Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 9

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 9

Sang ngày thứ hai mươi hai, giáo sư cho phép Batsana trở mình trên giường. Bấy giò ông có thể nằm nghiêng, tay chống đầu và quan sát cả hai người nằm cùng phòng, trong tất cả vẻ rạng rỡ của họ. Rồi theo chỉ định của bác sĩ, ông phải tập thể dục chữa bệnh như thế này: trong hai tuần lễ, ông phải nắm chặt hai bàn tay vào, rồi lại xòe tay ra. Khi Batsana được phép ngồi lên, - đấy là vào ngày hai mươi sau lần “ân xá” đầu tiên - một cô gái vào phòng bệnh, cô đẹp lạ lùng, đến nỗi Bulika bỗng buông rơi lọ matsôni. Khi đấng thiên thần tóc đen nhánh, mắt xanh biếc ấy ngồi ghé xuống giường Batsana, cha Iôram làm dấu chữ thập và kêu lên:
- Bây giờ ông còn không tin Chúa nữa thôi, Batsana kính mến?!
- Tôi sẽ tin, miễn đây không phải là giấc mơ! - Batsana đáp, sửng sốt vì nhan sắc và sự mạnh dạn của cô gái.
- Dù là giấc mơ cũng được, miễn là cô ấy đến ngồi cạnh tôi. - Bulika thốt lên, và đến đây mới nhận thấy mình vẫn ngậm cái thìa trong mồm.
- Tôi sẽ đến cả chỗ các bác nữa! - Cô gái đáp.
- Tôi chờ cô, chờ cô đây, thưa cô! - Bulika mời.
- Chào các bác! Tên tôi là Kêtêvan, họ là Andrônikasvili. Tôi sẽ phụ trách hướng dẫn thể dục chữa bệnh ở bệnh viện này của các bác! - Cô gái tự giới thiệu.
- Thật ư? Các bác sĩ của chúng tôi nghĩ thế nào vậy nhỉ? Cớ gì họ vẫn làm khổ chúng tôi bằng các loại pantôpôn, perxantin và intenxain nhỉ?! Chỉ riêng việc xuất hiện trong phòng bệnh một phụ nữ như cô đã có tác dụng bằng năm mũi tiêm là ít nhất, nếu không phải là mười! - Bulika kêu lên.
Cô gái mỉm cười hài lòng.
- Thưa ông Batsana! Ông thấy đấy, cô ấy mỉm cười nhé! Hãy chạm vào cô ấy đi! Nếu cô ấy không biến mất thì tất cả đều là thực! - Bulika nài.
- Cô cho phép! - Batsana chạm vào những ngón tay đẹp của cô gái. - Hãy vui mừng đi, Bulika, cô ấy là con người thực đấy! - Ông trả lời Bulika, nhưng vẫn không buông tay ra.
Cô gái thận trọng rút những ngón tay khỏi bàn tay Batsana và bắt mạch ông.
- Ôi, mạch của tôi bây giờ sẽ không nói với cô điều gì tốt lành đâu! Hãy để cho nó hồi tĩnh lại. - Batsana áp tay cô gái vào ngực mình. - Cô nghe thấy nó đập thế nào chứ?!
Cô hướng dẫn viên rụt tay lại và áp cái tai hồng hồng nhỏ nhắn, đẹp như mảnh vỏ sò vào ngực ông. Batsana nghẹn thở.
- Bác sĩ ơi, sao lại thế, các người định giết tôi chắc? - Ông thì thầm, ném luồng mắt van vỉ về phía cha Iôram. Cha đạo giang hai tay lên một cách bất lực và nhắm mắt, ý nói: tôi không thể giúp gì được...
Lát sau, cô gái vươn thẳng người và hỏi bằng giọng nghiêm trang:
- Ông có thấy đau ở vùng tim không?
- Cơn đau đã qua rồi, còn mạch, trước khi cô đến thì bình thường, bây giờ tất cả lại bắt đầu lại, - Batsana thờ dài.
- Trời ơi! Chẳng lẽ tất cả các bệnh nhân đều được phân phát cùng một văn bản như thế ư?
- Sao, những người khác cũng nói như thế à? - Batsana hỏi, thất vọng.
- Chính thế! Còn ông là nhà văn, ông phải đặc sắc hơn mới đúng! - Cô gái đáp bằng giọng hể hả.
- Đặc sắc hơn làm sao được! - Batsana rên rỉ thảm thiết. - Cô ạ, tôi là người đã chết, vậy mà lại đang nói chuyện với cô...
Cô gái lớn tiếng cười:
- Đấy, thế mới thật là đặc sắc!... Nào, ta bắt đầu đi thôi! - Cô thận trọng nâng Batsana dậy. - Ông có nghe nói về ha-tha-yôga rồi chứ?
Batsana ngớ ra.
- Thời thanh niên tôi có đọc đôi chút... Đó là... một học thuyết tôn giáo - Triết lý Ấn Độ thì phải? làm cho tâm hồn và thể xác đạt tới mức hoàn hảo bằng những bài tập thể dục... phải thế không?
- Đúng! - Cô hướng dẫn viên đồng ý. - Hiện thời ta sẽ tập những tư thế ha-tha-yôga đơn giản nhất, còn về việc tu dưỡng tâm hồn thì tự ông sẽ lo liệu lấy, khi nào ông ra viện...
- Xin vâng! - Batsana ngoan ngoãn cúi đầu.
- Ông có biết tư thế “hoa sen” không? Ít ra ông cũng có nghe nói đến chứ? Chắc ông đã thấy tượng phật ngồi rồi chứ? Chính kiểu ngồi đó gọi là tư thế “hoa sen” đấy.
- Tôi hiểu rồi...
- Nào, ta thử xem!... - Cô gái xắn tay áo và lật tấm chăn của Batsana, Batsana ngượng ngập, lúng túng dùng hai tay che tấm thân gần như trần trụi.
Không để ý đến Batsana, cô nói tiếp:
- Vậy thì thế này nhé: cầm lấy bàn chân phải và đưa nó về đùi bên trái...
Batsana ngoan ngoãn thực hiện chỉ dẫn của bác sĩ và chợt hiểu mình đã gầy đi bao nhiêu trong thời gian ốm: trước kia, ông không tài nào làm nổi động tác đó, dù có dọa giết chết ông đi nữa. Ông mừng rỡ vì cái cảm giác dễ dàng thoải mái trước nay chưa từng có.
- Giỏi lắm! - Cô gái khen. - Bây giờ cầm lấy bàn chân trái, luồn nó xuống dưới chân phải, đưa nó về bên phải, gác lên... cái gì nhỉ?
- Lên đùi... - Batsana nối lời bằng giọng của chú học trò chuyên cần và cố làm động tác cô gái bảo làm. Nhưng uổng công! Bàn chân phải mắc ở chỗ nào giữa chừng, ông cảm thấy đau nhói ở buồng gan và toàn thân đẫm mồ hôi.
- Đừng gắng quá! - Cô gái báo trước. - Nếu không làm được thì trở lại tư thế ban đầu!
Batsana nhanh nhẹn duỗi hai chân ra và thở phào nhẹ nhõm.
- Sao, đau à?
- Đau!
- Không sao, sẽ quen thôi, - Cô gái nói cho ông yên tâm. - Bây giờ nằm xuống và thư giãn cơ thể!
Batsana ngả người lên chiếc gối! Cô hướng dẫn viên sờ nắn cơ bắp ông và lắc đầu không hài lòng:
- Thả lỏng cơ bắp, thả lỏng cơ bắp. Không một chút căng thẳng! Tư thế của người chết ấy!
- Cô nói kỳ quá, cô gái thân mến ơi! Người ta mất bao nhiêu công sức mới làm ông ấy sống lại được, vậy mà cô muốn đưa ông ấy trở lại tình trạng người chết ư?! - Bulika kêu lên.
-  Ấn Độ và..., ha-tha-yôga tất nhiên là hay ho, con gái ta ạ, nhưng không còn cách luyện tập khác theo kiểu Cơ Đốc hay sao? - Cha Iôram xen vào.
- Cách luyện tập theo đạo Cơ đốc là cầu nguyện, mà chữa bệnh cho người chỉ bằng cầu nguyện thôi thì không được! - Cô hướng dẫn viên giận dỗi.
- Nhưng cầu nguyện mà không phải là thể dục à? Cô nhìn xem! - Và Bulika làm dấu chữ thập mấy lần, khoa rộng cả hai tay. - Thể dục buổi sáng!
- Tôi muốn nguyền rủa bác, kẻ chống Chúa Kitô, nhưng cũng chẳng cần đến những lời nguyền rủa của tôi thì bác cũng vẫn đang theo con đường xuống địa ngục đấy! - Cha Iôram thốt lên bằng giọng cáu kỉnh và quay mặt vào tường.
Cô gái đến giường Bulika.
- Mời cô!... - Bulika dịch vào, dành một chỗ trên giường.
- Không cần, tôi đứng... - Cô gái bắt mạch Bulika. - Mạch của bác khá hơn.. Thử tập nhé?
- Bác sĩ ạ, tôi đã làm thử trong lúc cô bắt Batsana kính mến trở về tình trạng người chết... Không ăn thua... Vậy là tôi không thể ngồi theo tư thế “hoa sen” được đâu. Còn nếu cô không áp cái tai nhỏ nhắn xinh đẹp của cô vào tim tôi thì tôi sẽ giết chồng cô, rồi tôi vào tù! Như vậy còn dễ dàng hơn là làm “hoa sen”!
- Lần đầu tiên tôi gặp một phòng bệnh như thế này! Không phải là bệnh nhân nữa, mà là những người pha trò!... Ngày mai tôi sẽ điều một chị y sĩ tới, chị ấy sẽ làm việc với các ông!
- Miễn là cô đừng rời bỏ chúng tôi thì đừng nói tư thế “hoa sen”, ngay đến ngồi vào chảo nóng tôi cũng ngồi được! - Bulika hứa, nhưng cô hướng dẫn viên đã rời phòng bệnh, sập cửa lại.
- Thế mà bảo là người thực... - Bulika thở dài.
- Tất cả là một giấc chiêm bao... - Batsana nói thêm.
- Trong mắt người phụ nữ ấy, tôi nhìn thấy quỉ Xa-tăng! - Cha Iôram từ trước vẫn làm thinh, bỗng quay mặt về phía Batsana và Bulika. - Tôi nói thực với các ông: quỉ Xa-tăng cười trong mắt cô ta! - Nói đoạn, cha lại quay mặt vào tường.
*
*    *
Cô phụ trách hướng dẫn thể dục chữa bệnh vừa ra khỏi được năm phút thì chị y sĩ Giênya vào phòng bệnh, tay mang chiếc khay. Trên cái khay lót bông nõn trắng muốt có ba ống tiêm sáng loáng.
- Xin gửi lời chào của khoa tim! - Giênya đặt cái khay xuống bàn.
- Chào tâm đồ của trái tim Gruzya! - Bulika đáp lại.
- Có tin tức tốt lành chăng. Gieneska? Mắt chị ngời sáng thế kia kìa! - Batsana nói.
- Một tin chấn động! - Giênya vỗ tay vào tờ báo thòi ra ở túi áo choàng.
- Nào, thế thì hãy làm đã cơn khát cho những người bộ hành khốn khổ trong sa mạc đi! - Cha Iôram giơ hai tay về phía chị ta.
- Tiêm đã, rồi tin lạ sau! - Giênya nói bằng giọng dứt khoát. - Nào, chuẩn bị đi!
Cả ba cùng nhất loạt nằm úp sấp xuống và hất chăn ra. Giênya bắt đầu từ Batsana...
- Mi đừng bay lượn trên mình ta, con quạ đen kia ơi, ta đâu phải của mi! - Batsana vừa ngâm nga vừa xoa chỗ tiêm.
- Chị Giênya thân mến, cứ nhất thiết phải cắm ngập kim tiêm ư? - Cha Iôram hỏi, dùng một góc áo gối gạt nước mắt.
- Xin lỗi, tôi không lượng trước. - Giênya bối rối.
- Ôi, hỡi linh hồn Kitô giáo, tại sao sự lầm lẫn của chị lại xảy ra với chính tôi, chứ không phải với ai khác? Trong phòng bệnh thiếu chi người vô thần và chối Chúa?!
- Bằng sự nhẫn nại của cha... - Chị y sĩ khuyên giải cha đạo và đến chỗ Bulika.
- Cho xem kim đã! - Bulika rên rĩ.
- Đây, xem đi!
- Ối bà con ơi! - Bulika tru tréo lên. - Nếu đây là kim thì như thế nào mới gọi là dùi được kia chứ!
- Này thôi, ngày nào cũng phải mặc cả với ông, tôi mệt lắm rồi! Nằm xuống! - Giênya mắng.
- Ồ thì quýt làm cam chịu, nhẽ nào mà chả vậy! Chính cô nằm xuống đi! Để tôi xem cô sẽ cất tiếng hát ra sao! Nào, nằm xuống đi?
- Khéo kẻo nghẹn thở đấy!
- Tôi sẽ không thốt lên một lời nào trái ý chị đâu! - Bulika tuyên bố và cắn chặt chiếc gối.
Giênya cắm ống tiêm như phóng chiếc giáo.
- Xong rồi chứ? - Bulika hỏi, khi Giênya bắt đầu xoa chỗ tiêm.
- Xong!...
- Tôi thật là thằng đần! Tôi nên học nghề y mới phải! Tôi kém gì những kẻ khác? - Bulika rên rỉ.
Giênya đi ra cửa.
- Thế còn tin chấn động dư luận? - Cha Iôram gào to.
Giênya ném tờ báo lên giường cha đạo. Ông vồ lấy tờ báo, tìm kính. Sốt ruột, Batsana ném cho ông kính của mình.
- Kính của tôi cũng dương ba. Đọc lên, cha!
- Cám ơn! - Iôram bắt đầu từ trang cuối. - Hừm, đội “Dinamô” của chúng ta thua “Ararat”!
- Tin chấn động chỉ là thế thôi à? - Bulika xua tay. - Tôi cũng thừa biết đội ta sẽ thua!
- Tỷ số? - Batsana hỏi.
- Hai - không. - Cha Iôram vừa đáp vừa bỏ kính.
- Bọn “Ararat” đến làm tôi phát điên lên mất! - Bulika vỗ tay lên trán. - Suốt năm nó chỉ chuẩn bị để thắng chúng ta! Thua kẻ khác nó cóc cần!
- Mà chơi với đội “Ararat” thì đội ta bao giờ cũng giữ thế mandragiơ! - Cha Iôram buột miệng nói.
- Hoan hô, cha! Cha học được ở đâu cái tiếng ấy đấy? - Bulika ngạc nhiên.
- “Nhưng tất cả chúng ta đều là người, đều do thế giới này sinh ra...”. - Cha Iôram viện dẫn Nikôlôdơ Baratasvili [Nhà thơ lãng mạn xuất sắc của Gruzya (1817-1845)] để bênh vực cho mình.
- Tôi mà được tùy quyền quyết định thì tôi sẽ thành lập đội bóng của chúng ta chỉ gồm toàn các cầu thủ người Acmêni ở Tbilixi... Các ông biết đấy, họ thật là cừ khôi! Họ sẽ cho đội “Ararat” nếm mùi cay đắng... - Bulika mơ ước.
- Cha ạ, giở các trang khác xem, chứ tin tức bóng đá thì có gì là lạ? - Batsana nói.
Iôram mở tờ báo, tìm đến trang nhất và sững sờ.
- Tôi không tin! - Ông kêu lên và ném cho Batsana tờ báo cùng với kính.
- Chuyện gì mà cha không tin? - Batsana vừa đeo kính vừa hỏi lại. - Không có lẽ! - Ông cũng buột miệng kêu lên.
- Cái gì mà “không có lẽ”? Chiến tranh ư?! - Bulika sợ hãi hỏi.
- Nêbiêritzê bị cách chức! - Batsana nói, chúi mũi vào tờ báo.
- Nêbiêritzê á? Chính cái gã... - Mắt Bulika trợn ngược lên vì ngạc nhiên.
- Chính hắn.
- Chà - à... - Bulika băn khoăn lắc đầu. - Bây giờ người của hắn sẽ trượt như vũ ba lê trên băng...
- Thú thật là tôi không ngờ... - Đọc xong tờ báo, Batsana trầm ngâm thốt lên và đặt tờ báo sang bên.
- Lạ thật!... Mới hôm qua hắn còn... Thế mà bỗng nhiên... Đến là khó hiểu! Tôi không thể tin được! - Cha Iôram nói.
- Bị cách chức hay được giải phóng? - Bulika hỏi. [Tiếng Nga “được giải phóng khỏi cương vị”... nghĩa là thôi giữ chức vụ nào đó. Ở đây phải dịch sát từng chữ, vì còn liên quan đến câu dưới. (N.D)]
- Gôghilasvili, bị cách chức hay được giải phóng thì có khác gì nhau? Cái chính là trước đây có nhân vật ấy, bây giờ không còn nhân vật ấy nữa? - Iôram nhún vai.
- Sao lại không khác gì là thế nào? - Bulika quay về phía cha đạo. - Thế nào là giải phóng? Như vậy nghĩa là người đó sống gay go, bị chèn ép... Có người nào đó ra tay cứu giúp, giải phóng cho... Ví dụ như châu Phi chẳng hạn... Nhân dân ở đấy gặp tai nạn, cần giải phóng cho họ!... Còn thế nào là cách chức? y là khi một kẻ ngồi lỳ trong chiếc ghế bành, bỗng nhiên bị tháo đi như tháo chiếc bu lông, hay bị bắt đi như nhổ chiếc đinh... Rõ chưa?
- Ở đây viết là “được giải phóng” - Batsana nói.
- Như vậy nghĩa là anh ta lâm vào cảnh ngộ gay go và đã được người ta giải thoát cho.
- Và việc này đã được chuyển sang viện kiểm sát... - Batsana bổ sung.
- Tại sao vậy chứ? - Bulika ngạc nhiên.
- Vì không thi hành những biện pháp chống hối lộ và tham nhũng, vì thói bao che, không quan tâm đến sự khiếu tố của những người lao động.
- Khoan, khoan, trong tất cả những cái đó, chỉ mình Nêbiêritzê có lỗi thôi ư?
- Tạm thời là như thế?
- Nêbiêritzê giỏi lắm! Té ra y làm việc rất cừ! Thế còn tất cả những người khác. Không có mắt hay sao, báo không viết gì về điều đó à?
- Thế bản thân bác thì mắt để đi đâu? - Cha Iôram hỏi Bulika.
- Cha hỏi tôi đấy à? - Bulika ngạc nhiên.
- Chính thế, hỏi bác đấy! Bác là giai cấp công nhân. Bác ở đâu, nghĩ đến chuyện gì khi kẻ khác làm những việc xấu như vậy?
- Cha thật dốt nát về chính trị, cha ạ. Thứ nhất, tôi không phải là giai cấp công nhân, mà là thợ tiểu thủ công, thứ hai việc của tôi là chữa những đôi giầy của cha đã bị mòn vẹt trong phòng khách của Nêbiêritzê...
- Này, chuyện đó chẳng dính líu gì đến tôi cả. - Cha Iôram rũ trách nhiệm. - Nêbiêritzê là giáo chủ của các ông chứ, ơn nhờ Chúa, tôi có chúa tể của tôi!
- Thế cha vẫn làm lễ rửa tội cho con cái các ngài tai mắt, kiếm tiền bằng cách đó thì sao, vậy là không can gì à?
- Bác ngu ngốc quá, Gôghilasvili ạ! Đấy là để làm vừa lòng Chúa mà thôi! Nếu tôi rửa tội được cho tất cả những người cộng sản thì sang thế giới bên kia tôi sẽ ngự ngay bên cạnh thượng đẳng thiên thần!
- Thôi được, cứ cho là việc trần thế không dính líu gì đến các cha đạo đi... Nhưng còn các ông, thưa ông Batsana? Các ông ở đâu, mắt các ông nhìn đi đâu? - Bulika chuyển sang tấn công nhà văn.
- Các ông là ai? - Batsana giả ngây giả ngô.
- Các ông, nhà văn các ông chứ còn ai.
- Chúng tôi ấy à?... Chúng tôi... Chúng tôi ở đâu ư? - Batsana tuồng như mất trí nhớ. “Chẳng lẽ chúng ta lâu nay vẫn khoanh tay ngồi yên ư?” - ông tự hỏi, và không nhớ được điều gì đáng yên lòng, ông nói bằng giọng hối tiếc:
- Bulika thân mến, chúng tôi ngồi bên cạnh bác, chữa chính loại giầy cũ nát ấy...
- Đúng thế đấy! - Bulika mừng rỡ. - Bây giờ xin ông cho biết, hắn ta sẽ ra sao?
- Sẽ bị trừng phạt, hẳn là thế...
- Vì lẽ gì?
- Vì lẽ gì thì tôi nói rồi...
- Như vậy thì suy ra là hắn chẳng hiểu gì, chẳng biết gì mà vẫn cứ lãnh đạo công việc ư?
- Phải.
- Suy ra như thế hay đúng là thế? - Bulika chưa chịu thôi.
- Đúng thế!
- Vậy thì bây giờ xin hãy nghe tôi nói. Nếu tất cả những điều đó đúng như vậy thì còn nên khen thưởng hắn, trả lương hưu cao cho hắn, hôn vào cả hai má hắn và để hắn yên ổn ra về, bắt tay hắn thật thắm thiết lúc từ biệt là đằng khác!
- Hắn có công lao gì?
- Công lao gì là thế nào? - Bulika ngồi dậy trong giường. - Chẳng hạn, ông là nhà văn, tổng biên tập, Batsana Ramisvili đáng kính. Ông thậm chí không biết rõ đâu là hướng bắc, đâu là hướng nam, trong đời ông chưa hề thấy biển, thấy tàu thủy... Đột nhiên người ta gọi ông đến và bảo: “Đồng chí Ramisvili, chúng tôi trao cho đồng chí chiếc tàu thủy cùng với đội chạy tàu, hành khách, tài sản và mọi thứ khác. Chúng tôi cử đồng chí làm thuyền trưởng! Hãy nhận lấy con tầu và đưa tầu từ Ôđexxa về Arkhanghenxk...”. Thế rồi ông khởi hành... Tàu đi một ngày, rồi ngày thứ hai, ngày thứ ba... Con tàu chòng chành, quăng vật người đi tàu từ thành bên này sang thành bên kia, có những người đã nôn thốc nôn tháo... Rút cuộc, bằng cách này hay cách khác, trên con tàu đã gần vỡ nát, ông vẫn đến được Arkhanghenxk... Bây giờ tôi hỏi ông: ông là một người dốt đặc về nghề hàng hải, vậy mà ông không đánh chìm tàu, vẫn đưa được tàu đến nơi quy định, như thế ông lại không đáng khen thưởng sao? Đáng quá đi chứ! - Bulika trả lời câu hỏi do chính mình đặt ra.
Batsana phì cười.
- Thưa cha, cha hãy hỏi xem ông ấy cười gì? - Bulika nói với Iôram.
- Bác nói có lý, có lý lắm, Bulika ạ! Nhưng cái tên ngu dốt ấy của bác, khi được cử làm thuyền trưởng, đáng ra hắn phải từ chối, phải nói rằng hắn chẳng hiểu mô tê gì về công việc này chứ!
- Có thể hắn cũng có nói, nhưng người ta không nghe thì sao? Người ta bảo hắn: cứ nhận đi, rồi chúng tôi sẽ giúp đỡ... Thế là hắn bắt tay vào việc. Vả chăng, ông biết đấy, không dễ gì từ chối khi người ta mời anh làm thuyền trưởng. Nhất là người thuyền trưởng trước anh cũng chẳng lấy gì làm tài giỏi như Nenxơn... Thế trong bọn nhà văn các ông chẳng lẽ không có tình trạng như vậy sao? - Bulika đặt câu hỏi với Batsana.
- Rủi thay, chuyện ấy vẫn có, mà không phải là hiếm, - Batsana đồng ý.
- Vậy thì kết luận ra sao?
- Kết luận là mỗi người phải làm đúng việc của mình. Chẳng thế mà Ruxtavêli đại phước đã nói: “Những gì số phận ban cho ta đều là nguồn an ủi. Người lao động hãy cứ làm lụng, người chiến binh cứ chém giết nơi chiến địa”. - Cha Iôram đọc với vẻ sùng kính.
- Thưa cha Iôram kính mến, xin cha cắt tóc đi và cải theo đạo của chúng tôi, hẳn cha sẽ thành người cộng sản tốt! - Batsana khuyên bằng giọng bông đùa.
- Theo đạo nào? Theo chủ nghĩa cộng sản ấy à? - Linh mục khiếp sợ. - Theo đuổi những khoái lạc trần tục, chối bỏ chúa trời ư?! Ồ không, xin miễn!...
- À... thì ra cha chẳng hiểu tý gì về chủ nghĩa cộng sản cả, cha ạ: Chủ nghĩa cộng sản chính là những điều cha vừa hạ cố nói lên bằng lời Ruxtavêli! Chủ nghĩa cộng sản là đỉnh cao phồn vinh chót vời của nhân loại, là thời kỳ mà mỗi người có thể làm công việc mình có khả năng nhất, thích hợp nhất với khả năng và năng lực thể chất và trí tuệ của mình, đem lại cho mình niềm thích thú thực sự về tinh thần, hay có thể nói là về phần hồn!... Những người cộng sản chúng tôi đã đọc Phúc âm của các vị. Các vị cũng nên đọc Phúc âm của chúng tôi ít nhất lấy một lần, điều đó không có hại cho các vị đâu, tôi xin thề trước Đức Chúa của các vị!... Còn việc chăm lo đến những phúc lợi vật chất, đến cái dạ dày, theo như cách nói của cha... Ồ vâng... Cha nói đúng! Chúng tôi sẽ vẫn chăm lo đến điều đó! Con người trước hết phải được bảo đảm về mặt vật chất! Cần phải như thế để cho những dự định, lực lượng tinh thần, tài năng và nguyện vọng của con người không phải dồn vào việc kiếm miếng ăn hàng ngày, mà nhằm đạt tới những mục đích cao cả hơn, quan trọng và đáng quý hơn! Chúng tôi khẳng định lao động tự do và hòa bình trên trái đất, chứ không phải là sự cạnh tranh, ghen ghét lẫn nhau giữa người với người và sự đổ máu! Muốn vậy cần làm cho con người được no đủ, cha ạ!... Học thuyết của chúng tôi, tôn giáo của chúng tôi là thế đấy! Chúa của chúng tôi là Chúa nơi cõi trần, có thực, chứ không phải là bay lượn trên các tầng trời, - Batsana dứt lời, và đè nén sự xúc động tràn ngập trong lòng, ông quay mặt vào tường.
Cha Iôram lặng thinh, không dám tiếp tục cuộc tranh cãi.
- Thôi được, Chúa sẽ nghe thấy lời ông, ông Batsana kính mến ạ! - Cha nói khẽ và cũng quay mặt vào tường. Rồi không nén được, cha nói thêm: - Mà này, ông có thể trở thành một linh mục khá đấy!
Buổi chiều, Xvêta, vợ Bulika đến thăm chồng, khệ nệ mang theo vô số thực phẩm. Chị niềm nở chào hỏi mọi người, chia quà cho từng người, rồi vén tấm chăn, nhũn nhặn ngồi ghé vào một chỗ đằng chân Bulika.
- Mình thấy trong người thế nào, azix? [Lối gọi âu yếm] - Chị hỏi, vui mừng hớn hở và tự hào về chồng.
- Như sư tử! - Bulika trả lời, và để chứng thực điều vừa nói, bác bẻ một đùi của con gà luộc, cắm ngập răng vào cái đùi gà và trong nháy mắt, đưa cho vợ cái xương đã gặm sạch trơn.
- Chết nghẹn mất, quỷ ạ! - Chị sợ hãi.
- Yên trí! - Bulika bẻ nốt cái đùi kia và nói tiếp, mồm đầy thức ăn! - Này, ông thấy tôi có người vợ như thế nào chứ, thưa ông Batsana?
- Tuyệt vời!
- Ông có thấy trong số phụ nữ Acmêni có người nào đẹp như thế chưa?
- Chưa từng thấy...
- Bởi vì vợ tôi là người đẹp duy nhất!
- Tất nhiên!... Thì ông bạn của chúng tôi cũng là một người đàn ông đẹp trai mà... - Cha Iôram mỉm cười mỉa mai.
- Giá mà các ông được thấy người tình của tôi!... Nàng mới thực là trang tuyệt sắc! - Bulika nháy mắt với vợ.
- Rõ bẻm mép, khốn khổ thân ông... - bà vợ nhăn mặt.
- Các con đâu? Sao chúng nó không vào thăm bố?! - Bulika hỏi, vờ làm ra vẻ nghiêm khắc.
- Chúng nó còn ở đâu nữa, Aptanđin-gian? Hôm nay là thứ bảy mà, Nêxxtan đi học tiếng Anh, Tarien đi học piano.
Bulika làm bộ quan trọng.
- Con bé nhà tôi lớn lên có thể làm bộ trưởng ngoại giao, ông Batsana kính mến ạ! Nó có nói được tiếng Acmêni không? Có! - Bulia bắt đầu gập từng ngón tay lại. - Nó có biết nói tiếng Gruzya không? Đương nhiên! Nó đang học tiếng Anh chứ gì? Đang học! Ở trường có dạy tiếng Pháp không? Có! Nó còn đang học ít nhiều tiếng Kurdơ, do Gơvantxa, con gái người quét sân khu nhà chúng tôi dạy cho... bây giờ xin cho biết, có bộ trưởng nào của chúng ta biết năm thứ tiếng không? Trả lời đi, cha!
- Con gái bác thật giỏi giang, cầu Chúa ban sức khỏe cho cô bé!
- Thế còn thằng bé? Paganini!
- Paganini chơi viôlong, azix ạ, còn thằng bé nhà ta chơi pianô. - Xvêta chữa lại, hổ thẹn vì sự dốt nát của chồng.
- Đừng có dạy khôn! Tôi thừa biết ai chơi nhạc cụ gì! Paganini là lý tưởng của tôi! Hiểu chưa? Rồi tôi sẽ chuyển thằng bé sang học viôlông! Đằng nào cũng phải trả tiền, học môn gì mà chả thế? Mình nghĩ sao?
- Tùy mình thôi, azix ạ, mình muốn làm thế nào thì làm, nhưng đừng nổi nóng, vì Chúa!... Giáo sư bảo rằng một tuần nữa sẽ chữa cho mình khỏi hẳn, tuần sau nữa sẽ cho mình về nhà. Miễn là ông ấy phải nghe lời chúng tôi, giáo sư nói như vậy.
- Tôi mà không nghe lời ư? Tôi uống tất cả các thứ thuốc cho uống, tiêm đủ các mũi... Này xem, họ biến mông tôi thành cái gì... - Bulika lật phắt chăn ra...
- Đắp vào, thật không biết xấu hổ! - Xvêta cuống quít. - Ở nhà ông ấy cũng thô lỗ như vậy đấy, các ông thứ lỗi, vì Chúa...
- Cớ gì mà phải xin lỗi, tất cả chúng tôi đều cùng chung một cảnh như thế cả thôi! - Batsana nói cho chị ta yên tâm.
- Hơn nữa, mình yêu quý của tôi ạ, giáo sư chưa biết đấy, chứ tôi đã đi lại được từ lâu rồi. Đây này! - Bulika buông đôi chân trần xuống sàn và vênh vang đi trong phòng mấy lần. - Nào, tôi còn phải làm gì nữa? - Ông ta nhìn quanh. - Xvêta, đứng lên!
Người đàn bà ngạc nhiên, đứng lên. Bulika ôm ngang lưng vợ.
- Ấy chớ! Chớ có liều! Buông ngay chị ấy ra! - Cha Iôram kêu lên, nhưng muộn rồi. Bulika bế xốc vợ lên, hôn vào cổ vợ một cách thèm thuồng. Xvêta kêu lên vì bất ngờ, chị ngượng đỏ mặt, Bulika còn tung vợ lên mấy lần, rồi đặt về chỗ cũ.
- Thấy chưa? - Bác ta kêu lên vui vẻ. - Xvêta, mang quần áo đến cho tôi, ngày mai tôi sẽ rời khỏi đây! Tôi nằm ườn mãi trên giường đủ rồi!
Bulika ngồi xuống mép giường. Bác thở hồng hộc, nhưng mặt rạng rỡ vui sướng.
- Bác làm cái trò dại dột gì thế, đồ ngốc! - Cha Iôram giận dỗi thốt lên.
Bulika xem mạch mình. Bác đăm chiêu im lặng một lúc, rồi mỉm cười hể hả:
- Ổn rồi! Thế là chấm dứt cái bệnh nhồi máu cơ tim! Cuộc sống muôn năm! - Và bác ôm lấy vợ.
- Này thôi đi! Phải nể người khác chứ! - Xvêta vùng ra khỏi vòng tay của chồng và bắt đầu sửa lại tóc.
Cha Iôram và Batsana giữ ý ngoảnh mặt đi.
- Hình như mình nặng hơn bình thường! Hay hớm cái nỗi gì, hả? Coi chừng đấy! - Bulika cau mày và giơ tay dọa Xvêta, nhưng lập tức nháy mắt với vợ.
- Lạy Chúa tôi! Xin hãy làm cho tai con và lưỡi ông ấy héo rụng đi. - Cuối cùng, người phụ nữ ngượng ngùng, vung hai tay lên, Bulika phá lên cười và lớn tiếng gọi.
- Quay mặt lại đi, các vị, tấn hài kịch đã chấm dứt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét