Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 10

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

10

Nếu muốn tồn tại lâu như tôi trong cái thế giới của tôi, anh phải suy nghĩ giống như đối thủ của mình. Tôi học được điều đó từ các băng nhóm săn đuổi tôi hồi tôi còn nhỏ, và trau dồi nó với SOG ở Campuchia. Anh phải tự hỏi rằng: Nếu mình muốn tóm được mình, mình sẽ bắt đầu như thế nào?
Khả năng dự đoán về thời gian và địa điểm chính là nguyên tắc cơ bản. Anh cần biết một người sẽ có mặt ở đâu và vào lúc nào. Anh biết được điều này bằng cách theo dõi, phân tích những lộ trình tới chỗ làm, những thời điểm mà mục tiêu đến và đi, cho đến khi anh xác định được một khuôn mẫu, và những vị trí yết hầu mà mục tiêu gần như chắc chắn luôn phải đi qua vào một thời điểm nào đó. Chọn một địa điểm dễ tấn công nhất trong số chúng, và đó chính là nơi anh sẽ mai phục.
Và nếu đó là điều anh đang làm, anh không nên quên rằng lúc nào cũng có người đang làm điều tương tự với anh. Suy nghĩ như vậy chính là thứ để phân chia các mục tiêu khó nhằn với các mục tiêu dễ dàng.
Nguyên tắc này cũng có tác dụng với việc ngăn chặn tội phạm. Nếu muốn giật nhanh một ít tiền mặt, anh sẽ đợi ở đâu? Gần một cây ATM, có lẽ thế, và có lẽ là vào buổi tối. Anh cũng sẽ phải tìm một địa điểm thích hợp, một nơi có kha khá khách bộ hành qua lại để anh không phải chờ đợi lâu, nhưng cũng không quá đông đến mức cản trở anh ra tay khi anh xác định được một mục tiêu thích hợp. Anh sẽ kiếm một chỗ tối đủ xa chiếc máy để mục tiêu không phát hiện ra anh, nhưng đủ gần để anh có thể xông tới ngay khi giao dịch tiền mặt được thực hiện. Các đồn cảnh sát gần đó sẽ khiến anh căng thẳng, và có lẽ anh sẽ tìm kiếm một địa điểm tốt hơn. Vân vân. Nêu anh suy nghĩ như vậy, anh sẽ biết chính xác phải nhìn vào chỗ nào để phát hiện một kẻ đang ẩn nấp, và anh sẽ biết đâu là nơi anh dễ gặp nguy hiểm nhất, đâu là nơi anh cần phải đẩy cao cảnh giác.
Với Midori, sự theo dõi sát sao thậm chí là không cần thiết. Kế hoạch làm việc của cô ấy đã được công khai. Có lẽ đó là lí do Bulfinch biết phải tìm cô ấy ở Alfie. Và đó sẽ là cách dễ dàng nhất để người của Benny tìm ra cô ấy.
Từ Otemachi, tôi đi qua bảy trạm dừng trên tuyến tàu điện ngầm Chiyoda để đến Omotesando, rồi xuống tàu và đi cầu thang lên đường. Tôi đi vài bước tới Yahoo Café, một tiệm cà phê có các máy tính kết nối Internet. Tôi đi vào tiệm, trả tiền, và đăng nhập vào một chiếc máy tính. Với đường truyền Tl* của tiệm cà phê, chỉ mất vài giây tôi đã truy cập được tài liệu mà Benny tải lên. Nó bao gồm một vài bức ảnh, địa chỉ nhà của Midori, một lịch trình biểu diễn với sự xuất hiện ở Blue Note tối nay, và những ám chỉ rằng công việc phải có vẻ tự nhiên. Họ đưa ra mức thù lao bằng đồng yên tương ứng với khoảng 150.000 đô la - một khoản thù lao đáng kể so với mức thông thường của chúng tôi.
*[Đường truyền dữ liệu số chuyển thông tin với tốc độ 1,544 Mb/s, đủ để truyền các dữ liệu có dung lượng lớn gần như tức thời]
Việc nhắc đến sự xuất hiện của cô ấy ở Blue Note tối nay, bắt đầu từ lúc 7 giờ, là một điềm xấu. Có thể dự đoán, thời gian và địa điểm. Nếu chúng muốn thủ tiêu cô ấy sớm, tối nay gần như là một thời điểm tốt khó mà bỏ qua được. Tuy nhiên, Benny đã nói rằng tôi có bốn mươi tám tiếng để báo lại với hắn, điều đó có nghĩa là cô ấy sẽ được an toàn ít nhất trong chừng ấy giờ đồng hồ.
Nhưng cho dù cô ấy có từng đó thời gian, tôi không biết làm cách nào để có thể kéo dài nó thành một tuổi thọ hợp lí. Cảnh báo cô ấy rằng có kẻ đã thuê người trừ khử cô ấy? Tôi có thể thử cách đó, nhưng cô ấy chẳng có lí do gì để tin tôi. Và cho dù cô ấy có tin chăng nữa thì tôi sẽ phải làm gì tiếp theo? Dạy cô ấy cách tự bảo vệ mình ư? Thuyết phục cô ấy tin vào những lợi ích của một cuộc sống ẩn trong bóng tối?
Nực cười. Thực sự thì tôi chỉ có thể làm một điều duy nhất. Dùng bốn mươi tám giờ đó để tìm hiểu xem tại sao người của Benny lại quyết định coi Midori là một cái gai cần nhổ bỏ và loại bỏ những lí do của quan điểm đó.
Tôi có thể đi bộ quãng đường khoảng một cây số để đến Blue Note, nhưng tôi muốn đi xe qua đó trước. Tôi bắt một chiếc tắc xi và bảo tài xế đưa tôi đi xuôi theo đường Koto, sau đó tôi mới tới Blue Note. Hi vọng là tình hình giao thông sẽ làm chậm tốc độ xe để tôi có thể liếc nhìn vài địa điểm nơi tôi sẽ đợi nếu tôi định chờ để theo dõi cô ấy bên ngoài.
Giao thông trì trệ như tôi đã hi vọng, và tôi có một cơ hội tốt để quan sát khu vực này khi chiếc tắc xi chầm chậm bò qua. Thực ra, chờ đợi một cách kín đáo bên ngoài Blue Note không phải là điều dễ dàng. Xung quanh nó chủ yếu là các cửa hàng hiện đã đóng cửa. Nhà hàng Caffee Idee bên kia đường, với cái ban công ngoài trời, sẽ cung cấp một tầm nhìn rõ ràng, nhưng Idee có một cầu thang lộ thiên dài, hẹp khiến việc ra vào mất nhiều thời gian nên nó không thích hợp làm một nơi để chờ đợi.
Mặt khác, anh sẽ không cần phải nán lại lâu. Anh có thể đến trước lúc một màn biểu diễn kết thúc khoảng năm phút. Màn biểu diễn thứ hai chưa bắt đầu, vì vậy nếu ai đó có ý định ghé thăm Midori sau buổi trình diễn tôi nay, hắn có lẽ còn chưa đến.
Hoặc có thể hắn đã ở bên trong, với tư cách một khán giả biết thưởng thức âm nhạc.
Tôi cho tắc xi dừng lại trước khi tới đường Omotesando, rồi xuống xe và đi bộ qua bốn khối nhà để quay lại Blue Note. Tôi cẩn thận quan sát những địa điểm đáng ngờ, nhưng không có gì bất thường.
Đã có một hàng người rồng rắn xếp hàng chờ đợi màn biểu diễn thứ hai. Tôi bước tới quầy bán vé, và được thông báo rằng vé xem màn biểu diễn thứ hai đã hết trừ phi tôi đã đặt chỗ trước.
Chết tiệt, tôi không nghĩ đến chuyện đó. Nhưng chắc là Midori đã lường trước, nếu cô ấy thực sự mong muốn tôi đến. “Tôi là bạn của cô Kawamura Midori”, tôi nói. “Fujiwara Junichi...”
- À, - nhân viên bán vé trả lời ngay lập tức. - Cô Kawamura đã dặn tôi có thể anh sẽ đến tối nay. Xin anh đợi ở đây - màn biểu diễn thứ hai sẽ bắt đầu trong mười lăm phút nữa, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng anh có một chỗ ngồi tốt.
Tôi gật đầu và bước tránh sang một bên. Đúng như lời người đó nói, năm phút sau đám đông từ màn biểu diễn đầu tiên bắt đầu lũ lượt kéo ra, và ngay khi họ đã tản đi hết, tôi được dẫn vào trong, đi dọc theo một cái cầu thang rộng và dốc, và được chỉ tới một cái bàn ngay trước sân khấu hiện vẫn còn trống.
Sẽ không ai nhầm lẫn Blue Note với Alfie. Trước hết, Blue Note có một cái trần cao tạo cảm giác rộng rãi hoàn toàn khác biệt với không khí thân mật và sự chật chội gần giống như hang động của Alfie. Ngoài ra, toàn bộ nơi này cũng có cảm giác sang trọng hơn: sàn nhà được trải thảm êm ái, tường ốp ván gỗ trông có vẻ đắt tiền, thậm chí còn có cả mấy chiếc máy vi tính màn hình phẳng trong phòng chờ để những người mắc chứng rối loạn ám ảnh - áp lực kiểm tra email vào lúc giải lao. Và đám đông ở Blue Note cũng khác: thứ nhất, bởi vì anh không thể nhét vừa cả một đám đông vào Alfie, và thứ hai, bởi vì những người ở Alfie tới đó chỉ vì âm nhạc, trong khi, ở Blue Note, người ta tới đó còn vì để được nhìn thấy.
Tôi nhìn quanh phòng khi đám đông khán giả của màn biểu diễn thứ hai ùa vào, nhưng không có gì bất thường khiến tôi phải chú ý.
Nếu mày muốn khử cô ấy, và mày có quyền lựa chọn chỗ ngồi, mày sẽ chọn chỗ nào? Mày sẽ ngồi gần một trong những lối vào của tầng này. Như vậy mày có thể thoát thân dễ dàng, nêu cần, và cả căn phòng sẽ ở trước mặt mày, vì vậy mày có thể quan sát mọi người từ đẳng sau, thay vì ngược lại.
Tôi xoay người và nhìn ra đằng sau như thể đang tìm người quen. Có một gã người Nhật, tầm bốn mươi lăm tuổi, đang ngồi tận phía cuối bên tay trái, gần một trong các lối ra. Những người ngồi cạnh gã đều đang nói chuyện với nhau; gã rõ ràng chỉ có một mình. Gã mặc một bộ com lê nhàu nhĩ, màu xanh nước biển đậm hay xám xám gì đó, vừa với gã như một ý nghĩ nảy ra quá muộn, vẻ mặt gã thờ ơ, quá thờ ơ theo cảm nhận của tôi. Đây là một đám đông bao gồm những kẻ mê nhạc đầy nhiệt tình, ngồi thành từng đôi và bộ ba, háo hức chờ đợi màn trình diễn. Gã Thờ Ơ có vẻ như đang cố giữ vẻ kín đáo. Tôi coi gã như một “ứng viên” nặng kí.
Tôi quay sang hướng bên kia. Cũng chỗ ngồi ấy, cuối cùng bên phải. Ba phụ nữ trẻ trông như nhân viên văn phòng đi chơi buổi tối. Rõ ràng không có vấn đề gì ở đó.
Gã Thờ Ơ có thể quan sát tôi trong buổi biểu diễn, và tôi cần tránh cái sai lầm về sự đơn độc đáng ngờ mà hắn đã phạm phải. Tôi nói với những người ngồi xung quanh rằng tôi là bạn của Midori và đến đây theo lời mời của cô ấy; họ bắt đầu hỏi han tôi, và chẳng mấy chốc chúng tôi đã tán dóc với nhau như những người bạn lâu năm.
Một nữ nhân viên phục vụ đi qua và tôi gọi một chai Cragganmore mười hai năm tuổi. Những người xung quanh tôi cũng bắt chước. Tôi là một người bạn của Kawamura Midori, vì vậy dù thứ tôi gọi là gì thì nó hẳn cũng rất tuyệt. Họ có lẽ còn không biết thứ họ vừa gọi là scotch, vodka hay một loại bia mới.
Khi Midori và ban nhạc của cô ấy bước dọc theo lối đi sát mép phòng, mọi người bắt đầu vỗ tay. Lại thêm một điều khác biệt với Alfie: Ở đó, khi các nhạc công xuất hiện, căn phòng ngập tràn một sự im lặng thành kính.
Midori ngồi vào chỗ của mình bên chiếc piano. Cô ấy mặc chiếc quần jean màu xanh nhạt và một cái áo cánh nhung đen, cổ trễ và bó sát, làn da cô ấy trắng lóa bên cạnh nó. Cô ấy cúi đầu về phía trước và chạm tay lên những phím đàn, và khán giả trở nên im lặng, chờ đợi. Cô ấy giữ nguyên tư thế đó một lúc, nhìn chằm chằm vào cây đàn piano, và rồi bắt đầu.
Cô ấy bắt đầu một cách chậm rãi, với phần trình diễn đầy e lệ bản “Brilliant Corners” của Thelonious Monk, nhưng nhìn chung cô ấy chơi mạnh mẽ hơn ở Alfie, với nhiều trường đoạn phiêu linh, phóng túng hơn, những nốt nhạc của cô ấy đôi lúc xung đột với tiếng bass và tiếng trống, nhưng lại đạt tới một sự hòa hợp trong vẻ đối nghịch ấy. Những đoạn riff* đầy giận dữ và được cô ấy kéo dài hơn, và khi cô ấy quay lại với bản nhạc, những nốt nhạc lại trở nên ngọt ngào nhưng anh vẫn có thể cảm nhận được một sự thất vọng ẩn chứa bên dưới.
*[Một đoạn nhạc ngắn được lặp đi lặp lại]
Màn biểu diễn này diễn ra trong chín mươi phút, và tiếng nhạc cứ luân phiên thay đổi, lúc thì du dương bay bổng như sương khói, lúc lại buồn bã bi thương, rồi bỗng trở nên sôi nổi vui tươi, đánh tan sự u sầu. Midori kết thúc bằng một đoạn riff điên cuồng, náo nhiệt, và khi nó vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Midori đứng dậy để đón nhận sự tán thưởng ấy, đầu khẽ cúi xuống. Tay trống và tay guitar bass cười và lau mồ hôi trên mặt bằng khăn tay, và tiếng vỗ tay cứ kéo dài mãi. Midori đã đưa khán giả đến nơi mà âm nhạc dẫn cô ấy đến, giúp họ cảm nhận được những gì mà cô ấy cảm thấy khi chơi, và những tràng vỗ tay ngập tràn lòng biết ơn thực sự. Khi cuối cùng chúng cũng lắng xuống, Midori và nhóm nhạc rời sân khấu, và mọi người bắt đầu đứng dậy và lục tục di chuyển.
Vài phút sau cô ấy lại xuất hiện và len đến bên cạnh tôi. Khuôn mặt vẫn đỏ bừng sau màn biểu diễn.
- Tôi đã nghĩ là tôi thấy anh ở đây, - cô ấy nói, khẽ ngoảnh nhìn tôi qua vai. - Cảm ơn vì anh đã tới.
- Cảm ơn cô vì đã mời tôi. Họ đã chờ tôi sẵn ở chỗ quầy bán vé.
Cô ấy mỉm cười.
- Nếu tôi không dặn họ, anh sẽ không được vào, và anh không thể nghe rõ tiếng nhạc từ ngoài đường, đúng không?
- Đúng vậy, chắc chắn là từ chỗ đang ngồi, tôi có thể cảm nhận tiếng đàn của cô tốt hơn, - tôi nói, nhìn xung quanh, như thể đang ngắm nghía sự hoành tráng của Blue Note, nhưng thực ra tôi đang theo dõi Gã Thờ Ơ.
- Anh muốn ăn gì không? - Cô ấy hỏi. - Tôi đang định đi ăn với ban nhạc.
Tôi do dự. Tôi sẽ không có cơ hội điều tra thông tin từ cô ấy khi có mặt những người khác, và tôi không mặn mà gì với việc mở rộng mạng lưới người quen vốn luôn nhỏ hẹp của tôi.
- Ồ, hôm nay là đêm trọng đại của cô, buổi biểu diễn đầu tiên của cô ở Blue Note, - tôi nói. - Có lẽ cô muốn tự mình tận hưởng nó.
- Không, không, - cô ấy nói, lại ngoảnh nhìn tôi qua vai. - Tôi muốn anh đi cùng mà. Và anh không muốn gặp những người còn lại trong nhóm nhạc sao? Tối nay họ thật tuyệt, đúng không?
Mặt khác, tùy thuộc vào sự tiến triển của buổi tối nay, mày có thể có cơ hội nói chuyện riêng với cô ấy sau đó.
- Đúng vậy. Khán giả rất thích cô và nhóm nhạc.
- Chúng tôi đang nghĩ tới Living Bar. Anh có biết nó không?
Tốt lắm, tôi nghĩ. Living Bar là một địa điểm rất có không khí ở Omotesando, được đặt tên một cách kì cục theo kiểu riêng của người Nhật. Nó ở ngay gần đây, nhưng chúng tôi sẽ phải rẽ ít nhất năm lần để tới được đó, như vậy tôi có thể kiểm tra đằng sau để xem liệu Gã Thờ Ơ có đi theo không.
- Dĩ nhiên là biết chứ. Đó là một chuỗi quán bar, đúng không?
- Vâng, nhưng quán bar ở Omotesando là thú vị hơn cả. Họ phục vụ rất nhiều món ăn nhẹ hấp dẫn, và quầy bar cũng tuyệt lắm. Những chai rượu mạch nha đơn ở đó đều được tuyển lựa rất kĩ càng. Mama nói anh là một người sành sỏi.
- Mama tâng bốc tôi đó thôi, - tôi nói, nghĩ rằng nếu tôi không cẩn thận, Mama sẽ lập cả một tập tài liệu chết tiệt về tôi và bắt đầu phân phát lung tung. - Để tôi trả tiền đồ uống đã.
Cô ấy mỉm cười.
- Chúng đã được thanh toán rồi. Đi thôi nào.
- Cô đã trả tiền hộ tôi ư?
- Tôi đã nói với quản lí rằng người ngồi giữa hàng đầu tiên là vị khách đặc biệt của tôi. - Cô ấy chuyển sang nói tiếng Anh. - Vì vậy mọi thứ cứ tự nhiên như ở nhà, ne? - Cô ấy mỉm cười, hài lòng trước cơ hội được dùng thành ngữ này.
- Vậy thì tốt quá, - tôi nói. - Cảm ơn cô.
- Anh đợi tôi vài phút được không? Tôi cần vào hậu trường làm mấy việc.
Chui vào hậu trường theo cô ấy là một việc quá khó. Nếu chúng định hành động, chúng sẽ làm bên ngoài.
- Được, - tôi nói, đứng dậy và xoay người để lưng tôi quay về phía sân khấu và tôi có thể quan sát căn phòng. Nhưng lúc này có quá nhiều người đang đứng dậy và đi lại, và tôi không thể thấy Gã Thờ Ơ. - Cô muốn tôi đợi ở đâu?
- Ngay ở đây - năm phút nữa. - Cô ấy quay gót và bước về phía hậu trường.
Mười lăm phút sau, cô ấy bước ra qua một tấm màn phía cuối sân khấu. Cô ấy đã thay một cái áo cổ lọ màu đen, bằng lụa hoặc ca sơ mia mềm, và chiếc quần đen. Tóc cô ấy buông xõa xuống vai, ôm gọn khuôn mặt.
- Xin lỗi vì đã để anh phải đợi. Tôi muốn thay đồ - biểu diễn là một công việc vất vả mà.
- Không sao, - tôi nói, nhìn cô ấy. - Trông cô tuyệt lắm.
Cô ấy cười.
- Đi thôi nào! Nhóm nhạc đã ra ngoài trước rồi. Tôi đang đói ngấu đây.
Chúng tôi tiến về phía cửa chính, đi ngang qua mấy fan hâm mộ vẫn còn nán lại để cảm ơn cô ấy. Nếu mày muốn khử cô ấy và có thể tính toán thời gian thật khéo léo, tôi nghĩ, mày sẽ đợi ở chân cầu thang của Caffee Idee, ở đó mày sẽ quan sát được cả cửa chính và cửa phụ. Y như rằng, Gã Thờ Ơ đang ở đó, nhẩn nha dạo bước với sự hờ hững cố ý.
Bốn mươi tám giờ của Benny là thế này ư, tôi nghĩ. Có lẽ đó chỉ là cách để gã nói rằng: “Quyết định ngay đi - lời đề nghị này sẽ hết hiệu lực vào lúc nửa đêm”. Một điều mà gã học được trong một khóa học kinh doanh ở đâu đó.
Tay guitar bass và tay trống đang đợi, và chúng tôi rảo bước tới chỗ họ.
- Tomo, Ko, đây là Fujiwara Junichi, quý ông mà tôi đã nhắc đến, - Midori nói, chỉ vào tôi.
- Hajimemashite? - tôi nói, cúi người chào. - Konya no enso wa saiko ni subarashikatta*.
*[Rất hân hạnh được gặp các anh. Buổi biểu diễn hôm nay thật tuyệt]
- Này, tối nay hãy dùng tiếng Anh đi, - Midori nói, chuyển sang tiếng Anh. - Anh Fujiwara, hai anh chàng này đều từng ở New York. Họ có thể gọi một chiếc tắc xi ở Brooklyn đúng điệu như anh vậy.
- Vậy thì, xin hãy gọi tôi là John, - tôi nói. Tôi giơ tay ra cho anh chàng đánh trống.
- Anh có thể gọi tôi là Tom, - cậu ta nói, vừa bắt tay tôi vừa cúi đầu. Cậu ta có một vẻ cởi mở, gần như bông đùa, và ăn vận giản dị với quần jean, áo sơ mi vải oxford trắng và một cái áo vét blazer màu xanh nước biển. Có nét gì đó chân thành trong cái cách cậu ta kết hợp kiểu chào hỏi của phương Tây và Nhật Bản, và tôi thấy mến cậu ta ngay lập tức.
- Tôi nhớ là đã gặp anh ở Alfie, - tay bass nói, cẩn thận giơ tay ra. Gã ăn mặc có thể đoán trước được với chiếc quần jean, áo cổ lọ và áo vét blazer màu đen, bộ râu quai nón và cặp kính hình chữ nhật càng khiến vẻ ngoài của gã thêm dữ dằn.
- Tôi cũng vẫn nhớ cậu, - tôi nói, bắt tay gã và chủ ý truyền vào cái siết tay của mình một chút ấm áp. - Tất cả các bạn đều rất tuyệt vời. Mama đã nói với tôi trước buổi biểu diễn rằng các bạn sẽ trở thành những ngôi sao, và tôi có thể thấy là bà ấy nói đúng.
Có lẽ gã biết tôi đang nịnh gã, nhưng hẳn là gã vẫn còn có cảm giác lâng lâng sau buổi biểu diễn nên chẳng thèm bận tâm. Hoặc là khi nói tiếng Anh gã lại có một tính cách khác. Dù gì đi nữa, gã cũng trao cho tôi một nụ cười nhẹ bẫng nhưng có vẻ chân thật và nói:
- Cảm ơn lời khen tặng. Hãy gọi tôi là Ken.
- Và hãy gọi tôi là Midori, - Midori xen vào. - Giờ thì đi thôi, trước khi tôi chết vì đói!
Suốt chuyến đi bộ kéo dài mười phút đến Za Ribingu Baa, như cách người địa phương gọi nó, chúng tôi tán gẫu về jazz và cách chúng tôi khám phá ra nó. Mặc dù tôi lớn hơn người nhiều tuổi nhất trong số họ cả chục tuổi, nhưng về mặt triết học mà nói chúng tôi đều là những người theo chủ nghĩa thuần túy của trường phái Charlie Parker/Bill Evans/Miles Davis, và có thể dễ dàng trò chuyện cùng nhau.
Cứ chốc chốc tôi lại có cơ hội liếc ra đằng sau ở mỗi ngã rẽ. Vài lần như vậy, tôi phát hiện Gã Thờ Ơ đang đi theo sau. Tôi không nghĩ hắn sẽ hành động khi Midori đang đi cùng những người này, nếu hắn có ý định làm hại cô ấy.
Trừ phi chúng liều mạng, dĩ nhiên, trong trường hợp đó chúng sẽ chấp nhận mạo hiểm, thậm chí có thể hành động tùy tiện. Tai tôi tập trung mãnh liệt vào những tiếng động đằng sau khi chúng tôi bước đi.
Living Bar công bố sự tồn tại của nó trong tầng hầm của tòa nhà Scène Akira bằng một tấm biển hiệu giản dị trên cầu thang. Chúng tôi bước xuống và đi qua cửa, được chào đón bởi một anh chàng trẻ tuổi người Nhật để kiểu đầu đinh hợp mốt và mặc bộ com lê màu xanh hải quân may khéo với ba trong bốn nút áo được cài lại. Midori, giống như thủ lĩnh của nhóm, nói với anh ta rằng chúng tôi muốn một bàn dành cho bốn người; anh ta trả lời “Kashikomari-mashita*” bằng thứ tiếng Nhật lịch sự nhất và thì thầm vào một cái micro nhỏ bên cạnh máy đếm tiền. Lúc anh ta tháp tùng chúng tôi vào trong, một cái bàn đã được chuẩn bị sẵn và một cô nhân viên phục vụ đang chờ để dẫn chúng tôi tới chỗ ngồi của mình.
*[Chắc chắn rồi ạ!]
Khách không quá đông so với một tối thứ bảy. Vài nhóm phụ nữ trông thật quyến rũ đang ngồi trên những chiếc ghế dựa lưng cao ở những cái bàn đánh véc-ni đen, trang điểm một cách chuyên nghiệp và xức nước hoa Chanel như thể nó được dành riêng cho họ, gò má họ ửng hồng nổi bật trong quầng sáng dìu dịu của bóng đèn tròn rọi xuống từ phía trên đầu, mái tóc ánh lên lấp lánh. Nhưng so với Midori thì họ chẳng là gì.
Tôi muốn ngồi quay mặt ra cửa, nhưng Tom đã nhanh chân hơn và chiếm mất vị trí đó. Tôi đành ngồi quay về phía quầy bar.
Khi chúng tôi gọi đồ uống và đủ những món ăn nhẹ để tạo thành một bữa ăn vừa phải, tôi thấy anh chàng dẫn chúng tôi vào lúc nãy đang đưa Gã Thờ Ơ đến quầy bar. Hắn ngồi quay lưng về phía chúng tôi, nhưng sau quầy bar có một tấm gương, và tôi biết hắn có thể quan sát cả căn phòng.
Trong khi chờ đợi đồ ăn thức uống, chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện an toàn, thoải mái về nhạc jazz. Tôi đã vài lần tính đến chuyện khử Gã Thờ Ơ. Hắn là thành viên của một kẻ thù đông hơn tôi về số lượng. Nếu cơ hội loại bớt một kẻ trong số đó xuất hiện, tôi sẽ sẵn sàng nhận lấy. Nếu tôi làm tốt, những người chủ của hắn sẽ không bao giờ biết được về sự nhúng tay của tôi, và việc trừ khử hắn có thể cho tôi thêm thời gian để đưa Midori thoát khỏi chuyện này.
Sau khi ăn hết phần lớn chỗ đồ ăn và chúng tôi, cùng với Gã Thờ Ơ, đang uống đến li rượu thứ hai, thì một người trong số họ hỏi thăm tôi làm nghề gì.
- Tôi là một nhà tư vấn, - tôi bảo họ. - Tôi đưa ra lời khuyên cho các công ty nước ngoài về cách mang hàng hóa và dịch vụ của họ vào thị trường Nhật Bản.
- Tuyệt thật, - Tom nói. - Những người nước ngoài rất khó làm ăn ở Nhật Bản. Ngay cả bây giờ, sự tự do thông thường cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài. Xét trên nhiều phương diện, nó vẫn là nước Nhật trong thời bakufu* Tokugawa mà thôi, đóng cửa với thế giới bên ngoài.
*[Mạc phủ: Hành dinh và chính quyền của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản. Mạc phủ Tokugawa hay còn gọi là Mạc phủ Edo là chính quyền quân sự ở Nhật Bản do Togukawa Ieyasu thành lập, và do các shogun (tướng quân) trong gia đình Togukawa trị vì. Thời kì này được gọi là thời Edo, kéo dài từ năm 1603 đến 1868]
- Đúng vậy, nhưng điều đó lại có lợi cho công việc của John, - Ken xen vào. - Đúng không, John? Bởi vì, nếu nước Nhật không có quá nhiều những quy định ngớ ngẩn, nếu các bộ chịu trách nhiệm với việc giám sát thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu không quá tham nhũng, anh sẽ cần tìm một công việc khác, ne?
- Thôi nào, Ken, - Midori nói. - Chúng tôi đều biết anh là kẻ hoài nghi thế nào. Anh không phải chứng minh điều đó.
Tôi tự hỏi phải chăng Ken đã quá chén.
- Cô cũng từng như vậy đấy thôi, - gã tiếp tục. Gã quay sang tôi. - Khi Midori trở về từ trường Julliard ở New York, cô ấy là một người có quan điểm cực đoan. Cô ấy muốn thay đổi mọi thứ ở Nhật Bản. Nhưng tôi đoán bây giờ cô ấy không còn như thế nữa.
- Tôi vẫn muốn thay đổi mọi thứ, - Midori nói, giọng ấm áp nhưng kiên quyết. - Chỉ có điều tôi không nghĩ nhiều khẩu hiệu giận dữ sẽ tạo nên điều gì khác biệt. Anh phải kiên nhẫn, anh phải lựa chọn thời cơ để đấu tranh.
- Gần đây cô lựa chọn được thời cơ nào rồi? - Gã hỏi.
Tom quay sang tôi.
- Mong anh hiểu cho, Ken cảm thấy như đã phản lại nguyên tắc của chính mình khi biểu diễn ở những nơi chính thống như Blue Note. Đôi khi anh ấy lại trút giận lên chúng tôi.
Ken cười.
- Chúng ta đều phản lại nguyên tắc của mình.
Midori đảo mắt.
- Thôi nào, Ken, dừng lại được rồi đấy.
Ken nhìn tôi.
- Còn anh, John? Anh nghĩ sao về câu thành ngữ này của Mỹ “Hoặc anh là một phần của giải pháp, hoặc anh là một phần của vấn đề?”
Tôi mỉm cười.
- Thực ra còn có một vế thứ ba nữa: “Nếu không thì anh là một phần của phong cảnh xung quanh”?
Ken gật đầu như thể thầm khẳng định điều gì.
- Đó là điều tệ nhất.
Tôi nhún vai. Gã chẳng là gì đối với tôi, và tôi có thể dễ dàng dứt khỏi chủ đề này.
- Thật ra, tôi thực sự chưa hề nghĩ về những việc tôi làm theo khía cạnh ấy. Vài người gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Nhật Bản, tôi giúp đỡ họ, vậy thôi. Nhưng cậu đã nêu ra vài ý kiến hay. Tôi sẽ suy nghĩ về những gì cậu nói.
Gã muốn tranh cãi và không biết phải làm gì với những câu trả lời dĩ hòa vi quý của tôi, đó là một điều tốt.
- Uống thêm li nữa đi, - gã nói.
- Tôi nghĩ tôi đã uống đủ rồi, - Midori nói. - Cũng đã khuya rồi đấy.
Trong lúc cô ấy nói, tôi nhận thấy Gã Thờ Ơ, người đang cố ý nhìn đi chỗ khác, bấm vào một thiết bị nhỏ cỡ một cái bật lửa dùng một lần mà hắn đang đặt trên đầu gối và chĩa về phía chúng tôi. Mẹ kiếp, tôi nghĩ. Một cái máy ảnh.
Hắn đang chụp ảnh Midori, và tôi sẽ lọt vào khung hình. Đây là rủi ro mà tôi sẽ gặp phải nếu ở quá gần cô ấy.
Được rồi. Tôi sẽ phải rời đi với ba người bọn họ, rồi kiếm một cái cớ, chẳng hạn như bị quên một thứ gì đó, để quay lại quán bar và tóm gọn hắn khi hắn đang ra ngoài để tiếp tục theo dõi Midori. Tôi sẽ không để hắn giữ cái máy ảnh đó, với hình của tôi được lưu trên phim.
Nhưng Gã Thờ Ơ đã cho tôi một lựa chọn khác. Hắn đứng dậy và bắt đầu đi về phía nhà vệ sinh.
- Tôi cũng về luôn đây, - tôi nói, đứng dậy, cảm thấy tim mình bắt đầu đập mạnh hơn trong lồng ngực. - Nhưng cần vào nhà vệ sinh đã. - Tôi rời khỏi bàn.
Tôi theo sau Gã Thờ Ơ vài mét khi hắn khéo léo di chuyển trên sàn nhà đen bóng. Đầu tôi khẽ cúi xuống, tránh giao tiếp bằng mắt với những người khách mà chúng tôi đang đi qua, nghe tiếng tim đập thình thịch đều đều trong tai. Hắn mở cửa nhà vệ sinh và đi vào trong. Trước khi cánh cửa kịp khép lại, tôi mở nó ra và theo hắn vào.
Hai buồng vệ sinh, hai bồn tiểu. Nhìn bao quát, tôi có thể thấy rằng mấy cánh cửa buồng vệ sinh đều đang mở he hé. Vậy là chỉ có mỗi hai chúng tôi trong này. Tiếng tim tôi đập mạnh đến nỗi nó có thể ngăn chặn mọi âm thanh khác. Tôi có thể cảm thấy không khí luồn ra luồn vào qua lỗ mũi, máu chảy trong những tĩnh mạch ở cánh tay.
Hắn quay lại nhìn tôi khi tôi tiến lại gần, có lẽ nhận ra tôi là một trong những người đi cùng Midori, có lẽ được thứ bản năng nào đó còn sót lại nhưng hiện đã trở nên vô ích cảnh báo rằng hắn đang gặp nguy hiểm. Mắt tôi nhìn xoáy vào phần thân trên của hắn, không tập trung vào bất cứ bộ phận riêng biệt nào, bao quát toàn bộ cơ thể, vị trí của hông và bàn tay, tiếp nhận thông tin, xử lí nó.
Không dừng lại hay chậm một nhịp, tôi xông tới và chộp bàn tay trái vào cổ họng hắn, bóp nghẹt khí quản hắn bằng ngón cái và ngón trỏ. Đầu hắn chúi về phía trước và hai bàn tay đưa vội lên cổ họng.
Tôi bước ra đằng sau hắn và thò tay vào túi trước của hắn. Tôi lấy được máy ảnh từ túi bên trái. Túi kia không có gì.
Hắn đang cào quắp một cách vô ích vào cái họng bị tổn thương, câm lặng ngoài tiếng lách chách phát ra từ lưỡi và răng. Hắn bắt đầu giậm chân trái xuống sàn nhà và vặn vẹo thân mình trong sự hoảng loạn đang bắt đầu dâng lên, cơ thể cử động theo bản năng nguyên thủy là hít lấy không khí, không khí, qua khí quản bị vỡ vào hai lá phổi đang bị chấn động.
Tôi biết phải mất khoảng ba mươi giây hắn mới ngạt thở. Không có thời gian cho điều đó. Tôi nắm lấy tóc và cằm hắn theo tư thế của một cú siết cổ khử lính gác và bẻ gãy cổ hắn với một cú vặn mạnh theo chiều kim đồng hồ.
Hắn ngã bổ ngửa vào người tôi và tôi lôi hắn vào một buồng vệ sinh trống, đặt hắn ngồi trên bồn cầu và điều chỉnh tư thế để cơ thể hắn không bị đổ. Với cánh cửa đóng, bất cứ ai vào nhà vệ sinh sẽ nhìn thấy chân hắn và chỉ nghĩ căn buồng này đang có người. Nếu may mắn, thi thể hắn sẽ không bị phát hiện cho đến giờ đóng cửa, sau khi chúng tôi đã đi từ lâu.
Tôi nhẹ nhàng đóng cửa bằng hông phải và dùng đầu gối để cài chốt. Sau đó, bám vào mép trên của vách ngăn, tôi đu mình lên và trườn qua căn buồng bên cạnh. Tôi kéo một đoạn giấy vệ sinh dài từ móc treo và dùng nó để chùi hai điểm mà tôi đã bám vào. Tôi nhét giấy vệ sinh vào một bên túi quần, hít một hơi thở sâu, và quay lại quầy bar.
- Chúng ta về được chưa? - Tôi hỏi, bước tới bàn, điều hòa nhịp thở.
- Đi thôi, - Midori nói. Ba người họ đứng dậy, và chúng tôi đi về phía nhân viên thu ngân và cửa ra.
Tom đang cầm hóa đơn, nhưng tôi nhẹ nhàng giành lấy nó từ tay cậu ta và khăng khăng đòi trả tiền; đó là đặc quyền của tôi sau niềm vinh hạnh được thưởng thức buổi biểu diễn của họ. Tôi không muốn ai đó dùng thẻ tín dụng và để lại dấu vết về sự có mặt của chúng tôi ở đây tối nay.
Khi tôi đang trả tiền, Tom nói, “tôi sẽ quay lại ngay”, và đi về phía nhà vệ sinh.
- Tôi cũng thế, - Ken tiếp lời, và đi theo cậu ta.
Tôi mường tượng rằng thi thể Gã Thờ Ơ có thể trượt xuống khỏi bồn cầu khi họ đang ở trong đó. Hoặc cái Định luật Murphy* sẽ chứng minh tính đúng đắn của nó bằng một cách nào khác. Nhưng những ý nghĩ ấy không làm tôi bất an lắm. Tôi chẳng thể làm được gì ngoài việc bình tĩnh và đợi cho đến khi họ quay lại.
*[Nếu một việc có thể diễn ra theo chiều hướng xấu, thì nó sẽ diễn ra như vậy]
- Cô muốn đi bộ về nhà chứ? - Tôi hỏi Midori. Suốt buổi tối cô ấy đã nhắc đến chuyện cô ấy sống ở Harajuku, mặc dù dĩ nhiên tôi đã biết điều đó rồi.
Cô ấy mỉm cười.
- Đó là một việc thú vị.
Ba phút sau, Tom và Ken quay lại. Tôi thấy họ đang cười về một chuyện gì đó khi họ tiến về phía chúng tôi, và biết rằng họ đã không phát hiện ra Gã Thờ Ơ.
Chúng tôi ra ngoài và bước lên những bậc cầu thang để hòa mình vào buổi tối lạnh lẽo của Omotesando.
- Tôi để ô tô ở Blue Note, - Ken nói khi chúng tôi đã ở ngoài đường. Gã nhìn Midori. - Có ai cần đi nhờ không?
Midori lắc đầu.
- Không cần đâu. Cảm ơn.
- Tôi sẽ đi tàu điện ngầm, - tôi nói với gã. - Nhưng dù sao vẫn cảm ơn cậu.
- Tôi sẽ đi với anh, - Tom nói, xua đi nỗi căng thẳng nhỏ bé mà tôi có thể cảm thấy đang dâng lên khi Ken có vẻ suy đoán điều gì. - John, rất vui khi gặp anh tối nay. Cảm ơn anh một lần nữa vì đã đến, và vì bữa tối và đồ uống nữa.
Tôi cúi đầu.
- Không có gì. Tôi hi vọng chúng ta sẽ còn có thêm một dịp khác.
Ken gật đầu.
- Chắc chắn rồi, - gã nói, rõ ràng chẳng mấy hào hứng. Tom lùi lại một bước, đó là ám hiệu của cậu ta với Ken, tôi biết, và chúng tôi cùng tạm biệt và chúc nhau ngủ ngon.
Midori và tôi chầm chậm dạo bước về phía đường Omotesando.
- Anh ổn chứ? - Cô ấy hỏi khi Tom và Ken đã ra khỏi tầm nghe.
- Tôi thấy vui lắm, - tôi nói. - Họ là những người thú vị.
- Ken có thể khiến anh khó chịu.
Tôi nhún vai.
- Cậu ta hơi ghen vì cô đã mời một người khác đi cùng, vậy thôi.
- Anh ta còn trẻ mà. Cảm ơn anh vì tối nay đã cư xử nhẹ nhàng với anh ta.
- Không có gì.
- Anh biết đấy, tôi không hay mời những người mà tôi mới gặp đến một buổi biểu diễn, hoặc đi chơi sau đó.
- Chà, trước đây chúng ta đã từng gặp nhau một lần, vì vậy nguyên tắc của cô vẫn chưa bị phá vỡ.
Cô ấy cười.
- Anh có muốn uống một li rượu mạch nha nữa không?
Tôi nhìn cô ấy, cố gắng phán đoán cô ấy.
- Hẳn rồi, - tôi nói. - Và tôi biết một chỗ mà tôi nghĩ là cô sẽ thích.
Tôi dẫn cô ấy đến quán Bar Satoh, một tòa nhà hai tầng nhỏ xíu nằm nép mình trong một loạt những con ngõ chằng chịt như mạng nhện trong cái góc bên phải được tạo ra bởi đại lộ Omotesando và đường Meiji. Lộ trình chúng tôi đi cho tôi vài cơ hội để kiểm tra đằng sau, và tôi thấy rằng không có ai đi theo chúng tôi. Gã Thờ Ơ chỉ có một mình.
Chúng tôi đi thang máy lên tầng hai, rồi bước qua một cánh cửa được vây quanh bởi vô vàn những bông dành dành và những loài hoa khác mà vợ ông Satoh chăm sóc với sự sùng kính. Rẽ phải, bước một bước, và chúng tôi lập tức thấy Satoh, ông ta đang đứng cai quản cái quầy bar bằng gỗ anh đào rắn chắc trong ánh đèn mờ, ăn vận hoàn hảo như mọi khi với áo gi-lê và nơ con bướm.
- Ah, Fujiwara-san (A, anh Fujiwara). - ông ta nói bằng chất giọng nam trung nhẹ nhàng, cười tươi rói và cúi đầu chào khi nhìn thấy chúng tôi. - Irasshaimase (Xin mời vào).
- Ông Satoh, rất vui khi gặp ông, - tôi nói bằng tiếng Nhật. Nhìn xung quanh, tôi nhận thấy quán bar nhỏ bé này gần như đã chật kín. - Có còn chỗ cho chúng tôi không vậy?
- Ei, mochiron (Có chứ, dĩ nhiên rồi). - ông ta trả lời. Vừa xin lỗi bằng thứ tiếng Nhật trịnh trọng, ông ta vừa dồn sáu vị khách ở quầy bar ngồi dịch về phía bên phải, chừa ra một ghế trống nữa ở phía cuối và đủ chỗ cho Midori và tôi.
Cảm ơn Satoh và xin lỗi những vị khách khác, chúng tôi len vào chỗ ngồi của mình. Đầu Midori quay ngang ngửa khi cô ấy ngắm nhìn sự bài trí: từng chai, từng chai whiskey thuộc những loại khác nhau - nhiều loại không nổi tiếng và có vẻ lâu đời - không chỉ được trưng sau quầy bar mà còn được bày trên những cái giá và đồ gỗ ở khắp phòng. Bộ sưu tập đa dạng về nền văn hóa Hoa Kỳ như một chiếc xe đạp Schwinn cũ treo lơ lửng trên bức tường hậu, một chiếc điện thoại quay số màu đen kiểu cổ chắc phải nặng gần năm mươi cân, một bức ảnh đóng khung của Tổng thống Kennedy. Như một sự bổ sung cho chính sách chỉ bán rượu whiskey, Satoh không mở loại nhạc nào khác ngoài jazz, và giọng hát của ca sĩ kiêm nhà thơ Kurt Elling được phát ra ấm áp từ dàn âm thanh Marantz đằng sau quầy bar, kèm theo đó là tiếng lầm rầm trò chuyện và những tiếng cười kìm nén.
- Tôi... yêu nơi này! - Midori thì thầm với tôi bằng tiếng Anh khi chúng tôi ngồi xuống.
- Nó thật tuyệt vời, đúng không? - Tôi nói, hài lòng vì cô ấy đánh giá cao nó. - Satoh từng là một sarariman nhưng đã thoát khỏi cuộc sống bon chen ấy. Ông ấy yêu whiskey và nhạc jazz, và đã tiết kiệm từng yên cho đến khi mở được quán bar này mười năm trước. Tôi nghĩ nó là quán bar tốt nhất ở Nhật Bản.
Satoh đi tới, và tôi giới thiệu Midori.
- À, dĩ nhiên rồi! - Ông ta thốt lên bằng tiếng Nhật. Thò tay xuống dưới quầy, ông ta lục lọi một lúc cho đến khi thấy thứ ông ta đang tìm kiếm: một đĩa CD của Midori. Midori phải năn nỉ ông ta đừng mở nó.
- Tối nay ông định giới thiệu cho chúng tôi loại rượu gì? - Tôi hỏi ông ta. Mỗi năm Satoh đến Scotland bốn lần và đã giới thiệu cho tôi những loại rượu mạch nha gần như không có ở bất cứ nơi nào khác trên đất Nhật Bản.
- Anh định uống mấy li? - Ông ta hỏi. Nếu câu trả lời là một vài li, ông ta sẽ mở ra cho chúng tôi một cuộc nếm rượu, bắt đầu với một loại nhẹ nhàng từ Lowlands* và tiếp đó là hương vị iốt của những loại rượu mạch nha Islay**.
*[Khu vực ở miền Nam Scotland, là vùng đất thấp không núi đồi giữa Dumbarton và Stonehaven]
**[Đảo rộng 610 km2 ở cực nam Inner Hebrides, phía tây Scotland]
- Tôi nghĩ là chỉ một thôi, - tôi đáp. Tôi liếc nhìn Midori, cô ấy gật đầu.
- Nhẹ? Hay mạnh?
Tôi lại nhìn Midori, cô ấy nói, “Mạnh”.
Satoh mỉm cười. “Mạnh”, rõ ràng là câu trả lời mà ông ta đang mong đợi, và tôi biết ông ta đã nghĩ tới một loại đồ uống đặc biệt. Ông ta quay lại và lấy một chai thủy tinh không nhãn mác từ trước mặt cái gương đằng sau quầy bar, rồi giơ nó ra cho chúng tôi xem.
- Đây là một chai Ardbeg bốn mươi năm tuổi, - ông ta giải thích. - Từ bờ biển phía nam đảo Islay. Rất hiếm. Tôi đựng nó trong một cái chai không nhãn mác bởi vì tôi sợ người nào nhận ra có thể sẽ cố đánh cắp nó.
Ông ta lấy ra hai cái li sạch như lau như li và đặt chúng xuống trước mặt chúng tôi.
- Nguyên chất nhé? - Ông ta hỏi, vì không rõ sở thích của Midori.
- Hai. (Vâng), - cô ấy trả lời, trước cái gật đầu tán thành đầy nhẹ nhõm của Satoh. Ông ta cẩn thận rót thứ chất lỏng màu đồng thiếc vào hai cái li và đóng nút chai lại.
- Điểm đặc biệt của loại rượu này là sự cân bằng của các hương vị - bình thường thì chúng sẽ phá hoặc át nhau, - ông ta bảo chúng tôi, giọng khẽ khàng và hơi nghiêm túc. - Có mùi than bùn, khói, nước hoa, rượu sherry, và muối biển. Phải mất bốn mươi năm loại rượu này mới phát huy hết tiềm năng của nó, giống như con người vậy. Mời hai vị thưởng thức. - Ông ta cúi đầu và đi sang đầu kia của quầy bar.
- Tôi gần như không dám uống, - Midori nói, mỉm cười và giơ cái li lên trước mặt, ngắm nghía ánh đèn biến thứ chất lỏng ấy thành màu hổ phách.
- Satoh luôn giảng giải qua về thứ cô sắp được thưởng thức. Đây là một trong những điều thú vị nhất của nơi này. Ông ấy là người nghiên cứu về rượu mạch nha đơn mà.
- Jaa, kanpai (Cạn li nào). - cô ấy nói, rồi chúng tôi chạm li và uống. Sau đó cô ấy ngừng lại trong một thoáng, rồi nói, - Oa, tuyệt quá. Như một cái vuốt ve âu yếm vậy.
- Như tiếng đàn của cô.
Cô ấy cười và quay sang nhìn tôi.
- Tôi rất thích cuộc trò chuyện của chúng ta ở Tsuta hôm nọ, - cô ấy nói. - Tôi muốn nghe thêm về những trải nghiệm của anh khi lớn lên ở hai thế giới khác nhau.
- Tôi không chắc một câu chuyện như thế hấp dẫn cho lắm.
- Cứ kể cho tôi nghe đi, và tôi sẽ nói cho anh biết liệu nó có thú vị hay không.
Cô ấy thiên về lắng nghe hơn là kể chuyện, do đó việc thu thập thông tin của tôi trở nên khó khăn hơn. Để xem chuyện này đi đến đâu, tôi nghĩ.
- Quê hương đối với tôi là một thị trấn nhỏ ở phía bắc New York. Mẹ tôi dẫn tôi tới đó sau khi cha tôi mất, để bà có thể gần gũi với cha mẹ bà, - tôi nói.
- Sau đó anh có về lại Nhật Bản lần nào không?
- Có. Năm tôi học lớp 11, ông bà nội đã viết thư kể cho tôi nghe về một chương trình trao đổi học sinh trung học mới giữa Mỹ và Nhật, chương trình đó cho phép tôi dành một học kì ở một trường trung học Nhật Bản. Thời điểm đó tôi thực sự rất nhớ nhà và đã đăng kí ngay lập tức. Thế là cuối cùng, tôi đã học một học kì ở Saitama Gakuen.
- Chỉ một học kì thôi sao? Chắc là mẹ anh mong anh về lắm nhỉ.
- Một phần trong bà muốn vậy. Tôi nghĩ một phần khác trong bà lại cảm thấy nhẹ nhõm vì có chút thời gian để tập trung cho sự nghiệp của bà. Tôi khá nổi loạn ở độ tuổi đó. - Đây có vẻ là một uyển ngữ thích hợp cho những trận đánh nhau liên tục và những vấn đề về kỉ luật khác ở trường.
- Học kì đó thế nào?
Tôi nhún vai. Một vài kí ức về nó không dễ chịu cho lắm.
- Cô biết những người hồi hương bị đối xử thế nào mà. Nếu cô là một đứa trẻ người Nhật bình thường có giọng nói đã bị Mỹ hóa vì khoảng thời gian sống ở nước ngoài thì đã là tồi tệ lắm rồi. Nếu mà còn lai Mỹ nữa thì cô gần như là một kẻ quái dị.
Sự thông cảm sâu sắc trong mắt cô ấy khiến tôi cảm thấy mình đang trở nên tồi tệ hơn cả một kẻ phản bội.
- Tôi biết cảm giác ấy, - cô ấy nói. - Và anh đã coi học kì ấy như một chuyến về thăm quê nhà. Chắc là anh cảm thấy lạc lõng lắm.
Tôi phẩy tay như thể chuyện đó chẳng là gì cả.
- Tất cả đã là quá khứ rồi.
- Vậy, sau khi tốt nghiệp trung học thì sao?
- Sau trung học là Việt Nam.
- Anh đã từng ở Việt Nam sao? Trông anh còn trẻ vậy mà.
Tôi mỉm cười.
- Tôi vẫn còn chưa qua tuổi thiếu niên khi gia nhập quân đội, và khi tôi tới đó thì cuộc chiến đã diễn ra được một thời gian rồi.
Tôi ý thức rằng mình đang chia sẻ nhiều thông tin chi tiết về bản thân hơn mức cần thiết. Song tôi chẳng bận tâm.
- Anh ở đó bao lâu?
- Ba năm.
- Tôi tưởng rằng hồi đó lính nghĩa vụ chỉ đi một năm thôi chứ.
- Đúng. Nhưng tôi không bị gọi nhập ngũ.
Đôi mắt cô ấy mở to.
- Anh tình nguyện à?
Đã lâu lắm rồi tôi không hề nói gì đến những chuyện này, hoặc thậm chí nghĩ về nó.
- Tôi biết bây giờ điều đó có vẻ hơi lạ lùng. Nhưng đúng là tôi đã tình nguyện. Tôi muốn chứng tỏ rằng tôi là người Mỹ với những ai nghi ngờ điều đó chỉ vì đôi mắt tôi, làn da tôi. Và rồi, khi tôi tới đó, trong một cuộc chiến chống lại những người châu Á, tôi càng phải chứng tỏ điều đó hơn nữa, vì thế tôi đã ở lại. Tôi nhận những nhiệm vụ nguy hiểm. Tôi đã làm một vài chuyện điên rồ.
Chúng tôi im lặng trong thoáng chốc. Rồi cô ấy nói:
- Có phải đó là những điều “ám ảnh” anh như anh đã nói?
- Một vài trong số chúng, - tôi nói với giọng điềm tĩnh. Nhưng tôi sẽ không kể gì thêm. Cô ấy có những nguyên tắc về việc mời người lạ đến những buổi biểu diễn, nhưng những nguyên tắc của tôi liên quan đến những vấn đề này còn nghiêm khắc hơn nhiều. Chúng tôi đang tới gần những chuyện mà ngay cả tôi cũng không dám nhìn thẳng vào.
Những ngón tay cô ấy đang đặt nhẹ nhàng trên thành li, và không nghĩ ngợi gì, tôi đưa tay ra và nắm lấy tay cô ấy, rồi nâng chúng lên trước mặt tôi.
- Tôi chắc chắn là qua bàn tay cô, tôi có thể nhận ra cô chơi piano, - tôi nói. - Ngón tay cô mảnh mai, nhưng trông chúng rất khỏe khoắn.
Cô ấy lật bàn tay lại, và giờ thì đến lượt cô ấy nắm tay tôi.
- Anh có thể nhận ra nhiều điều từ bàn tay của một người, - cô ấy nói. - Ở bàn tay tôi anh thấy piano. Ở bàn tay anh tôi thấy bushido. Nhưng là trên các khớp ở đốt ngón tay, không phải những đốt xương trên mu bàn tay... anh tập môn võ gì vậy, judo? Hay aikido?
Bushido là võ sĩ đạo. Cô ấy đang nói về những vết chai sần trên khớp của đốt thứ nhất và thứ hai ở tất cả các ngón tay tôi, kết quả của nhiều năm túm và vặn những bộ judogi bằng vải bông nặng trịch. Cô ấy đang cầm tay tôi với vẻ nghiêm túc, như thể định soi xét chúng, nhưng trong sự đụng chạm ấy có một nét dịu dàng khiến tôi cảm thấy như có một luồng điện tê rần chạy lan lên hai cánh tay.
Tôi rút tay về, sợ rằng cô ấy có thể nhận ra một điều gì đó khác từ chúng.
- Dạo này tôi chỉ tập judo thôi. Ghì, quật, siết... đó là môn võ thuật thiết thực nhất. Và Kokodan là địa điểm tập judo tốt nhất trên thế giới.
- Tôi biết Kokodan. Tôi từng học aikido ở một dojo nhỏ ở Ochanomizu, cách tuyến Chuo một trạm dừng.
- Một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz như cô thì học aikido để làm gì?
- Lúc đó tôi còn chưa thực sự nghiêm túc với chuyện chơi piano, bây giờ thì tôi không còn tập aikido nữa bởi vì nó sẽ làm hỏng tay tôi. Tôi học võ vì có lúc tôi bị bắt nạt ở trường - bố tôi từng công tác ở Mỹ một thời gian mà. Tôi đã nói với anh tôi biết cảm giác của một người hồi hương là như thế nào rồi đấy.
- Môn aikido có giúp ích gì không?
- Ban đầu thì không. Phải mất một thời gian thì tôi mới khá lên. Nhưng bọn đầu gấu ấy đã cho tôi động lực để tập luyện. Một hôm, có một đứa trong bọn tóm lấy cánh tay tôi, và tôi đã quật ngã nó bằng đòn san-kyo. Sau đó, chúng không động đến tôi nữa. Quả là may mắn, vì thật ra tôi chỉ biết dùng mỗi đòn san-kyo thôi.
Tôi nhìn cô ấy, tưởng tượng xem sẽ như thế nào nếu bị quật ngã bằng một đòn san-kyo chứa đầy cái quyết tâm hiện đang giúp cô ấy đạt được sự chú ý, có lẽ cả sự nổi tiếng, trong giới nhạc jazz.
Cô ấy nhấc cái li lên bằng những ngón tay của cả hai bàn tay, và tôi nhận thấy một sự tiết kiệm động tác trong hành động đơn giản đó. Nó thật duyên dáng, dễ chịu khi ngắm nhìn.
- Cô biết sado (Trà đạo), - tôi nói, gần như bật ra suy nghĩ của mình.
Sado là nghi thức thưởng trà của Nhật Bản. Những nghệ nhân trà đạo cố gắng sử dụng những động tác tao nhã đã được nghi thức hóa trong việc chuẩn bị và phục vụ trà để đạt tới wabisabi: một sự thanh nhã tự nhiên trong suy nghĩ và hành động, một sự tối giản đại diện cho một quan niệm lớn hơn và quan trọng hơn mà sẽ khó hiểu nếu không có nó.
- Tôi học trà đạo từ hồi còn niên thiếu, - cô ấy trả lời, - và ngay cả hồi đó cũng chưa bao giờ làm tốt. Tôi ngạc nhiên vì anh có thể nhìn ra nó. Có lẽ nếu tôi uống thêm một li nữa, nó sẽ biến mất.
- Không, tôi sẽ không muốn như thế đâu, - tôi nói, cố gắng ngăn lại cảm giác bị hút vào đôi mắt đen của cô ấy. - Tôi thích sado.
Cô ấy mỉm cười.
- Anh còn thích gì nữa?
Cô ấy đang đi tới đâu vậy?
- Tôi không biết. Nhiều thứ lắm. Tôi thích xem cô chơi đàn.
- Anh nói rõ hơn đi.
Tôi nhấp một ngụm Ardbeg, mùi khói và than bùn len qua lưỡi và họng tôi.
- Tôi thích cái cách cô bắt đầu một cách điềm tĩnh, và dần dần phát triển lên cao trào. Tôi thích cái cách ban đầu cô là người chơi nhạc, rồi sau đó, có vẻ như âm nhạc lại đang chơi cô. Cách cô hòa mình với nó. Bởi vì khi tôi cảm thấy điều đó đang xảy ra với cô, thì chính tôi cũng bị chìm đắm trong tiếng đàn. Nó kéo tôi ra khỏi bản thân mình. Tôi có thể nhận ra nó khiến cô cảm thấy đầy sức sống như thế nào, và nó cũng khiến tôi cảm thấy như thế.
- Còn gì nữa?
Tôi bật cười.
- Còn gì nữa ư? Như thế chưa đủ sao?
- Chưa đủ, nếu vẫn còn có điều gì đó.
Tôi xoay đi xoay lại cái li trong tay, ngắm nhìn những ánh đèn phản chiếu bên trong nó.
- Tôi luôn có cảm giác cô đang kiếm tìm một thứ gì đó khi chơi đàn nhưng lại không thể tìm thấy. Vì vậy cô tìm kiếm dữ dội hơn, nhưng nó vẫn trốn tránh cô, và giai điệu bắt đầu trở nên căng thẳng, thế rồi đến một lúc nào đó cô chợt nhận ra cô sẽ không tìm thấy nó, cô thực sự không thể, và sự căng thẳng biến mất và tiếng đàn chuyển sang buồn bã, nhưng đó là một nỗi buồn đẹp, một nỗi buồn lịch duyệt, chấp nhận.
Một lần nữa tôi lại ý thức được rằng ở cô ấy có điều gì đó khiến tôi cởi mở quá nhiều, bộc lộ quá nhiều. Tôi cần kiểm soát điều này.
- Việc anh cảm nhận được điều đó trong tiếng đàn của tôi có ý nghĩa với tôi rất nhiều, - cô ấy nói sau một thoáng im lặng. - Bởi vì đó chính là điều mà tôi đang cố gắng thể hiện. Anh có biết mono no aware không?
- Tôi nghĩ là có. “Mối bi cảm với vạn vật”, đúng không?
- Đó là cách hiểu thông thường. Tôi thích hiểu là “nỗi buồn thương với con người” hơn.
Tôi ngạc nhiên khi thấy mình bị lay động bởi ý tưởng ấy.
- Tôi chưa từng nghĩ như thế, - tôi khẽ nói.
- Tôi nhớ có một lần, hồi đang sống ở Chiba, tôi đã đi dạo vào một đêm mùa đông. Hôm ấy tiết trời ấm áp lạ thường, tôi cởi áo khoác ra và ngồi xuống sân chơi của ngôi trường tôi học hồi còn nhỏ, hoàn toàn chỉ có một mình, và ngắm nhìn những bóng cây in lên nền trời. Tôi ý thức mạnh mẽ rằng rồi một ngày kia, tôi sẽ ra đi, nhưng những cái cây vẫn sẽ ở đây, mặt trăng vẫn sẽ treo lơ lửng bên trên chúng, chiếu rọi xuống cảnh vật bên dưới, và điều đó khiến tôi bật khóc, nhưng là một kiểu khóc dễ chịu, bởi vì tôi biết nó phải như vậy. Tôi phải chấp nhận nó bởi vì mọi thứ đều như thế cả. Mọi thứ đều có kết thúc. Đó là mono no aware.
Mọi thứ đều có kết thúc.
- Đúng vậy, - tôi nói, nghĩ về bố cô ấy.
Chúng tôi im lặng trong thoáng chốc. Rồi tôi hỏi:
- Ken nói cô là người cực đoan là có ý gì vậy?
Cô ấy nhấp một ngụm Ardbeg trong li của mình.
- Anh ta là một người lãng mạn. Tôi không phải là người cực đoan. Chỉ nổi loạn thôi.
- Nổi loạn thế nào?
- Thử nhìn xung quanh anh đi, John. Nhật Bản đang trong tình trạng cực kì tồi tệ. LDP, các quan chức chính phủ, họ đang hút đến cạn kiệt từng giọt máu của đất nước này.
- Đúng là cũng có những vấn đề, - tôi đồng tình.
- Vấn đề ư? Nền kinh tế đang lao dốc, các gia đình không trả nổi thuế nhà đất, không còn niềm tin vào hệ thống ngân hàng, và tất cả những gì chính phủ có thể nghĩ tới để giải quyết vấn đề này là chi tiêu thâm hụt và các công trình công cộng. Và anh biết tại sao không? Vì những khoản chi trả cho ngành công nghiệp xây dựng. Cả đất nước bị bao phủ trong bê tông, không còn chỗ nào để xây dựng, vì vậy các chính trị gia bỏ phiếu tán thành xây dựng các khu văn phòng không ai dùng đến, những cây cầu và những con đường không ai đi, những con sông thì được kè bê tông. Anh biết những “con vật bốn chân” bằng bê tông xấu xí viền quanh bờ biển Nhật Bản và được cho là bảo vệ nó khỏi bị xói mòn chứ? Tất cả các nghiên cứu chỉ ra rằng những vật kì quái đó chỉ đẩy nhanh tốc độ xói mòn; chứ không ngăn chặn nó. Vì vậy chúng ta đang hủy hoại hệ sinh thái để vỗ béo các chính trị gia và làm giàu cho ngành công nghiệp xây dựng. Vậy mà anh chỉ gọi chúng là “những vấn đề” thôi ư?
- Chà, có lẽ Ken nói đúng, - tôi nói, mỉm cười. - Cô khá cực đoan.
Cô ấy lắc đầu.
- Đó chỉ là hiểu biết thông thường thôi. Nói thật với tôi đi. Thi thoảng anh không cảm thấy như đang bị lừa bởi hiện trạng và tất cả những ai hưởng lợi từ nó sao? Và điều đó không khiến anh tức điên lên ư?
- Đôi khi tôi cũng cảm thấy như vậy, - tôi nói, một cách thận trọng.
- Chà, tôi thì luôn tức điên lên vì nó. Ý Ken là vậy đấy.
- Thứ lỗi cho tôi vì nói thế này, nhưng chẳng phải bố cô cũng góp phần vào cái hiện trạng đó sao?
Cô ấy im lặng một lúc lâu.
- Chúng tôi đã bất hòa với nhau.
- Điều đó hẳn phải khó chịu lắm.
- Đôi khi. Chúng tôi đã xa lánh nhau trong một thời gian dài.
Tôi gật đầu.
- Vậy cha con cô đã kịp hòa giải chưa?
Cô ấy khẽ cười, nhưng không phải là một nụ cười vui vẻ.
- Bố tôi phát hiện ra mình bị ung thư phổi chỉ vài tháng trước khi mất. Sự chẩn đoán ấy khiến ông đánh giá lại cuộc đời ông, nhưng không đủ để chúng tôi giải quyết mọi vướng mắc.
Thông tin này khiến tôi bất ngờ.
- Ông ấy bị ung thư phổi ư? Nhưng... Mama nói ông ấy bị trụy tim mà.
- Ông ấy bị bệnh tim, nhưng vẫn hút thuốc liên tục. Tất cả những ông bạn đồng liêu trong chính phủ của ông ấy đều như thế cả, và ông ấy cảm thấy cần phải hòa nhập với họ. Ông ấy là một phần trong cái hệ thống đó, trong chừng mực nào đó, ông ấy đã dâng hiến cả cuộc đời cho nó.
Tôi nhấp một ngụm thứ chất lỏng có vị khói và nuốt nó xuống.
- Ung thư phổi là một cách ra đi khủng khiếp, - tôi nói. - Chí ít, cái chết vì đau tim của ông ấy khiến ông ấy không phải chịu đau đớn.
Lời chia sẻ ấy chân thành đến lạ.
- Đúng vậy, và tôi biết ơn vì điều đó.
- Thứ lỗi cho tôi nếu tôi có vẻ như đang tọc mạch, nhưng ý cô là gì khi cô nói sự chẩn đoán khiến ông ấy đánh giá lại cuộc đời ông ấy?
Cô ấy đang nhìn qua tôi về một nơi vô định nào đó, đôi mắt lơ đãng.
- Cuối cùng, ông ấy đã nhận ra rằng ông ấy đã dành cả đời để là một phần của vấn đề, như cách Ken nói. Ông ấy quyết định muốn trở thành một phần của giải pháp.
- Ông ấy có thời gian để làm việc đó không?
- Tôi nghĩ là không. Nhưng ông ấy đã nói với tôi rằng ông ấy muốn làm một điều gì đó, một điều đúng đắn, trước khi chết. Điều quan trọng là ông ấy đã cảm thấy như vậy.
- Làm sao cô biết ông ấy không có thời gian?
- Ý anh là gì? - Cô ấy hỏi, đôi mắt quay lại nhìn tôi.
- Bố cô - ông ấy phát hiện mình mắc bệnh, đột nhiên đối mặt với cái chết. Ông ấy muốn làm một điều gì đó để chuộc lỗi cho quá khứ. Ông ấy có làm được không? Trong một thời gian ngắn như thế?
- Tôi không hiểu ý anh lắm, - cô ấy nói, và tôi lập tức biết rằng mình đã lại đụng phải bức tường phòng thủ.
- Tôi đang nghĩ đến những gì chúng ta nói hôm nọ. về sự hối hận. Nếu cô hối hận vì một chuyện gì đó, nhưng cô chỉ có một thời gian ngắn để giải quyết vấn đế, cô sẽ làm gì?
- Tôi cho rằng mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau, tùy thuộc vào bản chất của nỗi hối hận.
Thôi nào, Midori. Hợp tác với tôi đi.
- Bố cô sẽ làm gì? Có việc gì có thể đảo ngược lại những điều mà ông ấy hối hận không?
- Tôi không biết.
Có biết mà, tôi nghĩ. Một tay phóng viên mà lúc đó ông ấy đang gặp gỡ đã liên lạc với cô. Cô biết, nhưng cô không nói với tôi.
- Ý tôi là, có lẽ ông ấy đang cố gắng làm gì đó để giải quyết vấn đề, cho dù cô không thể thấy được. Có lẽ ông ấy đã nói chuyện với các đồng nghiệp, thổ lộ với họ về sự đổi ý của ông ấy, cố gắng làm cho họ thay đổi theo. Biết đâu đấy?
Cô ấy im lặng, và tôi nghĩ, Thế đấy, có lẽ mày chỉ có thể đẩy câu chuyện đến đây thôi, giờ thì chắc chắn cô ấy sẽ nghi ngờ và chẳng thèm hé răng nói một lời nào với mày nữa.
Nhưng một lát sau, cô ấy nói:
- Anh hỏi tôi chuyện này vì chính anh cũng có một nỗi hối hận đúng không?
Tôi nhìn cô ấy, vừa lo lắng vì sự chính xác trong câu hỏi của cô ấy, đồng thời lại nhẹ nhõm trước tấm bình phong mà nó cung cấp cho tôi.
- Tôi không chắc, - tôi nói.
- Sao anh không kể với tôi?
Tôi cảm thấy như mình vừa bị quật ngã bằng một đòn aikido.
- Không được, - tôi nói khẽ.
- Nói chuyện với tôi khó khăn đến thế ư? - Cô ấy hỏi, giọng nhẹ nhàng.
- Không, - tôi nói, cười với đôi mắt đen của cô ấy. - Nói chuyện với cô rất dễ dàng. Đó mới là vấn đề.
Cô ấy thở dài.
- Anh là một người đàn ông kì lạ, John ạ. Anh rõ ràng chẳng thoải mái chút nào khi nói về bản thân mình.
- Tôi có hứng thú với chuyện của cô hơn.
- Chuyện của bố tôi chứ.
- Tôi nghĩ mình sẽ rút ra được một bài học từ đó. Thế thôi.
- Có vài bài học anh phải tự mình học lấy.
- Có lẽ cô nói đúng. Nhưng tôi thường cố gắng học chúng từ những người khác mỗi khi có thể. Tôi xin lỗi vì đã ép cô.
Cô ấy nở nụ cười khẽ khàng.
- Không sao. Chẳng qua những chuyện này mới xảy ra chưa lâu.
- Dĩ nhiên rồi, - tôi nói, nhận ra mình đã đi vào ngõ cụt. Tôi nhìn đồng hồ. - Tôi nên đưa cô về thôi.
Chuyện này có thể khó khăn. Một mặt, giữa chúng tôi có một sức hút không thể phủ nhận, và việc cô ấy mời tôi lên nhà để uống một li cũng không phải là điều không tưởng. Nếu cô ấy làm vậy, tôi sẽ có cơ hội để chắc chắn rằng căn hộ của cô ấy an toàn, mặc dù tôi sẽ phải cẩn thận khi chúng tôi đã vào trong nhà. Tôi không thể để một chuyện gì ngớ ngẩn xảy ra - một chuyện ngớ ngẩn hơn cả khoảng thời gian tôi đã dành ở bên cô ấy và những điều tôi đã nói.
Mặt khác, nếu cô ấy muốn về nhà một mình, tôi sẽ khó có thể hộ tống cô ấy mà không tạo cảm giác như tôi đang cố gắng tìm cách lên giường với cô ấy. Như thế sẽ thật khó xử. Nhưng tôi không thể bỏ mặc cô ấy một mình. Chúng biết cô ấy sống ở đâu.
Chúng tôi cảm ơn Satoh vì sự hiếu khách của ông ấy và việc giới thiệu đến loại rượu Ardberg quý hiếm. Tôi trả tiền, và chúng tôi đi xuống cầu thang để hòa mình vào khí trời se lạnh của đại lộ Omotesando về đêm. Đường phố vắng lặng như tờ.
- Anh định đi đường nào? - Midori hỏi tôi. - Từ chỗ này, tôi thường đi bộ về.
- Tôi sẽ đi với cô. Tôi muốn tiễn cô về tận nhà.
- Anh không phải làm thế đâu.
Tôi nhìn xuống đất một lát, rồi lại nhìn cô ấy.
- Tôi muốn vậy mà, - tôi lại nói, nghĩ đến thông điệp của Benny trên diễn đàn.
Cô ấy mỉm cười.
- Thôi được.
Chuyến đi đến tòa nhà của cô ấy mất mười lăm phút. Tôi không phát giác ra ai đằng sau tôi.
Cũng chẳng có gì lạ, vì Gã Thờ Ơ đã bị tống tiễn ra khỏi cõi đời này rồi.
Khi chúng tôi tới cửa chính của tòa nhà cô ấy, cô ấy lấy chùm chìa khóa ra và quay sang tôi.
- Jaa... (Ờ...)
Đã đến lúc nói lời chúc ngủ ngon đầy lịch sự. Nhưng tôi phải nhìn thấy cô ấy đi vào bên trong.
- Cô đi một mình lên nhà được chứ?
Cô ấy nhìn tôi ra vẻ hiểu biết, mặc dù cô ấy thực sự chẳng biết gì cả.
- Tôi sống ở đây mà. Tôi chắc chắn là tôi sẽ ổn.
- Thôi được. Cô có số điện thoại không?
Dĩ nhiên là tôi đã có nó, nhưng tôi phải giả vờ như không biết.
- Không, tôi không có điện thoại.
Ái chà. Tệ thật.
- Ồ, tôi cũng là một kẻ khá lạc hậu. Nếu có chuyện gì xảy ra, hãy gửi cho tôi một tín hiệu khói nhé?
Cô ấy cười khúc khích.
- 52756456. Tôi chỉ đang trêu anh thôi.
- Tốt lắm. Tôi có thể gọi điện cho cô không?
Trong khoảng năm phút nữa, chẳng hạn, để chắc chắn rằng không có ai đang đợi cô trong căn hộ của cô.
- Tôi hi vọng anh sẽ làm vậy.
Tôi lấy ra một cây bút và viết số điện thoại lên bàn tay.
Cô ấy đang nhìn tôi, nửa cười nửa không. Nụ hôn đang chờ tôi ở đó, nếu tôi muốn.
Tôi quay lưng và bước ngược trở lại lối đi dẫn đến con đường chính.
Cô ấy gọi với theo tôi.
- John?
Tôi ngoảnh lại.
- Tôi nghĩ trong anh có một kẻ cực đoan đang cố gắng thoát ra.
Vài lời đối đáp lập tức hiện lên trong óc tôi. Thay vào đó, tôi chỉ nói:
- Chúc ngủ ngon, Midori.
Tôi quay người và bước đi, dừng lại ở vỉa hè để nhìn lại. Nhưng cô ấy đã đi vào trong tòa nhà, và hai cánh cửa bằng kính đang đóng lại sau lưng cô ấy.      
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét