩn lấy trong tủ sắt ra cây thánh giá đặt trên chiếc gối xa tanh trắng như tuyết và đặt trước ảnh Đức Mẹ.
Giáo dân áp những cặp môi run run vì cảm động vào cái vật kỳ diệu đang từ chiều xa sâu thẳm của thế kỷ thứ năm nhìn họ bằng những cặp mắt xanh lá mạ tuyệt đẹp, còn cha Iôram và trợ tế Aven Argiêvanitzê cũng không kém cảm động, chú ý theo dõi các giáo dân để sự ngây ngất quá đáng vì tình cảm tôn giáo không xui khiến người nào trong bọn họ cầm nhầm cái di vật thiêng liêng mà các giám định viên Pháp về đồ cổ lịch sử đã đánh giá hai trăm năm mươi ngàn đô-la.
Tình hình đó tiếp diễn đến năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba.
Rồi một năm trước đó, sang tuần thứ hai sau ngày lễ Marya, khi cha Iôram ngồi trong trai phòng của mình, mắt ứa lệ vì cảm động, đọc lại đến lần thứ một trăm câu chuyện Iôxip tuyệt mĩ và các anh em của Người thì cửa trai phòng bật mở, và trợ tế Argiêvanitzê xuất hiện một cách đột ngột và khó hiểu, vui vẻ chào cha bề trên của mình:
- Chào ông bạn Iôramisie! [Tên gọi thân mật, xuồng xã của Iôram (N.D)] - Rồi y nấc lên một tiếng rất to.
Tiếp đó, y vỗ vai vị linh mục đang ngớ ra và y bắt đầu cởi áo mũ, thoạt tiên y bỏ cái mũ chùm trên đầu, ném xuống sàn đá, rồi cởi chiếc áo tế và cũng ném xuống đấy, rồi y dứt đứt cây thánh giá bằng bạc to tướng đeo trước ngực, ném vào mặt cha Iôram và cười hô hố như quỷ Mêfixtôfen.
- Xéo đi, quỷ xa tăng! - Cha Iôram hoảng sợ, chỉ có thể lầm bầm như vậy và nhổ bọt.
- Sẽ đi ngay thôi! - Argiêvanizê hứa và trong lúc linh mục làm dấu thánh bằng cánh tay bỗng trở nên nặng chịch, y bắt đầu thóa mạ cả thế giới cơ đốc:
- Trời chu đất diệt tất cả các ngươi, cha cố, cả cha ngươi, cả con gái ngươi, cả thánh thần của ngươi, cả cái nhà thờ mục nát của ngươi! Ta nhổ toẹt vào các ngươi và vào cái linh hồn hôi thối của ta nữa! Này hãy ngửi mùi linh hồn ta cho mà chết nghẹn! - Viên trợ tế hít một hơi thật sâu, rồi thở hơi trong phổi ra, tiếng thở kèm theo tiếng rít và tiếng khò khè! Trai phòng ngập mùi Khinkala và mùi vôtka lộn mửa. - Hãy lấy tất cả linh hồn ta đi, để rồi xem ngươi sẽ dùng được nó vào việc gì! - Y nhổ bọt vào cái mũ áo tế, dùng chân khoèo và hất tung những thứ đó lên. - Còn cây thánh giá nặng một put này thì ngươi hãy đeo vào cổ ngươi và nhảy xuống sông Kuru, may ra ngươi có thể đếm được dưới đáy sông có bao nhiêu cá đấy!
- Nghĩ lại đi, tên ngu ngốc kia! Đừng chọc giận Chúa! Đấng tối cao sẽ nghe thấy những lời báng bổ của nhà ngươi, ngài sẽ lấy mất lưỡi của ngươi, khốn cái thân đời ngươi! - Cha Iôram thử làm cho viên trợ tế nổi khùng nguôi dịu đi.
- Hai mươi năm ròng ông ta không nghe thấy tiếng ta mà bây giờ lại nghe thấy ư? Chúa của ngươi điếc, cha đạo ạ, ông ta điếc! Ông ta ngồi ở đâu đó trên các tầng mây, và làm bộ làm tịch! Tốt hơn hết là ông ta nên xuống đây và đến bệnh viện Hêtsinasvili, may ra người ta có thể chữa khỏi bệnh cho ông già!... Còn ngươi, cha đạo ạ, ta khuyên ngươi một điều hay: hãy vứt bỏ bộ áo lễ của ngươi đi và nghĩ đến xác thịt! Nó quan trọng hơn linh hồn ngươi!... Còn ta, ta rời bỏ các ngươi đây! Ta chẳng nợ nần gì ai ở đây cả! Các ngươi muốn linh hồn ta ư? Thì đây, hãy hưởng thụ đi! - Argiêvanitzê lại phì phì thở ra. - Còn xác thịt ta thì ta đem đi! Xin chào! Arivêđersi!
Viên trợ tế vẫy tay một cái với linh mục, gửi cho ông cái hôn gió, rồi thè cái lưỡi phồng rộp lên vì ớt và rượu vôtka, lần lượt chế giễu tất cả các ảnh thánh, thọc hai tay vào túi và vừa hát một bài vui nhộn vừa rời khỏi trai phòng của cha Iôram.
Người ta tìm thấy cha Iôram nằm bất tỉnh trong trai phòng của mình. Nhưng lần ấy vẫn chưa phải là nhồi máu cơ tim. Trái tim vững vàng của cha đã trụ được trước cơn chấn động.
Cơn nhồi máu cơ tim xảy đến với cha một năm sau, trước ngày lễ Mẹ Marya, khi cha mở tủ sắt, hai tay nâng chiếc gối xa tanh lên, và thấy trên đó không phải là cây thánh giá, mà là một củ cải mập mạp. Cha Iôram chỉ kịp nghĩ rằng để khiến người ta tin và tôn kính mình, lẽ ra Đức Mẹ Marya có thể thực hiện một phép màu nhân từ hơn, liền đó cha đổ vật xuống như cái cây bị chặt gốc. Đấy là cơn nhồi máu tim thực sự.
*
*    *
Liền sau khi cha Iôram bị nhồi máu cơ tim lần thứ nhất, đương nhiên Argiêvanitzê bị bắt. Nhưng sự việc không ra đến tòa. Vụ này bị đình lại ngay lần đối chất đầu tiên giữa khổ chủ và người bị tình nghi. Một tuần sau khi cha Iôram ra viện, nhân viên điều tra đưa Argiêvanitzê tới nhà cha. Sau khi đã bảo người công an đi cùng ra khỏi buồng, cán bộ điều tra để viên trợ tế cũ ngồi cạnh giường linh mục, còn ông ta ngồi bên bàn và bắt đầu lập biên bản.
- Ông Kanđêlaki, ông có hỏi gì người bị tình nghi là Argiêvanitzê không? - Ông ta hỏi câu đầu tiên.
Cằm cha Iôram run run và mắt cha ứa lệ.
- Này, thú nhận đi, hỡi linh hồn ma quỷ, ngươi là dòng dõi quỷ xa tăng, ngươi bán cây thánh giá thiêng liêng cho ai? - Ông nói với Argiêvanitzê.
- Thưa ông cán bộ điều tra, những lời vừa được nói ra bằng ngôn ngữ nhà thờ của chúng tôi mà nói theo ngôn ngữ của các ông thì nghe còn tệ hơn câu chửi tục tĩu nhất! Vì vậy, tôi yêu cầu coi cách cư xử của ông này... tên phá hoại tư tưởng cộng sản này, như một hành động càn quấy! - Argiêvanitzê nói bằng giọng của người bị xúc phạm đến những tình cảm tốt đẹp nhất.
Nhân viên điều tra bỏ ngoài tai đòi hỏi của Argiêvanitzê và đến lượt mình, ông ta hỏi y:
- Này, bác Argiêvanitzê, có ai làm chứng cho bác là vụ đánh cắp cây thánh giá không can gì đến bác không?
- Có chúa làm chứng! - Viên trợ tế trước kia giơ hai tay lên trời thốt lên.
- Chớ có cả gan, cấm ngươi nói cái tiếng thiêng liêng đó! - Linh mục chồm dậy trong giường.
- Argiêvanitzê, đừng giả ngây giả ngô! - Cán bộ điều tra quát viên trợ tế trước kia. - Chúng tôi không thể mời Chúa ra làm chứng, hãy nêu tên một người nào trong số những người đang sống!
- Thế thì đây: linh mục Iôram Kanđêlaki!
- Ta-a ấy à-à? - Cha Iôram suýt đổ vật xuống giường.
- Chính thế! - Argiêvanitzê xác nhận.
Sự trâng tráo của viên trợ tế trước kia khiến cha Iôram không nói nổi nữa. Còn viên trợ tế nói tiếp:
- Thưa ông cán bộ điều tra, xin ông hỏi tên vu khống này xem khoảng thời gian giữa lúc tôi rời bỏ nhà thờ và lúc mất cây thánh giá này là bao lâu?
Cán bộ điều tra hỏi linh mục:
- Ông phát hiện ra việc mất cắp vào bao giờ?
- Khoảng một năm sau... Thì tôi chỉ lấy cây thánh giá ra khỏi tủ sắt vào ngày lễ Đức Mẹ thôi mà... Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì! Y có thể đánh cắp cây thánh giá từ trước đó nữa kia!
- Bây giờ xin ông hãy hỏi: lão để chìa khóa tủ sắt ở đâu?
Cán bộ điều tra nhắc lại câu hỏi.
- Ở đây này! - Cha Iôram sờ vào sợi dây chuyền đeo ở cổ.
Cán bộ điều tra ghi: “Chìa khóa tủ sắt luôn luôn đeo ở cổ khổ chủ”.
Và đặt câu hỏi khác:
- Ông phát hiện ra tủ sắt trong tình trạng như thế nào? Nghĩa là tủ đóng hay bị phá?
- Đóng...
- Và chính tay ông mở tủ chứ?
- Chính tay tôi...
- Ông có bao giờ cho Argiêvanitzê mượn khóa không?
- Không bao giờ. - Cha Iôram trả lời và hiểu rằng thế là mọi việc chấm dứt.
- Hãy nghĩ cho kỹ những điều cha nói, cha ạ... Có lẽ cha không được khỏe chăng? Nếu vậy ta hãy hoãn cuộc trao đổi giữa chúng ta. - Cán bộ điều tra bắt đầu thương linh mục.
- Không đời nào! - Argiêvanitzê chồm lên.
- Cha hãy cho biết, - Cán bộ điều tra tiếp tục làm việc. - có lúc nào cha rời chìa khóa ra không?
Cha Iôram chỉ lắc đầu: ngay cả lúc tắm, ông cũng không tháo khỏi cổ sợi dây chuyền đeo chìa khóa.
- Liệu có kẻ nào có thể đánh cắp chìa khóa của cha để in khuôn không?
Cha Iôram không cho rằng khả năng đó bị loại trừ. Nhưng ông không tin chắc, vì thế ông thấy không trả lời là hơn. Lần cuối cùng, ông thử kêu gọi lương tâm của Argiêvanitzê:
- Thú nhận đi, tên bán Chúa, nếu như ngươi còn một giọt danh dự: ngươi bán cây thánh giá cho ai và lấy bao nhiêu tiền?!
- Tên bán Chúa đang nói với tôi đấy! - Viên trợ tế trước kia quặc lại.
- Tiền đâu mà ngươi dựng nhà ở Gônđani? Mái nhà thờ vỡ hai viên ngói mà ta còn không thay nổi, vậy nhà ngươi...
- Nhà là của bố vợ ta. Còn về nhà thờ thì ta lấy làm lạ rằng nó vẫn còn nguyên vẹn, tuy nó ở trong tay tên kẻ cướp như ngươi!
Linh mục tím mặt lại. Cán bộ điều tra nạt Argiêvanitzê:
- Thêm một câu đối đáp như thế nữa là ta... - Ông ta không nghĩ ra được là còn có thể làm gì nữa với một người bị bắt vì tình nghi là ăn cắp, vì thế ông ta chỉ ngọ nguậy một ngón tay ra ý cảnh cáo.
- Nhưng chính ông đã kiểm tra giấy tờ về ngôi nhà đó kia mà? - Argiêvanitzê hỏi.
Cán bộ điều tra gật đầu.
- Thế thì ông hăm dọa tôi làm gì? Đáng lẽ bảo vệ người ngay thì ông lại bênh kẻ thờ cúng ư?!
Cán bộ điều tra bối rối.
- Thế còn ô tô? - Cha Iôram chen lời.
- Ông Kanđêlaki! - Cán bộ điều tra nói với linh mục. - Cuộc điều tra đã nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến vụ này... Vì vậy, ông hãy đi vào bản chất sự việc.
- Câu hỏi về ô tô mà không liên can đến sự việc ư? - Linh mục buồn nản.
- Điều tra là điều tra về việc mất cắp cây thánh giá, còn ô tô không dính líu gì đến đây, nhất là nó lại thuộc quyền sở hữu của anh vợ ông Argiêvanitzê.
- Tôi không còn gì để hỏi nữa! - Cha Iôram thờ dài và dốc ngược lọ valiđôn.
- Còn ông có hỏi gì không? - Cán bộ điều tra hỏi Argiêvanitzê.
- Hỏi ư? - Argiêvanitzê đứng lên. - Tôi, người đã tự nguyện đoạn tuyệt với tôn giáo và là ủy viên đoàn chủ tịch Hội vô thần, có chân dung treo trên bảng danh dự ở trụ sở Hội, tôi kiên quyết và chính thức đòi: thứ nhất, lập tức qui trách nhiệm nghiêm khắc cho tên ngu dân này về tội vu khống thâm độc và trừng phạt y một cách đích đáng. Thứ hai, tôi là nạn nhân của sự lộng quyền và vu khống, phải trả lại tự do cho tôi ngay lập tức. Thứ ba, tên tội phạm Kanđêlaki phải bồi thường thiệt hại cho tôi vì công việc của tôi bị đình trệ! Xin hết! - Argiêvanitzê lau bọt mép sùi trên đôi môi và ngồi xuống.
- Quy trách nhiệm gì cho ai là do tòa quyết định, tôi không hỏi ông điều ấy! Hãy hỏi ông Kanđêlaki đây này, nếu ông có điều muốn hỏi!
- Xin vâng! - Argiêvanitzê lại đứng lên. - Tôi hỏi tên phản đạo Cơ đốc và ngu dốt này: y giấu đi đâu món tài sản của nhân dân Gruzya, di vật có một không hai, cây thánh giá của quận chúa Guranđuctơ?!
Cán bộ điều tra nhìn linh mục bằng cái nhìn dò hỏi.
Bỗng nhiên trong trí nhớ của cha Iôram hiện lên một cảnh tượng từ thời trẻ tuổi xa xăm...
... Ông đi toa xe điện số mười đến sân vận động. Đến chợ Đêzectia, có kẻ nào móc túi ông, Iôram chộp lấy tay tên kẻ cắp, nhưng chưa kịp thốt lên lấy một lời thì tên kẻ cắp giáng cho ông cái tát vang giòn và gào to:
- Anh không biết xấu hổ sao, anh bạn trẻ?! Nom anh có vẻ là một thanh niên có văn hóa, cao quý, hẳn là con nhà tử tế! Vậy mà lại móc túi tôi?! Nhục nhã!...
Cả toa đổ xô tới chỗ Iôram, trách móc và dọa nạt. Ông không còn cách nào khác, đành nhảy xuống xe lúc xe đang chạy.
Nhớ đến chuyện ấy, cha Iôram cảm thấy hai má nóng bừng và mắt ông ứa lệ.
- Cha có nói gì không, thưa cha? - Cán bộ điều tra hỏi.
Cha Iôram trườn xuống giường và chân không giày, chỉ mặc đồ lót, khập khiễng đi sang phòng khác. Ở đây, cha lấy trên tường con dao găm lớn của tổ tiên để lại, làm dấu chữ thập, rút dao khỏi bao, hai tay nâng cao con dao trên đầu, và như người điên xộc vào căn phòng nơi người cán bộ điều tra và Argiêvanitzê ngồi.
- Mi chết đi, quỷ xa tăng! - Linh mục thét và ra sức đâm dao xuống đầu Argiêvanitzê. Viên trợ tế trước kia đã kịp ngả người né tránh, còn con dao găm rít lên xé không khí, xẻ đôi lưng chiếc ghế dựa.
Cha Iôram ném con dao găm đi.
- Các người ra khỏi đây đi! - Cha nói bằng giọng âm âm ghê rợn, ngã xuống sàn và òa khóc nức nở.
... Cán bộ điều tra hiểu rằng không thể nào tiếp tục hỏi cung và lập biên bản được nữa. Ông ta hoặc phải lập tức rời khỏi đây, hoặc là trong căn phòng là liệt ánh thánh này có thể xảy ra đổ máu. Người cán bộ điều tra hiểu điều đó, vì thế cùng với kẻ bị tình nghi, ông ta vội vã rời khỏi căn nhà của cha bề trên nhà thờ Ba ngôi Ortatsala bị mất cắp...
*
*    *
Lần nhồi máu tim thứ hai mà kết quả là cha Iôram hiện giờ nằm cạnh Batsana, xảy ra cách đây không lâu, hai tháng trước, trong nhà một cán bộ nhiều người biết tiếng, cha được mời đến đọc kinh cầu siêu cho bố vợ của chủ nhà vừa qua đời, tất nhiên là vào ban đêm, đến lén lút.
Cha Iôram thậm chí chưa kịp đến tận quan tài thì đột quỵ khi vừa bước qua ngưỡng cửa: cha thấy trên ngực bà chủ, giữa cổ áo xẻ rộng... cây  thánh giá của Guranđúctơ - em gái vua Văctang Gorgavan!
... Tỉnh lại trong xe “cấp cứu” thay cho cây thập tự ao ước, cha thấy một chữ thập đỏ cực to trên cái hòm y tế màu trắng, rồi sau đó, suốt dọc đường đến bệnh viện, thay cho mùi trầm quen thuộc thân thiết, cha cảm thấy mùi nước ammôniăc lộn mửa và mùi long não.
Cha Iôram đã thấm bài học kinh nghiệm cay đắng của trận nhồi máu tim lần đầu, lần này không thốt lên lời nào về nguyên nhân bệnh. Ông khước từ pháp lý, quyết định phó mặc số phận cho đấng tối cao. Ông tin rằng sớm muộn kẻ phạm tội sẽ bị Chúa trừng phạt.
Chỉ có một điều giày vò cha Iôram: tại sao Chúa lại chọn đích là cha, chứ không ai khác, để thử thách? Tại sao chính cha, chứ không ai khác, phải chịu những giày vò đau khổ như thế?
Cha Iôram không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi giày vò cha...
*
*    *
Batsana ngạc nhiên chăm chú quan sát cha Iôram sau chuyến viếng thăm của người khách kỳ quặc ấy, cha thay đổi đến không nhận ra được, cha gần như không chuyện trò gì nữa. Đấy là chứng thờ ơ, ưu uất hay sợ hãi, chẳng những Batsana, mà ngay chính cha Iôram cũng không rõ. Nhưng dĩ nhiên, một phép màu độc đáo đã diễn ra: linh mục quên hẳn cả địa chỉ ngôi nhà nọ, cả họ của chủ nhà. Ông quên hẳn, như thể người khách không có diện mạo đã dùng dao khoét đi một góc trong trí nhớ của ông, mọi lưu giữ những ký ức về cái đêm khủng khiếp nọ.
Câu chuyện thật về lai lịch bệnh của mình, cha Iôram thổ lộ với Batsana một tuần trước khi ra viện. Nhưng mặc dù Batsana đã dùng hết mọi cách, cố nài nỉ, thuyết phục cha Iôram nói tên người đàn bà có cây thánh giá, ông vẫn không lay chuyển được cha Iôram: cha dứt khoát không chịu trả lời...
*
*    *
Dịch cúm hoành hành ở Tbilixi. Trong bệnh viện đã tuyên bố hai mươi ngày cách ly. Theo chỉ thị của giáo sư, không được cho ngay cả những người họ hàng thân thuộc vào thăm bệnh nhân, chứ đừng nói gì đến những người tình cờ ghé thăm. Ở các hành lang, nhân viên bệnh viện đeo khẩu trang đi lại như những bóng ma. Mỗi ngày giáo sư thân hành đến các phòng bệnh ba lần. Bệnh viện giống như một pháo đài bị bao vây mà ngay cả một con chim cũng không bay lọt vào được. Cho nên Batsana ngạc nhiên vô hạn khi một buổi sáng, cửa phòng bệnh bật mở và trên ngưỡng cửa hiện ra người bạn thời thơ ấu của ông với nụ cười rộng đến mang tai: Văctang Ambôkatzê.
- Vahô! - Batsana nhổm dậy trên giường.
- Chào ông chủ tịch của những thằng ngố, Batsana thân mến!
Ambôkatzê đặt lên cái bàn chung một gói lớn, tới gần giường Batsana, giang hai tay hộ pháp ôm lấy ông, rồi thận trọng đặt ông nằm xuống gối và ra lệnh dứt khoát:
- Nằm không được động đậy! Giáo sư bảo cậu không được cử động! Chào ông! - Anh ta quay về phía Iôram.
- Chúc ông khỏe mạnh! - Linh mục đáp lại.
- Cậu làm cách nào lọt được vào đây? - Batsana không tin mắt mình.
- Tưởng gì! Thiên hạ người ta còn lọt được vào các nhà băng và lấy tiền đem ra nữa là! Lọt vào phòng bệnh gặp cậu thì có gì ghê gớm! - Ambôkatzê nhếch mép cười.
- Cậu ở đâu ra vậy? - Batsana tiếp tục căn vặn bạn.
Ambôkatzê đưa mắt về phía cha Iôram.
- À, xin giới thiệu, - Batsana sực nhớ ra, - đây là người bạn cũ của tôi, Văctang Ambôkatzê, còn đây là người bạn cùng phòng bệnh với tôi, cha bề trên của nhà thờ Ba Ngôi Ortatsala, cha Iôram Kanđêli.
- Ô-hô, vậy ra cả các cha đạo cũng bị nhồi máu tim à? Đích thân Chúa trời che chở cho các vị kia mà? - Ambôkatzê cười toác miệng và siết chặt tay cha Iôram.
- Nào, ngồi xuống, kẻ chuyện đi! Trận gió nào đã cuốn cậu đến đây thế? Làm sao cậu lại nhớ đến mình?
Ambôkatzê đặt chiếc ghế ở đầu giường Batsana, nhìn ông một lát, lắc đầu rồi đáp:
- Đại loại là thế này... Mình đến gặp anh em. Chúng nó bảo: “Batsô định đi xa...”.
- Cái gì? - Batsana không hiểu.
- Định chết, chúng nó bảo. “Chết là thế nào?”, - mình hỏi. “Là thế này, - chúng nó trả lời, - bị nhồi máu toàn bộ, khoanh tay trước ngực và sắp chết!” - “Không có lý! - mình nói. - Thằng xỏ lá thế, nó nói láo toét hết, nó giả vờ đấy! Nó không dám chết mà không từ biệt mình đâu!”. Thế là mình đến cậu. Mankhax đi cùng với mình, nhưng không được vào, hiện đang đứng ngoài đường.
- Làm thế nào mà cậu được người ta cho vào?
- Mình đến thẳng chỗ giáo sư. “Kính thưa giáo sư, - mình nói, - xin cho tôi đến gặp Ramisvili, mười lăm năm nay tôi không gặp anh ấy!” - “Thế ông là ai?” - giáo sư hỏi... “Chẳng là ai cả, - tôi nói... chỉ là một con người thôi!” - “Nếu chỉ là một con người thôi thì đến với ông ấy đi, tôi cho phép!”. Cừ lắm! Cả đời mình chưa từng gặp vị giáo sư nào tốt như thế!
- Nói dối! Cậu còn nói nhăng nói cuội gì với giáo sư nữa?
- Nói gì, nói gì! Mình bảo rằng mình là đứa côi cút bất hạnh...
- Cậu là thằng bịp bợm! - Batsana phá lên cười.
- Đồng ý... Này, nói đi, sức khỏe cậu thế nào? Tim ra sao?
- Dường như nó đã trèo được lên...
- Vậy là chúng ta cùng leo lên được rồi... Này, giáo sư cho mình có ba phút thôi... Thuốc đây này... - Ambôkatzê lấy cái gói trên bàn.
- Khoan, còn thuốc men làm quái gì!... - Batsana ngắt lời. - Mình cho thêm cậu ba phút thuộc phần của mình. Kể đi, lâu nay cậu ở đâu, làm gì, đến đây có lâu không, định làm gì? Có cần mình giúp gì không?
- Mình chẳng cần gì cả, ngoài sức khỏe và hạnh phúc của cậu!... Trên đời không có người nào có thể giúp Văctang Ambôkatzê...
- Thôi được, cứ ngồi đây một lát, cho mình nhìn cậu nào!...
- Cứ nhìn đi, bạn thân mến, nhưng nếu giáo sư đến thì cậu sẽ thanh minh với giáo sư nhé! - Ambôkatzê giao hẹn trước.
- Được! - Batsana đồng ý.
- Vậy thì... Việc ấy cậu vẫn nhớ chứ?... - Ambôkatzê lại liếc nhìn cha Iôram.
- Cứ nói đi, nói đi, cha đây là người thân ấy mà! - Batsana mỉm cười.
- Ừ... Vậy là cậu vẫn nhớ sự việc xảy ra hồi mình đào đường hầm ở núi Lôtkinxkaia. [Một vùng ở Tbilixi].
Batsana gật đầu.
- Đấy là nơi nào vậy? - Cha Iôram hỏi bằng giọng ngạc nhiên. Cha sinh trưởng ở Tbilixi, nhưng chưa bao giờ nghe nói đến đường hầm như thế.
- Từ nhà thờ của cha không nhìn thấy được, thưa cha! - Ambôkatzê giải thích và nói tiếp:
- Công việc ấy đem lại phần thưởng từ sáu đến mười hai ngàn. Bởi vì bọn mình có hai người - mình và Bagiatgiơgan, mỗi đứa được sáu ngàn kèm theo giấy đi đường về Arkhanghenxk... Mình ở đấy bốn năm. Cậu biết đấy, mình không thể sống không có công việc gì: Mình đã đốn một nửa rừng Taiga, góp phần to lớn cho công việc gia công gỗ! Rồi mình tham gia chạy maratông. Có mười người chạy. Từ Arkhanghenxk đến tận Karaganda...
- Chạy bộ à? - Cha Iôram ngạc nhiên.
- Khi thì chạy bộ, khi thì đi xe lửa...
- Dù sao các ông cũng giỏi lắm! - Linh mục khen.
- Chúng tôi trở về bằng các toa xe Xtôlưpin. Chỉ có ba người đến đích. Về thành tích này mỗi người được thưởng hai ngàn. Sáu và hai là tám... Rồi mình chuyển về Matxcơva. Ở đấy, mình được coi là một chuyên gia xuất sắc về đường hầm, các bạn mời mình làm một việc lớn. Mình đào một đường hầm đặc sắc, nhưng xong đến nơi thì nó đổ sụp... Ba người chết. Riêng mình còn sống, vì thế tất cả phần thưởng - bảy ngàn - mình được hưởng. Và giấy đi đường về Xverdlôpka... Bảy và tám trước đó là mười lăm. Đúng không?
- Đúng! - Batsana đồng ý.
- Bây giờ mình ở Tbilixi. Đến được ba ngày rồi. Hiện giờ mình chưa có việc làm nhưng nghe nói ở đây khối việc cho mình làm... Còn mình nghĩ thế này: Có nên về hưu không? Thây kệ mọi sự đời, cần nghỉ ngơi... Thế nào? Mình mệt mỏi, người anh em ạ, mệt mỏi rồi... - Ambôkatzê thở dài nặng nề.
- Cậu nghĩ ra điều đó không còn gì hay hơn được nữa! - Batsana mừng rỡ. - Phải rồi, về hưu đi! Quyết định đi! Mình sẽ làm tất cả những gì cậu muốn! Có phải xuống mồ mình cũng cam lòng, miễn là cậu quyết đi! Mình van cậu đấy! Cậu không có nhà ở ư? Ở nhà mình! Vahô, bạn thân mến, hãy hứa là bạn sẽ về hưu! - Tiếng Batsana run lên.
- Ơ kìa ông Batsana Akakiêvits, ông ấy về hưu là thế nào! Người khỏe hơn cả con bò giống thế kia kìa! - Cha Iôram kêu lên.
- Nghề của tôi quá gian nan, cha ạ! - Ambôkatzê mỉm cười cay đắng. - Ba mươi trong số bốn mươi nhăm năm của đời tôi, tôi ở trong nhà kín hay ngầm dưới đất.
- Đã đành, - Linh mục đồng ý, - xây dựng đường hầm là việc vất vả, nhưng cao quý!
- Hẳn cha không ưng, chứ không thì tôi sẵn lòng đổi nghề với cha! - Ambôkatzê nhếch mép cười.
- Vahô, cậu nói điều đó lần thứ hai rồi! - Batsana nhắc nhở.
- Bây giờ thì thế là hết! Mình mệt mỏi rồi! Mình muốn, như Ietim Gurgi đã nói, chết ở Tbilixi thân thương! Cậu nhớ chứ.
Tbilixi thành phố thân thương
Đứa con hư vẫn như xưa gắn bó cùng Người.
- Cẩn thận đấy, Văctang, lời nói là lời nói!
- Đúng, Batsô, lời nói là lời nói! - Ambôkatzê đứng lên - Thuốc đây! - Anh ta giở cái gói và trút xuống giường một đống thuốc tiêm, thuốc viên và thuốc bột. - Đây là atêrôit, đây là intênxait, đây là panangin, đây là korđarôn, penitrat, perxartin, đây là eranđin, punxnorma, xuxtăc, còn đây là thuốc cho người điên: valium!
- Vahô, cậu hóa rồ rồi! Ở đâu ra những thuốc như thế này? - Batsana ngạc nhiên há hốc mồm.
- Nghe thấy không, thưa cha? Suốt đời cứ như thế! Người ta chỉ làm có mỗi một việc là hỏi tôi các câu ngớ ngẩn ấy: ở đâu ra, ở đâu ra! Có ma quỷ biết được ở đâu ra! Nhận lấy, có thế thôi!
- Phải, nhưng đây là những thuốc đắt tiền... Rất đắt! - Batsana trầm ngâm thốt lên và bắt đầu trân trọng xem từng thứ thuốc bột và ống thuốc tiêm, như thể trước mắt ông là một kho báu.
- Chuyện đó mặc cho kẻ nào trả tiền thuốc nghĩ đến, cậu bận tâm làm quái gì?
Ambôkatzê đùa, đánh trống lảng.
- Cha cũng bị nhồi máu tim ư? - Anh ta hỏi linh mục.
- Nhồi máu và tất cả các bệnh khác trên đời! - Cha Iôram thở dài.
- Nếu vậy, một khi hai người cùng ở một phòng bệnh và cùng ăn với nhau thì kính thưa cha, một nửa tài sản này là của cha. Luật lệ là luật lệ!... Thôi, tôi đi đây, thời gian của tôi hết rồi! Còn bệnh cúm của cậu thì mình cóc sợ!
Ambôkatzê ôm Batsana và ghì chặt vào ngực mình.
- Từ biệt cha! - Anh ta nói với cha Iôram và đi nhanh ra cửa.
Đến cửa, anh ta quay lại và chăm chú nhìn Batsana bằng đôi mắt đẹp tuyệt trần và buồn rầu. - Này, Batsô, đừng có ý định chết đấy nhé!
Ambôkatzê phá lên cười và đóng sập cửa lại.
- Người tín đồ cơ đốc cao quý ấy làm nghề gì vậy, thưa ông Batsana? Tôi thậm chí chưa kịp cảm ơn ông ta! - Cha Iôram hỏi.
- Ăn cắp, thưa cha! Kẻ cắp chuyên nghiệp! - Batsana đáp và nuốt nước mắt ứa lên.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét