Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

Con Bim Trắng Tai Đen - Chương 16

Con Bim trắng tai đen

Tác giả: Gavriil Troyepolsky
Dịch giả: Tuân Nguyễn - Trần Thư
Nhà xuất bản Văn Học - 2012
(Theo bản in của NXB Cầu Vồng - Moskva - 1989)

Chương 16
Cuộc gặp gỡ trong lúc tìm kiếm - Dấu vết Bim trên mặt đất - Bốn phát súng

Ngày Chủ nhật thị xã đông người hơn ngày thường nhiều: họ đi bộ, đi xe, chạy, mua bán, chen chúc nhau trên xe lửa, xe buýt, xe điện, lèn như cá hộp, rồi lại ba chân bốn cẳng đi ra khỏi thị xã. Giữa trưa thì cái cảnh chen lấn ấy có lắng đi, nhưng rồi đến chiều lại đông trở lại. Số thì ở nông thôn, ở rừng quay trở về, số thì từ thị xã trở về nhà mình, về nông thôn, về rừng.
Vì thế không lấy gì làm ngạc nhiên khi vào một ngày chủ nhật, Khrixan Anđrêvits đã cùng với Aliôsa đi vàothị xã. Cha con đã bàn với nhau là trong khi bố bán hàng ngoài chợ, thì Aliôsa thử đi tìm Tai Đen. Trước đây Khrixan Anđrêvits từng đem con trai đi theo và chẳng ngần ngại để nó đi chơi trong phố một mình (số tàu điện nó biết, trạm xe buýt của mình, nó biết, còn như bảo chơi bời bậy bạ cái gì thì không bao giờ). Trong những lần như vậy, Aliôsa được bố cho ba rúp để mua gì tùy thích và đi tàu xe đến bất kể chỗ nào trong thị xã - đi xem chiếu bóng, hoặc đi xem xiếc, tùy. Đến lần này Khrixan Anđrêvits tự tay giúi vào “túi trong” của Aliôsa mười lăm rúp và bảo:
- Gặp trường hợp Tai Đen bị người ta bắt, mà họ không muốn trả thì giúi cho họ chục bạc. Nếu không ưng thì mười hai rúp. Còn như không chịu nữa thì ghi lại địa chỉ rồi về bảo bố: Bố sẽ thân chinh đến. Nhớ đừng về muộn quá con nhé. Đến bốn giờ thì ta ra xe rồi; ngày bây giờ ngắn lắm, ta về nhà tối mất. Hỏi thăm về con Tai Đen, hỏi cho lịch sự tí nhé: “Đồng chí làm ơn cho hỏi...” rồi sau đó mới trình bày: chúng tôi là thế này thế nọ, ở nông thôn ra, chăn cừu, không có chó không được, mà chó lại chạy mất. Hình như nó chạy về thị xã. Nhiều người tốt bụng đấy, con cứ hỏi khắc biết.
Một chú bé nom chững chạc, khỏe mạnh đi trong thị xã, chốc chốc lại hỏi người nó gặp được, hỏi những người mà nó cho là đáng tin cậy.
- Đồng chí làm ơn cho hỏi. Chúng tôi vốn là những người chăn cừu.
Nó gặp vô số người béo, nhất là đàn bà nhưng chẳng hỏi họ làm gì (họ rõ là không lao động, ăn không ngồi rồi đâm ra béo ị). Nhưng chính lại là một đồng chí béo mập nghe được câu hỏi của thằng bé - không phải hỏi ông ta mà là hỏi người khác - ông ta đã đứng lại khuyên nó nên ra ga (ở đó suốt ngày toàn là thanh niên qua lại cửa ga - rhế nào cũng có người biết). Aliôsa không bỏ sót đứa trẻ nào mà không hỏi.
Cùng lúc đó, Tôlich cũng ra khỏi nha đi tìm Bim theo thường lệ. Nó kiên trì đi tìm đã ba ngày nay rồi, nhưng chỉ sau giờ học, còn hôm nay nó quyết định ra đi ngay từ buổi sáng. Chủ nhật đâu có phải đến trường.
Một đứa bé sạch sẽ con một gia đình có văn hóa, bước đi, nhìn vào mặt kẻ qua người lại, như để xem xét và lựa chọn người để hỏi thăm.
- Chú ơi, chú làm ơn bảo hộ cháu, chú có thấy con chó nào tai đen không? Mình nó trắng, có điểm đốm vàng ấy mà? Chú không thấy ạ? Rất tiếc, xin lỗi chú!
Một hôm Tôlich đã đến cả chỗ bà Xtêpanôvna, mặc dù cha mẹ cấm đoán, đã đưa cho Liuxia mấy cây bút chì Tiệp (loại này chẳng cửa hàng nào có bán cả) và một cuốn an bom để vẽ, đã kể rằng: Bim đã ngủ đêm ở nhà nó, nhưng rồi lại đi mất. Nó cũng được bà Xtêpanôvna cho biết ông I van Ivanưts, người mà nó chưa bao giờ gặp mặt, có gửi thư báo tin sắp trở về. Chiều nay Tôlich nhất thiết phải ghé qua một lần nữa để xem có tin tức gì về Bim không, và cũng để nhân thể lấy bức tranh “Bim của chúng ta” mà Liuxia hứa tặng nó.
Ở một phố gần ga, một chú bé trạc mười ba tuổi, người chắc nịch, da rám nắng, mặc một bộ quần áo mới may theo kiểu người lớn, tiến đến chỗ Tôlich và hỏi:
- Đồng chí làm ơn cho hỏi...
Tôlich thích cái lối nói của nó. Như nói với người lớn ấy nên vui vẻ trả lời:
- Được! - Rồi đến lượt nó hỏi lại: - Bạn muốn gì?
- Chúng tôi là người chăn cừu; có con chó bị lạc, chạy vào thị xã. Chẳng hay bạn có thấy nó không?... Nó trắng lốm đốm vàng, một tai đen. Còn chân thì...
- Nó tên là gì? - Tôlich buột miệng kêu lên.
- Tai Đen, - Aliôsa đáp.
- Bim - Tôlich bảo. - Chính nó rồi!
Bọn trẻ kể lể đầu đuôi với nhau như thế nào, cái đó cũng dễ hiểu. Tôlich đã được rõ Bim bị bán và mua vào lúc nào, và ở đâu, nó đi khỏi làng khi nào, còn Aliôsa thì được biết là Tai Đen đã về đến chính nhà Tôlich chứ không đến một nhà ai khác. Tất cả thế là ăn khớp: Bim chỉ đang ở đâu đây trong thị xã thôi. Thậm chí cả hai đứa cũng chẳng nghĩ đến việc nếu tìm thấy thì đứa nào sẽ được giữ Bim. Chủ yếu lúc này là đi tìm, tìm mau mau lên.
- Trước hết, ta hãy ra ga, - Aliôsa đề nghị. - Có người đã khuyên như thế.
- Ở đấy cơ man nào là người, thế nào cũng có người trông thấy Bim. - Tôlich cũng đồng ý như thế.
Tìm kiếm như vậy rõ ràng là ngớ ngẩn, nhưng cả Tôlich lẫn Aliôsa đâu có thấy thế. Chúng chỉ cảm thấy tình đồng chí ở đó và chúng gắn lại với nhau bởi một nguyện vọng, một tình yêu đối với Bim, chúng tin, và đó chính là mấu chốt của mọi hành động của chúng. Và đầu óc tưởng tượng đã vẽ ra cảnh tự nhiên Bim có thể hiện ra trước mắt chúng.
- Rồi chúng mình sẽ ghé qua nhà bà Xtêpanôvna của cậu, - Aliôsa quyết định ngay trên đường đi. - Nó không tránh bà ấy đâu. Quả thật là nó đi về đó, nhất định là về đó. Nó không thể làm khác được: nhà nó mà!
- Ta sẽ ghé qua! - Tôlich đồng ý.
Nó quả là thích Aliôsa vì lối ăn nói chững chạc và đồng thời vì cái vẻ ngây thơ và giản dị của chú ta. Những mối quan hệ quen biết như thế này sẽ bền vững đến hết đời. Điều đáng mừng cho thằng bé là đường phố đã tặng cho nó một người bạn tốt, chứ không phải một tên bịp bợm.
Hai đứa trẻ đã hỏi đến gần một trăm người và vẫn tiếp tục chọn mặt để hỏi
Cũng đúng vào buổi sáng ấy, trong cảnh xô bồ chen lấn của nhà ga, một ông tóc bạc mặc áo bành tô nâu từ trong một toa tàu tốc hành bước xuống, tay chống can. Khi đi xuyên qua ga, ông đứng dừng lại nhìn quanh một lượt. Đúng là một người vắng mặt lâu ngày ở nơi chôn rau cắt rốn, nay trở về, ông đang nhìn xem đâu vẫn có đó hay không, có gì thay đổi không. Đúng lúc đó hai đứa bé lạ mặt đi đến phía ông. Một trong hai đứa, rõ là trẻ nông thôn, cất tiếng hỏi:
- Đồng chí làm ơn cho hỏi.
Người tóc bạc hơi nghiêng mình xuống, giấu nụ cười đáp:
- Được ạ, xin đồng chí cứ hỏi.
Đứa thứ hai nom rõ là dân thành thị, nói tiếp câu hỏi:
- Bác làm ơn cho biết, bác có nhìn thấy một con chó có cái tai đen, mình trắng, có đốm lửa...
Người tóc bạc gì lấy vai thằng bé, không giấu được xúc động, kêu lên:
- Bim ư?
- Vâng, Bim! Bác gặp à? Ở đâu ạ.
Cả ba bác cháu cùng ngồi xuống ghế đá ở vườn hoa gần ga. Và cả ba cùng tin nhau, không một thoáng ngờ vực, mặc dù hai đứa bé không hề biết ông già này, không biết rằng đó chính là ông Ivan Ivanưts, chủ của Bim, thậm chí cũng sẽ chẳng đoán ra được nếu ông không tự giới thiệu.
Của đáng tội, ngay cả những người quen chưa chắc gì đã nhận ra ngay được ông. Người ông hơi gù xuống, mặt hóp lại, thêm nhiều nếp nhăn (mổ gần tim, chứ đâu phải đi an dưỡng về), nhưng đôi mắt thì vẫn thế: chăm chú, tập trung, nhìn như thấu đến gan ruột người ta. Chỉ có căn cứ vào đôi mắt thẫm màu cánh gián ấy mới có thể hiểu được trước đây tóc ông này phải đen lắm. Bây giờ, tóc ông trắng toát như tuyết.
Tôlich kể hết sự tình mà nó biết về Bim, cả chuyện con Bim đi khập khiễng và đau ốm nữa. Aliôsa thì thuật lại rành mạch và ngắn gọn về những ngày Bim sống ở nông thôn. Mọi cái ở Ivan Ivanưts đều làm bọn trẻ thích: thích cái kiểu của ông nói chuyện với chúng như nói với người lớn; đôi khi lại đặt bàn tay lên vai chúng nói chuyện; thích cả cái cách ông chăm chú lắng nghe chúng nói mà không ngắt lời; thích cả  cái mái tóc bạc trắng như cước, và cả tên lẫn họ của ông nghe cũng hay, nhưng cái chính là vì ông yêu quý chúng, những đứa bé ông không hề quen biết - điều này thì quá là rõ rồi. Nhưng để kết luận, ông lại nói ngược lại:
- Các cháu là những đứa trẻ tốt bụng. Chúng ta sẽ kết bạn với nhau... thật sự. Còn bây giờ xin mời về nhà bác. Căn cứ vào mọi mặt mà xét thì Bim đã về nhà rồi.
Trên đường về, ông hỏi bọn trẻ một cách thận trọng và không khó khăn gì cũng biết được chúng là ai, từ đâu đến, sống trong những gia đình như thế nào, làm việc gì, và em nào thích cái gì.
- Cháu chăn cừu là tốt đấy, Aliôsa ạ, thế có đi học không? Vất vả lắm nhỉ?
- Cái con cừu ấy, chăn nuôi nó phải biết cách, - Aliôsa trả lời hệt như bố, - công việc cũng nặng. Thả cả bầy dàn hàng ngang mà không giẫm lên thức ăn dưới chân, lắm lúc phát bực lên, ba đầu sáu tay xoay cũng không xuể. Lại còn phải dậy từ tờ mờ đất. Bận lắm. Có chó mới làm nổi, nó đỡ cho người rất nhiều, mặc dù nó chẳng hiểu mô tê gì công việc này cả. Thiếu chó thì chúng cháu chịu, không thể làm gì nổi. Chúng cháu là dân mục đồng mà lại. Chả có cách nào hơn.
- Còn cháu Tôlich, cháu làm gì? Ivan Ivanưts hỏi.
- Cháu ấy à? - Tôlich ngạc nhiên. - Cháu đi học ở trường.
- Ở nhà bạn có nuôi con gì không? - Aliôsa hỏi Tôlich.
- Chẳng nuôi gì cả, - nó đáp lại. - Có nuôi chuột bạch nhưng rồi mẹ cấm, bảo hôi lắm!
- Bạn đến nhà mình chơi, mình sẽ chỉ cho xem: con Minka nhà mình là một con bò vàng bò bạc, chui xuống dưới bụng nó nó cũng chẳng hề cựa quậy chân. Nó còn liếm vào mũi nữa... liếm cả tay. Con gà trống nhà mình rất là chúa nhá, người ta gọi nó là Phát Động: rạng đông, bao giờ nó cũng gáy trước, rồi các con khác mới gáy theo. Những con gà trống như thế hiếm lắm. Ấy thế mà chó thì lại không có. Trước đây cũng có, nhưng chết rồi. Có con Tai Đen, nó lại bỏ đi. - Aliôsa thở dài. - Tiếc nó ngoan ghê lắm.
Ivan Ivanưts bấm chuông nhà bà Xtêpanôvna. Bà bước ra cùng Luixia và cất tiếng than vãn:
- Ôi, ông Ivan Ivanưts. Tôi biết trả lời sao bây giờ. Bim không ở nhà. Nó đi ở nhà Tôlich trước đây ba hôm đấy, thế mà rồi không về nhà.
- Không về à? - Ivan Ivanưts trầm ngâm nhắc lại. Nhưng rồi để động viên lũ trẻ, ông nói thêm: - Chúng ta sẽ tìm thấy, nhất định sẽ tìm thấy nó...
Bà Xtêpanôvna đưa chìa khóa cho chủ nhà rồi cả năm người cùng đi vào phòng của ông. Trong phòng, mọi thứ vẫn y nguyên như khi Ivan Ivanưts đi: vẫn cái tường sách ấy, nó làm cho Aliôsa ngạc nhiên, cái bàn vẫn vậy, thậm chí còn sạch sẽ hơn (có bàn tay chăm nom của bà Xtêpanôvna) nhưng vẫn trống trải làm sao - không có Bim. Ở chỗ nằm của nó vẫn còn tờ giấy trắng, lá thư của Ivan Ivanưts; bà Xtêpanôvna vẫn để nguyên như vậy. Ivan Ivanưts quay lưng về phía khách và nhìn ra cửa sổ; đầu cúi xuống. Bà Xtêpanôvna cảm thấy ông khe khẽ rên lên.
- Ông Ivan Ivanưts, ông vừa đi về, nằm nghỉ đã, - bà khuyên ông.
Ông nằm xuống giường giữa sự im lặng của mọi người, mắt nhìn lên trần nhà, còn bà Xtêpanôvna thì cứ hỏi ông về vết đau.
- Mổ có yên ổn không ông? Tự đi được về thế này thì là tốt lắm.
- Tốt, bà Xtêpanôvna ạ, tốt cả. Cám ơn bác về mọi sự bác giúp. Cầu trời phù hộ sao cho những người ruột thịt đối xử với nhau cũng được như bác với người ngoài thế này.
- Dào ôi, nói gì hay vậy! Anh toàn nói vớ vẩn. Giúp đỡ hàng xóm láng giềng thì có gì mà ghê gớm! Chỉ mong sao cho mọi việc tốt đẹp thôi. (Bà Xtêpanôvna cảm thấy ngượng khi được người ta khen ngợi).
Vài phút sau Ivan Ivanưts ngồi dậy, nhìn bọn trẻ và bảo:
- Kế hoạch thế này nhé các cháu: Các cháu sẽ tìm trong khu ta đây, cứ mạnh dạn mà hỏi. Con Bim chắc cũng quanh quẩn đâu đây thôi. Còn bác thì, - ông ngẫm nghĩ một tí - bác sẽ đi đến một nơi ... xem nó có đến nhập với bọn chó vọng canh nào không.
Ở nhà ra đi, Luixia trao cho Tôlich bức tranh “Con Bim của chúng ta”. Tôlich đưa cho Aliôsa xem. Thằng bé ngạc nhiên:
- Vẽ lấy đấy à?
- Vẽ lấy, - Luixia đáp.
- Bạn là họa sĩ hả?
- Không đâu, - Luixia bật cười, - tôi mới lên lớp năm.
Bim trong bức tranh trông rất giống, chân đen, những chấm vàng trắng và đôi mắt to, chỉ có điều một tai dài, tai ngắn, nhưng cái đó hoàn toàn không quan trọng.
Như vậy là Aliôsa và Tôlich lại đi tìm. Chúng vẫn chọn mặt mà hỏi (bây giờ chúng đã biết cách hỏi dễ dàng) cứ một câu ấy mà hỏi và tả đặc điểm của Bim.
Còn Ivan Ivanưts thì ngay khi còn nằm nghỉ trên giường, đã định bụng phải đến ngay khu kiểm dịch. Báo cho những người bắt chó, nói cho họ biết đặc điểm, cho tiền để họ báo tin cho ông biết nếu họ thấy nó. Mà cũng có thể Bim đã nằm ở đó rồi. Nó đi khỏi nhà Tôlich vào tối thứ năm... Ba ngày rồi. Phải đi ngay, đi ngay!
Ông nhảy tắc xi, và chẳng mấy chốc đã có mặt ở cổng khu kiểm dịch. Ngoài người gác ra, không có một ai (chủ nhật mà). Nghe xong câu hỏi của Ivan Ivanưts, bác này nhiệt tình trả lời, dài dòng văn tự:
- Thứ năm, thứ sáu thì không bắt chó, có hôm qua thì có - chúng đang ngồi cả trong xe thùng sắt ấy. Có bao nhiêu con cả thảy thì tôi không biết, nhưng đúng là có. Ngày mai bác sĩ tới sẽ cho biết con nào để làm thí nghiệm; còn con nào sẽ tiêm thuốc ngủ rồi lột da, mà cũng có khi chôn cả da. Như vậy mới cần đến bác sĩ. Thế cơ chứ! Có khi lại thiêu sạch.
- Còn chó săn có bị bắt không? - Ivan Ivanưts hỏi.
- Ít lắm. Loại ấy không đưa đi thí nghiệm, và cũng không đưa đi lột xác. Trước hết là đợi chủ đến hoặc gọi dây nói cho Hội những người đi săn, cứ liều liệu đấy mà xử lý. Tất nhiên rồi. Thế mới cần đến bác sĩ. Hiện giờ ở trong đó cũng có một con chó, loại đi săn. Cậu Ivan bảo là nó trắng, bị chốc lở và vô chủ, nó còn bảo là do chính bà chủ giao cho. Thế cơ chứ, có lẽ chồng bà ta chết.
- Có phải nó không nhỉ? - Ivan Ivanưts nghĩ bụng và ngỏ ý: - Cho tôi vào xem thùng xe có được không? Tôi đang đi tìm chó của tôi đây, một con chó hay lắm. Biết đâu nó chẳng đang ngồi trong đó. Bác cho vào nhé!
Bác bảo vệ cương quyết:
- Chó hay thì không ai bắt. Người ta chỉ bắt những con có hại để chúng khỏi truyền dịch, - Bác ta khẳng định một cách chắc chắn khó mà bắt bẻ được. Và nói đến đó, bác thay đổi nét mặt: bác ta vểnh râu lên và phẩy tay như muốn xua người hỏi chuyện ra ngoài cổng, khỏi cái nơi ông ta đang đứng, chán nản và rã rời. Thậm chí bác bảo vệ đã không tránh khỏi sự cám dỗ tỏ ra mình có quyền vì vậy mà bác nghiêm khắc tuyên bố: - Ông có nhìn thấy không: “Cấm vào”. Đọc đi và cố mà hiểu! - Bác chỉ vào cái bảng lồng kính có chữ quét nhũ vàng: “Cấm vào, có hại cho sức khỏe”.
Ivan Ivanưts đã mất hy vọng lọt được vào trong sân như vẫn cứ hỏi:
- Chà bác ơi, bác ơi! Vừa mổ bụng xong còn một mảnh đạn trong chỗ này từ hồi chiến tranh đến giờ. Mổ xong trở về thì mất mất con Bim!
- Sao? Hơn hai mươi năm trời mang mảnh đạn trong người cơ à? Chỗ này hả. - Bác bảo vệ bỗng trở lại thái độ như khi mới gặp. - Thế thì phải cẩn thận đấy! Kể lại chẳng ai tin... Thôi được rồi... - Bác không nói hết câu, tay mở chốt cửa, miệng mời: - Vào đi, nhưng này chớ có nói với ai đấy!
Ivan Ivanưts giải phóng cho tắc xi chạy đi, hy vọng sẽ dắt Bim về bằng dây, và bước tới chỗ thùng xe. Quả tình ông đi đến đó với niềm hy vọng lớn lao. Nếu Bim có ở đây, thì ông sắp được trông thấy nó, ông sẽ vuốt ve nó và nếu không có Bim, có nghĩa nó còn sống và thế nào cũng tìm thấy.
- Bim, con Bim yêu quý của tôi, thằng cu ngốc nghếch của tôi! - Ông vừa đi trong sân vừa lẩm bẩm.
Và đây, bác bảo vệ mở toang cánh cửa thùng sắt.
Ivan Ivanưts lùi lại và đứng chết lặng...
Bim nằm ghếch mũi vào cửa. Môi và lợi của nó rách ra vì mép sắt xước. Các móng chân trước đầm đìa máu.
Nó đã cào vào cánh cửa cuối cùng này lâu lắm. Nó cào cho đến nơi thở cuối cùng. Mà nó yêu cầu có nhiều nhặn gì cho cam! Tự do và sự tin cậy, - có thế thôi mà.
Con Xù rúc trong một góc, tru lên thảm thiết.
Ivan Ivanưts đặt tay lên đầu Bim - người bạn trung thực, thủy chung, yêu quý.
Chập chờn những bông tuyết thưa thớt. Có hai bông rơi xuống mũi Bim và không tan ra.

Trong khi đó Aliôsa và Tôlich, lúc này càng thân với nhau hơn, cũng đang đi khắp thị xã. Chúng hỏi, hỏi mãi rồi lần đến khu Thú y, nơi trước đó đã có lần Tôlich dẫn Bim đến. Người trực ban cho biết ở đó không có con chó nào cả, mà nếu chó bị lạc, thì trước hết phải đến khu kiểm dịch mà tìm, vì ở đấy có nhân viên bắt chó.
Hai cậu bé của chúng ta hoàn toàn chẳng phải những đứa trẻ viết thư để lại địa chỉ kiểu: “Gửi ông nội ở nhà quê”*, do đó, chỉ qua không quá một giờ, bọn chúng đã từ trạm xe buýt vội vàng đi qua khoảng đất trống để vào trong sân trạm kiểm dịch.
*[chi tiết trong một truyện ngắn của Antôn Tsekhôp].
Chúng gặp Ivan Ivanưts đang bước ra khỏi cổng. Nhìn thấy bọn trẻ, ông rảo bước, tiến đến chỗ chúng và hỏi:
- Các cháu cũng biết đến đây à?
- Người ta hướng dẫn cháu đến đây, - Aliôsa nói.
- Bim không có ở đây ạ? - Tôlich hỏi.
- ...
- Nó không có ở đây hả bác? - Aliôsa hỏi lại.
- Không, các cháu ạ... Bim không có ở đây, không có đâu.
Ivan Ivanưts cố giấu những điều trĩu nặng trong lòng và cơn đau trong tim. Ở hoàn cảnh của ông, làm nổi điều này, quả thật là khó, quá chừng là khó.
Lúc đó Tôlich giương đôi lông mày đen và rậm lên, nhíu trán lại và nói:
- Bác Ivan Ivanưts... bác đừng đánh lừa chúng cháu.
- Không có Bim ở đây mà, các cháu ạ... - Ivan Ivanưts nhắc lại, giọng cả quyết và có sức thuyết phục. - Phải đi tìm nó, đi tìm...

Tuyết rơi.
Tuyết lẳng lặng.
Tuyết trắng.
Tuyết lạnh phủ kín mặt đất cho đến mùa tới, mùa xuân, cái mùa khởi đầu của sự sống, được lặp đi lặp lại hàng năm.
Con người có mái tóc bạc trắng như tuyết bước đi trên bãi rộng màu trắng xóa. Bên cạnh ông là hai đứa bé, cầm tay nhau cũng đi tìm người bạn chung và ở họ có niềm hy vọng.
Sự dối trá cũng có lúc thiêng liêng như sự thật. Như một người hấp hối mỉm cười và nói với người thân thương: “Tôi đã thấy dễ chịu”. Như một bà mẹ hát cho đứa trẻ đau ốm không phương cứu chữa một bài hát vui và nở một nụ cười.
Còn cuộc sống thì đi lên. Đi lên, bởi vì niềm hy vọng vẫn còn, mà không có nó thì tuyệt vọng sẽ giết chết cuộc sống mất.
Suốt cả ngày, bọn trẻ tiếp tục đi tìm Bim. Đến chiều, lúc đã nhá nhem tối, Tôlich lên tàu điện, tiễn Aliôsa đến trạm xe buýt “của chúng ta”.
- Đây là bố mình, - Aliôsa giới thiệu với Tôlich.
Khrixan Anđrêvits chìa tay cho Tôlich.
- Rõ rồi, thế là đã tìm được bạn. Thế nào, đi chơi với Aliôsa nhớ? Rất hân hạnh mời cháu.
Aliôsa trả lời thay cho Tôlich.
- Bạn ấy sẽ đến sau. Và con cũng sẽ đến thăm bác Ivan Ivanưts. Chúng con sẽ còn đi tìm nữa.
- Thôi được rồi. Tốt lắm. Đầu cua tai nheo thế nào, về nhà rồi sẽ kể. Còn bây giờ, kìa, ô tô chúng ta đã đến rồi kìa.
Trước khi lên xe, Aliôsa đưa trả cho bố mười lăm rúp.
- Còn nguyên cả. Không cần đến chúng.
- Cũng rõ rồi. - Ông bố nói, thoáng vẻ buồn buồn.

Tôlich vẫy tay theo hút chiếc xe rời bến. Chia tay với người bạn mới quen thì buồn thật, nhưng cũng lại vui, vì đã có thêm một người bạn. Bây giờ trong cuộc sống của Tôlich sẽ có thêm sự chờ đợi cuộc gặp mặt với Aliôsa. Và chính là Bim đã để lại dấu vết rõ ràng ấy trên mặt đất.

Về nhà Tôlich nói với bố một cách tin tưởng:
- Bim ở quanh đâu trong thị xã thôi. Chúng con sẽ nhất định tìm được. Sẽ tìm được!
- “Chúng con” là những ai?
- Aliôsa, bác Ivan Ivanưts và con... Sẽ tìm cho bằng thấy, rồi ba xem. Aliôsa là một cậu bé ở nông thôn ra, bố nó là bác Khrixan Anđrêvits, còn bác Ivan Ivanưts, con không biết bác ấy là ai, nhưng chỉ biết bác ấy tốt lắm, chủ của con Bim.
- Con còn tìm Bim làm gì nữa, nếu chủ nó đã về rồi? - Bà hỏi.
Tôlich không trả lời. Nó không hiểu chính ngay câu hỏi bởi vì quá bất ngờ và phức tạp.
- Con không biết, - nó nói khe khẽ.
Đêm khuya, khi Tôlich đã ngủ say và nằm mơ thấy con bò cái của Aliôsa đang liếm cái mũi của nó, thì ông bố và bà mẹ tranh luận với nhau ở trong một phòng cách xa đấy.
- Em chẳng chịu để mắt gì đến con cả. - Ba nói, giọng nghiêm nghị.
- Còn anh thì để làm gì? - Bà má bốc lên.
- Anh bận công tác.
- Em ở nhà vất vả bằng mấy đi công tác ấy chứ. Anh ra khỏi nhà là xong. Còn em ấy à... chỉ riêng cái chuyện giữ cho nhà cửa sạch sẽ cũng đủ ốm người rồi.
- Ai làm việc thì làm cũng đều có trách nhiệm phải hoàn thành cho tốt. Ở đây anh nói về chuyện khác: ai sẽ giáo dục Tôlich? Em hay anh? Hay là cả hai? Và như thế thì chúng mình phải tìm được một tiếng nói chung.
- Hẳn là không phải anh mà cũng chẳng phải em.
- Vậy thì ai? - Ba hỏi dồn.
- Mọi sự phải trông cậy vào nhà trường, - má trả lời đã hòa nhã hơn.
- Còn đường phố thì sao? - Ba lấn tới.
- Ừ thì cả đường phố nữa. Có gì ghê gớm nhỉ. Mọi đứa trẻ đều ra đường cả.
- Thế còn tính trung thực, anh hỏi em, ai sẽ giáo dục cho nó tính trung thực? - Lúc này ba nói có to tiếng hơn.
- Thì đấy, anh đọc đi. Mà thôi, để em đọc lấy, anh nghe đây, - má đọc mấy câu trích trong tờ báo: - “Tính tổ chức, việc không ngơi lưu tâm đến chúng, sự tính toán nghiêm ngặt, sự đòi hỏi cao - chính là bằng những cái đó mà giáo dục tính trung thực của con người... Phải đề cao những con người trung thực”... Anh nghe thấy chưa: đề cao. Còn anh thì mặc xác! - Má gục xuống đi văng, mặt úp sp.
Ba không muốn gay gắt trong tranh luận. Ba yêu má, má cũng yêu ba, và người làm lành đầu tiên bao giờ cũng là ba. Và nói chung những sự bất đồng kéo dài hầu như không có giữa hai người. Lần này ba cũng đấu dịu trước.
- Thì cũng là để phân tích với nhau mà thôi. Để anh thử đi tìm con Bim xem, cứ thử xem sao. Đã thấy chủ nó rồi, thì Tôlich sẽ không lôi con chó về đây nữa, mà nếu chúng mình tìm được con Bim, uy tín của chúng mình lúc đó sẽ tăng lên trước mắt Tôlich.
Không, ông không định nói những lời như thế, đấy không phải là những ý nghĩ đang quay cuồng trong đầu óc ông. Chiều hôm ấy Xêmiôn Pêtrôvits không được yên tâm và tự tin cho lắm. Con trai ông lớn lên và lướt qua mặt bố, còn ông, là cha đẻ ra nó thì lại không nhận ra điều đó trong cuộc sống chảy trôi hàng ngày. Xêmiôn Pêtrôvits nghĩ ngợi. Xêmiôn Pêtrôvits nhớ lại, có một lần ông nhìn thấy ở quán bia bên bờ sông một cậu thiếu niên còn chưa có ria: anh chàng đứng bên bức tường, lảo đảo chân nam đá chân chiêu, và vừa gào vừa khóc nấc lên... Nhớ lại cảnh ấy mà ghê cả người. Xêmiôn Pêtrôvits hình dung qua năm năm nữa cảnh thằng Tôlich nhà ông đứng bên quán bia mà cảm thấy kinh hoàng nghẹt thở. Ông bước đến bên vợ, ngồi xuống cạnh bà và khẽ hỏi, giọng dịu hẳn, một câu thật bất ngờ đối với bà:
- Hay là ta mua cho Tôlich một con chó nào hay hay? Hoặc là hỏi mua lại con Bim của ông chủ nó? Ta trả kha khá vào. Em nghĩ thế nào?
- Ồ, em không biết, anh Xêmiôn ạ, em không biết đâu. Hay là cứ mua?
Dĩ nhiên, Xêmiôn Pêtrôvits không tính đến một tình tiết nhỏ là tình bạn và lòng tin thì không thể mua được và cũng không bán được. Ông cũng không biết rằng bây giờ thì không thể tìm thấy Bim được nữa, dù cho ông có muốn. Thế nhưng Bim, con Bim hiền hậu của chúng ta, đã để lại dấu vết trong tâm hồn của ông bố Tôlich. Có thể đây là sự cắn rứt của lương tâm. Không ai chạy trốn được lương tâm bao giờ, nếu lương tâm đó không như cái cành cây mềm và thẳng một cách lý tưởng: một cành cây như thế ta có thể uốn lại thành cánh cung, và thả ra nó lại thng lại, tùy ý anh muốn. Nhưng Bim đã làm cho Xêmiôn Pêtrôvits phải lo lắng cả đêm hôm ấy nữa.
Và đêm hôm ấy Bim vẫn còn nằm trong cái thùng xe bằng sắt. Sang ngày hôm sau ba của Tôlich tổ chức một cuộc đi tìm Bim. Liệu ông có tìm thấy không, liệu ông có biết được điều bí ẩn của cái thùng xe bằng sắt không, liệu ông có thể hiểu được tất cả sức mạnh và khát vọng không thể đè bẹp được của Bim hướng tới ánh sáng và tự do, hướng về tình bạn và lòng tin không?
Không. Điều này không xảy ra do một duyên cớ đơn giản nhất. Sáng hôm sau, vào ngày thứ hai, Ivan Ivanưts lấy khẩu súng có cả bao và đi đến khu kiểm dịch. Gặp hai người bắt chó ở đó, ông đau đớn và cay đắng được biết rằng họ đã bắt Bim ngay gần nhà ông. Cả hai đều phẫn nộ chửi rủa Bà Thím không tiếc lời, gọi mụ bằng đủ các thứ xấu xa. Lòng Ivan Ivanưts nặng trĩu vì nỗi Bim đã là nạn nhân của sự phản phúc và vu khống. Ông không buộc tội hai người lao động đã thi hành nhiệm vụ của mình, mặc dù gã trai trẻ rõ ràng là cảm thấy mình có lỗi dù chỉ là lỗi đã tin lời mụ Thím.
- Nếu tôi mà biết cơ sự này, - gã không nói hết câu, và đấm mạnh lên nắp thùng xe, - Lại đi tin mồm cái con rắn độc như thế!
Ivan Ivanưts đề nghị họ chở Bim vào rừng và hứa trả cho họ năm rúp. Cả hai sẵn sàng nhận lời.
Ba người ngồi lên buồng lái chiếc xe thùng.
Trong cánh rừng thưa, nơi Ivan Ivanưts lần nào trước khi đi săn cũng đến ngồi xuống gốc cây lắng nghe tiếng rừng trong cánh rừng, nơi mà trong thời gian đợi chờ não nuột Bim đã cọ mõm vào những ngọn lá vàng úa, ở cách cái gốc cây kia vài mét, họ đã chôn cất Bim. Và trên nấm mồ ấy người ta đã rắc những chiếc lá vàng, mỏng, và nhẹ, lẫn lộn với tuyết.
Rừng xào xạc đều đều, nho nhỏ.
Ivan Ivanưts lấy súng ra khỏi bao, lắp đạn, tần ngần rồi bắn một phát chỉ thiên. Vì tiếng nổ đó mà rừng vọng lại một tiếng vang buồn bã, âm thầm, không rền theo kiểu rừng thu. Rồi ở phía xa tiếng kêu thương đó lịm đi cụt ngủn và ngừng bặt.
Và lại một phát nữa của người chủ bắn lên. Rồi lại đang đứng chờ trong rừng rền rĩ.
Hai người cùng đi băn khoăn đứng nhìn Ivan Ivanưts. Còn ông, vẫn đứng nguyên chỗ, nạp luôn vào hai viên nữa và cứ thế đều đặn với khoảng cách thời gian hết sức đều nhau, căn cứ vào tiếng vang ngừng lại ở đằng xa mà bắn thêm hai phát nữa. Sau đó ông cất súng vào bao và đi lại chỗ gốc cây.
Người lớn tuổi hơn hỏi:
- Ông bắn bốn phát thế làm gì?
- Quy định là như thế, - Ivan Ivanưts trả lời. - Con chó bao nhiêu tuổi thì bắn từng ấy phát. Con Bim đã bốn tuổi. Người đi săn nào trong những giây phút như thế này cũng đều ngả mũ, đứng yên lặng.
- Thấy chưa! - Anh thanh niên ngạc nhiên, thốt lên khe khẽ, - thật tai hại... rủi ro quá! - Anh ta bỏ đi về phía chiếc xe thùng, đóng sầm cửa xe lại.
Ivan Ivanưts ngồi xuống cái gốc cây của mình.
Rừng cây xào xạc, rì rào, rì rào, đơn điệu, gần như theo kiểu mùa đông, xào xạc lạnh lẽo, trần trụi và thê lương. Tuyết đã có, nhưng mới chỉ loáng thoáng tí chút. Lẽ ra thì phải có từ lâu rồi nhưng tuyết đã đến muộn. Có thể vì vậy mà ngay cả tiếng rừng cũng thành ra càu nhàu tẻ ngắt, phờ phạc dường như tuyệt vọng đến mức tưởng đâu như sẽ chẳng có mùa đông, và sẽ chẳng có cả mùa xuân.
Nhưng trong cái trống rỗng mà cái chết của người bạn cuối cùng đã để lại, Ivan Ivanưts bỗng cảm thấy trong lòng ấm áp. Ông chưa đoán ra ngay được đó là cái gì. Đó là hai đứa trẻ kia, Bim đã dẫn chúng đến cho ông, nó dẫn đến, nhưng mắt nó lại không được thấy. Và chúng sẽ còn đến chỗ ông nữa, sẽ đến không phải chỉ một lần.
Trước con mắt hai người bắt chó chất phác thì Ivan Ivanưts quả thật là một con người lạ lùng, hết sức lạ lùng, khi ngồi vào ca bin ô tô ông nói, vẻ như nói với chính mình.
- Không đúng. Mùa xuân nhất định sẽ về, và sẽ có hoa điểm tuyết... ở nước Nga thường có cả mùa đông lẫn mùa xuân. Nước Nga của chúng ta là như thế đó. Nhất định là có mùa đông, cả mùa xuân.
Trên đường về, gã trai trẻ bất ngờ dừng xe lại trước mặt một thôn nhỏ, nằm cách đường không xa, rồi mở cửa thùng xe thả con Xù ra.
- Mình không muốn, mình không thích, - anh thốt lên. - Chạy đi chó, chạy vào làng kia kìa, trốn đi! Ở đó mày sẽ được nguyên vẹn.
- Cậu sao thế? Sao thế hả? Họ biết có hai con rồi mà? - Người lớn tuổi ngồi trong buồng lái kêu lên.
- Một con chết, một con chạy thoát, chuyện có thế thôi. Mình không thích, không thích một cái gì cả. Mình không muốn, chuyện có thế thôi!
Con Xù chạy xa khỏi đường cái, ngồi xuống, ngơ ngác đưa  mắt nhìn theo chiếc xe thùng, rồi nhìn quanh và chạy về phía làng thôn, chạy đến với người. Một con chó biết nghĩ.
Lúc còn ở trong rừng Ivan Ivanưts đã được biết chàng trai trẻ tên là Ivan và người lớn tuổi kia cũng là Ivan. Cả ba đều là Ivan, một sự trùng lặp hiếm có. Điều này làm họ xích lại gần nhau hơn và chia tay nhau như những người bạn tốt. Vậy mà giữa họ với nhau vẻn vẹn chỉ có chung một điều: ba người đã cùng chôn một con chó, một con chó đã không chịu nổi cảnh lao tù. Cũng có trường hợp người ta gặp nhau vì đại sự, rồi lại lìa nhau, nhưng có trường hợp gặp nhau ở những việc làm nhỏ bé, nhưng lại được lâu bền, cho đến mãn kiếp.
Lúc Ivan Ivanưts bước xuống khỏi ca bin ô tô và đưa biếu cậu Ivan trẻ năm rúp đã hứa, thì anh ta gạt phắt tay ông đi, mồm cứ nhắc đi nhắc lại một điều.
- Tôi không muốn! Không thích! Chuyện có thế thôi!
Quá rõ ràng là anh ta tự thấy mình có lỗi về cái chết của Bim. Hình như anh ta bị giày vò về sự trách móc của kẻ đã chết. Mà lời quở trách của kẻ chết là lời quở trách đáng sợ nhất, bởi vì kẻ phạm tội đã biết ăn năn chớ có mong đợi kẻ đã chết sự tha thứ, sự thông cảm và lòng trắc ẩn đối với tội ác đã phạm. Mà anh chàng Ivan trẻ thì đã quá bận lòng vì cái lỗi lầm nhỏ bé của mình. Điều ấy đã tôn thêm phẩm giá của anh. Đấy cũng là thêm một dấu ấn nữa của con chó phúc hậu, trung thực và thủy chung để lại trên mặt đất này. Cũng xin nói thêm rằng Ivan già thì chẳng thấy áy náy đặc biệt gì - ông ta đã cầm năm rúp từ tay Ivan Ivanưts cho vào túi bên, tỏ vẻ biết ơn. Tuyệt đối không thể buộc tội ông ta được vì ông ta nhận số tiền thù lao lao động đã thỏa thuận, còn việc bắt Bim, chẳng qua là ông đã hoàn thành nhiệm vụ mà thôi.

...Cùng ngày hôm ấy Xêmiôn Pêtrôvits tổ chức một cuộc tìm kiếm. Đầu tiên là đăng báo: “Lạc một con chó giống Setter mình trắng, tai đen, tên là Bim, một con chó đã được tập luyện, thông minh nổi bật. Xin báo về địa chỉ... sẽ có hậu tạ”.
Cả thị xã bàn tán về Bim. Chuông điện thoại réo lên, những lá thư gửi đến bày tỏ sự thông cảm của bạn đọc. Người đi tìm kiếm tất tả chạy ngược chạy xuôi.
Thế là Bim hai lần nổi tiếng: một lần lúc còn sống, - vì là chó dại; lần thứ hai khi đã chết - được coi như một con chó “thông minh nổi bật. Hiển nhiên cái vinh quang cuối cùng của Bim là do công lao của Xêmiôn Pêtrôvits.

Dù thế nào đi nữa, người ta đã không tìm thấy dấu vết của Bim suốt cả mùa đông ấy và đến cả sau này nữa. Mà ai có thể biết chuyện được? Anh chàng Ivan trẻ đã xin thôi việc và, vì một lý do dễ hiểu, anh ta đã không hưởng ứng lời công bố trên báo. Còn Ivan già thì Ivan Ivanưts đã dặn trước đừng có bép xép. Chẳng một ai khác biết được rằng Bim đã nằm sâu trong rừng, dưới đất lạnh đã bị đông cứng và bị phủ đầy tuyết và sẽ không bao giờ còn có ai trông thấy nó nữa.
Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt với hai trận bão đen. Sau các trận bão ấy, tuyết trắng trên cánh đồng thành đen ngòm. Thế nhưng ở trong cánh rừng thưa mà ta biết thì tuyết vẫn sạch và trắng. Rừng đã che chở cho nó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét