Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 9

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

Phần Hai

Âm nhạc hé lộ một quá khứ riêng tư mà, cho tới thời điểm đó, mỗi chúng ta không hề biết tới, đẩy chúng ta tới chỗ khóc cho những bất hạnh chúng ta chưa bao giờ chịu đựng và những lỗi lầm chúng ta chưa bao giờ phạm phải.
- Jorge Luis Borges -

9

Đêm đó tôi đi một quãng đường dài, lang thang qua Tokyo. Tôi thấy bồn chồn và cảm giác cần phải di chuyển, để phó mặc cho những luồng gió của thành phố đưa tôi đến nơi nào tùy ý.
Tôi dạt lên phía bắc từ Meguro, đi theo những con phố hẹp, những ngõ hẻm, những lối đi đơn độc qua những công viên không đèn.
Có điều gì đó về thành phố chết tiệt này tiếp tục thu hút tôi, cám dỗ tôi. Tôi cần phải rời đi. Tôi những muốn rời đi. Khốn kiếp, tôi đã cố rời bỏ. Nhưng tôi lại đang ở đây.
Có thể đó là số phận.
Nhưng tôi không tin vào số phận. Số phận là thứ nhảm nhí.
Vậy thì là cái gì?
Tôi đến Hikawa Jinja ở Hiro, một trong nhiều miếu thờ Thần Đạo nằm rải rác trong thành phố. Rộng khoảng ba mươi mét vuông, nó là một trong những ngôi miếu nhỏ hơn, nhưng không phải là nhỏ nhất, trong số những không gian xanh uy nghiêm này. Tôi bước qua cây cổng đá cổ xưa và ngay lập tức được bao trùm trong bóng đêm an ủi.
Tôi nhắm mắt lại, nghiêng đầu về phía trước, và hít vào bằng mũi. Tôi giơ hai bàn tay lên trước mặt và vươn các ngón tay ra như một người mù đang cố xác định nơi anh ta đã tìm thấy chính bản thân mình.
Nó ở đó, chỉ ngay sau những giới hạn của nhận thức thông thường. Cái cảm giác của một thành phố đang sống, cuộn xoáy, chồng lớp và vang đều đều khắp xung quanh tôi. Và cảm giác rằng tôi đang sống như một phần của nó.
Tôi mở mắt ra và ngẩng đầu lên. Miếu thờ được xây dựng trên một con dốc, và qua những thân cây ngoài rìa của nó tôi có thể thấy ánh sáng đèn của Hiro, và của Meguro phía xa xa.
Tokyo thật quá rộng lớn, và có thể thờ ơ một cách tàn nhẫn đến nỗi sự giúp đỡ đến từ cái ốc đảo dự bị của nó ngọt ngào hơn của bất cứ nơi nào tôi từng biết. Đó là sự yên tĩnh của những miếu thờ như Hikawa, đem lại sự đồng vọng buồn bã mà đối với tôi luôn luôn cùng mức với âm vang của một quả chuông đền thờ; niềm khuây khỏa của những nomiya nhỏ bé - những quán nước của các khu dân cư, với chỉ hai hoặc bốn ghế đối diện một quầy bar ngắn hơn nửa chiều dài một cánh cửa, được quản lí bởi một mama-san không tuổi, người có thể dịu dàng hay nghiêm nghị, tùy thuộc vào những nhu cầu của khách, một sự sắp xếp mang đến lòng an ủi và thấu hiểu hơn giường bệnh của bất cứ bác sĩ tâm lí nào; sự thân thiết vô danh kì lạ của yataitachinomi, những quầy bán hàng ăn ngoài trời nơi phục vụ bia trong các cốc lớn và nướng thức ăn trên xiên, những quầy hàng mọc lên như nấm trong các góc tối và trong bóng râm của những nhịp đường tàu cao tốc trên không, tiếng cười của những người khách quen lan trong không khí ban đêm như những chùm ánh sáng nhỏ chống lại bóng tối không ánh sáng.
Tôi di chuyển sâu hơn vào bóng đêm và ngồi xuống tựa lưng vào honden, tòa kiến trúc lợp ngói, hình dáng đối xứng, nơi trú ngụ cho vị thần của ngôi miếu nhỏ này. Tôi nhắm hai mắt và thở ra, dài và trọn vẹn, rồi lắng nghe, trong một lúc, sự tĩnh mịch.
Khi còn nhỏ tôi bị bắt quả tang lấy trộm một thanh sô-cô-la ở một cửa hàng trong khu phố. Ông bà chủ già cả ở đó biết tôi, đương nhiên, và báo cho cha mẹ tôi. Tôi rất sợ phản ứng của cha, và chối bay tất cả khi ông hỏi. Ông không tức giận. Thay vào đó ông gật đầu chậm rãi, và bảo tôi rằng điều quan trọng nhất đối với một người đàn ông là thừa nhận những gì anh ta đã làm, rằng nếu không làm được điều đó anh ta chỉ có thể là một thằng hèn. Tôi có hiểu điều đó không? Ông hỏi thế.
Lúc đó, tôi không thực sự hiểu được những gì ông muốn nói. Nhưng những lời của ông gây ra một nỗi hổ thẹn kịch liệt, và tôi thú nhận. Ông đưa tôi tới cửa hàng, nơi tôi xin lỗi trong nước mắt. Trước mặt hai người chủ, mặt ông nghiêm khắc, gần như là phẫn nộ. Nhưng khi chúng tôi ra về, trong khi tôi tiếp tục khóc vì hổ thẹn, ông nhanh chóng và vụng về kéo tôi lại bên cạnh ông, rồi nhẹ nhàng đặt bàn tay lên cổ tôi trong khi chúng tôi bước đi.
Tôi chưa bao giờ quên những gì ông đã nói với tôi. Tôi biết tôi đã làm gì, và tôi thừa nhận tất cả những điều đó.
Lần trực tiếp giết người đầu tiên của tôi là một người bộ đội Việt Nam gần sông Sê Kông, biên giới Lào. Ở Việt Nam việc được gọi là “trực tiếp giết người” là khi anh giết một người cụ thể bằng một thứ vũ khí ngắm bắn thẳng và chắc chắn tự mình thực hiện chuyện đó. Lúc đó tôi mười bảy tuổi.
Tôi là thành viên của một đội trinh sát ba người. Các đội đều rất nhỏ, và việc thành công hay sống sót phụ thuộc vào khả năng hoạt động sau chiến tuyến đối phương mà không bị họ phát hiện. Vì thế chỉ có những người có khả năng di chuyển bí mật tuyệt đối mới được chọn đi trinh sát.
Những nhiệm vụ kiểu này cần các bóng ma hơn là những kẻ sát nhân.
Chuyện đó xảy ra lúc rạng sáng. Tôi nhớ lại lúc tôi chỉ có thể thấy sương mù bốc lên khỏi mặt đất ẩm ướt khi ánh sáng len lỏi vào bầu trời. Tôi luôn luôn nghĩ đây là một đất nước đẹp đẽ. Rất nhiều lính ghét nó vì họ ghét phải ở đó, nhưng tôi không thấy thế.
Chúng tôi đã ở ngoài đồng hai đêm không liên lạc và đang hướng về điểm rút quân khi nhìn thấy người đó, một mình, đứng giữa khoảng trống. Chúng tôi không cử động và quan sát anh ta từ một hàng cây. Anh ta mang một khẩu AK, vì thế chúng tôi biết đó là bộ đội Việt Nam. Anh ta bước đi, nhìn trái, rồi nhìn phải. Anh ta dường như đang cố xác định phương hướng. Tôi nhớ là đã tự hỏi có phải anh ta bị lạc đơn vị không.
Chỉ thị của chúng tôi là tránh chạm trán, nhưng lệnh là thu thập tin tức tình báo, và chúng tôi thấy anh ta mang theo một cuốn sách lớn. Một loại sổ sách nào đó. Nó có thể là một chiến lợi phẩm tốt. Chúng tôi nhìn nhau. Đội trưởng gật đầu với tôi.
Tôi quỳ xuống và rút ra khẩu CAR-15, tìm kiếm người bộ đội Việt Nam trong tầm nhìn, chờ đợi anh ta dừng bước.
Vài giây trôi qua. Tôi biết mình có thời gian và muốn phát súng ăn chắc.
Anh ta quỳ gối và đặt khẩu súng trường cùng quyển sách xuống. Rồi anh ta đứng lên, mở khóa quần, và tiểu tiện. Hơi nước bốc lên từ nơi dòng chất lỏng nóng chạm mặt đất. Tôi giữ anh ta trong tầm ngắm, suy nghĩ suốt lúc đó rằng anh ta không biết chuyện gì đang đến và rằng đây quả là một cách khốn kiếp để chết.
Tôi đợi anh ta xong và kéo lại khóa quần. Rồi, pằng! Tôi bắn hạ anh ta. Tôi thấy anh ta ngã xuống. Tôi có cảm giác hân hoan lạ thường, rằng tôi đã thành công! Tôi đã thắng! Tôi giỏi việc này!
Chúng tôi bước qua chỗ anh ta nằm xuống. Khi tới đó, tôi kinh ngạc khi thấy anh ta vẫn còn sống. Tôi bắn trúng vào xương ức và anh ta mang một vết thương đang phập phồng trên ngực. Anh ta ngã ngửa và hai chân giạng ra. Đất bên dưới anh ta đã chuyển màu sậm vì thấm máu.
Tôi nhớ là đã sốc vì anh ta trẻ như thế nào. Trông anh ta tầm tuổi tôi. Tôi nhớ là ý nghĩ đó xẹt qua tâm trí tôi - Lạy Chúa, cũng như tôi! - khi chúng tôi đứng thành vòng tròn quanh anh ta, không biết phải làm gì.
Anh ta chớp mắt liên hồi, ánh mắt nhảy từ gương mặt này sang gương mặt khác rồi lại trở lại. Chúng dừng lại ở mặt tôi, và tôi nghĩ đó là do anh ta biết tôi là người đã bắn anh ta. Về sau, tôi nhận ra lời giải thích chắc là đơn giản hơn thế. Anh ta có lẽ đang cố lí giải những đặc điểm châu Á của tôi.
Một người tháo bi đông nước và chìa về phía anh ta. Nhưng anh ta không biểu lộ cử chỉ gì để nhận lấy nó. Hơi thở của anh ta trở nên nhanh hơn và nông hơn. Nước mắt trào ra từ khóe mắt và anh ta lẩm bẩm vài lời với một giọng cao, gắng sức mà không ai trong chúng tôi có thể hiểu được. Về sau tôi được biết những người bị thương và sắp chết trên chiến trường thường gọi mẹ họ. Anh ta có thể đang làm như vậy.
Chúng tôi nhìn anh ta. Vết thương trên ngực ngừng phập phồng. Anh ta cũng không còn chớp mắt. Đầu anh ta ngả xuống nền đất ướt ở một góc kì dị, như thể anh ta đang lắng nghe điều gì đó.
Chúng tôi đứng lặng im quanh anh ta. Cảm giác hân hoan ban đầu đã biến mất, thay thế bởi một sự thông cảm sâu sắc đến kì lạ, và một nỗi buồn kinh khủng đột ngột và nặng nề đến mức nó thực sự làm tôi muốn rên lên.
Cũng như tôi, tôi lại nghĩ. Anh ta không có vẻ là người xấu. Tôi biết trong một thế giới nào đó chúng tôi chắc sẽ không phải cố giết nhau. Có thể chúng tôi sẽ là bạn bè. Anh ta sẽ không nằm chết trên nền đất rừng thấm máu chính mình.
Một trong hai người đi cùng tôi bắt đầu khóc. Người kia bắt đầu kêu than Ôi Chúa ơi, ôi Chúa ơi, lặp đi lặp lại. Cả hai đều nôn mửa.
Tôi thì không.
Chúng tôi nhặt lấy cuốn sổ. Hóa ra là nó chứa một số thông tin khá hữu ích về việc Việt Cộng tìm cách mở rộng địa bàn tại các bản làng. Mặc dù tất nhiên, cuối cùng, chẳng việc nào trong số đó quan trọng.
Một người trên chiếc trực thăng Huey đón chúng tôi sau đó cười phá lên và nói tôi đã “mất trinh”. Không ai nói về cảm giác thực sự, hay chuyện gì đã xảy ra trong khi chúng tôi đứng thành vòng tròn câm lặng và nhìn người đó chết.
Khi quân đội đánh giá xem tôi có thích hợp để tham gia Lực lượng Đặc nhiệm - chương trình của CIA được biết đến với tên SOG - vị bác sĩ tâm lí đã tỏ ra quan tâm đặc biệt tới kinh nghiệm giết người ban đầu của tôi. Ông ta có vẻ nghĩ rằng rất đáng chú ý khi tôi không nôn mửa. Và ông ta miêu tả việc đó là “những cảm xúc tiêu cực liên kết” đã bị xua tan. Không ác mộng sau đó, điều này cũng được tính là một điểm cộng.
Về sau, tôi mới biết rằng tôi được xếp loại là thuộc về số lượng hai phần trăm kì lạ những người lính có khả năng giết chóc liên tục, không do dự, không mang trạng thái đặc biệt, không hối tiếc. Tôi không biết mình có thực sự thuộc về số đó không. Chuyện đó không dễ dàng đối với tôi như đối với Jake Khùng. Nhưng họ đã đặt tôi vào loại đó.
Một người bình thường sẽ ngạc nhiên trước phạm vi mà một người lính phải đối phó với sự do dự trước thực tế và sự hối hận về sau. Tất nhiên, một người bình thường chưa bao giờ bị buộc phải giết một người lạ mặt trong phạm vi gần.
Những người sống sót qua những vụ giết chóc ở khoảng cách gần biết rõ rằng con người bị chi phối bởi một sự miễn cưỡng bẩm sinh, sâu xa không muốn giết chính giống loài của họ. Tôi tin rằng có những cách giải thích thuộc về thuyết tiến hóa cho sự tồn tại của cảm giác miễn cưỡng này, nhưng điều đó không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là mục đích cốt yếu của việc đào tạo cơ bản cho phần lớn binh sĩ là sử dụng các kĩ thuật điều tiết cổ điển và có hiệu quả để trấn áp cảm giác miễn cưỡng đó. Tôi biết các khóa huấn luyện hiện đại đạt được mục tiêu này với một hiệu quả tàn khốc. Tôi cũng biết rằng việc huấn luyện giải quyết sự miễn cưỡng tốt hơn là giải quyết sự hối hận.
Tôi ngồi đó một lúc lâu, sắp xếp lại những kí ức. Cuối cùng tôi bắt đầu thấy lạnh. Tôi trở lại khách sạn, cảnh giác phía sau như mọi khi dọc đường về. Tôi tắm một bồn nước nóng giãy, rồi chui vào một trong những bộ yukata (loại kimono hè thông thường) bằng cotton mà khách sạn đã chu đáo chuẩn bị. Tôi kéo một chiếc ghế ra trước cửa sổ và ngồi trong bóng tối, nhìn giao thông chuyển động dọc theo phố Hibiya, hai mươi tầng nhà bên dưới. Tôi nghĩ đến Midori. Tôi tự hỏi nàng đang làm gì ngay lúc này ở đầu bên kia thế giới.
Khi giao thông bắt đầu thưa dần, tôi mới leo lên giường. Giấc ngủ tới chậm chạp. Tôi mơ thấy Rio.
Cảm giác thật xa xôi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét