Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 6

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

6

Sáng hôm sau tôi lên tàu tốc hành trở lại Osaka. Đến nhà ga Shin-Osaka huyên náo lúc đầu giờ chiều, tôi ngạc nhiên khi nhận ra trở lại nơi đấy thật là dễ chịu. Có lẽ tôi đã chán việc sống trong khách sạn. Hoặc có lẽ là cảm giác gì đó khi biết rằng tôi sẽ lại phải rời đi, lần này là mãi mãi.
Tôi biết tôi không bị bám theo khi rời khỏi Tokyo, nhưng chuyến tàu dài hai tiếng rưỡi không cho tôi thêm cơ hội mới nào để kiểm tra phía sau. Đó là một khoảng thời gian dài đối với tôi, đặc biệt là sau cuộc chạm trán với Kanezaki và đồng bọn, và để giảm bớt cảm giác khó chịu tôi đi một tuyến đường vòng quanh thích hợp trước khi bắt chuyến tàu Tanimachi tới Miyakojima, ở đó tôi theo cầu thang lối ra A4 lên đường phố.
* * *
Tôi rẽ trái vòng qua bốt cảnh sát tại ngã tư phố Miyakojima Hon mà không vì lí do cụ thể nào, khôn khéo di chuyển quanh hàng trăm chiếc xe đạp của những người đi làm đặt chen chúc nhau trên mọi hướng xung quanh lối ra. Lẽ ra tôi có thể dễ dàng rẽ phải, qua trường trung học địa phương và đi về phía sông Okawa. Một trong những lí do khiến tôi sống trong tòa nhà cao tầng ở Belfa là khu tổ hợp này có thể được tiếp cận từ mọi hướng.
Tại phố Miyakojima Kita tôi rẽ trái, rồi rẽ phải ngược luồng giao thông đang di chuyển trên con đường một chiều, rồi rẽ trái một lần nữa. Đi ngược luồng giao thông sẽ cản trở bất cứ ai cố gắng theo dõi tôi bằng xe cộ. Và mỗi ngã rẽ cho tôi cơ hội liếc nhìn kín đáo về phía sau trong khi đi vào một lối đi hẹp hơn, yên tĩnh hơn lối đi trước. Bất cứ ai có ý định theo đuôi tôi bằng cách đi bộ sẽ buộc phải giữ khoảng cách gần hoặc mất dấu tôi. Cũng có tới hàng tá nhà cao tầng trong khu vực, và thực tế rằng tôi có thể đang tới bất cứ tòa nhà nào trong số chúng là một yếu tố khác sẽ làm cho mọi động thái ngoại trừ việc theo dõi tầm gần đều trở thành vô ích.
Theo một cách nào đó thì khu dân cư này là một điển hình* của việc quy hoạch tồi tệ. Đây đó là những căn nhà chung cư bằng kính-và-thép sáng bóng nằm đối diện với những nhà để xe dựng bằng dầm sắt chữ I lợp tôn sóng. Các căn biệt thự dựng kề bên những lò xưởng và nhà máy tái chế. Một trường học cao tầng mới quay mặt tiền kiêu ngạo bằng đá granite khỏi người láng giềng của nó, là cái tàn tích xiêu vẹo của một hiệu sửa chữa xe hơi, như một đứa trẻ bạc bẽo xấu hổ vì cha mẹ ốm yếu.
*[Nguyên văn “poster child” - là từ chỉ một đứa trẻ mang bệnh hoặc tàn tật, xuất hiện trên poster của một tổ chức từ thiện quyên góp nào đó. Từ này mang nghĩa rộng là một người đại diện cho một hiện trạng, một tính chất]
Tuy nhiên, cư dân ở đây có vẻ không để tâm đến mớ hỗn độn này. Không những thế, mọi nơi đầy những dấu hiệu nhỏ của niềm kiêu hãnh mà người dân địa phương đưa vào nơi họ cư ngụ. Con đường lát đá dăm đơn điệu và những tấm kim loại lượn sóng được điểm xuyết bởi những bụi trúc, hoa oải hương và hướng dương. Đây là một ụ đá nham thạch được sắp xếp cẩn thận, kia, là một bộ trưng bày san hô khô. Một ngôi nhà đã che đi thứ vốn là một bức tường bê tông cốt thép xấu xí bằng một khu vườn đáng yêu được chăm chút với hoa loa kèn, ngải đắng và hoa oải hương.
Tôi sống trên tầng thứ ba mươi sáu của một trong hai tòa nhà cao tầng đôi trong khu tổ hợp Belfa này, trong một căn hộ ba phòng ngủ nằm ở góc. Căn hộ rộng hơn tôi cần và đa số các phòng đều không được dùng đến, nhưng tôi thích sống trên tầng cao nhất, với góc nhìn toàn cảnh thành phố, cao hơn tất cả mọi thứ. Hơn nữa, vào thời điểm thuê nó, tôi nghĩ sẽ là lợi thế nếu chọn một địa điểm mà một người đàn ông độc thân, vừa mới biến mất và có những nhu cầu tối thiểu thường sẽ không chọn làm nơi sinh sống. Cuối cùng thì, đương nhiên, việc đó không còn là vấn đề.
Tôi tự nhủ rằng tôi thích sống tại những nơi như Belfa bởi các bậc cha mẹ vốn cảnh giác với người lạ, và một khi họ quyết định rằng anh là người thuộc về nơi đó thì họ có thể giúp hình thành nên một chướng ngại vật vô thức nhưng hiệu quả trong mọi cuộc tấn công. Nhưng tôi biết còn có nguyên do khác chứ không chỉ có vậy. Tôi không có gia đình, sẽ không bao giờ có, và có lẽ tôi bị thu hút tới những môi trường như thế không chỉ vì an toàn trong hoạt động mà còn vì những thứ khác, những dạng an toàn mơ hồ hơn. Từng có một thời gian tôi dường như không cần những thứ như thế và tôi sẽ cười vào, có lẽ còn khá là phẫn nộ trước ý định sống kiểu một con ma cà rồng hút sinh khí, một bóng ma trì trệ chống tay vào tấm kính một chiều, dùng cặp mắt cô đơn và vô vọng nhìn vào cuộc sống bình thường mà định mệnh đã từ chối không trao cho.
Nó thay đổi các ưu tiên của anh. Chết tiệt, nó thay đổi những giá trị khốn kiếp của anh.
Tôi dùng một máy điện thoại công cộng để đăng nhập vào tài khoản hộp thư thoại gắn với chiếc điện thoại đặc biệt trong căn hộ của tôi, một chiếc máy cảm ứng âm thanh với bộ loa nhạy hoạt động như một máy phát tín hiệu. Chiếc máy âm thầm gọi vào tài khoản hộp thư thoại nếu ai đó bước vào căn hộ mà không biết mật mã tắt điện thoại, nó sẽ cho tôi biết trước từ một khoảng cách an toàn nếu tôi có bất cứ vị khách không mời nào. Một sự bố trí tương tự cũng đã cứu tôi ở Tokyo khỏi một cuộc tấn công theo lệnh của Holtzer, và tôi thường không từ bỏ những điều hiệu quả. Tôi đã kiểm tra tài khoản hằng ngày từ Tokyo không hề gián đoạn, và lần này hộp thư cũng lại trống, nên tôi biết căn hộ của tôi đã không bị quấy rầy trong suốt thời gian tôi vắng mặt.
Từ trạm điện thoại, tôi đi một quãng ngắn về khu tổ hợp Belfa. Một trận bóng chày đang diễn ra trên sân bóng bên tay phải. Vài đứa trẻ chơi đá bóng cạnh khu vườn điêu khắc granite trước mặt tòa nhà. Một ông già đi xe đạp ngoặt tránh tôi, đứa cháu ngồi cười vang trên ghi đông.
Tôi đi lối cửa trước, cẩn thận như mọi khi để tiến vào làm sao cho chiếc camera an ninh đặt đối diện tòa nhà chỉ thu được duy nhất hình ảnh lưng tôi. Những phòng ngừa như thế là một phần trong thói quen thường ngày của tôi, nhưng, như Tatsu đã chỉ ra, các camera có ở khắp mọi nơi và anh không hi vọng phát hiện ra tất cả chúng được.
Tôi đi thang máy lên tầng ba mươi sáu và bước dọc hành lang tới căn hộ của mình. Tôi kiểm tra mảnh băng keo trong nhỏ mà tôi đã để lại dưới chân cửa ra vào và thấy nó còn nguyên vẹn, vẫn dính vào bản lề. Như tôi đã nói nhiều lần với Harry, một sự phòng thủ tốt phải có nhiều lớp.
Tôi mở khóa cửa và bước vào trong. Mọi thứ đều như lúc tôi rời đi. Không nói lên được gì nhiều. Phía sau tấm màn và tủ đặt đầu giường một trong ba phòng ngủ là một chiếc trường kỉ bọc da màu oliu, mới nhưng nhìn không mới, đặt dựa vào tường đối diện với phía tây thành phố, nơi tôi thỉnh thoảng ngồi nhìn mặt trời lặn. Một tấm thảm Gabeh trải dài bao phủ một dải sàn gỗ bóng láng, tầng tầng lớp lớp màu xanh lá và xanh dương được rải những vệt màu kem kì dị có lẽ là định miêu tả khung cảnh đàn dê trên thảo nguyên, sợi vải của nó dày và mềm mại đến mức hẳn từng được dùng làm đệm ngủ cho những người dân du mục đã tạo ra nó. Một chiếc bàn viết hai tủ đồ sộ đã đi cả chặng đường tới Nhật từ Anh quốc, mặt bàn được phủ bằng một tấm lót bằng da màu đen vốn bị mài mòn một cách thích đáng bởi hơn một thế kỉ chịu đựng những ngòi bút đã di chuyển qua bề mặt của nó để giải quyết việc kinh doanh qua các đại dương, truyền đạt những tin tức có thể đã cũ hàng tuần lễ trước khi đến tay những người bà con ở nước ngoài, thông báo những sự ra đời và cái chết, những lời chúc tụng, khen ngợi, lời chia buồn, và tiếc thương. Tiếp đến là một trong những chiếc ghế tựa Herman Miller Aeron phức tạp đến kì lạ nhưng lại thoải mái đáng ngạc nhiên mà tôi nổi hứng mua về từ một doanh nghiệp công nghệ nhỏ mới được chuyển nhượng gần đây tại Thung lũng Bit* của Shibuya. Trên bàn làm việc, là một chiếc máy tính Macintosh G4 và một màn hình phẳng 23 inch tuyệt đẹp, mà tôi không hề nói gì với Harry bởi cậu ta vẫn có cái ấn tượng rằng tôi là một tay mơ về máy tính và tôi thấy không được lợi gì khi cho cậu ta biết rằng mình cũng có sở trường riêng trong việc vượt qua những bức tường lửa lặt vặt khi nhu cầu phát sinh.
*[Vào cuối những năm 1990, Shibuya được coi là trung tâm công nghệ thông tin của Nhật Bản, nó thường được gọi là “Thung lũng Bit”, tương tự Thung lũng Sillicon của Mỹ]
Đối diện chiếc trường kỉ là một dàn âm thanh Bang & Olufsen với một đầu đọc sáu CD. Cạnh nó, một tủ sách chứa một bộ sưu tập CD lớn, đa số là nhạc jazz và thư viện khiêm tốn của tôi. Thư viện bao gồm một số sách về bugei, võ thuật, một vài quyển trong số chúng khá cũ và ít tiếng tăm, chứa thông tin về những kĩ thuật chiến đấu được coi là quá nguy hiểm đối với judo hiện đại - khóa xương sống, bẻ cổ, và những đòn tương tự - nên hầu hết đã thất truyền trong võ thuật. Cũng có một số tác phẩm về triết học được tôi đọc đi đọc lại - Mishima, Musashi, Nietzsche. Và còn một số tuyển tập mỏng mà thỉnh thoảng tôi đặt mua từ một số nhà xuất bản không phổ biến ở Mỹ, những tuyển tập bất hợp pháp tại Nhật và ở những nước thiếu đi cái sự sùng bái có lẽ là mạnh mẽ thái quá về quyền tự do ngôn luận kiểu Mỹ, tuy nhiên tôi lại xoay xở có được chúng qua chính những kĩ thuật thu lượm từ một số cuốn trong những tuyển tập đó. Có cả những tác phẩm nghiên cứu về các phương pháp và công nghệ theo dõi mới nhất; các kĩ thuật điều tra của cảnh sát và pháp y; việc tạo một nhân dạng giả mạo; việc lập ra những tài khoản và hòm thư bí mật ở nước ngoài; các phương pháp cải trang và lẩn trốn; kĩ năng bẻ khóa, mở đường và xâm nhập; và những chủ đề có liên quan. Tất nhiên, qua nhiều năm tôi đã phát triển chuyên môn của chính tôi về tất cả những lĩnh vực đó, nhưng tôi không có kế hoạch viết ra một bản kê khai hướng dẫn các kinh nghiệm của mình. Thay vào đó, tôi đọc những cuốn sách đó để học tập những gì mà đối phương biết, để hiểu được cách nghĩ của những người mà có thể tôi sẽ đối đầu, để dự đoán nơi họ sẽ truy lùng tôi, để chọn những biện pháp đối phó phù hợp.
Vật đáng chú ý duy nhất trong cả căn hộ là một mộc nhân của môn Vịnh Xuân, bằng cỡ kích thước của một người to lớn, mà tôi đặt chính giữa căn phòng tatami* lẻ loi của căn hộ. Nếu như căn hộ này được một gia đình sử dụng, đây có lẽ đã là nơi đặt kotatsu, chiếc bàn thấp phủ một tấm chăn nặng có vạt rủ xuống sàn và một chiếc lò sưởi điện đặt bên dưới, quanh đó gia đình sẽ náu mình trong mùa đông, những bàn chân không giày của họ được ủ ấm bằng chiếc lò sưởi, những đôi chân của họ rúc thoải mái dưới lớp chăn trong lúc tán gẫu về hàng xóm, xem xét những hóa đơn sinh hoạt, có lẽ cả dự định cho tương lai của bọn trẻ.
*[Tatami là loại thảm lót sàn truyền thống của Nhật Bản. Phòng được lát sàn bằng tatami được gọi là phòng tatami. Từ đây mà sinh ra cách đo diện tích phòng bằng cách đếm số tatami: 4 jō, 6 jō, 8 jō v.v... (thường được dịch là 4 chiếu, 6 chiếu...)]
Nhưng mộc nhân là thứ hữu dụng đối với tôi. Tôi đã luyện tập judo trong gần một phần tư thế kỉ sống tại Nhật, và yêu mến việc môn võ này chú trọng vào các đòn ném và cận chiến. Nhưng một khi Holtzer và CIA đã biết tôi đã tập tại trung tâm judo Kodokan ở Tokyo, thì tôi biết việc gia nhập hệ phái Osaka sẽ là một hành động lộ liễu, như việc một người mới gia nhập chương trình bảo vệ nhân chứng của liên bang lại tái đăng kí mua cùng một tờ tạp chí ít tên tuổi mà anh ta luôn luôn thích đọc trước khi chuyển sang sống ngầm. Hiện tại, tôi cảm thấy an toàn hơn khi luyện tập một mình. Mộc nhân giữ cho những phản xạ của tôi được nhạy bén, hai cạnh bàn tay tôi chai sạn và cứng rắn, đồng thời cho phép tôi tập luyện một vài đòn đánh và đỡ mà tôi đã bỏ bê khá lâu khi luyện judo. Nó cũng có thể tạo ra một cuộc nói chuyện thú vị, nếu có ai từng ghé thăm căn hộ của tôi.
Trong suốt ngày hôm sau, tôi bận rộn với việc chuẩn bị rời Osaka. Di chuyển vội vàng sẽ là một sai lầm: quãng đường chuyển tiếp là nơi anh dễ bị tấn công nhất, và kẻ nào đó vốn không thể lần ra được tôi nay sẽ dễ dàng làm được điều đó nếu tôi đột nhiên biến vào một cuộc sống được chống đỡ ít chắc chắn hơn. Và Tatsu hẳn đang dự tính tôi sẽ chuyển đi thật nhanh; nếu như vậy, anh ta có thể đã chuẩn bị sẵn sàng để bám theo tôi. Ngược lại, nếu tôi án binh bất động, anh ta có thể bị ru ngủ, cho tôi cơ hội cắt đuôi hoàn toàn khi việc tính toán thời gian và chuẩn bị đều đúng thời điểm. Hiện tại anh ta không có lí do để theo đuôi tôi, vì thế sẽ ít mạo hiểm hơn nếu chọn thời gian phù hợp để sắp đặt mọi chuyện một cách chính xác.
Tôi đã quyết định chọn Brazil, và chính vì việc này mà tôi học thứ tiếng Bồ Đào Nha đã rất hữu ích khi gặp Naomi. Hồng Kông, Singapore, hoặc một vài điểm đến ở châu Á khác, hay một nơi nào đó trên đất Mỹ, có thể là lựa chọn rõ ràng hơn, nhưng đó dĩ nhiên chỉ là một trong những lợi thế mà Brazil có. Nếu ai đó có ý định tìm kiếm tôi ở đó, họ sẽ gặp khó khăn khủng khiếp: cộng đồng người Nhật tại Brazil đã vươn nhánh ra mọi khu vực của đời sống đất nước, và thêm một chuyến nhập cư cũng sẽ chẳng khuấy động được bất cứ sự chú ý nào.
Rio de Janeiro, nơi cung cấp nền văn hóa, khí hậu, và một số dân tạm cư đáng kể bao gồm phần lớn là khách du lịch, sẽ là địa điểm lí tưởng. Thành phố này nằm cách xa khỏi nền tình báo thế giới, chủ nghĩa khủng bố, và các trọng điểm của Interpol, vì thế tôi sẽ tương đối ít lo ngại về những sự bắt gặp rủi ro, những mạng lưới camera an ninh, và những đối thủ tự nhiên của cuộc ẩn trốn. Tôi thậm chí có thể trở lại luyện tập judo, hay ít nhất là một trong những người anh em họ của nó: gia tộc Gracie của Brazil đã tiếp nhận một trong những bộ môn khởi thủy của judo, là jujitsu (nhu thuật), vốn được những người Nhật nhập cư đưa vào đất nước, và phát triển nó thành thứ được cho là hệ thống cận chiến tinh vi nhất từng thấy trên thế giới. Nó được tập luyện một cách say mê ở Brazil, và đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới, trong đó có cả Nhật Bản.
Bên cạnh địa điểm phù hợp, tôi còn có một nhân dạng thay thế đang được để dành, thứ mà tôi đã chuẩn bị trong một thời gian dài để cho một ngày khi tôi có thể phải ẩn thân trọn vẹn hơn lúc nào hết. Khoảng mười năm trước, khi tôi đang theo dõi và chuẩn bị khử một công chức, tôi giật mình bởi mức độ tương đồng của người đàn ông này với tôi ở vẻ ngoài - tuổi tác, chiều cao, dáng vóc, ngay cả khuôn mặt cũng không quá khác. Đối tượng còn có một cái tên tuyệt vời: Taro Yamada, phiên bản tiếng Nhật tương đương với John Smith. Tôi đã tiến hành chút điều tra, và biết được rằng Yamada-san không có gia đình thân thích. Có vẻ sẽ không ai nhớ anh ta đến mức đi tìm kiếm nếu anh ta đột nhiên biến mất.
Giờ thì, rất nhiều cuốn sách sẽ nói rằng anh có thể xây dựng một nhân dạng mới bằng cách sử dụng tên của ai đó đã qua đời, nhưng điều này chỉ đúng nếu không có ai trình giấy chứng tử. Nếu các nhà chức trách vào cuộc theo bất cứ hình thức nào - ví dụ, người đó chết trong nhà tế bần hoặc bệnh viện, được mai táng hoặc hỏa thiêu, việc mà đúng ra là áp dụng cho gần như tất cả mọi người, hoặc nếu ai đó trình một báo cáo về người mất tích - thì một giấy chứng nhận sẽ được đệ trình. Nếu một người họ hàng muốn động vào bất cứ dạng tài sản nào của người đã khuất - tức là anh đang nói đến việc chuyển nhượng các quyền sở hữu thành tài sản cá nhân thực sự và có lẽ một sự chứng thực di chúc - thì một lần nữa, một giấy chứng nhận sẽ được đệ trình. Và ngay cả khi anh bất chấp những chuyện đó, thậm chí xoay xở có thêm được một số đặc điểm nhân dạng phụ dựa trên những điểm đặc thù của người chết, căn cước mới sẽ luôn luôn có vấn đề nghiêm trọng, và, sau cùng, khi anh đăng kí giấy phép lái xe, tín dụng, khi anh cố gắng kiếm gần như bất cứ công việc nào, khi trình một tờ khai thuế, hay định đi qua biên giới - nói ngắn gọn, khi anh làm một trong vô số chuyện cần sử dụng nhân dạng mới của mình ngay từ đầu - thì lời báo động “tấm ảnh này có vấn đề gì vậy” sẽ bật ra trên màn hình của ai đó, và anh sẽ bị vặn vẹo ngay lập tức và kĩ càng.
Vậy nhân dạng của ai đó vẫn đang sống thì thế nào? Việc này, gọi nôm na là “đánh cắp nhân dạng” dù có lẽ gọi là “mượn nhân dạng” thì đúng hơn, có hiệu quả với những phi vụ ngắn hạn, nhưng không khả thi với bất cứ kế hoạch nào dài hạn. Cuối cùng thì, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những tấm thẻ tín dụng mới đó? Và ai sẽ nhận được các loại hóa đơn? Ok, vậy sẽ thế nào nếu sử dụng một người đã biến mất vì lí do nào đó chẳng hạn, giả sử là anh thậm chí biết có người như thế? Chà, việc đó thì sao? Người đó có nợ nần không? Anh ta có phải một kẻ buôn bán ma túy không? Bởi nếu có bất cứ ai tìm kiếm anh ta trước đó, giờ họ sẽ tìm kiếm anh. Và dù sao đi nữa, anh sẽ làm gì nếu Ngài Mất Tích đột nhiên xuất hiện trở lại?
Tất nhiên, nếu anh biết một người nào đó đã chết bởi anh tình cờ lại chính là người đã khử hắn, mọi thứ sẽ khác đi. Đúng vậy, anh đã thủ tiêu cái xác - theo cách mà chắc chắn nó không bao giờ được tìm thấy - một công việc mạo hiểm và thường là ghê sợ đối với tất cả mọi người. Nhưng nếu anh đã đi xa đến mức này, và nếu anh biết rằng sẽ không có ai báo rằng người đó đã chết, hoặc thậm chí mất tích, thì anh có được một thứ giá trị tiềm tàng trong tay. Nếu anh cũng biết rằng anh ta có một tiền sử tài chính tốt, rồi anh tiếp tục thanh toán các hóa đơn tiền nợ dưới tên của anh ta, thì anh có thể tự coi mình là kẻ thắng cuộc.
Đúng vậy, tôi đúng là đã thực hiện hợp đồng xử lí Ngài Yamada bất hạnh, nhưng tôi không cho khách hàng biết điều đó. Thay vào đó, đối tượng dường như đã “biến mất”, tôi báo lại mà không thể cưỡng lại trò chơi chữ này. Có lẽ hắn bằng cách nào đó đã nghe được lời đồn về sự thật rằng có một hợp đồng liên quan đến mạng sống của hắn? Khách hàng thuê một thám tử tư, người sau đó xác nhận tất cả các dấu hiệu của một cuộc tháo chạy đột ngột: một tài khoản ngân hàng bị đóng và các yếu tố cá nhân khác bị khóa lại một cách hiệu quả; thư từ được chuyển tiếp tới một hòm thư nước ngoài; quần áo và các vật dụng cá nhân khác biến mất khỏi căn hộ. Đương nhiên tôi đã lo liệu tất cả những việc đó. Khách hàng cho tôi biết rằng, đối với những mục đích của ông ta, việc biến mất cũng tốt như là chết, và tôi không cần mất công lần ra Yamada để hoàn thành hợp đồng. Đằng nào tôi vẫn được trả thù lao cho những cố gắng của mình - không ai muốn một người như tôi cảm thấy rằng anh ta có thể đã bị đối xử không công bằng - và mọi thứ thế là xong. Chính người khách hàng từ lâu cũng đã gặp kết cục bất hạnh của mình, và thời gian đã trôi qua đủ cho tôi tái sinh Yamada-san, mở một công ty tư vấn nhỏ dưới cái tên khiêm nhường của anh ta, đóng thuế, lập một địa chỉ bưu chính thích hợp, gánh nợ và trả nợ - tất cả những điều nhỏ nhặt ấy khi tập hợp lại cùng nhau đã tạo nên một thực thể - một thành viên hoàn toàn bình thường, hoàn toàn hợp pháp, của xã hội.
Tất cả những gì tôi phải làm giờ đây là lẩn vào nhân dạng Yamada và bắt đầu cuộc đời mới của mình. Nhưng trước tiên, Taro Yamada phải làm một số việc mà bất cứ ai trong vị trí của anh ta cũng sẽ làm sau khi quyết định từ bỏ sự nghiệp tư vấn thất bại của mình và chuyển tới Brazil để dạy những người Nhật thế hệ thứ ba thứ ngôn ngữ mẹ đẻ mà giờ họ đã lãng quên. Anh ta cần một Visa, một tài khoản ngân hàng hợp pháp - đối lập với những tài khoản bất hợp pháp, nặc danh mà tôi duy trì ở nước ngoài - sự hỗ trợ về nhà ở, một văn phòng. Anh ta trên danh nghĩa sẽ được sắp xếp ở tại Sao Paulo, nơi tập trung gần một nửa người Nhật Bản chính gốc tại Brazil, việc đó sẽ khiến càng khó lần theo dấu anh ta tới Rio. Sẽ dễ dàng hơn để giải quyết hầu hết những việc này với sự trợ giúp của Đại sứ quán Nhật Bản tại Brazil, tất nhiên, nhưng Ngài Yamada thích những phương pháp ít hình thức, ít bị theo dấu hơn.
Trong thời gian hoạch định cuộc sống cho nhân vật Yamada ở Brazil, tôi đọc thấy một loạt những vụ bê bối tham nhũng và tự hỏi chúng có vai trò như thế nào trong cuộc chiến vô hình của Tatsu với Yamaoto. Hóa ra Universal Studios Japan đã phục vụ thức ăn quá hạn sử dụng chín tháng trời và làm giả các nhãn hiệu để che giấu điều đó, trong khi vận hành một vòi nước uống phun ra toàn nước công nghiệp chưa qua xử lí. Mister Donut có thói quen thêm vào danh mục bán hàng những món bánh nhân thịt có chứa các chất phụ gia bị cấm. Snow Brand Food muốn tiết kiệm một vài yên bằng cách tái chế lại sữa cũ và không làm sạch các đường ống của nhà máy. Không thể che đậy được vụ đó - mười lăm ngàn người đã bị ngộ độc. Mitsubishi Motors và Bridgestone bị bắt quả tang, khi đã giấu giếm những sai sót trong các mẫu xe hơi và lốp để tránh những đợt triệu hồi an toàn. Tồi tệ nhất, một sự kiện chấn động theo những tiêu chuẩn của người Nhật, là cái tin rằng TEPCO, Tập đoàn Điện lực Tokyo, đã bị phát hiện là đệ trình những báo cáo an toàn hạt nhân sai lệch từ tận hai mươi năm trước. Những bản báo cáo đó không liệt kê ra những vấn đề nghiêm trọng tại tám lò phản ứng khác nhau, bao gồm cả những vết nứt vỡ trên những bức tường ngăn bằng bê tông.
Tuy nhiên,điều đáng ngạc nhiên lại không phải là những vụ bê bối đó. Đáng ngạc nhiên là người ta có vẻ ít quan tâm đến chúng tới mức nào. Điều đó hẳn khiến Tatsu rất bực bội, và tôi tự hỏi thứ gì đã thúc đẩy anh ta. Ở những quốc gia khác, những phơi bày này có thể làm dấy lên cả một cuộc cách mạng. Nhưng mặc kệ những vụ lùm xùm, mặc kệ nền kinh tế, người Nhật vẫn cứ tiếp tục bầu lại vẫn những kẻ khả nghi thuộc Đảng Dân chủ Tự do quen thuộc. Lạy Chúa, một nửa vấn đề mà Tatsu đang chiến đấu chống lại bao gồm những thượng cấp trên danh nghĩa của anh ta, những người mà trong một phương diện nào đó, anh ta phải giơ tay chào. Làm sao anh có thể tiếp tục, trước sự ngu dốt một cách kiên quyết và đạo đức giả một cách tàn nhẫn như thế? Tại sao anh ta lại bận tâm chứ?
Tôi đọc tin tức và cố hình dung ra Tatsu sẽ hiểu nó như thế nào, hay cái cách mà thực tế anh ta sẽ định cải thiện nó. Không phải tất cả tin tức trong số đó đều là xấu, tôi cho là thế. Thực tế, có những diễn biến ở các tỉnh chắc hẳn đã cổ vũ cho anh ta. Kitagawa Masayasu đánh bại những kẻ quan liêu ở Mie chỉ đơn giản bằng cách phủ quyết đề xuất về một nhà máy điện hạt nhân. Ở Chiba, Domoto Akiko, một cựu phóng viên truyền hình sáu mươi tám tuổi đã chiếm ưu thế trước những ứng cử viên được hậu thuẫn bởi việc kinh doanh, các hiệp hội thương mại, và các đảng phái chính trị khác nhau. Tại Nagano, tỉnh trưởng Tanaka Yasuo cho dừng tất cả các công trình xây đập ngăn nước mặc cho áp lực từ những nhà tư bản xây dựng đầy quyền lực của đất nước. Tại Tottori, quận trưởng Yoshihiro Katayama công khai các sổ sách kế toán của quận cho bất cứ ai muốn xem, đặt ra một tiền lệ hẳn sẽ khiến các bạn đồng liêu của ông ở Tokyo có nguy cơ són ra quần.
Tôi cũng dành thời gian kiểm tra các hồ sơ máy tính về Yukiko và Hoa hồng Damask. So với Harry thì tôi chỉ là tay mơ về hack, nhưng tôi không thể nhờ cậu ta giúp đỡ mà không để lộ ra rằng tôi đang kiểm tra cậu ta.
Việc thâm nhập vào thông tin thuế của câu lạc bộ cho tôi biết họ của Yukiko: Nohara. Từ đó, tôi thu được một lượng thông tin vừa phải. Cô ta hai mươi bảy tuổi, sinh ở Fukuoka, học đại học Waseda. Cô ta sống tại một căn hộ chung cư trên phố Kotto ở Minami-Aoyama. Không tiền án tiền sự. Không nợ nần. Không gì đặc biệt.
Câu lạc bộ còn thú vị và mờ ám hơn. Nó được sở hữu bởi một chuỗi các tập đoàn nước ngoài. Nếu có những cái tên riêng nào gắn với quyền sở hữu nó, thì chúng chỉ hiện hữu duy nhất trên những tờ giấy chứng nhận sáp nhập nằm trong két bạc của ai đó, chứ không phải trên máy tính, nơi tôi có thể tìm ra được. Bất cứ ai sở hữu câu lạc bộ cũng không muốn thế giới biết về tổ chức này. Với bản thân nó, thì việc này không có gì đáng chê trách. Các vụ kinh doanh tiền bạc luôn luôn có liên quan đến nhau.
Harry có thể gần như chắc chắn đã tìm ra hơn thế về cả hai đối tượng. Thật quá tệ là tôi không thể hỏi cậu ta. Tôi chỉ phải cho cậu ta một lời cảnh báo và khuyên cậu ta tự kiểm tra một chút. Việc đó thật bực mình, nhưng tôi không thấy mình làm được gì khác. Cậu ta sẽ đón nhận nó một cách tồi tệ, nhưng đằng nào thì tôi cũng không còn ở đây lâu nữa. Và ai biết được? Tôi nghĩ. Có thể mày đã sai. Có thể cậu ta sẽ chẳng tìm thấy gì.
Tôi kiểm tra cả Naomi. Naomi Nascimento, kiều dân Brazil, tới Nhật Bản ngày 24 tháng tám năm 2000, cộng tác viên của chương trình JET. Tôi dùng địa chỉ email mà cô cho tôi để lần ngược về nơi cô sống - Tòa nhà Lions Gate, một khu tổ hợp nhà ở tại cụm 3 khu Azabu Juban. Không có thông tin nào khác.
Khi những chuẩn bị cho chuyến ra đi gần hoàn tất, tôi quyết định thăm lại một vài địa điểm gần Osaka mà tôi biết mình sẽ không bao giờ còn thấy lại nữa. Một vài nơi vẫn như tôi còn nhớ từ những chuyến dã ngoại thời thơ ấu. Đó là Asuka, nơi sinh ra dân tộc Yamato Nhật Bản, với những nấm mồ đá trống rỗng, trên bề mặt chạm khắc những hình ảnh siêu nhiên của các con thú và bán nhân, những người làm ra chúng và ý nghĩa của chúng giờ đã mất đi trong nhịp đu đưa vô tận của những cánh đồng lúa bao quanh; đó là Koya-san, ngọn núi thiêng, nơi yên nghỉ nổi tiếng của Kobo Daishi* một cao tăng Nhật Bản, người được truyền tụng là đã nán lại gần nghĩa địa rộng lớn của ngọn núi và nhập Niết bàn chứ không chết, đêm trường không ngủ của ngài được ghi dấu bởi những bài kinh của các tăng nhân vang lên đều đều giữa những tấm bia mộ người chết gần đó, cũng cổ xưa và vĩnh cửu như côn trùng mùa hè trong những lùm cây hoang sơ; và Nara, vào khoảng mười ba thế kỉ trước là kinh đô của một triều đại mới, lúc sáng sớm khi dòng khách du lịch vẫn chưa dâng lên thành những đám đông lũ lượt thường lệ, anh có thể đột nhiên thấy mình đi qua một ông lão tám mươi cô độc, hai bờ vai còng xuống với gánh nặng tuổi tác, đôi dép xỏ ngón kéo lê dọc theo lối đi đầy sỏi cuội, con đường ông đi cũng vô tận và kiên định như chính thành phố cổ xưa này vậy.
*[Kōbō Daishi hay còn có tên khác là Kūkai (774-835) là nhà sư, học giả, nhà thơ vĩ đại của Nhật Bản, người sáng lập Chân Ngôn tông (Shingon). Truyền thuyết cho rằng, ngài không chết mà tiến vào trạng thái tu thiền gọi là “tam muội” (samadhi) và vẫn còn sống ở núi Koya]
Tôi cho rằng thật lạ khi cảm nhận được sự thôi thúc phải nói lời chia tay với bất cứ điều gì ở đây. Sau cùng thì, chẳng có gì từng là của tôi. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã hiểu rằng là một nửa người Nhật Bản tức một nửa là thứ gì đó khác, và là một nửa thứ gì đó khác tức là... chigatte. Chigatte, nghĩa là “khác biệt,” nhưng cũng có nghĩa là “sai trái”. Ngôn ngữ, cũng như nền văn hóa, chẳng tạo nên sự biệt đãi nào.
Tôi cũng tới Kyoto. Tôi không tìm được dịp nào để tới thăm thành phố trong hơn hai mươi năm qua, và đã giật mình khi thấy cố đô yêu kiều, tràn trề sức sống mà tôi nhớ nay đã gần như tuyệt diệt, biến mất như một khu vườn không được yêu thích bị những loài cỏ dại vô vị, cần mẫn mọc chiếm hữu. Còn đâu đỉnh chóp rực rỡ của Đền Higashi Honganji, uốn cong lên cao giữa những mái ngói lợp xung quanh như cái cằm hếch lên của một nàng công chúa giữa những kẻ tùy tùng? Khung cảnh tráng lệ đó, từng một thời chào đón du khách tới Kyoto, giờ bị che khuất bởi ga tàu hỏa mới, một vật thể ghê tởm trải dài nửa dặm dọc đường ray như một bãi phân khổng lồ rơi xuống từ không trung và nằm luôn ở đó, khổng lồ đến mức không thể hót đi chỗ khác được.
Tôi đi bộ hàng giờ liền, kinh ngạc trước quy mô của sự phá hoại. Xe cộ chạy xuyên qua Đền Daitokuji. Núi Hiei, nơi khai sinh ra Phật giáo Nhật Bản, đã bị biến thành một bãi đậu xe, với một trung tâm giải trí đặt trên đỉnh. Những đường phố từng thẳng tắp với những ngôi nhà gỗ cổ xưa điểm xuyết những hàng rào tre giờ đây lòe loẹt với nhựa, nhôm và đèn neon, còn nhà gỗ bị tháo dỡ và biến mất. Khắp mọi nơi là những đường dây điện thoại di căn, những mớ lộn xộn dây dẫn điện, quần áo giặt là phơi trên những khung cửa sổ chung cư đúc sẵn như nước mắt từ những con mắt ngu ngốc.
Trên đường trở lại Osaka, tôi bước vào Khách sạn Grand, có thể coi là trung tâm về mặt địa lí của thành phố. Tôi theo thang máy lên tầng cao nhất, ở nơi đây trừ Chùa Toji và một phần mái của Đền Honganji, tôi không còn thấy thứ gì ngoài sự tha hóa thị thành đang xâm thực, vẻ đẹp sống động của thành phố đã bị biến trở thành những khu ngụ cư co cụm, tựa như kết quả của sự thử nghiệm không thể lí giải về nạn phân biệt văn hóa.
Tôi nghĩ đến bài thơ của Basho, người thi sĩ lang thang, đã lay chuyển tôi khi mẹ tôi lần đầu tiên ngâm nga nó, trong lần đầu tôi đến Kyoto. Mẹ nắm tay tôi khi cùng đứng trên giàn tháp của Đền Kiyomizu, nhìn xuống thành phố tĩnh mịch trước mặt, và, khiến tôi ngạc nhiên với chất giọng Nhật Bản nằng nặng, mẹ đọc:
Kyou nite mo kyou natsukashiya...
Dù ở Kyoto, tôi vẫn khát khao Kyoto...
Nhưng ý nghĩa của bài thơ, từng là một bài thơ ca tụng lòng mong mỏi không thành và không thể diễn tả, đã thay đổi. Giống như bản thân thành phố này, giờ nó trớ trêu một cách buồn bã.
Tôi mỉm cười mà không thấy vui chút nào, nghĩ rằng, nếu bất cứ thứ gì ở đây là của tôi, tôi sẽ chăm nom nó cẩn thận hơn. Đây là thứ anh nhận được nếu anh đặt niềm tin vào chính quyền, tôi nghĩ. Người dân cần phải biết rõ hơn.
Tôi thấy máy nhắn tin kêu lên liên hồi. Tôi gỡ nó ra và thấy mật mã mà Tatsu và tôi đã lập ra để nhận ra nhau, đi kèm một số điện thoại. Tôi đã nửa phần trông đợi một việc như thế này, nhưng không sớm quá thế này. Chết tiệt, tôi nghĩ. Mọi thứ thật quá sát sao.
Tôi theo thang máy xuống hành lang, và bước ra ngoài đường. Khi tìm thấy một trạm điện thoại công cộng ở một địa điểm vô hại phù hợp, tôi nhét thẻ điện thoại vào và bấm số của Tatsu. Có thể tôi chỉ việc phớt lờ anh ta, nhưng khó mà đoán trước được anh ta sẽ làm gì để phản ứng lại việc đó. Biết được anh ta muốn gì thì tốt hơn, trong khi duy trì cái vẻ ngoài hợp tác.
Chỉ có một hồi chuông, rồi tôi nghe giọng anh ta.
- Moshi moshi, - anh ta nói, không cần tự xưng tên.
- Xin chào, - tôi trả lời.
- Anh còn vẫn ở đó chứ?
- Sao tôi lại muốn rời đi chứ? - Tôi hỏi, cho anh ta nghe thấy giọng mỉa mai.
- Tôi nghĩ rằng, sau lần gặp vừa rồi của chúng ta, anh có thể sẽ chọn cách... ra đi lần nữa.
- Tôi có thể. Chưa đủ thời gian thực hiện. Tôi tưởng anh biết điều đó.
- Tôi đang cố gắng tôn trọng sự riêng tư của anh.
Đồ khốn. Ngay cả khi anh ta đang bận rộn trong việc phá hoại cuộc sống của tôi, anh ta vẫn có thể dỗ ra được một nụ cười mỉm từ tôi.
- Tôi rất cảm kích, - tôi nói.
- Tôi muốn gặp lại anh, nếu anh không ngại.
Tôi do dự. Anh ta đã biết nơi tôi sống từ trước. Anh ta không cần phải sắp xếp một cuộc hẹn ở nơi nào khác, nếu anh ta muốn tìm đến tôi.
- Gặp mặt xã giao à? - Tôi hỏi.
- Việc đó tùy ở anh.
- Vậy gặp mặt xã giao.
- Được rồi.
- Lúc nào?
- Tối nay tôi sẽ vào thành phố. Vẫn chỗ như lần trước chứ?
Tôi lại do dự, rồi nói:
- Không biết chúng ta có vào được không. Tuy nhiên, có một khách sạn ở rất gần đó, với một quán bar khá được. Kiểu địa điểm tôi thích. Anh biết tôi đang nói về cái gì chứ?
Tôi đang nhắc đến quán bar ở Osaka Ritz-Carlton.
- Chắc là tôi có thể tìm được.
- Tôi sẽ gặp anh ở quán bar cùng thời gian chúng ta gặp nhau lần trước.
- Được. Vậy tôi mong được gặp anh. - Một khoảng ngừng. Rồi: - Cảm ơn anh.
Tôi gác máy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét