Báo Thù
Tác giả: Barry Eisler
Người dịch: Trần Anh Ngọc
Nhà xuất bản Văn Học - 2014
12
Ngày hôm sau tôi liên lạc với Tatsu qua máy
nhắn tin và bảng tin mật của chúng tôi, và sắp xếp để gặp anh ta buổi trưa tại sento Ginza-yu, một nhà tắm công cộng. Sento là một loại hình dịch vụ của Nhật
đã sa sút không lâu sau chiến tranh khi các căn hộ mới bắt đầu có bồn tắm riêng
và sento không còn thiết yếu về mặt vệ
sinh mà chủ yếu trở thành một niềm đam mê định kì.
Nhưng, như tất cả những niềm
đam mê được coi trọng không chỉ vì kết quả mà vì quá trình, sento sẽ không bao giờ biến mất hoàn
toàn. Bởi trong những nghi thức thong thả của việc kì cọ và ngâm nước, và trong
bối cảnh của sự thư giãn sâu sắc chỉ có thể có từ việc ngâm mình trong làn nước
mà một người hiền lành có thể mô tả là cực kì nóng bỏng, có những phẩm chất của
sự cống hiến, ngợi ca, và chiêm nghiệm - những thứ gắn kết với nhau tạo nên một
cuộc sống ý nghĩa.
Ginza-yu nằm cách biệt cả về địa lí lẫn tâm
lí với khu mua sắm hào nhoáng giả tạo trùng tên nổi tiếng của nó ở gần đó, giấu
mình gần như bẽn lẽn trong cái bóng của cây cầu vượt đường cao tốc Takaracho,
và làm cho sự tồn tại của nó được biết đến chỉ với một tấm biển hiệu được sơn bằng
tay đã phai mờ. Tôi chờ ở ô cửa bên kia đường phố cho tới khi tôi thấy Tatsu đến
trong một chiếc xe hơi không đánh dấu*. Anh ta đậu xe ở vệ đường và bước ra.
Tôi nhìn anh ta rẽ vào lối cửa bên hông nhà tắm, và bước vào theo sau anh ta.
*[Tức
xe cảnh sát, nhưng trông như xe bình thường, không có chữ hay đèn hiệu]
Tatsu nhìn thấy tôi khi tôi đến sau lưng
anh ta. Anh ta đã tháo giày ra, và chuẩn bị đặt vào một trong những ô tủ nhỏ
ngay bên trong cửa vào.
- Nói tôi nghe anh có gì, - anh ta nói.
Tôi rụt người lại một chút như thể bị tổn
thương. Anh ta nhìn tôi một hồi lâu, rồi thở dài và hỏi.
- Anh khỏe chứ?
Tôi cúi xuống và tháo giày.
- Tốt, cảm ơn vì đã hỏi. Còn anh?
- Rất tốt.
- Vợ anh? Con gái anh?
Anh ta không thể kìm được nụ cười khi nghe
nhắc đến gia đình anh ta. Anh ta gật đầu và nói:
- Mọi người đều khỏe. Cảm ơn anh.
Tôi cười.
- Vào trong tôi sẽ nói thêm cho anh biết.
Chúng tôi cất giày đi. Tôi đã mua các thứ đồ
cần thiết từ cửa hàng tạp hóa bên kia đường - dầu gội, xà phòng, vải cọ, và
khăn tắm - và đưa cho Tatsu những thứ anh ta cần lúc đi vào. Chúng tôi trả cho
người chủ nhà tắm khoản tiền được chính phủ quy định và trợ cấp là bốn trăm yên
một người, bước lên cầu thang rộng bằng gỗ tới khu thay đổ, cởi bỏ quần áo
trong gian phòng gửi đổ không trang trí, rồi đi qua cánh cửa trượt bằng thủy
tinh tới bồn tắm bên kia. Khu tắm rửa rất vắng - giờ cao điểm sẽ là vào buổi tối
- và, giống như phòng gửi đồ, gần như mang tính chất của người Sparta trong sự
khiêm nhường của nó: không gì hơn một khoảng không gian hình vuông rộng, trần
cao, những bức tường lát gạch men trắng đang nhỏ nước đọng, chiếu sáng bằng đèn
huỳnh quang sáng lóa, và một cây quạt thông gió trên một bức tường trông có vẻ
tuyệt vọng trong cuộc chiến dai dẳng và thất thế của nó với hơi nước bên trong.
Sự nhượng bộ thẩm mĩ duy nhất mà không hoàn toàn thực dụng là một bức tranh khảm
lớn, màu mè tươi sáng của cụm 4 khu Ginza trên trần phòng tắm. Chúng tôi ngồi
xuống để kì cọ.
Bài ở đây là dùng nước nóng ở các vòi nơi
anh ngồi, xả đầy chiếc xô thấp bằng nhựa của sento phát cho với lượng nước càng
lúc càng nóng đến đau đớn và trút chúng lên đầu và thân thể anh. Nếu anh tắm chỉ
dùng nước ấm, bồn nước ngâm mình sẽ là không thể chịu nổi khi anh thử thả mình
vào lần đầu tiên.
Tatsu hoàn tất chu trình gột rửa của anh ta
với sự cục cằn đặc trưng và bước vào bồn tắm trước tôi. Tôi mất thời gian hơn một
chút. Khi đã xong, tôi vào bên cạnh anh ta.
Ngay lập tức tôi cảm thấy các cơ bắp đang cố
co lại trước nhiệt độ, và biết rằng chỉ trong giây lát chúng sẽ từ bỏ cuộc vật
lộn vô ích của mình và đầu hàng sự thư giãn đê mê.
- Yappari,
korega saiko da na? - Tôi nói, cảm thấy cơ thể mình bắt đầu giãn ra. - Rất
tuyệt, đúng không?
Anh ta gật đầu.
- Một địa điểm không bình thường cho một cuộc
gặp mặt. Nhưng là một nơi tốt.
Tôi hạ mình sâu hơn vào trong nước.
- Anh toàn uống trà, nên tôi luận ra anh sẽ
đánh giá cao một nơi tốt cho sức khỏe của anh.
- A, anh đang tỏ ra ân cần. Tôi nghĩ có lẽ
đây là cách anh thể hiện cho tôi thấy anh không có gì để giấu giếm.
Tôi cười lớn. Tôi tóm tắt cho anh ta về dojo và những trận đấu thế giới ngầm, và
về mối liên kết của Murakami với cả hai. Tôi cho anh ta biết đánh giá của mình
về sức mạnh và điểm yếu Murakami: chết chóc, trên một phương diện; không thể lẫn
đi đâu được, trên phương diện còn lại.
- Anh nói những kẻ đề xướng những trận đấu
đó mất tiền, - anh ta nói khi tôi đã xong.
Tôi nhìn bức tranh khảm, hai mắt nhắm hờ.
- Căn cứ vào những gì Murakami nói với tôi,
thì đúng thế. Ba trận đấu một đêm và số tiền thưởng hai triệu yên cho mỗi người
thắng cuộc, cộng thêm chi phí, chúng sẽ phải lỗ nặng. Ngay cả trong những đêm
chúng chỉ có hai hay thậm chí một trận, chúng không thể làm được gì hơn là giữ
hòa vốn.
- Việc đó cho anh biết điều gì?
Tôi nhắm mắt lại.
- Rằng chúng không làm thế vì tiền.
- Đúng. Vậy thì, câu hỏi là, tại sao chúng
lại làm thế? Lợi ích chúng thu được là gì?
Tôi hình dung ra nụ cười gắn cầu răng, như
một kẻ ăn thịt người.
- Một số những kẻ đó, như Murakami, rất bệnh
hoạn. Tôi nghĩ chúng hưởng thụ nó.
- Tôi chắc chắn là thế. Nhưng tôi nghi chỉ
sự giải trí đó không thôi thì không đủ là động cơ để tạo ra và duy trì thể loại
kinh doanh này.
- Vậy thì, anh nghĩ thế nào?
- Hồi anh còn ở trong Lực lượng Đặc nhiệm,
- anh ta hỏi, giọng đăm chiêu và trầm tư, - các anh đối xử như thế nào với những
nhân sự đóng vai trò trọng yếu cho đơn vị?
Tôi mở mắt ra và liếc nhìn anh ta.
- Cần một sự dư thừa. Một người dự phòng.
Như một quả thận thêm vào.
- Đúng. Giờ đặt mình vào vị trí của
Yamaoto. Với anh, hắn có thể âm thầm tiêu diệt bất cứ ai tỏ ra không quan tâm tới
những phần thưởng của hắn, hoặc không thể bị hắn hăm dọa, hoặc bất cứ ai khác
biểu hiện một mối đe dọa tới cỗ máy mà hắn đã tạo lập. Anh là một chức năng trọng
yếu. Sau khi vuột mất anh, Yamaoto hẳn đã nhận ra là không được cho phép sự tín
nhiệm như thế đặt vào một cá nhân đơn lẻ. Hắn sẽ tìm cách tạo ra sự dư thừa của
hệ thống.
- Ngay cả khi Murakami đã là một sự thay thế
hoàn toàn.
- Anh có thể nói là hắn không phải.
- Vậy dojo
mà Murakami điều hành, những trận đấu...
- Có vẻ chúng thiết lập một kiểu khóa huấn
luyện.
- Một khóa huấn luyện... - tôi nói, lắc đầu.
Tôi thấy anh ta nhìn tôi, chờ đợi, đi trước một bước như thường lệ.
Rồi tôi nhìn ra.
- Sát thủ? - Tôi hỏi.
Anh ta nhướn mày lên, như thể để nói Là anh nói đấy.
- Dojo
là lời giới thiệu vào khóa, - tôi nói, gật đầu. - Và với kiểu tập luyện ở đó,
chúng vốn đã chọn ra những cá nhân có xu hướng thiên về bạo lực. Có mặt hằng
ngày, đôi khi hai lần một ngày, chế độ đó làm giảm sâu sự nhạy cảm của cá nhân
đó. Làm khán giả của những trận đấu sinh tử thực sự là bước tiếp theo.
- Và bản thân những trận đấu...
- Những trận đấu hoàn tất quá trình. Chắc
chắn rồi, toàn bộ việc này chỉ là một hình thức huấn luyện cơ bản. Thực tế là
còn hơn thế nữa, bởi chỉ một số lượng tương đối ít binh sĩ trải qua huấn luyện
cơ bản có kinh qua chiến sự và giết chóc về sau. Ở đây, giết chóc là một phần của
chương trình huấn luyện. Và lực lượng nòng cốt mà anh tạo ra chỉ bao gồm những
kẻ sống sót, những kẻ thành thạo nhất những gì đã học được.
Việc đó rất hợp lí. Phương cách dùng đến
các sát thủ này thậm chí chẳng phải là độc đáo. Trong những thế kỉ trước, các shogun và daimyo đã sử dụng ninja
trong các cuộc tương tàn của họ. Tôi nhớ lại Yamaoto từ cuộc chiến của chúng
tôi một năm trước và biết rằng hắn chắc sẽ hãnh diện bởi sự so sánh này.
- Anh thấy chiến lược triển khai này khớp với
những kế hoạch lâu dài hơn của Yamaoto như thế nào không? - Tatsu hỏi.
Tôi lắc đầu. Khó mà suy nghĩ được gì trong
nhiệt độ đau buốt này.
Anh ta nhìn tôi theo cái cách mà có thể anh
sẽ nhìn một đứa trẻ chậm chạp nhưng vẫn đáng yêu.
- Những viễn cảnh tổng thể trong tương lai
của Nhật Bản là gì? - Anh ta hỏi.
- Ý anh là sao?
- Như một quốc gia. Chúng ta sẽ ở đâu trong
mười, hai mươi năm nữa?
Tôi suy nghĩ.
- Không ở tình trạng tốt lắm, tôi nghĩ thế.
Có rất nhiều vấn đề - giảm phát, năng lượng, thất nghiệp, môi trường, hỗn loạn
hoạt động ngân hàng - và có vẻ chẳng ai có khả năng làm được gì về việc đó hết.
- Vâng. Và anh đã đúng trong việc tách biệt
các vấn đề của Nhật Bản, những vấn đề mà tất cả các quốc gia đều có, với sự bất
lực của chúng ta trong việc giải quyết chúng, đây chính là điều khiến chúng ta
độc nhất vô nhị giữa những quốc gia công nghiệp hóa.
Anh ta đang nhìn tôi, và tôi biết anh ta
đang nghĩ gì. Mãi cho tới gần đây, tôi đã là một trong những nguyên nhân gây ra
sự bất lực đó.
- Tất cả những công cuộc xây dựng sự đồng
thuận đó đều đòi hỏi thời gian, - tôi nói.
- Thường là kéo dài mãi mãi. Nhưng một
khuynh hướng về văn hóa cho công cuộc xây dựng sự đồng thuận không phải là vấn
đề thực sự. - Tôi thấy dấu hiệu của một nụ cười. - Ngay cả anh cũng không phải
là vấn đề thực sự. Vấn đề thực sự là bản chất sự tha hóa của chúng ta.
- Khá nhiều vụ bê bối gần đây, - tôi nói, gật
đầu. - Xe cộ, hạt nhân, ngành công nghiệp thực phẩm... Ý tôi là, nếu anh không
thể tin vào Mr. Donut, thì anh có thể tin vào ai đây?
Anh ta nhăn mặt.
- Việc xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân của
TEPCO còn tồi tệ hơn cả sự ô nhục. Bọn quản lí nên bị hành quyết.
- Anh lại đang yêu cầu tôi một sự “giúp đỡ”
đấy hả?
Anh ta mỉm cười.
- Tôi phải cẩn trọng với cách dùng từ khi
nói chuyện với anh mới được.
- Dù sao đi nữa, - tôi nói, - những người
quản lí chịu trách nhiệm của TEPCO có từ chức không?
- Có, họ từ chức. Trong khi những kẻ kiểm
soát ở lại - chính là những kẻ đã cắt xén ngân sách cấp cho việc xây dựng và
duy trì các nhà máy điện hạt nhân, chúng vừa công bố những mối nguy hiểm mà họ
đã biết hàng năm trời.
Anh ta kéo người lên và ngồi trên thành bồn
tắm để tạm ngơi khỏi sức nóng.
- Anh biết đấy, Rain-san, - anh ta nói, - các
xã hội cũng giống như các thực thể sống, và không thực thể sống nào bất khả xâm
phạm với bệnh tật. Chuyện quan trọng là liệu một thực thể sống có thể phòng thủ
một cách hiệu quả khi nó thấy mình bị tấn công hay không. Ở Nhật Bản, con virus
tha hóa đã tấn công chính vào hệ thống miễn dịch, như bệnh AIDS trong hình thái
xã hội. Do đó, thân thể đã mất khả năng tự phòng thủ rồi. Đây là ý tôi muốn nói
khi tôi nói rằng mọi quốc gia đều có các vấn đề, nhưng chỉ Nhật Bản có các vấn
đề mà nó đã mất khả năng giải quyết. Những người quản lí TEPCO từ chức, nhưng
những kẻ kiểm soát những hoạt động của họ trong suốt những năm đó còn ở lại. Chỉ
Nhật Bản mới thế.
Anh ta trông thật quá chán nản, và trong một
thoáng tôi ước gì anh ta đừng coi chuyên chết tiệt này nghiêm trọng như vậy. Nếu
anh ta cứ giữ như thế, anh ta sẽ có một khối u to bằng cỡ một hành tinh. Tôi ngồi
xuống cạnh anh ta.
- Tôi biết việc đó rất tồi tệ, Tatsu, - tôi
nói, cố gắng tạo cho anh ta chút viễn cảnh, - nhưng Nhật Bản gần như không phải
là độc nhất khi xét đến vấn đề tha hóa. Có thể ở đây tình hình tồi tệ hơn một
chút, nhưng ở Mỹ, anh có Enron, Tyco, WorldCom, các nhà phân tích bơm giá cổ
phiếu của các khách hàng lên để đưa được lũ trẻ nhà họ vào trường mẫu giáo phù
hợp...
- Đúng, nhưng nhìn vào sự phẫn nộ mà những
phát hiện đó đã đem lại trong hệ thống kiểm soát của Mỹ xem, - anh ta nói. - Người
ta mở các phiên điều trần. Thông qua các đạo luật mới. Lãnh đạo các tập đoàn
vào tù. Nhưng ở Nhật, sự phẫn nộ được xem là thái quá. Nền văn hóa của chúng ta
có vẻ thiên quá mạnh về hướng phục tùng, ne?
Tôi mỉm cười và trả lời bằng một trong những
cụm từ phổ biến nhất trong tiếng Nhật.
- Shoganai,
- tôi nói. Theo nghĩa đen, - Chẳng có
cách nào được.
- Đúng, - anh ta nói, gật đầu. - Ở nơi khác
người ta có “C’est la vie”, hay “Đời là thế”. Ở những nơi đó tiêu điểm là nhằm
vào hoàn cảnh. Chỉ có ở Nhật Bản chúng ta mới tập trung vào sự bất lực của
chính chúng ta để thay đổi những hoàn cảnh đó.
Anh ta vuốt nước trên lông mày.
- Vậy đấy. Xét đến tình trạng tổng quan này
từ quan điểm của Yamaoto. Hắn hiểu rằng, với hệ thống miễn dịch bị đè nén, nhất
định cuối cùng sẽ là một thất bại thảm khốc của vật chủ. Đã có quá nhiều những
pha suýt trúng đích - về tài chính, sinh thái học, hạt nhân - vấn đề chỉ là thời
gian trước khi biến cố thực sự xảy ra. Có lẽ một thảm họa hạt nhân phóng xạ ra
cả một thành phố. Hay một cuộc đổ xô tới rút tiền ngân hàng ở quy mô quốc gia
và thiếu hụt tiền gửi. Bất kể là gì, cuối cùng nó sẽ có quy mô đủ để gây chấn động
đẩy các cử tri Nhật Bản khỏi sự thờ ơ của họ. Yamaoto biết rằng sự căm ghét dữ
dội một chế độ đang tồn tại về phương diện lịch sử có xu hướng gây ra một phong
trào phản ứng cực đoan. Điều này đã đúng ở Weimar Đức* và nước Nga Sa hoàng, chỉ
liệt kê ra hai ví dụ thôi đấy.
*[Cộng
hòa Weimar là tên sử gia gọi chính phủ của nước Đức trong thời gian chuyển tiếp
từ 1919, sau khi Thế chiến I kết thúc, đến 1933 khi Adolf Hitler và đảng Quốc
Xã lên nắm quyền]
- Mọi người sau cùng sẽ bỏ phiếu để thay đổi.
- Đúng. Câu hỏi là, thay đổi thành cái gì?
- Anh nghĩ Yamaoto đang cố củng cố vị trí của
mình để vượt qua đợt sóng phẫn nộ sắp tới đó ư?
- Đương nhiên. Nhìn vào khóa huấn luyện sát
thủ của Murakami xem. Việc này sẽ bồi thêm khả năng bịt miệng và đe dọa của
Yamaoto. Một khả năng như thế là một trong những tiền đề lịch sử cho tất cả các
phong trào phát xít. Tôi đã nói với anh từ trước, Yamaoto là một kẻ cánh hữu từ
trong sâu thẳm.
Tôi nghĩ đến một số tin tốt lành từ các tỉnh
khác mà tôi đã đọc được, cách mà vài chính trị gia đã đứng lên đối mặt với các
quan chức và các nhà tư bản tha hóa khác, công khai các sổ sách kế toán, tránh
sử dụng các dự án công trình có tất cả nhưng lại chôn vùi đất nước dưới bê tông
tươi.
- Và anh đang làm việc với những chính trị
gia liêm khiết để đảm bảo rằng Yamaoto không phải là lựa chọn duy nhất của những
cử tri phẫn nộ? - Tôi hỏi.
- Tôi làm điều tôi có thể làm, - anh ta
nói.
Dịch ra là: Tôi đã nói với anh tất cả những gì anh cần biết.
Nhưng tôi biết chiếc đĩa, trên thực tế là một
bản danh sách mạng lưới tham nhũng của Yamaoto, sẽ cung cấp một tấm bản đồ vô
giá dẫn tới những người không có mặt trong mạng lưới đó. Tôi hình dung Tatsu
làm việc với những người tốt, cảnh báo họ, cố gắng bảo vệ họ. Đặt họ như những
quân cờ trên một bàn cờ vây.
Tôi cho anh ta biết về Hoa hồng Damask và mối
liên hệ rõ ràng của Murakami tới nơi đó.
- Những người phụ nữ đó đang được sử dụng để
gài bẫy và mua chuộc những kẻ địch của Yamaoto, - anh ta nói khi tôi nói xong.
- Không phải tất cả bọn họ, - tôi nói, nghĩ
đến Naomi.
- Không, không phải tất cả. Một số người có
khi còn không biết chuyện gì đang xảy ra, mặc dù tôi nghĩ là ít nhất họ cũng thấy
nghi ngờ. Yamaoto thích tổ chức những cơ sở như thế như những nơi kinh doanh hợp
pháp. Làm thế khiến chúng khó bị điều tra ra và đánh bật. Ishihara, gã cử tạ,
là công cụ thực hiện điều đó. Tốt là hắn đã tiêu.
Anh ta lại lau nước trên trán.
- Tôi thấy thú vị là Murakami có vẻ cũng có
một vai trò quan trọng đối với điểm cuối những phương tiện kiểm soát của
Yamaoto. Hắn thậm chí có thể còn quan trọng với quyền lực của Yamaoto hơn tôi
nghi ngờ ban đầu. Chẳng trách Yamaoto phải cố gắng đa dạng hóa lực lượng. Hắn cần
phải giảm bớt sự phụ thuộc của hắn vào kẻ này.
- Tatsu, - tôi nói.
Anh ta nhìn tôi, và tôi cảm giác anh ta biết
được điều gì sắp đến.
- Tôi sẽ không khử hắn.
Một khoảng ngừng dài. Mặt anh ta chẳng biểu
lộ vẻ gì.
- Tôi hiểu rồi, - anh ta nói, giọng rất khẽ.
- Việc đó quá nguy hiểm. Trước đó đã nguy
hiểm rồi, và giờ chúng có hình ảnh của tôi trong băng video gia đình của Hoa hồng
Damask. Nếu có người nào không nên xem xem được hình ảnh đó, chúng sẽ biết tôi
là ai.
- Mối quan tâm của chúng là các chính trị
gia, quan chức và những người tương tự. Khả năng đoạn video đó đến được với
Yamaoto, hay đến được một trong số rất ít người có thể nhận ra mặt anh trong tổ
chức của hắn, có vẻ xa xôi.
- Không có vẻ xa xôi đối với tôi đâu. Dù
sao đi nữa, gã này là một mục tiêu khó, rất khó. Để khử được kẻ nào đó như thế
và làm ra vẻ tự nhiên thì gần như bất khả thi.
Anh ta nhìn tôi.
- Vậy thì làm cho nó trông không tự nhiên
đi. Tiền cược cao đủ để nắm lấy cơ hội đó*.
*[Ý
Tatsu muốn nói Murakami là một tên tội phạm, nên nếu hắn chết một cách không “tự
nhiên” thì cũng chẳng có gì lạ]
- Tôi có thể làm thế. Nhưng tôi không giỏi
dùng súng trường bắn tỉa, và tôi sẽ không dùng một quả bom vì những người ngoài
cuộc cũng sẽ bị thổi bay. Và bất lợi của hai phương án đó, hạ gã này và chuồn
đi sạch sẽ là quá nhiều đối với một phát súng từ xa.
Tôi nhận ra mình đã cho phép bản thân bắt đầu
tranh cãi với anh ta trên các phương diện thực tế. Lẽ ra tôi chỉ việc nói không
với anh ta và ngậm miệng lại.
Một khoảng ngừng dài nữa. Rồi anh ta nói:
- Hắn coi anh là gì, anh có nghĩ đến không?
Tôi hít một hơi thật sâu không khí ẩm và thở
ra.
- Tôi không biết. Một mặt, hắn đã thấy tôi
có thể làm gì. Mặt khác, tôi không phát ra dấu hiệu nguy hiểm như hắn. Hắn không
thể kiểm soát việc kiểu như thế, vậy nên hắn không nghĩ là người khác có thể.
- Vậy thì hắn đánh giá thấp anh.”
- Có thể. Nhưng không nhiều. Những kẻ như
Murakami không đánh giá thấp kẻ khác.
- Anh đã chứng tỏ anh có thể tiếp cận hắn.
Tôi có thể trang bị súng cho anh.
- Tôi nói với anh rồi, hắn luôn luôn đi
cùng ít nhất hai vệ sĩ.
Ngay giây phút nói điều đó ra tôi đã hối.
Giờ thì chúng tôi đang đàm phán. Việc này thật ngu xuẩn.
- Xếp chúng thành một hàng, - anh ta nói. -
Hạ cả ba.
- Tatsu, anh không hiểu được những bản năng
của gã này. Hắn không để ai sắp xếp bất cứ thứ gì. Khi chúng tôi bước ra khỏi
chiếc Benz trước cửa câu lạc bộ của hắn, tôi thấy hắn quét mắt qua các nóc nhà
tìm kiếm các xạ thủ bắn tỉa. Hắn cũng biết phải nhìn vào đâu. Hắn sẽ cảm thấy
tôi đang ngắm vào hắn từ xa cả dặm. Cũng như tôi sẽ cảm thấy hắn. Quên đi.
Anh ta nhíu mày.
- Làm sao để thuyết phục được anh?
- Anh không thể. Nhìn này, đây là một đề xuất
mạo hiểm ngay từ ban đầu, nhưng tôi đã sẵn sàng nhận lấy nguy hiểm để trả lại
những gì anh có thể làm cho tôi. Tôi đã nhận ra là mối nguy hiểm giờ lớn hơn
ban đầu tôi nghĩ. Phần thưởng vẫn như cũ. Nên thế cân bằng đã thay đổi. Chỉ thế
thôi, không phức tạp hơn.
Chúng tôi không nói gì một lúc lâu. Cuối
cùng, anh ta thở dài và nói:
- Anh sẽ làm gì, rút lui chắc?
- Có thể.
- Anh
không thể rút lui được.
Tôi ngừng lại. Khi nói, giọng tôi rất khẽ,
không hơn một lời thì thầm.
- Tôi hi vọng anh không nói là có thể sẽ
can thiệp.
Anh ta không nao núng.
- Tôi không cần phải can thiệp, - anh ta
nói. - Anh không có sự rút lui trong người. Tôi mong anh có thể nhận ra điều
đó. Anh sẽ làm gì, tìm một hòn đảo đâu đó, tiêu thời gian trên bãi biển để đọc
hết những cuốn sách đã bỏ lỡ ư? Tham gia một câu lạc bộ cờ vây? Tự gây mê bằng
rượu whisky khi những kí ức không ngơi nghỉ của anh từ chối ngủ yên?
Nếu không có hiệu ứng làm cơ thể mềm ra như
thạch của sức nóng, có thể tôi đã thấy khó chịu trước câu nói đó.
- Có thể là liệu pháp, - anh ta nói tiếp. -
Đúng, liệu pháp rất phổ biến những ngày này. Nó có thể giúp anh chấp nhận được
tất cả những mạng sống mà anh đã lấy đi. Có lẽ là cả với cái mạng sống mà anh
đã quyết định bỏ phí.
Tôi nhìn anh ta.
- Anh đang cố khích tôi, Tatsu, - tôi nói dịu
dàng.
- Anh cần sự khích bác.
- Không phải từ anh.
Anh ta nhíu mày.
- Anh nói anh sẽ rút lui. Tôi hiểu điều đó.
Nhưng điều tôi đang làm là quan trọng và đúng đắn. Đây là đất nước của chúng
ta.
Tôi khịt mũi.
- Không phải đất nước của chúng ta. Tôi chỉ
là một người khách.
- Ai bảo anh thế?
- Tất cả những người quan trọng.
- Họ sẽ rất mừng nếu biết là anh đã lắng
nghe.
- Đủ rồi. Tôi nợ anh. Tôi đã trả. Thế là
xong.
Tôi đứng dậy và tắm tráng bằng nước lạnh từ
một trong các vòi nước. Anh ta cũng làm thế.
Chúng tôi thay quần áo và bước xuống cầu
thang.
Ngay bên ngoài lối vào, anh ta quay sang
tôi.
- Rain-san, - anh ta nói. - Tôi sẽ gặp lại
anh chứ?
Tôi nhìn anh ta.
- Anh có phải là một mối đe dọa đối với tôi
không? - Tôi hỏi.
- Nếu anh thực sự sắp nghỉ hưu thì không.
- Vậy thì có thể chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Nhưng không phải sau một thời gian ngắn.
- Vậy thì chúng ta không cần phải nói sayonara, tạm biệt.
- Không cần đâu.
Anh ta nở nụ cười buồn.
- Tôi có một yêu cầu.
Tôi mỉm cười lại.
- Với anh, Tatsu, thì hơi nguy hiểm để đồng
ý ngay bất cứ điều gì.
Anh ta gật đầu, thừa nhận quan điểm đó.
- Hãy tự vấn bản thân mình rằng anh hi vọng
gì khi nghỉ hưu. Và liệu việc nghỉ hưu sẽ đạt được điều đó hay không?
Tôi nói:
- Việc đó tôi có thể làm được.
- Cảm ơn anh.
Anh ta đưa tay ra và tôi bắt tay anh ta.
- De
wa, - tôi nói, bằng cung cách của một lời tạm biệt. - Ừm, vậy thôi.
Anh ta lại gật đầu.
- Ki
o tsukete, - anh ta nói, một lời tạm biệt có thể dùng như một câu Bảo trọng vô thưởng vô phạt hay một câu Cẩn thận đấy bình thường hơn.
Sự mơ hồ này có vẻ do chủ ý.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét