Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Các chủ tịch KGB - Chương VII

Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng

Tác giả: Leonid Mlechin
Dịch giả: Hùng Sơn
NXB Lao Động - 2001

Chương VII

Viktor Semyonovich Abakumov

Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia (5/1946 - 7/1951)

Sinh năm 1908 ở Matxcơva, bố là thợ đốt lò, mẹ làm quét dọn, ông chỉ học hết lớp bốn. Cùng ít học như ông trong các Chủ tịch An ninh còn có Ejov. Nhưng điều đó không cản trở đường quan lộc rất thành công của hai ông.
K.A.Stoliarov - người đã nghiên cứu tiểu sử Abacumov và viết mấy cuốn sách về ông - cho biết mặc dù ít học, nhưng Abacumov là một người thông thái: các giấy tờ ông ký khi làm thủ trưởng đều sáng sủa, đúng văn phạm. Và những bức thư ông viết ở trong tù cho Beria và Merculov cũng rất rành rọt, hoàn toàn của một người có học.
Tuổi trẻ, Abacumov đã từng là công nhân làm thuê, từ khuân vác đến bảo vệ.
Năm 1930, khi đang làm công nhân ở Nhà máy in “Press” ông được kết nạp Đảng, rồi được bầu làm Bí thư Đoàn Nhà máy, sau đó làm Trưởng ban quân sự của quận Đoàn Moskvorets thành phố Matxcơva.
Năm 1932, Abacumov được lấy về Bộ Nội vụ, làm một năm ở Vụ đấu tranh chống tội phạm kinh tế. Theo M.P.Shreider - thời gian đó là Vụ phó - kể lại: Abakumov rất mê nhảy, đặc biệt là nhảy Fokstrot - một điệu nhảy thời thượng mới du nhập từ Mỹ, Abakumov cũng rất mê gái, thường tán tỉnh các cô gái về chơi trong các căn hộ mà cán bộ được cơ quan phân cho để sử dụng trong thời gian tiến hành công việc, sau đó thay mặt các cô đó viết những bức thư tố cáo những người bị coi là “kẻ thù của nhân dân”. Khi những chuyện đó bị phát giác - Shreider viết trong hồi ký - ông báo cáo lên lãnh đạo đề nghị đuổi Abacumov vì mất phẩm chất, không xứng đáng làm việc trong cơ quan an ninh. Abakumov bị đuổi khỏi Vụ đấu tranh chống tội phạm kinh tế thật, nhưng không hiểu có ai đó đỡ đầu nên không bị ra khỏi ngành, mà được điều về Cục quản lý trại giam. Ông ta làm ở chỗ không lấy gì làm vinh dự lắm này được ba năm.
Năm 1937, Abakumov được điều về Vụ 2 của Tổng cục An ninh quốc gia, một vụ chuyên tiến hành khám xét bắt bớ, theo dõi và đặt thiết bị nghe trộm. Vốn thể lực rất khỏe, Abakumov cực kỳ phù hợp với công việc này. Và Bogdan Kobulov - một nhân vật thân tín của Beria, năm 1938 là Tổng cục phó Tổng cục An ninh quốc gia - đã chú ý đến Abakumov.
Khi Beria lên thay Ejov và bắt đầu tiến hành thanh lọc bản thân Bộ Nội vụ để gạt bỏ người của Ejov, Abakumov được đặt vào chức vụ quan trọng đầu tiên: “Trưởng Ty Nội vụ tỉnh Rostov, một trong “bộ ba” nắm quyền sinh quyền sát ở địa phương (cùng với Bí thư Tỉnh ủy và Viện trưởng viện Kiểm sát).
Đến năm 1941, Bộ Nội vụ chia thành hai bộ, lại càng cần cán bộ lãnh đạo. Beria gọi Abakumov về Matxcơva, tháng 2/1941 bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cùng với S.N.Kruglov. Abakumov làm phó của Beria, phụ trách Tổng cục Công an, Tổng cục Cứu hỏa và Cục 3 (phụ trách biên phòng và nội chính). Nhưng Abakumov chỉ làm công tác này được mấy tháng. Tháng Sáu, chiến tranh nổ ra, Stalin giao cho Abakumov lãnh đạo công tác quân báo.
Từ năm 1918, trong Ủy ban đặc biệt đã có một đơn vị gọi là Cục đặc biệt, phụ trách quân đội. Cục này đầu tiên do Dzerjinski, sau đó do Menjinsski - ủy viên ban lãnh đạo Ủy ban đặc biệt - phụ trách. Cho đến năm 1941, quân báo luôn nằm trong cơ quan An ninh. Tháng 2/1941, bằng một nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ, các cục đặc biệt trong Cơ quan Dân ủy Nội vụ bị hủy bỏ, và công tác quân báo chuyển sang Bộ Quốc phòng. Nhưng không lâu sau, tháng 7/1941, sau khi cơ quan Dân y Nội vụ tách làm hai, nó lại được trả về Bộ Nội vụ. Lãnh đạo Cục quân báo của Bộ Nội vụ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ Abakumov. Cán bộ phụ trách công tác quân báo trên các mặt trận phải do Beria chỉ định.
Nhưng việc sắp xếp công tác quân báo đến đây chưa phải là xong. Ngày 19/4/1943, Cục đặc biệt (Cục quân báo) lại bị tách khỏi Bộ Nội vụ, trên cơ sở đó thành lập Tổng cục phản gián của Bộ Quốc phòng. Còn trong bản thân Bộ Nội vụ thì thành lập Vụ phản gián chịu trách nhiệm theo dõi các đơn vị vũ trang của Bộ.
Với chức vụ lãnh đạo Tổng cục phản gián Bộ Quốc phòng, Abacumov về quyền lực thực tế là Thứ trưởng Quốc phòng, lại trực thuộc và trực tiếp báo cáo Stalin.
Tổng cục phản gián có cơ quan điều tra riêng của mình, có những thẩm quyền rộng rãi và có sự đỡ đầu của Stalin, nên đã trở thành một cơ quan rất có thế lực.
N.N.Mesiatsev, đã từng công tác hai năm ở Tổng cục phản gián trong thời gian chiến tranh, sau chiến tranh làm ở Trung ương đoàn và sau này làm Đại sứ ở Úc, kể một số nét về Abakumov:
- Abakumov đáng người cao lớn, đẹp trai, rất hợp mặc quân phục. Ông không bao giờ bắt người nói chuyện với mình phải đứng để thẩm vấn một cách căng thẳng, mà mời ngồi đàng hoàng. Câu chuyện với ông luôn bình tĩnh, mang tính chất công việc. Ông là người kiên quyết trong hành động, có kỷ luật sắt, đồng thời cũng rất tình cảm với cán bộ cấp dưới. Năm 1943, mẹ tôi ở quê mất. Tôi xin phép về nhà bốn ngày để đưa tang mẹ. Abakumov gọi tôi lên, cho luôn 10 ngày phép, viết giấy thông hành cho tôi và dặn thêm: “Có việc gì cần cứ đến gặp Sở Nội vụ, ở đấy người ta sẽ giúp đồng chí”.
Tôi hỏi:
- Trong ngành quân báo Abacumov có được kính nể không ?
Mesiatsev trả lời:
- Nếu như đối với cấp thấp, ông rất quan tâm, săn sóc, như người anh cả, thì đối với các cán bộ ở cấp tương đối cao, ông rất nghiêm khắc.
Abakumov phụ trách công tác tình báo trong lòng địch. Ông biết rõ bố trí lực lượng của Đức hơn là Đức biết về Hồng quân. Stalin - một người hễ thấy cán bộ có bất kỳ biểu hiện nào không hoàn thành nhiệm vụ là thay ngay - đã giữ Abakumov trên cương vị của ông suốt cả cuộc chiến tranh thì đủ biết năng lực của Abakumov.

Đối Trọng Của Beria?

Trong chiến tranh vệ quốc, Abakumov được tặng hai Huân chương Suvorov (trong đó một Huân chương do tham gia di dời một loạt dân tộc ít người khỏi Bắc Kavkaz năm 1944), Huân chương Kutuzov và Huân chương Cờ Đỏ.
Tháng Bảy năm 1945 ông được phong Trung tướng, một năm sau được đề bạt làm Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia.
Người ta cho rằng Stalin đặt Abacumov lên làm Bộ trưởng An ninh quốc gia là để tạo đối trọng và giảm bớt quyền lực của Beria trong việc kiểm soát các bộ sức mạnh. Trên thực tế đến lúc đó Beria đã không còn kiểm soát toàn bộ các bộ sức mạnh nữa, và từ cuối năm 1945 thậm chí thôi không làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Beria coi thường Abakumov. Abakumov cũng không ưa Beria, nhưng sợ Beria. Hơn nữa Stalin toàn quyền và đủ mạnh để không cần dùng đến đối trọng. Ông dùng Abakumov vì Abakumov đã tỏ ra đắc lực trong công tác với tù binh.
Thời gian cuối chiến tranh, Tổng cục phản gián dành nhiều công sức theo dõi mảng các chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh và các công dân Liên Xô đã sang Đức một cách tự ý hoặc bị bắt buộc. Tất cả những người này khi trở về nước đều phải qua trại cải tạo để sàng lọc.
Các trại này chỉ đóng cửa sau khi Stalin chết.
Năm 1946, khi Abakumov thay Merculov giữ chức Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia, Tổng cục phản gián nhập vào Bộ thành Tổng cục 3.
Nguyên Phó Chủ tịch KGB  F.D.Bobkov kể rằng Bộ An ninh quốc gia đón thủ trưởng mới một cách hồ hởi, biết ông là một cán bộ chuyên nghiệp, từ lính đi lên, lại có quan hệ gần gũi với Stalin.
Bộ trưởng mới có thể bất chợt rẽ vào xem anh em cán bộ làm việc thế nào.
Ông am hiểu tường tận từng công đoạn việc phải tiến hành ra sao và có thể hướng dẫn, chỉ bảo anh em. Trong quan hệ với cán bộ, ông thể hiện là một con người rất quần chúng, dễ gần.
Tháng Tư năm 1946, trên cơ sở những hồ sơ về trách nhiệm trong việc xuất xưởng những máy bay chất lượng không tốt, Abakumov đã ký lệnh bắt Bộ trưởng Bộ Hàng không A.Shakhurin; Tư lệnh Không quân, Nguyên soái Không quân A.A.Novikov và một số cán bộ khác.
Việc này đương nhiên ảnh hưởng đến vị trí của Malenkov là người quản khối này. Bộ Chính trị cũng ra một nghị quyết cảnh cáo Malenkov và đưa Malenkov ra khỏi Ban Bí thư. Malenkov chỉ còn chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và bị điều đi phụ trách chế biến bột mì ở Sibir.
Trong việc này, bấy lâu nay người ta cho rằng có bàn tay của Jdanov muốn phá Malenkov. Nhưng Bộ An ninh quốc gia ngoài cấp trên tối cao ra, khó mà làm theo sự giật dây của một ủy viên Bộ Chính trị nào. Vả lại một thời gian sau, Stalin lại đưa Malenkov trở lại, trong khi vị trí của Jdanov ngày càng lung lay. Chính Stalin không bằng lòng với Malenkov.
Có thể con trai Stalin là Vassili làm phi công có phàn nàn với bố về tình hình hàng không và chất lượng máy bay.
Shakhurin, Novikov và những người khác bị tù với các thời hạn khác nhau.
Sau khi Stalin chết, tháng Năm năm 1953, tòa Quân sự của Tòa án Tối cao hủy bỏ bản án kết tội của mình về vụ nói trên, và tháng Sáu năm 1953 theo đề nghị của Beria, Trung ương Đảng ra một nghị quyết hủy bỏ kết quả điều tra vụ án, và khôi phục đảng tịch và quân hàm cho các nạn nhân.
Tháng Tư năm 1948, các cán bộ Bộ An ninh quốc gia đã dàn dựng một vụ scandal chống Bộ trưởng Bộ Hàng hải A.Afanasiev. Ông này trên đường đi làm, ô tô bị xịt lốp. Một chiếc ô tô khác dừng lại bên cạnh. Từ trong xe một số người bước ra, lôi Afanasiev sang xe của họ, đưa về một căn hộ. Họ tự xưng là người của C.I.A, đề nghị Afanasiev cộng tác. Afanasiev một mực từ chối.
Khi được thả ra, Afanasiev xin gặp Stalin, và được Beria tiếp. Sau khi nghe chuyện, Beria gọi điện ngay cho Abakumov trước mặt Afanasiev bảo phải đến gặp ông ta ngay. Beria trách mắng Abakumov:
- Cậu là Bộ trưởng gì mà để cho bọn tay sai của Mỹ lộng hành đến mức bắt người ngay giữa ban ngày. Đấy, chúng nó vừa bắt Afanasiev và bắt phải cộng tác với chúng đấy.
Beria ra lệnh cho Abakumov phải tìm cho ra những kẻ đã bắt cóc Afanasiev. Vài ngày sau, Abakumov đã “tìm được” cán bộ an ninh tự nhận là gián điệp của Mỹ.
Sau khi bị tra hỏi, tên này đã “thú nhận” là theo lệnh của CIA, đã lôi kéo Afanasiev làm gián điệp.
Bộ An ninh đã bắt Bộ trưởng Hàng hải, thậm chí đánh đập ông, bắt ông phải ký vào biên bản ghi những lời khai cần thiết cho họ, và cho ông án tù 20 năm.
Sau đại hội 20; Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã xử lý một loạt vụ việc của các cán bộ Bộ An ninh, cho biết trong những năm 1941-1949 các cơ quan nội vụ của tỉnh Khabarovsk gần biên giới đã làm giả một khu vực gọi là phái bộ của Nhật. Ở đó các sĩ quan an ninh cải trang làm sĩ quan Nhật và Bạch vệ. Người trong nước tưởng đã qua biên giới thì khi vào đây, họ bị hỏi han và dụ dỗ cộng tác với An ninh Nhật, thậm chí tra khảo họ về mối quan hệ với An ninh Liên Xô. Sau đó, những người này được đưa “trở lại” vùng biên phòng Liên Xô, bị bắt giữ và lập hồ sơ. Bằng cách đó, 148 người đã bị lập hồ sơ và bị tù.
Trong cơ quan điều tra của Abakumov có sự phân công lao động: những người ít học thì moi khẩu cung của những người bị bắt, còn những người có học thì viết biên bản.
Sau chiến tranh, Stalin vẫn tiếp tục “siết đinh ốc”. Bộ trưởng An ninh quốc gia Abakumov và Bộ trưởng Nội vụ Kruglov thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc di dời khỏi Ucraina “những phần tử có hại ở nông thôn, gây tác hại cho việc duy trì kỷ luật và đe dọa sự phồn thịnh của nông trang”. Đây thực tế là quyết định đấu tranh chống Kulak một lần nữa, do Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Ucraina Nikita Khruschov đề xướng. Cuộc đấu tranh lần này tập trung vào vùng Tây Ucraina mới được p nhập vào Ucraina năm 1939, sau đó chiến tranh nổ ra, nên chưa kịp được thanh lọc khỏi “các phần tử độc hại”.
Thế là tại các tỉnh Tây Ucraina, 130 nghìn người đã bị bắt, 200 nghìn người bị di dời khỏi nước cộng hòa.
Cộng với số dân bị di dời khỏi 3 nước cộng hòa Baltic, Tây Belarussia và Moldavia, tổng cộng số dân bị di dời sau chiến tranh là hai triệu rưỡi người.
Ngày 26 tháng 11 năm 1948, theo đề xuất của Bộ An ninh quốc gia, Xô viết tối cao ra một sắc lệnh, quy định rằng những người các dân tộc Đức, Kalmưk, Ingush, Chechnya, Balcar, Tacta ở Krưm và những người khác đã bị di dời là vĩnh viễn. Ai tự ý rời bỏ nơi sinh sống sẽ bị phạt tù khổ sai tối đa là 20 năm.

“Vụ Án Leningrad”

Đây có lẽ là vụ án mà việc xử lý và xét xử được giữ kín nhất trong các vụ án dưới thời Stalin. Báo chí không đưa tin, gia đình các nạn nhân không hay biết là chồng và cha họ đã bị xử bắn.
Mà xử bắn lần này không phải là các bác sĩ phản động, các phần tử Trotskyist chống Đảng, mà là những cán bộ lãnh đạo trẻ của Đảng bộ Leningrad, những người đã từng tổ chức bảo vệ Leningrad bị phong tỏa trong chiến tranh vệ quốc. Đó là: Bí thư Trung ương Đảng Alexei Alexandrovich Kuznetsov; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch y ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nicolai Alexeevich Voznesenski; Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Liên bang Nga Mikhail Ivanovich Rodionov.
Những đồng chí đó bị buộc tội tiến hành hoạt động phá hoại, đối lập Đảng bộ Lêningrad với Ban chấp hành Trung ương, rằng họ định thành lập đảng Cộng sản Nga để nâng cao vai trò của Cộng hòa Liên bang Nga trong Liên bang Xô viết.
Cùng với ba cán bộ lãnh đạo cao cấp kể trên, hàng trăm cán bộ người Lêningrad lúc đó đang công tác trên khắp đất nước đã bị tù hoặc bị mất việc. Báo chí không có một lời nào về vụ này. Nhưng trong Đảng biết rằng cả một đảng bộ bị thanh trừng.
Người ta cho rằng Kuznetsov và các cán bộ cao cấp khác từ Leningrad được đưa lên các chức vụ cao ở Trung ương là do Jdanov - Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Leningrad và người thứ hai trong Đảng. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy.
Trong những ngày căng thẳng khi thành phố Leningrad bị phong tỏa, Jdanov vốn chuộng “chất cay” nhiều khi đã thả lỏng mình. Kuznetsov, người phó trẻ, đầy năng động của Jdanov đã phải nhận lấy trên thực tế quyền lãnh đạo thành phố mang tên Lenin bị địch phong tỏa. Chính trong những năm chiến tranh, ông đã quen ra các quyết định cấp bách và quan trọng một mình. Stalin biết và đánh giá cao Kuznetsov, và lấy ông về Matxcơva.
Nhưng thành viên mới của Ban lãnh đạo từ Leningrad lên không thể quen được với “phong tục tập quán” trong Bộ Chính trị ở Matxcơva. Và con người trẻ tuổi hơn, trong sáng và năng động, quen với công tác thực tế sinh động và phong phú ở địa phương - Kuznetsov - cứ thế trở thành lạc lõng giữa ban lãnh đạo ở Matxcơva. Cố tìm được cách làm phong phú cuộc sống của mình, ông có những hoạt động riêng nho nhỏ. Có lần, ông rủ người bạn láng giềng cùng nhà nghỉ ngoại ô của mình là Bí thư Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo “Sự Thật” M.Suslov đi xem hát, “nghe nói vở diễn này hay lắm”. Suslov sửng sốt: “Thế anh đã hỏi ý kiến Stalin chưa?”.
Stalin cử Kuznetsov phụ trách Bộ An ninh quốc gia. Việc phân công này chỉ là hình thức, vì ai cũng biết Bộ An ninh quốc gia chỉ trực thuộc lãnh đạo cao nhất, nhưng sự phân công này thực tế biến Abakumov trở thành kẻ thù của Kuznetsov.
Một lần, trong khi có mặt Beria, Malenkov và Molotov, Stalin chợt nói rằng ông đã già rồi, phải chuẩn bị người kế nhiệm, ông nghĩ rằng Tổng Bí thư có thể là Kuznetsov, Thủ tướng Chính phủ là Voznesenski.
Stalin chưa bao giờ sẵn sàng nhường chức, và chưa bao giờ nói có ý định nhường chức cho ai, cho nên sau những lời nói đó, người ta bắt đầu “lập hồ sơ” đối với Kuznetsov và Voznesenski.
Và mọi việc bắt đầu từ một chuyện có vẻ rất nhỏ.
Tháng Giêng năm 1949, một hội chợ được tổ chức ở Leningrad. Malenkov nắm trong tay công tác tổ chức Đảng, liền bắn tin đến Stalin, rằng hội chợ này do lãnh đạo Leningrad tự ý tổ chức, không hỏi ý kiến Trung ương và được sự đồng tình, đỡ đầu của các cán bộ cao cấp người Leningrad ở Trung ương. Thế rồi đồng thời, có một bức thư nặc danh gửi về Trung ương Đảng, nói rằng tại hội nghị Đảng bộ Leningrad, tên của hai ba ứng cử viên được đánh dấu bỏ phiếu sẵn và sau khi kiểm phiếu được công bố trúng cử. Vậy là đảng bộ Leningrad lại còn nói dối cả Trung ương nữa!
Ngày 15 tháng 2, Kuznetsov bị cách chức và được bổ nhiệm làm Trưởng ủy ban của Trung ương phụ trách vùng Viễn Đông. Đây chỉ là một chức vụ hình thức, nhưng Kuznetsov chuẩn bị nghiêm túc nhận nhiệm vụ mới, nghiên cứu kỹ tài liệu về Viễn Đông.
Ngày 29 tháng 7 năm 1949, Abakumov báo cáo với Stalin rằng nguyên Phó Bí thư Thành ủy Lêningrad là Ia.F.Kapustin bị tình nghi có quan hệ với tình báo Anh và những hồ sơ được lập về ông ta theo lệnh của Giám đốc Sở Nội vụ Leningrad là P.Kubatkin.
Kuznetsov không biết rằng cơ quan an ninh đang điều tra và lập hồ sơ về ông. Để cô lập Kuznetsov, người ta cử ông đi học một khóa bồi dưỡng về quân sự.
Kuznetsov học một cách say sưa, nghiêm túc, thi toàn điểm 5.
Một ngày thứ bảy, Phó Ban kiểm tra Trung ương Đảng gọi điện báo Kuznetsov lên gặp Malenkov.
Hai tiếng rưỡi sau, người ta khám nhà Kuznetsov. Mọi người hiểu rằng thế là Kuznetsov bị bắt rồi.
Kuznetsov bị giam ngay trong Điện Kremli, không phải là phòng giam của Bộ An ninh hay Bộ Nội vụ, mà là của y ban Kiểm tra Trung ương Đảng, do Stalin chỉ thị lập ra năm 1950, còn cẩn mật hơn cả các phòng giam của Bộ Nội vụ.
Voznesenski thì bị bắt ngày mùng bảy tháng Ba sau khi một Phó chủ nhiệm ủy ban cung ứng viết thư phản ánh với thường trực Chính phủ rằng y ban Kế hoạch Nhà nước cố tình hạ thấp mức kế hoạch sản xuất công nghiệp của quý 1 (năm 1949). Voznesenski bị cách chức Phó Thủ tướng và Chủ nhiệm y ban Kế hoạch Nhà nước. Một người khác được cử làm Chủ nhiệm y ban Kế hoạch Nhà nước. Người này báo cáo với Trung ương Đảng rằng “trong thời kỳ từ 1944 đến 1949 y ban Kế hoạch Nhà nước bị mất một số lượng lớn tài liệu mật thuộc loại bí mật quốc gia”.  Stalin chuẩn y ý kiến đề xuất của Abakumov: xử tử sáu cán bộ “đầu sỏ” của nhóm Leningrad. Án được thi hành ngày mùng Một tháng 10 năm 1950, những người còn lại bị kết án tù các thời hạn khác nhau.

Sau đại hội 20, trong Đảng bắt đầu nói rằng Kuznetsov, Voznesenski và những người khác trong “vụ án Leningrad” là nạn nhân của Malenkov và Beria.
Malenkov và Beria nói xấu và hạ uy tín của họ trước Stalin. Tại cuộc họp kín của Ban chấp hành Trung ương năm 1957, Khruschov phát biểu trước cuộc họp, nói với Malenkov:
Stalin không đồng ý việc bắt Voznesenski và Kuznetsov. Nhưng Beria và Malenkov - những con quỷ Juda - đã nói xấu họ với Stalin, thuyết phục Stalin bắt và xử tử họ - Malenkov! Bàn tay của mi đẫm máu, lương tâm mi bẩn thỉu. Mi là một kẻ đểu cáng!”.

Abakumov - lúc đó nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh và ba đồng sự của ông ta đã bị xử tử vì việc tổ chức “vụ án Leningrad”.
Abakumov cũng bị xử ở Leningrad.
Nhưng suy đến cùng, gốc rễ của vụ án được tạo dựng đó cũng như các vụ án khác vẫn nằm ở chỗ Stalin. Tất nhiên động cơ và mục đích của Malenkov và Beria là rõ.
Nhưng không có ý kiến của Stalin thì ở Kremli đến người quét dọn cũng không ai dám đụng đến chứ đừng nói Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị.
Sau chiến tranh, đầu tiên Stalin đánh phủ đầu các quân nhân thông qua việc cách chức Thứ trưởng Quốc phòng của Nguyên soái Jukov, đưa ra khỏi Trung ương, Jukov ngồi nhà chờ lệnh bắt. Ngoài ra, Stalin còn bỏ tù mấy tướng thân cận Jukov.
Để cho các Nguyên soái, tướng lĩnh đừng có tưởng rằng đã đánh thắng phát xít Đức rồi thì muốn làm gì cũng được.
Stalin “rung” cả cánh an ninh: ông đề bạt Abakumov để triệt hạ tay chân của Beria, nhưng không cho phép Abakumov đi xa hơn, đụng đến các cán bộ cao cấp của Đảng. Việc xử lý các cán bộ của bộ máy Đảng do Stalin tự quyết định.
Và Stalin đã chọn xử lý đảng bộ Leningrat, vốn được coi là có tính chất độc lập, thậm chí phần nào đối lập với Matxcơva. Đây là một thông điệp gửi đi toàn quốc.
Trong “vụ án Leningrad”, tổng cộng gần 300 người đã bị bắt, chưa kể những người bị cho thôi việc. Những cán bộ Đảng chủ chốt của Lêningrad hầu như bị bắt hết.
Trong số cán bộ ít ỏi còn sống sót có Alexei Nicolaevich Kossyghin - Thủ tướng tương lai của Liên Xô, và là người bà con với Kuznetsov.

Hết Thời

Tháng 5/1947, Liên Xô thành lập ủy ban Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Ủy ban này bao trùm các vấn đề tình báo chính trị, tình báo quân sự, các cơ quan thông tin của Đảng, của Bộ ngoại giao và Bộ Ngoại thương. Lãnh đạo ủy ban là Molotov, sau đó là Vyshinski - người thay ông trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Stalin muốn tạo ra một cơ quan kết hợp chặt chẽ công tác thông tin và tình báo. Nhưng khi triển khai ủy ban nặng về các sự vụ chính trị, do đó quân đội là người đầu tiên phản ứng, vì họ bị mất mát bản thân công tác tình báo phục vụ quân sự. Stalin thấy thắc mắc của quân đội là đúng, nên tháng 1/1949, ra lệnh trả Tổng cục tình báo lại cho Bộ Quốc phòng, còn tình báo chính trị lại trở lại Bộ An ninh quốc gia. Nhưng lúc này Abakumov đã không còn là Bộ trưởng.
Suốt thời gian làm Bộ trưởng An ninh, Abakumov đã trung thành tận tụy thực hiện các chỉ thị của thủ trưởng tối cao và Stalin nói chung hài lòng. Nhưng việc thực hiện các ý định của lãnh tụ cũng đã bắt đầu có những sai sót. Một mặt vì trình độ và học vấn của Abakumov có hạn. Mặt khác, Stalin ít khi ra những chỉ thị trực tiếp. Ông thường thích nói bóng gió để cấp dưới suy đoán và hiểu ý. Có lẽ Abacumov không phải lúc nào cũng hiểu đúng ý thủ trưởng.
Trong câu chuyện với Bộ trưởng An ninh, Stalin nói điều gì đó tỏ ý không tán thành về một cán bộ cao cấp hoặc một tướng lĩnh nào đó. Thế là Bộ trưởng lệnh cho bộ máy bắt đầu đào xới vấn đề. Các cán bộ an ninh tập hợp toàn bộ hồ sơ, tư liệu mà họ có - thông thường là những lời khai của những người bị bắt. Mà những lời khai này thì vô khối, vì cơ quan an ninh lấy sẵn khẩu cung và lời khai đối với cả những người chưa ở trong diện bị bắt. Bộ An ninh đã có kinh nghiệm: cứ lấy lời khai sẵn, sớm muộn gì rồi cũng sẽ cần đến.
Những hồ sơ, tài liệu cá nhân đó được mang đến cho Stalin. Ông xem và chuyển cho Bộ Chính trị xem xét và cho ý kiến. Mà ý kiến của Bộ Chính trị thường là: cách mọi chức vụ, khai trừ khỏi Đảng và truy tố. Stalin làm ra vẻ nghe và đồng ý với ý kiến của Bộ Chính trị.
Malenkov và Beria đang ở giai đoạn thắng thế, hơn nữa sau khi Jdanov - người được coi là đỡ đầu cho Abakumov chết năm 1948, thì thời vận của Abakumov bắt đầu hết.
Vả lại, Abakumov, cũng như người chủ Lubianca trước ông, có thể coi là đã có thể biết trước kết cục của mình, vì sớm muộn Stalin cũng sẽ cần đến một người mới để thay thế người cũ. Mà Abakumov ngồi ở chức này đã 4 năm.

Nhà nghiên cứu tiểu sử Abakumov là K.Stoliarov cho biết:
Abacumov là người được Stalin yêu chuộng. Nhưng Stalin không yêu ai một cách thực sự, lâu dài, trừ bản thân mình. Abacumov hoàn toàn mất lòng tin của Stalin là khi ông thực hiện một yêu cầu cá nhân của Beria. Beria nhờ Abakumov tha cho một bác sĩ bị bắt - người này là bác sĩ chữa cho gia đình Beria. Khi Stalin biết chuyện, ông không hài lòng, vì Bộ trưởng An ninh chỉ thực hiện các chỉ thị của ông.
Trước khi tiến hành bắt Abakumov, một ủy ban được thành lập bao gồm Malenkov (Bí thư Trung ương Đảng), Beria (Phó Thủ tướng), Skiriatov (Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng), và S.D.Ignatiev (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng).
Cớ để bắt Abacumov là bức thư tố cáo của thiếu tá M.Riumin - cán bộ điều tra các vụ trọng án, rằng Abakumov không tích cực chỉ đạo theo dõi hoạt động của mạng lưới gián điệp nước ngoài, không làm biên bản tất cả các cuộc hỏi cung, rằng Abakumov kiếm chác vào chiến lợi phẩm và chi tiền nhà nước vào việc trang bị căn hộ mới của mình ở Matxcơva.
Bức thư gửi lên cho Ignatiev - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, được Ignatiev hiệu đính cho, để gửi tiếp lên Malenkov. Malenkov xem, thấy chưa đạt yêu cầu, lại trả về cho Riumin và Ignatiev viết lại. Xong xuôi bức thư được chuyển lên qua Malenkov, rồi lên Stalin. Stalin đọc xong rồi phán:
- Đấy một cán bộ bình thường mà hiểu rõ những nhiệm vụ của cơ quan an ninh đến như thế, mà Bộ trưởng thì xoàng.
Trung ương Đảng khai trừ Abakumov khỏi Đảng.
Ngày 4/7/1951, Abakumov bị cách mọi chức vụ, ngày mười hai tháng Bảy bị gọi lên Viện Kiểm sát, Abakumov bị buộc tội quân nhân phản bội Tổ quốc theo điều 58-1b Bộ Luật Hình sự, bị đưa vào nhà tù của Bộ Nội vụ ở Sokolniki, giam phòng riêng với biệt danh “tù nhân số 15”.
Vợ ông đang làm ở phòng trinh sát Hải quân của Bộ An ninh quốc gia cũng bị bắt cùng với đứa con trai mới hai tháng tuổi. Ở trong tù, chị bị mất sữa, nhưng đứa con sống được.

Riumin được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ An ninh kiêm Cục trưởng Cục điều tra các vụ trọng án. Ông ta, cũng như Ejov trước đây, thường đích thân hỏi cung những người bị bắt, và không ngần ngại dùng cả vũ lực để moi những lời khai cần thiết. Riumin đã thuyết phục được Stalin để ông ta điều tra vụ Abakumov. Để tiến hành điều tra, Riumin đã cho bắt hai Thứ trưởng và một số Cục trưởng của Bộ An ninh, và buộc tội họ lãnh đạo một âm mưu Zionist (Do Thái) mặc dù Abacumov và những người khác đều là người Nga.
Sau đó, Riumin bắt tay vào vụ các bác sĩ điều trị cho Jdanov, và báo cáo về việc một trong số đó - giáo sư Vasilenko - đã từng tham gia phe đối lập nhưng che giấu lai lịch. Stalin cho ý kiến: “Chúng ta không quan tâm lý lịch chính trị của Vasilenko. Điều đó lúc này phỏng có ý nghĩa gì? Chúng ta muốn biết ông ta có quan hệ với cơ quan tình báo nước ngoài nào?”.

Và Stalin bắt đầu ngán anh chàng Riumin “hữu dũng vô mưu” này. Riumin làm được hơn một năm thì bị chuyển sang làm cán bộ thanh tra ở chỗ Merculov. Sau khi Stalin chết, Riumin bị bắt và bị kết án tử hình tháng Bảy năm 1954.

Tại phiên tòa xét xử Abakumov và một số người khác tháng Ba năm 1955, Abakumov không nhận mình có tội, ông ta nhận là sai lầm, khuyết điểm thì có nhưng không bao giờ phản bội Tổ quốc. Ông ta nhấn mạnh rằng mọi quyết định đều do Ban Chấp hành Trung ương thông qua, ông ta chỉ là người thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và các chỉ thị của Stalin. Nhưng phía công tố đại diện bởi Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Rudenko kiên trì buộc tội Abacumov là “tòng phạm của tập đoàn tội phạm Beria”.

Năm 1994, Tòa quân sự của Tòa án Tối cao Liên bang Nga sửa đổi bản án đối với Abacumov và những cộng sự và định lại tội danh theo điều 193 và 176 bộ Luật Hình sự từ tội “quân nhân phản bội Tổ quốc” thành “tội của quân nhân khi thi hành công vụ”.
Năm 1997, Tòa án Tối cao đã xem xét lại vụ án và quyết định thay thế bản án tử hình đối với Abakumov và những người đã bị xử tử từ năm 1955 bằng... 25 năm tù giam không bị tịch thu tài sản!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét