Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 15

 Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 15

Hôm ấy Batsana tiếp hai vị khách: một người đầu óc bình thường và một người bất bình thường. Nhưng đấy là sau này mới rõ, còn thoạt đầu Batsana thấy hai người đều hoàn toàn bình thường.
Batsana ngồi ở bàn trong phòng làm việc và sửa bài văn châm biếm viết về những mánh khóe đen tối, sự phóng đãng và chuyên chế của một tay giám đốc xí nghiệp liên hợp chế tạo các sản phẩm bằng lông thú. Bài văn châm biếm viết bằng giọng gay gắt và rất đạt. Tất nhiên bài đó phải là cái đinh của số báo, một loại sự kiện chấn động, vì thế chỉ có Batsana và tác giả biết điều đó. Đoạn kết của bài văn châm biếm có vẻ gần như bịa đặt...
Trong buồng toa xe quốc tế có hai bà hành khách. Họ mau chóng làm quen với nhau, chẳng mấy chốc giữa họ đã bắt đầu một cuộc chuyện trò thường có giữa những người thuộc loại tầm thường. Khi đã chê bai tất cả những người hoàn toàn không quen, khi đã treo đèn đỏ lên cửa nhà [Ngày trước, nhà có treo đèn đỏ là nhà gái điếm (N.D)] một nhân vật rất đáng kính trong nước cộng hòa, một trong hai bà bỗng ho sù sụ, ngạt thở. Bác sĩ trên tàu đến kịp thời đã tìm được cách làm cho bà ta tỉnh lại. Trả lời câu hỏi vì sao bỗng nhiên bà ta lại bị như thế, người đàn bà kiệt lực giơ tay trỏ chiếc áo lông của bà bạn đồng hành treo trong buồng toa và rên rỉ:
- Da lông... mèo...
- Lông gì?
- Dị ứng... Tôi bị dị ứng lông mèo...
- Hiểu rồi... Phải đưa chiếc áo lông ra khỏi buồng toa...
- Nói gì kì thế, ông điên rồi chắc? - Người có chiếc áo lông nổi nóng. - Mèo miếc gì?! Đấy là chiếc áo lông chồn nâu! Tôi mua bốn trăm năm mươi rúp đấy!
- Bà mua bao nhiêu tiền mặc lòng, phải đưa chiếc áo lông ra ngoài ít ra là mấy phút...
Sau một hồi cãi cọ dằng dai, người phụ trách toa đem chiếc áo lông đi, nạn nhân lập tức thở thoải mái, như chưa hề bị ho.
Mọi chuyện mở đầu từ đó. Đầu sợi chỉ tình cờ bị vướng mắc trong toa xe khiến cuộn chỉ tở ra, tở ra và lăn tới xí nghiệp liên hợp chế tạo đồ dùng bằng da lông thú. Đi theo cuộn chỉ là những người không dính dáng gì với ngành vận tải đường sắt và y tế, nhưng hiểu tường tận các loại da lông thú và giá cả...
Thế là bây giờ, tay giám đốc xí nghiệp liên hợp ấy đang đứng trước Batsana và mỉm cười bằng đôi mắt hum húp. Batsana vẫn chưa biết người này là ai, nhưng chỉ riêng bộ dạng của khách - béo ục ịch, giống cái gốc cây cụt đẽo vạc thô kệch - tự dưng cũng toát ra vẻ tự mãn, trâng tráo.
- Chào ông! - Y nói và không đợi mời, ngồi luôn vào chiếc ghế bành trước bàn Batsana.
Batsana gạt bài văn châm biếm sang một bên và sẵn sàng nghe, nhưng khách im lặng. Cả một phút trôi qua như thế.
- Tôi xin nghe! - Cuối cùng Batsana nói.
- Không, tôi đang chờ nghe ý kiến của ông! - Khách mỉm cười.
- Tôi không hiểu...
- Tôi là giám đốc xí nghiệp liên hợp chế tạo sản phẩm bằng da lông thú! - Khách nói, đôi mắt vàng ệch loáng ướt nhìn xoáy vào Batsana.
“Hẳn là túi mật của tay này không bình thường” - Batsana nghĩ và nói:
- Họ của ông là gì?
- Xanđrơ Maglapêritzê. Hẳn ông phải biết họ tôi! - Tiếng ông khách trầm đục, khàn khàn.
- Lần đầu tiên tôi nghe thấy! - Batsana nói dối. - Nhưng cái đó không quan trọng. Ông đến có việc gì? Tôi không mời ông...
- Tôi đến về câu chuyện rùm beng xung quanh xí nghiệp của tôi... Tôi muốn khuyên ông: không nên để tai nghe những lời bá láp của những kẻ không am hiểu và ngu ngốc... Ông muốn biết gì thì cứ trực tiếp hỏi tôi đây này! - Maglapêritzê nói bằng giọng dạy đời.
- Tôi không hiểu ông nói gì... Tôi chẳng biết gì hết... - Batsana đáp một cách lạnh lùng.
- Ông biết hết... Đáng tiếc... Mà đấy là nhờ các cán bộ của tôi... Được, bọn ấy thì tự tôi sẽ thanh toán với chúng.
“Thật là láo xược! Hắn dám nói năng với ta như thế!” - Batsana nghĩ, nhưng nén được và bình tĩnh trả lời:
- Tôi nhắc lại, tôi không biết ông định nói về việc gì... Có lẽ ông nên nói rõ ra chăng?
- Vâng được! Nhưng tôi sẽ nói rõ không phải điều ông biết, mà là điều tôi biết kia!
- Tôi xin nghe!
- Số báo ngày mai của ông sẽ đăng bài văn châm biếm nhan đề “Dũng sĩ khoác da mèo”... Nói chung, tác giả bài châm biếm dớ dẩn đó cũng nên đọc “Dũng sĩ khoác da hổ” của Ruxtavêli vĩ đại. Nhân tiện xin nói, ở đây có những lời hết sức bổ ích:
Chăm sóc bạn không bao giờ hoài phí
Đạo đức gì nếu ta không kịp thời cứu giúp bạn ta?
Và thêm nữa:
Khi bông hồng về già, tàn héo
Bông hồng non sẽ tươi nở kế chân
- Tôi hi vọng ông cũng biết những lời đó, - Maglapêritzê mỉm cười nói thêm.
- Phải chăng ông định loại tôi khỏi cương vị công tác? - Batsana trả lời, cũng mỉm cười.
- Chết nỗi, đâu dám, thưa ông Batsana kính mến! Chẳng qua tôi muốn ngừa trước cho ông: ông tin chắc rằng đồng chí ở cơ quan cấp trên vẫn lui tới cơ sở sản xuất của chúng tôi sẽ ưa thích bài văn châm biếm đăng số báo ngày mai của ông chăng?
- Do đâu mà ông biết được nội dung bài văn châm biếm?
- Tôi biết, kính thưa ông Batsana... Trong bài ấy có viết rằng tôi là tên ăn hối lộ và bịp bợm, rằng tôi có nhân tình... Tiếp đó nó miêu tả một câu chuyện khôi hài về một bà nào đó bị dị ứng, có dính líu đến một cái áo choàng lông thú... Tóm lại, xin hãy nghĩ đến bản thân ông, thưa ông Batsana!... Cái ghế của ông đang ngồi không vững như ông tưởng đâu... Xin hãy tin kinh nghiệm của tôi.
Batsana phẫn nộ đỏ cả mặt lên, nhưng ông cố giữ giọng thật bình tĩnh, hỏi:
- Vậy đồng chí khuyên tôi như thế nào, đồng chí Maglapêritzê?
- Trước hết cần bình tâm... Nhưng chẳng giấu gì, chính tôi cũng không yên lòng... Đúng, việc tôi đến gặp ông là sự hạ mình đối với tôi! Trong những trường hợp như thế này, thông thường tôi cho các nhân viên kế toán của tôi đến gặp các biên tập viên... Ông là người cán bộ biên tập đầu tiên mà tôi đích thân đến thưa chuyện! Xin biết cho như vậy!
- Hạnh phúc cho tôi được hưởng cái vinh dự đó! - Batsana nghiêng đầu.
- Không nên mỉa mai, kính thưa ông Batsana. Tôi đến đây là vì kính trọng ông... Nói chung, mỉa mai là sở trường của tôi...
- Nếu vậy thì ông phí thời gian vô ích! - Batsana đáp.
- Cần loại bỏ bài văn châm biếm! - Maglapêritzê tuyên bố dứt khoát.
- Không thể được!
- Sẽ có người gọi điện cho ông, mà khước từ người đó thì...
- Cho dù chính thượng đế cũng không làm gì được! Báo đã sắp chữ xong, đình lại sẽ tốn của nhà nước năm mươi ngàn rúp... Bởi vậy, ta chấm dứt cuộc nói chuyện này.
- Bao nhiêu? - Maglapêritzê phá lên cười.
- Năm mươi ngàn rúp! - Batsana nhấn mạnh.
- Tôi sẽ bù đắp khoản thiệt hại đó.
- Nhà nước không cần có sự bố thí của ông!
- Ông bạn thân mến ơi, nhà nước gồm những người như tôi và ông. Và nếu ta không nâng đỡ lẫn nhau thì nhà nước sẽ sụp đổ. Chẳng lẽ ông không hiểu điều đó sao?
Batsana lộn tiết vì nụ cười tự mãn không rời khỏi khuôn mặt tên trâng tráo này.
- Nếu ông hiểu sự bịp bợm và những ngón gian lận về tiền nong là sự ủng hộ lẫn nhau thì ông lầm to, thưa ông Xanđrô! Không phải cái gì cũng mua được bằng tiền!
Maglapêritzê đứng lên.
- Ông là con gà trống non dại dột, thưa ông Batsana. Ông chỉ vừa mới có tiếng gáy và nên coi chừng, kẻo mà chưa kịp nảy cựa đã mất tiếng đấy!
- Tôi sẽ lưu ý đến lời khuyên của ông.
- Còn điều này nữa. Môem nói: ngoài năm giác quan đã biết, còn có một giác quan nữa: giác quan thứ sáu, không có nó thì mọi cái khác đều không đáng giá một xu...
- Giác quan thứ sáu là cái gì? - Batsana nhếch mép cười.
- Tiền, thưa ông Batsana, tiền! - Maglapêritzê nói, vẫn với nụ cười như thế.
- Muốn gì thì gì, sáng mai bài văn châm biếm sẽ đăng trên báo, rồi sau đó các cơ quan thích hợp sẽ có phản ứng.
- Và ban biên tập sẽ chờ đợi sự trả lời?
- Tất nhiên!
- Tôi thương ông, thưa ông Batsana, rất thương ông!...
Maglapêritzê đi về phía cửa.
“Thằng đểu!” - Batsana muốn quát lên, nhưng tay giám đốc xí nghiệp liên hợp nhanh hơn Batsana tưởng. Y nhanh nhẹn sập cửa lại.
*
*    *
Ông khách thứ hai vào phòng làm việc của Batsana sau đó một tiếng, như rán chờ cho Batsana bình tĩnh lại: Khách rất mực lịch sự, nom hoàn toàn đáng trọng, mắt dường như tỏa ra tia sáng anh minh và hiền hậu.
- Chào đồng chí tổng biên tập kính mến!
Batsana đứng lên, xiết chặt bàn tay ông khách đưa ra và mời ông ta ngồi. Khách cảm ơn, bỏ mũ, đặt mũ cùng với cặp lên chiếc bàn gấp, rồi ngồi vào chiếc ghế bành chủ mời ngồi.
- Xin phép tự giới thiệu: tôi là cán bộ tổng cục thống kê Galăctiôn Ghêorghiêvits Mơtvaratzê!
- Rất hân hạnh... Tôi phải làm gì đây?
- Xin lỗi đã quấy rầy ông, làm mất thời giờ quý báu của ông... Nhưng, biết sự nhạy cảm của ông, tôi đánh bạo xin ông nửa giờ thôi.
- Xin mời, một giờ cũng không sao!
- Để ông khỏi mất công về câu chuyện kì dị này, - tôi xin nhấn mạnh, câu chuyện kì dị đối với ông, - tôi sẽ đi thẳng vào sự việc. Tôi chỉ khẩn khoản yêu cầu ông đừng ngắt lời tôi và đừng hỏi câu gì, nếu không thật cần thiết. Tôi cũng xin ông bảo cô thư ký của ông đừng cho ai vào trong lúc chúng ta nói chuyện.
Batsana bấm nút chuông điện, cô thư ký ngó vào:
- Êlêna Xerghêcpna, tôi đi vắng. Nửa giờ nữa tôi sẽ có mặt ở đây.
Cô thư ký gật đầu và ra, đóng sập cửa lại...
- Tôi xin nghe! - Batsana nói với khách và cầm bút chì.
- Không, không, tôi đề nghị không ghi!
Batsana đặt bút chì xuống.
- Vậy thì thế này nhé: tôi là một umanôit. [Humanoide nghĩa là cái giống người, có dạng người (N.D)].
Batsana giật mình.
- Sao? Ông nói sao?
- Vâng, tôi là umanôit! - Mơtvaratzê xác nhận.
Batsana hiểu hết. Nhưng ông hứa không ngắt lời khách, vì thế ông dằn lòng, nói:
- Hiểu rồi. Xin cứ nói tiếp đi!
- Chúng tôi là các cư dân của hành tinh Ômôx từ tinh vân Tiên nữ đến trái đất và đã gieo những mầm sống đầu tiên ở đây. Sự việc đó đã lâu đời lắm rồi, lâu đến nỗi lý trí của loài người không quan niệm được, bởi thế tôi sẽ không làm ông mệt sức bằng những phép tính cồng kềnh... Vậy là chúng tôi đã đem sự sống đến trái đất... Đấy là một thí nghiệm có tầm quan trọng phi thường đã thực hiện trong vũ trụ. Thí nghiệm thành công, trên trái đất đã xuất hiện sự sống, sự sống ấy đã cho những thành quả...
- Xin hỏi một câu! - Batsana giơ tay lên.
- Nhưng phải đi vào bản chất vấn đề! - Mơtvaratzê báo trước.
- Galăctiôn Ghêorghiêvits, xin cho biết bản thân ông đã đến hành tinh chúng tôi từ bao giờ và bằng cách nào?
- Tôi biết ông sẽ hỏi câu đó... Duyên do là nền văn minh của chúng tôi thực tế đã hủy bỏ, đã làm tiêu tan khái niệm thời gian và khoảng cách. Đối với chúng tôi, những phạm trù đó như đồng nhất với ước muốn. Ông hiểu tôi chứ? Điều đó có nghĩa là chúng tôi không cần dùng đến những con tàu vũ trụ, đĩa bay và những phương tiện kỹ thuật di chuyển khác mà vẫn có thể trong chớp nhoáng có mặt ở nơi nào chúng tôi muốn... Còn bản thân tôi thì chẳng phải tôi từ nơi nào đến với ông cả. Đoàn khảo sát đem mầm sự sống đến trái đất đã lập chương trình di truyền cho sự xuất hiện tuần hoàn của chúng tôi theo đà phát triển của sự sống, nhằm mục đích điều hòa nó. Phương pháp như thế cho phép các cơ thể tự xác định những con đường hoàn thiện mình...
- Nhưng nếu vậy thì do đâu ông biết được rằng ông là một umanôit?
- Điều đó do các trung tâm khoa học của Ômôx thông báo cho chúng tôi bằng dòng điện sinh vật vào thời gian thích hợp.
- Thế ông nhận được thông tin như vậy hồi nào?
- Mới gần đây thôi, chủ nhật trước. Lúc thiếp ngủ tôi là con người, khi thức dậy tôi là umanôit.
- Rõ cả rồi! - Batsana nói.
- Ông chẳng rõ gì cả! Hơn nữa, ông coi tôi là người điên, nhưng không để lộ ra ngoài... Cảm ơn ông về sự tế nhị đó.
Batsana bối rối. Và umanôit nói tiếp:
- Mục đích chủ yếu của thí nghiệm là xác định khả năng xuất hiện nền văn minh trên các hành tinh khác.
- Vậy các ông đi đến kết luận như thế nào?
- Có khả năng xuất hiện nền văn minh!
- Ơn trời! - Batsana mừng rỡ.
- Nhưng nền văn minh của các ông phát triển zic zăc. Nó giống như điện tâm đồ của con người. Các ông thường đau khổ, vì các ông tiến hành không biết cơ man nào là những biện pháp vô ích. Loài người thường xuyên lo lắng, dao động, và khi sự hình thành của các bạn có chiều hướng lệch lạc hiển nhiên thì bắt đầu xảy ra chiến tranh, bệnh dịch, đói kém, sự bần cùng về tinh thần và các đại họa...
- Tại sao các ông không uốn nắn cho chúng tôi, không chỉ cho chúng tôi con đường đúng? Lòng nhân của các ông là thế nào?
- Có một quy luật vũ trụ phổ quát: không can thiệp. Mỗi cơ thể sống phải tự mình đạt tới hình thức văn minh cao nhất.
- Như vậy không công bằng, ông Galăctiôn Ghêorghiêvits ạ! Một khi các ông đã tổ chức thí nghiệm thì các ông có bổn phận giúp đỡ, góp phần làm cho thí nghiệm phát triển đúng đường.
- Thì thực chất đúng là như vậy. Sự giúp đỡ của chúng tôi là ở chỗ cản trở. Ông hiểu chứ? Chúng tôi ngăn cản nhân loại đi vào con đường sai lạc. Chúng tôi tiêu diệt những hạt giống phát triển sai chệch, không đúng hướng.
- Sự giúp đỡ đó thể hiện như thế nào? - Batsana hỏi với vẻ hứng thú thực sự. Lúc này, nhân danh nhân loại lầm lạc, ông tranh luận thực sự với một umanôit chính cống.
- Chúng tôi đã hai lần cứu những người lạc đường: ấy là hồi sự trụy lạc và phóng đãng khiến Xôđôm và Gômov bị hủy diệt và thời kỳ đại hồng thủy tràn ngập thế gian đe dọa tiêu diệt cả loài người. Các ông giải thích những tai họa đó là do cơn giận của Chúa trời, tùy các ông thôi, còn đối với chúng tôi, gọi bữa ăn trưa là bữa ăn tối, hay gọi bữa ăn tối là bữa ăn trưa thì cũng thế thôi. - Mơtvaratzê mỉm cười độ lượng.
- Sự giúp đỡ của các ông cho loài người chỉ có vậy thôi ư? Thế còn sự giúp đỡ tinh thần thì sao? Còn sự giúp đỡ về đạo lý? Tại sao các ông không muốn làm cho chúng tôi bắt đầu cảm thấy thành thực thương xót bản thân mình và các bạn mình.
- Sao lại thế! Ở các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người, bất kể thời đại nào, luôn xuất hiện những gene dạng umanôit, có khuynh hướng tác động đến cơ sở đạo đức của nhân loại, tất nhiên là theo nghĩa tốt... Sự can thiệp như thế, chúng tôi cho là chấp nhận được và thích đáng.
- Galăctiôn Ghêorghiêvits, ông có thể cho biết, ngoài ông ra, còn có những ai là umanôit nưa không? - Batsana hỏi.
- Xin vui lòng! Tất nhiên tôi không nhớ hết, nhưng tôi sẽ nêu tên một số: Hôme, Xecvăngtex, Bêthôven, Ruxtavêli, Sêcxpia, Gơtê, Lêônacđô đờ Vanhxi, Bôckatsô, Acsimet, Gioocđanô Brunô, Gian Đa, Tônxtôi, Puskin, vua Parnavazơ, Đavit nhà kiến trúc, Abraam Lanhcôn, Fôncơnơ, Hêghen, Kăng, Blốc, Anhxtanh, Sacli Saplanh, Galăctiôn, Vagia, Akaki, Hya không thể kể hết được... [Paenavadơ - vua Gruzya, sống cùng thời với Alêcxanđi Maxêđoan; Đavit Nhà kiến trúc vua Gruzya, Đavit IV Ghêoocghiêvits; Galăctiôn Tabitzê. - nhà thơ nhân dân của Gruzya; Vagia Psavêla, Akaki Tsêretêli, Hya Tsaptsuvatzê - những tác giả cổ điển của văn học Gruzya]
- Xin hỏi thêm câu nữa, Galăctiôn Ghêorghiêvits. Tại sao ông đến gặp tôi chứ không phải ai khác? Tại sao ông thổ lộ điều bí mật của ông với tôi?
Gương mặt Mơtvaratzê ngời lên nụ cười tươi rói, hiền hậu và mãi đên bây giờ Batsana mới nhận thấy ánh mắt bệnh tật của anh ta.
- Chẳng lẽ tên họ của tôi không nói gì với ông ư? Galăctiôn tức là Galătic! [Thiên hà]! Mơtvaratzê là Mặt trăng! [Là mặt trăng (tiếng Gruzya)]. Ngày mai tôi sẽ trở về hành tinh quê hương Ômôx của tôi... Tôi đã làm tròn sứ mạng của tôi trên trái đất này. Bây giờ tôi phải làm nốt một nhiệm vụ cuối cùng và xin báo để ông biết, ông Batsana Akakiêvitx thân mến, ông là một umanôit.
Tim Batsana thắt lại và cổ họng ngứa ngáy.
- Vĩnh biệt người bạn và người anh em của tôi! Bây giờ ông đã được biết sứ mạng của ông trên trái đất!
Galắctiôn ôm lấy Batsana, ghì chặt ông vào ngực mình, rồi quay đi và bước nhanh ra khỏi phòng làm việc.
... Batsana không nghe thấy cô thư ký vào phòng, đặt lên bàn một chồng giấy tờ. Ông đứng bên cửa sổ, mỉm cười ngơ ngẩn và nước mắt chảy ròng ròng hai bên má.
*
*    *
Batsana suốt đêm không ngủ. Sáng ra, khi đến tòa soạn, việc đầu tiên là ông gọi điện về Cục thống kê.
- A-lô, tôi nghe đây! - Một giọng nói trẻ trung dễ thương trong ống điện thoại.
- Cục thống kê phải không ạ?
- Vâng.
- Xin cô cho biết: có Galăctiôn Mơtvaratzê làm việc ở đấy không?
- Mơtvaratzê à?... Anh chàng dở người ấy ư?... Xin lỗi, ông là ai vậy?
- Tôi là bạn của Galăctiôn.
- Đã một tuần nay Galăctiôn mất tích.
Ống điện thoại nằm lặng trong tay Batsana.
- A-lô, a-lô...
Batsana đặt ống nói xuống.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét