Người Con Trai
Tác giả: Jo Nesbo
Người dịch: Thiên Nga
Nhà XB Hà Nội & Nhà Sách Nhã Nam - 2017
Phần Hai
12
Arild Franck đứng bên cửa sổ trong văn
phòng. Hắn nhìn đồng hồ tay. Hầu hết phạm nhân trốn trại đều được giải về trong
vòng mười hai giờ đầu. Hắn đã nói với báo chí là hai mươi bốn tiếng đầu để nếu
kéo dài quá mười hai tiếng thì hắn vẫn có thể gọi đó là kết quả chóng vánh.
Nhưng giờ đã gần được hai mươi lăm tiếng rồi mà họ vẫn chưa có manh mối nào để
tiếp tục.
Hắn vừa đến văn phòng lớn của giám thị. Văn
phòng không có cảnh nhìn ra.
Và ở đó người đàn ông không có cái nhìn đã
yêu cầu một lời giải thích. Ông giám thị nhà tù đang có tâm trạng u ám vì buộc
phải bỏ hội nghị nhà tù Bắc Âu thường niên ở Reykjavik mà về sớm. Hôm qua trên
điện thoại từ Iceland ông ta đã nói sẽ liên lạc với báo chí. Ông ta thích phát
biểu với giới truyền thông, sếp hắn là vậy. Franck đã xin hai mươi bốn giờ ỉm
tin với các phương tiện truyền thông để tìm Lofthus, nhưng sếp hắn bác ngay và
nói đây không phải chuyện họ giấu nhẹm được. Thứ nhất, Sonny Lofthus là sát thủ
nên công chúng phải có quyền được cảnh báo. Thứ hai, họ cần tung hình hắn ta
cho giới truyền thông nhờ tìm giúp.
Và, thứ ba, ông ta muốn có hình mình trên
báo, Franck nghĩ. Để đám bạn chính khách thấy ông ta đang làm việc chứ không phải
đang vi vu trên con vịnh xanh uống rượu mùi Svartadaudir.
Franck đã thử phân trần với giám thị rằng
tung hình ra rất có thể sẽ không được hiệu quả lắm; hình Sonny Lofthus họ giữ đều
từ ngày hắn bị tống giam mười hai năm trước mà kể từ hồi ấy hắn đã để râu tóc
dài. Còn hình ảnh từ hệ thống camera an ninh khép kín sau khi hắn cắt tóc thì mờ
đến không dùng được.
Vậy nhưng gã giám thị cứ nhất định lôi tên
tuổi Staten xuống bùn.
- Cảnh sát đang săn lùng hắn, Arild, nên chắc
hẳn anh biết sớm muộn gì rồi tôi cũng sẽ nhận một cú điện thoại từ phóng viên
thắc mắc sao chưa loan báo vụ vượt ngục và hỏi Staten có từng che giấu mấy vụ
vượt ngục không. Tôi thích kiểm soát câu chuyện hơn, Arild.
Gã giám thị tiếp tục hỏi sang chuyện Franck
thấy cần thắt chặt quy trình thế nào. Và Franck biết tại sao: để ông ta còn đến
chỗ đám bạn bè trong chính phủ mà mạo nhận những ý tưởng của phó giám thị là của
mình. Những ý tưởng từ một người có cái nhìn. Vậy mà hắn phải chia sẻ ý nghĩ với
một thằng ngốc.
Nhận dạng giọng nói thay cho dấu tay và gắn
thẻ điện tử có con chíp GPS không hủy được.
Cuối cùng thì, có những thứ Franck quý hơn
cả bản thân mình mà Nhà tù Staten là một trong số đó.
Arild Franck nhìn Ekebergasen nằm tắm trong
nắng mai. Có thời nó là điểm sáng trong những xóm của tầng lớp lao động. Có thời
hắn đã mơ ước mua một căn nhà nho nhỏ ở đó. Giờ hắn đã sở hữu một ngôi nhà bề
thế hơn trong khu vực đắt tiền hơn ở Oslo. Nhưng hắn vẫn mơ về túp nhà nhỏ.
Dù Nestor có vẻ như đã phản ứng một cách thản
nhiên trước tin vượt ngục, không phải sự mất bình tĩnh ở Nestor và đám cùng giuộc
với hắn là cái khiến Franck lo lắng. Trái lại, hắn nghĩ lúc chúng bình thản nhất
cũng là khi chúng đưa ra những quyết định kinh khủng đến mức làm máu hắn lạnh
toát. Mặt khác, chúng hành động với một logic đơn giản, rõ ràng và thực tế mà
Arild Franck không thể không thán phục.
- Tìm cho ra hắn, - Nestor đã nói. - Hay
làm sao cho chắc là không ai làm vậy được.
Nếu họ tìm ra Lofthus, họ có thể thuyết phục
hắn nhận tội sát hại bà Morsand trước khi có ai khác tìm tới hắn. Họ có phương
pháp của mình. Nếu họ thủ tiêu Lofthus, họ có thể ngăn hắn biện bạch về bằng chứng
ngoại phạm hợp lệ, nhưng ngược lại họ sẽ không còn dùng hắn được nữa trong các
vụ về sau.
Cách họ suy nghĩ là vậy. Những ưu và nhược.
Dù vậy, tựu trung lại vẫn chỉ là chuyện logic.
- Có Simon Kefas nào đó trên điện thoại muốn
gặp ông. - Giọng Ina trên hệ thống điện thoại nội bộ.
Arild Franck vô thức khịt mũi.
Simon Kefas.
Đấy mới là một kẻ bao giờ cũng chỉ nghĩ đến
mình. Một kẻ thua cuộc èo uột đã bước qua không chỉ một xác chết trong cơn nghiện
đỏ đen. Thiên hạ đồn ông ta đã thay đổi từ khi gặp người đàn bà giống ta đang
chung sống. Nhưng không ai biết rõ hơn một phó giám thị là con người ta không
thay đổi; Franck có cái nhìn thấu suốt hắn cần về Simon Kefas.
- Bảo ông ta tôi không có ở đây.
- Ông ta muốn gặp ngài trong ngày hôm nay.
Về chuyện Per Vollan.
Vollan? Franck tưởng cảnh sát đã công bố
cái chết của Vollan là tự sát. Hắn thở sượt nhìn xuống tờ báo trên bàn. Vụ vượt
ngục được tường thuật kỹ hơn, nhưng ít ra nó cũng không nằm trên trang nhất. Có
lẽ vì tòa soạn không có tấm hình tử tế của phạm nhân trốn thoát. Có lẽ bầy kền
kền thích chờ đến khi có được hình vẽ của máy tính nhận diện kẻ sát nhân mà, lý
tưởng mà nói, hắn sẽ trông như một thằng nghiện. Nếu vậy thì bọn họ sẽ thất vọng.
- Arild?
Họ có một thỏa thuận ngầm là cô ta có thể gọi
tên hắn khi không có mặt ai.
- Tìm chỗ nào đó còn trống trong lịch ghi
nhớ của tôi, Ina. Đừng cho ông ta quá ba mươi phút.
Franck nhìn ra nhà thờ hồi giáo. Không mấy
chốc sẽ là hai mươi lăm giờ.
* * *
Lars Gilberg bước một bước lại gần hơn.
Cậu thanh niên nằm trên miếng bìa cứng đập
dẹp và đắp tấm áo choàng dài.
Cậu ta tới hôm trước và tìm được một chỗ nấp
sau bụi cây mọc dọc lối đi và các tòa nhà đằng sau. Cậu ta ngồi đó, im lìm bất
động, như thể đang chơi trốn tìm.
Hai cảnh sát mặc đồng phục đã ghé lại, hết
nhìn Gilberg lại nhìn tấm hình họ giơ lên rồi mới đi tiếp. Gilberg không nói
gì. Chiều trời lại đổ mưa, cậu thanh niên ló ra và ngả lưng dưới cầu. Không xin
phép. Chẳng phải là sẽ có phép để xin, nhưng cậu ta còn chẳng thèm hỏi trước một
tiếng. Rồi còn chuyện nữa. Cậu ta mặc đồng phục. Lars Gilberg không rõ đồng phục
nào - gã đã bị quân đội chê khi chưa kịp thấy gì khác ngoài bộ màu xanh lá của
viên sĩ quan tuyển quân.
“Không phù hợp” là lý do có phần mơ hồ họ
đưa ra. Lắm lúc Lars Gilberg tự hỏi có thứ gì gã phù hợp không. Và, nếu có, có
bao giờ gã biết được là thứ gì không? Có lẽ nó là cái này đây: kiếm tiền mua ma
túy và sống dưới gầm cầu.
Như lúc này.
Cậu thanh niên đang ngủ và hơi thở đều.
Lars Gilberg bước thêm bước nữa.
Có gì ở cách đi đứng và màu da của cậu
thanh niên mách bảo Gilberg rằng cậu ta là người nghiện. Nếu vậy thì ắt cậu ta
vẫn còn ít ma túy trong người.
Giờ Gilberg đã tới gần đến mức gã thấy mí mắt
cậu thanh niên giật giật như thể nhãn cầu bên dưới đang đảo và cử động. Gã ngồi
xổm xuống rồi cẩn thận đỡ áo khoác lên. Đưa mấy ngón tay tới túi ngực áo choàng
đồng phục.
Chuyện xảy ra nhanh đến mức Lars còn không
kịp thấy. Bàn tay cậu thanh niên khóa chặt cổ tay gã và Lars nhận ra mình đang
quỳ gối mặt gí xuống đất ẩm còn cánh tay bị bẻ quặt ra sau lưng.
Một giọng nói nhỏ bên tai gã:
- Ông muốn gì?
Giọng nói nghe không giận dữ hay hung hăng,
thậm chí cũng không sợ sệt.
Đúng hơn là lịch sự, như thể cậu thanh niên
thực lòng muốn biết có thể giúp gì cho gã không. Lars Gilberg làm cái gã vẫn
luôn làm khi nhận ra mình thua. Cắt lỗ.
- Trộm đồ cậu giấu. Hay nếu cậu không có
chút nào thì lấy tiền của cậu.
Cậu thanh niên đã khóa gã bằng kiểu ghì chuẩn:
cổ tay quặp vào cẳng tay còn áp lực dồn vào sau cùi chỏ. Kiểu khóa của cảnh
sát. Nhưng Gilberg biết cảnh sát đi đứng, nói năng, có dáng vẻ và có mùi ra
sao, còn cậu thanh niên này không có những cái đó.
- Ông dùng thứ gì?
- Morphine, - Gilberg rên.
- Năm chục krone thì ông kiếm được chừng
nào?
- Ít thôi. Không nhiều.
Tay nắm lỏng ra nên Gilberg lẹ làng giật
tay lại.
Gã nhìn lên chàng trai. Chớp chớp mắt trước
tờ tiền cậu ta cầm giơ lên trước mặt gã.
- Tiếc quá, tôi chỉ có bấy nhiêu.
- Tôi chẳng có gì để bán cả, bạn hữu.
- Tiền cho ông thôi. Tôi bỏ rồi.
Gilberg nheo một bên mắt. Người ta gọi vậy
là gì ấy nhỉ? Khi cái gì đó nghe có vẻ tuyệt vời quá không tin được thì thường
nó sẽ đúng là vậy. Nhưng nghĩ lại, có lẽ anh chàng này chỉ đơn giản là tên
khùng.
Gã giật tờ năm mươi krone bỏ vào túi.
- Đó là tiền thuê chỗ ngủ.
- Hôm qua tôi thấy cảnh sát đi qua đây, - cậu
thanh niên nói. - Họ có đảo qua đây nhiều không?
- Thỉnh thoảng, nhưng dạo này bọn tôi bị họ
khám đột xuất nhiều.
- Ông có tình cờ biết nơi nào họ không khám
đột xuất không?
Gilberg nghiêng đầu nhìn cậu thanh niên
chăm chú.
- Nếu cậu muốn tránh hẳn cớm, cậu phải kiếm
một phòng trong ký túc xá. Thử Trung tâm Ila đi. Họ không cho cớm vào đó.
Cậu thanh niên trầm ngâm nhìn dòng sông rồi
thong thả gật.
- Cảm ơn ông đã giúp, ông bạn.
- Không dám, - Gilberg kinh ngạc lí nhí. Dứt
khoát là một thằng khùng.
Và, như thể để khẳng định những hồ nghi của
gã, cậu thanh niên bắt đầu cởi đồ. Để an toàn Gilberg lùi lại mấy bước. Khi chỉ
còn mặc mỗi quần lót, cậu thanh niên lấy đồng phục quấn đôi giày lại. Gilberg
đưa cậu ta một túi ni lông mà cậu ta hỏi xin để bỏ áo quần và đôi giày quấn lại
vào. Cậu ta để cái túi dưới một tảng đá giữa bụi cây chỗ đã ngồi hôm qua.
- Tôi sẽ trông chừng để không ai tìm thấy
nó, - Gilberg nói.
- Cảm ơn, tôi tin ông mà. - Mỉm cười, cậu
thanh niên cài nút áo khoác kín mít để không lộ ngực trần.
Rồi cậu ta cất bước xuôi lối đi. Gilberg
nhìn theo cậu ta; thấy gót chân trần làm mấy vũng nước bắn tung tóe lên lớp nhựa
đường.
Tôi tin ông mà?
Điên hết thuốc chữa thật rồi.
Martha đứng ở khu vực tiếp tân nhìn màn
hình máy tính có hình ảnh an ninh khép kín của Trung tâm Ila. Cụ thể hơn là
nhìn người đàn ông đang nhìn chăm chăm vào camera ngoài cửa vào. Anh ta chưa nhấn
chuông, chưa phát hiện thấy cái lỗ nhỏ trong tấm kính Plexiglas che cái chuông.
Họ đã phải gắn Plexiglas vì dộng chuông là phản ứng thông thường khi ai đó
không được vào. Martha bấm nút micro.
- Tôi giúp gì được anh không?
Người thanh niên không đáp. Martha xác định
anh ta không phải một trong bảy mươi sáu người trọ của họ. Dù trong bốn tháng
qua trung tâm đã có tổng số một trăm người trọ ra vào, cô vẫn nhớ từng gương mặt.
Nhưng cô kết luận anh ta thuộc về “nhóm khách hàng mục tiêu” của Ila như mọi
người biết: dân nghiện ma túy. Không phải anh ta trông phê thuốc, vì anh ta
không vậy; mà gương mặt hốc hác của anh ta. Những nếp nhăn quanh miệng. Mái tóc
cắt thật kinh khủng.
Cô thở dài.
- Anh cần phòng à?
Người thanh niên gật nên cô xoay chìa trong
công tắc mở khóa cửa dưới lầu.
Cô gọi ra cho Stine đang ở trong bếp làm sandwich
cho một người trọ để trông coi khu vực tiếp tân lúc cô vắng mặt. Rồi cô rảo bước
xuống cầu thang và qua cổng sắt dùng để chắn lối vào khu vực tiếp tân trong trường
hợp kẻ đột nhập cố vào qua cửa lớn. Người thanh niên đang đứng bên trong cửa,
nhìn quanh.
Áo choàng anh ta mặc cài nút đến tận cổ và
dài xuống gần mắt cá chân. Anh ta đi chân trần và cô thấy có máu nơi dấu chân
còn ướt bên cửa vào. Nhưng đến giờ thì Martha đã thấy hầu hết mọi thứ nên cái
làm cô chú ý trước tiên là đôi mắt. Ánh mắt anh ta nhìn cô. Cô không thể giải
thích nó theo một cách nào khác. Mắt anh ta chăm chú vào cô và trong đó cô thấy
anh ta đang xử lý cái ấn tượng thị giác cô tạo ra. Có thể nó chẳng là gì to
tát, nhưng vẫn nhiều hơn những gì cô đã quen ở Trung tâm Ila. Nên, trong một
thoáng, cô chợt có ý nghĩ là rốt cuộc thì có lẽ anh ta không dùng thuốc, nhưng
cô xua ý nghĩ ấy đi cũng nhanh chẳng kém.
- Chào anh. Theo tôi.
Anh ta theo cô lên lầu một rồi vào phòng họp
bằng lối khu vực tiếp tân. Như thường lệ cô để mở cửa cho Stine và những người
khác nhìn thấy họ, mời anh ta ngồi rồi lấy ra mấy mẫu đơn của cuộc phỏng vấn giới
thiệu bắt buộc.
- Tên gì? - cô hỏi.
Anh ta ngập ngừng.
- Tôi cần ghi tên vào phiếu này, - cô nói,
cho anh ta cái mở đầu mà nhiều người đến đây cần.
- Stig, - anh ta e dè đáp.
- Stig thì được rồi, - cô nói. - Còn gì nữa
không?
- Berger?
- Vậy thì đó là cái ta sẽ ghi ở đây. Ngày
sinh?
Anh ta nêu ngày tháng, cô nhẩm tính anh ta
đã ngoài ba mươi. Trông anh ta trẻ hơn nhiều. Đó là điều kỳ lạ ở dân nghiện, dễ
phán đoán sai tuổi họ, lúc thì nhiều hơn, lúc thì ít hơn.
- Có ai chỉ anh tới đây không?
Anh ta lắc đầu.
- Tối qua anh ngủ đâu?
- Dưới gầm cầu.
- Vậy thì tôi cho là anh không có nơi nhất
định và không biết mình trực thuộc văn phòng dịch vụ xã hội nào; do đó tôi sẽ
chọn số mười một là ngày sinh của anh và vậy là ta sẽ có...
Cô kiểm tra danh sách.
- Dịch vụ Xã hội Ahla, mà, với lòng nhân từ
vô hạn của họ, hy vọng rằng họ sẽ quyết định tài trợ cho anh. Anh đang dùng loại
ma túy nào?
Bút cô ngập ngừng, nhưng anh ta không đáp.
- Cứ nêu ra món anh ưa thích.
- Tôi bỏ rồi.
Cô đặt bút xuống.
- Trung tâm Ila là nơi dành cho người đang
dùng ma túy. Tôi có thể gọi cho trung tâm ở Sporveisgata xem họ còn phòng cho
anh không. Chỗ đó tươm tất hơn đây nhiều.
- Cô đang muốn nói... ?
- Phải, tôi muốn nói là anh phải phê thuốc
thường xuyên mới đủ điều kiện.
Cô nhoẻn cười với anh, nụ cười mệt mỏi.
- Vậy tôi bảo tôi nói dối vì tưởng khai
mình sạch thì sẽ dễ xin được phòng ở đây hơn?
- Vậy thì anh cũng đã trả lời đúng câu hỏi
đó, nhưng anh hết dây cứu sinh rồi đấy, anh bạn.
- Heroin, - anh ta nói.
- Và?
- Heroin thôi.
Cô phết vào ô vuông trong phiếu, nhưng nghi
vụ này không đáng tin. Hầu như ở Oslo không còn ai dùng mỗi heroin; ngày nay ai
cũng dùng chất pha trộn bởi lý do đơn giản là nếu ta kết hợp heroin đã pha trộn
với một benzodiazepine như Rohypnol chẳng hạn, ta sẽ được một lần chích phê hơn
cả về độ mạnh lẫn thời gian cho đồng đô la bỏ ra.
- Sao anh đến đây?
Anh ta nhún vai.
- Để kiếm một mái che.
- Có bệnh hay dùng thuốc men cơ bản nào
không?
- Không.
- Anh có dự tính gì cho tương lai?
Anh ta nhìn cô. Bố Martha thường nói quá khứ
của một người ghi dấu trong đôi mắt và rất đáng học cách đọc ra nó. Nhưng không
thể tìm thấy tương lai của họ ở đó. Tương lai là cái chưa biết. Dù là vậy, về
sau Martha thường nhớ lại khoảnh khắc này và tự hỏi liệu cô có thể, liệu có phải
đáng lý ra cô đã phải đọc ra cái gì đó về dự tính tương lai của người đàn ông tự
xưng là Stig Berger này hay không.
Anh ta lắc đầu và cũng phản ứng như vậy với
các câu cô hỏi về công việc, học vấn, những lần dùng quá liều trước kia, các chứng
bệnh trong cơ thể, nhiễm trùng máu và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Cuối cùng
cô giải thích rằng trung tâm có chính sách bảo mật tuyệt đối và họ sẽ không cho
ai biết anh sống trong trung tâm, nhưng nếu muốn, anh có thể điền một phiếu chấp
thuận nêu tên bất kỳ ai sẽ được phép nhận thông tin nếu họ liên lạc với trung
tâm.
- Để cha mẹ, bạn bè hay bạn gái chẳng hạn
có thể liên lạc với anh.
Anh ta cười buồn.
- Tôi không có ai trong số đó cả.
Martha Lian nghe câu trả lời này đã nhiều lần
rồi. Nhiều lần đến mức nó không còn tạo được trong cô ấn tượng nào nữa. Bác sĩ
trị liệu cho cô gọi đó là vô cảm và giải thích rằng đến một lúc nào đó nó sẽ ảnh
hưởng đến hầu hết những người trong nghề cô. Cái làm Martha lo là dường như
tình hình không khá hơn chút nào. Dĩ nhiên cô hiểu một người bi quan lo ngại về
tính bi quan của mình thì cũng có nghĩa là người đó không hoàn toàn bi quan,
nhưng trước đây trong cô lúc nào cũng đong đầy sự thấu cảm. Lòng trắc ẩn. Tình
thương. Mà cô đang gần cạn rồi. Nên cô giật mình khi nghe mấy chữ Tôi không có
ai trong số đó cả chạm vào cái gì đó, như mũi kim khiến cơ bị teo rúm lại.
Cô gom giấy tờ bỏ vào cặp hồ sơ để lại khu
vực tiếp tân rồi dẫn người mới xuống phòng kho nhỏ ở tầng trệt.
- Tôi hy vọng anh không phải típ mắc bệnh
hoang tưởng không chịu mặc đồ dùng rồi, - cô nói và quay lưng lại trong khi anh
ta cởi áo khoác rồi mặc áo quần và mang đôi giày thể thao cô chọn cho.
Cô chờ đến khi anh ta húng hắng. Cô quay lại.
Không hiểu sao anh ta trông cao hơn và thẳng người hơn khi mặc áo chui đầu xanh
nhạt với quần jean. Anh ta trông cũng không gầy nhom như khi mặc áo choàng. Anh
ta liếc xuống đôi giày thể thao xanh trơn.
Trong thập niên 1980 một số lượng lớn giày
thể thao xanh đã được kho đồ thừa của quân đội Na Uy tặng cho nhiều tổ chức cần
giúp đỡ nên đôi giày đã thành biểu tượng của người nghiện ma túy và kẻ vô gia
cư.
- Cảm ơn, - anh ta nói khẽ.
Mới đầu Martha đã đi gặp bác sĩ trị liệu vì
một người trong trung tâm đã không cảm ơn cô.
Đó chỉ là một “không biết cảm ơn” nữa trong
chuỗi dài “không biết cảm ơn” khác từ những cá nhân tự hủy hoại bản thân mà vẫn
được hưởng một kiểu tồn tại nào đó nhờ hệ thống phúc lợi xã hội và đủ kiểu tổ
chức xã hội mà chính mấy tên nghiện đó dành phần lớn thời gian thức chửi rủa om
sòm. Cô đã mất bình tĩnh. Bảo hắn cút đi nếu không thích cỡ của cái ống chích
dùng một lần hắn được phát miễn phí để vào phòng - mà dịch vụ xã hội trả sáu
ngàn krone mỗi tháng - chơi thứ thuốc hắn đã trộm xe đạp hàng xóm mà mua.
Cùng với đơn khiếu nại, người trọ đã nộp một
câu chuyện thương tâm dài bốn trang. Cô đã bị buộc xin lỗi.
- Để tôi dẫn anh lên phòng, - cô nói.
Trên đường lên tầng hai cô chỉ cho anh ta
chỗ có phòng tắm và chậu rửa mặt.
Mấy gã đi ngang họ bước thoăn thoắt và mắt
ngây dại.
- Chào mừng đến trung tâm mua sắm ma túy số
một Oslo, - Martha nói.
- Trong đây sao? - Người thanh niên hỏi. -
Chỗ cô cho phép mua bán sao?
- Không theo quy định, nhưng nếu anh dùng, rõ
ràng là anh có ma túy. Và tôi nói anh nghe chuyện này vì anh biết thì có ích
cho anh, chúng tôi không kiểm tra xem đó là một gam hay một ký lô. Chúng tôi
không kiểm soát được cái đem bán trong phòng. Chúng tôi chỉ vào khi nào nghi ngờ
các anh cất giữ vũ khí.
- Họ làm vậy sao?
Cô liếc xéo qua anh ta.
- Sao anh hỏi thế?
- Tôi muốn biết ở đây sẽ nguy hiểm thế nào
thôi.
- Dân buôn bán ở đây đều có bọn đàn em đi
cưỡng chế và bọn chúng dùng mọi thứ, từ gậy bóng chày cho đến súng thật để đi
đòi nợ mấy người trong trung tâm. Tuần rồi tôi kiểm tra đột xuất một phòng thì
tìm được cây súng phóng lao dưới gầm giường.
- Súng phóng lao sao?
- Ừ. Một khẩu Sting 65 đã nạp đạn.
Cô ngạc nhiên thấy mình cười và anh ta mỉm
cười lại. Anh ta có nụ cười đẹp.
Rất nhiều người trong số họ như vậy.
Cô gõ rồi mới mở khóa cửa phòng 323.
- Chúng tôi phải đóng cửa vài phòng do hư hại
vì hỏa hoạn, nên mọi người đang phải ở chung phòng cho đến khi sửa chữa xong. Bạn
cùng phòng với anh là Johnny, mấy người kia gọi anh ta là Johnny Puma. Anh ta bị
hội chứng mệt mỏi kinh niên nên gần như nằm giường cả ngày. Nhưng anh ta là gã
tử tế, yên tĩnh nên tôi nghĩ anh sẽ không gặp lôi thôi gì với anh ta đâu.
Cô mở cửa. Màn khép và bên trong tối. Cô bật
đèn. Mấy bóng đèn huỳnh quang trên trần nhấp nháy mấy cái rồi sáng lên.
- Đẹp quá, - người thanh niên nói.
Martha nhìn quanh phòng. Cô chưa nghe ai mô
tả phòng ở Trung tâm Ila là đẹp trừ phi họ nói mỉa. Nhưng anh ta nói cũng đúng.
Phải, giấy lót sàn đã cũ sờn còn tường màu xanh da trời nham nhở lỗ thủng và chữ
viết nguệch ngoạc mà ngay cả nước kiềm cũng không tẩy được, nhưng nơi này sạch
và sáng sủa.
Đồ đạc gồm một giường tầng, một tủ thấp và
một bàn thấp trầy vẹt nước sơn tróc lở, nhưng thảy đều còn nguyên vẹn và dùng
được. Không khí có mùi người nằm ngủ ở tầng giường dưới. Chàng trai đã khai là
chưa từng dùng quá liều, nên cô chia cho anh ta tầng trên. Họ ưu tiên tầng dưới
cho những người rất có khả năng dùng quá liều để dễ đưa họ vào băng ca hơn.
- Của anh đây, - Martha nói, đưa người
thanh niên khoen chìa khóa. - Tôi sẽ là người liên lạc chính của anh, nghĩa là
có cần gì thì anh cứ đến gặp tôi. OK?
- Cảm ơn, - anh ta nói, cầm lấy thẻ nhựa
xanh và nhìn. - Cảm ơn cô nhiều lắm.
13
- Ông ấy đang xuống, - nhân viên tiếp tân gọi
ra cho Simon và Kari đang ngồi trên xô pha da dưới bức tranh khổng lồ vẽ cái gì
tựa như là cảnh bình minh.
- Cô ta cũng đã nói vậy mười phút trước, -
Kari nói nhỏ.
- Trên thiên đường thì Chúa Trời quyết định
giờ giấc, - Simon nói và đút một miếng snus giữa hai môi. - Cô nghĩ một bức
tranh như vậy giá bao nhiêu? Và sao lại chọn cái tranh đó?
- Treo nghệ thuật ở chốn công cộng, như mọi
người biết, chỉ là ngầm trợ cấp cho các nghệ sĩ xoàng xứ ta, - Kari nói. - Người
mua tuyệt không cần biết cái gì được treo trên tường, miễn khớp với đồ đạc và
ngân sách là được.
Simon liếc xéo qua cô.
- Đã ai bảo cô là đôi khi cô nói như thể đọc
làu làu mấy câu trích dẫn học vẹt chưa?
Kari nhoẻn cười toe toét.
- Còn snus là thứ thay thế tồi cho thuốc
lá. Không tốt cho sức khỏe. Tôi chắc vợ ông khiến ông đổi vì mùi thuốc lá bám trên
áo quần cô ấy?
Simon cười tủm tỉm lắc đầu. Hẳn như thế được
cho là hài hước trong đám thanh niên thời nay.
- Có cố gắng đấy, nhưng cô sai rồi. Vợ tôi
bảo tôi bỏ vì muốn tôi còn bên cạnh càng lâu càng tốt. Cô ấy cũng không biết
tôi ngậm thuốc lá. Tôi cất ở văn phòng mà.
- Cho họ vào, Anne, - một giọng rống lên.
Simon nhìn về cái lồng có người đàn ông mặc
đồng phục và đội cái mũ ắt sẽ được tổng thống Belarus ưu ái, hắn ta gõ gõ ngón
tay lên song sắt.
Simon đứng lên.
- Ta sẽ quyết định xem sau này có thả chúng
ra nữa không, - Arild Franck nói.
Theo cái nhướng mắt gần như khó thấy của cô
nhân viên tiếp tân thì Simon dám chắc câu đùa đó cũ rích rồi.
- Này, quay lại chốn cặn bã thấy sao? -
Franck hỏi khi hộ tống họ qua lồng đến cầu thang. - Tôi tin là giờ ông đang ở
Phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng. Ồ, tôi xin lỗi, tôi có tuổi tới nơi rồi,
tôi quên khuấy là họ đã đá ông ra.
Simon không gượng cười về lời xúc phạm cố
ý.
- Chúng tôi đến đây về vụ Per Vollan.
- Tôi có nghe. Tôi tưởng vụ này khép lại rồi?
- Khi nào xử lý xong một vụ chúng tôi mới
khép hồ sơ.
- Chuyện đó mới hả?
Simon bặm môi vào răng làm bộ mỉm cười.
- Per Vollan đã đến đây thăm phạm nhân đúng
ngày ông ta chết, có đúng vậy không?
Franck mở cửa vào văn phòng.
- Vollan là cha tuyên úy nên tôi cho là ông
ta chỉ làm việc của mình thôi. Nếu ông muốn thì tôi có thể kiểm tra sổ khách đến
thăm.
- Vâng, phiền anh. Và nếu có thể thì anh
cho chúng tôi cả danh sách những người ông ta nói chuyện?
- Tôi e tôi sẽ không biết hết những người
ông ta tiếp xúc khi đến đây.
- Chúng tôi biết ít nhất một người ông ta gặp
hôm ấy, - Kari nói.
- Vậy sao? - Franck nói, ngồi vào ghế đằng
sau cái bàn làm việc đã theo hắn ta suốt cả sự nghiệp. - Cô này, nếu cô định ở
lại, cô có thể tự pha cho mình mấy tách cà phê nơi tủ chè đằng kia trong khi
tôi kiểm tra sổ khách đến thăm.
- Cảm ơn, nhưng tôi không uống cafêin, -
Kari nói. - Tên anh ta là Sonny Lofthus.
Franck nhìn cô với vẻ mặt vô cảm.
- Chúng tôi không biết liệu có thể gặp anh
ta được không? - Simon nói. Ông đã tự ngồi mà không đợi mời. Ông nhìn lên mặt
Franck, lúc này đã đỏ lựng lên rồi. - Ôi, tôi thật xin lỗi, chắc tôi có tuổi tới
nơi rồi. Anh ta mới trốn trại mà.
Simon thấy là Franck đang nghĩ một câu đối
đáp, ông bèn đi trước hắn một bước.
- Chúng tôi chú ý đến anh ta bởi sự trùng hợp
ngẫu nhiên giữa việc Vollan đến thăm và việc Lofthus bỏ trốn, khiến cho cái chết
của Vollan còn đáng ngờ hơn.
Franck xốc cổ áo sơ mi.
- Làm sao ông biết họ gặp nhau?
- Mọi cuộc thẩm vấn của cảnh sát đều được
lưu trong cơ sở dữ liệu chung, - Kari vẫn đứng mà nói. - Khi tìm hiểu về Per
Vollan, tôi thấy tên ông ta được nhắc đến trong cuộc thẩm vấn liên quan đến vụ
Lofthus đào thoát. Do một phạm nhân có tên Gustav Rover khai.
- Rover mới được thả. Hắn bị thẩm vấn vì có
nói chuyện với Sonny Lofthus không lâu trước khi tên kia bỏ trốn. Chúng tôi muốn
biết Lofthus có nói gì giúp chúng tôi hình dung ra được cái hắn toan tính.
- Chúng tôi? Giúp chúng tôi? - Simon nhướng
một bên mày đã bạc. - Nói đúng ra thì bắt phạm nhân vượt ngục là việc của cảnh
sát - và chỉ của chúng tôi, không phải của các anh.
- Lofthus là phạm nhân của tôi, Kefas.
- Xem ra Rover đã không giúp được anh, -
Simon nói. - Nhưng khi bị thẩm vấn hắn có nhắc là đúng lúc hắn rời xà lim thì
Per Vollan tới để nói chuyện với Lofthus.
Franck nhún vai.
- Vậy thì sao?
- Nên chúng tôi thắc mắc hai người họ đã
nói về chuyện gì. Và tại sao không lâu sau đó một người bị giết còn người kia
vượt ngục.
- Có thể là ngẫu nhiên.
- Tất nhiên. Anh có biết một người tên Hugo
Nestor không, Franck? Còn gọi là người Ukraina?
- Tôi có nghe tên.
- Vậy là có. Có gì gợi ý cho thấy là Nestor
có thể dính líu trong vụ vượt ngục không?
- Ý ông là sao?
- Hắn có giúp Lofthus thoát hay hắn có hăm
dọa Lofthus trong tù, do vậy dẫn đến chuyện bỏ trốn hay không?
Franck gõ gõ cây bút trên bàn. Hắn trông
như đang trầm ngâm suy nghĩ.
Simon liếc thấy Kari kiểm tra tin nhắn điện
thoại.
- Tôi biết ông đang muốn có gấp kết quả,
nhưng ông sẽ không tóm được con cá lớn nào ở đây đâu, - Franck nói. - Sonny
Lofthus bỏ trốn hoàn toàn là tự phát.
- Chà, - Simon nói, ngả người ra ghế dựa và
chụm mấy đầu ngón tay lại.
- Một tên nghiện ma túy còn trẻ, chỉ là tay
mơ, trốn được khỏi Staten, là Staten chứ không phải bất cứ nơi nào khác, mà
hoàn toàn một mình không ai tiếp tay giúp sức?
Franck nhoẻn cười.
- Ông muốn cá cái vụ tay mơ không, Kefas? -
Và cái cười nhăn nhở toét rộng hơn nữa khi Simon cứng họng. - Tôi lớn tuổi quá,
ông đâu còn cá cược gì được nữa. Vậy thì để tôi cho ông thấy kẻ tay mơ của ông.
- Đây là băng ghi hình từ camera giám sát,
- Franck nói, ra dấu về màn hình máy tính 24 inch. - Tại thời điểm này các sĩ
quan trong phòng điều khiển nằm úp mặt xuống sàn còn Johannes mở khóa toàn bộ cửa
nhà tù.
Màn hình chia thành mười sáu ô, mỗi ô cho một
camera, cho thấy nhiều khu vực khác nhau trong tù. Bên dưới màn hình có đồng hồ.
- Hắn đến kia, - Franck nói, chỉ về ô cửa sổ
cho thấy một hành lang nhà tù.
Simon và Kari thấy một thanh niên từ xà lim
đi ra và chạy những bước cứng nhắc về phía camera. Anh ta mặc áo sơ mi trắng
dài gần tới đầu gối và Simon kết luận là thợ cắt tóc của người này chắc còn tệ
hơn của mình; mái tóc trông như bị hất tung khỏi đầu.
Cậu thanh niên biến mất khỏi khuôn hình. Rồi
lại xuất hiện trong một khuôn hình khác.
- Chỗ này Lofthus đi qua lồng, - Franck
nói. - Và khi hắn ở đó, Johannes đang mải thuyết giảng về cái lão sẽ làm với
gia đình các sĩ quan nếu có ai cố ngăn lão ta. Phần thú vị là chuyện xảy ra
trong phòng thay đồ nhân viên.
Họ thấy Lofthus chạy vào phòng có dãy tủ cá
nhân, nhưng thay vì tiếp tục đi thẳng đến lối ra, anh ta rẽ trái và mất hút khỏi
màn hình ra sau dãy tủ cuối.
Franck giận dữ nhấn ngón trỏ xuống một phím,
đồng hồ bên dưới màn hình ngừng chạy.
Franck đưa con trỏ tới đồng hồ và nhập thời
gian 7 giờ 20 vào. Rồi hắn cho băng chạy nhanh gấp bốn lần. Những người mặc đồng
phục xuất hiện trong một ô cửa sổ trên màn hình. Họ ra ra vào vào phòng thay đồ
nên cửa liên tục đóng mở. Không làm sao phân biệt được ai là ai cho đến khi
Franck bấm phím lần nữa cho màn hình đứng yên.
- Anh ta kìa, - Kari nói. - Giờ thì anh ta
mặc đồng phục với áo choàng.
- Đồng phục và áo choàng của Sorensen, -
Franck nói. - Chắc hắn thay đồ xong rồi chờ trong phòng thay đồ. Ngồi nơi băng
ghế, cứ cúi gằm, vờ cột dây giày hay gì đó trong khi mấy người kia đi ra đi
vào. Ở đây chúng tôi có số nhân viên luân phiên ra vào đông đến mức sẽ không ai
nhìn lại cho kỹ một gã lính mới thay đồ hơi lề mề. Hắn chờ đến giờ cao điểm buổi
sáng rồi ra theo mấy người kia. Không ai nhận ra Sonny khi đã không còn chòm
râu và mái tóc dài hắn cắt trong xà lim rồi nhồi vào gối. Ngay cả tôi cũng
không...
Nhấn phím cái nữa hắn bắt đầu chiếu lại, lần
này ở tốc độ bình thường. Màn hình cho thấy một thanh niên mặc áo choàng và đồng
phục đi ra bằng cửa sau trong khi Arild Franck và một người đàn ông tóc chải
ngược ra sau và mặc bộ com lê xám đi vào.
- Rồi bảo vệ bên ngoài không hề chặn anh ta
lại?
Franck chỉ vào hình ảnh ở góc dưới bên phải
màn hình.
- Cái này lấy từ phòng bảo vệ. Ông thấy đấy,
chúng tôi cho xe và người ra mà không kiểm tra chứng minh thư. Nếu mỗi lần giao
ca chúng tôi phải trải qua đầy đủ các quy trình an ninh thì gây tạo tắc nghẽn.
Nhưng từ giờ trở đi chúng tôi cũng sẽ kiểm tra họ đi ra lúc đi ra.
- Phải, tôi đoán là chẳng mấy ai lại xếp
hàng để vào đây cả, - Simon đùa.
Trong sự im lặng sau đó họ còn nghe được
Kari nén một cái ngáp khi Simon tán thêm câu đùa nghênh đón của Franck.
- Kẻ tay mơ của ông đấy, - Franck nói.
Simon Kefas không đáp, ông chỉ nhìn chăm
chú vào sau lưng dáng người lững thững đi ngang bảo vệ. Vì lý do nào đó ông nở
nụ cười. Ông nhận ra Lofthus đi kiểu đó. Ông nhận ra dáng đi đó.
* * *
Martha đứng khoanh tay trước ngực, dò xét
hai người đàn ông trước mặt. Họ không thể nào là người bên Đội Bài trừ Ma túy;
cô nghĩ mình biết hầu hết cảnh sát ở Đội Bài trừ Ma túy nhưng cô chưa thấy hai
người này bao giờ.
- Chúng tôi tìm... - Một trong hai cất tiếng,
nhưng phần câu còn lại chìm trong tiếng còi xe cứu thương chạy ngang qua họ ở
đường Waldemar Thranes.
- Gì cơ? - Martha nói to. Cô băn khoăn
không biết mình đã thấy mấy bộ đồ đen như vậy ở đâu. Trong một mục quảng cáo?
- Sonny Lofthus? - gã nhỏ con hơn nhắc lại.
Hắn có mái tóc vàng còn cái mũi trông như bị dập vài bận rồi. Martha thấy mấy
cái mũi như vậy mỗi ngày, nhưng cô nghĩ cái này là hậu quả va chạm khi chơi thể
thao.
- Chúng tôi không bao giờ để lộ tên người ở
trọ trung tâm, - cô cho chúng biết.
Tên kia, một người cao nhưng rắn chắc có
mái tóc đen quăn chải thành hình vòng cung kỳ dị quanh đầu, cho cô xem tấm
hình.
- Hắn trốn khỏi Nhà tù Staten và được xem
là nguy hiểm. - Một xe cứu thương nữa đang chạy lại nên hắn cúi người tới, quát
vào mặt cô: - Nên nếu hắn sống ở đây mà cô không chịu cho chúng tôi biết, nếu
có chuyện gì thì cô chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cô hiểu chưa?
Vậy là không phải Đội Bài trừ Ma túy; ít nhất
điều đó cũng giải thích được vì sao cô chưa từng gặp bọn họ. Cô gật rồi nhìn kỹ
tấm hình. Ngước lên lại nhìn chúng. Mở miệng định nói gì đó thì một làn gió hất
mấy lọn tóc màu sẫm trước trán vào mặt cô. Cô định nói lại thì nghe tiếng la
hét sau lưng. Toy đứng trên cầu thang.
- Ôi, Martha ơi, thằng Burre đi cứa tay rồi.
Tôi không biết làm gì đây. Hắn vào lại nhà ăn rồi.
- Trong mùa hè mọi người cứ đến rồi đi, -
cô nói. - Đó là lúc nhiều người chỗ chúng tôi thích ngủ bụi trong công viên
hơn, cũng nhờ vậy mà có chỗ cho người mới đến. Khó mà nhớ được từng gương mặt...
- Như tôi nói rồi đấy, tên hắn là Sonny
Lofthus.
- ... với lại không phải ai cũng muốn đăng
ký tên thật. Chúng tôi không trông đợi khách có hộ chiếu hay bất kỳ giấy tùy
thân nào nên chúng tôi chấp nhận bất cứ tên nào họ báo.
- Những Dịch vụ Xã hội không cần biết họ là
ai sao? - gã tóc vàng hỏi.
Martha cắn môi dưới.
- Martha ơi, thằng Burre đúng nghĩa là đang
chảy máu ra khắp nơi đây này!
Gã có mái tóc quăn đặt bàn tay to bè, lông
lá lên cánh tay trần của Martha.
- Sao cô không để bọn tôi kiểm một vòng xem
có tìm thấy hắn không? - Hắn nhận thấy cái nhìn trong mắt cô nên rụt tay lại.
- Sẵn nói về giấy tùy thân, - cô nói. - Có
lẽ tôi phải yêu cầu các ông cho xem giấy tờ?
Cô thấy có gì đó tối sầm lại trong mắt gã
tóc vàng. Rồi lại bàn tay của gã tóc quăn. Lần này không phải trên cánh tay cô,
mà siết quanh.
- Thằng Burre chảy máu gần hết rồi. - Toy
đi lại chỗ họ; anh ta lắc lư và rơm rớm nước mắt nhìn chòng chọc hai người đàn
ông. - Đang có chuyện gì vậy?
Martha ngọ ngoạy thoát ra rồi đặt tay lên
vai Toy.
- Vậy thì ta nên đi cứu anh ta thôi. Quý vị,
nếu các vị muốn chờ.
Martha cùng Toy bước qua nhà ăn. Lại một xe
cứu thương nữa phóng qua.
Ba xe cứu thương. Cô bất giác rùng mình.
Tới cửa nhà ăn, cô quay lại.
Hai gã đàn ông đã đi mất.
* * *
- Vậy là anh với Harnes thấy Sonny ngay trước
mặt? - Simon hỏi khi Franck tiễn ông và Kari xuống lại tầng trệt.
Franck liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
- Cái chúng tôi thấy là một thanh niên, mày
râu nhẵn nhụi tóc ngắn mặc đồng phục. Sonny mà chúng tôi biết thì mặc sơ mi bẩn
thỉu, tóc dài xù xợp và để râu.
- Vậy ý ông nói là xét theo bộ dạng anh ta
hiện giờ thì sẽ khó mà tìm ra anh ta? - Kari hỏi.
- Hình ảnh từ camera giám sát rất kém, như
ta có thể thấy trước. - Arild Franck quay lại nhìn xoáy vào mắt cô. - Nhưng
chúng tôi sẽ tìm ra hắn.
- Thật tiếc là chúng tôi không được nói
chuyện với tay Halden này, - Simon nhận xét.
- Phải, như tôi nói rồi, bệnh tình lão ta
đã chuyển biến xấu đi, - Franck đáp khi dẫn họ về lại khu vực tiếp tân. - Tôi sẽ
cho ông biết khi nào lão ta đủ khỏe để tiếp khách.
- Anh cũng không biết Lofthus có thể đã nói
với Per Vollan về chuyện gì?
Franck lắc đầu.
- Tôi cho là giãi bày tâm tư và dẫn dắt
tinh thần như mọi khi. Dù bản thân Lofthus cũng là một người để tâm sự.
- Vậy sao?
- Lofthus tách biệt với các phạm nhân khác.
Hắn trung lập, không thuộc về những phe nhóm ta thường thấy trong mọi nhà tù. Hắn
cũng không hề bép xép. Đó là định nghĩa về người biết lắng nghe, chứ gì nữa? Hắn
thành ra kiểu cha xưng tội cho các phạm nhân khác, người để họ gửi gắm mọi điều.
Hắn đi mách lại ai được chứ? Hắn chẳng có đồng minh và sẽ còn ngồi tù.
- Anh ta ngồi tù vì loại án mạng nào? -
Kari hỏi.
- Giết người, - Franck đáp cộc lốc.
- Ý tôi là...
- Loại án mạng dã man nhất. Hắn bắn một thiếu
nữ châu Á và làm một người Kosovo gốc Albania nghẹt thở đến chết. - Franck giữ
cửa mở cho họ.
- Mà thử nghĩ xem, tên tội phạm nguy hiểm
như vậy giờ lại đang nhởn nhơ ngoài kia, - Simon nói, biết là mình đang làm
tình thế khó chịu hơn. Không phải ông là loại người ưa hành hạ tàn bạo, nhưng cứ
động đến Arild Franck là ông sẵn sàng cho một ngoại lệ. Không phải vì Franck là
kẻ dễ ghét, thực thì tính cách hắn lại là tình tiết giảm nhẹ. Không phải vì người
này không làm tròn phận sự - ở trụ sở cảnh sát ai cũng biết Franck mới đích thực
là sếp ở Staten, không phải người đang giữ chức giám thị. Không, là chuyện
khác. Những sự trùng hợp rõ rành rành này gộp lại tạo thành một nỗi nghi ngờ đã
gặm nhấm Simon từ lâu và đang tụ thành một thông tin thuộc đang gây ức chế nhất,
điều ta không thể chứng minh.
Rằng Arild Franck ăn hối lộ.
- Tôi cho hắn bốn mươi tám giờ, chánh thanh
tra à, - Franck nói. - Hắn không có tiền bạc, không thân nhân bạn bè. Hắn là kẻ
bơ vơ ngồi tù từ mười tám tuổi. Đã là mười hai năm. Hắn không biết gì về thế giới
bên ngoài, hắn chẳng có nơi nào mà đi, không chỗ ẩn nấp.
Trong khi Kari vội vàng theo cho kịp Simon
trên đường ra xe, Simon nghĩ về bốn mươi tám tiếng và thấy muốn cá. Vì ông đã
nhận ra điều gì đó ở chàng trai.
Ông chưa hẳn biết đó là gì; có lẽ chỉ là
cung cách đi đứng của cậu ta. Cũng có thể cậu ta còn thừa hưởng nhiều hơn vậy.
14
Johnny Puma nằm trên giường trở mình dò xét
bạn cùng phòng mới. Anh không biết ai nghĩ ra cái danh bạn cùng phòng, có điều ở
Trung tâm Ila mà gọi thế là sai không thể tưởng. Kẻ thù chung phòng thì sẽ hợp
hơn. Anh chưa từng ở chung phòng với ai mà không cố cướp sạch của anh. Hay ai
đó mà chính anh không cố cướp sạch. Nên anh giữ khư khư mọi thứ quý giá, gồm một
ví chống thấm đựng ba ngàn krone và một túi nhựa hai lớp có ba trăm gam
amphetamine, bằng cách dán vào bắp đùi lông lá đến mức mọi cố gắng lấy đi đều sẽ
dựng anh dậy dù là lúc ngủ say nhất.
Đây là cuộc đời Johnny Puma khoảng hai mươi
năm qua: amphetamine và ngủ. Anh đã được gán cho hầu hết những chẩn đoán họ đưa
ra từ những năm 70 trở đi nhằm lý giải vì sao một thanh niên thường thích tiệc
tùng hơn làm việc, choảng nhau và la cà hơn là mua nhà và lập gia đình, phê thuốc
hơn là hoàn lương và sống một đời tẻ nhạt. Nhưng chẩn đoán sau cùng ở lại với
anh. ME. Myalgic encephalomyelitis. Hội chứng mệt mỏi kinh niên. Johnny Puma mà
mệt mỏi ư? Ai nghe cũng chỉ cười. Johnny Puma, dân tập tạ, sức sống và linh hồn
của các bữa tiệc, nhân viên chuyển nhà nổi tiếng nhất Lillesand, có thể tự mình
nhấc bổng đàn piano. Đầu tiên là hông đau đớn, thuốc giảm đau không hiệu nghiệm,
sau đó thuốc giảm đau lại quá hiệu nghiệm, và thế là anh bị nghiện. Giờ thì cuộc
sống của anh gồm những ngày dài nằm nghỉ trên giường, xen kẽ những giai đoạn hoạt
động căng thẳng khi anh phải dồn toàn bộ sức lực vào việc kiếm ma túy. Hay xoay
tiền trả khoản nợ đã lớn đến mức đáng ngại cho tên trùm ma túy trong trung tâm,
một thằng Lithuania mới phẫu thuật chuyển giới được một nửa tự xưng là Coco.
Chỉ cần nhìn một cái Johnny đã dám chắc anh
chàng đứng bên cửa sổ cần kiếm thuốc. Cuộc lùng sục điên cuồng, thường trực.
Cái ép buộc. Cuộc vật vã.
- Làm ơn khép màn lại giùm đi, bồ?
Người nọ nghe lời và căn phòng lại trở nên
âm u dễ chịu.
- Cậu dùng thứ gì vậy, bồ?
- Heroin.
Heroin? Ở trung tâm này thiên hạ gọi là thuốc
kích thích khi muốn nói heroin. Phân, xì ke, ngựa hay bụi. Hay nhóc. Hay siêu
nhóc khi người ta muốn nói đến thứ thần dược mới có thể mua dưới Nybrua, từ một
gã trông như chú lùn trong Bạch Tuyết. Heroin là cái người ta gọi trong tù. Hay
nếu bọn họ là lính mới, tất nhiên. Mặc dù nếu là lính mới thứ thiệt, ta có thể
dùng những cụm từ như Trắng Tàu, Bùn Mexico hay bất kỳ từ vớ vẩn nào khác nhặt
được trong phim ảnh.
- Tớ có thể kiếm cho cậu heroin thứ tốt, rẻ.
Cậu không phải ra ngoài đâu.
Johnny thấy có gì đó diễn ra nơi dáng người
trong bóng tối. Anh từng thấy bọn nghiện tuyệt vọng thực sự chỉ cần nghe hứa hẹn
có ma túy là đã phiêu được rồi; anh biết các thử nghiệm đã ghi nhận, những thay
đổi ở trung tâm hưng phấn của não trong mấy giây trước khi người ta dùng ma
túy. Với bốn mươi phần trăm mức giá chênh lệch khi bán lại ma túy mua của
Hovdingen phòng 36, Johnny có thể mua cho mình ba bốn gói speed. Vậy thì thích
hơn là lại đi trộm đồ hàng xóm.
- Không, cảm ơn. Nếu anh muốn ngủ thì để
tôi đi.
Giọng nói từ cửa sổ nhỏ nhẹ trầm ấm đến mức
Johnny không hiểu sao nó xuyên qua được những tiếng tiệc tùng, la hét, nhạc,
cãi cọ, và xe cộ thường trực ở Ila. Vậy ra gã ta muốn biết Johnny có sắp đi ngủ
không, hả? Để gã lục trong người anh. Biết đâu lại mò ra cái gói Johnny dán vào
đùi.
- Tớ chẳng ngủ bao giờ, tớ chỉ nhắm mắt
thôi. Cậu hiểu tớ chứ, bồ?
Gã thanh niên gật.
- Tôi ra ngoài đây.
Khi cửa đã đóng lại sau lưng kẻ thù cùng
phòng mới, Johnny Puma mò ra khỏi giường. Chỉ cần hai phút là anh đã lục lọi
xong tủ đồ của gã thanh niên và giường tầng trên cùng. Không có gì. Không sao.
Kẻ thù cùng phòng của anh không thể nào non nớt như vẻ ngoài được; gã mang hết
mọi thứ bên mình.
* * *
Markus Engseth sợ chết khiếp.
- Giờ mày sợ rồi hả? - Thằng to con hơn trong
hai đứa đứng chắn đường nói.
Markus lắc đầu và nuốt ực.
- Phải rồi, mày sợ đến túa mồ hôi, đồ lợn
béo. Ê, mày ngửi thấy không?
- Nhìn kìa, nó sắp khóc tới nơi rồi, - thằng
kia cười.
Chúng mười lăm tuổi, có lẽ mười sáu. Hay thậm
chí mười bảy. Markus không biết, cậu chỉ biết là chúng to con hơn và lớn tuổi
hơn mình.
- Bọn tao chỉ muốn mượn thôi mà, - thằng to
con hơn nói rồi chộp ghi đông xe đạp của Markus. - Bọn tao sẽ trả lại cho.
- Cuối cùng cũng trả thôi mà, - thằng kia lại
cười.
Markus ngước nhìn lên cửa sổ mấy ngôi nhà
trên phố vắng. Những mặt kính tối om, đui mù. Thường thì cậu không thích người
ta nhìn mình. Cậu thích vô hình để lẻn qua cổng vườn tới tận ngôi nhà sơn vàng
bỏ hoang. Nhưng ngay phút này cậu mong sao một cánh cửa sổ đâu đó mở ra, một giọng
người lớn quát mấy thằng to con xéo đi. Về lại Tasen hay Nydalen, hay khu xóm
nào đó của bọn du đãng như chúng. Nhưng bốn bề vẫn im lìm. Cảnh vắng lặng mùa
hè. Đang là kỳ nghỉ và mấy đứa trẻ khác trên phố đã đến những túp lều gỗ, bãi
biển hay thành phố nước ngoài. Nhưng thế cũng chẳng khác gì, lúc nào Markus
cũng thui thủi chơi một mình. Nhưng nhỏ con mà không ở giữa đám đông thì mạo hiểm
hơn.
Thằng bự con giằng chiếc xe đạp khỏi tay
Markus, cậu nhận ra mình không đủ sức mà chớp chớp gạt nước mắt nữa. Chiếc xe đạp
mẹ mua cho cậu bằng tiền mà đáng lẽ họ dùng để đi đâu đó hè này.
- Bố tao đang ở nhà đó, - cậu nói, chỉ qua
đường về phía ngôi nhà đỏ của họ nằm đối diện ngôi nhà vàng bỏ hoang cậu vừa
vào.
- Vậy sao mày không gọi ổng đi? - Thằng bé
ngồi thử lên xe đạp của Markus; xe ngả nghiêng và nó có vẻ cáu vì lốp xe không
đủ căng.
- Bố ơi! - Markus gọi, nhưng tức thì nhận
ra nghe nó giả tạo và gượng gạo thế nào.
Hai thằng lớn tuổi hơn ré lên cười. Đứa nọ
đã ngồi lên yên sau và Markus thấy lốp cao su bắt đầu xoắn bung khỏi bánh xe.
- Tao nghĩ mày làm gì có bố, - thằng bé nói
và nhổ xuống đất. - Đi nào, Herman, đạp đi!
- Tao đang cố đây, nhưng mày ghì tao lại.
- Đâu nào, đâu có.
Ba thằng bé quay lại.
Một người đàn ông đang đứng sau xe đạp và
giữ chặt yên xe. Anh ta nhấc phần sau xe lên, làm bàn đạp quay ro ro và cả hai
thằng bé ngã chúi tới trước.
Chúng loạng choạng té và trừng mắt nhìn người
nọ.
- Ông làm cái quái gì vậy? - Thằng lớn tuổi
hơn càu nhàu.
Người này không đáp, anh ta cứ nhìn nó.
Markus để ý thấy mái tóc cắt kỳ dị, huy hiệu Cứu Thế quân trên sơ mi và mấy vết
sẹo trên cẳng tay. Im ắng đến mức Markus nghĩ cậu nghe được từng con chim ở
Berg hót. Và lúc này hình như hai thằng lớn cũng đã để ý thấy mấy vết sẹo nơi
anh này.
- Bọn tôi chỉ định mượn thôi mà. - Giọng thằng
lớn hơn đã mang giọng điệu khác; khản đặc và lí nhí.
- Nhưng nếu muốn thì ông cứ lấy đi, - đứa
kia lẹ làng nói thêm.
Người này tiếp tục nhìn chúng chằm chằm.
Anh ta ra dấu cho Markus lấy chiếc xe đạp. Hai thằng bèn tránh ra.
- Mấy đứa sống ở đâu?
- Tasen. Có phải... chú là bố nó?
- Có lẽ vậy. Điểm dừng kế tiếp của mấy cậu ở
Tasen, OK?
Hai thằng cùng gật. Chúng quay lại, như thể
nghe lệnh, và bước đều.
Markus ngước nhìn lên người đàn ông đang mỉm
cười với cậu. Đằng sau họ cậu nghe thằng này nói với thằng kia: “Bố nó là dân
nghiện - mày có thấy cánh tay ổng không?”
- Em tên gì? - Người nọ hỏi.
- Markus, - cậu đáp.
- Nghỉ hè cho vui nhé, Markus, - anh này
nói, trả xe đạp lại cho cậu rồi bước qua cổng đến ngôi nhà vàng. Markus nín thở.
Đó là một ngôi nhà như bao nhà khác trên phố, vuông vức như cái hộp, không lớn
lắm và có khu vườn nhỏ bao quanh. Nhưng ngôi nhà và khu vườn cần được sơn phết
lại đôi chút và cũng gần một buổi làm việc ngoài bãi cỏ. Dẫu vậy nó vẫn là Nhà.
Anh này tiến thẳng đến cầu thang tầng hầm. Không phải cửa trước như Markus vẫn
thấy mấy nhân viên bán hàng hay người bên Hội Nhân chứng Jehovah làm. Anh ta có
biết gì về chiếc chìa khóa giấu nơi xà nhà trên cửa tầng hầm Markus vẫn luôn cẩn
thận trả lại chỗ cũ?
Cậu có được câu trả lời khi nghe cửa tầng hầm
mở rồi khép lại.
Markus há hốc. Theo như cậu nhớ thì đã
không còn ai ở trong căn nhà đó.
Dù phải thú thật là cậu chỉ nhớ được cùng lắm
là ngày cậu năm tuổi, là bảy năm trước, nhưng không hiểu sao căn nhà vắng thì mới
có vẻ đúng. Ai lại muốn sống trong một căn nhà có người tự tử?
À, có một người mỗi năm đều tới ít nhất hai
lần. Markus thấy ông ta có một lần và đoán chắc ông ta là người bật hệ thống lò
sưởi ở nhiệt độ thấp trước khi mùa đông đến rồi lại tắt vào mùa xuân. Chắc ông
ta thanh toán hóa đơn. Mẹ cậu nói không có điện thì giờ căn nhà đã hư hại đến
không ở được, nhưng mẹ cũng không biết ông đó là ai. Nhưng ông ta trông chẳng
giống gì với người giờ đang ở trong nhà, Markus tin chắc điều đó.
Markus có thể thấy mặt người mới đến qua cửa
sổ bếp. Nhà không giăng màn nên mỗi khi Markus vào, cậu thường tránh thật xa cửa
sổ để khỏi bị nhìn thấy. Người này trông không có vẻ đến để bật lò sưởi, vậy
anh ta làm gì trong ấy? Làm sao để Markus... rồi cậu nhớ ra cái kính viễn vọng.
Markus đẩy xe đạp qua cổng vào ngôi nhà rồi
chạy lên lầu đến phòng ngủ của mình. Kính viễn vọng của cậu - thật ra chỉ là
cái ống nhòm bình thường để trên giá - là thứ duy nhất bố cậu không mang theo
khi bỏ đi. Hay đó là mẹ cậu nói vậy. Markus hướng ống nhòm về ngôi nhà vàng và
chỉnh tiêu cự lại gần.
Anh này không còn đó. Cậu đưa ống nhòm qua
vách nhà từ cửa sổ này sang cửa sổ khác.
Thế là anh ta kia rồi. Trong phòng ngủ của
cậu con trai. Nơi tên nghiện ma túy từng sống. Markus đã thám hiểm căn nhà nên
biết hết mọi ngóc ngách xó xỉnh. Kể cả chỗ giấu kín đáo dưới tấm ván sàn rời
trong phòng ngủ chính.
Nhưng dù không ai tự sát ở đó đi nữa, cậu
cũng chẳng bao giờ muốn sống trong ngôi nhà vàng. Trước khi nó bị bỏ hoang hẳn,
anh con trai của ông đã chết từng sống ở đó. Người con là dân nghiện ma túy và
đã bày bừa kinh khủng mà chẳng bao giờ dọn dẹp. Anh ta cũng không cho sửa sang
gì, nên mỗi khi trời mưa là nước nhỏ giọt tong tỏng qua mái nhà. Không lâu sau
khi Markus chào đời, anh con trai biệt tăm. Anh ta đi tù, mẹ Markus nói. Vì giết
ai đó. Và Markus đã băn khoăn ngôi nhà có trù yểm những người sống trong đó hay
không, nên họ mới tự giết mình hay giết người khác. Markus rùng mình. Dù đó là
thứ cậu ưa thích nhất ngôi nhà - nó hơi hung hiểm, cậu có thể bịa ra những câu
chuyện về những gì diễn ra trong đó. Chỉ có hôm nay cậu mới không phải bịa chuyện,
hôm nay mọi chuyện đang tự diễn ra trong đó.
Anh này đã mở cửa sổ phòng ngủ - có gì lạ
đâu, nơi này cần được thoáng khí. Tuy nhiên, Markus thích phòng này nhất, dù
khăn trải giường bẩn và có kim tiêm dưới sàn. Anh này đứng xoay lưng về phía cửa
sổ, nhìn mấy bức ảnh mà Markus rất thích. Cái ảnh gia đình mà cả ba người họ
nhoẻn cười và trông hạnh phúc. Tấm hình cậu con trai mặc bộ đồ đấu vật đứng cạnh
cha mặc bộ đồ thể thao cùng nhau nâng chiếc cúp. Hình người cha mặc đồng phục cảnh
sát.
Anh ta mở tủ, lấy ra cái áo xám có mũ trùm
đầu và túi thể thao đỏ có hàng chữ trắng Câu lạc bộ đấu vật Oslo. Anh ta bỏ vài
thứ vào túi nhưng Markus không thấy được là thứ gì. Rồi anh ta rời phòng ngủ và
mất hút. Rồi lại xuất hiện ở thư phòng, một phòng nhỏ có bàn làm việc đẩy sát tới
cửa sổ. Mẹ cậu nói đó là nơi người ta tìm thấy cái xác. Anh ta đang tìm gì đó gần
cửa sổ. Markus biết anh ta tìm gì, nhưng trừ phi rành đường đi nước bước, nếu
không anh ta sẽ không bao giờ tìm thấy. Rồi có vẻ như anh này đang mở hộc bàn,
nhưng anh ta để túi thể thao trên bàn nên Markus không còn thấy rõ nữa.
Chắc hẳn anh ta đã tìm thấy cái mình tìm,
hoặc chịu thua, bởi anh ta xách túi lên ra khỏi phòng. Rồi anh ta đi qua phòng
ngủ chính trước khi xuống lầu và Markus mất dấu anh ta.
Mười phút sau thì cửa tầng hầm mở và anh
này lên cầu thang. Anh ta đã mặc áo vào, kéo mũ lên trùm đầu và vắt túi qua
vai. Anh ta ra khỏi cổng và bước xuôi đường như khi đến.
Markus nhảy thót xuống chạy ra ngoài. Cậu
thấy cái lưng áo có mũ trùm, nhảy qua hàng rào đến ngôi nhà vàng, chạy băng qua
bãi cỏ rồi xuống mấy bậc thềm tầng hầm. Run bần bật và hụt cả hơi, cậu đưa mấy
ngón tay mò dọc xà nhà. Chìa khóa đã được trả lại chỗ cũ! Cậu thở phào nhẹ nhõm
rồi lẻn vào. Cậu không sợ, không hề, theo một cách nào đó thì đây là nhà cậu.
Chính người lạ mới là kẻ đột nhập. Trừ phi...
Cậu chạy lên phòng làm việc. Đi thẳng tới mấy
giá sách sắp xếp ngăn nắp.
Ngăn thứ hai giữa cuốn Chúa Ruồi và Những
cây kế bị thiêu đốt. Thò mấy ngón tay vào. Chìa khóa hộc bàn ở đó. Nhưng nó đã
được tìm thấy và dùng chưa? Cậu vừa nhìn bàn viết vừa tra chìa vào lỗ khóa và
xoay. Trên gỗ có một vết đen đậm. Nó có thể là dấu mồ hôi do dùng lâu ngày,
nhưng trong óc Markus, không nghi ngờ gì nữa đó là nơi cái đầu đã gục xuống, giữa
vũng máu, máu bắn tung tóe khắp tường, hệt như cậu thấy trong phim.
Markus nhìn sững xuống hộc bàn. Cậu thở hổn
hển. Nó không còn! Đúng là anh ta rồi. Người con trai. Anh ta đã về. Không ai
khác biết chìa khóa hộc bàn cất ở đâu. Anh ta còn có dấu kim tiêm trên cánh
tay.
Markus đi vào phòng ngủ của anh con trai.
Phòng của cậu. Cậu liếc quanh và tức thì nhận ra thiếu mất cái gì. Tấm hình người
cha mặc đồng phục cảnh sát. Cái máy nghe đĩa Discman. Và một trong bốn đĩa CD.
Cậu nhìn ba đĩa CD kia. Cái không còn ở đó nữa là Violator của ban nhạc Depeche
Mode. Markus đã nghe thử, nhưng không đánh giá cao.
Cậu ngồi xuống giữa phòng để không bị người
ngoài đường nhìn thấy. Cậu lắng nghe mùa hè im ắng bên ngoài. Anh con trai đã
quay về. Markus đã nghĩ ra toàn bộ cuộc đời cho người con trai trong hình.
Nhưng cậu quên là người ta già đi. Và giờ anh ta đã quay về. Để lấy thứ trong hộc
bàn.
Rồi Markus nghe thấy tiếng động cơ xe phá
tan sự im lặng.
* * *
- Ông có chắc số nhà không đánh theo hướng
kia không? - Kari hỏi và ló ra nhìn mấy căn nhà gỗ giản dị, hy vọng phát hiện
ra một số nhà để còn biết đường. - Có lẽ ta nên hỏi gã đằng kia.
Cô hất hàm về phía lề đường có một thanh
niên mặc áo mũ trùm, đầu cúi và túi xách đỏ bên vai đang bước về hướng họ.
- Căn nhà ngay bên kia đồi thôi, - Simon
nói và nhấn ga. - Cứ tin tôi.
- Vậy là ông quen cha cậu ta?
- Phải. Cô đã tìm hiểu được gì về cậu con
trai rồi?
- Ở Staten ai sẵn lòng nói chuyện với tôi
cũng đều nhận xét là cậu ta trầm lặng và không nói gì nhiều, nhưng cậu ta rất
được mọi người yêu mến. Cậu ta không thật sự có bạn bè và chủ yếu chỉ thui thủi
một mình. Tôi chưa dò ra được bà con thân thích nào. Đây là địa chỉ sau cùng của
cậu ta mà chúng ta biết.
- Cô có chìa khóa vào nhà không?
- Chìa cùng với tư trang của cậu ta được
lưu ký trong tù. Tôi không cần lệnh khám mới - lệnh khám đã được ban ra cùng với
việc cậu ta bỏ trốn.
- Vậy là một cảnh sát đã đến?
- Chỉ để kiểm tra xem Sonny có về nhà
không. Dù thực tình thì không ai nghĩ cậu ta lại ngu đến vậy.
- Không bạn bè, không thân nhân, không tiền
bạc. Chuyện đó làm cậu ta không còn nhiều lựa chọn. Cô sẽ sớm biết ra rằng,
thông thường, phạm nhân khá ngu.
- Tôi biết, nhưng vụ vượt ngục đó không phải
sản phẩm của một thằng ngu.
- Có lẽ vậy, - Simon thừa nhận.
- Không đâu, - Kari nói dứt khoát. - Sonny
Lofthus là sinh viên hạng A. Cậu ta là một trong những tay vật giỏi nhất Na Uy
trong nhóm tuổi đó. Không phải vì mạnh nhất, mà vì cậu ta là một nhà chiến thuật
thông minh.
- Cô tìm hiểu kỹ nhỉ.
- Không, - cô nói. - Tôi chỉ tìm tên cậu ta
trên Google, xem các báo cũ dạng PDF, gọi vài cuộc điện thoại. Có phải bắc
thang lên trời đâu.
- Căn nhà kia rồi, - ông nói.
Simon đậu xe, họ xuống xe và Kari mở cổng
vườn.
- Giờ nó trông xập xệ quá, - ông nhận xét.
Simon rút súng lục của cảnh sát ra kiểm chốt
an toàn trước khi Kari mở khóa cửa trước.
Simon vào trước, giơ vũ khí lên. Ông dừng lại
trong hành lang nghe ngóng.
Ông bấm công tắc đèn. Một ngọn đèn trên tường
sáng lên.
- Ối, - ông thì thầm. - Nhà không có người ở
mà có điện thì lạ thật. Trông như mới đây có ai đó...
- Không phải, - Kari nói. - Tôi kiểm tra rồi.
Từ khi Lofthus vào tù các hóa đơn dịch vụ đã được thanh toán từ một tài khoản ở
quần đảo Cayman mà không thể dò ra cá nhân nào. Mấy khoản tiền không lớn, nhưng
chuyện đó...
- ... kỳ bí, - Simon nói. - Chuyện đó thì tốt
thôi, dân điều tra chúng ta chỉ mê chuyện thật là kỳ bí, đúng không?
Ông đi trước, đến cuối hành lang rồi vào bếp.
Ông mở tủ lạnh và phát hiện nó không cắm điện dù trong có một hộp sữa nằm chỏng
chơ. Ông gật đầu với Kari, cô nhìn ông ngơ ngác rồi mới hiểu. Cô ngửi hộp sữa
đã khui. Không có mùi. Rồi cô lắc hộp và họ nghe lắc cắc những cục đã từng là sữa.
Cô theo Simon qua phòng khách. Lên cầu thang đến tầng một. Họ kiểm tra tất cả
các phòng rồi cuối cùng vào chỗ rõ ràng là phòng ngủ của cậu con trai. Simon ngửi
ngửi không khí.
- Gia đình cậu ta, - Kari nói, chỉ một bức ảnh
trên tường.
- Phải, - Simon trả lời.
- Mẹ cậu ta - bà ấy trông như ca sĩ hay diễn
viên nhỉ?
Simon không đáp; ông đang nhìn bức hình
kia. Cái bức không còn. Chính xác hơn, ông nhìn hình chữ nhật lờ mờ trên giấy
dán tường nơi từng treo tấm hình. Ông lại ngửi ngửi không khí.
- Tôi đã tìm cách nói chuyện với một ông thầy
cũ của Sonny, - Kari nói. - Ông ấy nói Sonny muốn thành sĩ quan cảnh
sát như cha, nhưng khi cha qua đời thì cậu ta lạc lối. Gặp rắc rối ở trường,
xua đuổi mọi người, cố ý tách biệt rồi thành tự hủy hoại bản thân. Mẹ cậu ta
cũng suy sụp sau vụ tự tử, bà ấy...
- Helene, - Simon nói.
- Sao cơ?
- Bà ấy tên Helene. Một lần dùng quá liều
thuốc ngủ. - Simon nhìn khắp phòng. Cái nhìn dừng lại bên chiếc bàn bụi bặm kê
đầu giường trong khi giọng Kari nhấn nhá đằng sau:
- Khi Sonny được mười tám, cậu ta nhận tội
hai vụ giết người và bị tống giam.
Trong lớp bụi có một vết hằn.
- Cho đến lúc đó các cuộc điều tra của cảnh
sát đã đi theo những hướng khác hẳn.
Simon bước nhanh hai bước tới cửa sổ. Nắng
chiều đổ trên chiếc xe đạp nằm dưới đất trước ngôi nhà sơn đỏ. Ông nhìn xuống
con đường họ đã chạy xe lên.
Ở đó giờ không có ai.
- Mọi chuyện không phải lúc nào cũng như
nhìn bề ngoài, - ông nói.
- Ý ông là sao?
Simon nhắm mắt. Cậu ta đã có lại sức lực rồi
sao? Lại như trước? Ông hít một hơi sâu.
- Trong giới cảnh sát ai cũng nghĩ chắc hẳn
Ab Lofthus là gián điệp nhị trùng. Khi Ab chết rồi, các hoạt động của gián điệp
nhị trùng dừng lại, không còn những cuộc vây ráp bất thành, hoặc bằng chứng,
nhân chứng hay nghi can bỗng không cánh mà bay. Họ xem đó là bằng chứng.
- Nhưng sao?
Simon nhún vai.
- Ab là người tự hào về công việc của mình
và lực lượng cảnh sát. Anh ta không màng làm giàu, anh ta chỉ nghĩ đến gia
đình. Nhưng chắc chắn là có một gián điệp nhị trùng.
- Thế rồi?
- Nên vẫn phải có người tìm xem tên gián điệp
nhị trùng đó là ai.
Simon lại ngửi. Mồ hôi. Ông ngửi thấy mùi mồ
hôi. Có người vừa ở đây.
- Nhưng đó có thể là ai mới được? - Cô hỏi.
- Ai đó trẻ trung và lanh lợi. - Simon nhìn
Kari. Qua vai cô. Về phía cửa tủ áo. Mồ hôi. Nỗi sợ.
- Ở đây không có ai, - Simon nói to lên. -
Tốt thôi. Ta xuống dưới nhà đi.
Nửa đường xuống cầu thang Simon dừng lại và
ra hiệu cho Kari đi tiếp. Ông đứng tại chỗ chờ. Ông lắng nghe, nắm chặt báng
súng.
Im lặng.
Rồi ông theo Kari.
Ông quay lại căn bếp, tìm được cây bút rồi
viết gì đó lên thếp giấy nhớ vàng.
Kari hắng giọng.
- Chính xác thì Franck ám chỉ gì khi nói
ông đã bị đá khỏi Phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng?
- Tôi không muốn nói về chuyện đó, - Simon
đáp, xé tờ nhớ ra dán lên cửa tủ lạnh.
- Nó có liên quan gì đến đánh bạc không?
Simon nhìn cô gay gắt. Rồi ông bỏ đi.
Cô đọc mẩu giấy.
Tôi quen cha cậu. Ông ấy là người tốt và
tôi nghĩ ông ấy cũng sẽ nói như vậy về tôi. Hãy liên lạc với tôi, tôi hứa với cậu
là tôi sẽ giao nộp cậu theo cách an toàn và đúng mực.
Simon Kefas, điện thoại 550106573,
simon.kefas@oslopol.no
Rồi cô chạy theo ông.
* * *
Markus Engseth nghe xe nổ máy liền thở phào
nhẹ nhõm. Cậu đang ngồi xổm dưới đống áo quần treo trên mắc áo, lưng dựa vách tủ.
Cả đời cậu chưa thấy sợ như vậy bao giờ, cậu ngửi được mùi áo sơ mi mình mặc ướt
đẫm mồ hôi, dính bết vào người. Vậy nhưng cũng thú vị. Như khi cậu rơi tự do từ
tấm ván cao mười mét ở hồ bơi Frognerbadet, nghĩ rằng chuyện tệ nhất có thể xảy
ra là cậu sẽ chết. Mà hóa ra chuyện đó chẳng khủng khiếp đến vậy.
15
- Vậy hôm nay tôi giúp gì được quý ông? -
Tor Janasson hỏi.
Đó là cách cậu vẫn nói với khách hàng. Tor
hai mươi tuổi, tuổi trung bình của khách hàng là hai mươi lăm còn hàng hóa
trong tiệm thì chưa đến năm tuổi.
Và đó là lý do mà theo ý Tor Jonasson thì
hình thức xưng hô cổ lỗ như vậy gây cười. Tuy nhiên, trông như khiếu hài của cậu
không thẩm thấu được vào đầu khách hàng - dù khó mà biết được vì anh ta kéo sụp
mũ đến mức gần cả gương mặt chìm trong bóng tối. Lời nói ló ra từ vùng đất âm
u.
- Tôi cần một chiếc điện thoại di động
không dò ra được người gọi.
Một tên buôn ma túy. Tất nhiên rồi. Họ là
kiểu khách hàng duy nhất hỏi kiểu điện thoại như vậy.
- Trong iphone này ông có thể chặn chi tiết
người gửi, - Tor nói và cầm cái điện thoại trắng nơi một cái giá trong cửa tiệm
nhỏ lên. - Số của ông sẽ không hiển thị trên màn hình của người ông gọi. Trong
số điện thoại trả sau, cái này là số một.
Khách hàng tiềm năng đổi tư thế. Chỉnh lại
quai túi thể thao đỏ trên vai. Tor quyết định sẽ không rời mắt khỏi anh ta cho
đến khi anh ta rời tiệm.
- Không, tôi không cần điện thoại trả sau,
- gã nói. - Tôi cần cái không dò được. Ngay cả bởi nhà cung cấp.
Hay cảnh sát, Tor Jonasson nghĩ.
- Ông hẳn đang nghĩ đến điện thoại trả trước.
Như người ta dùng trong phim Đường dây tội phạm, [Tên gốc là The Wire, một xê
ri truyền hình nổi tiếng của Mỹ, nói về cuộc đấu tranh chống tội phạm buôn ma
túy ở Baltimore], - cậu nói to.
- Gì cơ?
- Đường dây tội phạm. Loạt phim truyền
hình. Để Đội Bài trừ Ma túy không dò theo điện thoại cần đến người sở hữu được.
Tor nhận ra là khách hàng không biết cậu
đang nói về chuyện gì. Lạy Chúa toàn năng. Một tên buôn ma túy mà hỏi “gì cơ”
và chưa từng xem phim Đường dây tội phạm.
- Nó ở Mỹ kìa; ở Na Uy ta không có mấy cái
như vậy. Từ 2005 ta phải xuất trình chứng minh thư dù cho ta mua điện thoại
dùng thẻ SIM trả trước. Nó phải được đăng ký dưới tên một ai đó.
- Một ai đó?
- Phải, phải đăng ký theo tên ông. Hay tên
cha mẹ ông nếu ông mua điện thoại cho họ.
- OK, - người này nói. - Cho tôi cái nào rẻ
nhất anh có. Với một thẻ SIM trả trước.
- Tất nhiên rồi, - anh bán hàng nói, bỏ chữ
ông đi, cất iphone và lấy xuống một điện thoại nhỏ hơn. - Cái này không phải là
rẻ nhất nhưng nó có thể truy cập Internet. Giá 1.200 krone kèm thẻ SIM.
- Truy cập Internet?
Tor lại nhìn anh chàng này. Anh ta không thể
nào lớn tuổi hơn mình, nhưng có vẻ hoang mang thật tình. Tor đưa hai ngón tay
vén mái tóc dài ngang vai ra sau tai. Đó là kiểu cách cậu học theo sau khi xem
mùa một loạt phim Giang hồ đẫm máu.
- Thẻ SIM cho phép ta lướt nét trên điện
thoại.
- Tôi làm vậy trong quán cà phê Internet
không được sao?
Tor Jonasson cười. Có lẽ suy cho cùng họ có
cùng khiếu hài như nhau.
- Sếp tôi vừa mới bảo tôi rằng ít năm trước
tiệm này từng là quán cà phê Internet. Có lẽ là tiệm cuối cùng ở Oslo...
Người này có vẻ phân vân. Rồi anh ta gật.
- Tôi lấy. - Anh ta để một xấp tiền lên quầy.
Tor cầm lên. Mấy tờ tiền cứng và bụi bặm
như thể đã cất đâu đó lâu rồi.
- Như tôi mới nói, tôi cần xem giấy tùy
thân.
Người này lấy trong túi ra một chứng minh
thư và đưa qua. Tor nhìn và nhận ra mình đã sai. Sai hoàn toàn. Người này không
đời nào là một tay buôn ma túy; mà hoàn toàn ngược lại. Cậu nhập tên vào máy
tính. Helge Sorensen. Tìm thấy địa chỉ. Trả lại chứng minh thư cùng tiền thối
cho người mà giờ cậu đã biết là quản giáo.
- Anh có bán pin cho cái này không? - Người
này nói, giơ lên một thiết bị màu bạc.
- Nó là gì vậy? - Tor hỏi.
- Discman, - người nọ đáp. - Tôi thấy anh
có bán tai nghe cho nó.
Tor nhìn quầy tai nghe phía trên quầy iPod.
- Có sao?
Tor mở mặt sau mấy món đồ cổ lấy mấy viên
pin cũ ra. Cậu tìm được hai viên pin Sanyo AA sạc lại được, đút vào rồi bấm nút
chạy. Nghe thấy tiếng rè rè từ tai nghe.
- Pin này sạc lại được đấy.
- Vậy là không chết như mấy viên cũ?
- Ồ có chứ, nhưng nó sẽ sống dậy.
Tor tin là mình thấy một nụ cười trong bóng
tối. Rồi người này vén khẽ mũ trùm lên và đeo tai nghe vào.
- Depeche Mode, - anh ta vừa nói vừa cười
toét rồi trả tiền mấy viên pin.
Thế rồi anh ta xoay lưng rời tiệm.
Tor Jonasson nhận ra mình ngạc nhiên vì
gương mặt cuốn hút bên dưới cái mũ trùm. Cậu bước lại chỗ khách hàng mới và hỏi
hôm nay cậu giúp được gì cho ông ta. Mãi đến giờ nghỉ ăn trưa Tor mới nhận ra tại
sao gương mặt đó đọng lại trong cậu. Không phải vì nó cuốn hút. Mà vì nó trông
chẳng giống gì với hình trên chứng minh thư.
* * *
Điều gì khiến một gương mặt trở nên cuốn
hút? Martha tự hỏi khi nhìn người thanh niên sau ô cửa phòng tiếp tân. Có lẽ chỉ
vì lời lẽ anh ta thốt ra. Hầu như ai cũng đến quầy để hỏi xin một miếng
sandwich, một tách cà phê hay huyên thuyên về những rắc rối có thật hay tưởng
tượng của mình. Mà nếu không như vậy thì họ sẽ xuất hiện cùng một hộp đựng đầy ống
tiêm dùng rồi phải nộp để đổi lấy những cái vô trùng. Nhưng người mới đến này vừa
bảo cô là anh ta đã suy ngẫm về câu cô hỏi từ buổi nói chuyện giới thiệu: anh
có dự tính gì cho tương lai? Và, có, giờ thì anh đã có. Anh sẽ tìm việc làm.
Nhưng để làm vậy anh cần một ngoại hình chuyên nghiệp, một bộ com lê. Và anh có
thấy mấy bộ trong kho quần áo. Anh có thể nào mượn...
- Tất nhiên rồi, - Martha nói, đứng lên đi
trước. Bước chân cô như phơi phới hơn bấy nay. Đúng, đó có thể là một ý muốn bất
chợt, một dự định anh ta sẽ từ bỏ ngay khi gặp trở ngại đầu tiên, nhưng ít ra
nó cũng là cái gì đó, là niềm hy vọng, tạm thời dừng lại trên con đường một chiều
mải miết xuống vực sâu sỏi đá.
Cô ngồi trên ghế bên cửa vào phòng kho chật
chội nhìn anh ta mặc quần dài vào trước tấm gương dựa tường. Đây là bộ thứ ba
anh ta mặc thử. Có lần một nhóm chính khách từ hội đồng thành phố đến thăm
trung tâm. Họ ở đây để cam đoan với mình lần nữa là tiêu chuẩn sống tại các
trung tâm phục hồi của Oslo hết sức tương xứng. Đến phòng kho một người đã hỏi
sao trung tâm lại cất nhiều bộ com lê như vậy, ám chỉ là kiểu trang phục này ắt
không phù hợp với người ở đây. Các chính khách đã băn khoăn rất nhiều về chuyện
này cho đến khi Martha mỉm cười đáp: “Vì người của trung tâm chúng tôi đi dự
đám tang nhiều hơn các ông”.
Người thanh niên gầy gò, nhưng không ốm yếu
như mới đầu cô tưởng. Cô thấy cơ bắp nổi lên dưới da khi anh ta giơ tay lên mặc
chiếc sơ mi cô tìm được. Anh ta không có hình xăm, nhưng làn da xanh xao lỗ chỗ
vết kim tiêm. Đằng sau đầu gối, đùi trong, dưới hai giò, bên cổ.
Anh ta mặc áo vào, ngắm nghía rồi mới quay
qua cô. Đó là bộ com lê kẻ sọc mà chủ trước hầu như không mặc trước khi mốt
thay đổi và anh ta - vì lòng tốt và sở thích theo mốt - đã tặng nó cho trung
tâm cùng những thứ còn lại trong tủ đồ năm ngoái. Nó chỉ hơi quá rộng đối với
thanh niên này.
- Tuyệt hảo, - cô cười và vỗ tay.
Người thanh niên mỉm cười. Và khi cái cười
chạm tới mắt anh ta thì như thể một lò sưởi điện bật lên. Đó là kiểu nụ cười
làm những cơ cứng nhắc mềm đi và xoa dịu những tình cảm tổn thương. Một nụ cười
mà kẻ đã trở nên vô cảm cần biết bao. Nhưng - và mãi đến bây giờ cô mới chợt
nghĩ - cô không thể cho phép mình. Cô dứt khỏi cái nhìn của anh rồi quan sát
anh từ đầu đến chân.
- Tiếc là tôi không có đôi giày nào tử tế
cho anh cả.
- Đôi này được mà. - Anh vỗ vỗ đế giày thể
thao xuống sàn.
Cô mỉm cười, nhưng lần này không nhìn lên.
- Anh cũng cần cắt tóc nữa. Đi nào.
Cô theo anh lên cầu thang về lại khu vực tiếp
tân, bảo anh ngồi xuống ghế, phủ cho anh hai tấm khăn và tìm được cây kéo làm bếp.
Cô lấy nước từ vòi trong bếp làm ướt tóc anh rồi dùng lược của mình chải tóc
cho anh. Và trong khi mấy cô ở khu vực tiếp tân bình luận và cho lời khuyên thì
từng nhúm tóc rơi xuống sàn. Vài người trọ dừng chân bên ngoài ô cửa tiếp tân
ai oán kêu rằng họ chưa bao giờ được cắt tóc cho, vậy sao người mới lại được biệt
đãi?
Martha xua họ đi và tập trung vào việc trước
mặt.
- Anh định thử tìm việc ở đâu? - Cô hỏi và
nhìn lông măng trắng mịn sau gáy anh. Cô sẽ cần tông đơ. Hay dao lam dùng một lần.
- Tôi có vài chỗ quen biết, nhưng tôi không
biết họ sống ở đâu nên tôi nghĩ tôi sẽ tìm trong sổ niên giám.
- Sổ niên giám ư? - Một cô khịt mũi. - Anh
cứ tìm trên nét là được.
- Tôi làm vậy được sao? - Người thanh niên
hỏi.
- Anh nói thật không đấy?! - Cô ta cười.
Hơi quá to. Và mắt lung linh, Martha để ý thấy.
- Tôi vừa mua điện thoại có Internet, - anh
nói. - Nhưng tôi không biết làm sao để...
- Để tôi chỉ cho! - Cô gái bước lại chỗ anh
và chìa tay ra.
Anh lấy điện thoại ra đưa. Cô ta bấm phím
nhoay nhoáy.
- Anh cứ tìm họ trên Google ấy. Tên gì?
- Tên?
- Ừ. Tên họ. Như tên tôi là Maria chẳng hạn.
Martha nhìn về cô ta với ánh mắt nhẹ nhàng
cảnh cáo. Cô gái còn trẻ và mới vào làm cho họ. Cô ta học ngành khoa học xã hội,
nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Kiểu kinh nghiệm giúp ta biết chính
xác lằn ranh vô hình giữa quan tâm nghề nghiệp và giao du với người trọ.
- Iversen, - anh nói.
- Vậy thì sẽ cho ra nhiều kết quả. Anh có
biết cả tên không?
- Cứ chỉ tôi cách tìm rồi tôi sẽ tự lo phần
còn lại, - người thanh niên đáp.
- OK. - Maria bấm vài phím rồi trả điện thoại
cho anh. - Cứ gõ tên họ vào chỗ đấy.
- Cảm ơn cô nhiều.
Martha đã xong, có điều lông măng trên gáy
vẫn còn, rồi cô nhớ ra mình đã bắt gặp một lưỡi dao cạo cài ở cửa sổ trong
phòng cô dọn ban nãy. Cô đã để lưỡi dao cạo - chắc chắn dùng để cắt cocain mà
hít - trên quầy bếp để sau vứt nó vào thùng kim tiêm kế tiếp. Cô quẹt diêm và
hơ lưỡi dao trên lửa vài giây. Rồi cô rửa nó dưới vòi và cầm giữa ngón cái và
ngón trỏ.
- Giờ anh phải ngồi thật yên đấy, - cô nói.
- Ừmmm, - anh chàng đang bận bấm phím điện
thoại nói.
Cô rùng mình nhìn lưỡi dao thép lướt qua
làn da mỏng sau gáy. Cô nhìn lông măng cạo ra rơi xuống. Ý nghĩ bất chợt hiện
ra: lằn ranh giữa chúng thật mỏng manh. Sự sống và cái chết. Hạnh phúc với bi kịch.
Cái quan trọng và cái vô nghĩa. Cô làm xong và nhìn qua vai anh. Nhìn thấy tên
anh nhập vào, cái đuôi trắng của biểu tượng tìm kiếm xoay tròn.
- Xong rồi đấy, - cô nói.
Anh ngửa đầu ra sau ngước nhìn cô.
- Cảm ơn cô.
Cô gỡ khăn và bước nhanh đến phòng giặt để
không làm tóc bay khắp nơi.
* * *
Johnny Puma đang nằm trong bóng tối xoay mặt
vào tường thì nghe thấy kẻ thù chung phòng bước vào và khe khẽ đóng cửa lại.
Rón rén bước trên sàn.
Nhưng Johnny đang phòng thủ. Gã này sẽ nếm
mùi quả đấm sắt của Puma nếu cố xoáy đồ anh cất giấu.
Thế nhưng kẻ thù chung phòng không cố đến gần
anh; thay thì vậy Johnny nghe thấy cửa tủ áo mở.
Anh trở mình trên giường. Đó là tủ áo của kẻ
thù chung phòng. Chuyện đó được thôi; Johnny cho rằng hẳn gã này đã lục lọi tủ
áo của anh khi anh ngủ và nhận ra là không có gì đáng giá cất ở đó.
Một tia nắng len vào giữa mấy tấm rèm đổ
lên gã thanh niên. Puma nao núng.
Gã đã lấy thứ gì đó trong túi thể thao đỏ
và giờ Johnny thấy nó là gì. Gã bỏ vật đó vào cái hộp không lúc trước đựng giày
thể thao rồi đặt lên ngăn trên cùng.
Khi gã ta đóng tủ và quay lại, Johnny lẹ
làng nhắm mắt.
Quỷ tha ma bắt, anh nghĩ. Và làm sao cho chắc
là mình đang nhắm nghiền mắt. Nhưng anh biết mình sẽ không tài nào ngủ được.
* * *
Markus ngáp. Cậu dán mắt vào ống nhòm nhìn
chăm chú mặt trăng treo trên ngôi nhà vàng. Rồi cậu hướng ống nhòm vào ngôi
nhà. Giờ nó hoàn toàn yên ắng. Không có chuyện gì nữa. Nhưng anh con trai có
còn quay lại không?
Markus mong là có. Có lẽ cậu sẽ biết được
anh ta muốn dùng nó làm gì, “món đồ” cũ đã nằm trong ngăn kéo, loang loáng, có
mùi dầu và kim loại, và có thể là cái người cha đã dùng khi ông...
Markus lại ngáp. Ngày hôm nay thật nhiều sự
kiện. Cậu biết tối nay mình sẽ ngủ say như chết.
16
Agnete Iversen đã bốn mươi chín, nhưng nếu
theo làn da mịn, đôi mắt sáng và dáng dấp mảnh mai mà phán đoán thì trông bà ta
như mới ba mươi lăm. Tuy vậy, hầu như ai cũng cho là bà ta già hơn tuổi vì mái
tóc bạc, cách ăn mặc thủ cựu, cổ điển, muôn thuở và lối nói có giáo dục đã gần
lỗi thời. Và, tất nhiên, cuộc sống mà gia đình Iversen sống ở tít trên
Holmenkollasen. Dường như họ thuộc về một thế hệ khác, lâu đời hơn, Agnete là
bà nội trợ ở nhà, với hai người quản gia giúp bà trông coi ngôi nhà và khu vườn
cũng như chăm lo cho mọi nhu cầu của chính Agnete, chồng bà là Iver và cậu Iver
con.
Ngay cả so với mấy ngôi nhà bề thế khác
trong khu thì nhà của Iversen cũng vẫn ấn tượng. Dẫu vậy, việc nhà chỉ cần
ngoáy tí là xong nên người làm (hay “nhân viên” như cậu Iver con thích gọi với
chút châm biếm từ khi cậu hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp ở trường, mở mang một
khung tham chiếu mới và dân chủ xã hội hơn) đến mười hai giờ trưa mới bắt đầu
làm. Điều này nghĩa là Agnete Iversen có thể là người đầu tiên dậy, đi dạo buổi
mai một lát trong cánh rừng giáp ranh cơ ngơi của họ và hái một bó hoa cúc trắng
rồi làm bữa điểm tâm cho hai người đàn ông của mình. Bà ta ngồi với tách trà,
nhìn họ dùng bữa ăn bổ dưỡng bà ta sửa soạn làm xuất phát điểm cho một ngày dài
căng thẳng ở văn phòng. Khi họ dùng bữa xong và cậu Iver con đã bắt tay cảm ơn
mẹ về bữa ăn như truyền thống trong gia đình Iversen đã nhiều đời, bà ta lau
bàn rồi lau khô tay nơi tạp dề trắng mà bà ta sẽ sớm thả vào chậu giặt. Rồi bà
ta theo họ ra bậc thềm trước, hôn phớt lên má họ và nhìn họ lên chiếc Mercedes
lâu đời, được bảo dưỡng cẩn thận trong nhà xe đủ chỗ cho hai chiếc rồi lái xe
vào ánh nắng rực rỡ. Những ngày nghỉ học cậu Iver con đến công ty bất động sản
của gia đình những mong nó sẽ dạy cậu ý nghĩa của việc lao động vất vả, là
không có gì miễn phí, và hiểu đúng rằng làm chủ một gia sản đòi hỏi những nghĩa
vụ cũng nhiều như những đặc quyền nhận được vậy.
Sỏi trên lối xe chạy lạo xạo khi hai cha
con chạy ra đường lớn còn bà ta đứng trên mấy bậc thềm vẫy theo. Và nếu có ai bảo
bà ta là toàn bộ cảnh này trông như phim quảng cáo những năm 1950 thì bà sẽ cười,
đồng tình và rồi chẳng nghĩ ngợi gì. Vì Agnete Iversen sống cuộc đời bà ta muốn.
Hằng ngày bà ta chăm sóc cho hai người đàn ông của mình để đến lượt họ quản lý
tài sản vì lợi ích cao nhất của gia đình họ và xã hội - còn gì có thể hợp lý
hơn?
Từ radio trong bếp bà ta chỉ loáng thoáng
nghe được phát thanh viên nói gì đó về sự gia tăng đột ngột số vụ dùng ma túy
quá liều dẫn đến tử vong ở Oslo, sự gia tăng nạn mại dâm và một tù nhân vượt ngục
đang tự do bên ngoài hai ngày qua. Có quá nhiều điều khó chịu trong thế giới
bên dưới bà. Quá nhiều thứ bất ổn, nó thiếu sự cân bằng và trật tự ai cũng nên
cố mà đạt được. Và trong khi bà ta đứng đó trầm trồ sự hài hòa hoàn hảo của đời
mình - gia đình, cơ ngơi, hôm nay - bà ta mất một lúc mới nhận ra rằng cổng phụ
nơi hàng rào cao hai mét xén tỉa gọn gàng, chủ yếu để nhân viên trong nhà dùng,
đã mở.
Bà ta đưa tay lên che nắng chói mắt.
Thanh niên bước xuống lối đi hẹp lát đá
trông như trạc tuổi cậu Iver con nên điều đầu tiên bà ta nghĩ là có lẽ cậu ta
là bạn của con mình. Bà ta vuốt lại tạp dề cho thẳng thắn. Nhưng khi cậu ta tiến
lại gần hơn, bà ta nhận ra rằng có lẽ cậu ta lớn hơn con mình vài tuổi và đang
mặc trang phục mà không đời nào Iver hay bạn cậu mặc: một bộ vest nâu kẻ sọc, lỗi
mốt với đôi giày thể thao xanh. Cậu ta khoác túi thể thao đỏ bên vai và Agnete
Iversen tự hỏi phải chăng cậu ta bên chỗ Hội Nhân chứng Jehovah tới rồi mới nhớ
ra là bao giờ họ cũng đi hai người. Cậu ta cũng không trông như người chào
hàng. Cậu ta đã tới dưới chân thềm.
- Tôi giúp gì được cậu? - Bà ta sốt sắng hỏi.
- Đây có phải nơi gia đình Iversen sống
không?
- Đúng rồi. Nhưng nếu cậu muốn nói chuyện với
Iver con hay chồng tôi thì cậu vừa để lỡ họ rồi. - Bà ta chỉ qua vườn về phía
đường.
Cậu thanh niên gật, đút tay trái vào túi thể
thao lôi ra thứ gì đó. Cậu ta vừa chĩa nó về Agnete vừa bước một bước ngắn sang
trái. Agnete chưa bao giờ trải qua cái gì như vậy, trong đời thực. Nhưng thị lực
bà ta không có gì bất ổn, chưa từng, cả nhà đều có thị lực hoàn hảo. Nên bà ta
không nghi ngờ mắt mình một giây nào, chỉ tợp không khí và tự động lùi lại một
bước về phía cửa mở sau lưng.
Đó là một khẩu súng ngắn.
Bà ta vừa tiếp tục đi thụt lùi vừa nhìn gã
thanh niên, nhưng bà không nhìn thấy mắt hắn đằng sau vũ khí.
Có một tiếng nổ, rồi bà ta cảm thấy như có
người vừa đấm thật mạnh vào ngực mình, bà ta cứ di chuyển, loạng choạng thụt
lùi qua cửa, tê dại và không còn kiểm soát được tay chân nhưng vẫn đi qua được
hết hành lang; bà ta vung hai tay ra cố lấy lại thăng bằng thì cảm thấy bàn tay
mình va vào bức hình treo trên tường. Bà ta không ngã cho đến khi đổ nhào qua cửa
bếp và chỉ vừa kịp nhận ra mình đập đầu vào quầy bếp thì đã lôi theo luôn lọ
hoa thủy tinh để trên đó. Nhưng khi bà ta nằm trên sàn đầu đè lên hộc dưới cùng
còn cổ cúi gập, nhìn xuống thân mình, bà ta thấy mấy bông hoa. Những bông cúc
trắng nằm giữa thủy tinh vỡ. Và cái gì trông như một đóa hồng đỏ lớn dần trên tạp
dề. Bà ta nhìn ra cửa trước. Thấy bóng gã thanh niên bên ngoài, thấy hắn quay lại
phía mấy cây phong bên lối đi lát đá. Rồi hắn cúi xuống và mất hút. Và bà cầu
Chúa là hắn đi rồi.
Bà gượng đứng dậy, nhưng không cử động được;
như thể xác thân bà đã bị tách rời với não. Bà nhắm mắt và cảm thấy đau, một kiểu
đau chưa cảm thấy bao giờ. Nó lan đi toàn thân như thể bà sắp bị xé làm đôi. Bản
tin đã hết; họ mở lại nhạc cổ điển. Schubert. “Abends unter der Linde”.
Bà nghe thấy tiếng bước chân rất êm.
Giày thể thao trên sàn đá.
Bà mở mắt ra.
Gã thanh niên đang tiến về phía bà, nhưng
gã nhìn chăm chú vào cái cầm ở mấy đầu ngón tay mình. Một vỏ đạn; bà đã thấy mấy
thứ đó khi mùa thu đến gia đình đi săn tại lều nhỏ của họ ở Hardangervidda. Hắn
ta thả nó vào túi xách đỏ, lấy ra một đôi găng tay vệ sinh màu vàng và khăn mặt.
Hắn ngồi xổm xuống, đeo găng vào và lau sạch cái gì đó trên sàn. Máu. Máu bà. Rồi
hắn lấy khăn chùi đế giày. Agnete nhận ra là hắn đang chùi dấu chân và lau giày
thể thao. Như một sát thủ chuyên nghiệp sẽ làm. Kẻ không muốn để lại chứng cứ nào.
Hay nhân chứng nào. Bà phải thấy sợ thôi. Nhưng bà không sợ, bà không cảm thấy
gì - hay có thể là bà chỉ đủ sức quan sát, ghi nhận, lập luận.
Hắn bước qua người bà rồi trở ra hành lang,
đến phòng tắm và mấy phòng ngủ. Hắn để cửa mở. Agnete cũng cố ngoái đầu lại. Hắn
mở xách tay của bà để trên giường - bà định vào thành phố mua váy của Ferner
Jacobsen. Hắn mở ví, lấy tiền rồi vứt các thứ khác đi. Hắn đi tới cái tủ thấp,
đầu tiên kéo hộc trên cùng ra rồi tới hộc thứ hai mà bà biết hắn sẽ tìm thấy hộp
nữ trang. Đôi hoa tai ngọc trai vô giá và tuyệt bích bà thừa hưởng từ bà ngoại.
Thôi, nói cho chính xác thì cũng không phải vô giá; chồng bà đã cho định giá nó
là 280.000 krone.
Bà nghe tiếng trang sức rơi rổn rảng vào
túi thể thao.
Hắn biến vào phòng tắm chung. Khi ló ra, hắn
cầm bàn chải của họ, của bà, của Iver và của lver con. Hẳn hắn hoặc cực kỳ
nghèo hoặc cực kỳ hoảng loạn, hay cả hai. Hắn đi lại chỗ bà rồi cúi xuống. Hắn
để tay lên vai bà.
- Đau phải không?
Bà cũng cố lắc đầu. Bà sẽ không để hắn được
toại nguyện.
Hắn dịch bàn tay và bà cảm thấy găng tay
cao su trên cổ mình. Ngón cái và ngón trỏ hắn ấn lên động mạch bà. Hắn định bóp
cổ bà ư? Không, hắn không đè mạnh lắm.
- Chốc nữa thôi tim bà sẽ ngừng đập, - hắn
nói.
Rồi hắn đứng lên đi lùi lại cửa trước. Hắn
lấy khăn mặt chùi tay nắm. Khép cửa lại. Tiếp đó bà nghe cổng vườn đóng lại. Rồi
Agnete Iversen cảm thấy nó đến. Cái lạnh. Nó bắt đầu ở hai bàn chân rồi đến hai
bàn tay. Nó lan lên đầu, trên đỉnh đầu bà. Ăn dần ăn mòn tới tim bà từ mọi
phía. Rồi theo sau là bóng tối.
* * *
Sara nhìn người đã lên tàu điện tại ga
Holmenkollen. Gã ngồi xuống ở toa kia, toa cô vừa bỏ đi khi ba thanh niên đội
ngược mũ bóng chày ra sau vừa lên tại Voksenlia. Trong kỳ nghỉ hè không có mấy
ai lên tàu ngay sau giờ cao điểm sáng nên cô đã là hành khách duy nhất. Và giờ
chúng bắt đầu chọc phá cả gã kia. Cô nghe thằng nhỏ con nhất trong bọn - rõ
ràng là thủ lĩnh - gọi người nọ là đồ tồi, cười cợt đôi giày thể thao của gã, bảo
gã ra khỏi toa của chúng, thấy nó nhổ toẹt xuống sàn trước mặt gã. Bọn học đòi
làm dân du đãng ngu xuẩn. Giờ thì một đứa trong bọn, thằng đẹp trai tóc vàng,
có lẽ thằng công tử bị bỏ rơi, rút ra một con dao bấm. Lạy Chúa, có thật là
chúng định... ? Nó vung tay ra trước mặt gã. Sara suýt hét lên. Tiếng cười rú ồ
lên trong toa kia. Nó cắm phập dao xuống ghế giữa hai đầu gối thanh niên. Thằng
đầu sỏ nói gì đó, cho người này năm giây để bước ra. Gã này đứng dậy. Trong một
thoáng trông như thể gã tính chuyện đánh trả. Phải, thực sự là vậy. Nhưng rồi
gã kéo túi thể thao đỏ sát vào người rồi dời qua toa cô ngồi.
“Đồ hèn!”, chúng gào lên theo gã bằng tiếng
Na Uy kiểu MTV. Rồi chúng rú lên cười.
Chỉ có cô với gã và ba thanh niên kia trên
tàu. Bên cửa nối hai toa người nọ dừng lại lấy thăng bằng mấy giây và ánh mắt họ
giao nhau. Và dù cô không nhìn thấy nỗi sợ trong mắt gã, cô biết nó có ở đó. Nỗi
sợ của kẻ yếu và kẻ suy đồi, người bao giờ cũng nhịn nhục, lủi đi và nhường đất
cho bất kỳ ai nhe nanh đe dọa dùng vũ lực. Sara khinh bỉ gã ta. Cô khinh bỉ sự
yếu đuối. Và lòng tốt đầy hảo ý mà gã ắt hẳn sẽ tỏ ra với xung quanh. Ở một
khía cạnh nào đó thì cô ước gì chúng nện cho gã một trận thật. Dạy gã ta biết
căm hận đôi chút. Cô còn mong gã nhìn thấy sự khinh bỉ trong mắt cô. Bấy giờ gã
sẽ giãy giụa, quằn quại trước thảm cảnh của mình.
Nhưng gã lại mỉm cười với cô, lí nhí chữ
“chào” khiêm tốn, ngồi xuống cách đó hai dãy và mơ màng nhìn ra cửa sổ như thể không
có gì xảy ra. Lạy Chúa, chúng ta đã thành loại người gì vậy? Một đám bà già
đáng thương thậm chí còn không có phẩm cách để thấy xấu hổ. Chính cô cũng thấy
rất muốn nhổ toẹt xuống sàn.
17
- Vậy mà người ta nói Na Uy không có tầng lớp
thượng lưu, - Simon Kefas nhận xét khi nhấc dải băng cảnh sát hai màu trắng cam
lên cho Kari Adel luồn người đi qua.
Một sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục, thở hổn
hển, trán lấp loáng mồ hôi chặn họ lại trước nhà xe hai chỗ. Họ xuất trình thẻ
cảnh sát; anh ta kiểm tra hình và yêu cầu Simon tháo kính râm ra.
- Ai tìm thấy bà ta? - Simon hỏi, nheo mắt
trước ánh nắng chói chang.
- Mấy người làm vệ sinh, - anh cảnh sát
nói. - Lúc mười hai giờ trưa họ đến làm việc rồi gọi cấp cứu.
- Có nhân chứng nào thấy hay nghe được gì
không?
- Không ai thấy gì, - anh cảnh sát nói. -
Nhưng chúng tôi đã nói chuyện với một người hàng xóm, bà ta nói có nghe thấy tiếng
nổ lớn. Thoạt tiên bà ta nghĩ chắc là lốp xe nổ. Trong một khu thế này thì
không làm sao họ nhận ra tiếng súng được.
- Cảm ơn, - Simon nói, đeo kính râm vào lại
rồi đi trước Kari lên mấy bậc thềm đến chỗ một cảnh sát điều tra hiện trường mặc
bộ áo liền quần trắng đang dùng cây cọ nhỏ lông đen kiểm tra khung cửa kiểu cổ.
Mấy lá cờ nhỏ đánh dấu lối đi mà các cảnh sát điều tra hiện trường đã dọn trống
dẫn thẳng đến cái xác nằm trên sàn bếp. Một tia nắng lọt qua cửa sổ, băng qua
sàn đá và lấp lánh trong những vũng nước và những mảnh kính vỡ quanh mấy bông
cúc trắng. Một người đàn ông mặc com lê đang ngồi xổm bên cái xác và hội ý với
một giám định viên pháp y mà Simon nhận ra mặt.
- Xin lỗi, - Simon nói và người đàn ông mặc
com lê nhìn lên. Tóc anh ta, bóng loáng lên vì được dùng vài loại sản phẩm khác
nhau, và hai bên tóc mai thưa, chải cẩn thận làm cho Simon thắc mắc không biết
anh ta có phải là người Ý. - Anh là ai?
- Tôi cũng có thể hỏi ông câu đó, - người
này đáp, không hề có ý đứng lên.
Simon đoán anh ta đâu ba mốt ba hai tuổi.
- Chánh thanh tra Kefas, Đội Điều tra án mạng.
- Hân hạnh gặp ông. Asmund Bjornstad, tôi
là thanh tra bên Kripos. Ông trông như chưa được báo là chúng tôi lo vụ này.
- Ai báo?
- Chính là sếp của ông.
- Tổng chỉ huy?
Người mặc com lê lắc đầu chỉ lên trần nhà.
Simon để ý thấy mấy móng tay của Bjornstad. Chắc hẳn cắt tỉa ở tiệm.
- Ủy viên?
Bjornstad gật.
- Ông ấy liên lạc với Kripos nói chúng tôi
nên đến ngay.
- Tại sao?
- Tôi đoán ông ấy nghĩ sớm muộn gì các ông
cũng sẽ nhờ chúng tôi hỗ trợ.
- Và các anh cứ thế lượn vào đây mà đảm
trách?
Asmund Bjornstad nhoẻn cười.
- Nghe này, đó không phải là quyết định của
tôi. Nhưng mỗi khi Kripos được yêu cầu hỗ trợ một vụ điều tra án mạng, chúng
tôi luôn ra điều kiện là chúng tôi được trao toàn bộ trách nhiệm điều tra, chiến
thuật cũng như kỹ thuật.
Simon gật. Ông thừa biết chuyện đó; đây
không phải lần đầu Đội Điều tra Án mạng của Sở Cảnh sát Oslo và Cục Điều tra Tội
phạm Quốc gia, Kripos, giẫm chân nhau. Ông cũng biết điều mình cần làm là nói lời
cảm ơn và nên mừng vì đỡ được một vụ phải xử lý, để còn quay về văn phòng tập
trung vào điều tra vụ Vollan.
- Được, vì đã đến đây rồi, chúng tôi cũng
nên đi xem một vòng, - Simon nói.
- Tại sao? - Bjornstad không cố che giấu vẻ
bực tức.
- Tôi tin chắc anh đã kiểm soát được mọi thứ
rồi, Bjornstad, nhưng tôi có điều tra viên mới đủ trình độ chuyên môn đi cùng;
cô ấy sẽ được học hỏi khi xem chúng ta khám xét hiện trường thực tế. Thế nào?
Điều tra viên bên Kripos miễn cưỡng nhìn
Kari. Rồi anh ta nhún vai.
- Tuyệt lắm, - Simon nói rồi ngồi xổm xuống.
Mãi đến lúc này ông mới nhìn cái xác. Ông
đã cố tránh và chờ đến khi có thể chú tâm hoàn toàn. Những ấn tượng đầu tiên rất
quan trọng. Vết máu tròn gần như cân xứng ngay giữa tạp dề trắng làm ông thoáng
nghĩ đến quốc kỳ Nhật. Có khác chăng là mặt trời đã lặn và không mọc lên lại
cho người đàn bà đang nhìn trân trối lên trần nhà với cái vẻ mặt chết chóc ông
chưa bao giờ quên được.
Simon đã kết luận vẻ mặt đó là sự kết hợp của
thân người với cái biểu cảm đã mất hẳn chất người, vắng bặt sự sống, một con
người chỉ còn là vật thể. Ông đã nghe tên nạn nhân là Agnete Iversen. Cái ông
biết chắc chắn là bà ta bị bắn vào ngực. Một phát một, hay có vẻ vậy. Ông nhìn
hai bàn tay bà ta. Không có móng nào gãy và bàn tay không có dấu hiệu giằng co.
Nước sơn móng ở ngón giữa bàn tay trái bị tróc, nhưng chuyện đó có thể xảy ra
khi bà ta ngã.
- Có dấu hiệu đột nhập nào không? - Simon hỏi
và ra hiệu cho giám định viên lật cái xác lại.
Bjornstad lắc đầu.
- Có thể cửa đã để mở - chồng và con trai nạn
nhân vừa đi làm. Chúng tôi cũng không tìm thấy dấu tay nào trên nắm cửa.
- Không một dấu nào sao? - Simon để cái
nhìn lướt dọc gờ bàn làm bếp.
- Không. Như ông thấy đấy, bà ta thuộc loại
người rất tự hào về nhà cửa của mình.
Simon xem xét kỹ vết thương đi ra trên lưng
nạn nhân.
- Xuyên thẳng. Có vẻ như viên đạn chỉ đi
qua mô mềm.
Giám định viên pháp y bặm môi chu miệng và
nhún vai, một cử chỉ cho Simon biết phỏng đoán của ông không vô lý.
- Còn viên đạn? - Simon hỏi, liếc nhìn lên
khoảng tường phía trên bàn làm bếp.
Asmund Bjornstad miễn cưỡng chỉ ngón tay
lên.
- Cảm ơn, - Simon nói. - Còn vỏ đạn?
- Vẫn chưa tìm thấy, - điều tra viên nói rồi
lấy một cái điện thoại có vỏ màu vàng nhũ ra.
- Tôi hiểu rồi. Vậy còn giả thiết sơ bộ của
Kripos về chuyện xảy ra ở đây?
- Giả thiết ư? - Bjornstad mỉm cười, áp điện
thoại vào tai. - Chuyện đó đương nhiên rõ rồi mà. Tên trộm đi vào, bắn nạn nhân
trong này, quơ bất cứ gì quý giá bắt gặp rồi chuồn khỏi hiện trường. Tôi nghĩ
là một vụ trộm có tính toán cuối cùng lại thành giết người ngoài ý muốn. Có lẽ
bà ta đã chống cự hay hô hoán lên.
- Vậy anh nghĩ sao...
Bjornstad đưa tay bên, ám chỉ là điện thoại
đã có người trả lời.
- Xin chào, là tôi đây. Anh có thể kiếm cho
tôi danh sách những người bị kết án cướp có hành hung? Kiểm tra nhanh xem có ai
ở Oslo không. Ưu tiên kẻ dùng súng. Cảm ơn.
Anh ta thả điện thoại vào túi áo khoác.
- Nghe này, bạn già, chúng tôi có khá nhiều
việc phải làm ở đây, nên tôi e sẽ phải yêu cầu các vị...
- Tốt thôi, - Simon nói, nở nụ cười toe
toét chưa từng thấy. - Nhưng nếu chúng tôi hứa không gây cản trở cho anh, có lẽ
chúng tôi cũng được xem quanh một cái đã chứ?
Điều tra viên bên Kripos hồ nghi nhìn người
đồng nghiệp hơn tuổi.
- Chúng tôi cũng hứa sẽ không bước vào bên
trong mấy lá cờ.
Bjornstad độ lượng nhã nhặn chấp thuận yêu
cầu của ông.
- Hắn đã tìm được cái hắn tìm, - Kari nhận xét khi họ đứng trước giường, trên
tấm thảm dày phủ kín sàn phòng ngủ chính. Trên lớp khăn trải giường có một xách
tay, một ví mở toang, trống trơn và một hộp nữ trang lót nhung đỏ cũng trống.
- Có lẽ, - Simon nói, phớt lờ lá cờ mà ngồi
xổm xuống cạnh giường. - Hắn phải đứng đâu đó chỗ này khi trút cái xách tay và
hộp nữ trang ra, cô có đồng ý không?
- Vâng, vì mọi thứ đều nằm trên giường.
Simon kiểm tra tấm thảm. Ông định đứng lên
thì dừng giữa chừng và cúi xuống.
- Gì thế?
- Máu, - Simon nói.
- Hắn bị chảy máu trên thảm?
- Không chắc. Đó là dấu hình chữ nhật nên
có lẽ là dấu giày. Hình dung cô vào trộm nhà trong khu giàu có như vậy: cô nghĩ
két sắt để ở đâu?
Kari chỉ tủ áo.
- Chính xác, - Simon nói, đứng lên mở cửa tủ
áo.
Két sắt nằm giữa tường và to cỡ bằng lò vi
ba. Simon ấn tay nắm xuống.
Khóa.
- Trừ phi sau đó tên trộm cất công khóa két
lại - nếu không thì xem ra có gì đó kỳ quặc bởi lẽ hắn cứ thế vất hộp nữ trang
và ví xuống giường - còn không thì hắn không động đến két sắt, - Simon nói. -
Ta xem họ đã xong cái xác chưa.
Trên đường trở lại bếp, Simon đi vào phòng
tắm. Rồi ông xuất hiện, chau mày.
- Gì thế? - Kari hỏi.
- Cô có biết là ở Pháp bốn chục người dân
dùng một bàn chải đánh răng không?
- Đó là chuyện hoang đường và thống kê đó
xưa rồi, - cô nói.
- Nhưng cô đang nói chuyện với một ông già,
- Simon nói. - Dù thế nào đi nữa thì gia đình Iversen cũng không dùng bàn chải.
Họ quay lại nhà bếp, xác Agnete Iversen tạm
thời bị bỏ bê nên Simon được tự do khám xét. Ông nhìn hai bàn tay bà ta, xem
xét kỹ vết thương đi vào và đi ra. Ông đứng lên và bảo Kari đứng ngay trước hai
bàn chân nạn nhân, xoay lưng về phía bàn làm bếp.
- Tôi xin lỗi trước, - ông nói, bước đến cạnh
cô, ấn ngón tay giữa hai bầu ngực nhỏ của cô, vị trí viên đạn đi vào Agnete
Iversen và một chỗ giữa bả vai cô, tương ứng với vết thương đi ra của nạn nhân.
Ông xem xét góc tạo thành giữa hai điểm rồi lướt mắt nhìn lên lỗ đạn trên tường.
Rồi ông cúi xuống nhặt một bông hoa cúc, kê đầu gối lên bàn làm bếp, rướn người
thảy cái hoa vào lỗ đạn.
- Đi nào, - ông nói, tụt xuống bàn rồi đi
xuôi hành lang đến cửa trước. Ông dừng lại bức ảnh treo lệch, cúi tới gần hơn
và chỉ vào cái gì đó có màu đỏ bên mép khung.
- Máu? - Kari hỏi.
- Nước sơn móng tay, - Simon nói và đặt mu
bàn tay trái lên tấm hình rồi ngoái nhìn lại cái xác. Rồi ông đi tiếp tới cửa.
Dừng lại ngồi xổm xuống bên ngưỡng cửa. Khom xuống bên một hòn đất có đánh dấu
bằng lá cờ.
- Đừng hòng động tới cái đó! - Một giọng đằng
sau họ kêu lên.
Họ nhìn lên.
- Ồ, là anh à, Simon, - người đàn ông mặc đồ
trắng nói và lần ngón tay trên cặp môi ướt chìm sau chòm râu màu hoe.
- Chào Nils. Lâu ngày không gặp. Ở Kripos họ
đối xử với anh tử tế chứ?
Ông này nhún vai.
- Ồ, có chứ. Nhưng có lẽ là do tôi già cả
và hết thời đến độ họ thấy thương hại tôi.
- Mà anh có vậy không?
- Ồ có chứ, - tay chuyên viên điều tra hiện
trường thở dài. - Thời này thì chỉ là ADN thôi, Simon. ADN và các đời máy tính
mà những người như bọn mình mù tịt. Không như thời bọn mình.
- Tôi không nghĩ ta hết thời thật rồi, -
Simon nói, xem xét cái then ở cửa trước. - Cho tôi gửi lời chào tới bà nhà,
Nils.
Người đàn ông để râu vẫn đứng.
- Tôi vẫn chưa có...
- Vậy thì con chó của anh.
- Chó của tôi chết rồi, Simon.
- Thế thì ta phải bỏ qua mấy câu pha trò vậy,
Nils, - Simon nói rồi bỏ ra ngoài. - Kari, đếm đến ba rồi hét to hết mức cô hét
được. Sau đó ra ngoài thềm rồi đứng yên đó. OK?
Cô gật rồi ông khép cửa.
* * *
Kari nhìn Nils, ông này lắc đầu bỏ đi. Rồi
cô hét to hết cỡ. Cô thét hai chữ “lui ra!”, cô được dạy la lên như vậy để cảnh
báo bất cứ ai trong những dịp hiếm hoi cô đánh golf là sang trái hay đánh xoáy
sang tay thuận.
Rồi cô mở cửa.
Simon đứng cuối bậc thềm đang nhắm ngón trỏ
vào cô.
- Giờ thì xê dịch đi, - ông nói.
Cô làm theo thì thấy ông hơi dịch qua trái
và nheo một mắt.
- Hẳn hắn đã đứng đây, - Simon nói, ngón trỏ
vẫn nhắm vào cô. Cô quay lại thì thấy bông hoa cúc trắng trên vách bếp.
Simon nhìn sang phải. Đi lại chỗ đám cây
phong. Vạch ra. Kari nhận ra ông đang tìm gì. Cái vỏ đạn.
- A ha, - ông lẩm bẩm một mình, lấy điện
thoại ra, đưa lên gần mắt và cô nghe thấy phiên bản điện tử của tiếng màn trập
máy ảnh. Ông nhón lấy chút đất dưới nền rồi rải ra. Đoạn ông quay lại thềm đưa
cô xem hình ảnh vừa chụp.
- Dấu giày, - cô nói.
- Của hung thủ, - ông đáp.
- Vậy sao?
- Phải, tôi nghĩ đến giờ tan học rồi,
Kefas.
Họ quay lại. Là Bjornstad. Anh ta trông giận
dữ. Ba cảnh sát điều tra hiện trường đứng cạnh anh ta, kể cả Nils có chòm râu
màu hoe.
- Gần xong rồi, - Simon nói và cố vào lại
trong nhà. - Tôi nghĩ chúng tôi sẽ chỉ...
- Tôi nghĩ chúng ta đã xong, - Bjornstad
nói, dạng hai chân chắn lối còn hai tay khoanh trước ngực. - Tôi vừa phát hiện
có bông hoa trong lỗ đạn của tôi, và đó là một bước quá trớn rồi đấy. Hôm nay vậy
là đủ.
Simon nhún vai.
- Tốt thôi, đằng nào chúng tôi cũng đã xem
đủ để rút ra kết luận. Chúc các vị tìm ra sát thủ của mình nhé, mấy anh em.
Bjornstad nhạo.
- Vậy ông gọi đây là vụ ám sát nhằm cố gây ấn
tượng với cô sinh viên trẻ này? - Anh ta quay qua Kari. - Tôi rất tiếc vì đời
thực không hẳn thú vị như bạn già đây mong muốn. Nó chỉ là một vụ án mạng hết sức
bình thường.
- Anh sai rồi, - Simon nói.
Bjornstad đưa tay chống nạnh.
- Bố mẹ tôi dạy phải kính trọng bậc cha chú
của mình. Tôi sẽ cho ông mười giây kính trọng, và rồi tôi muốn ông đi cho.
Một cảnh sát điều tra hiện trường cười khúc
khích.
- Cha mẹ tử tế đấy, - Simon nói.
- Chín giây.
- Hàng xóm nói bà ta nghe thấy tiếng súng.
- Thì sao?
- Nhà cửa ở đây lớn và cách xa nhau. Nhà
thì được cách âm tốt. Hàng xóm không thể nào nghe thấy gì nếu tiếng nổ phát ra
từ trong nhà. Tuy vậy, bên ngoài...
Bjornstad ngửa đầu ra như thể để nhìn kỹ
Simon từ một góc độ khác.
- Ý ông là sao?
- Bà Iversen cao cũng cỡ Kari đây. Và góc
duy nhất khớp với việc bà ta đứng khi bị bắn và vết thương đi vào ở chỗ này, -
ông chỉ vào ngực Kari, - và vết thương đi ra chỗ này trên lưng, trong khi viên
đạn lại nằm trên tường chỗ tôi bỏ hoa cúc vào, là hung thủ đã đứng chỗ thấp hơn
bà ta, nhưng cả hai đều đứng khá xa tường bếp. Nói cách khác, nạn nhân đứng nơi
ta đang đứng đây, trong khi hung thủ đứng dưới thềm, trên nền lát đá. Hàng xóm
đã nghe thấy tiếng súng là vì vậy. Tuy nhiên, hàng xóm không nghe thấy tiếng
kêu hay tiếng động nào đi trước tiếng súng, không có gì chỉ ra sự náo động hay
chống cự, nên tôi đoán chuyện đã diễn ra nhanh chóng.
Bjornstad không nhịn được liền liếc ra sau
mấy đồng nghiệp. Anh ta đổi tư thế.
- Thế rồi hắn lôi bà ta vào trong, có phải
ông muốn nói vậy không?
Simon lắc đầu.
- Không, tôi nghĩ bà ta lảo đảo bước lùi lại.
- Mà cái gì khiến ông nghĩ vậy?
- Anh nói đúng một điều rằng bà Iversen là
người tự hào về nhà cửa của mình. Thứ duy nhất trong nhà này xô lệch là bức
hình đằng kia. - Mấy người kia quay lại nhìn nơi Simon chỉ. - Hơn nữa, có nước
sơn móng bên khung ảnh chỗ gần cửa nhất. Nó nghĩa là bà ta va vào đó khi loạng
choạng lùi vào nhà; nó khớp với nước sơn móng bị tróc trên ngón giữa bàn tay
trái của bà ta.
Bjornstad lắc đầu.
- Nếu bà ta bị bắn ở cửa rồi bước lùi lại
thì đã có vết máu từ vết thương trên dọc hành lang.
- Thì có đấy, - Simon nói, - nhưng hung thủ
lau sạch rồi. Như chính anh đã nói, không thấy dấu tay trên nắm cửa. Của gia
đình cũng không. Không phải vì chồng con vừa sờ vào tay nắm lúc ra cửa được vài
giây là Agnete Iversen đã lo tổng vệ sinh mà vì hung thủ không muốn để lại cho
ta chứng cứ nào. Và tôi khá chắc lý do hắn chùi sạch máu trên sàn là bởi hắn đã
bước lên đó nên không muốn để lại dấu giày. Nên hắn cũng đã chùi cả đế giày.
- Phải không đấy? - Bjornstad nói, vẫn ngửa
đầu ra sau, nhưng không còn cười toe toét lắm. - Nên ông cứ vậy phỏng đoán tất
cả những điều này?
- Khi lau đế giày, ta sẽ không tẩy được máu
giữa các kẽ ở đế giày, - Simon nói, nhìn đồng hồ. - Nhưng máu sẽ rỉ ra, chẳng hạn
khi ta đứng trên thảm sợi vải dính vào kẽ dưới đế giày và thấm máu. Trên thảm
phòng ngủ anh sẽ thấy có vết máu hình chữ nhật. Tôi nghĩ chuyên viên phân tích
máu của anh sẽ đồng tình với tôi, Bjornstad.
Trong sự im lặng sau đó, Kari nghe thấy tiếng
xe bị cảnh sát chặn lại ngoài đường. Có những tiếng nói lo lắng, một giọng của
thanh niên. Chồng và con trai nạn nhân.
- Sao cũng được, - Bjornstad nói, vờ dửng
dưng. - Suy cho cùng nạn nhân bị bắn ở đâu thì có quan trọng gì, đây là vụ trộm
nhà bị phát giác, không phải ám sát. Và nghe như thể ta sẽ có ngay người để khẳng
định nữ trang trong hộp đã bị mất cắp.
- Nữ trang thì tốt thôi, - Simon nói, -
nhưng nếu tôi là tên trộm thì tôi đã kéo Agnete Iversen vào trong và buộc bà ta
chỉ chỗ cất đồ quý giá thật sự. Bắt bà ta đọc dãy số két sắt mà tên trộm ngu ngốc
nào cũng biết một ngôi nhà thế này sẽ có. Nhưng thay vì vậy hắn bắn bà ta ngay
nơi hàng xóm nghe thấy được. Không phải vì hắn hoảng loạn - cách hắn xóa chứng
cứ cho thấy hắn lạnh lùng ra sao. Không, hắn làm vậy bởi hắn biết mình sẽ không
ở lại lâu, rằng đến khi cảnh sát tới thì hắn đã cao chạy xa bay. Vì hắn không định
ăn trộm nhiều, phải không? Chỉ đủ để một điều tra viên thiếu kinh nghiệm có cha
mẹ tử tế nhanh chóng kết luận đó là một vụ trộm mà không tìm hiểu kỹ lưỡng động
cơ đích thực.
Simon phải thú nhận là ông lấy làm thích
thú với sự im lặng và vẻ mặt biến sắc của Bjornstad. Thực tình Simon Kefas là
người đơn thuần, ông không có tính thù hằn. Dù rất muốn, ông vẫn tha cho đồng
nghiệp trẻ phát súng chia tay: đến giờ tan học rồi, Bjornstad.
Xét về thời gian và kinh nghiệm thì một
ngày nào đó Asmund Bjornstad vẫn có thể thành điều tra viên tài ba. Tính khiêm
tốn cũng là thứ mà những điều tra viên giỏi cần học.
- Giả thiết rất chi là thú vị đấy, Kefas, -
Bjornstad nói. - Tôi sẽ ghi nhớ. Nhưng thời gian đang trôi đi cho nên... - Nhoẻn
cười. - ... có lẽ các vị nên đi cho?
- Sao ông không nói hết cho anh ta? - Kari
hỏi khi Simon cẩn thận điều khiển xe quanh mấy chỗ cua gắt từ Holmenkollasen chạy
xuống.
- Hết sao? - Simon nói, làm bộ ngây thơ.
Kari phải bật cười. Simon đang làm bộ ông già gàn dở.
- Ông biết rằng vỏ đạn đã rơi đâu đó trong
luống hoa. Ông không tìm ra vỏ đạn, nhưng ông đã tìm thấy dấu giày. Rồi ông chụp
lại. Mà đất đó có khớp với đất trong hành lang không?
- Có.
- Vậy sao ông không cho anh ta thông tin
đó?
- Vì anh ta là một điều tra viên tham vọng
có cái tôi lớn hơn tinh thần đồng đội, nên tự anh ta phát hiện ra thì sẽ tốt
hơn. Anh ta sẽ tích cực hơn nếu cảm thấy họ đang bám sát bằng chứng của mình mà
không phải của tôi khi nào họ bắt tay vào tìm người mang giày cỡ 8,1/2 và đã nhặt
một vỏ đạn rỗng trong luống hoa hồng đó.
Họ dừng chờ đèn đỏ tại Stasjonsveien. Kari
nén cái ngáp.
- Mà sao ông lại biết rõ một điều tra viên
như Bjornstad nghĩ gì?
Simon cười.
- Dễ thôi. Tôi đã từng trẻ trung và tham vọng.
- Nhưng cuối cùng tham vọng tàn dần?
- Phải, một số. - Simon mỉm cười. Một nụ cười
u hoài, Kari nghĩ.
- Có phải vì vậy mà ông không làm cho Phòng
Điều tra Gian lận Nghiêm trọng nữa?
- Điều gì khiến cô nói vậy?
- Ông thuộc hàng lãnh đạo. Chánh thanh tra
phụ trách một đội lớn. Họ để ông tiếp tục giữ chức đó ở Đội Điều tra Án mạng,
nhưng ông chỉ phụ trách mỗi mình tôi.
- Ừ, - Simon nói, băng qua giao lộ rồi đi
tiếp tới Smestad. - Trả lương cao quá, trình độ chuyên môn cao quá, đồ bỏ đi.
Hay, chỉ đơn giản là bỏ.
- Vậy rồi chuyện gì xảy ra?
- Cô không muốn...
- Có chứ, tôi muốn mà.
Họ im lặng chạy tiếp, Kari cho đó là vì lợi
ích của cô nên không nói gì. Dù là vậy, gần tới Majorstua rồi Simon cũng nói.
- Tôi phát hiện ra một giao dịch rửa tiền.
Đây ta đang nói về tiền đáng kể. Người ở cấp cao. Các sĩ quan cấp trên cho rằng
cuộc điều tra của tôi và tôi đại diện cho một mối nguy lớn. Rằng tôi không có đủ
bằng chứng, rằng chúng tôi sẽ bị phơi khô nếu theo đuổi điều tra nhưng không có
được bản án. Ta không nói tội phạm thông thường như mọi khi, nghi can là những
người có thể lực, những người sẽ dùng đúng hệ thống cảnh sát để phản công. Đồng
nghiệp của tôi sợ rằng, dẫu chúng tôi có thắng đi nữa, sau này chúng tôi cũng sẽ
phải trả giá cho điều đó, sẽ có cú giật ngược.
Lại một khoảng im lặng. Kéo dài cho đến khi
họ tới công viên Frogner thì cuối cùng Kari cũng hết kiên nhẫn.
- Vậy là họ đá ông ra chỉ vì ông đã mở một
cuộc điều tra gây tranh cãi?
Simon lắc đầu.
- Tôi có một rắc rối. Đánh bạc. Hay, dùng
cách diễn đạt chuyên môn, nghiện đỏ đen. Tôi mua bán cổ phiếu. Không nhiều.
Nhưng khi ta làm cho Phòng Điều tra...
- ... thì ta sẽ được tiếp cận thông tin nội
bộ.
- Tôi chưa từng buôn bán cổ phiếu mà tôi có
thông tin, nhưng tôi vẫn vi phạm nội quy. Nên họ xử chuyện đó ra trò.
Kari gật. Họ len lỏi tới trung tâm thành phố
và đường hầm Ibsen.
- Rồi sao nữa?
- Tôi không đỏ đen nữa. Tôi cũng không làm
phiền ai nữa. - Lại cái cười buồn cam chịu ấy.
Kari nghĩ về dự tính của mình cho tối nay.
Đến phòng tập thể dục. Ăn tối với nhà chồng. Xem nhà ở Fagerborg. Và nghe thấy
mình hỏi cái câu hẳn phải bắt nguồn từ một phần khác, một phần vô thức, trong đầu:
- Sao hung thủ lại lấy vỏ đạn theo?
- Mỗi vỏ đạn đều có số hiệu, nhưng hiếm khi
nó dẫn ta đến hung thủ, - Simon nói. - Có thể hắn sợ vỏ đạn sẽ có dấu tay hắn
trên đó, nhưng tôi cho rằng hung thủ này đã nghĩ đến điều đó rồi, hắn phải mang
găng tay khi nạp đạn vào súng. Tôi nghĩ ta có thể kết luận rằng súng của gã khá
mới đây, sản xuất trong ít năm vừa qua.
- Ồ?
- Đã mười năm nay rồi các nhà sản xuất súng
ngắn buộc phải khắc số hiệu trên kim hỏa, thế nên nó sẽ lưu lại một thứ như kiểu
dấu tay khi đụng vào đầu vỏ đạn. Điều đó nghĩa là tất cả những gì ta cần để xác
định chủ nhân là một vỏ đạn rỗng và Phòng Đăng ký Vũ khí.
Kari trề môi và chậm rãi gật.
- OK, tôi hiểu điều đó. Điều tôi không hiểu
là sao hắn lại muốn vụ này trông như một vụ cướp.
- Cũng giống như việc hắn sợ bằng chứng
trên vỏ đạn, hắn sợ rằng nếu ta biết động cơ thật, nó sẽ dẫn ta tới hắn.
- Thôi được, vậy thì dễ hiểu rồi, - Kari
nói, nhưng thật ra cô đang nghĩ về mẩu quảng cáo nhà ở Fagerborg. Nó nêu rằng căn
hộ có hai ban công, một nhìn về hướng Đông, một về hướng Tây.
- Vậy hả? - Simon nói.
- Ông chồng, - Kari nói. - Ông chồng nào
cũng biết mình chính là nghi phạm chính trừ phi hắn có thể làm cho vợ mình
trông như bị giết vì một lý do khác. Một vụ trộm nhà chẳng hạn.
- Một lý do nữa ngoài... ?
- Ngoài ghen tuông. Yêu. Hận. Còn gì nữa
không?
- Không, - Simon đáp. - Hết rồi.
18
Đầu chiều hôm đó một trận mưa rào đã quét
qua Oslo mà thành phố cũng không mát mẻ hơn. Thế rồi khi mặt trời chói chang
qua tầng mây, nó như muốn bù lại thời gian đã mất bằng cách nướng thủ đô trong
ánh sáng trắng lòa làm nước từ mái nhà và đường phố bốc hơi.
Louis tỉnh dậy khi mặt trời đã sà thấp đến
mức tia nắng rọi vào mắt ông. Ông hé nhìn ra cõi đời. Nhìn thiên hạ và ô tô ngược
xuôi trước mặt ông và cái bát ăn xin. Đó là một việc sinh lợi kha khá cho đến
vài năm trước khi dân gipxi xứ Romania bắt đầu đến Na Uy. Ít người biến thành
nhiều người. Rồi lại thành đàn thành lũ. Một đàn châu chấu trộm cắp, ăn xin và
lừa đảo. Và như mọi loại sâu bọ, phải trừ khử chúng bằng mọi cách có thể. Đó là
ý kiến đơn giản của Louis về việc này, hành khất Na Uy - cũng như mấy công ty vận
tải tàu Na Uy - được quyền có sự bảo hộ của chính phủ trước sự cạnh tranh nước
ngoài. Chứ cứ như hiện nay thì ông phải nhờ vào trộm cắp; không chỉ nhọc nhằn
mà nói thật là còn không xứng với phẩm giá của ông.
Ông thở sượt và đưa ngón tay bẩn thỉu vọc
vào bát ăn xin. Nghe như có gì đó trong bát. Không phải đồng xu. Tiền giấy? Nếu
vậy thì tốt hơn là ông bỏ túi trước khi một trong mấy đứa gipxi xoáy mất. Ông
nhìn xuống bát. Chớp chớp mắt. Rồi ông nhặt nó lên. Đó là cái đồng hồ đeo tay.
Đồng hồ nữ, có vẻ vậy.
Một chiếc Rolex. Đó là hàng nhái, hiển
nhiên rồi. Nhưng nặng. Nặng lắm.
Thiên hạ thích đeo thứ đồ nặng như vậy
quanh cổ tay thật sao? Ông có nghe nói những đồng hồ như vậy không thấm nước ở
độ sâu năm chục mét, đi bơi mà đeo đồng hồ này thì chắc chắn là tiện quá rồi.
Chẳng lẽ nó là... ? Quanh đây có mấy kẻ lập dị, chắc chắn vậy rồi. Louis nhìn
xuôi ngược con phố. Ông biết người thợ đồng hồ ở góc Stortingsgata; họ từng học
chung trường. Có lẽ ông nên...
Louis sấp ngửa đứng dậy.
* * *
Kine đang đứng cạnh xe đẩy mua hàng, hút điếu
thuốc. Nhưng khi người đàn ông xanh lá sáng lên và mấy người bộ hành khác quanh
cô cất bước, cô vẫn đứng yên. Cô đổi ý rồi. Hôm nay cô không định băng qua đường.
Cô đứng lại, hút xong điếu thuốc. Cô xoáy chiếc xe đẩy ở chỗ IKEA đã lâu, lâu lắm
rồi. Cứ vậy đẩy nó ra khỏi cửa hàng rồi vào xe tải trong bãi xe. Chở nó và một
giường Hemnes, một bàn Hemnes và ít giá sách Billy đến chỗ cô ngỡ là tương lai
của họ. Tương lai của cô. Anh đã lắp ráp bàn ghế rồi chuẩn bị cho cả hai người
chích. Giờ anh chết rồi, cô thì không. Cô cũng không còn là người nghiện nữa.
Cô ổn. Nhưng đã lâu lắm rồi cô chưa được ngủ
trên giường Hemnes. Cô giẫm điếu thuốc rồi chộp lấy tay nắm xe đẩy IKEA. Cô nhận
thấy ai đó - có lẽ một khách bộ hành khác - đã để lại một túi nhựa trên cái
chăn len bẩn trong xe đẩy của cô. Bực tức, cô giật cái túi; đây không phải lần
đầu thiên hạ lầm xe đẩy cùng mọi đồ sở hữu trần tục của cô là thùng rác công cộng.
Cô quay lại; cô có thể nhắm mắt mà nói vị trí của từng thùng rác ở Oslo và biết
có một thùng ngay sau cô. Nhưng rồi cô dừng. Túi nhựa nằng nặng khiến cô tò mò.
Cô mở nó ra.
Thọc tay vào và lấy thứ đựng trong đó ra dưới
nắng chiều. Nó lấp lánh và sáng rực. Trang sức. Mấy sợi dây chuyền và một chiếc
nhẫn. Mấy mặt dây chuyền bằng kim cương còn nhẫn là vàng ròng. Vàng thật, kim
cương thật. Kine gần như chắc chắn; cô đã từng thấy vàng và kim cương. Suy cho
cùng, đồ đạc trong nhà cô thời thơ ấu cũng đâu phải đồ tự lắp ráp.
* * *
Johnny Puma trố mắt, cảm thấy nỗi kinh
hoàng len lỏi và trở mình trên giường. Anh không nghe thấy ai vào, nhưng giờ
anh nghe thấy có tiếng thở mạnh và tiếng khóc than. Coco đang ở trong phòng
sao? Không, tiếng thở hồng hộc này nghe giống như có người đang làm tình hơn là
có người đi đòi nợ. Có lần một cặp đã được phép ở lại trung tâm; hẳn ban quản
lý nghĩ hai người họ cần có nhau đến mức đã có một biệt lệ cho quy định chỉ có
đàn ông. Tất nhiên đúng là người đàn ông này cần người đàn bà kia - cô ta lo tiền
cho chứng nghiện heroin của gã bằng cách ngủ lang hết phòng này sang phòng khác
cho đến khi ban quản lý nói đã quá đủ rồi và đuổi cô ta đi.
Đó là người mới đến. Gã đang nằm trên sàn,
mặt xoay hướng khác, và Johnny nghe loáng thoáng một khúc nhạc điện tử và một
giọng đều đều, máy móc từ tai nghe gã đang đeo. Anh chàng đang tập hít đất. Thời
còn sung sức Johnny làm được một trăm cái, chỉ dùng một tay. Anh chàng này mạnh
mẽ, dứt khoát là vậy rồi, nhưng gã ta đang vật lộn vì không có sức bền, chưa gì
lưng đã oằn xuống. Trong chút ánh sáng lẻn vào giữa mấy tấm màn và chạm tường,
anh thấy một bức hình mà chắc hẳn thanh niên đã đính lên. Một người đàn ông mặc
đồng phục cảnh sát. Rồi anh thấy cái gì đó nữa, trên bậu cửa sổ. Một đôi hoa
tai.
Trông đắt tiền; anh thắc mắc không biết gã
này trộm ở đâu.
Nếu chúng đắt tiền như nhìn bề ngoài, ắt
chúng giải quyết được rắc rối của Johnny. Nghe đồn ngày mai Coco sẽ dọn ra khỏi
ký túc xá nên đám đàn em đang lo đi đòi cho hết mọi khoản nợ người ta thiếu hắn.
Vậy là Johnny chỉ còn vài giờ để gom góp tí tiền. Anh đã tính vào trộm một căn
hộ ở Bislett vì nhiều người đang đi nghỉ mát. Bấm chuông cửa xem nhà nào không
trả lời. Nhưng trước hết anh phải lên dây cót tinh thần. Còn cái này thì đơn giản
hơn và an toàn hơn.
Anh tự hỏi liệu mình có thể lẻn khỏi giường
chộp lấy đôi hoa tai mà không bị phát hiện được không, nhưng bỏ ý đó đi. Đủ sức
hay hết sức, anh cũng có cơ bị nện cho một trận. Cái ý đó đúng là nực cười.
Nhưng anh vẫn có thể làm cho người mới đến xao nhãng, bịa ra cớ để anh chàng ra
khỏi phòng rồi ra tay. Bỗng Johnny nhận ra mình đang nhìn vào mắt gã thanh
niên. Gã đã quay lại và đang tập động tác nằm và ngồi dậy. Gã mỉm cười. Johnny
ra dấu là có chuyện muốn nói nên gã thanh niên gỡ tai nghe ra.
Johnny nghe thấy lời bài hát “... giờ tôi
đã sạch” trước khi miệng nói.
- Cậu đỡ tớ xuống nhà ăn được không, bồ?
Chính cậu cũng phải ăn chút gì sau khi tập luyện như vậy. Cơ thể mà không đốt
cháy mỡ hay carbonhydrate, nó sẽ bắt đầu ăn dần qua cơ bắp, cậu biết đấy. Vậy
là bao vất vả của cậu sẽ thành công cốc hết.
- Cảm ơn đã chỉ, Johnny. Tôi phải tắm cái
đã, nhưng anh cứ chuẩn bị sẵn sàng đi. - Gã thanh niên đứng lên. Đút đôi hoa
tai vào túi rồi đi ra cửa về phía dãy vòi sen dùng chung.
Chết tiệt! Johnny nhắm mắt. Mình phải lên
dây cót tinh thần thôi! Phải, mình phải làm thế. Hai phút. Anh đếm từng giây. Rồi
anh ngồi dậy bên thành giường.
Gượng dậy. Đứng lên. Chụp quần dài nơi ghế.
Anh đang mặc vào thì có tiếng gõ cửa. Chắc gã này quên chìa khóa. Johnny lết lại
chỗ cửa, mở ra.
- Tớ phải nói bao nhiêu lần...
Một nắm tay đeo quả đấm sắt hạ ngay giữa
trán Johnny Puma và thế là anh ngã ngửa ra sau.
Cửa mở toang rồi Coco cùng hai thằng đàn em
bước vào. Mấy thằng chụp tay Johnny còn Coco dộng đầu vào anh nên phần sau đầu
anh đánh bùm vào tầng giường trên. Khi ngẩng lên lại thì anh đang nhìn chằm chặp
vào cặp mắt xấu xí đánh mascara đậm đen của Coco và cái mũi giày cao gót loang
loáng.
- Tao là người bận rộn, Johnny, - Coco nói
tiếng Na Uy bồi. - Mấy đứa kia có tiền, nhưng chúng vẫn chưa chịu trả. Mày
không có tiền, tao biết điều đó, nên mày sẽ làm gương.
- G... ương?
- Tao là người biết điều, Johnny. Mày sẽ giữ
lại một con mắt.
- Nhưng... Làm ơn mà, Coco...
- Đừng nhúc nhích nếu không khi tao moi ra
con mắt sẽ hỏng mất. Tao sẽ cho bọn rác rưởi kia xem để chúng biết là mắt thật,
OK?
Johnny cất tiếng thét, nhưng một bàn tay liền
đặt lên miệng ngăn anh lại.
- Bình tĩnh đi, Johnny. Trong mắt không có
nhiều dây thần kinh đâu, ít đau, tao hứa.
Johnny biết đáng lẽ nỗi sợ phải cho mình sức
mạnh chống trả, nhưng có cảm giác như nó đã quắt queo đi rồi. Johnny Puma, kẻ từng
nhấc ô tô, nhìn trân trân vào hai cái mũi giày đang tiến lại gần hơn.
- Bao nhiêu?
Giọng nghe nhỏ nhẹ, gần như tiếng thì thầm.
Chúng quay ra cửa. Không ai nghe thấy tiếng gã vào. Tóc gã ướt và gã chỉ mặc mỗi
quần jean.
- Xéo! - Coco rít lên.
Gã thanh niên vẫn đứng yên.
- Anh ta nợ bao nhiêu?
- Ê! Mày muốn nếm mùi dao tao hả?
Người mới đến vẫn không nhúc nhích. Thằng
đàn em đang bịt miệng Johnny buông tay ra bước tới chỗ gã.
- Hắn... hắn xoáy đôi hoa tai của tao rồi,
- Johnny nói. - Thật đấy! Trong túi hắn. Tao định lấy nó để trả mà, Coco. Lục
soát hắn đi rồi mày sẽ thấy! Làm ơn, làm ơn mà, Coco!
Johnny nghe giọng mình có tiếng nức nở,
nhưng anh không cần biết. Vả lại, xem ra Coco không nghe thấy, hắn đang nhìn
ngây chàng trai.
Có lẽ đang thích cái hắn thấy, đồ lợn bệnh
hoạn. Coco ra dấu xua thằng đàn em đi và cười tủm tỉm một mình.
- Thằng Johnny nói thật chứ, chàng đẹp
trai?
- Mày cứ thử tìm hiểu xem, - gã thanh niên
nói. - Nhưng tao mà là mày, tao sẽ nói anh ta nợ mày bao nhiêu rồi thì sẽ đỡ
lôi thôi. Và đỡ hỗn độn.
- Mười hai ngàn, - Coco nói. - Tại sao...
Hắn ngừng sững lại khi thanh niên đút tay
vào túi, lấy ra một xấp tiền và bắt đầu đếm thành tiếng từ tờ trên cùng. Khi đến
mười hai, gã đưa cho Coco rồi bỏ chỗ còn lại vào túi.
Coco ngập ngừng. Như thể phải có gì đó
không ổn với chỗ tiền. Rồi hắn cười. Toét miệng khoe mấy cái răng vàng hắn gắn
vào để thay mấy cái răng trắng còn tốt hoàn toàn.
- Chết mất. Chết mất.
Rồi hắn đếm lại xấp tiền. Nhìn lên.
- Vậy ta xong rồi chứ? - Gã thanh niên hỏi,
và không phải với bộ mặt lạnh như tiền của tay buôn ma túy trẻ đã xem quá nhiều
phim ảnh. Trái lại, gã ta mỉm cười. Như anh phục vụ bàn quen mỉm cười với
Johnny thời anh còn ăn tối trong các nhà hàng tử tế và họ thường hỏi bữa ăn ổn
cả không.
- Ta ổn rồi, - Coco cười toét.
Johnny nằm xuống giường nhắm mắt lại. Anh
nghe Coco cười hồi lâu sau khi hắn cùng bọn đàn em đóng cửa lại rồi biến mất cuối
hành lang.
- Đừng lo chuyện đó, - gã thanh niên nói.
Johnny nghe thấy dù cố ngăn giọng gã ta lại bên ngoài. - Tớ mà là cậu thì cũng
đã làm vậy thôi.
Nhưng cậu không phải tôi, Johnny nghĩ và cảm
thấy nước mắt vẫn còn đấy, đâu đó giữa cổ họng và lồng ngực. Cậu chưa từng là
Johnny Puma. Vậy nên đừng làm thế.
- Sao ta không xuống nhà ăn đi, Johnny?
* * *
Ánh sáng chói từ màn hình máy tính là nguồn
sáng duy nhất trong phòng làm việc. Mọi tiếng động đều từ ngoài cánh cửa Simon
khép hờ. Đó là tiếng radio vặn nhỏ trong bếp dưới lầu và tiếng Else loay hoay
việc nhà. Cô xuất thân là dân ở nông trại; bao giờ cũng có gì đó để dọn dẹp, giặt
giũ, sắp đặt, xê dịch, trồng tỉa, khâu vá, nấu nướng. Công việc thì không bao
giờ dứt. Bất kể hôm nay ta làm bao nhiêu, ngày mai vẫn lại là cả một ngày đầy
việc. Nó nghĩa là làm đều đều và không hối hả để rồi lại gãy lưng. Đó là tiếng
ngâm nga dịu dàng của người tìm thấy niềm vui và mục đích trong những việc lặt
vặt, tiếng mạch đập đều và sự mãn nguyện. Trong một chừng mực nào đó thì ông
ghen tị với cô. Nhưng ông còn nghe ngóng những âm thanh khác; tiếng bước chân
chệch choạng hay đồ đạc rơi xuống sàn. Nếu nó xảy ra, ông sẽ chờ. Chờ nghe xem
cô đã làm chủ được tình hình chưa. Và nếu ông nghe thấy là cô ổn rồi, sau đó
ông sẽ không hỏi, mà để cô tưởng là ông không nhận thấy.
Ông đã đăng nhập vào mạng nội bộ của Đội Điều
tra Án mạng và đọc báo cáo về Per Vollan. Kari viết khá nhiều, cô là người cần
mẫn. Vậy nhưng khi ông đọc, có vẻ thiêu thiếu điều gì đó. Ngay cả một báo cáo cảnh
sát quan liêu, theo thủ tục nhất cũng không giấu được niềm đam mê của một điều
tra viên nhiệt tình. Các báo cáo của Kari đúng là mẫu mực, cho thấy một báo cáo
cảnh sát cần phải có giọng điệu thế nào: khách quan và căn cứ theo sự thật.
Không có những khẳng định thiên vị hay định kiến nhân danh tác giả. Thiếu sức sống
và lạnh lùng. Ông đọc lời khai nhân chứng xem có xuất hiện cái tên nào thú vị
trong số những người Vollan đã tiếp xúc. Không có gì. Ông đăm đăm nhìn tường.
Nghĩ về hai từ. Nestor. Gác lại. Rồi ông vào Google tìm Agnete Iversen.
Các tít về vụ án mạng hiện ra.
“BỊ BẮN VÀ CƯỚP TẠI NHÀ RIÊNG”
Ông nhấp vào một tít. Người ta dẫn lời
thanh tra Asmund Bjornstad tại cuộc họp báo của Kripos ở Bryn. “Đội điều tra
Kripos đã phát hiện rằng dù tìm thấy Agnete Iversen trong bếp, có lẽ bà bị bắn ở
ngưỡng cửa”. Rồi xuống nữa. “Vài chứng cứ gợi ý cho thấy đây là một vụ cướp,
nhưng tạm thời lúc này chúng ta không thể loại trừ các động cơ khác”.
Simon rê xuống vài bài báo cũ hơn. Chúng gần
như chỉ từ các thời báo tài chính. Agnete Iversen bà con gái của một trong những
chủ địa ốc lớn nhất Oslo, bà có bằng MBA kinh tế học của Wharton ở Philadelphia
và lúc còn khá trẻ đã phụ trách quản lý danh mục đầu tư bất động sản của gia
đình. Tuy nhiên, sau khi lập gia đình với Iver Iversen, một chuyên gia kinh tế
đồng nghiệp, bà từ chức. Một nhà báo tài chính mô tả bà là nhà quản trị, người
theo xu hướng hoàn hảo, người đã quản lý danh mục đầu tư một cách hiệu quả và
có lợi. Trái lại, chồng bà theo đuổi một chiến lược hiếu chiến hơn, thường
xuyên mua bán, điều này bao hàm rủi ro lớn hơn, nhưng cũng thu lợi nhiều hơn. Một
bài báo khác, cách đây hai năm, có hình con trai họ, cậu Iver con, dưới cái tít
“NHÀ THỪA KẾ TỈ PHÚ SỐNG CUỘC SỐNG THƯỢNG LƯU Ở IBIZA”. Rám nắng, vui đùa, nhoẻn
cười rạng rỡ và mắt lóe đỏ ánh đèn camera, mồ hôi nhễ nhại sau khi nhảy với
chai sâm banh bên một tay và một cô tóc vàng cũng mồ hôi ướt đẫm trong tay kia.
Ba năm trước, trên một trang trong mục tài chính ông Iver đã bắt tay với giám đốc
tài chính của Hội đồng thành phố Oslo khi công bố Công ty Bất động sản Iversen
chỉ một tỉ krone để mua lại bất động sản của hội đồng.
Simon nghe cửa phòng đẩy mở. Một tách trà
nghi ngút đặt trước mặt ông.
- Anh không cần thêm chút ánh sáng trong
đây sao? - Else nói, để hai tay lên vai ông. Để xoa bóp cho ông. Hay để tựa cho
vững.
- Anh vẫn đang chờ kỳ tiếp theo, - Simon
nói.
- Kỳ tiếp theo của cái gì?
- Điều bác sĩ nói.
- Nhưng em gọi báo anh biết rồi mà - anh
ngày một lú lẫn rồi hay sao, anh yêu? - Cô cười khúc khích và ghì môi lên đầu
ông. Môi cô mềm trên da đầu ông.
Ông nghĩ có lẽ cô yêu ông.
- Em nói ông ta không thể làm gì nhiều, -
Simon đáp.
- Phải.
- Nhưng mà?
- Nhưng gì?
- Anh hiểu em mà, Else. Đó không phải là tất
cả những gì ông ta nói.
Cô dứt ra, chỉ để lại một bàn tay trên vai
ông. Ông chờ.
- Ông ta nói ở Mỹ có một loại phẫu thuật mới.
Nó giúp những người đi sau em.
- Đi sau ư?
- Khi nào phẫu thuật và thiết bị đã thành
quy trình chuẩn. Nhưng chuyện đó có thể mất hàng năm. Ngay lúc này thì đó là một
phẫu thuật phức tạp tốn cả gia tài.
Simon xoay người trong ghế xoay nhanh đến mức
cô phải lùi lại một bước.
Ông nắm chặt hai bàn tay cô.
- Nhưng đó là tin tuyệt vời mà! Bao nhiêu?
- Quá khả năng mà một người đàn bà sống nhờ
phúc lợi tàn tật và một người đàn ông sống bằng đồng lương cảnh sát lo được.
- Nghe này, Else. Ta không có con cái. Ta sở
hữu căn nhà, ta không chi tiêu cho thứ gì nữa cả. Ta đạm bạc...
- Thôi đi, Simon. Anh thừa biết ta không có
tiền bạc gì. Còn căn nhà thì đã thế chấp toàn bộ rồi.
Simon nuốt khan. Cô đã không gọi đích danh
chuyện đó món nợ cờ bạc của ông. Như mọi khi cô đã quá ý nhị không nhắc ông rằng
họ vẫn đang trả cho tội lỗi của ông trong quá khứ. Ông nắm chặt hai bàn tay cô.
- Anh sẽ nghĩ ra cách gì đó. Bạn bè sẽ cho
mình mượn tiền. Cứ tin ở anh. Bao nhiêu?
- Anh từng có bạn bè, Simon. Nhưng dạo này
anh không hề nói chuyện với họ. Em cứ nhắc anh mãi, các anh cần giữ liên lạc nếu
không sẽ xa dần.
Simon thở dài. Ông nhún vai.
- Anh có em rồi.
Cô lắc đầu.
- Em không đủ, Simon.
- Không, đủ, em là đủ rồi.
- Em không muốn là đủ. - Cô cúi xuống hôn
lên trán ông. - Em mệt, em đi nằm đây.
- OK, nhưng nó tốn bao nhiêu... ?
Cô đi rồi.
Simon nhìn theo cô. Rồi ông tắt máy tính và
lấy điện thoại ra. Rê dọc danh bạ. Bạn bè cũ. Kẻ thù xưa. Một số có ích, hầu hết
thì không. Ông bấm số của một kẻ thuộc loại sau. Kẻ thù. Nhưng có ích.
Fredrik Ansgar ngạc nhiên khi nghe từ ông
như Simon đã biết trước, nhưng giả vờ vui vẻ và đồng ý gặp; hắn thậm chí còn
không vờ bận rộn. Gọi xong, Simon ngồi trong bóng tối, nhìn chằm chằm điện thoại.
Nghĩ về giấc mơ của mình. Thị lực của ông. Ông sẵn sàng nhường đôi mắt cho cô.
Rồi ông nhận ra cái mình đang nhìn trên điện thoại. Đó là hình dấu giày trong
luống hoa hồng.
* * *
- Đồ ăn ngon đấy, - Johnny nói, lau miệng.
- Cậu không định ăn gì à?
Người thanh niên mỉm cười lắc đầu.
Johnny nhìn quanh. Nhà ăn là phòng có bếp
ăn thông, quầy phục vụ, một khu vực tự chọn và các bàn đều đã có người. Nhà ăn
thường đóng cửa sau giờ ăn trưa, nhưng từ khi Hội quán, quán cà phê của
Bymisjonen dành cho dân nghiện ma túy ở Skippergata, được sửa sang lại, họ đã
tăng giờ mở cửa nên không phải ai ở đây cũng là người của trung tâm. Nhưng hầu
hết đều đã trọ ở đây lúc này hay lúc khác, nên Johnny nhận ra mọi gương mặt.
Anh nhấp một ngụm cà phê nữa và nhìn mấy
tên nghiện cau có. Chuyện đó là bình thường, thường trực hoang tưởng và rình rập,
đầu kêu o o; chỗ này giống như một vũng nước trên hoang mạc mà thiên hạ thay
phiên nhau là con mồi và kẻ rình mồi. Trừ chàng trai. Anh ta trông thư thái.
Cho đến lúc này. Johnny theo cái nhìn của anh ta về phía sau bếp nơi Martha vừa
từ phòng nhân viên xuất hiện. Cô đã mặc áo khoác và rõ ràng đang chuẩn bị về.
Thế rồi Johnny thấy đồng tử người thanh niên mở lớn. Tìm hiểu đồng tử người
khác là chuyện một tên nghiện làm gần như tự động. Bọn họ có dùng không? Bọn họ
có đang phê không? Bọn họ có nguy hiểm không? Cũng cùng cách đó, anh thường
quan sát xem bàn tay thiên hạ làm gì. Bàn tay có thể trộm đồ của ta hay với lấy
con dao. Hay trong những tình huống báo động, theo một cách bản năng, che chắn
và bảo vệ nơi họ cất giấu ma túy hay tiền. Còn ngay lúc này, bàn tay người
thanh niên đút túi quần. Bên túi quần anh ta đã đút đôi hoa tai vào. Johnny đâu
có ngu. Hay, phải, anh ngu, nhưng không phải mọi mặt. Martha bước vào, đồng tử
người thanh niên dãn ra. Đôi hoa tai. Ghế quẹt trên sàn nhà khi anh chàng đứng
lên, ánh nhìn hăm hở chăm chú vào cô.
Johnny hắng giọng.
- Stig...
Nhưng đã quá muộn, anh chàng đã xoay lưng lại
Johnny và cất bước về phía cô.
Cùng lúc ấy cửa trước mở rồi một người đàn
ông bước vào và tức thì nổi bật. Áo khoác da đen ngắn, tóc đen cắt sát. Vai rộng
và vẻ mặt cương quyết. Bằng một động tác nóng nảy anh ta xô một người trọ đang
chắn đường, đứng bất động trong tư thế khom khom của dân nghiện. Anh ta ra dấu
với Martha và cô vẫy tay lại. Và giờ thì Johnny thấy người thanh niên đã nhận
ra. Cách chàng ta dừng lại như thể mất trớn, trong khi Martha tiếp tục đi ra cửa.
Anh ta thấy người kia đút tay vào túi áo khoác da và chìa cùi chỏ ra, để cô chuồi
bàn tay vào dưới cánh tay. Cô làm theo. Đó là sự thành thục của hai người bên
nhau đã lâu rồi. Rồi họ mất hút bên ngoài trong buổi chiều gió và bỗng đâu se lạnh.
Gã thanh niên đứng giữa nhà, sững sờ, như
thể cần có thời gian để hiểu ra thông tin này. Johnny thấy mọi cái đầu trong
phòng đều xoay lại đánh giá chàng trai. Anh biết họ đang nghĩ gì.
Con mồi.
* * *
Johnny thức giấc vì có tiếng khóc.
Và, trong thoáng chốc, anh nghĩ đến ma. Đứa
bé. Nó đây.
Nhưng rồi anh nhận ra tiếng đó phát ra từ tầng
giường trên. Anh trở mình. Giường đâm lắc lư. Tiếng khóc thành thổn thức.
Johnny trở dậy đứng trước giường. Anh để
tay lên vai chàng trai đang run như chiếc lá. Johnny bật đèn dọc trên tường bên
trên anh ta. Thứ đầu tiên anh thấy là hàm răng cắn chặt gối.
- Đau lắm à? - Johnny nói như một phát biểu
hơn là câu hỏi.
Một gương mặt tái xanh, mướt mồ hôi với đôi
mắt trũng sâu nhìn lại anh.
- Heroin? - Johnny hỏi.
Gương mặt gật.
- Cậu có muốn tớ xem thử có kiếm được chút
nào cho cậu không?
Lắc đầu.
- Cậu biết là nếu đang cố bỏ thì cậu nhầm
chỗ rồi, đúng không? - Johnny nói.
Gật.
- Vậy tớ làm được gì cho cậu không?
Người thanh niên thè cái lưỡi trắng toát thấm
ướt môi. Anh ta thều thào gì đó.
- Hả. - Johnny nói, cúi người tới. Anh ngửi
thấy hơi thở nặng mùi, hôi thối của anh ta. Anh chỉ đoán được câu nói. Anh thẳng
người lên và gật.
- Tùy cậu thôi.
Johnny quay lại giường, nhìn lên mặt dưới tấm
nệm bên trên. Nó được bọc ni lông để khỏi thấm các chất lỏng từ thân thể người
trọ. Anh lắng nghe tiếng động không dứt trong trung tâm, tiếng của kẻ liên tục
bị săn đuổi; tiếng chân chạy trong hành lang, tiếng chửi thề, nhạc thậm thịch,
tiếng cười, tiếng gõ cửa, tiếng gào thét tuyệt vọng và mua bán thấp thỏm diễn
ra ngay ngoài cửa phòng họ. Nhưng không tiếng nào dập tắt được tiếng thổn thức
khe khẽ và cậu thanh niên đã thều thào:
- Ngăn tôi lại nếu tôi cố ra ngoài.
19
- Vậy
là giờ anh ở bên đội điều tra án mạng, - Fredrik nói, mỉm cười sau cặp kính
râm. Huy hiệu nhà thiết kế bên gọng nhỏ đến mức phải có cặp mắt diều hâu như của
Simon mới nhìn ra, nhưng phải là người có hiểu biết về nhãn hiệu sâu rộng hơn
Simon mới biết nó độc quyền thế nào. Dẫu vậy Simon cho là cặp kính râm hẳn phải
đắt tiền, hài hòa với sơ mi, cà vạt, móng tay được cắt tỉa và kiểu tóc của
Fredrik. Nhưng thật ra thì, com lê xám nhạt đi với giày nâu sao? Hay thời nay
như vậy được xem là thời trang.
- Phải, - Simon nói và nheo mắt. Ông ngồi
xoay lưng lại hướng gió và mặt trời, nhưng mấy tia nắng hắt lại từ cửa kính tòa
nhà mới xây bên kia kênh. Họ gặp nhau theo yêu cầu của Simon, nhưng chính
Fredrik là người đề nghị nhà hàng Nhật ở Tjuvholmen; Tjuvholmen nghĩa là “đảo của
bọn trộm” nên Simon băn khoăn liệu nó có hợp với hết thảy những công ty đầu tư
tọa lạc ở đó không, kể cả công ty của Fredrik. - Còn anh thì đang đầu tư tiền của
những người giàu đến mức bất cần biết nó thế nào nữa?
Fredrik cười.
- Đại loại là vậy.
Phục vụ bàn đã đặt trước mặt mỗi người một
đĩa nhỏ đựng thứ gì trông như con sứa bé xíu. Simon nghĩ là con sứa bé xíu thật.
Có lẽ đó là món ăn hằng ngày ở Tjuvholmen; sushi đã thành pizza của tầng lớp
trung thượng lưu.
- Có bao giờ anh thấy nhớ Phòng Điều tra
Gian lận Nghiêm trọng không? - Simon nói, nhấp ngụm nước trong ly. Người ta bảo
đó là nước lạnh từ Voss được gửi đi Mỹ rồi nhập khẩu trở lại Na Uy, bị tước sạch
các khoáng chất cơ bản mà cơ thể cần và là thứ ta được uống miễn phí từ vòi, sạch
sẽ thơm ngon, tại Na Uy. Sáu mươi krone một chai. Simon đã thôi không còn cố hiểu
động lực thị trường, các nét tâm lý của nó, và sự tranh giành quyền lực. Nhưng
Fredrik thì không. Hắn hiểu. Hắn chịu chơi. Simon nghĩ là xưa giờ hắn vẫn vậy.
Hắn có nhiều điểm giống Kari; học thức quá cao, quá nhiều tham vọng, và biết
quá rõ giá trị bản thân nên nghề cảnh sát không thể nào giữ chân hắn được.
- Tôi nhớ đồng nghiệp và sự sôi động, -
Fredrik nói. - Nhưng nhịp độ chậm chạp và thói quan liêu thì không. Có lẽ anh bỏ
cũng vì lý do đó?
Hắn nâng ly lên miệng nhanh quá nên Simon
không đọc được vẻ mặt hắn để xác định xem hắn thật tình không biết hay chỉ giả
vờ. Suy cho cùng, Fredrik thông báo về việc ra đi để tới cái mà nhiều người xem
là phe xấu được ít lâu, vụ rửa tiền mới bắt đầu rình rang. Fredrik thậm chí còn
là một trong những người theo vụ này từ đầu. Nhưng có lẽ hắn đã không còn liên
lạc gì với cảnh sát.
- Đại loại như vậy, - Simon lầm bầm.
- Án mạng thì hợp tạng anh hơn, - Fredrik
nói và giả vờ kín đáo liếc nhìn đồng hồ.
- Nhân nói về tạng tôi, - Simon nói, - tôi
muốn gặp vì tôi cần mượn một khoản tiền. Cho vợ tôi, cô ấy cần được phẫu thuật
mắt. Else - anh còn nhớ cô ấy không?
Fredrik nhai con sứa và tạo ra một tiếng có
thể nghĩa là có mà cũng có thể là không.
Simon chờ cho hắn nhai xong.
- Tôi thật tiếc, Simon, chúng tôi chỉ đầu
tư tiền của khách hàng vào những công ty hàng đầu hay trái khoán, chúng tôi
chưa bao giờ cho thị trường tư nhân vay tiền.
- Tôi biết điều đó, nhưng tôi hỏi anh vì
tôi không thể theo lối thường.
Fredrik cẩn thận chấm khóe miệng rồi để
khăn ăn lên đĩa.
- Tôi rất tiếc vì không giúp anh được. Phẫu
thuật mắt sao? Nghe trầm trọng đấy.
Phục vụ bàn tới, dọn đĩa của Fredrik, thấy
đĩa Simon vẫn còn nguyên nên nhìn ông dò hỏi. Simon ra dấu cho anh ta dọn đi.
- Anh không thích sao? - Fredrik nói rồi
yêu cầu hóa đơn bằng vài từ có lẽ là tiếng Nhật.
- Tôi cũng không biết, nhưng hễ động đến
loài nhuyễn thể là tôi hay nghi ngờ. Chúng dễ tuột quá, nếu anh hiểu tôi muốn
nói gì. Tôi không thích phí phạm, nhưng riêng con đó thì trông như vẫn còn sống,
nên tôi hy vọng nó còn một cơ hội nữa trong hồ cá.
Fredrik cười hồ hởi quá mức với câu đùa của
ông; nhẹ nhõm vì có vẻ như phần hai cuộc trò chuyện đã xong. Hắn chộp ngay tờ
hóa đơn vừa đem đến.
- Để tôi... - Simon mở miệng nhưng Fredrik
đã đút thẻ tín dụng vào đầu đọc thẻ mà phục vụ bàn đem đến rồi bấm phím.
- Gặp lại anh tôi rất vui nhưng tôi tiếc là
không giúp anh được, - Fredrik nói khi phục vụ bàn đã đi khuất và Simon cảm thấy
được sức ép dồn lên ghế Fredrik ngồi đã nhẹ hẫng đi.
- Anh đọc về vụ sát hại Iversen hôm qua
chưa?
- Ôi trời, có, tôi đọc rồi. - Fredrik lắc đầu,
tháo kính râm ra dụi dụi mắt. - Iver Iversen là khách hàng của chúng tôi. Một
thảm kịch.
- Hắn ta đã là khách hàng của anh khi anh
còn làm cho Phòng Điều tra, tôi tin là vậy.
- Xin lỗi tôi nghe chưa rõ?
- Ý tôi muốn nói là một nghi phạm. Thật vô
cùng tiếc khi người có khả năng chuyên môn như anh mà lại nghỉ việc. Có người
như anh trong đội thì chúng tôi đã đưa vụ đó ra tòa được rồi. Ngành bất động sản
cần một cuộc đại tu; ta vẫn thường đồng tình về chuyện đó, anh không nhớ sao,
Fredrik?
Fredrik đeo kính râm vào lại.
- Anh luôn đánh những khoản cược cao,
Simon.
Simon gật. Vậy là Fredrik đã biết vì sao bỗng
dưng Simon đổi ban.
- Nhân nói chuyện đánh bạc, - Simon nói. -
Tôi chỉ là một gã cớm ngu dốt với một bằng tài chính, nhưng mỗi khi đọc tài khoản
của Iversen, tôi vẫn tự hỏi làm sao công ty đó cứ xoay xở ăn nên làm ra được.
Luôn vô phương hướng trong mua bán bất động sản; hầu như lúc nào cũng thua lỗ
những khoản đáng kể.
- Phải, nhưng nó luôn giỏi quản lý bất động
sản.
- Thật phúc cho mấy khoản lỗ ta có thể kết
chuyển. Nhờ đó mà hầu như Iversen không phải trả khoản thuế nào cho lãi kinh
doanh trong mấy năm gần đây.
- Lạy Chúa, nghe như anh về lại Phòng Điều
tra rồi.
- Mật mã của tôi vẫn cho tôi quyền truy cập
các hồ sơ cũ. Cả đêm qua tôi thức đọc trong máy tính riêng.
- Thế sao? Nhưng đâu có gì phi pháp trong
chuyện đó, đó là quy định thuế.
- Phải, - Simon nói, tay chống cằm nhìn lên
bầu trời xanh. - Anh cũng nên biết; suy cho cùng, anh đã đầu tư cho Iversen. Có
lẽ Agnete Iversen bị một nhân viên thu thuế cáu tiết sát hại.
- Sao?
Simon cười rồi đứng lên.
- Đừng để một ông già như tôi làm anh phải
hoảng. Cảm ơn bữa ăn trưa.
- Simon?
- Sao.
- Tôi không muốn làm anh trông đợi nhiều,
nhưng tôi sẽ hỏi quanh về khoản vay cho anh.
- Tôi cảm kích điều đó, - Simon nói rồi cài
kín cúc áo khoác. - Tạm biệt.
Ông không cần quay lại; ông biết Fredrik
đang đăm chiêu nhìn theo khi ông bỏ đi.
* * *
Lars Gilberg bỏ xuống tờ báo nhặt trong
thùng rác bên ngoài 7-Eleven để làm gối kê đầu đêm nay. Gã thấy hết trang này đến
trang khác viết về vụ án mạng người đàn bà giàu có ở khu Tây Oslo. Nếu nạn nhân
là một đứa nghèo khó chết vì dùng quá liều pha tạp dưới bến sông hay ở
Skippergata, chắc chắn gã chỉ đọc dăm ba dòng. Một tay có máu mặt ở Kripos, gã
đàn ông tên Bjornstad, thông báo rằng sẽ triển khai mọi nguồn lực có được cho
cuộc điều tra. Ồ, vậy sao? Sao trước hết không tóm bọn giết người hàng loạt trộn
thạch tín với thuốc chuột, ma túy xong đem bán? Gilberg ló ra khỏi vùng đất
bóng tối của mình. Dáng người tiến lại mặc áo trùm đầu và trông như một trong
những tay chạy bộ vẫn thường chạy lối ven sông. Nhưng hắn ta nhận ra Gilberg,
chậm lại, nên Lars Gilberg nghĩ hắn là cớm hoặc một thằng công tử đi kiếm
speed. Mãi đến khi hắn ở dưới cầu và lật mũ trùm ra sau Gilberg mới nhận ra cậu
thanh niên. Cậu ta đầm đìa mồ hôi và hụt cả hơi.
Gilberg bỏ tấm trải đứng lên, háo hức, gần
như vui sướng.
- Chào, chàng trai. Tôi đã để mắt xem chừng
đồ cho cậu, cậu biết đấy, nó vẫn còn ở đó. - Gã hất hàm về phía bụi rậm.
- Cảm ơn ông, - cậu thanh niên nói, ngồi xổm
xuống kiểm tra mạch đập. - Nhưng tôi đang băn khoăn không biết ông có thể giúp
tôi lần nữa không.
- Tất nhiên. Gì cũng được.
- Cảm ơn. Bọn buôn ma túy nào bán “siêu
nhóc”?
Lars Gilberg nhắm mắt. Khỉ thật.
- Đừng làm vậy, chàng trai. Đừng “siêu
nhóc”.
- Sao không?
- Vì tôi có thể kể tên ba người bị thứ khốn
kiếp đó quật chết nội trong hè này thôi.
- Đứa nào bán hàng tinh khiết nhất?
- Tôi chẳng biết thế nào là tinh khiết cả.
Đó không phải món của tôi. Nhưng đứa bán thì dễ thôi, trong thành phố này chỉ
có một điểm bán siêu nhóc thôi. Tụi bán luôn đi thành cặp. Một đứa giữ ma túy
còn đứa kia thu tiền. Chúng lảng vảng dưới Nybrua ấy.
- Chúng trông ra sao?
- Mỗi lúc mỗi khác, nhưng thường thì thằng
thu tiền là gã người bè bè, mặt rỗ, để tóc ngắn. Hắn là sếp, nhưng hắn thích ra
đường để tự trông coi tiền bạc. Hắn là thằng khốn đa nghi, không tin tưởng mấy
tên của mình.
- Bè bè và mặt rỗ ư?
- Phải, dễ nhận ra hắn nhờ mí mắt. Nó như sụp
xuống khiến hắn trông ngái ngủ. Cậu hiểu ý tôi rồi chứ?
- Ông muốn nói Kalle sao?
- Cậu biết hắn hả?
Cậu thanh niên thong thả gật.
- Vậy thì cậu biết mí mắt hắn bị gì chứ?
- Giờ hắn mở cửa, ông biết không? - cậu
thanh niên hỏi.
- Chúng ở đó từ bốn giờ đến chín giờ. Tôi
biết chuyện này vì những khách hàng đầu tiên bắt đầu xếp hàng từ trước đó nửa
giờ. Và những người cuối cùng đua nhau tới, ngay trước chín giờ, như chuột chạy
tới ống cống, sợ không còn được gặp hắn.
Cậu thanh niên kéo mũ lên lại.
- Cảm ơn, ông bạn.
- Lars. Tên tôi là Lars.
- Cảm ơn, Lars. Ông có cần gì không? Tiền?
Bao giờ mà Lars chẳng cần tiền. Gã lắc đầu.
- Cậu tên gì?
Cậu thanh niên nhún vai. Cái nhún vai kiểu
“ông muốn gọi tôi tên gì cũng được”. Rồi cậu ta chạy bộ tiếp.
* * *
Martha đang ngồi ở khu vực tiếp tân thì anh
lên cầu thang rồi cứ thế đi ngang trước mặt cô.
- Stig! - Cô gọi.
Phải một lúc lâu anh mới dừng lại. Có thể
do các phản xạ của anh nói chung đã suy yếu. Hay vì tên anh không phải là Stig.
Anh đang vã mồ hôi đầm đìa; trông như vừa mới chạy. Cô hy vọng không phải là chạy
trốn rắc rối.
- Tôi có cái này cho anh, - cô nói. - Chờ
đã!
Cô cầm cái hộp lên, bảo Maria ít phút nữa
cô quay lại rồi vội theo anh. Cô đưa tay chạm nhẹ cùi chỏ anh.
- Đi nào, ta sẽ lên phòng anh với Johnny.
Khi bước vào phòng, một cảnh tượng bất ngờ
chào đón họ. Màn đã kéo ra nên căn phòng tràn ngập ánh sáng, không thấy Johnny
đâu còn không khí thì tươi mát vì một cửa sổ đã mở - trong chừng mực cái khóa cửa
cho phép. Hội đồng đã bảo họ gắn khóa cửa vào hết các phòng sau vài sự cố người
đi bộ trên vỉa hè bên dưới suýt trúng những vật to nặng thường xuyên được ném
xuống từ mấy cửa sổ của trung tâm; radio, loa, stereo và đôi khi là TV. Người
trong trung tâm đã ném rất nhiều món đồ điện tử, nhưng chính chất hữu cơ mới là
cái dẫn đến lệnh này. Do chứng sợ tiếp xúc lan rộng giữa những người trọ, họ
thường e ngại dùng nhà vệ sinh công cộng. Vì vậy vài người được phép giữ xô
trong phòng và nó sẽ được đều đặn đem đổ - dù đáng buồn là đôi khi không được đều
đặn. Một người không đem đổ đều đặn đã đặt xô trên bậu cửa sổ để mở nhằm xua đi
những mùi khủng khiếp nhất. Một ngày, một nhân viên mở cửa bước vào phòng và
gió lùa thổi bay cái xô. Chuyện đó là trong thời gian sửa chữa cái tiệm bánh ngọt
mới và như số phận an bài, một thợ sơn đang đứng trên thang ngay dưới cửa sổ.
Thợ sơn thoát được, không bị thương tật vĩnh viễn, nhưng Martha - người có mặt
tại hiện trường đầu tiên để đến giúp người đàn ông bàng hoàng - biết rằng sự cố
đã hằn sâu trong tâm trí anh ta.
- Ngồi xuống đi, - cô nói, chỉ cái ghế. - Rồi
cởi giày ra.
Anh làm theo lời. Cô mở hộp.
- Tôi không muốn mấy người kia thấy, - cô
nói rồi lấy ra một đôi giày da đen mềm. - Đây là giày của bố tôi, - cô nói, đưa
cho anh. - Hai người mang đều cùng một cỡ.
Anh trông ngạc nhiên đến mức cô thấy mình đỏ
mặt.
- Chúng tôi không thể để anh mang giày thể
thao đi phỏng vấn xin việc được, - cô hấp tấp nói thêm.
Cô nhìn quanh phòng khi anh mang giày vào.
Cô không chắc, nhưng nghĩ mình ngửi thấy mùi bột giặt. Theo như cô biết thì hôm
nay mấy người làm vệ sinh không đến. Cô bước lại tấm hình chụp có đinh ghim vào
tường.
- Ai vậy?
- Bố tôi, - anh nói.
- Thật hả? Sĩ quan cảnh sát ư?
- Phải. Nhìn này.
Cô quay qua anh. Anh đã đứng lên rồi tì hết
bàn chân phải đến chân trái xuống sàn.
- Sao?
- Giày vừa như in, - anh mỉm cười. - Cảm ơn
cô nhiều, Martha.
Cô giật mình khi anh gọi tên cô. Không phải
cô không quen nghe vậy, người trọ luôn gọi tên. Tuy nhiên, họ, địa chỉ nhà và
tên các thành viên gia đình được bảo mật; suy cho cùng, nhân viên chứng kiến việc
buôn bán ma túy hằng ngày.
Nhưng có gì nơi cách anh nói. Như một cái
chạm. Cẩn thận và hồn nhiên, nhưng cũng hữu hình. Cô nhận ra đứng một mình với
anh trong phòng là không phù hợp; ban đầu cô tưởng Johnny cũng có ở đấy. Cô tự
hỏi anh ta ở đâu được; Johnny chỉ ra khỏi giường vì ma túy, nhà vệ sinh hay cái
ăn. Theo thứ tự đó.
Vậy nhưng cô vẫn đứng đấy.
- Anh tìm loại công việc gì? - Cô hỏi. Cô
biết mình nghe hơi hụt hơi.
- Cái gì đó trong hệ thống tư pháp, - anh
nói nghiêm trang. Có gì đó rất dễ thương nơi sự sốt sắng này. Gần như cụ non.
- Có hơi giống cha anh?
- Không, cảnh sát làm cho bên hành pháp.
Tôi muốn làm cho ngành tư pháp.
Cô mỉm cười. Anh khác biệt quá. Có lẽ đó là
lý do cô vẫn nghĩ về anh, bởi anh chẳng giống gì với mấy người nghiện kia. Anh
cũng thật khác với Anders. Trong khi Anders luôn cứng rắn kiểm soát, chàng
thanh niên này lại có vẻ cởi mở và nhạy cảm. Anders đa nghi và bài bác những
người anh còn chưa rõ và có lẽ đã đóng dấu phê duyệt nếu tiếp xúc kỹ hơn, còn
Stig lại có vẻ thân tình, hiền lành, gần như khờ khạo.
- Giờ tôi phải đi đây, - cô nói.
- Vâng, - anh nói, dựa tường. Anh đã kéo
dây khóa áo trùm đầu xuống. Áo sơ mi bên dưới đẫm mồ hôi, dính vào người.
Anh đang định nói gì đó thì bộ đàm của cô
kêu lách tách.
Cô đưa bộ đàm lên tai.
Cô có khách.
- Anh đang định nói gì? - cô hỏi khi đã xác
nhận xong lời nhắn.
- Để sau cũng được, - chàng thanh niên nói
và mỉm cười.
* * *
Lại là ông sĩ quan cảnh sát lớn tuổi.
Ông đang chờ cô ở khu vực tiếp tân.
- Họ cho tôi vào, - ông nói ra điều xin lỗi.
Martha nhìn Maria quở trách, cô ta đưa hai
bàn tay lên làm cử chỉ kiểu “gì mà ghê gớm vậy”.
- Cô có chỗ nào ta có thể... ?
Martha dẫn ông vào phòng họp, nhưng không mời
cà phê.
- Cô có biết đây là gì không? - ông hỏi,
đưa điện thoại lên cho cô nhìn màn hình.
- Hình chụp ít đất?
- Đó là dấu giày. Có lẽ với cô nó không có
nghĩa gì mấy, nhưng tôi cứ băn khoăn không hiểu sao lại thấy dấu giày trông rất
quen. Thế rồi tôi nhận ra đó là bởi tôi đã thấy nó tại rất nhiều nơi có thể là
hiện trường vụ án. Cô biết đấy, những nơi ta sẽ thấy có xác người. Chủ yếu là
những dấu trên tuyết tại một cảng container, trong một ổ hút chích, gần một tên
buôn ma túy, trong một boong ke Thế chiến II kiêm phòng tập bắn. Nói tóm lại...
- Nói tóm lại, những chốn mà loại người sống
đây thường lui tới. - Martha thở dài.
- Đúng. Cái chết thường là do tự gây ra,
nhưng dù nguyên nhân là gì, dấu giày này vẫn cứ xuất hiện đi xuất hiện lại. Mấy
đôi giày thể thao quân đội màu xanh dương đó đã thành loại giày thường thấy nhất
dành cho dân nghiện ma túy và kẻ vô gia cư trên khắp Na Uy vì Cứu Thế quân và
Bymisjonen đã phân phát. Và do vậy nếu để làm chứng cứ thì chúng hoàn toàn vô dụng,
có quá nhiều đôi như vậy trên chân những người có án tích.
- Vậy ông đến đây vì việc gì, chánh thanh
tra Kefas?
- Người ta không sản xuất loại giày này nữa
còn những đôi đang dùng thì cũ rồi. Nhưng nếu nhìn kỹ bức hình, cô sẽ thấy dấu
giày có hình rõ ràng, nghĩa là đôi này còn mới. Tôi kiểm tra chỗ Cứu Thế quân
thì họ cho biết đã gần kiện giày xanh cuối cùng đến chỗ cô vào tháng Ba năm
nay. Nên câu hỏi của tôi chỉ là: từ mùa xuân đến giờ cô có phát đôi giày nào
như vậy không? Cỡ 8,1/2.
- Tất nhiên câu trả lời là có.
- Ai...
- Nhiều lắm.
- Cỡ...
- 8,1/2 là cỡ giày thông thường nhất của
đàn ông trong thế giới phương Tây - cũng như trong giới dùng ma túy. Tôi không
thể, hay, sẵn sàng, cho ông biết gì hơn. - Martha bặm môi nhìn ông.
Lúc này sĩ quan cảnh sát thở dài.
- Tôi tôn trọng cái nghĩa của cô với người
trọ. Nhưng ở đây ta không nói về một gam speed, đây là điều tra án mạng. Tôi
tìm thấy dấu giày này ở nơi người đàn bà trên Holmenkollasen bị bắn chết hôm
qua. Agnete Iversen.
- Iversen? - Bỗng Martha lại cảm thấy hụt
hơi. Kỳ lạ thật. Nhưng nghĩ lại thì bác sĩ trị liệu chẩn đoán “vô cảm” đã dặn
cô đề phòng các dấu hiệu căng thẳng.
Chánh thanh tra Kefas hơi nghiêng đầu.
- Phải, Iversen. Báo chí đưa tin rất nhiều
về chuyện đó. Bị bắn ngay thềm nhà bà ta...
- Vâng, vâng, tôi có xem vài tít báo. Nhưng
tôi không bao giờ đọc những chuyện như vậy, trong công việc này chúng tôi đã có
đủ buồn phiền rồi. Nếu mà ông hiểu ý tôi.
- Tôi hiểu chứ. Tên bà ta là Agnete
Iversen. Bốn mươi chín tuổi. Trước kia kinh doanh, giờ nội trợ. Có chồng và cậu
con trai hai mươi tuổi. Chủ tịch Viện Phụ nữ địa phương. Một nhà tài trợ hào
phóng cho Hiệp hội Du lịch Na Uy. Nên có lẽ bà ta đủ tư cách làm trụ cột cộng đồng.
Martha húng hắng.
- Làm sao ông chắc chắn là dấu giày của
hung thủ?
- Chúng tôi không chắc được. Nhưng chúng
tôi tìm thấy một phần dấu giày có máu nạn nhân trong phòng ngủ, và dấu giày đó
có thể khớp với cái này.
Martha lại ho húng hắng. Cô phải đi bác sĩ
kiểm tra xem sao.
- Nhưng cứ cho là tôi nhớ tên tất cả những
ai được phát giày thể thao cỡ 8,1/2, làm sao ông biết được đôi nào đã có mặt ở
hiện trường?
- Tôi không chắc là chúng tôi biết được,
nhưng trông như thể hung thủ đã giẫm lên máu nạn nhân nên nó dính vào đế giày.
Và nếu nó đông đặc lại thì sẽ còn vệt máu trong mấy cái khe.
- Tôi hiểu rồi, - Martha nói.
Chánh thanh tra Kefas chờ.
Cô đứng lên.
- Nhưng tôi e không giúp gì được ông rồi. Tất
nhiên tôi có thể hỏi lại mấy nhân viên kia xem họ có nhớ một đôi cỡ 8,1/2
không.
Viên cảnh sát vẫn ngồi yên như thể cho cô
cơ hội đổi ý. Và cho ông biết gì đó. Rồi ông cũng đứng lên và đưa cô tấm danh
thiếp.
- Cảm ơn cô, tôi rất cảm kích chuyện đó.
Hãy gọi cho tôi, bất kể ngày đêm.
Martha ngồi lại trong phòng họp sau khi
chánh thanh tra Kefas đi rồi. Cô cắn môi dưới.
Cô đã nói thật với ông. 8,1/2. Đó là cỡ
giày thông thường nhất của đàn ông.
* * *
- Giờ đóng cửa, - Kalle thông báo. Lúc này
đã chín giờ và mặt trời bắt đầu lặn sau mấy tòa nhà bên bờ sông. Hắn lấy mấy tờ
một trăm krone cuối cùng cất vào đãy tiền. Hắn nghe nói ở St Petersburg bọn
buôn ma túy mang tiền mặt thường bị cướp đến mức mafia phải cho chúng đãy tiền
bằng thép hàn chắc quanh thắt lưng. Đãy tiền có một khe mảnh để đút tiền vào và
một mật mã chỉ có gã ngồi ở văn phòng biết, nên bọn bán lẻ cũng không thể bị
tra tấn mà tiết lộ cho kẻ cướp hay bị cám dỗ trộm tiền. Tên bán lẻ phải ngủ, ăn
uống, đại tiện và làm tình mà vẫn kè kè cái đãy tiền, nhưng dù là vậy Kalle
cũng đã nghiêm túc tính đến khả năng này. Hắn đã chán ngấy cảnh đứng đó hết chiều
này đến chiều khác.
- Làm ơn đi mà! - Đó là một trong mấy con
chó cái nghiện ngập gầy rộc, chỉ toàn da bọc xương, da căng trên sọ kiểu tù
nhân trại Holocaust.
- Để mai đi, - Kalle nói rồi cất bước bỏ
đi.
- Tôi phải có một ít!
- Bọn tao hết sạch rồi, - hắn nói láo rồi ra
hiệu cho Pelvis, tên bán lẻ của hắn, cứ đi tiếp.
Cô ta bật khóc. Kalle chẳng thấy thương cảm,
bọn này cần biết rằng tiệm đóng cửa lúc chín giờ và có mặt lúc chín giờ hai
phút thì cũng chẳng được tích sự gì. Tất nhiên hắn có thể ở lại tới chín giờ mười,
thậm chí mười lăm, để bán cho mấy đứa đến phút chót mới xoay xở gom được tí tiền.
Nhưng rốt cuộc thì vấn đề vẫn là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, biết
khi nào thì nên về nhà. Có mở cửa lâu hơn cũng không khiến lợi nhuận biên khá
hơn được bởi lẽ chúng được độc quyền “siêu nhóc”; mai chúng mở cửa cô ta ắt sẽ
quay lại.
Cô ta chụp cánh tay hắn, nhưng Kalle hất
ra. Cô ta loạng choạng ngã xuống cỏ rồi sụp quỳ.
- Ngày hôm nay khá đấy, - Pelvis nhận xét
khi chúng bước thoăn thoắt trên lối đi. - Mày nghĩ bao nhiêu?
- Mày nghĩ sao? - Kalle nạt lại. Ngay cả
nhân số gói với giá thì cũng đã quá sức thằng đần này. Dạo này ta chẳng thể kiếm
ra nhân viên.
Trước khi chúng qua cầu, hắn ngoái nhìn để
kiểm cho chắc chúng không bị theo đuôi. Đó là thói quen hắn có đã lâu, kết quả
của một vụ cướp mà hắn không bao giờ trình báo được tiếng nào với cảnh sát. Cái
kinh nghiệm quá đắt đó có được vào một ngày hè bên sông khi hắn không sao chống
mắt lên được và đã ngủ gật trên băng ghế cùng số heroin trị giá 300.000 krone hắn
định bán cho Nestor. Khi hắn tỉnh dậy, ma túy đã không cánh mà bay, hiển nhiên
rồi. Ngày hôm sau Nestor tìm hắn và giải thích rằng sếp đã khá nhân từ mà cho
Kalle một chọn lựa. Cả hai ngón cái - vì hắn đã rất hậu đậu. Hay cả hai mí mắt
vì hắn đã ngủ gật trong lúc làm việc. Kalle chọn mí mắt. Hai thằng mặc com lê,
một tóc đen một tóc vàng, ghì hắn xuống trong khi Nestor kéo mí mắt hắn ra và
dùng con dao Ả Rập cong cong, gớm guốc cắt phăng. Sau đó Nestor - cũng theo chỉ
thị của sếp - cho Kalle tiền đi taxi đến bệnh viện. Các bác sĩ giải phẫu giải
thích là để cho hắn có mí mắt mới, họ sẽ phải cấy da từ một vùng khác trên người
hắn và hắn may mắn không phải người Do Thái nên chưa bị cắt bao quy đầu. Hóa ra
bao quy đầu là loại da có các đặc điểm gần giống với mí mắt nhất. Tính hết mọi
lẽ thì cuộc phẫu thuật đã thành công và câu trả lời của Kalle cho bất kỳ ai hỏi
sao hắn mất mí mắt là hắn bị tai nạn axít và rằng da mới cấy lấy từ đùi hắn.
Đùi người khác, hắn giải thích, nếu người hỏi là một người đàn bà trong giường
hắn, đòi xem vết sẹo. Và rằng hắn mang một phần tư dòng máu Do Thái, trong trường
hợp cô ả thắc mắc cả chuyện đó.
Lâu nay hắn tin rằng bí mật của hắn được an
toàn, mãi đến khi gã tiếp quản việc làm ăn của hắn với Nestor tìm đến hắn trong
quán bar và hỏi bô bô rằng sáng ra khi dụi mắt hắn không thấy nó bốc mùi cục
vón ở dương vật hay sao. Thằng đó cùng lũ bạn rú lên cười. Kalle đã đập nát
chai bia lên quầy bar mà rạch gã, rút chai ra rồi lại rạch tiếp không biết bao
nhiêu nhát cho đến khi khá chắc là gã không còn mắt mà dụi nữa. Hôm sau Nestor
lại đến gặp Kalle, bảo hắn là sếp đã nghe tin và Kalle có thể nhận lại việc, vì
giờ gã kia không thể tiếp quản công việc và rằng hắn đã tỏ rõ sự tháo vát. Từ
hôm ấy Kalle không bao giờ nhắm mắt cho đến khi nào chắc chắn tuyệt đối là mọi
thứ đã được kiểm soát. Nhưng giờ hắn chỉ thấy có mỗi người đàn bà van xin trên
cỏ và một tay chạy bộ mặc áo mũ trùm.
- Hai trăm ngàn? - Pelvis đoán.
Thằng đần.
Sau mười lăm phút đi bộ qua khu trung tâm
phía Đông Oslo và mấy con phố đáng ngờ nhưng giúp trui rèn tính cách ở
Gamlebyen, chúng bước qua cánh cổng để mở vào một khu xưởng bỏ hoang. Việc kiểm
kê sẽ không mất quá một giờ. Ngoài chúng ra ở đó chỉ có Enok và Syff, cũng là
hai tên bán speed, Enok bán gần Elgen còn Syff gần Tollbugata. Sau đó chúng phải
pha, trộn và đóng gói những túi mới cho ngày mai. Lúc lấy xong hắn mới được về
nhà với Vera. Gần đây cô ả cứ hờn dỗi. Chuyến đi Barcelona hắn hứa với cô ả đã
không diễn ra vì cả mùa xuân hắn bận bán, nên thay vào đó hắn hứa với cô ả một
chuyến đi Los Angeles hồi tháng Tám. Chẳng may án tích của hắn dẫn lại tới chuyện
đơn xin thị thực bị từ chối. Kalle biết đàn bà như Vera không biết kiên nhẫn, họ
có các chọn lựa, nên hắn phải thường xuyên làm tình với cô ả và đưa mấy thứ
trang sức rẻ tiền ra nhử trước cặp mắt hạnh nhân tham lam của cô ả hòng giữ
chân. Mà chuyện đó cần có thời gian và sức lực. Nhưng cũng cần tiền nữa, có
nghĩa là làm việc nhiều hơn. Hắn kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Chúng băng qua một khu vực lộ thiên có sỏi
dính dầu, bãi cỏ cao và hai xe tải không lốp vĩnh viễn đỗ trên mấy viên gạch
Leca, rồi nhảy qua cái mặt phẳng nghiêng dựng trước tòa nhà gạch đỏ. Kalle nhập
mật mã bốn chữ số lên bảng, nghe khóa kêu rù rù rồi chúng mở cửa. Tiếng trống
và tiếng bass thùm thụp vọng tới chúng. Hội đồng đã chuyển đổi tầng trệt trong
cái xưởng hai tầng thành phòng cho các ban nhạc trẻ diễn tập. Kalle thuê phòng
trên tầng một bằng một khoản tiền tượng trưng với cớ và quản lý ban nhạc và làm
văn phòng đại diện. Chúng chưa kiếm được hợp đồng cho ban nhạc nào cả, nhưng ai
cũng biết giờ là thời buổi khó khăn cho nghệ thuật.
Kalle với Pelvis đi theo hành lang tới
thang máy trong khi cửa trước từ từ đóng lại do mấy lò xo đã bị rít. Qua tiếng ồn
Kalle thoáng nghĩ hắn nghe thấy tiếng chân chạy trên bãi sỏi bên ngoài.
- Ba trăm? - Pelvis ướm hỏi ý.
Kalle lắc đầu rồi bấm nút thang máy.
* * *
Knut Schroder để ghi ta xuống bộ khuếch đại.
- Nghỉ hút thuốc, - anh nói rồi tiến ra cửa.
Anh biết các thành viên ban nhạc đang nhướng
mày với nhau. Lại nghỉ hút thuốc sao? Họ đã có một hợp đồng biểu diễn ba ngày tại
câu lạc bộ thanh niên và thật đáng buồn là họ phải tập dượt như điên để nghe
không thảm hại. Knut nghĩ mấy thành viên kia là một đám lễ sinh: chúng không
hút, chẳng mấy khi uống rượu và chưa từng thấy một điếu cần sa chứ nói gì động
đến. Sao mà rock ‘n’ roll được? Anh khép cửa lại và nghe bọn họ chơi từ đầu bản
nhạc mà không có mình. Nghe không tệ lắm, nhưng tuyệt không có hồn. Không như
anh. Anh mỉm cười nghĩ vậy khi đi ngang thang máy và hai phòng tập trống dọc
hành lang trên đường tới lối ra.
Chuyện đó hệt như đoạn hay nhất trong DVD
Hell Freezes Over của Eagles - thú vui tội lỗi bí mật của Knut - khi ban nhạc
diễn tập với dàn hợp xướng Hội yêu nhạc Burbank và dàn nhạc đang nhíu mày chăm
chú chơi “New York Minute” thì Don Henley quay qua camera, nhăn mũi nói nhỏ:
“... nhưng bọn họ không có nỗi u buồn...”
Knut đi ngang cái phòng tập cửa luôn mở vì
khóa đã hỏng và bản lề cong nên không đóng được. Anh dừng chân. Bên trong có một
người đứng xoay lưng về phía anh. Lúc trước bọn ma cà bông tìm nhạc cụ hay thiết
bị dễ đổi thành tiền mặt vẫn thường xuyên đột nhập tòa nhà, nhưng chuyện đó đã
dừng khi đại diện trên tầng một bọn dọn đến và chi tiền thay cửa trước, cửa mới
kiên cố có ổ khóa nhập mã số.
- Này, anh kia! - Knut gọi.
Gã thanh niên quay lại. Khó mà biết hắn ta
là ai. Người chạy bộ? Không phải. Phải, hắn mặc áo thun có mũ trùm và quần thể
thao, nhưng hắn lại mang giày da đen lịch sự. Chỉ có bọn lông bông mới ăn mặc
khiếp vậy. Nhưng Knut không sợ, sao anh phải sợ? Anh cao cũng cỡ Joey Ramone và
cũng mặc kiểu áo khoác da giống vậy.
- Anh làm gì ở đây, bạn hiền?
Gã thanh niên mỉm cười. Vậy nghĩa là hắn
không thể nào là một thành viên băng nhóm mô tô.
- Dọn dẹp lại chút thôi mà.
Điều đó nghe có lý. Chuyện như vậy vẫn xảy
ra với mấy phòng tập cộng đồng; mọi thứ đều bị vứt bừa bãi hay lấy cắp và chẳng
ai lo giữ vệ sinh. Cửa sổ vẫn phủ mấy tờ cách âm, nhưng nhạc cụ duy nhất còn lại
là cái trống bass tồi tàn ai đó kẻ chữ kiểu Gothic “Tuổi trẻ Vô vọng” trên mặt
trống. Trên sàn giữa ngổn ngang tàn thuốc, dây đàn ghita đứt, nằm chơ vơ một
dùi trống và ít cuộn băng keo, một cây quạt để bàn có thể đoán là tay trống
dùng cho đỡ nóng bức. Thêm cả một sợi dây cắm đài mà Knut có lẽ nên kiểm tra
xem còn dùng được không, nhưng nó hẳn đã hỏng. Phải, dây cắm là thứ hàng tiêu
dùng không đáng tin, tương lai là của đồ không dây và mẹ đã hứa với Knut sẽ tài
trợ một dàn không dây cho đàn ghita nếu anh bỏ hút, tình tiết gây cảm hứng để
anh viết bản nhạc “Nàng chẳng thèm nhượng bộ trong cuộc giao kèo”.
- Giờ này mà nhân viên của hội đồng còn làm
việc sao? - Knut nói.
- Bọn tôi đang tính diễn tập lại.
- Bọn tôi sao?
- Tuổi trẻ Vô vọng.
- À, anh chơi cho bọn họ?
- Tôi từng là tay trống của họ. Tôi nghĩ
lúc vào đã nhìn thấy sau lưng hai gã kia, nhưng bọn họ biến vào trong thang máy
mất rồi.
- Không phải đâu, mấy người đó là trong
nhóm quản lý ban nhạc và đại diện.
- Vậy sao? Họ có giúp gì được ta không?
- Tôi nghĩ họ không nhận khách hàng mới
đâu. Bọn tôi đã gõ cửa họ, liền bị chửi biến mẹ đi. - Knut cười toét, lấy trong
gói ra một điếu đút giữa hai môi. Có lẽ anh chàng này hút thuốc và có thể hút với
anh một điếu ngoài trời. Họ sẽ bàn về âm nhạc. Hay nhạc cụ.
- Dù sao thì cũng để tôi đi xem thử, - tay
trống nói.
Anh ta trông giống ca sĩ hơn là tay trống.
Thế rồi Knut chợt nhận ra nếu anh ta nói chuyện với mấy người làm đại diện thì
cũng hay, có vẻ như ở anh ta có... chút ma lực. Mà nếu họ mở cửa cho anh ta, có
lẽ sau này chính Knut cũng sẽ ghé vào.
- Để tôi chỉ chỗ cho.
Anh ta có vẻ miễn cưỡng. Rồi anh ta gật.
- Cảm ơn.
Thang máy to chở hàng hóa đi chậm đến mức
Knut có đủ thời gian để giải thích tường tận vì sao bộ phóng đại Mesa Boogie lại
tuyệt vời và cho ra đúng âm thanh rock.
Họ bước ra khỏi thang máy, Knut rẽ trái rồi
chỉ về cánh cửa kim loại màu xanh dương, cửa duy nhất trên tầng. Gã thanh niên
gõ. Ít giây sau một ô cửa nhỏ cao ngang đầu người mở ra và một cặp mắt đỏ ngầu
xuất hiện. Hệt như lần Knut thử.
- Mày cần gì?
Gã thanh niên cúi tới gần ô cửa, có lẽ để
xem thử cái gì đang ở đằng sau người đàn ông bên trong cửa.
- Anh có muốn đặt hợp đồng biểu diễn cho Tuổi
trẻ Vô vọng không? Chúng tôi là một ban nhạc tập dưới lầu.
- Xéo đi và đừng có chường mặt ra đây nữa.
Capisce? [Hiểu chưa? (tiếng Ý)]
Tuy vậy, anh chàng này vẫn đứng sát ô cửa
và Knut thấy mắt anh ta lia qua lia lại.
- Chúng tôi khá cừ đấy. Anh thích Depeche
Mode không?
Một giọng vang lên từ đâu đó phía sau cặp mắt
đỏ ngầu.
- Ai vậy, Pelvis?
- Một ban nhạc nào đó.
- Tống cổ chúng đi, mẹ kiếp! Rồi quay lại
làm việc đi, tao muốn về nhà trước mười một giờ.
- Mày nghe sếp nói rồi đó.
Ô cửa đóng sầm.
Knut bước bốn bước quay lại thang máy rồi bấm
nút. Cửa ì ạch mở và anh bước vào. Nhưng anh chàng kia vẫn đứng tại chỗ. Anh ta
nhìn tấm gương mà văn phòng đại diện đã đặt trên đầu tường về bên phải khi ta
ra khỏi thang máy.
Nó phản chiếu cánh cửa kim loại của bọn họ,
có Chúa mới biết tại sao. Đúng, đây chẳng phải khu xóm tử tế nhất Oslo, nhưng
là văn phòng đại diện mà vậy thì họ khá là hoang tưởng. Có lẽ bọn họ cất trong
văn phòng cả khối tiền mặt từ các hợp đồng biểu diễn? Anh nghe nói mấy ban nhạc
nổi danh của Na Uy được trả nửa triệu trong các liên hoan lớn nhất. Một lý do nữa
để tiếp tục tập dượt. Giá mà anh có được dàn không dây đó. Và một ban nhạc mới.
Có hồn. Anh với anh chàng kia có thể hợp lực không chừng? Cuối cùng anh ta cũng
quay lại thang máy, nhưng một tay để trước thiết bị cảm biến để cửa không đóng
được. Rồi anh ta rút tay ra và quan sát kỹ máng đèn huỳnh quang trên trần thang
máy. Nghĩ lại thì không đâu. Knut đã mất quá nhiều thời gian làm việc với mấy
gã tâm thần rồi.
Anh bỏ ra ngoài hút thuốc trong khi anh
chàng kia quay lại phòng tập để dọn dẹp. Knut đang ngồi trên toa hàng một xe tải
gỉ sét thì anh ta đi ra.
- Tôi nghĩ mấy đứa kia đến trễ, nhưng tôi
không liên lạc với bọn họ được vì điện thoại hết pin rồi, - anh ta nói, đưa cái
điện thoại trông mới cáu lên. - Nên tôi đi kiếm ít thuốc lá đây.
- Cứ lấy một điếu của tôi này, - Knut nói,
chìa gói thuốc ra. - Anh có loại trống nào rồi? Đừng, để tôi đoán! Anh trông cổ
điển. Ludwig hả?
Gã thanh niên mỉm cười.
- Cảm ơn, anh thật tử tế. Nhưng tôi chỉ hút
Marlboro.
Knut nhún vai. Anh nể những người nhất quyết
dùng nhãn hiệu của mình, dù đó là trống hay thuốc lá. Nhưng Marlboro? Chẳng
khác nào nói ta chỉ chạy mỗi Toyota.
- Tốt thôi, anh bạn, - Knut nói. - Gặp lại
sau.
- Cảm ơn anh đã giúp.
Anh nhìn gã thanh niên bước qua bãi sỏi tới
cổng, rồi anh ta quay lại.
- Tôi vừa nhớ ra là mật mã cửa nằm trong điện
thoại, - anh ta nói, mỉm cười hơi ngượng. - Mà...
- Nó hỏng rồi. 666T. Chính tôi cũng nghĩ tới
chuyện đó. Anh có biết nó nghĩa là gì không?
Gã thanh niên gật.
- Đó là mã cảnh sát Arizona để ám chỉ tự tử.
Knut chớp chớp mắt.
- Vậy sao?
- Ừ. ‘T’ là tự tử. Bố tôi dạy tôi chuyện
đó.
Knut thấy anh ta mất hút ngoài cổng, tiến
vào chiều hè phơi phới khi một làn gió cuốn lấy đám cỏ cao bên cổng khiến nó đu
đưa như khán giả xem hòa nhạc đáp lại một bản ballad tình cảm nào đó. Tự tử. Quỷ
tha ma bắt, cái đó tuyệt hơn 666 Tèo nhiều!
* * *
Pelle nhìn trong gương chiếu hậu và xoa xoa
bên bàn chân hỏng. Mọi thứ đều hỏng; việc làm ăn, tâm trạng của ông và địa chỉ
mà người khách ngồi sau vừa đưa, Trung tâm Ila. Vậy nên, tạm thời lúc này, họ
ngồi im lìm chỗ gần như là nhà của Pelle trong dãy taxi tại Gamlebyen.
- Ý anh là ký túc xá? - Pelle hỏi.
- Phải. Nhưng giờ gọi là... Phải rồi, ký
túc xá.
- Tôi không chở ai đến ký túc xá mà không
được trả trước. Xin lỗi, nhưng tôi đã có mấy kinh nghiệm tồi tệ rồi.
- Tất nhiên. Tôi đã không nghĩ tới chuyện
đó.
Pelle nhìn khi khách của ông hay, chính xác
hơn, vị khách tiềm năng lục tìm trong túi. Pelle đã ngồi trong xe suốt mười ba
giờ liền, nhưng còn vài giờ nữa ông mới được chạy xe về căn hộ đường
Schweigaards, đậu xe, tập tễnh lên cầu thang bằng cây nạng xếp ông cất dưới ghế,
đổ vật xuống giường và ngủ thiếp đi. Hy vọng là không mộng mị. Dù cũng còn tùy
vào giấc mơ. Nó có thể là thiên đường hay địa ngục, ta không làm sao biết được.
Người khách đưa ông tờ năm mươi krone và nắm tiền lẻ.
- Đây mới hơn một trăm, vậy chưa đủ.
- Một trăm chưa đủ sao? - Người giờ đây
không còn là khách tiềm năng nói với vẻ ngạc nhiên thật tình.
- Lâu rồi anh mới đi taxi sao?
- Ông nói vậy cũng đúng. Tôi chỉ có bấy
nhiêu, nhưng hay là ông cứ chạy tới khi hết chỗ tiền ấy?
- Chắc rồi, - Pelle nói, bỏ tiền vào hộc để
găng tay vì anh thanh niên không có vẻ muốn nhận biên lai, rồi đạp chân ga.
* * *
Martha ngồi một mình trong phòng 323.
Ngồi trong khu vực tiếp tân cô đã nhìn thấy
Stig rồi sau đó là Johnny đi ra. Stig mang đôi giày đen cô đã cho anh.
Quy định của trung tâm cho phép khám xét
phòng của người trọ mà không báo trước hay xin phép nếu nghi họ cất giấu vũ
khí. Nhưng quy định cũng nêu rằng thông thường việc lục soát nên do hai nhân
viên tiến hành. Thông thường. Ta định nghĩa thông thường như thế nào? Martha
nhìn tủ thấp. Rồi đến tủ áo.
Cô bắt đầu từ tủ thấp.
Trong đó chỉ có quần áo. Chỉ có đồ của
Johnny; cô biết Stig có những áo quần nào.
Cô mở cửa tủ áo.
Đồ lót cô đã đưa Stig xếp gọn gàng trên một
ngăn. Áo khoác treo trên mắc áo. Ở ngăn trên cùng là túi thể thao đỏ cô thấy
anh đem theo tới đây. Cô đang với tay nhấc nó xuống thì phát hiện đôi giày thể
thao xanh dưới đáy tủ. Cô bỏ túi ra, cúi xuống cầm đôi giày lên. Hít một hơi
sâu. Nín thở. Cô đang tìm máu đông đặc. Rồi cô lật lên.
Cô thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy tim lỡ nhịp.
Đế giày sạch tinh. Thậm chí còn không dính
bẩn.
- Em đang làm gì đấy?
Martha quay lại, tim bỗng đập rộn. Cô áp
tay lên ngực.
- Anders! - Cô gập người lại mà cười. - Anh
làm em sợ muốn chết.
- Anh chờ em từ nãy giờ, - anh phụng phịu
và đút hai tay vào túi áo khoác da. - Gần chín rưỡi rồi.
- Em xin lỗi, em không canh giờ. Có người
nói có thể một người trọ đang cất vũ khí trong phòng nên bọn em có phận sự kiểm
tra. - Martha thấy bực khi lời nói dối đến dễ dàng như thế.
- Phận sự sao? - Anders khịt mũi. - Có lẽ
đã đến lúc em bắt đầu nghĩ xem thật ra phận sự nghĩa là gì. Hầu như khi nói đến
phận sự ai cũng nghĩ đến gia đình và mái ấm của mình, không phải là làm việc ở
một nơi thế này.
Martha thở dài.
- Anders, làm ơn đừng...
Nhưng cô biết anh sẽ không nhượng bộ, như
thường lệ chỉ cần mấy giây là anh trở nên kích động.
- Ở phòng tranh của mẹ anh luôn có việc cho
em khi nào em muốn. Anh cũng đồng tình với mẹ. Giao du với những người thú vị ở
đó sẽ tốt cho sự phát triển cá nhân của em hơn là lũ tồi chỗ này nhiều.
- Anders! - Martha cao giọng, nhưng biết
mình đã quá mệt, không còn sức. Nên cô đi tới để tay lên cánh tay anh. - Đừng gọi
họ là đồ tồi. Mà em cũng bảo anh rồi, mẹ anh và khách hàng của bà đâu cần em.
Anders giật tay lại.
- Cái mà lũ người nơi này cần không phải
em, mà là chính phủ ngừng cứu vớt họ. Lũ nghiện chết tiệt đó là dự án được ưu
ái nhất của Na Uy.
- Em chưa sẵn sàng thảo luận lại chuyện này
đâu. Sao anh không đi trước rồi bao giờ xong em sẽ bắt taxi?
Nhưng Anders khoanh tay trước ngực và dựa
bên khung cửa.
- Vậy em sẵn sàng cho cuộc thảo luận nào,
Martha? Anh đã cố khiến em ấn định một ngày...
- Không phải lúc này.
- Phải, lúc này! Mẹ anh muốn lên kế hoạch
cho mùa hè và...
- Em nói rồi, không phải bây giờ. - Cô cố đẩy
anh qua, nhưng anh không chịu nhúc nhích. Anh dang tay ra chắn lối cô.
- Trả lời kiểu gì vậy? Nếu họ trả cho...
Martha luồn người xuống dưới cánh tay anh,
ra hành lang rồi bỏ đi.
- Này!
Cô nghe cửa phòng đóng rầm và tiếng bước
chân Anders sau lưng. Anh chụp cánh tay cô, xoay cô lại, kéo cô lại gần. Cô nhận
ra mùi nước hoa đắt tiền dùng sau khi cạo râu mẹ anh tặng dịp Giáng sinh, mà cô
không chịu được. Tim cô muốn ngừng đập khi cô thấy khoảng không đen thẳm trong
mắt anh.
- Đừng hòng bỏ anh mà đi, - anh hầm hè.
Cô đã tự động đưa tay lên che mặt và giờ cô
thấy vẻ bàng hoàng trên mặt anh.
- Gì đây? - anh nói nhỏ, giọng đanh lại. -
Em nghĩ anh định đánh em sao?
- Em...
- Hai lần, - anh rít lên và cô cảm thấy hơi
thở nóng hực của anh trên mặt mình. - Hai lần trong chín năm, Martha. Và em đối
xử với anh như thể anh là kẻ... kẻ đánh vợ tàn nhẫn.
- Anders, bỏ ra, anh...
Cô nghe thấy tiếng húng hắng sau lưng.
Anders thả tay cô ra, nhìn chằm chằm giận dữ ra sau vai cô và nạt một câu:
- Ê, thằng nghiện, mày có muốn đi qua hay
là không đây?
Cô quay lại. Là anh. Stig. Anh đứng đó, chờ.
Anh đưa mắt nhìn từ Anders sang cô. Cái nhìn mang theo một câu hỏi. Cô trả lời
bằng một cái gật; mọi thứ đều ổn.
Anh gật rồi đi qua họ. Hai người đàn ông trừng
mắt nhìn nhau khi anh đi qua. Họ cao bằng nhau, nhưng Anders to con hơn, lực lưỡng
hơn.
Martha nhìn theo Stig khi anh đi tiếp xuống
cuối hành lang.
Rồi cô nhìn lại Anders. Anh đã nghênh mặt
trừng mắt nhìn cô bằng vẻ thù địch anh bộc lộ ngày một thường xuyên hơn, nhưng
cô đã cho đấy là do nỗi thất vọng anh trải qua ở chỗ làm khi không có được sự
công nhận anh thấy mình xứng đáng.
- Cái đếch gì vậy? - Anh hỏi.
Anh cũng không thường chửi thề.
- Cái gì?
- Như thể hai người đang... thần giao cách
cảm. Gã đó là ai?
Cô thở phào. Gần như nhẹ nhõm. Ít ra đây
cũng là lĩnh vực quen thuộc. Ghen tuông. Từ khi họ yêu nhau thời niên thiếu đến
nay chuyện đó vẫn không thay đổi nên cô biết cách xử trí. Cô để tay lên vai
anh.
- Anders, đừng ngốc vậy. Giờ thì đi với em,
ta đi lấy áo khoác của em rồi về nhà. Tối nay ta sẽ không tranh luận, ta sẽ nấu
bữa tối.
- Martha, anh...
- Thôi nào, - cô nói, biết mình đã thắng thế.
- Anh nấu ăn còn em tắm. OK? Rồi mai ta sẽ bàn về đám cưới. Vậy được chứ?
Cô thấy anh định phản đối, nhưng cô để ngón
tay lên môi anh. Đôi môi đầy đặn cô đã si mê. Cô lần ngón tay xuống dưới, vuốt
ve hàm râu lún phún, cắt tỉa cẩn thận. Hay là ban đầu tính ghen tuông của anh
đã lôi cuốn cô? Cô cũng không nhớ nữa.
Đến khi họ vào xe thì anh đã nguôi giận. Đó
là chiếc BMW. Anh đã mua xe trái ý cô, nghĩ rồi dần dần cô sẽ thích khi biết nó
thoải mái ra sao, nhất là trong những chuyến đi dài. Và nó đáng tin cậy ra sao.
Khi anh nổ máy, cô lại thoáng thấy Stig. Anh ra khỏi cửa, băng nhanh qua đường
đi về hướng Đông. Túi thể thao đỏ vắt qua vai.
20
Simon chạy xe qua mấy sân chơi rồi rẽ vào
con phố họ sống. Ông thấy hàng xóm lại đang mở tiệc ngoài trời. Những tràng cười
ầm ĩ, đẫm nắng và đẫm bia ồ lên càng nhấn mạnh thêm cảnh im ắng mùa hè trong
xóm. Hầu như nhà nào cũng đi vắng và có chỉ mỗi một chiếc xe đang đậu ven đường.
- Và ta tới nhà, - Simon nói và chạy xe tới
trước nhà xe.
Ông không biết vì sao mình nói vậy. Chắc hẳn
Else có thể thấy họ đang ở đâu.
- Cảm ơn anh đã đưa em đi xem phim, - Else
nói và để tay lên tay ông trên cần số, như thể ông đã dẫn cô đến trước cửa và sắp
chúc ngủ ngon rồi bỏ cô lại đó. Anh không đời nào làm vậy, Simon nghĩ và mỉm cười
với cô. Ông tự hỏi không biết cô đã xem được bao nhiêu phân đoạn trong phim. Đi
xem phim là ý cô. Trong lúc xem phim ông đã đôi lần lén liếc nhìn cô, thấy ít
ra cô cũng luôn cười đúng chỗ. Nhưng nghĩ lại thì cái hài của Woody Allen nằm ở
đối thoại hơn là trò hề. Chẳng sao, họ vừa có một buổi chiều dễ chịu. Một buổi
chiều dễ chịu nữa.
- Những em dám chắc là anh thấy nhớ Mia
Farrow, - cô trêu ông.
Ông cười. Đó là một trò đùa riêng tư. Cuốn
phim đầu tiên ông đưa cô đi xem là Đứa con của Rosemary, bộ phim xuất sắc nổi bật
của Roman Polanski, trong đó Mia Farrow sinh ra một đứa bé hóa ra là con của quỷ.
Else kinh hoảng và một thời gian dài cô đã tin đó là cách Simon cho cô biết ông
không muốn có con - nhất là khi ông nằn nì cô đi xem lần nữa. Mãi về sau - sau
phim thứ tư của Woody Allen có Mia Farrow - cô mới nhận ra rằng Farrow chứ
không phải đứa con của quỷ mới là người cuốn hút ông.
Khi họ bước từ xe tới cửa trước, Simon
thoáng thấy ánh đèn hắt từ ngoài đường. Như tia hải đăng quay. Nó phát ra từ xe
đang đậu.
- Gì thế? - Else hỏi.
- Anh không biết, - Simon nói rồi mở khóa cửa.
- Phiền em pha ít cà phê nhé? Anh quay lại với em ngay.
Simon bỏ cô đó rồi băng qua đường. Ông biết
chiếc xe không thuộc về hàng xóm nào cả. Hay một ai sống gần đó. Ở Oslo xe
limousine chủ yếu gắn liền với đại sứ quán, hoàng gia hay bộ trưởng. Ông biết
chỉ có một người nữa chạy nó, với cửa kính màu, chỗ duỗi chân rộng rãi và tài xế
riêng. Một tài xế vừa xuống xe và đang giữ cửa vào sau xe cho Simon.
Simon cúi xuống, nhưng vẫn đứng ngoài. Người
đàn ông nhỏ con ngồi trong có cái mũi nhọn trên khuôn mặt tròn xoe, hồng hào của
kiểu người được mô tả là “vui tính”. Áo blazer xanh dương có nút vàng óng - kiểu
ưa thích của dân ngân hàng Na Uy những năm 1980, chủ tàu và dân hát jazz - vẫn
khiến Simon thắc mắc phải chăng nó là hiện thân của giấc mơ thuyền trưởng đã ăn
sâu trong nam giới Na Uy.
- Xin chào chánh thanh tra Kefas, - người
đàn ông nhỏ thó nói giọng vui vẻ, tươi cười.
- Mày đang làm gì trên phố nhà tao, Nestor?
Ở đây chẳng ai muốn mua thứ rác rưởi của mày cả.
- Nào nào. Luôn là người chống tội phạm
ngoan cường, hả?
- Cho tao một lý do bắt mày đi rồi tao sẽ bắt.
- Trừ phi giúp người hoạn nạn là trái luật,
nếu không thì tôi không nghĩ điều đó cần thiết. Sao ông không vào xe để ta nói
chuyện được yên ổn, Kefas?
- Tao thấy chẳng có lý do gì tao lại muốn
làm vậy.
- Vậy là thị lực của ông cũng kém nữa sao?
Simon nhìn chằm chặp Nestor. Cánh tay ngắn
và tấm thân nhỏ, dày. Tay áo blazer ngắn, để lộ cả khuy măng sét có hình hai chữ
“HN” lấp ló. Hugo Nestor tự nhận là dân Ukraina, nhưng theo hồ sơ họ có về hắn,
hắn sinh trưởng ở Floro, xuất thân từ một gia đình ngư dân và họ ban đầu của hắn
là Hansen. Hắn chưa bao giờ ra nước ngoài trừ một khóa học kinh tế ngắn ngủi dở
dang ở Lund, Thụy Điển. Chúa mới biết hắn nhặt đâu ra cái giọng kỳ lạ đó, nhưng
chắc chắn không phải Ukraina.
- Tôi thắc mắc không biết cô vợ trẻ của ông
có thấy được diễn viên nào đóng trong phim không, Kefas. Nhưng rồi tôi đoán cô
ta đã nghe ra là Allen không có trong phim. Gã Do Thái đó có cái giọng líu lo,
phát gớm. Không phải tôi ghét bỏ gì cá nhân người Do Thái, tôi chỉ nghĩ Hitler
đúng về họ, xét trên phương diện chủng tộc. Dân Slavơ cũng vậy. Dù tôi là người
Đông Âu, tôi phải thừa nhận ông ta cũng có cái lý khi nói dân Slavơ không thể tự
dẫn dắt. Ý tôi là trên bình diện chủng tộc. Còn gã Allen này, hắn còn là kẻ ấu
dâm nữa không phải sao?
Hồ sơ còn nói Hugo Nestor là tay điều hành
ma túy và buôn người có vai vế nhất Oslo. Chưa từng bị kết án, chưa từng bị cáo
buộc, luôn bị tình nghi. Hắn quá thông minh và quá cẩn thận, một con lươn trơn
tuột.
- Tao không biết, Nestor. Cái tao biết là
nghe đồn bọn mày đã xử cha tuyên úy. Ông ta nợ tiền mày sao?
Nestor mỉm cười hách dịch.
- Chẳng phải nghe tin đồn là thấp kém so với
phẩm giá của ông sao, Kefas? Ông thường có chút đẳng cấp, trái ngược với đồng
nghiệp của ông. Nếu ông có nhiều hơn là hắn đồn - một nhân chứng đáng tin sẵn
lòng đến tòa mà chỉ ngón tay chẳng hạn - ông đã cho bắt bớ rồi. Không phải vậy
sao?
Một con lươn trơn tuột.
- Dù sao, tôi muốn ngỏ lời cho vợ chồng ông
mượn tiền. Đủ tiền cho một cuộc phẫu thuật mắt rất chi là tốn kém chẳng hạn.
Simon nuốt ực; ông nghe giọng mình khản đặc
khi đáp:
- Fredrik nói mày biết à?
- Đồng nghiệp cũ của ông ở Phòng Điều tra
Gian lận Nghiêm trọng ấy à? Chuyện là, tôi đã nghe về cảnh ngộ của ông. Tôi cho
là ông đến tìm ông ta vì những mong nó sẽ đến những đôi tai như tai tôi chẳng hạn.
Phải vậy không, Kefas? - Hắn mỉm cười. - Dù sao, tôi có một giải pháp tôi nghĩ
sẽ khớp cho cả hai ta. Vậy sao ông không vào xe đi?
Simon cầm nắm cửa và thấy Nestor tự động dịch
qua, nhường chỗ cho ông. Ông tập trung vào việc thở điềm tĩnh để cơn thịnh nộ
không làm giọng ông run lên.
- Cứ nói tiếp đi, Nestor. Vui lòng cho tao
cái cớ để bắt mày.
Nestor nhướng một bên mày dò hỏi.
- Cái cớ đó có thể là gì vậy, chánh thanh
tra Kefas?
- Cố ý hối lộ quan chức nhà nước.
- Hối lộ à? - Nestor cười khẩy, the thé. -
Ta cứ gọi đó là đề nghị làm ăn, Kefas. Ông sẽ thấy là ta có thể...
Simon không nghe được hết câu vì rõ ràng
chiếc limousine được cách âm. Ông bỏ đi mà không nhìn lại, ước gì đã đóng sầm cửa
mạnh hơn nữa. Ông nghe chiếc xe nổ máy và lốp xe nghiến bên vệ đường.
* * *
- Anh có vẻ bực, anh yêu, - Else nói khi
ông đã ngồi xuống bên bàn bếp cạnh tách cà phê. - Ai vậy?
- Ai đó lạc đường, - Simon nói. - Anh chỉ
đường cho hắn.
Else cầm ấm cà phê bước chậm lại chỗ ông.
Simon nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Đường phố giờ đã vắng tanh. Bất chợt một cái đau
bỏng rát lan trên đùi ông.
- Khốn kiếp thật!
Ông hất bình cà phê trên tay cô và nó rơi
xoảng xuống sàn còn ông quát:
- Quỷ tha ma bắt, đúng là đàn bà, em vừa
làm đổ cả cà phê ra anh! Em... em... - Một phần trong óc ông biết cái đang đến
và đang cố chặn chữ đó lại, nhưng chuyện đó cũng giống như việc đóng sầm cửa
sau xe Nestor: ông không muốn ở đó, ông từ chối, ông muốn tàn phá, ông thà cắm
dao vào mình. Và vào cô. - ... mù à?!
Căn bếp chìm trong im lặng, những gì ông
nghe được là nắp ấm cà phê lăn qua mặt sàn lót vải sơn và tiếng cà phê lục bục
trong ấm nhễu ra. Không! Ông không có ý như vậy. Không đâu.
- Anh xin lỗi. Else, anh...
Ông đứng lên ôm lấy cô, nhưng cô đã đi lại
chỗ chậu rửa. Cô vặn vòi nước lạnh và để khăn trà dưới vòi.
- Kéo quần xuống, Simon, để em...
Ông vòng hai tay ôm cô từ phía sau. Ông ghì
trán vào gáy cô. Ông thì thầm:
- Anh xin lỗi, thật xin lỗi. Xin em, tha thứ
cho anh nhé? Anh... chỉ là anh không biết phải làm gì nữa. Đáng ra anh phải
giúp được em, nhưng anh... anh không thể, anh không biết, anh...
Ông vẫn chưa nghe cô khóc, chỉ cảm thấy người
cô run lên và nó lan qua người ông. Cổ họng ông khản đặc, ông nén tiếng thổn thức
và không biết mình đã làm được chưa, chỉ là cả hai đang run bần bật.
- Em mới là người phải xin lỗi, - cô nức nở.
- Anh có thể ở với ai khác giỏi hơn, ai đó không... làm anh bỏng.
- Nhưng không có ai hơn cả, - ông thì thầm.
- Được chứ? Nên em cứ tiếp tục tưới cà phê nóng khắp người anh, anh sẽ không
bao giờ để em đi. OK?
Và ông biết cô biết điều đó đúng. Rằng ông
sẽ làm bất cứ gì, chịu đựng bất cứ gì, hy sinh bất cứ gì.
... nó sẽ tới những đôi tai như tai tôi...
Nhưng ông đã không thể ép mình làm vậy.
Ông nghe xa xa những tràng cười ngây ngất của
hàng xóm trong bóng đêm trong lúc cô giàn giụa nước mắt.
* * *
Kalle nhìn đồng hồ. Mười một giờ kém hai
mươi. Ngày hôm đó khá khẩm; chúng đã xoay xở bán được nhiều siêu nhóc hơn cả
hai ngày cuối tuần gộp lại, nên việc đếm tiền và chuẩn bị gói mới lâu hơn mọi
ngày. Hắn cởi mặt nạ mỏng chúng đeo khi pha và trộn ma túy trên cái bàn dài
trong căn phòng đơn sơ, hai chục mét vuông vừa làm văn phòng, xưởng chế ma túy
vừa làm nhà băng. Hiển nhiên ma túy đã được pha trước khi tới tay hắn, nhưng dù
vậy đi nữa siêu nhóc vẫn là ma túy nguyên chất nhất hắn gặp trong sự nghiệp
buôn ma túy. Nguyên chất đến mức nếu không đeo mặt nạ mỏng vào, chúng sẽ không
chỉ phê thuốc mà còn chết vì hít các hạt cuộn lên trong không khí khi pha và xử
lý chất bột nâu nhạt này. Hắn bỏ mặt nạ vào két sắt trước mấy xấp tiền và gói
ma túy. Hắn có nên gọi cho Vera báo là hắn sẽ về muộn? Hay đã đến lúc hắn cứng
rắn, cho cô ả biết ai là sếp, ai đem tiền về nhà và ai nên đến đi mà không phải
lúc nào cũng giải trình về nhất cử nhất động của mình?
Kalle bảo Pelvis kiểm tra hành lang. Từ cửa
sắt văn phòng chúng thì thang máy chỉ cách vài mét về bên phải. Ở tít đầu kia
hành lang là cửa dẫn đến cầu thang, nhưng, trái với quy định phòng cháy, chúng
đã khóa xích lại để cửa đó đóng cố định.
- Cassius, kiểm tra bãi xe, - Kalle gọi bằng
tiếng Anh trong khi khóa két sắt.
Văn phòng im ắng không một tiếng động nào
ngoài bất cứ gì từ mấy phòng tập vọng lại, nhưng hắn thích quát tháo Cassius là
thằng người Phi to béo nhất Oslo. Tấm thân không hình thù của hắn khổng lồ đến
mức không thể phân biệt ra cái gì với cái gì, và nếu chỉ có mười phần trăm hắn
là cơ bắp thì cũng đã đủ để ngăn hầu hết thiên hạ.
- Không xe, không có người trong bãi xe, -
Cassius nói khi hé nhìn ra song sắt cửa sổ.
- Hành lang an toàn, - Pelvis nói, nhìn ra
ô cửa.
Kalle xoay vòng khóa số. Hắn nhâm nhi cái sức
cản êm ru đã được tra dầu, tiếng cách nhẹ nhàng. Hắn ghi nhớ dãy số trong đầu
và chỉ ở đó, không ghi ra đâu khác, nó cũng không có logic nào cả, không kết hợp
ngày tháng năm sinh hay cái gì tương tự.
- Đi thôi, - hắn nói rồi thẳng người lên. -
Sẵn sàng súng đi, cả hai đứa bay.
Chúng nhìn hắn ngơ ngác.
Kalle không nói gì với chúng, nhưng có gì
đó về cặp mắt hắn đã thấy nhìn chằm chằm qua ô cửa lúc nãy. Kalle biết cặp mắt
đó đã thấy hắn ngồi bên bàn. OK, đó chỉ là một thằng nào đó trong một ban nhạc
rác rưởi đang tìm ông bầu, nhưng trên bàn có tiền và ma túy đủ để thằng ngu nào
cũng muốn thử. Hy vọng là thằng đó cũng đã để ý thấy hai khẩu súng trên bàn của
Cassius và Pelvis.
Kalle đi đến cửa. Cửa chỉ có thể khóa từ
bên trong, và chỉ có chìa của hắn mở được. Điều đó nghĩa là Kalle có thể nhốt bất
cứ ai làm việc ở đây nếu hắn phải ra ngoài. Song sắt trước cửa sổ kiên cố. Nói
tóm lại, không ai làm việc cho Kalle có thể ẵm tiền hay ma túy bỏ trốn. Hay để
cho khách không mời vào.
Kalle ló nhìn qua ô cửa. Không phải vì hắn
quên Pelvis vừa thông báo không có gì trở ngại, mà bởi hắn tự động cho rằng
Pelvis sẽ phản chủ mà mở cửa nếu như có ai đó sẵn sàng liều một phen. Chết tiệt,
là Kalle thì cũng sẽ làm vậy thôi. Chính hắn cũng đã làm vậy.
Qua ô cửa hắn không thấy ai. Hắn kiểm tra
trong gương hắn đã gắn trên tường cho chắc là không ai nép mình bên dưới ô cửa.
Hành lang tối đèn vắng tanh. Hắn xoay chìa và giữ cửa mở cho hai tên kia. Pelvis
bước ra trước, rồi đến Cassius và cuối cùng là Kalle. Hắn xoay lại để khóa cửa.
- Cái... ! - Là Pelvis.
Kalle xoay lại, và đến phút này hắn mới thấy
cái mà hắn đã không thể thấy từ ô cửa: cửa thang máy mở. Nhưng hắn vẫn chưa thấy
được cái bên trong thang máy vì đèn đã tắt. Hắn chỉ thấy trong ánh đèn hành
lang tù mù cái gì đó ánh lên một bên cửa thang máy. Băng keo bịt thiết bị cảm
biến. Và kính vỡ trên sàn.
- Coi chừng...
Nhưng Pelvis đã bước ba bước đến thang máy
đang mở.
Bộ não Kalle ghi nhận ánh lửa từ họng súng
trong thang máy đen tối trước khi nhận tín hiệu từ tiếng nổ.
Pelvis quay ngoắt lại như vừa bị ai tát
tai. Hắn trân trối nhìn Kalle vẻ bàng hoàng. Trông như Pelvis vừa được cho một
con mắt thứ ba trên xương gò má.
Rồi sự sống lìa bỏ hắn và tấm thân hắn đổ vật
xuống sàn như chiếc áo choàng chủ nhân giũ bỏ.
- Cassius! Mẹ kiếp bắn đi chứ!
Trong lúc hốt hoảng, Kalle quên là Cassius
không nói tiếng Na Uy, nhưng rõ ràng chuyện đó không thành vấn đề, tên kia đã
nhắm súng lục vào bóng tối bên trong thang máy mà bắn. Kalle cảm thấy có gì
đánh vào ngực. Hắn chưa bao giờ đứng trước họng súng lục, còn giờ hắn đã biết
vì sao người bị hắn chĩa súng thường chết trân theo cái kiểu buồn cười như vậy,
như thể họ bị đổ xi măng vào người. Cái đau trong ngực lan ra, hắn không thở được,
nhưng hắn phải chạy trốn, đằng sau cánh cửa chống đạn có không khí, sự an toàn,
một cánh cửa hắn khóa lại được. Nhưng tay hắn không chịu làm theo, nó không tra
chìa vào ổ được, giống như hắn đang nằm mơ, hay đang chuyển động dưới nước. May
là hắn được tấm thân đồ sộ của thằng Cassius đang cứ thế bắn đoàng đoàng che chắn.
Cuối cùng chìa cũng khớp và Kalle xoay, mở tung cửa ra ném mình vào trong. Tiếng
nổ tiếp theo có độ vang âm khác nên hắn đoán hẳn nó từ bên trong thang máy. Hắn
xoay người để sập cửa lại, nhưng nó đập vào Cassius, nửa vai và một cánh tay to
bằng bắp đùi mắc kẹt bên trong. Chết tiệt! Hắn cố sức đẩy đi, nhưng tấm thân
Cassius vẫn đang cố chen vào phòng.
- Vậy thì vào đi, thằng mập khốn kiếp! -
Kalle rít lên và mở cửa.
Gã người Phi trào vào như bột bánh mì nở,
khối thân người tràn qua ngưỡng cửa và lăn vào sàn bên trong. Kalle nhìn xuống
vẻ mặt lạnh băng của gã. Mắt lồi như mắt cá mới đánh bắt ngoài khơi xa, miệng
há ra rồi ngậm lại.
- Cassius!
Tiếng trả lời duy nhất hắn nhận được là cái
chép ướt nhoẹt khi một bong bóng màu hồng to tướng vỡ toác trên miệng gã người
Phi. Kalle tấn hai giò vào tường cố dời cái núi đen thui tránh chỗ để đóng cánh
cửa lại, nhưng chẳng ích gì, nên hắn phải cúi xuống cố lôi gã vào trong. Nặng
trình trịch. Khẩu súng! Cassius đã đổ vật lên chính cánh tay hắn. Kalle đứng dạng
chân qua tấm thân, tuyệt vọng cố đút tay xuống dưới, nhưng mỗi lần đẩy xong một
khoanh mỡ thì lại thêm một khoanh khác mà vẫn không thấy khẩu súng đâu. Cánh
tay hắn đang vùi trong đống mỡ đến tận cùi chỏ thì hắn nghe tiếng bước chân bên
ngoài. Hắn biết điều gì sắp xảy ra, cố tránh ra, nhưng đã quá muộn, cánh cửa đập
vào đầu và hắn ngất đi.
Khi Kalle mở mắt, hắn đang nằm ngửa nhìn
lên một gã mặc áo có mũ trùm, đeo găng tay vệ sinh vàng và chĩa thẳng khẩu súng
lục xuống hắn. Hắn xoay đầu nhưng không thấy ai khác, chỉ có thằng Cassius nằm
nửa người trong cửa. Từ góc này Kalle thấy được báng súng của Cassius chìa ra
dưới bụng gã.
- Mày muốn gì?
- Tao muốn mày mở két sắt. Mày có bảy giây.
- Bảy?
- Tao đã bắt đầu đếm lùi từ trước khi mày tỉnh
dậy. Sáu.
Kalle lồm cồm bò dậy. Hắn bị choáng, nhưng
hắn đi tới két sắt.
- Năm.
Hắn xoay vòng khóa.
- Bốn.
Một chữ số nữa là két sắt sẽ mở ra và tiền
sẽ mất. Tiền mà chính hắn sẽ phải thế vào, đó là luật.
- Ba.
Hắn ngập ngừng. Nếu hắn nhặt khẩu súng của
Cassius lên được thì sao?
- Hai.
Gã này có bắn thật không hay chỉ lòe?
- Một.
Gã đã giết hai mạng người không chớp mắt,
thêm cái xác thứ ba sẽ chẳng làm gã bận lòng.
- OK, - Kalle nói, tránh qua một bên. Hắn
không chịu nổi việc nhìn mấy xấp tiền và mớ gói nhỏ đựng ma túy.
- Bỏ hết vào đây, - gã ra lệnh và đưa hắn một
túi xách thể thao màu đỏ.
Kalle làm theo lời. Không chậm không nhanh,
hắn chỉ bỏ đồ trong két vào túi xách trong khi óc tự động đếm. 200.000 krone.
200.000...
Khi hắn xong, gã kia bảo hắn ném túi xuống
sàn trước mặt gã. Kalle lại làm theo. Phút đó hắn nhận ra rằng nếu hắn sắp bị bắn
thì là lúc này đây. Ở đây. Gã này không cần đến hắn nữa. Kalle bước hai bước tới
chỗ thằng Cassius. Hắn phải lấy bằng được khẩu súng.
- Nếu mày không làm vậy thì tao sẽ không bắn
mày, - gã nói.
Cái quái gì vậy, gã biết đọc ý nghĩ sao?
- Để hai tay lên đầu và bước ra hành lang.
Kalle do dự. Cái này có phải nghĩa là gã sẽ
để cho hắn sống không? Hắn bước qua người Cassius.
- Lưng dựa tường đưa hai tay lên đầu.
Kalle làm như gã nói. Hắn quay đầu. Thấy gã
đã nhặt khẩu súng của Pelvis và đang ngồi xổm đút tay xuống dưới người Cassius,
nhưng mắt thì nhìn Kalle. Gã cũng xoay xở lấy được cả súng của Cassius.
- Vui lòng lấy viên đạn trên tường đằng kia
ra? - gã nói và chỉ, và Kalle nhận ra hắn đã thấy gã ở đâu. Bên sông, đó là người
chạy bộ. Hẳn gã đã bám theo chúng. Kalle nhìn lên thì thấy đầu viên đạn mẻ cắm
trong vữa. Một tia máu chạy từ vách về nơi bắt nguồn: đầu thằng Pelvis. Viên đạn
đã không đi với vận tốc lớn nên Kalle có thể dùng móng tay rút ra.
- Đưa nó đây, - gã nói, tay còn rảnh cầm lấy
viên đạn. - Giờ tao muốn mày tìm viên đạn còn lại của tao với hai vỏ đạn rỗng.
Mày có ba mươi giây.
- Nếu viên kia trong người Cassius thì sao?
- Tao không nghĩ vậy. Hai mươi chín.
- Nhìn cái núi mỡ đó đi, ông!
- Hai mươi tám.
Kalle quỳ thụp xuống và bắt đầu tìm. Hắn
nguyền rủa mình đã không chịu bỏ thêm tiền mua bóng đèn sáng hơn.
Đến mười ba thì hắn tìm thấy bốn vỏ đạn của
Cassius và một của gã kia. Đến bảy, hắn tìm thấy viên đạn còn lại mà gã bắn
chúng; hẳn nó đã đi xuyên qua Cassius rồi đập vào cửa kim loại trước khi văng
ra vì cửa có một vết lõm nhỏ.
Đếm ngược đã xong mà hắn vẫn không tìm thấy
vỏ đạn cuối cùng.
Hắn nhắm mắt. Cảm thấy một bên mí mắt hơi
quá khít cạ vào giác mạc khi cầu xin Chúa cho sống thêm một ngày nữa. Hắn nghe
thấy tiếng súng, nhưng không thấy đau. Hắn mở mắt và nhận ra mình vẫn còn lồm cồm
trên sàn.
Gã đã nhấc báng súng của Pelvis lên từ người
Cassius.
Chúa ơi, gã này dùng súng của Pelvis bắn
Cassius thêm lần nữa cho chắc là hắn đã chết! Còn giờ gã đi chỗ thằng Pelvis, cầm
khẩu súng của Cassius ở ngay chỗ viên đạn đầu tiên đi vào, chỉnh góc. Rồi bóp
cò.
- Mẹ kiếp! - Kalle thét lên và nghe thấy nỗi
kinh hoàng trong giọng mình.
Gã bỏ hai khẩu súng của mấy đứa kia vào túi
thể thao đỏ và dùng súng mình chĩa vào Kalle.
- Đi. Vào thang máy.
Thang máy. Kính vỡ. Chuyện đó phải trong
thang máy. Hắn phải tấn công gã trong thang máy.
Họ bước vào trong và dưới ánh đèn từ hành
lang Kalle thấy trên sàn thang máy cũng có kính vỡ. Hắn lựa miếng dài dài trông
sẽ hoàn hảo cho việc này. Một khi cửa đóng lại thì bốn bề sẽ tối như bưng và hắn
chỉ cần cúi xuống, chộp mảnh vỡ và vung ra một động tác uyển chuyển. Hắn phải
làm...
Cửa đóng lại. Gã giắt súng vào lưng quần.
Hoàn hảo! Sẽ chẳng khác nào cắt cổ gà. Tối sầm lại. Kalle cúi xuống. Mấy ngón
tay vớ được mảnh kính. Hắn thẳng người lên. Rồi hắn thấy mình tê liệt.
Kalle không biết đó là kiểu khóa gì, chỉ là
hắn bị tê liệt, còn không ngọ ngoạy được lấy một ngón tay. Hắn cố vùng vẫy
thoát ra, nhưng giống như rút nhầm đầu dây gút, cái ghì càng lúc càng chặt hơn
nữa lên cổ rồi đến hai tay hắn đau điếng. Chắc đó là một kiểu kỹ thuật võ nào
đó. Mảnh kính tuột khỏi tay hắn. Thang máy bắt đầu chạy.
Cửa lại mở, họ nghe thấy tiếng trống bass
thình thịch không dứt và tay ghì lỏng ra. Kalle mở miệng hít vào. Khẩu súng lại
chĩa vào hắn và ra dấu cho hắn đi dọc hành lang.
Kalle được lệnh vào một phòng tập không có
người rồi được bảo ngồi xuống sàn xoay lưng về phía lò sưởi. Hắn ngồi yên không
nhúc nhích nhìn chằm chặp cái trống bass trên có viết nguệch ngoạc tên “Tuổi trẻ
Vô vọng” trong khi gã thanh niên dùng sợi cáp đen dài trói hắn vào lò sưởi. Chống
trả cũng vô ích, kẻ tấn công hắn không định giết hắn nếu không thì hắn đã chết
rồi. Còn tiền và ma túy thì đền lại cũng được. Hắn sẽ phải rút tiền túi ra mà
trả, tất nhiên rồi, nhưng cái trước hết trong đầu hắn là làm sao giải thích cho
Vera hiểu rằng có lẽ sẽ không còn chuyến mua sắm ở một thành phố tuyệt vời nào
đó trong tương lai thấy trước được. Gã kia nhặt hai sợi dây đàn ghi ta dưới sàn
lên, quấn sợi dày hơn quanh đầu hắn, ngang sống mũi, còn sợi mảnh hơn quanh cằm.
Hẳn là gã cột dây vào lò sưởi sau lưng hắn; Kalle cảm thấy kim loại sợi mảnh
nghiến vào da và rịt vào hàm dưới.
- Xoay đầu đi, - gã nói. Gã phải quát lên để
át tiếng nhạc từ cuối hành lang.
Kalle cố quay đầu, nhưng mấy sợi dây đàn
quá chặt.
- Tốt.
Gã để cây quạt trên ghế, bật lên và hướng
vào mặt Kalle. Kalle nhắm mắt trước luồng không khí và cảm thấy mồ hôi trên da
khô đi. Khi mở mắt ra lại, hắn thấy gã đã đặt lại một ký siêu nhóc chưa trộn
trên ghế trước cây quạt và kéo mũ trùm lên bịt mũi và miệng. Gã đang làm cái quỷ
gì vậy? Rồi Kalle nhận thấy mảnh gương.
Có cảm giác như một bàn tay lạnh ngắt đang
bóp chặt tim hắn.
Hắn biết chuyện gì sắp xảy ra.
Gã đánh xoẹt lấy mảnh kính. Kalle rắn mình
lại. Đầu mảnh chai đâm vào túi nhựa, rọc ra và nhoáng sau không khí đã đầy cả bột
trắng. Nó vào mắt, miệng, mũi Kalle. Hắn ngậm miệng lại. Nhưng hắn còn phải ho.
Hắn lại ngậm miệng. Cảm thấy vị đắng của bột dính vào màng nhầy đã bắt đầu cay
rát; ma túy đã vào dòng máu.
* * *
Tấm hình Pelle với vợ đính vào bảng đồng hồ
bên trái, ở giữa tay lái và cửa. Pelle sờ lên cái bề mặt mịn, lem nhem dầu mỡ.
Ông đã về lại chỗ thường lệ ở Gamlebyen, nhưng chuyện đó chỉ phí thời gian, lúc
này vắng vẻ vì đang mùa hè và mấy chuyến đi lóe sáng trên màn hình xuất phát từ
những điểm đến khác trong thành phố. Vậy nhưng, ông vẫn có thể hy vọng. Ông thấy
một người rời cổng vào xưởng cũ. Gã bước nhanh và dứt khoát cho thấy gã có nhiều
nơi phải đi và muốn vẫy chiếc taxi duy nhất tại dãy taxi trước khi ngọn đèn
trên nóc tắt và xe chạy đi. Nhưng rồi gã bỗng đứng lại và dựa vào tường. Gập
đôi người. Gã đang đứng ngay dưới ngọn đèn nên Pelle thấy rõ thứ trong bao tử
đang rơi tung tóe xuống nhựa đường. Không đời nào ông cho gã đi taxi của mình.
Gã vẫn gập người mà nôn. Chính Pelle đã nhiều lần trong cảnh đó, chỉ nhìn thôi
ông cũng đã nếm thấy mật trong miệng. Rồi gã chùi miệng vào tay áo khoác trùm đầu,
thẳng người lên, xốc quai túi xách lên vai lại rồi đi tiếp tới chỗ Pelle. Đến
lúc gã tới thật gần Pelle mới nhận ra đó cũng là thanh niên ông đã chở mới một
giờ trước. Anh ta đã không đủ tiền để đến ký túc xá. Còn giờ anh ta lại tỏ ý với
Pelle rằng anh ta muốn đi chuyến nữa. Pelle bấm nút giữa mở hé cửa sổ. Chờ cho
anh ta đến bên xe và cố hoài công mở cửa.
- Xin lỗi, anh bạn, tôi không chạy chuyến
này đâu.
- Làm ơn đi?
Pelle nhìn anh ta. Nước mắt giàn giụa trên
má. Có Chúa mới biết đã có chuyện gì, nhưng đó không phải việc của ông. Đúng,
anh ta có thể có chuyện bất hạnh để kể lể, nhưng làm tài xế taxi ở Oslo ta
không tồn tại được lâu nếu cứ mở cửa mời những lộn xộn của thiên hạ vào.
- Nghe này, tôi vừa thấy anh nôn. Nếu anh
nôn ra xe, anh sẽ tốn một ngàn krone còn tôi mất một ngày thu nhập. Vả lại, lần
trước đi xe này, anh không có xu nào. Nên tôi sẽ chạy luôn, OK?
Pelle kéo cửa lên và nhìn thẳng tới trước
hy vọng cậu thanh niên sẽ bỏ đi mà không rầy rà gì, nhưng cũng sẵn sàng chạy đi
nếu chuyện đó trở nên cần thiết. Chúa ơi, tối nay chân ông đau quá. Ông liếc thấy
cậu thanh niên mở túi lấy cái gì đó ép lên cửa sổ.
Pelle hơi quay đầu. Là tờ một ngàn krone.
Pelle lắc đầu, nhưng anh ta vẫn đứng yên, bất
động. Chờ. Không hẳn là Pelle lo, lúc chiều anh chàng này đã không gây phiền
gì. Trái lại, thay vì nhũng nhiễu đòi Pelle chạy thêm khúc nữa như hầu hết người
thiếu tiền vẫn làm, anh ta cảm ơn khi đồng hồ tới số tiền đã đưa ông và Pelle dừng
xe cho anh ta xuống. Cảm ơn ông chân thành đến mức Pelle cảm thấy có lỗi vì
không chở anh ta hết khúc đường đến ký túc xá ông chỉ mất thêm hai phút nữa
thôi. Pelle thở dài và bấm nút mở cửa.
Cậu thanh niên chuồi vào ghế sau.
- Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm.
- Được rồi. Đi đâu đây?
- Đầu tiên làm ơn tới Berg. Tôi cần cất cái
này chút, nên tôi rất biết ơn nếu ông chờ được. Rồi đến Trung tâm Ila. Tôi sẽ gửi
tiền ông trước, tất nhiên rồi.
- Không cần đâu, - Pelle nói, nổ máy.
Vợ ông nói đúng, ông quá tốt bụng so với
cõi đời này.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét