Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 19

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 19

Batsana cho ô tô dừng lại bên vệ đường.
Các ngọn đồi và đồng ruộng Xamađơlô [Địa điểm ngoại vi Tbilixi] ngập dưới lớp tuyết dày. Xung quanh không một bóng người. Trong một xã ở đằng xa, khói bốc cao trên các ngôi nhà, bồng bềnh như những đám mây trắng lướt lên bầu trời xanh trong, ghép thành hình dạng rắc rối. Những cây cối trơ trụi rải rác đây đó trên cánh đồng, nom như những người tình héo hắt vì đau buồn, không sao gặp được nhau, giang tay với gọi nhau.
Batsana ra khỏi xe, bắt đầu xem xét lốp xe. Marya bỏ áo lông, cũng ra ngoài, và không nói gì, bắt đầu chạy trên cánh đồng phủ tuyết.
- Em đi đâu đấy?! - Batsana thét gọi.
Marya không đáp. Nàng chạy, chân thụt trong tuyết ngập đến đầu gối. Chân đi đôi ủng cao màu đỏ, vai choàng chiếc khăn san rộng, sặc sỡ, bản thân nàng giống như một bông hoa khổng lồ. Batsana sung sướng và tự hào nhìn bông hoa sống ấy đang len lỏi trên tuyết, bởi vì ông biết bông hoa ấy là của ông, chỉ của ông thôi, không thuộc về ai hết.
Marya bỗng cúi xuống, hai tay vốc tuyết rắc lên đầu.
- Batsana, lại đây! - Nàng gọi.
Batsana cởi chiếc áo ngắn bằng da lông, ném vào xe và đi theo vết Marya. Đột nhiên ông muốn chạy, vùng vẫy trong tuyết. Đến gần Marya, ông đỡ lấy nàng, bế bổng lên, quay tròn, rồi cả hai cùng ngã nhào, vùi mình trong tuyết. Mặt nóng bừng bừng, tai và mắt bị tuyết lấp đầy, họ lăn lộn trong tuyết một lúc lâu, thở hồng hộc và cười. Cuối cùng, mệt lử, họ nằm vật ngửa ra và im lặng. Marya nằm dang rộng hai tay. Mái tóc đen nhánh của nàng xõa tung trên tuyết, bộ ngực phanh trần phập phồng nhô cao. Lúc này, nàng giống như con dama bị săn đuổi ngã trên tuyết.
Batsana mê thích nhìn khuôn mặt kiều diễm của Marya, rồi không cầm lòng được, ông đưa hai tay ghì chặt lấy đôi tai lạnh giá, nhỏ như vỏ sò của nàng và áp mặt vào đôi môi nóng hổi. Bây giờ họ cùng chung một hơi thở, cùng chung một cuộc đời. Họ nằm một lúc lâu, không động đậy, lắng nghe tiếng đập rộn vang của hai trái tim điên dại.
- Đứng dậy! - Marya bỗng đẩy Batsana ra và nói.
Batsana đứng lên.
- Quay đi.
Batsana tuân lời. Khi ông quay về phía Marya, ông không tin ở mắt mình nữa: Marya khỏa thân đứng trước ông như ảo ảnh của một thiên thần hoàn mỹ đẹp huyền diệu.
Batsana nheo mắt, rồi lại mở mắt ra, Marya nằm trong tuyết, tựa như ngủ. Ông quỳ gối, luồn hai tay xuống dưới vai nàng, hôn vào ngực nàng và thì thầm:
- Em làm gì thế, em ngốc nghếch ơi, cảm lạnh mất đấy...
- Hai năm nay em đợi cái ngày này... Bây giờ mặt trời của em ở bên em... Anh nói chuyện cảm lạnh gì kia chứ? - và Marya ôm lấy Batsana...
... Rồi mặt trời hạ xuống trái đất, đi qua cánh đồng Xamađơlô phủ tuyết, đắp tấm chăn trắng ấm áp lên hai con người dòng dõi Ađam, nằm ghé xuống phía đầu giường họ và ru họ, cho đến khi giấc ngủ ngon lành tuyệt trần làm mi mắt họ nhắm nghiền lại, khi đó mặt trời lại trở về vùng trời trong suốt sáng như gương.
... Batsana chồm dậy, hốt hoảng nhìn xung quanh cánh đồng phủ tuyết lấp lánh ánh nắng. Chỉ có họ với nhau: Marya, Batsana và mặt trời.
Batsana đâm bổ tới xe ô tô, lấy tấm áo da lông, chạy trở lại với Marya, bọc nàng trong tấm áo lông và bế nàng ra xe.
Lát sau, họ đã xuống dốc trên con đường vằng vẻ, đi về Tbilixi.
Batsana nhớ đến những câu thơ Marya đã đọc trong sân nhà thờ Savnabađa.
Mặt trời thân thương,
Đừng ẩn mình sau núi!
Bạn thấy đấy, ở đây một thiếu nữ đang cóng rét,
Hãy lấy thân mình sưởi ấm cho nàng!
Mau mau ôm lấy con bồ câu xinh xắn,
Nói với nàng một lời về tình yêu.
Người đẹp không thể chờ đợi,
Nàng sẽ đi tìm một trang anh tài khác!
Marya ngồi ở ghế sau và khóc. Nhưng đấy không phải là tiếng khóc của người phụ nữ tủi cực, bị lăng nhục. Đấy là một cái gì hoàn toàn khác: sự vĩnh biệt một cái gì lạ lẫm, bí ẩn và không thể hiểu được đối với Batsana. Bằng trực giác, ông đoán ra điều đó, vì vậy ông cố không an ủi Marya đang khóc.
Một cậu bé và một cô bé, sắc đeo vai, từ trường nội trú Kogioocxki trở về, đứng ngây ra tại chỗ, sửng sốt vì cảnh tượng lạ thường.
- Xem kìa, Nachya! - Chú bé kêu lên, chỉ tay. Trên cánh đồng Xamađơlô, tuyết rực lên ngọn lửa màu thanh thiên trong suốt.
*
*    *
Batsana tìm thấy một lá thư gài vào tay nắm cửa. Linh tinh biên tập viên bảo ông rằng đấy là thư nặc danh. Ông bỏ lá thư vào túi, mở cửa, vào phòng, ngồi vào bàn và sau đó mới mở phong bì.
Đúng là thư nặc danh, thêm nữa lại được minh họa bằng những ảnh khiêu dâm.
Hàng trăm lá thư nặc danh đã qua tay Batsana. Nhưng về sự trâng tráo và hèn hạ, lá thư hiện ông đang đọc vượt hẳn tất cả những gì ông đã từng gặp trong những lá thư tương tự.

“Kính gửi ông Batsana Akakiêvits!
Chúc mừng ông vì ngọn đèn đỏ đã xuất hiện trên cửa nhà ông. Một ả dâm đãng nổi tiếng, sư mẫu của tất cả các con đĩ ở Tbilixi, đã vớ được ông, thế là nó lại tìm được thêm một con bò sữa có sừng nữa (hỡi ôi, không thể gọi ông là con bò đực được!). Liệu có gì đáng ngạc nhiên khi ả đàn bà đó - một bó bệnh hoa liễu - hiến cho ông một cách hậu hĩ như thế tình yêu của ả?! Đối với ả, tình yêu là thứ thức ăn chăn nuôi hỗn hợp mà ở các trại gia súc người ta cho bò cái ăn để lấy được nhiều sữa hơn. “Sữa” ấy rồi sẽ cạn, kính thưa ông Batsana, và khi ấy sẽ muộn mất nếu muốn loại bỏ ngọn đèn đỏ hiện đang trang hoàng nhà ông và dưới ánh sáng của nó, hiện ông đang đọc lá thư này, thư nặc danh, nhưng được viết ra do lòng thương chân thành đối với ông. Hãy giữ gìn uy tín của mình!...”.

Batsana đặt lá thư sang một bên, lau mồ hôi lạnh vã ra trên trán. Lúc đọc lá thư, trong tai ông âm vang một tiếng nói quen thuộc, rất quen thuộc. Dường như bức thư do phụ nữ viết, nhưng Batsana cảm thấy như có một bàn tay đàn ông mạnh mẽ đóng vào ý thức ông, như đóng đinh, từng lời của bức thông điệp man rợ này. Đóng sâu và chắc đến nỗi có lẽ Batsana không bao giờ có thể thoát khỏi chúng. Nhưng tiếng nói!... Ông đã nghe thấy tiếng nói ở đâu, khi nào? Trời ơi, mong sao nhớ ra được!... Vẫn không sao nhớ ra, Batsana bắt đầu xem kỹ những tấm ảnh chụp... Khó lòng tưởng tượng nổi những tấm ảnh đáng ghê tởm và trơ trẽn hơn! Đồng thời... nghi ngờ “tính nguyên bản” của các bức ảnh nghĩa là thừa nhận thiên tài của sự giả mạo... Mắt Batsana tối sầm lại, có tiếng gõ hai bên thái dương. Khi ông tưởng như ánh sáng sắp tắt hẳn thì trong bóng tối dày đặc bỗng lóe lên một tia hy vọng. Trên một bức ảnh, ông thấy...  Marya trần truồng. Và chính bức ảnh đó là sự giải cứu đối với Batsana và là bằng chứng hiển nhiên bóc trần sự giả mạo: Batsana không nhận ra thân thể Marya. Người phụ nữ có khuôn mặt của Marya trên ảnh không phải là Marya!
Batsana ném những tấm ảnh xuống bàn... Ông nhớ lại Marya quỳ trước tượng Đức mẹ, rồi trước cái nhìn trong tưởng tượng của ông hiện lên cánh đồng Xamađơlô phủ tuyết trắng tinh khôi, và Batsana bỗng căm thù cả thế gian... Lòng trống rỗng và mệt lử, ông đưa tay với ống điện thoại để gọi điện cho một người nào trong số bạn bè, chuyện trò cho vơi nỗi đau. Nhưng ông không thể nhớ ra một số điện thoại nào, thậm chí không thể nhớ ra là nói chung ông có lấy một người bạn nào không... Batsana đặt ống nói xuống.
*
*    *
Một tuần sau khi nhận được bức thư nặc danh, Batsana và Marya ngồi trong căn phòng nhỏ xíu của hiệu ăn Xôlanluc. Trên bàn có hai chai rượu vang, một chảo khoai rán và một bình hồ đào đã bóc vỏ - món ăn Marya ưa thích.
Batsana im lặng, Marya tự nhận là người chủ trì bữa tiệc, nàng nói luôn miệng - về thơ ca, lịch sử, nghệ thuật, về cá heo, về tinh tú, về đĩa bay, về tình yêu, về sự bất tử, về sự đầu thai của linh hồn. Batsana uống rượu.
Nếu đồng ý với Marya thì ông gật đầu, không đồng ý ông cũng không tranh cãi. Ông lẳng lặng nhìn đôi mắt to, ngời sáng ánh lửa tình yêu của Marya và uống rượu. Marya không phải không nhận thấy v đăm chiêu của Batsana, nhưng nàng không hỏi gì, chỉ thỉnh thoảng ngừng lời, hỏi:
- Anh vẫn nghe em đấy chứ, anh yêu quý?
Batsana gật đầu và Marya nói tiếp. Trong lúc đó, Batsana theo đuổi ý nghĩ riêng: không phải nghĩ về dĩ vãng hay tương lai của Marya, không phải về lòng thành thực và chung thủy của nàng, về sắc đẹp và trí thông minh của nàng. Một ý nghĩ duy nhất choán hết tâm trí giày vò ông, làm ông khiếp sợ: có đưa cho Marya xem bức thư nặc danh hay không, bức thư hiện nằm ở túi áo trong của ông và gây bỏng rát như miếng sắt nung đỏ. Marya rót rượu vang đầy cốc và bỗng hỏi:
- Tại sao anh không hỏi về dĩ vãng của em?
Batsana giật mình.
- Em bảo gì kia? - Ông hỏi lại để có thời giờ tìm câu trả lời.
- Em hỏi: chẳng lẽ anh không quan tâm đến dĩ vãng của em ư? Chúng ta yêu nhau ba năm nay rồi, vậy mà không lần nào anh hỏi em sống thế nào trước khi đến với anh.
- Anh không quan tâm, cho nên anh không hỏi, - Batsana đáp, đưa mắt nhìn đi nơi khác.
- Không đúng... Anh rất quan tâm đến chuyện đó, quan tâm lắm lắm, nhưng anh không hỏi! Tại sao? Anh chờ em tự ý kể hết với anh chứ gì? Phải thế không?
Batsana cúi đầu.
- Anh sợ, anh thân yêu. Và sợ là đúng... Chính em cũng sợ... - Marya nhắp một ngụm rượu vang, thấm ướt cặp môi đã khô hẳn đi vì xúc động. - Em còn sợ nhiều hơn anh. Không phải em sợ mất anh, mà sợ nhớ lại dĩ vãng.
- Marya, ta đừng làm cho buổi chiều nay mất vui... - Batsana năn nỉ.
- Đằng nào thì cũng mất vui rồi... Ngay từ sáng kia... Nói đi, anh thân yêu, có chuyện gì xảy ra? Em nhìn thấy và cảm thấy hết...
- Chẳng có gì đâu, thề có em chứng giám!
- Anh thề thốt đến là dễ dàng! - Marya mỉm cười. Nàng nâng cốc, nhìn qua cốc rượu vang đưa ra trước ánh sáng, rồi nói khẽ: - Ta uống mừng người nào chết trước trong hai chúng ta!
- Marya, anh xin em, đừng biến buổi chiều nay thành lễ cầu hồn... Ban nãy em vui lắm kia mà, có chuyện gì xảy đến với em vậy?
- Uống đi!
Batsana uống. Marya lại rót.
- Bây giờ hãy nghe em nói. Trong đời em, em đã chết năm lần và sống lại cũng đã ngần ấy lần. Lần đầu em chết trong sợ hãi và sống lại trong cô đơn... Lần thứ hai em chết trong cô đơn và sống lại trong tình trạng giả tảng... Lần thứ ba, em chết trong sự giả tảng và sống lại trong trạng thái vô tư lự... Lần thứ tư em chết trong tình trạng vô tư lự và sống lại trong căm hờn... Lần thứ năm em chết trong căm hờn và sống lại trong tình yêu... Bây giờ em sống bằng mối tình lớn lao trùm lấp hết thảy và em biết rằng em sẽ chết trong tình yêu. Đấy sẽ là lần chết cuối cùng của em... Sau lần chết này, không bao giờ em còn sống lại nữa... Em sẽ biến mất, hòa tan trong tình yêu vĩnh cửu... Vì thế, em chẳng tính gì đến chuyện bao giờ em sẽ chết... Em không sợ chết... Em uống mừng lần chết thứ sáu, lần chết cuối cùng của em!
Marya uống cạn chén rượu và nhìn vào mắt Batsana.
Batsana nhìn người phụ nữ tuyệt diệu ấy và không biết trả lời nàng thế nào. Bắt đầu một tình trạng im lặng ngượng nghịu kéo dài. Batsana có cảm giác căn phòng chia làm hai phần: Marya ở một phần, còn ông ở phần khác. Bên phía Marya tràn đầy không khí, sức ấm, sự sống và tình yêu, còn ông ở trong chỗ trống rỗng ghê rợn, đáng kinh hoàng, trong khoảng chân không. Để khỏi chết ngạt, ông đứng nhanh dậy, đi vòng qua bàn, đến ngồi cạnh Marya, ôm lấy nàng và ngả đầu vào ngực nàng, như dựa đầu vào cái cây đời mãi mãi xanh tươi...
Marya hôn tóc Batsana và nói bằng giọng hết sức bình tĩnh:
- Nói cho em biết đi, có chuyện gì làm anh khổ tâm?
Batsana lấy ở trong túi ra chiếc phong bì có lá thư nặc danh và những bức ảnh khiêu dâm, tay run run đặt trước Marya. Nàng nhìn chiếc phong bì một lúc lâu, rồi mở ra. Thoạt tiên Marya chăm chú xem những tấm ảnh, rồi đọc thư.
Batsana nhìn không dứt vào mặt nàng, song không nhận thấy một mảy may diễn biến nào. Nhưng, đọc xong lá thư, Marya ngước đôi mắt to lên nhìn Batsana và ông hiểu mình đã phạm một sai lầm tai hại như thế nào. Trong mắt Marya, thay cho sự phẫn nộ, ghê tởm hay căm thù, ông chỉ thấy sự thương hại sâu xa đối với hai kẻ hèn mọn: kẻ viết bức thư nặc danh và chính Batsana.
Marya đứng lên.
- Sự cô đơn đẩy người phụ nữ vào con đường lầm lạc. Đàn ông cũng thế. Vì vậy hãy gắng đừng bao giờ để mình bị cô đơn.
*
*    *
Một giờ, hai giờ, rồi sang giờ thứ ba, Batsana ngồi trong hiệu ăn, nhưng Marya vẫn không trở lại. Lòng tự hào của người phụ nữ phi thường này vượt qua mọi sự mong đợi của Batsana.
- Cái bà... ê - ê... bà cùng đi với ông đã ra về lâu rồi... - Người phục vụ bàn ăn lúng ta lúng túng, cuối cùng đánh bạo nói với ông.
- Vâng, vâng, tôi biết. - Sửng sốt, Batsana đáp.
- Xin ông thứ lỗi... nhưng hiệu ăn đã đến giờ đóng cửa... Nếu ông...
- À vâng, tất nhiên, xin lỗi... Tôi phải trả bao nhiêu?
Batsana trả tiền, không nhìn bản thanh toán. Người phục vụ lui ra.
Batsana xé vụn bức thư và những tấm ảnh, ném vào cái gạt tàn và đánh bật lửa. Thoạt tiên những mảnh giấy ảnh bốc cháy, Batsana chăm chú quan sát một lúc những hình người phồng rộp lên, tan ra và biến thành tro. Cái gạt tàn khiến ông liên tưởng đến một địa ngục nhỏ xíu. Khi ngọn lửa bao trùm cả lá thư nặc danh. Batsana lại nghe thấy cái tiếng nói quen thuộc. Ông lặng người đi.
Lá thư nói bằng tiếng của Xanđrô Maglapêritzê.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét