Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Gió “Xôrănggơ”

Tác giả: K.G. Paustovski
Người dịch: Kim Ân
Nhà XB Văn Học - 1961

Gió “Xôrănggơ”

Đoàn thám hiểm Nam Cực của đại úy Xcốt đã bỏ mình trong những trận bão tuyết ghê gớm nổi lên ở châu Nam Cực mùa xuân năm 1911.
Từ bức tường băng Rôxơ, sáu người đã dùng ván trượt tuyết đi về phía địa cực.
Họ đã đi hơn một tháng trời. Chỉ có năm người tới nơi. Một người ngã xuống kẽ nứt của băng và chết vì chấn thương sọ não.
Gần đến địa cực, Xcốt, người đi đầu, bỗng dừng lại: có vật gì đen đen trên tuyết trắng. Vật đó là lều của Amunxen bỏ lại, người Na-uy đã đến trước người Anh. Xcốt chợt hiểu rằng thế là hết, rằng sau chuyến này, họ không thể nào vượt nổi con đường về dài tới một ngàn cây số, không thể nào lê nổi đôi chân đẫm máu trên băng tuyết. Họ bèn chia đều thuốc độc, mỗi người một phần.
Trên đường về, trung úy Ôtxơ, con người xứ Ecôtxơ lầm lì, ngã bệnh. Chứng hoại thư ở hai chân ông bắt đầu hoành hành. Mỗi bước đi là mỗi bước kinh khủng, mủ lẫn với máu rỉ ra ngoài đôi ủng da tuần lộc và để lại trên bàn trượt tuyết những giọt như giọt sáp. Ôtxơ biết vì ông đoàn thám hiểm sẽ bị chậm lại và mọi người có thể bị chết. Và ông đã tìm được lối thoát.
Trong cuốn nhật ký của Xcốt, tìm thấy cùng với bốn xác người, một năm sau cuộc thám hiểm, chuyện đó đã được ghi lại như sau:

“Ngày mười một tháng Ba. Ngày và đêm cuối cùng chúng tôi chỉ đi nổi có ba dặm. Mặc dầu đau đớn không thể tả xiết Ôtxơ vẫn theo kịp chúng tôi, nhưng chúng tôi đi hết sức chậm. Ngày hôm qua Ôtxơ đòi chúng tôi để ông lại trong túi ngủ đặt trên tuyết nhưng chúng tôi không thể nào làm chuyện đó và khuyên ông tiếp tục đi. Đến ngày cuối cùng ông vẫn không để mất đi, không cho phép mình mất đi hy vọng. Đến đêm, chúng tôi dừng lại. Ôxtơ trao cho tôi một bức thư ngắn nhờ chuyển cho gia đình nếu chúng tôi còn sống. Sau đó ông đứng dậy nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói “Tôi đi đây. Chắc chắn tôi sẽ không về ngay đâu.” Chúng tôi yên lặng. Ôtxơ ra khỏi lều và đi vào giữa cơn bão tuyết. Ông ngã xuống nhiều lần và để lại trên tuyết những vết máu. Lúc đó là hai giờ đêm. Ông không trở lại nữa. Ông đã xử sự như một người cao thượng”.

Toàn bộ nền văn học chẳng khác gì câu chuyện ba hoa tầm phào của kẻ ăn không ngồi rồi trước cuốn nhật ký của đại úy Xcốt, cuốn nhật ký của cái chết, nhật ký của những con người nhẫn nhục bỏ mình vì hoại thư, vì đói và vì giá buốt kinh khủng trên những sa mạc băng tuyết Nam cực.
Cuối cuốn nhật ký, Xcốt viết bằng những chữ run rẩy:

“Tôi nói với toàn thể nhân loại. Mọi người cần biết rằng chúng tôi đã mạo hiểm, mạo hiểm một cách có ý thức, nhưng chúng tôi đã bị rủi ro trăm bề. Nếu như chúng tôi còn sống, tôi sẽ kể lại những câu chuyện về lòng dũng cảm lớn lao và cái vĩ đại giản đơn của các bạn tôi, nghe những câu chuyện đó không ai là người không xúc động. Chúng tôi chết, nhưng không lẽ nào một nước giàu có như nước Anh lại không chăm sóc đến thân quyến của chúng tôi”.

Xcốt đã lầm: nước Anh đã không hề chăm sóc những người thân của ông.
Bức thư ngắn của trung úy Ôtxơ về địa chỉ Anna Ô-Nâylơ rơi vào tay một thủy thủ Nga tên là Vaxili Xêđức, người tham gia đoàn mạo hiểm đã tìm thấy xác của Xcốt và ba bạn đồng hành của ông. Mãi sau chiến tranh 1918 Xêđức mới đi tìm Anna tại một thành phố nhỏ miền duyên hải Bắc Êcốtxơ. Lúc đó là đầu đông. Tuyết giống như bạc xỉn trải dài trên những cánh đồng bên ngoài thành phố và biển cả thở dài bên bờ, nghỉ ngơi trước những trận phong ba mùa rét.
Người chồng của Anna, giám đốc cảng cá, suốt tối ngậm tẩu, lặng lẽ mời Xêđức uống cà phê và ăn bánh bích quy giòn. Đọc xong bức thư của Ôtxơ, Anna không nói nửa lời, nàng mặc quần áo đi ra phố. Chỉ có mỗi một mình ông lão Hécnê, người coi cửa biển, bạn chồng Anna là tìm cách đánh tan cái mối lo buồn ghê gớm, mối lo tưởng như đã mở hết cửa sổ trong nhà và làm gian phòng tràn ngập hương tuyết buồn thảm.
Hécnê kể cho con trai của Anna, một thằng bé lên tám, câu chuyện thần thoại cổ xưa về cơn gió mà người ta gọi là gió “Xôrănggơ”.
Những thủy thủ tin một cách dị đoan rằng bên cạnh những cơn gió bấc và gió bắc Địa Trung Hải cuồng loạn, những cơn gió mùa và những trận phong ba dữ dội còn có gió nóng Xôrănggơ hàng mấy trăm năm mới thổi một lần. Gió Xôrănggơ thổi từ những chân trời phương Nam lại, nó thổi về cuối đông và thường là về đêm. Nó mang lại không khí từ những xứ xa xôi, thứ không khí buồn và nhẹ như hương mộc lan. Chuông từ các giáo đường thôn dã tự gióng giả buổi bình minh màu da trời cất mình lên cao vút và những bông hoa giống hoa tuyết điểm chọc thủng tuyết ra ngoài. Trẻ con mừng hoa mắt. Những con tàu đốt đèn hiệu chào mừng, nghiêng ngả cúi chào cơn gió nọ như những con thú hiền lành với bộ lông ướt sũng nước mưa.
Gió Xôrănggơ đánh dấu sự khởi đầu của những ngày hội mùa đông vui vẻ và lộng lẫy. Không khí Ăngtin ào qua Êcốtxơ, biến mùa đông thành một mùa hè bất thần ngắn ngủi và tươi mát.
Ông già Hécnê chưa kể hết câu chuyện cổ của mình. Người cha bắt đứa con trai đi ngủ.
Anna trở về vào khoảng nửa đêm. Nàng đi lang thang trên bờ biển, che kín mặt tránh gió. Con chó già ở cảng được người ta đặt tên là “ngưu bàng” lang thang đi theo nàng đầu rũ xuống. Anna khe khẽ nói chuyện với nó. Nàng không còn ai để mà nói chuyện về bức thư của Ôtxơ.

“Một giờ nữa tôi sẽ chết - Ôtxơ viết - Tôi nghĩ rằng đến cả xác tôi nữa, nó cũng phải rùng mình vì cái ghê rợn của những cơn bão tuyết và cái giá buốt hãi hùng này. Tôi nhớ đến Êcốtxơ, đến những cơn mưa ấm áp giống như khói lan tỏa trên mặt đất, đến những đốm lửa hoàng hôn, đến làn nước nặng nề nơi tàu trú ngụ, đến không khí mằn mặn của những cánh đồng thu ẩm ướt với những đồng cỏ xa trục không hiểu sao chưa được dọn đi và tôi nhớ đến một bài hát cũ của chúng ta:
Đường ơi! Vĩnh biệt. Nhà đây, chào anh!
Trên tuyết ẩm, áo mưa ta vứt đấy.
Mời khách không rượu pha chanh
Thì đã có một vò “rom” mạnh.
Tôi nhớ đến em và biết rằng tất cả những cái đó chính là tình yêu. Đến nay tôi vẫn chưa hiểu vì sao em đã bất thình lình bỏ tôi như vậy”.

Anna đọc đi đọc lại bức thư trong buồng con trai. Nàng đứng bên cửa sổ. Những vết nhăn sắc nét hiện rõ trên trán. Nàng mường tượng như có một con chim khổng lồ vẫy cánh và từ trên cây, những hạt nước nhỏ li ti rơi xuống. Chúng rơi trên mặt Anna và khó mà hiểu được rằng đó là những hạt mưa hay những giọt lệ.
Có một cái gì to lớn vô cùng đã bước vào cuộc đời nàng, cái gì đó không có tên, làm cho toàn thân rung động.
Thằng bé thức giấc, nó ngồi dậy trên giường. Mắt nó hoa lên vì sung sướng.
- Mẹ đừng khóc - Nó nói bằng giọng ngái ngủ và lại nằm lên chiếc gối ấm áp - Đêm nay sẽ có gió Xôrănggơ.
Nó cười trong mơ. Thằng bé mơ thấy từ một nơi xa nào, xa vô cùng, từ châu Nam cực, có một ngọn gió đang thổi tới mang hương tuyết và những khu rừng nhiệt đới, gió xôrănggơ, ngọn gió hội hè mùa đông đang tung ra hàng nghìn ngọn lửa trắng như những đứa trẻ tung hê những nắm tuyết. Thằng bé cười trong mơ. Ngọn hải đăng hắt lên trời những luồng sáng trắng mệt mỏi.

1932
-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét