Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

Con Bim Trắng Tai Đen - Chương 6

Con Bim trắng tai đen

Tác giả: Gavriil Troyepolsky
Dịch giả: Tuân Nguyễn - Trần Thư
Nhà xuất bản Văn Học - 2012
(Theo bản in của NXB Cầu Vồng - Moskva - 1989)

Chương 6
Từ biệt bạn

Một lần sau khi đi săn về, Ivan Ivanưts cho Bim ăn rồi lên giường nằm bỏ cơm tối và cũng chẳng buồn tắt đèn. Ngày hôm đó Bim làm việc khá nhiều nên ngủ thiếp đi ngay, không nghe thấy gì cả. Nhưng những ngày tiếp sau, cả Bim cũng nhận thấy chủ thường hay đi nằm ngay cả ban ngày, có điều gì buồn bã, đôi lúc lại bất chợt kêu lên đau đớn. Đã hơn một tuần rồi Bim đi chơi tha thẩn một mình, chốc lát - lúc nào cần thiết. lvan Ivanưts mệt nhọc lần tới cửa để thả Bim ra ngoài hoặc mở cho nó vào rồi lại đi nằm. Một hôm ông nằm trên giường rên rỉ nghe rất buồn bã. Bim đến, ngồi xuống bên giường, chăm chú nhìn vào mặt ông, sau đó gối đầu lên cánh tay duỗi dài của chủ. Nó nhận thấy khuôn mặt chủ nhợt nhạt hẳn đi, phía dưới mắt hiện lên những quầng thâm, cằm không cạo râu trông nhọn ra. Ivan Ivanưts quay về phía Bim khẽ nói, giọng yếu ớt:
- Thế nào đây, hả cu con? Chúng ta sẽ làm gì nhỉ? Tao mệt lắm Bim ạ, hỏng rồi. Mảnh đạn... nằm ngay dưới tim. Bim ơi, hỏng mất.
Giọng nói ông nghe lạ hẳn, khiến Bim lo lắng. Nó đi đi lại lại trong phòng băn khoăn, chốc chốc lại cào cửa như muốn gọi: “Dậy đi nào! Đi lại cho khỏe”. Nhưng Ivan Ivanưts lại rất sợ, rất sợ động đậy. Bim đến ngồi cạnh bên ông, khẽ kêu ư ử.
- Thôi được, tao thử đi tí xem sao, Bim nhỉ, - Ivan Ivanưts nói thều thào và thận trọng nhỏm dậy.
Ông ngồi một lát trên giường, sau đó đứng lên, một tay vịn tường còn tay kia đỡ tim, lẳng lặng tiến ra cửa. Bim đi kèm bên ông, mắt nhìn bạn không rời, và không một lần, không một lần nào vẫy đuôi. Dường như nó có ý nói: Được, tốt đấy. Ta cứ đi, từ từ thôi, đi đi.
Đến đầu cầu thang Ivan Ivanưts bấm chuông cửa nhà bên cạnh, sau đó thấy một cô bé xuất hiện, cô Liuxia. Ông nói điều gì với cô. Cô chạy về buồng mình rồi quay trở lại cùng với một bà già: bà Xtêpanôvna. Ivan Ivanưts chỉ mới nói đến tiếng “mảnh đạn”, bà ta đã cuống quýt lên, cầm tay dìu ông quay trở lại phòng.
- Ông cần nằm nghỉ, Ivan Ivanưts ạ. Nằm nghỉ đi. Thế, thế. - Bà kết thúc khi ông đã nằm ngửa lưng xuống giường: - Nằm nghỉ. Chỉ có việc nằm nghỉ thôi. - Bà ta cầm lấy chìa khóa trên bàn vội vã đi ra, gần như chạy, lật đật kiểu ông già bà cả.
Dĩ nhiên Bim nhận ra tiếng “nằm” được nhắc đi nhắc lại ba lần như có dính dáng đến cả nó. Nó nằm xuống ngay cạnh giường, mắt không rời cánh cửa. Tình trạng đau đớn của chủ, thái độ xúc động của bà Xtêpanôvna và cái việc bà cầm lấy chiếc chìa khóa trên bàn - hết thảy những cái đó đã truyền sang Bim. Nó nằm lo lắng chờ đợi.
Không bao lâu sau nó nghe thấy có tiếng chìa khóa tra vào lỗ, ổ khóa kêu lách cách, cánh cửa mở ra, ngoài hành lang có tiếng nói chuyện. Rồi bà Xtêpanôvna bước vào, theo sau có ba người lạ mặc áo choàng trắng, - hai nữ một nam. Từ họ thoảng ra một mùi lạ lạ, không như mọi người, giống như mùi ở cái hộp treo trên tường mà chủ nó chỉ mở ra mỗi khi nói: “Tao mệt lắm, Bim ơi, mệt lắm, hỏng”.
Người đàn ông xăm xăm bước đến gần giường, nhưng... Như một con thú dữ, Bim nhảy chồm đến ông ta, tì hai chân lên ngực ông và sa hai tiếng cật lực.
“Ra! Ra!”. - Bim quát.
Ông kia lùi lại, hất Bim ra, còn hai người phụ nữ liền nhảy tót ra ngoài hành lang. Bim lại ngồi xuống cạnh giường, toàn thân run lên bần bật, rõ ràng là nó sẵn sàng thà chết chứ không để cho những người lạ mặt kia đến gần ông bạn nó vào lúc ông đang nguy kịch thế này.
Ông bác sĩ đứng ở cửa nói vào:
- Lại con chó nữa! Làm thế nào bây giờ?
Đến lúc ấy, Ivan Ivanưts ra hiệu gọi Bim đến, khẽ xoay người lại vuốt ve đầu nó. Bim lấy chân đặt lên mình bạn, liếm lên cổ, lên mặt, lên tay ông.
- Mời ông vào nhà, - Ivan Ivanưts nói thều thào, mắt ngước nhìn thầy thuốc.
Ông kia bước tới:
- Đưa tay tôi xem.
Ông này chìa tay ra:
- Chào ông.
- Chào ông, - người thầy thuốc nói.
Bim chạm mõm vào tay bác sĩ, theo ngôn ngữ chó có nghĩa là: “Thôi thì biết làm thế nào! Đã thế đành phải thế. Bạn của ông bạn tôi thì cũng là bạn của tôi”.
Người ta mang cáng đến, đặt Ivan Ivanưts lên đó. Ông nói với lại:
- Bác Xtêpanôvna... Bác trông nom giúp hộ con Bim. Sáng sáng bác thả nó ra. Nó tự về ngay được thôi... Nó sẽ đợi tôi về. - Rồi quay sang Bim: - Đợi nhé. Đợi nhé.
Bim biết tiếng “Đợi” rồi: lần ở cửa hàng nó đã nghe: “Ngồi đấy, đợi...”. Lúc đi săn nó đứng cạnh ba lô cũng nghe thấy: “Ngồi đấy, đợi...”. Lúc này Bim rít lên khe khẽ, vẫy vẫy đuôi có nghĩa là: “Thôi được, ông bạn tôi sẽ trở về! Ông đi rồi sẽ quay trở về ngay thôi”.
Những cái đó chỉ một mình Ivan Ivanưts hiểu, những người khác không hiểu nổi - qua ánh mắt của họ nó thấy như vậy. Bim ngồi xuống cạnh cáng và đặt chân lên đó, Ivan Ivanưts cầm lấy chân nó.
- Đợi nhé, cu con. Đợi.
Và điều mà Bim chưa bao giờ thấy ở chủ nó là nước mắt ông trào ra thành giọt.
Khi cáng khiêng đi rồi và ổ khóa kêu lách cách, Bim nằm xuống cạnh cửa, duỗi hai chân trước ra, đầu đặt xuống sàn nhà, ngả sang một bên: đó là tư thế nằm của chó khi nó đau hoặc buồn bã. Loài chó lúc chết vẫn thường nằm ở tư thế này.
Nhưng Bim không chết vì đau buồn như con chó của người mù đã dẫn đường cho chủ nhiều năm. Con chó ấy nằm cạnh ngôi mộ chủ, chẳng buồn ăn uống những thứ do những người tốt bụng trong nghĩa trang đem đến cho nó. Rồi vào một buổi sáng ngày thứ năm, lúc mặt trời ló lên thì nó đã chết. Đó là chuyện có thật, không phải điều bịa đặt. Khi đã hiểu hết được tình yêu và lòng thủy chung kỳ lạ của chó, ít ai trong số làng săn lại nói là nó “ngoẻo rồi”, mà bao giờ cũng bảo nó “đã mất”.
Không. Bim không chết. Đúng, nó nghe thấy bảo “đợi”, nó tin tưởng bạn nó sẽ về. Bởi đã bao lần như vậy: ông ấy nói “đợi” thì nhất định sẽ về.
Chờ đợi! Giờ đây là toàn bộ cái đích của đời Bim.
Nhưng đêm nay đối với nó sao cô đơn và nặng nề làm sao, đau khổ làm sao. Có cái gì đó khác thường, không như mọi ngày... Tai họa phả ra từ những chiếc áo choàng trắng. Bim thấy ủ dột trong lòng.
Đến nửa đêm, lúc trăng lên, nó không chịu nổi nữa. Ngay khi có chủ ở nhà, cái ông trăng này vẫn thường làm cho Bim thao thức. Ông trăng có mắt, ông trăng nhìn xuống bằng những con mắt của tử thần, rọi chiếu một thứ ánh sáng lạnh lẽo tang tóc, và Bim lẩn tránh ông trăng, rúc vào góc tối. Còn lúc này - mới nhìn thấy ánh trăng, nó đã rợn cả người lên rồi, mà chủ thì vắng nhà. Rồi giữa đêm khuya thanh vắng nó tru lên, rền rĩ, i ỉ trong họng, nó tru lên như đứng trước một thảm họa. Nó hy vọng sẽ có ai đó nghe thấy, mà cũng có thể chính chủ nó nghe thấy.
Bà Xtêpanôvna đi sang.
- Sao thế, Bim? Làm sao vậy? Vắng Ivan lvanưts hả? Chà, chà... xấu lắm nhé!
Bim chẳng buồn nhìn lên, chẳng vẫy đuôi đáp lại. Nó chỉ nhìn ra phía cửa. Bà Xtêpanôvna bật điện lên rồi bỏ đi. Có ánh đèn cũng thấy dễ chịu hơn. Trăng lùi dần ra xa và nhỏ lại. Bim dọn chỗ nằm xuống ngay dưới bóng đèn, quay lưng về phía trăng. Nhưng rồi chỉ ngay lát sau nó lại ra nằm ngay trước cửa ra vào: Chờ.
Đến sáng bà Xtêpanôvna mang cháo sang, đổ vào bát của Bim, nhưng nó cũng không buồn đứng lên nữa. Giống như con chó dẫn đường nọ: ngay cả khi người ta mang thức ăn đến, nó cũng chẳng buồn nhỏm dậy.
- Mày coi chừng đấy! Sao yếu đuối thế. Không sao hiểu được mày cả. Thôi, đi chơi đi, Bim! - Bà mở tung cửa. - Đi chơi.
Bim ngẩng đầu, chăm chú nhìn bà lão. Tiếng “đi chơi” đối với nó đã quen thuộc rồi, nó có nghĩa là tự do - còn “đi chơi đi” là hoàn toàn tự do. Ồ, Bim hiểu rõ tự do là thế nào: mày có thể làm tất cả những gì chủ cho phép. Nhưng ông chủ làm gì ở đây, thế mà người ta lại bảo: “Đi chơi đi”. Vậy là kiểu tự do nào?
Bà Xtêpanôvna chưa biết cách đối xử với chó, không biết rằng những con chó như Bim hiểu được ý người mà không cần lời nói, và những lời mà nó hiểu thì có nhiều nghĩa, và tùy theo trường hợp mà có những nghĩa rất khác nhau.
Vốn tâm hồn giản dị, bà bảo Bim:
- Mày không thích cháo thì đi mà tìm cái gì mày thích. Hẳn là thích ăn cỏ rồi. Ra cái hố rác xem có khi tìm được thứ gì chăng (Bim chẳng động đến hố rác bao giờ, cái đó do quá chất phác mà bà không hiểu nổi). Đi mà tìm đi!
Bim đứng trở dậy, rũ lông. thế là thế nào? “Tìm đi?”. Tìm cái gì cơ chứ? “Tìm đi” có nghĩa là đi tìm một mẩu pho mát đã giấu kín, tìm con chim săn được, tìm một vật gì bị mất hoặc đem giấu đi. “Tìm đi” - là một mệnh lệnh, còn tìm cái gì, Bim xác định theo tình huống, theo diễn biến của sự việc. Còn bây giờ thì tìm cái gì?
Nó hỏi bà tất cả những điều đó bằng mắt, bằng đuôi, bằng cách dậm dậm hai chân trước thắc mắc. Nhưng bà có hiểu mô tê gì, chỉ nhắc lại:
- Đi chơi đi, đi mà tìm.
Thế là Bim nhảy bổ ra cửa. Như tia chớp nó lao qua các bậc thang tầng hai, chồm ra sân. Đi tìm, đi tìm chủ! Đó là cái cần tìm, ngoài ra không cần gì hết: nó hiểu như vậy đó. Chiếc cáng đặt ở chỗ này đây. Đúng rồi, ở đây. Dấu vết của những người mặc bộ đồ trắng, mùi chỉ còn thoang thoảng, vẫn còn đây. Vết ô tô đây. Bim đi quanh một vòng rồi bước hẳn vào giữa hai vết lốp xe (ngay cả con chó bất tài nhất cũng làm như vậy), thế rồi vẫn lại cái dấu vết cũ ấy. Nó lần theo vết này đi ra ngoài phố, đến gần đầu phố thì bỗng mất hút: ở đây trên mặt đường chỗ nào cũng có mùi lốp xe. Vết chân người thì rất nhiều và khác nhau, còn vết xe ô tô thì hòa chung làm một, cái nào cũng như cái nào. Nhưng vết xe kia, vết xe mà nó cần đã đi từ sân ra phía đằng kia, qua góc phố, vậy có nghĩa là phải đi tìm về phía ấy.
Bim chạy dọc theo một phố, dọc theo phố thứ hai, quay về nhà chạy quanh nơi mà Ivan Ivanưts vẫn dạo chơi - không có tí vết tích gì cả, không đâu có. Thế rồi một lần nó nhìn thấy từ xa thấp thoáng một chiếc mũi cát két kẻ ô sọc, liền chạy đuổi tới người này: không phải ông chủ. Xem xét chăm chú hơn nữa, nó thấy: hóa ra là có nhiều, rất nhiều người đội mũ cát két kẻ sọc. Do đó, bây giờ nó mới biết mùa thu này người ta chỉ bán có loại mũ cát két kẻ sọc, vì vậy mà mọi người đều thích loại ấy. Trước đây không hiểu sao nó không nhận ra điều đó, bởi vì giống chó thường chỉ chú ý chủ yếu đến phần dưới của bộ quần áo người mặc (và vẫn ghi nhớ phần ấy). Đặc điểm này đã có từ khi còn là sói, do thiên nhiên, và kết quả của nhiều thế kỷ. Chẳng hạn đối với giống chồn, nếu người đi săn đứng trong bụi rậm, chỉ che kín từ thắt lưng trở xuống, thì chồn cũng sẽ không nhận ra nếu người đứng không nhúc nhích và nếu gió không đưa hơi họ đến mũi nó. Thế là bất ngờ Bim tìm thấy trong đó một ý nghĩa xa xưa nào đó: chả có gì đáng tìm ở phần trên cả, bởi vì đầu người có thể giống nhau về màu sắc, cái này na ná cái kia.
Hôm ấy trời trong sáng. Trên một vài đường phố lá vàng phủ mặt hè thành từng mảng loang lổ, ở đôi chỗ lá phủ dày đặc hơn. Dù vậy nếu có lẫn vào đó chút ít vết tích của ông chủ, Bim cũng có thể đánh hơi thấy ngay. Nhưng chẳng thấy gì ở bất cứ đâu.
Đến giữa trưa Bim hoàn toàn thất vọng. Rồi bỗng ở một sân nọ, nó lại đụng phải dấu vết của chiếc cáng: đúng chiếc cáng đã đặt ở đây. Rồi sau đó từ phía bên luồng không khí có mùi thuốc men buổi nọ tạt sang. Bim đi về hướng đó, dò dẫm như đi trên con đường bị nứt nẻ. Ngưỡng cửa có mùi những người mặc áo choàng trắng. Bim cào vào cửa. Cô gái ra mở cửa cho nó cũng mặc áo choàng trắng. Cô hốt hoảng lùi lại. Nhưng Bim vận dụng mọi khả năng của mình, chào cô và hỏi: “ đây có Ivan Ivanưts không ạ?”.
- Đi ra, đi ra! - Cô gái kêu lên và đóng sập cửa lại. Lúc sau lại hé mở ra và réo gọi ai đó: - Pêtrôp, đuổi con chó này đi, không sếp xát xà phòng vào gáy tôi bây giờ, rồi lại quát cho một câu: “Chuồng chó chứ không phải trạm cấp cứu nữa!”. Đuổi nó đi.
Một người mặc áo choàng đen từ nhà xe đi ra, giậm chân dọa Bim và quát với giọng chẳng giận dữ gì cả, như vì trách nhiệm mà thôi, thậm chí còn uể oải là khác:
- Ôn vật, tao đập cho bây giờ! Đi đi! Đi!
Những tiếng “sếp”, “chuồng chó”, “đuổi đi”, “xát xà phòng vào gáy”, “quất”, và lại còn “trạm cấp cứu” nữa chứ, thì Bim chẳng hiểu, thậm chí chưa hề nghe thấy bao giờ. Thế nhưng, tiếng “đi ra”, “đi” tùy theo ngữ điệu và thái độ người nói thì nó hiểu ngay. Nhưng trong chuyện này không đánh lừa được Bim đâu. Nó chạy ra xa một đoạn và ngồi xuống, mắt nhìn chằm chằm về phía cái cửa ra vào. Nếu người ta biết Bim đang muốn tìm gì, thì họ có thể giúp đỡ nó, cho dù người ta không chở Ivan Ivanưts tới đây, mà đưa thẳng vào bệnh viện. Nhưng thôi, biết làm thế nào nếu chó hiểu được người mà người không phải lúc nào cũng hiểu được chó (ngay giữa họ với nhau  cũng còn chưa hiểu nổi nhau nữa là). Vả lại những ý nghĩa sâu xa như thế Bim làm sao biết được; nó thắc mắc không hiểu trên cơ sở nào mà người ta không cho nó vào cửa, nơi mà nó đã cào vào đó một cách ngay thật, tin tưởng và thẳng thắn, chính sau cánh cửa này chắc chắn nó sẽ tìm thấy chủ.
Bim ngồi đến tối bên một bụi tử đinh hương đã ngả màu lá. Xe cộ lui tới. Những người mặc áo choàng trắng chui từ trong xe ra, họ dìu tay một người nào đó, hoặc chỉ đi theo đằng sau; thỉnh thoảng họ lại khiêng từ trên xe xuống một người nằm trên cáng. Khi ấy Bim tiến gần lại một tí, kiểm tra mùi hơi người: không, không phải ông chủ. Đến chiều có vài người đã để tâm đến nó. Ai đó đã mang đến mẩu xúc xích - Bim chẳng đụng đến. Có người định nắm lấy cổ dề của nó - Bim bỏ chạy ra xa; ngay cả đến bác mặc áo choàng đen kia qua lại đó vài lần cũng dừng chân cạnh Bim, nhìn nó thương hại và không dậm chân nữa. Bim ngồi đấy như pho tượng, không nói năng nửa lời với ai. Nó chờ đợi.
Đến xẩm tối nó sực nhớ: ngộ biết đâu ông chủ đang ở nhà rồi thì sao? Nó vội vã bỏ chạy về nhà.
Một con chó chạy qua đường, một con chó đẹp, lông óng mượt, tai cụp - thân trắng, tai đen. Bất kỳ ông bà, cô cậu tốt bụng nào cũng phải nói: “Chà, con chó săn nom dễ thương quá nhỉ!”.
Bim cào cào cửa nhà mình, nhưng cửa không thấy mở. Nó liền nằm ngay xuống bậc cửa, cuộn tròn mình lại, không muốn ăn, không muốn uống - chẳng muốn cái gì cả. Ủ dột.
Bà Xtêpanôvna bước ra đầu cầu thang.
- Về rồi hả, tội nghiệp!
Bim chỉ vẫy đuôi một cái: (“Về rồi”)
- Bây giờ thì ăn bữa tối chứ! - Bà đẩy lại cho nó cái bát cháo từ sáng.
Bim chẳng đụng vào.
- Tao biết mà; mày đã tự kiếm lấy ăn. Khôn đấy. Thôi, ngủ đi. - Rồi bà khép cửa lại.
Đêm đó Bim không rít lên nữa, nhưng cũng không rời khỏi ngưỡng cửa: nó chờ đợi.
Sáng ra, nó lại thấy lo lắng. Đi tìm, đi tìm bạn. Toàn bộ ý nghĩa cuộc đời là ở chỗ đó. Rồi khi Xtêpanôvna thả nó ra, việc trước tiên là nó chạy ngay đến chỗ những người mặc áo choàng trắng. Nhưng lần này thì có một người to béo cứ quát tháo mọi người và luôn nhắc đến tiếng “con chó”. Người ta ném đá vào Bim, cho dù cố tình ném trượt. Họ vung gậy gộc dọa nó, rồi cuối cùng, lấy cành cây dài quất nó rất đau. Bim vùng chạy ra ngoài, ngồi thu mình lại một tí, và chắc là bụng bảo dạ: ông chủ không có ở đây; nếu không họ đã chẳng đuổi nó một cách thô bạo như vậy. Thế là Bim bỏ đi, đầu hơi gằm xuống. Con chó bước đi cô đơn, buồn bã, giận dỗi không duyên cớ.
Nó đi đến một đường phố náo nhiệt. Nhốn nháo rất nhiều người. Ai cũng vội vã, thỉnh thoảng họ lại trao đổi hấp tấp một vài lời, chẳng rõ họ đi về đâu và cứ đi không ngớt. Chắc hẳn Bim đã nẩy ra ý nghĩ: “Nhỡ biết đâu ông chủ sẽ qua đây chăng?” - Rồi không cần lý sự gì hết, nó ngồi vào trong bóng mát, ở đầu phố, cách cái cổng bờ giậu không xa lắm và bắt đầu theo dõi, không bỏ sót bất cứ một người nào qua đây.
Trước hết Bim nhận thấy người nào té ra cũng đều có mùi khói ô tô, và thêm vào đó lại có những mùi lạ khác nhau về nồng độ.
Một người gày gò, cao, đi đôi giày to tướng vẹt đế, bước qua, tay xách một túi lưới đựng khoai tây, y như cái túi chủ nó vẫn thường cầm về nhà. Ông gầy gò này tay xách khoai tây, nhưng người sặc mùi thuốc lá, bước đi vội vã dường như đang đuổi theo ai. Nhưng chỉ là nom có vẻ thế thôi - ở đây mọi người đều đang đuổi theo ai cả. Và mọi người đang tìm kiếm cái gì đó, như trong các cuộc săn lùng ngoài đồng, nếu không thì chạy trên đường phố, chạy vào cửa này, chạy ra cửa khác, rồi lại tiếp tục chạy, thế để làm gì?
- Chào Tai đen nhé! - Ông gầy gò chân đi miệng nói.
“Chào bác” - Bim cau có trả lời, động đậy cái đuôi trên đất, mắt vẫn không sao nhãng việc quan sát mọi người.
Đây, theo sau ông ta là một người mặc quần áo bảo hộ, nồng lên như mùi tường gạch lúc ta liếm vào (tường ướt). Người ông này gần như bạc trắng. Ông ta cầm một chiếc gậy dài trắng trên đầu có lông và một cái túi nặng.
- Mày làm gì ở đây thế này? - Ông ta dừng lại hỏi Bim. - Ngồi đợi chủ hay lạc đường?
- “Vâng, đợi” - Bim trả lời, nhúc nhắc hai chân trước.
- Thế thì cho mày đây. - Ông lấy trong túi xách ra một bọc giấy, lấy kẹo đặt trước mặt Bim rồi vỗ vỗ vào cái tai đen của nó. - Ăn đi, ăn đi (Bim không chạm đến). Chà, chó đã luyện. Khôn lắm! Không ăn đĩa người lạ. - Rồi ông ta lững thững đi tiếp, vẻ thản nhiên, không như mọi người khác.
Đối với ai thế nào không biết nhưng đối với Bim thì đây là con người tốt bụng: ông ta hiểu thế nào là “đợi”, ông nói “đợi”, ông hiểu Bim.
Một người to béo, phì nộn, trong tay cầm chiếc gậy to tướng, trên mũi đeo đôi kính đen to tướng, cắp chiếc cặp to tướng: cái gì của ông này cũng to. Ông ta có cái mùi giấy in rất rõ, cái thứ giấy mà Ivan Ivanưts vẫn cầm que vạch lên rì rào, mà hình như có cả mùi thứ giấy vàng vàng mà bao giờ người ta cũng đút vào túi. Ông này dừng lại cạnh Bim, nói:
- Ối giời ơi, lại thế này nữa! Chó chạy ra cả đại lộ!
Từ trong cổng hàng rào, người quét vườn cầm chổi bước ra, đến đứng cạnh Ông Béo. Ông này nhìn người quét vườn nói, tay chỉ vào Bim:
- Ông nhìn thấy chưa? Có phải trên địa phận ông không?
- Thấy chứ sao. - Ông vừa nói vừa tựa người vào cái chổi dựng ngược.
- Thấy... Ông có thấy cái chết tiệt gì! - Ông Béo giận dữ nói. - Đến cả kẹo nó cũng không nuốt cho, khảnh ăn thật. Thế này thì còn sống sao nổi! - Ông nổi xung lên.
- Thì đừng sống nữa, - người quét vườn nói rồi thản nhiên tiếp: - Chà, ông gầy tọp hẳn đi đấy, tội nghiệp quá.
- Anh xỏ xiên tôi đấy hả? - Ông Béo gào lên.
Ba đứa trẻ đang đi, liền dừng lại nhìn hết Ông Béo rồi lại nhìn Bim, cười khúc khích, không hiểu vì sao.
- Chúng mày cười cái gì? Buồn cười gì? Tao nói chuyện con chó. Một ngàn con khuyển, hai ba cân thịt mỗi con, vị chi là hai ba tấn thịt trong một ngày. Có tưởng tượng được không, tổng cộng là bao nhiêu?
Một đứa trong bọn chúng phản đối:
- Đến lạc đà cũng không ăn nổi ba ký thịt.
Người quét vườn uốn nắn lại, vẻ tỉnh bơ:
- Lạc đà không ăn thịt. - Bất thần ông ta cầm ngang cán chổi quét mạnh lên mặt đường nhựa, ngay trước chân Ông Béo. - Đồng bào tránh ra. Thế nào? Có nghe thấy tôi nói gì không, hả cái đầu đần độn kia!
Ông Béo khạc nhổ bỏ đi. Ba đứa trẻ kia cười rúc lên rồi cũng bỏ đi nốt. Người quét vườn cũng thôi quét luôn. Ông vuốt ve lưng Bim, đứng một lát rồi nói:
- Ngồi đây nhé. Đợi chủ. Chủ sẽ đến. - Rồi cũng bỏ đi vào cổng vườn.
Qua cuộc cãi vã đó Bim chỉ hiểu có tiếng “thịt”, “con chó”, có thể là “con khuyển” nữa. Nhưng nghe qua giọng nói và chủ yếu là qua mắt thấy cũng đủ để một con chó khôn ngoan đoán ra: Ông Béo không tốt, ông quét vườn tốt, một người thì ác, người kia thì hiền. Có ai hiểu rõ hơn Bim nữa rằng chỉ có những người quét đường đêm hôm sống trên đường phố là họ biết quý trọng chó. Chuyện ông quét vườn đuổi Ông Béo đi làm Bim có phần nào hài lòng. Mà nói chung, cái chuyện tình cờ không đâu vào đâu ấy giây phút đã làm cho Bim khuây khỏa, cũng có thể là có ích trên phương diện nó bắt đầu lờ mờ đoán ra: con người rất khác nhau. Có người tốt, có người xấu. Ờ, cái đó cũng có ích đấy, đứng ngoài cuộc ta sẽ nói thế. Thế nhưng trong lúc này đối với Bim cái đó hoàn toàn không quan trọng gì. Hơi đâu mà bận tâm: Nó còn mải theo dõi người đi đường.
Ở một số người đàn bà tỏa ra thứ mùi hăng hắc, không chịu nổi, giống như mùi hoa linh lan, cái thứ hoa trăng trắng có cái mùi làm tê liệt cả khứu giác, mà cứ đứng gần là Bim bị điếc mũi. Trong những trường hợp như thế Bim thường quay đầu đi chỗ khác và nhịn thở vài giây - nó ghét cái mùi ấy. Đa số đàn bà có đôi môi đỏ chót như những lá cờ giăng ra vây sói. Màu đỏ này Bim cũng ghét, và nói chung con vật nào cũng không ưng nhưng đặc biệt là chó và bò đực. Hầu như bà nào cũng mang thứ gì đó trong tay. Bim còn để ý thấy đàn ông ít cầm gì hơn đàn bà.
... Nhưng sao mãi vẫn không thấy Ivan Ivanưts thế nhỉ. Ông bạn của tôi ơi! Giờ này ông ở đâu?
Người đi như nước chảy. Nỗi buồn của Bim cũng có phần nào vợi đi ít nhiều, tản mạn đi giữa đám người. Nó lại chăm chú nhìn lên phía trước: liệu ông có đi đó không. Hôm nay Bim sẽ chờ ở đây. Chờ đợi!
Có một người dừng lại cạnh Bim, mặt nhăn nheo, mũi hớt, mắt ốc nhồi, đôi môi dày trệ hẳn xuống. Ông ta kêu lên:
- Bậy bạ thật! (Mọi người dừng lại). Xung quanh dịch bệnh đầy ra đây, nào là cúm, nào ung thư dạ dày, còn ở đây thì sao? - Ông xỉa cả bàn tay về phía Bim. - Ở đây, giữa đám đông công chúng, chỗ tấp nập người lao động thế này mà lại để một con vật tác nhân sinh bệnh ngồi lù lù.
- Không phải con chó nào cũng là tác nhân sinh bệnh. Ông nhìn xem, con chó nom dễ thương quá đi chứ. - Một cô gái phản đối.
Mũi Hớt nhìn cô từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đầu, giận giữ quay ngoắt đi:
- Man di mọi rợ thế là cùng. Trong cô là cả một sự man di mọi rợ, cô em ạ!
Và chợt... Chao ôi! Nếu như Bim được làm người! Chính Bà Thím ấy tiến đến, bà “phụ nữ Xô viết”, cái bà đã đặt điều ấy. Thoạt đầu Bim hốt hoảng, nhưng sau nó xù lông gáy chuyển sang tư thế phòng ngự. Còn bà ta liến thoắng với những người vây quanh cách Bim không xa:
- Man rợ thì đúng là man rợ! Chính nó đã cắn tôi đây. Cắn... đây... này! - Rồi bà đưa tay cho mọi người xem.
- Nó cắn vào đâu? Bà giơ xem nào! - Một anh thanh niên ôm cặp nói.
- Mày định châm chọc tao nữa hả, đồ chó con! - Và bà ta giấu tay đi.
Mọi người cười ồ, trừ ông Mũi Hớt.
- Ở trường đại học người ta dạy dỗ mày thế hả, đồ quỷ sứ. Giáo dục thế đấy, đồ súc sinh! - Bà ta nhảy xổ đến anh sinh viên. - Mày lại dám không tin vào người phụ nữ Xô viết như tao hả? Không biết sau này mày sẽ ra sao? Chúng ta rồi sẽ đi đến đâu, thưa các ông các bà? Hay là ta không có chính quyền Xô viết?
Anh thanh niên đỏ mặt nổi khùng:
- Bà mà hiểu được khách quan người ta nhìn bà như thế nào thì bà sẽ ghen với con chó này. - Anh chàng tiến lại phía Bà Thím và quát lên: - Ai cho phép bà lăng nhục tôi?
Mặc dù Bim không hiểu nổi những tiếng đó, nhưng cũng không kìm nổi được nữa: nó chồm về phía Bà Thím, sủa rất to và trụ cả bốn chân ghìm mình cố tránh những manh động tiếp theo (mà nó không thể lường được hậu quả sẽ ra sao). Thông minh thật! Nhưng chỉ vẫn là con chó.
Bà Thím gào lên thất thanh:
- Cô-ông an, công... an...
Đâu đó có tiếng còi vang lên, và một người tiến lại gần, lớn tiếng:
- Các ông các bà, đi đi cho! Ai đi việc nấy! - Đó là người cảnh sát. (Bim khe khẽ vẫy đuôi, mặc dù còn bực lắm). - Ai kêu đấy?! Bác hả? - Người cảnh sát hỏi Bà Thím.
- Bà ấy đấy, - anh sinh viên khẳng định.
Mũi Hớt dây vào:
- Anh để mắt đi đâu thế? Anh mải cái gì? - Ông ta đay nghiến người cảnh sát. - Con chó, con chó kia, ngay trên đại lộ của thị xã.
- Con chó! - Bà Thím la lên.
- Thật là những đồ vượn man rợ. - Anh sinh viên cũng kêu lên.
- Nó lăng nhục tôi! - Bà ta gần như nức nở.
- Các ông các bà giải tán đi cho. Còn bác, bác, và anh này nữa, xin mời về đồn, - anh ta chỉ vào Bà Thím, Ông Mũi Hớt và anh thanh niên:
- Còn con chó?! - Bà Thím rít lên. - Bắt người lương thiện về đồn, còn chó thì...
- Không đi. - Anh thanh niên nói cộc lốc.
Người cảnh sát thứ hai đến.
- Gì thế?
Người đeo cà vạt và đội mũ giải thích rành rọt và chững chạc:
- Vâng, đấy, cậu sinh viên này, không muốn về đồn, không chịu tuân lệnh. Còn đây, những người này, cả hai, muốn về đồn, còn anh này không... Cưỡng lại. Như vậy đâu có được. Bắt đi thì phải đi. Mặc... -  Rồi ông ta quay về phía những người khác, dùng ngón tay to tướng ngoáy tai như để mở rộng lỗ nghe ra. Rõ là chỉ tự phụ và tin chắc vào ý kiến của mình, một cử chỉ k cả trước những người có mặt, thậm chí trước c cảnh sát nữa.
Hai người cảnh sát đưa mắt nhìn nhau và rồi cũng vẫn đưa anh sinh viên đi theo mình. Mũi Hớt và Bà Thím lạch bạch theo sau. Mọi người giải tán, không ai còn để ý đến con chó nữa, trừ cô gái dễ thương kia. Cô ta tiến đến chỗ Bim vuốt ve nó, sau cùng lại đi theo hai người cảnh sát. Cô ấy tự đi đến đồn, Bim xác định thế. Nó nhìn theo cô, giậm chân tại chỗ rồi vùng chạy lên, đuổi kịp cô ta và đi ngang bên cạnh.
Người với chó cùng đi vào đồn.
- Mày đợi ai ở đây, Tai đen? - Cô gái dừng lại hỏi.
Bim buồn bã cúi đầu ngồi xuống.
- Thôi cái bao tử mày đã biểu tình rồi. Tao sẽ cho mày ăn. Đợi tí, tao sẽ cho ăn. Tai đen nhá!
Đã vài lần người ta gọi nó là “Tai đen”. Ngay cả chủ nó cũng có lúc gọi “Ôi chao, Tai đen!”. Ông chủ nói thế đã lâu lắm rồi, từ hồi nó còn bé tí. “Ông bạn tôi bây giờ ở đâu nhỉ?” - Bim nghĩ bụng. Rồi nó lại cùng đi với cô gái vẻ buồn bã và ủ rũ.
Cả hai cùng bước vào đồn. Ở đó Bà Thím đang gào lên, ông Mũi Hớt thì la lối om sòm, anh sinh viên im lặng, cúi gằm mặt xuống, còn người cảnh sát lạ mặt ngồi ở bàn giấy, nhìn cả ba vẻ ác cảm rõ rệt.
Cô gái nói:
- Tôi đã đem kẻ có tội đến đây. - Rồi chỉ vào Bim. - Con chó dễ thương hết sức. Tôi đã thấy hết và nghe rõ hết đầu đuôi. Anh này không có tội tình gì hết. - Cô hất hàm chỉ anh sinh viên.
Cô bình tĩnh kể lại, lúc thì chỉ vào Bim, lúc thì chỉ vào một trong số ba người. Những người kia chực ngắt lời cô, nhưng viên cảnh sát nghiêm nghị chặn lời Bà Thím và Mũi Hớt. Ông ta có thiện cảm rõ rệt với cô gái. Cuối cùng cô pha trò, hỏi:
- Tao nói thế có đúng không? Tai đen? - Rồi quay về phía người cảnh sát, nói thêm: - Tên tôi là Đasa, - xong lại nói với Bim: - Tao là Đasa, hiểu không?
Bim tỏ rõ nó quý trọng cô bằng tất cả những gì có.
- Nào lại đây, Tai đen, lại đây! - Người cảnh sát gọi.
Ồ Bim biết tiếng: “Lại đây!” lắm, nó biết một cách chính xác. Và nó tiến lại.
Ông ta vỗ nhẹ vào cổ nó, cầm lấy vòng cổ, xem xét biển số và ghi chép điều gì đó, rồi ra lệnh cho Bim:
- Nằm xuống!
Bim nằm xuống đúng kiểu: hai chân sau thủ vào bụng còn hai chân trước duỗi thẳng, đầu và mắt hướng về người đối thoại, hơi nghiêng sang bên.
Bây giờ viên cảnh sát gọi điện thoại hỏi:
- Liên đoàn săn bắn đấy hả?
“Săn bắn!” - Bim giật mình. “Săn bắn!”, tiếng này ở đây nghĩa là thế nào?
- Liên đoàn săn bắn đấy hả? Tôi ở đồn cảnh sát đây. Xem lại con chó số thẻ 24, giống chó Setter. Sao lại không có? Không thể được. Con chó hay lắm, được luyện rồi. Gọi đến Xô viết thành à? Được. - Anh đặt ống nghe xuống rồi lại nhấc lên, hỏi điều gì đó, tay ghi chép, miệng nhắc lại: - Giống Setter... có những đặc điểm di truyền bên ngoài, không có chứng chỉ gia phả, chủ là Ivan Ivanưts Ivanôp, phố Proiêzgiaia, số nhà 41. Cảm ơn. - Lúc này ông quay về phía cô gái: - Cô Đasa, cô rất tuyệt diệu. Tìm thấy chủ nó rồi.
Bim nhảy lại phía người cảnh sát, rúc mũi vào đầu gối của anh, liếm tay Đasa và nhìn vào mắt cô, nhìn thẳng vào mắt như cái nhìn của những con chó khôn, quyến luyến và tin người. Vì nó hiểu rằng họ đang nói đến Ivan Ivanưts, đến người bạn, người anh, ông Trời của nó, như trong trường hợp này là người thì sẽ nói thế. Nó run lên vì xúc động.
Viên cảnh sát nghiêm nghị càu nhàu Bà Thím và Ông Mũi Hớt.
- Các vị đi đi cho, xin chào.
Ông Mũi Hớt quay sang đay nghiến người thường trực:
- Thế là... xong hả? Như thế này thì trật tự của ta rồi sẽ ra sao đây? Bị buông lỏng rồi!
- Xin mời đi đi cho, ông già. Chào ông. Ông về nghỉ cho.
- Tôi không ông cháu gì với anh sất! Tôi so với anh là bậc cha chú anh đó. Ngay đến thái độ đối xử nhã nhặn cũng quên rồi, đồ chó đẻ. Anh lại muốn giáo dục những cái của này, - ông huých tay vào anh sinh viên, - bằng cách xoa đầu, vuốt ve. Rồi cuối cùng nó cũng sủa gâu gâu vào mặt cho, rồi anh xem. Và cắn cho nữa ấy. - Ông ta gào lên thực như chó sủa, không khác gì.
Tất nhiên Bim cũng đáp lại như vậy. Người thường trực bật cười:
- Thấy chưa, bố ơi, đến con chó cũng hiểu và đồng tình đấy.
Còn Bà Thím thì giật thót mình vì hai tiếng sủa của người và chó, lùi về phía cửa tránh né Bim và thét tướng lên:
- Đấy, nó sủa tôi đấy, thấy chưa! Ngay ở đồn mà cũng chẳng có sự bảo vệ nào đối với phụ nữ Xô viết cả.
Cuối cùng họ cũng phải ra đi.
- Thế còn tôi thì sao, định giữ lại chăng? - Anh sinh viên hỏi, mặt lầm lầm.
- Phải biết phục tùng, anh bạn ạ. Khi đã được mời thì phải đi theo chứ. Luật như vậy mà.
- Luật à? Không có luật nào cho phép bắt giải người tỉnh táo về đồn cả, túm tay như thằng ăn cắp. Mụ ấy, phải nhốt mười lăm ngày mới xứng, thế mà các anh... Chịu các anh thật! - Rồi anh sinh viên bước ra, khẽ gẩy tai Bim một cái.
Lúc này, Bim chẳng còn hiểu cái gì nữa: người xấu cũng rầy la cảnh sát, người tốt cũng rầy la, thế mà anh cảnh sát cũng chịu, lại còn cười nữa; chuyện này rõ ràng là chó khôn cũng không hiểu nổi.
- Chị có thể tự dẫn nó đi được không? - Người thường trực hỏi Đasa.
- Được ạ. Về nhà thôi. Tai đen, đi về nhà.
Bim lúc này chạy trước, thỉnh thoảng ngoái nhìn Đasa và dừng lại đợi: nó hiểu rất rõ tiếng “về nhà” và dẫn cô gái về tận nhà. Người ta không thể tưởng tượng nổi là nó có thể tự lần mò về nhà mình được, người ta tưởng nó là một con chó đần; riêng có Đasa là hiểu hết, riêng mình Đasa, một cô gái tóc vàng có đôi mắt to đăm chiêu và hiền lành mà thoạt nhìn Bim đã tin ngay. Nó đưa cô gái về tận cửa nhà mình.
Cô bấm chuông gọi - Không có tiếng trả lời. Lại bấm lần nữa, nhưng bấm chuông nhà bên cạnh. Bà Xtêpanôvna bước ra. Bim chào bà: nó vui hơn hôm qua nom rõ ra mặt, nó nói: “Cô Đasa đến đấy, cháu dẫn cô ấy đến”, (không thể dùng lời nào khác để giải nghĩa cái nhìn của Bim hết về phía Đasa rồi lại quay sang bà Xtêpanôvna).
Hai người phụ nữ nói chuyện nho nhỏ với nhau, trong lời đi tiếng lại đã nhắc đến tên “Ivan Ivanưts” và “mảnh đạn”. Rồi bà Xtêpanôvna mở cửa ra. Bim mời Đasa vào: bằng cách nhìn cô không rời mắt. Việc đầu tiên là cô cầm bát cháo lên ngửi rồi nói:
- Chua rồi. - Cô đổ cháo vào cái xô rác, rửa bát rồi lại đặt xuống sàn nhà. - Tao đi về ngay bây giờ. Đợi đấy Tai đen nhé!
- Tên nó là Bim, - bà Xtêpanôvna đỡ lời.
- Đợi đấy, Bim. - Và Đasa đi ra.
Bà Xtêpanôvna ngồi xuống ghế. Bim ngồi đối diện bà, nhưng mắt cứ luôn luôn ngó ra cửa.
- Mày quả là con chó sáng dạ. - bà Xtêpanôvna bắt chuyện. - Mày thấy chưa, còn lại một mình, mày đã hiểu là ai thương mày. Bim ơi, như tao đây này... lúc về già ở với đứa cháu. Bố mẹ nó đẻ nó ra, nhưng lại phải đi làm tận Xibir, chỉ có tao ở lại nuôi dạy nó. Và như vậy là cháu tao đối tốt với tao lắm, hết lòng hết dạ với tao.
Bà Xtêpanôvna giãi bày tâm sự với chính mình trong khi nói chuyện với Bim. Thường tình con người ta nếu không biết nói với ai, thì vẫn nói chuyện với con chó, với con ngựa yêu mến, hoặc với con bò nuôi mình. Những con chó có trí khôn nổi bật thì phân biệt được rất rõ người bất hạnh và bao giờ cũng thông cảm với họ. Ở đây người và chó thương nhau: bà Xtêpanôvna than thở với nó, còn Bim thì cay đắng, đau khổ vì nỗi những người mặc áo choàng trắng đã đem ông bạn của nó đi mất. Những chuyện rắc rối trong ngày chỉ chốc lát làm dịu nỗi đau của Bim, và bây giờ nỗi đau ấy lại tấy lên nhức nhối. Bim phân biệt được trong lời bà Xtêpanôvna hai tiếng quen thuộc: “tốt” và “với tao” nói với giọng ấm áp buồn buồn.
Dĩ nhiên là Bim đã tiến sát lại bà và gối đầu lên châu bà, còn bà Xtêpanôvna thì đưa mùi soa lên thấm nước mắt.
Đasa quay trở lại, tay cầm một gói nhỏ. Bim lặng lẽ bước đến, nằm phủ phục xuống đất, đặt một chân lên giày cô gái, chân kia kê đầu. Như thế có nghĩa là: “Cảm ơn cô”.
Đasa mở gói giấy lấy ra hai miếng chả thịt băm, hai miếng bánh khoai rồi đặt lên đĩa của Bim
- Ăn đi.
Bim cũng chẳng buồn ăn, mặc dù đã ba ngày liền nó chưa có miếng gì vào bụng. Đasa vỗ nhẹ lên lưng nó và dịu dàng bảo:
- Ăn đi, Bim, ăn đi chứ.
Giọng Đasa ngọt ngào, thân thiết, nhỏ nhẹ, có vẻ bình thản; bàn tay cô ấm áp và dịu dàng, trìu mến. Nhưng Bim vẫn ngoảnh mặt đi khỏi đĩa chả thit băm. Đasa nâng mồm Bim nhét miếng chả vào. Bim ngậm mồm, ngậm mãi trong mồm, ngạc nhiên nhìn Đasa, trong lúc đó miếng chả tự trôi vào bụng. Miếng chả thứ hai cũng như vậy. Rồi đến khoai cũng thế.
- Phải ép nó ăn, bà ạ. - Đasa bảo bà Xtêpanôvna. - Nó nhớ chủ đấy, chẳng thiết ăn uống gì.
- Đâu có chuyện ấy hả cô! - Bà Xtêpanôvna ngạc nhiên. - chó thì vẫn tự kiếm ăn lấy. Đã biết bao nhiêu con lang thang như vậy, chúng vẫn chẳng ăn là gì.
- Làm sao bây giờ? - Đasa hỏi chuyện Bim. - Thế này thì mày quỵ mất.
- Không chết đâu, - bà Xtêpanôvna nói như đinh đóng cột. - Một con chó khôn như thế sẽ không chết đâu. Mỗi ngày một lần tôi vẫn nấu cháo kê cho nó đấy. Thế thôi chứ thế nào? Loài vật ấy mà.
Đasa ngẫm nghĩ điều gì đó rồi cởi vòng cổ chó ra.
- Chừng nào cháu chưa đem vòng cổ này đến, thì bác hãy khoan thả Bim ra. Mai, vào khoảng chín giờ sáng cháu sẽ đến... Còn ông Ivan Ivanưts thì hiện giờ ở đâu ạ? - Cô gái hỏi bà Xtêpanôvna.
Bim giật nảy mình: “ông chủ”!
- Chở máy bay đi Maxkơva rồi. Mổ tim rất phức tạp. Mảnh đạn nằm cạnh.
Bim hết sức chú ý. “Mảnh đạn”, lại “mảnh đạn”. Tiếng đó nghe đau xót lắm. Nhưng một khi đã nhắc đến Ivan Ivanưts thì có nghĩa ông chủ đang ở đâu đây. Phải đi tìm, đi tìm!
Đasa đi ra. Xtêpanôvna cũng thế. Bim ở lại một mình suốt đêm. Bây giờ, đôi lúc nó cũng thiếp đi, nhưng cũng chỉ được vài phút mà thôi. Cứ mỗi lần chợp mắt là nó lại mơ thấy Ivan Ivanưts, ở nhà hoặc đang đi săn. Lúc đó nó chồm dậy, nhìn quanh rồi chạy đánh hơi khắp phòng, nghe ngóng trong im lặng rồi lại nằm xuống bên cửa. Bị quất bằng roi mềm thì rất đau, nhưng không có cái gì so với nỗi đau bị bật vô âm tín chủ.
Đợi, chờ đợi, cắn răng lại mà chờ đợi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét