Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 7

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 7

Batsana tỉnh lại. Bulika ngồi co gập chân chân trên giường, tựa lưng vào chiếc gối, nghe cha Ioram đọc báo bằng giọng đều đều như đọc thánh thi.
- Chào các ông bạn! - Batsana chào những người giường bên.
- A, chào ông bạn mới đến ở cùng nhà với chúng tôi! - Bulika mng rỡ.
- Ông cảm thấy trong người thế nào, thưa ông Batsana. - Cha Ioram đặt tở báo xuống, hỏi một cách nhã nhặn.
- Như Adam lúc trẻ tuổi ở trên thiên đàng khi chưa có Eva!
- Vậy ra sống một mình ông không buồn ư?
- Trái lại. tôi có cảm giác cả thiên đường là của tôi!
- Ông thật là cừ, cừ lắm, ông Batsana ạ! - Bulika nói bằng giọng hoan hỉ. - Tôi chưa từng thấy đòn nốc-ao nào như thế: đếm đến ba trăm mà hắn chưa mở được mắt!
- Hắn là ai?
- Thế mới thú vị chứ! Suýt nữa đưa một người sang thế giới bên kia khiến hắn không kịp xưng tội, mà lại còn hỏi hắn là ai. - Cha Ioram thốt lên.
- Nhưng cha có mặt ở đây kia mà, thưa cha! - Batsana bông đùa. nhưng cảm thấy hơi ngượng ngập. Ông gần như đã quên việc xảy ra ban nãy, đó là do tác dụng của pantopon, vì thế nghe nhắc lại chuyện đã xảy ra, ông cũng thấy bực bội. - Thực tình tôi không nhớ rõ đã xảy ra chuyện gì. - Ông vừa nói vừa lau mồ hôi trán.
- Xin đừng lo, ông Batsana kính mến, tôi cũng không nhớ gì hết: tôi ngủ, cha Ioram cầu nguyện. Phải thế không thưa cha? - Bulika nói với Ioram.
- Đúng thế. - Ioram xác nhận.
- Vì thế chúng tôi sẽ không phải là người chứng kiến. - Bulika nói thêm.
- Vâng, nhưng đã có chuyện gi xảy ra kia chứ? - Batsana thành thật muốn biết.
- Thế này này: khi ông ném cái bô vào đầu hắn, bô vỡ tan và hắn ngã xuống thì Gienya chạy vào. Chị ấy tiêm long não, bôi iot cho hắn. Sau đó bỗng nhiên hắn bật dậy và chửi um lên.
- Thế nào kia?
- Hắn la ầm lên rằng chắc ông chê số tiền đó ít, nếu không thì tại sao ông không từ chối ngay?
- Còn gì nữa?
- Hắn còn nhắc đến một người nào tên là Batsalasvili đã được ông cất nhắc lên làm cửa hàng trưởng tiệm ăn mà chẳng phải tốn phí bao nhiêu...
- Cái gì? - Batsana không hiểu.
- Cái gì là thế nào? Ông đã thu xếp cho một người làm cửa hàng trưởng tiệm ăn, còn người đó trả cho ông nửa triệu rúp...
Batsana phá lên cười.
- Sao vậy? Đúng là hắn đã la ầm lên như thế đấy.
- Ồ không, tôi không nói về chuyện ấy... Quả thật là tôi có giúp cho một người thân thích của một cán bộ cơ quan tôi được bổ dụng: chính cái ông Batsalasvili ấy...
- À ra thế...
- Thưa ông Batsana, như vậy là quả thật cũng có kẻ ăn hối lộ ư? - Cha Ioram hỏi chen vào.
- Chuyện ấy cũng có. - Batsana đồng ý.
- Tôi cũng gặp phải một thằng xỏ lá như thế, mà lại là bạn tôi kia chứ. - Bulika nhớ lại. - Hắn thu xếp cho thằng cháu mồ côi của tôi vào trường chuyên nghiệp trung cấp. Hắn đòi tôi đưa ba nghìn: một nghìn rưởi cho ông hiệu trưởng, hắn bảo thế, một nghìn cho một tay nọ, ba trăm cho một tay khác, còn hai trăm là phần công sức hắn chạy chọt, hắn bảo thế... Tôi còn có cách nào khác. Thằng cháu tôi thì tôi biết quá rõ đi rồi... Mới đây tôi hỏi thằng thộn ấy: năm mươi trừ đi năm còn bao nhiêu? Nó trả lời: năm!
- Thế là đúng rồi. - Batsana cười vang.
- Chính bởi “đúng” như thế tôi mới mất ba nghìn rúp. Thằng xỏ lá ấy nó lấy tiền rồi biệt tăm...
- Nó lừa à? - Iôram tò mò.
- Không... Nó có thu xếp cho thằng bé vào trường, nhưng còn tiền thì... Tiền của tôi mất toi...
- Thế thì bác trách nó cái nỗi gì?
- Sao lại không. Tháng Chạp, hiệu trưởng của chính trường chuyên nghiệp ấy gọi tôi lên và hỏi: ông Goghilasvili, ông bà đưa ba nghìn rúp cho ông Govalatze phải không? Cố nhiên tôi nhận: vâng, quả có thế. Cứ giờ hồn, quân đểu cáng, ông hiệu trưởng gầm lên và đập tay xuống bàn.
- Ông ta nói bác thế à? - Cha Ioram buồn rầu.
- Sao lại nói tôi. Nói cái thằng Govalatze xỏ lá ấy!
- Vậy ra ông ấy vu khống người ta! -  Ioram phẫn nộ.
- Ơ kìa, thì ra cha không hiểu ư? Chẳng là Govalatze không đưa tiền cho ông ấy mà. Thế là ông ta dồn tôi: anh coi tôi là người thế nào? Trường trung cấp thương nghiệp không phải như trường... gọi là trường gì nhỉ, cái trường... ở cạnh lò bánh mì ở Vakê ấy mà... Ở đấy học sinh cứ ngày đêm nhìn vào những ống ngắm...
- Trường trắc đạc. - Batsana nhắc.
- À vâng, trường trắc đạc. Đây không phải như trường trắc đạc đâu nhé. ông ta nói thế. Bây giờ là tháng Chạp. Tháng Giêng anh đưa tôi ba nghìn rúp, không thì thắng cháu đần độn của anh không còn là học sinh trường này nữa.
- Ai nói như thế? - Ioram ngạc nhiên.
- Ai là thế nào? Ông hiệu trưởng chứ còn ai!
- Rồi sau thế nào?
- Sau thế nào ấy à? Tôi với Xvêta của tôi bàn nhau, bà ấy bảo tôi: chẳng thà thêm một khoản bằng ngần ấy nữa là ta có thể thu xếp được cho nó làm bộ trưởng Bộ Nội thương...
- Thế ra hiệu trưởng cũng là một thằng kẻ cướp ư? - Batsana bứt rứt trở mình trên giường.
- Đúng thế, bạn quý ạ! Có lẽ ông cần cái bô chăng? Trong lúc họ chưa đem cái mới đến, có thể dùng tạm cái của tôi... - Bulika đề nghị.
- Không, cảm ơn... Tôi vừa nảy ra ý nghĩ là có lẽ nên nhận số tiền ấy chăng?
- Tôi không biết... nói chung tiền là thứ khá bẩn thỉu... - Bulika nói bằng giọng trầm ngâm.
- Ba mươi đồng bạc trắng hủy diệt nhân loại. - Cha Ioram kêu lên. - Ba mươi đồng bạc trắng.
- Ông Batsana kính mến ạ, tôi đoán nhận người chẳng kém gì các ông xem tướng... tướng mạo... - Bulika ngắc ngứ.
- Những người xem tướng mặt.
- Đúng thế. Có điều họ xem mặt đoán người, còn tôi xem giày mà đoán được... Nhìn giày tôi đoán dứt khoát không sai kẻ đó là thứ người gì... Như cái thằng cha ngu ngốc đã đến gặp ông chẳng hạn... Vừa nhìn đôi giày hắn đi, tôi hiểu ngay hắn là thằng đê tiện khốn khiếp...
- Bằng cách nào?
- Thứ nhất, giày của hắn đánh bóng lộn...
- Còn tôi thì trái lại, tôi tưởng hắn là giáo sư. - Cha Ioram ngắt lời Bulika.
- Vào đến nơi, hắn chùi giày vào quần... - Bulika liếc nhìn Ioram. - Giáo sư không bao giờ làm như thế... Thứ hai, đế giày hắn vẹt đằng trước, còn gót giày hoàn toàn mới. Như vậy đôi giày ấy của hắn là giày dùng trong những dịp long trọng, hắn chỉ dùng trong những lần đến cấp trên. Trước mặt cấp trên đương nhiên là hắn đi nhón gót, vì thế đế giày chỉ mòn phía trước... Hắn có phải là thằng đê tiện không? Tất nhiên là thằng đê tiện... Thứ ba, vừa ngồi xuống hắn lập tức rút ngón chân khỏi giày. Tại sao? Giày bó chân quá, nguyên do là vì vậy. Nhưng hắn đi giày chật để làm gì? Để vẻ mặt nom đau khổ. Ý muốn nói lên rằng: xin hãy nhìn xem tôi là người suy kiệt khổ sở thế này đây. Vậy hắn không phải là kẻ đê tiện thì là gì? Thứ tư, gót giày của hắn cao hơn gót giày thường đến ba, bốn centimet. Tại sao? Vì hắn muốn cao hơn bản thân hắn trong thực tế? Hắn có phải là kẻ đê tiện không? Tất nhiên. Còn gì nữa? Phải, điều quan trọng nhất, nhưng điều này không dính dáng gì đến giày nữa, điều quan trọng nhất là khi bị người ta ụp cả cái bô bệnh viện lên đầu mà hắn lại không cắn đứt cổ họng kẻ làm nhục mình thì hắn là kẻ hèn hạ đê mạt hết mức rồi đó. - Bulika kể xong những đặc điểm về tư cách của Đracveditze.
- Vậy theo bác, giày của một người tốt nom nó thế nào? - Cha Ioram hỏi, không tin những lời luận bàn của Bulika là có thể chấp nhận được.
- Giày của người đứng đắn mòn đều: bên phải, bên trái, bên mép... Và người đó đi giày rộng hơn cỡ chân. Tại sao? Để cho thoải mái, dễ dàng, không cọ sát nhiều thành chai chân... Rõ rồi chứ? Còn điều này nữa: nếu như phần sau giày của một người nào bị nhăn nhúm và hõm vào thì hoặc là người đó đi giày của người khác, hoặc đấy là một kẻ bừa bãi cẩu thả nhơ nhuốc...
- Thế còn trẻ em thì sao? - Batsana thích thú.
- Trẻ em lại là chuyện khác. Trẻ em vận động nhiều xương cốt chưa vững chắc... Xem giày đoán tính nết trẻ con thì khó đấy...
- Thế còn bản thân bác thì sao? Bác làm mòn giày như thế nào? - Cha Ioram đưa ra câu hỏi bất ngờ.
Bulika bối rối.
- Phải, chính bác.
Bulika cúi xuống, lấy dưới gầm giường ra chiếc giày dúm dó, phía sau lõm vào và ngạc nhiên xoay chiếc giày trong tay.
- Hừm, té ra bản thân tôi là một thằng khá đê mạt.
Ông ta làu bàu, giọng bực bội và lẳng chiếc giày vào gầm giường. Batsana và cha Ioram phì cười. Cả Bulika cũng cười xòa.
- Thưa đức cha kính mến. - Batsana bỗng lái sang chuyện khác. - Cha đã từng chiêm bao thấy chúa Kitô bao giờ chưa?
Hàm dưới cha Iôram trễ xuống và mắt của cha trợn ngược lên. Cuối cùng cha nói ngắc ngứ:
- Ông Batsana kính mến... Chuyện như thế không mấy khi có: chiêm bao thấy chúa của chúng ta... Chuyện hiển hiện của chúa thì có... Nhưng cho đến giờ, chúa chưa ban cho tôi cái hạnh phúc như thế...
- Thế cha đã nghe thấy tiếng nói của chúa chưa?
- Đấy cũng là sự hiển hiện của chúa.
- Vậy thì cha phụng thờ cái gì?
- Phụng thờ chính là để được đến gần chúa, được nghe tiếng nói của chúa, được nhìn thấy dung mạo của chúa.
- Nếu thế thì chúng ta phải đổi nghề thôi.
- Sao vậy?
- Cách đây một giờ, tôi đã nhìn thấy chúa.
- Nhìn thấy ai?
- Chúa Kito của các ông.
Giọng cha Ioram run lên:
- Con ơi hãy nhớ đến điều răn: “Chớ nói dối”.
- Ông ấy nói ông ấy đã nhìn thấy. Còn tin hay không là tùy cha thôi. - Bulika chen vào và nháy mắt với Ioram, ý muốn nói: đừng phá ngang, cứ để ông ấy kể.
Batsana im lặng.
- Rồi thế nào nữa? - Bulika hỏi, vẻ sốt ruột.
- Chúa làm tôi sống lại, biến tôi thành cơn mưa tưới cho một sa mạc chết trở nên tươi tốt. Rồi tôi biến thành một cây sồi hùng vĩ, nở hoa, xanh tươi trong một ốc đảo, và chim chóc hót lên bài ca vĩ đại ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống...
- Lạy chúa tôi. Vị chúa tể ngự trên thượng giới.
- Tôi cũng suýt thốt lên những lời như thế khi chính mắt tôi đã nhìn thấy tất cả những cái đó.
- Ông đã thấy rồi mà còn hồ nghi ư? Một Tôma đa nghi. - Cha Ioram nhỏm dậy trong giường.
- Trong chiêm bao tôi đã sụp xuống dưới chân Chúa... Nhưng khi tỉnh dậy, tôi nhìn thấy cha và Bulika thì thú thực là tôi đâm ra hoài nghi...
- Chẳng lẽ ông không cảm thấy là ông đã được hưởng một vinh hạnh cao cả ư? - Cha Ioram thậm chí tái mặt đi vì xúc động.
- Cha ạ, tôn giáo của các ngài thần bí quá, tách rời cuộc sống, không thực tế... Giá như sau giấc chiêm bao của tôi mà còn lại một cái gì thực, sờ mó được...
- Một kẻ có tội. Chúa đã cho ông sống lại, còn gì thực hơn nữa ư?
- Tôi không thấy mục đích sự sống lại của tôi. Chẳng lẽ tôi trở lại cuộc sống chỉ để ngày mai mọi sự lại lặp lại từ đầu ư? Để rồi mai này lại phải chết ư? Thì cái chết là không tránh khỏi kia mà?
- Nhưng thời gian. - Cha Ioram kêu lên.
- Thời gian gì kia? - Batsana không hiểu.
- Thời gian sống, tuổi thọ. Chúa đã kéo dài thời gian sống của ông.
- Đằng nào cũng thế thôi, tôi chết hôm nay hay ngày mai thì có nghĩa lý gì?
- Đối với ông thì đằng nào cũng thế thôi, nhưng đối với người khác thì không phải thế.
- Đối với ai kia?
- Đối với những người mà cuộc sống phụ thuộc vào ông.
- Điều đó chẳng có ý nghĩa gì... Nhiều người chết từ lúc còn non trẻ, nhưng cuộc sống trên trái đất vẫn tiếp tục...
- Ông nói mới lạ chứ. Điều đó mà lại không có ý nghĩa gì. - Cha Ioram phẫn nộ. - Thế nếu như Ruxtaveli chết từ lúc còn trong nôi thì sao?
- Sẽ có một người khác ra đời.
- Khi nào?
- Vào một lúc nào đó.
- Ấy thế! Vào một lúc nào đó. Nhưng phải bao lâu cho đến lúc ấy? Ông có tưởng tượng được xã hội từ thời Ruxtaveli cho đến ngày nay sẽ như thế nào nếu không có thiên tài của con người ấy không?
- Có sao đâu, đã có thời không có Ruxtaveli, vậy mà vẫn cứ được, người ta vẫn sống...
- Người ta sống không có chúa trong lòng... - Cha Iôram uống sữa trong cái bình nhỏ, nhấp cho dịu lại cái cổ họng đã khan lại. - “Thời gian là thượng đế”. Ông nên hiểu điều đó. Người cộng sản các ông không tin chúa vì không biết giá trị của thời gian. Các ông phí phạm thời gian. Hãy sùng kính thời gian, quý trọng thời gian. Nếu các ông quyết tạo nên một tín ngưỡng mới, một tôn giáo mới thì hãy bắt đầu từ thời gian. Không thì các ông sẽ không có được thành công nào cả, bởi vì, tôi nhắc lại: Chúa trời, đó là thời gian.
- Nhưng người ta vẫn nói Chúa tức là Lời!
- Lời nói, việc làm và thời gian là ba ngôi gắn với nhau thành một thể thống nhất không thể phân chia được! -  Cha Iôram nói với vẻ thành kính.
- Nếu thế thì chúng tôi tán thành, cha ạ. Chúng tôi quý trọng cả thời gian, cả việc làm, cả lời nói. Thêm nữa, sự quý trọng của chúng tôi đối với những cái đó tuyệt nhiên không thua kém gì sự quý trọng của nhà thờ.
- Trên đời chưa từng bao giờ có lắm công việc bị hoãn lại và lắm người thích trì hoãn công việc như ở phía các ông. - Cha Iôram cười phá lên.
- Ồ không, thưa cha, xin cho phép được bày tỏ sự bất đồng với cha. - Batsana bác lại. - Trì hoãn công việc không phải là đường hướng của chúng tôi. Chính Chúa trời hứa hẹn cho con người được lên thiên đường vào lúc nào? Sau khi chết. Cha quên rồi sao?
- Thiên đường ở thế giới bên kia, con người phải giành lấy bằng cuộc đời công chính của mình. Còn cách nào khác được nữa?
- Tất nhiên, cái mà con người giành được bằng lao động và mồ hôi của mình thì các ngài gọi là ân huệ của chúa... Như thế không công bằng, thưa cha. Tôn giáo của cha đòi hỏi ở con người sự hi sinh quá lớn.
- Ông thật là tội lỗi, thật là tội lỗi, ông Batsana kính mến. - Cha Iôram phật ý. - Quy pháp nền tảng của đạo chúng tôi là hiến dâng chứ không phải là thu nhận, là phụng sự chứ không phải là cai trị.
- Những lời hay ho, thưa cha, và chỉ thế thôi... Xin cha nhớ lại: sự ngu dốt, thói cuồng tín tôn giáo, bệnh giáo điều, những cuộc viễn chinh thập tự, tòa án tôn giáo... Và tất cả những cái đó đều nhân danh Chúa, để làm sáng danh Chúa...
- Tôi không chứng minh rằng đạo của chúng tôi đã đạt đến mức hoàn hảo... - Cha Ioram ngập ngừng.
- Hoan hô đức cha. - Batsana cả cười. - Lần đầu tiên tôi được nghe những lời như thế từ miệng một người tu hành. Trong giới chức của cha, cái nhận định như thế gọi là gì? Thiên tả hay thiên hữu?
- Trong đạo thiên chúa không có những khuynh hướng thiên về bên nào, cũng không có trung tâm. Chỉ có thiên đình. - Cha Iôram nói bằng giọng răn dạy và ngước mắt nhìn lên trần nhà.
- Nó ở đâu, cái thiên đình ấy? - Batsana hỏi và bất giác cũng nhìn lên trên.
- Thiên đình, đó là ánh sáng. Khi con người đi vào vương quốc của ánh sáng, người đó khắc phục được mọi sự hạn chế và có được tự do. Nhưng điều đó sẽ đến cùng với sự hoàn thiện tâm hồn con người, vì thế cái chết làm cho con người đến gần Chúa. - Cha Iôram chắp hai tay trước ngực như lúc cầu nguyện.
- Thế khi người ta khiêng cha đến đây, toàn thân tím ngắt, dở sống dở chết, cha có nhớ lúc ấy cha cầu xin ai cứu giúp không? Cầu khấn các bác sĩ, chứ không phải chúa trời. - Bulika xen vào.
- Sợ chết tức là sợ đến gần Chúa. - Cha Ioram thốt lên, không nhìn Bulika.
- Cha ngụy biện rồi, thưa cha. Có lẽ cả cái bệnh nhồi máu của cha cũng do nỗi sợ ấy sinh ra chăng? - Bulika nháy mắt với Batsana.
Ông thầy tu ném lên Bulika một cái nhìn hằn học:
- Con người bất hạnh kia ơi, đạo của bác mở đầu trong dạ dày và kết thúc ở nhà tiêu. Kẻ tội lỗi như bác thì ngay đến địa ngục nó cũng không chịu chứa chấp đâu.
- Tất nhiên là như thế, nếu như tôi đến đấy với sự giới thiệu của cha! Nhưng tôi xin nhường cha tất cả: cả địa ngục, cả thiên đường. Tôi muốn thấy chủ nghĩa cộng sản. Đấy là thiên đường của các ông, phải không, ông Batsana? Thực ra tôi là người ngoài đảng, nhưng tôi hy vọng vào sự che chở của các ông...
- Xin mời bác Bulika! -  Batsana mời người thợ giày vào xã hội cộng sản. -  Chúng tôi là những người tốt bụng, chúng tôi sẽ chấp nhận không chỉ riêng bác, mà cả cha Ioram nữa.
- Xin mời hai ông cứ bước vào cái thế giới mô phỏng thiên đường ấy. - Cha đạo khước từ lời mời. - Còn tôi sẽ chờ theo ý Chúa... Cái thiên đình của các ông trần tục quá... Tôi muốn biết các ông sẽ làm gì sau khi đến được chính cái xã hội cộng sản đó.
- Hãy đến đó đã, rồi sau sẽ rõ.
- Ngộ nh sẽ thấy chẳng có gì cả thì sao? - Cha Iôram hỏi, không phải không có phần cay độc.
- Thưa cha Iôram kính mến, đạo của cha được bao nhiêu tuổi rồi. - Batsana trả lời bằng một câu hỏi lại.
- Hai nghìn tuổi! - Tiếng ông cha đạo nghe đầy tự hào.
Batsana phá lên cười một cách thành thật.
- Còn đạo của chúng tôi chưa đầy một trăm tuổi... Vậy mà số tín đồ của nó thì đạo các ông không sao mơ tưởng được. Các ông, những người hai nghìn tuổi, hiện đang ganh đua với chúng tôi, những thanh niên một trăm tuổi ư? Phải biết xấu hổ chứ? Xin hãy kiên nhẫn, khi nào chúng tôi được hai nghìn tuổi thì các ông hãy từ trên thượng đỉnh của các ông mà nhìn xuống chúng tôi. Khi ấy chúng ta sẽ phân xử xem trong chúng ta ai vượt lên cao hơn.
- Khó lòng tranh cãi được với những người không tin cái gì trên đời. - Cha Ioram quay mặt vào tường.
- Đạo của cha đem lại cho nhân dân cái gì? - Batsana không chịu thôi.
- Món ăn tinh thần. - Cha Iôram đáp, không quay lại. - Thế còn đạo của các ông?
- Đạo của chúng tôi đem lại cả món ăn tinh thần và món ăn vật chất. Con người đang đi đến thiên đình cần cả bánh mì, pho mát, bơ, khoai, cà chua và thịt. Phải không nào?
- Thế thịt đâu nào? - Cha Iôram lập tức quay mặt về phía Batsana.
- Như thế không phải là tranh luận, cha ạ... Hôm nay chưa có thì ngày mai sẽ có.
- Xin nói thêm là đạo chúng tôi không cấm người ta ăn thịt, cũng không cấm sản xuất thịt. Nói ra thì hơi phiền, nhưng... trước kia có nhiều thịt hơn bây giờ...
- Trước kia trên trái đất có nửa tỉ người, còn bây giờ ngót ngét bốn tỉ.
- Ờ đúng... chúng ta bỏ thói ăn thịt người sớm quá. - Bulika từ nãy vẫn im lặng lại lên tiếng. - Giá như bây giờ bớt người đi mà thịt ăn thừa thãi thì hay!
- Đó, đạo của các ông làm cho con người trở nên trâng tráo như thế đấy. - Cha Iôram giơ tay trỏ vào Bulika. Ông thợ giày toan trả lời, thậm chí đã hé miệng ra, nhưng tiếng nói tắc trong họng: từ dưới gầm giường ông ta, một con chuột cống bò ra, dẫn theo cả gia đình nó và ngồi chổm hổm ở giữa phòng bệnh.
- Nhân ngôn diệt chuột tốt thế đấy. - Bulika phá tan sự yên lặng.
Nhìn thấy con chuột, Batsana không có cảm giác ghê tởm, mà lại đâm ra tò mò. Con chuột lần lượt đi vòng qua cả ba chiếc tủ con, như tìm kiếm cái gì, rồi chẳng tìm thấy gì, nó quan sát từng người trong ba bệnh nhân. Nhưng khi Bulika ném cho nó miếng đường, nó thậm chí không buồn ngó ngàng gì đến.
- Tôi không hiểu thế là thế nào. -  Cha Iôram hỏi. - Hoặc là nó đã ăn sáng no căng, hoặc là nó quyết tuyệt thực.
- Phải gọi Giênya thôi. Bảo chị ta lôi cái tay nhân viên khử trùng ngu thộn ấy đến đây cho hắn thấy rõ là có những con lợn con như thế nào vẫn hoành hành ở đây. - Bulika đề nghị.
Con chuột lại đi vòng qua mấy chiếc tủ con, rồi trở lại với chồng con, ngọ nguậy hai chân trước và ria một cách kỳ cục, thông báo cái gì cho gia đình. Con chồng và hai con con chăm chú nghe, rồi chuột mẹ dẫn hai con chui vào gầm giường Bulika, rõ ràng là nó đưa con qua khe hở về nhà và trở lại với chồng. Giữa hai vợ chồng diễn ra cuộc trò chuyện sôi nổi.
- Cảnh sinh hoạt gia đình. Không nên để trẻ con có mặt. - Bulika xác nhận.
Bỗng nhiên con chuột cái hoảng hốt nhảy vội sang một bên, cắm đầu chạy vòng quanh như điên trong phòng bệnh. Rồi nó trở lại chỗ con đực, thở hồng hộc, dừng lại và ngây ra như hóa đá trước con đực. Bây giờ đến lượt con đực bắt đầu nhảy điệu vũ man rợ. Lát sau, nó chạy tới gần con cái và đờ ra, nhìn chằm chằm vào vợ. Thế là cả hai con chuột không nhúc nhích, dừng lại trước mặt nhau hồi lâu. Một linh cảm rùng rợn tràn ngập tâm hồn Batsana, tim ông đập loạn nhịp... Từ dưới gầm giường, hai con chuột con bò ra. Chúng chạy tới gần bố mẹ, nhưng bố mẹ dường như không nhận thấy chúng. Thế là hai chuột con rúc mõm vào bố mẹ. Bố mẹ chúng không nhúc nhích. Hai chuột con dùng chân khi thì lay bố, khi thì lay mẹ. Bỗng nhiên, tất cả mấy con chuột đều rời khỏi chỗ, bắt đầu chạy vòng quanh khắp phòng, xô vào tủ, vào tường, xô vào nhau, ngã xuống, rồi lại chồm lên.
- Chúng làm sao vậy? Hóa dại chắc? - Cha Ioram làm dấu chữ thập. - Bulika, xin vì chúa, gọi Giênya đi.
Nhưng Bulika tái xanh tái xám, ngồi trên giường và sững sờ nhìn điệu vũ man rợ của mấy con chuột.
- Đấy là do nhân ngôn... Chúng ăn phải nhân ngôn và bây giờ tìm nước uống. Nhưng nước chỉ làm chúng mau chết. - Batsana nói.
- Thế sữa có được không? - Cha Ioram hỏi, giọng run lên.
- Cho nó sữa đi, thưa cha. - Batsana yêu cầu.
Hai tay run run, cha Ioram rót sữa vào cái đĩa sâu lòng và đặt xuống sàn. Nhưng muộn rồi. Mấy con chuột đã hóa dại không còn nhận thấy gì nữa.
- Lạ thật, chuột con trụ vững hơn. - Batsana nói, và liền đó, như để bác bỏ lời ông, một chuột con nằm vật ngửa ra, bốn chân chổng ngược. Lát sau, con thứ hai cũng gục nốt.
- Tôi không lòng nào nhìn chúng được. - Bulika rên rỉ và đặt một viên nitoroglyxerin vào dưới lưỡi, hai tay bưng mặt.
- Lạy chúa rủ lòng thương. - Cha Iôram buột miệng thốt lên.
Cảm thấy có điều chẳng lành, hai con chuột lớn mở mắt, loạng choạng tới gần xác lũ con và khuỵu gối xuống.
- Giênya. - Batsana gào lên và bất giác nhỏm dậy trên giường. Hai con chuột lớn ngước đầu lên và Batsana thấy trong những cặp mắt hạt cườm đen láy của chúng bao nhiêu là đau đớn, ngạc nhiên và thất vọng đến nỗi tim ông nhức nhối và lạnh giá.
- Giênya. - Ông lại gào lên và ngã lưng xuống chiếc gối.
- Batsana kính mến. Batsana. Con tôi ơi. - Cha Iôram nhấp nhổm trên giường. - Bulika. Xem kìa, ông ấy làm sao rồi.
Nhưng Bulika nằm vùi đầu vào chiếc gối và không nghe thấy gì.
- Này, ai đấy. Giúp chúng tôi với. - Cha Iôram gào rú và cố đứng lên, nhưng một cơn đau ghê gớm xuyên thấu qua tim khiến ông già đổ vật xuống...
Phòng bệnh trở nên im lặng như tờ. Những con chuột đã tắt thở nằm lăn trên sàn, thần chết náu hình bên giường những con người còn thoi thóp thở và giương mắt hau háu rình linh hồn họ.
Không ai nghe thấy tiếng cửa bật mở và chị y sĩ Giênya cùng với bác sĩ hoảng hốt chạy xộc vào.
- Thế nào, bây giờ các ông yên tâm rồi chứ? - Thấy những con chuột chết, Giênya nói.
Liền đó vang lên tiếng kêu lo lắng của bác sĩ:
- Pantôpôn. Nhanh lên. Cho cả ba người.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét