Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 14

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014 

Phần Ba

Chúa Trời. Lão khốn đó, lão ta không tồn tại.
- Samuel Beckett -

14

Tôi trở lại Khách sạn Hoàng Gia, đi vào qua phía Công viên Hibiya. Trong tâm trí tôi, bất cứ nơi nào tôi lưu trú đều là một địa điểm tiềm tàng cho một cuộc tấn công, và hệ thống quan sát của tôi nhảy lên một mức khi tôi di chuyển qua hành lang rộng rãi tới thang máy. Tôi quét mắt qua toàn bộ khu vực xung quanh một cách tự động, đầu tiên chú ý tới những chỗ ngồi cung cấp tầm nhìn tốt nhất ra lối cửa, những chỗ mà lực lượng tấn công có thể bố trí một người phát hiện mục tiêu, người có nhiệm vụ cung cấp một nhận dạng phù hợp. Tôi không thấy nguy cơ nào. Hệ thống rà soát của tôi giữ ở mức báo động trung bình.
Khi đến gần thang máy, tôi để ý thấy một phụ nữ Nhật Bản nổi bật, tầm giữa độ tuổi ba mươi, mái tóc dài ngang vai gợn sóng và đen óng ánh, tương phản với làn da mịn và trắng nhợt. Người đó mặc quần jeans màu xanh đã phai, đi giày da bệt màu đen, và khoác một chiếc áo len dài tay đen cổ tim. Người đó đang đứng giữa dãy thang máy và nhìn thẳng vào tôi.
Đó là Midori.
Không, tôi nghĩ. Nhìn kĩ hơn đi.
Kể từ lần cuối cùng đó, khoảng một năm trước khi tôi đứng nhìn nàng biểu diễn từ trong bóng tối của Village Vanguard ở New York, tôi đã thấy nhiều người phụ nữ giống hệt Midori ở cái nhìn đầu tiên. Mỗi khi chuyện đó xảy ra, một phần tâm trí tôi lại thêm vào đủ những chi tiết, có lẽ do muốn tin rằng đó thật sự là nàng, và cái ảo tượng đó kéo dài một hay hai giây đồng hồ trước khi sự xem xét kĩ lưỡng hơn thuyết phục được phần đầy hi vọng đó của tâm trí tôi về cái sai của nó.
Người phụ nữ đó nhìn tôi. Hai cánh tay người đó, đang khoanh lại, bắt đầu mở ra.
Midori. Không nghi ngờ gì nữa.
Tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Một tràng các câu hỏi tuôn ra trong tâm trí tôi: Sao nàng lại ở đây? Sao lại có thể là nàng? Nàng trở lại Tokyo làm gì? Sao nàng lại biết tìm tôi ở đâu? Sao lại có người biết?
Tôi gạt các câu hỏi qua một bên và bắt đầu kiểm tra khu vực tầng hai xung quanh tôi. Chỉ bởi vì anh phát hiện ra một điều ngạc nhiên không có nghĩa là không còn một điều nữa.
Thực tế, điều ngạc nhiên thứ nhất có thể là sự gây sao nhãng có chủ ý, một sự sắp đặt cho một cú đấm lén chết người.
Không ai có vẻ gì không hợp lí. Không thứ gì đánh động hệ thống rà soát giờ đã nâng mức cảnh giác của tôi.
Tôi nhìn nàng một lần nữa, vẫn mong đợi một nửa rằng lần kiểm tra thứ hai sẽ cho tôi biết tôi đã bị ảo giác. Tôi không bị ảo giác. Đó là nàng.
Nàng đang đứng đó, nhìn tôi. Dáng điệu của nàng rất cứng rắn và có phần quả quyết. Ánh mắt nàng cố định vào tôi, nhưng tôi không thể đọc thấu được nó.
Tôi liếc quanh gian phòng lần nữa, rồi chầm chậm bước tới nơi nàng đứng. Tôi dừng lại trước mặt nàng. Tôi nghĩ tiếng đập thình thịch trong lồng ngực tôi có khi lớn đủ để nàng nghe thấy.
Tập trung lại đi, tôi nghĩ. Nhưng tôi không biết nói gì.
- Làm sao em tìm được anh? - là những gì bật ra khỏi miệng tôi.
Vẻ mặt nàng rất điềm tĩnh, gần như vô cảm. Đôi mắt nàng đen huyền. Chúng phát xạ ra sức nóng không thể chạm vào đặc trưng.
- Em tìm trong danh mục những người được cho là đã chết, - nàng nói.
Nếu nàng đang định làm tôi bối rối, nàng đã làm rất tốt việc đó. Tôi lại liếc quanh gian phòng lần nữa.
- Anh đang sợ điều gì ư? - Nàng hỏi nhẹ nhàng.
- Luôn luôn, - tôi nói, lại nhìn vào mắt nàng.
- Sợ em? Tại sao lại thế?
Một khoảng lặng. Tôi hỏi:
- Em đang làm gì ở đây?
- Tìm anh.
- Tại sao?
- Đừng vờ như ngớ ngẩn. Em biết anh không hề thế.
Nhịp tim của tôi bắt đầu chậm lại. Nếu nàng nghĩ tôi sẽ dốc hết gan ruột ra phản ứng lại những câu trả lời mơ hồ của nàng, nàng đã nhầm. Tôi không xử sự theo kiểu đó, ngay cả là với nàng.
- Em sẽ nói cho anh biết làm thế nào em tìm được anh chứ? - Tôi hỏi.
- Em không biết.
Một khoảng lặng nữa. Tôi nhìn nàng.
- Em muốn uống gì không?
- Anh đã giết cha em phải không?
Nhịp tim tôi đảo ngược.
Tôi nhìn nàng một lúc lâu. Rồi tôi nói, “Ừ”, rất khẽ.
Tôi quan sát nàng. Tôi không ngoảnh mắt đi đâu khác.
Nàng im lặng một thoáng. Khi nàng nói, giọng nàng rất nhỏ và khàn.
- Em không nghĩ anh sẽ thừa nhận việc đó. Hay ít nhất là không dễ dàng như thế.
- Anh xin lỗi, - tôi nói, nghĩ câu nói này nghe thật lố bịch.
Nàng mím môi lại và lắc đầu, như thể định nói Anh không thể nghiêm túc.
Tôi lại nhìn quanh hành lang. Tôi không phát hiện ra bất cứ ai có tư thế định làm hại tôi, nhưng có rất nhiều người đang ra vào và tôi không thể chắc được. Tôi muốn đi chỗ khác. Nếu nàng có bất cứ tòng phạm nào, việc này sẽ dụ họ ra.
- Sao chúng ta không tới quán bar, - tôi nói. - Anh sẽ nói cho em những gì em muốn biết.
Nàng gật đầu mà không nhìn đến tôi.
Nơi tôi đang nghĩ đến trong đầu không phải là quán bar Rendezvous ở tầng trệt, nơi quá náo nhiệt đến mức vô dụng xét từ khía cạnh an ninh, mà là quán bar Old Imperial ở ban công phía trên. Đó là di tích còn lại từ khách sạn Hoàng Gia nguyên gốc được Frank Lloyd Wright thiết kế đã bị dỡ bỏ năm 1968, lấy danh nghĩa là mục đích an toàn chống động đất, nhưng đúng hơn là do tôn sùng những ý niệm lầm lạc về “tiến bộ”. Một quãng đi bộ lên tầng hai sẽ có nghĩa là di chuyển ngược lại băng qua hành lang, lên một tầng cầu thang, và rẽ vài ngã rẽ quanh những hành lang hẹp gần như vắng tanh với nhiều điểm tái hiện khác nhau. Nếu Midori có ai đó đang đi theo, kể cả là nàng biết hay không, họ sẽ rất khó khăn để giữ mình không bị lộ diện khi chúng tôi di chuyển.
Chúng tôi theo cầu thang bộ lên tầng hai. Ngoại trừ khoảng một tá khách quen ngồi trong các nhà hàng chúng tôi đi qua, thì không có ai xung quanh. Tôi kiểm tra phía sau trong khi chúng tôi chờ ở cửa vào quán bar để được xếp chỗ. Không ai đến gần. Có vẻ nàng chỉ có một mình.
Chúng tôi ngồi cạnh nhau ở một trong những lô bàn cao, hình bán nguyệt, khuất khỏi cửa vào. Giờ bất cứ ai muốn xác nhận sự hiện diện của chúng tôi sẽ phải bước vào trong và tự lộ diện. Tôi gọi hai cốc Bunnahabhain mười tám năm tuổi từ thực đơn các loại Single Malt xuất sắc của quán bar.
Cảm giác có hơi kì lạ dưới hoàn cảnh này, nhưng tôi thấy vui khi được trở lại Old Imperial. Không cửa sổ và trần thấp, tối và nhẹ dịu, thân mật dù rộng rãi, quầy bar có không khí của lịch sử, của trang nghiêm, có lẽ do nó là nét đặc trưng duy nhất còn sống sót thuộc về tiền thân tử đạo của khách sạn. Như chính bản thân khách sạn, Old Imperial gây cảm giác đã hơi bước qua thời đỉnh cao, nhưng vẫn giữ lại một vẻ đẹp đường hoàng và nét bí ẩn quyến rũ, như một grande dame, quý bà đã thấy nhiều thứ trong đời, biết nhiều người tình, và giữ nhiều bí mật, người không cố níu kéo nét huy hoàng của thời thanh xuân tươi đẹp nhưng cũng không quên nó.
Chúng tôi ngồi yên lặng cho tới khi đồ uống được mang tới. Rồi nàng nói:
- Tại sao?
Tôi cầm cốc Bunnahabhain của mình lên.
- Em biết tại sao rồi. Anh đã được thuê.
- Bởi ai?
- Những người bị cha em lấy đi chiếc đĩa đó. Chính những người đã nghĩ là em có nó, những người đã cố giết em.
- Yamaoto?
- Ừ.
Nàng nhìn tôi.
- Anh là một sát thủ, đúng không? Khi người ta đồn rằng tổ chức này đang trả lương cho ai đó, người ta đang nói về anh, đúng không?
Tôi thở ra một hơi dài.
- Đại loại thế.
Một khoảng lặng. Rồi nàng hỏi:
- Anh đã giết bao nhiêu người?
Ánh mắt tôi chuyển tới cốc rượu.
- Anh không biết.
- Em không nói về Việt Nam. Từ sau đó.
- Anh không biết, - tôi nhắc lại.                
- Anh không nghĩ thế là quá nhiều sao? - Sự dịu dàng trong giọng nói của nàng làm cho câu hỏi càng tồi tệ hơn.
- Anh không... Anh có các quy tắc. Không phụ nữ. Không trẻ em. Không hãm hại những người không phải nhân vật chính.
Những lời đó vang vọng thẳng tuột trong tai tôi như những bài kinh của kẻ ngu muội, như tiếng niệm chú đột ngột bị tước bỏ sức mạnh phép thuật.
Nàng cười lớn mà chẳng hề vui vẻ.
- Anh có các “quy tắc”. Anh nói nghe như một con điếm muốn có tiếng đức hạnh vì ả không hôn những khách hàng mà ả quan hệ.
Đau nhói. Nhưng tôi chấp nhận.
- Và rồi bạn của anh từ Lực lượng Cảnh sát Thủ đô nói với em rằng anh đã chết. Và anh để em tin điều đó. Anh có biết em đã đau buồn vì anh không? Anh có biết điều đó cảm giác như thế nào không?
Anh cũng đau buồn vì em, tôi muốn nói.
- Tại sao? - Nàng hỏi. - Tại sao anh lại bắt em phải chịu đựng chuyện đó? Ngay cả sau việc anh đã làm với cha em, tại sao anh lại bắt em phải chịu đựng chuyện đó?
Tôi nhìn đi nơi khác.
- Nói em nghe đi, khốn kiếp, - tôi nghe nàng nói.
Tôi nhấp một ngụm rượu.
- Anh muốn bảo vệ em. Khỏi... việc biết chuyện này.
- Em không tin anh. Đằng nào em cũng đã biết một nửa. Anh nghĩ em sẽ nghĩ gì khi chứng cứ tham nhũng trong chiếc đĩa đó, mà cha em đã chết khi cố gắng công khai nó, đã không được công bố? Và khi em cố tìm ra người ta đã làm gì với di hài anh để em có thể thờ kính, nhưng không thể?
- Anh không biết nó sẽ không được công khai, - tôi nói, không nhìn nàng. - Thực tế là anh nghĩ người ta sẽ công khai nó. Nhưng bất luận thế nào, anh đã mong em quên anh. Có những lúc anh thấy hoài nghi, nhưng anh có thể làm được gì vào thời điểm đó? Chỉ xuất hiện trong cuộc đời em và giải thích? Sẽ ra sao nếu anh nghĩ sai, nếu em đã quên, em không nghi ngờ, em tiếp tục sống theo cách mà anh đã hi vọng? - Tôi nhìn nàng. - Anh sẽ chỉ gây thêm nỗi đau cho em thôi.
Nàng lắc đầu.
- Anh chẳng thể gây thêm nỗi đau cho em nếu anh đã thử.
Một khoảng lặng dài. Tôi nói:
- Em sẽ cho anh biết làm thế nào em tìm được anh chứ?
Nàng nhún vai.
- Bạn anh ở Lực lượng Cảnh sát Thủ đô.
Tôi chưng hửng.
- Tatsu liên lạc với em?
- Em liên lạc với anh ấy. Thực ra là vài lần. Anh ấy liên tục phớt lờ em. Tuần trước em trở lại Tokyo và đến văn phòng của anh ấy. Em nói với người tiếp khách là nếu Ishikura-san không gặp em thì em sẽ liên lạc với báo giới, em có thể làm tất cả những gì em có thể để gây ra một vụ bê bối công khai. Và em sẽ làm, anh biết đấy. Em sẽ không bỏ cuộc.
Nàng đã rất dũng cảm, gần như hơi liều lĩnh. Tatsu sẽ không làm hại nàng, ngay cả là để phản ứng lại lời đe dọa, nhưng nàng không thể nào biết được điều đó. Một dấu hiệu khác cho thấy nàng đã giận dữ kinh khủng như thế nào.
- Anh ta gặp em à? - Tôi hỏi.
- Không phải ngay lúc đó. Anh ấy gọi cho em chiều nay.
Chiều nay. Vậy là, ngay sau khi tôi từ chối anh ta.
- Và anh ta nói rằng em có thể tìm anh ở đây?
Nàng gật đầu.
Làm thế nào mà anh ta có thể tìm ra tôi lần nữa? Có lẽ lại đám camera khốn kiếp đó. Anh có thể thấy một số. Không phải tất cả, tôi nhớ anh ta đã nói thế. Chắc chắn rồi, sử dụng camera để có một điểm cố định tổng quát về vị trí của tôi, rồi cử người tới các khách sạn có khả năng trong khu vực, nếu cần thiết, cùng với chính tấm ảnh mà họ đã nạp cho các camera và phần mềm nhận diện khuôn mặt, để thu hẹp mọi thứ lại.
Tồi đúng là thằng ngu khi ở lại Tokyo, nhưng với kiểu cảnh báo mà tôi phải đưa ra cho Harry thì dùng một cuộc điện thoại từ nước ngoài không phải là phương án tốt nhất.
Nhưng, tên khốn xảo quyệt đó đang toan tính gì vậy?
- Em có nghĩ ra tại sao Tatsu lại đồng ý gặp em sau cả năm trời từ chối không? - Tôi hỏi.
Nàng nhún vai.
- Có lẽ là do lời đe dọa của em.
Tôi nghi ngờ điều đó. Tatsu không hiểu nàng rõ bằng tôi. Anh ta có thể hiểu lệch rằng nàng chỉ dọa thôi.
- Em thực sự nghĩ tất cả chỉ có thế? - Tôi hỏi.
- Có thể. Có thể anh ấy có một số lí do kín đáo để muốn chúng ta gặp nhau. Nhưng em sẽ làm gì chứ, chọc tức anh ấy bằng cách từ chối gặp anh chắc?
- Anh đoán là không.
Và Tatsu hẳn cũng đoán thế. Tôi cảm thấy một cơn sóng khó chịu thoáng qua, gần với thù địch, về Tatsu và những âm mưu đang tiếp diễn của anh ta.
Nàng thở dài.
- Anh ấy bảo việc nói với em rằng anh đã chết là hành động của anh ấy, không phải của anh.
Câu này đã được anh ta trù tính để đưa đến tai tôi. Anh ta nghĩ tôi sẽ khử Murakami vì biết ơn, như một cuộc trao đổi ngang giá chắc?
- Anh ta còn nói gì với em nữa? - Tôi hỏi.
- Rằng anh đã giúp anh ấy lấy chiếc đĩa và mong anh ấy sẽ chuyển qua giới truyền thông để công bố.
- Anh ta có nói với em tại sao anh ta không làm thế không?
Nàng gật đầu.
- Bởi thông tin trong đó quá dễ bùng nổ đến mức nó có thể lật đổ Đảng Dân chủ Tự do và dọn sẵn đường cho việc lên nắm quyền của Yamaoto.
- Thế thì, nghe có vẻ em khá cập nhật đấy.
- Em còn xa hơn cả cập nhật.
- Harry thì sao? - Tôi hỏi sau giây lát. - Sao em không tìm đến cậu ta?
Nàng nhìn đi chỗ khác và nói:
- Em đã tìm. Em viết cho cậu ấy một lá thư. Cậu ấy nói có nghe tin anh đã chết, và không biết gì hơn nữa.
Cái cách nàng nhìn đi nơi khác... có điều gì đó nàng không nói với tôi.
- Em tin cậu ta à?
- Em không nên tin sao?
Thủ thế tốt lắm. Nhưng có điều gì đó hơn thế ở đó, tôi nghĩ.
- Nhớ lần cuối em gặp anh không? - Nàng hỏi.
Chính là ở đây, ở Khách sạn Hoàng gia. Chúng tôi đã qua đêm bên nhau. Sáng hôm sau tôi rời đi để chặn chiếc limousine của Holtzer. Tôi đã ở vài ngày trong phòng giam cảnh sát sau đó. Trong khi đó, Tatsu nói với Midori tôi đã chết và đã hủy bỏ chiếc đĩa. Trò chơi kết thúc.
- Anh nhớ, - tôi nói.
- Anh đã nói, “Chiều anh sẽ quay lại. Em sẽ đợi anh chứ?”. Vâng, em đợi hai ngày trước khi nhận được tin từ Ishikura-san bạn anh. Em không có ai để liên lạc, không có cách nào để biết.
Tôi thấy ánh mắt nàng chuyển hướng lên trần nhà trong giây lát, có thể là để thoát khỏi những kí ức mà nàng không muốn thấy. Có thể là kìm lại những giọt nước mắt.
- Em không thể tin được là anh đã ra đi, - nàng nói tiếp. - Rồi em bắt đầu tự hỏi có phải anh đã ra đi thật không. Và nếu anh chưa chết, vậy điều đó có nghĩa là gì? Và rồi em nghi ngờ chính mình. Em nghi ngờ chính mình. Em nghĩ, “Anh ấy không thể còn sống, anh ấy sẽ không làm điều này với mày đâu”. Nhưng em không thể loại bỏ những nghi ngờ. Em không biết nên đau buồn vì anh, hay nên có ý muốn giết chết anh.
Nàng quay ra nhìn tôi.
- Anh có hiểu anh đã bắt em trải qua những gì không? - Nàng hỏi, giọng buông xuống thành một lời thì thầm. - Anh... anh đã tra tấn em vô cùng!
Trong tầm nhìn ngoại biên của mình tôi thấy nàng quệt ngón tay cái qua một bên má, rồi má bên kia. Tôi nhìn xuống cốc của mình. Điều cuối cùng mà nàng muốn sẽ là muốn tôi chứng kiến những giọt nước mắt của nàng.
Sau giây lát tôi quay qua nàng.
- Midori, - tôi nói. Giọng tôi nhỏ và nghe thật lạ lùng với chính tôi. - Anh hối tiếc vì tất cả những chuyện này hơn là anh có thể nói ra. Nếu anh có thể thay đổi bất cứ điều gì, anh sẽ làm.
Chúng tôi im lặng một thoáng. Tôi nghĩ đến Rio và nói:
- Dù có đáng giá hay không, thì anh cũng đang cố gắng thoát ra.
Nàng nhìn tôi.
- Anh đang cố gắng vất vả thế nào? Đa số mọi người có thể sống rất tốt mà không phải giết ai. Họ không phải khó nhọc để tránh né việc đó.
- Đối với anh thì mọi chuyện hơi phức tạp hơn thế.
- Tại sao?
Tôi nhún vai.
- Ngay lúc này những người biết anh có vẻ đang bị chia ra hai phe cân bằng giữa muốn giết anh và muốn anh giết người.
- Ishikura-san?
Tôi gật đầu.
- Tatsu đã hiến cả đời mình để chiến đấu với nạn tham nhũng ở Nhật Bản. Anh ta có quyền lực, nhưng thế lực mà anh ta đang chống lại mạnh hơn anh ta. Anh ta đang cố gắng cân bằng sự chênh lệch.
- Với em thật khó để hình dung anh ta là một trong những người tốt.
- Anh chắc chắn là thế. Nhưng thế giới mà anh ta sống không rõ ràng như thế giới của em. Dù tin hay không, thì anh ta cũng đã cố gắng giúp đỡ cha em.
Và đột nhiên tôi hiểu tại sao anh ta lại gửi nàng tới đây. Không phải vì anh ta hi vọng tôi sẽ hỗ trợ anh ta như một cuộc trao đổi ngang giá vì một vài lời bình luận bào chữa mà anh ta đã nói với Midori. Hay ít nhất không hoàn toàn như thế. Không, hi vọng thực sự của anh ta là, nếu Midori tiến tới chỗ nhìn nhận Tatsu đang cố gắng tiếp tục trận chiến mà cha nàng đã bắt đầu theo một cách nào đó, nàng có thể muốn tôi giúp anh ta. Anh ta hi vọng việc tôi gặp nàng sẽ đánh vào những nỗi hối tiếc của tôi về cha nàng, khiến tôi trở nên dễ bảo trước đề nghị làm việc anh ta muốn.
- Vậy giờ anh đang “cố gắng thoát ra”, - nàng nói.
Tôi gật đầu, nghĩ đây sẽ là điều nàng muốn nghe.
Nhưng nàng cười lớn.
- Đó là sự chuộc tội sau tất cả những gì anh làm ư? Em không biết lên thiên đường lại dễ dàng như thế đấy.
Có thể tôi không có quyền, nhưng tôi đang bắt đầu cáu lên.
- Xem này, anh đã gây ra một lỗi lầm với cha em. Anh đã nói là anh hối tiếc về việc đó, anh đã nói anh sẽ thay đổi điều đó nếu anh có thể. Anh có thể làm được gì khác? Em muốn anh tưới xăng lên người và quẹt một que diêm? Đi cứu trợ những người thiếu ăn? Làm gì?
Nàng hạ mắt nhìn xuống.
- Em không biết.
- Hừ, anh cũng không biết. Nhưng anh đang cố.
Đồ Tatsu chết tiệt, tôi nghĩ. Anh ta đã thấy trước tất cả chuyện này. Anh ta biết nàng sẽ làm tôi bối rối.
Tôi uống hết cốc Bunnahabhain của mình. Tôi đặt chiếc cốc rỗng xuống bàn và nhìn nó.
- Em muốn anh làm một chuyện, - tôi nghe thấy nàng nói sau một thoáng.
- Anh biết, - tôi trả lời, không nhìn nàng.
- Em không biết chuyện đó là gì.
Tôi nhắm mắt lại.
- Anh biết em không biết.
- Em không thể tin được là thậm chí em đang ngồi đây nói chuyện với anh.
Với câu nói đó tôi chỉ gật đầu.
Lại một khoảng lặng nữa trong khi tôi cho chạy qua tâm trí tất cả những điều mà tôi ước có thể nói với nàng, những điều mà tôi ước có thể tạo nên sự khác biệt.
- Chúng ta chưa xong đâu, - tôi nghe nàng nói.
Tôi nhìn nàng, không biết nàng có ý gì, và nàng nói tiếp.
- Khi nào em biết em muốn gì từ anh, em sẽ nói với anh.
- Anh đánh giá cao điều đó, - tôi nói một cách khô khốc. - Theo cách đó ít nhất anh sẽ biết khi nó xảy đến.
Nàng không cười.
- Anh là sát thủ, không phải em.
- Đúng vậy.
Nàng nhìn tôi một thoáng nữa, rồi nói:
- Em có thể tìm anh ở đây không?
Tôi lắc đầu.
- Không.
- Vậy ở đâu?
- Để anh tìm em thì tốt hơn.
- Không! - Nàng nói với một thái độ kịch liệt bất ngờ khiến tôi kinh ngạc. - Không có chuyện nhảm nhí đó thêm nữa. Nếu muốn gặp lại em, nói cho em biết anh sẽ ở đâu.
Tôi cầm cốc của mình lên và nắm chặt nó.
Bước đi đi, tôi tự nói với mình. Mày thậm chí không cần phải nói gì hết. Chỉ việc đặt vài tờ bạc lên bàn rồi đi. Mày sẽ không bao giờ nhìn thấy nàng nữa.
Ngoại trừ tôi sẽ luôn luôn gặp nàng. Tôi không thể thoát khỏi điều đó.
Tôi đã quen với việc hi vọng quá ít tới mức có vẻ đã đánh mất bất cứ khả năng miễn dịch tự nhiên nào với ảnh hưởng của cảm xúc. Những niềm hi vọng của tôi với Midori đã có một vị trí vững chắc, và cũng nực cười như khi chúng bén rễ, tôi không thể tự kháng cự lại chúng.
- Xem này, - tôi nói, biết trước sẽ không hiệu quả. - Anh đã sống theo cách này một thời gian dài. Đây là lí do anh đã sống một thời gian dài.
- Thế thì quên chuyện này đi, - nàng nói. Rồi nàng đứng dậy.
- Thôi được rồi, - tôi nói. - Em có thể tìm được anh ở đây.
Nàng nhìn tôi và gật đầu.
- Được.
Tôi ngập ngừng.
- Anh sẽ nhận được tin từ em chứ? - Tôi hỏi.
- Anh có quan tâm không?
- Anh e là có.
- Tốt, - nàng nói, gật đầu. - Để xem anh sẽ thích sự phấp phỏng như thế nào.
Nàng quay người và bước đi.
Tôi thanh toán tiền và chờ một phút, rồi rời đi, sử dụng một trong những lối ra dưới tầng hầm.
Tôi không thể ở lại đó thêm được nữa. Tôi có thể sống với việc chính Midori biết nơi ở của tôi, nhưng nàng không có ý thức về bảo mật và tôi không thể sống với cái khả năng nàng có thể tình cờ dẫn ai đó đến gần tôi. Tôi cũng muốn làm cho mọi thứ khó khăn hơn với Tatsu. Nó chẳng có ý nghĩa gì nhiều ở thời điểm này nếu anh ta đã có cách tìm ra tôi, nhưng tôi không thích ý niệm đó.
Tôi sẽ ở tại những khách sạn thương mại vô danh nhất, mỗi đêm một chỗ khác nhau. Làm thế sẽ bảo vệ tôi khỏi bất cứ ai có thể đang theo đuôi Midori và khiến Tatsu phải rối trí để cố gắng bám đuổi.
Tôi sẽ giữ phòng ở khách sạn Hoàng Gia, tất nhiên. Việc đó có thể giúp đánh lạc hướng Tatsu. Bên cạnh đó, tôi có thể kiểm tra hộp thư thoại trong phòng từ xa, phòng trường hợp Midori cố tìm tôi ở đó. Tôi có thể thỉnh thoảng ghé qua, thận trọng đặc biệt, chỉ để duy trì sự hiện diện.
Tôi cúi thấp đầu và làm tất cả những gì có thể để tránh tặng một bức ảnh đẹp cho đám camera, nhưng chẳng cách nào biết chắc được. Tôi cảm thấy bị tù túng, ngột ngạt.
Có lẽ tôi chỉ việc chạy trốn. Việc đầu tiên trong buổi sáng, Osaka, Rio, finito, Xong.
Nhưng tôi ghét cái ý tưởng rằng Midori có thể sẽ lại cố liên lạc với tôi, để rồi phát hiện ra tôi đã biến mất một lần nữa.
Mày vẫn đang lừa dối nàng rồi, tôi nghĩ. Mất hết của mày nửa tiếng đồng hồ.
Rồi có thể tôi sẽ ở lại một ngày nữa, nhiều nhất là hai ngày. Ừ, có thể. Và sau đó, lần tiếp theo Midori hay Tatsu hay bất cứ ai khác nhận được thông tin từ tôi thì sẽ là qua bưu thiếp, par avion*. [Bằng máy bay, (tiếng Pháp)]
Tôi thực hiện một số bước di chuyển gấp gáp để đảm bảo không bị bám theo. Rồi tôi giảm tốc độ và dạt qua Tokyo về đêm, không biết tôi đang đi đâu, không quan tâm.
Tôi thấy hai furita* trẻ tuổi - “người tự do” - những kẻ phất phơ đã phản ứng lại tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài hàng thập kỉ của Nhật Bản bằng cách tránh né những vị trí mà đằng nào cũng không còn cửa cho họ nữa, rồi hạ mình xuống những công việc linh tinh như một ca trực muộn trong cửa hàng tạp hóa, để phục vụ nhu cầu của các cư dân Tokyo về đêm khác; những bậc cha mẹ với đôi mắt trũng sâu tìm kiếm các dụng cụ dọn rửa để làm việc vặt gia đình, mà công việc dằng dặc hằng ngày và lũ con kêu khóc của họ vốn không chừa lại chút thời gian nào để làm lúc ban ngày; những người đàn ông cô đơn vẫn mặc nguyên những chiếc sơ mi xắn tay thay đổi hằng ngày của công việc lúc trời sáng, đau khổ giữa thành phố rộng lớn vì nỗi cô độc quá sâu sắc đến mức ngay cả hiệu ứng gây buồn ngủ của các talk show truyền hình lúc tối muộn cũng không thể làm họ bỏ qua những cuộc thăm thú không thường xuyên ban đêm nhằm tìm kiếm dấu hiệu của những cuộc đời khác; thậm chí cả những furita đang trên đường trở về nhà cha mẹ, nơi mà họ vẫn sống để cân bằng chi tiêu đạm bạc, những người có thể chia sẻ một điếu thuốc lá chán ngắt và một trò đùa kém hài hước trước khi đi ngủ vào buổi sáng, rồi thức dậy để lặp lại tất cả vào cuối ngày hôm đó.
*[Furita (freeter trong tiếng Anh) là khái niệm người Nhật Bản dùng để chỉ những người từ độ tuổi 15 đến 34 không có việc làm toàn thời gian hoặc thất nghiệp, bao gồm cả những bà nội trợ và học sinh sinh viên. Từ này ban đầu bao gồm cả những người trẻ tuổi tự ý không chọn trở thành những người làm công ăn lương, ngay cả khi công việc không phải là khan hiếm]
Tôi đi qua những công nhân vệ sinh, những đội xây dựng đang làm việc dưới những ngọn đèn halogen trên các miệng hố sụt lún của đường phố vắng lặng về đêm, những tài xế xe tải mắc chứng mất ngủ âm thầm dỡ hàng hóa xuống những vỉa hè hoang vắng và những hiên nhà không mái yên tĩnh.
Tôi thấy mình ở gần nhà ga Nogizaka, và nhận ra tôi đã vô thức di chuyển về phía tây bắc. Tôi dừng lại. Nghĩa trang Aoyama ở ngay trước mặt tôi, yên lặng và suy tư, thu hút tôi như một lỗ đen có trọng lực còn mạnh hơn cả Tokyo bao quanh.
Không nghĩ gì hết, tôi băng qua đường, nhảy qua dải phân cách bằng kim loại giữa đường. Tôi dừng lại ở những bậc đá trước mặt, rồi đầu hàng và bước lên phía những phần mộ bên trong.
Ngay lập tức những âm thanh của đường phố bên dưới trở nên tách biệt, xa cách, những tiếng vọng vô nghĩa của thứ âm thanh thành thị khẩn trương vươn đến nhưng không tác động gì được tới bên trong nghĩa trang công viên. Từ nơi tôi đứng, nghĩa trang dường như không có điểm cuối. Nó trải dài ra trước mắt tôi, tự thân nó như cả một thành phố, vô số những tấm bia mộ như những ngôi nhà không cửa sổ thu nhỏ, được sắp xếp trong sự đối xứng tĩnh mịch, những đại lộ dài của người chết.
Tôi đi sâu hơn vào bóng tối u ám đầy an ủi, dọc theo một lối đi bộ bằng đá phủ đầy những cánh hoa anh đào nằm xuống như tuyết trong ánh đèn tối tăm từ cả hai phía. Chỉ vài ngày trước, chính những cánh hoa anh đào này đã được những người dân Tokyo đang sống ca tụng, hàng ngàn người đến đây uống say để thấy sự phản chiếu trong vẻ đẹp ngắn ngủi và đầy sức sống của hoa anh đào cái xúc cảm vốn có của chính cuộc đời của họ. Nhưng giờ những cánh hoa đã rụng, những người dự cuộc vui đã rời đi, ngay cả rác rưởi thải ra từ các bữa tiệc của họ cũng đã được dọn dẹp và loại bỏ một cách hiệu quả, và khu vực một lần nữa chỉ còn bị người chết chiếm hữu.
Tôi nhớ lại cách Midori đã từng giải nghĩa về khái niệm mono no aware*, một cảm giác dù thường xuyên bị chìm khuất trong suốt kì xem hoa anh đào bởi tạp âm của những vần thơ dở tệ say xỉn và những chiếc tivi chạy bằng máy phát điện, nhưng vẫn còn nằm lại chắc chắn ở một trong hai nền văn hóa mà tôi xuất thân. Nàng đã gọi nó là “nỗi buồn thương với con người”. Một nỗi buồn thấu suốt, chấp nhận, nàng nói vậy. Tôi cảm phục nàng vì những điểm sâu sắc trong tính cách mà một sự diễn tả như thế đã biểu hiện. Đối với tôi, nỗi buồn luôn luôn đồng nghĩa với cay đắng, và tôi ngờ là nó sẽ luôn luôn như thế.
*[Mono no aware, nghĩa là mối bi cảm với vạn vật được coi là cảm thức đặc trưng của người Nhật, là lòng trắc ẩn trước sự mong manh ngắn ngủi của vạn vật, nhận thức được vẻ đẹp đến nao lòng của chúng, và một nỗi buồn sâu lắng khi thứ gì đó tan biến hoặc chấm dứt vòng đời]
Tôi bước đi, những bước chân đầy u sầu, kính cẩn trước sự tĩnh lặng dày đặc xung quanh. Không như thành phố bao quanh, nghĩa trang Aoyama chẳng hề thay đổi, và tôi chẳng khó khăn gì để tìm ra thứ đã thu hút tôi mặc cho mấy chục năm đã qua kể từ lần cuối cùng tôi đến đây.
Tấm bia mộ đơn lạnh và giản dị, được phân biệt chỉ bằng một lời tuyên bố ngắn gọn rằng Fujiwara Shuichi đã sống từ năm 1912 tới năm 1960 và rằng di hài của ông đã được chôn cất tại đây. Fujiwara Shuichi, cha tôi, bị giết trong cuộc bạo loạn trên đường phố đã làm Tokyo chao đảo khi tôi còn là một đứa trẻ.
Tôi đứng trước mộ phần và cúi đầu thật lâu, hai lòng bàn tay chắp vào nhau trước mặt thể hiện tư thế thành kính của đạo Phật với người đã khuất. Mẹ tôi hẳn sẽ muốn tôi nói một lời cầu nguyện, làm dấu thập giá khi kết thúc, và nếu đây là mộ phần của bà, tôi hẳn đã làm thế. Nhưng một lễ nghi phương Tây như thế sẽ là một sự sỉ nhục với cha tôi khi ông còn sống, và sao tôi lại làm gì để xúc phạm ông bây giờ?
Tôi mỉm cười. Thật khó để tránh được kiểu suy nghĩ như vậy. Cha tôi đã chết rồi.
Tuy nhiên, tôi không khấn vái.
Tôi đợi một thoáng, rồi ngồi xuống đất, khoanh chân lại. Vài nấm mộ được trang trí bằng hoa, tươi mới và tàn héo khác nhau. Như thể người chết có thể ngửi được hoa.
Một cơn gió nhẹ rì rào giữa những tấm bia mộ. Tôi tựa trán vào lòng bàn tay và nhìn chằm chằm vào mặt đất trước mặt.
Người ta có những nghi lễ để giao tiếp với người chết, những nghi lễ phụ thuộc vào các khí chất của cá nhân hơn là ảnh hưởng của văn hóa. Một số người đến thăm các phần mộ. Một số người nói chuyện với những bức chân dung, hay bình tro cốt. Một số đến những nơi người đã khuất thích đến khi còn sống, hay nói thầm những lời nguyện cầu trong những nhà thờ tự, hay trồng cây tưởng niệm ở những vùng đất xa xôi.
Đương nhiên, mẫu số chung là cảm giác vượt trên logic rằng người chết biết được tất cả những điều đó, rằng họ có thể nghe thấy được những lời khấn vái cũng như chứng kiến các hành động, cảm nhận được tình yêu và lòng mong mỏi vẫn đang tiếp diễn. Dường như người ta thấy nó mang lại cảm giác an ủi.
Tôi không tin bất cứ việc gì trong số đó. Tôi chưa bao giờ thấy một linh hồn tách khỏi thân xác. Tôi chưa bao giờ bị ám ảnh bởi một hồn ma, giận dữ hay yêu thương. Tôi chưa bao giờ bị báo oán hay bị trừng phạt hay bị một kẻ lữ hành từ miền đất chưa được khám phá đó chạm vào. Tôi biết rõ như biết mọi chuyện khác rằng người chết chỉ đơn giản là người chết.
Tôi ngồi lặng yên trong vài phút, kháng cự sự thôi thúc phải nói, biết rằng điều đó là ngu ngốc. Cha tôi không còn lại gì hết. Ngay cả có, thì thật lố bịch khi tin rằng phần còn lại đó có thể ở đây, bay lơ lửng quanh tro và bụi, chen lấn giành vị trí giữa những linh hồn của hàng trăm ngàn con người khác được mai táng ở nơi này.
Mọi người đặt hoa xuống và khấn vái, họ tin tưởng điều này, bởi làm thế sẽ tránh được cảm giác không mấy dễ chịu khi ý thức rằng rằng người mà anh yêu thương đã ra đi. Sẽ dễ dàng hơn khi tin rằng người đó vẫn thấy, vẫn nghe và quan tâm.
Tôi nhìn bia mộ của cha tôi. Vẫn còn mới theo những tiêu chuẩn của nghĩa trang, mới chỉ hơn bốn thập kỉ, nhưng đã đen sạm đi vì khói bụi ô nhiễm. Rêu mọc thành lớp mỏng vô tri trên mặt bên trái tấm bia. Không nghĩ gì, tôi vươn người lại và lướt các ngón tay trên hàng chữ chạm nổi tên cha tôi.
“Hisashiburi, papa”, tôi thì thầm, gọi ông như cậu bé là tôi từng gọi khi ông mất. Lâu quá rồi, cha ơi.
Tha lỗi cho con cha ơi. Đã ba mươi năm kể từ lần thú tội cuối cùng của con.
Thôi thứ chết tiệt đó đi.
“Con xin lỗi đã không đến thăm cha thường xuyên hơn”, tôi nói bằng tiếng Nhật, nhỏ giọng. “Hay thậm chí nghĩ đến cha. Có quá nhiều điều con muốn giữ khoảng cách vì chúng quá đau đớn. Kí ức về cha là một trong số đó. Thật ra đó là điều đầu tiên”.
Tôi ngừng lại và để tâm đến sự tĩnh lặng quanh tôi. “Nhưng đằng nào thì cha cũng không nghe thấy”.
Tôi nhìn quanh.
“Việc này thật ngu xuẩn”, tôi nói. “Cha đã chết rồi. Cha không ở đây”.
Rồi tôi lại gục đầu vào lòng bàn tay.
“Ước gì con có thể làm cho nàng hiểu”, tôi nói. “Ước gì cha có thể giúp con”.
Chết tiệt, nàng đã quá khắc nghiệt với tôi. Gọi tôi là điếm.
Có thể chuyện đó chẳng phải là không công bằng. Xét cho cùng, giết chóc là biểu hiện tối thượng của lòng căm thù và nỗi sợ hãi, cũng như tình dục là biểu hiện tối thượng của tình yêu và khao khát. Và, cũng như với tình dục, giết một người lạ mặt không gây thù oán gì với anh luôn phi tự nhiên. Tôi cho cũng có thể nói rằng một người đàn ông đi giết một người lạ mặt không khác gì một phụ nữ quan hệ tình dục trong những hoàn cảnh tương tự. Rằng một người đàn ông được trả tiền để giết chóc cũng như một người phụ nữ được trả tiền để quan hệ. Chắc chắn người đàn ông đó là đối tượng của sự miễn cưỡng tương tự, sự vô cảm tương tự, sự hối tiếc tương tự. Tổn thương linh hồn tương tự.
“Nhưng khốn kiếp thật”, tôi nói lớn, “chẳng lẽ là đạo đức khi giết một người anh thậm chí còn không biết, một người lính có lẽ cũng như bản thân anh, chỉ bởi vì chính quyền nói anh có thể làm thế? Hay anh thả một quả bom từ trên 9.000 mét xuống để giết kẻ xấu, anh chôn luôn cả phụ nữ và trẻ em dưới đống nhà cửa đổ nát của chính họ, nhưng không quan tâm vì anh không thực sự nhìn thấy thiệt hại, điều đó là đạo đức ư? Con không trốn sau tầm đạn pháo, hay sau hình ảnh méo mó trong tầm tỏa nhiệt từ khẩu súng trường của một tay bắn tỉa, hay sau những tấm huân chương mà họ trao cho sau đó để cam đoan rằng cuộc tàn sát là rất chính đáng. Tất cả những thứ chết tiệt đó là ảo tưởng, một thứ thuốc ngủ được mớm cho những kẻ giết người để gây tê sau khi giết chóc. Những gì con làm không hề tồi tệ hơn những gì xảy ra trên toàn thế giới, những gì luôn luôn xảy ra. Điều khác biệt là con thành thật về điều đó”.
Tôi im lặng một lúc, suy nghĩ.
“Và một chút dễ dãi thì sao?”. Tôi nói. “Cha nàng đằng nào cũng sắp chết vì bệnh ung thư phổi, trong đau đớn nhiều hơn nhiều những gì con đã gây ra cho ông ấy. Còn chuyện “không tổn hại, không vấn đề” thì sao? Ý con là, thực tế con đã cho ông ấy một ân huệ. Quỷ quái thật, trong một số nền văn hóa việc con đã làm sẽ không bị nhìn nhận nhiều hơn một cái chết không đau đớn. Nàng gần như phải cảm ơn con vì điều đó chứ”.
Mọi thứ đã rất ổn với tôi ở Osaka, ổn một cách hợp lí. Nhìn lại, tôi cảm giác tất cả đã đổ vỡ kể từ khi Tatsu xuất hiện.
Tôi nghĩ đến chuyện khử anh ta. Nhưng có cả tá lí do khiến tôi không muốn làm thế. Vấn đề là, anh ta bắt đầu xử sự như thể anh ta biết tôi không muốn làm thế, và thế là không tốt.
Tôi cần trở lại Osaka, hoàn tất quá trình chuẩn bị nhanh hết mức có thể, và ra đi. Tatsu có thể tự xoay xở được. Harry thì vô vọng. Midori đã biết được điều nàng đến đây để tìm hiểu. Naomi rất ngọt ngào, nhưng cô ấy có mục đích của mình.
Tôi đứng dậy. Hai chân tôi đã tê cứng trên nền đất lạnh và tôi xoa bóp cho máu chảy trở lại.
Tôi cúi mình trước nấm mộ của cha tôi, rồi đứng đó nhìn nó một lúc lâu.
Jaa”, cuối cùng tôi nói. Rồi: “Arigatou!”*
*[Tạm biệt. Cám ơn cha]
Tôi quay người và bước ra.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét