Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 7

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

7

Tôi lên chuyến tầu Hankyu trở lại Osaka và tới thẳng khách sạn Ritz. Tôi muốn đảm bảo mình vào vị trí sớm hơn ít nhất vài tiếng, phòng trường hợp có thứ gì đó tôi cần biết trước. Tôi gọi một đĩa hoa quả kèm pho mát và uống trà Darjeeling trong khi chờ đợi.
Tatsu đến đúng giờ, như mọi khi. Anh ta cũng rất lịch sự, di chuyển chậm rãi và để tôi thấy rằng anh ta không có ý định đem lại bất ngờ nào. Anh ta ngồi xuống đối diện tôi trên một chiếc ghế nệm. Anh ta nhìn quanh quất, ngắm nhìn ô cửa gỗ sáng màu, những bộ đèn tường và đèn treo.
- Tôi lại cần sự giúp đỡ của anh, - anh ta nói, sau giây lát.
Có thể đoán trước được. Và đi thẳng vào vấn đề, như mọi khi. Nhưng tôi sẽ bắt anh ta phải chờ đợi trước khi trả lời.
- Anh uống whisky chứ? - Tôi hỏi. - Họ có loại Cragganmore mười hai năm tuổi rất ngon.
Anh ta lắc đầu.
- Tôi cũng muốn uống cùng anh, nhưng bác sĩ của tôi khuyên nên kiềm chế những thú vui như thế.
- Tôi không biết anh lại nghe lời bác sĩ cơ đấy.
Anh ta mím môi như thể chuẩn bị cho một lời thú nhận đau đớn.
- Cả vợ tôi cũng đã trở nên nghiêm khắc về những vấn đề như thế.
Tôi nhìn anh ta và mỉm cười, hơi ngạc nhiên trước hình ảnh gã đàn ông cứng cỏi, đầy thủ đoạn này chiều theo ý vợ một cách bẽn lẽn.
- Cười gì thế? - Anh ta hỏi.
Tôi nói với anh ta sự thật:
- Gặp được anh lúc nào cũng thật hay, đồ khốn.
Anh ta cũng mỉm cười, một đám nếp nhăn xuất hiện quanh đôi mắt.
- Kochira koso. Tôi cũng thế.
Anh ta ra hiệu cho cô phục vụ bàn và gọi trà hoa cúc. Vì anh ta không uống rượu, nên tôi cũng không gọi Cragganmore. Hơi đáng tiếc.
Rồi anh ta quay sang tôi.
- Như vừa nói, tôi lại cần sự hỗ trợ của anh.
Tôi gõ nhịp ngón tay lên thành cốc.
- Tôi tưởng anh nói đây sẽ là một cuộc gặp mặt xã giao.
Anh ta gật đầu.
- Tôi nói dối đấy.
Tôi đã biết điều đó, và anh ta biết là tôi biết. Tuy nhiên:
- Tôi tưởng anh đã nói rằng tôi có thể tin tưởng anh.
- Về những chuyện quan trọng, chắc chắn rồi. Nhưng mà, một cuộc gặp mặt xã giao cũng có thể bao gồm một lời đề nghị giúp đỡ.
- Đó là thứ anh đang yêu cầu? Một sự giúp đỡ?
Anh ta nhún vai.
- Anh không còn bị ràng buộc với tôi nữa.
- Tôi thường được trả rất nhiều tiền khi tôi giúp đỡ người ta.
- Tôi rất vui khi thấy anh nói “thường”.
- Tôi có thể nói là điều đó tương đối chính xác cho đến gần đây.
- Tôi tiếp tục được chứ?
- Miễn chúng ta chắc chắn từ đầu là không có sự ràng buộc nào ở đây.
Anh ta gật đầu lần nữa.
- Như tôi đã nói.
Anh ta ngừng lại để rút từ túi áo khoác ra một lọ bạc hà. Anh ta mở nắp và chìa về phía tôi.
Tôi lắc đầu. Anh ta rút ra một viên kẹo bạc hà và đặt nó vào miệng mà không hề cúi đầu xuống hay dừng lại để xem xét việc mình đang làm. Tatsu không có thói quen rời mắt khỏi thứ gì đang diễn ra xung quanh, và điều đó được thể hiện trong cả những việc nhỏ nhặt lẫn những việc quan trọng hơn.
- Gã cử tạ là kẻ lộ mặt, - anh ta nói. - Đúng là hắn có vẻ giống một kẻ man rợ mông muội nhưng trên thực tế hắn là một phần của thế hệ tội phạm có tổ chức mới ở Nhật. Chuyên môn của hắn, mà hắn đã chứng tỏ mình lão luyện một cách khác thường, là thiết lập ra những việc kinh doanh hợp pháp, bền vững, và đằng sau là đồng bọn kém thức thời hơn của hắn có thể giấu mình.
Tôi gật đầu, biết rõ hiện tượng này. Thế hệ mới đã nhận ra rằng những hình xăm, những bộ vest lòe loẹt và thái độ hung hăng chỉ đem lại cho chúng vị thế rất giới hạn trong xã hội nên đã vứt bỏ vẻ ngoài tội phạm của nó và lấn sang các lĩnh vực kinh doanh hợp pháp như bất động sản và giải trí. Thế hệ cũ, vẫn gắn bó với ma túy, mại dâm, và quyền chi phối ngành công nghiệp xây dựng, đang bắt đầu phải phụ thuộc vào những kẻ mới phất lên này trong việc rửa tiền, trốn thuế, và các dịch vụ khác. Cùng lúc đó, những kẻ mới lại tìm đến các bậc tiền bối mỗi khi cần loại trừ những áp lực cạnh tranh của việc kinh doanh bằng cách áp dụng đúng lúc những công cụ truyền thống của nghề nghiệp - hối lộ, tống tiền, ám sát - những việc mà thế hệ cũ tiếp tục chuyên môn hóa. Đó là sự phân chia lao động cộng sinh mà chắc hẳn sẽ khiến một nhà kinh tế học cổ điển phải đỏ bừng mặt vì tự hào.
- Gã cử tạ đã thiết lập nên một hệ thống hiệu quả, - anh ta nói tiếp. - Tất cả những gumi truyền thống đều sử dụng các dịch vụ của hắn. Sự hợp pháp mà hệ thống này đem lại cho các gumi khiến chúng khó bị khởi tố hơn, và có uy thế hơn trong hoạt động chính trị cũng như trong phòng họp của các thủ lĩnh. Thực tế là, nói chung chúng có uy thế hơn trong xã hội. Người quen chung của chúng ta, Yamaoto Toshi, đã trở nên đặc biệt phụ thuộc vào tổ chức của gã cử tạ.
Gumi có nghĩa là “nhóm” hay “băng”. Trong ngôn ngữ của yakuza, từ này chỉ những gia đình tội phạm có tổ chức, kiểu như gia đình Gambino hay gia đình Corleone trong tiểu thuyết*.
*[Corleone là gia đình mafia Ý xuất hiện trong tiểu thuyết “Bố già” của Mario Puzo. Còn Gambino là gia đình tội phạm có thật ở thành phố New York, một trong năm gia đình tội phạm có tổ chức lớn nhất điều khiển mạng lưới mafia trên toàn nước Mỹ, hoạt động từ năm 1916 cho tới tận ngày nay]
- Tôi không nhìn ra làm thế nào sự vắng mặt của hắn lại có thể gây khác biệt, - tôi nói. - Chẳng phải là chỉ việc để ai đó thay thế vị trí của hắn sao?
- Về lâu về dài, thì đúng thế. Ở đâu có nguồn cầu nhất định, cuối cùng ai đó sẽ đem tới nguồn cung thôi. Nhưng trong khi chờ đợi, nguồn cung bị phá vỡ. Gã cử tạ là thành phần trọng yếu cho việc duy trì trơn tru tổ chức của hắn. Hắn không bồi dưỡng kẻ kế nghiệp nào, vì sợ, như những kẻ mạnh thường sợ, rằng sự hiện diện của người kế nghiệp sẽ làm cho việc kế nghiệp dễ xảy ra hơn. Sẽ có một cuộc đấu đá trong tổ chức của hắn khi giờ đây hắn đã tiêu. Lừa đảo và phản bội sẽ là một phần của cuộc đấu đá đó. Những tài sản và mối quan hệ giờ đang ẩn giấu sẽ bị phơi bày. Thế lực tội phạm trong các tập đoàn hợp pháp sẽ giảm bớt.
- Trong một thời gian, - tôi nói.
- Trong một thời gian.
Tôi nghĩ đến điều Kanezaki đã nói với tôi về Crepuscular.
- Gần đây tôi đã có một cuộc chạm trán với một người từ CIA, - tôi nói. - Hắn đề cập tới một thứ mà anh có thể muốn biết.
- Thật chứ?
- Tên hắn là Tomohisa Kanezaki. Hắn là người Mỹ, gốc Nhật Bản. Hắn nhắc tới một chương trình của CIA mục đích cải cách sâu và loại bỏ những thứ cản trở cải cách. Thứ gì đó tên là Crepuscular. Nghe có vẻ giống phạm vi hoạt động của anh.
Anh ta gật đầu chậm rãi trong một thoáng, rồi nói:
- Nói cho tôi nghe về chương trình này.
Tôi bắt đầu nói với anh ta những gì ít ỏi mình đã nghe được. Rồi tôi nhận ra.
- Anh biết gã này, - tôi nói.
Anh ta nhún vai.
- Anh ta là một trong hai người tới Lực lượng Cảnh sát Thủ đô nhờ sự giúp đỡ để tìm ra anh.
Tuyệt.
- Người còn lại là ai?
- Người kế vị Holtzer với chức lãnh đạo Phân cục Tokyo của CIA. James Biddle.
- Chưa bao giờ nghe đến.
- Anh ta còn khá trẻ cho vị trí đó. Khoảng bốn mươi. Có lẽ là thành viên của thế hệ mới ở CIA.
Giờ tôi nói cho anh ta biết mình đã gặp Kanezaki và kẻ tháp tùng hắn như thế nào, tránh né những chi tiết dính dáng tới Harry.
- Làm sao họ có thể tìm được ra anh? - Anh ta hỏi. - Tôi mất cả năm trời, thậm chí là với nguồn lực địa phương và quyền truy nhập Juki Net và các camera.
- Một sai sót trong hệ thống bảo mật của tôi. Nó đã được sửa chữa.
- Và Crepuscular? - Anh ta hỏi.
- Chỉ có những gì tôi đã nói với anh. Tôi không thu được các chi tiết.
Anh ta gõ nhịp ngón tay lên mặt bàn.
- Việc đó không quan trọng. Tôi ngờ là Kanezaki-san không thể cho anh biết nhiều hơn những gì tôi đã biết.
Tôi nhìn anh ta, ấn tượng với bề rộng thông tin của anh ta như mọi khi.
- Anh biết được gì?
- Chính phủ Hoa Kỳ đang rót tiền cho nhiều nhà cải cách người Nhật khác nhau. Nó cũng cùng kiểu như chương trình mà CIA thực hiện sau chiến tranh, khi hỗ trợ cho Đảng Dân chủ Tự do như một bức tường thành chống chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có những người nhận tiền là khác.
- Vậy còn phần “loại bỏ những vật cản” là thế nào?
Anh ta nhún vai.
- Tôi hình dung rằng, như Kanezaki-san đã gợi ý, họ có thể muốn anh giúp việc đó.
Tôi phá lên cười.
- Thỉnh thoảng những gã này tự phụ đến mức sự rộng lượng cũng len được vào trong.
Anh ta gật đầu.
- Hoặc có thể họ đã hiểu nhầm rằng anh có liên quan đến cái chết của William Holtzer. Gì đi chăng nữa, anh nên tránh xa họ. Theo tôi chúng ta đều biết họ không đáng tin.
Tôi mỉm cười với cách anh ta sử dụng, có lẽ là có chủ ý, những từ “chúng ta” và “họ”, như thể Tatsu và tôi là đồng sự.
- Được rồi, - tôi nói. - Nói tôi nghe về sự giúp đỡ mà anh cần.
Anh ta ngập ngừng, rồi nói:
- Một báu vật khác của Yamaoto. Và cũng là một kẻ mà vẻ ngoài đơn giản của hắn che giấu những kĩ năng tinh vi hơn nhiều.
- Hắn là ai?
Anh ta nhìn tôi.
- Một kẻ mà chắc anh hiểu khá rõ. Một sát thủ.
- Thật hả, - tôi nói, tỏ vẻ thờ ơ.
Cô phục vụ bàn đem trà của Tatsu tới và đặt xuống trước mặt anh ta. Anh ta nâng chén trà hướng về phía tôi trong một lời chúc thầm lặng, rồi nhấp một ngụm.
- Hắn là một kẻ lạ lùng, - anh ta nói, quan sát tôi. - Từ hoàn cảnh của hắn, anh có thể kết luận hắn chỉ là một tên cục súc. Có một quá khứ bị bạo hành trẻ em. Đánh nhau ở trường học, và có dấu hiệu từ sớm về khuynh hướng bạo dâm. Hắn bỏ trung học để luyện tập sumo, nhưng không thể phát triển được vóc dáng cần thiết. Rồi hắn theo học boxing Thái, và có một sự nghiệp ngắn ngủi nhưng không hấp dẫn. Khoảng năm năm trước hắn dính líu vào một thứ được gọi là môn thể thao không-luật-lệ, thứ gì đó tên là “Pride”. Anh biết về nó không?
- Chắc chắn rồi, - tôi nói.
Giải vô địch Đối kháng Pride là một giải thể thao võ thuật hỗn hợp, tổ chức tại Nhật Bản, với các trận đấu có truyền hình được tổ chức hai tháng một lần hoặc khoảng đó. Ý tưởng đằng sau thứ được gọi là võ thuật hỗn hợp, hay MMA, [Mixed martial art], là đọ sức với nhau bằng một sự phối hợp các môn võ thuật truyền thống: boxing, jujitsu, judo, karate, kempo, kung-fu, muay Thái, sambo và đấu vật. Lượng khán giả xem các trận đấu Pride đã tăng đều đều kể từ khi môn thể thao này được hình thành, cùng với mối quan tâm tới những sự kiện có liên quan, như Vua Lồng sắt ở Anh quốc và Giải vô địch Đối kháng Tối hậu ở Mỹ. Môn thể thao này đã gặp một số khó khăn với các nhà chức trách, những người có vẻ yên tâm với cảnh một võ sĩ boxing bị đánh đến bất tỉnh hơn là một đấu sĩ MMA tung ra đòn khóa quyết định*.
*[ Nguyên văn “submission hold” - đòn khóa buộc đối thủ phải đầu hàng nếu không sẽ chịu đau đớn hoặc thương tích khủng khiếp]
- Ấn tượng của anh là gì? - Anh ta hỏi.
Tôi nhún vai.
- Các đấu thủ rất mạnh. Kĩ thuật tốt, sung sức. Rất nhuệ khí nữa. Một vài trận đấu mà tôi đã xem gần với đánh nhau thật ở mức độ cao nhất có thể trong khi vẫn được gọi là thể thao. Nhưng vụ nhảm nhí “không-luật-lệ” chỉ là trò quảng cáo. Nó vẫn thiếu sót đến chừng nào họ quyết định cho phép cắn, móc mắt, dùng các cú đánh vào hạ bộ, và bắt đầu để các thứ vũ khí thuận tiện nằm quanh vòng đấu để các đấu thủ nhặt lên.
- Thật thú vị khi anh nói vậy. Bởi lẽ kẻ đang được nói đến có vẻ cũng đồng tình như vậy. Hắn rời bỏ môn thể thao đó để đến với thế giới đối kháng tay không trong thế giới ngầm, nơi thực sự là không có luật lệ gì hết. Nơi trận đấu thường thật sự diễn ra đến cùng.
Tôi đã nghe nói đến những trận đấu đó. Thậm chí từng gặp một người đã tham gia, một người Mỹ tên Tom đã tập judo một thời gian ở đạo trường Kodokan. Anh ta là một gã nhìn dữ dằn nhưng lại nói năng trôi chảy một cách đáng ngạc nhiên, và đã chia sẻ vài nguyên tắc chiến đấu tay không thú vị và quý giá với tôi. Tôi đã đánh bại anh ta trong môn judo, nhưng không chắc mọi thứ sẽ thế nào nếu trong một hoàn cảnh ít hình thức hơn.
- Hình như kẻ này đã thành công cao độ trong những trận đấu ngầm, - Tatsu nói. - Không chỉ đấu với người. Mà cả trong những trận đấu với thú. Chẳng hạn như chó.
- Chó? - Tôi hỏi, cảm thấy kinh ngạc.
Anh ta gật đầu, vẻ mặt đanh lại.
- Những sự kiện này được yakuza tổ chức. Không thể tránh khỏi việc những kĩ năng của anh chàng của chúng ta, và khuynh hướng tàn ác của hắn, đã thu hút sự chú ý của các tổ chức, và sau đó chúng nhận ra hắn có chuyên môn cao hơn là giết chóc trong vòng đấu vì tiền thưởng.
Tôi gật đầu.
- Hắn có thể giết chóc trong một thế giới rộng lớn hơn.
- Quả thực vậy. Và trong năm vừa rồi, đó chính xác là việc mà hắn đã và đang làm.
- Anh đã nói hắn có những kĩ năng tinh vi hơn.
- Đúng thế. Tôi tin rằng hắn đã bộc lộ những khả năng mà tôi từng nghĩ là chỉ mình anh sáng tạo ra.
Tôi không nói gì.
- Trong sáu tháng vừa rồi, - anh ta nói tiếp, - đã có hai cái chết, bề ngoài là tự sát. Hai nạn nhân đều là các nhà điều hành hoạt động ngân hàng cấp cao trong hai cơ quan sắp được sáp nhập. Cả hai dường như đều nhảy từ nóc một tòa nhà xuống mà chết.
Tôi nhún vai.
- Từ những gì mà tôi đọc được về tình trạng báo cáo tài sản của các ngân hàng, tôi ngạc nhiên là chỉ có hai người nhảy lầu đấy. Tôi dự tính là phải năm mươi kia.
- Có lẽ hai mươi năm trước, hoặc thậm chí mười năm trước, thì có thể là thế thật. Nhưng việc đền tội bằng cách tự sát giờ chỉ tồn tại ở Nhật như một lí tưởng hơn là thực tế. - Anh ta nhấp một ngụm trà. - Một lời xin lỗi kiểu Mỹ giờ được ưa chuộng hơn.
- Tôi hối hận đã gây ra lỗi lầm đó, - tôi nói, mỉm cười.
- Thỉnh thoảng còn không có cả “Tôi hối hận”. Thay vào đó là “Thật đáng tiếc”.
- Họ cũng không tuyên bố rằng nhận hối lộ là một bệnh dịch, rằng họ chỉ cần điều trị để được chữa khỏi.
Anh ta nhăn mặt.
- Không, chưa.
Anh ta nhấp một ngụm trà nữa.
- Không ai trong hai người nhảy lầu để lại thư từ gì. Và tôi được biết mỗi người đều đang lo ngại rằng quy mô thực tế những khoản nợ xấu của cơ quan bên kia cao hơn đáng kể so với lời rêu rao.
- Thì sao? Ai cũng biết vấn đề các khoản vay lớn hơn nhiều so với các ngân hàng hoặc chính phủ thừa nhận.
- Đúng thế. Nhưng những người này đã đe dọa sẽ tiết lộ dữ liệu về vấn đề như một cách để chặn đứng sự sáp nhập vốn không hề có cơ sở kinh doanh hợp lí, nhưng lại được ủng hộ bởi những phần tử nhất định trong chính phủ.
- Hình như đó không phải là động thái thông minh cho lắm.
- Để tôi hỏi anh một chuyện, - anh ta vừa nói vừa nhìn tôi. - Giả thuyết nhé. Liệu trong thực tế có khả năng ném được một người từ một tòa nhà xuống và làm cho nó giống như một vụ tự sát không?
Tình cờ tôi biết chắc chắn rằng việc đó có thể làm được, nhưng tôi quyết định chấp nhận gợi ý của Tatsu là giữ mọi thứ ở cấp “giả thuyết”.
- Còn tùy thuộc vào mức độ kĩ lưỡng của cuộc khám nghiệm pháp y sẽ được tiến hành sau đó, - tôi nói.
- Giả định là rất kĩ lưỡng đi.
- Nếu là rất kĩ lưỡng, thì khó đấy. Tuy nhiên, vẫn có thể. Vấn đề lớn nhất của anh sẽ là đưa được nạn nhân lên mái nhà mà không bị ai trông thấy. Trừ khi anh có cách nào đó để lừa hắn lên gặp anh trên tầng thượng hoặc mặt khác biết trước là hắn đang lên đó, nếu không anh sẽ phải tự đem hắn lên. Nếu hắn ý thức được cuộc hành trình đó, hắn sẽ gây ầm ĩ. Hơn nữa, nếu hắn chống cự lại, thì sẽ có dấu hiệu của một cuộc vật lộn. Có thể có da của anh dưới móng tay hắn. Có thể có một nhúm tóc của anh trong những ngón tay cứng đờ của hắn. Cả những thứ khác không phù hợp với hành động tự nguyện. Và hắn sẽ kháng cự lại bất chấp sự an toàn của chính hắn, bất chấp đau đớn, vì thế sẽ có dấu hiệu vật lộn trên khắp người anh nữa. Anh không biết một người sẽ chống cự thế nào khi hiểu rằng hắn đang chiến đấu vì mạng sống của mình đâu.
- Trói người đó lại trước thì sao?
- Việc trói sẽ để lại các vết lằn. Ngay cả khi người đó không vùng vẫy.
- Và người đó sẽ vùng vẫy.
- Anh sẽ không vùng ư?
- Nếu giết người đó trước?
- Có thể. Nhưng việc đó rất mạo hiểm. Những thay đổi trên cơ thể diễn ra rất nhanh sau khi chết. Máu dồn lại. Nhiệt độ cơ thể hạ. Và hậu quả của sự va đập lên một xác chết không giống với một người còn sống. Người khám nghiệm có thể phát hiện ra những điểm khác nhau. Bên cạnh đó, anh vẫn còn phải lo lắng về dấu hiệu của nguyên nhân thực sự gây ra tử vong.
- Nếu người đó bất tỉnh thì sao?
- Đó là cách tôi sẽ làm. Tuy nhiên, nếu hắn bất tỉnh, anh sẽ phải đem hắn đi như một cái xác. Và vận chuyển bảy mươi hay một trăm kí lô khối lượng chết không phải là dễ. Thêm nữa, nếu anh sử dụng thuốc để làm hắn bất tỉnh, thì gần như chắc chắn là nó vẫn còn trong máu của hắn sau khi tử vong.
- Rượu thì sao?
- Nếu hắn đã say đủ để bất tỉnh, thì anh coi như sẵn sàng rồi. Rất nhiều người tự sát uống rượu trước khi tự kết liễu, vì thế không có gì đáng ngờ cả. Nhưng anh sẽ làm thế nào để khiến người đó uống đến say khướt trước đã?
Anh ta gật đầu.
- Hai người nhảy lầu đang được nói đến có nồng độ cồn trong máu cao đủ để gây bất tỉnh.
- Có thể là điều mà anh nghĩ. Hoặc không. Cái hay là ở chỗ đó.
- Một mũi tiêm?
- Có khả năng. Nhưng để đưa được đủ lượng cồn cần thiết vào máu, anh sẽ phải để lại một vết chích dễ nhận ra ở vị trí đặt mũi tiêm. Hơn nữa nếu có cồn trong máu, nhưng chẳng hạn lại không có cặn thừa của bia Asahi Super Dry trong dạ dày hắn thì sao? Không tốt.
- Có thể còn có sự sắp đặt. Một người phụ nữ sẽ pha nặng thêm đồ uống của người đó, làm người đó uống nhiều hơn mức anh ta có thể gánh được.
- Việc đó có thể hiệu quả.
- Anh sẽ làm thế nào?
- Giả thuyết thôi chứ?
Anh ta nhìn tôi.
- Tất nhiên, - anh ta nói.
- Giả thuyết thì, tôi sẽ cố gắng tiếp cận mục tiêu lúc tối muộn, thời điểm có ít người xung quanh nhất. Có thể trong căn hộ của hắn, nếu tôi đủ tự tin là hắn sẽ ở đó một mình và tôi có những phương pháp đáng tin cậy để xâm nhập mà không bị phát hiện. Tôi sẽ ăn mặc như một người lao công, bởi không ai lại để ý lao công cả, chích hắn bằng roi điện, và đặt hắn vào trong một chiếc xe đẩy cỡ lớn chở quán áo giặt là, hoặc một chiếc thùng chống xóc lớn, bất cứ thứ gì phù hợp với xung quanh. Tôi sẽ lót nó bằng thứ gì đó mềm để hắn không bị vết bầm dập nào không phù hợp với cú rơi của hắn. Anh sẽ phải chích hắn mười lăm giây một lần hoặc khoảng đó bằng roi điện để đảm bảo hắn nằm im, nhưng nếu không có ai xung quanh thì việc đó không khó khăn lắm. Đưa hắn lên mái nhà, lăn hắn tới mép, và đẩy hắn xuống. Đó là cách tôi sẽ làm. Theo giả thuyết.
- Anh sẽ nghĩ gì nếu anh tìm thấy một dải nylon nhỏ mắc trong quai đồng hồ đeo tay của nạn nhân?
- Loại nylon như nào?
- Nylon tấm. Dày. Loại được bán thành từng cuộn, để bảo vệ đồ đạc và các đồ quý giá kích thước lớn khác.
Tôi khá quen thuộc với một số cách sử dụng loại nylon đó, và tôi suy nghĩ trong giây lát.
- Gã sát thủ của anh có thể đã làm nạn nhân uống say. Tạm thời hãy bỏ qua việc hắn làm thế nào mà chuốc anh ta say được. Rồi hắn cuộn nạn nhân vào tấm nylon để tránh dây bẩn khi mang vác. Đem nạn nhân tới mép mái nhà, nắm một đầu của tấm nylon, và đẩy mạnh một phát. Nạn nhân lăn ra khỏi tấm nylon vào không trung. Rất gọn gàng.
- Trừ khi đồng hồ của nạn nhân móc vào tấm nylon bằng cách nào đó.
- Không phải là không thể. Nhưng nếu đó là tất cả những gì anh có để điều tra, thì anh chưa có nhiều đâu.
- Còn có một người chứng kiến. Một nhân viên khuân vác hành lí, làm việc muộn trong khách sạn nơi một trong hai nạn nhân chết. Lúc ba giờ sáng, cùng thời gian mà nhân viên điều tra xác định là lúc xảy ra cái chết, anh ta nhìn thấy rõ một người lao công cùng một chiếc xe đẩy lớn đi lên một trong các thang máy. Chính xác là cảnh tượng mà anh vừa miêu tả.
- Anh ta tả lại nhân vật của anh thế nào?
- Đến từng chi tiết. Một bên má trái bị dập, từ những ngày tập Muay Thái của hắn. Đám sẹo bất thường trên nửa bên kia khuôn mặt, dưới mắt. Đó là những vết chó cắn đã lành. “Một khuôn mặt kinh khủng”, anh ta nói. Chính xác hoàn toàn.
- Không có người lao công nào như thế làm việc trong tòa nhà chứ?
- Không hề.
- Chuyện gì xảy ra với người nhân viên khuân vác hành lí?
- Biến mất.
- Đã chết?
- Có thể.
- Đó là tất cả những gì anh biết?
Anh ta nhún vai.
- Và hai cái chết tương tự, bên ngoài Tokyo. Mỗi vụ xảy ra với một thành viên gia đình của một nhân vật then chốt trong Nghị viện. - Quai hàm anh ta nghiến lại, rồi thả lỏng. - Một trong hai vụ là một đứa trẻ.
- Một đứa trẻ?
Nghiến lại, thả lỏng.
- Đúng. Một đứa trẻ không có tiền sử những vấn đề về cảm xúc hay gì khác ở trường học. Không có dấu hiệu báo trước tự sát.
Tôi từng nghe nói Tatsu đã mất một đứa con trai còn ẵm ngửa. Tôi đã định hỏi anh ta, nhưng không hỏi.
- Nếu những cái chết đó chủ ý là để gửi thông điệp tới cho các nhân vật chính, - tôi nói, - thì chúng khá là tinh tế đấy. Nếu nhân vật chính nghĩ rằng đó là tự sát, sẽ không có tác động nào đến cách hành xử của kẻ đó.
Anh ta gật đầu.
- Tôi đã có cơ hội thẩm vấn cả hai nhân vật chính. Cả hai đều phủ nhận việc có bất cứ liên lạc nào từ bất cứ ai tuyên bố rằng những cái chết không phải là tự sát. Cả hai đều nói dối.
Tatsu rất thính nhạy với những việc như thế, và tôi tin tưởng vào phán đoán của anh ta.
- Tôi ngạc nhiên là anh không nghi ngờ tôi dính líu vào mấy chuyện này, - tôi nói.
Anh ta ngập ngừng giây lát trước khi trả lời.
- Tôi có thể nghi ngờ. Nhưng, dù tôi không làm ra vẻ hiểu cách anh làm những việc anh làm, tôi vẫn hiểu anh. Anh không thể giết một đứa trẻ. Không phải theo cách đó.
- Tôi cũng nói với anh như vậy rồi mà, - tôi nói.
- Tôi không nói tới những gì anh nói với tôi. Tôi đang nói tới những gì tôi biết.
Tôi thấy cảm kích một cách kì quái trước niềm tin của anh ta.
- Mà dù sao, - anh ta nói tiếp, - một số hoạt động của anh được ghi lại trong mạng lưới camera an ninh Osaka đã cho anh bằng chứng ngoại phạm.
Tôi nhướn mày lên.
- Các camera của anh đủ tốt để lần ra tôi, nhưng không đủ tốt để phát hiện ra kẻ nào đó gói người ta trong nylon và đẩy họ từ mái nhà xuống?
- Nhưng tôi đã nói với anh, các mạng lưới đó không hề hoàn hảo. Tôi không có quyền điều khiển hoạt động của chúng. - Anh ta nhìn tôi. - Và tôi không phải người duy nhất được quyền truy nhập.
Tôi nhấp ngụm trà cuối cùng và gọi cô phục vụ bàn lấy thêm ít nước nóng. Chúng tôi ngồi lặng yên cho tới khi nước được mang đến.
Tôi cầm chiếc chén sứ trang nhã lên và nhìn anh ta.
- Nói cho tôi nghe một việc, Tatsu.
- Được.
- Về những câu hỏi vừa rồi. Anh đã biết câu trả lời.
- Tất nhiên.
- Vậy sao còn hỏi tôi?
Anh ta nhún vai.
- Tôi tin rằng người chúng ta đang xử lí là một kẻ rối loạn nhân cách chống xã hội. Rằng hắn có khả năng giết chóc dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi đang cố gắng hiểu cách một sinh vật như thế hoạt động.
- Thông qua tôi?
Anh ta gật đầu một cái để thừa nhận.
- Tôi tưởng anh vừa nói tôi không phải là kiểu mẫu phù hợp. - Giọng tôi gay gắt hơn chủ định.
- Anh là người gần nhất với một kẻ như thế mà tôi biết điều đó khiến anh phù hợp một cách lí tưởng để săn lùng hắn.
- Ý anh là gì, săn lùng hắn?
- Hắn rất cẩn trọng trong các hành động. Không phải một kẻ dễ dàng lần ra. Tôi có các đầu mối, nhưng chúng cần được theo dõi.
Tôi nhấp một ngụm trà nữa, cân nhắc.
- Tôi không hiểu, Tatsu.
- Sao?
- Gã đầu tiên, với mặt trận kinh doanh, ok, hắn là tay chiến lược. Tôi hiểu. Nhưng gã này, kẻ đánh nhau với chó, hắn chỉ là tay cơ bắp. Tại sao anh không theo đuổi Yamaoto và các ông trùm khác?
- Những “ông trùm”, như anh nói, rất khó tiếp cận. Quá nhiều vệ sĩ, quá nhiều an ninh, quá nhiều khả năng lộ diện. Yamaoto đặc biệt đã tăng cường phòng thủ, tôi tin là vì sợ rằng anh có thể đang săn lùng hắn, và giờ hắn là kẻ không thể tiếp cận chẳng khác gì Thủ tướng. Và ngay cả nếu chúng có bị sờ gáy, sẽ có rất nhiều kẻ giống như thế từ các phe phái khác nhau chờ đợi để ngồi vào vị trí của chúng. Chúng cũng như răng cá mập. Đập gãy một chiếc, và có tới mười hàng chờ để thế vào chỗ trống. Cuối cùng, để làm một ông trùm cũng chẳng khó lắm. Cần phải có gì nào? Chút nhạy bén về chính trị. Năng lực lí luận. Và lòng tham. Không phải một bản tiểu sử đặc biệt hiếm có.
Anh ta nhấp một ngụm trà.
- Bên cạnh đó, gã này không phải một tên lính bộ binh bình thường. Hắn tàn nhẫn, hắn có khả năng, hắn bị người ta kinh sợ. Một cá nhân khác thường, nếu hắn biến mất thì sẽ không phải là một đòn đánh bình thường vào những ông chủ của hắn.
- Được rồi, - tôi nói. - Anh có gì cho tôi? Trong tình thế tôi không hề bị ràng buộc.
- Tôi không có tiền để trả cho anh. Ngay cả nếu có đi nữa, tôi ngờ là không so được với những gì Yamaoto và CIA đã trả cho anh trước đây.
Anh ta có thể đang cố gắng chọc tức tôi với câu nói đó. Tôi phớt lờ.
- Tôi xin lỗi vì thô lỗ, ông bạn già, nhưng anh đang yêu cầu tôi liều mạng thấy mẹ. Chỉ loanh quanh ở Tokyo thôi cũng đã gây nguy hiểm cho tôi rồi, anh biết điều đó mà.
Anh ta nhìn tôi. Khi anh ta nói, giọng anh ta rất thận trọng, tự tin.
- Không giống anh chút nào khi đoán định rằng hiểm họa từ Yamaoto và CIA chỉ giới hạn trong Tokyo, - anh ta nói.
Tôi không chắc anh ta định đi tới đâu với điều đó.
- Đó là nơi mối hiểm họa thể hiện rõ nhất, - tôi nói.
- Tôi vừa nói với anh rồi, Yamaoto đã cảm thấy bị buộc phải sống một cuộc sống phòng bị nặng nề kể từ lần cuối anh nhìn thấy hắn. Hắn đã rút bớt những sự xuất hiện của mình về chính trị, hắn không còn tập ở Kodokan, hắn đi lại chỉ khi có vệ sĩ vây quanh. Quan niệm của tôi là hắn không thích thú gì những giới hạn này. Thực tế, tôi cũng quan niệm là hắn oán hận chúng. Hơn tất cả, hắn oán hận nguyên nhân gây ra chúng.
- Anh không cần phải nói với tôi rằng Yamaoto có động cơ, - tôi nói. - Tôi biết hắn muốn làm gì tôi. Và đó cũng không chỉ là chuyện công việc. Hắn là loại người cảm thấy bị bẽ mặt, nổi điên lên vì cái cách tôi đã trộm chiếc đĩa đó từ tay hắn. Hắn sẽ không quên vụ đó đâu.
- Sao? Và những điều này không hề khiến anh thao thức lúc đêm khuya?
- Nếu tôi để những thứ chết tiệt như thế làm tôi thao thức lúc đêm khuya, mắt tôi đã sưng lên to cỡ Đảo Sado rồi. Bên cạnh đó, hắn muốn có bao nhiêu động cơ thì tùy. Tôi sẽ không cho hắn cơ hội.
Anh ta gật đầu.
- Tôi chắc chắn anh sẽ không cho hắn cơ hội. Ít nhất là không chủ tâm. Nhưng, như tôi đã đề cập, tôi không phải là người duy nhất có quyền truy nhập Juki Net.
Tôi nhìn anh ta, tự hỏi liệu có sự đe dọa nào ẩn trong đó không. Tatsu lúc nào cũng tế nhị.
- Anh đang nói gì thế, Tatsu?
- Chỉ là nếu tôi có thể tìm ra anh, thì Yamaoto cũng có thể. Và hắn không hề đơn độc trong những nỗ lực của mình. CIA, như anh biết đấy, cũng hau háu muốn làm quen với anh.
Anh ta nhấp một ngụm trà.
- Đặt mình vào vị trí của anh, tôi thấy hai hướng đi khả thi. Một là anh ở lại Nhật Bản, nhưng không ở Tokyo, và cố gắng trở lại đường cũ. Đây có lẽ là hướng đi dễ hơn, nhưng kém an toàn hơn.
Anh ta nhấp một ngụm nữa.
- Hai là anh rời bỏ đất nước này và bắt đầu lại từ đầu ở nơi nào đó. Đây là hướng đi khó hơn, nhưng có lẽ an toàn hơn. Vấn đề, trong cả hai trường hợp, là anh sẽ bỏ lại mọi thứ dở dang với hành trang là những phe cánh nhất định muốn anh gặp chuyện xấu, những phe phái có tầm với toàn cầu và thù lâu nhớ dai, và anh sẽ không có đồng minh nào chống lại chúng.
- Tôi không cần đồng minh, - tôi nói, nhưng câu trả lời này nghe thật yếu ớt ngay cả đối với chính tôi.
- Nếu anh định rời Nhật Bản, chúng ta có thể từ biệt nhau như bạn bè, - anh ta nói. - Nhưng nếu tôi không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của anh hôm nay, sẽ rất khó khăn để giúp anh ngày mai, khi anh có thể cần sự giúp đỡ đó.
Đó là cách nói thẳng thắn nhất mà Tatsu từng có. Tôi nghĩ về việc đó, tự hỏi phải làm gì. Bỏ rơi tất cả và biến tới Brazil, dù sự chuẩn bị của tôi chưa hoàn tất? Có thể. Nhưng tôi ghét cái suy nghĩ bỏ lại một công việc dở dang, thứ mà kẻ nào đó có thể vồ lấy và sử dụng để lần theo tôi. Bởi lẽ, mặc cho ý đồ tư lợi rõ ràng của anh ta trong việc nhấn mạnh sự nguy hiểm của Yamaoto và CIA, đánh giá của Tatsu cũng không quá xa so với đánh giá của tôi.
Khả năng thứ hai sẽ là thực hiện công việc cuối cùng này và bỏ anh ta lại phía sau, giữ cho anh ta bất ngờ trong khi tôi tiến hành những chuẩn bị của mình. Thứ anh ta cho tôi đổi lại cũng không phải là nhỏ. Tatsu có quyền truy nhập những thông tin về người và địa điểm mà ngay cả Harry cũng không hack vào được. Bất kể tôi làm gì sắp tới, anh ta sẽ là mối liên hệ hữu dụng một cách khốn kiếp.
Tôi suy nghĩ một phút nữa. Rồi tôi nói:
- Có gì đó cho tôi biết rằng anh đang mang theo một chiếc phong bì.
Anh ta gật đầu.
- Đưa nó cho tôi, - tôi nói.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét