Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Quy Luật Của Muôn Đời - Chương 12

Quy luật của muôn đời

Tác giả: Nodar Dumbadze
Người dịch: Phạm Mạnh Hùng
Nhà xuất bản Văn Học - 9/1984

Chương 12

Sau khi Bulika chết, giáo sư ra lệnh không xếp bệnh nhân nào vào phòng Batsana và cha đạo, còn chiếc giường trống thì đem đi, để nó khỏi gợi cho hai người bệnh những ý nghĩ buồn phiền. Nhưng cái chỗ bỏ trống lại gây nên cảm giác nặng nề hơn nhiều so với chiếc giường không.
Mỗi sáng, khi thức giấc, Batsana và cha Iôram bất giác đưa mắt nhìn về cái chỗ mới đây đặt giường của Bulika và tim họ thắt lại vì nhớ đến những gì đã trải qua. Rồi cả ngày, trong lúc chuyện trò, hầu như cứ chốc chốc, đang nói nửa chừng họ lại ngừng lời, chờ một câu pha trò và một câu đối đáp bông đùa của Bulika.
Cứ như thế ngót hai tuần lễ. Rồi thời gian phát huy hiệu lực, Batsana và cha đạo dần dần đã quen với sự thiếu vắng Bulika... Một buổi sáng, cha Iôram hỏi Batsana một câu bất ngờ:
- Ông Batsana kính mến, hẳn ông sẽ được mai táng trong điện Pantéon Dudubixki chứ?
Thoạt tiên Batsana bật cười, rồi lo ngại:
- Thế nào, cha mơ thấy chuyện gì chẳng lành ư?
- Tôi có nằm mơ, nhưng giấc mộng không can gì đến ông, mà đến tôi kia. - Cha Iôram đáp một cách buồn rầu.
- Nếu vậy thì cha nên hỏi người ta mai táng cha ở đâu, chứ không phải là mai táng tôi... Cha đang bầy ra một mưu mẹo gì đấy thôi! - Batsana nghi ngờ.
- Chính thế... Nếu ông sẽ được mai táng trong điện Pantéon thì có lẽ cũng sẽ có một chỗ cho tôi ở đấy, trong sân nhà thờ...
- Ồ, theo cái nguyên tắc như thế thì tôi phải được mai táng trong sân Hội nhà văn... Nhưng nếu cha làm thế nào để được cất nhắc làm cha bề trên của nhà thờ Dudubixki thì rất có thể là mộ của chúng ta sẽ ở sát cạnh nhau!
- Vậy là chỗ của ông trong điện Pantêông đã được đảm bảo, không thì ông đã không đùa như thế! - Cha Iôram kết luận.
- Cha lầm rồi, thưa cha!
- Tại sao?
- Là bởi vì điện Pantêông Đuđubixki đã đầy chật từ lâu. Không nhét nổi tôi vào nữa đâu... Trừ phi đặt đứng... Dù sao, có một điều tôi tin chắc: cả cha lẫn tôi đều sẽ không đến nỗi không được chôn cất.
Cha Iôram thở dài.
- Nhưng cha mơ thấy chuyện gì mới được chứ, thưa cha? - Batsana muốn biết.
- Vâng, tôi sẽ kể ông nghe... Tất cả những người quá cố mà trước kia tôi đã hát kinh đưa tiễn họ sang thế giới bên kia đều tụ tập trong sân nhà thờ Ortatsala và chờ tôi ra!
- Rồi thế nào? Cha ra chứ?
- Như một tên ăn mày mạt hạng, một thằng hèn nhát, một con thỏ đế, tôi nấp sau điện thờ... Tôi nhớ là lúc ấy tôi xấu hổ đến muốn gào lên hay tự sát quách đi cho rồi!...
- Thưa cha, tự sát là hình thức cao nhất biểu thị quyền tự trị của con người. Nhưng tiếc rằng đạo của cha cấm làm việc đó, bởi vì việc đó bị coi là một tội lớn nhất, là sự hủy diệt linh hồn! - Batsana nói bằng giọng thống thiết.
- Theo tôi biết, các ông cũng không hoan nghênh việc tự sát. - Cha Iôram đáp.
- Phải, cũng có một số điều cách nhìn nhận của chúng ta trùng với nhau. Vì thế tôi đã từng nói với cha rằng cha có thể trở thành một người cộng sản tốt. - Batsana nhắc lại.
- Còn tôi vẫn nhớ hồi ấy tôi đã trả lời ông rằng cũng có thể xảy ra điều ngược lại. - Cha Iôram chống đỡ.
- Xin đừng mưu cầu chuyện đó, cha ạ, không thì tôi sẽ làm cho cả xứ đạo của cha thành cộng sản hết cho mà xem.
- Còn phải nói! Một người cộng sản, lại là nhà văn thì còn lợi hại hơn một trăm linh mục! Tôi chỉ còn một hy vọng: sự hóa kiếp của linh hồn. Khi nào ông đầu thai kiếp khác xuống cõi thế này thì ông sẽ tin Chúa trời là có thực. - Cha Iôram làm dấu thánh.
- Cha ạ, nhà văn là con chó trung thành của nhân dân... Tôi không tin chuyện linh hồn đầu thai kiếp khác, nhưng nếu có chuyện như thế thì chắc chắn hồn tôi sẽ đầu thai kiếp chó. Thành thử sau khi tôi chết, xin cha hãy yêu thương những con chó lạc loài, đừng ném đá vào nó, vì có thể một trong những con chó ấy là tôi.
- Nghe ông nói vui tai lắm, ông Batsana kính mến ạ! Nhưng nếu hồn mỗi nhà văn qua đời đều đầu thai thành kiếp chó lang thang thì sống trên đời không có gì đáng thèm ước. - Cha Iôram mỉm cười mỉa mai.
- Chẳng có gì đặc biệt, nhất là nếu linh hồn của cha sẽ đầu thai thành kiếp chó sói.
- Sao lại thành chó sói?
- Đấng chăn chiên lại lẩn trốn đàn chiên của mình thì hẳn không thể hòng mong kiếp sau được làm sư tử! - Batsana nói, cố giấu nụ cười.
Cha Iôram ngọ nguậy trên giường, và không tìm được câu trả lời, cha bực bội quay mặt đi.
- Nhưng cha đừng lo, - Batsana nói tiếp. - Giấc mơ của cha là điềm lành. Cha sẽ sống lâu trăm tuổi.
Cha Iôram nguôi giận, lại bắt chuyện:
- Này, ông ạ, nếu phỏng theo cấp bậc hành chính của các ông thì chức sắc của tôi tương đương với chức vụ gì chẳng hạn?
- Nhưng trong xứ đạo của cha có bao nhiêu người?
- Chúng tôi không đăng ký giáo dân.
- Thôi được. Thế nhà thờ thu nhập được bao nhiêu do quyên góp.
- Biết nói thế nào đây... Dù sao cũng không đủ để sửa sang nhà thờ...
- Vậy thì nếu phong theo cấp bậc hành chính của chúng tôi, chức sắc của cha sẽ tương đương với chức vụ chủ nhiệm câu lạc bộ xã. - Batsana định rõ địa vị xã hội của cha Iôram.
- Ông giễu cợt đấy ư?
- Sao lại thế?
- Tôi đã tốt nghiệp trường dòng kia mà?
- Đa số các chủ nhiệm câu lạc bộ của chúng tôi có trình độ đại học, chí ít cũng có trình độ chuyên nghiệp trung cấp, xoàng nhất là như thế! Và họ được tặng những danh hiệu như thế nào! Nhà hoạt động nghệ thuật công huân, cán bộ văn hóa công huân!... Trong số các linh mục có lấy một người nào là linh mục công huân của nước cộng hòa không? Tôi chưa từng nghe nói có người nào như thế! - Batsana khoái chí ra mặt.
Cha Iôram buồn rầu.
- Xin cha đừng buồn! Hãy chuyển sang phía chúng tôi, tôi cam đoan với cha: chúng tôi sẽ bổ nhiệm cha làm cán bộ của huyện ủy!
- Ông Batsana kính mến! - Linh mục bực tức thực sự. - Ông hạ cố đến đây để làm gì? Để làm tan rã giới tu hành chính giáo chúng tôi hay để chữa bệnh nhồi máu của ông?! Hãy theo chúng tôi, tôi sẽ phong ông làm trợ tế, nếu ông muốn.
- Can gì phải tức giận, thưa cha? Nếu như đạo của cha đúng thì sau khi chết, tôi sẽ hoàn toàn ở dưới quyền sai khiến của cha kia mà. Lúc ấy cha muốn làm gì tôi tùy ý. - Batsana vừa nói vừa cười.
- Không đâu, anh bạn ạ! Ở thế giới bên kia hai ta không thể nào gặp nhau được! - Cha Iôram xẵng giọng đáp.
- Tại sao vậy? - Batsana tỏ ra buồn rầu.
- Tại sao nữa! Nói theo ngôn ngữ cộng sản thì lý lịch của ông không cho phép giới thiệu ông lên thiên đường! Con đường của ông dẫn thẳng xuống địa ngục! Hiểu chưa?
- Thế còn tình bạn của chúng ta? Lẽ nào cha lại không che chở cho tôi? - Batsana quyết định gợi lòng trắc ẩn của linh mục.
- Ông là miếng mồi quá ngon cho quỉ xa-tăng! Sự che chở của tôi chưa chắc đã giúp được ông...
- Cho dù tôi có chịu lễ ban thánh thể đi chăng nữa?
- Ông sẽ xưng tội chứ?
- Nhưng nếu không có tội thì sao?
- Đương nhiên ông thì làm gì có tội được kia chứ! Thế giới của các ông và những việc các ông làm, các ông coi là chân chính!... - Cha Iôram tỏ ý, không buồn nói chuyện nữa.
- Những người tín ngưỡng thật là sung sướng, cha Iôram ạ... Chúng tôi tin vào sự nghiệp của chúng tôi... - Batsana đáp một cách nghiêm chỉnh.
... Chị y sĩ Giênya vào phòng bệnh. Batsana và cha Iôram lập tức lật chăn ra, nằm úp xuống và phơi trần ra cái chỗ để tiêm. Giênya cười vang.
- Đắp chăn vào, đắp chăn vào, các đồng chí! Lần này tôi đến với hai bàn tay không... Có khách đến thăm đồng chí, đồng chí Batsana kính mến ạ, đồng chí không thể tiếp khách với bộ dạng như thế được!
- Khách à? Người đó cần gì? - Batsana cảnh giác.
- Người đó quan tâm đến sức khỏe của đồng chí... Để cái bô lại hay đem đi? - Giênya vẫn cười.
- Đàn ông hay đàn bà?
- Đàn bà. Bà ta bảo là chỗ thân thiết với đồng chí.
- Thế thì cứ để cái bô ở đây. - Batsana nói, chuẩn bị đón gặp bà khách mới.
- Hiểu rồi!
Giênya đi ra. Liền đó trong phòng bệnh xuất hiện một người đàn bà nom cương nghị, tóc bạc, tuổi trung niên, tay mang cái cặp bìa giấy to phồng. Bà ta đứng lại ở giữa phòng, nhìn quanh, hơi ngần ngừ, rồi đi tới giường cha Iôram.
- Chào đồng chí! Tôi là bạn của gia đình đồng chí. Nina Xanêblitzê! - Bà ta nói và không đợi mời, ngồi ngay xuống trước mặt linh mục.
- Bạn của gia đình ư? - Ông linh mục hỏi lại.
- Vâng. Bố của đồng chí là Akaki và bố tôi là Lada cùng học với nhau ở trường trung cấp kĩ thuật công nghiệp từ năm một nghìn chín trăm mười sáu.
- Nói thực tình, bà cần nói chuyện với ai kia chứ? - Linh mục ngạc nhiên, ném một cái nhìn về phía Batsana, vẻ dò hỏi. Batsana nhăn mặt thảm thiết, tỏ ý cầu xin Iôram cứ tiếp tục câu chuyện.
- Với ai là thế nào? - Người đàn bà đáp, không kém phần ngạc nhiên. - Với đồng chí chứ còn với ai?
- Bà quen tôi ư? Chúng ta đã từng gặp nhau rồi ư? - Iôram bắt đầu nhập vai.
- Trời ơi, chuyện ấy mà lại khó khăn đến thế chăng? Khắp xung quanh, trên đài truyền thanh, trên ti vi, lúc nào cũng nghe thấy và trông thấy: Batsana Ramisvili, Batsana Ramisvili... Nhưng của đáng tội, đồng chí nom đã đổi khác... Đã để râu...
- Vâng, trong phòng hơi lạnh... - Cha Iôram đưa tay vuốt râu và đắp chăn kín hơn.
- Tất nhiên! Không đùa với bệnh được! - Người đàn bà đồng ý.
- Hừ-ừm... Bà gặp tôi có việc phải không, thưa bà? - Cha Iôram đã mất kiên nhẫn.
- Vâng. Đồng chí cảm thấy trong người thế nào?
- Cảm ơn bà. Hiện giờ khá hơn rồi... Còn bà thế nào, thưa bà?
- Tôi ấy à?! Tôi chết mất, tôi nguy ngập, tôi chìm nghỉm, tôi đau xót, tôi hấp hối! - Người đàn bà tuôn ra một tràng.
- Vậy tôi có thể giúp được gì cho bà không? - Cha Iôram ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ.
- Giúp à? Không phải là giúp, mà là cứu vớt! - Người đàn bà đòi hỏi.
- Liệu tôi có thể làm nổi không? - Cha Iôram hồ nghi.
- Sao?! Đồng chí ấy à? Batsana Ramisvili mà không làm được à? - Người đàn bà phá lên cười một cách giả tạo. - Chỉ một lời của đồng chí, một lá thư của đồng chí, một tiếng điện thoại...
- Vậy bà yêu cầu điều gì? Xin nói rõ đi! - Cha Iôram cho rằng cuộc nói chuyện của ông với người đàn bà lắm mồm này đã có chiều hướng giống như cuộc đối thoại mới đây giữa Batsana với tên đểu cáng thu mua thuốc lá.
- Ngày 2 tháng 8, giữa thanh thiên bạch nhật, người ta đã công nhiên cắt cổ con trai tôi!
Cha Iôram sững sờ.
- Ai? Ở đâu? - Khó khăn lắm ông mới thốt được lên lời.
- Cái thằng ăn hối lộ vô liêm sỉ, quân mặt thớt... Ở giảng đường số một trăm linh bảy trường đại học tổng hợp... - Người đàn bà nói bằng giọng bi thảm và bỗng liến thoắng nói thêm:
- Đồng chí tưởng rằng sau khi hắn ta ra đi đã có cái gì thay đổi à?
- Ai ra đi?
- Hắn ta! - Người đàn bà trợn ngược mắt nhìn lên trần nhà. - Hắn đã cắt cổ cả tôi, cả con trai tôi, thằng xỏ lá!... Thằng bé bị khiêng ra khỏi giảng đường... Ba năm trời! Ba năm tôi cho thằng bé chuẩn bị về ba môn: tiếng Gruzya, tiếng Anh, môn lịch sử! Bảy trăm rúp mỗi môn! Thế mà không ngờ...
Hiểu rằng Xanêblitzê-con vẫn sống và lành mạnh, cha Iôram thở dài nhẹ nhõm.
- Thế còn ở trường phổ thông? Nó không học ở trường phổ thông ư?
- Thế đồng chí, đồng chí có học ở trường phổ thông không? Ở đấy người ta đã dạy đồng chí được gì?
Cha Iôram không biết trả lời ra sao, đành lẳng lặng cúi đầu xuống.
- Hắn đòi thằng bé đọc thuộc lòng “Di huấn của Aptanđin”! [Một chương trong “Dũng sĩ khoác da hổ” của Sôta Ruxtavêli]. Thằng khốn kiếp! Lẽ ra hắn phải hỏi bọn học trò của hắn, những đứa đã bị hắn lột mỗi tên bảy trăm rúp về công dạy riêng! Mà cái chương ấy thì chính Ruxtavêli cũng không thuộc, nếu không thì ông ấy viết ra làm gì?!
- Ô, chớ nói thế! - Cha Iôram phản đối.
- Thế thì thế nào? Đồng chí tưởng chính hắn đã đọc cái di huấn đáng nguyền rủa ấy ư? Cái thằng ăn của đút khốn nạn ấy!
- Tại sao bà nghĩ như thế?
- Chẳng việc gì mà phải nghĩ! Nhìn mặt cái thằng đều ấy là đồng chí thấy rõ ngay!
- Tôi không thể tin được! - Cha Iôram không chịu nhượng bộ.
- Ta cuộc nào! - Người đàn bà đề nghị, chìa tay ra.
- Cuộc gì? - Linh mục bằng lòng, ông đã bắt đầu hăng lên.
- Muốn cuộc gì cũng được! Nói chung những đứa trẻ đã thuộc lòng Ruxtavêli, lịch sử thế giới và tiếng Anh thì không còn có việc gì làm ở trường đại học nữa! Có dốt mới cần đi học! Đúng thế!
- Thôi được. Vậy thì ta cần làm gì bây giờ? - Cha Iôram cắt đứt việc tuyên truyền những luận điểm mới về giáo dục phổ thông và đại học.
- Đồng chí phải giúp tôi - Người đàn bà tuyên bố.
Cha Iôram nhìn Batsana, tìm sự ủng hộ. Nhưng Batsana dùng khăn tay che miệng, chỉ lắc đầu.
- Bằng cách nào? - Thất vọng, linh mục hỏi.
- Đồng chí hãy đến gặp Bộ trưởng bộ Đại học.
- Nhưng tôi đang nằm bệnh viện kia mà?...
- Gọi điện hay viết thư cho đồng chí ấy...
- Viết cái gì?
- Viết rằng thằng bé là chỗ họ hàng với đồng chí, là học sinh ưu tú, được đào tạo chu đáo, là vận động viên thể thao, còn gì nữa nhỉ?
- Tôi không biết. - Cha Iôram rên rỉ.
- Đây là chứng chỉ của nhà trường. Trong đại hội thể thao của học sinh, nó chiếm giải ba, nhảy xa ba mét, nhảy cao một mét mười bảy...
- Nếu vậy thì cho nó vào trường đại học thể dục thể thao là tốt hơn hết! Ông bạn tôi kia là vận động viên thể thao, ông ấy giúp được đấy! - Cha Iôram trỏ sang Batsana.
Batsana bỏ tấm khăn trên mặt, gật đầu.
- Đồng chí nói gì vậy?! Trường đại học thể dục là thế nào? Tôi giáo dục một đứa con trai, chứ không phải là một con dê con!
- Sao lại thế, thưa bà? - Batsana tỏ ra phật ý, - Đumbatzê, Gôkiêli, Khơnưkina, Giughêli đều đã tốt nghiệp trường đại học thể dục thể thao... [Những nhà thể thao nổi tiếng trong quá khứ]
- Ông là vận động viên thể thao à? - Người đàn bà ngắt lời Batsana.
- Vâng.
- Ông cũng bị nhồi máu ư?
- Vâng.
- Đáng đời cho ông!
Batsana nhếch mép cười:
- Cám ơn!
Người đàn bà cố chữa lại thái độ bất nhã của mình:
- Cầu Chúa ban sức khỏe cho ông!
- Bà tin Chúa à? - Cha Iôram mừng rỡ.
- Thế Chúa đã giúp được gì nhiều cho những người tin Chúa? Đồng chí hãy giúp tôi đi, như vậy đồng chí sẽ là Chúa của tôi và cứu tinh của tôi.
- Tôi không thể giúp được, có giết tôi đi cũng thế thôi. - Cha Iôram thở dài.
- Đồng chí là đại biểu Xô Viêt, là ủy viên trung ương, là tổng biên tập tờ báo mà lại không giúp được ư? - Người đàn bà ngạc nhiên thành thực.
- Thưa bà, thế bà không đọc nghị quyết của Trung ương đảng về tệ bao che à? - Linh mục hỏi, ông đã mất bình tĩnh.
- Ở đây có gì là bao che?! Tôi xin cho con trai tôi, chứ có phải cho người khác đâu? - Người đàn bà cố nài một lần chót.
- Không! Nhất là nó đã bị điểm hai rồi! Thôi, ta không nói chuyện ấy nữa!... Cha Iôram tuyên bố dứt khoát và quay mặt vào tường.
- Thôi được... - Người đàn bà chịu thua. - Thế thì đồng chí giúp tôi một việc khác vậy...
- Còn chuyện gì nữa?! - Cha Iôram giật mình.
- Thì ra đồng chí là cha đỡ đầu của ông chủ tịch Ủy ban quân Mồng một tháng năm... Thế này nhé, chúng tôi có một vấn đề nhỏ về chuyện nhà ở. Người hàng xóm của chúng tôi được cấp một căn hộ bốn phòng ở Xôlôlaki [Tên cũ của một quận ở Tbilixi]. Vì lẽ gì, do công lao gì thì không biết... Chúng tôi muốn lấy thêm căn phòng của người đó. Con trai tôi ở trại cải tạo viết thư về cho biết nó định lấy vợ. Nó sắp mãn hạn rồi. Có cần lo đến việc ấy không? Cần chứ!... Thực ra cũng có một người ngấp nghé căn phòng đó, nhưng nó thuộc về chúng tôi là hợp lý. Nếu đục một cái cửa và xây thêm một cầu thang bên thì có thể qua căn buồng đó nối liền bếp và hành lang của chúng tôi với căn hộ hai phòng của gia đình bên cạnh. Chúng tôi đã tìm được cho người này một căn hộ ở đại lộ Txêrêtêli. Kể thì có hơi xa, diện tích nhỏ hơn bốn mét mười bốn xentimet, nhưng chúng tôi đang cho sửa sang thêm và chồng tôi sẽ đặt điện thoại không mất tiền cho họ. Còn bên cạnh căn hộ đó, có một bà ốm yếu sống một mình trong một căn buồng. Cầu trời ban sức khỏe cho bà ta, bà ta sắp chết rồi. Năm ngoái bà ta nhận chồng tôi là con nuôi, chúng tôi nuôi người đàn bà khốn khổ ấy và chăm sóc bà ta. Nếu bây giờ không đăng ký được cho con trai thứ của tôi vào đó thì sẽ mất đứt căn buồng, đồng chí hiểu chứ? Bao nhiêu công sức của chúng tôi sẽ đi tong hết!... Chỉ một tiếng điện thoại của đồng chí là xong, đồng chí Batsana kính mến ạ! Chúng tôi sẽ ngày đêm cầu phúc cho đồng chí...
- Thực tình tôi rất khó khước từ việc bà nhờ cậy, nhưng... tôi không quen biết ông chủ tịch đó... - Cha Iôram lau mồ hôi trán.
- Nhưng ông ấy biết đồng chí! - Người đàn bà kêu lên.
- Tôi lấy làm ngờ về điều đó... - Cha Iôram thốt lên, cầu cứu Batsana bằng cái nhìn nhiều ngụ ý. Thương hại vị linh mục tội nghiệp, Batsana tích cực can thiệp vào cuộc nói chuyện đã kéo dài:
- Tôi biết hoàn toàn đích xác là hai người không quen nhau!
- Tôi không thể tin được!
- Xin thề có mẫu thân tôi! - Batsana đặt tay lên tim.
- Có lẽ ông giúp được tôi chăng? - Người đàn bà quay lưng về phía cha Iôram và nhìn Batsana với niềm hy vọng.
- Tôi chỉ có mối quen biết ở trường đại học thể dục thể thao thôi...
- Thôi được, sang năm con trai thứ tôi tốt nghiệp phổ thông. Nó bơi rất giỏi, ở Kôiubêti nó bơi xa bờ hàng trăm mét, lấy đá ở dưới đáy sông lên! Xin ông cho biết họ của ông, sang năm tôi sẽ quấy quả ông. - Người đàn bà lấy trong xắc ra cuốn sổ tay và cây bút chì.
- Nếu đến lúc ấy tôi còn sống...
- Quả có thế... Tôi có cái hạnh phúc đáng ghét là... Dù sao xin ông cứ cho biết họ của ông để khi nào cần đến...
Đến đây Batsana làm hỏng cả tấn kịch. Quên phắt mất chuyện đóng trò, ông đáp với niềm tự hào ra mặt:
- Tôi là Batsana Ramisvili!
Ngạc nhiên quá, hàm người đàn bà trễ xuống và cây bút chì đờ ra trong tay bà ta.
Batsana toát mồ hôi lạnh.
- Ông nói gì vậy?!
- Vâng, tôi là Ramisvili! - Batsana nhắc lại.
- Thế còn ông kia là ai? - Bà ta trỏ Iôram.
- Cha bề trên của nhà thờ Ba ngôi Ortatsala, cha Iôram Kanđêlaki.
Hai tay người đàn bà thõng xuống và mặt bà ta xám đi.
- Vậy mà con người ấy lại hỏi tôi có tin Chúa hay không ư?!
- Thưa bà, đành là tôi có lỗi một phần, nhưng... - Cha Iôram biện bạch.
Người đàn bà đứng dậy. Bầu không khí im lặng ngượng ngập bao trùm trong phòng.
- Lòng nhân đạo của ông để đâu? - Bà ta ném lên Batsana một cái nhìn căm giận.
Batsana lặng thinh nhún vai và đặt vào dưới lưỡi một viên valiđôn.
- Những tên hề! - Người đàn bà đốp một câu và rời khỏi phòng bệnh.
- Ồ... thật là không hay! - Cha Iôram nói.
- Rất không hay nữa là khác. Tất cả chỉ là tại tôi. Xin cha rộng lòng thứ lỗi...
- Tôi tha thứ cho ông, bởi chính tôi cũng có lỗi không kém, nhưng cái chính là tôi thương ông! Chẳng lẽ trên đời không có người nào chăm lo đến sức khỏe của ông và chỉ thế thôi ư? - Giọng cha Iôram chứa chan niềm thông cảm thực sự đến nỗi chính Batsana cảm thấy tủi thân. - Rõ ràng là nhiều người đến quấy quả ông, và có nhiều người ông đã phải giúp đỡ họ, phải không?
- Về phần cha thì dễ dàng thôi, người ta đến quỳ gối trước cha và chỉ cầu xin một điều: cứu rỗi linh hồn... - Batsana không muốn nói chuyện ấy nữa.
- Ông lâm vào cảnh như thế đã lâu chưa?
- Từ khi tôi làm cán bộ biên tập tờ báo... Nếu tôi sống được thì sau khi ra viện tôi sẽ thây kệ mọi sự đời!... Tôi đã mất bộ dạng con người, cha ạ, mà đã biến thành chủ tịch một ban từ thiện kiểu đó... Tôi đã làm mọi người chán ngấy về những điều thỉnh cầu bất tận của tôi...
- Làm việc thiện là điều hợp ý Chúa. - Linh mục nói.
- Tôi đồng ý với cha, và suốt đời tôi cố gắng làm điều tốt cho mọi người, nhưng... Cha nghĩ sao, cái bà ấy... bà ta có đáng được thông cảm không?
- Một mụ điêu toa đạo đức giả! - Cha Iôram trả lời cả quyết.
- Thế cha nhìn nhận như thế nào về những kẻ bịp bợm tương tự như vậy, tay cầm nến, quỳ gối cầu xin Chúa ban ân huệ?
- Ông Batsana kính mến ạ, chúng tôi có một ưu thế so với các ông: người cầu xin của chúng tôi trực tiếp kêu cầu với đấng tối cao để được người cứu giúp.
- Tôi biết, tôi biết, thưa cha! Các cha vận dụng một công thức vạn năng, bao trùm, không ràng buộc một trách nhiệm nào cả: “Đấy là ý Chúa!” hay “Ý Chúa không muốn như thế!”. Một công thức thuận tiện, khỏi phải nói!... Còn chúng tôi buộc phải tuân theo những công thức phức tạp và hoàn toàn cụ thể: “Cái đó bất hợp pháp” và “Như thế là hợp pháp”. Và chúng tôi phải đấu tranh, cha hiểu chứ? Đấu tranh, chứ không phải là cầu nguyện để mong diệt trừ sự vi phạm luật pháp và khẳng định pháp chế! Kẻ phạm tội thì các cha dành cho Chúa phán xử, còn chúng tôi thì trao cho cơ quan tư pháp!... Cuộc sống của các cha thật là an nhàn, cha Iôram ạ!...
Linh mục không trả lời, kéo chăn trùm kín đầu và im bặt.
-... Dẫu sao con người có bổn phận gieo rắc điều thiện. - Ông ta nói sau một hồi lâu im lặng.
- Nhưng trong đời nhiều khi không dễ đoán được cái hạt giống ta gieo sẽ mọc lên thứ quả như thế nào... Nếu cha muốn biết, tôi sẽ kể hầu cha một chuyện trong đời tôi, tuy nó giống chuyện cổ tích nhiều hơn...
- Hay lắm! Rất vui lòng! - Cha Iôram ló đầu ra khỏi chăn và sẵn sàng nghe.
*
*    *
- Có lần cô thư ký mở cửa phòng làm việc của tôi và nói:
- Thưa đồng chí Batsana Akakiêvitx, có một con khỉ xin được gặp đồng chí!
- Cho vào.
Một con khỉ nhỏ nhắn bước vào, chìa ra bàn tay ướt và lạnh (đặc điểm của tất cả những kẻ nịnh hót và lừa bịp), đặt lên bàn mấy tờ giấy viết kín đặc, rồi nó lui vào một góc và nhìn tôi với cặp mắt chứa chan hy vọng.
Tôi xem qua mấy tờ giấy. Thì ra đó là một mớ tạp nhạp những câu hóm hỉnh, những câu châm ngôn, những câu nói bóng, đại loại là như thế, nói chung là những cái người ta thường đăng ở cột cuối các số báo chủ nhật dưới đầu đề chung: “Những câu thú vị...”. Cái mớ tạp nhạp ấy cũng tạm được, xứng với một con khỉ.
“Có lẽ theo thuyết Darwin, tới một lúc nào đó con khỉ này cũng sẽ thành người”. - Tôi nghĩ thế và cho đăng mấy câu hóm hỉnh của nó. Tôi còn nhớ một trong những câu đó như thế này: “Con người phải có nhiệt độ thực sự cao để đi tìm nhiệt kế trong các hiệu thuốc của chúng ta”.
- Được đấy! - Cha Iôram cười vang.
- Hồi ấy tôi cũng nghĩ như vậy... Rồi con khỉ lại đến. Không ai còn nhận ra nó nữa: nó ăn vận như người, thậm chí còn tươm tất hơn. Nó mang đến những câu bông đùa và châm ngôn khác nhau. Tôi đọc và căn cứ vào văn phong, tôi biết ngay tác giả của nó là khỉ.
“Này, - tôi nói. - Chú mày có phải là con khỉ mới hồi nọ đến đây phải không?”.
“Vâng, tôi chính là con khỉ đó. Tôi rất muốn trở thành người và tôi cầu xin ông giúp tôi điều đó”.
“Nhưng mi phải biết rằng con người do lao động tạo nên. Hãy chịu khó lao động đi, kiên nhẫn một chút!”.
 “Tôi biết, điều đó tôi đã từng đọc trong sách. Nhưng tôi thuộc giống khỉ không đủ kiên nhẫn. Hơn nữa, đa số người đời hiện giờ đã coi tôi là người rồi mà”.
“Thôi được, tùy mi, - Tôi đồng ý, - ta sẽ đăng cho mi mấy câu bông đùa và châm ngôn nữa, nhưng như thế phỏng có lợi gì cho mi không? Mi sẽ vẫn cứ là khỉ như trước kia mà?”.
“Ấy, ông chớ làm tôi bị lộ!” - Con khỉ cầu van, cảm ơn rồi ra về.
- Bản tính tôi vốn nhân hậu. Tôi thương con khỉ, nhất là nó bắt chước ngôn ngữ và hành động của con người rất khéo, tôi đã cho in một vài cái trong số “những tác phẩm” của nó. Tôi nghĩ rằng thôi thì cứ để cho nó được thích thú, nó có thể gây tác hại gì nào? Thế là con khỉ của chúng ta đã lên làm người...
- Nhưng chẳng lẽ không ai nhận thấy rằng đây vẫn là khỉ chứ không phải người ư? - Cha Iôram ngắt lời Batsana.
- Cha có thể tưởng tượng được không, người ta không nhận ra! Nhận biết một người đã biến thành khỉ dễ hơn nhận ra một con khỉ đã thành người... Mới đây thôi, ở vườn bách thú của chúng ta có ba con khỉ đã trốn mất. Công an triệu tập một cuộc họp công tác, bàn cách làm thế nào bắt lại thật nhanh chóng mấy con khỉ đã trốn thoát. Cuộc họp hơi kéo dài. Thế là một công an viên đứng lên nói: “Đồng chí trung tá, xin nói cho gọn thôi, kẻo không mấy con khỉ trà trộn lẫn với người thì chúng ta đừng hòng phát hiện ra!”.
- Rồi thế nào nữa? - Cha Iôram hỏi với vẻ sốt ruột.
- Bắt lại được hai con, còn con thứ ba thì hiện giờ vẫn đang tìm kiếm... Thôi, tôi kể tiếp câu chuyện của tôi... Con khỉ của chúng ta đã thành người... Mấy năm sau nó lại đến tòa soạn. Lần này nó đem đến... những truyện ngắn. Tôi đọc và phát khiếp lên.
“Con khỉ vô phúc kia, - tôi nói. - Mi làm cái trò bôi bác gì thế này? Mi mang cho ta cái mớ bòng bong gì vậy?!”.
“Sao lại thế? - Nó bực tức. - Với tư cách một nhà phê bình, tôi rất thích những truyện ngắn của tôi là đằng khác!”.
“Sao, - tôi ngạc nhiên. - Mi đã trở thành nhà phê bình rồi ư?”.
“Vâng. - Nó trả lời với vẻ trang nghiêm. - Tôi là nhà phê bình, tôi có học vị, tôi giảng bài trên đài phát thanh, trên hệ thống truyền hình, trong tổ chức của hội “Kiến thức” và tại một trường đại học nữa kia”.
Tôi thương những sinh viên đã nghe con khỉ giảng bài, nhưng tôi có thể làm gì được? Tôi không phải là chủ nhiệm khoa, không phải là hiệu trưởng trường đại học để có thể tống cổ nó đi. Vả chăng, về mặt tinh thần, tôi cũng không có quyền làm việc đó, bởi chính tôi đã đưa con khỉ lên làm người!
- Nhưng ít nhất ông cũng có thể báo cho mọi người biết rằng nó... rằng con vật ấy... gã giảng viên ấy là con khỉ chứ! - Cha Iôram trách Batsana.
- Tôi có nói rồi đấy, cha ạ, có nói đấy, nhưng muộn mất rồi... “Chính anh là khỉ thì có!”, người ta trả lời tôi như vậy đấy.
- Đáng đời ông! - Linh mục buột miệng nói.
- Đúng thế! - Batsana đồng ý.
- Vậy ông đã làm thế nào? - Cha Iôram hồi hộp thực sự.
- Tôi làm cái việc mà tôi có thể làm được: trả lại nó những truyện ngắn.
- Thế nó làm gì?
- Nó làm um lên! Nó nói: ấy là vì tôi không phải là hội viên Hội nhà văn! Nhưng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ là hội viên, lúc ấy rồi sẽ biết tay nhau! - Một ý muốn thôi thúc tôi bảo với nó rằng khỉ không có chỗ trong Hội nhà văn, nhưng tôi im lặng.
- Tại sao ông lại im lặng, ông Batsana kính mến?! - Cha Iôram cất cao giọng.
- Thưa cha Iôram, là bởi vì trước đó đã nhiều lần tôi giới thiệu và bỏ phiếu cho những con khỉ còn trong sạch hơn con này... - Batsana ngừng bặt.
- Sau này ông không gặp lại nó nữa chứ? - Đã yên tâm, cha Iôram hỏi.
- Thế thì còn nói làm gì! Nó đã trở thành hội viên Hội nhà văn, thậm chí còn kết bạn với tôi nữa. Mỗi khi uống mừng sức khỏe của tôi, nó tôn xưng tôi như thể tôi đích thị là bố nó... Rồi sau khi tôi được đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Xô viết, nó cố tình đến gặp đồng chí bí thư quận ủy và cảm ơn đồng chí ấy.
- Đừng làm tôi phát điên lên!
- Sự thể đúng như vậy! Thì ra nó đến gặp đồng chí bí thư và nói: “Nhân danh các nhà văn Gruzya, giới bạn đọc, các cán bộ trong tòa soạn của tờ báo do đồng chí Batsana Ramisvili quý mến của chúng ta phụ trách và rất nhiều bạn bè của đồng chí ấy, tôi muốn bày tỏ với đồng chí, thưa đồng chí Nikôlai Pêtrôvitx kính mến, lòng biết ơn nồng nhiệt về việc đồng chí đã dành cho đồng chí Batsana sự tin cậy cao cả như vậy. Chỉ có một người cộng sản có tính nguyên tắc, can đảm và cao quý như đồng chí mới có thể nhận định về Batsana Ramisvili chỉ căn cứ vào những phẩm chất cá nhân của đồng chí ấy, chứ không chú ý gì đến quá khứ của đồng chí ấy...”.
“Quá khứ thế nào?” - Bí thư quận ủy ngạc nhiên, hỏi.
“Dạ, chẳng có gì đặc biệt đâu! Thật thú vị khi thấy đồng chí không để ý gì đến những cái lặt vặt, chẳng hạn trước đây cha mẹ Ramisvili đã từng bị xử trí, bản thân đồng chí ấy thời thanh niên cũng đã ngồi tù một thời gian... đành là do sự hiểu lầm... Nhưng đồng chí hiểu đấy, lý lịch là lý lịch... Hay chẳng hạn, mới đây, trong tờ báo do Ramisvili biên tập, thay cho từ “Những người bônsêvich” lại viết là “Những người mensêvich”... Vâng, lòng nhân từ, tính nguyên tắc của đồng chí chính là ở chỗ đó!... Làm ngơ trước những sự việc tương tự, tỏ lòng tin cậy cao cả đến mức ấy đối với một người còn rất trẻ và nói chung là chưa có công lao gì lắm, dám liều lĩnh gánh lấy trách nhiệm, có thể nói như vậy, chỉ có một người lãnh đạo giàu kinh nghiệm và có tính nguyên tắc như đồng chí mới dám làm, thưa đồng chí Nikôlai Pêtrôvitx kính mến, tôi không đủ lời lẽ để nói lên lòng biết ơn đồng chí sao cho xứng đáng. Cảm ơn đồng chí, một lần nữa cảm ơn đồng chí!”.
- Con khỉ đã nói với bí thư quận ủy như thế đấy... - Batsana kết thúc câu chuyện của mình.
- Thế bây giờ nó ở đâu? - Cha Iôram hỏi, vận dụng cái lưỡi đã khô rát của mình một cách khó nhọc.
- Tôi không rõ... Chưa biết chừng ngày mai nó sẽ đến thăm tôi cũng nên...
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét