Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 2

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

2

Tôi rời khu vực đó bằng cách đi bộ theo một loạt những tuyến phố phụ ở Roppongi và Akasaka, băng ngang qua những ngõ hẻm giữa các tòa nhà. Người không thạo sẽ thấy lộ trình tôi đang đi giống như một loạt những đường tắt đơn giản, nhưng thực ra nó được tính toán để bắt những kẻ bám theo phải lộ diện trong khi cố gắng theo sát tôi. Trừ vài trường hợp ngoại lệ có chủ ý, tất cả những biện pháp chống theo dõi của tôi được thực hiện dưới cái lốt của một người đi bộ bình thường. Nếu tôi đang bị theo đuôi vì một tổ chức nào đó đã chú ý nhưng vẫn chưa xác định được tôi là ai, tôi sẽ không sơ ý làm lộ bí mật bằng cách hành động khác với một người bình thường.
Sau khoảng nửa giờ, tôi đã có thể tự tin rằng mình không bị theo đuôi và bắt đầu bước chậm dần cùng lúc tâm trí cũng tĩnh lại. Tôi thấy mình đang di chuyển theo một hình bán nguyệt dài, ngược chiều kim đồng hồ mà tôi áng chừng nó đang dẫn tôi đi theo hướng Aoyama Bochi, cái nghĩa địa khổng lồ nằm như một miếng băng cứu thương hình tam giác màu xanh lá giữa các khu thượng lưu phía tây thành phố.
Ở phía bắc phố Roppongi, tôi đi qua một lãnh địa nhỏ của những cái chòi bằng bìa các-tông, nơi dừng chân của những người lang thang vô gia cư. Xét theo một nghĩa nào đó, cuộc sống của chính tôi cũng bơ vơ và vô danh như họ. Tôi đặt túi đồ tập thể hình đang mang theo xuống, biết rằng cái túi cùng bộ quần áo tập và chiếc găng tay nâng tạ trong đó sẽ nhanh chóng được chia nhau và mất hút giữa những bóng ma gầy gò, không dấu vết. Trong vòng vài ngày, có lẽ vài giờ, mọi dấu vết về nguồn gốc của những vật còn sót lại từ công việc này sẽ bị xóa sạch; mỗi thứ chỉ là một vật vô danh, vô sắc giữa những linh hồn vô sắc, vô danh - những mảnh đời cô độc và tuyệt vọng, đôi lúc rơi vào điểm mù chung của Tokyo và từ đó rơi vào quên lãng.
Thoát được gánh nặng, tôi đi tiếp, lần này vòng về phía đông. Dưới chân một cây cầu vượt ở Nogizaka, phía bắc phố Roppongi, tôi thấy chừng sáu thằng chinpira, lòe loẹt trong những bộ áo da đua xe bóng láng, ngồi xổm thành một hình bán nguyệt kín, những chiếc mô-tô kim loại gầm thấp của chúng đỗ trên lối đi bộ chạy dài bên cạnh. Những đoạn rời rạc từ cuộc trò chuyện của chúng dội lên mặt bức tường bê tông phía bên phải tôi, từ ngữ thì khó hiểu nhưng giọng điệu hòa vào nhau kín kẽ như những ống xả đã độ trên xe của chúng. Chúng có lẽ đã dùng kakuseizai, loại ma túy “ưa thích” của Nhật Bản kể từ khi chính phủ phân phát nó cho binh lính và công nhân trong Thế chiến II, và là thứ mà bọn chinpira này chắc chắn vừa là nhà cung cấp vừa là người tiêu thụ. Chúng đang đợi những tiếng kêu vo ve do tác dụng thuốc trong các bắp thịt và não bộ lên đúng cao độ, đợi thời gian muộn đi cho phù hợp và đêm tối hơn cho hấp dẫn, trước khi ló ra khỏi cái hang ổ bê tông và đáp lại lời mời gọi của ánh đèn neon khu Roppongi.
Tôi thấy chúng đã để ý đến tôi, một cái bóng đơn độc tiến lại từ đầu phía nam của con đường gần như một địa đạo hẹp. Tôi tính đến chuyện băng ngang con phố, nhưng một dải phân cách kim loại khiến cho lối đó không khả thi. Đáng ra tôi chỉ cần đơn giản quay lại và đi một đường khác. Việc không làm thế khiến tôi càng khó phủ nhận rằng đúng là tôi đang đi thẳng về phía nghĩa địa.
Khi tôi còn cách ba hay bốn mét, một tên đứng dậy. Bọn còn lại tiếp tục ngồi đó, theo dõi. Hẳn là chúng định bày trò giải khuây.
Tôi đã để ý thấy rằng ở đây không có những chiếc camera an ninh, vốn cứ mỗi năm lại nhiều thêm trên đường phố và ga tàu điện ngầm. Thỉnh thoảng tôi phải chiến đấu với cảm giác rằng những camera đó đang đặc biệt tìm kiếm tôi.
- Oi, - gã vừa đứng dậy gọi to. Này.
Tôi trộm liếc nhanh về phía sau để chắc chắn rằng ở chỗ này chỉ có chúng tôi. Không được có bất cứ ai nhìn thấy việc tôi sẽ làm nếu lũ ngu này cản đường tôi.
Không thay đổi nhịp bước hay hướng đi, tôi nhìn vào cặp mắt gã chinpira, vẻ mặt lạnh như đá. Với cái nhìn này, tôi cho hắn biết rằng tôi không sợ hãi và cũng không muốn dính vào rắc rối, rằng tôi đã từng làm chuyện kiểu này nhiều lần, rằng nếu đêm nay hắn đang tìm kiếm sự phấn khích thì nên khôn hồn tìm ở chỗ khác.
Hầu như mọi người, đặc biệt là những người có chút dính líu với bạo lực, hiểu những dấu hiệu đó, và có thể dựa vào đó mà phản ứng sao cho khả năng sống sót tăng lên. Nhưng có vẻ gã này quá ngu, hoặc đã chơi quá nhiều kakuseizai. Hoặc hắn đã nhầm tưởng cái nhìn về phía sau của tôi lúc ban đầu là dấu hiệu của sự sợ hãi. Là gì đi nữa, thì hắn cũng đã phớt lờ lời cảnh báo tôi đưa ra và bắt đầu cản đường tôi đi.
Tôi biết thừa kịch bản này: tôi sắp bị kiểm tra xem có hợp để làm nạn nhân hay không. Xem tôi có để mình bị đẩy ra giữa phố, giữa dòng xe cộ đang lao đến không? Tôi có sợ sệt và nao núng không? Nếu đúng như thế, hắn sẽ biết tôi là một mục tiêu an toàn, và có lẽ sẽ bùng phát lên thành bạo lực thực sự.
Nhưng tôi thích tấn công bất ngờ hơn. Để hắn ở bên phải, tôi bước qua hắn bằng chân trái, sau đó phóng chân phải qua cùng bên đó ngay lập tức rồi quét về phía sau để quật đổ chân hắn từ phía dưới theo thế osoto-gari, một trong những đòn judo cơ bản và mạnh mẽ nhất. Đồng thời tôi xoay mình ngược chiều kim đồng hồ và đánh cánh tay phải vào cổ hắn, quật nửa thân trên của hắn về hướng ngược với hai chân. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi hắn bị treo lơ lửng ngang nơi hắn vừa đứng. Rồi tôi tống hắn vào vỉa hè, giật mạnh cổ áo hắn lên trong khoảnh khắc cuối cùng để phần sau đầu hắn không bị va đập quá mạnh. Tôi không muốn hắn tử thương. Như thế sẽ quá gây chú ý.
Quá trình đó mất chưa đến hai giây. Tôi đứng thẳng người lên và tiếp tục đi đường của mình như trước đó, mắt nhìn về trước nhưng tai hướng về sau chờ nghe tiếng đuổi theo.
Không có âm thanh nào, và khi khoảng cách lớn dần tôi khẽ mỉm cười. Tôi không thích những kẻ hay bắt nạt - chúng là một phần quá lớn trong tuổi thơ của tôi ở cả hai bờ Thái Bình Dương - và tôi có cảm giác bọn chinpira này sẽ mất một thời gian khá dài mới lấy lại được cảm hứng để cản đường những người đi dọc theo vỉa hè đó.
Tôi đi tiếp, cắt qua bên trái ở phía đông nghĩa địa, rồi rẽ phải ở phố Gaiennishi, tận dụng lợi thế của khúc quanh như tôi vẫn luôn tự động làm để kiểm soát khu vực phía sau lưng trong khi vờ như dừng lại tránh xe cộ. Nghĩa địa giờ đang ở bên phải tôi, nhưng phía bên kia đường không có vỉa hè, nên tôi đi bên trái cho đến chỗ đối diện với một hàng dài các bậc đá nhô lên, một con đường mòn nằm giữa mái hiên xanh của người chết và cái thành phố đang sống bên ngoài. Tôi đứng nhìn những bậc đá đó một lúc lâu. Cuối cùng tôi quyết định rằng sự thôi thúc mà tôi đã gần như chịu thua thật là lố bịch, như tôi đã quyết định rất nhiều lần trong quá khứ. Tôi quay lại và đi chậm rãi xuống phố, ngược trở lại đường tôi vừa đến.
Như mọi lần, sau khi hoàn thành một công việc, tôi lại nhận thức được nhu cầu được ở giữa những người khác, nhu cầu tìm kiếm chút an ủi trong cái ảo tưởng rằng tôi là một phần của cái xã hội mà tôi đi qua. Xuống phố thêm vài mét nữa, tôi bước nhanh vào nhà hàng Gió mùa, nơi tôi có thể thưởng thức ẩm thực Đông Nam Á và những âm thanh dịu lòng từ cuộc trò chuyện của những người khác.
Tôi chọn một chỗ hơi quay lưng lại với mặt tiền của nhà hàng, đối diện với đường phố và lối vào, và gọi một bữa ăn đơn giản với bún và rau. Mặc dù lúc này đã quá giờ ăn tối, nhưng các bàn hầu như đều có người ngồi. Bên trái tôi là tàn dư của một bữa tiệc văn phòng nhỏ: một vài gã trai trẻ với cravat nới lỏng và bộ vest màu xanh nước biển giống nhau, hai cô gái đi cùng, xinh đẹp và ăn mặc hợp thời trang hơn đồng nghiệp của họ, thoải mái trong vai trò của người phụ nữ Nhật truyền thống là phục vụ đồ ăn, rót đồ uống, và đưa đẩy câu chuyện. Phía sau họ, một cặp đôi ngồi riêng, bọn trẻ trung học hoặc đại học, vươn người về phía nhau và nắm tay qua mặt bàn, đứa con trai nói bằng cặp lông mày nhướn cao như thể đề nghị gì đó, đứa con gái cười và lắc đầu rằng không. Bên kia, một nhóm đàn ông người Mỹ lớn tuổi, ăn mặc đời thường hơn những người khách khác, giọng nói nhỏ nhẹ vừa phải, làn da sáng nhẹ dưới ánh đèn bàn.
Cảm giác gần như là siêu thực khi thấy mình lại ngồi trong một nhà hàng hay quán bar sau khi hoàn thành một công việc, tâm trí tôi bắt đầu trôi dạt, đầu óc nhẹ đi khi cơn lũ kích động đã chấm dứt. Những cảm giác không mới, nhưng cái hoàn cảnh tạo ra chúng lại lạ lẫm, giống như cảm giác mặc một bộ vest đi làm để đi dự đám tang.
Tôi từng nghĩ rằng mình đã thoát khỏi tất cả những chuyện này sau khi xong xuôi mọi việc với Holtzer, trưởng chi nhánh trước đó của Phân cục CIA ở Tokyo. Vỏ bọc của tôi đã bị thổi bay, và đó là lúc tạo ra một nhân thân mới, không phải là lần đầu tiên. Tôi đã nghĩ đến nước Mỹ, có thể bờ biển phía tây, San Francisco, một nơi nào đó có đông người châu Á. Nhưng tạo ra một nhân dạng mới ở Mỹ, mà không có những cơ sở mà tôi từ lâu đã chuẩn bị như ở Nhật, sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nếu CIA muốn trả thù cho Holtzer, truy lùng tôi ngay trên đất nước họ sẽ dễ dàng hơn. Ở lại Nhật Bản thì còn Tatsu để đối phó, đương nhiên, nhưng mối quan tâm của Tatsu dành cho tôi không liên quan gì đến trả thù, vì thế tôi đánh giá anh ta là nguy cơ nhỏ hơn.
Tôi mỉm cười trước nhận định đó. Tôi biết rằng mặc dù chắc chắn không trầm trọng bằng cái khả năng hiển hiện là bị đi đời bởi một kẻ may mắn nào đó làm thuê cho CIA, nhưng mối nguy mà Tatsu gây ra cho tôi cũng không ít nguy hiểm.
Anh ta đã tìm ra tôi ở Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, nơi tôi đến sau khi biến mất ở Tokyo. Tôi đã chuyển vào một khu cao tầng tên là Belfa ở Miyakojima, phía tây bắc thành phố. Ở Belfa có khá nhiều người thuyên chuyển công tác cư trú nên có thêm một người mới đến cũng không quá gây chú ý. Sống chủ yếu ở đây là những gia đình có con nhỏ, họ luôn để ý xem hàng xóm có những ai nên khó mà theo dõi cho hiệu quả hoặc phục kích thành công.
Mới đầu tôi thấy nhớ Tokyo, nơi tôi đã sống hai mươi năm, và thất vọng khi ở một thành phố mà những người Tokyo bình thường sẽ theo phản xạ coi như một nơi tù túng về mọi mặt, ngoại trừ sự trải dài ghê gớm về mặt địa lí. Nhưng Osaka đã lớn dần trong tôi. Bầu không khí ở đây, dù người ta có thể cho rằng không phong phú và quốc tế như ở Tokyo, không có sự giả tạo. Không như Tokyo, nơi có tâm hút tài chính, văn hóa, và chính trị mạnh đến mức nhiều lúc thành phố có thể cảm thấy tự mãn, thậm chí là tự tôn tuyệt đối, Osaka không ngừng so sánh mình với những nơi khác, trong đó có người anh em thủ lĩnh của nó ở phía đông bắc, và chiến thắng rõ rệt trên phương diện ẩm thực, sự nhạy bén về tài chính và tính nhân văn nói chung. Tôi phát hiện điều gì đó đáng mến trong cuộc đấu tự tuyên bố giành quyền tối thượng này. Osaka dường như tuyên bố với một Tokyo không thèm lắng nghe rằng, có thể chúng tôi không có phong thái tao nhã - đồng nghĩa với “yếu đuối” - hay thiết chế chính trị quyền lực nhất - đồng nghĩa với “tham nhũng”, nhưng chúng tôi có tấm lòng. Dần dần, tôi bắt đầu tự hỏi liệu có phải thành phố này có lí hay không.
Tôi phát hiện ra Tatsu theo sau mình trong một đêm trên đường tới Overseas, một câu lạc bộ nhạc jazz ở Honmachi mà lúc đó tôi bắt đầu thích. Tôi nhận ra anh ta ngay lập tức nhưng không biểu hiện gì. Tatsu béo lùn và có kiểu lắc vai từ bên này qua bên kia mỗi khi bước đi khiến anh ta khó mà lẫn vào đâu được. Nếu cái đuôi là một ai khác, tôi có thể đã quay lại và tra hỏi, nếu có thể hoặc tiêu diệt, nếu không.
Nhưng vì chính Tatsu là người theo sau, tôi biết mình không gặp nguy hiểm tức thời. Là một trưởng ban của Keisatsucho, FBI của Nhật, anh ta có thể dễ dàng cho bắt giữ tôi nếu muốn. Kệ đi, tôi quyết định. Akiko Grace, một nghệ sĩ piano trẻ từng làm cả thế giới nhạc jazz Nhật Bản giật mình với CD đầu tay Từ New York sẽ biểu diễn đêm đó, và tôi muốn xem cô chơi đàn. Nếu Tatsu định tham gia cùng tôi thì cũng được.
Anh ta đến giữa màn thứ hai. Grace đang chơi bản Sáng hôm đó, một bản nhạc u sầu trong Câu chuyện Manhattan, CD thứ hai của cô. Tôi nhìn anh ta dừng lại ngay khi bước qua lối vào, cặp mắt quét qua các bàn. Tôi đã định ra dấu cho anh ta, nhưng anh ta biết phải nhìn vào đâu.
Anh ta đi đến bàn của tôi và sà vào bên cạnh như thể việc anh ta sẽ gặp tôi ở đây là điều tự nhiên nhất trên đời. Như mọi khi, anh ta mặc một bộ vest màu tối không hợp. Anh ta gật đầu chào. Tôi ra dấu chào lại, rồi quay ra xem Grace chơi tiếp.
Grace ngồi nghiêng với chúng tôi, mặc một chiếc váy dài phủ kim sa ánh vàng, sáng lấp lánh dưới ánh đèn sân khấu màu xanh mát, tựa như một tia sét nóng bừng trong đêm. Xem cô chơi đàn làm tôi nghĩ đến Midori, qua sự tương phản cũng như bằng liên tưởng. Dáng điệu của Grace nhút nhát hơn, đu đưa nhiều hơn, nghiêng người về sát cây đàn piano hơn, và phong cách của cô nói chung mềm mại hơn, trầm tư hơn. Nhưng khi cô chơi đến những bản nhạc như Mạch viễn tưởngĐiệu Blues phố Delancey, cô cũng có cùng cái khí sắc như bị cây đàn chiếm hữu, như thể nó là một con quỷ và cô là người gõ lại những gì nó nói.
Tôi nhớ lại lúc xem Midori chơi đàn, đứng trong bóng tối của Village Vanguard ở New York, biết rằng đó sẽ là lần cuối cùng. Sau đó tôi đã xem nhiều nghệ sĩ piano khác biểu diễn. Luôn là một khoái lạc buồn thảm, giống như ngủ với một người phụ nữ đẹp, nhưng không phải với người phụ nữ anh yêu.
Màn biểu diễn kết thúc, Grace cùng nhóm tam tấu của mình rời sân khấu. Nhưng khán giả không ngừng vỗ tay cho đến khi họ trở lại, diễn lại bản Nhịp đu Bemsha của Thelonious Monk. Tatsu chắc đang nản chí. Anh ta không tới đây để thưởng thức nhạc jazz.
Sau màn biểu diễn, Grace đi tới quầy bar. Mọi người bắt đầu đứng dậy để cảm ơn cô, có thể để xin cô kí vào những chiếc CD họ mang tới, rồi để tiếp tục với những thứ khác mà đêm đó còn dành cho họ.
Khi những người ngồi cạnh đã đi khỏi, Tatsu quay sang tôi.
- Việc nghỉ hưu không hợp với anh, Rain-san*, - anh ta nói bằng cái giọng khô khan. - Nó làm anh mềm yếu đi. Khi anh còn hoạt động, tôi không thể lần ra anh như thế này.
*[San được thêm vào sau họ, là cách xưng hô xã giao của người Nhật]
Tatsu hiếm khi phí thời gian với những nghi thức lịch sự. Anh ta hiểu chuyện hơn thế, nhưng không thể tự ngăn mình được. Đó là một trong những điều tôi luôn luôn thích ở anh ta.
- Tôi tưởng anh muốn tôi nghỉ hưu, - tôi nói.
- Nghỉ mối quan hệ giữa anh với Yamaoto và tổ chức của hắn, đúng. Nhưng tôi nghĩ sau đó chúng ta có thể có cơ hội làm việc cùng nhau. Anh hiểu công việc của tôi.
Anh ta đang nói về cuộc chiến không bao giờ kết thúc với nạn tham nhũng ở Nhật Bản, mà nhân vật chính đằng sau là kẻ tử địch của anh ta - Yamaoto Toshi, chính trị gia và bậc thầy giật dây, kẻ đã mua chuộc Holtzer, người từng một thời là “ông chủ” giấu mặt của tôi.
- Tôi xin lỗi, Tatsu. Yamaoto và có thể là cả CIA theo sau tôi, mọi việc khó khăn lắm. Tôi có muốn cũng chẳng hữu dụng nhiều cho anh đâu.
- Anh đã nói là sẽ liên lạc với tôi.
- Tôi nghĩ đó không phải ý hay.
Anh ta gật đầu, rồi nói:
- Anh có biết là, chỉ vài ngày sau lần cuối chúng ta gặp nhau, William Holtzer đã chết vì đau tim trong nhà để xe của một khách sạn ở ngoại ô Virginia?
Tôi nhớ lại cái cách mà Holtzer đã nói mấy lời Ta là tên gián điệp hai mang... Ta là tên gián điệp hai mang... khi hắn nghĩ rằng tôi sắp chết. Cái cách hắn sắp đặt cho tôi chống lại người anh em cắt máu ăn thề của tôi, Jake Khùng, ở Việt Nam, và về sau hả hê vì chuyện đó.
- Sao anh hỏi thế? - Tôi hỏi, giữ giọng như bình thường.
- Rõ ràng là, cái chết của hắn rất bất ngờ với những ai quen biết hắn trong ngành tình báo, - anh ta nói tiếp, phớt lờ câu hỏi của tôi, - bởi vì Holtzer mới chỉ ngoài năm mươi và cũng giữ sức khỏe rất tốt.
Chưa đủ khỏe cho cú sốc điện ba trăm sáu mươi jun từ một chiếc máy khử rung tim đã chỉnh sửa, tôi nghĩ thầm.
- Điều đó chỉ cho thấy là, anh không thể không cẩn thận được, - tôi nói, nhấp một ngụm Dalmore mười hai năm tuổi. - Tôi uống aspirin trẻ em, một viên một ngày. Có một bài báo về nó trên tờ Asahi Shimbun vài năm trước. Được cho là giảm đáng kể nguy cơ các vấn đề tim mạch.
Anh ta im lặng một thoáng, rồi nhún vai và nói:
- Hắn không phải người tốt.
Có phải đây là cách anh ta nói với tôi rằng anh ta biết tôi giết Holtzer nhưng không quan tâm? Nếu là thế, đổi lại anh ta muốn gì?
- Sao anh biết tất cả chuyện này? - Tôi hỏi.
Anh ta nhìn xuống bàn, rồi lại nhìn tôi.
- Một vài đồng nghiệp của Holtzer ở Phân cục Tokyo của CIA liên lạc với Lực lượng Cảnh sát Thủ đô. Họ quan tâm đến cách hắn qua đời như thế nào hơn là sự kiện hắn chết. Có vẻ họ tin rằng anh giết hắn.
Tôi không nói gì.
- Họ muốn có sự hỗ trợ từ Lực lượng Cảnh sát Thủ đô để tìm ra anh, - anh ta tiếp tục. - Cấp trên bảo tôi phải hợp tác hoàn toàn.
- Tại sao họ lại đến nhờ các anh?
- Tôi ngờ rằng CIA đã được giao nhiệm vụ tìm cách tiêu diệt một trong số những kẻ tham nhũng đang làm tê liệt nền kinh tế Nhật Bản. Nước Mỹ lo ngại rằng nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, nền tài chính của Nhật sẽ sụp đổ. Hiệu ứng gợn sóng, và chắc chắn một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ xảy ra tiếp theo.
Tôi hiểu sự quan tâm của Chú Sam. Ai cũng biết các chính trị gia tập trung vào việc đảm bảo rằng họ có phần hối lộ từ những dự án công được sắp đặt trước và những khoản lót tay của yakuza hơn là phục hồi một nền kinh tế đang ngắc ngoải. Anh có thể ngửi thấy mùi thối nát từ tận đằng xa.
Tôi nhấp một hớp Dalmore nữa.
- Tại sao anh lại cho rằng họ đang chú ý đến tôi?
Anh ta nhún vai.
- Có thể là trả thù. Có thể là một phần của nỗ lực chống tham nhũng nào đó. Dù sao thì, chúng tôi biết rằng Holtzer đang soạn một báo cáo tình báo, trong đó nhận diện anh là tên sát thủ “nguyên nhân tự nhiên” đằng sau cái chết của rất nhiều nhân chứng tố cáo và các nhà cải cách người Nhật. Có lẽ là cả hai.
Đúng là Holtzer, tôi nghĩ. Được tiếng nhờ báo cáo tình báo trong khi sử dụng chính đối tượng trong báo cáo vào mục đích của mình. Tôi nhớ lại hắn trông như thế nào khi tôi bỏ lại cái xác rũ rượi đó trong chiếc xe thuê của hắn ở một nhà để xe ngoại ô Virginia, và tôi mỉm cười.
- Anh có vẻ không quá lo lắng lắm, - Tatsu nói.
Tôi nhún vai.
- Dĩ nhiên tôi lo lắng. Anh đã nói gì với họ?
- Rằng, như tôi biết, anh đã chết.
Bắt đầu rồi đây.
- Anh thật tốt.
Anh ta hơi mỉm cười, và tôi thấy một phần nhỏ của tên khốn ranh mãnh, chuyên về đảo chính mà tôi từng rất ưa ở Việt Nam, nơi chúng tôi gặp nhau khi anh ta được một chỉ huy cũ của Keisatsucho biệt phái tới đó.
- Thực ra không tốt lắm đâu. Đằng nào chúng ta cũng là bạn lâu năm. Bạn bè thỉnh thoảng nên giúp đỡ nhau, anh không đồng ý sao?
Anh ta biết tôi nợ anh ta. Tôi nợ anh ta chỉ vì đã để tôi đi sau khi tôi phục kích Holtzer ngoài căn cứ hải quân ở Yokosuka, dù anh ta đã bỏ ra bao nhiêu năm trước đó để săn tìm tôi. Giờ anh ta xóa dấu vết của tôi khỏi tay CIA, và tôi cũng nợ anh ta vì việc đó nữa.
Nợ nần chỉ là một phần của việc đó, tất nhiên. Còn có cả đe dọa ngấm ngầm. Nhưng với tôi Tatsu cũng có chút thiện cảm nên anh ta không quá rạch ròi. Nếu không, anh ta đã bỏ qua tất cả những chuyện nhảm nhí như “có lợi cho cả hai” hay “chúng ta là bạn bè lâu năm” và chỉ cần nói với tôi rằng, nếu tôi không hợp tác anh ta sẽ cho những người bạn cũ của tôi trong hội Người Công giáo Hành động* chia sẻ tên và địa chỉ hiện tại của tôi. Đó là việc mà anh ta có thể làm rất dễ dàng.
*[Christians In Action. John Rain nhạo báng Cơ quan Tình báo Trung ương CIA bằng cái tên này, vì “Christians In Action” viết tắt cũng là CIA]
- Tôi tưởng anh muốn tôi nghỉ hưu, - tôi nhắc lại, dù biết mình đã thua cuộc.
Anh ta đưa tay vào túi áo ngực và lấy ra một chiếc phong bì tài liệu. Anh ta đặt nó lên bàn giữa chúng tôi.
- Đây là một công việc rất quan trọng, Rain-san, - anh ta nói. - Tôi sẽ không nhờ anh giúp nếu việc không quan trọng.
Tôi biết mình sẽ thấy gì trong chiếc phong bì đó. Một cái tên. Một bức ảnh. Địa chỉ nơi làm việc và cư trú. Những điểm yếu đã biết. Yêu cầu nhất định phải có “các nguyên nhân tự nhiên” sẽ được ngầm hiểu, hoặc nói miệng.
Tôi không chạm vào chiếc phong bì.
- Có một điều tôi cần ở anh trước khi tôi có thể đồng ý bất cứ việc gì.
Anh ta gật đầu.
- Anh muốn biết làm sao tôi tìm ra anh.
Chính xác.
Anh ta thở dài.
- Nếu tôi chia sẻ thông tin đó với anh, điều gì sẽ ngăn anh không biến mất một lần nữa, thậm chí lần này hiệu quả hơn?
- Có lẽ là không gì cả. Nhưng nếu anh không nói với tôi, sẽ không có chuyện tôi sẵn lòng làm việc cùng anh với bất cứ việc gì anh có trong cái phong bì này. Tùy vào anh thôi.
Anh ta suy nghĩ một lúc lâu, như thể đang cân nhắc được và mất, nhưng Tatsu luôn luôn tính trước vài bước và tôi biết anh ta đã dự tính điều này. Sự do dự chỉ là trò diễn để làm tôi tin rằng tôi đã thắng được điều gì đó có giá trị.
- Hồ sơ của Hải quan, - cuối cùng anh ta nói.
Tôi không ngạc nhiên lắm. Tôi đã biết có nguy cơ Tatsu sẽ biết về cái chết của Holtzer và đoán rằng tôi đứng đằng sau, rằng nếu thế anh ta sẽ có thể xác định được các động thái của tôi trong khoảng thời gian từ lúc anh ta nhìn thấy tôi lần cuối ở Tokyo và ngày Holtzer chết bên ngoài thủ đô Washington, cách nhau chưa đầy một tuần. Nhưng giết Holtzer là việc quan trọng đối với tôi, và tôi đã sẵn sàng trả giá cho mục tiêu này. Tatsu đơn giản là đang chìa cho tôi xem hóa đơn.
Tôi im lặng, và sau một thoáng anh ta nói tiếp.
- Một người dưới cái tên và hộ chiếu của Fujiwara Junichi rời Tokyo tới San Francisco ngày 30 tháng Mười vừa rồi. Không có ghi nhận nào cho thấy người đó đã trở lại Nhật Bản. Giả định hợp lí là anh ta đã ở lại nước Mỹ.
Về một nghĩa nào đó, đúng là anh ta đã ở lại. Fujiwara Junichi là tên khai sinh ở Nhật Bản của tôi. Khi tôi biết rằng Holtzer và CIA đã khám phá ra nơi tôi sống tại Tokyo, tôi biết cái tên đó đã lộ và không còn sử dụng được nữa. Tôi đã tới Mỹ để giết Holtzer bằng hộ chiếu Fujiwara rồi hủy bỏ nó, trở lại Nhật Bản dưới một nhân dạng khác mà tôi đã tạo sẵn từ trước cho một tình huống bất ngờ như thế này. Tôi đã hi vọng rằng bất cứ ai tìm kiếm tôi cũng sẽ bị đánh lạc hướng bởi manh mối giả này và kết luận rằng tôi đã chuyển đến Mỹ. Đa số mọi người sẽ nghĩ thế. Nhưng không phải Tatsu.
- Không biết tại sao, tôi không thể nghĩ đến việc anh sống ở Mỹ, - anh ta tiếp tục. - Anh có vẻ... thoải mái ở Nhật. Tôi không tin anh đã sẵn sàng ra đi.
- Tôi cho rằng anh đã nhận ra điều gì đó quan trọng.
Anh ta nhún vai.
- Tôi tự hỏi, nếu ông bạn cũ của tôi vẫn chưa thực sự rời Nhật, nhưng chỉ muốn tôi tin rằng anh ta đã đi, vậy anh ta làm gì? Anh ta có thể đã về nước dưới một cái tên mới. Sau đó, anh ta chuyển tới một thành phố mới, bởi đã quá nổi tiếng ở Tokyo.
Anh ta dừng lại, và tôi nhận ra anh ta sử dụng mẹo lừa của thầy bói, vờ như cung cấp thông tin nhưng thực ra lại khéo léo moi thông tin, thăm dò dưới cái vỏ thông báo. Nãy giờ, Tatsu chỉ đưa ra những gợi ý và chi tiết chung chung, và tôi sẽ không bổ sung phần còn thiếu cho anh ta bằng cách xác nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì.
- Có lẽ anh ta đã sử dụng cùng cái tên mới đó để tái nhập cảnh, rồi chuyển đi nơi khác trong nội địa, - anh ta nói, sau một thoáng.
Nhưng tôi đã không sử dụng cùng một tên mới khi tôi chuyển nơi ở. Làm thế sẽ vẽ ra một mối liên hệ quá rõ ràng cho một kẻ theo dõi cứng đầu lần theo. Tatsu hẳn không dám chắc về điều đó, và, như tôi nghi ngờ, anh ta hi vọng biết thêm điều gì đó bằng cách khiến tôi phản ứng lại. Nếu tôi né tránh mà xác nhận rằng tôi đã sử dụng cùng một cái tên, anh ta sẽ nói rằng bằng cách đó hắn đã tìm ra tôi, nhờ đó tránh phải tiết lộ thực sự anh ta đả làm như thế nào, và vẫn nắm được nguyên vẹn điểm yếu đó để sau này có thể khai thác lại.
Vì thế tôi không nói gì, chỉ giả vờ hơi chán nản.
Anh ta nhìn tôi, khóe miệng nhếch lên thành một dấu hiệu cơ bản nhất của một nụ cười mỉm. Đó là cách anh ta thừa nhận rằng tôi đã biết điều anh ta đang âm mưu, nghĩa là anh ta có tiếp tục cũng vô ích, thế nên giờ anh ta sẽ nói thẳng.
- Fukuoka quá nhỏ, - anh ta nói. - Sapporo, quá xa. Nagoya quá gần Tokyo. Hiroshima cũng có thể vì không khí tốt, nhưng tôi nghĩ vùng Kansai thì có khả năng hơn vì nó không quá xa Tokyo, tôi đoán anh có thể muốn duy trì mối liên hệ nào đó. Nghĩa là Kyoto, có thể Kobe. Nhưng Osaka thì đúng hơn.
Bởi vì...
Anh ta nhún vai.
- Bởi vì Osaka lớn hơn, ồn ào hơn, nên có nhiều không gian để ẩn mình hơn. Dân tạm trú ở đó cũng đông, nên một người mới đến ít gây chú ý hơn. Và tôi cũng biết anh yêu nhạc jazz, mà Osaka thì nổi tiếng có các câu lạc bộ.
Lẽ ra tôi phải biết Tatsu sẽ tập trung vào các câu lạc bộ. Trong thời Taisho [Đại Chính], từ 1912 đến 1926, nhạc jazz du nhập từ Thượng Hải vào Kansai, vùng phía tây của Honshu, đảo chính của Nhật Bản, Osaka nằm ở đó. Một loạt sàn khiêu vũ và nhà ở được xây dựng ở các khu giải trí Soemoncho và Dotonbori, và nhạc jazz được biểu diễn ở khắp các quán cà phê. Những di sản sống tới tận ngày nay là những chỗ như Mr. Kelly’s, Overseas, Royal Horse, và, đương nhiên, quán Osaka Blue Note. Tôi không thể phủ nhận rằng sự hiện diện của những địa điểm đó là một yếu tố khiến tôi chọn Osaka.
Với chính những lí do mà Tatsu vừa chỉ ra, tôi thậm chí còn nhận ra rằng Osaka phần nào là một lựa chọn dễ đoán. Nhưng tôi cũng thấy rằng mình đã không sẵn lòng từ bỏ những lợi thế về lối sống mà thành phố này đem lại. Nếu còn trẻ, tôi sẽ theo phản xạ từ bỏ bất cứ sự nhàn hạ nào như thế để chọn lấy an toàn cá nhân cấp thiết. Nhưng tôi thấy thứ tự ưu tiên của mình đã thay đổi theo tuổi tác, và điều này, cũng như mọi điều khác, là dấu hiệu rõ ràng rằng đã đến lúc tôi rời khỏi cuộc chơi.
Rõ là, biết tôi như thế nên Tatsu chẳng khó khăn lắm cũng đoán ra Osaka. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để định vị chính xác như cuối cùng anh ta đã làm được.
- Ấn tượng đấy, - tôi nói với anh ta. - Nhưng anh vẫn chưa giải thích bằng cách nào anh có thể chộp được tôi trong một thành phố gần chín triệu dân.
Anh ta hơi ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào tôi.
- Rain-san, - anh ta nói, - tôi hiểu mong muốn được biết của anh. Và tôi sẽ nói anh biết. Nhưng quan trọng là thông tin sẽ không đi xa hơn, nếu không hiệu quả chống tội phạm của Lực lượng Cảnh sát Thủ đô sẽ không còn. Tôi có thể tin tưởng anh sẽ giữ kín thông tin này chứ?
Câu hỏi, và sự tiết lộ tiếp theo, có ý cho thấy rằng tôi cũng có thể tin tưởng vào anh ta.
- Anh biết là có, - tôi nói.
Anh ta gật đầu.
- Trong vòng một thập kỉ qua hay gần như thế, chính quyền các tỉnh và thành phố lớn đã độc lập lắp đặt các camera an ninh ở nhiều địa điểm công cộng, chẳng hạn như ga tàu điện ngầm và các tuyến phố đi bộ lớn. Có bằng chứng thực tế, chủ yếu là từ kinh nghiệm của Anh quốc, rằng những chiếc camera đó ngăn ngừa tội phạm.
- Tôi nhìn thấy những chiếc camera đó rồi.
- Anh có thể thấy một số cái thôi. Không phải tất cả. Trong bất cứ trường hợp nào, bản thân camera không thực sự quan trọng. Cái đứng sau chúng mới là vấn đề. Sau sự kiện ngày 11 tháng Chín ở Mỹ, Lực lượng Cảnh sát Thủ đô đã nhận thực hiện một sáng kiến lớn là kết nối những mạng lưới camera không chính thức đó với một trung tâm dữ liệu có chạy phần mềm nhận diện khuôn mặt tiên tiến. Phần mềm này đọc các đặc điểm khó hoặc không thể che giấu - ví dụ như khoảng cách giữa hai mắt, hoặc các góc chính xác của hình tam giác tạo thành từ hai góc của mắt và điểm giữa miệng. Khi một camera có được kết quả khớp với một bức ảnh trong cơ sở dữ liệu, báo động sẽ được tự động gửi tới nhà chức trách thích hợp. Thứ ban đầu chỉ mang tính hù dọa giờ là một công cụ điều tra và chống tội phạm có hiệu quả.
Tất nhiên là tôi biết về sự tồn tại của phần mềm mà Tatsu đang mô tả. Nó đang được thử nghiệm ở một số sân bay và sân vận động, đặc biệt là ở Mỹ, như một cách để phát hiện và ngăn chặn trước những tên khủng bố đã biết. Nhưng từ những gì mà tôi đã đọc được, thì những cuộc thử nghiệm ban đầu rất đáng thất vọng. Hoặc có lẽ đó chỉ là thông tin đánh lạc hướng. Tôi không hề biết Nhật Bản lại đã tiến xa đến thế trong việc triển khai.
- Các camera được kết nối với Juki Net? - Tôi hỏi.
- Có thể, - anh ta trả lời một cách khô khan.
Juki Net, một chương trình rình mò và thu thập dữ liệu, đi vào hoạt động từ tháng tám năm 2002, có lẽ lấy cảm hứng từ dự án Nhận thức Thông tin Tổng lực của Bộ Quốc phòng Mỹ. Juki Net gán cho mỗi công dân Nhật Bản một dãy số nhận dạng có tám chữ số, và liên kết dãy số đó với tên, giới tính, địa chỉ và ngày sinh của người đó. Chính phủ xác nhận rằng không có thông tin nào khác được thu thập. ít người tin vào điều đó, và đã có những lời gièm pha.
Tôi cân nhắc. Như Tatsu lưu ý, nếu thông tin lọt ra ngoài, hiệu quả của mạng lưới camera sẽ bị tổn hại. Mà còn hơn thế nữa.
- Không phải đã có những cuộc biểu tình chống việc sử dụng Juki Net sao? - Tôi hỏi.
Anh ta gật đầu.
- Đúng. Như anh đã biết, chính phủ cho ra mắt Juki Net mà không thông qua một đạo luật riêng đi kèm. Sau này họ mới cố gắng thực hiện việc đó nên không được thuyết phục cho lắm. Khu Suginami đang tẩy chay. Những người dân không thường trú giờ đang tìm cách lập một địa chỉ ở đó để thoát khỏi sự thống trị của hệ thống.
Giờ tôi đã hiểu tại sao chính phủ lại phải lao tâm đến thế để duy trì bí mật về liên kết của Juki Net đến mạng lưới các camera an ninh. Bởi, ngay cả khi biết có camera ở đó, việc tránh bị theo dõi qua video là rất khó khăn, nên nguy cơ vô tình đánh động cho bọn tội phạm chỉ là một vấn đề bên lề. Vấn đề thực sự là chính phủ sợ các cuộc biểu tình chắc chắn sẽ nổ ra nếu công chúng biết mục đích được công bố của hệ thống thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu các camera an ninh được liên kết với Juki Net, người dân sẽ tự nhiên nghĩ rằng họ đang lâm vào một tình huống bị theo dõi nghiêm trọng.
- Anh không thể đổ lỗi cho người dân khi không tin tưởng chính phủ về việc này, - tôi nói. - Tôi đọc được ở đâu đó rằng, mùa hè năm ngoái, Bộ Quốc phòng bị phát hiện đang tạo ra một cơ sở dữ liệu về những người đã yêu cầu các tài liệu theo luật Tự do Thông tin mới, bao gồm cả thông tin về quan điểm chính trị của họ.
Anh ta mỉm cười buồn bã.
- Khi cái tin đó vỡ lở, có người đã cố gắng hủy chứng cứ.
- Tôi đã đọc vụ đó. Không phải đảng Dân chủ Tự do đã cố gắng thu hồi một bản báo cáo dài bốn mươi trang về việc đã xảy ra sao?
Lần này nụ cười của anh ta gượng gạo.
- Các quan chức Đảng Dân chủ Tự do có dính líu tới vụ che giấu sự thật đã bị trừng phạt, tất nhiên. Họ đã bị cắt lương.
- Giờ thì đó là cách để ngăn những sự lạm quyền trong tương lai à, - tôi nói, cười lớn. - Nhất là khi anh biết họ đã được đút lót gấp đôi số tiền bị cắt.
Anh ta nhún vai.
- Là một cảnh sát, tôi hoan nghênh Juki Net và mạng lưới camera như một công cụ chống tội phạm. Là một công dân, tôi thấy nó rất đáng sợ.
- Vậy sao lại bắt tôi hứa giữ bí mật việc này? Nghe có vẻ rò rỉ một chút cũng chẳng là gì to tát.
Anh ta nghiêng đầu qua một bên, như thể ngạc nhiên rằng sao suy nghĩ của tôi lại có thể thô thiển đến thế.
- Nếu rò rỉ không đúng lúc, - anh ta nói, - thì cũng vô dụng như một khối thuốc nổ mạnh nhưng đặt sai chỗ.
Anh ta có ý nói với tôi rằng anh ta đang toan tính điều gì đó. Anh ta cũng có ý yêu cầu tôi đừng hỏi.
- Vậy là anh đã sử dụng mạng lưới đó để tìm ra tôi, - tôi nói.
- Đúng. Tôi giữ những tấm ảnh nhận dạng chụp anh tại Trụ sở Cảnh sát Thủ đô hồi anh bị bắt sau vụ việc bên ngoài căn cứ hải quân Yokosuka. Tôi đã đưa những tấm ảnh đó vào máy tính để hệ thống có thể tìm kiếm anh. Tôi chỉ thị cho các kĩ thuật viên tập trung ngay vào Osaka. Tuy nhiên, hệ thống cho ra quá nhiều lỗi khẳng định sai, vấn đề này mất khá nhiều thời gian và nhân lực để giải quyết. Tôi đã tìm anh trong gần một năm trời, Rain-san.
Từ những gì anh ta đang nói, tôi nhận ra rằng sự tiến bộ tàn nhẫn của công nghệ đang ép tôi phải trở lại lối sống nay đây mai đó như khoảng thời gian sau khi rời Việt Nam mà chưa trở lại Nhật, lúc tôi lang thang khắp thế giới mà không có căn cước, trôi dạt qua các cuộc chiến dùng lính đánh thuê. Không một niềm vui trong tâm trí. Tôi đã tự trừng phạt mình vì Jake Khùng và tôi không mong lặp lại trải nghiệm đó.
- Hệ thống không hoàn hảo, - anh ta nói tiếp. - Ví dụ như có rất nhiều lỗ hổng lớn trong việc thống kê, và, như tôi đã đề cập, quá nhiều lỗi khẳng định sai. Tuy nhiên, dần dần chúng tôi đã có thể nhận ra một số trùng lặp nhất định trong các hành động của anh. Chẳng hạn như tỉ lệ xuất hiện ở Miyakojima tương đối cao. Từ đó, kiểm tra các hồ sơ đăng kí thường trú mới tại văn phòng địa phương khá đơn giản, loại ra những đầu mối sai, và lật tẩy địa chỉ của anh. Cuối cùng, chúng tôi lần theo anh gần đến mức tôi có thể tới Osaka và đi theo anh tối nay.
- Sao anh không tới thẳng căn hộ của tôi?
Anh ta mỉm cười.
- Nơi anh sống luôn là nơi anh dễ bị tấn công nhất vì nó là một điểm nghẹt* khả dĩ để mai phục. Và tôi không muốn gây bất ngờ cho một người như anh ở nơi anh cảm thấy dễ bị tấn công nhất. Tôi đoán rằng sẽ an toàn hơn nếu tiếp cận anh ở khu vực trung lập, nơi anh thậm chí có thể nhìn thấy tôi đi tới, đúng chứ?
*[Điểm nghẹt (choke point) là khái niệm quân sự để chỉ một nơi có những điều kiện địa hình bắt buộc lực lượng tấn công phải chia nhỏ ra để vượt qua (chẳng hạn như một cửa ngõ hẹp), do đó giảm mạnh sức chiến đấu và ưu thế về số lượng]
Tôi gật đầu, hiểu rõ quan điểm của anh ta. Nếu anh có khả năng là mục tiêu của một âm mưu bắt cóc hay ám sát, kẻ xấu chỉ có thể tìm đến anh tại nơi chúng biết anh sẽ có mặt. Có nghĩa là ngay bên ngoài nhà anh - nhiều khả năng nhất, hoặc nơi anh làm việc. Hoặc ở một điểm nào đó ở giữa hai nơi, nơi chúng có thể tự tin rằng anh sẽ xuất hiện - có thể là cây cầu duy nhất giữa nhà anh và văn phòng, hoặc nơi nào đó tương tự. Những điểm nghẹt đó là nơi anh cần phải nhạy cảm nhất với những dấu hiệu nguy hiểm.
- Sao? - Anh ta hỏi, khẽ nhướn mày lên. - Anh thấy tôi chứ?
Tôi nhún vai.
- Có.
Anh ta lại mỉm cười.
- Tôi biết anh sẽ thấy.
- Hoặc anh có thể gọi điện.
- Nếu thế, có thể anh sẽ lại biến mất sau khi nghe giọng nói của tôi.
- Đúng là vậy.
- Tính đi tính lại, tôi nghĩ đây là cách tiếp cận tốt nhất.
- Anh làm thế này, - tôi nói, - thì đã có vô số người dính vào. Người trong tổ chức của anh, có thể cả những người có liên hệ với CIA.
Đáng ra anh ta có thể nói gì đó để cho tôi biết rằng mọi nguy hiểm là lỗi của tôi, vì đã không liên lạc với anh ta như từng đề nghị. Nhưng đó không phải là phong cách của Tatsu. Anh ta có những mối quan tâm trong vấn để này, tôi cũng thế. Anh ta cho rằng đổ lỗi cho tôi vì đã biến mất chừng nào thì tôi cũng sẽ đổ lỗi cho anh ta vì đã lần ra tôi chừng ấy.
- Không hề nhắc đến tên anh, - anh ta nói. - Chỉ duy nhất một tấm ảnh. Và những kĩ thuật viên được giao nhiệm vụ kiểm tra các trường hợp trùng khớp mà hệ thống tìm ra không hề biết gì về nguồn gốc mối quan tâm của tôi. Đối với họ, anh chỉ là một trong số nhiều tên tội phạm mà Lực lượng Cảnh sát Thủ đô đang tìm kiếm. Và tôi đã làm nhiều việc khác để đảm bảo an toàn, chẳng hạn như đi một mình tối nay và không cho ai biết về các hành động của tôi.
Thừa nhận như vậy quả là một việc nguy hiểm với Tatsu. Nếu đúng như thế, tôi có thể giải quyết gần như mọi vấn đề chỉ bằng cách thanh toán duy nhất người này. Một lần nữa, anh ta cho tôi thấy rằng anh ta tin tưởng tôi và ngược lại tôi có thể tin tưởng anh ta.
- Anh đang khá mạo hiểm, - tôi nói, nhìn anh ta.
- Lúc nào chẳng thế, - anh ta nói, nhìn lại tôi.
Một khoảng yên lặng kéo dài. Rồi tôi nói:
- Không phụ nữ. Không trẻ em. Phải là một người đàn ông.
- Là như thế.
- Anh không được cho bất cứ ai khác dính vào việc này. Anh làm việc với tôi, chỉ thế thôi.
- Được.
- Và mục tiêu phải là nhân vật chính. Không phải khử hắn chỉ để đánh động kẻ khác. Phải đạt được điều gì đó cụ thể.
- Sẽ là như vậy.
Sau khi đã lập rõ ba quy tắc, giờ là lúc cho anh ta biết về những hậu quả nếu phá vỡ chúng.
- Anh biết đấy, Tatsu, ngoài những lí do nghề nghiệp - có nghĩa là chiến đấu hoặc hợp đồng - chỉ có một thứ duy nhất từng đẩy tôi tới chỗ phải giết người.
- Sự phản bội, - anh ta nói, để cho tôi thấy rằng anh ta hiểu rõ.
- Đúng.
- Sự phản bội không có trong bản chất của tôi.
Tôi cười lớn, vì đây là lần đầu tiên tôi từng nghe thấy Tatsu nói một điều thật chất phác.
- Nó có trong bản chất của tất cả mọi người, - tôi nói.
Chúng tôi đã lập ra một hệ thống để bí mật liên lạc với nhau, có những mật mã đơn giản và quyền truy nhập vào một bảng tin điện tử bí mật mà tôi vẫn tiếp tục duy trì để dùng cho những liên lạc nhạy cảm. Tôi đã nói với anh ta rằng sau đó tôi sẽ liên lạc với anh ta, nhưng giờ tôi tự hỏi liệu việc đó có thực sự cần thiết không. Tatsu sẽ biết về tai nạn của tên yakuza từ các nguồn tin độc lập và biết rằng tôi đã hoàn thành phần việc của mình. Bên cạnh đó, càng ít liên hệ với Tatsu càng tốt. Chắc chắn rồi, chúng tôi có cả một quá khứ. Tôn trọng. Thậm chí cả yêu mến. Nhưng khó mà tin được rằng mối liên kết giữa những lợi ích của chúng tôi sẽ tồn tại, và, cuối cùng, mối liên kết đó, hoặc sự không có nó, sẽ là tất cả những gì có ý nghĩa. Một ý nghĩ buồn, trong những phương diện nhất định. Không có nhiều người xuất hiện trong đời tôi, và, giờ đây khi mọi việc đã ổn, tôi nhận ra, ở một mức độ nào đó, tôi thấy thích thú lần chạm trán cuối cùng với người bạn và địch thủ cũ của tôi.
Buồn cũng vì nó buộc tôi phải thừa nhận một thứ mà tôi đã cố tránh né. Tôi sắp phải rời Nhật Bản. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho một trường hợp tình cờ như thế, nhưng thật nặng nề khi biết được rằng thời điểm đó có thể đã gần kề. Nếu Tatsu biết nơi để tìm tôi, và tin rằng tôi đã trở lại cuộc chơi theo cái cách sẽ ngăn cản cuộc đời chiến đấu chống tham nhũng của anh ta ở Nhật, việc khiến tôi bị bắt là quá dễ dàng với anh ta. Ngược lại, nếu tôi đồng ý chơi bằng luật của anh ta, anh ta sẽ dễ dàng định kì lại tìm đến và nhờ “giúp đỡ”. Cả hai cách, anh ta đều nắm được tôi, và tôi đã từng sống cuộc sống đó rồi. Tôi không muốn nó lặp lại.
Máy nhắn tin của tôi kêu liên hồi. Tôi kiểm tra nó, thấy một dãy số năm chữ số cho tôi biết đó là Harry, rằng cậu ta muốn tôi gọi lại.
Tôi ăn xong và ra hiệu cho người phục vụ để thanh toán. Tôi nhìn quanh nhà hàng một lần cuối. Bữa tiệc văn phòng đã tan. Những người Mỹ còn ở lại, những tiếng ồn trong trẻo từ cuộc trò chuyện của họ thật ấm áp và nhiệt tình. Đôi kia vẫn còn ở đó, tư thế của gã trai trẻ rất tha thiết, còn đứa con gái tiếp tục lảng tránh bằng những tiếng cười nhẹ.
Cảm giác thật tốt khi được trở lại Tokyo. Tôi không muốn rời đi.
Tôi bước ra khỏi nhà hàng, dừng lại để thưởng thức cảm giác không khí buổi tối mát lành của Nishi-Azabu, cặp mắt tôi theo phản xạ quét qua đường phố. Một vài chiếc xe hơi phóng qua, nhưng ngoài chúng ra đường phố yên tĩnh như nghĩa địa Aoyama, trầm tư và tăm tối, đang âm thầm kêu gọi từ phía đối diện nơi tôi đứng.
Tôi nhìn lại về phía những bậc đá và hình dung mình đang đi qua chúng. Rồi tôi quay sang trái và tiếp tục hình bán nguyệt ngược chiều kim đồng hồ mà tôi đã bắt đầu trước đó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét