Sát Thủ Tokyo
Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Khánh Vân
Nhà xuất bản Văn Học - 2014
16
Một tiếng sau, tôi nhận được tin nhắn của
Harry, và chúng tôi gặp nhau ở tiệm cà phê Doutor như lần hẹn trước. Cậu ta
đang đợi sẵn ở đó khi tôi tới.
- Nói xem cậu đã có được gì rồi nào, - tôi
nói.
- Hãy giải thích sự “kì lạ” đó xem.
- Ờ, trước tiên là, cái đĩa này được cài một
chương trình bảo vệ quản lí sao chép khá tân tiến.
- Cậu có thể bẻ
nó không?
- Đó không phải là điều tôi đang nói đến.
Quản lí sao chép khác với mã hóa. Cái đĩa này không thể được sao chép, không thể
được gửi bằng phương tiện điện tử, không thể được đưa lên mạng.
- Ý cậu là cậu chỉ có thể sao chép được một
bản từ bản gốc?
- Một bản hay nhiều bản, tôi không dám chắc,
nhưng vấn đề là anh không thể sao chép từ những bản sao. Trong gia đình của
chúng sẽ không có đứa cháu nào cả.
- Và không có cách nào để gửi nội dung của
cái đĩa qua Internet, tải lên một Bulfinch,
bất cứ điều gì tương tự như thế?
- Không. Nếu anh cố gắng làm vậy, dữ liệu sẽ
bị sửa đổi. Anh sẽ không thể đọc được nó.
- Chà, điều đó giải thích cho một vài chuyện,
- tôi nói.
- Chẳng hạn như?
- Chẳng hạn như tại sao chúng lại dùng những
cái đĩa. Tại sao chúng quá nôn nóng muốn lấy lại cái đĩa này. Chúng biết nó
không được sao chép hay tải lên mạng, vì vậy chúng biết mối nguy hại vẫn được
giới hạn trong cái đĩa này mà thôi.
- Đúng vậy.
- Giờ thì nói tôi nghe xem. Tại sao kẻ nắm
giữ dữ liệu được chép lên cái đĩa lại cho phép tạo ra một bản sao? Không tạo ra
một bản sao nào thì có phải tốt hơn không? Chẳng phải như thế sẽ an toàn hơn ư?
- Có lẽ sẽ an toàn hơn, nhưng cũng mạo hiểm
hơn. Nếu có chuyện gì đó xảy ra với bản gốc, tất cả các dữ liệu của anh sẽ biến
mất. Anh sẽ muốn một thứ dự phòng.
Tôi cân nhắc.
- Còn gì nữa không?
- Chà, như anh biết đấy, nó đã được mã hóa.
- Ừ.
- Sự mã hóa này thật kì lạ.
- Cậu cứ nói thế nãy giờ.
- Anh đã từng nghe về thuật toán “thu gọn
dàn” chưa?
- Tôi nghĩ là chưa.
- Đó là một loại mã. Người viết mật mã mã
hóa một thông điệp theo một khuôn mẫu, khuôn mẫu này giống như những bông hoa
trong một mẫu hoa văn đối xứng của giấy dán tường vậy. Nhưng hoa văn trên giấy
dán tường là loại đơn giản - chỉ là một hình ảnh hai chiều. Một loại mã phức tạp
hơn dùng một khuôn mẫu lặp lại chính nó ở nhiều tầng lớp chi tiết khác nhau,
theo nhiều chiều toán học. Để bẻ mã, anh phải tìm được cách cơ bản nhất mà cái
dàn này lặp lại chính nó - khuôn mẫu gốc, nếu nói theo một cách khác.
- Tôi hình dung được rồi. Cậu có thể bẻ nó
không?
- Tôi không chắc. Tôi từng làm việc với thuật
toán “thu gọn dàn” ở Fort Meade, nhưng cái này thật kì lạ.
- Harry, nếu cậu nói thế một lần nữa...
- Xin lỗi, xin lỗi. Nó kì lạ vì cái dàn này
có vẻ là một mẫu nhạc, không phải một mẫu vật lí thông thường.
- Giờ thì tôi không hiểu cậu đang nói gì.
- Nó được phủ một lớp trông như những nốt
nhạc - thật ra, ổ đĩa quang của tôi nhận nó như một cái đĩa nhạc, không phải
đĩa dữ liệu. Khuôn mẫu này thật kì quái, nhưng rất đối xứng.
- Cậu có thể bẻ
nó không?
- Tôi đã cố thử, nhưng đến giờ vẫn chưa gặp
may. Thú thực với anh, John ạ, thứ này nằm ngoài chuyên môn của tôi.
- Nằm ngoài chuyên môn của cậu ư? Bao năm
làm việc cho NSA như vậy, thì thứ gì có thể nằm ngoài chuyên môn của cậu được
chứ?
Cậu ta đỏ mặt.
- Không phải chuyện mật mã. Mà là âm nhạc.
Tôi cần một nhạc công để hướng dẫn tôi.
- Một nhạc công, - tôi nói.
- Vâng, một nhạc công. Anh biết đấy, một
người biết đọc nhạc, tốt nhất là một người biết viết nhạc.
Tôi không nói gì.
- Tôi thực sự cần sự giúp đỡ của cô ấy
trong chuyện này, - cậu ta nói.
- Để tôi suy nghĩ đã, - tôi bảo cậu ta, cảm
thấy không thoải mái. - Còn về mấy cái điện thoại? Có gì trong đó không?
Cậu ta mỉm cười.
- Tôi đang hi vọng anh sẽ hỏi. Anh đã bao
giờ nghe tới Shinnento chưa?
- Không chắc lắm, - tôi nói, cố gắng nhớ ra
cái tên đó. - Thứ gì đó liên quan đến năm mới à?
- Shinnen,
với nghĩa là “niềm tin” hay “sức thuyết phục”, không phải là “năm mới”, - cậu
ta nói, dùng ngón tay vẽ lên không trung chữ kanji* của từ đó để phân biệt cặp từ đồng âm ấy, thứ vốn phổ biến
trong ngôn ngữ này. - Đó là một đảng chính trị. Cuộc gọi cuối cùng mà tên kendoka thực hiện là tới tổng hành dinh
của họ ở Shibakoen, và số điện thoại đó được cài đặt quay số nhanh vào bộ nhớ của
cả hai cái điện thoại. - Cậu ta mỉm cười, rõ ràng thích thú trước điều cậu ta sắp
nói tiếp. - Và trong trường hợp điều đó vẫn là chưa đủ để chứng minh rằng họ có
liên quan đến nhau, Đảng Niềm Tin còn đang thanh toán hóa đơn điện thoại cho gã
kendoka.
*[Chữ
Hán dùng trong tiếng Nhật].
- Harry, cậu lúc nào cũng làm cho người
khác phải kinh ngạc. Kể nữa đi.
- Vâng. Đảng Niềm Tin được thành lập năm
1978 bởi một người có tên là Yamaoto Toshi, hiện y vẫn đang đứng đầu đảng này.
Yamaoto sinh năm 1949. Y là con trai duy nhất trong một gia đình lỗi lạc dòng
dõi samurai. Cha y là một sĩ quan trong Quân đội Hoàng gia, chuyên về mảng
thông tin liên lạc, sau chiến tranh ông ta đã thành lập một công ty chuyên sản
xuất các thiết bị liên lạc di động. Ông ta khởi nghiệp kinh doanh bởi lợi dụng
những mối quan hệ của gia đình với những tàn dư của zaibatsu, và rồi trở nên giàu có trong chiến tranh Triều Tiên, khi
quân đội Mỹ mua các thiết bị của công ty ông ta.
Zaibatsu là những tập đoàn công nghiệp trước chiến tranh, được điều hành bởi
các gia tộc quyền thế nhất của Nhật Bản. Sau chiến tranh, MacAthur đã đốn hạ
cái cây này, nhưng ông ta không thể đánh bật được gốc rễ của nó.
- Ban đầu Yamaoto theo học ngành nghệ thuật
- hồi niên thiếu y đã dành vài năm ở châu Âu để học piano cổ điển, tôi nghĩ là
do sự kiên quyết của mẹ y. Hình như y cũng có chút năng khiếu bẩm sinh. Nhưng cha
y đã lôi y ra khỏi chuyện đó khi Yamaoto tròn hai mươi tuổi, và gửi y đến Mỹ để
hoàn thành việc học như sự mở đầu cho việc kế tục nghiệp kinh doanh gia đình.
Yamaoto có bằng thạc sĩ kinh doanh của trường Harvard, và đang điều hành các hoạt
động ở Mỹ của công ty thì ông già y chết. Thế là Yamaoto trở về Nhật, bán công
ty, rồi dùng số tiền đó để thành lập Đảng Niềm Tin và chạy đua vào quốc hội.
- Học piano. Có liên quan gì đến cách mã hóa
cái đĩa không?
- Tôi không biết chắc. Có thể lắm.
- Xin lỗi. Cậu kể tiếp đi.
- Rõ ràng vị trí cũ của người cha trong
Quân đội Hoàng gia và dòng dõi samurai lâu đời đã ảnh hưởng đến quan điểm chính
trị của con trai. Đảng Niềm Tin là một cái bệ phóng cho những tư tưởng hữu
khuynh của Yamaoto. Y trúng cử một ghế ở tỉnh Nagano vào năm 1985, nhưng nhanh
chóng đánh mất vị trí đó trong cuộc bầu cử tiếp theo.
- Cũng phải thôi, ở Nhật cậu không trúng cử
nhờ những tư tưởng của cậu, - tôi nói. - Mua chuộc cử tri mới là điều quan trọng.
- Đó chính là điều mà Yamaoto đã học được từ
thất bại của mình. Sau khi trúng cử, y đã dành toàn bộ thời gian và vốn liếng
chính trị để tranh cãi cho việc bãi bỏ điều 9 của hiến pháp để Nhật Bản có thể
xây dựng quân đội cho riêng mình, đá đít Mỹ ra khỏi Nhật Bản, dạy đạo Shinto
trong trường học - những quan điểm thông thường. Nhưng sau thất bại, y lại chạy
đua một lần nữa - lần này tập trung vào những con đường và những cây cầu mà y sẽ
xây dựng cho các cử tri, tiền trợ giá gạo và những loại thuế mà y sẽ đánh. Y đã
lột xác thành một chính trị gia hoàn toàn khác. Vấn đề chủ nghĩa dân tộc tạm thời
bị gạt qua một bên. Y lấy lại vị trí của mình vào năm 1987, và giữ vững nó từ bấy
tới giờ.
- Nhưng Đảng Niềm Tin chẳng hề có tiếng tăm
gì cả. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ đọc được chuyện LDP liên minh với họ. Bên
ngoài tỉnh Nagano, tôi nghi ngờ việc có ai đó từng nghe về họ.
- Nhưng Yamaoto có một vài lợi thế. Một là,
Đảng Niềm Tin có nguồn tài chính dồi dào. Nhờ số tài sản mà cha y để lại cho y.
Hai là, y biết cách mua chuộc cử tri của mình. Nagano có một số quận nông nghiệp,
và Yamaoto luôn duy trì tiền trợ giá gạo và là người phản đối mạnh mẽ bất cứ sự
nới lỏng nào của chính sách từ chối nhập khẩu gạo của nước ngoài vào Nhật Bản.
Và ba là, y nhận được nhiều sự ủng hộ trong cộng đồng Shinto. [Thần đạo]
- Shinto, - tôi nói, suy ngẫm. Shinto là một
tôn giáo thờ phụng thiên nhiên, nó đã được những người theo chủ nghĩa dân tộc của
Nhật Bản biến thành một hệ tư tưởng của người Nhật từ trước chiến tranh. Không
như Thiên Chúa giáo và Phật giáo, Shinto chỉ thuộc về Nhật Bản và không được
theo ở bất cứ nơi nào khác. Trong mối liên hệ này có điều gì đó khiến tôi băn
khoăn, một điều đáng ra tôi phải biết rõ. Rồi tôi chợt nhận ra.
- Đó chính là cách chúng tìm ra chỗ tôi ở,
- tôi nói. - Thảo nào mà tôi cứ thấy các thầy tu xin của bố thí bên ngoài các
nhà ga dọc tuyến Mita. Chúng đã phủ lên tôi sự theo dõi tĩnh tại, lần ra nơi ở
của tôi từng bước một. Chết tiệt, sao tôi lại không để ý đến điều đó chứ? Hôm nọ
tôi còn suýt cho một kẻ trong số chúng một trăm yên cơ đấy.
Đôi mắt cậu ta đượm vẻ lo lắng.
- Sao chúng biết cần tập trung vào tuyến
Mita?
- Có lẽ chúng cũng không biết chắc. Nhưng với
một chút may mắn, một chút trùng hợp, một chút tài liệu mà Holtzer cung cấp cho
chúng, thậm chí có lẽ cả những bức ảnh thời đi lính của tôi, chúng có thể làm
được việc đó. Nếu chúng xác định được tôi thường tới tập luyện ở Kodokan, chúng
sẽ cho rằng tôi sống không quá xa nơi đó. Và chỉ có ba tuyến tàu có các điểm dừng
nằm gần tòa nhà ấy, vì vậy tất cả những gì chúng phải làm là rải đủ số quân ở đủ
các địa điểm vào đủ mọi lúc. Khốn kiếp, chúng thực sự đã tóm được tôi.
Tôi phải có lời khen dành cho chúng; chúng
đã làm rất khéo. Theo dõi tĩnh tại là một việc gần như không thể phát hiện.
Không như theo dõi lưu động, anh không thể khiến cho kẻ đang theo dõi làm một
việc gì đó bất thường để buộc hắn lộ diện. Giống như việc phòng thủ theo khu vực
trong bóng rổ vậy: cho dù cầu thủ cầm bóng chạy tới đâu, ở khu vực tiếp theo
luôn có một người mới ngăn cản anh ta. Nếu anh có thể cắt đặt đủ số người vào
các vị trí để làm được việc đó, nó sẽ mang lại hiệu quả không ngờ.
- Xuất phát điểm cho mối liên hệ với Shinto
là gì vậy? - Tôi hỏi.
- Shinto là một tổ chức lớn, với các thầy
tu trông nom các đền thờ ở cấp quốc gia, địa phương, thậm chí là khu vực. Kết
quả là, các đền thờ thu về rất nhiều tiền quyên góp và có tài chính dồi dào -
vì vậy họ có khả năng bảo trợ cho các chính trị gia mà họ ủng hộ. Và Yamaoto muốn
Shinto có một vai trò lớn hơn nữa ở Nhật Bản, điều đó đồng nghĩa với việc tăng
thêm quyền lực cho các thầy tu.
- Vậy ra các đền thờ đóng góp một phần cho
ngân quỹ của y?
- Vâng, nhưng còn hơn thế kìa. Shinto là một
phần trong cương lĩnh của Đảng Niềm Tin. Đảng này muốn nó được giảng dạy trong
trường học; nó muốn hình thành một liên minh ngăn ngừa tội ác giữa cảnh sát và
các đền thờ địa phương. Anh đừng quên, Shinto nằm ở vị trí trung tâm của chủ
nghĩa dân tộc Nhật Bản trước chiến tranh. Nó thuộc về một mình Nhật Bản, và có
thể dễ dàng bị bẻ cong - đã bị bẻ cong - để khuyến khích văn hóa bài ngoại của
Yamato Gokoro, linh hồn Nhật Bản. Và ngày nay nó đang nổi lên ở Nhật Bản, mặc
dù không nhiều người nhận ra nó bên ngoài đất nước này.
- Cậu nói tổng hành dinh của họ ở
Shibakoen, - tôi nói.
- Đúng vậy.
- Được rồi. Trong khi cậu đang bẻ mật mã
đó, tôi sẽ cần một thiết bị theo dõi - hồng ngoại và laser. Và video. Cả một
thiết bị truyền âm nữa, trong trường hợp tôi có thể vào trong. Tôi muốn nghe
lén những người bạn của chúng ta ở Đảng Niềm Tin.
- Tại sao?
- Tôi cần thêm thông tin. Cái đĩa này là của
ai? Những ai đang cố lấy lại nó? Tại sao? Không có thông tin đó, tôi không thể
làm gì nhiều để bảo vệ chính mình hay Midori.
- Anh cần tới khá gần tòa nhà để sử dụng
thiết bị đó, đừng nghĩ đến chuyện gài một thiết bị truyền âm. Nguy hiểm lắm. Tại
sao anh không chờ tôi bẻ xong mật mã? Có lẽ mọi thứ anh cần biết đã nằm sẵn
trong đó.
- Tôi không có thời gian. Cậu có thể mất đến
một tuần để bẻ mã, hoặc có khi cậu không thể làm được. Trong thời gian chờ đợi,
tôi phải đương đầu với CIA, yakuza,
và một đội quân các tu sĩ Shinto. Chúng biết tôi sống ở đâu, và tôi đã bị xua
ra ngoài ánh sáng. Thời gian đang chạy đua với tôi - tôi phải kết thúc chuyện
này sớm.
- Vậy sao anh không biến khỏi đất nước này?
ít nhất cho đến khi tôi xong việc với cái mật mã. Thứ gì giữ chân anh vậy?
- Trước hết, tôi phải chăm sóc Midori, và
cô ấy không thể rời đi. Tôi không thích cái ý nghĩ cô ấy ra nước ngoài bằng hộ
chiếu thật, và tôi nghi ngờ việc cô ấy đã có sẵn giấy tờ giả.
Cậu ta gật đầu như thể đã hiểu, rồi nhìn
tôi thật kĩ.
- Giữa hai người có chuyện gì đúng không?
Tôi không trả lời.
- Tôi biết mà, - cậu ta nói, đỏ mặt.
- Đáng ra tôi nên biết là không thể giấu cậu
điều gì.
Cậu ta lắc đầu.
- Đó là lí do anh không muốn để cô ấy giúp
tôi?
- Tâm can tôi dễ dàng bị nhìn thấu đến thế
sao?
- Không thường xuyên lắm.
- Được, tôi sẽ đề nghị cô ấy, - tôi nói,
không còn cách nào khác.
- Tôi cần sự giúp đỡ của cô ấy.
- Tôi biết. Đừng lo. Thật ra tôi cũng không
hi vọng cậu giải mã được một thứ phức tạp như cái đĩa này nếu không có trợ
giúp.
Trong nửa giây, miệng cậu ta bắt đầu há ra
đầy phẫn nộ. Rồi cậu ta nhìn thấy nụ cười của tôi.
- Mắc lỡm rồi nhé, - tôi nói với cậu ta.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét