Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 20

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 20

Cha Iôram được ra viện vào thứ hai, nhưng ông dứt khoát không chịu ra trước thứ ba.
Đêm ấy đã in sâu vào trí nhớ Batsana suốt đời.
Gần nửa đêm, cha Iôram nằm trên giường trở dậy và rón rén đến gần giường Batsana.
Batsana giả vờ ngủ.
- Batsana Akakiêvits! - Linh mục thì thầm gọi.
Batsana không động đậy. Tin chắc Batsana ngủ, linh mục quỳ xuống.
- Lạy Chúa vĩ đại! - Cha Iôram thốt lên và làm dấu thánh. - Đấng cứu thế của chúng con! Thưa thánh mẫu đồng trinh Marya! Nằm trước mặt Chúa và Mẹ là kẻ nô lệ của Chúa, Batsana Ramisvili, vậy mà chính ông ta không biết rằng ông ta là con của Chúa, là linh hồn của Chúa và lòng từ tâm của Chúa... Xin đừng giận ông ta khi ông ta làm những việc của Chúa nhân danh những người khác. Xin đừng giận, vì ông ta không biết rằng vị thượng đế mà ông ta tin, đã nảy sinh trong lòng Chúa và theo ý Chúa... Lạy Chúa quyền pháp vô biên, xin Chúa phù hộ và che chở cho ông ta và cho ông ta sống lâu hơn một chút trước khi đến trước Chúa, bởi vì ông ta càng sống lâu trên thế gian này thì sẽ càng gieo được nhiều hạt giống của điều thiện và lòng nhân từ trong thế giới do Chúa tạo lập nên. Đối với Chúa thì có khác gì đâu, cho dù nhân danh ai mà hòa bình, công lý, sự chính trực và điều thiện được xác lập trên trái đất này? Mà nếu do số mệnh xui khiến, tên của Chúa phải bị chối bỏ thì công tích của Chúa sẽ lưu lại đời đời, như thế cũng được... Hới Thánh linh Ba Ngôi, sao đấng thiêng liêng lại gieo mầm sự sống và thổi linh hồn bất tử vào con người? Nào đâu có phải vì háo danh, vì tên tuổi và vinh quang của Chúa! Lẽ nào Chúa phủ nhận sự đổi mới linh hồn và lý trí của dòng dõi Ađam?... Đức Chúa mà ông ta phụng thờ thật vĩ đại và uy quyền, bởi vì không thể tin vào sự nghiệp mình hiến thân phục vụ mà không phải là do ý Chúa... Ông ta, Batsana Ramisvili, đang nằm đây trước mặt Chúa, và con, hạt bụi từ chân Chúa, hạt cát của lòng bao dung vô bờ bến của Chúa!... Nếu ông ta phải chết do ý Chúa thì xin hãy thu lấy thể xác và linh hồn con thay thế cho ông ta, bởi vì con không đủ khả năng đè bẹp vị Chúa khác trong ông ta và cảm hóa ông ta tin ở Chúa của con!...
Cha Iôram đứng lên, làm dấu cho Batsana ba lần, rồi tháo cây thánh giá nhỏ đeo ở cổ, thận trọng luồn xuống dưới gối của Batsana, rồi đi nằm...
Batsana mãi không ngủ được... Khi ông thức giấc thì cha Iôram không còn trong phòng bệnh nữa.
Cha đã đi lúc tảng sáng...
*
*    *
Một tuần sau, Batsana rời khỏi bệnh viện. Cuộc chia tay với các nhân viên y tế thật cảm động. Bác sỹ phụ trách phòng bệnh và chị y sĩ Giênya thậm chí còn khóc, dường như họ lấy làm tiếc khi thấy một người đã bình phục, rời khỏi bệnh viện.
Trước hôm đó, Giênya đã tạt vào phòng bệnh của Batsana. Chị cắm vào lọ ba bông cẩm chướng trắng và ngồi xuống ghế. Batsana tưởng Giênya đến từ biệt, ông mỉm cười chờ đợi. Nhưng Giênya im lặng.
- Bắt đầu đi, Giênya!
Giênya ngập ngừng.
- Ờ, thế thì tôi bắt đầu trước vậy!
Batsana đứng lên, tới gần chị y sĩ và hôn tay chị.
- Giênya thân mến, đang lý tôi phải đem hoa tặng chị, nhưng tôi mong chị y sĩ nhân hậu tha thứ cho sự bất nhã này của người bệnh thô lậu và vô ơn.
- Batsana Akakiêvits, - Giênya ngắt lời Batsana, - trong thời gian ông ốm, ngày nào cũng có một phụ nữ đến đây... Một phụ nữ rất xinh đẹp... hỏi thăm sức khỏe ông... Đúng thế...
Batsana nghẹn thở.
- Người phụ nữ nào, Giênya? - Ông hỏi, tuy đã biết rõ hết.
- Chị ấy năn nỉ tôi đừng nói với ông...
- Tên chị ấy là gì?
- Tôi không biết... Ngày nào chị ấy cũng đến và cứ khóc hoài... Ông không đoán ra chị ấy là ai à?
- Tôi đoán ra rồi, Giênya ạ...
- Chị ấy yêu ông lắm... Chị ấy để lại lá thư, nhờ tôi chuyển đến ông ngày ông ra viện... Thư đây...
Batsana cầm lấy lá thư, cố nén xúc động, bắt đầu xem từng bông cẩm chướng trong lọ.
- Chị ấy yêu ông lắm, ông Batsana Akakiêvits ạ!
- Cảm ơn chị, Giênya!
- Chị ấy rất tốt, rất xinh, ông Batsana Akakiêvits ạ!
Đôi mắt tô lông mày màu đen của Giênya ứa lệ.
- Chính chị là một phụ nữ rất tốt và rất xinh, chị Giênya ạ! - Batsana hôn tay chị y sĩ lần nữa.
Giênya vội đứng dậy và ra khỏi phòng bệnh.
Batsana nằm xuống giường và tay run run mở phong bì.

“Anh yêu quý của em!
Bây giờ, khi Chúa đã nghe thấy lời cầu nguyện của em và ban cho em cuộc đời anh, em muốn - không phải để mong được thông cảm và tha thứ - khóc với anh cho vợi nỗi đau của em, nỗi đau mà em cho rằng cả kho tai họa và bất hạnh của nhân loại cũng không chứa chất nổi, vậy mà chỉ một tờ giấy này lại chứa đựng hết...
Hai mươi năm trước, không có đứa trẻ nào thông minh và xinh đẹp hơn em... và phải chịu một sự giáo dục tệ hại hơn em... Cha mẹ em đã tiêu phí bạc triệu để làm cho em trở thành bất hạnh... Chưa bao giờ em thừa nhận sự bảo trợ của ai, chưa bao giờ em cần những “người đưa tiễn”, dù là ở trường hay ở đường phố. Rồi có một lần, em lên xe ô tô của “những người đưa tiễn” - họ cứ vật nài em lên, thế là... đời em đi đứt và tên em không còn ra gì nữa... Em kể chuyện đó lần đầu tiên, trước Chúa và anh... Em bị đóng đinh câu rút trên cây thập tự trong rừng Tsipgômbo, và cho đến giờ, tuổi trẻ của em vẫn bị treo ở đó, trước cây thập tự cháy xém...
Sau đó, em vẫn sống, vui cười và khiêu vũ... Em đã sống đến ngày nay. Và bỗng nhiên em dừng lại. Em nhớ đến Chúa và làm dấu thánh. Giờ đây, em quỳ trước mặt anh và van xin anh. Hãy tiếp nhận lễ vật của em, hãy tiếp nhận tâm hồn em, một tâm hồn đã qua những cực hình địa ngục và suốt trong những năm ấy luôn luôn hướng về anh... Em cầu chúc cho cái địa ngục ấy, vì con đường đó hóa ra lại dẫn đến anh...”.

Giá lúc đó bác sĩ lấy điện tâm đồ của Batsana thì ông còn phải nằm viện lâu.
Batsana uống hai viên xêđuxen và cầu xin trái tim mình hồi tỉnh lại. Rồi ông lại bị bao trùm trong một đám mây hồng và ngủ thiếp đi. Đây là lần đầu tiên trong suốt thời gian lâm bệnh, ông ngủ không mộng mị.
Buổi sáng, sau khi từ biệt mọi người, Batsana xuống tầng dưới gặp giáo sư. Giáo sư ngồi ở chiếc bàn viết đồ sộ và chăm chú xem xét cái gì bằng kính lúp. Thoạt tiên Batsana không hiểu giáo sư đang mải làm gì, nhưng khi hiểu ra, ông lạnh cả người đi: trên bàn trước mặt giáo sư là một mô hình nhiều màu và hình dạng khác nhau... mô hình tim nhân tạo. Batsana váng vất trong người, đến nỗi ông vội ngồi xuống chiếc ghế cạnh cửa. Giáo sư ngẩng đầu lên, ngạc nhiên nhìn Batsana. Nhận ra Batsana, ông gạt những trái tim bằng chất dẻo sang một bên đứng lên và tới gặp Batsana.
- Hết sức vui mừng được gặp đồng chí Batsana Akakiêvits, nhất là đồng chí lại quá bộ, như người ta thường nói, hạ cố đến thăm tôi!
Hai người siết chặt tay nhau.
- Đồng chí làm sao thế? - Giáo sư chột dạ. - Tay đồng chí lạnh băng!
Batsana không thể rời mắt khỏi những mô hình nằm trên bàn. Giáo sư hiểu hết, vội đến gần bàn, rút ngăn kéo ra và bằng một cái gạt tay, dồn tất cả mô hình xuống đấy.
- Cho tôi valêrianka, nếu có thể được... - Batsana thốt lên một cách khó nhọc.
Giáo sư lấy trong chiếc tủ con ra một lọ valêrianka, nhỏ vào cốc mấy giọt, cho thêm nước và đưa cái cốc cho Batsana.
- Uống đi, và vì Chúa, xin đừng bận tâm gì hết.
Giáo sư bắt mạch Batsana.
- Không có gì đáng sợ, sẽ qua ngay thôi.
Batsana dần dần yên tâm.
- Cái gì thế, thưa giáo sư? - Rút cuộc ông hỏi.
- Có gì đặc biệt đâu... Đồng chí cảm thấy trong người thế nào?
- Cám ơn, qua rồi...
- Tốt lắm. Xin mời đồng chí sang ngồi chiếc ghế bành này... Ta sẽ nói những chuyện dễ chịu.
Giáo sư để Batsana ngồi trong chiếc ghế bành lún sâu. Im lặng một lát, Batsana lại hỏi:
- Thế thưa giáo sư, cái đó là có thực ư? Tim nhân tạo ấy mà?
- Hãy cứ cho là có thực... Đã bốn năm nay, một con bê sống bằng tim nhân tạo... Và đó là điều đáng cho đồng chí vui mừng, chứ không phải là buồn rầu... Số là việc cấy tim sống chưa đem lại kết quả mong muốn. Bệnh của đồng chí là bệnh của mạch máu đúng hơn là của chính trái tim, thành thử sau một thời gian nhất định, bất cứ trái tim lành mạnh nào đem cấy cũng có thể bị nhồi máu và suy động mạch vành... Hiện thời tim nhân tạo là con đường chắc chắn nhất. Điều đó chính Krixchian Becna cũng thừa nhận... Thôi, lúc khác ta hãy nói chuyện ấy! - Giáo sư phẩy tay. - Thú thực tôi tưởng đồng chí đã ra viện và không từ biệt tôi, tôi đã giận đấy... - Ông vừa cười vừa vỗ vào đùi Batsana.
- Bởi thế tôi mới qua thăm giáo sư. Trước hết, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm săn sóc của giáo sư. Sau nữa, xin giáo sư thứ lỗi vì giáo sư đã phải qua những đêm không ngủ, túc trực bên giường tôi. Cuối cùng, tôi muốn ngợi ca nghề nghiệp và đôi tay vàng ngọc của giáo sư!... - Batsana rất muốn ôm hôn thắm thiết con người tuyệt vời này, trên gương mặt hơi thô, nghiêm nghị của ông, đôi mắt mệt mỏi ánh lên vẻ đôn hậu và thông minh.
- Chẳng việc gì phải cảm ơn tôi, còn tôi cảm ơn đồng chí về những lời khen ngợi đó!
- Tôi không biết lấy gì đền ơn giáo sư... Những gì giáo sư đã làm cho tôi thì không sao đền đáp được... Vì vậy, chỉ xin giáo sư cho tôi được quyền yêu quý giáo sư như một người anh của tôi, như một người thân thiết...
- Cám ơn!
Giáo sư cảm động và ngượng ngập vì những lời Batsana nói.
- Cám ơn! - Giáo sư nhắc lại và vô tình rút ngăn kéo bàn viết ra, nhưng nhớ tới phản ứng của Batsana, ông đóng ngay lại. Batsana phá lên cười.
- Thấy chưa, đồng chí đã quen rồi đấy! - Giáo sư thốt lên và cũng cả cười.
- Thì còn biết làm thế nào nữa? - Batsana giang hai tay ra.
- Đồng chí sẽ không cần dùng đến tim nhân tạo, nếu đồng chí nhất nhất làm đúng mọi chỉ dẫn của tôi! - Giáo sư nói và đặt đôi tay hộ pháp lên bàn.
- Xin tuân lời! - Batsana đáp một cách ngoan ngoãn.
- Thuốc lá, bỏ! Rượu vang và vôtka, chừa! Món ăn có mỡ, kiêng! Thức đêm, phải tránh! Đàn bà, kiêng!
- Thế thì còn gọi là sống thế nào được? - Batsana buồn xịu, hỏi.
- Nhồi máu cơ tim trừ đi những kiêng kị kể trên, đó là đời sống! - Giáo sư nói dằn từng tiếng, nêu rõ cái công thức hết sức đơn giản về cách sống của Batsana từ nay trở đi.
- Như thế đến bao giờ? - Batsana hỏi bằng giọng của người chết đuối vớ được cọng rơm.
- Hai năm đầu, bắt buộc phải theo. Hai năm sau thì nên theo, hai năm sau nữa thì tùy ý... Tôi không dọa đồng chí đâu, Batsana Akakiêvits ạ, nhưng đồng chí nên hiểu rằng đồng chí bị nhồi máu cơ tim trong phạm vi rộng, không thể đùa với nó được... Chăm sóc tim một cách thích đáng nó sẽ hoàn toàn hồi phục và sẽ còn phục vụ đồng chí lâu bền như từ trước đến nay. Nhưng cần gìn giữ nâng niu nó... Trái tim thích được nâng niu.
- Tôi hiểu, thưa giáo sư... Còn bây giờ xin từ biệt... - Batsana đứng lên.
- Từ biệt, Batsana Akakiêvits! Hãy quên hẳn bệnh viện chúng tôi đi, và cầu trời cho đồng chí không bao giờ phải nhờ cậy đến tôi nữa! Tất nhiên hiểu theo nghĩa là nhờ đến bác sĩ! - Giáo sư nói thêm.
- Từ biệt giáo sư ra về, tôi hết sức hài lòng... Thưa giáo sư Nôđa Grigôriêvits, đối với tôi hai tháng ấy có giá trị bằng cả cuộc đời tôi!
- Tôi không hiểu đồng chí...
- Con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời. Như vậy người đó sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại một cách tỉnh táo và bình tĩnh toàn bộ quãng đời đã qua. Hiểu theo nghĩa ấy, bệnh viện đã đem lại cho tôi một sự giúp đỡ vô giá.
- Theo tôi, con đường đời của đồng chí không cần phân tích lại và đánh giá lại.
- Đồng chí tưởng như thế ư? - Batsana mỉm cười.
- Ít nhất là theo con mắt người ngoài thì cũng có vẻ là như vậy.
- Hai tháng trong bệnh viện của giáo sư là thời gian tôi có được những khám phá kì lạ!
- Đồng chí khám phá được cái gì kì lạ đến thế kia?
- Một quy luật của muôn đời.
- Hừ... ừm... Nếu vậy thì quy luật đó phải có dạng một công thức nào đó, phải thế không?
- Tất nhiên rồi!
- Có thể đồng chí sẽ cho tôi biết công thức ấy chứ? Tôi cam đoan với đồng chí rằng tôi không có ý định chiếm đoạt nó hay nhận mình là đồng tác giả! - Giáo sư nói đùa.
- Thưa giáo sư Nôđa Grigôriêvits, thực chất của quy luật ấy là thế này... Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống...
Giáo sư ngạc nhiên lắng nghe Batsana nói những lời như thế.
- Nhưng cái quy luật đồng chí khám phá ra thực là phức tạp. Batsana Akakiêvits ạ. - Giáo sư nói sau một lúc im lặng kéo dài.
- Phức tạp thật! - Batsana đồng ý.
- Thế đồng chí hy vọng thực hiện được nó trong đời sống này chứ?
- Nếu không thì nói chung không đáng sống, thêm nữa, về phần tôi có lẽ bây giờ tôi đã là cái xác chết rồi.
Batsana chìa tay ra cho giáo sư, giáo sư tới gần ông, và lúc đó Batsana không nén được, đã ôm ghì giáo sư vào ngực mình.
- Đúng... - Giáo sư thốt lên bằng giọng cảm động. - Tim nhân tạo không thích hợp với đồng chí... Mang trái tim nhân tạo đồng chí sẽ không sống được... Đồng chí là con người kì dị!
Khi Batsana cảm thấy đôi tay lực sĩ của giáo sư âu yếm vỗ lên hai vai mình, ông hiểu rằng quy luật của muôn đời đã phát huy hiệu lực...
*
*    *
Batsana cho chiếc ô tô đến đón ông ra về.
Ông tạt ngang qua đường xe điện ở phố Klara Tsetkin, ra phố 25 tháng Hai, và theo phố này xuống đại lộ Plêkhanôp.
Trong hai tháng nằm bệnh viện, Batsana không quen với tiếng ồn thành phố nữa, bây giờ ông hơi chóng mặt và đầu gối run run. Ông đi rất thong thả và thận trọng. Còn Tbilixi vẫn sống cuộc sống bình thường của mình: ồn ào, la hét, xáo động, rên rỉ, cười, gầm rú.
Trên đại lộ Plêkhanôp, hai dòng người chảy theo hai hướng như những dòng sông. Người trôi trong hai dòng chảy ấy như những khúc gỗ thả. Họ xô vào nhau, ngăn cản nhau, nói gì không rõ, tranh cãi, huơ tay múa chân, lại tản đi và hòa vào dòng chảy cuồn cuộn.
Batsana vượt ngang qua đại lộ ở chỗ sang đường và chính ông lọt vào dòng người đó. Ông cố vượt lên trước, không để cho mình bị dừng lại. Từ đại lộ, ông rẽ sang phố Margianivili và ở đây, một nhánh mới của dòng người khổng lồ cuốn ông đi. Batsana cảm thấy nhịp đập của trái tim đã mất thói quen với nhịp điệu thành phố đang dần dần thích ứng với nhịp điệu đó, cũng như bản thân ông dần dần nhập vào mạch sống chung của thành phố. Rút cuộc, tim ông đã tìm lại được nhịp điệu đã mất và trôi trong dòng chảy cũng như mọi người - trôi đi một cách thận trọng, nhưng vững vàng mà mạnh dạn.
Ông dừng bên cây cột áp phích của nhà hát mang tên Bargianisvili. Ngày mai nhà hát mở đầu mùa diễn bằng buổi biểu diễn lần đầu vở kịch của bạn ông: “Các thánh dưới địa ngục”. Có cái gì chảy tan ra trong ngực ông và một hơi ấm dễ chịu lan tràn khắp toàn thân ông. “Các thánh dưới địa ngục!”, ông thầm nhắc lại và mỉm cười.
Đến cầu, Batsana cảm thấy mệt mỏi, không phải cái mệt đau ốm đáng lo ngại, mà là cái mệt nhẹ nhõm, dễ chịu. Ông vẫy một chiếc tắc xi và lên ngồi ghế sau phía bên phải.
- Đi đâu? - Người lái xe hỏi, đồng thời bật đồng hồ đo.
- Đến Marya, - Batsana trả lời.
- Đến ai?! - Người lái xe ngạc nhiên quay lại.
- Đến Marya!...                                                     

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét