Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 13

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 13

Trước khi đưa vấn đề kết nạp Batsana vào đảng ra thường vụ quận ủy, Batsana được mời lên trao đổi ở quận ủy.
Batsana vào văn phòng quận ủy, chào ba người đàn ông ngồi bên chiếc bàn dài và ngồi xuống một chỗ ở đầu bàn.
- Đồng chí Ramisvili, cuộc nói chuyện giữa chúng ta hôm nay mang tính chất thủ tục. Nó chỉ có một mục đích: đảng phải biết rõ đảng tiếp nhận người như thế nào vào hàng ngũ của mình. Cho nên, nếu đồng chí không phản đối, chúng tôi sẽ nêu ra với đồng chí một số câu hỏi. Có thể đồng chí cũng sẽ hỏi lại chúng tôi. - Một người đàn ông nói, ông ta ngồi ở bàn, mé bên phải, trước mặt ông là hồ sơ cá nhân của Batsana.
- Vâng, được, cứ theo như quy định. - Batsana đáp và cảm thấy tim đập gấp. Cuộc nói chuyện này giống kỳ thi, chỉ khác một điều là các giám khảo có thể hỏi bất cứ điều gì.
- Trước hết, ta hãy làm quen với nhau. Chúng tôi là những người bônsêvich già. Tên tôi là Alêcxandr, họ tôi là Iordanisvili. - Người đàn ông mở đầu cuộc nói chuyện tự giới thiệu. - Còn đây là các bạn tôi: Vanô Banđơzêlatzê và Đavit Managatzê.
- Rất hân hạnh, chào các đồng chí!
- Xin mời ngồi! - Giọng Iordanisvili thấp, khàn, mặt rỗ, mũi gồ, mắt màu nâu sáng. - Tôi muốn biết điều này: tại sao cho đến giờ đồng chí không vào đảng?
Batsana vẫn chờ đợi câu hỏi đó, ông đã có sẵn câu trả lời khuôn sáo: tôi tự thấy chưa đủ vững vàng để đảm nhiệm sứ mệnh đó, còn bây giờ, khi đã nắm vững... và vân vân. Nhưng ông trả lời khác:
- Cho đến giờ đảng chưa kết nạp tôi!
- Tại sao? - Banđơzêlatzê hỏi, đấy là người đàn ông mặt hơi đỏ, mũi tẹt, mắt nhỏ, lanh lợi. Batsana không thể nào định rõ màu mắt ông ta.
- Bố mẹ tôi bị xử trí. - Batsana nói thêm.
- Hiện giờ đã được minh oan, - Iordanisvili nói và nhìn các bạn.
- Đồng chí vào đoàn Thanh niên cộng sản như thế nào? - Managatzê hỏi, quay cái đầu to tướng, bù xù như đầu chó chăn cừu Kapkazơ về phía Batsana, nhìn ông bằng con mắt chăm chú, rất hiền.
- Tôi giấu chuyện bố mẹ tôi bị bắt...
Những người nói chuyện với ông ngạc nhiên nhìn nhau.
- Ờ, nhưng... Chẳng lẽ ở trường không ai biết chuyện đó ư? - Managatzê hỏi.
- Biết. Cả bí thư chi đoàn Kômxômôn cũng biết.
- Vậy mà đồng chí ấy làm ngơ?
- Vâng.
- Tại sao?
- Đồng chí ấy là bạn thân của tôi... Đấy là những năm chiến tranh gay go... Hồi ấy, nếu chỉ để phô trương thì người ta không vào đoàn...
- Còn những ai biết nữa?
- Tất cả... Trừ quận ủy.
- Thế mà không ai lộ ra?
- Vâng, không ai nói lộ ra! - Iordanisvili trả lời thay cho Batsana và đặt hồ sơ cá nhân của ông sang một bên.
- Vậy đồng chí nghĩ thế nào, liệu đồng chí có được kết nạp vào đoàn không, nếu người ta biết bố mẹ đồng chí bị xử trí?
- Không, không kết nạp!
Bắt đầu im lặng.
- Đồng chí cho biết, - Banđơđêlatzê, - đồng chí có còn oán hận về việc cha mẹ của đồng chí không?
Batsana biết ông phải trả lời “không”: lạ thật, đồng chí nói chuyện oán giận gì kia chứ!
Nhưng ông thích nói sự thật hơn:
- Có chứ! - Tay run lên, ông lấy một điếu thuốc lá trong hộp.
- Cho tôi một điếu! - Managatzê đưa tay ra, ông cũng không kém phần xúc động.
Batsana đưa hộp thuốc và diêm cho ông.
- Rồi sau thế nào?... Đã hết oán giận rồi hay là... - Banđơđêlatzê hỏi và lấy một điếu thuốc lá trong hộp.
- Hết rồi... Nhưng nhiều năm sau, nó lại xuất hiện. - Batsana châm thuốc hút.
- Vào hồi nào?
- Sau khi được phục hồi... Sau khi bố mẹ được phục hồi, lẽ ra vui mừng, tôi lại cảm thấy nỗi hận đắng cay... - Batsana tắt điếu thuốc và lập tức châm điếu khác. - Bởi vì trong tất cả những năm ấy, chúng tôi đã ngậm oan, chịu đựng bao nhiêu đau xót, nhục nhã, thiếu thốn...
- Bây giờ cha mẹ đồng chí ở đâu? - Iordanisvili hỏi.
- Các người không còn nữa...
- Và bây giờ đồng chí mang theo tình cảm như thế vào đảng ư? - Banđơđêlatzê hỏi.
Batsana ngẫm nghĩ. Banđơđêlatzê nhay nhay điếu thuốc lá một cách nóng nảy. Sự im lặng kéo dài. Cuối cùng Batsana lên tiếng:
- Tôi biết, lịch sử đầy rẫy những điều oái oăm... Con người phạm sai lầm là chuyện thường tình, dù muốn hay không. Rồi sau đó người ta sửa chữa sai lầm của mình: có những người sửa chữa sớm hơn, có những người muộn hơn. Một số khác, khi từ giã cõi đời vẫn đinh ninh rằng mọi việc mình làm đều đúng. Các thế hệ sau sẽ phải sửa chữa những sai lầm của họ... Những người gây đau xót cho tôi đã chịu trách nhiệm đầy đủ, thực ra họ không còn ở trên đời này nữa... Bây giờ lên cầm quyền là thế hệ của tôi, những người lớp tuổi tôi. Tôi không có quyền trả thù. Trái lại, tôi có bổn phận đứng bên cạnh họ, ít ra là để không cho những sai lầm tương tự tái diễn. Nhất là tôi tin ở sự nghiệp của họ, coi đó là sự nghiệp của chính mình... Lại còn điều này nữa, và đây là cái chính: nhà văn không có quyền chủ quan! Nếu nhà văn mất ý thức khách quan thì sáng tác của anh ta không đáng giá một xu.
Banđơđêlatzê gật đầu hài lòng. Iordanisvili nêu câu hỏi mới:
- Đồng chí có biết lá thư của Vladimir Ilits Lênin gửi các đảng viên cộng sản Azecbaigian, Gruzya, Armênya, Đaghetxtan và nước cộng hòa Gorxki không?
Batsana suy nghĩ hồi lâu, rồi đáp:
- Kính thưa đồng chí Alêcxandr, liệu tôi có được kết nạp vào đảng không, nếu bây giờ vỡ lẽ ra rằng tôi không biết lá thư đó hay những lá thư khác của đồng chí Lênin?
Iordanisvili bối rối, im lặng.
Thế là Batsana nói tiếp:
- Điều đồng chí hỏi tôi chỉ là điều cá nhân đồng chí muốn biết, hay là điều bắt buộc phải biết?
- Đó là điều nên biết, đồng chí Ramisvili ạ... Bức thư đó gửi cho chúng ta và bạn bè chúng ta.
Batsana cảm thấy rất ngượng nghịu. Ông đứng lên và định nói gì, nhưng Iordanisvili nói trước:
- Tạm biệt, đồng chí Ramisvili! - và cũng đứng lên.
Batsana giật mình. “Thế là hết!” - một ý nghĩ đáng sợ thoáng qua trong đầu và ông cảm thấy đau nhói trong ngực. Ông ngồi xuống và hai tay ôm lấy ngực chỗ tim đập.
- Đồng chí làm sao thế? - Managatzê lo lắng.
Batsana thu hết sức lực đứng lên.
- Không sao, Davit kính mến, sẽ qua thôi... Hết rồi! - Batsana mỉm cười.
- Ngày mai, lúc một giờ, vấn đề của đồng chí sẽ được thảo luận ở thường vụ. Tôi cho rằng mọi việc sẽ tốt thôi... Còn bức thư ấy thì dù sao đồng chí cũng nên đọc lại, nếu có thời giờ. - Iordanisvili khuyên.
- Đồng chí Alêcxandr kính mến, thư “Gửi các đồng chí cộng sản Azecbaigian, Gruzya, Armênya, Đaghetxtan, nước cộng hòa Gorxki”, Lênin viết ngày mười bốn tháng Tư năm một nghìn chín trăm hai mươi mốt, rồi ngày tám tháng Năm năm đó, bức thư được đăng trong tờ “Sự thật Gruzya” số năm mươi nhăm.
- Đồng chí là con người kì quặc. Ramisvili ạ! - Iordanisvili mỉm cười. - Tạm biệt.
- Tạm biệt, hết sức cám ơn các đồng chí! - Batsana bắt tay tất cả mọi người và ra khỏi văn phòng đảng ủy.
*
*    *
Lúc một giờ, Batsana được mời vào phòng làm việc của bí thư thứ nhất quận ủy. Ông vào, cúi chào tất cả các quận ủy viên ngồi bên chiếc bàn tháo gấp và nhìn dãy ghế dựa chạy dài dọc chân tường, không biết ngồi chiếc nào và không biết trong trường hợp như thế này có nên ngồi không.
- Mời đồng chí ngồi! - Ông nghe thấy một giọng nói quen thuộc. Batsana ngẩng đầu lên và mãi đến giờ ông mới thấy đồng chí bí thư quận ủy trẻ tuổi. Đồng chí bí thư nheo mắt phải, mỉm cười nhìn Batsana. Batsana ngồi ở giữa dãy ghế.
- Tôi cho rằng không cần giải thích. - Đồng chí bí thư quận ủy đứng lên. - Batsana Ramisvili thì tất cả chúng ta đều biết. Hôm nay đồng chí sẽ trở thành người của đại gia đình chúng ta... Tôi sẽ đưa các đồng chí xem đơn, lý lịch và lời giới thiệu...
- Không cần! - Có người nào nói.
Bí thư đặt hồ sơ cá nhân của Batsana sang một bên và nói với những người có mặt:
- Còn ai hỏi gì nữa không?
- Tôi xin hỏi một câu! - Một ủy viên thường vụ nói.
Batsana cảm thấy lạnh buốt trong ngực.
- Xin mời!
Bắt đầu một lúc im lặng mà Batsana tưởng như cả một thế kỷ.
- Này, đồng chí Ramisvili, tại sao đồng chí vào đảng?
Tất cả quay về phía Batsana. Ông đứng lên, đưa khăn lau mặt và chuẩn bị trả lời, nhưng bỗng đổi ý. Ông phải nói gì với những người giờ đây đang có quyền quyết định Batsana Ramisvili có được là đảng viên cộng sản hay không? Batsana biết, trong những trường hợp như thế này câu trả lời thông thường là: ông hoàn toàn tán thành cương lĩnh và điều lệ đảng, ông sẵn sàng luôn luôn làm tròn mọi nhiệm vụ và điều lệ đảng giao cho, ông muốn trở thành người tích cực xây dựng xã hội cộng sản... - tất cả những điều đó ông đã thuộc lòng, nhưng nói ra lúc này ông thấy là thừa, kỳ cục. Bởi vì, để làm như thế, không nhất thiết phải là đảng viên cộng sản. Ngoài ra, trong số các ủy viên thường vụ, ông không thấy ai là người có ý làm khó dễ cho ông... Đột nhiên Batsana nói:
- Tôi muốn trong đảng có thật nhiều người chính trực! - Nói đoạn, ông ngồi xuống.
Trong phòng như có luồng gió nhẹ thoảng qua, tiếng thì thầm ngạc nhiên lan ra. Rồi không khí im lặng bao trùm, Batsana không ngẩng đầu lên. Ông nghe thấy lời đồng chí bí thư:
- Các đồng chí, tôi biết Batsana Ramisvili từ thuở bé và có thể nói rằng đồng chí ấy là người cộng sản đến tận xương tủy. Tôi coi đồng chí ấy là đảng viên cộng sản, tôi ủng hộ việc kết nạp đồng chí ấy. Ai tán thành kết nạp Batsana Akakiêvitx Ramisvili làm đảng viên dự bị đảng cộng sản Liên Xô thì đề nghị giơ tay lên.
... Đến đây xảy ra một điều hẳn là chưa từng thấy trong lịch sử một đảng: chính Batsana Ramisvili cũng giơ tay cùng với những người khác.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét