Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Người Con Trai - Phần 1

Người Con Trai

Tác giả: Jo Nesbo
Người dịch: Thiên Nga
Nhà XB Hà Nội & Nhà Sách Nhã Nam  - 2017

Và Người sẽ trở lại để phán xét những người đang sống và kẻ đã chết.

Phần Một

1

Rover cứ dán mắt nhìn sàn bê tông sơn trắng trong gian xà lim mười một mét vuông. Gã cắn xuống cái răng cửa bọc vàng hơi dài ở hàm dưới. Gã đã đến chỗ nặng nề nhất trong lời xưng tội. Âm thanh duy nhất trong xà lim là tiếng móng tay gã cào cào hình xăm Đức Mẹ trên cẳng tay. Cậu thanh niên ngồi xếp bằng trên giường đối diện vẫn im lặng từ lúc Rover vào. Cậu ta chỉ gật đầu và mỉm cười an nhiên như Đức Phật, cái nhìn dồn vào một điểm trên trán Rover.
Người ta gọi cậu ta là Sonny và nói hồi còn trẻ cậu ta đã sát hại hai mạng người, cha cậu ta là một cảnh sát tha hóa và Sonny có đôi tay chữa bệnh. Khó mà chắc cậu ta có lắng nghe hay không, đôi mắt xanh lá và gần hết khuôn mặt cậu ta khuất sau mái tóc rối dài, nhưng chuyện đó hề gì. Rover chỉ muốn được tha tội và Sonny ban phúc lành để ngày mai bước ra khỏi Nhà tù An ninh Tối đa Staten gã cảm thấy mình là một con người đã hoàn toàn được thanh tẩy. Chẳng phải Rover ngoan đạo nhưng cũng chẳng hại gì khi gã có ý sửa đổi, thực bụng muốn hoàn lương. Rover hít một hơi thật sâu.
- Tôi nghĩ cô ta là người Belarus. Minsk là ở Belarus, phải không nào?
Rover liếc nhanh lên, nhưng cậu thanh niên không đáp.
- Nestor đặt biệt danh cô ta là Minsk, - Rover nói. - Hắn lệnh cho tôi bắn cô ta.
Lợi ích thấy rõ của việc thú tội với kẻ đầu óc phê thuốc là chẳng còn cái tên hay sự kiện nào bám lại trong cậu ta; y như mình tự nói với mình. Có lẽ điều này giải thích vì sao phạm nhân ở Staten thích anh chàng này hơn cha tuyên úy hay bác sĩ tâm lý.
- Nestor nhốt cô ta cùng tám đứa con gái nữa trong một cái chuồng ở tận Enerhaugen. Người Đông Âu và châu Á. Trẻ. Thiếu nữ. Ít ra thì tôi cũng hy vọng chúng cỡ tuổi đó. Nhưng Minsk thì lớn tuổi hơn. Mạnh hơn. Cô ta trốn thoát. Chạy đến tận công viên Toyen rồi chó của Nestor mới đuổi kịp. Giống chó lớn tai cụp Argentina - biết tôi đang nói gì không?
Mắt cậu thanh niên không hề máy động, nhưng cậu ta đưa tay lên. Sờ chòm râu. Mấy ngón tay bắt đầu thong thả chải. Cánh tay áo sơ mi cáu bẩn, rộng thùng thình tuột xuống để lộ những vảy vết thương và dấu kim tiêm. Rover nói tiếp.
- Lũ chó trắng như bạch tạng to con khát máu ấy. Chủ chỉ vào cái gì là xé xác cái ấy. Cả khá nhiều thứ chủ không chỉ. Bị cấm ở Na Uy, đương nhiên rồi. Một gã ngoài Raelengen kiếm được vài con ở Cộng hòa Séc, cho lai giống rồi đăng ký là chó boxer trắng. Tôi với thằng Nestor đến đó mua một con còn bé. Mất hơn năm chục ngàn đô la tiền mặt. Con cún dễ thương đến nỗi không làm sao ta nghĩ là nó... - Rover ngừng. Gã biết mình nói về chó chỉ để trì hoãn điều không thể tránh. - Nhưng dù sao thì...
Dù sao. Rover nhìn hình xăm bên cẳng tay kia. Nhà thờ có hai chóp. Mỗi chóp cho một hạn tù gã từng chấp hành, cả hai đều không dính dáng gì đến lời xưng tội hôm nay. Gã từng cung cấp súng cho một băng nhóm mô tô và còn tự chế lại một số ở xưởng. Gã giỏi việc đó. Quá giỏi. Giỏi đến mức không thể ẩn dưới tầm ra đa mãi và vậy là gã bị bắt. Và giỏi đến độ, khi còn chấp hành án tù đầu, gã được Nestor bảo trợ. Nestor muốn nắm chắc việc sở hữu được gã để từ đó trở đi chỉ mình hắn có những khẩu súng chiến nhất, thay vì băng nhóm mô tô hay đối thủ nào khác. Hắn trả công Rover trong vài tháng còn nhiều hơn gã từng mong kiếm được từ cả đời ngồi sửa mô tô trong xưởng. Nhưng đổi lại Nestor đòi hỏi nhiều thứ. Quá nhiều.
- Cô ta nằm trong bụi cây, đâu cũng thấy máu. Cô ta cứ nằm đó, bất động, nhìn trân trối lên bọn tôi. Mặt cô ta bị chó ngoạm mất một mảng - cậu có thể nhìn thấy răng lòi ra.
Rover nhăn mặt. Đi thẳng vào vấn đề.
- Nestor nói đã đến lúc dạy với chúng một bài học, cho mấy đứa kia thấy chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng. Vả lại mặt mũi như vậy thì giờ Minsk cũng không ích gì cho hắn nữa...
Rover nuốt nước bọt.
- Vậy nên hắn kêu tôi làm đi. Kết liễu cô ta. Đó là cách để tôi chứng tỏ lòng trung thành, cậu thấy đấy. Tôi có một khẩu súng lục Ruger MK II loại cũ tôi có chế lại đôi chỗ. Tôi định làm chuyện đó. Thật sự là vậy. Vấn đề không phải ở đó...
Rover cảm thấy cổ họng se thắt. Gã cứ nghĩ về chuyện đó mãi, nhớ lại mấy giây ấy trong đêm ở công viên Toyen, cứ thấy đi thấy lại cô gái. Nestor và gã nắm vai trò cầm đầu còn bọn kia làm nhân chứng câm lặng. Đến cả con chó cũng im thin thít. Gã nghĩ đến chuyện đó đâu cũng cả trăm lần? Ngàn lần? Vậy mà đến phút này, lần đầu nói những điều ấy ra thành lời, gã mới nhận ra đó không phải là nằm mơ, nó xảy ra thật. Hay đúng hơn, như thể giờ phút này thân xác gã mới chấp nhận chuyện đó. Vì vậy mà bụng gã quặn lên. Rover hít thở sâu qua mũi để nén cơn buồn nôn.
- Nhưng tôi không làm được. Dù tôi biết cô ta sắp chết. Bọn nó cho con chó chực sẵn nên tôi nghĩ tôi ấy à, thà lãnh một viên đạn hơn. Nhưng cò súng cứ như chốt cứng tại chỗ. Tôi không bóp cò được.
Dường như cậu thanh niên khẽ gật. Để phản ứng lại điều Rover đang kể hoặc một tiếng nhạc chỉ mình cậu ta nghe thấy.
- Nestor nói bọn tôi không đủng đỉnh cả ngày được, dù gì cũng đang ở trong công viên. Vậy là hắn rút từ bao súng bên đùi ra một con dao nhỏ, cong, bước tới, túm tóc, lôi thốc cô ta lên rồi cứ vậy thọc dao vào trước họng cô ta. Cứ như moi ruột cá. Máu vọt ra ba bốn luồng, thế rồi cô ta cạn không còn giọt máu.
Nhưng mà cậu biết cái gì làm tôi nhớ nhất không? Con chó. Cái kiểu nó cất tiếng tru trước cảnh toàn máu là máu đó.
Rover cúi người về trước, hai cùi chỏ tì trên đầu gối. Gã đưa tay lên bịt tai rồi cứ lắc tới lui.
- Rồi tôi chẳng làm gì cả. Tôi cứ đứng đó, nhìn theo. Tôi chẳng làm đếch gì cả. Khi chúng lấy chăn quấn cô ta rồi khiêng ra xe, tôi chỉ nhìn. Cả bọn chở cô ta vào rừng, ở Ostmarksetra. Khiêng cô ta lên rồi thả lăn xuống con dốc chạy về hướng Ulsrudsvannet. Ở đó có nhiều người dắt chó đi dạo nên hôm sau họ phát hiện ra cô ta. Vấn đề là, Nestor muốn người ta tìm thấy cô ta, cậu hiểu không? Hắn muốn trên báo có hình về cái đã xảy ra cho cô ta. Để hắn cho mấy đứa con gái kia xem.
Rover bỏ hai tay khỏi tai.
- Tôi không còn ngủ được nữa; cứ nhắm mắt lại là tôi thấy ác mộng. Đứa con gái khuyết mất mảng cằm nhoẻn cười với tôi, trốc cả hàm răng. Vậy nên tôi đi gặp thằng Nestor nói là tôi muốn rút. Nói là tôi đã chán mài mấy con Uzi và Glock, tôi muốn quay lại nghề sửa mô tô. Sống một đời bình yên, không phải cứ nơm nớp sợ bọn cớm. Nestor nói OK, chắc hắn cũng ngờ ngợ là tôi không có tố chất để trở thành một tay anh chị. Nhưng hắn nói rành mạch là tôi mà bép xép thì chuyện lớn sẽ xảy ra cho tôi. Tôi tưởng bọn tôi đã dứt khoát với nhau rồi. Tôi từ chối hết mọi phi vụ được mời mọc dù vẫn còn thủ sẵn vài con Uzi ngon lành. Nhưng tôi cứ nghĩ bọn chúng đang nung nấu gì đó. Là tôi sẽ bị khử. Vì vậy mà tôi như nhẹ cả người khi cảnh sát mò đến rồi tôi bị đem đi. Tôi nghĩ ngồi tù sẽ được an toàn hơn. Tôi bị tóm vì một vụ cũ rồi - tôi chỉ là đồng phạm, nhưng trước đó họ đã bắt được hai gã mà cả hai đều khai tôi cung cấp vũ khí cho chúng. Tôi nhận tội ngay lập tức.
Rover cười sằng sặc. Gã bật ho. Gã ngả người ra ghế.
- Mười tám tiếng nữa tôi ra khỏi đây rồi. Chưa biết thứ gì đang chờ tôi ngoài kia. Nhưng tôi chắc Nestor biết tôi sắp ra dù tôi được thả sớm bốn tuần. Hắn biết hết mọi chuyện diễn ra trong chốn này và với tụi cảnh sát, tôi tin chắc chuyện đó. Hắn có tai mắt khắp nơi. Nên tôi nghĩ, hắn mà muốn tôi chết thì đã cho khử tôi trong này hơn là chờ tôi ra. Cậu thấy sao?
Rover chờ. Im lặng. Cậu thanh niên không tỏ vẻ gì là đang nghĩ ngợi.
- Dù có thế nào, - Rover nói, - được ban phúc một chút thì cũng có mất gì đâu, đúng không?
Đến mấy chữ “ban phúc” thì mắt Sonny như vụt sáng và cậu ta giơ tay phải lên ra hiệu cho Rover lại gần, quỳ xuống. Rover quỳ xuống tấm thảm cầu nguyện trải trước giường. Franck không cho phép phạm nhân nào khác trải thảm trên sàn xà lim đó là một phần trong mô hình Thụy Sĩ họ áp dụng tại Staten: không một thứ dư thừa trong xà lim. Vật dụng cá nhân chỉ nội trong hai mươi món. Nếu muốn một đôi giày, ta sẽ phải bỏ lại hai quần lót hay hai cuốn sách.
Rover ngước lên nhìn mặt Sonny. Cậu thanh niên đưa đầu lưỡi thấm ướt cặp môi khô khốc tróc vảy. Giọng cậu ta nhẹ nhàng lạ lùng dù câu chữ thốt ra chậm rãi, phát âm thật rõ ràng.
- Thần thánh trên trời dưới đất thảy đều sẽ khoan dung và tha thứ tội lỗi cho ngươi. Ngươi sẽ chết, nhưng linh hồn kẻ có tội biết ăn năn sẽ được đưa lên Thiên đàng. Amen.
Rover cúi đầu. Gã cảm nhận được bàn tay chàng trai trên cái đầu cạo trọc của gã. Sonny thuận tay trái, nhưng trong trường hợp này thì chẳng cần tài giỏi gì cũng đoán được cậu ta đoản mệnh hơn hầu hết người thuận tay phải. Chuyện dùng quá liều có thể xảy ra nay mai, hay chục năm nữa - sao biết được? Nhưng Rover không hề nghĩ dù chỉ một phút là bàn tay cậu thanh niên này có khả năng chữa bệnh như thiên hạ đồn. Gã cũng không thực bụng tin chuyện ban phúc này. Vậy sao gã ở đây? Chậc, tôn giáo cũng giống như bảo hiểm hỏa hoạn vậy thôi; có khi nào ta thực bụng nghĩ mình sẽ cần đến đâu, nên khi thiên hạ nói anh chàng này sẵn sàng nhận thay tội lỗi của ta mà không cần đền đáp, thì cớ gì mà không đồng ý để có chút thanh thản tâm hồn? Cái Rover thắc mắc là người như Sonny sao có thể giết chóc lạnh lùng như vậy. Chẳng hợp lý gì cả. Có lẽ chuyện này giống như câu ngạn ngữ xưa: quỷ dữ đội nhiều lốt.
- Salaam alaikum, - có tiếng nói và bàn tay giơ lên.
[Cầu chúc bình an: Câu chào giữa những tín đồ Hồi giáo]
Rover ngồi yên vị và đầu cúi thấp. Đưa lưỡi liếm mặt trong cái răng vàng lang láng. Giờ gã đã sẵn sàng chưa? Sẵn sàng gặp Chúa Trời nếu như đó là số phận của gã? Gã ngẩng đầu lên.
- Tôi biết cậu không bao giờ đòi hỏi gì đáp lại, nhưng mà...
Gã nhìn bàn chân trần của cậu thanh niên giấu bên dưới cẳng chân. Gã thấy mấy vết kim tiêm trên sợi ven lớn ở mu bàn chân.
- Tôi chịu hạn tù sau cùng ở Botsen và trong đó dễ kiếm ma túy, chẳng có rắc rối gì. Dù gì thì Botsen cũng đâu phải nhà tù an ninh tối đa. Người ta nói với những gì Franck làm, không cách nào tuồn gì vào Staten được, nhưng... - Rover thò tay vào túi - nhưng cũng không hẳn.
Gã lôi ra một thứ. Nó cỡ bằng chiếc điện thoại di động, một vật mạ vàng hình thù như súng lục. Rover bóp cò. Một ngọn lửa nhỏ từ họng súng tóe ra.
- Thấy thứ giống vầy bao giờ chưa? Ừ phải, tôi dám chắc là cậu thấy rồi. Mấy tay sĩ quan khám xét người lúc tôi đến đây thì đương nhiên đã thấy. Chúng bảo tôi là chúng bán chui thuốc lá rẻ tiền, nếu tôi có hứng. Vì vậy mà chúng để tôi giữ chiếc bật lửa. Tôi chắc bọn chúng đã không đọc lý lịch tư pháp của tôi. Thời buổi này chẳng ai lo việc của mình cho tử tế cả - khiến ta lấy làm lạ sao ở xứ này có việc gì xong xuôi được.
Rover nhấc nhấc chiếc bật lửa trong tay.
- Tám năm trước tôi chế ra hai cái thế này. Nói không phải khoe chứ cho cậu biết ở Na Uy này không ai làm được hơn vậy đâu. Một tay trung gian đã liên lạc tôi nói rằng khách hàng muốn có một khẩu súng mà gã sẽ không phải giấu, một khẩu súng trông không giống súng. Vậy là tôi nghĩ ra cái này. Đầu óc người ta làm việc buồn cười thật đấy. Mới đầu họ nghĩ nó là súng, đương nhiên. Nhưng khi ta cho họ thấy dùng nó làm bật lửa được thì họ lại quên béng nó là súng. Họ còn nghĩ nó có thể là bàn chải đánh răng hay tuốt nơ vít nữa chứ. Nhưng đời nào lại là súng. Vậy nên...
Rover vặn con ốc dưới báng súng.
- Nó nạp được hai viên đạn 9 li. Tôi gọi nó là Kẻ Giết Cặp Đôi Hạnh Phúc.
Gã hướng nòng súng vào chàng trai.
- Một viên cho em, cưng... - Rồi gã chĩa vào thái dương mình. - Và một viên cho anh...
Tiếng Rover cười nghe lạc lõng kỳ lạ trong xà lim chật chội.
- Dù sao. Đáng ra tôi chỉ được làm một cái; khách hàng không muốn ai khác biết bí mật đằng sau phát minh nho nhỏ của tôi. Nhưng tôi đã làm thêm cái nữa. Rồi tôi mang bên mình phòng thân, lỡ như Nestor quyết định tìm cách khử tôi trong tù. Nhưng vì mai tôi ra tù rồi và không cần đến nó nữa, giờ nó là của cậu. Còn đây...
Rover rút từ túi bên kia ra một gói thuốc.
- Vì cậu giữ bật lửa mà không có thuốc lá thì trông không được bình thường, đúng không?
Đoạn gã rút ra tấm danh thiếp ố vàng ghi “Xưởng sửa chữa mô tô Rover” đút vào gói thuốc.
- Đây là địa chỉ của tôi, biết đâu một ngày kia cậu có mô tô cần sửa. Hay muốn kiếm cho mình một con Uzi. Như tôi nói đấy, tôi vẫn còn để sẵn vài khẩu...
Cửa mở ra phía ngoài rồi một giọng oang oang:
- Ra, Rover!
Rover quay lại. Cái quần dài của tên quản giáo đứng bên khung cửa xệ xuống vì chùm chìa khóa to tướng lủng lẳng trên dây nịt mà một phần đã bị cái bụng trào qua lưng quần như bột nhào đang nở che lấp bớt.
- Đức Giáo hoàng có khách đến thăm. Muốn gọi là thân nhân cũng được. - Hắn cười hô hố rồi quay qua người đàn ông sau lưng. - Không mếch lòng chứ hả, Per?
Rover đút gọn khẩu súng với gói thuốc xuống dưới tấm chăn lông trên giường của cậu thanh niên rồi nhìn cậu ta lần cuối.
Rồi gã lẹ làng quay đi.
Cha tuyên úy của trại cố nhoẻn cười trong khi, theo phản xạ tự nhiên, vuốt thẳng chiếc cổ đứng không được vừa vặn. Thân nhân. Không mếch lòng. Ông thấy muốn nhổ vào bộ mặt béo phị, nhăn nhở của tên quản giáo, nhưng thay vì vậy ông gật đầu chào phạm nhân từ xà lim đi ra và vờ như biết hắn ta là ai. Liếc nhìn mấy hình xăm trên cẳng tay hắn. Đức Mẹ và nhà thờ. Nhưng không, theo năm tháng những gương mặt và hình xăm đã nhiều lên nên ông không còn phân biệt ra ai là ai trong đám họ.
Cha tuyên úy bước vào. Ông ngửi thấy mùi nhang. Hay thứ gì đó làm ông nghĩ đến nhang. Như ma túy đang được hơ nóng.
- Chào, Sonny.
Thanh niên ngồi trên giường không ngẩng lên, nhưng thong thả gật đầu. Per Vollan cho rằng như vậy nghĩa là sự hiện diện của mình đã được ghi nhận, công nhận. Chấp nhận.
Ông ngồi xuống ghế và thấy hơi khó chịu khi cảm nhận được hơi ấm của người ngồi trước đó. Ông đặt cuốn Kinh thánh mang theo trên giường cạnh chàng trai.
- Hôm nay ta có đặt hoa lên mộ bố mẹ cậu, - ông nói. - Ta biết là cậu không nhờ ta làm, nhưng...
Per Vollan cố đón bắt ánh mắt chàng trai. Ông cũng có hai người con trai; cả hai đều đã lớn khôn và lìa xa mái ấm dòng họ Vollan. Như Vollan từng làm.
Khác ở chỗ lúc nào con trai ông cũng được đón mừng trở về.
Tại tòa một thầy giáo làm nhân chứng cho bị cáo đã khai rằng Sonny là một học trò xuất sắc, một tay đấu vật tài năng, được mọi người yêu mến, hay giúp đỡ người khác, thực ra cậu bé còn tỏ ý muốn trở thành cảnh sát như cha. Nhưng từ khi người ta tìm thấy xác cha cậu cạnh bức thư tuyệt mệnh trong đó ông thú nhận đã tha hóa thì không thấy Sonny đến trường nữa. Cha tuyên úy cố hình dung nỗi hổ thẹn của cậu bé mười lăm tuổi. Cố hình dung nỗi nhục của các con mình nếu có ngày chúng biết được chuyện cha mình đã làm. Ông lại vuốt thẳng cổ áo.
- Cảm ơn, - Sonny nói.
Per thấy Sonny trông trẻ lạ lùng. Vì giờ hẳn cậu ta đã gần ba mươi. Đúng rồi.
Sonny ngồi tù đã mười hai năm mà ngày bị tống giam cậu ta mười tám. Có lẽ chính ma túy đã bao bọc cậu ta, không để cậu ta già đi nên chỉ có râu tóc là mọc dài còn đôi mắt trẻ thơ vẫn cứ nhìn đời lạ lẫm. Một cõi đồi bại. Có Chúa biết là nó xấu xa. Per Vollan làm cha tuyên úy hơn bốn mươi năm nay và đã thấy cõi đời chất chồng tội lỗi. Cái ác lây lan như ung thư, làm các tế bào khỏe mạnh bệnh hoạn đi, tặng cho chúng vết cắn của ma cà rồng rồi chiêu mộ chúng đi lo việc phá hoại. Mà đã bị cắn rồi thì chưa một ai thoát được. Không một ai.
- Cậu thế nào, Sonny? Hôm được ra ngoài cậu có thích không? Cậu được nhìn thấy biển rồi chứ?
Không đáp.
Per Vollan hắng giọng.
- Quản giáo nói là cậu được thấy biển rồi. Ắt cậu đã đọc thấy trên báo là hôm sau người ta phát hiện một phụ nữ bị sát hại, cách chỗ cậu đến không xa. Người ta tìm thấy bà ta trên giường, tại nhà riêng. Đầu bị... mà thôi. Mọi tình tiết đều trong này... - Ông gõ gõ ngón tay lên cuốn Kinh Thánh. - Viên sĩ quan tường trình là khi đang ở biển cậu bỏ trốn rồi một giờ sau anh ta tìm thấy cậu bên đường. Bảo rằng cậu không chịu giải thích cậu đã đi đâu. Cậu không được nói gì mâu thuẫn với báo cáo của anh ta, chuyện đó rất quan trọng, cậu hiểu không? Như mọi khi cậu sẽ phải nói càng ít càng tốt. Được chứ Sonny?
Cuối cùng Per Vollan cũng bắt được ánh mắt chàng trai. Biểu hiện nơi Sonny không cho Per biết gì nhiều về cái đang diễn ra trong đầu cậu ta, nhưng ông cảm thấy khá chắc là Sonny Lofthus sẽ làm theo chỉ dẫn và không khai gì thừa với cảnh sát hay công tố viên. Cậu ta chỉ cần làm mỗi một chuyện là nhỏ nhẹ thốt ra hai chữ “có tội” khi đứng trước tòa. Dù nghe có vẻ ngược đời nhưng đôi lúc Vollan cảm nhận được một phương hướng, một sức mạnh ý chí, một bản năng sinh tồn làm cho tên nghiện này khác với bọn kia, vốn cứ rơi tự do, chưa bao giờ có dự tính nào khác, cứ tiến dần xuống nơi lầy lội. Sức mạnh ý chí này có thể bộc lộ ra như một tia sáng suốt bất chợt, một câu hỏi cho thấy cậu ta vẫn chú ý, nghe và thấy hết. Hay trong cách cậu ta bỗng đứng lên, có sự phối hợp, thăng bằng và uyển chuyển ta không thấy những người nghiện nặng khác. Mặc dù những lúc khác thì, như lúc này chẳng hạn, dường như cậu ta không ghi nhận điều gì cả.
Vollan cục cựa trên ghế.
- Dĩ nhiên điều này nghĩa là trong một thời gian cậu sẽ không được ra ngoài lần nào nữa. Nhưng dù sao thì cậu cũng đâu có thích bên ngoài, đúng không? Vả lại cậu cũng đã thấy biển rồi.
- Đó là sông. Có phải lão chồng làm chuyện đó không?
Cha tuyên úy giật nảy người. Như khi có gì thình lình vọt qua làn nước đen kịt trước mặt.
- Ta không biết. Chuyện đó có quan trọng không?
Không trả lời. Vollan thở dài. Ông lại cảm thấy buồn nôn. Hình như dạo này nó cứ trở đi trở lại. Có lẽ ông phải lấy cái hẹn với bác sĩ để kiểm tra xem sao.
- Cậu đừng lo chuyện đó, Sonny. Cứ nhớ là ngoài kia những người như cậu phải đào bới cả ngày mới có cú chích tiếp theo. Còn trong đây mọi thứ đều được lo đầy đủ. Với lại đừng quên là thời gian qua đi rất nhanh. Một khi mãn hạn tù cậu sẽ không còn ích lợi gì cho họ nữa, nhưng có vụ án mạng này thì cậu có thể kéo dài thời hạn ngồi tù.
- Vậy đó là lão chồng rồi. Hắn giàu phải không?
Vollan chỉ vào cuốn Kinh Thánh.
- Trong đây cậu sẽ tìm thấy mô tả căn nhà cậu đã vào. Nhà lớn và đầy đủ tiện nghi. Nhưng chuông báo động lẽ ra phải canh giữ bấy nhiêu tài sản ấy lại không bật; cửa trước thậm chí cũng chẳng khóa. Họ nhà này là Morsand. Gã chủ tàu có miếng bịt một bên mắt. Thấy gã trên báo rồi, phải không?
- Phải.
- Thật à? Ta không nghĩ cậu...
- Phải, tôi đã giết bà ta. Được rồi, tôi sẽ đọc kỹ chỗ tôi đã làm chuyện đó ra sao.
Per Vollan thở phào.
- Tốt rồi. Có vài tình tiết về việc bà ta bị giết ra sao cậu phải thuộc nằm lòng.
- Phải.
- Bà ta... đỉnh đầu bị cưa đứt. Cậu đã dùng cưa. Cậu hiểu không?
Những từ này được thốt ra sau một khoảng im lặng hồi lâu mà Per Vollan định lấp đầy bằng chất nôn. Nôn ra thì vẫn hay ho hơn là lợi dụng thằng nhóc.
Ông nhìn cậu ta. Điều gì định đoạt kết cục một cuộc đời? Một loạt sự kiện ngẫu nhiên ta không kiểm soát được hay một sức hút hấp dẫn nào đó của vũ trụ kéo mọi thứ về hướng nó được định trước phải đi? Ông nới chiếc cổ đứng vướng víu kỳ lạ, nén cơn buồn nôn và rắn mình lại. Nhớ đến những gì đang gặp nguy.
Ông đứng lên.
- Nếu cậu cần liên lạc với ta thì lúc này ta đang trọ tại Trung tâm Ila ở quảng trường Alexander Kiellands.
Ông thấy cái nhìn kỳ quặc của chàng trai.
- Chỉ tạm lúc này thôi, cậu hiểu mà. - Ông cười trừ. - Bà vợ tống cổ ta ra khỏi nhà và bởi ta có quen biết mấy người điều hành trung tâm, họ...
Ông dừng giữa chừng. Ông chợt nhận ra vì sao nhiều bạn tù tìm đến chàng trai để trò chuyện như vậy. Đó là sự im lặng. Khoảng chân không mời gọi của kẻ chỉ lắng nghe mà không phản ứng hay phán xét. Kẻ rút tỉa từ ta những lời nói và bí mật mà không làm bất cứ thứ gì. Cả đời ông đã cố đạt được khả năng đó với tư cách cha tuyên úy, nhưng như thể các tù nhân đánh hơi thấy ông có động cơ. Họ không biết là gì, chỉ hiểu rằng biết được bí mật của họ ông sẽ có được điều ông muốn. Tiếp cận linh hồn họ để biết đâu sau này sẽ nhận phần thưởng người tuyển mộ trên Thiên đường.
Cha tuyên úy thấy cậu thanh niên đã mở cuốn Kinh Thánh. Một cái mẹo rất đơn giản, thật khôi hài; những chỗ cắt xén giữa các trang tạo thành một cái ngăn. Bên trong có xếp mấy tờ báo chứa thông tin Sonny cần để thú tội. Và ba gói nhỏ đựng heroin.

2

Arild Franck quát gọn hai chữ “Vào đi!” mà mắt vẫn không rời tài liệu trên bàn.
Hắn nghe thấy cửa mở. Ina, thư ký riêng của hắn ngoài tiền sảnh, thông báo hắn có khách và, trong một thoáng Arild Franck đã định bảo cô nói lại với cha tuyên úy là hắn bận. Vậy cũng không gọi là nói dối được; nửa giờ nữa hắn có cuộc họp với ủy viên tại Politthuset, trụ sở cảnh sát Oslo. Nhưng gần đây Per Vollan không được kiên định như họ cần nên kiểm lại xem ông ta có xoay xở tiếp được không thì cũng chẳng hại gì. Vụ này không được có sai sót, không một sai sót nào.
- Thôi khỏi ngồi, - Arild Franck nói, ký tài liệu rồi đứng lên. - Chúng ta sẽ vừa đi vừa nói.
Hắn tiến ra cửa, lấy mũ đồng phục trên giá áo và nghe tiếng chân cha tuyên úy lệt bệt sau lưng. Arild Franck nói với Ina là một tiếng rưỡi nữa hắn về rồi ấn ngón trỏ lên thiết bị cảm biến bên cửa dẫn đến cầu thang. Nhà tù này có hai tầng mà không có thang máy. Thang máy tức là đường thông mà cái này cũng tức là không biết bao nhiêu là lối thoát và cần phải đóng lại trong trường hợp có cháy.
Và một vụ hỏa hoạn cùng cảnh sơ tán hỗn loạn theo sau chỉ là một trong nhiều chiêu mà bọn tù khôn lỏi ở các nhà tù khác từng dùng để vượt ngục. Cũng vì lý do đó mà mọi dây cáp điện, tủ đựng cầu chì và ống nước đều được lắp đặt sao cho phạm nhân không tiếp cận được, hoặc nằm bên ngoài tòa nhà hoặc được trát xi măng hẳn trong tường. Ở đây người ta không chừa lại một cơ may nào. Hắn không chừa lại một cơ may nào. Hắn đã họp bàn với các kiến trúc sư và chuyên viên về trại giam quốc tế khi họ vẽ bản thiết kế cho Staten. Phải thừa nhận là Nhà tù Lenzburg tại bang Aargau ở Thụy Sĩ đã đem lại ý tưởng: cực kỳ hiện đại, nhưng đơn giản và nhấn mạnh ở tính an ninh và hiệu quả hơn là tiện nghi.
Nhưng chính hắn, Arild Franck, mới là người chịu trách nhiệm sáng tạo ra nó.
Staten là Arild Franck và ngược lại. Vậy thì tại sao ủy ban, với sự sáng suốt vô biên của họ, cầu cho họ xuống địa ngục cả đi, lại chỉ cho hắn làm phó giám thị và đi bổ nhiệm gã đần của Nhà tù Haldern đó làm giám thị? Đúng, Franck như viên kim cương thô và, không, hắn không phải là loại hay bợ đỡ các chính khách bằng cách nhảy cẫng sung sướng trước mỗi sáng kiến xuất sắc mới nhằm cải tổ hệ thống nhà tù khi mà những cải cách trước đó còn chưa được thực hiện.
Nhưng hắn biết cách để làm việc của mình - cứ nhốt thiên hạ lại nhưng không để cho chúng mắc bệnh, chết hay vì vậy mà trở thành những con người xấu xa hơn thấy rõ. Hắn trung thành với những ai xứng với lòng trung thành của hắn và hắn chăm lo cho những kẻ trung thành với mình. Vậy vẫn hơn thượng cấp của hắn trong cái hệ thống có động cơ chính trị và thối nát tận ruột này. Trước khi bị cố ý gạt khỏi vị trí giám thị Arild Franck những mong lúc về hưu có một tượng bán thân nho nhỏ làm kỷ niệm để trong tiền sảnh - mặc dù vợ hắn nói thẳng là cái cổ trâu, mặt chó bull và nhúm tóc lơ thơ vét từ bên này sang bên kia đầu hắn sẽ không phù hợp để tạc tượng. Nhưng nếu thiên hạ không biết tưởng thưởng những thành tích của ta, quan điểm của hắn về chuyện này là ta phải tự lo thôi.
- Tôi không thể làm tiếp chuyện này, Arild, - Per Vollan sau lưng hắn nói khi cả hai bước dọc hành lang.
- Làm cái gì?
- Tôi là cha tuyên úy. Cái ta đang làm với thằng bé - bắt nó đưa đầu ra chịu cái nó không làm. Ngồi tù thay cho một lão chồng...
- Khẽ chứ.
Bên ngoài cửa vào phòng điều khiển, hay Franck thích gọi là “đài chỉ huy”, họ đi ngang ông già đang lau sàn và ông ta dừng tay gật đầu thân tình chào Franck. Johannes là người lớn tuổi nhất trong tù và là phạm nhân rất hợp ý Franck, một người hiền lành mà vào thời điểm nào đó thế kỷ trước đã bị hốt - gần như tình cờ - vì buôn lậu ma túy, từ đó đến nay chưa từng làm hại dù chỉ một con ruồi và qua nhiều năm đã trở nên có phép tắc, lệ thuộc và ngoan ngoãn đến mức thứ duy nhất khiến ông ta kinh sợ là ngày được phóng thích. Buồn thay, những phạm nhân như ông ta không tượng trưng cho sự thách thức đối với một nhà tù như Staten.
- Ông đang bị lương tâm giày vò sao, Vollan?
- Phải, phải, đúng thế, Arild.
Franck không sao nhớ chính xác nhân viên của mình bắt đầu gọi cấp trên bằng tên từ bao giờ, hay các giám thị bắt đầu mặc thường phục thay vì đồng phục từ khi nào. Ở một số nhà tù ngay cả quản giáo cũng mặc thường phục.
Trong một cuộc làm loạn tại Nhà tù Francisco de Mar ở Sao Paulo, các sĩ quan đã bắn hơi cay vào đồng nghiệp vì không sao phân biệt được nhân viên với phạm nhân.
- Tôi muốn rút, - cha tuyên úy khẩn nài.
- Vậy có đúng không? - Franck rảo bước xuống cầu thang.
Một người đàn ông chưa tới mười năm nữa sẽ về hưu mà như hắn là sung sức, bởi hắn tập luyện. Một đức tính bị lãng quên trong cái ngành mà chứng béo phì đã thành lệ hơn là ngoại lệ. Và chẳng phải hắn đã huấn luyện đội bơi trong vùng thời con gái hắn còn thi đấu sao? Những khi rảnh rỗi hắn đã góp phần mình cho cộng đồng, đáp lại chút gì cho đất nước đã ban phát quá nhiều cho biết bao người này còn gì? Vậy sao bọn họ dám xem nhẹ hắn.
- Vậy chứ với mấy thiếu niên chúng tôi chứng kiến ông lạm dụng thì lương tâm ông thế nào hả, Vollan?
Franck ấn ngón trỏ lên thiết bị cảm biến ở cửa kế tiếp; cửa này đưa họ vào một hành lang mà về phía Tây là các xà lim, còn về phía Đông là dãy phòng thay đồ dành cho nhân viên và lối ra bãi đỗ xe.
- Tôi khuyên ông nên nghĩ thế cũng giống như Sonny Lofthus chuộc tội cho cả ông nữa, Vollan.
Một cánh cửa nữa, một thiết bị cảm biến nữa. Franck ấn ngón tay lên. Hắn thích cái phát minh này, hắn đã mô phỏng từ Nhà tù Obthiro ở Kushiro của Nhật. Thay vì phát chìa khóa, thứ mà người ta có thể làm mất, đánh lại hay dùng trái phép, dấu tay của tất cả những ai được phép qua cửa đều được nhập vào cơ sở dữ liệu. Nó không chỉ loại trừ được rủi ro sử dụng chìa khóa bất cẩn mà còn lưu trữ hồ sơ ai đi qua cửa nào và bao giờ. Tất nhiên họ cũng đã lắp thêm camera giám sát, nhưng người ta có thể giấu mặt. Dấu tay thì không vậy.
Cánh cửa thở dài, mở ra và họ bước vào một cái lồng, một buồng nhỏ mà hai đầu đều có cửa song sắt và cửa này phải đóng rồi cửa kia mới mở.
- Tôi muốn nói là tôi không làm chuyện đó được nữa, Arild.
Franck đưa ngón tay lên miệng. Ngoài các camera giám sát phủ gần kín nhà tù ra, các lồng còn được gắn hệ thống liên lạc hai chiều để liên lạc với phòng điều khiển nếu, vì một lý do nào đó, ta bị kẹt. Họ ra khỏi lồng rồi đi tiếp đến dãy phòng thay đồ có các vòi sen và tủ sắt cất áo quần cùng tư trang của mỗi nhân viên. Chuyện phó giám thị có chìa cái mở được mọi tủ cá nhân là điều Franck đã quyết định nhân viên không cần phải biết. Hoàn toàn không cần.
- Tôi tưởng ông biết ông đang làm việc với ai nơi đây, - Franck nói. - Ông đâu nói bỏ là bỏ được. Với những người này thì lòng trung thành là chuyện sinh tử.
- Tôi biết chứ, - Per Vollan nói; hơi thở đã mắc chứng khò khè khó chịu. - Nhưng tôi đang nói về sự sống và cái chết vĩnh hằng.
Franck dừng lại trước cửa ra và liếc nhanh về dãy tủ sắt bên trái cho chắc là chỉ có hai người họ.
- Ông biết là sẽ có rủi ro chứ?
- Có Chúa chứng giám, tôi sẽ không hé môi nói lời nào với ai. Tôi muốn anh dùng đúng mấy chữ đó, Arild. Bảo họ là tôi sẽ câm như hến. Tôi chỉ muốn rút. Làm ơn giúp tôi đi?
Franck nhìn xuống thiết bị cảm biến. Rút. Chỉ có hai lối ra. Lối này, cửa sau, và lối kia đi qua quầy tiếp tân ở cửa trước. Không có hầm thông gió, không có lối thoát hiểm hỏa hoạn, không có ống cống kích thước rộng vừa một thân người chui qua.
- Có lẽ, - hắn nói và để ngón tay lên thiết bị cảm biến. Một chấm đèn đỏ ở đầu tay nắm lóe lên cho thấy cơ sở dữ liệu đang được dò. Đèn tắt rồi một đốm đèn xanh nhỏ xuất hiện ngay sau đó. Hắn mở cửa. Ánh nắng rực rỡ chói mắt nên họ đeo kính râm vào khi đi qua bãi đỗ xe mênh mông.
- Tôi sẽ báo lại với họ là ông muốn rút, - Franck nói rồi vừa lấy chìa khóa xe vừa hé nhìn vào phòng bảo vệ. Trong đó hai nhân viên bảo vệ có vũ trang 24/7 đang trực, cả hai lối vào và ra đều có rào chắn bằng thép mà ngay cả chiếc Porsche Cayenne mới toanh của Franck cũng không xông qua được. Có lẽ với chiếc Hummer H1 mà hắn khá là muốn tậu thì có thể làm vậy, nhưng chiếc xe đó lại lớn quá bởi lẽ họ làm lối vào hẹp chính là để dừng những xe lớn hơn lại. Cũng vì tính đến các loại xe lớn mà hắn đã cho đặt các rào chắn thép phía trong hàng rào cao sáu mét bao quanh toàn bộ nhà tù. Franck đã đề nghị cho gắn điện hàng rào, nhưng giới chức quy hoạch đã bác đơn của hắn với lý do là Staten tọa lạc ở Oslo, trung tâm, nên thường dân vô tội có thể gặp nguy hiểm. Vô tội, ha - nếu có ai muốn động vào rào chắn, trước tiên họ phải trèo qua bức tường cao năm mét trên có dây kẽm gai.
- À này, ông đi hướng nào?
- Quảng trường Alexander Kiellands, - Per Vollan nói khấp khởi.
- Tiếc quá, - Arild nói. - Không cùng hướng với tôi.
- Không sao, bến xe buýt ngay ngoài kia thôi.
- Tốt. Tôi sẽ liên lạc.
Phó giám thị lên xe chạy tới chỗ phòng bảo vệ. Quy định nêu là phải dừng tất cả xe, kể cả xe của hắn, và phải kiểm tra người ngồi trong xe. Chỉ lúc này, khi bảo vệ đã thấy hắn từ tòa nhà đi ra rồi vào xe họ mới kéo rào chắn lên cho hắn qua. Franck đưa tay chào lại mấy bảo vệ. Hắn dừng ở đèn giao thông bên đường chính. Hắn liếc nhìn lên Staten yêu dấu của hắn trong gương chiếu hậu. Nó chưa hoàn hảo, nhưng cũng suýt soát rồi. Còn chỗ nào thiếu sót hắn đều đổ hết lỗi cho ủy ban quy hoạch, mấy quy định mới ngu ngốc từ trên bộ và nguồn nhân lực đã tha hóa gần hết. Hắn chỉ mong muốn điều tốt đẹp nhất cho tất cả mọi người, cho mọi công dân Oslo chăm chỉ, lương thiện xứng đáng có một cuộc sống an toàn và một chuẩn mực sống nhất định. Vậy nên, OK, mọi chuyện có thể đã khác. Hắn không thích phải làm mọi chuyện theo kiểu này. Nhưng như hắn vẫn nói với học viên bể bơi: các anh bơi hay chìm thì cũng không ai giúp gì các anh đâu. Rồi ý nghĩ của hắn quay về với chuyện trước mắt. Hắn có một thông điệp phải truyền đi. Và hắn không nghi ngờ gì về hậu quả.
Đèn chuyển sang xanh và hắn nhấn ga.

3

Per Vollan đi qua công viên gần quảng trường Alexander Kiellands. Tháng Bảy này ướt dầm dề và lạnh quá mức, nhưng giờ mặt trời đã trở lại nên công viên xanh rì như ngày xuân. Mùa hè đã về, người người quanh ông ngồi ngửa mặt lên trời, mắt nhắm, đắm mình trong nắng như thể nó sắp cạn đi; ván trượt, rầm rập và hộp bia sáu lon lanh canh trên đường đến buổi liên hoan ngoài trời ở những vùng không gian xanh trong thành phố và trên ban công. Tuy nhiên có một số người còn khoái chí hơn khi nhiệt độ tăng. Trông như họ được tẩm khói xe cộ quanh công viên: những dáng người lếch thếch ngồi thu lu trên mấy băng ghế hay quanh đài phun nước, giọng khàn khàn, sung sướng gọi ra chỗ ông như mòng biển kêu lảnh lót. Ông chờ đèn xanh tại giao lộ giữa đường Uelandsgate và đường Waldemar Thranes trong khi xe tải xe buýt vùn vụt lướt qua ông. Ông nhìn mấy mặt tiền nhà bên đường chớp nhoáng trước mặt qua kẽ hở của dòng xe đang lưu thông. Có một tấm nhựa phủ lên mấy ô cửa sổ quán rượu tai tiếng Tranen từng làm vơi cơn khát cho những cư dân khô héo nhất thành phố từ khi được xây năm 1921 - ba mươi năm cuối còn được góp vui bởi anh chàng Na Uy Arnie “Skiffle Joe” ăn mặc như cao bồi đạp xe một bánh, vừa đàn ghi ta vừa hát, có phần đệm của ban nhạc gồm một tay organ già bị lòa và một cô người Thái chơi tambourine và còi xe. Per Vollan đưa mắt tới trước tòa nhà có mấy chữ đúc bằng gang, xung quanh trap xi măng, trên mặt tiền chỉ rõ “Trung tâm Ila Pensjonat”. Trong chiến tranh tòa nhà từng là nơi tá túc cho những bà mẹ độc thân. Giờ nó là trung tâm phục hồi cho những con nghiện yếu đuối nhất thành phố. Những kẻ không muốn cai nghiện. Trạm dừng cuối trước cái chết.
Per Vollan băng qua đường, dừng bên ngoài lối vào trung tâm, nhấn chuông rồi nhìn vào mắt camera. Ông nghe cửa rù rù mở ra và bước vào. Vì những kỷ niệm xưa trung tâm đã dành cho ông một phòng trong hai tuần. Chuyện đó là một tháng trước.
- Chào Per, - người phụ nữ còn trẻ có đôi mắt nâu xuống mở cánh cửa chấn song dẫn lên cầu thang nói. Ai đó đã làm hỏng khóa để cửa không mở từ bên ngoài được. - Giờ nhà ăn đóng cửa rồi, nhưng ông về vừa kịp giờ ăn tối, nếu ông vào ngay.
- Cảm ơn Martha, nhưng tôi không đói.
- Trông ông có vẻ mệt.
- Tôi đi bộ một mạch từ Staten về đây.
- Ô hay? Tôi tưởng ở đó có xe buýt?
Cô cất bước trở lên cầu thang còn ông theo sau.
- Tôi có chút chuyện phải suy nghĩ, - ông nói.
- Lúc nãy có ai đó ghé tìm ông.
Per sững người.
- Ai?
- Có hỏi đâu. Có thể là cảnh sát.
- Điều gì khiến cô nghĩ vậy?
- Trông họ rất nóng lòng gặp ông, nên tôi nghĩ chắc là về một phạm nhân ông quen. Đại khái vậy.
Chưa gì, Per nghĩ, chưa gì chúng đã đến tìm mình.
- Cô có tin vào điều gì không, Martha?
Trên cầu thang cô xoay lại. Nhoẻn cười. Per nghĩ nếu mình là một thanh niên thì đã say đắm nụ cười đó rồi.
- Chẳng hạn như Chúa Trời với Jesus sao? - Martha hỏi, đẩy cửa vào khu vực tiếp tân có ô cửa nơi tường còn sau là văn phòng.
- Như định mệnh. Như số phận chống lại sức hút vũ trụ.
- Tôi tin có Mad Greta, - Martha vừa lẩm nhẩm vừa lật vài trang.
- Ma quỷ không phải là...
- Inger nói hôm qua có nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc.
- Inger dễ bị kích động lắm, Martha.
Cô ló đầu ra ô cửa.
- Ta cần nói chuyện một lát, Per...
Ông thở dài.
- Tôi biết. Các cô đã đông người rồi và...
- Hôm nay trung tâm ở Sporveisgata gọi nói vụ cháy có nghĩa là họ sẽ phải đóng cửa thêm ít nhất hai tháng nữa. Hơn bốn mươi người trọ của chúng tôi hiện đang ở chung phòng. Chúng tôi không thể tiếp tục như thế này được. Họ trộm đồ của nhau rồi choảng nhau. Sớm muộn gì rồi cũng có người bị thương thôi.
- Không sao; tôi không ở thêm lâu nữa đâu.
Martha nghiêng đầu qua một bên nhìn ông khó hiểu.
- Sao bà ấy không cho ông ngủ nhà? Hai người lấy nhau được mấy năm rồi? Bốn mươi, phải không?
- Ba mươi tám. Bà ấy sở hữu căn nhà và chuyện đó... phức tạp. - Per mỉm cười mệt mỏi.
Ông bỏ cô đấy rồi bước về cuối hành lang. Nhạc nện thình thịch sau hai cánh cửa. Amphetamine. [Loại chất kích thích làm tăng tỉnh táo và tập trung, đồng thời làm giảm mệt mỏi và thèm ăn. Thành phần trong ma túy đá]. Hôm nay là thứ Hai, văn phòng phúc lợi mở cửa sau mấy ngày cuối tuần nên tình trạng hỗn loạn sôi sục khắp nơi. Ông mở khóa phòng mình. Căn phòng bé xíu, tồi tàn có một giường đơn với tủ áo giá 6.000 krone mỗi tháng. Chừng đó tiền ta thuê được cả căn hộ ở ngoại ô Oslo.
Ông ngồi xuống giường đăm đăm nhìn ra cửa sổ bám bụi. Ngoài kia xe cộ ì ầm ngái ngủ. Mặt trời soi qua mấy tấm màn thưa. Một con ruồi đang cố thoát thân trên bậu cửa sổ. Nó sẽ sớm chết. Đó là cuộc sống. Không phải cái chết, mà cuộc sống. Cái chết có là gì. Từ khi ông đi đến cái kết luận ấy đến nay đã bao năm rồi? Rằng ngoài cái chết ra thì mọi thứ, tất cả những gì ông từng rao giảng, chỉ là sự phòng vệ người ta bày ra để chống chọi với nỗi sợ chết. Vậy mà không có gì trong những điều ông từng tin có ý nghĩa cả. Cái mà con người chúng ta nghĩ mình biết thì có là gì so với cái ta cần tin để làm tê liệt nỗi sợ và cái đau.
Thế rồi ông đi trọn một vòng về khởi điểm. Ông lấy lại niềm tin nơi một Chúa Trời khoan dung và có đời sống sau cái chết. Lúc này ông tin vào điều đó, hơn bao giờ hết. Ông lấy tập giấy dưới tờ báo và bắt đầu viết.
Per Vollan không có gì nhiều mà viết. Dăm câu trên vỏn vẹn một tờ giấy, chỉ có vậy. Ông gạch bỏ tên mình trên phong bì hẹp lá thư từ luật sư của Alma nêu vắn tắt phần chia tài sản hôn nhân họ nghĩ Per được quyền hưởng. Cũng chẳng nhiều nhặn gì.
Cha tuyên úy nhìn vào gương, chỉnh lại cổ đứng, khoác áo choàng dài vào rồi đi.
Martha không có mặt ở quầy tiếp tân. Inger nhận phong thư và hứa sẽ giao.
Lúc này mặt trời đã sà thấp xuống trên bầu trời; ngày đang lùi dần. Khi đi qua công viên ông liếc nhìn, nhận thấy mọi thứ và mọi người đều đóng đúng vai mình, không có sơ suất nào lộ liễu. Không ai đứng dậy khỏi ghế dài hơi quá nhanh khi ông đi ngang, không có chiếc xe nào kín đáo chạy khỏi lề đường khi ông đổi ý và quyết định đi dọc Sannergata ra sông. Nhưng chúng ở đó. Đằng sau ô cửa sổ phản chiếu một chiều hè bình yên, trong cái liếc nhìn bâng quơ của một người qua đường, trong cái ớn lạnh nơi những bóng đen trườn ra từ phía Đông mấy ngôi nhà và xua đuổi ánh nắng đi khi giành được đất. Và Per Vollan thấy cả đời mình cũng giống như vậy; một cuộc giằng co liên tục, vô ích, dao động giữa bóng tối và ánh sáng mà dường như chưa từng đem chiến thắng về cho phe nào. Hay là có? Mỗi ngày qua bóng tối lấn thêm chút nữa. Chúng đang tiến về đêm thăm thẳm.
Ông rảo bước.

4

Simon Kefas nâng tách cà phê lên miệng. Từ bàn bếp ông có thể nhìn ra mảnh vườn nhỏ trước nhà họ tại Fagerliveien ở Disen. Trời mưa cả đêm nên cỏ vẫn còn lấp lánh trong nắng mai. Ông nghĩ mình có thể thực sự thấy chúng đang mọc lên. Việc đó nghĩa là lại có một buổi ra vườn với máy cắt cỏ. Một việc ồn ào, vất vả chân tay, mưa mồ hôi và khiến ta chửi thề, nhưng chuyện đó thì được thôi. Else từng hỏi sao ông không kiếm cái máy cắt cỏ chạy bằng điện như bao hàng xóm của họ. Ông đáp vỏn vẹn: tiền. Đó là câu trả lời chấm dứt hầu hết các cuộc thảo luận khi ông lớn lên trong ngôi nhà này, cũng như trong xóm. Nhưng chuyện đó là từ thời những người bình thường sống ở đây: thầy giáo, thợ cắt tóc, tài xế taxi, công chức. Hay cảnh sát, như ông. Chẳng phải cư dân hiện nay gồm toàn những người đặc biệt, nhưng họ làm trong ngành quảng cáo hay công nghệ thông tin, họ là nhà báo, bác sĩ, có đại lý cho các sản phẩm dở hơi hoặc được thừa kế tiền bạc đủ để mua một căn nhà điền viên nho nhỏ, đẩy giá lên và đưa cả khu lân cận leo lên trên nấc thang xã hội.
- Anh đang nghĩ gì vậy? - Else hỏi, đứng sau ghế, vuốt tóc ông. Tóc ông đang thưa dần thấy rõ; nhìn từ trên đỉnh thì thấy cả da đầu. Nhưng cô quả quyết là thích như vậy. Thích vì ông trông đúng là ông: một sĩ quan cảnh sát sắp về hưu.
Thích vì rồi một ngày cô cũng sẽ già đi. Dù ông sinh trước cô hai mươi năm.
Một trong những người hàng xóm mới của họ, một tay sản xuất phim tương đối tiếng tăm, đã tưởng cô là con gái của Simon. Với ông thì chuyện đó được thôi.
- Anh đang nghĩ anh thật may mắn, - ông nói. - Vì anh có em. Vì anh có tất cả những điều này.
Cô hôn lên đỉnh đầu ông. Ông cảm nhận được môi cô chạm vào da mình.
Đêm qua ông nằm mơ thấy mình nhường lại thị giác cho cô. Thế rồi khi ông tỉnh dậy và không nhìn thấy gì, trong khoảnh khắc trước khi nhận ra đó là vì ông đeo miếng che để khỏi bị nắng hè buổi mai làm chói mắt, ông đã là người đàn ông hạnh phúc.
Chuông cửa reo.
- Edith đấy, - Else nói. - Em đi thay đồ đây.
Cô mở cửa cho em gái rồi biến mất lên tầng trên.
- Chào dượng Simon!
- Chà, xem ai đây này, - Simon nói và nhìn gương mặt tươi cười của thằng bé.
Edith vào bếp.
- Em xin lỗi, Simon, thằng bé cứ nằng nặc đòi em đến đây sớm để nó còn kịp đội thử mũ của anh.
- Đương nhiên rồi, - Simon nói. - Nhưng sao hôm nay con không đi học, Mats?
- Ngày huấn luyện nghiệp vụ giáo viên mà, - Edith thở dài. - Các trường không biết đó là ác mộng cho mấy bà mẹ đơn thân thế nào đâu.
- Nếu vậy thì em thật tử tế khi ngỏ lời chở Else đi.
- Không đâu. Theo như em hiểu thì ông ta chỉ ở lại Oslo hôm nay và ngày mai thôi.
- Ai cơ? - Mats vừa hỏi vừa day cánh tay dượng để ông phải bỏ ghế đứng lên.
- Một ông bác sĩ người Mỹ rất xuất sắc về phẫu thuật mắt, - Simon nói, vờ đơ người ra khi cho thằng bé lôi mình đứng lên. - Nào, ta đi xem có tìm được cái mũ cảnh sát đó không. Cứ pha cà phê uống đi, Edith.
Simon với Mats đi ra phòng trước rồi thằng bé reo lên thích thú khi thấy cái mũ cảnh sát trắng đen dượng nó đã lấy trên ngăn tủ áo xuống. Nhưng nó trở nên im lặng cung kính khi được Simon đội mũ lên đầu. Họ đứng trước gương.
Thằng bé chỉ hình phản chiếu của dượng nó rồi làm tiếng súng.
- Con đang bắn ai đấy? - dượng nó hỏi.
- Bọn tội phạm, - thằng bé líu cả lưỡi. - Pằng! Pằng!
- Ta gọi đó là tập bắn bia nhé, - Simon nói. - Ngay cả cảnh sát cũng không thể bắn bọn tội phạm khi chưa được phép.
- Được, được mà! Pằng! Pằng!
- Mats ạ, ta mà làm vậy là ta vào tù đấy.
- Thật hả dượng? - Thằng bé dừng lại ngơ ngác nhìn dượng. - Sao vậy? Ta là cảnh sát mà.
- Vì nếu ta bắn ai đó mà ta có thể bắt thì điều đó biến ta thành kẻ xấu.
- Nhưng khi bắt chúng rồi thì ta được bắn chúng, đúng không dượng?
Simon cười.
- Không đâu. Lúc đó thì tùy thẩm phán quyết định chúng sẽ ngồi tù bao lâu.
- Con tưởng dượng quyết định chuyện đó chứ, dượng Simon.
Simon thấy nỗi thất vọng trong mắt thằng bé.
- Để dượng nói con nghe điều này, Mats. Dượng mừng là cậu không phải quyết định chuyện đó. Dượng mừng là cậu phải làm mỗi việc bắt tội phạm thôi. Vì đó là phần vui trong công việc.
Mats nheo một mắt và cái mũ lệch ra sau.
- Dượng Simon...
- Sao?
- Sao dượng với dì Else không có con?
Simon bước ra sau lưng Mats, để hai tay lên vai thằng bé và mỉm cười với nó trong gương.
- Dượng dì không cần con cái, dượng dì đã có con rồi. Đúng không nào?
Mats trầm ngâm nhìn dượng mấy giây. Rồi mặt nó sáng lên.
- Đúng rồi!
Simon đút tay vào túi để trả lời điện thoại.
Đó là một đồng nghiệp. Simon nghe.
- Chỗ nào bên sông Aker? - Ông hỏi.
- Quá Kuba, gần trường cao đẳng nghệ thuật. Có cây cầu đi bộ...
- Tôi biết chỗ đó rồi. Ba mươi phút nữa tôi có mặt.
Ông xỏ giày, thắt dây và mặc áo khoác vào.
- Else ơi! - Ông gọi.
- Gì anh? - Gương mặt cô hiện ra ở đầu cầu thang. Lại một lần nữa ông thấy cô đẹp làm sao. Mái tóc dài như dòng sông đỏ uốn quanh gương mặt xinh xinh.
Mấy đốm tàn nhang bên trên và quanh cái mũi nhỏ nhắn. Rồi ông chợt nghĩ mấy đốm tàn nhang ấy gần như chắc chắn là vẫn còn đó khi ông xa rồi. Ý nghĩ tiếp theo liền hiện ra: lúc đó ai sẽ chăm lo cho cô? Nhưng ông cố xua nó đi. Ông biết rằng từ nơi đang đứng cô khó mà thấy được ông, cô chỉ giả vờ. Ông hắng giọng.
- Anh phải đi rồi, em yêu. Em sẽ gọi cho anh biết bác sĩ nói thế nào chứ?
- Vâng. Chạy xe cẩn thận nhé.
* * *
Hai người đàn ông trung niên đi qua cái công viên thường gọi là Kuba. Hầu như ai cũng tưởng tên đó có gì liên quan đến Cuba, có lẽ vì các cuộc mít tinh chính trị thường tổ chức ở đây và vì Grunerlokka từng được xem là xóm của tầng lớp lao động. Ta phải sống ở đó nhiều năm mới biết nơi đây từng là một bể chứa xăng lớn và sườn nhà giống như khối lập phương. Hai người đàn ông băng qua cầu đi bộ dẫn đến xưởng cũ mà giờ là một trường cao đẳng nghệ thuật.
Những đôi tình nhân đã gắn ổ khóa có ngày tháng và tên họ viết tắt vào thanh lan can trên cầu. Simon dừng lại nhìn một ổ khóa. Ông đã yêu Else mười năm trời, từng ngày một trong hơn ba ngàn rưỡi ngày họ bên nhau. Trong đời ông sẽ không bao giờ có một người đàn bà nào khác và ông không cần một ổ khóa tượng trưng mới biết điều đó. Và cô cũng vậy; mong là cô sẽ sống lâu hơn ông nhiều năm đủ để còn thời gian cho những người đàn ông mới trong đời cô. Và chuyện đó thì tốt thôi.
Từ chỗ họ đứng ông nhìn thấy Amodt Bro, một cây cầu nho nhỏ khiêm nhường bắc qua một con sông nhỏ khiêm nhường chia thủ đô nhỏ bé khiêm nhường này thành Đông và Tây. Ngày xửa ngày xưa, một thời đã lâu rồi, khi còn trai trẻ và rồ dại, ông đã lao đầu xuống sông từ chính cây cầu này. Nhóm tam hùng gồm ba chàng trai say rượu, hai trong ba gã có niềm tin không thể lay chuyển ở bản thân và tiền đồ của mình. Hai trong ba gã tin chắc mình là kẻ giỏi nhất trong cả ba. Gã thứ ba, Simon, từ lâu đã nhận ra mình không thể tranh đua với chúng bạn nếu nói về trí thông minh, sức mạnh, kỹ năng giao du hay sức hấp dẫn đối với phụ nữ. Nhưng anh ta là người can đảm nhất. Hay, nói cách khác, kẻ sẵn sàng liều mạng nhất. Mà lao đầu xuống dòng nước bẩn thì không đòi hỏi trí tuệ hay kỹ năng thể chất, chỉ cần liều mạng. Simon Kefas thường nghĩ chính sự bi quan là thứ đã thúc giục ông đem đặt cược cái tương lai mà ông không quý gì lắm, một hiểu biết tự nhiên là ông có ít thứ để mất hơn mấy người kia. Ông đã đi thăng bằng trên lan can trong khi các bạn gào lên bảo ông đừng làm vậy, bảo ông điên rồi. Thế rồi ông nhảy. Từ trên cầu, ra khỏi đời sống, vào cái bàn cò quay số phận tuyệt vời xoay tít. Ông đã đâm mình xuống con sông không có mặt nước, chỉ bọt trắng xóa và, dưới ấy, một vòng tay lạnh ngắt. Và trong vòng tay ôm ấp đó là tĩnh lặng, ân cần và bình yên. Khi ông trồi lên lại, bình an vô sự, họ đã reo hò. Chính Simon cũng reo hò. Dù là ông thấy bâng khuâng thất vọng vì đã nổi lên lại. Thật lạ kỳ biết bao, cái mà một trái tim tan nát có thể thúc giục một chàng trai làm.
Simon xua những ký ức đi mà tập trung vào thác nước giữa hai cây cầu. Cụ thể hơn là vào dáng người bị bỏ lại đó, như một tấm hình chụp, đông cứng giữa mùa thu.
- Bọn tôi nghĩ ông ta trôi xuôi dòng, - viên cảnh sát điều tra hiện trường đứng cạnh ông nói. - Rồi áo quần ông ta bị mắc vào thứ gì đó dưới sông nhô lên. Sông thường cạn đến mức lội qua cũng được.
- Được rồi, - Simon nói, miết miếng thuốc lá trong miệng và hất mặt lên.
Dáng người thòng thẳng xuống, hai tay dang ngang và nước đổ như thác tạo thành vầng hào quang trắng xóa quanh đầu và thân. Nó làm ông nhớ đến mái tóc của Else. Các cảnh sát điều tra hiện trường khác cuối cùng cũng hạ được thuyền xuống sông và đang lo gỡ cái xác.
- Cá một cốc bia rằng đó là tự tử.
- Tôi nghĩ anh sai rồi, Elias, - Simon nói và giơ ngón tay lên môi trên lấy miếng snus [Sản phẩm thuốc lá dạng bột ẩm] ra. Ông định thả nó xuống mặt nước bên dưới, nhưng ngăn mình lại. Thời này đã khác rồi. Ông nhìn quanh tìm thùng rác.
- Vậy là ông không chịu cá một cốc bia?
- Không, Elias, tôi không cá đâu.
- Ồ, xin lỗi tôi quên... - Viên cảnh sát điều tra hiện trường trông bối rối.
- Không sao, - Simon nói rồi bỏ đi. Ông gật đầu chào khi đi ngang một cô tóc vàng, dáng cao, mặc váy đen với áo khoác ngắn. Nếu không nhờ thẻ cảnh sát đeo toòng teng quanh cổ cô thì ông đã tưởng cô là nhân viên ngân hàng. Ông ném miếng snus vào thùng rác xanh lá ở đầu cầu rồi bước xuống bờ sông, vừa đi vừa đưa mắt rà kỹ khắp mặt đất.
* * *
- Chánh thanh tra Kefas?
Elias nhìn lên. Cô gái vừa nói với anh là một phụ nữ Scandinavia điển hình như những gì mà người nước ngoài hình dung. Anh nghi cô nghĩ mình quá cao, vì vậy mà cô hơi cúi người và mang giày bệt.
- Không, không phải tôi. Cô là ai?
- Kari Adel. - Cô giơ thẻ cảnh sát đeo quanh cổ lên. - Tôi vừa gia nhập Đội Điều tra án mạng. Người ta nói tôi là sẽ tìm thấy ông ấy ở đây.
- Chào mừng. Cô cần gặp Simon có chuyện gì?
- Ông ấy có trách nhiệm dẫn dắt tôi.
- May cho cô đấy, - Elias nói và chỉ về người đàn ông đang bước dọc bờ sông. - Ông ấy đằng kia.
- Ông ấy đang tìm gì vậy?
- Chứng cứ.
- Nhưng chắc hẳn chứng cứ sẽ ở dưới sông chỗ có cái xác chứ không phải ở xuôi dòng bờ sông.
- Đúng vậy, nên ông ấy cho là chúng tôi đã lục soát khu vực đó rồi. Chuyện đó thì chúng tôi đã làm.
- Mấy cảnh sát điều tra hiện trường kia nói đây trông giống một vụ tự tử.
- Phải, tôi đã phạm sai lầm khi cố cá một cốc bia với ông ấy về chuyện đó.
- Sai lầm?
- Ông ấy có một rắc rối, - Elias nói. - Từng có rắc rối.
Anh để ý thấy cô nhướng mày.
- Chuyện đó không có gì bí mật cả. Và nếu như hai người sắp làm việc với nhau thì tốt hơn là cô nên biết.
- Chẳng ai nói tôi biết là tôi sẽ làm việc với một người nghiện rượu.
- Không phải nghiện rượu, - Elias nói. - Nghiện đỏ đen.
Cô vuốt mái tóc vàng ra sau tai và nheo mắt vì nắng.
- Đỏ đen theo kiểu nào?
- Kiểu thua, theo như tôi hiểu. Nhưng nếu cô là cộng sự mới của ông ấy, cô cứ tự hỏi lấy. Cô từ đâu đến?
- Đội Bài trừ Ma túy.
- À, nếu vậy thì cô biết cả về con sông này rồi.
- Đúng. - Cô nheo nheo mắt nhìn xuống cái xác. - Tất nhiên đây có thể là một vụ ma túy, nhưng địa điểm thì chẳng khớp gì cả. Chúng không buôn ma túy mạnh ở đầu này của con sông đâu, muốn có thứ đó ta phải xuống quảng trường Schous và Nybrua. Vả lại thường thì thiên hạ cũng không giết người để đoạt cần sa.
- Ồ, tốt, - Elias nói, hất hàm về phía chiếc xuồng. - Cuối cùng họ cũng đưa được ông ta xuống rồi. Nếu ông ta có giấy tờ tùy thân nào thì ta sẽ biết ngay ông ta là...
- Tôi đã biết ông ta là ai, - Kari Adel nói. - Per Vollan, cha tuyên úy.
Elias nhìn cô từ đầu xuống chân. Anh đoán rồi cô sẽ sớm bỏ cách ăn mặc lịch lãm như mấy nữ thám tử cô thấy trong phim truyền hình Mỹ. Nhưng ngoài chuyện đó ra thì trông như có gì đó ở cô. Có lẽ cô thuộc loại người sẽ đi đến cùng. Có lẽ cô thuộc về cái giống hiếm đó. Nhưng anh cũng đã từng nghĩ về những người khác như vậy.

5

Phòng thẩm vấn được trang hoàng bằng màu nhạt; bàn ghế bằng gỗ thông.
Rèm đỏ phủ ô cửa sổ mở ra phòng điều khiển. Thanh tra Henrik Westad ở Sở Cảnh sát Buskerud cho đó là một căn phòng đẹp. Trước đây anh đã có chuyến đi từ Drammen vào Oslo và ngồi trong chính gian phòng này. Họ đã thẩm vấn bọn trẻ trong một vụ tấn công tình dục và ở đây có các búp bê giải phẫu. Lần này là một vụ điều tra án mạng. Anh nhìn chăm chú người đàn ông để tóc dài có chòm râu ngồi bên kia bàn. Sonny Lofthus. Trông anh ta trẻ hơn tuổi ghi trong hồ sơ. Anh ta cũng không có vẻ phê thuốc; đồng tử có kích thước bình thường.
Nhưng nghĩ lại thì những người đã quá lờn thuốc hiếm khi nào trông như đang phê. Westad hắng giọng.
- Vậy là anh trói bà ta lại, dùng cưa loại thường cưa đầu bà ta rồi bỏ đi?
- Phải, - anh này trả lời.
Anh ta đã khước từ quyền có luật sư, nhưng hầu như câu nào cũng trả lời từng chữ một. Cuối cùng Westad đành phải hỏi những câu “có hoặc không”. Thế mà được việc. Dĩ nhiên là được việc kinh ra; họ rút ra được cả một lời thú tội. Nhưng có cảm giác hơi sai. Westad nhìn mấy tấm hình trước mặt. Đỉnh đầu và sọ người đàn bà bị cưa gần đứt oặt qua một bên chỉ còn dính liền bằng lớp da. Bề mặt não phơi ra. Từ lâu anh đã bỏ cái ý nhìn người ta là biết họ đủ sức làm những chuyện ác nào. Nhưng người này, anh ta... anh ta không toát ra vẻ lạnh lùng, vẻ hung hăng hay chỉ đơn giản là khờ dại. Westad nghĩ mình đã phát hiện thấy những sát thủ máu lạnh khác.
Westad ngả người ra ghế.
- Vì sao anh tự thú chuyện này?
Người nọ nhún vai.
- ADN tại hiện trường.
- Làm sao anh biết chúng tôi tìm được?
Người thanh niên sờ lên mái tóc dài, dày mà ban quản lý nhà tù đã có thể ra lệnh cắt nếu muốn.
- Tóc tôi rụng. Tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc lâu dài. Giờ tôi đi được chưa?
Westad thở dài. Một bản thú tội. Bằng chứng hợp lệ tại hiện trường. Vậy thì sao anh vẫn thấy hoang mang?
Anh cúi người tới micro để giữa họ.
- Buổi thẩm vấn nghi phạm Sonny Lofthus dừng lúc 13 giờ 4 phút.
Anh thấy đèn đỏ tắt và biết sĩ quan bên ngoài vừa tắt thiết bị ghi âm. Anh đứng lên mở cửa cho mấy quản giáo vào mở khóa còng tay cho Lofthus và áp giải anh ta về lại Staten.
- Anh nghĩ sao? - tay sĩ quan hỏi khi Westad bước vào phòng điều khiển.
- Nghĩ ư? - Westad mặc áo khoác vào và kéo kín dây khóa bằng động tác mạnh mẽ, bực tức. - Hắn chẳng cho tôi cái gì để nghĩ cả.
- Vậy còn cuộc thẩm vấn lúc nãy?
Westad nhún vai. Một người bạn của nạn nhân đã đến khai báo. Cô ta thuật là nạn nhân có kể lão chồng, Yngve Morsand, đã buộc tội bà ta léng phéng và dọa giết. Rằng Kjersti Morsand đã sợ hãi. Nhất là vì ông chồng có lý do chính đáng để nghi ngờ - bà ta có gặp gỡ ai đó và đang tính chuyện bỏ ông ta. Khó mà nghĩ ra động cơ giết người nào kinh điển hơn. Nhưng còn động cơ của thanh niên này? Bà này không bị cưỡng hiếp, trong nhà không có gì bị trộm. Tủ thuốc trong phòng tắm bị mở và ông chồng quả quyết là thiếu mất mấy viên thuốc ngủ. Nhưng tại sao một kẻ, xét theo dấu kim tiêm trên người, dễ dàng kiếm được ma túy loại mạnh lại phải nhọc công vì vài viên thuốc ngủ chẳng đáng?
Câu hỏi tiếp theo hiện ra ngay: tại sao một điều tra viên có trong tay bản thú tội đã ký tên lại bận lòng về những chuyện nhỏ nhặt như vậy?
* * *
Johannes Halden đang đẩy giẻ lau trên khoảng sàn gần dãy xà lim chái A thì thấy hai quản giáo tiến lại cùng cậu thanh niên đi giữa.
Chàng trai nhoẻn cười; cậu ta trông như đang cùng hai người bạn đi dạo nơi nào đó hay ho, dù là tay đang bị còng. Johannes ngừng việc và giơ tay phải lên.
- Nhìn này, Sonny! Vai tôi đã khá hơn rồi. Nhờ cậu đấy.
Chàng trai phải nâng cả hai bàn tay để giơ ngón cái lên với ông già. Các quản giáo dừng lại trước một cửa xà lim và mở khóa còng tay. Họ không cần phải mở cả khóa cửa vì mỗi sáng tất cả cửa xà lim đều tự động mở lúc tám giờ rồi để vậy cho đến mười giờ đêm. Nhân viên trên phòng điều khiển đã chỉ cho Johannes thấy họ chỉ cần bấm một phím là có thể khóa và mở toàn bộ cửa. Ông thích phòng điều khiển. Vì vậy mà mỗi khi lau chùi sàn trên đó ông đều đủng đỉnh. Việc người ta làm trên đó hơi giống điều khiển một tàu chở dầu cực lớn.
Nơi mà lẽ ra ông đã đến được.
Trước khi có “sự cố” ông là một thủy thủ có năng lực và đã theo học ngành hàng hải. Dự định là trở thành sĩ quan điều khiển boong tàu chính. Tiếp đến là thuyền phó, thuyền phó thứ nhất và rồi thuyền trưởng. Và cuối cùng là về với vợ và con gái trong căn nhà ngoại ô Farsund và kiếm việc làm hoa tiêu ở cảng.
Vậy thì tại sao ông lại làm chuyện đó? Sao ông lại làm tiêu tan tất cả? Cái gì khiến bằng lòng tuồn vào hai gói to từ cảng Songkhla ở Thái Lan? Chẳng phải ông không biết chúng chứa heroin. Mà cũng chẳng phải ông không biết luật hình sự và hệ thống luật pháp điên khùng của Na Uy lúc bấy giờ đặt buôn ma túy ngang hàng với tội giết người. Thậm chí cũng không phải ông cần khoản tiền kếch xù người ta gạ gẫm để giao mấy gói đó đến một địa chỉ ở Oslo. Vậy thì là cái gì? Cảm giác mạnh ư? Hay niềm hy vọng gặp lại nàng; người con gái Thái mỹ miều mặc váy lụa có mái tóc đen dài óng ả, nhìn vào đôi mắt màu hạnh nhân của nàng, nghe nàng nhỏ nhẹ thỏ thẻ những câu tiếng Anh khó nghe từ đôi môi ngọt ngào màu anh đào, bảo ông là ông phải làm việc đó vì nàng, vì gia đình nàng ở Chiang Rai, rằng đó là cách duy nhất ông có thể cứu họ? Ông chưa bao giờ tin câu chuyện của nàng, nhưng ông tin ở nụ hôn của nàng. Và nụ hôn đó đã đưa ông vượt biển, qua hải quan, vào phòng tạm giam, ra tòa, vào phòng gặp thân nhân, nơi mà đứa con gái đã gần đến tuổi trưởng thành của ông ngồi xuống để bảo ông là gia đình không muốn dính dáng gì đến ông nữa, trải qua vụ ly dị rồi bước vào xà lim nhà tù Ila. Nụ hôn đó là tất cả những gì ông muốn và nụ hôn được hứa hẹn ấy ông bỏ lại tất cả.
Khi ông được thả thì đã không còn ai chờ ông bên ngoài. Gia đình từ ông, bạn bè xa dần và ông sẽ không bao giờ còn kiếm được việc trên tàu nữa. Vậy nên ông tìm đến những người duy nhất sẵn sàng chấp nhận ông. Bọn tội phạm.
Và thế là ngựa quen đường cũ. Tàu rông. Nestor, người Ukraina, đã thu dụng ông. Heroin từ miền Bắc Thái Lan được chở lậu trong những xe tải dùng tuyến đường giao thuốc cũ qua Thổ Nhĩ Kỳ và bán dạo Balkan. Ở Đức hàng được phân phối đến các nước Scandinavia và việc của Johannes là chở chặng cuối.
Sau đó ông thành kẻ chỉ điểm tín cẩn.
Chuyện đó cũng không có lý do chính đáng nào. Chỉ là một viên cảnh sát chạm được vào cái gì đó ở ông, cái gì đó chính ông cũng không biết mình có.
Và dù triển vọng đó - một lương tâm trong sạch - xem ra không đáng bằng nụ hôn của một mỹ nữ, ông đã thực sự tin ở viên cảnh sát đó. Có gì đó trong mắt anh ta. Johannes có thể đã hoàn lương, chuyển hướng, biết đâu được? Nhưng rồi một chiều thu viên cảnh sát bị giết. Rồi lần đầu tiên và cũng là duy nhất Johannes nghe thấy cái tên đó, nghe người ta thì thầm nó vừa sợ hãi lại vừa kính nể. Sinh Đôi.
Từ lúc ấy, chuyện Johannes bị bắt lại chỉ là sớm muộn. Ông nhận những vụ liều lĩnh hơn, chở những chuyến càng lúc càng lớn. Khốn kiếp, ông muốn bị tóm. Chuộc lỗi cho những gì ông đã làm. Nên ông thấy nhẹ nhõm khi nhân viên hải quan tại biên giới Thụy Điển chặn ông lại. Đồ đạc sau xe tải ông nhồi đầy heroin. Thẩm phán đã nhắc bồi thẩm đoàn lưu ý cả hai điều là số lượng ma túy của vụ việc và đây không phải lần đầu Johannes vi phạm. Chuyện đó đã mười năm trước. Ông ngồi tù ở Staten bốn năm qua, từ khi nhà tù hoạt động. Ông đã thấy phạm nhân đến rồi đi, cả quản giáo cũng đến rồi đi, và ông đối đãi với tất cả họ bằng sự tôn trọng họ xứng đáng. Và, đổi lại, ông nhận được sự kính trọng ông xứng đáng. Nghĩa là, ông khoan khoái với sự kính trọng mà phạm nhân lâu năm có được. Cái gã đã không còn là mối đe dọa nữa. Vì không ai trong họ biết bí mật của ông. Sự phản bội đáng trách của ông. Lý do ông bắt mình chịu sự trừng phạt này. Ông cũng đã từ bỏ hy vọng cuối cùng để đạt được thứ duy nhất có ý nghĩa. Nụ hôn mà một người đàn bà trong dĩ vãng hứa hẹn với ông. Lương tâm trong sạch mà một cảnh sát giờ đã chết hứa hẹn cho ông. Cho đến khi ông được chuyển đến chái A và gặp chàng trai thiên hạ đồn có khả năng chữa bệnh.
Johannes đã giật mình khi nghe cái họ, nhưng ông không nói gì. Ông cứ cặm cụi lau sàn, cứ cúi đầu, mỉm cười, làm ơn và nhận những giúp đỡ nho nhỏ khiến cuộc sống ở một nơi như chốn này còn chịu đựng được. Ngày, tuần, tháng, rồi năm trôi đi mà thành một đời sẽ sớm tàn. Ung thư. Ung thư phổi. Xà lim chật chội, bác sĩ nói. Dạng xâm thực, thứ tệ hại nhất trừ phi được chặn đứng sớm.
Nó không được chặn đứng sớm.
Chẳng ai làm gì được. Dĩ nhiên là Sonny cũng không. Khi Johannes hỏi, cậu ta còn không đoán được gần đúng có gì bất ổn; chàng trai phỏng đoán là ở háng, lại còn huých huých tay, nháy nháy mắt. Còn vai ông đúng ra là tự đỡ, không phải nhờ bàn tay dứt khoát là không hơn 37oC của Sonny, mà thực ra còn lạnh hơn nhiều. Nhưng cậu ta là một anh chàng tử tế, thực sự là vậy, nên Johannes không muốn khiến cậu ta vỡ mộng về bàn tay chữa bệnh của mình.
Vậy nên Johannes giữ riêng mình biết, cả căn bệnh lẫn sự phản bội. Nhưng ông biết thời gian sắp hết. Rằng ông không thể mang theo bí mật này xuống mồ.
Không đâu nếu như ông muốn yên nghỉ trong thanh thản hơn là trong nỗi khiếp sợ phải sống dậy như xác sống, bị dòi bọ rúc rỉa và không thoát ra được, phải chịu đọa đày muôn kiếp. Ông không có đức tin về chuyện ai sẽ phải chịu tội đọa đày vĩnh viễn hay tại sao, nhưng trong đời mình ông đã sai lầm về quá nhiều thứ.
“Quá nhiều thứ...”, Johannes Halden lẩm bẩm một mình.
Đoạn ông bỏ giẻ lau qua một bên, bước lại xà lim của Sonny và gõ cửa.
Không nghe ơi hỡi. Ông lại gõ.
Chờ.
Rồi ông mở cửa ra.
Sonny ngồi đó, sợi cao su cột quanh cẳng tay bên dưới cùi chỏ, răng cắn chặt đầu sợi dây. Cậu ta cầm ống tiêm ngay bên trên một sợi ven lồi lên. Góc chỉ định ba mươi độ để tiêm được êm nhất.
Sonny điềm nhiên nhìn lên mỉm cười.
- Gì vậy?
- Xin lỗi, tôi... thôi để sau đi.
- Ông có chắc không?
- Ừ, chuyện đó... không có gì gấp.  - Johannes cười. - Một giờ nữa cũng được.
- Bốn giờ nữa được không?
- Bốn giờ thì được.
Ông già thấy kim tiêm lún vào ven. Chàng trai ấn ống bơm xuống. Sự im lặng và bóng tối tràn ngập căn phòng như nước đen kịt. Johannes lặng lẽ rút lui, khép cửa lại.

6

Simon áp điện thoại bên tai, gác hai chân lên bàn và ngả ghế ra sau. Đó là tiết mục mà nhóm tam hùng thạo đến mức khi họ thách đố nhau, người thắng sẽ là ai giữ thăng bằng lâu nhất.
- Vậy là ông bác sĩ Mỹ không cho em biết ý kiến. - Ông nói nhỏ giọng, phần vì ông thấy không lý gì lại lôi các thành viên khác trong Đội Điều tra án mạng vào đời tư của mình, phần vì vợ chồng ông vẫn trò chuyện với nhau qua điện thoại như vậy. Nhẹ nhàng, thân mật. Như thể họ đang nằm trên giường, ôm nhau.
- Ồ, có chứ, - Else nói. - Nhưng chưa. Ông ấy muốn xem kết quả xét nghiệm và hình chụp trước. Mai em sẽ được biết thêm.
- OK. Em thấy trong người thế nào?
- Ổn.
- Ổn ra sao?
Cô cười.
- Đừng lo quá, anh yêu. Gặp lại anh vào giờ ăn tối nhé.
- Được. Em gái em, cô ấy... ?
- Phải, nó vẫn còn đây và sẽ chở em về. Giờ thì đừng làm rộn chuyện nữa và cúp máy đi, anh đang ở chỗ làm mà!
Ông miễn cưỡng cúp máy. Nghĩ về giấc mơ trong đó ông cho cô đôi mắt của mình.
- Chánh thanh tra Kefas?
Ông ngước lên. Rồi ngước lên cao hơn. Người phụ nữ đứng trước bàn ông có dáng cao. Dong dỏng. Và gầy gò. Cặp giò khẳng khiu như chân nhện ló ra dưới chiếc váy lịch thiệp.
- Tôi là Kari Adel. Người ta bảo tôi giúp ông một tay. Tôi đã cố tìm ông ở hiện trường vụ án, nhưng ông biến đâu mất.
Cô lại còn trẻ nữa. Trẻ măng. Cô trông giống một nhân viên ngân hàng đầy tham vọng hơn là sĩ quan cảnh sát. Simon ngả ghế dựa thấp hơn nữa.
- Hiện trường vụ án nào?
- Kuba.
- Mà làm sao cô biết đó là hiện trường vụ án?
Ông thấy cô đổi tư thế. Tìm đường thoát. Nhưng không có.
- Có khả năng là hiện trường vụ án, - cô bèn trả lời.
- Mà ai nói là tôi cần giúp?
Cô hất ngón cái ra sau để chỉ nơi mệnh lệnh xuất phát.
- Nhưng tôi nghĩ tôi mới là người cần giúp. Ở đây tôi là người mới.
- Vừa mới ra lò?
- Mười tám tháng bên Đội Bài trừ Ma túy.
- Vậy là mới. Mà cô đã tới được Đội Điều tra án mạng rồi? Xin chúc mừng, Adel. Hoặc cô thực sự may mắn, quen biết nhiều hoặc... - Ông nghiêng người lấy hộp thiếc đựng snus trong túi quần jean.
- Là phụ nữ? - cô gợi ý.
- Tôi đang tính nói là thông minh.
Cô đỏ mặt và ông thấy được vẻ lúng túng trong mắt cô.
- Cô thông minh chứ? - Simon hỏi, nhét một miếng snus dưới môi trên.
- Tôi hạng nhì trong khóa của mình.
- Vậy cô định ở lại Đội Điều tra án mạng bao lâu?
- Ý ông là sao?
- Nếu ma túy không hấp dẫn cô thì sao án mạng lại hấp dẫn được?
Cô lại đổi tư thế. Simon thấy mình nghĩ đúng. Cô là loại người thường xuất hiện chớp nhoáng trong vai khách mời rồi biến vào tòa nhà, lên những tầng cao hơn và được thăng chức. Thông minh. Có lẽ là sẽ bỏ hẳn lực lượng cảnh sát.
Như mấy đứa chó chết láu cá bên Phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng đã làm. Ẵm hết mọi kỹ năng của họ rồi bỏ rơi Simon trong lúc hoạn nạn. Lực lượng cảnh sát không phải nơi để ở lại nếu ta thông minh, tài năng, đầy tham vọng và muốn có một cuộc sống.
- Tôi rời hiện trường vì sẽ chẳng tìm thấy gì ở đó, - Simon nói. - Vậy nói tôi nghe, cô sẽ bắt đầu từ đâu?
- Tôi sẽ nói chuyện với họ hàng thân thích của ông ta, - Kari Adel nói, nhìn quanh tìm ghế. - Vạch ra những hành tung của ông ta trước khi chịu cái kết cục dưới sông.
Giọng cô khiến người ta nghĩ cô là dân miền Đông của Tây Oslo, là nơi thiên hạ rất sợ nhấn giọng sai sẽ làm họ xấu mặt.
- Tốt, Adel. Mà họ hàng thân thích của ông ta...
- ... là vợ ông ta. Sắp thành vợ cũ. Bà ta mới tống cổ ông ta ra đường. Tôi đã nói chuyện với bà ta. Ông ta trọ trung tâm Ila dành cho người nghiện ma túy. Tôi ngồi xuống được không...?
Thông minh. Nhất định là thông minh.
- Giờ cô không cần ngồi đâu, - Simon nói, đứng lên. Ông nhắm chừng cô cao hơn ông ít nhất cũng mười lăm phân. Dù là vậy, cô phải bước hai bước mới theo kịp một bước của ông. Váy ôm. Tốt thôi, nhưng ông nghi cô sẽ sớm phải mặc thứ gì khác. Muốn phá án thì phải mặc đồ jean.
* * *
- Các vị biết là các vị không được phép vào đây.
Martha chắn lối vào cửa trước Trung tâm Ila và nhìn hai người. Cô nghĩ mình gặp người phụ nữ rồi. Chiều cao và cái dáng gầy gò của cô ta khó mà quên được. Đội Bài trừ Ma túy? Cô ta có mái tóc vàng, èo uột, hầu như không son phấn và có vẻ mặt hơi thiểu não, trông như đứa con gái sợ sệt của một người đàn ông giàu có.
Người đàn ông thì hoàn toàn trái ngược. Cao khoảng 1 mét 7, đâu độ sáu mươi mấy. Mặt tàn nhang. Nhưng cũng có những nếp nhăn. Tóc bạc thưa dần lên bên trên đôi mắt mà cô đọc thấy những từ “tốt bụng”, “hóm hỉnh” và “bướng bỉnh”. Đoán hiểu con người là cái cô vô thức làm trong buổi phỏng vấn giới thiệu bắt buộc với những người trọ mới để xác định xem nhân viên sẽ gặp kiểu cư xử và rắc rối nào. Đôi khi cô cũng sai. Nhưng thường thì không.
- Chúng tôi không cần vào trong, - người đàn ông tự giới thiệu là chánh thanh tra Kefas nói. - Chúng tôi bên Đội Điều tra án mạng. Là về chuyện Per Vollan. Ông ấy từng sống ở đây.
- Từng sống?
- Phải, ông ấy chết rồi.
Martha há hốc miệng. Đó là phản ứng đầu tiên khi cô nghe lại một người nữa chết. Cô không biết mình làm vậy có phải vì để chắc là mình vẫn còn sống. Tiếp đến mới là sự ngạc nhiên. Hay đúng hơn, thực tế là cô không thấy ngạc nhiên.
Nhưng Per không phải là người nghiện ma túy, ông không ngồi trong phòng chờ của thần chết cùng những người còn lại. Hay là có? Và một cách vô thức cô đã thấy, đã biết điều đó? Có phải vì vậy mà theo sau cái há hốc thông thường là một phản ứng tâm lý cũng quen thuộc như vậy: dĩ nhiên chuyện phải như vậy.
Không, không phải vậy. Là chuyện khác.
- Người ta tìm thấy ông ấy dưới sông Aker. - Người đàn ông lãnh việc trò chuyện. Người phụ nữ có chữ TẬP SỰ ghi trên trán.
- Phải, - Martha nói.
- Trông cô không ngạc nhiên?
- Không. Không, có lẽ là không. Chuyện đó bao giờ cũng là cú sốc, tất nhiên, nhưng...
- ... nhưng đó là chuyện bình thường trong loại công việc của ta, phải không? - Người đàn ông ra dấu về mấy cửa sổ nơi tòa nhà bên cạnh. - Tôi không biết là Tranen đóng cửa rồi.
- Nó sẽ thành tiệm bánh ngọt hạng sang, - Martha nói, co ro ôm mình như thể bị lạnh. - Dành cho mấy bà mẹ trẻ giàu có nhâm nhi cà phê sữa.
- Vậy là họ cũng tới đây rồi. Ngạc nhiên ghê hén. - Ông gật đầu với một người ở lâu năm trong trung tâm đang lê bước qua trên hai đầu gối lẩy bẩy của dân nghiện thì nhận lại cái gật đầu dè dặt. - Ở đây có nhiều gương mặt quen. Tuy nhiên Vollan là cha tuyên úy. Báo cáo khám nghiệm tử thi vẫn chưa có, nhưng chúng tôi không tìm thấy dấu kim tiêm trên người ông ấy.
- Ông ấy ở đây không phải vì dùng ma túy. Ông ấy đã giúp đỡ chúng tôi khi chúng tôi gặp chuyện rắc rối với những người từng phạm pháp sống ở đây. Họ tin tưởng ông ấy. Vì vậy khi ông ấy phải dọn ra khỏi nhà, chúng tôi ngỏ lời cho ông ấy ở tạm.
- Chúng tôi biết. Điều tôi đang hỏi là tại sao cô biết ông ấy không dùng mà không ngạc nhiên là ông ấy đã chết. Ông ấy chết có thể là do tai nạn.
- Phải vậy không?
Simon nhìn người phụ nữ cao, gầy. Cô ta ngập ngừng cho đến khi ông gật đầu. Bấy giờ cô ta mới mở miệng.
- Chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu bạo hành nào, nhưng khu vực quanh sông là điểm nóng khét tiếng về tội phạm.
Martha để ý giọng cô ta và đi đến kết luận là một người mẹ nghiêm khắc đã chỉnh lời ăn tiếng nói của cô con gái ngay tại bàn ăn. Một người mẹ đã bảo là cô ta sẽ không bao giờ tìm được tấm chồng tử tế nếu nói năng như một con bán hàng.
Chánh thanh tra nghiêng đầu.
- Cô nghĩ sao, Martha?
Cô thích ông. Ông trông như người biết quan tâm.
- Tôi nghĩ ông ấy đã biết mình sắp chết.
Ông nhướng một bên mày.
- Tại sao?
- Vì ông ấy có viết cho tôi một lá thư.
* * *
Martha đi vòng qua chiếc bàn trong phòng họp nằm đối diện khu vực tiếp tân ở tầng một. Họ đã xoay xở giữ lại được phong cách Gothic nên rõ ràng đó là căn phòng đẹp nhất trong tòa nhà. Tính ra thì cũng chẳng có hơn thua gì nhiều. Cô rót một tách cà phê mời chánh thanh tra, ông đã ngồi xuống đọc lá thư Per Vollan để lại cho cô ở bàn tiếp tân. Cộng sự của ông ngồi vắt vẻo bên mép ghế cạnh ông, nhắn tin điện thoại. Cô ta đã lịch sự từ chối lời mời cà phê, trà hay nước của Martha như thể nghi là ngay cả vòi nước ở đây cũng nhiễm vi khuẩn cần tránh. Kefas đẩy lá thư qua cho cô ta.
- Trong đây nói ông ấy để lại toàn bộ những gì mình có cho ký túc xá.
Đồng nghiệp của ông gửi tin nhắn rồi hắng giọng. Chánh thanh tra quay qua cô ta.
- Gì, Adel?
- Ông không được gọi là ký túc xá nữa; gọi là trung tâm phục hồi.
Kefas trông thật tình ngạc nhiên.
- Sao vậy?
- Vì ở đây chúng tôi có nhân viên xã hội và bệnh xá, - Martha giải thích.
- Nên nó không chỉ là ký túc xá. Dĩ nhiên lý do thật là giờ đây từ “ký túc xá” đã mang những nghĩa đáng tiếc. Uống rượu, cãi vã ầm ĩ và điều kiện sống bẩn thỉu. Nên họ đặt tên lại và quét qua loa tí sơn lấp chỗ gỉ sét.
- Nhưng ngay cả là vậy... - chánh thanh tra nói. - Có đúng là Vollan sẽ để lại mọi thứ thuốc sở hữu của mình cho nơi này không?
Martha nhún vai.
- Tôi không nghĩ ông ấy có gì nhiều mà để lại. Ông có để ý thấy ngày tháng bên dưới chữ ký không?
- Ông ấy viết lá thư hôm qua. Nên cô nghĩ ông ấy làm vậy vì biết mình sắp chết? Cô muốn nói ông ấy tự vẫn?
Martha ngẫm nghĩ.
- Tôi cũng không biết nữa.
Người phụ nữ cao gầy lại hắng giọng.
- Theo như tôi biết thì đổ vỡ hôn nhân không phải là lý do tự tử bất thường ở đàn ông ngoài bốn mươi.
Martha có cảm giác là người phụ nữ ít nói không chỉ biết điều đó; cô ta có sẵn số liệu thống kê trong tay.
- Ông ấy có vẻ gì là trầm cảm không? - Simon hỏi.
- Tôi thì sẽ nghĩ là chán nản hơn là trầm cảm.
- Người có ý định quyên sinh sẽ tự sát khi đã ra khỏi tình trạng trầm cảm, đó không phải chuyện bất thường, - cô ta nói nghe như đang đọc trong sách ra. Hai người kia nhìn cô ta. - Chứng trầm cảm thường có đặc điểm là sự dửng dưng và cần chút đột phá nhất định để thực hiện ý định tự tử. - Một tiếng bíp cho biết cô ta vừa nhận được tin nhắn.
Kefas quay qua Martha.
- Một người đàn ông trung niên bị vợ tống cổ khỏi nhà rồi viết cho cô cái gì đó có thể xem là thư từ biệt. Vậy sao đó không phải là tự vẫn?
- Tôi không nói là không phải.
- Nhưng?
- Ông ấy có vẻ lo sợ.
- Sợ gì?
Martha nhún vai. Cô băn khoăn không biết mình có đang tạo phiền phức không cần thiết cho bản thân.
- Per là người có góc tối. Ông ấy rất thành thực về chuyện đó. Ông nói mình trở thành cha tuyên úy vì ông cần sự tha thứ hơn cả.
- Cô muốn nói rằng ông ấy đã làm những chuyện mà không phải ai cũng sẽ tha thứ cho ông ấy?
- Những chuyện mà sẽ không một ai tha thứ cho ông ấy.
- Tôi hiểu rồi. Có phải ta đang nói về kiểu tội lỗi dường như tiêu biểu cho đông đảo tầng lớp tu sĩ?
Martha không đáp.
- Có phải vì vậy mà bà vợ đuổi ông ấy ra khỏi nhà?
Martha ngập ngừng. Người này sắc sảo hơn mấy sĩ quan cảnh sát cô từng gặp. Nhưng cô có tin tưởng ông được không?
- Trong công việc của tôi ta sẽ học được nghệ thuật tha thứ cho cái không thể tha thứ, thưa chánh thanh tra. Dĩ nhiên có lẽ là cuối cùng Per đã không thể tha thứ cho chính mình và đó là lý do vì sao ông ấy chọn lối thoát này. Nhưng cũng có lẽ là...
- ... ai đó, giả dụ như cha của đứa trẻ bị lạm dụng, không muốn những lời buộc tội thúc bách sẽ làm xấu mặt cả nạn nhân. Hơn nữa, người đó cũng không thể chắc Per Vollan sẽ bị trừng phạt và, trong bất cứ tình huống nào, ông ấy nhận bản án gì thì cũng sẽ không đủ. Nên người đó đã quyết định làm quan tòa, bồi thẩm đoàn và người hành quyết.
Martha gật.
- Ai đó xâm hại con mình thì làm vậy cũng là bình thường thôi, tôi đoán thế. Trong công việc của mình ông chưa từng gặp những trường hợp mà luật pháp không thỏa đáng sao?
Simon Kefas lắc đầu.
- Nếu cảnh sát đầu hàng trước cám dỗ kiểu đó, luật pháp sẽ vô dụng. Và quả thực là tôi tin pháp luật. Công lý cần phải không phân biệt. Cô có nghi ngờ riêng ai không?
- Không.
- Nợ tiền ma túy? - Kari Adel hỏi.
Martha lắc đầu.
- Ông ấy mà dùng thì tôi đã biết.
- Tôi hỏi vì tôi vừa nhắn tin cho một cảnh sát đội Bài trừ Ma túy hỏi về Per Vollan. Và anh ta trả lời... - Cô ta đang lấy điện thoại trong túi áo khoác ôm sát thì có tiếng keng vì một viên bi rơi ra theo, chạm sàn và lăn theo hướng Đông.
- Thỉnh thoảng có thấy ông ta nói chuyện với một tên buôn ma túy của Nestor, - cô ta vừa đọc to vừa đứng lên tìm viên bi. - Thấy ông ta mua một gói, nhưng không trả tiền.
Kari Adel cất điện thoại vào túi và chụp được viên bi trước khi nó chạm tường.
- Vậy cô hiểu sao về chuyện đó? - Simon hỏi.
- Là tòa nhà này xuôi về hướng quảng trường Alexander Kiellands. Có lẽ ở phía đó có nhiều đất sét xanh hơn và ít granite hơn.
Martha cười tủm tỉm.
Cô gái cao gầy nhoẻn cười.
- Và rằng Vollan nợ tiền ai đó. Một gói heroin giá ba trăm krone. Nó thậm chí không được nguyên gói, chỉ có 0,2 gam. Hai gói một ngày...
- Đừng nhanh vậy, - Simon ngắt lời. - Dân nghiện không được mua chịu, đúng không?
- Phải, không thường xuyên. Có lẽ ông ta đã làm gì giúp ai đó nên được trả công bằng heroin.
Martha vung hai bàn tay lên.
- Ông ấy không dùng mà, tôi nhắc lại! Phân nửa công việc của tôi là biết xem người ta có sạch không, OK?
- Tất nhiên là cô nói đúng, cô Lian, - Simon nói, xoa xoa cằm. - Có lẽ heroin không phải là để cho ông ấy.
Ông đứng lên.
- Dù sao, ta sẽ phải chờ xem giám định viên pháp y nói thế nào.
- Cô nhắn tin cho Đội Bài trừ Ma túy là ý hay đấy, - Simon nói khi chở cả hai chạy xuôi Uelands về hướng trung tâm thành phố.
- Cảm ơn, - Kari đáp.
- Cô nàng tử tế, cô Martha Lian ấy. Cô đã từng gặp cô ấy chưa?
- Chưa, nhưng nếu gặp thì tôi sẽ không thể nào đá cô ấy ra khỏi giường.
- Sao?
- Xin lỗi, đùa bậy. Ý ông là tôi có quen cô ta từ thời còn làm bên Đội Bài trừ Ma túy không. Có. Cô ấy đáng yêu nên tôi vẫn thắc mắc sao cô ấy lại làm ở Trung tâm Ila.
- Vì cô ấy xinh ư?
- Một chuyện ai cũng biết là ngoại hình khá sẽ nâng đỡ triển vọng sự nghiệp của người có trí thông minh và năng lực vừa phải. Theo như tôi thấy thì làm việc trung tâm Ila không phải là bàn đạp cho cái gì cả.
- Có lẽ cô ấy nghĩ đó là một công việc xứng đáng.
- Xứng đáng ư? Ông có biết họ trả...
- Đáng làm. Cảnh sát cũng đâu được trả lương khá lắm.
- Đúng vậy.
- Nhưng đó là một nơi tốt để khởi nghiệp nếu ta kết hợp nó với một bằng luật, - Simon nói. - Bao giờ thì cô xong bậc hai?
Ông lại phát hiện thấy thoáng ửng hồng trên cổ Kari và biết mình đã gợi lại nỗi niềm.
- Tốt, - Simon nói. - Được cô giúp sức thì tốt quá. Tôi nghĩ rồi cô sẽ sớm thành sếp của tôi. Hoặc cô sẽ kiếm được một việc trong khu vực tư nhân mà lương bổng trung bình cũng gấp rưỡi nếu là những người có kỹ năng như chúng ta.
- Có lẽ, - Kari nói. - Nhưng tôi không nghĩ có bao giờ lại thành sếp của ông. Tháng Ba sau là ông về hưu rồi.
Simon không biết nên cười hay nên khóc. Ông rẽ trái tại Gronlandsleiret, về hướng trụ sở cảnh sát.
- Gấp rưỡi lương của cô sẽ rất hữu dụng khi cô đang phải lo chuyện nhà cửa. Căn hộ hay nhà riêng?
- Nhà riêng, - Kari nói. - Chúng tôi đang tính có hai con nên cần thêm phòng. Xét theo giá mét vuông ở Oslo trung tâm thì ta phải mua một chỗ cần sửa sang lại, trừ phi là ta được thừa kế tiền. Cả cha mẹ tôi lẫn cha mẹ Sam đều còn sống và khỏe mạnh; vả chăng, Sam với tôi đều nhất trí là trợ cấp sẽ làm ta hư.
- Làm ta hư sao? Thật hả?
- Đúng vậy.
Simon nhìn mấy ông chủ Pakistan đã bỏ những cái tiệm nóng bức ra đường tán gẫu, hút thuốc và nhìn xe cộ.
- Cô không tò mò làm sao tôi biết cô đang tìm nhà ư?
- Viên bi, - Kari nói. - Người lớn chưa con cái mà lại có một viên trong túi thì chỉ có nghĩa là đang đi xem nhà hay căn hộ cũ và muốn kiểm xem sàn có xuôi do lún nặng đến mức phải nâng lên không.
Cô quả là thông minh.
- Cứ nhớ điều này, - Simon nói. - Một ngôi nhà tồn tại được 120 năm rồi thì sàn sẽ hơi vênh một chút.
- Có lẽ vậy, - Kari nói, hướng người tới nhìn lên chóp nhà thờ Gronland. - Nhưng tôi thích sàn nhà bằng phẳng.
Simon bật cười. Ắt ông sẽ dần thích cô gái này. Ông cũng thích sàn bằng phẳng.

7

- Tôi có biết cha cậu, - Johannes Halden nói.
Bên ngoài trời đang mưa. Hôm ấy nắng ấm; mây tụ trên đường chân trời và mưa phùn mùa hè lất phất rơi trên thành phố. Johannes nhớ lại ngày ông chưa bị tống giam có cảm giác thế nào. Những giọt mưa li ti ấm lên phút giây chạm vào làn da rám nắng của ta ra sao. Nó khiến cái mùi bụi bay lên từ nhựa đường ra sao. Hương hoa, cỏ và lá thường làm ông ngông cuồng, ngây ngất và nghịch ngợm. A, lại được trai trẻ.
- Tôi là kẻ chỉ điểm tín cẩn cho ông ấy, - Johannes nói.
Sonny ngồi trong bóng tối sát tường và gần như là bất khả để thấy mặt mũi cậu ta. Johannes không còn nhiều thời gian; chốc nữa thôi dãy xà lim sẽ bị khóa lại ban đêm. Ông hít một hơi thật sâu. Nó đây rồi. Câu ông cần nói, nhưng khiếp sợ những hệ quả. Thốt ra những từ đã nằm trong lồng ngực lâu đến mức ông e chúng mọc rễ ra rồi.
- Không phải ông ấy tự bắn mình đâu, Sonny.
Đấy. Cuối cùng thì ông cũng đã cho cậu ta biết.
Im lặng.
- Cậu không ngủ đấy chứ, Sonny?
Johannes thấy thân người kia xê dịch trong bóng tối.
- Tôi biết vụ đó đối với cậu và mẹ cậu thế nào. Thấy cha mình chết. Đọc lá thư ông tự nhận là tên gián điệp nhị trùng trong cảnh sát tiếp tay cho bọn buôn ma túy và buôn người. Rằng ông đã báo cho chúng biết về các cuộc vây ráp, bằng chứng, nghi phạm...
Ông thấy màu trắng trong cặp mắt chớp chớp.
- Nhưng ngược lại mới đúng, Sonny. Cha cậu đoán được ai là gián điệp nhị trùng. Tôi nghe lỏm được Nestor nói chuyện điện thoại với sếp là chúng phải khử một cảnh sát tên Lofthus trước khi anh ta làm tan tành mọi sự của chúng. Tôi nói lại cho bố cậu biết cuộc trò chuyện đó, rằng ông ấy đang gặp nguy, rằng cảnh sát phải mau ra tay. Nhưng bố cậu nói ông ấy không thể để người khác liên lụy, rằng ông ấy phải làm một mình vì ông biết còn những cảnh sát khác mắc nợ Nestor. Nên ông bắt tôi thề ngậm miệng và không bao giờ hở một chữ nào về chuyện đó cho bất kỳ ai. Và tôi đã giữ lời hứa đó đến tận bây giờ.
Sonny có hiểu không? Có lẽ không, nhưng điều quan trọng nhất không phải là Sonny lắng nghe hay những hệ quả, mà Johannes đã trút hết được những điều trong lòng. Cuối cùng cũng đã cho cậu ta biết. Chuyển giao thông điệp đến đúng người cần nhận.
- Cuối tuần đó bố cậu có một mình; cậu và mẹ đi xem trận đấu vật ngoài thị trấn. Ông ấy biết chúng sẽ đến tìm nên cố thủ bên trong ngôi nhà màu vàng của cậu trên Berg ấy.
Johannes nghĩ ông cảm thấy gì đó trong bóng tối. Một sự thay đổi mạch đập và hơi thở.
- Dù là vậy, Nestor và đàn em vẫn xoay xở vào được. Chúng không muốn cái hậu quả phải lãnh do bắn chết một sĩ quan cảnh sát nên đã ép cha cậu viết lá thư tự vẫn đó. - Johannes nuốt khan. - Để đổi lấy lời hứa tha cho cậu và mẹ cậu. Sau đó chúng bắn thẳng vào ông ấy bằng chính khẩu súng của ông.
Johannes nhắm mắt. Im ắng như tờ vậy mà có cảm giác như ai đó quát vào tai ông. Rồi cái thắt nghẹn trong ngực và cổ họng mà đã nhiều, nhiều năm rồi ông không cảm thấy. Lạy Chúa nhân từ, lần sau cùng ông khóc là bao giờ Ngày con gái ông chào đời? Nhưng giờ ông không thể dừng lại; ông phải làm cho xong cái ông đã bắt đầu.
- Tôi nghĩ chắc cậu đang thắc mắc làm sao Nestor vào nhà được?
Johannes nín thở. Nghe như chàng trai cũng đã ngừng thở, ông chỉ nghe mỗi trong máu sôi réo trong tai.
- Có kẻ đã thấy tôi nói chuyện với cha cậu, nên Nestor nghĩ cảnh sát đã hơi quá gặp may với mấy xe tải họ chặn gần đây. Tôi chối không phải tôi, nói rằng tôi chỉ quen sơ cha cậu và ông ấy đang cố moi thông tin ở tôi. Vậy là Nestor nói nếu cha cậu tin tôi là kẻ chỉ điểm tín cẩn cho ông ấy, tôi có thể đến cửa trước bảo ông ấy mở. Bằng cách đó tôi có thể chứng tỏ lòng trung thành của mình là dành cho phe nào, hắn nói...
Johannes nghe được người kia đã bắt đầu thở lại. Nhanh. Mạnh.
- Bố cậu ra mở cửa. Vì ông ta tin tưởng kẻ chỉ điểm cho mình mà, đúng không?
Ông cảm thấy có động đậy, nhưng không nghe hay thấy gì trước khi cú đấm tung vào ông. Và khi ông nằm trên sàn nếm máu tanh, cảm thấy cái răng trôi xuống cổ họng, nghe chàng trai gào thét và gào thét thì cửa xà lim mở ra, tiếng mấy quản giáo quát tháo và rồi chàng trai bị khống chế và còng tay lại, ông nghĩ về tốc độ, độ chính xác và thể lực kinh hồn nơi quả đấm của tên nghiện này. Và về sự tha thứ. Sự tha thứ ông chưa có được. Và về thời gian. Về từng khắc giờ trôi qua. Về đêm đang đến gần.

8

Thứ Arild Franck thích nhất ở chiếc Porsche Cayenne của hắn là âm thanh.
Hay đúng hơn là nó không có âm thanh. Tiếng rù rù của động cơ 4,8 lít V8 làm hắn nhớ cái máy khâu của mẹ thời hắn lớn lên ở Stange ngoại ô Hamar. Cả cái đó cũng thuần tiếng lặng im. Im lặng, điềm tĩnh và tập trung.
Cánh cửa bên ghế hành khách mở và Einar Harnes vào xe. Franck không biết đám luật sư trẻ ở Oslo mua com lê ở đâu; hắn chỉ biết không phải những tiệm hắn thường lui tới. Hắn cũng chưa từng thấy ích lợi gì khi mua com lê màu sáng. Mấy bộ com lê phải màu sẫm. Và tốn chưa tới năm ngàn krone. Khoảng chênh lệch giá mấy bộ com lê của hắn và của Harnes có thể dùng để mở tài khoản tiết kiệm cho các thế hệ mai sau có gia đình riêng phải nuôi nấng và họ sẽ tiếp tục nhiệm vụ kiến thiết Na Uy. Hay để trả cho quãng thời gian về hưu sớm đầy sung túc. Hay một chiếc Porsche Cayenne.
- Tôi nghe nói hắn nói đang bị biệt giam, - Harnes nói khi xe rời lề đường bên ngoài cánh cửa có chữ vẽ nguệch ngoạc dẫn vào văn phòng luật Harnes & Falibakken.
- Hắn nện một bạn tù, - Franck nói.
Harnes nhướng một bên mày được tỉa tót cẩn thận.
- Gandhi mà vung nắm đấm sao?
- Ai mà biết bọn nghiện đủ sức làm những gì. Nhưng hắn bị cắt thuốc hoàn toàn bốn ngày nay nên tôi nghĩ giờ hắn đã biết hợp tác lắm rồi.
- Phải, chuyện đó đã thành lệ trong nhà đó mà - hay là tôi nghe vậy.
- Anh đã nghe được những gì? - Franck bấm còi với chiếc Corolla chạy chậm rì.
- Những chuyện ai cũng biết rồi thôi mà. Còn gì nữa sao?
- Không.
Arild Franck lái xe lên trước chiếc Mercedes mui trần. Hôm qua hắn đã đến xà lim cách ly. Nhân viên vừa lau dọn chỗ nôn mửa còn người thanh niên ngồi co ro đắp tấm chăn len trong góc.
Franck chưa từng gặp Ab Lofthus, nhưng hắn biết người con trai đã nối gót cha. Rằng anh ta từng là tay đấu vật như cha và ở tuổi mười lăm đã tỏ ra có nhiều triển vọng đến mức tờ Aftenposten [Tờ Bưu báo Buổi chiều Na Uy] tiên đoán một sự nghiệp trong liên đoàn quốc gia. Giờ anh ta ngồi trong xà lim hôi thối, run như chiếc lá và nức nở như đứa bé gái. Khi cai nghiện thì ai cũng như ai.
Họ dừng lại trước phòng bảo vệ, Einar Harnes xuất trình thẻ căn cước rồi rào chắn thép nhấc lên. Franck đỗ chiếc Cayenne vào chỗ được phân định rồi cùng Harnes bước đến cửa chính, Harnes ký sổ ở đây. Thường thì Franck để Harnes vào qua cửa sau cạnh dãy phòng thay đồ của nhân viên để hắn khỏi phải ký tên vào. Hắn không muốn cho ai cái cớ để đoán non đoán già một luật sư tai tiếng như Harnes có việc gì mà cứ đến Staten.
Tất cả phạm nhân bị tình nghi có dính líu trong một vụ hành sự mới đều được thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát, nhưng Franck đã hỏi buổi thẩm vấn này diễn ra tại Staten được không, bởi lẽ hiện nay Sonny Lofthus đang bị biệt giam.
Người ta đã dọn sẵn một xà lim còn trống cho mục đích này. Một cảnh sát nam và một cảnh sát nữ mặc thường phục ngồi một bên bàn. Franck đã gặp họ trước đó, nhưng không thể nhớ tên. Dáng người ở bên kia bàn xanh xao đến độ như lẫn vào màu tường trắng đục. Đầu anh ta cúi gằm còn hai bàn tay nắm chặt mép bàn như thể căn phòng đang quay.
- Nào, Sonny, - Harnes tươi cười nói, để tay lên vai người thanh niên, - anh sẵn sàng chưa?
Nữ cảnh sát hắng giọng.
- Câu hỏi lẽ ra phải là anh ta đã xong chưa.
Harnes cười nhạt với cô và nhướng mày.
- Ý cô là sao? Tôi hy vọng cô chưa bắt đầu thẩm vấn thân chủ của tôi khi không có mặt luật sư.
- Anh ta nói anh ta không cần ông, - nam cảnh sát đáp.
Franck nhìn người thanh niên. Hắn đánh hơi thấy rắc rối.
- Vậy là anh ta thú tội rồi? - Harnes thở dài, mở cặp lấy ra ba tờ giấy bấm vào nhau. - Nếu các vị cần văn bản thú tội thì...
- Trái lại, - nữ cảnh sát nói. - Anh ta vừa một mực nói không dính dáng gì đến vụ án mạng.
Căn phòng bỗng im lặng như tờ đến mức Franck còn nghe được tiếng chim hót bên ngoài.
- Hắn làm gì chứ? - Lông mày Harnes giờ đã chạy lên tới chân tóc. Franck không biết cái gì có thể khiến hắn giận dữ hơn, cặp mày tỉa tót của tay luật sư hay chuyện gã chậm đánh giá đúng tai họa đang xảy ra.
- Hắn còn nói gì nữa không? - Franck hỏi.
Nữ cảnh sát nhìn phó giám thị rồi nhìn tay luật sư.
- Không có gì bất thường cả, - Harnes nói. - Anh ta ở đây theo yêu cầu của tôi phòng khi các vị cần thêm thông tin về ngày Lofthus được ra ngoài.
- Đích thân tôi đã cho phép chuyện đó, - Franck nói. - Và không gì cho thấy là nó sẽ có những hậu quả thảm khốc như vậy.
- Còn chúng tôi lại chưa được biết là có, - nữ cảnh sát nói. - Xét rằng chúng tôi chưa có lời thú tội.
- Nhưng chứng cứ... - Arild Franck kêu lên, nhưng rồi ngăn mình lại.
- Ông biết gì về chứng cứ? - nam cảnh sát hỏi hắn.
- Tôi chỉ đoán chừng là các vị đã có vài bằng chứng, - Franck nói. - Vì Lofthus là nghi phạm. Đúng vậy không, ông... ?
- Thanh tra Henrik Westad, - nam cảnh sát nói. - Tôi là người đầu tiên thẩm vấn Lofthus, nhưng giờ anh ta đã sửa đổi lời khai. Anh ta thậm chí còn nói mình có chứng cứ ngoại phạm trong thời gian diễn ra án mạng. Một nhân chứng.
- Anh ta có nhân chứng chứ, - Harnes nói, nhìn xuống thân chủ im lìm. - Viên quản giáo áp giải anh ta trong ngày được ra ngoài. Và anh ta đã nói Lofthus biến đâu mất trong...
- Một nhân chứng khác, - Westad nói.
- Vậy đó là ai mới được? - Franck chế nhạo.
- Lofthus khai rằng anh ta đã gặp một ông tên Leif.
- Leif nào?
Ai nấy đều nhìn phạm nhân tóc dài trông như đã phiêu diêu tận đâu rồi và tuyệt không hay biết đến sự hiện diện của họ.
- Anh ta không biết, - Westad nói. - Anh ta nói họ trò chuyện một lát tại điểm dừng xe. Anh ta nói nhân chứng lái chiếc Volvo màu xanh có miếng dán “I Love Drammen” và anh ta nghĩ có lẽ nhân chứng bị ốm hay có bệnh tim.
Franck oác lên cười.
- Tôi nghĩ, - Einar Harnes nói với một sự điềm nhiên gượng gạo trong lúc cất giấy tờ vào cặp, - chúng ta nên dừng chuyện đó ở đây và cho tôi nói chuyện với thân chủ để nhận chỉ dẫn.
Franck có thói quen cười toác mang tai khi nổi giận. Và giờ cơn giận đã lục bục trong đầu như ấm nước đang sôi và hắn phải trấn tĩnh lại để không cười hô hố lần nữa. Hắn trừng mắt nhìn cái tên được gọi là thân chủ của Harnes. Sonny Lofthus hẳn là điên rồi. Đầu tiên anh ta hành hung lão Halden rồi giờ đến chuyện này. Hẳn cuối cùng heroin cũng đã ăn mòn óc não anh ta. Nhưng Sonny sẽ không được làm đảo lộn chuyện này, chuyện này quá sức lớn. Franck hít một hơi sâu và nghe một tiếng tách tưởng tượng như ấm nước đang sôi tự động tắt.
Vấn đề chỉ là giữ bình tĩnh từ từ. Cho vụ cai nghiện thêm chút thời gian.
* * *
Simon đang đứng trên cầu Sannerbrua nhìn xuống dòng nước trôi dưới họ tám mét. Lúc này là sáu giờ chiều và Kari Adel vừa hỏi về quy định làm thêm giờ tại Đội Điều tra án mạng.
- Không biết, - Simon nói. - Nói chuyện với phòng nhân sự ấy.
- Ông thấy được gì dưới ấy không?
Simon lắc đầu. Đằng sau tán lá trên bờ Đông con sông ông nhận ra được lối kéo tàu theo sông thẳng xuống nhà hát mới trên vịnh Oslo. Một ông đang ngồi trên băng ghế cho bồ câu ăn. Ông ta đã về hưu, Simon nghĩ. Đó là cái ta làm khi về hưu. Trên bờ Tây là một khối căn hộ hiện đại có cửa sổ và ban công nhìn ra cả sông lẫn cây cầu.
- Vậy ta làm gì ở đây? - Kari hỏi, sốt ruột đá mặt nhựa đường.
- Cô cần đi đâu sao? - Simon hỏi và nhìn quanh. Một chiếc xe thong thả chạy qua, một hành khất tươi cười hỏi họ có tiền lẻ để đổi tờ hai trăm krone không, một cặp đeo kính râm hàng hiệu thong thả đi qua, cười một chuyện gì đó, cái vỉ nướng dùng một lần để dưới khay trên xe đẩy trẻ con. Ông yêu Oslo những kỳ nghỉ hè khi thành phố vắng người và lại là của ông. Khi nó lại là ngôi làng hơi già cỗi của tuổi thơ ông nơi không có nhiều sự kiện xảy ra và chuyện gì xảy ra cũng đều mang một ý nghĩa nào đó. Một thành phố ông hiểu được.
- Có vài người bạn mời Sam với tôi đến ăn tối.
Bạn bè, Simon nghĩ. Ông đã từng có bạn bè. Họ thế nào rồi? Có lẽ họ cũng đang hỏi câu đó. Ông thế nào rồi? Ông không biết mình có thể cho họ câu trả lời thích đáng không.
Con sông không thể nào sâu quá một mét rưỡi. Ở vài chỗ có mấy tảng đá nhô lên. Biên bản khám nghiệm tử thi có nhắc đến các tổn thương khớp với một cú rơi từ một độ cao nhất định, điều này có thể khớp với chuyện cổ bị gãy, tức nguyên nhân thực sự gây tử vong.
- Ta ở đây vì ta đã đi tới lui dọc sông Aker mà chỉ có chỗ này cây cầu đủ cao và nước sông đủ cạn để ông ta va phải đá mạnh như vậy. Hơn nữa, đây là cây cầu gần ký túc xá nhất.
- Trung tâm phục hồi, - Kari chỉnh ông.
- Như là cô thì cô có tự sát ở đây không?
- Không.
- Tôi muốn nói nếu cô định tự sát.
Kari ngừng xê dịch bàn chân. Nhìn qua lan can cầu.
- Tôi nghĩ tôi thì tôi đã chọn đâu đó cao hơn. Rủi ro sống sót quá lớn. Rủi ro cuối cùng lại phải ngồi xe lăn quá lớn...
- Nhưng cô cũng không xô ai đó qua cầu này, nếu cố giết họ, đúng không?
- Vâng, có lẽ vậy, - cô ngáp.
- Vậy là ta đang tìm kẻ nào đó vặn cổ Per Vollan rồi ném ông ta xuống sông từ chỗ này.
- Tôi chắc đó là cái ông gọi là giả thiết.
- Không, đó là cái chúng ta gọi là giả thiết. Bữa ăn tối đó...
- Sao cơ?
- Gọi cho chồng cô nói là nó bị hủy.
- Ồ?
- Ta sẽ bắt đầu hỏi từng nhà tìm nhân chứng có thể có. Cô cứ bắt đầu bằng cách bấm chuông cửa bất cứ nhà nào có ban công nhìn ra sông. Kế đến ta cần rà lại thật kỹ tài liệu lưu trữ tìm những kẻ bẻ cổ có thể có. - Simon nhắm mắt hít vào không khí. - Cô không yêu Oslo mùa hè sao?

9

Einar Harnes chưa bao giờ ôm tham vọng cứu thế giới. Chỉ một phần nhỏ thế giới. Cụ thể hơn là phần của hắn. Vì vậy mà hắn học luật. Chỉ một phần nhỏ luật. Cụ thể hơn là phần hắn cần để qua được kỳ thi. Hắn kiếm được một việc tại công ty của mấy tay luật sư dứt khoát là hoạt động ở tận đáy hệ thống luật pháp Oslo, làm cho họ chỉ vừa đủ lâu để được cấp giấy phép hành nghề, mở công ty luật riêng với Erik Fallbakken, một kẻ mấp mé nghiện rượu, ngày một già nua, và cùng nhau họ đã đặt ra mức thấp mới cho bọn cặn bã trong xã hội.
Họ nhận hầu hết các vụ vô phương và vụ nào cũng thua, nhưng trong quá trình đó đã dành được cái tiếng là luật sư bào chữa cho những người ở tận đáy xã hội.
Theo tính chất của thân chủ thì công ty luật Harnes & Fallbakken chủ yếu yêu cầu thanh toán hóa đơn - nếu mà có - công ngày thân chủ đi thu tiền lời. Einar Harnes sớm nhận ra rằng hắn không làm trong nghề đem lại công lý, hắn chỉ đem lại một lựa chọn khác tốn kém hơn không đáng kể so với bọn đòi nợ, thầy bói và các dịch vụ xã hội. Hắn dọa kiện những người hắn ăn lương để dọa, tuyển dụng những phần tử vô tích sự nhất thành phố với mức lương tối thiểu và hứa hẹn với các thân chủ tiềm năng trăm trận trăm thắng tại tòa. Tuy nhiên, Harnes có một thân chủ, người này chính là lý do thực sự giúp hắn vẫn còn ở trong ngành. Thân chủ này không có lý lịch hồ sơ trong hệ thống lưu trữ - nếu ta có thể gọi cả mớ hỗn độn ngự trị trong các ngăn tủ được một thư ký hầu như lúc nào cũng nghỉ ốm trông coi là hệ thống. Thân chủ này luôn trả hóa đơn của hắn, thường là bằng tiền mặt, và chẳng mấy khi đòi biên nhận. Và cũng chẳng có chuyện thân chủ này sẽ đòi biên nhận cho số giờ Harnes chuẩn bị lũy tiến lên.
Sonny Lofthus ngồi xếp bằng trên giường, mắt toát ra vẻ tuyệt vọng trắng dã.
Đã sáu ngày trôi qua từ buổi thẩm vấn khét tiếng và anh chàng này đã chịu một khoảng thời gian khó nhằn, nhưng anh ta chịu trận được lâu hơn họ tưởng. Báo cáo từ các phạm nhân mà Harnes tiếp xúc thật đáng nể. Sonny không tìm cách kiếm ma túy; trái lại, anh ta đã khước từ những mời mọc speed [một loại amphetamine có dạng bột, là loại thuốc cực “bẩn” vì bị pha trộn với nhiều loại ma túy khác] và cần sa.
Người ta đã thấy anh ta trong phòng thể dục tập luyện vất vả suốt hai giờ không nghỉ rồi cử tạ thêm hai giờ nữa. Vào đêm có thể nghe thấy những tiếng gào thét từ xà lim của Sonny. Nhưng anh ta đang cầm cự. Một gã từng dùng heroin cực mạnh mười hai năm trời. Những người Harnes từng nghe kể xoay xở làm được vậy đã thay ma túy bằng thứ gì cũng có khả năng gây nghiện tương đương, cũng kích thích và khuyến khích họ như phê thuốc. Mà danh sách đó không dài. Có thể là họ tìm thấy Chúa, phải lòng ai đó hay có con. Chỉ có vậy. Tóm lại, cuối cùng họ đã tìm thấy cái gì đó đem lại cho đời họ một mục đích mới và khác đi.
Hay phải chăng đó chỉ là người đang chết đuối trồi lên mặt nước lần cuối để rồi chìm nghỉm? Tất cả những gì Einar Harnes biết chắc là kẻ phát lương cho hắn cần một câu trả lời. Không. Không phải câu trả lời. Những kết quả.
- Họ có bằng chứng ADN nên mày sẽ phải bị kết án dù mày có thú tội hay không. Sao lại phải vô cớ kéo dài đau đớn?
Không đáp.
Harnes miết mạnh tay lên mái tóc chải láng ra sau đến mức chân tóc đau ê ẩm.
- Tao có thể cho đem vào đây một gói Superboy trong vòng một giờ, vấn đề của mày là gì? Tất cả những gì tao cần là chữ ký của mày ở đây. - Hắn gõ gõ ngón tay lên ba tờ giấy A4 trên cái cặp kê nơi đùi.
Người thanh niên cố liếm cặp môi khô, nứt nẻ bằng cái lưỡi trắng đến mức Harnes thắc mắc nó có tạo thành muối được không.
- Cảm ơn. Để tôi nghĩ xem.
Cảm ơn. Để tôi nghĩ xem? Hắn đang mời ma túy cho một kẻ nghiện thảm bại đang cai khô! Thằng này đã đẩy lùi được định luật vạn vật hấp dẫn chăng?
- Nghe này, Sonny...
- Với lại cảm ơn ông đã đến thăm.
Harnes lắc đầu đứng lên. Thằng này sẽ không chịu được lâu đâu. Harnes chỉ cần chờ thêm một ngày nữa thôi. Cho đến khi thời của phép lạ qua đi.
Khi một quản giáo tiễn tay luật sư qua hết mấy cửa và lồng rồi hắn về lại khu vực tiếp tân và nhờ gọi cho chiếc taxi, hắn nghĩ về điều thân chủ hắn sẽ nói.
Hay đúng hơn là cái thân chủ hắn sẽ làm nếu Harnes không cứu thế giới.
Tức là phần thế giới của hắn.
* * *
Geir Goldsrud rướn người trên ghế nhìn chằm chằm vào màn hình.
- Hắn tính làm cái quái gì vậy?
- Trông như hắn đang cố làm cho ai đó chú ý, - một quản giáo khác trong phòng điều khiển nói.
Goldsrud nhìn người thanh niên. Chòm râu dài xuống khuôn ngực để trần.
Anh ta đang đứng trên ghế trước một camera giám sát, khói ngón trỏ gõ gõ lên ống kính còn miệng ra dấu những chữ không hiểu được.
- Finstad, đi với tôi, - Goldsrud nói, đứng lên.
Họ đi ngang Johannes đang lau sàn trong hành lang.
Cảnh tượng mơ hồ gợi Goldsrud nhớ cảnh gì đó trong một cuốn phim. Họ xuống cầu thang tới tầng trệt, đi vào, qua bếp tập thể rồi bước tới cuối hành lang thì thấy Sonny đã ngồi trên cái ghế anh ta vừa đứng lên.
Goldsrud nhìn phần thân trên và hai cánh tay của cậu trai thì biết gần đây có tập luyện, cơ và ven nổi rõ dưới da. Anh có nghe nói một số người dùng ma túy tiêm ven, những người thành thạo nhất thường tập tạ tay trong phòng thể dục trước khi chích. Amphetamine và đủ loại viên đều được lưu hành, nhưng Staten là một trong ít ỏi nhà tù ở Na Uy - rất có thể là nhà tù duy nhất - quả thực có được chút kiểm soát hạn hẹp việc tuồn heroin vào. Dù là vậy, dường như Sonny luôn có được nó mà chẳng gặp trở ngại nào. Cho đến lúc này. Nhìn người thanh niên run rẩy Goldsrud biết đã mấy ngày rồi anh ta không được chích. Thảo nào anh ta tuyệt vọng.
- Giúp tôi với, - Sonny khẩn khoản khi thấy họ đi lại.
- Chắc chắn rồi, - Goldsrud nói, nháy mắt với Finstad. - Anh phải trả mỗi gói hai ngàn.
Anh có ý nói đùa, nhưng thấy là Finstad chưa tin chắc như anh.
Người thanh niên lắc đầu. Các cơ lồi lên ngay cả nơi cổ và cổ họng.
Goldsrud có nghe đồn anh ta từng là một tay đấu vật đầy triển vọng. Có lẽ họ nói đúng, cơ bắp nào ta tập luyện được trước mười hai tuổi thì khi trưởng thành ta có thể có lại chỉ trong vòng vài tuần.
- Nhốt tôi lại đi.
- Đến mười giờ chúng tôi mới nhốt anh lại, Lofthus.
- Làm ơn đi.
Goldsrud lúng túng. Chuyện phạm nhân xin được nhốt trong xà lim vì sợ ai đó thì cũng có. Thỉnh thoảng, nhưng không phải luôn luôn, họ có lý do để như vậy. Sợ hãi là cái thường phát sinh từ một đời phạm tội. Hay ngược lại. Nhưng có lẽ Sonny là phạm nhân duy nhất ở Staten không có lấy một kẻ thù trong đám phạm nhân. Trái lại, họ đối xử như thể anh ta là vật bất khả xâm phạm. Chàng trai này cũng chưa từng tỏ ra sợ sệt và rõ ràng có sức chịu đựng thể xác và tinh thần để chống chọi với cơn nghiện giỏi hơn hầu hết. Vậy thì tại sao...?
Khi người thanh niên khều cái vảy từ dấu kim tiêm trên cẳng tay thì Goldsrud mới nhận ra dấu nào cũng có vảy. Anh ta không có dấu mới nào. Anh ta đã bỏ. Vì vậy mà anh ta muốn được nhốt lại. Anh ta đang cai nghiện nên thừa biết mình sẽ nhận bất cứ gì người ta mời, bất kể thứ gì.
- Đi, - Goldsrud nói.
* * *
- Nhấc chân lên giùm đi, Simon?
Simon nhìn lên. Người lao công già nhỏ bé và khòm đến mức bà chỉ vừa với tới xe đẩy đựng dụng cụ làm vệ sinh. Bà đã làm việc ở trụ sở cảnh sát trước cả khi Simon vào làm, đâu trong thiên niên kỷ trước. Bà là một phụ nữ có những ý kiến mạnh mẽ, và luôn gọi mình - và đồng nghiệp, bất luận giới tính - là “cô” lao công.
- Chào Sissel, lại tới giờ đó rồi hả? - Simon nhìn đồng hồ tay. Hơn bốn giờ.
Thời điểm chính thức hết ngày làm việc ở Na Uy. Thực ra, luật lao động gần như đã quy định là vì nhà vua và xứ sở ta phải ra về đúng giờ. Trước đây ông chẳng hề để tâm đến chuyện về đúng giờ, nhưng đó là hồi ấy. Ông biết Else đang chờ mình, rằng cô đã bắt đầu nấu bữa tối từ vài giờ trước và khi ông về đến nhà cô sẽ vờ như thể bữa ăn đó cô chỉ mới nấu vội và hy vọng ông không thấy cảnh bừa bộn, những chỗ đổ và các dấu hiệu khác cho thấy thị lực của cô đã kém đi chút nữa.
- Lâu rồi mình không hút với nhau một điếu, Simon.
- Giờ tôi dùng snus rồi.
- Tôi dám chắc cô vợ trẻ của anh là người khiến anh bỏ. Vẫn chưa con cái sao?
- Vẫn chưa về hưu sao, Sissel?
- Tôi nghĩ anh đã có một đứa đâu đó, vì vậy mà anh không muốn đứa nữa.
Simon mỉm cười, nhìn bà đẩy giẻ lau dưới chân ông và thắc mắc, không phải lần đầu, làm sao mà tấm thân nhỏ nhắn của Sissel Thou lại nặn ra được đứa con khổng lồ như vậy. Đứa con của Rosemary. Ông thu dọn giấy tờ. Vụ Vollan đã bị gác lại. Dân sống ở khu chung cư Sannerbrua không ai thấy gì và không có nhân chứng nào đến khai báo. Vụ án sẽ không còn là ưu tiên cho đến chừng nào họ tìm được chứng cứ cho thấy đã có dấu hiệu phạm tội, sếp ông đã nói, và chỉ thị cho Simon dành vài ngày tới vỗ béo báo cáo về hai vụ án mạng đã xử lý mà họ bị công tố viên quở trách, mô tả là “cứ lép kẹp”. Thực sự thì bà ta không tìm thấy sai sót nào; bà ta chỉ muốn thấy “có thêm chút tình tiết”.
Simon tắt máy tính, khoác áo và tiến ra cửa. Mùa hè vẫn còn có nghĩa là nhiều nhân viên không đi nghỉ đã ra về lúc ba giờ nên trong văn phòng không gian mở có mùi hồ từ mấy vách ngăn cũ kỹ ấm nắng mặt trời, ông chỉ nghe thấy mỗi tiếng bàn phím lách cách. Ông phát hiện thấy Kari đằng sau một vách ngăn.
Cô đang gác chân lên bàn đọc sách. Ông thò đầu qua.
- Vậy là hôm nay không ăn tối với bạn bè sao?
Cô tự động gập sách lại và ngước nhìn lên ông vừa bực tức vừa hối lỗi. Ông liếc nhan đề cuốn sách: Luật doanh nghiệp. Ông biết rằng cô biết cô không việc gì phải cảm thấy áy náy vì nghiên cứu nó trong giờ làm việc bởi không ai giao nhiệm vụ gì cho cô làm. Đó là chuyện bình thường đội Điều tra án mạng; không có án mạng tương đương với không có việc. Nên Simon dựa trên chuyện cô đỏ mặt mà kết luận là cô biết cuối cùng rồi tấm bằng luật cũng sẽ đưa cô đi khỏi ban nên cảm thấy chuyện đó như sự phản bội. Và chọc giận, vì dù cô đã tự thuyết phục rằng làm việc riêng như vậy hẳn là điều chấp nhận được, phản ứng theo bản năng của cô khi ông xuất hiện vẫn là gấp sách lại.
- Cuối tuần này Sam lướt sóng ở Vestlandet. Tôi nghĩ tôi nên đọc ở đây hơn là ở nhà.
Simon gật.
- Việc cảnh sát cũng chán. Dù là đội Điều tra án mạng.
Cô nhìn ông.
Ông nhún vai.
- Nhất là ở Đội Điều tra án mạng.
- Vậy sao ông lại thành điều tra viên án mạng?
Cô đã vung chân hất giày đi và kéo chân trần lên mép ghế. Như thể cô mong một câu trả lời dài hơn, Simon cho là thế. Có lẽ cô là típ người thích bầu bạn với ai cũng được, hơn là ở một mình, thường thà ngồi trong văn phòng, không gian mở hầu như chẳng còn ai để biết đâu sẽ có bạn hơn là trong phòng khách nhà mình, nơi người ta chắc chắn sẽ được bình yên tĩnh lặng.
- Có lẽ cô sẽ không tin đâu, nhưng đó là hành vi phản kháng, - ông nói, ngồi vắt vẻo bên mép bàn. - Cha tôi là thợ làm đồng hồ và muốn tôi tiếp nối nghề của ông. Tôi không muốn làm bản sao tệ hại của cha tôi.
Kari vòng hai tay ôm cặp giò dài như chân côn trùng.
- Có hối tiếc gì không?
Simon nhìn về cửa sổ. Cái nóng làm không khí bề ngoài run rẩy.
- Thiên hạ bán đồng hồ ai cũng kiếm ra tiền mà.
- Cha tôi thì không, - Simon nói. - Mà ông cũng không thích đồ giả. Ông không chịu theo trào lưu làm hàng nhái rẻ tiền và đồng hồ điện tử bằng nhựa. Ông nghĩ đó là cách dễ ăn nhất. Ông bị phá sản một cách quý tộc.
- Chà, điều đó giải thích được chuyện ông không muốn thành thợ làm đồng hồ.
- Không phải, vậy nhưng cuối cùng tôi vẫn thành người làm đồng hồ.
- Sao vậy được?
- Kỹ thuật viên điều tra hiện trường. Chuyên viên đạn đạo học. Đường đạn và mọi thứ ấy. Cũng gần giống với sửa đồng hồ. Có lẽ ta giống cha mẹ mình hơn là ta muốn tin.
- Vậy rồi đã có chuyện gì? - cô mỉm cười. - Ông có bị phá sản không?
- Chà. - Ông nhìn đồng hồ. - Tôi nghĩ mình đâm ra quan tâm đến tại sao hơn là thế nào. Tôi không biết trở thành một điều tra viên mưu mẹo có phải là quyết định đúng không. Đạn và vết thương do đạn thì dễ đoán hơn là đầu óc người ta.
- Cho nên ông đến làm cho Phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng?
- Cô điều tra lý lịch tôi rồi.
- Tôi luôn đọc kỹ về người tôi sẽ cùng làm việc. Khi ấy ông ngán cảnh máu me bạo lực à?
- Không phải, nhưng tôi e Else vợ tôi thì vậy. Khi lập gia đình tôi hứa với cô ấy là sẽ làm việc theo giờ giấc đều đặn và không thêm ca. Tôi thích Phòng Gian lận; có chút gì giống như lại làm việc với đồng hồ. Nhân nói về vợ tôi... - Ông đứng lên khỏi bàn.
- Nếu đã thích như vậy thì sao ông lại rời Phòng Gian lận?
Simon nhoẻn nụ cười mệt mỏi. Không, lý lịch của ông sẽ không cho cô thấy điều đó, phải không?
- Lasagne. Tôi nghĩ cô ấy đang nấu món lasagne [Món mì ống nấu với phô mai, nước sốt...]. Mai gặp lại cô.
- Nhân tiện, một đồng nghiệp cũ gọi cho tôi. Anh ta nói đã thấy một tên nghiện lang thang đeo cổ đứng.
- Cổ đứng sao?
- Như cái Per Vollan từng đeo.
- Cô làm gì thông tin đó rồi?
Kari lại mở sách ra.
- Chẳng làm gì cả. Tôi bảo anh ta vụ án bị gác lại rồi.
- Không được ưu tiên. Cho đến khi tìm thấy chứng cứ mới. Kẻ nghiện đó tên gì và ta có thể tìm hắn ở đâu?
- Gilberg. Ở ký túc xá.
- Trung tâm phục hồi. Có muốn nghỉ đọc chút không?
Kari thở dài gấp sách lại.
- Vậy còn lasagne?
Simon nhún vai.
- Ổn cả thôi. Tôi sẽ gọi cho Else, cô ấy sẽ hiểu. Mà lasagne hâm lại cũng ngon hơn.

10

Johannes đổ nước bẩn vào chậu rửa rồi cất xô và giẻ vào phòng để chổi.
Ông đã lau hết các hành lang tầng một rồi cả phòng điều khiển và đang mong đọc cuốn sách đang nằm chờ ông về lại xà lim. Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro. [Tác phẩm của Ernest Hemingway].
Đó là tuyển tập truyện ngắn, nhưng ông chỉ đọc đi đọc lại mỗi truyện đó. Nó viết về người đàn ông bị chứng hoại tử bàn chân biết mình sắp chết. Biết chuyện này, ông ta không trở thành người tốt hơn hay xấu hơn, chỉ là sáng suốt hơn, trung thực hơn, bớt kiên nhẫn đi. Johannes chưa từng ham đọc, cuốn sách do một thủ thư trong tù khuyên ông đọc, và vì Johannes có hứng thú với châu Phi từ ngày ông đi tàu đến Liberia và Bờ biển Ngà, ông đọc vài trang đầu về người đàn ông có vẻ ngây ngô đang chết dần trong một túp lều giữa vùng xa van. Lần đầu ông chỉ đọc lướt qua, giờ thì ông đọc thong thả, từng chữ một, tìm kiếm cái gì đó dù thậm chí ông cũng chưa biết là gì.
- Chào.
Johannes quay lại.
Chữ “chào” của Sonny gần như một tiếng thì thầm và cái người má hóp, mắt dại khờ đứng trước mặt ông xanh xao đến gần như trong suốt. Như một thiên sứ, Johannes nghĩ.
- Chào, Sonny. Tôi nghe nói họ cho cậu vào biệt giam. Giờ cậu sao rồi?
Sonny nhún vai.
- Cậu là tay đấm móc trái cừ đấy, chàng trai. - Johannes cười toét và chỉ khoảng hở từng có cái răng cửa.
- Tôi mong là ông tha thứ cho tôi.
Johannes nuốt ực.
- Tôi mới là người cần được tha thứ, Sonny.
Hai người nhìn nhau. Johannes thấy Sonny liếc dọc hai đầu hành lang. Dừng một lúc.
- Ông có chịu vượt ngục vì tôi không, Johannes?
Johannes không chịu trả lời ngay và thử đảo câu chữ xem chúng có nghĩa hơn không rồi mới hỏi:
- Ý cậu là sao? Tôi không muốn đào thoát. Vả lại, tôi chẳng có nơi nào mà đi. Tôi sẽ bị tìm ra và giải về ngay.
Sonny không đáp, nhưng mắt toát ra nỗi tuyệt vọng âm u nên Johannes hiểu.
- Cậu muốn... cậu muốn tôi vượt ngục để kiếm ít Superboy cho cậu?
Sonny vẫn không trả lời, nhưng cái nhìn dữ dội, mãnh liệt vẫn dán chăm chăm vào mắt ông già. Tội nghiệp chàng trai, Johannes nghĩ. Quỷ tha ma bắt heroin.
- Sao lại là tôi?
- Vì chỉ mình ông là có thể vào phòng điều khiển nên chỉ có ông làm được.
- Sai rồi. Chỉ mình tôi là có thể vào phòng điều khiển và vì vậy mà tôi biết không làm chuyện đó được. Cửa chỉ mở nếu có dấu tay lưu trong cơ sở dữ liệu. Mà tôi thì không có trong đó, cậu bạn ạ. Tôi cũng không được thêm vào nếu không nộp bốn tờ đơn đã được cấp trên phê duyệt. Tôi đã thấy họ...
- Từ phòng điều khiển có thể mở và khóa tất cả các cửa.
Johannes lắc đầu và nhìn quanh cho chắc chắn là vẫn chỉ có hai người họ trong hành lang.
- Cho dù ta có ra được bên ngoài thì vẫn còn lính canh trong phòng bảo vệ ở bãi xe. Họ kiểm tra giấy tờ tùy thân của tất cả những ai ra vào.
- Tất cả ư?
- Phải. Ngoại trừ những lúc đổi ca, khi ấy họ sẽ cho xe đã được công nhận và quen mặt ra.
- Tức là kể cả người mặc đồng phục quản giáo?
- Đương nhiên rồi.
- Vậy thì ông phải kiếm lấy một bộ đồng phục rồi trốn ra khi quản giáo thay ca?
Johannes tì ngón trỏ và ngón cái dưới cằm. Cằm ông vẫn còn ê ẩm.
- Làm sao tôi kiếm đồng phục cho được?
- Trong tủ cá nhân của Sorensen ở phòng thay đồ. Ông sẽ phải dùng tuốt nơ vít cạy ra.
Sorensen là quản giáo nghỉ ốm đã gần hai tháng nay. Suy nhược thần kinh.
Johannes biết thời nay người ta gọi bằng từ khác, nhưng cũng một thứ cả thôi, một mớ hỗn độn những cảm giác khủng khiếp chết tiệt. Ông đã từng ở trong cảnh đó.
Johannes lại lắc đầu.
- Giờ đổi ca phòng thay đồ đông nghịt quản giáo. Sẽ có người nhận ra tôi thôi.
- Thay hình đổi dạng đi.
Johannes cười.
- Phải đấy. Mà cứ cho là tôi kiếm được đồng phục đi, bấy giờ tôi sẽ đi quanh hăm dọa cả đám quản giáo để họ cho tôi ra chắc?
Sonny vén áo sơ mi trắng dài thậm thượt lên lấy ra gói thuốc trong túi quần.
Rồi đút một điếu giữa hai môi khô, châm bằng chiếc bật lửa hình thù như khẩu súng.
Johannes thong thả gật.
- Chuyện này không phải vì ma túy rồi. Có gì đó cậu muốn tôi làm ngoài kia, đúng không?
Sonny rít ngọn lửa từ bật lửa vào điếu thuốc rồi thở khói ra. Cậu ta nheo mắt.
- Ông có làm không? - Giọng cậu ta trầm ấm nhỏ nhẹ.
- Cậu có ân xá cho những lỗi lầm của tôi không? - Johannes hỏi.
Arild Franck liếc thấy họ khi đi vòng qua góc tầng. Sonny Lofthus đặt tay lên trán Johannes đang đứng cúi đầu nhắm mắt. Hắn thấy giống y hai thằng đồng bóng. Hắn đã thấy họ trên màn hình trong phòng điều khiển; họ nói chuyện được một lúc rồi. Nhiều lúc hắn tiếc đã không gắn máy ghi âm vào mọi camera vì theo mấy cái liếc ngang liếc dọc, cảnh giác của hai người này thì hắn dám chắc không phải họ đang bàn vụ cá cược bóng đá sắp tới. Rồi Sonny lấy trong túi ra thứ gì đó. Cậu thanh niên đứng xoay lưng về phía camera nên không thể nhận ra đó là gì cho đến khi thấy khói thuốc cuộn lên trên đầu anh ta.
- Này! Mày biết mày chỉ được hút trong khu vực chỉ định thôi mà.
Mái đầu tóc bạc của Johannes gục xuống còn Sonny buông tay ra.
Franck bước tới chỗ họ. Ngón cái hất ra sau vai ra dấu.
- Ra lau sàn chỗ khác đi, Johannes.
Franck chờ cho đến khi ông già đi khỏi không còn nghe được.
- Mấy người đang nói về chuyện gì?
Sonny nhún vai.
- Này, đừng có mà bảo tao chuyện xưng tội là thiêng liêng bất khả xâm phạm đấy, - Arild Franck cười hô hố. Âm thanh dội lại giữa hai vách hành lang trơ trọi. - Sonny, rồi mày có thời gian nghĩ về chuyện đó chưa?
Cậu thanh niên dụi điếu thuốc vào gói, bỏ vào túi rồi gãi gãi nách.
- Ngứa hả?
Cậu thanh niên không nói gì.
- Tao thấy còn có những thứ tệ hơn là ngứa. Còn tệ hơn cai khô nữa. Mày đã nghe chuyện thằng ở xà lim 317 chưa? Người ta nghĩ nó thắt cổ lên máng đèn. Nhưng nó lại đổi ý khi đã đá cái ghế bên dưới. Nên nó tự cào cấu rách cả cổ. Nhắc xem tên nó là gì ấy nhỉ? Gomez? Diaz? Nó từng làm cho Nestor. Đã có chút lo ngại là nó sẽ bép xép. Không có bằng chứng, chỉ là lo ngại. Chỉ cần có vậy. Buồn cười, đúng không, ban đêm ta nằm trên giường trong tù rồi thì cái làm ta sợ nhất là cửa xà lim không khóa! Rồi thằng nào đó trong phòng điều khiển chỉ cần nhấn nút một cái là có thể cho một trại giam bỗng chốc đầy tụi giết người mò đến.
Thanh niên cúi đầu, nhưng Franck thấy được mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán anh ta. Anh ta sẽ tỉnh táo lại. Anh ta nhất định phải vậy thôi. Franck không thích phạm nhân chết trong xà lim nhà tù của hắn; mấy cặp lông mày tất sẽ dựng lên bất luận chuyện đó có hợp lý thế nào.
- Rồi.
Chữ đó thốt ra nhỏ nhẹ đến mức Franck tự động húi người tới.
- Rồi? - Hắn lặp lại.
- Mai. Mai ông sẽ có lời thú tội.
Franck khoanh tay trước ngực và ưỡn người ra sau trở lại.
- Tốt. Vậy thì sáng sớm mai tao sẽ đưa ông Harnes đến cùng. Mà lần này thì không có chuyện đùa giỡn đâu đấy. Tối nay khi mày nằm trên giường, tao khuyên mày xem lại lần nữa cái máng đèn trên trần. Hiểu chưa?
Cậu thanh niên ngẩng đầu lên nhìn vào mắt phó giám thị. Từ lâu Franck đã bỏ cái ý là đôi mắt phản chiếu tâm hồn; hắn đã nhìn vào quá nhiều cặp mắt xanh ngây thơ của phạm nhân khi miệng chúng lí nhí nói dối. Vả lại, đó là một diễn đạt kỳ lạ. Cửa sổ tâm hồn. Nói một cách logic thì điều đó nghĩa là ta nhìn thấy tâm hồn mình trong mắt kẻ khác. Có phải vì vậy mà thật không thoải mái khi nhìn vào mắt cậu thanh niên này? Franck quay đi. Vấn đề chỉ là cứ cố tập trung.
Và đừng để mình chệch hướng vì những ý nghĩ chẳng tới đâu.
* * *
- Nó bị ma ám chứ gì nữa?
Lars Gilberg đưa điếu thuốc vấn mỏng lên môi bằng mấy ngón tay màu than và nheo nheo mắt nhìn lên hai sĩ quan cảnh sát đứng trước mặt.
Simon và Kari mất ba giờ đồng hồ tìm Gilberg rồi cuối cùng cũng dò ra ông ta dưới Grunerbrua. Họ bắt đầu cuộc tìm kiếm tại Trung tâm Ila, không ai thấy gã đã hơn tuần nay, tiếp tục qua cà phê Bymisjonen ở Skippergata, Plata gần Nhà ga Trung tâm Oslo, cái chốn vẫn được dùng làm khu chợ buôn ma túy rồi cuối cùng là ký túc xá của Cứu Thế quân ở Urtegata, thông tin ở đây đã đưa họ về con sông, tới chỗ Elgen, một cái tượng đánh dấu ranh giới giữa speed và heroin.
Dọc đường Kari giải thích cho Simon nghe là dân Albania và Bắc Mỹ hiện nắm quyền bán amphetamine và methamphetamine [Các chất gây nghiện tổng hợp, thành phần trong ma túy đá] dọc sông, khu phía Nam Elgen và xuống đến cầu Vaterland. Bốn người Somali ngồi quanh quẩn nơi băng ghế lủi đi, mũ trùm kéo sụp xuống che mặt trong nắng chiều. Một tên trong bọn gật khi thấy hình Kari giơ lên, chỉ họ về hướng Bắc tới lãnh địa heroin rồi nháy mắt hỏi họ có muốn một gam ma túy đá dùng trong lúc đi đường không. Tiếng cười của bọn họ vẫn theo Simon và Kari khi cả hai lặn lội trên đường tới Grunerbrua.
- Anh nói anh không muốn ở lại Trung tâm Ila nữa vì anh nghĩ nó bị ma ám? - Simon hỏi gã.
- Đó không phải điều tôi nghĩ, ông à. Đó là cái tôi biết. Đằng đó có một phòng mà không ai ngủ được cả, nó có người rồi, ta cảm thấy một sự hiện diện khi vừa bước vào. Tôi thường thức giấc giữa đêm và đương nhiên không thấy ai cả, nhưng có cảm giác như có người đang thở vào mặt tôi vậy. Mà không chỉ phòng tôi thôi đâu, ông cứ đi mà hỏi bất kỳ ai ở đó. - Gilberg nhìn điếu thuốc đã cháy hết vẻ không bằng lòng.
- Vậy nên anh thích ngủ bụi hơn? - Simon hỏi, đưa hộp thiếc đựng thuốc mời gã.
- Ma hay không ma thì cũng thế, nói thật với ông, tôi không chịu được chỗ chật chội, tôi thấy bị tù túng. Còn nơi này... - Gilberg ra dấu về chỗ ngủ trải báo và túi ngủ bẩn thỉu bên cạnh. - Điểm đến nghỉ mát hàng đầu, chứ gì nữa?
Gã chỉ về cây cầu.
- Một mái nhà không bị dột. Quang cảnh biển. Không tốn tiền, có ngay phương tiện vận chuyển công cộng rồi lại còn những tiện nghi tại chỗ. Ông còn muốn gì hơn nữa?
Gã lấy ba miếng snus trong hộp của Simon rồi nhét một miếng dưới môi trên còn hai miếng kia cất vào túi.
- Đi làm cha tuyên úy? - Kari gợi ý.
Gilberg nghiêng đầu ngước mắt nhìn Simon.
- Cái cổ đứng anh đang đeo đấy, - Simon nói. - Chắc anh đã đọc thấy trong mấy tờ báo anh có là người ta phát hiện một cha tuyên úy chết dưới sông đoạn ở trên này.
- Tôi không biết gì chuyện đó đâu. - Gilberg lấy hai miếng thuốc lá trong túi ra, bỏ lại trong hộp trả Simon.
- Pháp y chỉ cần hai chục phút là chứng minh được cổ đứng đó là của cha tuyên úy, Lars. Còn anh thì sẽ mất hai chục năm để chấp hành án tù vì tội giết ông ta.
- Tội giết người? Chẳng có gì về...
- Vậy là anh có đọc mục tội phạm? Ông ta chết trước khi bị ném xuống sông. Chúng tôi biết nhờ mấy vết bầm trên da. Ông ta va vào đá, mà nếu ông ta chết rồi thì những vết bầm ra sẽ khác vết bầm thường. Anh theo kịp không?
- Không.
- Anh có muốn tôi giải thích cho anh theo kiểu dễ hiểu không? Hay anh thích tôi cho anh biết trong xà lim thì mới thật sự tù túng ra sao?
- Nhưng tôi đâu có...
- Dù chỉ là nghi phạm thì trước mắt anh sẽ bị tạm giam vài tuần. Mà xà lim tạm giam thì còn chật chội hơn nhiều.
Gilberg trông trầm ngâm và miết thật mạnh miếng snus.
- Mấy người muốn gì?
Simon ngồi xổm xuống trước mặt Gilberg. Hơi thở kẻ vô gia cư không chỉ có mùi, nó có vị. Vị ngọt, mục ruỗng của trái rụng và cái chết.
- Chúng tôi muốn anh cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra.
- Tôi có biết gì đâu, tôi vừa nói ông rồi đấy thôi.
- Anh chưa nói gì với chúng tôi cả, Lars. Nhưng nghe có vẻ như anh thấy nó quan trọng. Ý tôi là không cho chúng tôi biết ấy. Sao vậy?
- Chỉ có cái cổ đứng này thôi mà. Nó dạt lên bờ rồi...
Simon đứng lên chụp cánh tay Gilberg.
- Đi, ta đi thôi.
- Khoan khoan!
Simon thả gã ra.
Gilberg cúi đầu. Gã thở sượt.
- Chúng là tay chân của Nestor. Nhưng tôi không thể... Ông biết Nestor làm gì với những ai...
- Có, tôi biết. Nhưng anh cũng biết rằng nếu tên anh xuất hiện trong sổ thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát thì hắn cũng biết chuyện. Nên tôi khuyên anh nói chúng tôi nghe cái anh biết ngay đi rồi tôi sẽ quyết định xem có để yên vậy không.
Gilberg lắc đầu chậm rãi.
- Nói đi, Lars!
- Tôi đang ngồi trên ghế dài dưới hàng cây chỗ lối đi dẫn xuống Sannerbrua. Tôi ở cách đó có chục mét nên tôi thấy chúng trên cầu, nhưng tôi nghĩ chúng không thấy tôi, tôi khuất trong mớ lá cây, ông hiểu ý tôi rồi chứ? Chúng có hai đứa và một thằng giữ cha tuyên úy còn thằng kia kềm cánh tay trên trán ông ta. Tôi gần như thấy lòng trắng trong mắt cha. Sẵn nói luôn, chúng trắng dã, cứ như nhãn cầu lộn ngược ra sau đầu mất rồi, ông hiểu ý tôi rồi chứ? Nhưng ông ta không kêu tiếng nào. Như thể ông ta biết cũng chẳng ích gì. Rồi thằng thứ hai bẻ đầu ông ta ra sau như một tay chuyên nắn khớp xương chữa bệnh chết tiệt vậy. Tôi nghe nó gãy rắc, tôi không nói đùa đâu, nghe như có ai giẫm lên cành khô trong rừng.
Gilberg đè ngón trỏ lên môi trên, chớp chớp mắt rồi nhìn xa xăm.
- Chúng nhìn quanh. Chúa ơi, chúng vừa giết một gã ngay giữa Sannerbrua mà chúng tỉnh rụi. Nhưng nghĩ lại thì giữa mùa hè Oslo vắng lạ lùng, ông hiểu ý tôi rồi chứ? Vậy là chúng ném ông ta qua tường gạch chỗ cuối đoạn lan can.
- Chuyện đó khớp với chỗ mấy tảng đá nhô lên, - Kari nói.
- Ông ta nằm vắt trên tảng đá một chốc rồi dòng nước mới tóm lấy ông ta cuốn đi. Tôi không cục cựa một phân. Mấy thằng đó mà biết tôi đã thấy chúng...
- Nhưng anh đã thấy, - Simon nói. - Anh còn gần đến độ sẽ nhận diện được.         
Gilberg lắc đầu.
- Không có chuyện đó đâu. Tôi quên rồi. Đó là cái phiền khi bị phê bất kể thứ gì vớ được, ông hiểu ý tôi rồi chứ? Đầu óc lú lẫn.
- Tôi lại tưởng anh muốn nói đó là mặt tích cực, - Simon nói, xoa xoa mặt.
- Nhưng sao anh biết chúng làm cho Nestor? - Kari bồn chồn đổi tư thế.
- Bộ đồ chúng mặc, - Gilberg nói. - Mấy thằng đó đứa nào như đứa nấy, như thể chúng xoáy được một kiện hàng tàu biển toàn đồ đen gửi cho Hiệp hội Tang lễ Na Uy. - Gã đưa lưỡi đẩy miếng snus. - Cô hiểu ý tôi rồi chứ?
* * *
- Ta sẽ ưu tiên vụ này, - Simon nói với Kari trong xe trên đường về lại trụ sở cảnh sát. - Tôi muốn cô xem lại hành tung của Vollan trong bốn mươi tám tiếng trước khi bị giết và cho tôi danh sách tất cả những ai, tôi muốn nói là tất cả những ai, ông ta đã liên lạc.
- Được thôi, - Kari nói.
Họ chạy ngang Bla rồi dừng chờ một đoàn người đi bộ trẻ. Đám choai choai đi xem hòa nhạc, Simon nghĩ và nhìn qua Kuba. Ông thấy một tấm phông lớn dựng trên sân khấu ngoài trời trong khi Kari gọi cho bố nói cô không đến ăn tối được. Người ta đang chiếu một phim đen trắng. Hình ảnh về Oslo. Trông như những năm 50. Một thời Simon còn nhớ từ tuổi thơ của mình. Với đám trẻ thì có lẽ chỉ vì tò mò, cái gì từ quá khứ, thảy đều hồn nhiên và có lẽ hấp dẫn. Ông nghe thấy tiếng cười.
- Tôi vẫn còn thắc mắc một chuyện, - Kari cất tiếng. - Ông nói nếu ta đưa Gilberg vào thẩm vấn thì Nestor sẽ biết. Ông nói thật chứ?
- Cô nghĩ sao? - Simon nói và nhấn ga tới Hausmanns.
- Tôi cũng không biết, nhưng nghe như ông nói thật.
- Tôi không biết mình muốn nói gì. Đó là một câu chuyện dài. Nhiều năm rồi có tiếng đồn về một gián điệp nhị trùng trong lực lượng cảnh sát để lộ thông tin cho cái tên điều hành hầu hết ma túy và nạn buôn người ở Oslo. Nhưng chuyện đó đã lâu rồi và dù ngày ấy thiên hạ bàn tán rất nhiều vẫn chưa ai đưa ra được bằng chứng nào chứng minh rằng gián điệp này hay kẻ kia quả thực tồn tại.
- Kẻ kia nào?
Simon nhìn ra cửa sổ xe.
- Chúng tôi gọi hắn là Sinh Đôi.
- À, Sinh Đôi, - Kari nói. - Ở Đội Bài trừ Ma túy người ta có nói về hắn, hơi giống mấy con ma của Gilberg trung tâm Ila. Hắn có thật không?
- Ồ, Sinh Đôi có thật chứ.
- Vậy còn gián điệp nhị trùng?
- À. Một người tên Ab Lofthus đã để lại lá thư tuyệt mệnh tự nhận là gián điệp nhị trùng.
- Đó không phải là bằng chứng xác đáng sao?
- Theo tôi thấy thì không.
- Sao không?
- Vì Ab Lofthus là cảnh sát ít tha hóa nhất từng làm cho Sở Cảnh sát Oslo.”
- Sao ông biết?
Simon dừng chờ đèn đỏ tại Storgata. Bóng tối như từ các tòa nhà quanh họ tràn ra và cùng với bóng tối là những loài bóng đêm. Chúng bước lếch thếch, hay ngồi rũ rượi dựa tường nơi những ô cửa có tiếng nhạc thùm thụp, hay ngồi trong xe, cùi chỏ gác bên cửa sổ. Những cái nhìn hau háu, sục sạo. Những kẻ săn mồi.
- Vì anh ta là bạn thân nhất của tôi.
* * *
Johannes xem giờ. Mười giờ mười. Quá giờ khóa xà lim mười phút. Giờ này bọn kia đã bị nhốt trong xà lim, người ta sẽ tự tay khóa xà lim của ông sau khi ông lau chùi lượt cuối lúc mười một giờ. Điều đó thật kỳ lạ. Khi ta ngồi tù đã lâu thì ngày bắt đầu nhạt nhòa đi nhanh như phút và mấy thiếu nữ trong hình lịch trên vách xà lim không theo kịp những tháng trôi qua. Nhưng giờ cuối lại có cảm giác dài như một năm. Một năm lê thê, khủng khiếp.
Ông bước vào phòng điều khiển.
Ở đó có ba cảnh sát đang trực, ít hơn ban ngày một người. Lò xo ghế kẽo kẹt khi một người xoay đi khỏi dãy màn hình.
- Chào Johannes.
Đó là Geir Goldsrud. Anh ta đưa chân đẩy sọt rác dưới bàn ra. Đó là phản ứng tự động. Người giám sát ca còn trẻ giúp ông già lao công bị đau lưng.
Johannes vẫn thích Geir Goldsrud. Ông rút khẩu súng lục trong túi ra chĩa vào mặt Goldsrud.
- Hay đấy. Ông kiếm đâu ra thứ ấy? - Một trong mấy sĩ quan, người tóc vàng chơi bóng đá ở hạng ba cho Hasle-Loren, nói.
Johannes không đáp, ông cứ nhìn chằm chằm và cánh tay giữ yên tại một điểm giữa hai mắt Goldsrud.
- Châm lửa giùm tôi chứ? - Sĩ quan thứ ba đút điếu thuốc chưa châm vào giữa hai môi.
- Cất đi, Johannes. - Goldsrud nói bình thản và không chớp mắt nên Johannes biết anh ta đã hiểu. Rằng đây không phải là thứ bật lửa mới lạ.
- Đồ chơi chính hiệu của James Bond đấy cậu. Ông muốn bao nhiêu? - Cầu thủ bóng đá đã đứng lên đi lại chỗ Johannes để xem kỹ hơn.
Johannes nhắm khẩu súng lục bé xíu vào một màn hình treo dưới trần nhà và bóp cò. Ông không hẳn biết sẽ thấy gì nên cũng giật mình như mấy người kia khi có tiếng đoành, màn hình nổ tung và kính loảng xoảng.
Cầu thủ đứng chôn chân tại chỗ.
- Quỳ xuống sàn! - Johannes được trời phú cho giọng nam trung trầm, nhưng giờ giọng ông cao vút và the thé như bà già sắp lên cơn động kinh. Nhưng nó lại hiệu nghiệm. Việc biết rằng một kẻ liều lĩnh đang đứng trước mặt ta với vũ khí sát thương có tác động lớn hơn bất cứ giọng quyền uy. Lúc này cả ba quỳ xuống và để tay sau đầu như thể đây là thủ tục cần phải làm, như thể bị chĩa súng đe dọa là thứ họ đã thực hành. Mà có lẽ họ đã thực hành thật. Học được rằng đầu hàng vô điều kiện là phản ứng duy nhất đúng. Và có lẽ là cái duy nhất chấp nhận được với mức lương của họ.
- Tất cả nằm xuống. Nằm xuống sàn!
Họ làm theo lời. Gần như phép mầu.
Ông nhìn bảng điều khiển trước mặt. Tìm thấy nút mở và đóng cửa các xà lim. Rồi nút điều khiển các chốt khóa và cả hai lối vào. Cuối cùng là cái nút to màu đỏ để mở tất cả các cửa, chỉ dùng trong trường hợp hỏa hoạn. Ông nhấn nó.
Một tiếng hú dài chỉ rằng giờ nhà tù đã mở. Một ý nghĩ buồn cười thoáng qua đầu ông. Rằng đây là nơi ông vẫn mong đứng. Thuyền trưởng trên đài chỉ huy.
- Cứ úp mặt xuống sàn, - ông nói. Giọng ông đã mạnh mẽ hơn. - Ai trong các cậu cố ngăn tôi, tôi và các phạm nhân sẽ tìm đến các cậu cùng gia đình. Hãy nhớ rằng tôi biết mọi thứ về các cậu đấy mấy cậu. Trine, Valborg... - Ông kể vanh vách tên tuổi vợ con họ, trường chúng học, sở thích, họ sống nơi đâu ở Oslo, những thông tin tích lũy qua nhiều năm, trong khi vẫn tiếp tục nhìn dãy màn hình. Xong việc, ông bỏ họ lại đó. Ông ra khỏi cửa rồi cắm đầu chạy. Ông chạy dọc hành lang, xuống thang đến tầng dưới. Ông kéo cánh cửa thứ nhất. Nó mở ra. Ông tiếp tục xuống hành lang kế đó. Chưa gì tim ông đã đập thình thịch, đáng lẽ ông phải tập luyện nhiều hơn, ông đã không giữ được thể lực. Giờ ông định bắt đầu. Cửa thứ hai cũng mở. Hai chân ông phản đối chuyện đi nhanh như vậy.
Có lẽ là do ung thư, có lẽ nó đã lan tới các cơ và làm ông yếu đi. Cánh cửa thứ ba dẫn đến lồng. Ông chờ cho cửa thứ nhất khóa lại sau lưng với tiếng ì ầm trầm đục, đếm từng giây. Ông nhìn tới cuối hành lang về phòng thay đồ của nhân viên. Cuối cùng khi đã nghe thấy cửa đóng, ông chụp tay nắm cánh cửa trước mặt. Nhấn xuống kéo lên.
Khóa rồi.
Chết tiệt! Ông lại kéo. Cánh cửa không chịu nhúc nhích.
Ông nhìn tấm cảm biến trắng bên cửa. Ấn ngón trỏ lên. Đốm đèn vàng lóe lên ít giây rồi tắt và sau đó là đốm đèn đỏ. Johannes biết nó nghĩa là dấu tay ông không được nhận dạng, nhưng ông vẫn cố mở cánh cửa. Cùng đường. Bất thành. Ông quỳ thụp xuống trước cửa.
Cùng lúc ấy ông nghe thấy giọng Geir Goldsrud:
- Xin lỗi, Johannes.
Giọng nói phát ra từ cái loa đầu tường nghe điềm đạm, gần như dỗ dành.
- Bọn tôi chỉ đang làm việc của mình thôi, Johannes. Nếu ai đe dọa gia đình mình chúng tôi cũng phải hạ vũ khí thì Na Uy sẽ chẳng còn mống quản giáo nào. Cứ bình tĩnh đi, chúng tôi sẽ xuống đón ông. Ông muốn chuồi khẩu súng qua song sắt hay ông muốn chúng tôi xả hơi ngạt ra trước?
Johannes ngước nhìn lên camera. Họ có nhìn thấy nỗi tuyệt vọng trên mặt ông không? Hay nỗi nhẹ nhõm? Nỗi nhẹ nhõm rằng cuộc trốn chạy đã chấm dứt đây và cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn như trước. Ít nhiều là vậy. Có lẽ chuyện lau sàn trên lầu đã là dĩ vãng.
Ông đẩy khẩu súng mạ vàng ra qua song sắt. Rồi ông nằm móp xuống sàn, để hai tay ra sau đầu và uốn cong người như con ong vừa chích cái đầu tiên và duy nhất. Nhưng khi nhắm mắt ông không nghe thấy tiếng linh cẩu và ông cũng không ngồi trên máy bay tiến về đỉnh núi Kilimanjaro. Ông vẫn không ở đâu cả và còn sống. Ông ở đây.

11

Mới hơn bảy giờ rưỡi sáng và mưa đang rơi trên bãi xe Staten.
- Chỉ là chuyện sớm muộn thôi, - Arild Franck nói và giữ cửa mở vào lối sau.
- Cơ bản là bọn nghiện đứa nào cũng thiếu chí khí. Tôi biết nói vậy không kiểu cách lắm, nhưng cứ tin tôi, tôi biết chúng thế nào.
- Miễn là hắn ký vào bản thú tội đó, tôi chỉ cần biết có vậy. - Einar Harnes định vào, nhưng phải né qua nhường đường cho ba quản giáo đang đi ra. - Tôi đang tính tối nay một mình làm vài ly sủi tăm ăn mừng.
- A, họ trả lương anh cao vậy sao?
- Khi tôi thấy chiếc xe của ông, tôi nhận ra là mình phải tăng phí. - Hắn cười nhăn nhở hất hàm về chiếc Porsche Cayenne trong bãi xe. - Tôi cho đó là phụ phí cho công tác phản xã hội với lại Nestor nói...
- Xùyyy! - Franck chìa tay ra trước mặt Harnes để vài quản giáo nữa ra trước.
Hầu hết đã thay đồ thường dân, nhưng một số rõ ràng nóng lòng về nhà sau ca đêm đến nỗi đi như chạy ra xe mà vẫn còn mặc đồng phục xanh lá của Staten.
Harnes nhận được cái liếc nhìn sắc cạnh của một người mặc áo choàng dài rộng bên ngoài đồng phục. Hắn biết mình đã thấy gương mặt này rồi. Nhưng dù không thể nhớ tên gương mặt này thì hắn lại khá chắc người này có thể nhìn mặt nói tên hắn: tay luật sư ám muội xuất hiện trên mấy tờ báo gắn liền với những vụ cũng ám muội chẳng kém. Có lẽ người này và những người khác như anh ta đang bắt đầu đặt câu hỏi Harnes làm gì ở cửa sau Staten. Họ mà nghe hắn nhắc đến tên Nestor thì thật khó mà cải thiện được hình ảnh hắn...
Franck mở khóa cho mình và Harnes qua vài cửa đến khi tới cầu thang dẫn lên tầng một.
Nestor đã chỉ đạo rõ ràng là hôm nay họ phải lấy được bản thú tội có chữ ký.
Nếu cuộc điều tra Yngve Morsand không khép lại ngay, cảnh sát có thể sẽ phát hiện được chứng cứ mới làm cho lời thú tội của Sonny kém phần đáng tin.
Harnes không biết làm sao Nestor có được thông tin này mà hắn cũng không muốn biết.
Lẽ đương nhiên giám thị trại giam có văn phòng to nhất, nhưng văn phòng của phó giám thị thì lại nhìn ra thánh đường Hồi giáo và Ekebergasen. Nó nằm ở cuối hành lang và được trang hoàng mấy bức tranh xấu tệ của một nữ họa sĩ trẻ chuyên vẽ hoa và bàn về dục tình của mình với báo lá cải.
Franck bấm nút trên hệ thống điện thoại nội bộ bảo giải phạm nhân ở xà lim 317 đến văn phòng mình.
- Xe đó làm tôi mất cả 1,2 triệu krone đấy, - Franck nói.
- Tôi cá phân nửa đó là cho cái biển hiệu Porsche trên ca pô, - Harnes nói.
- Ừ, còn nửa kia cho thuế vụ. - Franck thở dài ngồi phịch xuống cái ghế văn phòng có lưng cao khác thường. Trông như cái ngai, Harnes nghĩ.
Có tiếng gõ cửa.
- Vào đi. - Franck gọi ra.
Một quản giáo xuất hiện. Anh ta cặp mũ dưới nách và đưa tay lên chào qua loa. Nhiều lúc Harnes không hiểu sao Franck có thể khiến nhân viên chấp nhận nghi thức chào quân sự ở một nơi làm việc hiện đại. Rồi nào là những quy định khác họ phải cố mà chấp nhận.
- Có việc gì, Goldsrud?
- Giờ tôi hết ca, nhưng trước khi về tôi chỉ muốn biết sếp có hỏi gì về báo cáo ca đêm qua không.
- Tôi vẫn chưa kịp xem. Có gì tôi phải biết không, sẵn anh đang ở đây?
- Không có gì quan trọng ngoại trừ một vụ vượt ngục bất thành; tôi chắc sếp có thể gọi như vậy.
Franck ấn hai lòng bàn tay vào nhau và mỉm cười.
- Tôi vui khi nghe phạm nhân của ta tỏ ra có sự đột phá và tính táo bạo như vậy. Ai và ra sao?
- Johannes Halden ở xà lim số 2...
- 238. Lão già hả? Thật sao?
- Bằng cách nào đó ông ta có được khẩu súng lục. Tôi nghĩ đó là chuyện bột phát thôi. Tôi ghé qua chỉ để thưa với sếp rằng toàn bộ sự việc không quá kịch tính như sẽ thấy trong báo cáo. Nếu sếp muốn nghe ý kiến của tôi thì những hậu quả nhẹ là đã đủ. Người này làm việc chăm chỉ cho chúng ta đã nhiều năm và...
- Chiếm lòng tin của ai đó là một bước khôn ngoan nếu muốn đánh úp họ. Vì tôi nghĩ chắc đó là điều lão ta đã làm?
- Vâng, sếp hiểu...
- Có phải anh đang muốn nói với tôi rằng anh tự nhận mình bị mắc mưu, Goldsrud? Lão chạy được tới đâu?
Harnes thấy có chút đồng cảm với tay quản giáo đang lần ngón trỏ lên môi trên rịn mồ hôi. Hắn luôn cảm thông với những người yếu thế. Hắn dễ dàng hình dung được mình ở trong tình cảnh của họ.
- Đến tận chốt khóa. Nhưng không thể có nguy cơ là ông ta qua được bảo vệ dù có ra tới bên ngoài. Phòng bảo vệ có kính chống đạn và lỗ châu mai và...
- Cảm ơn đã cho tôi biết, nhưng gần như là tôi đã thiết kế ra nhà tù này mà, Goldsrud. Tôi cho rằng anh có chút mủi lòng với cái gã mà bấy lâu anh đã thân thiết này. Tôi sẽ không nói gì thêm cho đến khi đọc xong báo cáo, nhưng toàn bộ ca trực các anh nên chuẩn bị tinh thần cho vài câu hỏi riết róng. Còn về Johannes, ta không thể nhẹ tay với lão; ta có một đám khách hàng sẽ khai thác từng dấu hiệu yếu kém của ta. Rõ chưa?
- Rõ.
Điện thoại reo.
- Giải tán, - Franck nói, nhấc ống nghe.
Harnes chờ thấy một cái giơ tay chào nữa, một đằng sau quay và bước đều, nhưng Goldsrud rời phòng theo lối dân sự. Tay luật sư nhìn anh ta, nhưng giật nảy mình khi Arild Franck gào lên:
- Anh nói “biến mất rồi” nghĩa là thế quái nào hả?
* * *
Franck nhìn chằm chằm chiếc giường đã xếp dọn gọn gàng trong xà lim 317.
Trước giường là đôi xăng đan. Trên tủ kê đầu giường có cuốn Kinh Thánh, trên bàn là ống tiêm dùng một lần vẫn còn trong bọc ni lông còn trên ghế là chiếc sơ mi trắng. Tất cả chỉ có vậy. Dù vậy, tên quản giáo sau lưng Franck vẫn nêu ra điều đã sờ sờ:
- Hắn không có đây.
Franck liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Mười bốn phút nữa các cửa xà lim mới mở nên tên phạm nhân vắng mặt không thể có trong một phòng tập thể nào được.
- Chắc hắn ra khỏi xà lim khi Johannes mở toàn bộ cửa từ phòng điều khiển hồi đêm. - Goldsrud đang đứng nơi khung cửa.
- Lạy Chúa, - Harnes thì thào và theo thói quen đè ngón tay lên sống mũi từng có một cặp kính cho đến khi hắn bỏ ra 15.000 krone để phẫu thuật laser ở Thái Lan hồi năm ngoái. - Nếu hắn bỏ trốn rồi...
- Im đi, - Franck rít lên. - Hắn không thể qua chỗ bảo vệ được. Hắn vẫn còn đâu đó trong đây thôi. Goldsrud, gọi báo động. Khóa hết cửa lại - không ai được ra vào.
- Nhưng tôi phải đưa con đến...
- Kể cả anh.
- Còn cảnh sát? - một quản giáo hỏi. - Không nên báo cho họ sao?
- Không! - Franck thét lên. - Lofthus vẫn còn bên trong Staten, tôi cho anh biết là như thế! Không nói tiếng nào với bất cứ ai.
* * *
Arild Franck trừng mắt nhìn ông già. Hắn đã khóa cửa và kiểm tra cho chắc là không có quản giáo nào đứng ngoài.
- Sonny đâu?
Johannes nằm trên giường, dụi mắt cho tỉnh ngủ.
- Cậu ta không có trong xà lim sao?
- Mẹ kiếp ông biết rõ là không mà.
- Vậy thì chắc cậu ta trốn thoát rồi.
Franck cúi xuống, thộp cổ áo sơ mi ông già kéo về phía mình.
- Đừng có mà hí hửng, Johannes. Tao biết bảo vệ bên ngoài chưa thấy gì nên hắn phải trong này thôi. Và nếu mày không nói tao nghe hắn ở đâu, mày có thể vẫy chào tạm biệt vụ điều trị ung thư đi được rồi. - Franck thấy vẻ sửng sốt trên mặt ông già. - Ồ, mày quên chuyện bảo mật giữa bác sĩ, bệnh nhân đi, tao có tai mắt khắp nơi. Rồi giờ sao?
Hắn buông Johannes ra, đầu ông đổ vật xuống gối.
Ông già vuốt lại mái tóc ngày một thưa và gập hai tay sau đầu. Ông hắng giọng.
- Ông biết gì không, ông giám thị? Tôi nghĩ tôi đã sống đủ lâu rồi. Chẳng có ai chờ tôi bên ngoài. Còn tội lỗi của tôi đã được tha thứ, nên đáng lẽ lần đầu tiên tôi nghĩ mình có cơ hội lên đó. Có lẽ tôi cũng nên chộp lấy khi còn cơ hội. Ông nghĩ sao?
Arild Franck nghiến răng chặt đến mức có cảm giác như mấy chỗ trám trong răng sắp vỡ đến nơi.
- Cái tao nghĩ sẽ xảy ra, Johannes, là mày nhận ra mày không được tha thứ một tội nào cả. Vì trong đây tao là Chúa và tao có thể bảo đảm cho mày một cái chết từ từ đau đớn vì ung thư. Tao sẽ bảo đảm là mày nằm trong xà lim của mày, bị ung thư ăn dần ăn mòn mà chỉ thoáng thấy thuốc giảm đau thôi cũng không thể. Mà mày cũng không phải là đứa đầu tiên, để tao cho mày biết.
- Thà vậy còn hơn là địa ngục nào ông sẽ xuống, ông giám thị ạ.
Franck không rõ tiếng ùng ục phát ra từ cổ họng ông già là sự giãy chết hay tiếng cười.
Trên đường quay lại xà lim 317 Franck kiểm tra bộ đàm lần nữa. Vẫn không thấy tăm hơi Sonny Lofthus đâu. Hắn biết hắn sẽ sớm buộc phải phát đi bản tin truy nã.
Hắn vào xà lim 317, ngồi phịch xuống giường và tận mắt kiểm tra kỹ khắp sàn nhà, tường rồi trần. Hắn đếch tin được chuyện đó. Hắn chộp cuốn Kinh Thánh trên tủ đầu giường liệng vào tường. Nó rơi, mở ra trên sàn. Hắn biết Vollan từng dùng Kinh Thánh để lén đưa heroin vào nên liếc nhìn mấy trang bị cắt xén tan hoang. Những tín điều đã hỏng và những câu đứt đoạn vô nghĩa.
Hắn chửi thề rồi ném cái gối vào tường.
Hắn nhìn cái gối rơi xuống sàn. Ngây nhìn những sợi tóc xòa ra. Tóc hoe đỏ trông như mấy tấm râu và ít sợi dài. Hắn nhặt cái gối lên. Lại thêm tóc vàng bẩn, rối xổ ra.
Tóc ngắn. Mới cạo.
Và đó là lúc hắn cuối cùng cũng đã hiểu ra.
- Ca đêm đâu! - hắn thét vào bộ đàm. - Kiểm tra mọi quản giáo ra về sau ca đêm!
Franck nhìn đồng hồ đeo tay. 8 giờ 10. Giờ hắn đã biết chuyện xảy ra. Hắn cũng biết đã muộn quá rồi không còn làm gì được nữa. Hắn đứng lên đá cái ghế đánh sầm vào tấm gương chống vỡ bên cửa.
* * *
Tài xế xe buýt quan sát viên quản giáo đang ngơ ngác nhìn chiếc vé và năm chục krone thối lại tờ một trăm krone. Ông dám chắc người này là quản giáo vì anh ta mặc đồng phục bên trong áo choàng dài và bảng tên ghi “Sorensen” có tấm ảnh trông chẳng giống gì anh ta.
- Lâu rồi không đi xe buýt hả? - Tài xế hỏi.
Người có mái tóc cắt lam nham xấu xí gật.
- Nếu anh mua trước thẻ đi lại thì có hai mươi sáu krone thôi  -, tài xế nói, nhưng theo vẻ mặt của hành khách thì ông dám nói anh ta nghĩ ngay cả giá này cũng đã cắt cổ. Đó là phản ứng chung của bất kỳ ai đã vài năm rồi không đi xe buýt ở Oslo.
- Cảm ơn ông đã giúp, - người nọ nói.
Tài xế xe buýt chạy khỏi lề trong khi quan sát phía sau lưng tay quản giáo trong gương chiếu hậu. Ông không hẳn biết tại sao, có lẽ vì giọng anh ta. Thật ấm áp và chân thành như thể quả thực anh ta cảm ơn ông bằng cả tấm lòng. Ông thấy anh ta ngồi xuống và ngây nhìn lạ lẫm ra ngoài cửa sổ như mấy khách du lịch nước ngoài thỉnh thoảng lạc lên xe buýt. Thấy anh ta lôi trong túi áo choàng ra chùm chìa khóa rồi nhìn chăm chú như thể chưa thấy bao giờ. Rồi lấy từ túi áo bên kia ra một gói kẹo cao su.
Thế rồi ông phải tập trung vào xe cộ trước mặt.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét