Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 17

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 17

Khi Batsana vào buồng toa xe, ở đó đã có hai hành khách đang mê mải chuyện trò với nhau. Một trong hai người rõ ràng là người vùng quê, người kia là người thành thị. Batsana chào hỏi họ, quẳng cái túi vào ngăn hành lý, ngồi xuống và chúi mũi vào tờ báo.
Người nhà quê nói to:
- Không, thưa ông Rôlanđơ, chúng tôi không thích người cầm súng và người mẹ khóc lóc! Chúng tôi cần một hình tượng gì sao cho con người dẫu tim bằng đá đi nữa cũng phải khóc khi nhìn tượng đài.
- Nếu vậy thì hãy đi tìm Lêônacđô đa Vanhxi hay Mikêlănggiêlô, thưa ông Khuta! - Người trẻ tuổi đáp.
- Người dựng tượng đài “Những anh hùng còn đang lớn lên” ở Macnêuli hoàn toàn không phải là Mikêlănggiêlô! Vậy mà tượng đài ấy như thế nào, hả? Khi tôi nhìn thấy hai đứa trẻ trần truồng với thanh gươm khổng lồ trong tay, xin hãy tin tôi, tôi giàn giụa nước mắt! Hãy làm cho chúng tôi một cái gì tương tự như thế, và anh sẽ trở thành Lêônacđô đa Vanhxi của chúng tôi!
- Tôi không biết... Ông đã xem bản phác thảo của tôi, và hình như ông cũng thích bản phác thảo đó, phải không? - Người trẻ tuổi nói với giọng bực bội.
- Phải, tôi đã tán thành bản phác thảo đó trong Hội đồng nghệ thuật, bởi vì cho đến khi ấy, anh vẫn hứa sửa lại nó. Không thế thì chúng tôi đã chẳng trả tiền cho anh... Nói lời phải giữ lấy lời!... Còn súng và nước mắt thì chúng tôi không cần!...
- Những quả chuông trên đám cây khô héo, cái đó không cần! Chàng trai trần trùng trục cưỡi con sư tử, cái đó không cần! Người lính giậm ủng đè bẹp con rắn, cái đó không cần! Vậy thì xét cho cùng, các ông cần cái gì kia chứ? - Rôlanđơ giơ hai tay lên. - Làm thế nào tôi có thể triển khai đề tài chiến tranh giữ nước và các chiến sĩ tử trận được?!
- Trong thời kì chiến tranh, anh bao nhiêu tuổi? - Khuta hỏi.
- Chẳng có tuổi nào cả! Hồi ấy chưa có tôi trên đời. - Rôlanđơ đáp.
- Vậy anh miêu tả điều đó đi!
- Cái gì? - Rôlanđơ không hiểu.
- Miêu tả chính cái điều ấy: nói chung anh không biết thế nào là chiến tranh!
- Thế là thế nào?
- Còn thế nào nữa!... Mới đây, thằng bé Khuta cháu tôi tìm thấy ở đâu không rõ chiếc mũ cát chiến trận của tôi và bậy vào đấy... anh hiểu không... tóm lại là nó đi tiểu vào đấy, thằng chó đẻ! Thoạt đầu tôi kéo tai nó, rồi tôi đâm ra xấu hổ... Hãy tin tôi, suốt đêm tôi không ngủ!...
- Này ông ạ, trên đời không có những tượng đài như thế... Nói chung, đã có bao giờ một người làm tượng đến gặp ông và dạy cho ông trồng ngô không?!
- Chưa từng có trường hợp nào như thế, nhưng nếu có nhà làm tượng hiểu rõ việc trồng ngô thì tại sao lại không học tập người đó nhỉ?... Thế ý kiến ông thế nào, thưa ông? - Khuta bỗng nói với Batsana.
Batsana đặt tờ báo xuống.
- Xin lỗi, tôi không biết các ông nói chuyện gì. - Batsana nói dối. Ông hiểu rằng hai bên tranh cãi không bên nào chịu từ bỏ lập trường của mình, vì thế ông quyết định không xen vào.
- Số là... - Rôlanđơ lên tiếng. - Tôi được họ đặt làm... tức là nông trang đặt làm... Nông trang xã Xakixiao... Còn ông Khuta Sêlya kính mến đây là chủ tịch nông trang... Tôi phải sáng tác một đài kỉ niệm về đề tài chiến tranh giữ nước vĩ đại... Bây giờ, khi công việc đã bắt đầu và tiền đã tiêu hết, họ lại đòi một phương án mới! Vậy làm thế nào? Bằng cách nào mới được chứ? Với số tiền họ cấp thì không thể sáng tác cái gì khá hơn được! Họ cứ cấp tiền đi, tôi sẽ xây cho họ tháp Effen! Xét cho cùng tất cả đều trông vào đồng tiền! Vì tiền, Lêônacđô đa Vanhxi đã làm việc với Xêza Coriya, kẻ bẩn thỉu nhất thế gian, kẻ mà ngay cả mẹ và em gái mình hắn cũng...
- Thôi! Không được nói một lời nào nữa! - Khuta đập tay xuống chiếc bàn con.
- Sao thế? - Ngạc nhiên, Rôlanđơ hỏi.
- Không được nói những lời như thế! - Sêlya đáp, giọng đã bình tĩnh hơn.
- Những lời như thế nào?
- Như thế!... Bàn về chiến tranh giữ nước thì dù chỉ nghĩ đến những điều bẩn thỉu và đê hèn cũng không được nữa kia, chứ đừng nói tới chuyện phát biểu thành lời!
- Nào tôi có nói điều gì như thê đâu? - Rôlanđơ đỏ mặt.
- Tôi không thể nhắc lại những lời đó và tôi khuyên cậu chớ nên nhắc lại! - Khuta rút một điếu thuốc lá và châm lửa hút.
- Xin thứ lỗi! - Rôlanđơ đứng lên và ra khỏi buồng toa xe.
- Thưa đồng chí Khuta. - Batsana nói với ông chủ tịch. - Quả là anh ta chẳng làm thế nào được, nếu như tiền đài thọ cho đài kỉ niệm quá ít.
- Xin cho biết tính danh, thưa ông?
- Batsana Ramisvili.
- Vậy thì, kính thưa ông Batsana, thế nào là không đủ tiền? Chúng tôi không đòi hỏi anh ta làm một công trình khổng lồ... Chúng tôi muốn có một đài kỉ niệm dù là nhỏ thôi, nhưng có ý nghĩa... Nhỏ, nhưng thật có giá trị...
- Nếu anh ta không làm được thì sao? Hãy đặt một người khác! - Batsana khuyên.
- Có thể thế được ư? Tôi sẽ nói thế nào với nhân dân? Tiền thì đã chi hết rồi?... Bây giờ tôi đưa anh ta về xã, mặc anh ta tùy cơ định liệu! Tôi sẽ bắt anh ta làm đúng ý muốn của chúng tôi! Mà không, tôi sẽ lôi anh ta ra khu trồng chè và anh ta sẽ ngoan ngoãn làm việc cho nông trang cho đến bao giờ trừ hết số tiền anh ta đã lĩnh! Hừm, tôi đã từng gặp những tay loại đó! Mà xin nói là tôi có thể trị được cả con trai Taraxi Đaraxêlya nữa kia, cái thằng cứng đầu cứng cổ không chê được!... - Khuta Sêlya mỉm cười với câu nói của mình và mời Batsana một điều thuốc lá. Batsana lấy một điếu nhưng không hút.
- Thế ông muốn một tượng đài như thế nào? - Ông hỏi.
- Một tượng đài sao cho người ta đi qua đấy sẽ không hỏi đây là cái gì, mà chỉ dừng lại và suy nghĩ. Chúng tôi muốn có một tượng đài như thế đấy!
- Quả là một nhiệm vụ khó khăn! - Batsana mỉm cười.
- Tôi không cãi điều đó. Ông có thấy việc gì là dễ dàng không? Mới đây chúng tôi xây dựng một trại chăn nuôi! Tôi mời một họa sĩ, yêu cầu anh ta trang trí khu nhà. Ông có biết anh ta vẽ toàn là bò, lợn, dê và lợn con! “Cái gì thế này?”, - tôi hỏi anh ta. “Lần đầu tiên tôi gặp một ông chủ tịch nông trang không nhận ra đại diện các giống gia súc của mình!”, - anh ta trả lời. “Đồ chó đẻ, - tôi nói - trong trại còn thiếu súc vật hay sao mà anh còn bôi bác lên tường những con vật đó?”! - “Thế thì vẽ cái gì?” - anh ta hỏi. “Trước hết anh hãy xóa những gì anh vẽ đã, - tôi nói, - rồi sau chúng tôi sẽ quyết định nên làm thế nào!”.
- Thế sau đó thì sao?
- Chẳng sao cả. Tôi ra lệnh cho anh ta vẽ trẻ em, những cô bé và cậu bé trần truồng, tay cầm cốc. Một đồng cỏ xanh tươi. Hoa. Thật nhiều hoa đủ màu rực rỡ. Trên đồng cỏ có một con bò cái. Trẻ em cầm cốc đòi bò cho chúng sữa. Có thế thôi.
- Thế con bò nói sao? - Batsana vừa cười vừa hỏi.
- Hãy đem cỏ đến cho ta, ta sẽ đem sữa, con bò nói như thế! - Khuta cũng cười, trả lời. - Kết quả là được bức vẽ tuyệt vời! Ông biết không, đôi khi tôi đến chỉ cốt để ngắm bức vẽ đó. Cái thằng cha ấy nó biết vẽ đấy, đồ chó đẻ! Việc gì phải viện đến Lêônacđô đa Vanhxi!... Anh cứ vẽ theo ý anh, nhưng vẽ cái chúng tôi muốn! Tôi nói đúng không, thưa ông Batsana?
- Chắc là đúng... Nhưng ông nên đồng ý rằng họa sĩ có thể có những lý do riêng... Nghệ thuật là một việc phức tạp...
- Thì chính là nói về cái đó, về nghệ thuật... Nếu không thì vẽ con bò cái cố nhiên là việc dễ nhất trần đời! Cái đó tôi đã học được từ lớp hai, do Antôn Gugunav dạy. Chúng tôi có một ông thày dạy vẽ như thế... Chính ông ấy đã vẽ những con bò hệt như thật, đến nỗi tự dưng cứ muốn vắt sữa chúng... Còn tay này... Rôlanđơ... Anh ta cứ khăng khăng đòi... người cầm súng! Nếu tôi muốn người cầm súng, tôi sẽ đặt một người đàn ông bằng xương bằng thịt và trao vào tay anh ta khẩu súng thực! Trong xã thiếu gì kẻ vô công rồi nghề! - Khuta phả khói thuốc, Batsana cũng châm thuốc hút.
Có lẽ Rôlanđơ đã chán đứng ở hành lang, hoặc cơn bực tức đã qua đi, anh vào buồng toa xe và lẳng lặng ngồi chỗ của mình.
- Sao thế, con, phật ý à? Thì ta có nói gì tàn tệ với anh đâu? - Khuta đưa bàn tay chai sạn xoa đầu Rôlanđơ và tiếp tục nói với Batsana. - Thanh niên của chúng ta thích sống nhờ vào mọi cái có sẵn! Con trai tôi, sau khi học xong phổ thông, nó lấy một người đàn bà hai con! Ngay cả trong việc đó, nó cũng không muốn tự mình lao động!... Ông có mấy con, thưa ông Batsana?
- Tôi chưa có vợ.
- Ồ - ồ, điều đó không thể tha thứ được, thưa ông Batsana!
- Thế còn ông?
- Có mỗi một mống, chính là thằng mà tôi vừa nói đến. Nhưng tôi không có lỗi. Vợ tôi mất sớm, tội nghiệp bà ấy. Ở mặt trận về, tôi không gặp bà ấy nữa... Còn thằng ấy, thằng con tôi... Nó là một gã trai không đến nỗi tồi, nhưng trong vấn đề này, nó không tán thành ý kiến tôi. Tôi bảo nó: “Hai đứa này là con mày, mà lại không phải đích thị là con của mày, hãy làm lấy ít nhất một đứa con của mình! Súc vật nó cũng khá hơn mày! Xem đấy, con dê cái nhà ta đẻ sinh ba kia kìa!”. - Nó trả lời: “Nhưng dê ít phải lo toan: nó chỉ ăn cỏ, còn áo quần hoàn toàn không cần đến, con nó đẻ ra đã có sẵn cả ủng và áo da. Còn con, làm thế nào con lo liệu nổi áo quần giầy dép cho lũ trẻ, khi mà một chiếc quần bò, bọn đầu cơ bán không dưới hai trăm rúp!”.
- Nói đúng đấy! - Rôlanđơ xen vào câu chuyện.
- Thế bản thân anh có mấy con, hỡi người bào chữa kia! - Khuta quay về phía anh ta.
- Thưa ông Khuta, tôi ba mươi tuổi, có ba con, vợ tôi sắp sinh đứa thứ tư! - Rôlanđơ đáp, vẻ hí hửng và quay về phía cửa sổ.
- Cừ lắm! - Khuta vỗ tay. - Cái đó thì tôi hiểu! Người bố anh hùng! Tôi có làm anh mếch lòng đôi chút, xin thứ lỗi!
- Có gì đâu... - Rôlanđơ phảy tay.
- Thứ lỗi cho ta, con ạ, xin thứ lỗi! - Khuta nhắc lại.
- Ồ, ông thật là... - Rôlanđơ bối rối, và để thay đổi câu chuyện, anh hỏi Batsana: - Ông đi đâu, thưa ông Batsana?
- Về Xukhumi, đi công tác.
- Ông thật may mắn... Ông sẽ được tắm biển.
Batsana mỉm cười gật đầu.
- Thế còn công việc của chúng ta thì thế nào, Rôlanđơ thân mến? - Khuta khởi sự.
- Công việc gì kia? - Anh chàng vờ làm vẻ ngạc nhiên.
- Tượng đài ấy mà.
- Tôi đã giải quyết xong rồi, xong rồi, thưa ông Khuta! Có điều, giải quyết theo ý tôi, chứ không phải theo ý ông! - Rolanđơ nói bằng giọng giận dữ và lại quay về phía cửa sổ.
- Nghĩa là thế nào kia? - Khuta chột dạ.
- Thế này nhé! Một người lính ở tư thế đứng! Đội mũ cát và tay cầm súng! Một thiếu phụ trẻ, đã làm mẹ, áp sát vào anh ta! Thiếu phụ đi chân đất! Xung quanh nàng là bốn đứa trẻ trần truồng, sợ hãi! Thế đấy! - Mặt đỏ tía tai, Rôlanđơ đặt lên bàn hai nắm tay xiết chặt, như chuẩn bị đánh nhau.
- Thì trước đây tôi gì với anh nào?! - Khuta mừng rỡ, bật dậy và hôn vào trán Rôlanđơ. - Tôi đã nói rồi mà, thưa ông Batsana! Thanh niên của chúng ta lười suy nghĩ! Họ muốn sống bằng mọi cái có sẵn! Chỉ cần động não một chút là họ có thể lật núi lấp biển! Ông thấy rõ rồi chứ?
*
*    *
Đang đi công tác, Batsana được khẩn cấp triệu về vì tình hình của tòa soạn.
Cán bộ chỉ đạo của Ủy ban trung ương đảng gọi điện về khách sạn:
- Tôi truyền đạt lại chỉ thị của đồng chí bí thư! Mười giờ sáng mai, đồng chí phải đến gặp đồng chí bí thư!
- Về vấn đề gì? - Batsana hỏi, nhưng trong ống điện thoại đã nổi lên những tiếng tu tu liên tục.
Cuộc trao đổi với đồng chí bí thư Trung ương đảng ngắn ngủi thôi. Thực ra, thậm chí không phải là trao đổi: đồng chí bí thư nói, Batsana nghe. Vả chăng, Batsana cũng chẳng biết nói gì. Thậm chí ông không thể hình dung được một tình hình tệ hại hơn; giữa thanh thiên bạch nhật, tại tòa soạn, một cán bộ của ông bị bắt quả tang ăn hối lộ!
Lúc hai giờ chiều, Batsana triệu tập cuộc họp đảng khẩn cấp. Ngoài các ủy viên biên tập và các cán bộ tòa soạn, tại cuộc họp có mặt một cán bộ chỉ đạo của Ủy ban trung ương và một cán bộ Nội vụ điều tra về việc này.
Bí thư đảng ủy khai mạc cuộc họp:
- Trước khi bắt đầu thảo luận vấn đề, tôi muốn yêu cầu đồng chí Sanva Hêlaia thuật lại cho chúng ta nghe vụ hối lộ xảy ra trong hoàn cảnh nào.
Hêlaia hắng giọng, sửa lại chiếc cà vạt đen và lên tiếng:
- Hai tháng trước, phòng chúng tôi nhận được tin báo là Sôta Tsulatzê, cán bộ tòa soạn của đồng chí, tống tiền công dân Kalôian, vì có một lá thư gửi về tòa soạn tố giác Kalôian.
- Đồng chí Hêlaia, tin đó đồng chí nhận được từ hai tháng trước, vậy mà mãi bây giờ đồng chí mới cho tôi biết ư? - Sửng sốt, Batsana kêu lên.
Hêlaia ngập ngừng một chút, rồi trả lời:
- Thưa đồng chí Batsana, chúng tôi kiểm tra xem tin nhận được có xác thực không, vì thế chúng tôi quyết định chưa cho đồng chí biết, để khỏi làm đồng chí lo ngại quá sớm, mà có thể vô cớ gây lo lắng cho cả tập thể và người bị tình nghi.
- Còn bây giờ “người bị tình nghi” đó ngồi tù và cả tòa soạn bị nhục. Đồng chí cho rằng như thế tốt hơn ư? - Batsana hỏi.
- À thì... quả là như thế... Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tsulatzê bị bắt quả tang...
- Đồng chí quan tâm đến cái gì hơn, đồng chí Hêlaia, ngăn chặn việc ăn hối lộ hay bắt kẻ phạm tội? - Batsana cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh.
- Thưa đồng chí Tổng biên tập, tôi rất kính trọng đồng chí, nhưng tôi không hiểu tại sao đồng chí lại bảo vệ người cán bộ của mình đã phạm tội ăn của đút? - Hêlaia trả lời.
- Thế tôi không bảo vệ anh ấy thì ai bảo vệ? - Batsana ngạc nhiên.
- Cần bảo vệ những người vô tội!
- Dù Tsulatzê có tội thế nào đi nữa thì hành động của đồng chí vẫn không đúng!
- Thưa các đồng chí, theo tôi hiểu, các đồng chí mời tôi đến để thông báo. Nếu các đồng chí định khai trừ tôi ra khỏi đảng thay cho Tsulatzê thì xin cứ nói thẳng ra! - Hêlaia giận dỗi.
- Xin lỗi, tôi hơi nóng nảy...
Hêlaia mở cặp bìa và lấy ra một tờ giấy:
- Đây là lá thư nặc danh gửi về tòa soạn, tên người nhận là đồng chí, Batsana Akakiêvits.
- Nó đến tay đồng chí bằng cách nào?
- Tìm thấy ở anh chàng Tsulatzê bị bắt giữ. Sau khi nhận được tiền hối lộ, y phải hủy lá thư trước mặt Kalôian.
- Xin cho xem!
Batsana chìa tay ra.
- Xin mời! - Hêlaia trao lá thư.
- Xin đọc lên cho mọi người cùng nghe! - Một trong những ủy viên ban biên tập đề nghị.
Liếc nhìn tờ giấy, Batsana nhận ra ngay bức thư nặc danh và quyết định của chính mình. Lá thư ngắn ngủi, viết bằng kiều chữ in lớn. Xúc động đến cực độ, Batsana cảm thấy không thể đọc hết bức thư. Ông chuyển cho bí thư đảng ủy:
- Đồng chí đọc đi!
- “Ông tổng biên tập quý mến! - Lá thư viết. - Ở phố Urơnêli đang xảy ra những việc đen tối. Người cư trú tại nhà No-571, Gaiôzô Kônxtanôvits Kalôian (cửa hàng trưởng) và nhân tình của anh ta, cũng ở ngay tại đấy, Kxênya Gavrilôvna Vactagava (thủ quỹ cũng của cửa hàng đó), nhằm mục đích giết người có phương pháp, bằng cách đưa vào thức ăn những chất độc khác nhau với liều lượng khác nhau vào những lúc khác nhau, họ đầu độc vợ Kalôian là Lili Ghêraximôvan Amacatitzê, và hiện nay vợ Kalôin đang nằm bệnh viện do bị đầu độc.
Kính thưa ông tổng biên tập!
Những tên khủng bố phóng đãng còn dày xéo đất nước ta đến bao giờ nữa? Sự việc mờ ám này còn bị bao phủ bởi bóng tối đến bao giờ nữa? Tôi yêu cầu can thiệp gấp và mong rằng ngòi bút sắc bén của ông sẽ tố cáo những kẻ giết người đồi bại ấy!
Kính thư - Người có lòng nhân đạo”.
- Trên lá thư có ghi quyết định của Tổng biên tập không? - Vẫn thành viên đó của ban biên tập hỏi.
Bí thư đảng đọc:
- “Đồng chí S.Tsulatzê. Tôi yêu cầu chuyển lá thư này sang Bộ nội vụ. B.Ramisvili”.
Bầu không khí chợt trở nên yên lặng. Batsana cầm lấy lá thư trong tay đồng chí bí thư và trả lại cho Hêlaia.
- Tsulatzê không gửi bức thư sang Bộ Nội vụ! - Hêlaia nhấn mạnh.
Batsana không trả lời. Ông hiểu hết, ông hiểu mọi sự việc sau đó phát triển thế nào. Còn Hêlaia nói tiếp:
- Sota Tsulatzê không gửi bức thư sang Bộ Nội vụ. Chính y đến nhà Kalônian và cho Kalônian biết nội dung bức thư. Đương nhiên Kalônian phủ nhận hết. Vactagava cũng phủ nhận tất cả các sự việc nêu ra trong bức thư nặc danh. Nhưng Tsulatzê nói với họ rằng tòa soạn có nhiệm vụ phanh phui việc này, rồi ra về. Kalônian muốn tránh những chuyện rắc rối, đã đề nghị số tiền năm trăm rúp với điều kiện Tsulatzê hủy lá thư đó. Tsualatzê không thuận. Thế là Kalônian hứa đưa thêm bằng ngần ấy nữa, Tsulatzê đòi hai nghìn rúp. Khoản tiền đó rõ ràng vượt quá khả năng của Kalônian, thế là hắn gửỉ đơn lên cho chúng tôi, nói rằng một cán bộ phòng văn học của tờ báo là Tsulatzê, vì muốn tống tiền, đã đe dọa hắn và một nữ nhân viên của hắn... Một nhóm công tác đã được thành lập, Kalônian được trao hai ngàn rúp để đưa cho Tsulatzê. Số tiền đúng như gã đòi... Đồng thời chúng tôi tổ chức theo dõi Tsulatzê.
Hêlaia lấy trong cặp bìa ra một tờ giấy và nói tiếp:
- Ngày mười bảy tháng Chín, lúc ba giờ chiều, ở cổng số hai của ngôi nhà cửa hàng bách hóa “Dũng sĩ”, có cuộc gặp gỡ giữa Kalôian và Tsulatzê. Theo lời trình của Kalôian, Tsulatzê không nhận tiền, lấy cớ tuồng như Tổng biên tập bắt nghiên cứu sự việc và đăng tài liệu trên báo.
- Xin lỗi đồng chí Sanva, thế đồng chí có biết rằng lời trình của Kalôian không đúng sự thực không? - Thư ký tòa soạn hỏi.
- Không, lúc đó chúng tôi không có trong tay lá thư nặc danh có ghi quyết định của Tổng biên tập.
- Vậy ra trong suốt thời gian theo dõi vụ này, chính Tổng biên tập cũng bị nghi ngờ sao?
- Không, không một phút nào cả. Thì Tsulatzê đã nói rằng chính Tổng biên tập một mực yêu cầu điều tra sự việc.
- Theo đồng chí thì Tsulatzê cần giở thủ đoạn như thế để làm gì?
- Để đòi giá cao hơn!
Thư ký tòa soạn ngừng lời. Heelaia nói tiếp:
- Sau mười ngày, chúng tôi lặp lại thí nghiệm. Cuộc gặp mặt được ấn định ở khu vực Hồ Run, trong một ngôi nhà của viện bảo tàng nhân chủng học, ngay giữa trời. Tsulatzê lại không nhận tiền, vẫn viện lý do như trước... tuy y có hứa với Kalôian rằng sẽ cố thuyết phục Tổng biên tập gửi lá thư sang Bộ Nội vụ. Sau đó Kalôian phải tự lo liệu lấy... Ngày hai mươi bảy tháng Mười, biết Tổng biên tập đi công tác và Tsulatzê sẽ hành động mạnh dạn hơn, chúng tôi tiến hành thêm một thí nghiệm nữa. Lần này, sự mong đợi của chúng tôi thành sự thực. Mười giờ sáng, trong trụ sở tòa soạn, Tsulatzê lấy tiền của Kalôian.
- Điều đó được chứng minh rồi chứ? - Cán bộ chỉ đạo của Trung ương đảng hỏi.
- Đã được chứng minh. Đã tịch thu tiền ở Tsulatzê. Y đã thú nhận. Nhưng hôm qua, y thay đổi lời khai và nói rằng đấy là tiền y vay. - Hêlaia đóng cặp lại.
Batsana ngồi bên bàn, sửng sốt bàng hoàng, lặng ngắt.
- Thưa đồng chí Sanva, - cuối cùng ông lên tiếng. - Đồng chí nói rằng hai lần Tsulatzê từ chối không nhận tiền và đến lúc gặp Kaloian lần thứ ba mới lấy. Xin giải thích cho tôi biết, tại sao cần lặp lại thí nghiệm đó ba lần? Phải chăng không thể thừa nhận rằng anh ta đã tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình và từ bỏ ý định tội lỗi? Đồng chí không nghĩ tới điều ấy ư?
- Đồng chí không biết đặc điểm công tác chúng tôi và cố gắng giải thích sự việc bằng những lý do cao quý. Nhưng điều đó không như đồng chí tưởng... Nếu như Tsulatzê ngay từ đầu không mặc cả với Kalôian thì có lẽ chúng tôi cũng tin ở sự đứng đắn của anh ta. Rõ ràng anh ta kéo rê sự việc nhằm mục đích nâng giá!
- Nhưng Kalôian đã đem đến cho anh ta đúng số tiền quy định kia mà? Tại sao anh ta từ chối?
Hêlaia ngọ nguậy trên ghế.
- Tôi vẫn cho rằng Tsulatzê muốn đòi giá cao hơn. Vì thế chúng tôi thử anh ta ba lần.
- Tôi không biết cái mà các đồng chí gọi là thử thách nó là cái gì. Theo tôi đó là sự cám dỗ.
- Mục đích của chúng ta là diệt trừ sự phạm tội. - Hêlaia tuyên bố cả quyết.
- Tôi cho rằng mục đích của chúng ta là phát giác, chứ không phải là cám dỗ! - Batsana trả lời. - Nếu kịp thời cho tôi biết mọi chuyện, tôi sẽ đưa Tsulatzê ra khỏi cương vị công tác và sẽ ngăn chặn được sự phạm tội.
- Thưa đồng chí Batsana, chúng tôi không có thời giờ và khả năng vỗ về và mơn trớn những kẻ ăn của đút!
- Thế Kalôian thì sao?
- Vụ Kalôian do một nhóm khác nghiên cứu... Và đồng chí hẳn biết cái gì chờ đợi hắn nếu những sự việc nêu ra trong bức thư nặc danh được xác nhận.
- Cám ơn đồng chí cho biết tình hình, thưa đồng chí Savna! - Batsana đứng lên, nói.
Hêlaia từ biệt mọi người và nhanh chóng rời khỏi phòng làm việc.
- Các đồng chí có ý kiến gì không? - Bí thư đảng ủy nói với những người có mặt.
- Đồng chí cho phép? - Phó tổng biên tập giơ tay!
- Xin mời!
Phó tổng biên tập đứng lên, lật giở những tờ giấy đặt trước mặt. Rõ ràng ông ta đã chuẩn bị trước để phát biểu, tuy thế ông ta vẫn xúc động.
- Ở đây có mặt đại diện của Ủy ban Trung ương Đảng, điều đó khiến tôi, với tư cách đảng viên cộng sản, phải triệt để thành thật - Cố nhiên hôm nay chúng ta sẽ khai trừ Tsulatzê khỏi hàng ngũ Đảng, nhưng điều đó đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn nhiều, nếu như anh ta không có một người che chở và bênh vực mạnh mẽ là tổng biên tập của chúng ta... Tsulatzê bôi nhọ danh hiệu thiêng liêng của nhà báo Xô viết! Hôm nay cả tòa soạn chúng ta bị mất mặt trước dư luận xã hội! Vì thế tôi nhắc lại: toàn bộ trách nhiệm về sự việc đã xảy ra quy cả vào đồng chí Ramisvili. Chính đồng chí Ramisvili đưa bạn mình là Tsulatzê về tòa soạn, tuy anh ta không có công lao gì cả, đồng chí ấy đã bao che anh ta cho đến ngày cuối cùng, và ngay cả hôm nay, nếu các đồng chí để ý thì thấy đồng chí ấy vẫn cố bào chữa cho anh ta... Xét cho cùng thì anh chàng Tsulatzê ấy là cái gì? Một người bạn tồi, - tuy tôi không bao giờ ở trong số bạn bè của anh ta, - một người con tồi, một người anh em tồi, một người bố tồi, một nhà văn bất tài, và cái chính là kẻ ăn hối lộ!... Tsulatzê là như thế đấy! - Tôi bao giờ cũng chống lại việc đưa anh ta vào tòa soạn, và nếu tôi là tổng biên tập thì anh ta hẳn đã không đến với chúng ta... Trước đây tôi đã tuyên bố cả ở Ủy ban trung ương, cả ở Bộ Nội vụ rằng Tsulatzê là tên ăn hối lộ. Vì thế tôi không có trách nhiệm gì hết và yêu cầu quy toàn bộ trách nhiệm đó về đồng chí Ramisvili.
Phó tổng biên tập lấy trong túi ra chiếc khăn tay trắng như tuyết, lau trán và cằm đẫm mồ hôi, rồi thận trọng xốc cái quần là phẳng lì lên và ngồi xuống.
Trong lúc phó tổng biên tập nói, Batsana hình dung như thấy trước mắt những năm thời sinh viên của ông. Batsana nhớ lại ba người chơi thân với nhau như thế nào - ông, người phó của ông hiện nay, và Tsulatzê, ba người đã từng lên biểu diễn trên sân khấu sinh viên, đã tụ họp nhau trong câu lạc bộ trường đại học, đã chia nhau mẩu cuối cùng trong nhà ăn sinh viên mang tên là “tiệm ăn khoa học”, đã đi tham quan Utzô và Siômgơvimê [Những tu viện cổ ở ngoại vi Tbilixi], cả ba đã cùng mê một cô gái...
Batsana nhớ lại tất cả những điều đó và tự dưng ông muốn khóc, khóc lên cho tất cả những ai còn nhớ thời thanh xuân của ba người đều nghe thấy tiêng khóc của ông.
- Còn ai muốn phát biểu nữa? - Bí thư đảng ủy hỏi.
- Tôi xin hỏi đồng chí Ghivi một câu. - Một cán bộ phòng văn học nói.
- Hỏi gì? - Phó tổng biên tập ngạc nhiên.
- Đồng chí vừa nói rằng đồng chí biết Tsulatzê là kẻ ăn hối lộ. Đồng chí biết điều đó bao nhiêu năm rồi?
- Năm - sáu năm! - Phó tổng biên tập nói, không chút do dự.
- Thế thì tại sao năm ngoái đồng chí giới thiệu anh ta vào Đảng?
Phó tổng biên tập liếm cặp môi bỗng nhiên khô hẳn đi và nói:
- Câu hỏi không đi vào thực chất... Thứ nhất, tôi không thể nhớ được tôi giới thiệu ai khi nào, thứ hai, việc giới thiệu vào đảng hay đi nước ngoài thường là thủ tục hình thức...
- Ghivi Đaviđôvits, đồng chí nói đùa hay nói thật đấy? - Ngạc nhiên, cán bộ chỉ đạo của Ủy ban Trung ương hỏi.
- Sao kia chứ, đồng chí có nhớ hết những người đồng chí đã giới thiệu vào đảng không? - phó tổng biên tập hỏi vặn lại.
- Dĩ nhiên! Không thể nào khác được! - Cán bộ chỉ đạo giơ hai tay lên.
- Tôi có một câu hỏi. - Bí thư đảng ủy nói. - Giả sử đồng chí không nhớ đồng chí giới thiệu Tsulatzê hồi nào thì cũng được đi. Nhưng tại sao cách đây một tháng, đồng chí cùng đi công tác với anh ta, mặc dù đã biết anh ta là kẻ ăn hối lộ và tên ăn cướp?
- Tôi không thể khước từ việc do Tổng biên tập giao phó!
- Tổng biên tập liên can gì đến đây? Hồi đó đồng chí ấy nghỉ phép. Chính đồng chí ký giấy công tác cả cho mình, cả cho Tsulatzê!
- Vâng, tôi đi với anh ta để anh ta không có cơ hội lạm quyền được! - Phó tổng biên tập chống chế.
Cán bộ văn học phá lên cười. Bí thư đảng ủy gõ bút chì.
- Còn ai hỏi gì nữa không?
Một Ủy viên biên tập có ý kiến:
- Đồng chí Ghivi Đaviđôvits, đồng chí bảo rằng trước đây đồng chí đã báo cho Ủy ban Trung ương và Bộ Nội vụ biết về tư cách không xứng đáng của Tsulatzê. Đồng chí có thể giải thích cho chúng tôi rõ tại sao các cấp đó không có biện pháp gì khi nhận được tin báo của đồng chí!
- Đấy là hồi còn những người lãnh đạo cũ... Nhiều người trong số đó không còn ở cương vị trước đây của họ, số khác nói chung không còn sống...
- Thế tại sao đồng chí không báo cho ban lãnh đạo mới?
- Câu hỏi đó nhằm mục đích gì? - phó tổng biên tập hỏi lại với giọng thách thức.
- Thế này này, đồng chí thân mến ạ: nếu cấp lãnh đạo đã được đồng chí báo cáo đầy đủ mà vẫn không có biện pháp gì thì điều đó có thể giảm nhẹ lỗi của chúng ta trong chừng mực nào đó. Có thế thôi! - Ủy viên biên tập đáp.
- Tôi không cảm thấy mình có trách nhiệm gì hết và chẳng cần sự khoan dung nào cả! - phó tổng biên tập, nói đốp chát một cách lạnh lùng.
Cuộc thảo luận tiếp tục. Mọi người đồng thanh bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về việc đã xảy ra và nhất trí đề nghị khai trừ Tsulatzê ra khỏi Đảng.
Đến lượt Batsana phát biểu. Ông đứng lên và nói rất bình tĩnh, nhưng giọng rè rè.
- Các bạn thân mến của tôi, hầu hết những điều đã nói ở đây đều đúng sự thực. Sôta Tsulatzê là bạn thời thanh niên của tôi... Chúng tôi cùng học đại học, cùng dạo chơi ở Vêkê và Vare... Anh ấy bao giờ cũng là một đồng chí rất tốt, là người bố yêu các con mình, là người con trai tốt của bố mẹ mình... Tôi mời anh ấy về tòa soạn không phải vì tình bạn, mà vì trí tuệ sắc sảo và tài năng làm báo lỗi lạc của anh ấy... Nhưng rõ ràng là tôi chưa đủ kinh nghiệm cũng như khả năng và uy tín để ảnh hưởng đến anh ấy, để theo dõi những hành động và tư cách của anh ấy... Nói thực, việc xảy ra với Tsulatzê, tôi coi là trạng thái bất bình thường về tâm thần... Tôi không có ý lẩn tránh trách nhiệm. Tôi đồng ý với đồng chí phó của tôi: toàn bộ trách nhiệm phải quy cả vào tôi, tôi sẵn sàng nhận lấy...
Batsana ngồi xuống và xin nước.

... Cơn đau nhói lên ở vai bên phải. Rồi nó trườn xuống ngực và mắc ở chỗ nào dưới vú bên trái. Rồi dường như có bàn tay chai sạn của ai thọc vào ngực và bắt đầu bóp kiệt trái tim, như vắt nước chùm nho. Nó bóp chậm chạp, cần mẫn: một-hai, hai-ba, ba-bốn... Cuối cùng, khi trái tim đã bị vắt kiệt không còn một giọt máu, vẫn bàn tay ấy thản nhiên vứt nó đi...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét