Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 8

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

8

Thứ Sáu tuần sau, tôi nhận được một tin nhắn khác từ Harry, dặn tôi kiểm tra Bulfinch của chúng tôi.
Cậu ta đã tìm hiểu được rằng người lạ trên tàu hỏa thực sự là một phóng viên: Franklin Bulfinch, trưởng đại diện của tạp chí Forbes ở Tokyo.
Bulfinch là một trong năm người đàn ông nước ngoài sống trong tòa chung cư Daikanyama mà tôi đã thấy người lạ đi vào; tất cả những gì Harry cần làm là đối chiếu những cái tên cậu ta tìm thấy trong danh bạ địa phương với những hồ sơ chính được lưu trữ ở Cục Nhập cư. Các hồ sơ của Cục Nhập cư lưu trữ thông tin về tất cả những công dân người nước ngoài sinh sống ở Nhật, bao gồm tuổi tác, nơi sinh, địa chỉ, nghề nghiệp, dấu vân tay, và một bức ảnh. Với thông tin này, Harry có thể nhanh chóng xác định rằng những người nước ngoài còn lại đều không khớp với sự mô tả của tôi. Cậu ta cũng đã sốt sắng đánh cắp và tải ảnh của Bulfinch lên để tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đang nói về cùng một người. Và kết quả đúng là vậy.
Harry khuyên tôi vào trang forbes.com, nơi lưu trữ các bài báo của Bulfinch. Tôi kiểm tra trang web đó, và dành vài tiếng đồng hồ để đọc các mô tả của Bulfinch về những liên minh đáng ngờ giữa chính phủ và yakuza, về việc đảng Dân chủ Tự do sử dụng sự hăm dọa và hối lộ để điều khiển báo chí như thế nào, về tác động tiêu cực của toàn bộ nạn tham nhũng này với những người dân Nhật Bản bình thường ra sao.
Các bài báo bằng tiếng Anh của Bulfinch không có mấy tác động ở Nhật, và các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước rõ ràng chẳng mặn mà gì với những nỗ lực của gã. Tôi cho rằng điều này sẽ khiến gã bực bội. Mặt khác, có lẽ đó cũng là lí do tôi chưa được giao nhiệm vụ trừ khử gã.
Tôi đoán rằng Kawamura là một trong những nguồn cung cấp tin cho Bulfinch, do đó gã phóng viên mới có mặt trên tàu vào buổi sáng hôm đó và kiểm tra người Kawamura. Tôi cảm thấy có chút ngưỡng mộ khó hiểu với sự gan lì của gã: nguồn cung cấp tin đang bị đau tim ngay trước mặt gã, và tất cả những gì gã làm là lục lọi các túi của người đó để tìm vật người đó định giao cho gã.
Ai đó hẳn đã phát hiện ra mối quan hệ giữa họ, cho rằng việc xóa sổ một trưởng đại diện người nước ngoài là quá liều lĩnh, và quyết định chỉ trừ khử kẻ làm rò rỉ thông tin. Việc này phải có vẻ tự nhiên, nếu không họ chẳng khác nào đem thêm lúa đến cho cái cối xay của Bulfinch. Vì vậy họ đã gọi tôi.
Được rồi. Không có một kẻ dự bị nào cả. Tôi đã hiểu lầm Benny. Tôi có thể bỏ qua chuyện này được rồi.
Tôi nhìn đồng hồ. Chưa tới 5 giờ. Nếu muốn, tôi có thể dễ dàng đến Blue Note lúc 7 giờ, khi suất diễn đầu tiên bắt đầu.
Tôi thích nhạc của cô ấy và tôi thích bầu bạn với cô ấy. Cô ấy hấp dẫn, và, tôi cảm nhận được, cũng bị tôi hấp dẫn. Quả là sự kết hợp tuyệt diệu.
Cứ đi đi, tôi nghĩ. Sẽ thú vị lắm đây. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Có thể là một đêm tuyệt vời. Sức hấp dẫn giữa mày và cô ấy đã quá rõ ràng. Chỉ là người tình một đêm thôi. Được đấy.
Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ nhảm nhí. Tôi không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra sau buổi biểu diễn của cô ấy, nhưng Midori không giống như người tình một đêm. Đó chính là lí do tôi muốn gặp cô ấy, và cũng là lí do khiến tôi không thể làm vậy.
Mày bị làm sao vậy? Tôi nghĩ. Mày cần gọi điện cho một trong những người quen của mày. Keiko chẳng hạn, cô ấy thường làm mày vui. Một bữa tối muộn, có thể là ở cái nhà hàng Italy nho nhỏ ở Hibiya đó, chút rượu vang, một cái khách sạn.
Tuy nhiên, lúc này, ý nghĩ về một đêm với Keiko khiến tôi chán nản lạ lùng. Có lẽ nên đi luyện tập thể lực thì tốt hơn. Tôi quyết định tới Kodokan, một trong những nơi tôi tập judo.
Kodokan, hay “Trường học đạo”, được thành lập năm 1882 bởi Kano Jigoro, người sáng lập môn võ judo hiện đại. Sau một thời gian theo học tại nhiều trường kiếm thuật và quyền cước, Kano đã rút ra một hệ thống các kĩ thuật chiến đấu mới dựa trên nguyên tắc tối đa hóa hiệu quả việc áp dụng sức mạnh thể chất và tinh thần. Nói một cách nôm na, judo tương đương với vật phương Tây giống như karate tương đương với đấm bốc vậy. Đó là một hệ thống không bao gồm những cú đấm và đá, mà là quăng quật và vật lộn, nổi bật với một tập hợp những đòn khóa khớp hiểm hóc và những kĩ thuật siết cổ trí mạng, dĩ nhiên tất cả những ngón đòn ấy phải được sử dụng với sự cẩn thận tuyệt đối trong võ đường. Judo có nghĩa đen là “phương pháp mềm dẻo” hoặc “phương pháp nhượng bộ”. Tôi tự hỏi Kano sẽ nghĩ gì về cách dịch của tôi.
Ngày nay Kodokan nằm trong một tòa nhà tám tầng không có gì nổi bật và hiện đại không ngờ ở khu Bunkyo, phía tây nam công viên Ueno và chỉ cách chỗ tôi ở vài cây số.
Tôi đi tàu điện ngầm đến Kasuga, nhà ga gần nhất, thay quần áo tập trong phòng thay đồ, rồi leo cầu thang đến daidojo, phòng tập chính, nơi đội Đại học Tokyo đang ghé thăm. Sau khi tôi quật ngã uke* đầu tiên một cách dễ dàng và khiến cho cậu ta phải chào thua với một đòn siết cổ, họ đều xếp hàng để được giao đấu với võ sĩ dày dạn kinh nghiệm là tôi. Họ trẻ và dẻo dai nhưng không phải là đối thủ của tuổi già và sự xảo trá; sau khoảng nửa tiếng randori** liên tục, tôi vẫn luôn là người thắng cuộc, đặc biệt là với các bài tập cơ bản.
*[Người cảm nhận đòn giúp người thực hiện đòn đánh]
**[Song đấu tự do]
Một đôi lần, khi tôi quay lại tư thế hajime* sau một cú quật ngã đối thủ, tôi nhận thấy một kurobi** người Nhật đang khởi động ở góc thảm tập. Đai của y bị sờn rách và có màu xám hơn là màu đen, chứng tỏ rằng y đã đeo nó nhiều năm trời. Thật khó để đoán tuổi của y. Mái tóc y đen và dày dặn, nhưng khuôn mặt có những nếp hằn mang đậm dấu ấn của thời gian và sự từng trải. Những động tác của y vẫn còn rất trẻ trung; y đang xoạc chân một cách dễ dàng. Có vài lần tôi cảm nhận được y đang chăm chú quan sát tôi, mặc dù tôi chưa bao giờ bắt gặp y nhìn về phía mình.
*[Tư thế ban đầu]
**[Đai đen]
Tôi cần nghỉ ngơi và cáo lỗi với những sinh viên đại học đang xếp hàng, họ vẫn đang đợi để thử dũng khí của mình với tôi. Cảm giác hạ được những judoka* bằng nửa tuổi mình thật là tuyệt, và tôi tự hỏi liệu tôi còn có thể làm vậy bao lâu nữa.
*[Võ sinh judo, võ sĩ judo]
Tôi đi tới mép thảm tập và, vừa duỗi tay duỗi chân, tôi vừa quan sát gã đeo đai sờn rách. Y đang khởi động bằng đòn harai-goshi* với một cậu sinh viên có thân hình chắc nịch và để đầu đinh. Y vào đòn mạnh đến mức tôi bắt gặp cậu sinh viên nhăn mặt vài lần khi cơ thể họ va nhau.
*[Tên một đòn quật ngã đối thủ bằng hông]
Y hoàn thành xong bài tập và cảm ơn cậu sinh viên, sau đó bước tới chỗ tôi và cúi đầu.
- Anh sẽ đấu một ván randori với tôi chứ? - Y hỏi, bằng thứ tiếng Anh có trọng âm nhẹ nhàng.
Tôi ngẩng lên và nhận thấy một cặp mắt mãnh liệt và cái hàm bành bạnh dữ dằn, nụ cười của y cũng không giúp chúng trở nên mềm mại hơn. Tôi đã cảm giác đúng về chuyện y quan sát tôi, cho dù tôi không bắt được quả tang. Y đã nhìn ra những nét Tây phương trên khuôn mặt tôi chăng? Có lẽ vậy, và y chỉ muốn thử sức với một gaijin - mặc dù, theo kinh nghiệm của tôi, đó là một trò chỉ dành cho những judoka trẻ tuổi hơn y. Và tiếng Anh của y, hay chí ít là cách phát âm, rất xuất sắc. Điều đó cũng thật kì cục. Những người Nhật háo hức với việc đọ sức với người nước ngoài nhất thường là những người có ít kinh nghiệm với họ, và tiếng Anh của họ sẽ thường phản ánh sự thiếu tiếp xúc này.
- Kochira koso onegai shimasu*, - tôi trả lời. Tôi bực mình vì y nói với tôi bằng tiếng Anh, và tôi vẫn nói tiếng Nhật. - Nihongo wa dekimasu ka?**
*[Rất hân hạnh]
**[Anh có nói tiếng Nhật không?]
- Ei, mochiron. Nihonjin desu kara*. - y đáp, phẫn nộ.
*[Dĩ nhiên. Tôi là người Nhật mà]
- Kore wa shitsuri: shimasita. Watashi mo desu. Desu ga, hatsuon ga amari migoto datta no de...*
*[Thứ lỗi cho tôi. Tôi cũng vậy. Nhưng cách phát âm của anh quá hoàn hảo đến nỗi...]
Y cười.
- Cách phát âm của anh cũng vậy. Tôi hi vọng judo của anh cũng không thua kém gì.
Nhưng vì tiếp tục nói với tôi bằng tiếng Anh, y đã tránh phải thừa nhận sự thật trong lời khen của y.
Tôi vẫn bực bội, và có phần thận trọng. Tôi nói tiếng Nhật như người bản xứ, tiếng Anh của tôi cũng vậy, nên việc khen ngợi tôi về khả năng sử dụng cả hai thứ tiếng đó vốn đã là một sự xúc phạm. Và tôi muốn biết tại sao y lại cho rằng tôi nói tiếng Anh.
Chúng tôi tìm thấy một chỗ trống trên thảm tập và cúi người chào nhau, sau đó bắt đầu đi vòng quanh, mỗi người đều cố gắng nắm được áo đối thủ ở vị trí thuận lợi. Y cực kì thoải mái và di chuyển thật nhẹ nhàng. Tôi nhử y bằng đòn deashi-barai, một đòn quét chân, định bụng dùng tiếp đòn osoto-gari, nhưng y đã chặn lại bằng một đòn quét chân khác và vật tôi xuống thảm tập.
Mẹ kiếp, y nhanh thật. Tôi lăn người dậy và chúng tôi lại đứng vào vị trí, lần này đi vòng quanh theo hướng ngược lại. Lỗ mũi y khẽ phập phồng với từng nhịp thở, nhưng đó là dấu hiệu duy nhất cho thấy y đã phải vận nhiều sức.
Tôi dùng tay trái túm chặt tay áo phải của y, những ngón tay bấu sâu vào lớp vải. Một tư thế đẹp cho đòn ippon seonagi*. Nhưng y đã đề phòng điều đó. Thay vào đó, tôi quét chân thật mạnh để chuẩn bị cho đòn sasae-tsurikomi-goshi, xoay người bên trong sự kìm kẹp của y và gồng người để quật ngã y. Nhưng y đã tiên liệu trước động tác này, xoay hông tránh được trước khi tôi kịp chặn y lại và ngáng đường lùi về của tôi bằng chân phải của y. Tôi bị mất thăng bằng và y quật ngã tôi thật mạnh bằng đòn tai-otoshi, hất tôi ngã nhào qua ống chân y và dúi tôi xuống thảm tập.
*[Tên một loại đòn vai trong judo]
Y quật ngã tôi thêm hai lần nữa trong năm phút tiếp theo. Cứ như đang chống chọi với một thác nước vậy.
Tôi bắt đầu thấm mệt. Tôi nhìn y và nói:
- Jaa, tsugi o saigo ni shimasho ka?*
*[Hiệp này là hiệp cuối nhé?]
- Ei, so shimasho*, - y nói, nhún lên nhún xuống trên những đầu ngón chân.
*[Được]
Được lắm, thằng khốn, tôi nghĩ. Tao có một bất ngờ nhỏ cho mày. Để xem mày thích nó thế nào nhé.
Juji-gatame, có nghĩa là “khóa thập tự”, là một đòn khóa khuỷu tay được đặt tên theo góc độ tấn công của nó. Khi thực hiện ngón đòn này theo cách cổ điển, người tấn công sẽ nằm ở vị trí vuông góc với đối thủ, cả hai đều nằm ngửa, tạo nên hình dạng của một cây thập tự. Một sự thay đổi về vị trí - những người cổ điển sẽ gọi là hoán chuyển - được gọi là juji-gatame bay, nghĩa là người tấn công thực hiện đòn khóa ngay từ tư thế đứng. Bởi vì nó đòi hỏi sự chú tâm cao độ, và số lần thực hiện thất bại cũng tương đương với số lần thành công, nên biến thể này hiếm khi được thử, và không được biết đến nhiều.
Nếu gã này không quen thuộc với nó, gã sẽ được giới thiệu về nó.
Tôi đi vòng quanh với vẻ phòng thủ, thở hồng hộc, cố gắng tỏ ra mệt mỏi hơn thực tế. Ba lần tôi giữ được cú tóm của y và né tránh quanh người y như thể đang miễn cưỡng giao đấu. Cuối cùng y tức giận và mắc bẫy, vươn bàn tay trái hơi quá sâu để tóm lấy ve áo phải của tôi. Ngay khi y tóm được ve áo tôi, tôi liền nắm lấy cánh tay y và ngửa đầu về đằng sau, tung hai chân lên như thể tôi là một vận động viên nhảy cầu đang thực hiện một cú nhảy lộn nhào. Đầu tôi hạ xuống giữa hai bàn chân y, sức nặng của cơ thể tôi giật y chúi người xuống, bàn chân phải của tôi ấn chặt vào nách bên trái của y, khiến y mất thăng bằng. Trong một giây chớp nhoáng, trước khi y ngã nhào qua người tôi, tôi thấy sự kinh ngạc tột độ trên khuôn mặt y. Sau đó chúng tôi đều nằm trên thảm và tôi đã khóa được cánh tay y, bẻ ngược nó lại từ chỗ khuỷu tay.
Y giãy giụa và cố gắng thoát ra nhưng không thể. Cánh tay y đã bị duỗi căng tới mức giới hạn của sự cử động tự nhiên. Tôi vận thêm chút lực nữa nhưng y vẫn không chịu đầu hàng. Tôi biết rằng chỉ khoảng hai milimét nữa thôi là khuỷu tay y sẽ bị duỗi căng quá mức. Bốn milimét nữa là cánh tay y sẽ bị gãy.
- Maita ka*? - tôi nói, cúi đầu về phía trước để nhìn y. Y đang nhăn nhó vì đau đớn nhưng lờ đi lời tôi nói.
*[Hàng đi]
Thật ngu ngốc khi cố chống lại một đòn khóa tay chắc chắn. Ngay cả trong thi đấu Olympic, judoka sẽ chọn đầu hàng thay vì đối mặt với việc bị gãy tay. Chuyện này đang trở nên nguy hiểm.
- Maita ka. - tôi lặp lại, gay gắt hơn. Nhưng y vẫn chống cự.
Thêm năm giây nữa trôi qua. Tôi sẽ không buông y ra nếu y không chịu đầu hàng, nhưng tôi cũng không muốn làm y gãy tay. Tôi tự hỏi chúng tôi có thể duy trì tư thế này bao lâu nữa.
Cuối cùng y vỗ nhẹ vào chân tôi bằng bàn tay còn lại, cách đầu hàng của judoka. Tôi lập tức buông y ra và đẩy người ra xa khỏi y. Y lăn người dậy và rồi quỳ gối trong tư thế seiza* cổ điển, lưng giữ thẳng đứng và giữ cánh tay trái thẳng dơ trước mặt. Y xoa xoa khuỷu tay trong vài giây và nhìn tôi chăm chú.
*[Kiểu ngồi quỳ truyền thống của người Nhật]
- Subarashikatta.* - y nói. - Tôi sẽ yêu cầu một trận đấu lại, nhưng tôi không nghĩ hôm nay cánh tay tôi sẽ cho phép điều đó.
*[Tuyệt vời]
- Anh nên đầu hàng sớm hơn, - tôi nói. - Chẳng ích gì khi cưỡng lại một đòn khóa tay. Tốt hơn là nên giữ cho tay chân mình được nguyên vẹn để phục thù vào một ngày khác.
Y gật đầu đồng ý.
- Tôi cho rằng đó là vì sự kiêu hãnh ngốc nghếch của tôi.
- Tôi cũng không thích đầu hàng. Nhưng anh đã thắng bốn hiệp đầu tiên. Tôi rất muốn đổi lấy cái thành tích đó của anh. - Y vẫn đang dùng tiếng Anh; còn tôi đang đáp lại bằng tiếng Nhật.
Tôi ngồi đối diện y trong tư thế seiza, và chúng tôi cúi chào nhau. Khi chúng tôi đứng dậy, y nói:
- Cảm ơn anh về bài học này. Tôi chưa bao giờ thấy biến thể đó của juji-gatame được thực hiện thành công trong randori. Lần sau tôi sẽ biết không được đánh giá thấp sự liều lĩnh của anh.
Tôi đã biết điều đó.
- Anh tập luyện ở đâu? - Tôi hỏi y. - Tôi chưa thấy anh ở đây bao giờ.
- Tôi tập trong một câu lạc bộ tư, - y nói. - Có lẽ một lúc nào đó anh có thể tham gia với chúng tôi. Chúng tôi luôn tìm kiếm judoka nào có shibumi.
Shibumi là một khái niệm mĩ học của Nhật Bản. Đó là một loại sức mạnh tinh tế, một sức mạnh có vẻ tự nhiên. Theo một nghĩa hẹp hơn, liên quan đến trí tuệ, nó có thể được gọi là sự khôn ngoan.
- Tôi không chắc tôi là người mà anh đang tìm kiếm. Câu lạc bộ của anh ở đâu?
- Ở Tokyo, - y nói. - Chắc là anh chưa từng nghe tên nó đâu. Câu lạc bộ của tôi không dành cho người nước ngoài.
Y mau chóng sửa lại lời nói.
- Nhưng, dĩ nhiên, anh là người Nhật.
Có lẽ tôi nên bỏ qua chuyện này mới phải.
- Vâng. Nhưng anh lại tiếp cận tôi bằng tiếng Anh.
Y ngừng lại:
- Anh chủ yếu mang những nét đặc trưng của người Nhật, nếu tôi có thể nói vậy. Tôi nghĩ mình đã phát hiện thấy một chút dấu vết Tây phương, và muốn thỏa mãn bản thân. Tôi thường rất nhạy cảm với những vấn đề như thế này. Nếu tôi nhầm, anh chỉ đơn giản sẽ không hiểu tôi, vậy thôi.
Trinh sát bằng hỏa lực, tôi nghĩ. Anh thử bắn vào rặng cây; nếu có người bắn trả, anh sẽ biết là họ ở đó.
- Anh có thấy thỏa mãn không? - Tôi hỏi, tỉnh táo kiềm chế sự bực bội.
Trong một thoáng, tôi nghĩ trông y có vẻ khó chịu một cách kì cục. Rồi y nói:
- Anh có phiền không nếu tôi nói thẳng?
- Nãy giờ anh còn chưa nói thẳng sao?
Y cười.
- Anh là người Nhật, nhưng cũng là người Mỹ, đúng không? - Tôi cẩn thận giữ vẻ mặt bình thản. - Tuy nhiên, tôi nghĩ anh có thể hiểu tôi. Tôi biết người Mỹ ngưỡng mộ sự thẳng thắn. Đó là một trong những đặc điểm khó chịu của họ, và càng khó chịu hơn nữa khi họ luôn lấy làm tự hào vì điều đó. Và nét tính cách khó chịu ấy hiện đang tiêm nhiễm sang cả tôi! Anh có thấy mối đe dọa của nước Mỹ đối với nước Nhật không?
Tôi nhìn y, tự hỏi phải chăng y là một kẻ hữu khuynh lập dị. Thi thoảng anh vẫn chạm trán những người như vậy - họ tuyên bố là ghét cay ghét đắng nước Mỹ nhưng không thể cưỡng lại sức mê hoặc của nó.
Tôi nhìn y, tự hỏi phải chăng y là một kẻ hữu khuynh lập dị. Thi thoảng anh vẫn chạm trán những người như vậy - họ tuyên bố là ghét cay ghét đắng nước Mỹ nhưng không thể cưỡng lại sức mê hoặc của nó.
- Người Mỹ đang... gây ra quá nhiều những cuộc đối thoại thẳng thắn ư? - Tôi hỏi.
- Tôi biết anh đang bông đùa, nhưng trong chừng mực nào đó, thì đúng là như vậy. Người Mỹ là những nhà truyền giáo, như những tín đồ Cơ Đốc đến Kyushu để cải đạo chúng tôi năm trăm năm trước. Chỉ có điều, bây giờ họ không chỉ truyền bá đạo Cơ Đốc, mà còn cả Lối sống Mỹ, đó mới thực là thứ tôn giáo thiêng liêng chính thức của nước Mỹ. Sự thẳng thắn chỉ là một khía cạnh tương đối nhỏ của nó.
Tại sao không vui đùa một chút nhỉ?
- Anh cảm thấy mình đang bị cải đạo à?
- Dĩ nhiên. Người Mỹ tin vào hai điều: thứ nhất, bất chấp kinh nghiệm hằng ngày và nhận thức thông thường, họ tin rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”; và thứ hai, niềm tin tuyệt đối vào thị trường là cách tốt nhất để ổn định xã hội. Nước Mỹ luôn cần những ý niệm trừu tượng như thế để gắn kết các công dân của nó, những người đến từ những nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Và sau đó người Mỹ hướng đến việc chứng minh tính phổ quát của những quan niệm này, và giá trị của chúng, bằng cách biến cải các nền văn hóa khác sang nền văn hóa của họ một cách hung hăng. Trong một bối cảnh tôn giáo, hành vi này sẽ được coi là sự truyền giáo từ nguồn gốc đến hệ quả.
- Đó là một giả thuyết thú vị, - tôi thừa nhận. - Nhưng thái độ hung hăng với những nền văn hóa khác chưa bao giờ là độc quyền của người Mỹ. Anh giải thích thế nào về lịch sử xâm lược của Nhật Bản ở Triều Tiên và Trung Quốc? Phải chăng đó là những nỗ lực để cứu châu Á khỏi sự chuyên chế của các lực lượng thị trường phương Tây?
Y cười.
- Anh lại đùa nữa rồi, nhưng cách giải thích của anh không quá xa sự thật. Bởi vì các lực lượng thị trường - sự cạnh tranh - là thứ đẩy người Nhật vào các cuộc xâm lược thuộc địa. Các nước phương Tây đã được nhượng cho các tô giới ở Trung Quốc - nước Mỹ đã thể chế hóa hành động cướp bóc ở châu Á với chính sách “Mở cửa”. Chúng tôi còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhận phần tô giới của chúng tôi, để Mỹ và các nước phương Tây không thể bao vây và chặn đứng những nguồn cung cấp nguyên liệu thô của chúng tôi?
- Hãy nói thật với tôi, - tôi nói, cảm thấy hứng thú dù đã cố kìm chế. - Anh có thực sự tin vào toàn bộ điều này? Rằng người Nhật không bao giờ muốn chiến tranh, rằng phương Tây đã gây ra tất cả? Bởi vì người Nhật đã phát động các chiến dịch xâm lược Triều Tiên đầu tiên ngay từ thời Hideyoshi*, hơn bốn trăm năm trước. Làm thế nào phương Tây gây ra việc đó được?
*[Toyotomi Hideyoshi (1537-1698): Một lãnh chúa đã thống nhất Nhật Bản]
Y nhìn thẳng vào mặt tôi và đưa người ra đằng trước, hai ngón tay cái móc vào obi*, những ngón chân kiễng lên.
*[Khăn thắt lưng]
- Anh không hiểu ý tôi. Nhật Bản đi xâm lược trong nửa đầu của thế kỉ này là để phản ứng với sự hiếu chiến của phương Tây. Còn trước đó thì lại có những nguyên nhân khác, ngay cả những nguyên nhân thấp hèn như khao khát quyền lực và lợi nhuận. Chiến tranh là một phần bản chất con người, và người Nhật chúng tôi là con người, ne? Nhưng chúng tôi không bao giờ đánh nhau, chúng tôi chắc chắn không bao giờ tạo ra những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, để bắt thế giới tin vào sự đúng đắn của một quan niệm. Chỉ có nước Mỹ mới làm thế.
Y vươn lại gần hơn.
- Chiến tranh luôn đồng hành với thế giới và sẽ luôn như vậy. Nhưng còn những cuộc Thập tự chinh tri thức? Gây chiến trên quy mô toàn cầu, được hậu thuẫn bởi những nền kinh tế công nghiệp hiện đại, với sự đe dọa về một hỏa hình hạt nhân cho những kẻ không tin theo? Chỉ có nước Mỹ mới gây ra những thứ đó.
Chà, điều đó đã khẳng định cho triệu chứng hữu khuynh lập dị.
- Tôi đánh giá cao cuộc nói chuyện thẳng thắn của anh với tôi, - tôi nói, khẽ cúi đầu. - Ii benkyo ni narimashita*.
*[Đó là một bài học]
Y cúi đầu đáp lễ và bắt đầu lùi lại.
- Kochira koso.* - Y cười, một lần nữa lại có vẻ khó chịu. - Có lẽ chúng ta sẽ còn gặp lại.
*[Tôi cũng vậy]
Tôi nhìn y rời đi. Sau đó tôi bước tới chỗ một trong những người thường xuyên luyện tập ở đây, một võ sĩ kì cựu tên là Yamaishi, và hỏi xem liệu anh ta đã bao giờ trông thấy cái gã đang đi ra khỏi thảm tập kia chưa.
- Shiranai? - anh ta nhún vai nói. - Amari shiranai kao da. Da kedo, sugoku tsuyoku na. Randori, mita yo.*
*[Tôi không biết gã. Nhưng judo của gã rất mạnh. Tôi đã thấy hai người giao đấu]
Tôi muốn nghỉ ngơi một lát để thân nhiệt hạ bớt trước khi tắm, vì vậy tôi đi xuống một dojo* trống không trên tầng năm.
*[Đạo đường, phòng tập]
Tôi không bật đèn lên khi bước vào. Căn phòng này tuyệt nhất khi chỉ được rọi sáng bởi công viên giải trí Korakuen, đang lấp lánh ánh đèn và ầm ĩ sôi động ngay bên cạnh. Tôi cúi đầu trước bức ảnh của Kano Jigoro trên bức tường đối diện, sau đó lăn người theo kiểu ukemi đến giữa phòng. Đứng trong bóng tối tĩnh lặng, tôi nhìn sang Korakuen. Đúng lúc đó, tôi có thể nghe tiếng tàu lượn siêu tốc chậm chạp bò lên đỉnh, rồi tạm thời im ắng một lát, và sau đó là tiếng lao vun vút và những tiếng la hét thích thú của các hành khách, tiếng gió rít gào cuốn đi những tiếng thét của họ.
Tôi duỗi tay duỗi chân ở giữa phòng, bộ võ phục judogi dính vào da ướt nhẹp. Tôi đến Kodokan vì nó là địa điểm hàng đầu để học judo, nhưng, như chỗ tôi ở tại Sengoku, nơi này đã trở nên có ý nghĩa với tôi hơn nhiều so với lúc ban đầu. Tôi đã được trông thấy nhiều điều ở đây: một cựu chiến binh có mái tóc hoa râm, người đã tập judo hằng ngày trong nửa thập kỉ qua, kiên nhẫn chỉ bảo một đứa trẻ mặc một gi*quá khổ rằng vị trí thích hợp để móc chân trong đòn sankakujime là đứng hơi chéo một chút, chứ không phải là ngay đằng sau, so với đối thủ của mình; một sandan** trẻ, người đã rời tổ quốc Iran để đến tập luyện ở Kodokan bốn năm trước và hầu như không bỏ một buổi tập nào, luyện đi luyện lại đòn osoto-gari chính xác và thuần thục đến mức những động tác của anh ta đã trở nên giống như một sức mạnh thiên nhiên dữ dội, sự chuyển động của thủy triều, có lẽ vậy, hay một vũ công đã hóa thân thành điệu nhảy; một cậu sinh viên lặng lẽ khóc thầm sau khi bị thua trong một trận đấu, đám đông chỉ mải hò reo chúc mừng kẻ chiến thắng và chẳng đoái hoài những giọt nước mắt đáng quý của cậu ta.
*[Võ phục]
**[Đai đen tam đẳng]
Chiếc tàu lượn siêu tốc đang tạo ra tiếng lách cách quen thuộc, ánh nắng cuối ngày đang tắt dần phía bên trên nó. Đã hơn bảy giờ, quá muộn để đến Blue Note. Như vậy cũng tốt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét