Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Trên mảnh đất người đời - Chương 4

Trên mảnh đất người đời

Tác giả: Anatoli Ivanov
Dịch giả: Thái Hà
Nhà xuất bản Văn Học - Năm 1985

4

Đoạn đầu cuộc đời của Đêmiđôp trôi qua không sướng cũng không khổ. Anh sinh ra và lớn lên trên bờ sông Ênitxây, con sông tuy ít cá, nhưng được cái đẹp không thể nào tả xiết. Bố anh hi sinh khi đang là du kích - ông ở trong đội du kích của Kalanđarasvin thần thoại. Mẹ anh là người phụ nữ nhỏ nhắn rụt rè, ít nói - không hiểu sao lúc nào bà cũng giấu đôi tay sần sùi thô kệch sau cái vạt áo trước, như xấu hổ không dám giơ chúng cho mọi người thấy, - và như tất cả những người phụ nữ khác, bà cũng gia nhập nông trang Kônmôgôrôvô. Và Đêmiđôp lúc đầu cũng làm việc cho nông trang này, sau đó phục vụ trong quân đội thường trực, và đến đầu năm ba mươi thì phục viên về làng.
- Bây giờ thì con hãy lo cưới vợ đi, Pasenka, - mẹ anh mấy lần thúc giục anh, - Mẹ yếu lắm rồi.
Nhưng rồi chuyện cưới xin của anh không hiểu sao không thành. Sau đó anh bắt đầu chờ đến khi Maria khôn lớn.
Maria lớn lên là một cô gái hay cười - và đó chính là điểm khiến anh chú ý ngay từ đầu. Năm mười bốn tuổi cô đã là một cô gái có thân hình cân đối, khỏe mạnh, có bộ ngực rất nở. Đến năm mười sáu tuổi cô đã biết hôn thành thạo và anh, Paven, đã dạy cô ta chuyện đó. Tuy hôn cô, nhưng ngay trong ý nghĩ cũng không bao giờ anh có ý định đụng đến thân thể cô, anh hiểu rằng - trong khi chưa cưới làm như vậy là quá sớm và chẳng để làm gì?
- Thế bao giờ chúng ta mới cưới? - cô thường hỏi anh như vậy.
- Sắp rồi, em cứ lớn thêm chút nữa đi. Để cho giống của chúng ta càng khỏe hơn.
Đến năm Maria mười bảy thì trong ủy ban xã xuất hiện một cán bộ mới - Đênix Maksêep. Hắn ta cũng trạc tuổi Đêmiđôp, cũng mãn hạn quân thường trực từ lâu, nhưng về làng thì đi đâu cũng vẫn mặc chiếc áo khoác cổ đứng của quân đội, chiếc quần màu xanh sẫm, cho vào trong đôi ủng da mềm. Không những thế người hắn lúc nào cũng sực mùi nước hoa. Bấy giờ ở nông thôn hãy còn cho chuyện đó là chuyện quái gở. Con gái mà bôi thứ nước gì thơm thì bị mọi người nhiếc móc, còn con trai mà làm chuyện đó thì thật là nhục nhã.
Đênix Maksêep là người ở đâu - không ai biết. Cánh đàn bà con gái trong làng xì xào với nhau rằng hình như anh chàng người ở thành phố Kraxnôiarxkơ, nơi trước kia bố anh ta có cửa hàng bán bột mì hay bánh mì gì đó. Nhưng đàn bà vẫn là đàn bà, chẳng ai hơi đâu tin vào những lời ngồi lê đôi mách của họ. Vả lại cũng chẳng thấy ai cần bận tâm để ý chuyện gốc gác của con người mới đến làm gì. Người nào cử anh ta giữ chức vụ ký vào các loại giấy chứng nhận của ủy ban, chắc họ phải biết họ cử ai, nghĩa là họ phải biết rõ hơn về anh ta.
Một hôm Đêmiđôp bắt gặp Maria đi chơi với Maksêep trên bờ sông Ênitxây. Maksêep đang say sưa kể chuyện gì cho Maria nghe, một chân bó chặt trong ống quần màu xanh của hắn đặt lên một hòn đá lớn. Maria thì ngồi trên mũi thuyền cứ cười như nắc nẻ.
- Anh ấy nói chuyện dí dỏm lắm. - Maria nói với Đêmiđôp khi anh dẫn cô từ bờ sông về.
Chuyện đó xảy ra đâu vào tháng năm năm ba mươi tám. Đêmiđôp định hết mùa xuân năm đó sẽ làm lễ cưới, và mẹ anh đã lặng lẽ chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết cho ngày cưới.
- Con nhỏ trông kháu đáo để, chỉ tội hiểu biết nông cạn lắm. - Một hôm gặp Đêmiđôp ở giữa làng, Maksêep nói với anh như vậy.
- Nghĩa là thế nào? - Đêmiđôp thấy chột dạ.
- Cô ta cần có người chồng hiểu biết. Mà chú mày hiểu biết quái gì? Chú mày ngửi hoa mà không biết mùi thơm.
Đêmiđôp không bao giờ đề cao mình, nhưng cũng không cho phép ai hạ thấp anh. Hơn nữa, anh cũng không phải là một đứa trẻ nhút nhát sợ sệt, nên lập tức anh túm ngay lấy cổ áo Maksêep:
- Mày! Tao mà nhấc bổng mày lên ném xuống thì mày chỉ có tan xương.
- Bỏ cái bàn tay bẩn thỉu ra! - Maksêep đỏ bừng mặt, nắm cổ tay Đêmiđôp giật ra khỏi cổ áo. Hắn cũng là tay có sức khỏe. - Tao sẽ bẻ gãy xương mày rồi quăng xuống sông Ênitxây. Tao đã nói là làm đấy, chú mày ạ. Tao đã ở trong đội kỵ binh, đã từng giơ kiếm chém đứt cả thân cây đấy.
Sau đó hai người chia tay nhau, mặt đỏ tía tai, quần áo xộc xệch, cả hai đều cảm thấy trước sau sẽ còn chạm trán nhau.

- Việc gì cô đi kể với nó chuyện cưới xin? - Ngay tối hôm đó Đêmiđôp trách Maria.
- Anh ấy nói chuyện dí dỏm lắm - cô trả lời giống lần trước - Mà anh ấy có làm gì chúng ta đâu, anh đừng nghĩ oan...
Nhưng Đêmiđôp vẫn phải suy nghĩ, vì chỉ sau đó ít lâu anh lại bắt gặp Maria đi cặp kè với Đênix Maksêep. Cô ta lại cười giòn khanh khách thề rằng cô ta gặp hắn chỉ do tình cờ và vừa mới đây thôi.
Một hôm cô ta còn bênh vực cho Maksêep:
- Em biết là anh không ưa anh ấy. Nhưng hiểu biết của anh ấy còn nhiều hơn tất cả đám con trai trong làng.
- Thế hả? Nếu vậy cô đi mà lấy hắn!
Lập tức Maria gục đầu vào ngực anh thổn thức:
- Pasenka! Em yêu anh, yêu anh. Nhưng lúc ở bên anh ấy, hình như em... em lại yêu anh ấy, chứ không phải anh... Anh hãy giữ em khỏi rơi vào tay anh ấy. Em không biết làm thế nào, anh hãy giữ lấy em. Nếu không em có tội mất...
- Được rồi, - Đêmiđôp thốt lên bằng giọng đe dọa rồi đi thẳng đến ủy ban xã.
Tại ủy ban xã hai người nói chuyện với nhau một cách rất bình tĩnh, nhẹ nhàng như hai người bạn thân. Sau đó cả hai bước ra khỏi ủy ban, sóng bước đi ra phía sau làng. Maksêep vừa đi vừa cắn hạt hướng dương và phun vỏ một cách rất thản nhiên.
Đi hết làng Kônmôgôrôvô là bắt đầu đến rừng taiga, họ tìm một chỗ quang đãng vắng vẻ. Maksêep cởi áo khoác bộ đội còn Đêmiđôp thì cởi áo vét và áo sơ mi ngoài ra. Cả hai xếp thật cẩn thận quần áo của mình lại rồi đặt lên cỏ.
Họ lặng lẽ quần nhau một trận rất lâu, không ai nói với ai câu nào, đấm đá nhau đến chảy máu, mỗi lúc một ác liệt hơn, xé rách nát những tấm áo lót của nhau. Họ đã thỏa thuận sẽ đánh nhau đến khi nào một người bị ngã bất tỉnh. Theo luật chung, khi một kẻ đã ngã thì kẻ kia sẽ không đánh nữa, nhưng người nào không ngã sẽ được Maria.
Rốt cuộc cả hai đều đứng vững, nhưng người nào cũng kiệt sức. Thậm chí máu Đêmiđôp còn chảy ra cả đằng tai, Maksêep thì nhổ ra hai chiếc răng cửa.
- Rồi mày sẽ còn biết tay, - Maksêep vừa lấy đống quần áo lau máu trên mặt, vừa nói không thành tiếng.
- Mày đã nhận là mày thua chưa? - Đêmiđôp nói giọng cũng lạc hẳn đi.
- Không đời nào.
- Thế thì khoan hãy mặc quần áo, thằng lái buôn! Tiếp tục cho đến khi nào phân thắng bại, như đã thỏa thuận.
Đêmiđôp định xông vào Maksêep, nhưng hắn đã vội vã nhặt ngay cành thông ở dưới đất lên:
- Mày làm gì thế? Đã thỏa thuận chỉ đánh nhau tay không thôi cơ mà!
Đề phòng xa Đêmiđôp cũng đưa tay sờ dưới gốc cây và tìm được một chiếc gậy to.
- Tao nói cho mày biết, đồ con lợn kia, - Maksêep vừa thở hổn hển vừa nói. - Dù tao có là lái buôn hay gì đi nữa thì mày cũng không hòng được trông thấy Maria đâu. Tốt nhất là mày hãy tình nguyện bỏ cô ấy đi. Nếu không sẽ hối không kịp đấy. Tao sẽ có cách bắt mày phải từ bỏ. Tao nói là làm đấy, chú mày ạ.
- Thì mày cứ việc chờ. Cứ ngồi ngó ra đường mà chờ thằng Paven này cầm tay Marka dắt đến cho mày và bảo: đây, mời ông hãy lấy đi!
- Thôi, tao đã nói, và mày đã nghe thấy rồi đấy. Nghĩa là mày hãy tự chọn lấy số kiếp của mày...
Bấy giờ Đêmiđôp chưa rõ Maksêep là người như thế nào nên cũng không hình dung được hắn định âm mưu dành cho anh một số phận ra sao.
Mùa hè đã thôi nóng, bầu trời cũng nhạt đi, và chẳng bao lâu sau lá cây đã rụng đầy. Một hôm Đêmiđôp ngồi ở nhà bố mẹ Maria cho đến tận khuya để bàn về số khách mà một tuần sau sẽ được mời đến dự cưới. Cuối cùng mọi người nếm thử món rượu do bà mẹ Maria tự tay cất lấy để dùng cho ngày cưới. Bình rượu do chính tay Maria bưng ra, trông cô ta xanh xao nhợt nhạt, mặt cúi gầm xuống đất. Khi rót rượu ra mấy cái cốc, mấy ngón tay cô ta cứ run run.
Mãi khi tiễn Đêmiđôp ra về, cô ta mới ngước đôi lông mi rậm của mình lên. Hai đồng tử trong con mắt cô ta giãn ra, và trong đôi mắt bây giờ đã mở tròn đọng lại một nỗi hoảng hốt tựa như một tiếng kêu không thành tiếng.
- Em làm sao thế, Marka? - Đêmiđôp hỏi.
- Paven... Không hiểu sao em thấy như có cái gì đè nặng trong lòng. - Cô ôm chầm lấy anh. Paven nghe thấy tim cô đập thình thịch.
- Chắc tại em mệt quá đấy. Thôi, em đi nghỉ đi.
- Vâng, em đi đây, em đi đây... Anh uống thêm một chén nữa nhé?
- Được thôi, em rót đi.
Khi rót ra chén rượu cuối cùng ấy, không phải chỉ có tay mà cả tấm lưng Maria run lên.
- Xin mời anh.
Giọng nói của cô lúc này nghe rất xa lạ, và trong ánh mắt không còn thấy cả nỗi hoảng hốt lẫn tiếng kêu thầm lặng nữa. Đôi mắt cô ta trông trống rỗng, nguội lạnh như đã cháy thành tro. Dù Paven có say đến mấy anh vẫn nhận ra tất cả những dấu hiệu đó, anh hỏi lại:
- Nhưng em làm sao thế?
- Ôi, Paven! Người ta bảo... trái tim đàn bà rất nhậy cảm... - cô thở dài, tựa hẳn người vào tường. - Em có linh cảm đây là lần cuối cùng chúng mình trông thấy nhau.
Tuy không phải lần cuối cùng, nhưng quả thực sau đó rất lâu, đúng hơn chục năm sau, họ mới lại gặp nhau.
Chén rượu đó hóa ra là chén rượu mạnh, đầu Paven rức như búa bổ, những ngôi sao tháng tám trên đầu anh như quay cuồng. Khi anh đi ngang qua kho thóc của nông trang thì từ sau một đụn rơm lớn Maksêep bước ra.
- Đây rồi... Tao chờ mãi dịp này.
- Tránh ra, tao đang say đây - Đêmiđôp bảo hắn.
- Thì chính tao đang cần mày như thế, chú em ạ, - Maksêep vừa nói vừa phang một vật gì rất cứng vào đầu Đêmiđôp. Đêmiđôp lảo đảo, ngã gục xuống đất.
Sau đó Maksêep cứ lấy mũi ủng đá vào đầu, vào ngực, vào mặt anh. Đêmiđôp chỉ còn biết nằm rên không thành tiếng cho đến khi ngất đi. Anh bị ngất chắc không lâu lắm, vì khi mở được mắt ra thì Maksêep vẫn còn ở cạnh đó. Hắn đang ngồi xổm cạnh đụn rơm như người đi ngoài. Bỗng nhiên Đêmiđôp nhìn thấy từ dưới tay Maksêep một con rắn lửa bò ra, bắt đầu liếm sang đụn rơm và lan dần sang kho thóc giống. Mặc dù trời tối cũng nhìn thấy rõ một cột khói đen nặng bốc lên.
- Mày, mày làm gì thế? - Đêmiđôp cố nhỏm người dậy hét lên như bị sặc khói - Mày làm gì thế?
- Không phải tao... Đó là mày làm đấy, chú mày ạ. - Maksêep đáp rồi nheo nheo mắt một cách nham hiểm từ chỗ kho thóc bốc cháy hắn tiến lại gần chỗ anh. - Ngay từ bây giờ mọi người sẽ biết chuyện này.
Đầu Paven ngoẹo hẳn sang một bên; như muốn rời ra. Sau đó, bằng ý thức mơ hồ, anh nhận ra Maksêep lại lấy ủng đá túi bụi vào người anh, nhưng anh không còn cảm thấy đau nữa. có một khối mầu đỏ da cam khổng lồ bùng lên trước mắt anh, loang rộng ra, rồi tắt đi một cách lặng lẽ...

Vì tội đốt kho thóc (mấy kho lúa mạch, một máy đập và hai máy quạt thóc bị cháy ra tro), Đêmiđôp bị kết án mười năm tù. Dù anh cố thanh minh đến mấy, mọi người thấy những lời lẽ của anh thật đáng thương và không có sức thuyết phục - vì tất cả cái trò đó là do Maksêep sắp đặt hết, và theo những tin đồn lẻ tẻ đến tai Paven, thì bây giờ hắn được mọi người suy tôn như vị anh hùng, vì đã bắt quả tang tên đốt kho thóc nông trang.
Từ đó cuộc sống của Paven như có bánh xe cứ lăn xuống vực mỗi lúc một sâu hơn.
Đêmiđôp bị giam trong một trại giam ở gần làng, nghe đâu như phải đi xây một cái mỏ gì đó trên khu đất đóng băng rất cứng. Vào mùa thu năm bốn mươi hai, đột nhiên anh bị người ta tống lên một toa tầu có cửa sổ bịt chấn song cùng với nhiều người khác, và chuyến đi không rõ nơi nào. Họ bị chở đi ròng rã gần một tháng, cuối cùng mới nhận ra là bị đưa ra mặt trận xung vào tiểu đoàn phạm binh.
Tuy là tiểu đoàn phạm binh nhưng vẫn dễ chịu hơn vì dù sao tầm mắt cũng được mở rộng hơn, đó là thế giới của những con người bình thường vẫn sống trên trái đất. Đêmiđôp tự đặt cho mình nhiệm vụ: dù anh có bị oan ức như thế, anh vẫn phải cố chứng minh rằng anh vẫn là con người, và mãi mãi vẫn là con người.
Nhưng, có lẽ người ta nói đúng: số phận thì hẩm hiu còn cuộc đời thì đen bạc. Có cảm tưởng như anh đã uống cạn chén rượu cay đắng của số phận, vậy mà dưới đáy vẫn còn lại cái cay đắng nhất. Và lại phải uống nốt cả chỗ cay đắng ấy.
Ngay trong trận đánh đầu tiên anh bị bắt làm tù binh.
Chuyện đó xảy ra vào tháng Mười một, ở gần ga Katsalinxkaia. Bấy giờ đang có tin đồn hồng quân đang chuẩn bị mở những cuộc tấn công lớn để hất bọn phát xít ra khỏi Xtalingrat. Và căn cứ vào tất cả mọi dấu hiệu thì những cuộc tấn công đó đã bắt đầu.
Đại đội phạm binh của anh được giao nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào cũng phải vượt qua sông Đông hãy còn đóng băng một nửa, sang được bờ bên kia thì đóng chốt ở đấy và bất luận thế nào cũng phải bám chốt.
- Người ta sẽ vượt sông ở đoạn khác, còn chúng ta thì bị đưa đi làm vật hi sinh, để đánh lạc hướng bọn Đức, - có một phạm binh mắc tội hình sự nói với Paven như vậy trước khi bắt đầu chiến dịch.
- Thì có sao, vì đằng nào phạm binh vẫn là phạm binh.
- Đã đành như thế... nhưng dù sao đưa đi làm vật thí mạng thì thật là... Nghe nói ở giữa sông băng mỏng lắm. Mà chúng ta phải đi qua chỗ đó.
- Thôi câm đi! - Paven cáu tiết quát lên.
- Này, cậu... Những lúc tập bắn, tớ để ý thấy cậu bắn súng trường cừ lắm, - gã tóc hung vẫn không chịu thôi. - Mà việc của chúng ta là - chỉ cần làm sao bị thương...
- Sao? - Paven thấy ngờ vực.
- Trong bao đạn của tớ còn hai viên đây. Và cả một túi vàng nữa.
- Cái gì? Cái gì?...
- Tớ nói là tớ có hai nghìn rúp. Cả đồng hồ nữa. Đây cậu cầm lấy. Và một viên đạn... Sắp sửa tấn công rồi và trước khi tấn công thế nào cũng có đợt bắn pháo. Chúng ta ra cái hốc kia đi? Cậu sẽ bắn một phát vào tay trái mình... Thế này này... Chỉ một tiếng vang nhỏ thôi - không ai nghe thấy đâu. Còn viên thứ hai mình sẽ bắn cho cậu... Nếu còn lành lặn, sau sẽ có ích đấy...
- Đưa đây! - Paven cau mặt nói - Đưa tất cả đây! Cả nghìn rúp kia nữa.
Những ngày đầu mới vào trại giam, Đêmiđôp rất sợ những tên lưu manh trộm cắp, nhưng sau đó anh rút ra bài học: loại người đê tiện này chỉ kính nể có sức mạnh, chúng phục tùng nó vô điều kiện, và một cái nữa, đó là sự đểu cáng, trắng trợn. Và anh đã học được cách sống với tụi này. Vì thế bây giờ, sau khi đã cầm lấy hai nghìn và chiếc đồng hồ, anh thong thả nhét nó vào túi. Sau đó quay lại, hít một hơi thật dài, giơ nắm đấm cứng như sắt thoi thẳng vào bộ mặt to bè của tên ăn cắp. Tên này ngã bay vào tuyết, ngồi phắt ngay dậy, lấy tay lau máu ở cằm.
- Đồ chó đẻ, - Paven bình thản nói. - Nếu khi xảy ra chiến sự mà mày định nấp sau lưng người khác thì tao sẽ nhằm không phải vào tay, mà vào đầu mày đấy. Và đừng có hi vọng tao bắn trượt. Mày sẽ phải đi trước tao, và coi chừng tao đấy!
Qua ánh mắt ngơ ngác hoảng hốt của tên lưu manh, Paven nhận thấy anh đã làm hắn khiếp sợ, đã bắt nó phải hoàn toàn phục tùng, mặc dù anh hiểu rằng, khi gặp cơ hội thuận tiện, tất nhiên tên tóc hung này sẽ không hề do dự bắn chết anh ngay. Nhưng cơ hội ấy còn chưa đến. Paven hiểu rõ điều đó như ai...
Câu chuyện đó không hiểu sao gieo vào lòng Paven niềm tin là anh sẽ sống.
Quả nhiên anh đã sống sót, nhưng giá anh đừng sống có khi lại hay hơn.
Ý đồ vượt sông ngày hôm đó thế là không thực hiện được. Hầu như cả đại đội phạm binh đã ngã xuống mặt băng một cách vô ích. Cả tên ăn cắp tóc hung, lúc nào cũng ngoan ngoãn chạy trước Paven, cũng bị ngã vì đạn của bọn phát xít, nằm phơi bụng trên băng. Chính Paven cũng ngã va đầu rất mạnh vào băng, đầu anh choáng váng như lần nào anh bị tên Maksêev lấy ủng đá túi bụi. Mấy đốt xương cổ của anh đau ê ẩm.
Đó là chi tiết cuối cùng mà Paven còn cảm thấy, hay nhớ ra được bằng một chút ý thức. Khi anh tỉnh lại thì thấy mình đã nằm trong một túp lều bẩn thỉu, chật chội, nghe thấy những tiếng nói xa lạ bằng tiếng Đức, và ngay lập tức, không ngạc nhiên và không hiểu sao thậm chí không hối tiếc, khi hiểu ra mình rơi vào đâu. “Chà, Maksêev, mày cứ chờ đấy!” - Anh chỉ nghĩ như vậy, như anh vẫn hằng nghĩ bao nhiêu ngày và bao nhiêu đêm trước đây, nhưng lần này không hiểu sao anh nghĩ với vẻ dửng dưng, không hề tức tối với hắn. Tựa như trong con người Paven lúc này không còn cái gì sống nữa, tất cả đã câm lặng.
Và với cảm giác câm lặng, hờ hững, thờ ơ với tất cả những gì xảy ra với anh như thế, anh đã sống thêm nhiều năm sau này nữa. Có lẽ chính cái đó đã giúp anh sống nổi.
Bọn Đức biết anh ở đại đội phạm binh, và cho anh là tên tù phạm hình sự, nên đã tuyển anh vào quân đội, thậm chí còn dỗ dành anh. Paven không hiểu đó là đội quân gì, nhưng anh từ chối. Và cuộc thuyết phục đã chuyển thành cuộc tra tấn dã man.
Sau đó không hiểu sao tự dưng chúng không động đến anh nữa, mà chuyển anh đến trại tập trung trên lãnh thổ Ba Lan. Ở đó sáng nào anh cũng phải đi thu nhặt xác chết trong toàn trại, chất lên lưng con ngựa khoang và chở về nhà thiêu xác.
Anh cứ đi thu nhặt xác chết như thế cho đến mãi tháng Giêng năm bốn nhăm. Đám tù nhân và ngay cả bọn Đức cũng đã quen với cảnh đó. Không bao giờ anh cạo râu, tóc cũng ít khi cắt. Râu tóc anh rậm rạp, lởm chởm trông như lão già, đến nỗi từ bọn Đức cho đến đám tù nhân hình như không ai xem anh là tù nhân nữa, mà coi là người đi nhặt xác thuê, không những thế lại là con người dở hơi.
Hồng quân đánh chiếm được trại tù binh một cách chớp nhoáng và bất ngờ. Thậm chí lúc đầu không ai nghe thấy tiếng súng bắn nhau, mãi về sau người ta mới thấy những chiếc máy bay hồng quân bay rất cao trên nóc trại, và sáng ra trước lúc rạng đông, trong các khu trại bỗng nghe thấy tiếng sắt kêu loảng xoảng. Người ta xua hết cả tù binh ra sân. Paven cũng nhảy bổ ra - sau hàng rào dây thép gai bao quanh khu trại, những chiếc xe tăng cứ lao đi rất nhanh, tiếng xích sắt kêu ầm ầm. “Không hiểu chúng đi đâu vội thế?” - Paven nghĩ thầm vì vẫn đinh ninh đó là xe tăng Đức.
Bỗng nhiên một chiếc quay ngoắt lại, đâm thẳng vào hàng rào dây thép gai, chọc thủng nó như chọc thủng cái mạng nhện, rồi dừng lại, quay nòng súng dài từ bên này sang bên kia, như lựa chọn xem nên nhả đạn vào đâu. Và Paven, nhìn thấy trên thành xe tăng hình ngôi sao năm cánh.

... Buổi sáng, khi mặt trời vừa mọc, Paven, tay bóp nát chiếc mũ trại, đứng trong đám tù binh đang la hét và khóc lên rưng rức vì sung sướng, xếp hàng chờ đến lượt trình diện người đại diện của Hồng quân đang kê khai danh sách tù binh.
- Khoan đã, người ngợm gì thế này? - Có tiếng người hỏi khi Paven vừa bước qua ngưỡng cửa. - Ở đâu ra mà gớm ghiếc thế này?
- Tôi là người Nga. Tên tôi là Đêmiđôp.
- Nhưng trông anh chẳng còn gì hình dạng người cả.
- Ai giữ anh ta ở đây vậy?
- Bị bắt làm tù binh ở đâu?
- Ở một nơi trên sông Đông. Tôi ở đại đội phạm binh.
- Vì sao anh bị vào đại đội phạm binh?
- Tôi là tù phạm cũ. Tôi bị tù hình như vì tội đốt kho thóc nông trang.
- Sao? Sao lại hình như?
- Vì tôi không đốt. Kẻ đốt là Đênix Maksêev. Mà tôi thì muốn cưới cô Maria. Tất cả nguyên do là ở đấy.
- Khoan đã, khoan đã, lão già... Lão ta hình như bị điên.
- Không, tôi rất tỉnh. Và cũng chưa phải ông già. Tôi chưa đến bốn mươi tuổi. Các ông hãy nghe tôi hẵng.
Người ta nhẫn nại nghe câu chuyện của Paven. Trong khi kể lại tất cả những gì xảy ra với mình, Paven nhận thấy người ta không tin anh.
- Chà, chuyện rắc rối đấy, - viên sĩ quan có hai vạch trên cầu vai nói. - Và không phải việc chúng tôi.
- Dù là việc của ai đi nữa thì cũng không ai hiểu được đâu. - Paven khoát tay một cách tuyệt vọng. - Tốt nhất là cứ cho tôi ngồi nốt hạn tù của tôi.

... Và thế là Paven lại phiêu bạt nhiều nơi, nếm mùi nhiều trại giam thêm ba năm nữa, và vẫn dửng dưng với tất cả những gì xảy ra xung quanh.
Anh chỉ cảm thấy: những người chịu trách nhiệm về số phận của anh không biết làm gì với anh bây giờ nữa.
Cuối cùng, năm bốn tám, người ta thả anh ra và ra lệnh quản thúc anh thêm ba năm nữa tại một làng cũng vẫn ở miền Bắc, nơi có trại giam ấy.
Nhưng tất cả rồi cũng trôi qua - cả ba năm quản thúc rồi cũng trôi qua. Bây giờ Paven có thể muốn sống ở đâu thì sống. Nhưng đi đâu? Sống nốt cuộc sống ở đâu bây giờ? Mẹ anh đã chết từ khi chưa có chiến tranh, một lần anh nhận được tin báo như thế. Còn Maria, Maksêev, ngôi làng Kômôgôrôvô thân thuộc, tất cả những cái đó dường như ở một thế giới nào khác, ở sau chân trời xa xăm mờ ảo nào đó, mà đến đó bây giờ đối với anh đã thành vô nghĩa, mà anh cũng chẳng còn thiết.
Có thể Paven đã sống nốt những ngày cuối cùng của mình trên mảnh đất phương Bắc xa lạ, mà trong những năm tương đối tự do sau này anh đã hơi quen với nó, và có thể nó đã trở thành khá thân thuộc với anh, bởi cái số phận lạnh lùng và cuộc sống vất vả của mình, nếu như không có lời khuyên của người phụ trách thuế quan một vùng nọ, Paven cảm thấy những lời khuyên của ông ta là cái cay đắng nhất trong tất cả những gì mà anh từng nếm trải.
- Anh muốn ở lại vùng chúng tôi ư? - người đó nói với anh như thế. - Nhưng loại người như anh chúng tôi cần gì?
- Loại người như tôi là thế nào?
- Là thế nào ấy à?... à, nghĩa là anh không phải là người, mà chỉ là... một tên gọi.
- Nghĩa là tôi chỉ là cái tên?
- Đúng thế. Đất nước chúng tôi cần gì loại người như anh? Người dân chúng tôi cần gì loại người như anh?
- Nhưng tôi có làm gì tồi tệ cho đất nước và cho mọi người đâu? Có thể tôi cũng chưa làm điều tốt. Nhưng ông hãy tạo cho tôi một khả năng.
- Khả năng à? Trước kia cũng như bây giờ anh chỉ có một khả năng thôi - là tự sát. Tôi vẫn không hiểu sao đến bây giờ anh vẫn chưa sử dụng khả năng ấy?
Mọi vật trở nên xám đen trước mắt Paven, những tấm kính cửa trong phòng làm việc của con người đó phút chốc như tối sầm cả lại, trong giây lát một màn tối đen như mực bao trùm cả ngôi làng phương bắc.

Đã lâu lắm, hồi mới bị kết án, Paven đã tự thề sẽ không bao giờ uống rượu nữa. Sau khi được tự do anh đã giữ đúng lời thề, không bao giờ uống một giọt rượu nào. Nhưng hôm ấy ở nhà viên phụ trách ra, anh đi thẳng đến cửa hàng, mua một chai rượu, rót ra cốc lớn và chỉ uống ba bốn ngụm là hết. Anh uống rượu mà cảm thấy như uống nước lã, không biết gì là đắng nữa. Anh ngạc nhiên nhận thấy tim như giãn ra, bao cơ bắp trong cơ thể như chùng cả lại.
Rồi Paven nức nở khóc. Anh đã chịu đựng tất cả những gì xảy ra với anh một cách câm lặng, vậy mà lần này anh không kìm được tiếng khóc.
- Ta sẽ không tha thứ, không... Không thể! - Và đêm hôm đó, khi nghĩ đến Maksêev, anh đã nguyền như vậy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét