Nhà văn Aleksandr Grin
Tác giả: K.G. Paustovski
Người dịch Vũ Thư Hiên
Nhà XB Văn Học - 1961
Lúc tôi còn nhỏ, tất cả lũ học trò trung học
chúng tôi đều mê mải đọc những cuốn trong “Tủ sách tổng hợp”. Đó là những cuốn
sách nhỏ, bìa vàng in chữ nhỏ.
Giá những cuốn sách ấy rất rẻ. Chỉ mất mười
kopek là đã được đọc “Tartarin” của Daudet hoặc “Bí Mật” của Hamsun, còn mất
hai mươi kopek là đã có “David Coperfield” của Dickens hoặc “Don Quixote” của
Cervantes.
“Tủ sách tổng hợp” chỉ in sách của các nhà
văn Nga trong trường hợp ngoại lệ. Vì thế, khi tôi mua cuốn sách vừa xuất bản với
cái tên kỳ quặc “Thác Xanh Teturi” và thấy tên tác giả Aleksandr Grin ở ngoài
bìa thì dĩ nhiên tôi yên trí Grin là người nước ngoài.
Cuốn sách có vài truyện ngắn. Tôi còn nhớ
lúc ấy đứng bên cạnh quán sách, nơi tôi mua cuốn đó, tôi đã giở ngay nó ra và đọc
hú họa.
“Không
có hải cảng nào vô tích sự và thần tiên hơn là Liss. Cái thành phố đa ngữ này
giống như một tên du đãng đã quyết dấn thân vào mớ bòng bong của cuộc sống định
cư. Nhà ở dựng lung tung giữa vài cái gọi là phố. Không thể có phố xá trong
nghĩa đen ở Liss, bởi vì thành phố này mọc lên trên những vách đá và đồi núi, nối
với nhau bởi những bậc thang, những cây cầu và... những lối mòn nhỏ hẹp.
Tất cả
những cái đó ngợp trong cây cối rậm rạp miền nhiệt đới, trong những bóng cây
hình quạt long lanh, những đôi mắt thơ ngây nồng cháy của đàn bà con gái. Đá
vàng, bóng cây xanh, những vết rạn đẹp như tranh vẽ ở những bức tường cũ kỹ.
Trên một cái sân hình nấm một gã lầm lì, ngậm tẩu đang sửa chữa một con thuyền
lớn. Tiếng người hát xa xa và tiếng vang của những giọng ca trong khe núi. Những
khu chợ dựng trên những cọc chống, dưới những tấm vải bạt và những chiếc ô lớn.
Ánh lấp lánh của vũ khí, màu áo đàn bà sặc sỡ, hương thơm của hoa và cây cối
làm dậy lên trong lòng nỗi buồn nhớ âm thầm như trong mộng - nỗi nhớ tình yêu
say đắm và những cuộc hẹn hò. Bến tàu nhếch nhác như một gã nạo ống khói trẻ tuổi.
Những cánh buồm cuốn, giấc mộng của chúng và buổi sáng có cánh, nước màu xanh chàm,
những núi đá dựng đứng, chân trời đại dương. Ban đêm - đám cháy từ tính của những
vì sao, những con thuyền với những giọng cười - đó là Liss!”
Tôi đứng trong bóng mát một cây dẻ của
thành phố Kiev mà đọc, đọc ngấu nghiến, cho đến hết cuốn sách kỳ lạ, quái dị
như một giấc mơ.
Bất thần tôi cảm thấy buồn nhớ cái ánh lấp
lánh của gió, mùi nước biển mằn mặn, nhớ Liss, những ngõ hẻm nóng nực, những
đôi mắt nồng cháy của các cô gái, tảng đá xù xì màu vàng với những vỏ hà vỏ hến
màu trắng còn lại, khói hồng của những đám mây bay vút lên trời xanh.
Không, đó chẳng phải là nỗi buồn, mà là niềm
mong ước da diết muốn được tự mắt trông thấy tất cả những cái đó và được vô tư
lự hòa mình vào trong cuộc sống tự do miền ven biển kia.
Nhưng ngay lúc đó tôi sực nhớ ra rằng có một
số nét của cái thế giới rực rỡ ấy tôi đã từng biết. Nhà văn Grin xa lạ chỉ gộp
những cái đó lại trong một trang giấy. Nhưng tôi đã thấy chúng ở đâu nhỉ?
Tôi nhớ ra ngay. Tất nhiên, những cái đó ở
Sevastopol, trong cái thành phố như nhô lên khỏi những đợt sóng màu lục của biển
cả, phơi mình dưới ánh mặt trời trắng lóa và trong những bóng râm bị cắt thành
từng dải xanh như da trời. Tất cả cái hỗn độn vui vẻ của Sevastopol ở đây, trên
những trang sách của Grin.
Tôi đọc tiếp và gặp một bài ca thủy thủ:
Sao
Thập tự phương Nam rực rỡ chân trời
Khi
gió nổi - là địa bàn tỉnh giấc
Chúa
ơi, hãy phù hộ cho những con tàu
Và rủ
lòng thương lấy chúng tôi.
Lúc đó tôi chưa biết là chính Grin đã đặt
ra những ca khúc cho những truyện ngắn của mình.
Con người ngây ngất say vì rượu, vì ánh nắng
lấp lánh, vì niềm vui vô tư lự, vì cuộc đời hào phóng dẫn ta đi mãi vào cái óng
ánh và cái mát mẻ của những ngóc ngách đầy cám dỗ của nó, và sau hết, con người
say vì “cảm giác cao thượng”.
Tất cả những cái đó đều có trong những truyện
ngắn của Grin.
Khi tôi biết Grin là người Nga và tên thực
của ông là Aleksandr Stepanovich Grinyovsky thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên lắm về
chuyện đó. Có lẽ đối với tôi lúc đó Grin đã rành rành là một cư dân Hắc hải,
trong văn học là người đại diện cho một bộ lạc nhà văn trong đó có cả
Bagritzky, cả Kataev và nhiều nhà văn Hắc hải khác.
Tôi chỉ ngạc nhiên khi biết tiểu sử của
Grin, khi tôi được biết về cuộc đời cay cực chưa từng thấy của một con người bị
xã hội ruồng bỏ, của một kẻ giang hồ thâm căn cố đế. Không hiểu sao con người
kín tiếng và bị những tai ương đánh cho tơi tả ấy, qua một cuộc đời đầy cực nhọc,
lại có thể giữ được cho mình cái thiên tư vĩ đại của trí tưởng tượng trong trắng
và mạnh mẽ, lòng tin ở con người và nụ cười hiền lành ngượng ngập. Chả thế mà
Grin đã viết về mình: “Bao giờ tôi cũng
nhìn thấy cảnh trời mây bên trên những rác rưởi thối tha của những ngôi nhà thấp
bé”.
Ông hoàn toàn có quyền nói về ông bằng lời
của nhà văn Pháp Jules Renard: “Quê hương tôi là nơi có những đàn mây trắng tuyệt
vời lang thang”. Nếu như Grin chết đi để lại cho chúng ta một bài thơ bằng văn
xuôi “Những Cánh Buồm Đỏ Thắm” không thôi, thì thế cũng đã đủ để chúng ta đặt
ông ngang hàng với những nhà văn xuất chúng đã tung ra lời kêu gọi làm rung động
trái tim người: đạt tới cái hoàn mỹ.
Hầu hết các tác phẩm của mình được Grin viết
ra để bênh vực cho ước mơ. Chúng ta cần phải biết ơn ông vì điều đó. Chúng ta
biết rằng tương lai mà chúng ta đang hướng tới sinh ra từ một đặc tính vô địch
của con người - biết yêu và mơ ước.
-------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét