Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Báo Thù - Chương 8

Báo Thù

Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014

8

Tôi đem chiếc phong bì trở lại căn hộ của mình để nghiên cứu. Tôi ngồi vào bàn viết và trải các trang giấy ra. Tôi đánh dấu các đoạn. Tôi viết nguệch ngoạc các suy nghĩ vào lề. Một số phần tôi đọc theo thứ tự. Những chỗ khác tôi đọc cách quãng. Tôi cố gắng tìm ra khuôn mẫu chung, vấn đề chính.
Tên đối tượng là Murakami Ryu. Hồ sơ rất ấn tượng về thông tin cơ bản, hầu hết là những gì mà Tatsu đã tóm tắt cho tôi, nhưng sơ sài về những chi tiết hiện tại mà tôi cần để tiếp cận một mục tiêu. Hắn sống chỗ nào? Làm việc ở đâu? Những thói quen, những nơi thường lai vãng, những lộ trình của hắn là gì? Hắn liên minh với kẻ nào? Tất cả đều trống không, hoặc quá mơ hồ để có thể dùng ngay được.
Hắn không phải một bóng ma, nhưng cũng không phải một người thường. Người bình thường có địa chỉ, nơi làm việc, hồ sơ thuế, xe hơi được đăng kí, hồ sơ y tế. Việc thiếu đi những chi tiết như thế xung quanh Murakami bản thân nó đã là một dạng thông tin. Nó cung cấp một cái khung, nhưng tôi vẫn không có bức tranh.
Được thôi. Bắt đầu từ cái khung.
Không có thông tin đồng nghĩa với một tay cẩn trọng. Nghiêm túc. Một kẻ có óc thực tế. Một kẻ không mạo hiểm, rất cẩn trọng trong các hành động của mình, có thể hiểu là sẽ gây ra rất ít sai lầm.
Tôi xáo trộn các trang giấy. Thậm chí những đồng bọn tội phạm có tổ chức của hắn cũng đến từ nhiều gia đình khác nhau. Hắn không bảo kê riêng cho yakuza gumi được biết nào. Hắn là một kẻ hành nghề tự do, một kẻ đứng về cả hai phía, kết nối với nhiều thế giới nhưng là chẳng là một phần của thế giới nào.
Giống tôi.
Dường như hắn thích các quán bar có tiếp viên nữ. Hắn đã bị nhìn thấy ở vài chốn xa hoa, nơi hắn tiêu số yên Nhật tương đương hai mươi ngàn đô-la một đêm.
Không giống tôi.
Những kẻ tiêu xài mạnh tay thường được nhớ đến. Trong công việc của tôi, cẩn trọng nghĩa là không bị ghi nhớ. Dấu hiệu của tính bốc đồng? Thiếu kỉ luật? Có thể. Tuy nhiên, không có khuôn mẫu chung cho cách hành xử, chỉ có sự tồn tại của nó. Không có dấu vết để tôi lần theo.
Nhưng có điều gì đó ở đây, điều gì đó trong những sự phô trương định kì đó. Tôi đánh dấu ý nghĩ đó để xem xét lại sau, rồi nhắm mắt lại và cố gắng để gắn kết mọi thứ thành bức tranh lớn hơn.
Những trận chiến. Đó là một đề tài phổ biến. Nhưng thông tin của Tatsu về nơi những trận đấu ngầm diễn ra, thời điểm, và kẻ bảo kê, thì lại rất sơ sài.
Cảnh sát đã phá ngang vài trận, luôn luôn là ở các địa điểm khác nhau. Việc cảnh sát phá ngang các trận đấu có nghĩa là họ không được trả tiền để không làm việc đó. Tiếp theo, điều đó có nghĩa các tay tổ chức sẵn sàng giữ bí mật toàn bộ với cái giá là một vài lần bị can thiệp. Điều này thể hiện sự phán đoán tốt, và có lẽ do tham lam nữa.
Quá tệ, xét từ quan điểm của tôi. Nếu có những khoản lót tay, hẳn đã có những khe hở, những khe hở mà Tatsu lẽ ra sẽ khám phá ra.
Tập trung vào các trận đấu, tôi nghĩ, cố gắng hình dung. Các trận đấu. Không phải công việc với gã này. Hắn là một sát thủ. Đối với hắn, đó là thú vui.
Tiền thưởng sẽ là gì? Anh phải trả bao nhiêu để hai người đàn ông bước vào vòng đấu khi cả hai đều biết rằng sau đó chỉ có một có thể bước đi?
Bao nhiêu khán giả? Họ sẽ trả bao nhiêu để xem hai người đàn ông đánh nhau đến chết? Họ sẽ đặt cược bao nhiêu? Nhà cái sẽ thu bao nhiêu?
Họ sẽ phải giữ cho đám đông ở mức nhỏ. Nếu không tin tức sẽ lọt ra ngoài và cảnh sát sẽ can thiệp.
Những kẻ hăng máu. Những người say mê. Có thể năm mươi người. Thu của họ một trăm, hai trăm ngàn yên mỗi người phí vào cửa. Đặt cược tự do. Rất nhiều tiền sẽ đổi chủ.
Tôi ngả người vào chiếc ghế Aeron, những ngón tay đan vào nhau sau gáy, hai mắt nhắm lại. Trả cho người thắng số tiền yên tương đương hai mươi ngàn đô-la. Kẻ thua được vài ngàn cho các nỗ lực của hắn, nếu còn sống. Vài ngàn cho nhóm giải quyết cái xác nếu hắn tiêu. Tổng phí tổn tối thiểu. Nhà cái nhét túi gần tám mươi ngàn đô-la. Không tệ cho một buổi tối.
Murakami thích đánh nhau. Chết tiệt, giải Pride không đủ cho hắn. Hắn cần hơn thế. Và vấn đề không phải là tiền. Pride, với quảng cáo và truyền hình trả phí, sẽ trả sộp hơn nhiều, cho những kẻ thắng và người thua.
Không. Với gã này đó không phải là tiền. Đó là sự kích thích. Trạng thái cận kề cái chết. Cảm giác hưng phấn mà anh chỉ có thể có được từ việc giết một kẻ đồng thời đang làm tất cả những gì trong khả năng của hắn để giết anh.
Tôi biết cảm giác đó. Nó vừa mê hoặc vừa cự tuyệt tôi. Và, với một số rất ít người, phần lớn là những người có thể sống cả đời và thành thật với bản chất của họ trong tư cách duy nhất là lính đánh thuê dày dạn hàng đầu, thì nó trở thành một cơn nghiện.
Những người này sống để giết chóc. Giết chóc là thứ duy nhất thực tế đối với họ.
Tôi biết một người trong số đó. Người anh em cắt máu ăn thề của tôi, Jake Khùng.
Tôi nhớ lại cách mà Jake Khùng giải tỏa sau khi trở về từ một nhiệm vụ. Hắn sẽ xúc động, không chỉ là tâm trạng mà toàn bộ hệ thống trao đổi chất của hắn đã kích phát và đang chạy rần rần. Anh có thể thấy ánh sáng mờ mờ của hơi nóng thoát ra khỏi cơ thể hắn. Đó là những lúc duy nhất hắn ba hoa. Hắn sẽ kể lại nhiệm vụ diễn ra như thế nào, cặp mắt hắn đỏ ngầu lên, miệng hắn nở một nụ cười điên cuồng.
Hắn sẽ khoe những chiến lợi phẩm. Chỏm tóc* và tai. Những chiến lợi phẩm nói lên: Bọn nó chết! Tao sống!
*[Là mảnh da đầu còn nguyên tóc mà người da đỏ thường cắt của kẻ thù]
Ở Sài Gòn, hắn sẽ trả tiền bia cho tất cả mọi người. Hắn mua gái điếm. Hắn mở các bữa tiệc. Hắn cần một hội ăn mừng cùng hắn. Tao sống! Bọn nó chết và tao còn sống, mẹ kiếp!
Tôi ngồi bật dậy trong ghế và ấn hai bàn tay lên mặt bàn. Tôi mở mắt ra.
Các hóa đơn ở quán bar.
Mày vừa giết người và sống sót. Mày muốn ăn mừng. Chúng trả mày tiền mặt. Mày có thể ăn mừng.
Có vẻ đúng. Tia sáng le lói đầu tiên trong việc hiểu được gã này từ xa, trong việc bắt đầu nắm được những manh mối của thứ tôi cần để tiếp cận hắn.
Hắn yêu những trận đấu. Hắn nghiện cảm giác hưng phấn. Nhưng là một gã nghiêm túc. Một tay chuyên nghiệp.
Truy ngược lại. Hắn sẽ tập luyện. Và không phải ở một dojo thu phí hằng tháng trong khu dân cư nào đó cùng với các chiến binh cuối tuần*. Thậm chí không phải ở một trong những địa điểm nghiêm túc hơn, như Kodokan, nơi các judoka là cảnh sát giữ cho các kĩ thuật của mình được sắc bén. Hắn sẽ cần thứ gì đó, hắn sẽ tìm ra thứ gì đó, sôi nổi hơn.
*[Chiến binh cuối tuần - “weekend warriors” là một từ tiếng lóng để chỉ những người chỉ tham gia các hoạt động tăng cường thể chất vào các dịp cuối tuần (do quá bận rộn)]
Tìm ra nơi đó, và anh sẽ tìm ra hắn.
Tôi làm một cuốc đi bộ dọc theo sông Okawa. Những xà lan chở rác to kềnh càng thiu ngủ một cách vô ý thức và trì trệ trên làn nước xanh. Đám dơi bổ nhào vào người tôi, đuổi theo lũ côn trùng. Vài đứa trẻ đu đưa cần câu cá trên một bức tường bê tông chắn sóng, hi vọng kéo lên được thứ mà chỉ có Chúa mới biết là gì từ chất lỏng đen đặc bên dưới.
Tôi tới một trạm điện thoại công cộng và dùng số điện thoại Tatsu đã cho.
Anh ta nhấc máy ngay hồi chuông đầu tiên.
- Nói chuyện được chứ? - Tôi hỏi anh ta.
- Được.
- Anh chàng của chúng ta tập luyện để đánh nhau. Không phải ở một dojo chính quy.
- Tôi nghĩ đúng là thế.
- Anh có thông tin về địa điểm không?
- Không hơn những gì đã có trong phong bì.
- Ok. Đây là thứ chúng ta đang tìm kiếm. Một chỗ nhỏ. Ba trăm mét vuông, đại loại thế. Không nằm trong một khu dân cư thượng lưu, nhưng cũng không quá sâu trong khu hạ lưu. Kín đáo. Không quảng cáo. Khách quen là dân giang hồ, tội phạm có tổ chức, các kiểu dân đua xe, bọn du côn. Những kẻ nằm trong hồ sơ của cảnh sát. Tiền sử bạo lực. Anh từng nghe đến nơi nào như thế chưa?
- Chưa. Nhưng tôi biết phải kiểm tra ở đâu.
- Bao lâu?
- Một ngày. Có thể ít hơn.
- Đưa bất cứ thứ gì anh tìm được lên bảng tin. Nhắn tin cho tôi khi nào xong.
- Rồi.
Tôi gác máy.
* * *
Tin nhắn đến vào sáng hôm sau. Tôi đến một quán cà phê Internet ở Umeda để kiểm tra bảng tin. Lời nhắn của Tatsu chứa ba thông tin. Đầu tiên là một địa chỉ: cụm 2 khu Asakusa, số 14. Thứ hai, một người đàn ông khớp với dung mạo đáng nhớ của Murakami đã được nhìn thấy ở đó. Thứ ba, gã cử tạ là một trong những người bảo kê cho bất cứ dojo nào hoạt động ở đó. Thông tin đầu tiên cho tôi biết phải đi đâu. Thông tin thứ hai cho tôi biết có thể sẽ đáng để tới đó. Thông tin thứ ba cho tôi ý tưởng làm thế nào để vào được trong đó.
Tôi viết một lời nhắn cho Harry, hỏi liệu cậu ta có thể kiểm tra xem người bạn cử tạ trước đây của tôi có gọi hay nhận cuộc gọi qua di động nào được tháp viễn thông gần địa chỉ ở Asakusa nhất xử lí hay không. Dựa trên thông tin của Tatsu, tôi dự tính câu trả lời sẽ là có. Nếu đúng là thế, việc đó sẽ xác nhận rằng gã cử tạ từng dành thời gian tập ở dojo và sẽ được người ở đó biết đến, trong trường hợp này tôi sẽ sử dụng tên hắn như một lời giới thiệu. Tôi cũng hỏi gần đây Harry có nhận được thông tin gì từ bất cứ nhân viên chính phủ Hoa Kỳ nào không. Tôi tải lời nhắn lên bảng tin của chúng tôi, rồi nhắn tin để cho cậu ta biết nó ở đó.
Một tiếng sau cậu ta nhắn lại cho tôi. Tôi kiểm tra bảng tin và nhận được lời nhắn của cậu ta. Không có lời thăm hỏi nào từ IRS*, kèm theo một biểu tượng mặt cười nho nhỏ cạnh cái tin đó. Và một danh sách các cuộc gọi mà gã cử tạ đã thực hiện được tháp viễn thông cụm 2 khu Asakusa xử lí. Chúng tôi đã có thể tiến hành công việc.
*[IRS hay Internet Revenue Service (Cục Lợi tức Internet) là một cơ quan thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ, có trách nhiệm thu thuế, giải thích và thi hành Luật Doanh thu nội bộ]
Tôi tải lên một lời nhắn cho Tatsu rằng tôi sẽ đi kiểm tra địa điểm đó và sẽ cho anh ta biết những gì tôi tìm ra. Tôi nói mình cần anh ta chống lưng cho Arai Katsuhiko, nhân dạng mà tôi đã sử dụng ở câu lạc bộ của gã cử tạ. Arai-san sẽ phải đến từ ngoại tỉnh, nhờ đó giải thích cho việc anh ta không có các mối liên lạc ở Tokyo. Một thời gian đi tù ở tỉnh nói trên vì hành hung chẳng hạn, đó sẽ là một điểm cộng. Hồ sơ làm công cho một công ty địa phương - việc gì đó thấp kém, nhưng không trực tiếp dưới sự điều khiển của xã hội đen - sẽ là lí tưởng. Bất cứ ai định kiểm tra tôi, và tôi tự tin là - nếu mọi thứ diễn ra đúng như tôi kì vọng - kẻ đó sẽ kiểm tra, sẽ tìm ra câu chuyện đơn giản về một người đàn ông tìm cách bỏ lại quá khứ lầm lỗi sau lưng, tới một thành phố lớn để trốn tránh những kí ức đau lòng, có lẽ để thử một khởi đầu mới.
Tôi lên một chuyến tàu tốc hành muộn và tới nhà ga Tokyo lúc gần nửa đêm. Lần này tôi ở tại Khách sạn Hoàng Gia ở Hibiya, một địa điểm trung tâm khác nơi thiếu đi những tiện nghi và sự sang trọng của những khách sạn như Seiyu Ginza hay Chinzanso hay Marunouchi Bốn Mùa, nhưng được bù lại bằng quy mô, sự ẩn danh, và nhiều lối ra vào. Khách sạn Hoàng Gia cũng là nơi cuối cùng tôi ở cùng với Midori, nhưng tôi chọn nó vì an toàn, không phải vì tình cảm.
Sáng hôm sau tôi kiểm tra bảng tin. Tatsu đã cho tôi nhân dạng mà tôi muốn, cùng với vị trí một dãy tủ giữ đồ ở nhà ga Tokyo, và từ một trong những ô tủ đó tôi có thể lấy được chiếc thẻ ID tương ứng. Tôi đọc bức thư điện tử cho tới khi thuộc lòng, rồi xóa nó đi.
Tôi thực hiện một LPT vòng quanh nhà ga Tokyo, nơi tôi lấy được những giấy tờ tôi cần, và kết thúc ở nhà ga Toranomon trên tuyến Ginza, tuyến tàu điện ngầm cổ nhất Tokyo. Từ đó tôi lên một chuyến tàu tới Asakusa. Asakusa, ở phía đông bắc thành phố, là một phần những gì còn lại của shitamachi, khu thương mại, vùng hạ lưu của Tokyo xưa.
Cụm 2 khu Asakusa nằm ở phía tây bắc nhà ga, vì thế tôi tiến đến đó qua Sensoji, khu quần thể Đền Asakusa. Tôi bước qua cổng Kaminarimon, Lôi Môn, được truyền tụng là để bảo vệ Kannon, vị thần của sự từ bi mà khu quần thể đền thờ này thờ kính. Cha mẹ tôi đã đưa tôi tới đây hồi tôi năm tuổi, và khung cảnh chiếc đèn lồng đỏ cao hơn ba mét của Lôi Môn là một trong những kỉ niệm đầu tiên của tôi. Mẹ tôi khăng khăng muốn đứng xếp hàng để mua kaminari okoshi, món bánh ngọt đặc sản của Asakusa, ở quán Tokiwado, nơi có các loại bánh được tiếng là ngon nhất. Cha tôi phàn nàn về chuyện phải chờ đợi vì một thứ vớ vẩn chỉ để hấp dẫn du khách như thế nhưng bà mặc kệ ông. Những chiếc bánh như thể một điều kì diệu đối với tôi - giòn và ngọt - và mẹ tôi cười vang khi chúng tôi ăn, hỏi tôi, “Oichi, ne? Oichi, ne?” Ngon đúng không? Ngon đúng không?, cho tới khi cha tôi phải chịu thua và tham gia.
Tôi dừng lại trước Đền Sensoji và nhìn lại khoảng sân phía sau. Xung quanh tôi quay cuồng tiếng ồn ào thường ngày của những du khách phấn khích, của những người bán hàng rong đang hô hào chèo kéo khách “Hai, irasshiae! Hai, dozo!”, của bọn trẻ học sinh đang kêu ầm lên vì bị hàng đàn chim bồ câu sống trong khu quần thể ùa vào. Ai đó đang lắc một chiếc ống bói vận may omikuji, đựng đầy những đồng tiền một trăm yên được gửi gắm trong niềm hi vọng những tin tức tốt lành. Khói hương từ chiếc lư đồng okoro khổng lồ thoảng bay qua tôi, vừa ngọt lại vừa cay trong làn không khí mát lạnh. Từng nhóm người đứng quanh lư hương, kéo làn khói vào những phần cơ thể mà họ hi vọng thanh tẩy bằng những đặc tính được cho là màu nhiệm. Một ông già đội mũ câu cá kéo từng làn khói lớn vào háng, cười một cách khoái trá khi làm thế. Một hướng dẫn viên du lịch cố gắng sắp xếp để chụp một bức ảnh nhóm, nhưng những làn sóng người qua lại liên tục phá đám cú nháy ảnh. Bản thân cổng Hozomon khổng lồ đứng lặng im qua tất cả, trầm tư, trang nghiêm, đã quen bởi hàng thập kỉ chịu đựng tiếng ồn ào của du khách, của những người thợ chụp ảnh cuồng loạn, phân chim tích trên mái vòm cổng như sáp của những cây nến tế.
Tôi hướng về phía tây. Tiếng ồn ào lùi xa dần, để rồi bị thay thế bởi một sự tĩnh lặng kì lạ, u sầu treo lơ lửng trên toàn khu vực như khói sương. Ngoài hoạt động duy trì ở Sensoji nhờ du khách, có vẻ Asakusa đã bị ảnh hưởng mạnh bởi sự suy tàn kéo dài hàng thập kỉ của Nhật Bản.
Tôi bước đi, đầu xoay từ trái qua phải, ghi nhận cảnh vật xung quanh. Công viên giải trí Hanayashiki nằm hờn dỗi bên tay phải, vòng quay Ferris trống không xoay tròn một cách vô ý thức với bầu trời xám ngắt trên cao. Lối đi bộ phía xa xa bị chiếm hữu phần lớn bởi vài con chim bồ câu lang thang tới từ khu quần thể đền thờ gần đó, tiếng đập cánh đứt quãng của chúng vang vọng trong sự tĩnh lặng xung quanh. Đây đó là những đám người vô gia cư đang hút những điếu thuốc nhặt được. Một người đưa thư rút vài chiếc phong bì ra từ phía sau thùng thư và gấp gáp lên đường, như thể sợ rằng anh ta có thể lây phải bất cứ thứ thứ bệnh dịch nào đã làm suy giảm dân cư của khu vực này. Người chủ một quán cà phê ngồi lọt thỏm sau cơ sở kinh doanh vắng vẻ của ông ta, chờ đợi những khách hàng quen từ lâu đã biến mất. Ngay cả những quầy máy chơi pachinko cũng trống không, tiếng nhạc vui tươi một cách giả tạo phát ra từ các lối vào nghe thật kì dị và châm biếm.
Tôi rẽ ở phía cuối con phố mà tôi đang tìm kiếm. Một thằng nhãi người Nhật to con với mái đầu cạo trọc, cặp mắt giấu sau đôi kính đen, đang tựa người vào tường. Tôi xếp hắn vào loại lính gác. Như dự tính, ở đầu kia của con phố, là một tay có cùng nhiệm vụ.
Tôi bước qua gã thứ nhất. Sau vài bước chân tôi ngẫu nhiên quay đầu lại để nhìn hắn. Hắn đang quan sát tôi, và nói vào một máy điện đàm. Đây là một con phố yên tĩnh và tôi trông không giống một trong những người đã về hưu sống trong khu phố. Cuộc gọi chắc rất quen thuộc: có người đang đến, tôi không biết là ai.
Tôi tiếp tục bước đi và tìm thấy địa chỉ đó - một tòa nhà hai tầng không có gì đặc biệt với mặt tiền bằng xi măng. Cửa ra vào đã cũ và được đúc bằng kim loại dày. Ba hàng bu lông lớn chạy ngang qua nó, có lẽ được gắn vào để gia cố các thanh ngang ở mặt bên kia. Những hàng bu lông đó muốn nói Không tiếp khách.
Tôi nhìn quanh. Lọt vào mắt tôi là một túp lều lợp tôn sóng màu xanh da trời, xiêu vẹo, các khung cửa sổ lõm vào như cặp mắt hõm sâu của một xác chết. Bên phải là một cửa hiệu giặt là bằng tiền xu bé tẹo, ba máy giặt và ba máy vắt được sắp đối diện nhau thành hàng gọn gàng  như thể được xếp ở đó để mang đi vứt đi. Các bức tường sơn màu vàng, trang trí bằng những bức tranh đang bong ra. Bột giặt tràn ra và đầu mẩu thuốc lá vung vãi trên sàn nhà. Một chiếc máy bán hàng tự động treo nghiêng trên tường, quảng cáo xà phòng giặt với giá năm mươi yên một gói tới những khách hàng có lẽ nay đã ra ma.
Có một nút bấm màu đen nhỏ đặt thụt trong một viên gạch màu bùn bên phải cửa ra vào tòa nhà. Tôi ấn nó và chờ đợi.
Một chớp cửa thông gió mở ra ở tầm ngang đầu. Một cặp mắt nhìn tôi qua mớ dây điện lộn xộn ở phía bên kia. Cặp mắt hơi nổi vằn đỏ. Chúng nhìn tôi, im lặng.
- Tôi đến tập, - tôi nói bằng thứ tiếng Nhật cộc lốc.
Một giây trôi qua.
- Ở đây không có tập luyện gì cả, - là câu trả lời.
- Tôi có tứ đẳng judo. Chỗ của anh được một người bạn giới thiệu. - Tôi nói tên của gã cử tạ đã chết.
Cặp mắt đằng sau chớp cửa nhíu lại. Chớp cửa đóng vào. Tôi chờ đợi. Một phút trôi qua, rồi năm phút nữa. Chớp cửa mở ra lần nữa.
- Ishihara-san giới thiệu câu lạc bộ này lúc nào? - Chủ nhân của một cặp mắt mới hỏi.
- Khoảng một tháng trước.
- Anh mất nhiều thời gian để đi tới đây đấy.
Tôi nhún vai. - Tôi phải ra ngoài thành phố.
Cặp mắt quan sát tôi.
- Ishihara-san thế nào?
- Lần cuối tôi gặp, thì anh ấy khỏe.
- Lần đó là lúc nào?
- Khoảng một tháng trước.
- Tên anh là gì?
- Arai Katsuhiko.
Cặp mắt không chớp.
- Ishihara-san chưa bao giờ nhắc tới tên anh.
- Anh ấy phải làm thế à?
Vẫn không chớp mắt.
- Câu lạc bộ này có một quy tắc. Nếu một thành viên đề cập câu lạc bộ với một người ngoài, hắn cũng nhắc tới người đó với câu lạc bộ.
Tôi cũng không chớp mắt.
- Tôi không biết tục lệ của các anh. Ishihara-san bảo tôi đây sẽ là địa điểm phù hợp với tôi. Tôi có thể tập ở đây hay không nào?
Cặp mắt nhìn xuống túi đồ tập tôi đem theo.
- Anh muốn tập bây giờ?
- Vì thế tôi mới ở đây.
Chớp cửa đóng lại. Giây lát sau cánh cửa mở ra.
Có một sảnh chờ nhỏ phía sau nó. Xây bằng gạch xi măng xỉ than. Lớp áo màu xám đang bong tróc. Người chủ cặp mắt kiểm tra tôi qua quýt. Hắn dường như không ấn tượng. Bọn chúng không bao giờ tỏ ra.
- Anh có thể tập, - hắn nói.
Hắn đi chân không, mặc quần soóc và áo thun không cổ. Tôi ước tính hắn cao khoảng mét tám và nặng tám mươi kí lô. Thuộc dạng vạm vỡ. Mái tóc muối tiêu cắt ba phân, tuổi chừng sáu mươi. Đã qua thời trai trẻ ghê gớm, nhưng vẫn là một tay dữ dằn không chút nông nổi, không điệu bộ.
- Sore wa yokatta, - tôi trả lời. Tốt.
Đứng sau phía bên phải tay vạm vỡ là một gã nhỏ con hơn, mẫu người dẻo dai, nước da sậm màu so với một người Nhật Bản, đầu cạo đến chân tóc lởm chởm đen. Tôi nhận ra cặp mắt vằn đỏ - chính cặp mắt ban đầu đã nhìn tôi qua mớ dây điện. Dù hơi nhẹ cân hơn tay thứ nhất, gã này tỏa ra thứ gì đó mãnh liệt và không thể đoán trước được.
Những gã nhỏ con có thể rất nguy hiểm. Không dựa được vào kích thước để đe dọa, nên họ phải học cách chiến đấu. Tôi biết điều đó vì trước khi trở nên to con hơn trong quân đội, tôi là một kẻ như thế.
Sảnh chờ sát kề một căn phòng hình chữ nhật, khoảng 6x9 mét. Nó có mùi mồ hôi cũ kĩ. Căn phòng được phủ bằng một tấm thảm tatami dùng trong judo. Nửa tá những tay cơ bắp đang tập một kiểu gọi là randori, hay tập luyện tự do. Chúng mặc quần short và áo thun không cổ, giống tay đã mở cửa, không mặc judogi. Ở một góc tấm thảm, một người đang tập luyện các đòn xuống chỏ và đầu gối trên một hình nhân nằm sõng soài. Đầu, cổ và ngực của hình nhân được quấn đầy băng dính để gia cường.
Ở một góc khác, hai bao tập nặng đu đưa trên những sợi xích dài từ những thanh rui trần. Bao tập lớn, bảy mươi kí lô hoặc hơn, kích cỡ bằng một người. Hai gã cổ dày với những mái tóc xoăn kiểu yakuza đang tập với chúng, không găng, không quấn băng, những cú đánh của chúng không nhanh nhưng chắc nịch, âm thanh bốp! bốp! của đầu nắm tay đánh vào da vang dội trong không gian bị bao kín.
Việc không quấn băng cổ tay và ngón tay làm tôi thấy hứng thú. Võ sĩ boxing quấn băng để bảo vệ bàn tay của họ. Nhưng anh sẽ bị phụ thuộc vào lớp băng, và rồi anh sẽ không biết cách đánh ai nếu không có nó. Ngay cả Mike Tyson cũng từng một lần tự làm gãy tay khi đánh một người bằng tay không trong một vụ cãi lộn lúc tối muộn. Trong một trận chiến thực sự, nếu làm gãy tay mình, anh thua là chắc. Nếu anh đang chiến đấu vì mạng sống của mình, thì sẽ mất luôn cả nó nữa.
Và không mặc judogi. Việc đó cũng thú vị, đặc biệt là với một Nhật Bản yêu truyền thống. Những người theo chủ nghĩa truyền thống sẽ nói với anh rằng tập luyện với judogi thì thực tế hơn không mặc, vì dù sao, người ta hiếm khi đánh nhau mà không mặc gì. Nhưng quần áo hiện đại - ví dụ như áo thun không cổ - giống không mặc gì hơn là giống với bộ võ phục bền chắc, có thắt đai. Do đó nếu chỉ tập luyện trong bộ võ phục thì dù mang tính truyền thống, chưa hẳn đã là đỉnh cao của thực tế.
Tất cả những dấu hiệu đều cho thấy đây là những kẻ nghiêm túc.
- Cứ thay đồ trong phòng cất đồ, - tay Muối tiêu bảo tôi. - Khởi động xong anh có thể làm vài randori. Bọn tôi sẽ xem tại sao Ishihara-san lại nghĩ đây sẽ là nơi tốt đối với anh.
Tôi gật đầu và đi về phía phòng cất đồ. Đó là một không gian ẩm ướt với sàn nhà phủ thảm xám bẩn thỉu. Nửa tá tủ sắt bị đập méo mó được đặt ở cả hai bên một cánh cửa trông cứng chắc, khóa kín bởi một ổ khóa mã. Tôi thay quần áo bằng chiếc quần judo cotton và áo thun không cổ, bỏ lại áo khoác trong túi. Tốt nhất là nên hòa nhập.
Tôi trở lại phòng chính và tập kéo giãn cơ. Không ai có vẻ chú ý đặc biệt đến tôi - ngoại trừ gã da sậm vẫn quan sát trong khi tôi khởi động.
Sau khoảng mười lăm phút hắn bước lại phía tôi. “Randori”, hắn hỏi, với một tông giọng nghe giống một lời thách thức hơn là lời mời.
Tôi gật đầu, ngoảnh mắt tránh cái nhìn chòng chọc khó chịu của hắn. Trong tâm trí tôi, trận đấu đã bắt đầu rồi, và tôi thích đối thủ đánh giá thấp tôi hơn.
Tôi theo hắn vào giữa tấm thảm, vừa hơi hiền lành, vừa hơi hăm dọa.
Chúng tôi đi vòng quanh nhau, cả hai tìm kiếm một sơ hở. Trong tầm nhìn ngoại biên của mình tôi thấy những người khác đã dừng tập và đang quan sát.
Tôi gạt tay phải hắn bằng tay trái và cúi xuống dưới nó để ra đòn hụp-thấp, một cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả từ những ngày tập đô vật thời trung học ở Mỹ. Nhưng hắn rất nhanh: hắn hạ tay xuống, cúi mình, và né theo chiều kim đồng hồ, tránh khỏi thế tiếp cận của tôi. Tôi ngay lập tức chuyển hướng tấn công sang bên trái của hắn, nhưng hắn cũng tránh được phía đó. Tôi đang nhử đòn, dò xét thế thủ của hắn, chưa cho hắn thấy tôi có thể làm gì.
Tôi thôi tấn công và bắt đầu vươn thẳng người. Khi làm vậy, tôi thấy hông hắn xoay vào, bắt được một sơ hở bên phải đầu tôi. Móc từ bên trái. Ái chà. Tôi vung tay phải vào chỗ hở và hụp đầu về phía trước. Cú đá vút qua gáy tôi, rồi thu về ngay lập tức.
Tôi bước nhanh một bước về phía sau.
- Kore ga randori nanoka? Bokushingu janaika? - Tôi hỏi hắn. Chúng ta đang tập randori, hay boxing?
Tôi trông có vẻ lo lắng hơn thực tế. Tôi đã từng tập boxing. Không phải lúc nào cũng dùng găng.
- Đây là cách bọn tao tập randori ở đây, - hắn trả lời, cười khinh bỉ.
- Không luật lệ à? - Tôi hỏi, giả vờ lo lắng. - Tôi không chắc là thích thế.
- Mày không thích, thì đừng tập ở đây, judoyaro, - hắn nói, và tôi nghe thấy vài tràng cười.
Tôi nhìn quanh như thể thiếu tự tin, nhưng thực ra chỉ là một cuộc kiểm tra thường lệ những thứ xung quanh. Adrenaline gây ra ảo ảnh đường ống*. Kinh nghiệm và khát khao sống sót cải thiện nó. Những gương mặt xung quanh tatami có vẻ thích thú, không phải nguy hiểm.
*[Ảo ảnh đường ống - Tunnel Vision hay còn có tên Kalnienk Vision là ảo giác như thể mọi thứ ở vùng biên mờ nhòe đi, chỉ giữ lại hình ảnh ở trung tâm, tạo ra hiệu ứng như nhìn qua một hình ống tròn thật dài]
- Tôi không thật quen với những chuyện như này, - tôi nói.
- Thế thì biến mẹ nó ra khỏi tatami đi, - hắn chửi.
Tôi lại nhìn quanh. Có vẻ không phải một sự sắp đặt. Nếu là sắp đặt, chúng sẽ không vờn tôi lần lượt một chọi một.
- Ok, - tôi nói, quắc mắt để trông như một gã mềm yếu cố gắng giống một gã cứng rắn. Đóng vai một nạn nhân của sự kiêu hãnh ngu ngốc. - Chơi theo cách của mày.
Chúng tôi lại thủ thế. Tôi ghi nhớ những đòn nhử của hắn. Hắn thích bắt đầu đòn thế bằng chân phải. Thời gian ra đòn của hắn rất đều đều - một điểm yếu mà sự nhanh nhẹn của hắn có lẽ luôn luôn bù lại được.
Hắn thích những cú đá thấp. Chân phải trụ lên trước, đá vòng trái, trở về thế thủ. Tôi nhận hai cú như thế vào đùi phải. Đau nhói. Không vấn đề.
Chân phải lại đặt lên trước. Khi nó còn cách một vài milimét trên tatami và hắn sắp trụ nó xuống hoàn toàn, tôi lao thẳng vào, tay phải móc cổ hắn từ phía sau, tay trái phóng vào ngay sau mắt cá chân phải của hắn. Tôi sử dụng cổ hắn để gánh trọng lượng của tôi, kéo đầu hắn xuống và phá thế thăng bằng. Tôi xô mạnh người hắn, khuỷu tay đè lên ngực hắn. Mắt cá chân hắn bị chặn lại và thân thể hắn không còn đường nào khác hơn là rơi trở lại tatami.
Tôi giữ mắt cá chân khi hắn ngã xuống, giật nó lên và xoay mình theo chiều đồng hồ để tôi đứng quay mặt về cùng hướng hắn vừa đứng. Tôi ngồi hai bên chân hắn và giữ mắt cá chân hắn trước mặt tôi. Trong một chuyển động uyển chuyển tôi kẹp nó vào bắp giữa cánh tay phải, vòng những ngón tay trái quanh ngón chân hắn, và giật mạnh xuống hướng ngược lại.
Mắt cá chân hắn vỡ với một tiếng rắc như âm thanh một cái vồ đập vào gỗ cứng. Được giải phóng khỏi những gì chằng giữ, bàn chân hắn ngả một cách man rợ sang phải. Những sợi gân và dây chằng bong toạc ra.
Hắn phát ra một tiếng thét cao vút và cố dùng chân còn lại để đá tôi đi. Nhưng những cú đá đó rất yếu ớt. Hệ thần kinh của hắn đang tràn ngập cơn đau.
Tôi đứng dậy và quay mặt lại đối diện với hắn. Mặt hắn xanh lè và lấm tấm mồ hôi dầu kiểu tao-sắp-ói. Hắn đang giữ đầu gối cái chân tàn hủy và nhìn đến lồi cả mắt ra vào bàn chân đang đu đưa ở cuối cẳng chân. Hắn hít vào một hơi, rồi sâu hơn, rồi phát ra một tiếng rên dài.
Chấn thương mắt cá chân rất đau đớn. Tôi đã thấy những bàn chân mất đi vì đạp phải mìn.
Hắn hít vào một hơi nữa và lại gào thét. Nếu chỉ có hai chúng tôi, tôi đã đập vỡ cổ họng hắn chỉ để làm hắn câm mồm lại. Tôi nhìn quanh căn phòng, tự hỏi liệu có bị rắc rối với đồng bạn của hắn không.
Một trong số chúng, một gã cao, chân dài với vóc dáng của Adonis và mái đầu đinh nhuộm oxi già, hét lên, “Oi!” và bắt đầu tiến về phía tôi. Này!
Tay Muối tiêu chắn trước mặt hắn.
- Ii kara, ii kara, - hắn nói, đẩy Adonis lui lại. Đủ rồi.
Adonis lùi lại, nhưng tiếp tục ném về phía tôi một cái nhìn thù địch.
Muối tiêu quay ra và bước lại nơi tôi đang đứng. Hắn mang một biểu hiện vui thú ôn hòa không hẳn là một nụ cười mỉm.
- Lần sau, kiểm soát một chút khi anh tung ra một đòn khóa khớp, - hắn nói, giọng nghe rất-hiểu-chuyện.
Gã da sậm quằn quại. Adonis và mấy gã nữa tới giúp hắn.
Tôi nhún vai.
- Tôi đã định thế. Nhưng hắn bảo “không luật lệ”...
- Đúng vậy. Hắn có lẽ sẽ là gã cuối cùng đề nghị điều đó với anh.
Tôi nhìn hắn.
- Tôi thích chỗ này. Mọi người có vẻ nghiêm túc.
- Bọn tôi nghiêm túc.
- Tôi tập ở đây được chứ?
- Giữa bốn giờ và tám giờ mỗi chiều. Hầu như mọi buổi sáng nữa, anh có thể tập từ tám giờ tới trưa. Có lệ phí, nhưng chúng ta sẽ nói chuyện đó lúc khác.
- Ông quản lí chỗ này?
Hắn mỉm cười.
- Đại loại thế.
- Tôi là Arai, - tôi nói, hơi cúi chào.
Ai đó mang tới một cái cáng. Gã da sậm đang nghiến chặt răng và rên rỉ. Kẻ nào đó mắng hắn:
- Urusei na! Gaman shiro! Ngậm mồm vào! Chịu đau đi!
- Washio, - hắn nói, cúi chào lại. - Và nhân tiện, anh có biết là mới đây Ishihara-san đã chết không?
Tôi nhìn hắn.
- Không, tôi không biết.
Hắn gật đầu.
- Một tai nạn ở phòng tập của cậu ấy.
- Tôi rất tiếc khi nghe chuyện đó. Phòng tập vẫn mở chứ?
- Một trong số phụ tá của cậu ấy giờ đang quản lí nó.
- Tốt. Dù tôi có cảm giác là từ giờ trở đi đằng nào tôi cũng sẽ dành nhiều thời gian ở đây hơn.
Hắn nhếch miệng cười.
- Yoroshiku. Mong thế.
- Yoroshiku.
Tôi quanh quẩn thêm hai tiếng nữa. Adonis thỉnh thoảng nhìn tôi gườm gườm tuy nhiên giữ khoảng cách. Murakami không hề xuất hiện.
Những câu hỏi của Washio về cái chết của Ishihara không bất ngờ cũng không gây lo lắng đặc biệt gì. Cái chết của gã cử tạ nhìn giống một tai nạn. Ngay cả nếu chúng tự hỏi liệu sự thật có gì khác nữa không thì cũng không có thêm lí do gì để nghi ngờ sự liên quan của tôi so với bất cứ ai từng tập ở đó.
Tất nhiên, nếu nhận được những câu tra hỏi sâu hơn về chủ đề đó, đặc biệt là bất cứ câu hỏi sắc bén nào, tôi có thể thay đổi đánh giá của mình.
Tôi lại đến vào hôm sau, và hôm sau nữa, nhưng vẫn không một dấu hiệu. Việc này đối với tôi không sao cả. Cảm giác thật tốt khi được trở lại Tokyo và tôi nghĩ mình có thể duy trì thêm vài ngày nếu tiếp tục cẩn trọng. Bên cạnh đó, tập luyện khi làm việc thật tuyệt. Không hẳn là cuộc sống lành mạnh của một thầy giáo aerobic, nhưng hơn hẳn việc ngồi trong một chiếc xe tải cả đêm để theo dõi, uống cà phê lạnh và tiểu vào một chiếc cốc nhựa.
Vào ngày thứ tư, tôi ghé qua lúc chiều. Ba dịp liên tiếp ở cùng một nơi trong cùng một thời gian là giới hạn mà hệ thần kinh hoang tưởng của tôi cho phép. Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều gương mặt quen thuộc. Một vài trong số những nhân vật này tập luyện hai lần một ngày. Tôi tự hỏi họ làm gì để kiếm sống. Tội phạm, có thể. Làm sếp của chính mình. Thời gian linh động.
Tôi chào hỏi Washio và vài kẻ đã dần quen biết, rồi thay quần áo trong phòng cất đồ. Một bao tập nặng không có người tập, và tôi bắt đầu tập các đòn phối hợp cùi chỏ và đầu gối. Rèn luyện một phút tấn công, ba mươi giây nghỉ. Tôi dùng một đồng hồ nhỏ trên tường để tự căn giờ.
Tốc độ và sức mạnh của tôi vẫn còn tốt. Sức chịu đựng cũng vậy. Thời gian phục hồi không còn được như trước, nhưng một thực đơn đều đặn với amino acid lỏng cho cơ bắp, glucosamine cho khớp xương, và cognamine cho phản xạ đều có vẻ có ích.
Trong một khoảng thời gian nghỉ, tôi cảm thấy mọi người dừng tập, cảm thấy sự chú ý của họ chuyển sang chỗ khác. Không khí trong phòng thay đổi.
Tôi nhìn qua và thấy một người mặc một bộ vest cổ hai ve màu xanh nước biển không mấy vừa vặn. Nó có hai ve áo rộng và hai vai áo được lót cứng thái quá. Kiểu quần áo có ý đồ nói lên một thái độ nghênh ngang ngay cả khi anh đang đứng yên. Hắn được chắn hai bên bởi hai gã lực lưỡng, ăn vận đời thường hơn, với mái tóc xoăn yakuza. Từ tầm vóc và thái độ tôi đoán chúng là vệ sĩ.
Chúng chắc hẳn vừa mới vào. Gã mặc vest đang nói chuyện với Washio, người chú ý lắng nghe một cách kín đáo và có phần không thoải mái.
Tôi quan sát, và nhận ra mọi người khác cũng đang làm điều tương tự. Gã mới đến không thể cao quá 1 mét 80, nhưng có một cần cổ đồ sộ và tôi ước lượng hắn chừng tám mươi lăm, chín mươi kí lô. Hai vành tai hắn bị biến dạng với hàng đống sẹo lồi - nổi bật ngay cả ở Nhật Bản, nơi những vết sẹo như thế không phải chuyện hiếm gặp giữa những judokakendoka.
Washio đang ra dấu về nhiều người khác nhau đang tập luyện. Kẻ mới đến đang gật đầu. Có vẻ như một lời tóm tắt.
Khoảng nghỉ ba mươi giây đã kết thúc. Tôi chuyển sự chú ý trở lại bao tập. Chỏ trái. Móc phải. Đầu gối trái. Lặp lại.
Khi chuỗi một phút nối tiếp đã xong tôi quay ra nhìn. Washio và gã mới đến đang bước về phía tôi. Hai gã vệ sĩ vẫn đứng cạnh cửa ra vào.
- Oi, Arai, - Washio gọi khi chúng còn cách tôi vài mét. - Chotto mate. Tạm nghỉ một phút.
Tôi nhặt một chiếc khăn tắm dưới sàn lên và lau mặt. Chúng đến gần hơn và Washio ra dấu về phía người đứng cạnh hắn.
- Tôi muốn giới thiệu anh với một người, - hắn nói. - Một trong những người bảo trợ cho dojo này.
Tôi đã biết hắn là ai. Qua tóm tắt của Tatsu, gò má trái bị san phẳng, với mặt bên kia phô bày thứ giống như vết lõm cỡ quả bóng golf, lỗ chỗ mép nhọn như răng cưa. Tôi tưởng tượng cảnh một con chó cắn chặt hắn ở đó và cố giữ dù hắn xô con vật đi.
Điều gì đó cho tôi biết con chó đã gặp kết cục còn tồi tệ hơn.
Tôi cảm thấy tóc sau gáy dựng đứng lên, một đợt sóng adrenaline tươi mới tràn vào mạch máu của tôi. Phản ứng đánh-hay-chạy của tôi được mài giũa rất tốt, và sự hiện diện của gã này khiến nó réo lên.
- Arai desu, Tôi là Arai. - tôi nói, hơi cúi chào.
- Murakami da, Tao là Murakami, - hắn nói với một cái gật đầu, giọng hắn không hơn một tiếng gầm gừ bao nhiêu. - Washio bảo tao mày rất chiến. - Hắn trông có vẻ nghi ngờ.
Tôi nhún vai.
- Tối mai có một trận đấu, - hắn nói tiếp. - Phần lớn mọi người trả một trăm ngàn yên để tham dự, nhưng thành viên dojo vào miễn phí. Có hứng thú không?
Một trăm ngàn yên - tôi đã tính toán đúng về vấn đề kinh tế của những chuyện này. Và nếu gã này thoải mái đưa ra một lời mời, ai đó hẳn đã kiểm tra về tôi. Tôi mừng là đã có Tatsu chống lưng cho nhân dạng Arai.
Tôi lại nhún vai và nói:
- Chắc chắn rồi.
Hắn nhìn tôi, ánh mắt thẳng đờ, như thể tập trung vào điểm nào đó phía sau và xuyên qua tôi.
- Trận đấu bắt đầu đúng mười giờ. Mọi người đến đó sớm một chút để đặt cược. Bọn tao mở trận này ở Higashi Shinagawa, cụm 5. Chỉ cần đi qua con kênh từ đảo Tennozu.
- Khu bến tàu? - Tôi hỏi.
Khu vực đó là một phần của Tokyo nhưng không phải là nơi tôi từng lui tới khi còn sống trong thành phố. Nó nằm ở phía đông nam Tokyo, địa chỉ của những nhà máy chế biến thịt và nơi xả nước thải của các cơ sở chạy máy hơi nước và các kho bán buôn, tất cả được nuôi và vỗ béo nhờ hải cảng lớn của Tokyo. Tôi đoán điểm hấp dẫn ở đây là nó sẽ bị bỏ hoang về đêm.
- Đúng vậy. Địa chỉ là số tám-hai-lăm. Một kho hàng với kí hiệu “vận tải” sơn trong một vòng tròn lớn trên cánh cửa. Đối diện Câu lạc bộ Du thuyền Quý cô Pha lê. Nằm bên tay phải khi mày đi từ đường ray tàu hỏa đến. Sẽ dễ tìm thôi.
- Quan trọng là anh không được nói với bất cứ ai về việc này, - Washio thêm vào. - Đằng nào cũng chỉ có những người được mời tham gia vào, và bọn tôi không muốn rắc rối từ phía cảnh sát.
Murakami gật đầu một cái, công nhận quan điểm của Washio như thể nó cũng chỉ vừa đủ đáng để nhắc tới thôi. Tôi suy ra Murakami không quan tâm chi tiết ai có mặt trong những chuyện này, miễn là có một trận đấu. Washio, mặt khác, có lẽ là chịu trách nhiệm các vấn đề hậu cần và sẽ phải gánh trách nhiệm nếu có các vấn để xảy ra.
- Anh có đấu không? - Tôi hỏi, nhìn Murakami.
Lần đầu tiên hắn mỉm cười. Những chiếc răng cửa quá khổ và quá đều đặn, và tôi nhận ra hắn đang đeo một bộ cầu răng xấu xí.
- Thỉnh thoảng tao đánh. Nhưng không phải ngày mai, - hắn nói.
Tôi chờ xem còn gì nữa không. Không có.
Tôi cân nhắc nhanh chóng liệu việc này có phải sự sắp đặt. Tuy nhiên, nếu chúng nhắm vào tôi, đây đã là một địa điểm rất hoàn hảo. Chúng không cần phải thuyết phục tôi tới nơi nào khác.
- Tôi sẽ đến, - tôi nói.
Murakami nhìn tôi thêm một thoáng, nụ cười chưa tắt, ánh mắt vẫn thẳng đờ, rồi bước đi. Washio đi theo.
Tôi thở ra một hơi dài và nhìn đồng hồ. Khi kim giây chỉ số mười hai tôi lại đánh vào bao tập, giải phóng lượng adrenaline dư thừa mà sự hiện diện của Murakami đã kích thích.
Hắn là một kẻ đáng sợ, không còn nghi ngờ gì hết. Và không chỉ là gương mặt tàn hại. Ngay cả không có đám sẹo, tôi vẫn sẽ nhận ra hắn.
Hắn toát ra cùng thứ không khí chết chóc mà tôi đã biết, và kính nể, ở Jake Khùng. Những vết sẹo bề ngoài chỉ là phần nhỏ nhất của những gì đặc trưng cho bản chất của hắn.
Tôi không muốn cố hạ gã này bằng thứ gì khác kém hơn một khẩu súng bắn tỉa. Một việc khó có thể nhầm lẫn với cái chết bởi nguyên nhân tự nhiên.
Quỷ quái thật, tôi nghĩ. Nguy hiểm là một chuyện. Vụ này là một kiểu tự sát. Nếu Tatsu muốn hắn chết như thế, tôi đề xuất một tiểu đội sáu người và súng ống hỏa lực. Dù tôi muốn làm gì đó để mua lấy thiện ý tiếp tục của Tatsu, nhưng vụ này không đáng.
Tôi tự hỏi ông bạn cũ của tôi có đe dọa tôi hay không. Tôi không nghĩ vậy. Và nếu anh ta làm vậy, tôi chỉ việc xúc tiến kế hoạch Rio. Những chuẩn bị chưa hoàn toàn xong xuôi, nhưng việc di chuyển vội không phải một phương án tồi khi kẹt giữa một bên là nhiệm vụ gần như tự sát và một bên là áp lực từ Keisatsucho của Tatsu.
Nhưng tôi sẽ tới trận đấu tối mai và thu thập bất cứ tin tình báo nào có thể. Tôi sẽ cung cấp nó cho Tatsu như một giải thưởng an ủi với sự rút lui của tôi.
Kim giây của đồng hồ chạy qua con số mười hai. Tôi tung một đòn đánh chỏ mạnh mẽ cuối cùng và bước lui lại. Dòng adrenaline phần lớn đã được xả hết, nhưng tôi vẫn thấy căng thẳng. Thường thì một buổi tập luyện có thể giúp giải quyết chuyện đó. Nhưng không phải lần này.
Tôi tìm được một người bạn tập và tập các đòn đá trong một giờ nữa. Sau đó tôi thả lỏng và đi tắm. Tôi thấy mừng vì chuyện này sắp kết thúc.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét