Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Vị Khách Chủ Nhật - Chương 25

Vị Khách Chủ Nhật

Tác giả: Thomas Kanger
Dịch giả: Lê Quang
NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008

Chương 25

Một làn gió mát phớt qua mặt Elina khi cô ra khỏi nhà ở Oxbacken. Đang lúc chuyển mùa, chợt có chút hương vị cuối hè. Trời xanh ngắt.
Hôm nay là thứ Hai, ngày 13/9. Tối qua Elina đến thăm Oskar Kärnlund ở bệnh viện. Ông sắp ra viện để đợi lịch hẹn phẫu thuật. Cô ngồi lâu bên giường bệnh và kể cho ông nghe về tiến trình điều tra. Kärnlund tỏ ra quan tâm đến các nỗ lực của cô và coi đó như một nghĩa cử giữa bạn bè với nhau.
Đến Sở Cảnh sát là cô đóng cửa phòng mình lại. Cô không định đến dự buổi giao ban. Cô không muốn giải thích cho người khác trong ban hiện nay mình đang làm việc gì, vì cô có đủ lý do để ngại bị nhận định là trốn tránh các nghĩa vụ phiền toái.
Cô lấy mấy quyển nhật ký của Ylva Malmberg ra và sắp xếp theo thứ tự thời gian. Tám quyển, đóng bìa màu khác nhau. Quyển đầu tiên bắt đầu được viết vào mùa thu 1965. Elina mở ra và đọc trang đầu: “Nhật ký của Ylva Malmberg. Cấm đọc!!!”. Elina có cảm giác như tự tiện bước chân vào vùng cấm.
Dòng đầu tiên viết hôm 30/9/1965, sinh nhật thứ mười một của Ylva. Cô được tặng cuốn vở này. Elina tự hỏi, ai đã mua tặng. Có vẻ như Ylva ao ước món quà này. Đầu tiên có nhiều ghi chép, sau đó có nhiều quãng trống, đôi khi bỏ hẳn một tuần không ghi chép gì. Nhưng đến cuối năm thì viết lách đã thành thói quen, ngày nào cô cũng viết. Chữ viết nghiêm chỉnh, nhưng chưa có cá tính. Nhiều trang có hình vẽ nhỏ: thiếu nữ tóc dài vàng hoe, trái tim, ngựa và mèo. Nhật ký tiết lộ các chi tiết sâu kín trong cuộc đời một cô gái mười một tuổi. Hôm 12/12, ngày thánh nữ Lucia, Ylva hỏi Lars-Erik ở lớp 5b có thích đi với cô không. Cậu ta không dám trả lời. Trang giấy chép chuyện này nhàu nhĩ và lấm lem bởi nước mắt của Ylva rơi vào.
Elina đọc nhanh nhật ký mấy năm đầu. Điều khiến cô ấn tượng mạnh nhất là tình cảm của Ylva đối với các bạn gái, bạn cùng lớp, giáo viên và súc vật. Nhưng cô không phát hiện được điều gì khác với những suy nghĩ của chính mình ở lứa tuổi ấy. Ylva không khác gì các thiếu nữ khác. Lần đầu tiên thấy kinh cô bình luận: “Tởm”.
Năm 1968 bố mẹ cô ly hôn, sự kiện này được cô bình luận “Ghét bố” kèm theo một loạt dấu chấm than và chấm hỏi. Một tháng sau cô viết, mẹ muốn đổi họ của mình và của Roger, song Roger không đồng ý. Mùa thu cùng năm, lần đầu tiên cô hút “cs” cùng “Bella và Leffe”. “Khiếp quá, mình và Bella cười sằng sặc như điên, không ngừng lại được”. Cái tên Leffe xuất hiện nhiều lần trong mùa thu ấy. Hôm sinh nhật mười bảy tuổi, cả nhà đi vắng, và họ đã cùng nhau đi “gần hết giới hạn”. Trong tháng Mười hai cô đánh mất sự trong trắng. Sự kiện này được ghi lại khá khô khan và lạnh nhạt, mặc dù đó là bước ngoặt rất lớn trong đời cô.
“Chán học đến tận cổ” xuất hiện liên tục dưới nhiều cách diễn đạt khác nhau, cho đến khi cô bỏ trường cấp III hồi mùa xuân 1972. Chuyện Roger cố khuyên cô học tiếp rõ ràng không đủ quan trọng để được ghi lại. Hôm 12/2 cùng năm, thứ Bảy, cô ghi chép lần đầu tiên về Bernt, người cùng cô về ở tập thể sau này: “Làm quen được một gã siêu hạng”. “Được phép ngủ trên tấm nệm nhỏ của Bernt”, cô viết sau đêm đầu tiên cùng ở tập thể. Gần một năm sau có thể nhận ra xung đột đầu tiên với Bernt: “Muốn đi liên hoan ở chỗ Kaja nhưng B. không muốn. Nhiều lúc hắn rất dở hơi”. Càng đọc Elina càng thấy anh ta bắt nạt Ylva đến mức nào. Tính tự tin của Ylva mất dần, và cô tìm lỗi ở chính mình. Năm thứ ba ở nhóm tập thể cô mới bắt đầu cự lại một chút. “Sổ toẹt vào Bernt. Từ giờ trở đi chỉ làm gì mình muốn”. Nhưng cô cũng viết: “Chẳng có sức” và “Buồn quá”. Không thấy ghi chép nào khẳng định lời kể của Tina Möller là Ylva ngủ với tất cả mọi người trong nhóm. Trừ một lần, sau khi cãi nhau với Bernt: “Trả thù bằng cách ngủ với L. khi T. đi vắng”. Elina tự hỏi, liệu T. có phải là Tina Möller.
Quãng thời gian cuối ở nhà tập thể được ghi lại rất vắn tắt. Bernt hầu như không được nhắc đến. Việc chuyển nhà được kể ra như sau: “Nhận được nhà ở Ringgatan. Tuyệt vời”.
Nhật ký ngày càng cộc lốc, hầu như không có nét riêng nữa. Chủ yếu là các ghi chép đơn giản về những việc cô làm trong ngày. Chỉ khi cô cùng “Peter và Kaj” trong mùa hè 1976 đi châu Âu theo Interrail thì các ghi chép hàng ngày mới lại cụ thể hơn. Elina suy nghĩ, có phải anh bạn đồng hành Kaj Nilsson cũng chính là “Kaja” là người Ylva định cùng liên hoan? Nếu thế thì Bernt ghen cũng phải. Chỉ một tuần sau khi khởi hành, trong nhật ký đã ghi: “Ngủ với Kaj trong khoang ngủ trên thuyền, mặc dù xung quanh khá đông người”. Vụ quấn quít xác thịt này diễn ra ở Amsterdam. Người bạn đồng hành kia, Peter, rõ ràng là thiệt thòi hơn, nếu giả sử anh ta cũng máu mê muốn chiếm Ylva trong chuyến đi này. Sau khi cả ba người rửa bát đĩa một tháng liền trong một nhà bếp ở Savon, Ý, họ quyết định đi sang cả châu Á. Tháng Giêng 1977 họ tới Ấn Độ. Ylva kể về nỗi nhớ nhà và bệnh kiết lị, nhưng lại có vẻ phấn chấn hơn khi cô và hai bạn đồng hành đến Goa, đích đến đầu tiên trên đất Ấn Độ. Cuối tháng Hai, trước tiên cả ba đến Delhi, sau đó một tuần họ đi tiếp về miền Đông.
Ghi chép cuối cùng trong nhật ký là ngày 11/3/1977. “Làm quen một tay trong khách sạn Hằng Hà ở Varanasi. Quyết định cùng đi tiếp đến Patna”.
Chấm hết. Không còn gì tiếp theo. Cũng chẳng có lời giải thích lý do Ylva đột ngột bỏ viết nhật ký. Khi Ylva vào trường Tärna Folkhögskola hồi mùa thu cùng năm thì cô vẫn tiếp tục ghi chép trong lịch bỏ túi, nhưng việc viết nhật ký thì hoàn toàn chấm dứt.
Elina tự hỏi tại sao Ylva bỏ một thói quen đã kéo dài mười năm trời. Cuộc thẩm vấn Peter Fäldt và Kaj Nilsson cũng không sáng tỏ được gì hơn. Cô nhấc ngay ống nghe: tuần này cô đã hẹn nói chuyện với Peter Fäldt, cho dù ông ta tỏ ra miễn cưỡng. Nhưng khi ông ta bắt máy thì chính cô lưỡng lự một giây. Rồi cô nói: “Xin lỗi, tôi nhầm số”. Mười phút sau cô lái xe theo đường E 18 về phía Uppsala.
Nhà Peter Fäldt ở Gottsunda. Elina đã nghe nói đến thị trấn ngoại ô này nhưng chưa tới đó bao giờ. Cô phải tìm một lúc mới thấy ngôi nhà cao tầng. Sau ba hồi chuông, cánh cửa mở hé.
- Có chuyện gì thế?
Elina không thấy mặt người đó.
- Elina Wiik, cảnh sát hình sự, tôi muốn hỏi chuyện ông về Ylva Malmberg.
Người đàn ông sau cửa im lặng một lát.
- Tôi tưởng là chúng ta nói chuyện điện thoại.
- Đúng, - Elina nói, - nhưng giờ thì tôi ở đây rồi. Xin phép ông cho tôi vào nhà được không?
- Chị không vào đây được.
- Tại sao không?
- Nhà tôi bừa lắm.
- Không sao cả. Ông có mở cửa được không?
- Không được.
- Không được? - Elina lặp lại. - Thế thì tôi buộc phải mời ông đi cùng ra đồn.
- Cũng không được.
- Được chứ. Ông đi giày vào, rồi ta cùng đi.
- Vì sao?
- Vì đây là một vụ giết người, ngay cả khi đã xảy ra lâu rồi.
Peter Fäldt có vẻ ngập ngừng. “Thôi được”, cuối cùng ông nói. Elina không đợi giải thích nữa mà đẩy cửa vào phòng luôn. Mùi cần sa không thể lẫn được, trộn với không khí một căn phòng không thoáng gió. Không hỏi gì, Elina ra mở cửa bao lơn.
- Ông cũng không muốn tôi bị phê thuốc khi chúng ta nói chuyện chứ?
Cô nhìn quanh. Căn hộ có một phòng và bếp. Câu “nhà bừa lắm” của Peter Fäldt không nhất thiết phải bổ sung gì thêm. Cả phòng ở lẫn bếp đều đã lâu chưa thấy chổi và nước tẩy. Elina thầm rủa mình trước khi đến đây đã không vào nhà vệ sinh ở một trạm xăng dọc đường. Có bị vỡ bàng quang cô cũng nhất định không vào phòng vệ sinh của nhà này.
Cô gạt đồ đạc lấy một chỗ ngồi trên sofa và đề nghị Fäldt ngồi xuống ghế bành đối diện.
- Ông có vẻ không được phong độ lắm, ông Fäldt ạ. Nhưng tôi sẽ làm ra vẻ bị tịt mũi và không nhận thấy cái mùi... ông biết rồi đấy.
Ông ta mặc T-shirt xám bên trong áo khoác thể thao, quần bò bạc phếch lùng thùng quấn đôi cẳng gầy, mắt nửa nhắm nửa mở.
- Chị muốn gì? - ông hỏi.
- Ông biết Kaj Nilsson ở đâu chứ? - cô hỏi. - Đó là người đã cùng ông và Ylva Malmberg đi Ấn Độ ấy.
Peter Fäldt nhún vai.
- Tôi không thấy mặt ông ta từ hai chục năm nay rồi.
- Thế còn Ylva?
- Sau chuyến đi chúng tôi không quan hệ với nhau nữa. Thỉnh thoảng chỉ tình cờ gặp trong thành phố. Sau đó cô ấy chuyển đi nơi khác. Rồi xảy ra chuyện này chuyện nọ.
- Chắc ông còn nhớ chuyến đi Ấn Độ?
- Tất nhiên rồi. Từ hồi ấy đến giờ tôi cũng hút đôi chút, nhưng trí nhớ của tôi không hề hấn gì cả.
Elina không tin nhưng cô cũng không cãi lại.
- Hồi ở Ấn Độ có xảy ra sự kiện gì đặc biệt không?
- Lúc nào chả có chuyện xảy ra. Ấn Độ mà lại. Nếu chị từng đến đó rồi thì sẽ hiểu.
- Tôi đã đọc nhật ký của Ylva. Cô ấy đi với Kaj, đúng không?
- Thỉnh thoảng. Không phải từ đầu đến cuối chuyến đi.
- Thật sao?
- Họ hay cãi nhau. Nhiều lần chúng tôi quyết định tách nhau ra, nhưng rồi cuối cùng vẫn ở lại với nhau.
- Thế tại sao mọi người lại quay về nhà?
Ông chần chừ chưa trả lời vội.
- Hết tiền. Có lẽ thế.
- Có lẽ?
- Vâng. Với lại đi loanh quanh mãi cũng chán và mệt mỏi lắm.
- Có sự kiện gì xảy ra ngay trước khi mọi người quay về không? Một sự kiện dẫn đến quyết định tối hậu?
- Sao chị hỏi thế?
- Một hướng suy nghĩ thôi. Xin ông cứ trả lời đi đã.
Peter Fäldt im lặng. Elina đợi. Ông nhắm mắt. Elina đợi một lát rồi nhắc lại câu hỏi. Cô không rõ ông ta có thiếp đi không. Nhưng ông đã nhìn cô với ánh mắt lờ đờ.
- Tôi có hút hít đôi chút, chị biết rồi đấy, - ông nói.
- Biết quá đi chứ, - Elina đáp.
- Và chị đã thấy tôi ăn ở ra sao.
- À... không được gọn gàng lắm.
- Tôi muốn thoát khỏi cái đống này. Nếu tôi kể ra, chị có cách gì để giúp đỡ tôi không?
- Tôi không biết. Còn tùy.
- Sau vụ ấy, mọi thứ tụt dốc. Tôi không thể nào ngủ ngon được nữa và chỉ biết hút để chịu đựng nổi mọi chuyện.
- Hồi ấy có chuyện gì xảy ra?
Con ngươi ông giãn rộng, và ông toát mồ hôi hột. Tựa như có nổi kinh hoàng lớn đang đè nén. Rồi ông bắt đầu kể một cách chậm chạp, như trong cơn phiêu diêu.
- Chúng tôi đến Varanasi, khu tẩy trần thiêng liêng của người Hindu bên sông Hằng. Chúng tôi đi tàu hỏa từ Delhi tới, ghế hạng ba cứng kinh khủng. Được vài hôm chúng tôi định đi tiếp, ở đó mọi thứ thực sự ghê rợn. Chúng tôi muốn đến Calcutta. Nhưng Ylva gặp một thằng cha tại khách sạn chúng tôi đang ở. Thời điểm đó cô ta không đi với Kaj. Ở khách sạn ấy người ta trả mỗi đêm năm rupi cho một cái giường và hàng trăm con gián. Nhà xí chỉ là một lỗ thủng trên sàn đằng sau cánh cửa sát hành lang. Thằng cha ấy có ô tô và định đi Patna, một nơi nằm giữa đoạn đường đi Calcutta. Hắn hỏi Ylva có muốn đi cùng không. Cô ta nói là nếu thế thì hắn phải cho chúng tôi cùng đi, nghĩa là cả Kaj và tôi.
- Hắn tên gì?
Peter Fäldt lắc đầu.
- Sao biết được. Tôi quên hẳn rồi. Tôi hầu như không nói chuyện với hắn. Một thằng dở hơi. Tôi còn nhớ là chúng tôi xuất phát vào buổi chiều. Đường xá tồi tệ, và trời rất chóng tối, cứ như có người thả sập màn che cửa xuống vậy. Chúng tôi dừng ở một chỗ nào đó để ăn tối. Một quán hàng có chỗ ngồi bên ngoài nhưng có mái che, nấu trên bếp than. Tôi muốn qua đêm ở đấy, ngay bên cạnh có phòng rẻ. Nhưng mấy người kia lại muốn đi tiếp. Tôi không hiểu tại sao. Đêm ở đấy bí hiểm lắm, không có đèn đường, và mọi người phóng như phát rồ. Hai bên rãnh cạnh đường toàn xe tải lật ngửa.
Elina lặng im ngồi trên sofa và lắng nghe. Cô không muốn hỏi để khỏi làm gián đoạn lời kể rời rạc của ông ta.
- Ở Ấn Độ có vô số người, chỗ nào cũng đầy người, nhưng chỉ khi trời sáng thôi. Đêm đến thì chó hoang thống trị đất nước. Chúng như một bầy sói đói chạy quanh tìm mồi. Làng xóm tối đen, không ai dám bước ra đường. Trời nóng không sao tưởng tượng được, mồ hôi chảy ròng ròng, mắt cay sè vì mặn, quần áo dính bết. Đêm hôm ấy... tôi nhớ là vào khoảng mười một giờ, chúng tôi đi tiếp mặc dù tôi muốn dừng lại. Đột ngột xe đâm vào một vật gì đó, một bao gạo hay con cừu. Ylva rú lên... chúng tôi đỗ lại và trèo khỏi xe, thấy nó nằm đó.
- Ai?
- Một thằng bé. Nó không thể quá mười tuổi được. Tôi không hiểu muộn thế nó ra đường làm gì. Ánh đèn pha chiếu vào nó. Trông nó hoàn toàn lành lặn, không có máu. Trông như ngủ. Chúng tôi ngẩn ra, và tôi sờ vào cổ tay nó.
- Sao nữa?
- Chết đứ đừ. Kaj cũng sờ mạch. Chúng tôi gọi người đến cứu nhưng không ai nghe. Tất cả đen thui. Tôi muốn đưa nó đến bệnh viện nhưng gã kia sợ gặp rắc rối với cảnh sát. Hắn nói là họ sẽ tống chúng tôi vào tù mặc dù chúng tôi vô tội. Chúng tôi quả thực vô tội, đó là một vụ tai nạn mà. Vậy là... chúng tôi khuân nó xuống rãnh.
- Các anh để nó lại bên đường?
- Tôi biết, tôi biết, khốn nạn quá, tôi phản đối nhưng chúng tôi hoàn toàn bị sốc. Tôi vẫn còn ác mộng, thần kinh tôi tàn tạ vì thế.
- Ai cầm lái?
- Tôi nghĩ là Ylva.
- Đàn ông chẳng lẽ để phụ nữ duy nhất lái xe?
- Chúng tôi đã hút cần sa, có thể chúng tôi hút nhiều quá và không thể lái được nữa. Tôi không nhớ nữa. Nhưng tôi nghĩ đêm hôm ấy Ylva cầm lái.
Elina dựa lưng vào ghế. Thế là cô lại biết thêm một chuyện không được nhắc đến trong các biên bản hỏi cung ngày xưa.
- Chuyện kinh khủng quá, - cô nói. - Tại sao ngày xưa các ông không kể ra?
- Cả Kaj lẫn tôi sau đó đều không muốn đả động đến chuyện ấy. Thực sự kinh khủng. Chúng tôi đã cố quên nó đi. Tôi cũng chưa muốn nói đến, nhưng chị đã ép tôi.
Ánh mắt ông ta chợt hiện vẻ hung hãn, nhưng nó cũng tắt nhanh như khi xuất hiện.
- Còn Ylva? - Elina hỏi, - Cô ấy phản ứng ra sao?
- Cô ấy cũng sốc như tôi. Sau này thế nào thì tôi không rõ. Chúng tôi hầu như không gặp nhau. Và lúc cảnh sát thẩm vấn chúng tôi thì Ylva đã chết rồi.
- Sau vụ đó, mọi người làm gì?
- Tất cả chúng tôi không còn bụng dạ nào mà du lịch tiếp nữa. Chúng tôi đi xe đến Patna, nhưng đầu óc tôi rối như mớ bòng bong. Mấy hôm sau, chúng tôi đi tàu hỏa về Delhi. Kaj và tôi được bố mẹ gửi tiền cho, Ylva đến sứ quán Thụy Điển vay tiền mua vé máy bay. Chúng tôi về thẳng nhà.
- Thế người chủ chiếc ô tô thì sao?
- Chúng tôi chia tay nhau ở Patna. Từ đó đến nay tôi không gặp lại hắn nữa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét