Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Vị Khách Chủ Nhật - Chương 13

Vị Khách Chủ Nhật

Tác giả: Thomas Kanger
Dịch giả: Lê Quang
NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008

Chương 13

Cô mơ thấy mình vừa sinh hạ một đứa bé. Không biết nó là con trai hay con gái. Bà mụ bế đứa bé đi, bảo sẽ quay lại ngay, nhưng rồi đi thẳng.
Tỉnh dậy cô thấy mắt mình đẫm nước. Cô ngồi dậy trên giường và hối hận vô cùng. Lẽ ra cô không được làm việc đó. Lỗi lầm lớn của cô là năm ngoái đã phá thai, cô phải giữ nó mới đúng, và bây giờ lẽ ra đứa trẻ đã có mặt trên đời. Cơ thể cô trống hoác, nhưng nó vẫn biết thực ra hôm nay là thời điểm sinh nở.
Chín tháng một tuần. Đó là thời gian cần thiết để tạo thành một con người, và đứa trẻ cũng được bảo vệ lâu như thế trước ảnh hưởng bên ngoài. Sau đó bắt đầu nỗi cô đơn ghê gớm. Elina cố nghĩ sang chuyện khác. Cô đi ra chỗ để thùng giấy đựng hồ sơ vụ Ylva Marieanne Malmberg mà tối qua cô lại đem về nhà. Chuyện đời của Ylva nằm gọn trong một thùng giấy.
Cuốn lịch bỏ túi của năm 1978 nằm trong một túi nylon. Chín tháng một tuần... Ylva sinh con gái hôm 2/5/1979. Đứa trẻ cân nặng bình thường và phát triển đầy đủ. Elina tính ngược lại. Thời điểm thụ thai phải vào ngày 25/8/1978, nhất định cũng là thời điểm mà Ylva ở bên bố đứa trẻ, nếu hắn là người giết cô.
Cô xem ô lịch cả năm trong cuốn lịch nhỏ màu đỏ. Ngày 25/8/1978 là ngày thứ Sáu. Không phải một ngày đặc biệt gì để thụ thai, cô nghĩ bụng. Cô mở sổ tay ra. “Cuộc sống tình dục của Ylva?”, cô viết rồi gạch dưới thật đậm. Cô giở các trang lịch đến tận ngày 25/8 và ngừng lại, đặt cuốn lịch xuống. Phải tóm lấy ý tưởng khi nó trôi qua trong đầu, cô nghĩ và vớ ngay cây bút. Cô vào phòng khách, ngồi xuống sofa và quấn tà áo khoác trong nhà thật chặt quanh chân.
Chỉ có một khả năng duy nhất để phá vụ này mà thôi, cô nghĩ. Và đó là, bố đứa trẻ đồng thời là tên sát nhân. Nếu đó là một người khác thì họa chăng cô phải có phép màu mới nhận ra dấu hiệu, cái dấu hiệu bé xíu mà những người khác không nhìn thấy. Bố đứa trẻ, người tình... người đàn ông từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Ylva, không chỉ khi cô chết. Có thể cho người đó hiện hình bằng cách ấy. Có thể anh ta đã tồn tại từ lâu xung quanh cô, hoặc là một người mới quen. Nhưng hai người ở cùng nhau vào thời điểm trước hay sau ngày 25/8 là một điều chắc chắn. Elina lại mở cuốn lịch ra và xem lại thứ Hai cùng tuần, ngày 21/8. Ở đó có chữ “Khai giảng”.
Elina lắc đầu. Cả một trường học, nhiều đàn ông, giáo viên lẫn học viên. Cô xem lại ngày 25/8. “Ở Monaco”. Tên một tiệm nhảy đầy thanh niên. Danh sách các sát thủ tiềm năng hôm ấy hầu như vô tận.
Trong cuốn lịch bỏ túi, mỗi ngày là một ô gồm sáu dòng kẻ. Đôi khi Ylva ghi đầy ô, hoặc chỉ vài chữ rời rạc. Elina nhận ra hai cách chỉ thời gian. “Khai giảng” là một sự kiện nằm trong thì tương lai, một sự việc có thể sẽ xảy ra hoặc sắp phải hoàn tất, được ghi trước để nhớ. “Ở Monaco” ám chỉ một việc đã rồi. Đó là một ghi chép nhật ký, viết vào sổ sau khi chuyện đã xảy ra. Elina lật đi lật lại các trang lịch. Suốt cả năm, ngày nào cũng có ghi chép. Chủ yếu ghi lại những việc Ylva đã làm hôm đó. Cuốn lịch này có thể coi như nhật ký. Rõ ràng đó là một thói quen, và Ylva đã viết nhật ký trong nhiều năm, Elina nghĩ. Trong tập hồ sơ có ba quyển nhật ký và một cuốn lịch nữa.
Elina muốn thâm nhập vào thế giới của Ylva. Cô muốn, cô hy vọng và mong sao mấy cuốn nhật ký và lịch sẽ hé lộ những người đàn ông Ylva đã gặp gỡ. Nhưng điều đó khó đưa lại một dấu vết nào rõ rệt mà các đồng nghiệp của cô chưa tìm ra. Cùng lắm là một phỏng đoán vu vơ nào đó mà các điều tra viên ngày ấy không chú trọng, hoặc một dấu hiệu chỉ mình Elina nhìn thấy được. Nhưng chuyện đó cũng chẳng khả quan lắm. Cô phải tự dựng cho mình một hình ảnh về con người Ylva. Một hình ảnh riêng hẳn. Cô phải nhìn Ylva bằng cặp mắt của một phụ nữ, không như các nam đồng nghiệp khác. Mấy cuốn nhật ký và lịch chỉ là xuất phát điểm cho cách đặt câu hỏi mới. Cô phải nói chuyện với những người từng quen Ylva. Nhưng thời gian quá gấp gáp và cô không thể làm việc đó trong giờ hành chính. Cô phải xắn thời gian đó từ chỗ khác ra và chọn lựa một số ít đối tượng thôi. Chọn ai bây giờ?
“Roger, anh trai”, cô ghi vào sổ tay. “Ai đó trong nhóm cùng thuê nhà. Một người cùng đi Ấn Độ. Bạn học ở Tärna Folkhögskola. Bạn gái hoặc người quen ở Västerås. Một người đàn ông có quan hệ tình dục”.
Bảy người cả thảy, cô nghĩ. Phải nhanh tay lên mới được. Mình phải lựa ra đúng người.
Cô mở tập hồ sơ. Giữa đống giấy tờ, cô tìm được một quyển vở khoảng ba mươi trang khổ A4. Trên trang bìa đề “Danh mục các dữ kiện trong lịch và nhật ký”. Trong đó liệt kê tám quyển nhật ký từ 1965 đến 1977 và lịch năm 1978.
Nghĩa là còn năm cuốn nhật ký nữa. Elina tự hỏi, liệu chúng bị mất hay đã trả lại. Và nếu trả lại rồi thì hiện trong tay ai. Vì sao thiếu cuốn 1979? Cô suy nghĩ và ghi vào sổ tay.
Elina mở cuốn lịch 1978, bắt đầu xem từ ngày 1/1. Chữ đầu tiên là “say”, tiếp đó là “Gần 16 giờ lên giường. Cùng P.*** (hình như thế, say quá)”. Elina lấy cuốn lịch năm trước ra. Hôm giao thừa Ylva viết “Liên hoan Västegård 19 giờ”.
Cái tên P xuất hiện lần nữa trong mùa xuân, tháng Ba, lần này có hai ngôi sao sau dấu chấm. Trong lịch có nhiều ghi chép dạng này: S., S-n., K., D., L. và J. Bao giờ cũng kèm ký hiệu sao. Elina rút ra kết luận rằng các chữ cái là tên viết tắt của những đàn ông mà Ylva ngủ cùng và chấm điểm bằng số sao. Không đâu có dấu hiệu để nhận định rằng cô có mang cùng ai trong số đó. Cũng không đâu có dấu hiệu chứng tỏ cô có quan hệ gì khác với họ ngoài chuyện tình dục. Nhân vật K. còn được nhắc đến trong một trường hợp khác: Ylva cùng anh ta đi Västerås. Elina đoán là họ từ trường về.
Trong sổ không có một người đàn ông nào mà tên không được viết tắt, trừ Roger. Một lần vào mùa xuân, một lần mùa thu, Ylva viết: “Gọi điện cho Roger”, nhưng không viết nội dung cuộc đàm thoại. Elina đoán Roger trong sổ là anh trai Ylva.
Tên các phụ nữ thì lại viết đầy đủ. Phụ nữ không bị dồn gọn vào chữ cái đầu tên. “Gặp tay Don Juan của Fellini đi cùng Ingrid”. Hoặc “Học cùng Tarja”.
Một chữ cái khác đầu tên hiện ra năm lần, lần đầu vào hôm 18/3: “Bất ngờ gặp N”. Ghi chép tiếp theo về N. xuất hiện một tuần sau đó: “N. 19”. Một tháng sau: “N. 200”. Ngày 4/7 chỉ độc có chữ “N”. Và cuối cùng là hôm 27/8: “N. đến”.
27/8... ngày thụ thai.
Elina đặt cuốn lịch xuống và xem lại danh mục các dữ kiện trong lịch và nhật ký do các đồng nghiệp lập ra. Một đoạn dài nói về N. Mười một người có tên riêng bắt đầu bằng chữ cái N đã bị thẩm vấn. Hầu hết là học viên hoặc giáo viên của trường Tärna Folkhögskola. Trong đó có cả một người hàng xóm và hai người khác từ Västerås. Nhóm điều tra xuất phát từ tên riêng bắt đầu bằng chữ N vì những chữ viết tắt khác có vẻ như cũng là tên riêng của đàn ông, ít nhất là trong ba trường hợp đã được nhận dạng. P. là Petter, S-n là Staffan, và K. là Kenneth. Cả ba đều công nhận có ngủ với Ylva. Nhưng N. vẫn là ẩn số đối với cảnh sát. Không một ai trong số những người bị hỏi cung có vẻ thích hợp với nhân vật này.
Elina nhấc điện thoại và chọn số 118 118. “Ở Arvidsjaur có ai tên là Åke Lestander không?”, cô hỏi. Mấy giây sau cô có số điện thoại. Cô lưỡng lự vài giây. Làm sao giải thích được rằng cô điều tra trong một vụ của Lestander với tư cách nửa cá nhân đây? Có thể người ta sẽ hỏi ngược lại. Nhưng cô quyết định sẽ trả lời thẳng thắn nếu bị hỏi.
- Lestander đây, - đầu dây bên kia vang lên một giọng thanh thanh với âm hưởng địa phương, dễ nhận thấy người này cả đời không rời khỏi quê. Elina xưng tên và trình bày ý định gặp nhân viên phụ trách điều tra vụ sát hại Ylva Marieanne Malmberg.
- Chị tìm đúng người rồi đấy. Lạ thật. Cách đây mấy hôm bản thân tôi cũng nhớ đến vụ này.
- Tại sao vậy? - Elina hỏi và nghĩ bụng, chính người kia phải đặt câu hỏi đó cho mình mới phải.
- Tôi không sao dứt hẳn khỏi vụ này được. Đã hai mươi lăm năm rồi, và sắp tới sẽ không thể truy tố thủ phạm nữa. Cho phép tôi hỏi tại sao chị lại quan tâm đến vụ này?
- Sếp của tôi, à, sếp cũ của tôi nhắc đến vụ này, khiến tôi rất tò mò.
- Tôi đoán là chị nói đến Oskar Kärnlund. Lão già ấy có khỏe không?
- Không khỏe lắm. Ông ấy mới bị nhồi máu cơ tim, đúng nửa năm sau khi về hưu. May mà cũng qua khỏi.
- Tệ quá nhỉ. Chị cho tôi gửi lời chào anh ấy, chúc anh ấy chóng bình phục. Tôi có thể giúp chị việc gì không?
- Tôi đã tự cho phép xin hồ sơ về đọc.
- Thế à. Chẳng có hại gì. Chắc đã lâu chẳng ai sờ đến nó cả. Tôi cũng đã về hưu được bảy năm rồi.
- Tôi tin người bố chưa lộ mặt của con gái Ylva chính là kẻ giết cô ta, - Elina nói. - Có lý do nào trực tiếp bác bỏ luận cứ ấy không?
- Không, ít nhất là theo tôi nhớ lại. Nhưng hồi đó chúng tôi không tìm ra người bố lẫn kẻ giết người. Ai muốn biết chuyện ấy? À, cả đứa con cũng không tìm thấy.
- Nếu lấy ngày sinh của đứa con và tính ngược lại thì Ylva phải thụ thai gần ngày 25/8/1978. Trong lịch của cô ấy, vào thời điểm ấy xuất hiện chữ cái N. Nhưng không xác định được anh ta...
Åke Lestander ngắt lời cô.
- Chúng tôi đã cố hết sức tìm N., nếu người đó được coi là nghi phạm. Nhưng không xong.
- Anh có chắc chắn rằng đó là một trong những người đàn ông bị hỏi cung ngày ấy và tên riêng bắt đầu bằng chữ cái N?
- Tôi không nhớ rõ nữa. Chị không thấy ghi trong hồ sơ à?
- Không có ghi chép nào liên quan trực tiếp cả. Có thể N là tên họ được viết tắt không?
- Phỏng đoán thì cái gì mà không thể.
- Hồi đó anh tìm thấy lịch và nhật ký ở đâu?
- Trời ơi, ở đâu nhỉ? Tôi nhớ là ở trong tủ, tại nhà cô ấy ở Jäkkvik, không rõ có đúng không.
- Thế năm quyển nhật ký không có trong hồ sơ thì nay ở đâu?
- Nhiều đồ vật của Ylva sau mấy năm được trả lại cho mẹ cô ấy. Bà ấy muốn thế.
- Anh có biết tại sao không có lịch năm 1979 không?
- Phải có chứ. Trong số những người chúng tôi hỏi chuyện có nhiều người tin chắc cô ấy có một quyển lịch trong năm cuối đời. Nhưng chúng tôi không sao tìm thấy nó. Đơn giản là nó mất tăm. Hoặc là cô ta đánh mất, hoặc ai đó đã lấy đi.
- Anh có đoán con gái cô ấy ra sao không? Tôi muốn biết nhận định riêng của anh.
- Dễ đoán nhất là đứa bé cũng thành nạn nhân trong vụ này, tất nhiên, và bị chôn ở đâu đó trên núi. Nhưng tôi mong nó sống sót. Ngày xưa, đôi khi nó hiện ra trong các giấc mơ của tôi và cất tiếng gọi mẹ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét