Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 16

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 16

Batsana Ramisvili sinh ngày mười bốn tháng Bảy. Ngày đó có ghi trên tất cả các cuốn lịch của thế giới, nhưng dĩ nhiên không ghi là ngày sinh của Batsana, mà là ngày phá ngục Baxti, ngày ra đời của nước Cộng hòa Pháp.
Lúc này Batsana mỉm cười nhìn cuốn lịch nằm trước mắt và nghĩ ngợi.
Những người Pháp sinh ngày mười bốn tháng Bảy cố nhiên kỷ niệm ngày sinh của mình một cách long trọng. Nhưng ai biết ngày sinh của Batsana? Chẳng ai cả! À, chắc chắn là ở phòng cán bộ, nơi lưu giữ hồ sơ cá nhân của ông và ở phòng chứng minh thư của công an, nơi mới đây người ta cấp chứng minh thư vô thời hạn cho ông, họ biết điều đó. Nhưng biết chưa có nghĩa là ghi nhớ.
Lần cuối cùng Batsana được mừng sinh nhật là vào năm lên chín. Văctăng Enbakitzê, bạn học cùng trường tặng Batsana chiếc ô tô chữa cháy tự hành màu đỏ tuyệt diệu.
Ôi, chuyện ấy xưa lắm rồi!
Từ bấy trở đi, ngày sinh của Batsana chỉ được nhắc đến có ba lần:
“Đáng rủa sả thay ngày sinh của mày!”. - ấy là khi lần đầu tiên ông hút thuốc lá.
“Mày sinh ra đời làm cái nợ gì kia chứ!”. - ấy là khi ông uống rượu lần đầu tiên.
“Ai đẻ ra mày thế không biết, đồ quái vật!”. - ấy là khi ông đánh mất phiếu bánh mì.
Những lời ấy ông phải nghe vào những thời gian khác nhau, do những người khác nhau nói ra, mà ngay hồi đó cũng như sau này, không bao giờ ông oán giận họ, bởi vì ông biết rõ rằng: người ta nói như thế, trong hai trường hợp thứ nhất, là vì lo cho sức khỏe của ông, còn trong trường hợp thứ ba, là vì lo sợ cái đói không sao tránh khỏi. Lòng biết ơn vô hạn, ông nghĩ về những con người đó, chỉ có các người mới có thể nghĩ đến ngày sinh của ông và giờ đây các người không còn nữa. Để đền đáp lại lòng tốt của các người đối với ông, ông vẫn ra nghĩa trang đều đặn và đặt hoa lên mộ các người, hoa tím, hoa hồng, hoa đinh hương...
... Và ngày hôm nay đây... Biết bao nhiêu người ra đời ngày hôm nay sẽ được tặng hoa, bao nhiêu ngôi mộ của những người chết ngày hôm nay sẽ được đặt hoa. Biết bao nhiêu cặp mắt của trẻ sơ sinh sẽ mở ra ngày hôm nay, và biết bao nhiêu cặp mắt sẽ nhắm lại mãi mãi... Batsana hình dung thấy cái vòng đu đang quay, cái vòng đu khổng lồ như cây đời. Thấp thoáng hàng nghìn khuôn mặt - quen và lạ, mỉm cười và buồn rầu, ngạc nhiên và hân hoan, cau có và sung sướng, tiều tụy và hạnh phúc... Những con người mệt mỏi, ngây ngất rời khỏi những thứ đồ chơi - con tàu, ô tô, máy bay, ngựa, và những người khác lên thay chỗ họ trên vòng đu quay... Batsana có cảm giác chính ông cũng vừa rời vòng đu quay, đầu óc ông quay cuồng. Ông đứng lên, loạng choạng đến gần cửa sổ và mở toang cửa. Làn gió chiều nhè nhẹ ùa vào phòng. Rồi Batsana đến gần cửa ra vào, ngó ra hành lang. Trong tòa soạn không còn ai. Vì muốn có cách nào kỉ niệm ngày sinh của mình và không nghĩ được điều gì hay hơn, hôm nay Batsana cho các cán bộ về trước khi hết giờ làm việc, khiến họ ngạc nhiên và vui mừng.
Ông trở lại bàn, ngồi xuống và lấy trong ngăn kéo ra tập bài đầu tiên vớ được. “Tại sao dơi ngủ thõng đầu xuống dưới?” - nhan đề bài đó như thế.
Có tiêng chuông điện thoại:
“Người nào lại nảy ra ý nghĩ gọi điện thoại vào lúc này thế nhỉ?” - Batsana ngạc nhiên nhấc ống nghe lên.
- Tôi nghe đây!
Ống nói im lặng.
- Tôi nghe đây, tôi nghe đây!
Trong ống có tiêng loạt soạt giống như hơi thở. Không đợi trả lời, Batsana đặt ống nghe và trở lại với bản thảo. Ừ nhỉ, tại sao dơi ngủ lại treo đầu xuống dưới? Batsana không đọc bản thảo, không hiểu sao ông muốn tự tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi tuồng như vô nghĩa ấy. Hẳn là vì... Thuở bé, trong các giờ thể dục, đã nhiều lần Batsana treo mình trên xà đơn, thõng đầu xuống, được giảng viên khen ngợi, nhưng chẳng cảm thấy có gì thích thú đặc biệt. Có lần, ở Kôbulêti, Batsana đã ở trong trạng thái đó đúng mười lăm phút: những người đánh cá đã lôi được thằng bé sống dở chết dở từ dưới nước lên, phải khó khăn lắm mới làm cho nó nôn ra được hết nước, và sau này cứ nhớ đến trạng thái treo ngược đầu xuống là Batsana lại cảm thấy ghê tởm. Vậy thì cái tư thế khác thường ấy có gì hấp dẫn những con dơi? Không thể hiểu được... Batsana quyết định tìm câu giải đáp trong tập bản thảo nằm trước mặt ông, nhưng ngay lúc đó cửa phòng bật mở và một phụ nữ đẹp lạ thường bước vào.
- Tôi đây mà! - người phụ nữ nói.
Batsana không tin mắt mình nữa: trước mặt ông là Marya. Batsana muốn mời nàng ngồi, nhưng lưỡi không tuân theo ông, ông muốn đứng lên nhưng đầu gối khuỵu xuống, ông muốn mỉm cười, nhưng mặt ông như hóa đá. Trong khoảnh khắc, ông trở nên điếc và câm. Người phụ nữ đứng không nhúc nhích, tái nhợt, ngực nhô cao, cổ nổi lên những vệt đỏ.
- Tôi đã gọi điện cho anh! - chị nói khẽ.
- Tôi biết! - Batsana sực tỉnh. - Tôi nghe thấy hơi thở của chị.
- Anh không ở nhà, vì vậy tôi gọi điện về đây.
- Tôi có thể làm gì cho chị? - Batsana thốt lên như cái máy.
- Ta đi với nhau. - người phụ nữ nói.
- Đi đâu? - Batsana ngạc nhiên, hỏi.
- Đi đâu tùy anh!
Batsana sững sờ.
- Mời chị ngồi! - Ông thốt lên một cách khó nhọc.
Người phụ nữ vẫn đứng. Vóc dáng cân đối, môi đỏ thắm, tóc đen, mặc áo nịt ngắn màu xanh lá mạ và váy trắng như tuyết, nom chị giống mùa xuân vào qua cửa sổ.
- Ta đi đi! - người phụ nữ nhắc lại, tay đung đưa một cách nôn nóng cái túi xách tay màu lá mạ. Batsana đứng lên và mãi đến giờ mới để ý đến đôi giày màu lá mạ dưới cặp chân thanh tú của chị.
Hai người lẳng lặng ra khỏi phòng.
Ở ngoài phố, Batsana gọi tăc xi.
- Đi đâu? - người lái xe hỏi.
- Đi đâu cũng được! - Batsana đáp và nhìn người phụ nữ.
Nàng mỉm cười.
*
*    *
Họ lên đại lộ Kômxômôn và chọn một chỗ ở hàng hiên một tiệm ăn nhỏ.
Người nhân viên phục vụ đặt trước Batsana tờ thực đơn và bỏ đi.
- Gọi món gì? - Batsana hỏi.
- Khoai tây rán.
- Gì nữa?
- Thế thôi.
- Rượu vang nhé?
- Tùy anh.
- Cô-nhắc chứ?
- Không.
- Thế thì “Tibaani” vậy.
- Vâng, được.
Trong lúc chờ đợi người phục vụ. Batsana châm thuốc hút và mời Marya.
- Cám ơn, tôi không hút.
Bắt đầu im lặng. Batsana hút thuốc, thỉnh thoảng nhìn Marya và nghĩ ngợi... Nàng đến gặp ông làm gì? Có công việc chăng? Hay nàng muốn giữ quan hệ quen biết với ông? Hay là... Ồ không, không làm gì có chuyện ấy, nàng không thể biết ngày sinh của ông!... Vậy thì cái gì thúc đẩy nàng đến gặp Batsana?... Hỏi ư? Nhưng có cái gì ngăn Batsana không hỏi câu đó. Và “cái gì” ấy không dính líu với lý do tế nhị: Batsana sợ làm tắt tia hy vọng mỏng manh leo lét trong đáy trái tim ông từ ngày gặp người phụ nữ kỳ lạ này...
Cuối cùng người phục vụ trở lại, và Batsana thở dài nhẹ nhõm.
- Ở đây có món gì? - Ông hỏi.
- Sữa chim! - Người phục vụ đáp.
- Nếu vậy thì cho khoai rán và “Tibaani”.
Người phục vụ ỉu xìu.
- Thịt cừu nướng, thịt bê nướng, phi-lê tsakapuli, apkhazura, mugiugi, tatariăcmê [Những món ăn làm bằng thịt kiểu dân tộc của Gruzya], nađughi [Món sữa], mơtsađi [Bánh tráng bột ngô] phó mát mới làm, hồ đào... Ông chọn đi!
- Thế không có lưỡi họa mi à? Lưỡi rán! - Batsana bông đùa.
- Không có lưỡi rán, lưỡi luộc thì có! - Người phục vụ cười nhăn nhở.
- Thế thì mang cả đến đây!
- Hồ đào và “Tibaani”. - Marya nói.
Người phục vụ gật đầu tuân lời và đi.
- Marya, thế chồng chị có biết lúc này chị đang ở đâu không? - Batsana buột miệng và chính mình ngạc nhiên về câu hỏi dớ dẩn đó.
- Tôi không hỏi anh câu tương tự, vì tôi biết anh chưa có vợ. - Marya mỉm cười, đáp.
- Vậy là chị không có chồng ư? - Không hiểu vì sao, Batsana kết luận.
- Hiện giờ không có chồng. - Marya nói.
- Tại sao? - Batsana hỏi và hiểu rằng mình lại buột ra một câu ngớ ngẩn. Người phụ nữ im lặng. - Nghĩa là tôi muốn hỏi, con gái chị còn bố không? - Batsana tìm cách giảm bớt tình trạng ngượng ngập.
- Có bố và có chồng! - Marya đáp.
Batsana lấy điều thuốc lá nữa. Người phục vụ trở lại tay không.
- Thưa ông, thịt nướng hết cả rồi... Gà con thì tôi không mời ông dùng: gà ấp nhân tạo... Phi-lê thì hóa ra hôm nay người ta không chở tới... “Tibaani” không có, sâm banh cũng không... Có pho mát Thụy Điển, pho mát Rôxtôp, xaêrô [Một thứ rượu vang] và củ cải...
Batsana ngẩn người.
- Thế còn sữa chim thì sao? - Marya hỏi.
- Bị chua rồi! - Người phục vụ nói đùa.
Marya phá lên cười to đến nỗi khách trong quán ăn quay về phía nàng.
- Cửa hàng trưởng của anh đâu? - Batsana hỏi người phục vụ.
- Ông ấy hiện không có ở đây, thưa quý khách... Hễ ông ấy về, tôi sẽ đưa đến gặp ông ngay!
“Hoặc gã nhân viên này là một thằng ngốc, hoặc họ nhận ra ta và giấu những thực phẩm mua ở chợ”. - Batsana nghĩ và nói với Marya.
- Ta rời khỏi đây đi. Tôi không muốn kỷ niệm cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta bằng củ cải và xaêrô...
- Chuyện ấy quan trọng đến thế ư? - Marya đáp. - Bảo anh ta có gì cứ mang ra. Còn chúng ta sẽ tưởng tượng ta đang ở Lêningrat bị bao vây. Ta sẽ nhìn nhau... Buổi chiều hôm nay sẽ mãi mãi ghi sâu vào trí nhớ chúng ta...
Con sâu ngờ vực lại ngọ nguậy trong ý thức Batsana.
“Nàng muốn gì ở ta? Ai phái nàng tới? Nàng đến tìm ta để làm gì? Chẳng lẽ chỉ vì muốn gặp ta thôi ư?”.
Ông ngẩng đầu lên nhìn Marya. Marya nhìn ra chỗ nào phía sau lưng ông. Batsana dõi theo luồng mắt nàng và thấy anh chàng nhân viên phục vụ đứng trước một người đàn ông mập mạp, nghe người đó nói và ngoan ngoãn gật đầu như đồ chơi lên dây cót.
- Người ta đang âm mưu chống lại anh! - Marya nói với Batsana.
- Nếu họ định làm cho tôi mất chị thì sẽ không ăn thua gì hết! - Batsana phá lên cười, cầm lấy con dao cong bằng nhôm trên bàn.
- Bằng con dao như thế anh không bảo vệ được tôi đâu! - Marya mỉm cười.
- Tôi chỉ cần dùng răng thôi! - Batsana đáp, đưa mắt nhìn về phía người phục vụ, nhưng cả anh ta và người nói chuyện với anh ta đều không còn đấy nữa.
- Marya, tôi không còn sức chịu đựng nữa! Hãy nói rõ đi, cái gì đưa chị đến với tôi? Chị cần gì?
- Thì tôi có cầu xin anh điều gì đâu? - Marya ngạc nhiên.
- Chị đặt cho tôi một nhiệm vụ rất phức tạp... Hãy giải thích cho tôi điều đó hoặc giết tôi đi!
- Nhiệm vụ rất đơn giản. Ngày mai tôi sẽ đáp máy bay về Kutaixi. Và bao giờ cũng thế, trước khi lên máy bay, tôi muốn chia tay với một người thân thiết của tôi. Tất cả sự bí hiểm chỉ là thế.
- Tại sao lại thế? - Batsana bối rối, hỏi.
- Vâng, đúng thế... Không hiểu sao lần nào tôi cũng có cảm giác rằng nhất định máy bay sẽ gặp chuyện gì không hay. Và tôi gặp những người thân thiết lần này là lần cuối... - Marya cúi đầu xuống.
- Cả tôi cũng thuộc loại người ấy chứ? - Batsana ngạc nhiên.
Marya không nhìn Batsana, gật đầu.
- Vì lẽ gì tôi xứng đáng với một phụ nữ như thế... à không, với một vinh dự như thế?
- Giá mà tôi biết được!...
- Chị có nhiều người như thế không?
Tim Batsana đập rộn ràng chờ câu trả lời.
- Cho đến ngày hôm nay, chỉ có một người duy nhất: Maiya, con gái tôi. Bây giờ có thêm một người nữa - đó là anh.
“Hoặc tất cả những chuyện đó là ta mơ thấy trong chiêm bao, hoặc người đàn bà này chính là quỷ xa tăng!” - một ý nghĩ thoáng qua trong óc Batsana, còn Marya bỗng nhiên ngẩng đầu lên và nói bằng giọng xúc động:
- Tôi biết anh coi tôi là người điên hay một kẻ phiêu lưu... Tôi cam đoan với anh, tất cả những việc đó xảy ra ngoài ý chí của tôi!... Đã một năm nay tôi đấu tranh với bản thân... Nhưng không ăn thua gì! Tôi là một phụ nữ cương nghị! Tôi sẽ đứng lên và đi khỏi đây ngay bây giờ! - Marya đứng lên.
- Nếu chị đi, tôi sẽ chết mất thôi! - Batsana chạm vào những ngón tay lạnh giá của người phụ nữ, và nàng tin ở lòng thành thực của anh. Hiểu điều đó, Batsana hôn tay Marya.
- Cám ơn! - Marya nói và ngồi xuống.
Người phục vụ đến, hai tay bưng một khay đầy những món ăn cầu kỳ.
- Cái gì thế? Ở đâu ra? - Batsana ngạc nhiên.
- Ông cửa hàng trưởng đến, trông thấy ông và lệnh cho xuất hàng. - người phục vụ giải thích.
- Cửa hàng trưởng của anh là ai?
- Ông ấy đến ngay bây giờ đấy!
- Sao, ông ấy biết tôi à?
- Biết ư? Suýt nữa thì ông ấy thải tôi! Nào tôi có lỗi gì, thưa ông, trên trán con người có ghi rõ người đó là ai và ở đâu đâu! Xin ông thứ lỗi cho! - Người phục vụ cúi chào và chạy đi.
Batsana tươi tỉnh hẳn lên. Ông mở nút chai sâm banh đánh bốp một tiếng và rót đầy tràn hai cốc vại.
- Tôi muốn thổ lộ với chị một điều bí mật, Marya ạ...
- Không, cốc chúc mừng đầu tiên là của tôi! - Marya nâng cốc.
Batsana lắng tai nghe.
Marya chờ cho bọt trong cốc xẹp xuống, rồi nhìn xuyên qua cốc, ngắm vầng trăng lưỡi liềm vàng óng đã nhô cao trên Narikala [Một pháo đài cổ ở Tbilixi]. Batsana theo gương nàng. Vầng trăng thoạt đầu giật mình, bắt đầu lung linh, rồi chậm chạp choán đầy cốc và tan trong chất lỏng màu hổ phách. Batsana có cảm tưởng ông cầm trong tay vầng trăng màu hổ phách mát lạnh.
- Hôm nay là trăng mười bốn... - Marya khe khẽ nói. - Mọi người đều biết đích xác lúc trăng mọc và trăng lặn, đều biết ngày trăng mới và ngày trăng tròn. Nhưng không một ai trên thế gian biết có trăng từ bao giờ, nó ra đời tự bao giờ... Tôi uống mừng sức khỏe những người mà ngày sinh của họ không ai biết đến...
Marya chạm cốc với Batsana. Trăng trong cốc của Batsana lại rung lên, rồi tan ra, biến thành chất lỏng màu hổ phách trong suốt. Marya và Batsana cạn cốc, và khi Batsana lại nhìn lên trời thì không thấy trăng đâu nữa. Trăng đã lặn trong mây.
- Bây giờ ta sẽ uống trăng! - Ông reo lên, vui sướng như trẻ thơ vì sự trùng hợp kỳ lạ ấy.
- Cầu trời cho anh thọ ngang vầng trăng! Chúc mừng ngày sinh của anh! - Marya đặt cốc xuống. - Ban nãy anh nói về một điều bí mật gì đó, tôi đã không để anh nói. - Nàng nhắc.
Batsana bỗng muốn áp mặt vào ngực người phụ nữ kỳ lạ này mà khóc.
- Tôi chỉ muốn nói rằng em xinh đẹp lạ thường. Marya ạ. Có thể hôn em được chứ?
Người phụ nữ chỉ mỉm cười đáp lại. Thế là Batsana đứng lên, cúi mình qua bàn, hôn lên đôi mắt to ẩm ướt của Marya. Liền đó nàng thấy người đàn ông mập mạp vừa rồi đã nói chuyện với người phục vụ.
- Chào ông! - người đàn ông đến gần, nói bằng giọng khàn khàn.
- Chào ông! - Batsana đáp.
- Nếu ông cho phép, thưa ông Batsana kính mến, tôi chỉ quấy quả ông một lát thôi...
- Mời ông ngồi... Đây là cô bạn tôi, Marya...
Người đàn ông nghiêng mình chào lịch thiệp, hôn lên tay Marya và ngồi xuống.
- Ông không nhận ra tôi ư, ông Batsana kính mến? - người đàn ông lấy trong túi ra ba hộp “Winxtôn”, đẩy một hộp về phía Marya, hộp thứ hai về phía Batsana, hộp thứ ba giữ cho mình. Batsana chăm chú nhìn người đàn ông, một hồi ức lờ mờ thoáng qua trong đầu ông, nhưng ông không nắm bắt được và thốt lên một cách ngượng ngập:
- Có chứ, tôi nhận ra, nhưng không sao nhớ được chúng ta đã gặp nhau ở đâu.
- Tôi là Xanđrô Maglapêritzê ở xí nghiệp liên hợp chế tạo các sản phẩm bằng da lông thú...
- À-à! - Batsana kêu lên, - đã bao thời gian trôi qua rồi!... Hiện giờ ông ở đâu, sống thế nào, thưa ông Xanđrô?
- Cám ơn, tôi vẫn sống tạm qua ngày...
- Nếu ông hạ cố đến đây để trách móc về chuyện cũ thì xin ông đừng làm điều đó hôm nay... Hôm nay là ngày sinh của cuộc cách mạng Pháp, đồng thời là ngày sinh của tôi! - Batsana nói một cách vui vẻ và đưa cho Maglapêritzê một cốc đầy.
- Chết nỗi! Trách móc gì! Trái lại, tôi đến để cảm ơn ông, ông Batsana kính mến!... Ông bao nhiêu tuổi rồi ạ?
- Bốn mươi lăm!
- Trời! Ông sẽ còn ngần ấy năm nữa hưởng lạc thú! Và cả tình yêu nữa! - Maglapêritzê nhìn Marya. Marya bối rối và đỏ mặt. - Chúc mừng ông, ông Batsana kính mến! Cầu trời cho ông được hạnh phúc! Ông là người không có khả năng làm điều ác, cho dù có muốn làm ác đi nữa!
- Ông tưởng thế ư?
- Tất nhiên! Sau khi bài văn châm biếm ấy được đăng lên, tôi thành người nổi tiếng! Cả Gruzya biết tôi!
Batsana phá lên cười.
- Tôi không mong cho ai được lừng danh như thế, ngay cả kẻ thù của tôi!
- Xin đừng nói thế... Danh tiếng là danh tiếng... Hãy nhớ đến Hêrôxtrat... Bài văn châm biếm đăng trên báo của ông đã giúp chân lý giành phần thắng và đã lột mặt nạ cái ác.
- Tôi không hồ nghi gì về điều đó...
Một linh cảm khó chịu ngầm bảo Batsana rằng Maglapêritzê đến gặp ông hoàn toàn không phải vì tình cảm biết ơn.
- Vâng, vâng... Do quan tâm đến bài văn châm biếm, các cơ quan điều tra xác minh rằng mụ đàn bà ấy là một ả đầu cơ và bịp bợm... Còn người được ông gửi cho bài văn châm biếm để người đó có bin pháp xử trí thì té ra lại là một người yêu nước chân chính...
- Bằng cách nào?
- Theo dự tính của ông, việc loại bỏ bài châm biếm đó khỏi số báo đã sắp chữ sẽ làm thiệt hại cho nhà nước năm mươi ngàn rúp, phải không ạ? Người đó đã giảm số thiệt hại xuống còn hai mươi nhăm ngàn...
Batsana bối rối. Maglapêritzê cảm thấy điều đó và bình tĩnh giải thích:
- Ông ấy hành động rất đơn giản: không tỏ thái độ về bài đăng của ông.
- Ông muốn nói là ông đã đút lót, tức là đã bỏ ra hai mươi nhăm ngàn rúp chứ gì?
- Sao lại gọi là đút lót, thưa ông Batsana kính mến? Tạ ơn một người đã chú ý đến ta, đã giúp đỡ ta là đút lót ư? Chẳng lẽ ngày nay chúng ta không còn theo bộ luật đạo đức của Ruxtavêli nữa ư? Ông hãy nhớ lại Avtanđin nói gì với quan tể tướng:
Một người bạn không thể sống không có bạn mà trái tim không đau
Lúc cần, người bạn sẽ tức thời tới giúp không chút e dè.
- Tôi thấy ông đã xây dựng chu đáo thứ triết lý bẩn thỉu của ông, có viện dẫn những văn bản gốc. - Batsana châm chọc.
- Ồ, văn học cổ điển thực là vĩ đại... Ruxtavêli thì tôi đọc đi đọc lại hàng ngày, như đọc Phúc âm... Nhưng tôi cũng đọc cả các tác phẩm của ông và tìm thấy trong đó nhiều điều bổ ích cho bản thân... Người bạn gái của ông thật là một trang tuyệt sắc, thưa ông Batsana kính mến. - Maglapêritzê đột nhiên thay đổi đề tài, - Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy một phụ nữ không trang sức mà đẹp như thế!
Batsana không ngờ một bước xoay chuyển như thế và không biết trả lời ra sao.
- Vợ ông hẳn là thừa thãi đồ trang sức? - Marya hỏi Maglapêritzê, và để giấu sự lo lắng, nàng uống một hớp rượu vang.
- Quả có thế... Nhưng tôi không có ý nói đến các bà vợ... Có những người phụ nữ làm đẹp cho đời ta ở ngoài tổ ấm gia đình, có thể nói như vậy...
Marya đỏ bừng mặt, nhưng không nói gì.
Batsana quyết định trở lại đề tài chính của cuộc nói chuyện.
- Thế sau khi bài châm biếm được đăng trên báo, trong đời ông không có thay đổi gì ư?
- Có chứ, thưa ông Batsana kính mến! Thứ nhất, cơ sở sản xuất của tôi đã cháy sạch. Ấy là tại dây điện quá cũ... Thứ hai, quan thầy của tôi về hưu và bây giờ làm ở ngành thương nghiệp. Ông ấy kéo tôi về cùng làm. Chúng tôi đã thành lập một liên hợp các hiệu ăn... có thể nói chúng tôi đã gây dựng cơ đồ trên đống tro tàn, như dựng lại Rôm đã bị Nêrông đốt cháy, ha-ha!... - Maglapêritzê cười hi hi nghe đến đáng ghét.
- Phải, bây giờ thì tôi biết chắc ông là một tên đại bợm rất nguy hiểm, thưa ông Xanđrô... Và nhất định tôi sẽ trở lại vụ việc của ông, nếu hoàn cảnh cho phép. - Batsana nói một cách nghiêm túc.
- Quả là tôi không hề chờ đợi ở ông một câu trả lời như thế! Tôi tưởng rằng qua thời gian đó, ông đã trở nên biết điều, đã học được cách gáy đúng điệu... Vậy mà ông vẫn cục ta cục tác theo kiểu của ông.... Chẳng lẽ ông không biết người ta thường xử trí như thế nào với những chú gà trống gáy không đúng lúc à?
- Hăm dọa ư? - Batsana giận tái người.
- Anh không cảm thấy ghê tởm vì phải nói chuyện với tên đê mạt này sao? - Marya hỏi Batsana.
Maglapêritzê bật dậy. Cả Marya cũng đứng lên.
- Cút khỏi đây! - Batsana nói rất khẽ với Maglapêritzê.
- Đừng chiều theo thói đồng bóng của đàn bà, ông Batsana kính mến... Những con đĩ đã ép các chiến sĩ Maxêđoan đốt trụi thành bang Perxêpôlix tráng lệ nhất thế giới... - Maglapêritzê nói, cặp mắt vàng vọt đầy căm hờn của y nhìn xoáy vào Marya. Đột nhiên, trong lúc Batsana đã kịp nghĩ ra cách đối phó, Marya vung tay giáng cho Maglapêritzê một cái tát cực mạnh. Tiếng tát khiến cho cả quán ăn quay về phía họ, nhưng mọi việc xảy ra nhanh đến nỗi chẳng ai nhận thấy gì cả... Ở bàn Batsana, không khí yên lặng như trong nấm mồ... Batsana bỗng cảm thấy từ phía bên kia, Maglapêritzê bắt đầu nâng mép bàn lên. Ông đè tất cả sức nặng của mình lên bàn. Maglapêritzê rán hết sức lật đổ bàn nhưng không được. Cuộc quyết đấu thầm lặng ấy kéo dài chừng một phút. Cả Batsana và Maglapêritzê đều nổi gân trán, mắt đỏ như máu...
- Chớ có cả gan! - Batsana thì thầm, và lời nói thầm ấy đáng sợ đến nỗi cơn nóng của Maglapêritzê nguội hẳn đi. Y lấy lại vẻ mặt như trước, mắt tươi cười. Y rời xa bàn và nói với Marya:
- Cảm ơn bà, thưa phu nhân! Suốt đời tôi sẽ không quên cái vinh dự bà đã ban cho tôi!
Mặt trắng bệch như phấn, Marya lặng thinh.
- Đi khỏi nơi đây, Maglapêritzê! - Batsana nói, ngạc nhiên về sự bình tĩnh của mình. Maglapêritzê quay ngoắt đi và tháo lui. Batsana và Marya đứng im một lát, bàng hoàng về sự việc đã xảy ra, rồi họ ngồi xuống bên bàn. Sự im lặng kéo dài hồi lâu. Người đầu tiên phá tan sự im lặng là Batsana.
- Marya, cho xem vé máy bay của em nào!
Marya mở túi, tay run run bắt đầu lục tìm trong túi, cuối cùng tìm thấy tấm vé, nàng lấy ra và đưa cho Batsana.
Không nhìn tấm vé, Batsana xé vụn ra, ném những mảnh giấy vụn vào cái gạt tàn và châm lửa đốt.
- Đừng bỏ anh ở lại, Marya! - Ông nói khẽ, khi những mảnh vé trong gạt tàn đã cháy hết, Marya đáp lại bằng cái gật đầu khó nhận thấy. Batsana rót rượu đầy hai cốc và gọi người phục vụ.
- Thanh toán đi!
- Đã trả tiền hết rồi!
- Ai trả?
- Cửa hàng trưởng của chúng tôi!
Batsana phá lên cười.
- Ngày chiếm ngục Baxti đối với ta là thế đấy!... Chúc mừng em, Marya! - Họ chạm cốc. Rồi Marya đứng lên, tới bên Batsana và hôn lên má ông. Sau đó nàng trở về chỗ của mình, ngồi xuống, úp mặt vào hai bàn tay và bật khóc nức nở.
*
*    *
Nhà thờ Savnabađa [Savnabađa là tên núi: tiếng Gruzya (Savi) là đen, “nabađi” là áo burka] cao ngất trên núi quả thật giống một người chăn cừu mặc áo burka đen, giơ một tay che nắng và đang trông những đàn cừu ăn cỏ trên bờ các con sông Mơtkvari, Anghêti, Masavêra, Khrami [Tên các con sông]. Các thành phố Ruxtavi, Boonixi, Macnêuli [Tên các thành phố gần Tbilixi] nằm trải ra dưới chân núi nom giống như con chó khổng lồ đang canh giữ cừu, mõm chúng nhả ra khói và hơi nóng.
Nhà thờ Savnabađa đẹp lạ thường vào cuối thu, chìm trong sương khói mỏng manh, mái vòm chống đỡ bầu trời.
Một ngày chủ nhật. Trên con đường cái hẹp, một chiếc ô tô chạy rì rì. Nó lắc lư như say rượu, đến mỗi chỗ ngoặt lại dừng, lùi lại phía sau, lấy đà và lao mạnh lên, vượt đoạn dốc tiếp theo.
Đến khúc ngoặt cuối cùng trước nhà thờ, xe lại dừng.
Batsana mở tốc độ số một, ấn bộ li hợp. Sỏi cát bắn tung tóe dưới bánh sau ô tô. Batsana nhấn bàn đạp tăng tốc. Bánh xe quay như điên. Có mùi cao su cháy khét.
- Ta xuống thôi. - Marya nói.
- Cứ ngồi yên. Xe trượt bánh là bởi tải nhẹ quá. - Batsana giải thích.
Ông chờ cho xe lùi lại, rồi xả tốc và thêm ga. Xe băng về phía trước.
- Thế là đến rồi đấy!
Batsana cho xe đậu dưới gốc cây.
Marya ra khỏi xe, cởi giầy, chân không chạy trên cỏ mấy bước, rồi dừng lại giữa sân, giang hai tay ra, và nhón đầu ngón chân, xoay tròn như cô bé con, reo lên:
- A-u, chúng ta gần thượng đế biết bao!
Rồi nàng ngồi xuống phía trước nhà thờ, gục đầu vào giữa hai đầu gối và đờ ra, như rơi vào trạng thái xuất thần của người hành hương.
Batsana lấy thực phẩm trong ngăn hành lý, bầy biện lên chiếc bàn kê dưới gốc cây, rồi tới gần Marya, ngồi xuống đất cạnh nàng, ôm lấy vai nàng, vừa nói vừa cười:
- Marya, em cầu nguyện điều gì đi!
Marya quỳ gối, chắp hai tay giơ lên cao, nhắm mắt và cất tiếng thì thầm:
Chàng là hy vọng của những hy vọng của em.
Là ánh sáng của trái tim, là sự bình yên của tâm hồn.
Chàng là ánh hào quang tinh tú của em.
Chàng là tia nắng vàng.
Chàng là nguồn bất tử.
Thiên thần cánh trắng của em.
Một điều duy nhất em cầu xin thượng đế:
Được ở bên chàng, mãi mãi bên chàng.
Marya ngừng lời.
Batsana thuộc lòng những câu thơ ấy, nhưng chưa lần nào ông ngẫm nghĩ về nội dung của nó, sao mà nó giống lời cầu nguyện đến thế. Lúc này tâm hồn ông tràn ngập cảm giác hiền hòa, một cái gì ấm áp tràn lan khắp cơ thể. Ông kéo Marya áp vào mình và hỏi:
- Đấy là lời cầu nguyện hay ước mong?
- Chẳng phải hai cái đó cũng là một thôi ư?
Mặt trời thân thương,
Đừng ẩn mình sau núi!
Bạn thấy đấy, ở đây một thiếu nữ đang cóng rét.
Hãy lấy thân mình sưởi ấm cho nàng!
Mau mau ôm lấy con bồ câu xinh xắn,
Nói với nàng một lời về tình yêu.
Người đẹp không thể chờ đợi,
Nàng sẽ đi tìm một trang anh tài khác!
Dường như thiên nhiên lắng nghe lời Marya: vầng mặt trời khổng lồ từ sau núi nhô lên, ôm lấy nhà thờ trong những cánh tay nóng rực và trong nháy mắt, như uống sữa, nó uống hết sương mù lan tỏa trên các sườn núi.
Marya nép sát vào ngực Batsana cất tiếng nói, và lời nàng nghe như lời cầu nguyện.
- Đừng bỏ rơi em, Batsana! Đừng bỏ em, anh là hy vọng duy nhất của đời em!... Tại sao trước đây anh không ở bên em? Nếu có anh, hẳn anh sẽ giúp em tránh được bao nhiêu tai họa!... Từ ngày em thấy anh lần đầu, em đã từ bỏ hết thảy!... Ngoài anh ra, đối với em không còn gì tồn tại nữa! Anh là thượng đế của em, em cầu van anh: đừng bao giờ ruồng bỏ em, đừng trả em về quá khứ! Em không muốn thế! Em mệt mỏi rồi!... Em đang tới gần anh... Đấy - đấy, em sẽ chạm vào anh... Em với anh... Đừng ruồng bỏ em!... - Marya bật khóc.
Tim lặng đi, Batsana nghe lời tự thú say đắm của người phụ nữ thổn thức và cố dỗ dành nàng.
- Em làm sao thế, Marya?... Sao em lại nghĩ rằng anh sẽ bỏ rơi em?... Thôi, nín đi!... Đừng khóc, em thân thương của anh!... Anh sẽ mãi mãi ở bên em!...
Khi Marya đã nguôi hẳn, Batsana thận trọng dìu nàng nằm xuống cỏ, rồi đứng lên, đi về phía nhà thờ. Ông cũng bàng hoàng xúc động không kém gì Marya.
Trong nhà thờ mát lạnh và tranh tối tranh sáng. Batsana nhìn quanh.
Tường lở lói vì hơi ẩm... Xung quanh không một bức tranh thánh, không một bức bích họa... Tấm bình phong tranh thánh tả tơi... Trong góc, một chiếc bàn gỗ nhỏ khập khiễng, trải tấm vải màu lá mạ sờn rách, trên có cái giá nến dúm dó và bức tranh Đức Mẹ do bàn tay một người kỳ quặc nào đó vẽ...
Trong giá nến có ba cây nến cháy gần hết... Trên bàn có một bó những cây nến nhỏ con và cạnh đó là một tờ giấy bạc ba rúp nhàu nát...
- Ê-ây! - Batsana gào.
- Ê-ê-ê-ây! - Tiếng vang dội lại.
Những con bồ câu đang gù ở chỗ nào trong các khóm tường dưới mái vòm bay vụt lên và theo nhau bay ra những khuôn cửa sổ hẹp... Batsana bắt đầu đi vòng quanh nhà thờ. Bức tường phía đông có chỗ cao bằng tầm người, ám khói nến! Đôi chỗ hiện lên những bản danh sách dài những người tham quan, xếp theo vần chữ cái, có ghi cả địa chỉ và ngày đến thăm nhà thờ. Trên khoảng tường chỗ bàn thờ, dưới bức tranh bích họa duy nhất vẽ hình đấng cứu thế, đã mờ phai gần hết, Batsana đọc thấy mấy câu thơ thảm hại, trong đó nhà thơ vô danh tự học thách thức đấng tối cao:
Tôi không tin vào đấng vĩ đại
Sáo rỗng và không có diện mạo.
“Một đoàn viên Kômxômôn vô thần” - dưới bài thơ ngắn là chữ ký.
Dưới một chút, có bài trả lời bằng chữ vạch trên tường:
Nếu ngươi không tin Chúa và ngươi và tự mãn tự túc đến như thế.
Ngươi lần mò đến đây làm chi, hỡi gã Kômxômôn trẻ tuổi?
Ta có thừa công việc phải lo, con đường ta đi dài dằng dặc và đầy chông gai.
Hãy để ta yên, gã vô thần tự tin kia!
Dưới ký: “Jêsu Kirixitô”.
Batsana phá lên cười ha hả: trong cuộc đua tài vắng mặt đó, người vô thần rành rành là thua vị cha của thượng giới.
Ở nhà thờ ra, Batsana không thấy Marya.
- Marya, em ở đâu đấy?
Không có trả lời.
“Sao ta lại bỏ nàng lại một mình?” - Batsana nghĩ và cắm đầu chạy xung quanh nhà thờ.
Marya ngồi bên chiếc bàn đã bày biện món ăn, dưới gốc cây và ôn tồn nói chuyện với một ông già nào không rõ.
- Em biến đi đâu vậy? Anh đã phát hoảng!... Chào cụ! - Batsana quay về phía ông già.
- Cầu trời ban sức khỏe cho ông! - Ông già bỏ chiếc mũ tusin. [Loại mũ mềm, tròn nhỏ, bằng dạ]
- Ta ăn sáng chứ? - Batsana hỏi Marya.
- Chứ còn gì nữa! Em đói ngấu rồi! - Marya đồng ý. - Bác đây sẽ ăn cùng với chúng ta.
- Sao lại không nhỉ! Tôi cũng có mấy món mang theo! - Ông già cởi dây buộc bị, lấy ra cái bánh mì nhà làm, pho mát guđa, thịt luộc, tỏi ngâm giấm, nửa chai vôtka.
Batsana lấy trong xe ra chai rượu vang.
- Các con ta ơi, trước hết ta hãy làm mỗi người một chén vốtka! - Ông già lấy trong bị ra chiếc sừng nhỏ xíu, thổi vào đó, rót đầy vôtka và đưa cho Batsana.
- Nào, hãy nếm thử và hãy nói một đôi lời!
- Ta uống vì niềm vui của chúng ta và vì nỗi đau xót của các kẻ thù!
Batsana uống cạn, im lặng một lúc, rồi thốt lên một cách khoái trá.
- Vôtka quả là tuyệt diệu! - Và ông đưa tay lấy tỏi.
Ông già mừng rỡ, tự rót rượu cho mình.
- Ở đâu có niềm vui, ở đấy có đau xót. Ta uống vì cả niềm vui lẫn nỗi đau xót, cầu chúc bình yên và mạnh khỏe! Vì cuộc sống! - Ông cụ dốc cạn cái sừng rượu và đưa tay vuốt bộ mặt không cạo, rồi rót cho Marya. - Còn bây giờ thì nói đi, con gái ta! Chúa đã tạo ra con xinh đẹp thế, lời lẽ của con hẳn là phải đẹp!
Marya cầm lấy cái sừng.
- Bác bao nhiêu tuổi, thưa bác?
- À, - ông già khoát tay. - ngoài bảy mươi!
- Cầu trời ban cho bác ngần ấy năm sống nữa!
- Hơi nhiều, nhưng dù sao cũng cám ơn con! Ta yêu cuộc sống, chẳng giấu giếm làm gì! Ta còn muốn sống nữa!
Batsana mỉm cười.
- Tên bác là gì, thưa bác? - Ông hỏi.
- Tên ta là Ghêorghi, họ là Tumalisvili.
- Bác ở đâu ta?
- Ở cái xã kia kìa.
- Bác đến đây làm gì ạ?
- Chăn gia súc. - Ông già giơ tay trỏ sườn núi đối diện, nới có hai con bò cái và ba con cừu cái đang ăn cỏ.
- Gia súc của bác à?
- Của ta.
- Thu nhập khá chứ ạ?
- Thu nhập quái gì! Chúng nuôi bản thân chúng còn không xong nữa là!
- Thế thì bác nuôi làm gì?
- Thế đấy, một ngụm sữa, một nắm len, và đôi khi may được miếng thịt... Ước gì có số con nhiều gấp đôi. Chứ như hiện nay thì ra quái gì? Vẻn vẹn chỉ đủ bữa ăn cho một con chó sói... - Thế bác vẫn giao sản phẩm cho nhà nước chứ?
- Có, có giao...
- Bác giao cái gì?
- Thì cũng một ngụm sữa, một cụm len, một miếng thịt...
- Nếu bác có số con nhiều gấp đôi thì sao?
- Thì còn phải hỏi gì nữa, hả con! Có nhiều gấp đôi thì sẽ giao nộp gấp đôi... Chứ ta giấu đi đâu? Giao nộp cho nhà nước hay đem ra chợ...
- Vậy ra bác không làm việc trong nông trang ư, bác Ghêorghi?
- Làm chi được, hả con, tuổi tác như ta thế này!... Các con ta thì đương nhiên là có làm. Chúng nó còn bảo ta không được chăn gia súc nữa kia. Bố làm ê mặt chúng con, chúng nó bảo thế. Bố nên ngồi nhà dưỡng già thì hơn. Còn thịt và sữa nộp cho nhà nước thì chúng con có thể mua ở cửa hàng. Nghe thấy chưa? Mua ở cửa hàng! Thế thứ thịt bán tại cửa hàng ấy thì ở đâu ra? Điều ấy chúng không nghĩ tới, bọn chó đẻ.
- Bác Ghêorghi, thế nhà thờ này không có chủ à? - Marya bỗng hỏi.
- Không, ở đây có một...bà lão nhà quê. Tên bà ta là Marya... Bà ta vẽ bức tranh thánh ở trên bàn trong nhà thờ ấy... Bà lão ốm, tội nghiệp, dù mỗi tuần bà ấy chỉ đến đây một lần cũng đáng khen lắm rồi...
- Thế ai thắp nến vậy? - Batsana hỏi.
- Ta thắp, chứ còn ai vào đấy?
- Thế tiền trên bàn ở đâu ra?
- Ở đâu ra là thế nào? Ta đặt tiền lên đấy. Để mua nến...
- Bác có tin Chúa không, bác Ghêorghi? - Marya hỏi.
Ghêorghi suy nghĩ. Rồi cụ đưa mắt nhìn ngôi nhà thờ từ trên xuống dưới, gãi đầu, rồi lại nhìn nhà thờ.
- Biết nói thế nào được... Thực tình thì ta cũng chẳng tin lắm... Nhưng ở đây, suốt ngày chỉ có một mình, xung quanh không một bóng người, tự dưng đâm ra nghĩ đến Chúa...
- Thế cụ nghĩ gì về Chúa?
Ghêorghi lại nhìn nhà thờ lần nữa.
- Ta nghĩ gì ư?... Ta nghĩ rằng khi người ta phá hủy thánh điện của người khác thì thay vào đó, phải dựng những nhà thờ của mình, to đẹp hơn trước. Như cái nhà thờ này chẳng hạn... Nó là của ai, ai xây cất, không biết. Đến ngày têlêtôba [Ngày tế của nhà thờ], người bốn phương đổ về đây: cả người Acmênya, cả người Tatar, cả người Hy Lạp, cả người Nga... Người Gruzya thì ta không nói... Họ đến cầu nguyện... Nhưng ta cho rằng cầu nguyện giữa đồng quang còn hơn là cầu nguyện trong cái nhà thờ như thế này... Ở đấy Chúa nghe thấy ta rõ hơn... Đứng trong cái nhà hoang tàn này, đừng nói gì Chúa, ngay đến con người cũng phát tởm... Ta nói vậy là ý làm sao? Là ngôi nhà thờ này bị bỏ hoang, không ai trông nom chăm sóc, vậy thì người ta đã dựng nên cái gì thay cho nó?
- Tôi không hiểu bác, bác Ghêorghi ạ...
- Có gì mà phải hiểu? Con ạ, trước kia người đi nhà thờ phải leo lên cao, cúi đầu qua cửa tường vây mà vào, phải bỏ mũ trước nhà thờ và vào trong thì nhất định phải đặt cây nến... Mà việc gì ta phải giảng giải cho các con nhỉ, các con là những người thông thái, các con biết rõ hơn ta... Thì như thế này chẳng hạn, Xô viết xã của chúng ta hiện đặt trong ngôi nhà cũ nát thuê của người ta, thiên hạ vào đấy chẳng những không bỏ mũ, mà còn chửi mắng và nhổ bọt... Theo ta, trong cả xã không được có nhà nào cao hơn và đẹp hơn trụ sở Xô viêt xã... Thế các con tưởng trước kia người ta không dựng nổi nhà mình cao hơn nhà thờ ư? Thừa sức, nhưng không dám! Không có quyền như thế!... Còn bây giờ, nhà ông chủ tịch nông trang của ta ở ngay trước trụ sở Xô viết xã, chả khác gì núi Kazơbêc so với quả đồi con kia kìa! Cái nhà xe của cậu lái xe Mitka cũng to gấp ba câu lạc bộ của chúng ta!... Người ta có đến cầu nguyện ở cái trụ sở Xô viết xã như thế không? Không hề!... Vậy ra chúng ta là những kẻ hành khất chăng? Không! Ơn trời, xã ta là một xã giàu có, vững vàng! Lúa mì dồi dào, có cả rượu vang, cả rau! Con người khác lợn ở chỗ nào? Ở chỗ con người ăn cái ở trên cây, còn lợn ăn cái ở dưới gốc cây, trên mặt đất! Ta nói vậy là ý làm sao? Là mọi việc đều phải kịp thời có bàn tay người làm chủ: để chậm thì quả trên cây rơi xuống gốc, thế là con lợn sẽ được hưởng!... Ta bảo tay chủ tịch Xô viết xã: “Anh là người làm chủ, là chính quyền Xô viết kia mà. Thế thì cất nhắc chân tay đi, đồ chó đẻ, hãy dựng một tòa nhà ra nhà, sao cho người ta vui thích khi vào Xô viết xã!” - “Không có tiền và limit [Limit, nhập từ tiếng Pháp limite, nghĩa là định mức, tiêu chuẩn cung cấp (N.D)] thì tôi dựng nhà thế quái nào được?” - hắn nói. “Lại còn cái quái quỷ gì thế nữa, limit là cái của nợ gì!” - “Đấy là gạch” - hắn nói. Nghe thấy chưa? Hắn không có gạch! Thế lấy đâu ra gạch để làm nhà xe cho Mitka hay để làm cung điện cho ông chủ tịch?... Được, hắn không có gạch, nhưng hắn có thể cạo mặt hay để râu theo kiểu Cơ đốc được không? Hắn có thể ăn vận tươm tất được không? Mà đó là để cho người ta tôn trọng hắn thôi? Hắn làm được, thằng chó đẻ, nhưng hắn cóc cần gì hết! Trong xã con bò của ta đây còn có uy tín hơn ông chủ tịch! Tại sao? Ấy là vì nó bao giờ cũng được tắm rửa sạch sẽ và cho những tám lít sữa! Thế đấy. Hay ta nghĩ không đúng? Các con nói ta xem! - Ông già dứt lời và rót rượu vang vào các cốc.
- Tất cả những điều bác nghĩ đều đúng, bác Ghêorghi ạ. - Batsana trả lời, - nhưng bác hãy nói thật nhé, đã có lần nào bác đem điều đó ra nói ở cuộc họp chưa?
- Có một lần...
- Hồi nào?
- Năm nay con bao nhiêu tuổi?
- Ngoài bốn mươi.
- Còn ta hồi ấy ba mươi, và suýt nữa ta sa vào... con biết là vào đâu rồi đấy...
- Bây giờ thời buổi khác rồi, bác Ghêorghi ạ!
- Thế thì để những người khác nói... Ta hết thời rồi.
- Thế mà bác bảo là bác còn muốn sống nữa.
- Ôi, thanh niên các người mau miệng gớm! Khốn nỗi đụng đến công việc thì các người lại không gấp lên cho... Mà này, có lẽ con là người của huyện ủy, phải không con?
Batsana phá lên cười.
- Không, bác Ghêorghi ạ, con là nhà văn, cán bộ biên tập một tờ báo.
- Cán bộ biên tập à? Thế thì viết lên báo của con về tất cả những chuyện ấy đi!
- Con sẽ viết chứ sao!
- Không chắc...
- Tại sao? Con sẽ viết thế này này: đây là những suy nghĩ của cụ Ghêorghi Tusmalisvili.
- Con muốn trút tất cả cho ta à? - Ông già chột dạ.
- Ồ không! Con sẽ viết rằng con tán thành một phần ý kiến của bác.
- Chỉ một phần thôi ư?
- Vâng.
- Nghĩa là con không hoàn toàn đồng ý với ta?
- Không.
- Thế có được tới một nửa không?
- Một nửa thì có lẽ!
- Thế thì viết một nửa thôi!
- Nhất định!
- Được, để rồi xem. - Cụ Ghêorghi thốt lên bằng giọng ngờ vực và nói với Marya: - Anh ấy có viết không?
- Anh ấy sẽ viết! - Marya cười vang.
- Thế các con đối với nhau là thế nào? - Cụ Ghêorghi bỗng hỏi.
Marya không ngờ tới câu hỏi đó, nàng bối rối, nhún vai và nhìn Batsana như dò ý.
- Bác Ghêorghi ạ, chúng con rất yêu nhau và đến đây làm lễ cưới. Nhưng ở đây không có linh mục, thế thì ai làm lễ thành hôn cho chúng con? - Batsana vừa cười vừa đáp.
- Các con cần gì linh mục? Nếu các con yêu nhau thì ta đây cũng có thể làm lễ thành hôn cho các con. - Cụ Ghêorghi vừa nói vừa đứng lên. - Nào, cả hai hãy đứng lên! Tên con là gì?
- Batsana.
- Tên con thì ta biết rồi: Marya.
Ghêorghi giơ hai tay lên trời, tay phải cụ cầm cốc rượu vang.
- Các con ta ơi, Marya và Batsana! Sương buổi sáng sẽ là thế giới hương thơm của các con, vầng thái dương cao cả sẽ là vòng hoa của các con, ngôi nhà thờ cổ này và mặt đất thân thương sẽ là người làm chứng cho tình yêu của các con. Ta, Ghêorghi Tusmalisvili, ta ban phước cho các con, như Đấng Tối cao ban phước cho Noah và các con của người. Hãy sinh con đẻ cái! Mong rằng con cái của các con sẽ làm rạng danh đất nước ta! Mong rằng tình yêu sẽ là người bạn đường vĩnh viễn của cuộc đời các con! Hãy chung thủy với nhau, hãy nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn và lo âu! Amen!... Và đừng quên mời ta đến dự tiệc cưới!
Ghêorghi nốc cạn cốc rượu, đưa tay áo lau mồ hôi, đến gần Marya và Batsana, lần lượt hôn cả hai người thật kêu.
- Cám ơn bác Ghêorghi! - Batsana cảm ơn ông già, Marya đứng cúi đầu, im lặng.
- Con của hai con sẽ xinh đẹp lắm! Hãy sinh đẻ nhiều con vào! - Ghêorfhi cầm cái bị lên.
- Bác đi ư, bác Ghêorghi? - Batsana hỏi với giọng luyến tiếc.
- Phải đi thôi, không thì gia súc lẻn vào vườn nông trang, người gác sẽ ăn thịt ta mất!... Từ biệt các con! Lần sau có đến đây nhớ tìm ta nhé, ta ở quanh đâu đây thôi...
- Tạm biệt bác Ghêorghi! Cầu trời ban sức khỏe cho bất cứ ai ở trong cái sa mạc này, dù đàn ông hay đàn bà, miễn là người đó đồng tình và ủng hộ bác! - Batsana và Ghêorghi xiết chặt tay nhau và ông già ra đi. Đi được mấy bước, ông bỗng quay lại và lớn tiếng nói, giọng bực bội:
- Này Marya, con giận ta phải không? Ta làm phép cưới cho con không đúng lễ ư?
Marya vùng chạy tới chỗ cụ Ghêorghi, ôm lấy cụ và hôn tới tấp lên khuôn mặt lởm chởm râu ria của cụ. Rồi cũng nhanh như thế, nàng quay lại và chạy về phía nhà thờ.
Batsana đưa mắt nhìn theo cụ Ghêorghi đã ra xa, rồi đi theo Marya.
Marya quỳ bên chiếc bàn con. Trước ảnh Đức Mẹ có ba cây nến cháy sáng.
Batsana lắng nghe hồi lâu tiếng thì thầm của người phụ nữ. Ông không nghe thấy lời, nhưng hiểu rằng Marya cầu nguyện. Rồi ông nhẹ nhàng đặt cạnh tờ ba rúp nhàu nát số tiền mười rúp và rón rén ra khỏi nhà thờ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét