Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

Con Bim Trắng Tai Đen - Chương 1

Con Bim trắng tai đen

Tác giả: Gavriil Troyepolsky
Dịch giả: Tuân Nguyễn - Trần Thư
Nhà xuất bản Văn Học - 2012
(Theo bản in của NXB Cầu Vồng - Moskva - 1989)

Kính tặng
Aleksandr Trifonovich Tvardovsky

Chương 1
Hai thày trò một buồng

Rầu rĩ và dường như tuyệt vọng, nó bỗng kêu lên ăng ẳng, lóng ngóng lăn lê ra chỗ này chỗ kia, - nó tìm mẹ. Chủ bèn ôm nó lên lòng rồi nhét đầu vú sữa vào cái mõm xinh xinh của nó.
Mà chủ chó con vừa đầy tháng ấy còn biết làm thế nào khi nó còn chưa hiểu cái quái gì trên đời này cả, và dù cho nó có rền rĩ mấy đi chăng nữa thì không mẹ vẫn hoàn là không mẹ. Và thế là hai hôm đầu chốc chốc nó lại cố cất lên cái điệu nhạc buồn ấy. Tuy vậy nó cũng ngủ thiếp đi trên tay chủ với chai sữa ôm khư khư trong lòng.
Nhưng đến ngày thứ tư thì cún ta đã bắt đâu quen với hơi ấm tay người. Giống chó con vốn rất nhạy cảm với sự vuốt ve.
Nó còn chưa biết tên mình, nhưng một tuần sau thì đã xác định được một cách chính xác nó là con Bim.
Được hai tháng nó đã đưa con mắt ngạc nhiên mà nhìn các vật trong phòng: cái bàn giấy quá cao đối với nó, còn trên tường, khẩu súng, cái túi săn và khuôn mặt người tóc dài. Tất cả những cái đó nó cũng mau thấy quen mắt. Bây giờ thậm chí nó đã chẳng ngạc nhiên gì về chuyện người trên tường cứ yên re, không nhúc nhích: người ấy chẳng có gì đáng quan tâm. Thực ra đôi lúc nó cũng ngó ngó nghiêng nghiêng: thế là cái quái gì nhỉ, - mặt người kia sao lại từ trong cái khung nhìn ra, như từ sau cửa sổ vậy?
Bức tường thứ hai nom hay hơn. Tường ghép toàn bằng những phiến khác nhau mà chủ nó có thể rút ra rồi lại đặt vào như cũ được. Tới bốn tháng tuổi, khi đã có thể đứng dựng lên hai chân sau, Bim đã tự mình lôi ra được một phiến, nghiên cứu xem nó là cái gì. Nhưng chẳng hiểu sao cái phiến ấy lại kêu sột soạt và giắt một tờ vào răng Bim. Xé nát tờ giấy ấy ra thật là lý thú vô cùng.
- Lại cái trò gì nữa thế này? - Chủ nó kêu lên. - Không được! - Và gí mũi Bim vào cuốn sách. - Không được. Không được.
Mắng xong, chủ thôi không đọc sách nữa, nhưng Bim thì chưa thôi: nó chăm chú nhìn chồng sách hồi lâu, đầu lúc nghiêng bên nọ, lúc ngoẹo bên kia. Và xem chừng nó đã quyết định thế này: cái này là không được thì ta lấy cái kia vậy. Nó len lén bíu vào gáy một cuốn sách rồi lôi tuột xuống gầm đi văng; nằm đó, thoạt đầu nó lấy răng xé một góc bìa, rồi góc thứ hai, rồi trong lúc mải mê nó quên cả thận trọng, lôi cuốn sách bất hạnh ấy ra giữa phòng, bắt đầu lấy chân xé ra một cách dễ dàng như không, vừa xé lại còn vừa nhảy cẫng lên nữa chứ.
Và thế là lần đầu tiên trong đời, nó đã được biết thế nào là “đau”, thế nào là “không được”.
Chủ nó rời bàn đứng dậy, nghiêm khắc nói:
- Không được! - Ông bẹo tai nó. - Mày xé rách mất của tao cuốn “Kinh thánh cho giáo dân và người ngoại đạo” rồi, đồ ngốc ạ! - Và nhắc lại: - Không được! Sách - Không được! - Ông bẹo tai nó cái nữa.
Bim kêu lên ăng ẳng, bốn chân chổng cả lên trời. Và cứ nằm tênh hênh thế, nó nhìn chủ, không sao hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.
- Không được! Không được! - Chủ cố ý nói đi nói lại và gí cuốn sách vào mõm nó mấy lần, nhưng đã thôi không trị tội nó nữa. Rồi ông bế nó lên, vuốt ve nó và cứ một điều nói mãi: - Không được, cu con ạ, không được đâu, đồ ngốc ạ. - Rồi ông ngồi xuồng. Và đặt nó lên lòng.
Từ thuở còn thơ, Bim đã nhận được ở chủ bài học luân lý qua câu chuyện cuốn “Kinh thánh cho giáo dân và người ngoại đạo” như vậy đó. Bim liêm liếm tay chủ và đăm đăm nhìn vào mặt ông.
Nó đã thấy thích khi chủ chuyện trò với nó, nhưng giờ đây quanh đi quẩn lại nó mới hiểu được có hai tiếng “Bim” và “không được”. Và nó cũng lấy làm thú vị, rất thú vị quan sát mớ tóc bạc xõa xuống trán chủ nó như thế nào, đôi môi hiền hậu của ông mấp máy như thế nào, và mấy ngón tay ấm áp dịu dàng của ông khẽ vuốt lên lông nó như thế nào. Nhưng Bim cũng biết xác định được một cách tuyệt đối chính xác vào lúc nào chủ nó đang vui hay đang buồn, đang mắng hay khen nó, đang gọi hay đuổi nó đi. Quả là đôi lúc ông cũng buồn thật. Lúc đó ông vừa nói với mình vừa nói với Bim:
- Thày trò ta sống như thế đấy, ngốc nghếch ạ! Mày nhìn gì bà vậy? - Ông chỉ bức chân dung. - Cu con ạ, bà mất rồi. Bà không còn nữa, không còn... - Ông vuốt ve Bim và nói, không chút hồ nghi: - Chà, Bim ơi, cu con ngốc nghếch của tao. Mày còn chưa hiểu cái quái gì cả.
Nhưng ông chỉ đúng có phần nào thôi, bởi vì Bim đã hiểu là lúc này đây, người ta sẽ chẳng đùa nghịch với nó đâu, rằng cái câu “ngốc nghếch” là ám chỉ nó, và cả cái tiếng “cu con” cũng vậy. Thế là, mỗi lần người bạn lớn của nó gọi “đồ ngốc” hay “cu con” thì Bim lập tức chạy đến như nghe thấy gọi tên riêng của nó vậy. Và nếu vào lứa tuổi nó, nghe giọng nói mà hiểu được nghĩa thì rõ ràng nó hứa hẹn là một con chó thông minh hiếm có.
Nhưng chỉ trí khôn thôi có đủ để xác định vị trí của con chó trong họ hàng nhà chó không? Đáng tiếc là không. Ngoài cái năng khiếu thông minh ra, ở Bim không phải điều gì cũng ổn cả.
Sự thực là nó vốn do hai bố mẹ nhà nòi sinh ra, thuộc giống chó Setter, có một dòng dõi nhiều đời. Tổ tiên nó mỗi đời có một bản lý lịch riêng. Chủ có thể dựa theo lý lịch đó để không những tìm tới ông bà, cụ, kị của Bim, mà nếu muốn thì có thể tới cả ông bà, cụ, kị của ông bà, cụ, kị nó nữa. Về điểm ấy thì tất nhiên là tốt rồi. Nhưng vấn đề là ở chỗ bên cạnh tất cả những ưu điểm của nó, Bim có một nhược điểm lớn về sau này đã ảnh hưởng nhiều đến số phận nó: mặc dù nó vốn thuộc giống chó Setter Scotland (Setter-Gordon), nhưng màu lông lại không điển hình của giống ấy chút nào, điều cơ bản là ở chỗ đó. Theo tiêu chuẩn chó săn thì chó Setter-Gordon bắt buộc phải đen tuyền với ánh biếc sắc lông cánh quạ, và bắt buộc phải có những mảng sém màu hung sáng pha đỏ có đường viền rõ rệt; ngay cả những vết trắng trên những chỗ không có trong tiêu chuẩn quy định cũng bị xem là một khuyết tật lớn ở giống Gordon. Bim ta sinh ra thì lại như thế này: mình trắng, nhưng lại có những vết sém hơi hung hung, thậm chí lại còn thoáng rõ những nốt lấm tấm hung nữa, chỉ có một tai và một chân là đen thôi - đúng màu đen cánh quạ, - còn tai kia thì màu vàng nhạt pha hung. Hiện tượng ấy quả thật là lạ lùng: về mọi mặt nó là giống chó Setter-Gordon nhưng màu lông thì lại chẳng có vẻ tí nào. Một ông tổ mấy đời nào đó phải chịu trách nhiệm về chuyện đã xảy ra cho Bim: cha mẹ nó là chó Gordon còn nó thì lại là chó bạch tạng.
Nói chung thì với đôi tai mỗi tai một màu như thế và với sắc lông sém dưới đôi mắt to, thông minh màu cánh gián thẫm, cái mõm Bim nom lại còn dễ thương hơn, nổi hơn, và có vẻ nom lại thông minh hơn, hoặc có thể nói là thâm thúy, trầm tư hơn những con chó thường thấy. Thực ra, như vậy thì không thể gọi được là cái mõm chó mà phải gọi là mặt mũi chó mới đúng. Nhưng theo các định luật của ngành nghiên cứu về chó thì trong trường hợp cụ thể, màu trắng phải bị coi là một dấu hiệu suy thoái. Nhìn chung là đẹp, nhưng xét theo tiêu chuẩn màu lông thì rõ ràng là đáng ngờ, thậm chí, tồi. Cái rủi ro của Bim là ở đó.
Tất nhiên Bim không hay biết gì về những lỗi lầm trong sự ra đời của nó. Vì thiên nhiên đâu có cho các chú chó con được quyền lựa chọn cha mẹ sinh ra mình. Bim cũng không được phú cho ngay cả cái khả năng nghĩ đến chuyện ấy. Nó cứ sống là sống, và trong khi chờ đợi, cứ phởn đã.
Nhưng chủ nó thì bứt rứt không yên: liệu người ta có cấp cho Bim giấy chứng chỉ dòng dõi nó sẽ củng cố vị trí của Bim trong hàng chó săn không, hay suốt đời nó sẽ phải mang thân phận chó loại?
Tóm lại, ông chủ của mẹ Bim đã quyết định loại bỏ con lông trắng ra khỏi lứa đẻ, nghĩa là đem dìm chết đi, nhưng đã có một người lẩn thẩn thấy con chó đẹp thế thì thương. Con người lẩn thẩn ấy là ông chủ Bim bây giờ đây. Ông thích đôi mắt nó, các bạn thấy không, nom rất chi là thông minh. Thế đấy! Và bây giờ vấn đề đặt ra là: liệu người ta có cấp cho nó tờ chứng chỉ dòng dõi hay không?
Trong khi đó chủ nó cố đoán xem vì lẽ gì mà Bim lại sinh ra dị tướng như vậy. Ông lật lại tất cả các sách nói về săn bắn và nuôi chó, mong sao tiến gần được tới sự thật, dù chỉ là chút ít, để sau này chứng minh được rằng Bim chẳng có tội tình gì. Chính vì vậy mà ông đã trích từ nhiều cuốn sách, ghi lại vào một quyển vở dày tất cả những điều có thể thị thực cho Bim quả là một đại biểu của giống chó Setter. Bim đã là bạn ông thì đối với bạn bao giờ ta cũng phải cứu giúp chứ? Bằng không thì Bim đừng hòng ăn bàn ăn giải gì trong triển lãm, đừng hòng có huy chương vàng kêu leng keng trước ngực: dù cho nó có là con chó ngàn vàng khi đi săn, nó cũng cứ bị loại khỏi hàng chó giống như thường.
Trên đời này còn có gì bất công cho bằng!

Nhật ký của chủ

Mấy tháng gần đây Bim đã đi vào cuộc sống của tôi và chiếm lấy một chỗ vững vàng. Bằng cách nào mà nó đã làm được như vậy? Bằng sự hiền hòa, bằng cái lòng tin vô hạn, bằng tình quyến luyến, - là những tình cảm không bao giờ người ta cưỡng lại được, nếu như trong đó không len lỏi sự xu nịnh nó có thể dần dà biến tất cả thành dối trá; cả sự hiền hòa, cả lòng tin lẫn tình quyến luyến. Gớm khiếp thay là cái thói xu nịnh! Cầu cho trời tru đất diệt nó! Nhưng trước mắt thì Bim là một cún bé bỏng và dễ thương. Nó sẽ ra làm sao thì cũng ở cả chỗ mình, là chủ nó.
Hơi kỳ là bây giờ thỉnh thoảng mình để ý thấy ở mình có những điều trước kia không có. Ví như hễ thấy bức tranh nào có hình con chó là trước hết mình chú ý đến màu lông và chủng loại của nó. Lộ rõ ra nỗi băn khoăn của mình: liệu người ta có cấp cho Bim giấy chứng chỉ hay không?
Cách đây mấy hôm mình có vào xem bảo tàng mỹ thuật và đã chú ý ngay đến bức tranh “Moses vắt nước khe đá” của Đ. Baxanô (thế kỷ XVI). Trên bức tranh, phần cận cảnh có vẽ một con chó, rõ ràng là nguyên mẫu giống chó săn Setter, nhưng lại có màu lông kỳ lạ: mình trắng, còn cái mõm bị dòng nước trắng cắt ra thì lại đen, đôi tai cũng đen nhưng mũi thì trắng, vai bên trái có đốm đen, phần trên bắp đùi sau cũng đen nốt. Mệt lả và gầy rạc, nó uống lấy uống để những giọt nước chờ đợi bao lâu nay chảy xuống t cái bát của người.
Con chó thứ hai lông dài, tai cũng đen. Khát lả người đi, nó đặt đầu lên đầu gối chủ và ngoan ngoãn chờ nước. Cạnh đó là con thỏ, con gà trống, bên trái là hai chú cừu non.
Họa sĩ muốn nói gì khi đặt lên phần cận cảnh một con chó nằm giữa mấy con người? Rõ ràng ông muốn nói rằng ngay từ thời cổ đại xa xưa, con người đã yêu quý chó, không bao giờ ruồng rẫy chúng, ngay cả trong gian khốn, ngay cả khi nhân dân đang đứng bên bờ diệt vong, còn chó thì trước sau vẫn trung thành và tin cậy, sẵn sàng chết theo người.
Thì mới một phút trước đấy thôi, ai nấy đều tuyệt vọng, không còn lấy chút đỉnh niềm tin. Họ đã nói thẳng vào mặt Moses, người đã cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ:
“Ôi, thà chết vì tay các đức ông trên đất Ai Cập trong khi chúng ta ngồi bên nồi thịt và ăn bánh mì thỏa thích. Chính vì ngươi đưa chúng ta đến nơi sa mạc này nên mọi người mới ôm nhau mà chết đói!”.
Moses vô cùng đau đớn thấy rõ con người ta bị ý thức nô lệ chi phối đến chừng nào. Đối với họ bánh mì thỏa thích và nồi thịt còn quý hơn cả tự do. Ông bèn đục đá lấy nước. Và giờ đây là cái giây phút sung sướng cho tất cả những ai đã đi theo ông, đó là điều toát lên từ bức tranh của Baxanô.
Phải chăng họa sĩ đã đặt con chó vào vị trí chủ yếu trên bức tranh là cốt đế trách cứ con người về tinh thần bạc nhược của họ trước gian lao, và lấy con chó làm biểu tượng cho niềm tin, hy vọng và lòng chung thủy? Có thể lắm chứ. Chuyện ấy đã lâu rồi.
Bức tranh của Đ.Baxanô vẽ đã hơn ba trăm năm. Phải chăng màu đen và màu trắng của Bim đã có từ thời ấy? Không thể thế được. Nói thế chứ thiên nhiên vẫn cứ là thiên nhiên.
Nhưng liệu cái đó có giúp được gì để bác lại lời buộc tội đối với màu lông dị thường trên thân và tai Bim không nhỉ? Mà dân chủng càng xưa thì người ta buộc tội nó càng nặng hơn về sự cách thế di truyền và sự không đủ tiêu chuẩn.
Không, phải tìm một cái gì khác. Nếu vị nào trong các nhà nghiên cứu về chó mà có nhắc mình đến bức tranh của Baxanô thì cùng lắm cũng chỉ có thế nói: vậy đôi tai đen trong bức tranh của Baxanô có liên quan gì đến chuyện này không?
Mình sẽ tìm những tài liệu gần gũi với Bim về thời gian hơn.

Ghi chép về tiêu chuẩn chó săn:
“Chó Setter-Gordon đã được gây giống tại Scotland... Giống chó hình thành vào thời kỳ đầu của nửa cuối thế kỷ XIX... Chó Setter Scotland ngày nay trong khi vẫn giữ được sức mạnh và vóc dáng to lớn ngày xưa, đã có tốc độ chạy nhanh hơn. Là giống chó tính tình điềm đạm và dịu dàng, ngoan ngoãn và hiền, chúng sớm vào nghề một cách dễ dàng, hoạt động có hiệu quả cả ở địa hình đầm lầy lẫn rừng rú... Dáng đứng cao với cái đầu không thấp hơn u vai, nom điềm tĩnh, động tác đặc biệt dứt khoát”.

Trích trong cuốn “Các loại chó” gồm hai tập của L.P.Xabanêep, tác giả hai cuốn sách rất hay: “Lịch săn bắn” và “Cá ở Nga”.
“Nếu chúng ta lưu ý rằng về gốc gác chó Setter là giống chó xưa nhất qua nhiều thế kỷ đã được, như thường nói, thuần dưỡng, thì chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên rằng chó Setter là loài chó hầu như có văn hóa nhất và thông minh nhất”.
Thế đó! Vậy thì Bim là một con chó thuộc một dòng giống thông minh. Điều ấy có thể có liên quan đây.

Cũng trích từ cuốn sách ấy của L.P.Xabanêep:
“Năm 1847, Hoàng thân Mikhain Pavlôvits đã được tặng hai con chó Setter tuyệt đẹp thuộc một dòng rất hiếm, do Perlen ở nước Anh mang sang... Chó đã không bán mà được đổi lấy con ngựa giá 2000 rúp...
Đó! Mang sang làm quà tặng, vậy mà đem bán với giá cắt cổ ngang giá hai chục người nông nô. Nhưng hỏi chó có tội tình gì? Và liên quan gì đến Bim? Chuyện này không dính dáng.

Trích từ bức thư của X.V.Penxki, một người yêu thiên nhiên, một nhà săn bắn và nuôi chó nổi tiếng một thời, gửi L.P.Xabanêep:
“Hồi chiến tranh Krym tôi có thấy một con chó Setter lông đỏ rất hay ở nhà Xukhôvô Kabưlin, tác giả cuốn “Đám cưới Krêtsinxki”, và một con khoang vàng ở Riazantại nhà họa sĩ Piôtrơ Xôkôlôp”.
Hà, vấn đề đã có vẻ sát sườn đây. Nhà văn trào phúng hồi ấy có chó Setter thì kể cũng hay. Và cả chuyện nhà họa sĩ có con chó khoang vàng. Dòng máu của mày liệu có phải từ đó mà ra không Bim? Có thể lắm! Nhưng như vậy tại sao lại... tai đen? Không rõ.

Cũng trong lá thư ấy:
Giống Setter đỏ cũng còn do Berxơ, bác sĩ triều đình Maxkơva, gây tạo nên nữa. Ông đã cho một con chó cái đỏ lai giống với con chó Setter đen của cố hoàng đế Alêchxanđrơ Nikôlaiêvích. Bầy chó con sinh ra như thế nào và lang bạt những đâu tôi không biết; tôi chỉ biết rằng bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy có đem một con về quê nuôi”.
Khoan! Có phải đây rồi chăng? Nếu chân và tai mày đen là do thừa hưởng ở con chó của Lev Nikolayevich Tolstoy thì mày là con chó hạnh phúc rồi đó, Bim ạ, dù cho mày không có giấy chứng chỉ nòi giống, là con chó hạnh phúc nhất trong tất cả các con chó trên đời này. Nhà văn hào vĩ đại rất yêu chó.

Vẫn trong lá thư ấy:
“Tôi đã được thấy con chó đực đen của hoàng thượng ở Ilinxki sau bữa ăn của nhà vua thết đãi các nhà lãnh đạo liên đoàn săn bắn Maxkơva. Đó là con chó nhà rất to, rất đẹp, cái đầu tuyệt diệu, bộ lông hay, nhưng chất chó Setter trong nó thì có ít: thêm vào đó, chân quá dài, và có một chân hoàn toàn trắng. Nghe nói con chó Setter ấy là tặng phẩm của một vị địa chủ Ba Lan nào đó biếu cố hoàng đế, và có tin đồn rằng nó không được thuần chủng lắm”.
Vậy là nhà địa chủ Ba Lan đã bịp hoàng đế ư? Có thể. Chuyện đó có thể xảy ra ngay cả trên mặt trận mua bán trao tặng chó. Chà, mình mà được con chó đực đen ấy của hoàng đế nhỉ! Vả lại bên cạnh đó còn có dòng máu con chó cái vàng của Berxơ nữa, con chó cái tinh mũi phi thường và hết sức sáng dạ. Nghĩa là Bim ơi, ngay dù cho cái cẳng của mày có phải là thừa hưởng của con chó đực đen của hoàng đế thì mày vẫn cứ hoàn toàn có thể là chút chít của con chó của nhà văn vĩ đại... Nhưng thôi, Bim ạ, chuyện vớ vẩn! Nói làm chi đến con chó của hoàng đế. Không phải đâu, - có thế thôi. Vẫn có một điều gì đó không ổn.
Trong trường hợp phải tranh luận để bênh vực Bim thì ta còn lại những gì?
Chuyện Moses gạt ra vì những lý do dễ hiểu. Con chó nhà Xukhôvô Kabưlin gạt ra cả về lý do thời gian lẫn mầu lông. Con lại con chó của Lev Nikolayevich Tolstoy:
a/ Về thời gian thì gần hơn tất cả.
b/ Bố nó đen còn mẹ nó đỏ. Thế là phù hợp đấy. Nhưng con bố, cái con đen ấy, lại là chó của hoàng đế, mắc míu là ở chỗ đó.
Vì không có xác minh, việc tìm kiếm dòng máu xa xưa của Bim đành phải lờ đi. Vậy thì các nhà nghiên cứu chó sẽ chỉ xác định thuần theo phả hệ của cha mẹ Bim, theo như lệ thường của họ, có thế thôi. Còn chuyện Tolstoy thì đối với họ không liên quan gì cả. Và họ có lý. Mà thực ra, nếu có ai có thể bằng cách ấy dẫn dắt nguồn gốc con chó nhà mình tới tận con chó của nhà văn, thì bản thân người ấy cũng phải sống gần thời với Tolstoy. Và thực tế thì cái loại chó của Tolstoy ấy, ở ta có biết bao nhiêu mà kể! Có nhiều, nhiều kinh lên được.
Dù cho đó có là chuyện bực mình, thì đầu óc mình đã sẵn sàng chấp nhận việc Bim bị gạt ra khỏi loại chó nòi. Hỏng. Còn lại có một điểm: Bim là con chó thuộc một dòng giống thông minh. Nhưng ngay cả điểm ấy nữa cũng không có gì làm bằng (điểm này cũng có những tiêu chuẩn của nó).

- Hỏng, Bim ạ, hỏng to - Chủ thở dài đặt bút sang bên và đút cuốn sổ ghi chép vào ngăn bàn.
Nghe gọi đến tên mình, Bim đang nằm ổ ngồi nhỏm dậy, nghé nghé đầu về phía bên tai đen, cứ như nó nghe chỉ bằng cái tai vàng hung. Và như thế nom nó còn dễ thương. Bằng toàn bộ dáng vẻ của nó, nó nói: “Ông muốn gì vậy?”.
Câu hỏi ấy của Bim làm ông chủ tươi tỉnh lên ngay và nói:
- Mày khá lắm, Bim ạ! Hai ta sẽ chung sống với nhau dù mày không có gia phả. Mày là một con chó khôn ngoan. Chó ngoan thì ai chẳng yêu. - Ông bế Bim lên lòng, vuốt ve nó, miệng nói: - Tốt. Dẫu sao thì cũng vẫn cứ tốt, cu con ạ.
Bim thấy ấm áp và dễ chịu. Nó hiểu ngay, và hiểu cho đến trọn đời. “Tốt” nghĩa là vuốt ve, biết ơn và tình bạn.
Và nó ngủ thiếp đi. Ông chủ nó là ai, điều đó đối với nó có nghĩa lý quái gì? Điều quan trọng là ông ta tốt và gần gũi nó.
- Chà, mày, tai đen, cẳng chó hoàng đế, - ông nói nhỏ và bế Bim về ổ.
Ông đứng trước cửa sổ hồi lâu, nhìn đăm đăm vào đêm tối tím ngắt. Rồi ông ngước lên nhìn tấm hình người đàn bà, miệng lẩm bẩm.
- Em thấy đấy, thế là anh cũng đỡ đi một chút rồi. Anh không còn trơ trọi một mình nữa. - Ông không để ý thấy rằng trong cảnh cô đơn dần dần ông đã thành thói quen chuyện trò thành tiếng với “cô ấy”, hoặc ngay với chính bản thân mình, và bây giờ thì với Bim. - Thế là anh chẳng còn cô đơn nữa, - ông nhắc lại với tm hình.
Trong khi đó Bim cứ ngủ khì.
Hai thầy trò sống với nhau trong một căn buồng như thế đó. Bim lớn lên đầy sức vóc. Chẳng bao lâu nó đã biết chủ nó tên là “Ivan Ivanưts. Một chú chó con thông minh, sáng dạ. Và dần dần nó hiểu rằng không được đụng vào cái gì hết, chỉ được nhìn vào vật và người mà thôi. Và nói chung thì cái gì cũng không được, nếu chủ không cho phép hoặc không ra lệnh. Thế là cái tiếng “không được” đã trở thành quy tắc chủ yếu trong đời sống của Bim. Và ánh mắt Ivan Ivanưts, giọng nói, cử chỉ, những câu mệnh lệnh chính xác và những lời âu yếm đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của con chó. Ngoài ra, những sự tự ý làm một cái gì đó, trong bất kể trường hợp nào, không được mâu thuẫn với ý muốn của chủ. Ngược lại Bim đã dần dần đoán ra được cả một vài ý định nào đó của chủ. Ví dụ như kia, ông đang đứng bên cửa sổ và nhìn, nhìn ra xa xa và nghĩ, ngẫm nghĩ. Lúc ấy Bim liền đến ngồi xuống bên và cũng nhìn, cũng nghĩ. Người không hiểu chó nghĩ gì, còn chó thì có vẻ như muốn nói: “Giờ thì ông bạn phúc hậu của ta sẽ ngồi vào bàn, nhất định sẽ ngồi. Ông ấy sẽ đi bách bộ vài bước từ góc nọ sang góc kia, rồi sẽ ngồi xuống, rồi sẽ cầm cái que đưa lướt trên tờ giấy trắng, và tờ giấy này sẽ thì thào khe khẽ. Trò ấy sẽ lâu đấy, vì vậy cho nên cả ta nữa, ta cũng sẽ ngồi xuống bên ông ấy”. Sau đó dúi dúi mũi vào lòng bàn tay ấm áp của chủ. Và chủ nói:
- Nào, bé Bim, ta làm việc thôi. - Và đúng vậy, ông ngồi xuống.
Và Bim cuộn tròn nằm dưới chân ông, hoặc nếu ông bảo “Về chỗ” thì nó sẽ đi về ổ đặt trong góc phòng và sẽ đợi. Nó đợi một cái nhìn, một lời nói, một cử chỉ. Tuy vậy một lát sau cũng có thể rời ổ, hì hục với một khúc xương tròn, chả gặm được đâu, nhưng là để mài răng cho sắc thôi, - chỉ có điều là đừng làm ồn.
Nhưng khi Ivan Ivanưts đưa tay lên ôm mặt, khuỷu chống xuống bàn, thì Bim tới bên ông và đặt cái mõm có hai tai hai màu lên đầu gối ông. Và cứ đứng thế. Nó hiểu, nó mơn trớn. Nó hiểu ông bạn nó có điều gì không vui. Và Ivan Ivanưts cảm ơn nó:
- Cảm ơn mày, cu con ơi, cảm ơn Bim, - và cái que lại thì thào trên mặt tờ giấy trắng.
Ở nhà thì thế đấy.
Nhưng ở ngoài đồng cỏ thì không phải thế. Ở ngoài ấy cả hai đều quên hết mọi sự. Ở đó có thể chạy, nhảy nhót, đuổi bướm, lăn lóc trên cỏ, - cái gì cũng được phép. Nhưng khi Bim đã tròn tám tháng tuổi thì ngay cả ở đó nữa, mọi cái đều diễn ra nhất nhất theo khẩu lệnh của chủ: “Chơi đi!”, thế là có thể đi chơi được, - “Lùi lại”, rất dễ hiểu, - “Nằm xuống”, quá rõ rồi, - “Hấp!”, là nhảy qua, - “Tìm đi”, là đi tìm mẩu pho mát, - “Bên cạnh”, là đi bên cạnh chủ, nhưng chỉ phía bên trái thôi, - “Lại đây!”, là chạy mau về chỗ chủ, và sẽ được một miếng đường. Và đến một năm tuổi thì Bim đã hiểu nhiều tiếng khác nữa. Đôi bạn, một người một chó, càng ngày càng hiểu nhau hơn, yêu nhau và sống bình đẳng.
Nhưng đã xảy ra một việc làm đảo lộn cuộc sống của Bim, và chỉ trong vài ngày nó đã trưởng thành vọt lên. Chuyện đó xảy ra chỉ là vì Bim bỗng phát hiện ra một khuyết tật lớn, đáng lạ lùng của chủ.
Sự thể là thế này. Như một con thoi, Bim đang ra sức sục sạo kỹ lưỡng trên đồng cỏ, cố tìm cho được miếng pho mát chủ ném ra thì chợt, giữa các mùi khác nhau của cỏ, của hoa, của bản thân đất và dòng sông, sực lên một luồng không khí khác thường và rạo rực: mùi của một con chim gì đó, không giống tí nào với mùi những con chim Bim từng biết, - các chú chim sẻ đủ loại, các chú vành khuyên vui tính, các chú chìa vôi và các loại linh tinh khác mà đừng có hoài công đuổi bắt làm gì vô ích (người ta đã thử rồi). Sực lên mùi một con chim gì đó chưa từng biết, nó làm máu trong người nôn nao. Bim đứng sững lại, đưa mắt nhìn Ivan Ivanưts, nhưng ông ta lại quay sang phía khác, tuyệt nhiên không nhận thấy một cái gì cả. Bim lấy làm ngạc nhiên: ông bạn thế ra không đánh hơi thấy. Vậy đích thị ông bị tật rồi! Và thế là Bim tự quyết định một mình: nó lặng lẽ nhoài người bước lên, tiến đến gần cái không biết là gì ấy, chẳng nhìn gì Ivan Ivanưts nữa. Bước chân nó mỗi lúc một dứt khoát hơn, nó dường như chọn kỹ từng điểm để đặt từng bàn chân xuống, làm sao cho không sột soạt, không vướng vào cành gai. Cuối cùng, cái mùi ấy mạnh quá đến nỗi không thể nào tiến lên được nữa. Và Bim đứng chết lặng tại chỗ, đờ ra như hóa đá, cái cẳng trước vẫn giơ lên, chưa kịp đặt xuống đất. Đó là bức tượng một con chó, dường như do một nhà điêu khắc điêu luyện tạo nên. Đó, lần đầu tiên nó đứng khựng lại rình mồi là đó! Sự thức tỉnh đầu tiên của lòng đam mê săn mồi, ham mê đến mức quên cả bản thân.
Ồ mà đâu phải, chủ nó khe khẽ bước tới bên nó, vuốt vuốt lên mình Bim đang rùng rùng xúc động:
- Tốt, tốt, cu con ạ. Tốt lắm. - Rồi nắm lấy cổ dề nó: - Tiến lên... Tiến lên...
Nhưng Bim chịu chết: đứt hơi rồi.
- Tiến... Tiến lên... - Ivan Ivanưts lôi nó.
Và nó cất chân bước! Rón rén, rón rén. Chỉ còn một tí nữa thôi, - cái chưa từng biết kia hình như sát đâu đây. Nhưng bỗng một hiệu lệnh gắt:
- Tiến lên!!!
Bim lao lên. Một con chim cun cút bay vọt ra ồn ào. Bim xốc tới và... đuổi theo, cắm đầu cắm cổ, dốc toàn lực.
- Lùi lại-i! - Chủ nó hét lên.
Nhưng Bim chẳng nghe thấy gì cả, dường như cũng chẳng có tai để mà nghe nữa.
- Lùi lại-i! - Một tiếng còi. Lùi lại-i! - Một tiếng còi nữa.
Bim cứ thế phóng thục mạng cho đến lúc mất hút con chim cun cút, sau đó quay trở về, vui vẻ, tươi hơn hớn. Nhưng thế này là thế nào nhỉ? Chủ nó mặt sa sầm, nghiêm khắc nhìn nó, chẳng vuốt ve nó. Mọi chuyện thế là rõ: ông bạn nó không đánh hơi thấy cái gì cả! Ông bạn bất hạnh... Bim liếm liếm tay ông với một vẻ thận trọng, qua đó nói lên một lòng thương xót đáng cảm động trước cái khiếm khuyết quá nổi bật có tính chất di truyền của con người thân cận nhất của nó.
Ông chủ nói:
- Mày thật chả ra thế nào cả, đồ ngốc ạ. - Rồi bằng giọng vui vẻ hơn: - Nhưng không sao, nào, ta bắt đầu, Bim, một cách thực thụ. - Ông tháo cái cổ dề ra, thay vào đó một cái khác (vướng víu khó chịu) và móc vào đó một sợi dây da dài: - Tìm đi.
Bây giờ thì Bim đi tìm một cái mùi chim cun cút, chỉ cái mùi ấy thôi. Và Ivan Ivanưts dẫn nó đến cái chỗ con chim vừa mới bay chuyền tới. Bim thật không ngờ là ông bạn mình đã nhìn thấy đại để cái nơi con cun cút đậu xuống sau cuộc đuổi bắt nhục nhã kia (đánh hơi thì tất nhiên ông ta chẳng thấy đâu, nhưng nhìn thì ông ta đã nhìn thấy).
Và cái mùi ấy, chính nó đây rồi! Bim không để ý sợi dây da, lao thẳng lên, kéo, kéo, ngẩng cao đầu mà kéo căng ra... Một lần nữa nó lại dừng lại! Nó sửng sốt trước vẻ đẹp kỳ lạ của ánh nắng trên nền trời chiều, một vẻ đẹp dễ mấy ai hiểu nổi. Ivan Ivanưts xúc động run lên, nắm lấy đầu dây da, cuộn chặt vào tay, khẽ ra lệnh:
- Tiến... Tiến lên...
Bim kéo cương bước đi. Và một lần nữa lại đứng khựng lại.
- Tiến lên!!!
Bim lại lao bổ lên, như lần đầu. Lần này con chim cun cút vỗ cánh phành phạch bay vọt lên. Bim lại xông lên một cách ngớ ngẩn để đuổi bắt con chim, nhưng... sợi dây da giật mạnh bắt nó phải nhảy lùi lại.
- Lùi lại!!!! - Chủ nó quát. - Lùi lại!!!
Bim ngã xuống, quay lơ.
Nó chẳng hiểu là thế nào. Và một lần nữa lại kéo căng dây cương về phía có con cun cút.
- Nằm xuống.
Bim nằm xuống.
Và một lần nữa mọi sự lặp lại, lần này là với một con chim cun cút khác. Nhưng bây giờ Bim cảm thấy cái giật của sợi dây cương sớm hơn lần trước, và nghe thấy lệnh thì nằm bẹp xuống, run lên vì xúc động, vì hăng say và đồng thời cũng vì buồn, và nản: tất cả những cái đó hiện ra trong bộ dạng nó, từ mũi đến đuôi. Mà đau thật cơ! Và không phải chỉ vì sợi dây cương ác nghiệt đáng ghét kia, mà còn vì cái gai bên trong vòng cổ dề nữa.
- Vậy đấy, Bim ạ. Phải thế, không khác được. - Ivan Ivanưts âu yếm vuốt lông Bim.
Chính từ ngày ấy Bim đã trở thành con chó săn thực thụ. Cũng từ ngày hôm ấy nó đã vỡ nhẽ ra rằng chỉ mình nó, chỉ một mình nó thôi là có thể biết được con chim ở đâu, còn ông chủ nó thì chịu, và cái mũi ông ta có chẳng qua chỉ là để cho đẹp mắt. Bắt đầu một sự nghiệp thực thụ mà cơ sở của nó là ba tiếng: không được, lùi lại, tốt.
Rồi sau đó - chao ôi! Sau đó là khẩu súng! Một phát nổ đoàng. Con cun cút rụng xuống như bị dội nước sôi.
Và té ra là đuổi bắt chim cun cút là một chuyện hoàn toàn không nên, chỉ tìm nó thôi, xùy cho nó bay lên, rồi nằm xuống. Mọi việc sau đó do ông bạn nó đảm nhiệm.
Thế là hòa: Chủ không có tài đánh hơi, chó không có súng.
Tình bạn đầm ấm và lòng chung thủy đã biến thành niềm hạnh phúc như vậy đó, bởi vì bên nọ hiểu bên kia và không đòi hỏi ở bên kia nhiều hơn cái mà bên kia có thể cho được. Đó là cơ sở, là hương vị của tình bạn.
Lên hai tuổi Bim đã trở thành một con chó săn xuất sắc, cả tin và ngay thẳng. Nó đã biết được gần một trăm từ liên quan đến săn bắn và cuộc sống ở nhà: Ivan Ivanưts nói “Đưa đây” ư, - Xong ngay; nói “Đưa dép đây”, - nó đưa. “Mang bát đến đây”, nó mang đến; “Ngồi lên ghế!” - nó ngồi. Thế đã ăn thua gì! Chỉ nhìn mắt nó là đã hiểu rồi: chủ nhìn người nào bằng con mắt thân thiện thì đối với Bim cũng từ cái phút ấy người ấy là người quen; chủ nhìn bằng con mắt ác cảm ư thì Bim có lần thậm chí đã nổi đóa lên nữa, ngay cả khi nó bắt nhận được trong giọng nói người kia một cái ý nịnh nọt (nịnh ngọt như mía lùi). Nhưng Bim không cắn ai bao giờ, dù có bị xéo lên đuôi. Ban đêm, nó sủa lên để báo trước có người lạ đang tới, xin mạn phép thế thôi chứ cắn thì không, trong bất kể trường hợp nào. Quả thật là thông minh có nòi.
Về đầu óc thông minh thì Bim đã biết cả đến như thế này: nó đã tự hiểu ra được, bằng cái trí não của chính bản thân nó mà đi tới được chỗ biết cào cửa để người ta mở ra cho. Có lần Ivan Ivanưts bị ốm, không đi dạo với nó được và thả cho nó đi một mình, Bim chạy nhông một tí, giải quyết những việc cần thiết rồi vội vã trở về. Nó đứng dựng lên hai chân sau, cào cào cánh cửa, khẽ kêu ăng ẳng vài tiếng như khẩn cầu, và cánh cửa đã mở ra. Chủ nặng nề lê bước lệt sệt ra hành lang đón nó, vuốt ve nó, rồi lại lên giường nằm. Đó là những khi ông chủ nó, một người đã luống tuổi, bị ốm (và càng ngày ông càng hay bị ốm vặt thế, điều mà Bim không thể không nhận thấy).
Bim nắm được rất chắc; cứ cào vào cửa, thế nào người ta cũng sẽ mở cho vào; cái cửa sinh ra chính là để cho người ta có thể vào được: khắc yêu cầu, khắc vào được. Đứng trên quan điểm của một con chó, đó đã là một niềm tin vững chắc.
Có điều là Bim không biết, nó không biết và không thể biết được rằng niềm tin ngây thơ ấy về sau này đã đem lại cho nó biết bao sự vỡ mộng và tai ương, nó không biết và không thể biết rằng có những cánh cửa không mở ra, dù nó có cào đến mấy.
Nhưng đó là chuyện về sau, chuyện chưa biết, và bây giờ chỉ còn một điều để nói: Bim, một con chó có tài đánh hơi xuất sắc, dẫu sao cũng vẫn là đáng ngờ: nó không được cấp giấy chứng chỉ chó nòi. Ivan Ivanưts đã hai lần đưa nó đi triển lãm: người ta đã đưa nó xuống đài không cần đánh giá. Nghĩa là nó bị loại.
Nhưng Bim vẫn cứ không phải thuộc một dòng giống vô tích sự, mà là một con chó thực thụ, tuyệt vời: nó đã bắt đầu công việc săn chim từ lúc tám tháng tuổi. Và săn ra săn! Những muốn tin rằng trước mắt nó mở ra một tương lai tốt đẹp.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét