Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 7

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

7

Ngày hôm sau, tôi nhận được tin nhắn từ Harry, cậu ta sử dụng một mật mã số đã được thống nhất từ trước để nói với tôi rằng cậu ta đã tải một thứ lên Bulfinch mà chúng tôi sử dụng. Tôi cho rằng đó là địa chỉ của Midori, và Harry đã không làm tôi thất vọng.
Cô ấy sống trong một tòa chung cư nhỏ có tên là Harajuku Badento Haitsu - Cao ốc Xanh Harajuku - ngay gần những đường cong duyên dáng của sân vận động Olympic Tokyo 1964 do Tange Kenzo* thiết kế. Harajuku là ranh giới nằm vắt ngang giữa sự tĩnh mịch cùng những rặng thông liễu uy nghiêm của công viên Yoyogi và đền Minh Trị với sự náo nhiệt của đám thanh thiếu niên phát cuồng vì mua sắm của phố Takeshita cùng những cửa hàng và tiệm cà phê nhỏ thanh lịch của Omotesando.
*[Tange Kenzo (1913 - 2005): Kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật, được coi là một trong những người làm nên bộ mặt của kiến trúc thế kỉ XX]
Harry khẳng định rằng Midori không có chiếc ô tô nào được đăng kí với Cục Quản lí Xe Cơ giới Tokyo, có nghĩa là cô ấy sẽ phụ thuộc vào tàu: một là JR*, mà cô ấy sẽ bắt ở ga Harajuku, hai là một trong các tuyến tàu điện ngầm mà cô ấy sẽ lên ở Meiji-jingumae hoặc Omotesando.
*[Đường sắt Nhật Bản, một tập đoàn nắm giữ hầu hết hoạt động đường sắt Nhật]
Vấn đề là, nhà ga JR nằm ngược chiều với nhà ga tàu điện ngầm, và khả năng cô ấy chọn một trong hai phương tiện đó là như nhau. Vì không có một vị trí yết hầu nào dẫn đến cả hai nhà ga, nên tôi chẳng có cơ sở nào để chọn lựa. Tôi sẽ phải tìm địa điểm hợp lí nhất để chờ đợi và quan sát rồi dựa vào đó mà quyết định.
Đại lộ Omotesando, nơi các ga tàu điện ngầm tọa lạc, là nơi phù hợp nhất. Được biết đến với cái tên “Champs Elysées* của Tokyo”, mặc dù chủ yếu giữa những người chưa từng đặt chân tới Paris, Omotesando là một đại lộ mua sắm dài với hai hàng du ven đường, mỗi mùa thu, những chiếc lá hẹp của chúng lại tạo nên một vòng vương miện và sau đó là một tấm thảm vàng tuyệt đẹp trong vài ngày. Nhiều quán rượu nhỏ và tiệm cà phê nơi đây được thiết kế theo phong cách Paris để các vị khách có thể ngắm nhìn người đi đường qua lại, và tôi có thể dành một hai tiếng để quan sát đường phố từ vài địa điểm khác nhau mà không thu hút sự chú ý.
*[Tên của một đại lộ lớn, đẹp và nổi tiếng của thủ đô Paris, Pháp]
Tuy nhiên, nếu thiếu may mắn, tôi sẽ gánh chịu một vài ngày chờ đợi và quan sát cực kì nhàm chán. Nhưng Harry có một phát minh có thể cứu nguy cho tôi: một cách để biến chiếc điện thoại thành một cái micro từ một nơi xa xôi.
Trò này chỉ hiệu quả với các điện thoại kĩ thuật số có tính năng loa ngoài, khi đường dây vẫn được kết nối mà không cần phải nhấc ống nghe. Tín hiệu không rõ lắm, nhưng anh vẫn có thể nghe thấy. Tiên liệu trước hành động tiếp theo của tôi, Harry đã thử đường dây của Midori hộ tôi và cho tôi biết rằng chúng tôi đã có thể sẵn sàng hành động.
Vào mười giờ sáng thứ bảy tuần sau, tôi đến tiệm cà phê Aoyama Blue Mountain trên đại lộ Omotesando, mang theo một thiết bị nhỏ dùng để kích hoạt điện thoại của Midori và một cái di động để nghe bất cứ thứ gì mà tôi kết nối tới. Tôi chọn một cái bàn nhỏ hướng ra đường, gọi một tách cà phê espresso từ nữ nhân viên phục vụ trông có vẻ chán chường. Quan sát những đám khách bộ hành thưa thớt của buổi sáng lướt qua, tôi bật công tắc trên thiết bị và nghe một tiếng xì xì khe khẽ trong ống nghe cho tôi biết rằng kết nối đã được thiết lập. Ngoài ra, chỉ có sự im lặng. Chẳng còn việc gì khác để làm ngoài chờ đợi.
Một nhóm thợ xây đã tụ tập lại cách cửa Blue Mountain vài mét, sửa những cái ổ gà trên đường. Bốn công nhân bận rộn trộn sỏi và tính toán lượng nguyên vật liệu thích hợp - công việc này chỉ cần cùng lắm là hai người thôi, nhưng yakuza, mafia của Nhật Bản, hoạt động mật thiết với ngành công nghiệp xây dựng và đòi hỏi rằng các công nhân đều phải có việc làm. Chính phủ, hài lòng với cách tạo thêm công ăn việc làm này, cũng đồng lõa. Tình trạng thất nghiệp được giữ ở mức độ xã hội chấp nhận được. Guồng máy cứ thế vận hành.
Là thứ trưởng của Kokudokotsusho, cha của Midori sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề xây dựng và phần lớn các dự án công trình công cộng chính trên khắp đất nước Nhật Bản. Ông ta chắc hẳn đã lún sâu vào chuyện này. Không ngạc nhiên gì khi có người muốn ông ta chết sớm.
Hai người đàn ông trung niên mặc com lê đen và đeo cà vạt, trang phục dự tang lễ hiện đại của người Nhật, rời tiệm cà phê, và mùi sỏi nóng thoảng đưa tới bàn của tôi. Thứ mùi này gợi nhắc tôi nhớ đến tuổi thơ Nhật Bản, về những ngày cuối hè khi mẹ dẫn tôi đến trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. Vào thời điểm đó trong năm, các con đường luôn có vẻ đang trong quá trình lát lại, và với tôi loại hình xây dựng này vẫn luôn tỏa ra điềm báo về một loạt những trò bắt nạt và tẩy chay mới.
Đôi khi tôi cảm thấy cuộc đời mình như đã bị phân chia thành từng đoạn nhỏ. Đáng lẽ tôi phải gọi chúng là các chương, nhưng chúng bị phân chia quá đột ngột đến mức tổng thể thiếu đi cái tính liên tục mà các chương sẽ đem lại. Đoạn đầu tiên kết thúc khi cha tôi bị giết, một sự kiện làm sụp đổ cái thế giới an toàn và có thể tiên liệu, và thay bằng sự yếu đuối và sợ hãi. Một sự gián đoạn khác là khi tôi nhận được điện tín của quân đội thông báo rằng mẹ tôi đã qua đời, và cho phép tôi về Mỹ để chịu tang. Cùng với sự ra đi của mẹ, tôi đã mất đi một trọng tâm cảm xúc, một sự chi phối tâm lí từ xa cho hành vi của mình, và chỉ còn lại một cảm giác tự do mới mẻ và khủng khiếp đang ngập tràn. Campuchia là một sự đứt quãng khác nữa, một bước lún sâu hơn vào bóng tối.
Kì lạ thay, thời điểm mẹ dẫn tôi rời Nhật để tới Mỹ không được coi là một mốc ranh giới, kể cả hồi đó lẫn bây giờ. Tôi là kẻ ngoại cuộc ở cả hai nơi, và sự di chuyển này chỉ càng khẳng định tình trạng đó. Những lần lang bạt của tôi sau này cũng vậy. Trong cả một thập kỉ sau đám tang của Jake Khùng, tôi đã lê la khắp nơi trên trái đất như một tên lính đánh thuê, thách thức các thánh thần giết tôi, nhưng cuối cùng vẫn sống sót bởi vì một phần trong tôi đã chết.
Tôi đang chiến đấu bên cạnh những người Li Băng theo đạo Cơ Đốc ở thủ đô Beirut thì CIA tuyển dụng tôi để đào tạo lực lượng du kích Hồi giáo chiến đấu chống lại Liên Xô ở Afghanistan. Tôi là kẻ lí tưởng: kinh nghiệm chiến đấu dồi dào, và một lịch sử làm lính đánh thuê có thể khiến chính phủ dễ dàng phủ nhận mối liên hệ với tôi.
Đối với tôi, lúc nào cũng đang tồn tại một cuộc chiến, và khoảng thời gian trước đó cứ ngỡ như không thực, giống như vừa mơ. Chiến tranh là nền tảng để tôi tiếp cận mọi thứ khác. Chiến tranh là tất cả những gì tôi biết rõ. Anh có biết một câu chuyện ngụ ngôn của đạo Lão không? Một người mơ thấy mình là một con bướm, thế rồi ông ta tỉnh dậy và bắt đầu tự hỏi phải chăng mình là một con bướm đang mơ làm người?
Qua mười một giờ một chút, tôi nghe thấy những chuyển động trong căn hộ của Midori. Tiếng bước chân, sau đó là tiếng nước chảy, có lẽ cô ấy đang tắm. Tôi chợt nhớ ra cô ấy làm việc vào ban đêm; lẽ dĩ nhiên cô ấy sẽ dậy muộn. Sau đó, gần giữa trưa, tôi nghe tiếng cửa bên ngoài đóng lại và tiếng bấm khóa, và tôi biết cuối cùng cô ấy đã lên đường.
Tôi trả tiền cho hai tách espresso mà tôi đã uống và bước ra đại lộ Omotesando, bắt đầu thong thả bước về phía ga JR Harajuku. Tôi muốn đến cầu vượt bộ hành ở Harajuku. Nó sẽ cho tôi một tầm nhìn bao quát, nhưng cũng sẽ dễ dàng khiến tôi bị lộ, vì vậy tôi sẽ không thể nán lại đó lâu.
Tôi tính toán thời gian thật khéo. Tôi chỉ phải đợi trên cầu vượt khoảng một phút thì thấy cô ấy. Cô ấy đang đi tới từ tòa nhà của mình và rẽ phải vào đại lộ Omotesando. Tôi sẽ dễ dàng theo cô ấy từ chỗ đó.
Tóc cô ấy được buộc theo kiểu đuôi ngựa, đôi mắt đen giấu sau cặp kính râm. Cô ấy đang mặc chiếc quần đen bó sát và cái áo len cổ chữ V màu đen, sải bước tự tin, có chủ đích. Tôi phải thừa nhận rằng trông cô ấy thật đẹp.
Đủ rồi, tôi tự nhủ. Cô ta đẹp hay xấu cũng chẳng liên quan gì đến chuyện này.
Cô ấy đang xách một cái túi mua sắm, nhờ vào màu gỗ thích nổi bật của nó mà tôi nhận ra nó thuộc hãng Mulberry, một hãng sản xuất đồ da của Anh. Họ có một cửa hàng ở Minami Aoyama, và tôi tự hỏi có phải cô ấy đang mang thứ gì đó đi trả không.
Nửa chừng đến đường Aoyama, cô ấy rẽ vào cửa hàng Paul Stuart. Tôi có thể theo cô ấy vào đó, vờ như tình cờ chạm trán cô ấy, nhưng tôi tò mò muốn biết cô ấy còn định đi đâu nữa, và quyết định chờ đợi. Tôi rẽ vào Fouchet Gallery phía đường đối diện, ngắm nghía vài bức tranh ở chỗ tôi có thể nhìn ra ngoài đường trong khoảng hai mươi phút, cho đến khi cô ấy bước ra, tay cầm một cái túi mua sắm của hãng Paul Stuart.
Điểm dừng tiếp theo của cô ấy là Nicole Farhi London. Lần này tôi đợi cô ấy ở Aoyama Flower Market, nằm ở tầng trệt của tòa nhà La Mia. Từ đó, cô ấy tiếp tục rẽ vào một loạt những con phố nhỏ vô danh ở Omotesando, thi thoảng dừng lại để ngó qua một cửa hàng, cho đến khi tới đường Koto thì rẽ phải. Tôi đi theo cô ấy, duy trì vị trí đằng sau và ở phía lề bên kia, cho đến khi thấy cô ấy rẽ vào Le Ciel Bleu.
Tôi bước vào cửa hàng Tokyo J. M. Weston, ngắm nghía những đôi giày làm thủ công trong các tủ kính bày hàng với một góc độ cho phép tôi quan sát được Le Ciel Bleu. Tôi suy ngẫm. Có vẻ như cô ấy chủ yếu chuộng đồ Âu. Cô ấy tránh những cửa hàng to, kể cả những cửa hàng sang trọng. Và có vẻ sắp đi trọn một vòng quãng đường đưa cô ấy về lại căn hộ của mình. Và cô ấy vẫn đang xách cái túi Mulberry.
Nếu cô ấy thực sự đang trên đường đem trả thứ gì đó, tôi sẽ có cơ hội tới đó trước. Đó là một điều mạo hiểm bởi vì nếu tôi đợi sẵn ở đó mà cô ấy lại đi đường khác thì tôi sẽ mất dấu cô ấy. Nhưng nếu tôi đoán đúng và có mặt ở điểm dừng tiếp theo trước khi cô ấy tới, cuộc gặp gỡ sẽ có vẻ giống với một sự tình cờ hơn là kết quả của một cuộc theo dõi.
Tôi rời cửa hàng Weston và đi thật nhanh ngược lên đường Koto, vừa đi vừa nhìn các tủ kính bày hàng để ngoảnh mặt khỏi vị trí của Midori. Khi đã ra khỏi tầm nhìn của Le Ciel Bleu, tôi băng sang đường và đi vào cửa hàng Mulberry. Tôi dạo bước qua gian hàng dành cho nam giới, nói với bà chủ rằng tôi chỉ xem đồ thôi, và bắt đầu ngắm nghía vài cái va li đang trưng bày.
Năm phút sau, cô ấy bước vào cửa hàng như tôi đã hi vọng, gỡ cặp kính râm và đáp lại lời chào irasshaimase của bà chủ với một cái cúi đầu nhẹ nhàng. Giữ cô ấy trong giới hạn tầm nhìn ngoại biên của mình, tôi nhấc một cái va li lên, như thể đang kiểm tra trọng lượng của nó. Từ góc độ này, tôi cảm thấy ánh mắt cô ấy dừng lại ở tôi và nán lại lâu hơn mức một cái liếc mắt không chủ đích quanh cửa hàng cho phép. Tôi kiểm tra cái va li lần cuối, rồi đặt nó xuống giá và ngẩng lên. Cô ấy vẫn đang nhìn tôi, đầu khẽ nghiêng sang bên phải.
Tôi chớp mắt một lần, như thể ngạc nhiên, và tiến đến chỗ cô ấy.
- Cô Kawamura, - tôi nói bằng tiếng Nhật. - Quả là một bất ngờ thú vị. Tôi mới gặp cô ở Câu lạc bộ Alfie hôm thứ sáu vừa rồi. Cô là một nghệ sĩ tuyệt vời.
Cô ấy âm thầm đánh giá tôi một lúc lâu trước khi trả lời, và tôi mừng vì canh bạc của mình đã thắng lợi. Tôi cảm nhận rằng người phụ nữ thông minh này sẽ hoài nghi những sự tình cờ, và nếu tôi bước sau, cô ấy có thể sẽ ngờ rằng mình đã bị theo dõi.
- Vâng, tôi nhớ, - cuối cùng cô ấy nói. - Anh là người nghĩ rằng nhạc jazz giống như tình dục. - Trước khi tôi có thể nghĩ ra một câu đáp thích hợp, cô ấy tiếp tục, - Anh không cần phải nói như thế, anh biết đấy. Anh có thể cố gắng khoan dung hơn.
Lần đầu tiên, tôi có cơ hội nhìn thấy thân hình cô ấy. Cô ấy mảnh mai và có tay chân dài, có lẽ được di truyền từ cha cô ấy, người có chiều cao nổi trội khiến tôi dễ dàng theo dõi trên phố Dogenzaka. Đôi vai cô ây rộng và hòa hợp với cái cổ dài duyên dáng. Khuôn ngực nhỏ, và, tôi khó lòng ngăn mình không để ý, cân đối bên dưới cái áo len. Làn da trên vùng ngực để lộ của cô ấy đẹp tuyệt: mịn màng và trắng ngần, được đóng khung trong thứ màu đen đối lập của cái áo cổ chữ V.
Tôi nhìn vào đôi mắt đen của cô ấy, và cảm thấy thôi thúc đấu khẩu thường lệ đã tiêu tan đâu mất.
- Cô nói đúng, - tôi nói. - Tôi xin lỗi.
Cô ấy chớp mắt và lắc đầu.
- Anh có thích buổi biểu diễn không?
- Rất thích. Tôi có đĩa CD của cô, và đã nuôi ý định đi nghe cô và nhóm tam tấu của cô từ lâu rồi. Nhưng tôi phải đi đi lại lại nhiều quá, và mãi đến bây giờ mới có cơ hội đầu tiên.
- Anh đi những đâu vậy?
- Chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Tôi là một nhà tư vấn, - tôi nói với giọng điệu ám chỉ rằng công việc sẽ là một chủ đề nhàm chán với tôi. - Chẳng hề thú vị như một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz.
Cô ấy mỉm cười.
- Anh nghĩ làm nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz là thú vị ư?
Cô ấy có thói quen lặp lại điều cuối cùng người khác vừa nói như một nhà thẩm vấn, khuyến khích họ chia sẻ thêm. Điều này không có tác dụng với tôi.
- Chà, để tôi nói rõ hơn nhé, - tôi nói. - Tôi không nhớ có ai từng gợi ý với tôi rằng công việc tư vấn giống với tình dục cả.
Cô ấy ngửa đầu ra sau và cười, không thèm làm cái điệu bộ dễ thương không cần thiết của phụ nữ Nhật điển hình là lấy tay che miệng, và một lần nữa tôi sửng sốt trước sự tự tin lạ thường của cô ấy.
- Rất hay, - cô ấy nói sau một thoáng ngừng, khoanh tay trước ngực và đôi môi vẫn tủm tỉm.
Tôi mỉm cười đáp lại.
- Hôm nay cô có kế hoạch gì vậy? Đi mua sắm một chút à?
- Một chút. Còn anh?
- Giống như cô thôi. Đã đến lúc tôi cần mua một cái va li mới. Những nhà tư vấn như bọn tôi phải giữ gìn hình ảnh, cô biết đấy. - Tôi liếc nhìn túi đồ cô ấy đang xách. - Tôi thấy cô có vẻ chuộng đồ của Paul Stuart. Đó sẽ là điểm đến tiếp theo của tôi.
- Đó là một cửa hàng tốt. Tôi biết nó từ hồi còn ở New York, và đã rất vui khi họ mở một chi nhánh ở Tokyo.
Tôi khẽ nhướng mày.
- Cô từng ở New York một thời gian dài à?
- Ngắn thôi, - cô ấy nói với nụ cười mủm mỉm, nhìn thẳng vào mắt tôi.
Chết tiệt, cô ấy thật ghê gớm, tôi nghĩ. Hãy thử thách cô ấy.
- Tiếng Anh của cô thế nào? - Tôi hỏi, không dùng tiếng Nhật nữa.
- Đủ dùng, - cô ấy nói, không lỡ một nhịp.
- Cô muốn uống một tách cawfee [cà phê] không? - Tôi hỏi, vẫn nói tiếng Anh và dùng giọng Brooklyn.
Cô ấy lại mỉm cười.
- Giọng anh khá chuẩn đấy.
- Lời mời của tôi cũng thành thật như vậy.
- Tôi tưởng anh định đến Paul Stuart.
- Tôi đã định thế. Nhưng chợt thấy khát quá. Cô biết tiệm cà phê Tsuta không? Nó tuyệt lắm. Và ở ngay gần đây, trên một con phố nhánh của đường Koto thôi.
Tay cô ấy vẫn khoanh trước ngực.
- Tôi không biết.
- Vậy thì cô phải thử nó. Cà phê bà Koyama pha chế là ngon nhất Tokyo này đấy, và cô có thể vừa uống vừa nghe Bach hoặc Chopin, nhìn ra một khu vườn bí mật tuyệt vời.
- Một khu vườn bí mật? - Cô ấy hỏi, câu giờ, tôi biết mà. - Bí mật gì vậy?
Tôi nhìn cô ấy với vẻ nghiêm túc.
- Bà Koyama nói rằng nếu tôi tiết lộ với cô, tôi sẽ phải giết cô. Vì vậy tốt hơn là cô nên tự mình đến xem.
Cô ấy lại cười, bị dồn vào thế bí nhưng có vẻ không bận tâm.
- Tôi nghĩ tôi cần biết tên anh trước, - cô ấy nói.
- Fujiwara Junichi, - tôi đáp, cúi đầu một cách máy móc. Fujiwara là họ của cha tôi.
Cô ấy cúi đầu đáp lại.
- Hân hạnh được gặp anh, anh Fujiwara.
- Hãy để tôi giới thiệu cô với Tsuta, - tôi nói, mỉm cười, và chúng tôi khởi hành.
Quãng đường đến Tsuta mất chưa đến năm phút, vừa đi chúng tôi vừa nói chuyện về những thay đổi của thành phố trong những năm qua, về nỗi tiếc nhớ của chúng tôi với ngày xưa, khi đại lộ trước mặt công viên Yoyogi cấm tất cả xe cộ vào các ngày chủ nhật và tổ chức một lễ hội hóa trang sôi động, khi diện mạo của nhạc jazz Nhật mới đang hình thành trong một nghìn quán bar dưới tầng hầm và tiệm cà phê, khi chưa có Tòa thị chính mới bóng bẩy ở Shinjuku và khu vực này vẫn còn tràn ngập những ước mơ, lãng mạn và can đảm. Tôi thích nói chuyện với cô ấy, và biết rằng trong chừng mực nào đó, điều này thật kì lạ, thậm chí có thể gây phiền phức.
Chúng tôi đã gặp may, và một trong hai cái bàn trông ra khu vườn bí mật của Tsuta qua một cửa sổ ngắm cảnh cỡ lớn vẫn đang còn trống và chờ đợi chúng tôi. Nếu chỉ có một mình, tôi thường chọn ngồi ở quầy, thích thú quan sát những thao tác chuẩn bị cà phê đầy thành kính của bà Koyama, nhưng hôm nay tôi muốn một không khí có lợi hơn cho cuộc trò chuyện. Mỗi người chúng tôi gọi một tách cà phê đen nhỏ đặc trưng của quán, được pha chế từ loại cà phê rang kĩ nguyên chất nhất, và ngồi vuông góc với nhau, để cả hai đều có thể nhìn thấy khu vườn.
- Cô sống ở Tokyo bao lâu rồi? - Tôi hỏi, khi chúng tôi đã yên vị.
- Thật ra tôi cứ đi đi về về ấy mà, - cô ấy nói, chậm rãi khuấy một thìa đường trong tách cà phê đen. - Hồi nhỏ tôi có vài năm sống ở nước ngoài, nhưng chủ yêu lớn lên ở Chiba, thành phố cạnh đây. Hồi niên thiếu tôi thường xuyên đến Tokyo, cố gắng lẻn vào các câu lạc bộ nhạc sống và nghe jazz. Sau đó tôi sang New York bốn năm, học ở trường Julliard. Và cuối cùng lại trở về Tokyo. Còn anh?
- Cũng như cô thôi - đi đi về về suốt cả cuộc đời.
- Và anh học được cách gọi cà phê đúng giọng New York ở đâu vậy?
Tôi nhấp một ngụm chất lỏng đắng đót trước mặt và cân nhắc câu trả lời. Tôi hiếm khi chia sẻ những chi tiết tiểu sử của mình. Những việc tôi đã làm, và tiếp tục làm, đã nhuốm lên người tôi một vết nhơ, như Jake Khùng từng nói, và, cho dù dấu vết đó là vô hình đối với phần lớn thế giới rộng lớn ngoài kia, nhưng tôi luôn ý thức được sự tồn tại của nó. Sự thân mật không còn là điều quen thuộc với tôi. Đôi khi tôi nhận ra với một chút tiếc nuối rằng có lẽ nó không còn tồn tại nữa.
Tôi không có mối quan hệ tình cảm thực thụ nào ở Nhật từ khi ẩn mình trong bóng tối. Có vài cuộc hẹn hò hời hợt mà tôi đi gặp cho có lệ. Tatsu, và vài người bạn khác mà tôi không còn gặp gỡ nữa, thi thoảng cố gắng giới thiệu tôi với những người phụ nữ mà họ biết. Nhưng những mối quan hệ ấy sẽ đi đến đâu, khi hai chủ đề nói rõ tôi nhất lại là điều cấm kị, không thể đề cập tới? Thử tưởng tượng ra cuộc đối thoại này xem: “Tôi từng phục vụ quân đội ở Việt Nam.”. “Sao lại thế được?”. “Tôi mang trong mình nửa dòng máu Mỹ, cô thấy đấy, một người lai”.
Thi thoảng tôi gặp một vài phụ nữ hành nghề mizu shobai, cách Nhật Bản gọi kĩ nữ. Chúng tôi quen nhau đã lâu nên mối quan hệ giữa chúng tôi không còn dựa trên cơ sở “tiền trao cháo múc” nữa, thay thế cho nó là những món quà đắt tiền, và trong chừng mực nào đó chúng tôi thậm chí còn cảm mến nhau. Họ đều cho rằng tôi đã có vợ, một giả định khiến tôi dễ dàng giải thích thói quen cảnh giác của mình. Và giả định đó cũng hợp lí hóa cho tính thất thường, lúc có lúc không của mối quan hệ giữa chúng tôi, và sự kín tiếng của tôi về những chi tiết cá nhân.
Nhưng Midori cũng khá kín tiếng về cô ấy, dù cô ấy vừa mở lòng kể cho tôi nghe một chút về tuổi thơ. Tôi biết rằng nếu tôi không đáp lại, tôi sẽ không biết được gì thêm về cô ấy.
- Tôi lớn lên ở cả hai đất nước, - tôi nói sau một khoảng lặng kéo dài. - Tôi chưa bao giờ sống ở New York, nhưng thi thoảng có đến đó, và biết vài ngữ giọng ở đó.
Đôi mắt cô ấy mở to.
- Anh lớn lên cả ở Nhật và Mỹ ư? Sao lại thế được?
Tách cà phê tiếp tục được đưa lên, và cô ấy nhấp một ngụm.
- Anh sống ở đâu nhiều hơn?
- Tôi sống ở Nhật đến năm mười tuổi, sau đó chủ yếu sống ở Mỹ. Tôi quay lại đây vào đầu những năm tám mươi.
- Với cha mẹ?
Tôi lắc đầu.
- Không. Họ đều đi xa rồi.
Tôi nhấn mạnh từ đi xa, và cô ấy gật đầu thông cảm.
- Từ lúc anh còn nhỏ?
- Mới mười mấy tuổi, - tôi nói chung chung, vẫn cố gắng giữ sự mập mờ mỗi khi có thể.
- Thật khủng khiếp, khi mất cả cha lẫn mẹ lúc còn quá nhỏ như vậy. Anh có gần gũi với họ không?
Gần gũi ư? Mặc dù khuôn mặt tôi mang đậm những nét đặc trưng châu Á của ông, và ông đã kết hôn với một người Mỹ, nhưng tôi tin rằng cha tôi có một sự coi trọng quá mức về vấn đề chủng tộc như một người Nhật điển hình. Việc tôi bị bắt nạt ở trường đã khiến ông vừa tức giận vừa xấu hổ.
- Khá gần gũi, tôi cho rằng vậy. Họ mất lâu rồi mà.
- Anh có nghĩ đến chuyện quay lại Mỹ không?
- Có lúc tôi đã nghĩ vậy, - tôi nói, nhớ lại rằng mình đã bị cuốn vào công việc này thế nào đến nỗi bây giờ có vẻ như tôi đã bị gắn với nó vĩnh viễn. - Sau khi quay lại Nhật lúc trưởng thành, trong mười năm đầu, lúc nào tôi cũng tự nhủ rằng tôi sẽ chỉ ở thêm một năm nữa thôi rồi sau đó quay lại. Bây giờ thì tôi thực sự không còn nghĩ như vậy nữa.
- Anh có cảm thấy Nhật Bản là nhà của mình không?
Tôi nhớ lại điều Jake Khùng đã nói với tôi, ngay trước khi tôi làm điều cậu ta đề nghị. Chúng ta không có nơi nào là nhà, John ạ. Sau những gì chúng ta đã làm.
- Tôi cho rằng nó đã trở thành nhà của tôi, - tôi nói sau một lúc lâu. - Còn cô? Cô có muốn quay lại sống ở Mỹ không?
Cô ấy đang nhẹ nhàng gõ gõ lên tách cà phê, những ngón tay chuyển động như sóng gợn từ ngón út đến ngón trỏ, và tôi nghĩ, Cô ấy đang biểu diễn tâm trạng của mình. Bàn tay tôi sẽ làm gì nếu tôi có thể làm việc đó?
- Tôi thực sự yêu New York, - cô ấy nói sau một thoáng, mỉm cười trước một kí ức nào đó, - và tôi muốn quay lại nơi ấy, dù chỉ trong một thời gian. Quản lí của tôi nghĩ rằng ban nhạc không còn cách thành công bao xa nữa. Chúng tôi sẽ có một buổi biểu diễn ở Vanguard vào tháng Mười một; điều đó sẽ thực sự đưa tên tuổi chúng tôi xuất hiện trên bản đồ âm nhạc.
Village Vanguard, thánh địa của nhạc jazz sống ở Manhattan.
- Vanguard ư? - Tôi nói, bị ấn tượng. - Nó đã có lịch sử lâu đời. Coltrane, Miles Davis, Bill Evans, Thelonious Monk, toàn những người nổi tiếng.
- Đó là một cơ hội lớn, - cô ấy nói, gật đầu.
- Cô có thể dùng nó làm đòn bẩy, biến New York thành bệ phóng cho cô, nếu cô muốn.
- Chúng tôi sẽ xem thế nào. Đừng quên là tôi đã từng sống ở New York. Đó là một nơi tuyệt vời, có lẽ là nơi thú vị nhất mà tôi từng ở. Nhưng sống ở đó cũng giống như đang bơi dưới mặt nước vậy, anh biết chứ? Ban đầu anh cảm thấy anh có thể bơi như vậy mãi, quan sát mọi thứ từ một góc nhìn mới, nhưng cuối cùng anh cũng phải ngoi lên hít thở không khí. Sau bốn năm, tôi đã trở về nhà.
Đây chính là cơ hội tốt để bắt đầu.
- Hẳn là cha mẹ nuông chiều cô lắm, nên mới sẵn sàng để cô sống ở nước ngoài lâu như vậy.
Cô ấy mỉm cười gượng gạo.
- Mẹ tôi mất hồi tôi còn nhỏ - giống như anh vậy. Cha tôi đã gửi tôi đến Julliard. Ông ấy yêu nhạc jazz và rất hoan hỉ khi tôi muốn trở thành một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz.
- Mama nói với tôi ông ấy vừa mất, - tôi nói, nghe thấy âm điệu đều đều của những lời nói ấy vang vọng trong tai. - Tôi rất tiếc.
Cô ấy cúi đầu đáp lại lời chia buồn của tôi, và tôi hỏi:
- Ông ấy làm nghề gì?
- Ông ấy là một quan chức.
Đây là một nghề danh giá ở Nhật Bản, và từ kanryo trong tiếng Nhật không có những ý nghĩa tiềm ẩn tiêu cực giống như từ tương đương với nó trong tiếng Anh.
- Thuộc bộ nào?
- Trong phần lớn sự nghiệp, ông ấy thuộc Kenketsusho.
Bộ Xây dựng.
Chúng tôi đang có vài bước tiến triển. Tôi nhận ra sự lợi dụng này đang khiến tôi khó chịu. Kết thúc trò phỏng vấn này thôi, tôi nghĩ. Rồi biến đi thật lẹ. Cô ấy làm mày bị phân tán tư tưởng; thật là nguy hiểm.
- Xây dựng hẳn là một lĩnh vực ngột ngạt đối với một người mê nhạc jazz, - tôi nói.
- Thi thoảng nó cũng khiến ông ấy không thoải mái, - cô ấy thừa nhận, và đột nhiên tôi cảm nhận được sự thận trọng của cô ấy. Tư thế cô ấy không thay đổi, vẻ mặt vẫn vậy, nhưng không hiểu sao tôi biết cô ấy đã định nói nhiều hơn nhưng rồi lại thôi. Nếu tôi có động đến một vấn đề nhạy cảm, thì cô ấy cũng không để lộ cho tôi biết. Cô ấy không mong tôi nhận ra điều đó.
Tôi gật đầu, hi vọng nó mang tính an ủi.
- Tôi có biết đôi chút về việc không thoải mái trong môi trường của mình. Ít nhất con gái của cha cô không có những vấn đề như thế - biểu diễn ở Alfie là việc rất có ý nghĩa với một nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz.
Tôi cảm thấy sự căng thẳng kéo dài thêm một giây, rồi cô ấy khẽ cười như thể đã quyết định buông bỏ điều gì đó. Tôi không chắc mình đã chạm phải vấn đề gì và sẽ suy nghĩ về nó sau.
- Chà, bốn năm ở New York, - tôi nói. - Quả là một thời gian dài. Cô hẳn phải có một cách nhìn rất khác khi cô quay về.
- Đúng vậy. Người từ nước ngoài trở về không còn là người đã rời đi ban đầu.
- Ý cô là gì?
- Quan điểm của anh thay đổi. Anh không còn coi mọi điều là chuyện đương nhiên như trước đây nữa. Chẳng hạn, ở New York, tôi nhận thấy khi một chiếc tắc xi tạt đầu một chiếc tắc xi khác, người tài xế bị tạt đầu sẽ luôn quát tháo người tài xế kia và làm thế này. - cô ấy bắt chước một cách hoàn hảo một cử chỉ khiếm nhã của cánh tài xế tắc xi ở New York. - và tôi nhận ra đó là vì người Mỹ cho rằng đối phương cố tình làm thế, nên họ muốn dạy cho người đó một bài học. Nhưng anh biết đấy, ở Nhật, người ta hầu như không bao giờ bực tức trong những tình huống như vậy. Người Nhật coi lỗi lầm của người khác là một việc không chủ định, như thời tiết ấy, tôi nghĩ vậy, chứ không phải như một điều đáng để giận dữ. Tôi đã không nghĩ tới điều đó trước khi sống ở New York.
- Tôi cũng nhận ra sự khác biệt đó. Tôi thích cách của người Nhật hơn. Đó là một điều đáng ao ước.
- Nhưng anh là ai? Người Nhật hay người Mỹ? Ý tôi là cách nhìn của anh, - cô ấy vội vã nói thêm, vì sợ xúc phạm đến tôi khi hỏi một câu quá thẳng thừng như vậy.
Tôi nhìn cô ấy, thoáng nghĩ đến cha cô. Tôi nghĩ về những người mà tôi đã và đang làm việc cùng, và tự hỏi cuộc sống của tôi sẽ thay đổi thế nào nếu tôi chưa bao giờ biết họ.
- Tôi không rõ nữa, - cuối cùng tôi nói, nhìn đi chỗ khác. - Như cô có vẻ đã nhận thấy lúc ở Alfie, tôi không phải là người độ lượng cho lắm.
Cô ấy ngừng lại.
- Tôi có thể hỏi anh một câu không?
- Dĩ nhiên, - tôi đáp, không biết điều gì sẽ xảy đến.
- Ý anh là gì, khi anh nói chúng tôi đã “cứu” anh?
- Đó chỉ là một cách bắt chuyện thôi, - tôi nói. Lời giải thích ấy nghe có vẻ khiếm nhã, và khi nhìn vào mắt cô ấy, tôi lập tức nhận ra đó là một câu đáp sai lầm.
Mày phải bộc lộ với cô ấy một chút, tôi lại nghĩ, không rõ liệu tôi đang thỏa hiệp hay đang biện minh. Tôi thở dài.
- Tôi đang nói về những điều tôi đã làm, những điều mà tôi biết - hoặc cứ nghĩ rằng tôi biết - là đúng đắn, - tôi nói, chuyển sang tiếng Anh, nó khiến tôi thấy thoải mái hơn khi trò chuyện về chủ đề này. - Nhưng sau đó hóa ra lại không phải. Thi thoảng những điều đó lại ám ảnh tôi.
- Ám ảnh anh ư? - Cô ấy hỏi, không hiểu rõ ý tôi.
- Borei no yo ni. (Như một hồn ma).
- Tiếng đàn của tôi đã xua những hồn ma đó đi à?
Tôi gật đầu và mỉm cười, nhưng nụ cười ấy thật buồn.
- Đúng vậy. Tôi sẽ phải nghe nó thường xuyên hơn.
- Bởi vì chúng sẽ quay lại?
Chúa ơi, John, chấm dứt chuyện này thôi.
- Đúng hơn là chúng vẫn luôn ở đó. Sugita koto wa, sugita koto da. (Quá khứ là quá khứ).
- Anh có những điều hối tiếc ư?
- Chẳng phải ai cũng vậy sao?
- Có lẽ. Nhưng những nỗi hối tiếc của anh có giống như của những người khác không?
- Tôi không biết. Tôi không hay so sánh.
- Nhưng anh vừa làm vậy đó thôi.
Tôi cười.
- Cô thật ghê gớm, - là tất cả những gì tôi có thể nói.
Cô ấy lắc đầu.
- Tôi không cố tình như vậy.
- Tôi nghĩ là có đấy. Nhưng đó lại là một ưu điểm của cô.
- Còn về câu nói “Tôi chỉ hối tiếc những gì mình chưa làm”?
Tôi lắc đầu.
- Câu nói đó chỉ đúng với người khác. Một người chắc hẳn cả đời chỉ ru rú trong xó nhà.
Tôi biết hôm nay tôi sẽ không biết được gì thêm về cha cô ấy hay người lạ mà không đưa ra những câu hỏi sẽ tiết lộ mục đích thật của tôi khi hỏi chúng. Đã đến lúc kết thúc cuộc trò chuyện này rồi.
- Cô còn định đi mua gì nữa không? - Tôi hỏi.
- Tôi cũng định mua thêm vài món, nhưng chưa đầy một giờ nữa tôi phải đi gặp một người ở Jinbocho.
- Một người bạn à? - Tôi hỏi, tò mò theo thói quen nghề nghiệp.
Cô ấy mỉm cười.
- Quản lí của tôi.
Tôi thanh toán và quay lại phố Aoyama. Các đám đông đã thưa dần, không khí lạnh lẽo và âm u. Nhiệt độ đã hạ xuống trong hơn hai tuần qua từ khi tôi xử lí Kawamura. Tôi ngẩng lên và nhìn những đám mây dày đặc.
Tôi đã cảm thấy vui vẻ hơn nhiều so với dự tính - hay đúng hơn là, so với mong muốn.
Nhưng cái lạnh cắt đứt sự mơ màng của tôi, khơi dậy những kí ức và những mối nghi ngờ.
Tôi liếc nhìn khuôn mặt Midori, ngẫm nghĩ, Mình đã làm gì đối với cô ấy? Mình đang làm gì?
- Sao vậy? - Cô ấy hỏi, nhìn vào mắt tôi.
- Không có gì. Tôi chỉ thấy mệt thôi.
Cô ấy nhìn sang bên phải, rồi lại nhìn tôi.
- Như thể anh đang nhìn ai đó vậy.
Tôi lắc đầu.
- Chỉ có chúng ta thôi.
Chúng tôi bước đi, tiếng bước chân khẽ khua vang. Rồi cô ấy hỏi:
- Anh sẽ đến xem tôi biểu diễn nữa chứ?
- Tôi mong là thế. - Một câu nói xuẩn ngốc. Nhưng tôi không nhất thiết phải thực hiện lời hứa này.
- Tôi sẽ chơi ở Blue Note vào thứ Sáu và thứ Bảy.
- Tôi biết, - tôi nói, lại một câu ngớ ngẩn nữa, và cô ấy mỉm cười.
Cô ấy vẫy một chiếc tắc xi. Tôi giữ cửa xe cho cô ấy khi cô ấy bước vào trong, một phần phiền phức trong tôi tự hỏi sẽ ra sao nếu tôi vào cùng cô ấy. Khi chiếc xe lăn bánh, cô ấy hạ kính cửa sổ xuống và nói:
- Anh hãy đến một mình nhé.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét