Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Sát Thủ Tokyo - Chương 23

Sát Thủ Tokyo

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

23

Tôi thức giấc ngay trước lúc bình minh ló dạng, và đứng nhìn ra ngoài cửa sổ khi những tia sáng tỏa lan trên Tokyo và thành phố dần dần tỉnh dậy từ giấc ngủ của nó, mơ màng duỗi những ngón tay và ngón chân. Midori vẫn đang ngủ.
Tôi đi tắm và mặc một bộ com lê tôi cất ở Imperial, nó được may bằng vải flannel màu xám nặng mười một ounce của hãng Paul Stuart. Một cái áo sơ mi cotton Sea Island trắng, cà vạt màu xanh nước biển truyền thống. Đôi giày được đặt đóng riêng, chiếc cặp ngoại giao lâu năm thuộc một hãng sản xuất đồ da của Anh đáng tiếc là hiện không còn tồn tại có tên W. H. Gidden. Tôi ăn mặc chỉn chu và lịch lãm hơn hầu hết những người cần phải ăn mặc như thế - anh nên nhớ rằng, các chi tiết là thứ giúp anh ngụy trang, hoặc lật tẩy anh.
Và biết đâu đấy? tôi nghĩ. Nếu chuyện này không diễn ra suôn sẻ, mày có thể được chôn cất trong bộ đồ này. Mày nên giữ một vẻ ngoài tử tế.
Midori đã dậy lúc tôi tắm. Cô ấy đang mặc cái áo choàng tắm màu trắng bằng vải bông xù của khách sạn và ngồi im lặng trên giường trong khi tôi thay đồ.
- Em thích anh mặc com lê, - cô ấy nói khi tôi đã xong. - Trông anh tuyệt lắm.
- Chỉ là một sarariman trên đường đi làm, - tôi nói, cố gắng bông đùa.
Tôi thả khẩu Glock vào một bao súng ngắn được đặt làm riêng đeo ở chỗ thắt lưng, ở đó nó sẽ được nếp gấp cầu kì của lớp vải flannel che giấu. Rồi tôi luồn quả lựu đạn gây choáng vào dưới nách, ngay bên trên tay áo vét, ở đó sức ép tự nhiên của cánh tay tôi sẽ giữ nó nằm yên một chỗ. Tôi giơ cánh tay ra vài xentimét và lắc lắc nó thật mạnh, và quả lựu đạn trượt xuống bàn tay đang đợi sẵn của tôi. Cảm thấy hài lòng, tôi đưa nó trở lại vị trí cũ.
Tôi xoay đầu và nghe tiếng những khớp xương cổ kêu răng rắc.
- Thôi. Anh phải đi đây. Tối anh sẽ về. Em đợi anh nhé?
Cô ấy gật đầu, khuôn mặt đanh lại.
- Em sẽ ở đây đợi anh. Hãy quay về nhé.
- Anh sẽ về.
Tôi nhấc cái cặp ngoại giao lên và rời đi.
Sảnh khách sạn tương đối vắng những vị khách doanh nhân sẽ sớm thức dậy và gặp nhau để họp mặt trong những bữa sáng đắt đỏ của những người quyền lực. Tôi bước qua cửa chính và lắc đầu trước lời đề nghị giúp đỡ gọi tắc xi của nhân viên khuân vác hành lí, vì muốn đi bộ theo đường vòng đến ga Tokyo hơn, như thế tôi sẽ có cơ hội để đảm bảo rằng tôi không bị theo dõi. Từ nhà ga tôi sẽ đi tàu đến Shinbashi, và từ Shinbashi sẽ đi tiếp đến nhà ga ở Yokosuka. Tôi có thể đi thẳng từ ga Tokyo, nhưng thích một lộ trình vòng vèo hơn vì những lí do quen thuộc.
Đó là một buổi sáng trong lành, mát mẻ: kiểu thời tiết hiếm hoi của Tokyo, và là kiểu thời tiết tôi ưa thích nhất. Khi đi tắt qua công viên Hibiya, tôi thấy một bông asagao [bìm bìm] nhỏ nở bung một cách lạ lùng dưới tia nước lạnh giá của một đài phun nước. Đó là một loài hoa của mùa hè, và tôi thấy nó có vẻ buồn bã, như thể nó biết mình sắp tàn trong cái lạnh mùa thu.
Ở ga Tokyo, tôi mua một tấm vé đến Shinbashi, từ đó chuyển tiếp sang tuyến Yokosuka, vừa đi vừa kiểm tra xem có kẻ nào theo dõi không. Tôi mua một chiếc vé khứ hồi đến Yokosuka, mặc dù một chiếc vé một chiều sẽ an toàn hơn đôi chút. Tất cả binh lính đều mê tín, như Jake Khùng hay nói, và những thói quen cũ thường khó bỏ.
Tôi lên tàu lúc 7 giờ, và bốn phút sau nó rời ga, rất đúng giờ. Bảy mươi tư phút sau, chúng tôi vào ga Yokusuka, nằm ở bên kia bến cảng tính từ căn cứ quân sự hải quân. Tôi bước ra sân ga, tay cầm chiếc cặp ngoại giao, và giả vờ gọi điện thoại ở một bốt điện thoại công cộng trong khi những hành khách khác xuống cùng chuyến tàu với tôi đang tản đi.
Từ nhà ga, tôi đi bộ dọc theo mép nước của cảng Yokosuka. Một cơn gió lạnh lướt qua mặt nước phả vào mặt tôi, thoảng đưa hương vị mặn mòi của biển. Bầu trời u ám, đối lập với thời tiết quang đãng ở Tokyo. Tốt đẹp đến đáng ngờ, tôi nghĩ.
Mặt cảng xám xịt và mang dấu hiệu của điềm gở giống như bầu trời. Tôi dừng lại trên một lối đi bằng gỗ trông ra bến cảng, nhìn những con tàu chiến ẩn tàng nguy hiểm của Mỹ đang nghỉ ngơi, những ngọn đồi nhấp nhô đằng sau chúng xanh đến sửng sốt giữa màu xám của vạn vật. Những mảnh rác thải của quân đội đang bập bềnh trôi giạt vào bờ kè bên dưới: những cái chai rỗng, những gói thuốc lá, những cái túi ni lông trông như một loài sinh vật biển kì quái đang phân hủy đã bị thương ở sâu trong lòng đại dương và nổi lên bề mặt để chết.
Bến cảng này gợi tôi nhớ đến Yokohama, và những buổi sáng chủ nhật ngày xưa khi mẹ dẫn tôi tới đó. Yokohama là nơi bà tới để đi lễ nhà thờ, và bà đã định nuôi dạy tôi như một tín đồ Công giáo. Hồi đó chúng tôi đi từ ga Shibuya, và chuyến đi kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, chứ không phải hai mươi phút như ngày nay.
Tôi nhớ những chuyến tàu dài ấy, khi mẹ tôi luôn cầm tay tôi, dẫn tôi lánh xa sự bất mãn của bố tôi trước sự áp đặt thứ nghi lễ phương Tây đã có từ ngàn xưa này lên đứa con trai nhỏ nhạy cảm của ông. Nhà thờ là một trải nghiệm âm thầm về cảm quan: thứ mùi ẩm mốc không đổi của giấy cũ và đệm ngồi; những hàng ghế dài có lưng dựa thẳng đứng, cứng ngắc như khuôn bó bột; ánh sáng lấp lánh của những thiên thần bằng kính màu; những tiếng vang rợn người của nghi thức tế lễ; vị nhạt nhẽo của bánh và rượu trong lễ ban thánh thể. Tất cả được xúc tác bởi một cảm giác ngày một lớn dần rằng trải nghiệm này diễn ra qua một ô cửa sổ mà cha tôi, nửa di sản văn hóa còn lại của tôi, sẽ muốn đóng chặt lại.
Người ta thường nói nền văn hóa của phương Tây là nền văn hóa dựa trên tội lỗi, trong khi nền văn hóa của Nhật Bản dựa trên sự xấu hổ, sự khác biệt lớn nhất của chúng là văn hóa tội lỗi phụ thuộc vào cảm xúc nội tâm trong khi văn hóa xấu hổ phụ thuộc vào sự hiện diện của cả một nhóm người.
Nhưng tôi có thể quả quyết với tư cách một Tiresias * của cả hai thế giới này rằng sự khác biệt ấy không quá quan trọng như người ta làm anh tin. Cảm giác tội lỗi xuất hiện khi không có nhóm người nào khiến anh thấy tự hổ thẹn. Sự hối hận, nỗi khiếp sợ, hành động tàn bạo: nếu nhóm người xung quanh không quan tâm, chúng ta chỉ đơn giản tạo ra một vị Chúa làm việc đó thay họ. Một vị Chúa có thể bị lay động bởi những hành động, hay chí ít là những nỗ lực tốt đẹp sau này của một kẻ từng có thời phạm tội.
* [Trong thần thoại Hy Lạp, Tiresias là nhà tiên tri đến từ vùng Thebes]
Tôi nghe tiếng những chiếc lốp xe nghiến trên lớp sỏi, và quay về phía bãi đỗ xe đằng sau đúng lúc trông thấy chiếc đầu tiên trong ba chiếc sedan màu đen phanh lại cách chỗ tôi đứng một vài mét. Những cánh cửa sau bật mở và mỗi bên có một người đàn ông bước ra. Tất cả đều là người phương Tây. Holtzer, tôi nghĩ.
Những chiếc xe phía sau dừng lại bên trái và bên phải của chiếc dẫn đầu; vì đang quay lưng về phía mặt nước, tôi đã bị bao vây. Từ mỗi chiếc xe mới tới lại có thêm hai gã đàn ông nữa bước ra. Tất cả bọn chúng đều lăm lăm trong tay những khẩu Beretta.
- Lên xe, - tên đứng gần tôi nhất gầm gừ, ra hiệu về phía chiếc xe đi đầu bằng khẩu súng của hắn.
- Tôi không nghĩ vậy, - tôi nói, giọng bình thản. Nếu chúng định giết tôi, chúng sẽ phải thực hiện ở đây.
Sáu tên đứng xung quanh tôi theo hình bán nguyệt. Nếu chúng khép chặt vòng vây hơn một chút, tôi có thể cố gắng xông qua một gã đứng ở ngoài rìa - gã đứng đối diện với hắn sẽ không dám bắn, vì sợ bắn nhầm vào đồng bọn.
Nhưng chúng có kỉ luật quá tốt và kiềm chế được thôi thúc tiến lại gần. Có lẽ chúng đã được dặn dò kĩ lưỡng về những mối nguy hiểm của việc ở quá gần tôi.
Thay vào đó, một tên trong bọn thò tay vào bên trong áo khoác và lấy ra thứ mà tôi nhận ra ngay là một khẩu súng điện - loại súng làm người ta tê liệt.
Có nghĩa là chúng muốn bắt tôi, chứ không phải giết tôi. Tôi xoay người để lao mình vào gã đàn ông gần tôi nhất, nhưng đã quá muộn. Tôi nghe tiếng khẩu súng điện kêu “póc” một tiếng và bắn ra hai mũi kim phóng điện, cảm thấy chúng cắm ngập vào đùi tôi, một luồng điện ào ạt đổ vào khắp cơ thể. Tôi quỵ xuống, co giật không kiểm soát nổi, muốn đưa tay nhổ những mũi kim ra nhưng không điều khiển được tứ chi.
Chúng chờ đợi lâu hơn mức cần thiết, đứng xung quanh tôi trong khi tôi co giật như một con cá trên sàn tàu. Cuối cùng sự co giật cũng chấm dứt, nhưng tôi vẫn không điều khiển được tứ chi và không hít nổi một hơi thở. Tôi cảm thấy chúng lục soát người tôi - mắt cá chân, đùi, thắt lưng. Những bàn tay thọc lên lưng áo vét và tôi cảm thấy khẩu Glock bị lấy ra khỏi bao súng. Tôi đợi cuộc lục soát tiếp tục nhưng chúng đã dừng lại. Chắc là chúng thỏa mãn vì đã tìm thấy vũ khí của tôi, và không tìm kiếm thêm nữa - sai lầm a-ma-tơ này đã cứu được quả lựu đạn gây choáng, nó vẫn đang nằm yên ở vị trí cũ.
Ai đó ngồi quỳ trên cổ tôi và còng hai cánh tay tôi ra sau lưng. Một cái mũ trùm đầu được chụp vào đầu tôi. Một kẻ khác bước tới và tôi cảm thấy chúng nhấc tôi lên, mềm nhũn như một cái bao tải, và ném tôi vào sàn của một chiếc xe. Rồi những cái đầu gối lại đè vào lưng tôi, cửa đóng sập lại, và chiếc xe chồm lên di chuyển.
Chiếc xe đi chưa tới năm phút. Dựa vào tốc độ xe và việc nó không rẽ lần nào, tôi biết chúng tôi vẫn đang ở trên Quốc lộ 16 và đã đi qua căn cứ quân sự. Trong suốt chuyến đi, tôi thử ngọ nguậy các ngón tay, ngón chân. Tôi đã điều khiển được chúng, nhưng hệ thần kinh của tôi vẫn bị rối loạn từ cú điện giật lúc nãy, và tôi cảm thấy nôn nao trong dạ.
Tôi cảm thấy chiếc xe chạy chậm lại và rẽ phải, nghe thấy tiếng sỏi lạo xạo bên dưới lốp bánh xe. Chúng tôi dừng lại. Những cánh cửa mở ra, và một đôi tay nắm lấy hai cổ chân và lôi tôi ra khỏi xe. Đầu tôi va vào cạnh dưới của cánh cửa trên đường ra ngoài và tôi nổ đom đóm mắt.
Chúng lôi tôi dậy và đẩy tôi về phía trước. Tôi nghe tiếng những bước chân xung quanh và biết rằng mình đang bị bao vây. Rồi chúng đẩy tôi lên một cầu thang ngắn. Tôi nghe tiếng cửa mở, rồi đóng lại với tiếng va đập của nhôm rỗng. Tôi bị ấn vào một cái ghế và chiếc mũ trùm đầu được lột ra.
Tôi đang ở bên trong một cái rơ moóc. Ánh sáng lờ mờ lọt vào qua một ô cửa sổ trượt duy nhất. Một bóng người đang ngồi quay lưng về phía nó.
- Chào, John. Rất vui khi gặp anh. - Đó là Holtzer, dĩ nhiên.
- Mẹ kiếp, - tôi nói, cố ý bộc lộ vẻ thất bại và chán nản. Không quá gay gắt, trong hoàn cảnh này. - Làm thế nào mày tóm được tao?
- Tôi biết anh sẽ nghe về chuyện của Bulfinch, và anh sẽ tìm cách giành lại cái đĩa. Tôi biết anh có những nguồn thông tin, và anh có thể lần theo dấu vết của tôi. Để đề phòng, chúng tôi đã dựng lên các chốt kiểm tra xung quanh những khu vực mà anh có khả năng xuất hiện gần căn cứ quân sự. Anh đã bước thẳng vào một trong số chúng.
- Mẹ kiếp, - tôi lặp lại, lần này là xuất phát từ cảm xúc thật.
- Đừng tự trách mình. Anh đã suýt thực hiện được kế hoạch. Nhưng đáng ra anh phải biết là anh sẽ không thể thành công, John ạ. Anh luôn như vậy mà, mỗi khi đối đầu với tôi.
- Đúng vậy, - tôi nói, cố gắng tính toán xem tôi sẽ thoát khỏi chuyện này bằng cách nào. Nếu không có còng tay, tôi có thể xử lí Holtzer và hai gã ở cửa, mặc dù tôi không biết có còn ai ở bên ngoài không. Có còng tay, tôi sẽ chẳng làm được gì cả.
- Anh thậm chí không biết ý tôi là gì, đúng không? - hắn tiếp tục. - Chúa ơi, anh lúc nào cũng quá đui mù.
- Mày đang nói gì vậy?
Đôi môi dày của hắn méo mó nở một nụ cười đáng ghét và hắn lặng lẽ mấp máy bảy từ. Ban đầu tôi không hiểu, vì vậy hắn tiếp tục mấp máy cho đến khi tôi vỡ lẽ.
Tôi là tên gián điệp hai mang. Tôi là tên gián điệp hai mang.
Tôi cúi đầu xuống và cố gắng kiềm chế.
- Mẹ kiếp, Holtzer. Mày làm gì có quyền tiếp cận thông tin. Đó là một người bên phía ARVN.
- Anh nghĩ vậy à? - Hắn nói, ghé sát mặt tôi và hạ giọng thì thào để người của hắn không nghe thấy. - Còn nhớ Cu Lai không?
Ngôi làng ở Campuchia. Tôi cảm thấy một cảm giác nôn nao dâng lên mà không liên quan gì đến tác động của cú điện giật lúc nãy.
- Nó làm sao? - Tôi nói.
- Nhớ câu “Khử chúng” không? Nhớ câu “Con trai à, ta quả quyết với anh rằng nếu ta nói cấp bậc của ta cho anh biết thì anh sẽ sợ vãi cả ra quần mất” không? Anh cứng đầu lắm, John ạ! Tôi đã phải sử dụng ba giọng nói khác nhau để thuyết phục anh.
Bình tĩnh nào, John. Hãy tập trung vào vấn đề trước mắt. Làm thế nào để thoát được chuyện này.
- Tại sao? - Tôi hỏi.
- Tôi có một nguồn cung cấp tin, một gã có thể làm được nhiều việc cho tôi. Tôi phải cho hắn thấy tôi có thể làm được gì cho hắn. Một người trong làng đã cho hắn vay nhiều tiền, và đang gây ra rắc rối cho hắn về vấn đề này. Tôi muốn cho hắn thấy tôi có thể giải quyết những rắc rối đó như thế nào.
- Vì vậy mày tàn sát cả một ngôi làng chỉ để xử lí một người?
- Phải làm vậy thôi. Chúng giống nhau cả mà, anh biết đấy. - Hắn cười phá lên trước câu nói đùa của mình.
- Nhảm nhí. Mày chỉ cần cho nguồn thông tin của mày tiền để trả nợ không được à?
Hắn ngửa đầu ra sau và cười.
- Thôi nào, Rain, mấy thằng đếm đậu chú ý đến số tiền được chi tiêu hơn là số đạn được dùng. Vài dân làng bị chết ư? Chỉ thêm vài tay Việt Cộng để tính vào số thi thể chết trận của phe địch thôi. Chúa ơi, giải quyết bằng cách đó còn dễ dàng hơn là yêu cầu chúng xuất tiền, điền vào giấy tờ, hay tất cả những thứ lằng nhằng như thế.
Lần đầu tiên kể từ sau một số cơn ác mộng của chiến tranh, tôi có thể cảm thấy nỗi thất vọng thực sự đang bắt đầu len sâu vào đầu óc tôi. Tôi bắt đầu hiểu rõ rằng chỉ trong vài phút nữa thôi tôi sẽ chết, rằng Holtzer sẽ chiến thắng, như từ trước đến giờ. Và mặc dù không còn quá quan tâm tới chuyện sống chết, nhưng việc biết rằng tôi đã không thể ngăn chặn hắn, đồng thời hiểu ra hắn đã dắt mũi tôi làm gì nhiều năm trước, khiến tôi choáng váng.
- Tao không tin, - tôi nói, câu giờ. - Họ đã cho mày thứ gì đáng để mày làm thế? Tao biết đó không phải là tiền - ba mươi lăm năm sau, mày vẫn là một thằng đếm đậu của chính phủ trong bộ com lê rẻ tiền.
Hắn làm bộ thông cảm một cách cường điệu.
- Anh đúng là đồ nông dân, Rain ạ. Thế giới này có những lề thói mà anh không hiểu được. Anh trao đổi tin tức để lấy tin tức, đó chính là mánh khóe. Lúc đó tôi có một nguồn thông tin đang cung cấp cho tôi tin tức về các hoạt động của NVA - những thông tin cực kì quan trọng cho chiến dịch Arc Light [ánh sáng hồ quang] phá hoại đường dây tiếp tế trên đường mòn Hồ Chí Minh. Và cho dù các nhiệm vụ của SOG không thực sự gây hại đến các hoạt động của họ, nhưng miền Bắc vẫn bị ám ảnh với đám cao bồi các anh bởi vì các anh khiến họ có cảm giác như họ không thể kiểm soát hậu tuyến của họ. Vì vậy họ muốn có tin tức tình báo về SOG, và sẵn sàng đổi lấy chúng bằng tin tức tình báo về họ. Tôi đã đổi được vàng từ phân lợn.
Tôi biết hắn đang nói thật. Tôi không thể nói được gì cả.
- Ồ, để tôi chia sẻ thêm một mẩu tin lí thú nữa trước khi những người này đưa anh ra ngoài, bắn vào sau đầu anh, và ném thi thể anh xuống cảng, - hắn tiếp tục. - Tôi biết hết mọi chuyện về Jake Khùng. Tôi đã đề cử anh cho nhiệm vụ trừ khử hắn.
Họng tôi nghẹn lại. Tôi không thể nói gì. Cảm giác như bị cưỡng hiếp.
- Thật đấy, may mắn làm sao khi vấn đề về đội quân người Thượng nhỏ bé của hắn lọt vào sự chú ý của tôi. Tôi biết người nào có thể giải quyết chuyện đó - người bạn thân của hắn từ thời học trung học, John Rain. Không một ai khác có thể đến gần hắn.
Tất cả đã kết thúc. Tôi sẽ chết. Tâm trí tôi bắt đầu nghĩ lan man, và một sự điềm tĩnh lạ lùng phủ xuống.
- Sau đó tôi đem chuyện này rêu rao khắp nơi. Đó là một thông tin mật, nhưng tôi đã làm cho tất cả mọi người đều biết. “Chỉ có anh và tôi biết thôi nhé”, anh có thích cụm từ đó không? Nó chẳng khác nào câu nói, “hãy đảm bảo là đưa nó lên mặt báo nhé”. Tuyệt thật đấy.
Tôi bỗng thấy mình nhớ lại lần đầu tiên leo núi Phú Sĩ. Lúc đó tôi đi với bố tôi, và cả hai cha con đều không mặc đủ ấm để đối phó với cái lạnh. Chúng tôi cứ thay nhau đòi quay về, nhưng không hiểu sao người kia luôn nhất mực đòi đi tiếp, và cuối cùng chúng tôi đã lên tới đỉnh. Sau này chúng tôi luôn cười khi nhắc lại chuyện đó, và ông rất thích kể về nó.
- Anh biết không, chuyện đó làm mọi người khó chịu, John ạ. Loại người gì mà có thể giết chính người bạn thân nhất của mình cơ chứ? Lẻn đến chỗ hắn và khử hắn? Dĩ nhiên không phải là người mà sau đó ta có thể tin tưởng rồi. Không phải là người mà ta có thể thăng chức, giúp đỡ trên con đường sự nghiệp. Tôi đoán rằng cái thông tin “chỉ có anh và tôi biết thôi nhé” đã hủy hoại phần nào sự nghiệp của anh trong quân đội, đúng không? Kể từ lúc đó, anh chỉ còn được coi là một thằng lính lai tay sai hèn hạ, giết người để đạt được mục đích của mình.
Bố tôi luôn thích kể câu chuyện đó. Và điều khiến ông ấy vui nhất là chúng tôi đã luân phiên thuyết phục nhau tiếp tục cho đến khi chúng tôi lên tới đỉnh.
- Mèo ăn mất lưỡi của anh rồi à, Rain?
Phải, đó là một kí ức thú vị. Không tồi khi mang theo nó trên đường rời bỏ cõi đời này.
Hắn đứng dậy và quay sang hai gã ở cửa.
- Đừng giết hắn ở đây - nó quá gần căn cứ hải quân. Quân đội vẫn có hồ sơ răng của hắn, và có thể nhận dạng thi thể. Chúng ta không muốn bất cứ ai phát hiện ra sự liên quan của hắn với chính phủ Mỹ - hay với tôi. Hãy đưa hắn đến một chỗ nào đó và ném hắn đi khi các anh xong việc.
Một gã tay chân mở cửa cho Holtzer, và hắn bước ra ngoài.
Tôi nghe tiếng cửa xe mở ra và đóng lại, rồi tiếng hai bộ bánh xe nghiến lạo xạo trên lớp sỏi khi chúng rời đi. Chúng tôi đã tới đây trong ba chiếc xe, như vậy chỉ còn lại một chiếc. Tôi không biết liệu bên ngoài có còn ai không.
Hai gã kia vẫn đứng ở cửa, khuôn mặt không cảm xúc.
Một phần nào đó sâu thẳm trong con người tôi nổi dậy, cương quyết đòi ra ngoài để chiến đấu.
- Còng tay làm tôi đau quá, - tôi nói, chậm chạp đứng dậy. - Các anh có thể làm gì giúp tôi không?
Một gã cười.
- Đừng lo, bọn tao sẽ giúp mày giải quyết cơn đau trong vài phút nữa thôi.
- Nhưng cánh tay tôi đau quá, - tôi lại nói, làm bộ sắp khóc và giơ khuỷu tay lên để tạo khoảng trống giữa phần trên của cánh tay và thân người. Tôi thấy một gã nhếch mép cười khinh bỉ.
- Ôi Chúa ơi, tôi nghĩ tôi đang bị nghẽn tuần hoàn máu, - tôi rên rỉ. Tôi xoay xoay vai cho đến khi quả lựu đạn gây choáng lọt xuống tay áo, rồi giơ khuỷu tay lên và bắt đầu lắc lắc cánh tay thật dữ dội. Tôi cảm thấy quả lựu đạn trượt xuống phần trên của tay áo khoác.
Quả lựu đạn gây choáng sẽ không trượt xuống dễ dàng cho lắm do sức ép của cánh tay bị còng vào mạng sườn. Tôi nhận ra đáng lẽ tôi phải cố gắng đẩy nó ra sau lưng, từ đó nó sẽ rơi xuống hai bàn tay bị còng của tôi dễ dàng hơn. Quá muộn rồi.
Tôi hạ cổ tay xuống, duỗi thẳng cánh tay, và bắt đầu nhún nhún bàn chân như thể tôi mót đi tiểu lắm rồi.
- Tôi cần giải quyết nỗi buồn, - tôi nói.
Hai gã ở cửa nhìn nhau, vẻ mặt tỏ rõ sự khinh bỉ.
Mỗi cú nhún lại làm quả lựu đạn dịch chuyển xuống một xentimét cốt yếu nữa. Khi nó qua được khuỷu tay, tôi cảm thấy nó trượt thẳng xuống bàn tay đang đợi của tôi.
Quả lựu đạn được định giờ năm giây. Nếu tôi ném nó ra quá sớm, chúng có thể thoát được ra ngoài trước khi nó phát nổ. Nếu tôi chần chừ quá lâu, tôi có thể sẽ mất một bàn tay. Dĩ nhiên tôi không định tháo còng tay bằng cách đó.
Tôi kéo chốt an toàn ra và đếm. Một giây...
Gã bên trái cửa thò tay vào trong áo khoác, bắt đầu rút súng ra.
Hai giây.
- Chờ chút, chờ chút, - tôi nói, cổ họng thít chặt. Ba giây.
Chúng nhìn nhau, vẻ mặt tỏ ra ghê tởm. Chúng đang nghĩ, Đây mà là cái trường hợp khó nhằn mà chúng ta đã được cảnh báo là sẽ hết sức nguy hiểm ư?
Bốn giây.
Tôi nhắm chặt mắt và xoay người để lưng hướng về phía chúng, đồng thời vẩy cổ tay ném quả lựu đạn gây choáng vào chúng. Tôi nghe tiếng nó rơi bịch xuống sàn nhà, theo sau là một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả cơ thể. Tôi cảm thấy nghẹt thở và ngã quỵ xuống đất.
Tôi lăn sang trái, rồi sang phải, cố gắng hít vào một hơi, cảm giác như đang bơi dưới nước. Tôi không thể nghe thấy gì ngoài một tiếng ong ong lớn trong đâu.
Người của Holtzer cũng đang lăn trên sàn, nhắm tịt mắt, bàn tay ôm chặt hai bên thái dương. Tôi hít một hơi thở rệu rã, khó nhọc và gượng dậy bằng đầu gối, rồi lại đổ về một bên, sự thăng bằng của tôi đã bị ảnh hưởng.
Một gã bò dậy được và bắt đầu sờ soạng trên sàn, cổ gắng lấy lại khẩu súng.
Tôi lại gượng dậy bằng đầu gối, tập trung vào việc giữ thăng bằng. Gã kia đang mò mẫm theo những vòng tròn đồng tâm và tôi thấy hắn sắp chạm được vũ khí của hắn.
Tôi loạng choạng đặt bàn chân trái về phía trước và cố gắng đứng dậy, nhưng lại ngã xuống. Tôi cần hai cánh tay để giữ thăng bằng.
Những ngón tay dò dẫm của gã tay chân nhích lại gần khẩu súng hơn.
Tôi lăn ngửa người lại và lấy hết sức vươn hai bàn tay xuống phía dưới, rướn cổ tay bị còng xuống dưới eo lưng và mông và lên mặt sau của đùi. Tôi điên cuồng vặn vẹo từ trái sang phải, trượt hai cổ tay dọc theo bắp chân, luồn một bàn chân, rồi bàn chân kia, qua khe hở, và đưa được tay ra đằng trước.
Tôi bò dậy. Thấy những ngón tay của gã kia đã tóm được nòng súng.
Không hiểu sao tôi xoay xở đứng dậy được. Tôi chạy tới chỗ hắn đúng lúc hắn cầm khẩu súng lên và đá thẳng vào mặt hẳn như sút một quả bóng. Lực của cú đá làm hắn bắn ra xa và tôi ngã ngửa về đằng sau.
Tôi lại lảo đảo đứng dậy đúng lúc gã thứ hai cũng đứng dậy được. Hắn vẫn đang hấp háy mắt liên tục vì ánh sáng chói mắt, nhưng hắn có thể thấy tôi đang đến. Hắn thò tay vào bên trong áo khoác, tìm vũ khí.
Tôi nghiêng ngả lao đến chỗ hắn ngay khi hắn rút ra một khẩu súng. Trước khi hắn kịp giơ súng lên, tôi thọc mạnh những ngón tay của hai bàn tay bị còng vào cổ họng hắn, chẹn đứng cơ hoành và những dây thanh quản của hắn. Rồi tôi luồn tay ra sau cổ hắn và dùng đoạn xích ngắn ngủi giữa hai cổ tay giật mạnh đầu hắn xuống và lên gối vào mặt hắn, liên tục lặp đi lặp lại động tác đó. Hắn trở nên mềm nhũn và tôi quẳng hắn sang một bên.
Tôi quay về phía cửa và thấy gã kia đã đứng dậy. Hắn đang giơ một bàn tay về phía trước và tôi liếc mắt kiểm tra, nhìn thấy con dao. Trước khi tôi kịp phản ứng bằng cách cầm thứ gì đó lên và chắn giữa chúng tôi, hắn đã xông tới tấn công.
Nếu hắn dừng lại và bình tĩnh thì hắn sẽ có cơ hội tốt hơn, nhưng hắn đã quyết định đổi sự thăng bằng lấy tốc độ. Hắn thọc con dao xuống, nhưng không nhắm vào vị trí nào cụ thể. Tôi đã bước nửa bước sang bên phải, sớm hơn mức lí tưởng, nhưng hắn không kịp điều chỉnh. Con dao đâm trượt tôi. Tôi xoay người ngược chiều kim đồng hồ, kẹp chặt cổ tay cầm dao của hắn bằng cả hai bàn tay. Tôi cố gắng vật hắn xuống đất theo kiểu aikido, nhưng hắn lấy lại thăng bằng quá nhanh. Chúng tôi giằng co như thế trong một giây, và tôi có cảm tưởng như sắp tuột mất bàn tay cầm dao của hắn.
Tôi giật mạnh cổ tay hắn về phía bên kia và thúc khuỷu tay phải vào mũi hắn. Rồi tôi xoay người thật nhanh, gần như không tính toán trước, dùng cánh tay phải khóa đầu hắn và túm lấy ve áo khoác của tôi bên dưới cằm hắn như thể đó là một judogi. Bàn tay cầm dao trở nên lỏng lẻo và tôi quật ngã hắn bằng đòn hông với miếng võ khóa đầu, bàn tay trái của tôi tăng thêm lực siết trên cổ hắn khi cơ thể hắn nhào qua người tôi. Khi hắn ngã xuống, tôi vặn mạnh cổ hắn sang phía bên kia. Một tiếng rắc dội lên hai cánh tay tôi khi cổ hắn bị gãy chỗ cẳng tay tôi đang ép vào. Con dao rơi cạch xuống đất và tôi thả hắn ra.
Tôi quỵ xuống, đầu óc quay cuồng, và cố gắng suy nghĩ. Kẻ nào trong số chúng có chìa khóa mở còng? Tôi nghĩ. Tôi lục soát người gã thứ nhất, da dẻ hắn tím tái và sưng phồng, cái lưỡi lè ra mách bảo tôi rằng hắn đã chết, và tìm thấy một chùm chìa khóa xe ô tô nhưng không có chìa khóa mở còng tay. Vật quý giá đó ở trên người gã còn lại. Tôi lôi ra thứ tôi đang tìm kiếm, và một giây sau đã được tự do. Tìm kiếm nhanh trên sàn, và tôi đã có trong tay một khẩu Beretta.
Tôi lảo đảo đi ra khỏi cửa và vào trong bãi đỗ xe. Đúng như dự đoán, còn một chiếc xe ở lại. Tôi chui vào xe, tra chìa vào ổ, khởi động và lao ra đường.
Tôi biết tôi đang ở đâu - trên một nhánh của quốc lộ, cách cổng căn cứ hải quân khoảng năm hay sáu kilômét. Việc cần làm lúc này là chặn chiếc sedan của Holtzer lại trước khi nó có thể vào trong căn cứ. Holtzer đã rời đi cách đây chưa tới năm phút. Dựa vào tình hình giao thông và số lượng đèn giao thông từ đây tới căn cứ, tôi có thể vẫn còn thời gian.
Tôi biết mình đang ở thế cực kì bất lợi, nhưng tôi có một lợi thế quan trọng. Tôi không quan tâm mình sẽ sống hay chết. Tôi chỉ muốn thấy Holtzer xuống địa ngục trước.
Tôi rẽ trái vào Quốc lộ 16, bật đèn pha thật sáng và bấm còi inh ỏi để dẹp đường. Tôi gặp ba đèn đỏ nhưng vượt qua tất, những chiếc xe khác phanh dúi dụi hai bên xe tôi. Bên kia tòa nhà NTT* địa phương, tôi thấy cái đèn đỏ phía trước đã tạo ra một khoảng trống trên làn đường bên kia và tôi lao ngay sang đó. Tôi tăng tốc một cách điên cuồng vào luồng xe ngược chiều, bấm còi inh ỏi, rồi trở lại đúng làn đường ngay khi đèn đổi màu để tôi có thể vượt lên trước những chiếc xe ở trước mặt tôi lúc nãy. Tôi xoay xở khóa đai an toàn trong lúc lái xe, và nhận ra với sự thỏa mãn đáng sợ rằng chiếc xe được trang bị một cái túi khí. Ban đầu tôi đã định quăng quả lựu đạn gây choáng vào xe của Holtzer như một cách tiếp cận hắn. Như đã nói với Midori, tôi sẽ phải ứng biến.
* [Viết tắt của Nippon Telegraph and Telephone Corporation: Tập đoàn điện tín và điện thoại Nhật Bản]
Còn cách cổng chính mười mét thì tôi trông thấy chiếc sedan rẽ phải vào con đường dẫn tới căn cứ quân sự. Một viên cảnh vệ hải quân mặc trang phục rằn ri đang tiến lại, giơ hai tay lên, và cửa sổ phía tài xế của chiếc xe đang từ từ hạ xuống. Tôi nhận thấy ở đó có rất nhiều cảnh vệ, và họ đang kiểm tra cách cổng bảo vệ vài mét - kết quả của lời đe dọa đặt bom nặc danh.
Trước mặt tôi có quá nhiều xe. Tôi sẽ không thực hiện được dự định của mình mất.
Cửa sổ bên ghế lái của chiếc sedan hạ xuống.
Tôi bấm còi, nhưng không ai di chuyển.
Viên cảnh vệ ngẩng lên để xem sự om sòm phát ra từ đâu.
Tôi nhấn một nút và cửa sổ của tôi bắt đầu hạ xuống một cách tự động.
Viên cảnh vệ vẫn đang nhìn quanh.
Tôi lao lên vỉa hè, húc đổ những cái thùng rác và những chiếc xe đạp đang dựng ở đó. Một người đi bộ hoảng hốt nhảy vọt đi. Còn cách con đường dẫn vào căn cứ quân sự một vài mét, tôi bẻ lái sang phải và tăng tốc lao chéo qua dải ngăn cách, băng qua đám hoa cỏ và nhắm vào xe của Holtzer. Viên cảnh vệ ngoảnh lại, nhìn thấy tôi đang lao tới với tốc độ cao, bèn nhảy tránh sang một bên vừa kịp lúc để tự cứu mình. Tôi đâm toàn lực vào cửa sau bên phía ghế lái của chiếc sedan, làm chiếc xe xoay hẳn đi do lực va chạm và hai chiếc xe hư hỏng nặng nề cùng nhau tạo thành một hình chữ V. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cú va chạm, và đai an toàn cùng chiếc túi khí, thứ đã bung ra và xẹp xuống trong một phần tỉ giây như được quảng cáo, giúp tôi không bị thương tổn.
Tôi cởi đai an toàn và mở cửa, nhưng nó bị kẹt. Tôi xoay ngửa người lại và phi hai chân ra qua cửa sổ để mở, tóm lấy thanh ngang bên trên cửa và dùng nó để đẩy người ra ngoài.
Chỉ còn cách chiếc sedan hai bước chân. Tôi chộp lấy vô lăng qua cửa sổ để mở và nhào vào trong, đầu gối va mạnh vào khung cửa khi làm vậy. Tôi lao người ngang qua đùi tài xế, loạng choạng đặt chân xuống, rồi nhảy bổ vào băng ghế sau. Holtzer đang ngồi ở ghế bên trái, chúi về đằng trước, rõ ràng choáng váng vì cú va chạm. Một gã trẻ măng mà tôi cho là phụ tá của Holtzer ngồi bên cạnh hắn, một chiếc cặp ngoại giao bằng kim loại hiệu Halliburton được đặt giữa chúng.
Tôi dùng tay trái túm lấy đầu Holtzer, ấn nòng khẩu Beretta vào thái dương hắn bằng tay phải. Qua cửa sổ phía tài xế, tôi thấy một viên cảnh vệ hải quân đã rút súng ra và đang tìm một cơ hội thích hợp. Tôi kéo đầu Holtzer lại gần hơn.
- Lùi lại, nếu không tao sẽ bắn vỡ sọ hắn! - Tôi hét lên với gã.
Vẻ mặt gã do dự, nhưng vẫn giơ súng lên.
- Tất cả ra khỏi xe! - Tôi quát. - Ngay lập tức!
Tôi vòng cánh tay quanh cổ Holtzer và nắm lấy ve áo tôi. Chúng tôi đang áp má vào nhau, và bây giờ viên cảnh vệ cầm súng sẽ phải tự tin lắm vào tài thiện xạ của gã thì mới dám bóp cò súng.
- Ra khỏi xe! - Tôi lại quát lên. - Ngay lập tức! Mày! - Tôi hét lên với tài xế. - Kéo cái cửa sổ khốn kiếp kia lên! Kéo nó lên!
Tay tài xế nhấn một cái công tắc và kính cửa sổ từ từ đi lên. Tôi lại đuổi hắn ra ngoài và bắt hắn đóng cửa lại sau khi đã xuống xe. Hắn loạng choạng bước ra, đóng sầm cánh cửa.
- Mày! - Tôi hét lên với viên phụ tá. - Ra ngoài! Đóng cửa lại sau lưng mày!
Holtzer mở miệng phản đối, nhưng tôi siết cổ hắn chặt hơn, chặn lại lời hắn. Viên phụ tá liếc Holtzer một lần, rồi mở cửa.
- Nó bị kẹt, - hắn nói, rõ là ngạc nhiên và không thể tiếp nhận việc này.
- Trèo ra đằng trước! - Tôi quát. - Ngay!
Hắn lồm ngồm leo lên đằng trước và ra ngoài, mang theo cái cặp ngoại giao.
- Được rồi, thằng khốn, chúng ta cũng sẽ ra ngoài, - tôi nói với Holtzer, buông cổ hắn ra. - Nhưng trước hết hãy đưa tao cái đĩa.
- Được rồi, được rồi. Bình tĩnh nào, - hắn nói. - Nó nằm trong túi áo ngực bên trái của tôi.
- Lấy nó ra. Từ từ thôi.
Hắn thò tay phải vào túi và cẩn thận lấy cái đĩa ra.
- Đặt nó lên đầu gối tao, - tôi nói, và hắn làm theo. - Giờ thì hãy đan các ngón tay vào nhau, quay mặt về phía cửa sổ, và đặt hai bàn tay ra sau đầu.
Tôi không muốn hắn giằng khẩu súng trong khi tôi nhặt cái đĩa.
Tôi cầm nó lên và thả nó vào túi áo khoác.
- Giờ thì chúng ta sẽ ra ngoài. Nhưng từ từ thôi. Nếu không óc mày sẽ văng khắp các ghế đấy.
Hắn quay sang tôi, đôi mắt đanh lại.
- Rain, anh không hiểu anh đang làm gì đâu. Hãy bỏ súng xuống trước khi các cảnh vệ bên ngoài bắn anh.
- Nếu mày không ra khỏi cái xe này trong vòng ba giây nữa, - tôi gầm gừ, giơ khẩu Beretta lên, - tao sẽ bắn vào của quý của mày. Liệu tao có dừng lại ở việc đó hay không, tao không thể nói trước được.
Có điểm gì đó không ổn trong cái cách hắn giao nộp cái đĩa khiến lòng tôi thấy gờn gợn. Hắn đầu hàng quá dễ dàng.
Rồi tôi nhận ra: Đó chỉ là một vật ngụy trang. Một thứ đồ bỏ đi. Hắn sẽ không bao giờ đưa cái đĩa thật cho tôi dễ dàng đến thế.
Cái cặp, tôi nghĩ.
- Ngay! - Tôi hét lên, và hắn chạm vào tay nắm cửa. Tôi ấn nòng súng vào mặt hắn.
Chúng tôi chui ra khỏi xe và lập tức bị bao vây bởi một đội quân gồm sáu cảnh vệ lính thủy đánh bộ, tất cả đều mang súng và có vẻ mặt cực kì nghiêm trọng.
- Lùi lại nếu không tao sẽ bắn vỡ sọ hắn! - Tôi hét lên, ấn khẩu súng từ bên dưới hàm hắn.
Tôi thấy viên phụ tá đang đứng sau đám cảnh vệ, chiếc cặp ngoại giao được đặt dưới chân hắn.
- Thằng kia! Mở cái cặp ra! - Hắn nhìn tôi, không hiểu gì. - Phải, mày đó! Mở cái cặp ngoại giao đó ra ngay bây giờ!
Hắn tỏ vẻ lúng túng.
- Tôi không thể. Nó bị khóa.
- Đưa hắn chìa khóa, - tôi gầm gừ với Holtzer.
Hắn cười.
- Đưa cái con khỉ.
Sáu viên cảnh vệ chĩa súng vào tôi. Tôi lôi Holtzer sang bên trái để họ phải nhắm bắn lại, cho tôi một giây chớp nhoáng để nhấc súng ra khỏi đầu hắn và dùng báng súng đập vào thái dương hắn. Hắn quỵ xuống, choáng váng, và tôi quỳ xuống theo hắn, áp sát cơ thể hắn để hắn che chắn cho tôi. Tôi vỗ vỗ túi quần trái của hắn, nghe thấy tiếng leng keng. Rồi thò tay vào trong và lôi ra một chùm chìa khóa.
- Mang cái cặp lại đây! - Tôi ra lệnh cho viên phụ tá. - Mang nó lại đây nếu không hắn sẽ chết!
Viên phụ tá ngần ngừ trong một giây, rồi nhấc cái cặp lên và mang nó tới chỗ tôi. Gã đặt nó xuống trước mặt chúng tôi.
Tôi ném cho hắn chùm chìa khóa.
- Giờ thì mở nó ra.
- Đừng nghe hắn! - Holtzer quát, cổ gắng đứng dậy. - Đừng mở nó!
- Mở ra! - Tôi lại hét lên. - Nếu không tao sẽ bắn vỡ sọ hắn!
- Tôi ra lệnh cho anh không được mở cái cặp đó! - Holtzer thét lên. - Đó là một cái cặp ngoại giao của Mỹ! - Viên phụ tá đứng im như phỗng, khuôn mặt do dự. - Chết tiệt, nghe lời tôi đi! Hắn đang lừa anh đấy!
- Im đi! - Tôi quát, gí nòng súng từ dưới cằm hắn. - Nghe này. Mày nghĩ hắn sẽ mạo hiểm nhận lấy cái chết chỉ vì một cái cặp ngoại giao à? Thứ gì trong đó mà có thể quan trọng đến thế chứ? Mở ra!
- Bắn hắn đi! - Holtzer chợt hét lên với những viên cảnh vệ. - Bắn hắn đi!
- Mở cái cặp đó ra nếu không óc hắn sẽ văng khắp người mày!
Đôi mắt viên phụ tá hết nhìn cái cặp lại nhìn lên Holtzer, vài lần như thế. Có vẻ như mọi người đều đang bị đông cứng lại.
Chuyện đó xảy ra thật đột ngột. Viên phụ tá quỳ xuống, dò dẫm mở khóa. Holtzer mở miệng định phản đối, và tôi lại đập báng súng vào đầu hắn. Hắn đổ người vào tôi.
Chiếc cặp bật mở.
Bên trong, nằm chình ình giữa hai lớp bọt xốp bảo vệ, là cái đĩa của Kawamura.
Một giây dài trôi qua, rồi tôi nghe thấy một giọng nói quen thuộc từ đằng sau.
- Bắt lấy người đàn ông này.
Tôi quay lại và thấy Tatsu đang bước về phía tôi, ba cảnh sát Nhật theo sau anh ta.
Mấy viên cảnh sát cùng xúm vào tôi, một người trong số họ mở một chiếc còng tay từ cái thắt lưng chuyên dụng.
Một viên cảnh vệ lính thủy đánh bộ định mở miệng phản đối.
- Chúng ta đang ở bên ngoài căn cứ quân sự, - Tatsu giải thích bằng thứ tiếng Anh trôi chảy. - Các anh không có thẩm quyền. Đây là một vấn đề của người Nhật.
Cánh tay tôi bị bẻ quặt ra đằng sau, và tôi cảm thấy cái còng được bập vào. Tatsu nhìn vào mắt tôi đủ lâu để tôi thấy nỗi buồn trong đôi mắt anh ta, rồi anh ta quay người bước đi.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét