Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 3

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 3

Cái buồng bệnh ba giường thấm đượm mùi iôđôfooc lẫn với mùi cồn, mùi long não và mùi hơi ẩm của sàn nhà mới lau chùi. Để khỏi ngạt thở, bằng một cử động thận trọng Batsana kéo chăn che kín mũi, rồi cũng thận trọng như thế, ông tự xem mạch của mình. Tim đập như thời thơ ấu khi Basana nheo mắt, tựa đầu vào tấm vách, bắt đầu đếm: “Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, tám rưỡi, chín, chín rưỡi, mười!”. Batsana thôi không bắt mạch nữa và đặt tay lên tim. Tim im lặng. Sợ hãi, ông lại xem mạch. Mạch vẫn đập. Thế là ông chậm rãi thò mũi ra khỏi chăn. Một mùi găn gắt xông lên.
- Cửa sổ... - Batsana khẽ thốt lên.
- Cái gì? - Giường bên lên tiếng.
- Ô-hô! Ông ấy còn sống ư? - Giường kia hỏi.
- Chẳng lẽ người ta lại đưa người chết đến đây à? Đây là phòng bệnh hay nhà xác? - Giường thứ nhất đáp bằng giọng bực tức.
- Nghe nói là một nhà văn. - Giường thứ hai đáp. - Chỗ của nhà văn là ở Mơtatxminđa [nghĩa đen là “Núi Thần” - ngọn núi ở Tbilixi, nơi có lăng các nhà hoạt động xã hội xuất sắc], chứ không phải là ở đây.
Batsana nghe thấy cuộc đối thoại giữa hai giường kế cận, nhưng đối với ông, cái chủ yếu bây giờ là không khí, không khí tươi mới, trong lành, ngoài ra không cần gì hơn.
- Cửa sổ! - Ông nhắc lại.
- Ở đây có cái gì không vừa ý ông ta, không rõ là không khí hay cửa sổ.
- Không khí. - Batsana nói.
- Thưa ông, ông biết đấy, chúng tôi không được phép trở dậy, thậm chí không được phép cử động nữa kia. - giường thứ hai cho biết. - Vì vậy, chừng nào cô hộ lý chưa đến thì ông đành bằng lòng với thứ không khí mà tôi và ông Bulika đáng kính vẫn thở vậy.
Batsana hiểu rằng Bulika là tên giường thứ nhất. Bây giờ cần biết rõ người nằm giường thứ hai là ai.
- Mấy giờ rồi? - ông hỏi.
- Theo tôi, bây giờ là lúc cha làm dấu thập ác và cầu nguyện đức Chúa Trời! - giường thứ nhất trả lời.
Batsana nghiêng qua giường thứ hai và nhìn thấy bộ râu đen với những sợi râm bạc. “Chắc là một cha cố” - ông nghĩ và hỏi lại:
- Mấy giờ rồi?
- Mười giờ. - Bộ râu đáp.
- Thế ông không quan tâm đến thế kỷ à? - Bulika tò mò.
Người ốm thường bông đùa hoặc trước khi chết hoặc sau khi bình phục, Batsana vẫn nhớ bây giờ là thế kỷ thứ mấy, nhưng lúc này ông quan tâm đến vấn đề khác: bộ mặt của người đã bình phục này. Đầu giường Bulika ở phía chân Batsana, vì thế ông chỉ có thể nhìn thấy quãng đầu hói của ông ta.
Batsana bất giác mỉm cười, và không muốn làm mếch lòng người nằm giường bên, ông hỏi:
- Bây giờ là thế kỷ thứ mấy?
- Đúng rồi, thưa cha, ông ấy từ những vùng rất xa xôi trở về, - Bulika nói với giường thứ hai. - Tôi thì chưa đi xa đến như thế.
- Ờ thì bác chỉ thiếu máu cục bộ vách sau tim. Còn ông ấy không phải chỉ thương tổn vách sau, mà là cả một đống hoang tàn Bagrachi [Đền thờ Bagrat (thế kỷ X-XI), gần thành phố Kutaxi].
- Nếu vậy thì ông bạn thân mến ạ, đối với ông bây giờ là thế kỷ đầu của kỷ nguyên mới! - Bulika nói rõ hơn.
Batsana không đáp. Ông bắt đầu quan sát buồng bệnh.
Cửa ra vào. Một giường bệnh. Một giường bệnh nữa. Hai cái tủ con thấp, trên để những lọ matxôni [Sữa chua đặc], những lọ thuốc, những trái cây có đậy tấm khăn ăn. Những bức tường trắng. Một cửa sổ lớn. Một chiếc bàn dùng chung có một bình nước và những bông hồng đã tàn héo. Dưới giường thứ nhất là một chiếc bô màu trắng, dưới gầm giường thứ hai có cái gì thì Batsana không nhìn thấy. Ông nằm giường số ba. Ông nghiên cứu khá kỹ quãng đầu hói của người thứ nhất ở giường kế cận. Ông cảm thấy khuôn mặt trông nghiêng của người thứ hai, người có râu, nom khá dễ ưa: trán cao, mũi thẳng, bộ râu rậm điểm bạc...
Hôm nay là ngày thứ mấy? Tháng nào?
Những câu hỏi liên tiếp nảy ra trong đầu Batsana và ông không thể tìm ra câu trả lời nào cả. Thôi, thây kệ những câu hỏi đó, ít ra cũng cần biết năm nay là năm bao nhiêu!
- Năm nay là năm bao nhiêu? - Ông buột miệng nói.
- Ông ấy mê sảng hay lỡm chúng ta! - Bulika nói.
- Không, chẳng qua là ông ấy thiếu ôxy, vì thế lẫn trí. Tôi cũng đã có lần như thế. - Bộ râu đáp. - nên cố tìm cách mở cửa sổ ra.
Trong phòng bỗng nhiên đầy sương mù màu hồng quen thuộc, và Batsana lại ở trên cái thang dốc.
- Ông tên là gì, thưa ông? - Bulika từ xa đưa lại.
“Tên tôi là Batsana, họ là Ramisvili!” - Batsana toan trả lời, nhưng lại im lặng. Bulika ở xa, xa lắm.
- Thôi đi, ông ấy đang thiêm thiếp ngủ! - Bộ râu đáp khe khẽ.
“Ồ không, tôi không ngủ đâu, tôi đang bị kéo xuống thang! giúp tôi với, cho tôi trở lại phía trên!” - Batsana muốn kêu lên mà không được. Bắt đầu một trạng thái ngây ngất màu hồng, lưỡi không tuân theo ông nữa. Để khỏi mất hẳn những người đó, những người ở các giường bên, Batsana ngồi xuống bậc thang.
- Ông ấy ngủ rồi! - Bulika nói.
Batsana không ngủ. Ông nghe thấy hết.
Từ gậm giường của Bulika, một con chuột cống bò ra, hếch mồm đánh hơi, ngọ nguậy ria.
- Nó đã hạ cố đến thăm ta, - Người bệnh No-1 nói.
- Một mình nó hay cả gia đình? - Bulika hỏi.
- Lúc này mới có một mình nó.
- Xem xem có phải nhà văn của chúng ta đã chết rồi không? Cha ạ, chuột thường kéo đến khi đánh hơi thấy mùi xác chết. - Bulika nói và thận trọng ngóc đầu lên nhìn con chuột, nhưng không kịp. Tiếng kẹt giường làm con chuột kinh hoảng, nó chạy vụt về hang. Bulika chỉ kịp trông thấy cái đuôi nó. - Nó chuồn rồi. - Bác ta nói bằng giọng tiếc rẻ.
- Nó sẽ quay lại. - Người bệnh giường No-2 an ủi Bulika, lấy trong chiếc tủ con ra một mẩu đường và ném xuống sàn. - Nó sẽ trở lại cùng với cả gia đình.
- Nhưng ông hãy cứ xem xem nhà văn còn sống hay không?
Người có râu quay đầu về phía giường Batsana. Ông nằm không nhúc nhích, hai bàn tay xanh mét ấp trên ngực.
- Chăn động đậy và mi mắt rung rung.
- Chăn động đậy tức là ông ấy thở, thở tức là tim hoạt động. Mi mắt rung rung tức là ông ấy không ngủ, không ngủ tức là nghe thấy chúng ta, nghe thấy là phải trả lời, không trả lời tức là bệnh tình nghiêm trọng... - Bulika kết luận. - Đồng chí nhà văn kính mến, đồng chí còn sống chứ?
“Còn sống, tôi đang ngồi trên thang và chờ đợi các bạn đưa tôi lên trên”. - Batsana muốn trả lời.
Hỡi ôi, chỉ là mong muốn thế thôi. Bulika không thể đoán được mong muốn của người khác.
- Nó mà bò lên, chui ra thì tôi sẽ tin thượng đế!... - Bulika nói với người có râu.
- Thì nó chui ra kia rồi! - Người có râu mừng rỡ, - Lại dẫn theo cả gia đình nữa chứ!
Lần này, con chuột cái dẫn theo cả chồng và hai con. Nó đi diễu một vòng quanh cái bô, rồi xộc thẳng tới chỗ miếng đường. Không thèm tốn công tha thức ăn vào hang, nó gọi người nhà, và cả gia đình nó lần lượt gặm miếng đường.
- Con vật khốn khiếp, nó cảm biết chúng ta không thể trở dậy được! Nếu không thì ngay cả hổ cũng không dám láo đến như thế, - Bulika tức giận lắc đầu. Con chuột quay đầu lại, đứng lên bằng hai chân sau và tò mò nhìn người nói.
- Thậm chí nó hiểu cả tiếng nói của chúng ta, quân trời chu đất diệt! - Bulika ngạc nhiên.
Thế giới vô sinh có tiếng nói bí ẩn kỳ diệu của riêng nó.
Loài người không hiểu nổi.
Nào ai biết: con người tinh khôn có khám phá ra không
Cái sáng suốt đã được thấu hiểu từ lâu trong thế giới nọ?
- Thơ gì thế, “Dũng sĩ khoác da hổ” [Tác phẩm của nhà thơ cổ Gruzya, thế kỷ XII, Sôta Ruxtavêli] phải không? - Bulika hỏi.
- Không, “Dũng sĩ” thế này kia:
Nghe tiếng Avtanđin, thú vật đàn đàn lũ lũ kéo ra khỏi các khu rừng sồi.
Chúng nghe chàng và ngạc nhiên về tính chân thật của chàng.
- Hừm, nó sống sướng hơn người. Chén đường không phải trả tiền, không bị nhồi máu cơ tim, không mắc chứng đau thắt ngực, chứng tim đập nhanh... Chúng ta lại đọc thơ cho nó nghe!... Xem kìa, nó béo tròn béo trục như con lợn vậy!
- Chứ sao, điều kiện sống thích hợp...
- Vậy là thế nào? Nếu xét vấn đề về mặt lịch sử xã hội và loại trừ sự phản vệ sinh và lập luận một cách lôgic và khách quan thì phải thừa nhận rằng chuột cống sinh ra do hoàn cảnh dư thừa thực phẩm. Thành thử tôi không thấy sự việc đó có gì dơ dáy... Nói chung chuột cũng là một tạo vật của chúa... Chỉ tiếc rằng nó reo rắc bệnh dịch hạch, cái đó thì có...
- Chỉ xin cha đừng làm ồn và đừng gọi tôi là kẻ vô thần, nhưng cha làm ơn cho biết: Chúa của cha cần tạo ra chuột cống để làm gì, hả cha? Ít ra cũng nên cho nó một bản chỉ dẫn mới phải chứ! Ồ, công dụng của nó dưới cõi trần này là gì? Chơi nhạc ư? Không! Làm món toonma [Món ăn làm bằng thịt ở vùng Kavkazơ, tương tự như món thịt băm bọc lá cải bắp] ư? Không! Thế thì nó làm gì? Gặm nhấm đường, gặm sàn, gặm sắt, gieo rắc dịch tả, dịch hạch, mọi thứ bệnh truyền nhiễm! Nó là thế đấy, tạo vật ấy của cha do chúa sinh ra! Hừ, mẹ cha nó!... - Bulika nhổ bọt và quay mặt vào tường.
- Anh thật là đần độn! Chúa tạo ra chuột cống để những kẻ ngu dốt như anh thấy sự toàn năng của Chúa! Và hãy giữ mồm giữ miệng, kẻo sau khi anh chết, Chúa lại bắt hồn anh đầu thai vào chính con chuột này đấy! - Người có râu hăm dọa.
- Muốn vậy thì Chúa chỉ cần một con chuột cống thôi là đủ! - Bulika hạ giọng.
- Ném cho con chuột miếng đường, tôi hết ráo cả rồi! - Người bệnh No-2 nói.
- Có lẽ cần dâng cho nó “khúc đuôi tôm” chăng? Liệu nó có nảy mụn trứng cá ra không nhỉ? - Bulika hỏi với giọng khinh miệt, lại quay về phía người nói chuyện với mình.
- Mọi sinh vật trên đời đều là tạo vật của Chúa. - Người kia trả lời với giọng dạy đời. - Và ta nên sống hoàn toàn hòa hợp.
Ăn xong chỗ đường, mấy con chuột bắt đầu đánh hơi cái tủ con của Batsana, nhưng không tìm thấy ở đấy thứ gì ăn được - Batsana chưa kịp trữ thực phẩm - nó chuyển sang khu vực của người bệnh No-2. Nhưng ở đây cũng không có gì thích hợp, thế là chúng bắt đầu gặm chân chiếc tủ con.
- Hừ, chúng mày chết tiệt đi cho rảnh! - Người bệnh No-2 bỗng kêu ré lên và ném chiếc giầy vào con chuột, ném mạnh đến nỗi Bulika hoảng sợ ấp hai tay lên tim.
- Chớ phá hủy sự hài hòa, thưa cha! - Bác ta nói một cách mỉa mai và để phòng ngừa sự bất trắc, bác đặt một viên notrôglyxêrin dưới lưỡi.
- Có chuyện gì thế? - Chị y sĩ hỏi, nghe thấy tiếng ồn ào, chị vào.
- Thưa chị Giênya, - Người bệnh No-2 nói với chị y sĩ bằng giọng lo lắng, - Hoặc chị bảo vệ chúng tôi khỏi những con vật đáng tởm, hoặc xin chị đặt một cái bẫy chuột.
- Ông định nói gì thế?
- Cố nhiên, không phải là “Bẫy chuột” của Vagiơ Psaven! Hãy giải thoát chúng tôi khỏi những con chuột cống! Không thể tiếp tục chịu đựng sự có mặt của chúng được nữa.
- Lạ thật, thưa batônô, đã ba chục năm tôi làm việc ở đây mà không hề thấy một con chuột nhắt nào cả!
- Thì tôi có nói đến chuột nhắt đâu. Chuột cống kia chứ!
- Thế thì lại càng không có!
- Tôi nói quyết với chị rằng ở đây đầy chuột cống! - Người bệnh No-2 khăng khăng nhắc lại.
- Giầy của ai đây? - Chị y sĩ tránh trả lời.
- Của tôi, chị Giênya ạ, giầy của tôi, tôi muốn ném chết con chuột cống!
- Thế sao bảo là “Không được sát hại sinh linh”, thưa cha?
- Điều răn ấy không cần chị giảng giải thêm, mà nói chung, một người phụ nữ ở tuổi chị phải phân biệt được người với chuột cống! - Người bệnh No-2 bực tức.
- Tuổi của tôi không phải là chuyện đáng cho cha bận tâm! - Giênya nổi nóng, - Tôi không phải là y sĩ về chuột cống! Cần thuốc thì nói với tôi, còn về bẫy chuột và Xtricnin thì hỏi thủ kho!
- Trong phòng chúng tôi hiện giờ có một nhà văn! Chắc là ông ấy sắp hồi tỉnh, ông ấy sẽ chính mắt nhìn thấy hết và sẽ đưa các người lên báo! - Bulika đe dọa.
Chị y sĩ tới gần giường Batsana, ngồi ghé xuống bên giường và bắt mạch cánh tay không còn sức sống của ông...
- Ôi chao, ông ấy còn hơi sức đâu mà... - Chị thở dài.
- Làm ơn, mở hộ cửa sổ ra, ông ấy vừa tỉnh lại và đòi không khí. - Người bệnh No-2 nhớ ra.
...Giênya đứng phắt dậy khỏi giường đến gần cửa sổ và mở toang cửa.
Không khí tươi mát tràn trề sức sống, thấm đượm hương thơm hoa phượng tràn vào phòng.
Phòng bệnh ngát hương thơm mùa xuân.
*
*    *
- Đứng dậy, leo lên đi! - Một giọng rất quen gọi Batsana lúc ấy đang ngồi trên thang, ông đi theo tiếng gọi ấy. Cái thang đưa ông tới một bãi trống nhỏ nằm lọt giữa những cây phượng nở hoa, trên bãi rải rác những bông anh túc đỏ như máu. Giữa đám hoa anh túc có một chú ngựa non trắng như tuyết với cỗ bờm lộng lẫy. Nó nóng nảy giậm một chân trước xuống đất như gọi Batsana đến với nó.
- Hãy đến cưỡi lên lưng tôi! - Batsana nghe thấy. Ông cưỡi lên con ngựa, hai tay ôm lấy cổ nó và gục đầu vào cổ nó. Con ngựa phóng đi. Móng nó không bịt sắt nện vang giòn. Nó lao như bay, đưa Batsana đến gần ngôi nhà thờ trắng và cất tiếng hí vang, nghe như hàng nghìn cái chuông lớn nhỏ đổ hồi. Cổng nhà thờ mở rộng và Đức mẹ đồng trinh hiện ra, tay bế Chúa hài đồng. “Lạy chúa tôi”, - Batsana nghĩ, quỳ xuống...
... Lúc tỉnh lại, Batsana thấy chị y sĩ mặc áo blu trắng đang đếm mạch ông. Ông cảm thấy máu chảy trong mạch và ở một chỗ nào đó cạnh tim, nhịp co bóp của tim chậm lại, vấp phải một trở ngại vô hình. Nhưng máu vẫn dai dẳng mở đường chảy, ép vào các vách tim. Dòng chảy của máu mỗi lúc một mạnh hơn, nhanh hơn. Bây giờ máu không chảy, mà vỗ đập, phụt tia, sôi lên, đến nỗi Batsana buốt hai bên thái dương. Nhưng đấy là cái đau khác, đặc biệt. Và Batsana hiểu rằng sinh mạng đã rời bỏ ông nay lại trở về với ông, vào trong phòng, đến ngồi xuống giường cạnh ông và chạm vào ngực ông. Tất cả những cái đó, thoạt tiên Batsana cảm thấy, rồi nghe thấy, rồi nhìn thấy hẳn hoi.
- Xin chào! - Ông mỉm cười với sinh mạng đã quay trở lại.
- Chào ông! - Cả chị y sĩ và hai người bệnh giường bên đều buột thốt lên.
Tiếng “chào ông” đó chứa đựng tất cả sự bất ngờ, niềm vui sướng, ngạc nhiên.
- Chào các bạn! - Batsana nhắc lại, mỉm cười với mọi người.
- Ông ấy đã trở về! - Bulika nói.
- Đã trở về! - Batsana xác nhận.
- Trước đây ông ở đâu? - Bulika tò mò.
- Chắc chắn là ở Viflêêm! - Batsana mỉm cười.
- Hình như bây giờ ông ấy vẫn ở đấy! - Bulika buồn rầu.
- Ồ không, tôi thực sự đã trở về rồi! - Batsana nói cho người kia yên tâm.
- Tôi ở đây bao nhiêu ngày rồi? - Ông hỏi chị y sĩ.
- Một ngày một đêm, - chị vừa trả lời vừa đặt lại chiếc gối ngay ngắn.
- Cảm ơn.
- Ông thấy trong người thế nào?
Batsana suy nghĩ. Tim ông đập không đều, nhưng không yếu lắm: ông nghe thấy tiếng tim mình. Ông động đậy chân tay, nhưng không cảm thấy thân thể. Ông cảm thấy lâng lâng, thú vị vì một cảm giác bay bổng tự do. “Chắc hẳn đấy chính là trạng thái không trọng lượng” - Batsana nghĩ.
- Ông cảm thấy trong người thế nào?
- Như nhà du hành vũ trụ! - Batsana đáp, cả quyết như một nhà du hành vũ trụ dày dạn.
- Có khó chịu ở tim không?
- Hơi đau, nhưng không đau như ban nãy...
- Tôi biết, - chị y sĩ ngắt lời ông. - Tôi sẽ tiêm Ghêparin và Pantôpôn cho ông ngay bây giờ. Ngủ đi cho khỏe sức, đừng nói chuyện, không được cử động... Chiều, giáo sư sẽ đến.
- Không được cử động tí nào ư?
- Tuyệt đối không!
- Chỉ động đậy một chút thôi thì sao?
Chị y sĩ nghĩ ngợi, rồi nói khẽ, nhưng bằng giọng kiên quyết dứt khoát và khốc liệt:
- Ông sẽ chết!
Batsana nuốt nước miếng một cách khó nhọc. Rồi ông ngoan ngoãn chịu hai mũi tiêm (chị y sĩ lập tức đặt túi sưởi nóng vào chỗ tiêm) và ông im thít.
- Có gì cứ gọi tôi. - Chị y sĩ nói với ông. - Còn các ông, - Chị quay về phía hai người kia, - thì uống xêđuxen và ngủ đi. Tôi cũng có nhận thấy một điều gì đó cả trong các phòng bệnh khác, nhưng chớ vì thế mà làm náo loạn cả trần gian lên!
Chị đi ra.
- Tôi sẽ kể hết với giáo sư! - Bulika hét với theo, nhưng chị y sĩ không nghe thấy.
- Ấy là vì trước khi ông trở lại với thế giới chúng ta, giữa chúng tôi đã có một cuộc tranh cãi nhỏ về chuột cống. - Người bệnh No-2 giải thích với Batsana.
- Chuột cống nào?
- Nó sắp đến bây giờ đấy, khi ấy ông sẽ làm quen với nó, Còn bây giờ thì xin phép tự giới thiệu: cha cả của nhà thờ Ba ngôi tại Ortaisala, Iôram Kanđêlaki, còn đây là bác thợ giày ở Vakê [Tên cổ của các khu trong thành phố Tbixili], Aptanđin, cũng còn có tên là Bulika, Gôghilasvili.
- Tại sao lại tên là Bulika?
- Thuở bé, tôi gọi “Bulka” [Có nghĩa là bánh mì trắng] là “bulika”. Vì thế có cái tên nhạo là Bulika. Ông cứ gọi tên tôi như thế cũng được. - Bulika trả lời.
- Rất hân hạnh... còn tôi là Batsana Ramisvili, nhà văn.
- Chúng tôi biết rồi, nhưng vì sao ông bị nhổi máu cơ tim?
- Thú thực là tôi không thể nói được! - Batsana thở dài.
- Có lẽ ông... Chính cái ấy chứ gì? - Bulika búng vào cổ họng mình một cách ý vị. - Nghe nói các nhà văn rất khoái món đó...
- Không, không phải thế đâu! - Batsana mỉm cười.
- Tịnh không à? - Bulika ngạc nhiên.
- “Tịnh không” là thế nào? - Đến lượt Batsana ngạc nhiên.
- Chính vậy đấy!... Không thì lạ thật: không uống thì viết làm sao được?! Chẳng hạn như ông thì bao nhiêu?
- Ồ... một, hai, ba...
- Hai ba ly à?
- Hai-ba-chai!
- Tôi biết mà! Cừ lắm!... Nhưng bây giờ ông sẽ phải tạm chuyển sang nước quả.
- Không phải là tạm, mà vĩnh viễn! - Cha Iôram thốt lên.
- Nói thế! Như vậy thà tự sát còn hơn! - Bulika kêu lên.
- Đúng, đổi sang nước quả. Nếu ông uống nước quả thì sẽ không phải nằm bẹp tại đây! - Cha Iôram nói bằng giọng dạy đời.
- Thế còn cha? Cha không uống rượu vang, thế tại sao cha lại nằm cạnh tôi, hả? - Bulika hỏi, mỉm cười cay độc.
- Vâng, đến phải như vậy thôi... Nước quả. - Batsana nói.
- Nói chung thì điều đó đúng... Tôi có quen một nhà văn cũng như ông, tôi chữa giày cho ông ta. Cú mỗi lần tôi say rượu, ông ấy lại gào lên như con quạ.
Ơi Bulic mến thân, tự nay nên chừa rượu.
Kẻo rồi khốn vào thân, hãy tin lời tôi khuyên!
Tôi không tin ông ta, tôi cho rằng ông ta cũng không bình thường như mọi nhà thơ thôi... Thế là tôi đã đến nông nỗi này! Tôi mới chưa đầy ba  mươi mà đã thành người tàn phế... Quỷ tha ma bắt nó đi, món rượu vang ấy, - Bulika thở dài, - Đâu đâu tôi mơ thấy những điếu thuốc lá, như mơ thấy người đẹp!... Nói chung, sau khi bị nhồi máu cơ tim, thật không muốn sống nữa!...
- Sau khi bị nhồi máu cơ tim, con người đâm ra sợ, nỗi sợ hãi đáng ghét! Ông có sợ không! - Cha Iôram hỏi Batsana.
- Sợ chứ, rất sợ là đằng khác! - Batsana thú nhận.
- Lầm! - Bulika xen vào. - Hiện giờ ông còn bị tác dụng của thuốc mê, nhưng rồi sẽ qua hết... Thế ông không mường tượng thấy gì ư? Không mơ thấy ai ư?
- Có, tôi có thấy một người. - Batsana đáp, sau một lúc suy nghĩ.
- Đấy là chuyện thường xảy ra... Đôi khi ta còn nói trong lúc mơ... Phun ra hết mọi điều bí mật của ta!... Nếu có người tình thì phải coi chừng, chớ có gọi tên nàng trước mặt vợ!...
- Cám ơn, tôi sẽ lưu ý. - Batsana mỉm cười.
- Nói chung, - Bulika nói tiếp, - người thông minh thì kiếm người tình có tên trùng với tên vợ mình. Như tôi chẳng hạn, khi tôi lâm vào tình trạng như ông bây giờ, cái trạng thái như nhà du hành vũ trụ phải không, tôi luôn luôn nhớ đến Xvêta người tình của tôi... Té ra Xvêta vợ tôi ngồi bên giường và khóc nức nở “Vaimê, Bulik-gian, tôi không ngờ mình yêu tôi đến thế!”. Tôi cứ huyên thuyên thỏa thích về người tình của tôi... Nếu phụ danh của hai người đàn bà đó lại trùng nhau nữa thì ông chồng đúng là sống trên thiên đường! Nhưng có lần tôi vẫn bị hố! Ấy, có cha Iôram đây làm chứng...
- Sao vậy? - Batsana linh hoạt hẳn lên.
- Số là trong lúc mê sảng tôi nói lảm nhảm như sau: “Xvêta-gian, em ạ, trái quả đầu tiên con lợn cái được hưởng, - con lợn cái là ý nói vợ tôi, - nhưng không sao, nếu nhờ trời anh ra được khỏi đây thì anh sẽ cưới em làm vợ!”. Nghe những lời như thế, vợ tôi khóc toáng lên và đâu như còn đập đầu vào chiếc giường bây giờ ông đang nằm, hồi ấy giường bỏ không. “Vaimê, Bulika của tôi lẫn hẳn rồi, thậm chí không nhớ cả lễ cưới của chúng tôi!”. Giá mà bà ấy biết lúc ấy tôi hoàn toàn tỉnh thì nguy tai!... Thế đấy!...
Bulika đột nhiên dứt lời và nhìn Batsana chằm chằm. Batsana nằm nhắm mắt, vẻ khoan khoái hiện rõ trên mặt và thở đều đều, bình tĩnh.
- Chà, con người kỳ lạ làm sao, ông ta đi đến nơi ấy và quay trở lại nhanh chóng quá chừng! - Bulika nói với cha đạo bằng giọng giận dữ.
- Hãy để ông ấy yên, đấy là do tác dụng của Pantôpôn... Để ông ấy ngủ.
Còn Batsana xuyên qua màn sương mù màu hồng, xuống cái thang dốc quen thuộc, nhưng lần này ông cảm thấy rõ rệt mình lên mỗi lúc một cao...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét