Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 18

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

18

Ba chúng tôi ra về để Kanezaki có thể tới “cuộc gặp mặt” của hắn và Tatsu có thể cho người hoạt động chống theo dõi cho Kanezaki. Chúng tôi thỏa thuận gặp lại nhau ở Christie sau hai tiếng. Tôi hỏi Tatsu trước khi chúng tôi rời đi xem anh ta đã xoay được một khẩu súng khác cho tôi chưa. Anh ta nói chưa.
Tôi dành một lúc xem lướt những cổ vật dưới tầng hầm của Tòa nhà Hanae Mori gần đó. Cửa hàng cổ vật đã đóng cửa, nhưng qua những ô cửa sổ tôi thích thú ngắm nhìn tác phẩm thủy tinh chạm khắc trường phái Tân Nghệ thuật thanh nhã của các nghệ sĩ như Daum Nancy và Emile Gallé. Tôi lạc trong các thế giới bé nhỏ được miêu tả trên những chiếc bình và cốc: một bãi cỏ xanh với chuồn chuồn bay lượn; những chiếc cối xay gió say ngủ dưới tấm chăn bằng tuyết; một rừng cây sống động đến mức có vẻ như đu đưa trong những nét khắc thủy tinh.
Tôi trở lại Christie trước khi cuộc gặp tiếp theo diễn ra, nhưng không chờ ở đây. Thay vào đó, tôi kiểm tra những vị trí mà một đội theo dõi có thể sử dụng nếu quan tâm đến ai đó trong cửa hàng, và rồi, xác nhận những vị trí đó đều trống, tôi ngồi trên cao như một con quạ báo điềm gở của Tokyo trong bóng tối trên đỉnh con dốc bên phải cửa hàng, quan sát lối cửa vào. Chỉ sau khi thấy Kanezaki, và rồi Tatsu trở lại, và chỉ sau khi đã chờ đợi để đảm bảo họ không bị theo đuôi, tôi mới đi xuống và vào cùng họ.
- Chúng tôi đang đợi, - Tatsu nói khi tôi đi vào. - Tôi không muốn bắt đầu mà không có anh.
- Xin lỗi, - tôi nói. - Tôi vướng chuyện.
Anh ta nhìn tôi như thể anh ta hiểu chính xác điều gì đã gây ra sự chậm trễ, rồi quay ra Kanezaki và nói:
- Tôi cho hai người theo dõi khu vực xung quanh cuộc gặp mặt giả của cậu. Chúng tôi phát hiện ra có người đang ở đó định chụp ảnh những gì diễn ra.
Mắt Kanezaki trố ra.
- Chụp ảnh?
Tatsu gật đầu.
- Các ông đã làm gì? - Hắn hỏi.
- Chúng tôi bắt giữ người đó.
- Ôi trời, - Kanezaki nói, có lẽ đang tưởng tượng các dòng tít lớn trên những tờ báo ngày mai.
- Bắt giữ chính thức?
Tatsu lắc đầu.
- Không chính thức.
- Người đó là ai? - Kanezaki hỏi.
- Tên anh ta là Edmund Gretz, - Tatsu nói. - Anh ta tới Tokyo ba năm trước, hi vọng kiếm sống bằng nghề nhiếp ảnh tự do, mơ đến các cô người mẫu trên sàn diễn thời trang. Thay vào đó anh ta lại dạy các khóa tiếng Anh ở nhiều tập đoàn Nhật Bản khác nhau. Nhưng cuối cùng anh ta đã xoay xở tìm được người quan tâm đến tài năng nhiếp ảnh của anh ta.
- CIA? - Kanezaki hỏi, da hắn tái nhợt đi.
- Đúng. Anh ta là một người làm hợp đồng. Sáu tháng trước anh ta được huấn luyện theo dõi và chống theo dõi và các thủ thuật bất chính khác nữa. Kể từ đó CIA đã tìm đến anh ta ba lần. Trong mỗi lần, anh ta được cung cấp thời gian và địa điểm của một cuộc gặp gỡ, và được chỉ thị là chụp ảnh khi nó diễn ra.
- Làm sao anh ta biết được anh ta đang chụp ảnh ai?
- Người ta đưa cho anh ta tấm ảnh của một người Nhật Bản chính gốc luôn luôn tham dự.
- Là tôi.
- Đúng.
Tôi lắc đầu ngạc nhiên và nghĩ, Cậu cứ việc in chữ “kẻ giơ đầu chịu báng” lên card visit đi là vừa.
- Và người điều khiển Gretz... - Kanezaki nói.
- Cục trưởng, - Tatsu trả lời. - James Biddle.
- Chính người đã muốn những tờ biên lai, - tôi nói.
- Đúng, - Tatsu trả lời.
- Tôi cho rằng kẻ thực hiện hợp đồng đó không có khả năng hiểu được lí do, - tôi nói.
Tatsu lắc đầu.
- Gretz chỉ là một gã tay chân, với ít kĩ năng sau ống kính máy ảnh. Anh ta không biết gì hết. Mối quan tâm lớn nhất của anh ta là không ai được phát hiện ra chúng tôi đã bắt giữ anh ta, để khỏi mất công việc vặt sinh lợi của mình hay phải đối mặt với việc bị trục xuất.
- Các ông không moi thêm được gì nữa từ anh ta à? - Kanezaki hỏi.
Tatsu nhún vai.
- Người của tôi không tra hỏi theo kiểu dễ chịu đâu. Tôi không tin còn khai thác thêm được gì nữa.
- Anh ta làm gì với các bức ảnh sau khi chụp? - Kanezaki hỏi.
- Anh ta đem các bản in tới cho Biddle, - Tatsu nói.
Kanezaki gõ nhịp ngón tay trên mặt bàn.
- Ông ta sẽ làm gì với những bức ảnh đó? Tại sao ông ta lại làm thế này với tôi?
- Tôi có thể có cách tìm ra, - Tatsu nói.
- Cách gì?
Tatsu lắc đầu.
- Chưa phải lúc này. Cứ để tôi thực hiện một số điều tra kín đáo. Tôi sẽ sớm liên lạc với cậu.
Đôi mắt Kanezaki hơi nheo lại.
- Tại sao ông lại giúp tôi? - Hắn hỏi.
Tatsu nhìn hắn.
- Tôi có những lí do của riêng để mong tránh được một vụ bê bối, - anh ta nói. - Trong số đó, mong muốn của tôi là những nhà cải cách cậu đã cố gắng giúp đỡ không bị làm hại bởi tất cả chuyện này.
Vẻ mặt Kanezaki giãn ra. Hắn sợ. Hắn muốn tin rằng hắn có một người bạn.
- Được, - hắn nói.
Kanezaki đứng dậy để ra về. Hắn đưa tay vào túi áo jacket, lấy ra một chiếc card visit đưa cho Tatsu.
- Làm ơn, liên lạc với tôi ngay khi ông biết thêm được gì, - hắn nói.
Tatsu cũng đứng dậy. Anh ta đưa cho Kanezaki card visit của mình.
- Được rồi.
Kanezaki nói:
- Cảm ơn ông.
Tatsu cúi thấp chào và nói:
- Kochira koso. Tôi cũng thế.
Kanezaki gật đầu với tôi và bước đi.
Tôi chờ một phút để Kanezaki đi khuất, rồi nói:
- Đi thôi.
Tatsu hiểu. Khi còn là thiếu niên, tôi từng đánh nhau thắng ở một bữa tiệc. Gã bị tôi đánh bỏ đi, trong khi tôi tận hưởng cảm giác làm một người hùng. Rắc rối là nửa tiếng sau gã đó trở lại, lần này cùng với hai đứa bạn. Ba đứa bọn chúng nện tôi nhừ tử. Bài học rất đáng. Nó dạy tôi rằng gặp xong rồi thì hãy đi luôn, trừ khi muốn mạo hiểm vì đã có người hỗ trợ.
Chúng tôi bước về phía phố Inokashira, trong bóng đêm tĩnh mịch của công viên Yoyogi nằm bên tay phải.
- Chuyện hôm nay thế nào? - Tôi hỏi anh ta trong khi đi. - Với vợ của cấp dưới của anh. Người vợ góa của cậu ta.
Vài giây trôi qua trước khi anh ta trả lời.
- Fujimori-san, - anh ta nói, và tôi không chắc anh ta đang nói về người đồng chí đã ngã xuống của anh ta hay về người vợ. - Tôi may mắn là chỉ có ba cuộc nói chuyện như thế trong quãng thời gian làm ở Keisatsucho.
Chúng tôi tiếp tục bước đi trong yên lặng. Rồi tôi hỏi:
- Có may mắn nào khi theo dấu Murakami hôm nay không?
Anh ta lắc đầu.
- Không.
- Gã các anh đã thẩm vấn thì sao?
- Chưa có gì cả.
- Tại sao tối nay anh lại muốn gặp tôi?
- Tôi cần tất cả các nguồn có thể vươn tới được, phòng trường hợp có đầu mối nóng dẫn đến Murakami.
- Giờ đó là vấn đề cá nhân? - Tôi hỏi.
- Là vấn đề cá nhân.
Chúng tôi bước đi trong yên lặng.
- Tôi sẽ nói với anh một chuyện, - tôi nói. - Cứ đúng lúc tôi nghĩ mình đang chán ngấy, CIA lại làm chuyện gì đó khiến tôi kinh ngạc thực sự, như thuê nhiếp ảnh gia để chụp ảnh những chuyên viên điều hành của chính họ phòng trường hợp cần nướng những người đó. Thật dễ chịu.
- Không có nhiếp ảnh gia nào hết, - Tatsu nói.
Tôi dừng lại và nhìn anh ta.
- Cái gì?
Anh ta nhún vai.
- Tôi đã dựng nên anh ta.
Tôi lắc đầu và chớp mắt.
- Không có Gretz nào hết?
- Có một Gretz, phòng trường hợp Kanezaki nghĩ đến việc kiểm tra. Một gã bán ma túy nhỏ lẻ mà tôi từng bắt và thả đi. Tôi có cảm giác hắn có thể sẽ hữu dụng về sau.
Tôi không biết nói gì.
- Nói cho tôi những gì tôi bỏ lỡ đi, Tatsu.
- Không nhiều đến thế, thật sự đấy. Đơn giản là tôi chỉ cung cấp cho Kanezaki một sự chứng thực rằng những nỗi sợ hãi của cậu ta không phải chứng hoang tưởng, nhằm đặt mình vào vị thế một người bạn.
- Tại sao?
- Tôi cần cậu ta bị thuyết phục hoàn toàn rằng mình đang bị cài. Chúng tôi chưa có đầy đủ thông tin để thực sự biết phải hành động thế nào. Tôi muốn cậu ta thoải mái gọi đến tôi. Thậm chí còn hăm hở gọi.
- Hắn có bị cài không, theo anh nghĩ?
Anh ta nhún vai.
- Ai biết được? Lời yêu cầu của Biddle về số biên lai có vẻ đáng nghi, cũng như bức điện mất tích, nhưng tôi không vờ là hiểu hết các thủ tục quan liêu của CIA đâu.
- Tại sao Biddle lại quan tâm quá mức như thế đến những cuộc gặp của Kanezaki?
- Tôi không biết. Nhưng không phải là để chụp ảnh những cuộc gặp đó. Người của tôi không thấy gì bất thường ở nơi gặp mặt. Chắc chắn không ai mang theo máy ảnh.
Anh ta đang tỏ ra hết sức cởi mở với tôi về trò lừa của anh ta. Có lẽ đây là cách anh ta thể hiện rằng tin tưởng tôi. Người cùng hội cùng thuyền và người ngoài. Chúng ta và họ.
Chúng tôi lại đi tiếp.
- Thế thì, thật may mắn là thằng nhóc đó tìm đến tôi với những nghi ngờ của hắn, - tôi nói.
- Và may mắn là anh đã tìm đến tôi. Cảm ơn anh vì điều đó.
Tôi lắc đầu, rồi nói:
- Anh biết gì về Crepuscular?
- Không hơn những gì mà Kanezaki đã nói với chúng ta.
- Những chính trị gia mà chương trình đó đang bảo trợ - anh có đang làm việc với ai trong số họ không? Có thể những người mà chiếc đĩa không lôi vào?
- Có một số.
- Chuyện gì đã xảy ra? Anh biết được nhờ chiếc đĩa rằng họ không nằm trong mạng lưới của Yamaoto. Rồi sao?
- Tôi cảnh báo họ. Đơn giản là chỉ chia sẻ thông tin về các phương pháp của Yamaoto, và ai trong số họ là bù nhìn của Yamaoto. Nhờ thế biến họ thành những mục tiêu khôn ngoan hơn, và khó hạ hơn một cách đáng kể.
- Và anh biết họ đang nhận tiền từ CIA?
- Tôi biết một số, không nhất thiết phải biết tất cả. Từ vị trí của tôi, tôi chỉ có thể giúp bảo vệ những người này khỏi thủ đoạn tống tiền của Yamato. Nhưng Kanezaki đã đúng khi nói rằng trong hệ thống chính trị tiền bạc của Nhật Bản, những chính trị gia trung thực vẫn cần có tiền để cạnh tranh với những ứng cử viên được Yamaoto tài trợ. Và thứ đó tôi không thể cung cấp được.
Chúng tôi đi mà không nói gì trong một phút. Rồi anh ta nói:
- Phải thừa nhận tôi đã ngạc nhiên khi biết những người này khờ khạo tới mức kí biên lai khi nhận các khoản giải ngân của CIA. Tôi tự trách mình vì đã không lường hết mức độ cả tin của họ. Lẽ ra tôi phải biết rõ hơn. Như thể di truyền, các chính trị gia có thể ngu ngốc đến đáng kinh ngạc, ngay cả khi họ không nằm trong tình trạng bị mua chuộc. Nếu ngược lại, Yamaoto hẳn đã khó khăn hơn nhiều trong việc kiểm soát họ.
Tôi suy nghĩ một thoáng.
- Thứ lỗi cho tôi vì nói thế này, Tatsu, nhưng không phải tất cả chuyện này chỉ là lãng phí thời gian sao?
- Sao anh lại nói thế?
- Bởi vì ngay cả khi những người này có lí tưởng, ngay cả khi anh có thể bảo vệ họ khỏi Yamaoto, ngay cả khi họ có tiền, anh vẫn biết là họ không thể tạo ra sự khác biệt được. Các chính trị gia ở Nhật Bản chỉ là thứ đồ trang trí. Bộ máy hành chính mới điều khiển màn diễn.
- Hệ thống của chúng ta thật lạ lùng, không phải sao, - anh ta nói. - Một sự kết hợp bất tiện giữa lịch sử trong nước và can thiệp nước ngoài. Các quan chức có quyền lực một cách nghiễm nhiên. Về mặt chức năng, họ là con cháu của samurai, với tất cả những gì mà dòng dõi đó để lại.
Tôi gật đầu. Sau cuộc khôi phục chế độ quân chủ của Minh Trị năm 1868, tầng lớp samurai trở thành những bầy tôi của Thiên hoàng, người tự tin rằng mình là hậu duệ của các vị thần. Liên minh này bao hàm địa vị to lớn.
- Rồi hệ thống thời chiến đặt họ vào vị trí lãnh đạo nền kinh tế công nghiệp, - anh ta nói tiếp. - Cuộc chiếm đóng của người Mỹ duy trì hệ thống này để nước Mỹ có thể cai trị thông qua bộ máy hành chính hơn là qua các chính trị gia được bầu lên. Tất cả những việc này dẫn đến sự tích lũy thêm uy tín, thêm quyền lực.
- Tôi luôn luôn nói rằng Nhật Bản được lãnh đạo bởi bộ máy quan liêu là một kiểu chế độ chuyên chế.
- Đúng thế. Nhưng khác ở chỗ không có hình tượng “Anh Cả”. Đúng hơn là, bản thân bộ máy chính quyền hoạt động như Anh Cả.
- Đó là quan điểm của tôi. Anh có thể thu được gì từ việc bảo vệ một nhóm nhỏ những chính trị gia được bầu?
- Vào thời điểm hiện tại, có lẽ là không nhiều. Ngày nay, chính trị gia đóng vai trò chủ yếu như những người điều đình giữa quan chức và cử tri. Công việc của họ là bảo đảm cho cử tri phần to nhất có thể từ chiếc bánh mà các quan chức kiểm soát.
- Giống những nhà vận động hành lang ở Hoa Kỳ.
- Đúng. Nhưng các chính trị gia được bầu lên, các quan chức thì không. Điều này có nghĩa là các cử tri thực sự thực hiện quyền kiểm soát trên lí thuyết. Nếu họ bầu các chính trị gia với yêu cầu kiểm soát bộ máy hành chính, các quan chức sẽ ngả theo, vì quyền lực của họ là chức năng uy tín của họ, và đối đầu với một sự đồng thuận về chính trị rõ ràng sẽ mạo hiểm uy tín đó.
Tôi không nói gì. Tôi hiểu quan điểm của anh ta, mặc dù tôi hoài nghi kế hoạch của anh ta sẽ quá dài hạn để rồi cuối cùng lại vô ích.
Chúng tôi bước đi một lúc nữa trong yên lặng. Rồi anh ta dừng lại và quay sang tôi.
- Tôi muốn anh nói chuyện với cục trưởng Biddle, - anh ta nói.
- Tôi cũng muốn, - tôi nói. - Kanezaki có vẻ nghĩ Biddle đã kinh ngạc khi nghe nói về cái chết của Harry, nhưng tôi muốn chắc chắn. Vấn đề là làm thế nào để tiếp cận hắn.
- Cục trưởng của CIA được công khai với chính phủ Nhật Bản. Rất nhiều các hoạt động của anh ta không bí ẩn gì với Keisatsucho. - Anh ta đưa tay vào túi áo jacket và lấy ra một bức ảnh. Tôi thấy một người da trắng tầm bốn năm mươi tuổi với gương mặt và cái mũi hẹp, và mái tóc hơi mỏng màu hung cắt sát đầu, đôi mắt xanh da trời phía sau cặp kính đồi mồi.
- Biddle uống trà chiều từ thứ hai đến thứ sáu tại Jardin de Luseine, ở Harajuku, - anh ta nói. - Tòa nhà số hai. Trên Brahms-no-komichi*.
*[Komichi (tiểu kính) là con đường nhỏ. “Brahms-no-komichi” nghĩa là “đường của Brahms”, có lẽ là tên một con đường ở khu này]
- Một người nguyên tắc nhỉ?
- Hình như Biddle tin rằng trung thành với lề thói hằng ngày là tốt cho tinh thần.
- Có thể, - tôi nói, cân nhắc. - Nhưng nó có thể là địa ngục với thân xác.
Anh ta gật đầu.
- Sao anh không tham gia cùng ông ta ngày mai nhỉ?
Tôi nhìn anh ta.
- Tôi có thể sẽ làm thế, - tôi nói.
* * *
Tôi đi bộ một lúc lâu sau khi chia tay Tatsu. Tôi nghĩ đến Murakami. Tôi cố tìm ra những mối liên hệ, những mối giao cắt giữa sự tồn tại vô định hình của hắn và thế giới cụ thể hơn xung quanh hắn. Không có nhiều: dojo, Hoa hồng Damask, có thể Yukiko. Nhưng tôi biết hắn sẽ tránh xa tất cả trong một thời gian, có khả năng là một thời gian dài, cũng như tôi sẽ làm. Tôi cũng biết hắn đang chơi cùng một trò chơi chống lại tôi. Tôi mừng là, từ góc nhìn của hắn về tôi, những mối liên hệ hữu ích có vẻ sẽ rất ít.
Tuy nhiên, tôi ước gì có thể được giữ khẩu Glock của Tatsu. Thông thường, tôi không thích mang theo mình một thứ vũ khí lộ liễu. Súng ống rất ồn ào và các cuộc kiểm tra đạn đạo học có thể liên kết đầu đạn anh bỏ lại sau lưng với thứ vũ khí anh vẫn đang sở hữu. Bên cạnh đó, việc bị bắt gặp mang súng ở Nhật Bản là một tấm vé đảm bảo để vào nhà tù. Dao kiếm cũng không tốt hơn bao nhiêu. Dao tạo ra một mớ hỗn độn có thể dính lên khắp người anh. Và bất cứ anh cớm tử tế chết tiệt nào ở bất cứ quốc gia nào cũng sẽ coi một người bị bắt gặp với một con dao giấu giếm - ngay cả là dao nhỏ - là nguy hiểm và cần thiết phải có sự tra xét kĩ lưỡng đặc biệt. Với Murakami ngoài đó và đang nhắm vào tôi, đương nhiên, tỉ lệ rủi ro và ích lợi của một thứ vũ khí giấu giếm đã phần nào thay đổi.
Tôi tự hỏi không biết Tatsu có thu được gì hữu ích từ gã tôi đã đạp vỡ đầu gối không. Tôi nghi ngờ điều đó. Murakami sẽ biết rằng Tatsu đang làm phần đó, và điều chỉnh những cách thức hoạt động của hắn để đối phó với những thứ gã đàn em bị bắt có thể tiết lộ dưới áp lực.
Yukiko có thể có thông tin hữu dụng nào đấy. Murakami hẳn cũng đã lường trước lộ trình đó, nhưng nó vẫn đáng khám phá. Đặc biệt vì sau điều chúng đã làm với Harry, mối quan tâm của tôi với Yukiko đã tách khỏi mối quan tâm của tôi với sếp cô ta.
Tôi hình dung ra cô ta, mái tóc dài, sự tự tin cách biệt. Cô ta có thể đang đề phòng, sau vụ Harry. Murakami có thể đã cảnh báo cô ta phải cẩn trọng. Nhưng cô ta không phải là mục tiêu khó hạ. Tôi có thể tiếp cận cô ta. Và tôi nghĩ mình biết cách.
Tôi đến một cửa hàng phụ kiện gián điệp ở Shinjuku để mua vài thứ sẽ cần dùng. Những gì cửa hàng này cung cấp cho công chúng phải nói là rất đáng sợ: máy ảnh lỗ kim và máy nghe lén điện thoại. Súng bắn điện và lựu đạn cay. Mũi khoan đầu kim cương và chìa khóa vạn năng. Tất cả đều có thể mua được để dùng “cho mục đích học thuật”, đương nhiên. Tôi toại nguyện với một chiếc dùi cui chiến thuật ASP phong cách mật vụ, một thanh thép đen xấu xí có thể rút ngắn vào thành 23 xentimét và phóng ra thành 66 xentimét với một cú vụt cổ tay.
Điểm dừng tiếp theo là một cửa hàng bán dụng cụ thể thao, nơi tôi mua một cuộn dây câu monofilament siêu bền có thể chịu được hơn 16 kilôgam, băng dính thể thao trắng, găng tay, một chiếc mũ len, quần áo lót dài, và một chiếc túi vải. Điểm dừng thứ ba, một hiệu thuốc, với ít dầu thơm rẻ tiền, một chiếc khăn lau tay, và một gói thuốc lá kèm diêm. Tiếp theo, một cửa hàng quần áo Gap để mua vài thứ quần áo kín đáo. Rồi một cửa hàng đồ lưu niệm, với một bộ tóc giả xấu kinh hoàng và một bộ răng giả mục nát. Cuối cùng, một nhà cung cấp bao bì, với một cuộn băng dính trong hai mươi lăm mét. Shinjuku, tôi nghĩ, như một câu quảng cáo du dương. Cho Tất Cả Nhu Cầu Mua Sắm Của Bạn.
Tôi lẩn vào một khách sạn thương mại khác, lần này ở Ueno. Tôi đặt báo thức đồng hồ vào lúc nửa đêm và đi ngủ.
Khi chuông báo thức dựng tôi dậy, tôi mặc bộ quần áo lót dài vào dưới quần áo ngoài và gắn chặt cây dùi cui vào cổ tay với hai vòng băng dính thể thao. Tôi làm ướt chiếc khăn lau và vắt khô nó, đặt nó và các thứ đồ khác tôi đã mua vào chiếc túi vải, và bước ra nhà ga, tìm được một trạm điện thoại công cộng. Tôi vẫn còn chiếc card visit đã lấy từ đêm đầu tiên ở Hoa hồng Damask. Tôi gọi đến số điện thoại ghi trên đó.
Một người đàn ông trả lời điện thoại. Đó hẳn là Ngài Mặt Đỏ, nhưng tôi không chắc.
- Hai, Hoa hồng Damask, - giọng nói trả lời. Tôi nghe tiếng nhạc J-Pop phát phía sau và tưởng tượng ra các vũ công trên cặp sàn nhảy giống nhau.
- Xin chào, - tôi nói bằng tiếng Nhật, hơi nâng giọng lên để che giấu. - Ông có thể cho tôi biết đêm nay ở đó có ai không?
Giọng nói đọc ra nửa tá tên. Naomi có trong số đó. Yukiko cũng vậy.
- Tuyệt, - tôi nói. - Tất cả họ sẽ ở đó tới ba giờ chứ?
- Hai, so desu. Có, họ sẽ ở đây.
- Tuyệt, - tôi lại nói. - Tôi sẽ gặp ông sau.
Tôi gác máy.
Tôi bắt một chiếc taxi tới Shibuya, rồi thực hiện một LPT bằng đường bộ tới Minami-Aoyama. Tôi vẫn nhớ địa chỉ của Yukiko từ hồi kiểm tra thông tin hoàn cảnh của cô ta và Naomi từ Osaka, và không gặp rắc rối gì để tìm ra căn hộ chung cư của cô ta. Cổng chính ở phía trước. Một nhà để xe ngầm đặt bên hông, chỉ vào được qua một cánh cửa lưới kim loại được điều khiển bằng máy đọc thẻ từ trong một cái bục đặt chính giữa. Không có đường nào khác vào hay ra.
Tôi nghĩ đến chiếc M3 trắng của cô ta. Giả định rằng cái đêm tôi thấy cô ta ngồi trong đó không phải là một đêm khác thường, thì đó là phương tiện đi làm hằng ngày của cô ta. Cô ta sẽ không lái nó tới chỗ Harry đêm nay, và Murakami hiện tại là không thể gặp được hoặc hắn chắc đã bảo cô ta giữ khoảng cách. Theo tôi nhận định, khả năng trên hết là cô ta sẽ lái xe về vào lúc nào đó sau ba giờ.
Tôi tìm thấy một tòa nhà gần đó tách biệt khỏi nhà bên cạnh bằng một con hẻm dài, hẹp. Tôi di chuyển vào bóng tối nơi đó và mở túi đồ nghề. Tôi lấy ra chai dầu thơm và bôi một lượng lớn vào hai lỗ mũi. Rồi tôi đóng túi lại, giấu ở đó, và đi vào khu Roppongi gần đó.
Tôi không mất nhiều thời gian để tìm ra một người vô gia cư với cỡ người có vẻ phù hợp. Anh ta đang ngồi trên một viên gạch xi măng xỉ than trong bóng tối của một trong những đường tàu cao tốc trên không của phố Roppongi, cạnh một thùng các-tông và một túp lều bằng vải dầu. Anh ta mặc chiếc quần dài màu nâu to quá khổ được thắt chặt với chiếc thắt lưng cũ, chiếc áo sơ-mi ca-rô cài cúc bẩn thỉu, và chiếc áo len đan rách nát mà hai thế hệ trước chắc màu đỏ.
Tôi bước lại chỗ anh ta.
- Fuku o kokan site kurenai ka? - Tôi hỏi, chỉ vào ngực mình. - Anh muốn đổi quần áo không?
Anh ta nhìn tôi một hồi lâu như thể tôi đã bị loạn trí.
- Nandatte? - Anh ta hỏi. - Ông nói cái quái gì vậy?
- Nghiêm túc đấy, - tôi nói bằng tiếng Nhật. - Đây là cơ hội có một không hai đấy.
Tôi cởi chiếc áo gió nylon đang mặc và đưa cho anh ta. Anh ta cầm lấy, vẻ mặt thoáng ngờ vực, rồi không nói một lời bắt đầu cởi bỏ mớ giẻ rách trên người.
Hai phút sau tôi đã mặc quần áo của anh ta. Ngay cả với lớp dầu thơm dày, cái mùi vẫn thật là kinh khủng. Tôi cảm ơn anh ta và quay trở lại Aoyama.
Trở lại con hẻm, tôi đội bộ tóc giả gớm ghiếc và giữ chắc nó bằng chiếc mũ len, rồi đeo bộ răng giả vào miệng. Tôi châm một điếu thuốc lá và để nó cháy hết, rồi xoa một hỗn hợp tàn và nước bọt vào mặt. Tôi bật một que diêm và nhìn nhanh chính mình qua chiếc gương nha khoa* đeo trong chùm chìa khóa. Tôi gần như không nhận ra được những gì tôi thấy, và cười bằng hàm răng mục nát.
*[Loại gương tròn có tay cầm gập lại một góc, có thể xoay được, thường dùng kiểm tra răng miệng]
Tôi đeo găng tay rồi bước ra lối vào nhà để xe của tòa nhà Yukiko sống. Tôi lấy ra sợi dây câu và băng dính trong, nhưng bỏ cái túi và phần còn lại của những thứ bên trong lại con hẻm. Có một chiếc camera an ninh đặt ngay trên cánh cửa lưới nhà để xe. Tôi đi vòng quanh nó, rồi tiếp cận trở lại từ bên cách xa đường phố hơn. Góc tường của tòa nhà nhô ra ngoài vài xentimét, có vẻ vì các lí do thẩm mĩ. Tôi trườn thấp người, sử dụng phần thiết kế nhô ra để ẩn náu một phần. Một người bình thường lái xe ra hay vào sẽ không để ý thấy tôi. Ai để ý thấy sẽ chỉ đoán tôi chỉ là một người vô gia cư nào đó, có lẽ say xỉn và bất tỉnh ở đó. Bộ trang phục của tôi là sự bảo hiểm đề phòng cái khả năng rất nhỏ là ai đó gọi cảnh sát. Nếu có người thực sự xuất hiện để xem xét, diện mạo và mùi hôi của tôi sẽ là động cơ mạnh mẽ khiến họ chỉ bảo tôi đi đi và bỏ qua mọi chuyện.
Lúc này đã muộn, và không nhiều người đến hoặc đi. Sau gần một giờ, tôi nghe thấy thứ tôi đang đợi: một chiếc xe lăn bánh trên đường lái xe vào nhà.
Tôi nghe thấy nó dừng lại trước cánh cửa, động cơ vẫn nổ. Tôi hình dung người lái xe cuộn cửa kính xuống, đưa tấm thẻ từ vào máy đọc. Giây lát sau tôi nghe tiếng rền rĩ máy móc của cánh cửa nâng lên. Tôi đếm được mười giây trước khi âm thanh dừng hẳn. Tôi nghe tiếng chiếc xe lăn bánh vào.
Âm thanh rền rĩ máy móc lại vang lên lần nữa. Tôi đếm năm giây, với giả định rằng với sự trợ giúp của trọng lực, cánh cửa sẽ hạ xuống nhanh hơn khi nó nâng lên. Rồi tôi phóng ra khỏi vị trí, sải bước tới cánh cửa, nằm nghiêng xuống, và lăn qua bên dưới nó.
Nằm ngửa để giảm khả năng bị nhìn thấy, tôi ngẩng đầu và nhìn xung quanh. Kiến trúc này có dạng một hình chữ nhật lớn. Có một hàng xe đậu trước mỗi bức tường và hai hàng kép đậu dọc theo chiều dài ở chính giữa. Chiếc xe mới đến lăn bánh vào khoảng trống ở một hàng giữa. Tôi co mình ngồi dậy và, giữ thấp thân, nấp sau một chiếc xe gần đó.
Thang máy và một cánh cửa đánh dấu “Cầu thang bộ” nằm ở đầu bên kia của hình chữ nhật, đối diện cánh cửa lưới mà tôi vừa đi qua. Một phụ nữ ra khỏi chiếc xe vừa vào, bước lại phía thang máy, và bấm nút. Giây lát sau, cánh cửa bật mở. Người đó bước vào trong và cánh cửa đóng lại sau lưng.
Tôi nhìn quanh. Các cây cột chịu lực bằng bê tông được đặt cách nhau vài mét khắp nơi. Không có dốc, nên tôi biết nhà để xe chỉ có một tầng. Từ kích thước và vị trí của nó, tôi kết luận nó chỉ có mục đích phục vụ những người sống trong tòa nhà bên trên.
Một cách lí tưởng, tôi sẽ phải tiếp cận Yukiko ngay khi cô ta ra khỏi xe. Nhưng tôi không cách nào biết được chỗ đậu xe nào là của cô ta, và cô ta có thể dễ dàng thấy tôi đang đi tới nếu phán đoán của tôi khiến tôi đứng quá xa. Điểm nghẹt duy nhất là thang máy. Tôi quyết định đặt bẫy ở đó.
Tôi nhìn quanh tìm các camera. Cái duy nhất tôi phát hiện ra là một bộ CCTV đôi lớn lắp trên trần nhà thẳng trước thang máy, một chiếc quay về phía thang máy, chiếc còn lại giám sát nhà xe. Ngoại trừ trong những hệ thống bảo mật cao, nơi CCTV được cảnh vệ giám sát trực tiếp, thì các camera an ninh thường sẽ thu hình vào băng từ, được ghi đè hai mươi bốn tiếng, trừ khi có sự kiện bất ngờ nào đó khiến những hình ảnh đã ghi trở nên có giá trị. Trong một bộ lắp đặt thuộc nhà riêng như thế này, coi như không phải lo có ai ngồi quan sát nhà để xe ngay lúc này. Nhưng họ chắc chắn sẽ xem lại các cuốn băng ngày hôm sau. Tôi mừng là đã giả trang theo cách vừa làm.
Có một hàng rào kim loại đặt thành hình chữ U quanh lối vào thang máy, với ba đoạn trống để đi vào. Nó có vẻ là để bắt người dân ở đây phải dùng thang máy chở hàng riêng để đem những đồ vật lớn vào và ra khỏi tòa nhà. Đối với tôi nó sẽ phục vụ một mục đích cao hơn.
Tôi lấy sợi dây câu ra và buộc một đầu của nó vào đỉnh bên trái của chữ U ở tầm ngang đầu gối. Rồi tôi trải sợi dây theo sàn nhà quanh các điểm đáy và đỉnh bên phải của chữ U để mỗi đoạn trống đi vào đều bị chắn. Tôi dán hờ nó xuống sàn bằng băng dính trong, rồi đi tới cây cột gần nhất, thả chùng sợi dây khi bước đi.
Ngồi xuống thấp, tôi lấy chùm chìa khóa ra và dùng một chiếc chìa khóa để cắt rời sợi dây. Tôi nhét lõi dây vào túi quần cùng với cuộn băng dính, rồi quấn phần dây thừa quanh một bàn tay đeo găng. Tôi đứng dậy và chỉnh góc cái gương soi răng để thấy rõ cánh cửa nhà xe mà không cần phải lộ mình từ sau cây cột.
Tôi chờ như thế chừng nửa tiếng. Hai lần tôi nghe thấy tiếng cửa nhà xe và tôi kiểm tra bằng gương. Lần đầu tiên là một chiếc Saab xanh dương. Lần thứ hai là một chiếc Nissan đen. Lần thứ ba là màu trắng. Một chiếc Beemer*. Một chiếc M3.
*[“Beemer” là từ lóng để gọi xe của hãng BMW]
Tim tôi bắt đầu đập mạnh hơn. Tôi thở ra chậm rãi và nắm chặt đầu sợi dây câu.
Tôi lắng nghe tiếng chiếc xe khi nó tới gần hơn, gần hơn. Tôi nghe thấy tiếng nó dừng lại chỉ cách vài mét. Cô ta có một chỗ để xe tốt. Có lẽ vì đã trả nhiều hơn.
Tôi nghe cửa xe mở ra rồi đóng lại. Rồi tiếng chip chip của hệ thống khóa cửa tự động. Tôi nhìn vào gương để xác nhận đó là Yukiko và cô ta chỉ có một mình. Cả hai đều đúng.
Cô ta mặc măng tô đen và đi giày cao gót. Một chiếc ví quàng qua cổ và một cánh tay cô ta.
Không có thứ nào là trang phục lí tưởng cho phản ứng hoặc cơ động. Nhưng nhìn thì đẹp.
Tôi thấy bàn tay phải của cô ta cầm một chiếc lọ nhỏ. Tôi đoán là bình xịt Mace hoặc hơi cay thường. Một người phụ nữ trong nhà để xe lúc đêm muộn - có thể đây chẳng phải điều gì bất thường với cô ta. Nhưng tôi có cảm giác cô ta đang nghĩ về Harry, và về tôi. Tốt.
Yukiko bước nhanh. Tôi nhìn cô ta tiến đến gần chu vi của hàng rào kim loại. Hơi thở của tôi trở thành những luồng hơi nông lặng lẽ ra vào khoang miệng. Một. Hai. Ba.
Tôi giật mạnh sợi dây. Nó bật từ những chỗ neo giữ bằng băng dính lên tầm ngang mắt cá chân và tôi nghe thấy cô ta kêu lên kinh ngạc khi vấp phải nó. Lẽ ra cô ta đã lấy lại được thăng bằng, nhưng đôi giày cao gót sành điệu đó đứng về phía tôi. Tôi bước ra từ sau cây cột vừa kịp lúc thấy cô ta ngã lăn ra đất.
Tôi nhét chùm chìa khóa trở vào túi quần và lao ra sau Yukiko. Vào thời điểm tôi đến được chỗ cô ta, cô ta đã bò dậy trên hai tay và đầu gối. Cô ta vẫn cầm bình xịt trong tay. Tôi giẫm vào cổ tay cô ta và cô ta gào toáng lên. Tôi cúi xuống và giật lấy thứ cô ta đang giữ giữa những ngón tay. Tôi liếc qua thật nhanh - tinh dầu ớt, mười bảy phần trăm. Bình xịt hơi cay. Một món đồ tốt. Tôi nhét nó vào túi và kéo cô ta tới chiếc xe gần nhất, tránh xa các camera.
Tôi xô cô ta dựa vào cánh cửa bên ghế hành khách. Cô ta trông khiếp đảm, nhưng tôi không thấy trong mắt cô ta có vẻ gì là đã nhận ra tôi. Với lốt cải trang của tôi, chắc cô ta nghĩ tôi là một kẻ trấn lột hay một tên cưỡng hiếp.
- Cô không nhớ tôi sao, Yukiko? - Tôi hỏi. - Chúng ta đã gặp nhau ở Hoa hồng Damask. Tôi là bạn Harry. Đã là bạn của cậu ta.
Lông mày cô ta nhíu lại một thoáng khi cô ta cố gắng khớp lại dấu hiệu thu được bằng mắt với dấu hiệu thu được bằng tai. Rồi cô ta hiểu ra. Miệng cô ta há hốc nhưng không âm thanh nào phát ra.
- Tìm Murakami ở đâu? - Tôi hỏi.
Cô ta ngậm miệng lại. Cô ta đang thở dồn dập qua lỗ mũi, nhưng ngoài việc đó ra cô ta đã xoay xở kìm nén được bất cứ dấu hiệu bên ngoài nào của sự sợ hãi. Tôi gần như khâm phục cô ta vì sự kiểm soát đó.
- Nếu muốn sống, nói cho tôi biết điều tôi muốn, - tôi nói.
Cô ta nhìn tôi nhưng không nói gì.
Tôi tung một cú đấm móc vào bụng cô ta. Đủ mạnh để gây đau, nhưng không quá mạnh. Tôi cần cô ta nói được. Cô ta thở hổn hển và cúi gập người.
- Đòn tiếp theo sẽ là vào gương mặt đẹp đẽ đấy, - tôi nói. - Khi tôi xong việc với mũi, răng, và mắt của cô, những ngày tháng nhảy múa của cô sẽ chấm dứt. Giờ tôi muốn biết một điều. Ai giết cậu ta? Là cô giết, hay Murakami?
Tôi quan tâm quái gì cô ta sẽ trả lời như thế nào. Tôi chắc chắn sẽ không tin bất cứ điều gì cô ta nói. Nhưng tôi muốn cho cô ta cơ hội biện hộ gì đó để giải tội, để cô ta có thể tin tôi sẽ cho cô ta sống nếu nói cho tôi biết tìm sếp cô ta ở đâu.
- Đó là... đó là hắn, - cô ta thở hổn hển.
- Được rồi. Nói cho tôi biết tôi có thể tìm được hắn ở đâu.
- Tôi không biết.
Cô nên nghĩ ra gì đó đi.
- Hắn rất khó tìm. Tôi không biết làm sao để tìm được hắn. Hắn chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở câu lạc bộ.
Cô ta liếc ra đằng sau tôi, về phía cánh cửa nhà để xe. Tôi lắc đầu.
- Tôi biết cô đang nghĩ gì, - tôi nói. - Chỉ cần duy trì được đủ lâu để một chiếc xe nữa đi vào, tôi sẽ phải chạy và thả cô ra. Hoặc ai đó thấy chuyện xảy ra qua những camera đó, có thể họ đang trên đường đến đây bây giờ. Nhưng cô cũng phải nhận lại. Nếu có ai đó đến và cô chưa nói điều tôi muốn nghe, thì đó là lúc tôi giết cô. Giờ thì hắn ở đâu?
Cô ta lắc đầu.
- Chúng ta đang hết thời gian, - tôi nói. - Tôi sẽ cho cô thêm một cơ hội nữa. Nói với tôi và cô sẽ sống. Không nói và cô sẽ chết. Ngay tại đây.
Cô ta nghiến chặt quai hàm và nhìn tôi.
Chết tiệt, cô ta thật cứng rắn. Đáng ra tôi phải biết, sau khi thấy cách cô ta điều khiển gã sếp bay hơi của cô ta.
- Được rồi, - tôi nói. - Theo ý cô.
Tôi tung một cú đấm móc nữa vào giữa người cô ta, lần này đủ mạnh để gây ra thương tổn. Cô ta cúi gập người với một hơi thở hắt ra. Tôi bước ra sau, giữ đầu cô ta bằng một bàn tay đeo găng và cằm cô ta bằng tay kia, rồi vặn cổ cô ta. Cô ta chết trước khi chạm xuống sàn nhà.
Trước đây, tôi chưa bao giờ làm chuyện đó với một phụ nữ. Trong một giây tôi nghĩ đến một số điều đã nói với Naomi về việc mua chuộc, đến những gì mà Midori đã nói về sự chuộc tội. Nhưng ngoài việc quan sát thờ ơ trước sự nhẹ nhõm tương đối của bước đường hành động sắp tới vì lượng kẻ thù đã giảm, tôi không cảm thấy gì hết.
- Hãy chào Harry đi, - tôi nói.
Tôi nhặt chiếc ví lên để có vẻ cô ta đã là nạn nhân của một vụ cướp của ngẫu nhiên, thu lại sợi dây câu và băng dính, rồi theo cầu thang lên tầng một. Tôi ra ngoài bằng lối cửa trước, cúi thấp đầu để tránh camera ở đó. Tôi bước nhanh quanh góc tòa nhà vào con hẻm, tháo bỏ chiếc mũ và bộ tóc giả, nhổ bộ răng giả ra, và lau sạch tàn thuốc trên mặt bằng chiếc khăn ẩm. Tôi cởi bỏ quần áo của người vô gia cư cùng bộ quần áo lót dài và thay những đồ đã mua ở cửa hàng Gap, rồi ném mọi thứ trở vào trong túi. Tôi kiểm lại trong đầu danh sách những thứ có trong túi để chắc chắn không bỏ lại gì, rồi kiểm tra hai lần mặt đất chỉ để chắc chắn. Mọi thứ đều đáng hài lòng. Tôi hít một hơi sâu và tản bộ trở ra phố Aoyama.
Khi đã cách xa vài khu nhà, tôi dừng lại dưới một ngọn đèn đường và nhanh chóng lục soát chiếc ví của cô ta. Không có thứ gì đáng quan tâm trong đó.
Tôi bước theo phố Roppongi cho tới khi tìm thấy một khu vực thích hợp của những người vô gia cư. Tôi bỏ cái túi cùng chiếc ví gần họ và đi tiếp, vừa đi vừa tháo bỏ và thả rơi đôi găng. Tôi sẽ bỏ bộ răng giả ở chỗ khác. Chúng có dính DNA của tôi, và không phải loại vật dụng sẽ biến mất trong số dân luôn thay đổi của những người vô gia cư Tokyo và nhờ đó xóa sạch dấu vết.
Bước nhanh vào một con hẻm, tôi xịt thử một luồng hơi cay từ chiếc bình xịt để xác nhận rằng nó vẫn hoạt động. Tôi quyết định giữ nó. Khi Murakami biết chuyện về Yukiko, có thể tôi sẽ cần thêm một sự bảo vệ nho nhỏ.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét