Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

Các chủ tịch KGB - Chương X

Các chủ tịch KGB - Những hồ sơ lộ sáng

Tác giả: Leonid Mlechin
Dịch giả: Hùng Sơn
NXB Lao Động - 2001

Thời Khruschov

Chương X

Sergei Nikiforovich Kruglov

Dân ủy Nội vụ (12/1945 - 1/1946)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1/1946 - 3/1953)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ (6/1953 - 2/1956)

Cuối năm 1945, khi Beria thôi chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ để làm Phó Thủ tướng, thì Kruglov lên làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến năm 1953, khi Beria bị bắt, thì Kruglov lại thay Beria. Như vậy, Kluglov làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ bảy năm dưới thời Stalin và ba năm sau Stalin.
Từ nay, người đứng đầu cơ quan an ninh không còn là nhân vật đầy thế lực, nắm quyền sinh quyền sát như trước nữa, mà là những cán bộ thừa hành. Kruglov, cũng như tiếp theo ông sau này là Serov, không phải là những nhà chính trị, cũng không phải là những cán bộ An ninh chuyên nghiệp, mà do Đảng phân công, như người lính thực hiện những nhiệm vụ được giao. Cả hai đều vào ngành an ninh khi mà làn sóng thanh trừng thời Ejov đã lắng xuống, nhưng sau này đều trở thành những người phó của Beria mặc dù không phải thuộc hạ thân tín của Beria. Tuy vậy sau này người ta vẫn không quên nhắc lại những tội cũ của hai ông. Và để “oán ân báo đáp” Serov - gần gũi với Khruschov - thì phải trả giá ít hơn, còn Kruglov thì nhiều hơn.

Sergei Nikiforovich Kruglov sinh năm 1907 ở tỉnh Kalinin. Hai mươi mốt tuổi vào đảng. Làm thợ lái máy kéo, Chủ tịch xã. Năm 1929 được gọi đi bộ đội. Đã từng là thợ lái máy kéo, ông được phiên vào trung đoàn xe tăng.
Sau Menjinski và Merkulov, ông cũng có trình độ đại học: tốt nghiệp đại học sư phạm công nghiệp Matxcơva mang tên Karl Libnekht. Sau đó, ông được cử đi học tiếng Nhật ở Viện phương Đông, và cuối cùng được về một trường rất có uy tín là Đại học giáo sư đỏ.
Ông hoàn toàn đã có thể trở thành một giảng viên, một giáo sư. Nhưng bộ máy Đảng quá thiếu người, nên từ năm cuối của đại học, năm 1937, ông đã được lấy đi làm cán bộ tổ chức ở Trung ương Đảng. Khi Ejov bị cách chức và Beria lên thay làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một số cán bộ Đảng được Trung ương cử về để giúp công tác của Bộ Nội vụ, trong đó có Kruglov. Beria chú ý đến Kruglov, nên hai tháng sau đề bạt Kruglov làm Thứ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ cán bộ, lúc ông mới 32 tuổi.
Năm 1941, sau khi Bộ Nội vụ bị chia thành hai bộ, Beria giữ Kruglov làm Thứ trưởng thứ nhất của mình và phân công cho ông đảm nhiệm mảng công việc mà bản thân Beria không thích làm, là quản lý hệ thống các nhà tù và trại cải tạo và các đơn vị xây dựng. Do đó Kruglov ít tham gia công tác tác chiến, điều tra, và cũng nhờ vậy mà sau này ông được thoát chết.
Tháng 7/1941, khi hai bộ lại nhập làm một, Kruglov vẫn làm phó của Beria. Ông cùng mấy Thứ trưởng khác được phong hàm Chính ủy An ninh quốc gia bậc 2 (tương đương Trung tướng trong quân đội).
Năm 1944, Kruglov được nhận Huân chương Suvorov hạng Nhất vì đã tổ chức việc di dân Kalmyk, Tulgush, Chechnya, Carachensev về các vùng phía Đông Liên Xô, và Huân chương Kutuzov hạng Hai về chiến dịch thanh lọc các vùng phía Tây Ucraina mới sáp nhập vào Liên Xô khỏi các phần tử phản động. Đây là hai huân chương thường tặng cho các quân nhân vì công lao chiến đấu.
Việc di dân thì sau khi trở thành Bộ trưởng, Kruglov vẫn sẽ tiếp tục làm: đó là năm 1946, khi Konigsberg nhập vào Liên Xô, cần phải di dân Đức sống ở đó sang khu vực tạm chiếm của quân đội Liên Xô ở Đức.
Năm 1945, Kruglov là thành viên của đoàn đại biểu Liên Xô do Bộ trưởng Ngoại giao tương lai của Liên Xô A.Gromyko dẫn đầu đi công tác ở Mỹ trong thời gian soạn thảo Hiến chương Liên hợp quốc.
Kruglov cũng lo việc bảo vệ an ninh cho các lãnh tụ trong thời gian hai hội nghị “tam cường” và “tứ cường” ở Yalta và Potsdam, và được Mỹ và Anh tặng Huân chương để cảm ơn công trạng.
Kruglov là người thông minh, có năng lực, có học thức, đặc biệt là so với những người tiền nhiệm. Khi Kruglov lên làm Bộ trưởng, thì Bộ Nội vụ đã bị chia tách: các chức năng tác chiến, điều tra, cảnh vệ đã bị chuyển về Bộ An ninh quốc gia. Thực chất Bộ Nội vụ chỉ còn chủ yếu là Bộ trại giam.
Trong chỉ thị do Beria ký về việc bàn giao các cơ sở sản xuất của Bộ Nội vụ, người ta thấy một danh mục dài ba trang giấy với vài chục tổng cục và xí nghiệp. Hệ thống các cơ sở này không chỉ quản lý và cung cấp lao động trong các trại tù cho các bộ, ngành khác, mà bản thân đã trở thành một vương quốc công nghiệp - xây dựng. Người không am hiểu không thể hình dung được hết quy mô của cái mà nhà văn chống đối A.Soljenitsyn đã gọi là “quần đảo Gulag” và lấy đó đặt tên cho một cuốn sách của mình. Và Kruglov là người chỉ huy trên “quần đảo” này.
Hệ thống “quần đảo Gulag” được thành hình không phải ngay một lúc. Lịch sử hệ thống nhà tù và trại giam của nước ta được trình bày kỹ trong công trình “Các cơ quan và đơn vị của Bộ Nội vụ Nga” của một tập thể tác giả.
Ban đầu, ngay sau cách mạng 1917, việc kiểm soát các trại giam giao cho chính quyền cấp địa phương.
Tháng 9/1918, Hội đồng Bộ trưởng ra nghị quyết “Về khủng bố đỏ”, và sau đó ra lệnh về việc thành lập các nhà tù của Ủy ban đặc biệt và các trại cải tạo lao động của Bộ Nội vụ. Sau nội chiến, toàn bộ các nhà tù và trại cải tạo đều do Bộ Nội vụ quản lý, trong đó có 70 nghìn người đang bị giam.
Đến cuối những năm 20, Liên Xô có ý đồ sử dụng rộng rãi hơn sức lao động của tù nhân vào mục đích lao đng.
Tháng 7/1929, Bộ Chính trị quyết định giao cho Bộ Nội vụ nhiệm vụ khai thác tài nguyên ở những vùng xa xôi của đất nước. Do đó đã có kế hoạch xây dựng các trại cải tạo ở miền Bắc, Sibir, Viễn Đông và Trung Á.
Đến giữa những năm 30, Bộ Nội vụ đã chiếm vị trí đáng kể trong đời sống công nghiệp của đất nước: thăm dò địa chất, khai thác rừng, xây dựng đường sắt, nhà máy hóa chất và nhà máy giấy. Tù nhân đã biến thành một lực lượng lao động quan trọng của đất nước.
Trong giai đoạn trước và trong chiến tranh, họ đã đóng góp xây dựng nhiều sân bay, lao động ở các nhà máy quân sự, sản xuất vũ khí, khí tài.
Khi chiến tranh nổ ra, những người bị bắt giam vì những tội nhẹ về sinh hoạt hay kỷ luật lao động được thả ra và cho đi bộ đội. Đó là gần một triệu người, tức là 1/3 số người trong các trại cải tạo. Số tù nhân còn lại đã xây dựng trong thời gian chiến tranh vài trăm sân bay, xây dựng và lắp đặt hàng nghìn kilômét đường sắt và đường bộ, nhiều nhà máy, hầm mỏ, khai thác mọi tài nguyên đất nước: từ dầu mỏ đến vàng. Do yêu cầu chiến tranh, Bộ Nội vụ và Viện Kiểm sát Tối cao đã hai lần ra văn bản hướng dẫn về việc giữ những tù nhân đã hết hạn ở lại trại lao động tiếp “trên cơ sở tự nguyện bắt buộc”, (từ dùng của Stalin). Sự khác biệt đối với họ là không bị giải đi thành đoàn và được trả tiền bồi dưỡng.
Những người này đến năm 1946 mới được cho về nhà.
N.Baibakov - nguyên Chủ nhiệm y ban Kế hoạch Nhà nước, trong thời gian chiến tranh là Bộ trưởng Công nghiệp dầu, kể lại rằng cuối chiến tranh Stalin giao cho ông xây dựng nhà máy sản xuất dầu động cơ, và cắt cử cho ông một lực lượng tù nhân để làm việc đó.
Đấy là một lực lượng lao động rất cần cù và rất cơ động. - N.Baibakov nói. - Những con người ở trong những lán trại và những ngôi nhà dựng tạm, mà làm việc quanh năm, bất kể thời tiết mưa, nắng, bão, tuyết, mười hai tiếng đồng hồ một ngày”.

Họ làm việc để đổi lấy sự sống, lấy khẩu phần bổ sung và niềm hy vọng được về nhà sớm.
Ban đầu, trong các trại, những người tài, những kỹ sư, chuyên gia giỏi cũng phải làm việc theo chế độ chung. Sức vóc yếu, lại không quen lao động gian khổ, nên họ chết mất một số. Sau đó Bộ Nội vụ nghĩ ra rằng nếu những người này được sử dụng chuyên môn để chế tạo ra máy móc kỹ thuật mới, thì sẽ có cái để báo cáo thành tích. Thế là họ có chính sách khác đối với những người này. Điển hình là câu chuyện về số phận của Sergei Pavlovich Korolev - ông tổ của tên lửa vượt đại châu Liên Xô, vị Tổng công trình sư đã đưa con người đầu tiên vào vũ trụ.
Nhà khoa học này năm 1938 bị kết án mười năm tù vì tội “tham gia hoạt động chống chính quyền Xô viết”.
Một số người có thế lực đã đứng ra can thiệp tha cho ông, trong đó có nữ phi công, Anh hùng Liên Xô, Đại biểu Quốc hội Valentina Grizodubova. Chính là theo đơn yêu cầu và bảo lãnh của bà với tư cách đại biểu Quốc hội mà Tòa án Tối cao đã hủy bản án và xem xét lại.
Năm 1940, lãnh đạo Bộ Nội vụ quyết định kết án ông tám năm cải tạo lao động. Lần này, lại một đại biểu, cũng là phi công, Anh hùng Liên Xô là Mikhail Grovnov đứng ra bênh vực cho Korolev.
Beria phê vào đơn để Thứ trưởng thứ nhất Kobulov nghiên cứu và cho ý kiến.
Kobulov đề xuất chuyển Korolev sang làm ở Phòng kỹ thuật đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ và được Beria đồng ý.
Thế là từ đó Korolev bị giữ không xóa án, nhưng hoàn toàn làm công việc chế tạo động cơ tên lửa.
Bảy năm sau, năm 1944, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Korolev được trả tự do, và chỉ đến năm 1957, khi phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ, ông mới được phục hồi danh dự.
Phòng kỹ thuật đặc biệt mà năm 1941 chuyển thành Vụ 4 đặc biệt của Bộ Nội vụ có gần 500 chuyên gia tù nhân được phân theo các nhà máy quốc phòng và các viện nghiên cứu quan trọng làm công việc chế tạo kỹ thuật quân sự: động cơ, máy bay, tàu chiến, tàu phóng lôi pháo... Chính họ, dưới sự chỉ đạo của các tổng công trình sư Tupolev và Petliakov, đã chế tạo và sản xuất ra ba loại máy bay ném bom phục vụ cho cuộc chiến tranh.

Grigori Kosunko, người đã sáng chế ra hệ thống tên lửa phòng không mà năm 1960 đã bắn rơi chiếc máy bay do thám siêu âm “U-2” của Mỹ cũng có một số phận đặc biệt. Sau này ông trở thành Viện sĩ, Tổng Công trình sư, được nhận những giải thưởng cao quý, là Tướng, Đại biểu Quốc hội. Nhưng phần lớn cuộc đời, ông thấp thỏm lo sợ về nỗi đến khi nào thì vụ cán bộ hoặc cơ quan an ninh phát hiện ra bố ông là ai. Mà bố của ông là một người lái tàu hỏa bị xử bắn năm 1938 vì cái gọi là tội “có quan hệ với một tổ chức phản cách mạng”. Nhiều năm, vị Tổng Công trình sư khả kính của chúng ta mơ thấy những cơn ác mộng: ông cán bộ của vụ tổ chức phát hiện ra một đoạn khai không rõ ràng trong lý lịch của ông, yêu cầu phải kiểm tra lại, và thế là cuộc đời ông đổ sụp.
Sau chiến tranh, Tổng Công trình sư trẻ Kosunko được đưa sang một bộ phận nghiên cứu - thí nghiệm của Bộ Quốc phòng đang triển khai các dự án chế tạo vũ khí và máy bay phản lực (con trai của Beria là Sergo cũng làm ở đây). Một số chuyên gia nước ngoài được mời sang cộng tác là chuyên gia Đức, còn lực lượng công trình sư và kỹ sư vẫn là những người Nga đã từng ở trong trại làm công việc nghiên cứu và thử nghiệm suốt thời gian chiến tranh.

Người đặt cơ sở cho hoạt động hiệu quả cao và thành công của cái mà ngày nay chúng ta quen gọi là “tổ hợp công nghiệp-quân sự” là Stalin. Ông cũng là người chăm lo bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho công tác nghiên cứu và thử nghiệm để hiện đại hóa quốc phòng.
Ông nói với các nhà kỹ thuật tên lửa:
Để thực hiện công việc của mình, các đồng chí có quyền huy động bất kỳ bộ, ngành nào tham gia, được bảo đảm về vật chất và tài chính theo nhu cầu mà không có bất kỳ sự hạn chế nào”.

Nhiều con của các ủy viên Bộ Chính trị cũng làm việc trong các cơ quan của tổ hợp công nghiệp-quân sự.
Chẳng hạn con trai Ustinov làm về lazer ứng dụng trong quân sự, con trai Suslov lãnh đạo một viện kín của Bộ Quốc phòng nghiên cứu các hệ thống điện tử.

Có một lần Beria thăm Tổng Công trình sư máy bay Andrei Tupolev đang bị cải tạo. Tupolev bắt đầu kể lể những nỗi oan ức của mình với Beria, nói chưa hết câu thì Beria ngắt lời ngay: “Thôi mà, bạn thân mến ơi, tớ cũng biết là cậu vô tội. Nhưng mà thôi, cứ làm việc đi, hễ máy bay của cậu mà bay được lên trời, thì cậu được tha”.
A.N.Tupolev sau này là Trung tướng, Viện sĩ, được nhận giải thưởng Lê nin và năm giải thưởng Stalin, ba lần Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp chiến thắng phát xít Đức, ngày 7/7/1945, Xô viết tối cao Liên Xô ra lệnh ân xá 300 nghìn người.
Còn từ năm 1947, chế độ quản lý nhà tù được nới lỏng hơn: cụ thể là cho phép người nhà được mang đồ ăn tiếp tế, những người cải tạo tốt thì được trả tự do trước thời hạn... Nhưng đồng thời, lại thắt chặt kỷ luật đối với những tội nhân hình sự trong thời bình. Do đó mà số lượng tù nhân vẫn không giảm, và quần thể Gulag vẫn không bị thu hẹp.
Năm 1948, Bộ Nội vụ trình lên Hội đồng Bộ trưởng kế hoạch xây dựng một số nhà tù và trải cải tạo đủ khả năng giam giữ 100 nghìn người, dành để giam các tội phạm quốc gia đặc biệt nguy hiểm.
Đối với đối tượng này, sau khi mãn hạn tù, Bộ Nội vụ cũng đưa họ về Sibir và Kazakhstan chứ không cho trở về nhà. Nhưng hóa ra số nhà tù này vẫn không đủ.
Năm 1950, Kruglov trình kế hoạch xây dựng thêm nhà tù và trại cải tạo ở nước cộng hòa tự trị Komi, Vorkuta, Norilsk, Mordovia... để nâng “sức chứa” lên thêm 250 nghìn người.
Năm 1949, Kruglov được thưởng Huân chương Lenin (cùng đợt với Beria) vì sự đóng góp vào công cuộc sản xuất bom nguyên tử, và tại Đại hội 19 được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Tuy vậy, Kruglov ít có may mắn được làm việc thường xuyên với lãnh tụ, vì trọng tâm chú ý của Stalin lúc này là ở Bộ An ninh quốc gia.
Ngày 5/3/1953 khi Beria lên cầm quyền lần thứ hai, Kruglov làm phó của Beria. Nhưng Beria cùng các phó của mình là Kruglov, Kabulov và Serov tập trung vào các công việc an ninh, còn công tác trại và nhà tù Gulag được Beria đẩy sang cho Bộ Tư pháp.
Sau khi Beria bị bắt, Hội đồng Bộ trưởng xem xét lại và lại giao các trại và nhà tù lại cho Bộ Nội vụ. Thế là Kruglov - lúc đó trở thành Bộ trưởng - lại nhận lại Gulag.
Khi Beria bị bắt, Kruglov liên lạc ngay với Khruschov và Malenkov, tỏ ra trung thành với lãnh đạo mới và trở thành Bộ trưởng. Còn hai Thứ trưởng thứ nhất được Khruschov đích thân chọn là I.A.Serov - người được Kruglov tin cậy và N.N.Shatalin - Bí thư Trung ương Đảng.
Bốn nghìn cán bộ lãnh đạo các cấp của Bộ Nội vụ đã bị thôi việc. Những người mới được đưa về Bộ từ cán bộ Đảng và quân đội. Trung ương chỉ thị cho Kruglov giảm biên chế Bộ Nội vụ và sắp xếp lại các đơn vị cho đơn giản hơn và đỡ cồng kềnh.
* * *
Tuy vậy, sự quan tâm của lãnh đạo mới của đất nước đối với cơ quan an ninh không hề giảm. Kruglov quan tâm đến việc tiến hành các công tác do thám và trả đũa tại các vị trí chiến lược quan trọng của Mỹ và NATO, cũng như đối với các đối tượng thù địch tích cực nhất của Liên Xô, và đã ký lệnh thành lập một đơn vị đặc biệt nằm trong Tổng cục 2 (tình báo đối ngoại) của Bộ Nội vụ để phụ trách hoạt động này.
Cũng hầu như đồng thời, vào mùa thu năm 1953, Kremli xuất hiện ý nghĩ rằng Bộ Nội vụ là một con ác quỷ, cần phải chặt bớt chân tay nó đi. Vả lại Kruglov cũng không phải là người để có thể tin cậy giao phó cho ông ta cả tình báo, phản gián, cả kiểm soát quân đội và bảo vệ Chính phủ. Ở chức vụ này phải là một người tuyệt đối tin tưởng. Một số phương án khác nhau đã được bàn, cuối cùng quyết định thành lập y ban An ninh quốc gia trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (10/4/1954). Bộ Nội vụ chuyển cho ủy ban An ninh quốc gia toàn bộ các đơn vị điều tra - tác chiến. Phó thứ nhất của Kruglov là Trung tướng Ivan Alexandrovich Serov được đề bạt làm Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia (KGB).
Kruglov - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - chỉ còn quản công an, cứu hỏa, biên phòng và nội chính. Còn “quần đảo Gulag” thì từ năm 1953, và đặc biệt là từ năm 1956 bị chìm dần - nói cách khác cơ sở của lao động cưỡng bức đã bị thu hẹp.
Và Kruglov cũng không còn là Bộ trưởng.
Khruschov tách dần khỏi các cán bộ cũ. Người của Bộ Nội vụ, của Beria còn nắm giữ cương vị bây giờ chỉ làm ông ta mất thanh danh. Khruschov lại đang chuẩn bị cho Đại hội 20 lịch sử.
Kruglov rời khỏi Bộ Nội vụ một cách nhẹ nhàng, im ắng. Tuy vậy, một ủy ban đã được thành lập để làm nhiệm vụ tiến hành việc bàn giao công tác của Bộ Nội vụ từ lãnh đạo cũ cho lãnh đạo mới.
Kruglov được cử làm Thứ trưởng Bộ xây dựng các nhà máy thủy điện, sau đó một năm bị điều đi khỏi Matxcơva làm Chủ tịch nông trường quốc doanh ở thành phố Kirov. Ở đó Kruglov bắt đầu ốm đau, năm 1958 làm sổ hưu. Nhưng người ta không cho phép ông trở về Matxcơva, vì lúc đó y ban Kiểm tra Trung ương Đảng bắt đầu rà lại hồ sơ các cán bộ lãnh đạo Bộ Nội vụ và Bộ An ninh quốc gia thời Stalin và Beria.
Năm 1959, ông bị thu lại căn hộ rộng đang ở để chuyển sang một căn hộ nhỏ.
Năm 1960, ông bị khai trừ khỏi Đảng vì những sai phạm trong quá trình di dân dưới thời Beria.
Trong đơn gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng, Kruglov đề nghị Trung ương tính đến đóng góp của ông trong việc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng và công nghiệp nguyên tử mà giữ Đảng tịch cho ông, và ông xin được đi lao động xây dựng Nhà máy thủy điện Bratsk.
Nhưng Trung ương bác đơn của ông.

Ngày 6/6/1977, lúc đó đã là một ông già về hưu, ở ngoại ô, Kruglov bị ngã - hay tự lao - vào gầm tàu hỏa và chết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét