Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Tết của tù đàn bà


Tết của tù đàn bà

Tác giả Nguyên Hồng


27 Tháng Chạp

Mưa phùn tạnh từ hôm kia, nhưng gió rét càng thổi mạnh. Da thịt người buốt nhức vì khí lạnh. Con nhỏ của tù đàn bà khóc suốt đêm. Chúng không chịu được rét dù được ôm ấp trong lòng mẹ. Chúng khát sữa nữa - sữa mẹ chúng như cạn hết rồi!
Sáng sớm trong sân trại giam. Những mảng rêu mạng khắp chân tường còn long lanh sương. Một bức tường, dưới chòm canh, vẫn giữ những màng nước mong manh. Nắng non mới rãi vàng trên vài chòm xoan phấp phới những mảnh chai thủy tinh lấp lánh trên bức tường ngoài cùng.
Bốn người đàn bà rách rưới, nối tiếp nhau thẳng một hàng, trườn người ra, đẩy những bao gai cuộn tròn để dồn nước rãnh vào cống cái. Thỉnh thoảng gió lật tung váy, bày ra những bắp đùi trắng từ bụng chân trở lên vấy bùn rác. Các chị vẫn chúi mũi làm, làm như máy, có khi húc đầu vào người chổng mông đùn bao ở đằng trước. Người bị húc, hất đít lên, xô đẩy người trên. Tất cả ngã chúi đi.
Hai chị cai tù đứng ốp và mấy mụ tù nhà giàu phá lên cười, nhịp cười vang vang trong không khí lạnh rợn.
Thành phố thi hành chính sách tiết kiệm. Trừ nước uống là nước máy, còn giặt giũ và rửa ráy bằng nước giếng ở sân trại ngoài. Tù đàn ông chỉ khiêng nước đến cổng, đàn bà cỏ-vê (corvée: tạp dịch) phải ra chuyển vào mà rửa ráy.
Bốn thùng nước to chưa kịp đặt xuống đất, họ đã ùa đến. Nào gáo, bơ, nón tranh nhau sục vào. Lắm người bế con thơ không chen được, phải chờ tất cả múc xong, mới té chỗ nước cặn ra vò tã và quần áo bẩn.
Thứ nước này nhơ bẩn không thứ nào bằng. Tội nhân gọi là nước rau hay nước mũi. Quanh năm vẩn đục, nhớt như lá mùng tơi vò, và, những tháng Năm, tháng Sáu gần cạn, nước đổi sang màu gạch cua nồng nặc hơi bùn. Bốn thùng nước chuyên vào lần thứ hai, nhưng tù đàn bà vẫn tranh nhau giặt giũ. Giám thị chờ lâu gắt ầm lên. Cai trại mượn thể càng quát tháo. Chỉ còn ít phút nữa cửa trại đóng.
Nền nhà và các rãnh lênh láng nước. Người quét không kịp đổi tay chổi và ngẩng đầu nhìn. Mùi hôi hám bốc lên trong bóng tối, càng nặng nề, càng như nạo ruột. Người quét choáng váng, mặt nhợt nhạt.
Nửa giờ sau, tội nhân phải dồn ra sân. Những con người rách rưới, còm cõi ấy ngồi run run trong hơi ấm của nắng đông. Trẻ con bớt khóc. Mẹ chúng có thời giờ đụp vá quần áo. Vài cụ già vạch yếm bắt rận vừa thì thầm kể lể những chuyện xưa kia, hay thuật cho nhau nghe những cái nhỏ mọn nhất, dễ được nhất, như có vài bộ quần áo nâu dày, một vài đồng bạc làm vốn chợ búa lần hồi, một chuồng lợn nhỏ vài ba con, một ổ gà mắn đẻ.
Cai trại và tù nhà giàu ngồi riêng biệt. Họ xõa tóc ra cho bọn con gái nhổ tóc sâu, tuốt trứng và chấy. Mùi trầu cau đậm đà ở miệng họ nhai rất ngon lành phả ra làm nhiều kẻ phải nuốt nước miếng.
Hôm nay là ngày 27 tháng chạp. Những tù đàn bà hiền lành kia vẫn yên lặng như mọi ngày trong mấy bức tường đầy mảnh chai và thủy tinh. Ban chiều tiếng pháo thưa thớt ở đâu đây vẳng lên. Nhưng mơ hồ quá, họ có nghe thấy không?

28 Tháng Chạp

Chánh sếp người Tây quăng mạnh chùm chìa khóa xuống đất, hất hàm nhìn cánh cửa sắt quét sơn màu tro. Anh loong-toong vội vàng đóng khóa lại và yên lặng chờ mệnh lệnh. Những khi cử chỉ giận dữ như thế, viên quản ngục thế nào cũng làm tội nhân hết hồn.
Cũng nên thuật qua để bạn đọc biết chút ít về lão sếp này. Y nổi tiếng là quái ác và tinh ngoan. Người hắn lùn, chân ngắn, đi lạch bạch như vịt. Nhưng lúc có việc quan trọng, hắn lanh lẹn khác thường. Thoáng chỗ này, thoáng chỗ khác, hắn mà ốp việc thì không một tội nhân nào có thể lờ vờ.
Người ta đặt cho hắn cái biệt danh: Một mẩu.
Trước “Một mẩu” là giám thị ở Hỏa Lò Hà Nội. Nay hắn được đổi về Nam Định, giữ chức Chánh sếp. Được tin hắn đổi về, tất cả các trại dự bị một cuộc tranh đấu như tuyệt thực, không đi làm, để giữ lấy quyền lợi.
Không cần phải nghe nhiều, các bạn đã rõ những sự bóc lột và hành hạ của cai tù được các giám thị dung túng. Nhờ đó mà chúng sống ung dung trong lao và có thể nuôi vợ con ở bên ngoài một cách sung túc. Chỉ bằng tiền của những tội nhân giàu có, những kẻ thân cô thế cô, yếu đuối và nhút nhát! Chỉ bằng những quần áo lành lặn sạch sẽ mà người ta đã phải nuốt nước mắt nhìn chúng lột trần. Chỉ bằng những công việc may vá, đan vẽ, thêu... của các người thợ khéo bị tù muốn tránh những việc quét tước, khuân vác nhơ bẩn và nặng nề. Dạo ấy, trong lao Nam Định có một buồng để giam những tội nhân bị kết án từ năm năm đến mười năm khổ sai. Toàn những kẻ trộm cướp, giết người đốt nhà. Tụi hung bạo, liều lĩnh họ không kiêng nể giám thị và quản ngục. Muốn tránh những sự lôi thôi phá phách, giám thị và quản ngục ta làm ngơ đi. Chúng có ở mãi đâu! Chỉ vài ba tháng. Rồi hoặc bị phát vãng, hoặc giải lên Hà Nội chờ phiên tòa Thượng thẩm. Tụi cai trại ăn cánh với tụi tù nặng năm này. Bóc lột và bán chác được vật gì thì chia đôi. Các công việc đều trút lên đầu những tội nhân hiền lành, đần độn, không thân thích trông nom, không có vật gì đáng giá để thay người.
Nhưng, vỏ quýt dầy có móng tay nhọn. Mới nhậm chức, “Một mẩu” dò hỏi ngay lính gác về tâm tính của tội nhân ở đề lao này. Rồi được biết từ trước đến giờ các Chánh sếp khác vẫn nhân nhượng, mặc cho bọn giám thị ta xử sự, đến nỗi để gây nên một số cai trại cầm đầu đề lao, “Một mẩu” bèn sắp đặt chiến lược.
Hắn quyết trừ tiệt cái nạn tù bóc lột tù, mua bán các thức ăn, quần áo, thuốc phiện, rượu mà bọn tù anh chị được đặc quyền hưởng.
Hai hôm đầu, tội nhân cỏ-vê đi làm về không bị khám xét, tha hồ mang bánh trái, thức ăn và thuốc hút. Đến giờ phát cơm, “Một mẩu” thân đứng trông coi. Quần áo, chăn chiếu cũ rách hắn thải cả loạt, phát toàn đồ mới. Đêm, hắn không đi “ronde” (tuần). Tội nhân chuyện trò phè phỡn tới sáng!... Chiều hôm thứ ba khi tù cỏ-vê đi làm hết, chỉ còn tù vị thành án nặng nằm ở nhà, “Một mẩu” xin thêm bên trại khố xanh một toán năm mươi người lính. Hắn cắt hai mươi người đứng trực ở một góc sân. Những lính còn lại đi kèm hắn. Đồng thời lính gác lên các chòi canh và vây quanh đề lao. Dự bị đã chu đáo, hắn truyền cho giám thị dồn tù vị thành án và tù nặng năm vào hai sân. Không ngờ có cuộc đàn áp, tội nhân ở buồng nguy hiểm (Salle dangereuse) thản nhiên kéo nhau ra. Người cuối cùng vào xong, hai mươi người lính ở một góc sân đổ xô ra, chia đều đứng bốn góc, súng nạp đạn và cắm lưỡi lê chĩa đều một loạt. “Một mẩu” và ba mươi người lính tuồn ngay vào.
Giám thị ta truyền tất cả phải cởi truồng, quần áo vứt làm một đống, rồi đứng hàng hai. Bọn tù nặng năm choáng váng, răm rắp theo lệnh. Anh nào nhốn nháo hay chậm chạp bị “Một mẩu” quất ít là hàng trăm chiếc roi bằng cao su, đầu quấn dây thép và có móc sắt. Chúng lần lượt chổng mông, giạng háng, lè lưỡi, rũ tóc cho “Một mẩu” khám. Lỗ mũi, lỗ tai, kẽ chân, đâu “Một mẩu” cũng móc vào. Đoạn, hắn bắt tất cả ngồi xuống và cấm không ai được nhúc nhích. Hắn và ba giám thị ta lục soát quần áo.
Ai dám bảo tội nhân nghèo, nếu thấy lưng một thùng sắt tây đựng xu, hào? Ai dám bảo tội nhân đói khát trước một thùng đầy bánh kẹo, thuốc lào, thuốc lá và thuốc phiện? Ai dám bảo tội nhân rét mướt bên một đống cao ngất quần áo toàn bằng vải lụa đắt tiền?
Tù cỏ-vê đã đi làm về. “Một mẩu” bắt hãy xếp hàng ở sân ngoài và truyền tất cả lính đi coi phụ lực với tốp lính hộ vệ hắn dẫn ngót bốn trăm tội nhân nguy hiểm kia vào cùm. Buồng nhì lúc đó cũng bị một bọn giám thị khám xét xong. Trước cửa buồng, chồng chất những bơ, gạo, bát đĩa, củi đóm, chụp đèn, dọc tẩu, điếu thuốc lào và rổ rá đựng thức ăn. Rồi “Một mẩu” khám tù vị thành án rồi đến tù cỏ-vê. Ta thử tưởng tượng một đống đồ vật nhiều biết chừng nào của hơn bốn trăm tội nhân tha lôi ở ngoài về, từ mảnh tre, đến lá, đến gói muối. Tù đàn bà xưa nay không bị khám, tha hồ đem quà bán cho tụi đàn ông không được ra ngoài, giờ thật trần trụi. Những thứ đã loại được, “Một mẩu” tống cả vào thùng rác, trừ các thức ăn để cho nhà Hủi.
Các cai trại bị khai tên và mấy tù nặng năm bạo nghịch bị nhốt vào xà lim ngay đêm ấy. Và bắt đầu ngay đêm ấy, các giám thị ta phải chia nhau mọi việc trong đề lao.

... Ngày nay, tuy tiếng cai trị đã mất, nhưng thật ra bọn giám thị vẫn còn cắt một số tù chân tay để phân phát công việc. Do đấy cái nạn bóc lột và hành hạ vẫn còn. Nhưng, thỉnh thoảng “Một mẩu” lại khám trại; vì y vẫn còn được tin có bàn đèn thuốc phiện trong đề lao, do tụi tù đàn bà đưa vào. Hôm 28 tháng Chạp này, “Một mẩu” chợt nghĩ đến cái nạn cờ bạc, rượu chè và thuốc sái về mấy ngày Tết mọi năm, bèn cùng hai anh loong toong xuống khám trại đàn bà.
Một buổi chiều cuối đông lạnh lẽo. Mây trời xanh biếc. Không khí như có mạt thủy tinh, thở buốt mũi. Gió rét thổi dài, sắc như những lưỡi dao. Các chòm xoan lá ngọn trên bờ tường thỉnh thoảng lại rùng lên, trút xuống sân một ít lá vàng. Nắng chiều hồng nhạt rắc phấn trên những mái ngói xanh mốc rồi dần tan trong màu tàn hương của chiều tàn.
Trại tối mờ. Đèn bật lên rồi mà bóng tối vẫn còn lởn vởn mùi hôi của nền nhà, gần sàn và chăn chiếu chằng đụp tuy không nồng nặc quá, nhưng đã có khí lạnh tê buốt nạo ruột gan những con người xơ xác kia, và những tiếng rên xiết của mấy người tù già ốm nằm cuộn tròn trong mảnh chăn rách mướp chích những mũi kim sắc nhọn nhất vào các tấm lòng dồi dào tình thương. Trẻ con nhớn nhác nhìn, đứa khóc thét lên, đứa lịm hẳn đi trên những cánh tay còm cõi run rẩy.
Ánh nắng đã chết hẳn. Muôn tiếng động của chiều dần chìm vào những cánh sương xõa rộng ở nơi xa. Hơn hai trăm tù đàn bà ngồi co ro dưới chân tường đẫm rêu chỉ còn là những cái bóng yên lặng.
Từng người một đứng lên, đến trước mặt “Một mẩu”, trật khăn dang tay cho hai chị cai trại khám. Người ta thấy nhiều tia mắt sáng loáng chiếu nhìn “Một mẩu”, những tia mắt nẩy lửa của mấy người đàn bà phải giũ tung tã lót rồi đặt con xuống đất, giơ cao hai tay run run lên chờ hai bàn tay dữ tợn của chị cai thọc vào yếm và cạp quần.
28 tháng Chạp! Bọn đàn bà hiền lành không biết tội ác là gì, họ đã bị đầy ải hàng giờ trước gió lộng, một chiều cuối đông đầy nước mắt.

Giao thừa

Không khí nao nao tràn ngập những sự bùi ngùi thương nhớ.
Tháng thiếu, 29 lấy làm 30. Đêm nay là đêm giao thừa trong cái thế giới tối tăm của những tù tội. Dù ngăn cấm và khám xét chặt chẽ, họ cũng cố vượt qua trăm sự ngặt nghèo đưa vào ít vàng hương, hoa quả. Hồn của đất nước, của tất cả những tiểu gia đình trong đại gia đình vũ trụ, ấm áp quá, thân mật quá, lên tiếng gọi đêm nay. Dù chỉ là những con người chất phác, ít suy nghĩ, ít tình cảm chăng nữa, nhưng trong những giờ mà mọi người náo nức đón chào xuân mới, mà mọi người mở rộng lòng ra đón lấy bao nhiêu cảm giác mới lạ, thì họ cũng bị sự nghiêm trọng và thiêng liêng của Tết đè nặng lên tâm hồn. Ở trại đàn bà, họ đã sắp sẵn. Mấy người nhà giầu và tụi cai trại tốn nhiều công của mới có từng ấy thứ đồ dùng. Họ đã quả quyết nói rằng: “Lễ giao thừa xong, dù “Một mẩu” có khám thấy các vật cúng ấy, phạt cùm và nhốt họ vào xà lim, bắt ăn cơm nhạt hàng tháng, họ cũng cam tâm!”.
Gần Mười một giờ, tất cả thôi chuyện trò và bắt đầu im lặng. Ba chiếc mũ óng ánh những miếng kính tròn đặt lên một bệ cao, xếp bằng rổ, rá, thúng, nón và ống bơ chồng chất trên sàn. Dưới cỗ mũ, một đĩa hoa, ba đĩa mứt, hai đĩa bánh chưng và một đệp vàng giấy bày thẳng một hàng. Ba đinh vàng ở dưới cùng để cắm hương nến.
Bóng đèn điện được lau chùi cẩn thận đêm nay. Ánh sáng vui vẻ chiếu xuống cái bàn thờ kia.
Không còn ai nằm. Họ ngồi quây quần ở một góc sàn. Vài ba cụ, không thể ngồi được lâu, phải phục lên lưng người còn khỏe mạnh. Tiếng ho rất ít và rất khẽ.
Bỗng tiếng pháo ran lên, tiếng pháo của không biết những nhà nào gần đấy. Tiếng pháo giòn tan kế tiếp nhau như không bao giờ hết trong những vang động dồn dập của chuông trống.
Một tội nhân, quần nái dài chấm gót, áo the cài khuy, khăn vuông baga óng mượt, lặng lẽ đến bàn thờ. Chị đánh diêm châm nến và thắp hương. Mấy người ăn vận gọn ghẽ, khép nép đứng một bên, lần lượt nhận những nén hương nhả khói thơm ngát.
Bao nhiêu tia mắt sáng loáng chiếu cả vào những ánh nến rung động, những miếng kính tròn lấp lánh, và những tia khói nhang nhẹ nhàng cuộn lên trần nhà. Gương mặt mọi người sáng lên và tràn đầy vẻ kính cẩn. Mắt không dám trông thẳng, đầu cúi thấp, hơi thở mạnh và nhanh hơn.
Đĩa hoa quả, ba cỗ mũ và ba đinh vàng bỗng sáng ngời. Một thứ hào quang của vàng ngọc tỏa ra chung quanh, trong đó có những bóng dáng chập chờn. Tất cả linh hồn của tội nhân đang cầu khẩn. Thứ tiếng thầm lặng của lòng người ấy nhịp với thứ tiếng huyền bí của mùi hương hoa thơm ngát, bơi trong gió lạnh vi vu, rồi tràn lan mênh mông. Bao nhiêu hình ảnh nổi lên trong tâm trí với bao nhiêu màu sắc, bao nhiêu hương vị xao xuyến. Những ý nghĩ tối tăm hay sôi nổi nhất, hay giẫy giụa nhất... tạm chết trong giây phút. Hồn lắng lại để cho màu xanh biếc của tương lai mơ hồ lặng tan ra rồi dần dâng lên một sự êm mát.
Bỗng, ở một xó tối, một tiếng động nấc lên. Phút chốc bao nhiêu tiếng nức nở ở những góc sàn khác cất theo. Rồi, buồng giam sôi lên những tiếng nghẹn ngào dồn dập.
Pháo nổ thưa dần.
Tiếng kiểng canh rè rè buông từ từ, quằn quại trong bóng tối. Ở trại giam bên kia, trẻ con thức giấc từ lâu khóc thét mãi lên, những trẻ con ốm yếu của các tù đàn bà vô tội.

Mồng Một Tết

Những dải sương đượm khói pháo thơm và hương ngát còn vương vấn trên những nóc trại, những chòi canh. Khác hẳn mọi sáng tấp nập, ồn ào, sáng nay đề lao yên lặng như không có một người tù.
Cho tới khi mặt trời lên cao.
Nắng vàng chảy mênh mang. Sương mờ tan trong phấn nắng chập chờn. Lá cây xanh biếc và mái ngói mốc rêu óng ánh vàng diệp. Nhạc gió rung vang lừng.
Cửa tò vò mở rộng ra sân bên bắt đầu trút ánh sáng vào trại giam sâu thẳm như một cái hang lớn ngập bóng tối. Bằng những ô trống của mấy khoảng thông hơi ở hai đầu trại, nắng mới tuôn vào từng thác. Tám giờ rưỡi mà cửa chính vẫn đóng. Tội nhân dậy từ lâu. Họ không đi lại nhộn nhịp, ngồi cả trên sàn, nói chuyện khẽ với nhau.
Hơn hai trăm con người ấy lúc nhúc trong một bầu không khí quanh năm chật hẹp và nặng nề, hôm nay không phải đi làm. Họ sẽ được hưởng những suất thịt lợn, rau cải, cơm oản nhiều hơn, ngon hơn ngày thường chút ít. Trừ một ít kẻ giàu có bị tù vì bị bỏ thuốc phiện hay mua nhầm đồ trộm cắp, còn toàn là những người cùng khổ can án rượu, muối lậu. Rất ít kẻ ăn cắp và lừa đảo; mà, có bị khép những án đó, chỉ là bị khép oan! Chủ ruộng, chủ đồn điền không bóc lột được chồng, con họ nữa thì thưa họ về những tội ấy, những tội mà họ nhận thấy chính là của các kẻ ăn sung mặc sướng bằng mồ hôi, nước mắt của họ suốt một đời. Họ là những nạn nhân của những miền quê luôn luôn bị lụt lội, hạn hán hay nạn đói rét và dịch bệnh tàn phá; thâm tâm họ đã tràn đầy những sự phẫn uất, căm hờn. Đời sống súc vật và bùn lầy của họ không thể yên lặng mãi được. Càng ngày miếng ăn manh áo càng rất thiếu, trái lại, việc làm của họ càng ngày càng tăng thêm.
Chín giờ, cửa trại mở. Tất cả tội nhân dồn ra sân. Hôm nay trại chỉ quét qua, không phải rửa nước như mọi khi. Chín rưỡi, ở ngoài kia, tù nhà bếp bắt đầu xếp mâm bát. Mười giờ đúng, hai xe cơm thầu lịch kịch chuyển bánh qua mấy lần cửa sắt rồi hạ càng trước trại phát cơm.
Bữa nay chỉ khác ngày thường một chút là suất thịt lợn to hơn độ hai ngón tay và đèo thêm vài miếng lòng; suất rau cải luộc thêm vài ba củ; suất cơm oản gạo trắng và bớt sạn bớt nhão. Những chị cai trại và mấy người nhà giàu có thân quyến vào “phép” nhiều bánh trái và thức ăn, họ “nhường” mấy miếng thịt nhà thầu kia cho tụi tù đàn bà con mọn.
Bữa ăn không cùng một lúc. Bọn nhà quê án rượu, muối lậu và các người già cả cùng khổ ăn trước. Khi cửa trại khóa xong, mười một giờ, tụi tù có địa vị và nhiều vây cánh mới bắt đầu sửa soạn bữa.
Ba chiếc chiếu rộng nhất trải ra giữa trại. Vỉ buồm, giấy dầu, lá chuối dùng làm mâm. Các món ăn đựng trong bát đĩa toàn bằng gáo dừa của tụi tù tôi tớ khi nhàn rỗi đã gọt mài nhẵn bóng. Không được nóng sốt, nhưng cũng gần đủ thức của một bữa cỗ. Nào bóng vây, mực, gà vịt hầm, giò chả, thịt kho. Cơm oản bỏ đi, chúng dùng bánh chưng và cơm nếp nhẫy mỡ trên những tập lá chuối bày bốn góc. Vào tiệc, họ còn chào mời ầm ĩ. Khi ăn, họ chọn gắp cho nhau từng miếng. Những cử chỉ cảnh vẻ, đài các,... những lời chúc mừng nhắc mãi không biết chán,... những chuyện nhỏ mọn nhất của gia đình kéo dài hàng giờ trong những nhịp cười giòn tan.
Tụi tôi tớ phục dịch chạy lăng xăng, đưa đĩa này, đĩa nọ cho người ăn. Vài mụ già ngồi vừa đấm lưng vừa phỉnh phờ tán tụng và chầu chực xắn bánh, sẻ xôi vào bát.
Khi ấy, ở trại giam bên kia, những người nhà quê đi dạo ngồi xếp bằng trên nền nhà và sàn gỗ. Mấy bà cụ ốm yếu không gượng được thì nằm phục bên các người khỏe mạnh. Tất cả hướng mặt về mẫu ảnh đức Chúa Giêxu bị đóng đinh trên cây thánh giá treo trên tường. Họ thì thầm đọc kinh. Giọng đọc đều đều không phân biệt, âm thầm trong bóng mờ mờ của nhà tù. Lòng tin tưởng của những con người sống cực nhục, tối tăm không còn biết bấu víu vào đâu đầm đìa và chan chứa trong những bản kinh “Lạy Nữ vương”, “Tôi ở dưới vực sâu”, “Đức Mẹ hằng cứu giúp”.
Toàn là những người ở miền biển, có tiếng nói vang vang như tiếng đồng. Nhưng, giờ đây nghỉ trưa, bắt buộc phải yên lặng, họ không dám đọc to. Và, cũng vì họ sợ làm bận tai bọn cai trại khác tôn giáo họ. Để cầu kinh, họ có một thứ giọng riêng, càng kéo dài càng rên xiết.
Tiếng pháo giòn tan mừng xuân thỉnh thoảng vang lên và tiếng cười nói hả hê của tụi cai trại và tù giầu càng ran lên, trùm lấp cả những tiếng cầu khẩn tha thiết và thầm lặng của bọn tù đàn bà.
Trưa nay đỡ rét và được bú no, trẻ con ngủ mệt trong lòng mẹ. Nhịp thở đều đặn nho nhỏ của chúng hòa hợp với giọng đọc kinh của nhiều người mẹ trong lúc này chỉ còn là những hình thể bất động.
Ánh nắng không chói lọi như ban sáng. Song sắt của bốn khung cửa tò vò gắn sâu vào trong những mảnh trời xanh biếc. Tượng Chúa chịu nạn trên tường lờ mờ dưới một thứ ánh sáng lạnh giòn của pha lê. Hai cánh tay rỉ máu dang ra một vệt mực tím loãng dài. Mắt Chúa lờ đờ dưới vầng trán bọc gai nhọn đẫm thêm bóng tối.
Không có nến thắp và hoa dâng nhưng lòng trong sạch của ngót trăm con người kia cũng đủ lửa để bừng sáng, đủ hương thơm để soi thấu được ý nghĩ của loài người và nhận định số phận của vạn vật. Lúc này, trên đầu bọn tội nhân đầy đọa kia, sẽ nhỏ những giọt nước mắt cảm động vì tấm lòng tin tưởng tha thiết một sự thưởng phạt công bằng. Nhưng ta đã thấy, bao nhiêu xương thịt tan tành, thối nát, bao nhiêu nước mắt và máu đã lụt ngập tỉnh thành, bao nhiêu sinh mệnh đã chết và đương chết trong cảnh đói rét bên một đám người hả hê sung sướng, mà có bao giờ tìm ra được những sự giải quyết ở Trời?!

Những ngày đầu Xuân

Mồng Một tết, đến mồng Hai, mồng Ba rồi mồng Tư. Đời của những người đàn bà khốn nạn ấy trong những ngày đầu xuân vẫn tối tăm, vẫn yên lặng trong trại giam chật hẹp, hôi hám.
Mưa phùn lại bắt đầu kéo dài... Gió rét lướt thêm muôn cạnh sắc... Mây trời xám ngắt càng chụp thấp. Bầu trời đè nén nặng nề quá! Người ta mong ngóng ánh nắng xuân mau tràn ngập để lọc không khí cho dễ thở và đem đến sự ấm áp cho những da thịt thiếu máu và quần áo.

1939

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét