Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 4

Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 4

Như thường lệ, tôi thức giấc vào lúc tinh mơ, quãng năm giờ rưỡi sáng. Có vài người, phần lớn là dân quê, cũng đã thức dậy, đang ngồi trên sàn toa, mắt mở thao láo. Để khỏi đánh thức những kẻ khác, họ chỉ đưa mắt chào tôi.
Mặc dầu ban đêm một trong những cánh cửa trượt được đóng lại, chúng tôi vẫn cảm thấy lành lạnh trước lúc mặt trời mọc, vì sợ Anna bị cảm, tôi đã lấy áo vét-tông của tôi đắp lên vai và ngực nàng.
Tôi chưa hề thực sự nhìn ngắm nàng trước đó bao giờ. Giờ đây tôi lợi dụng lúc nàng đang ngủ để quan sát nàng thật kỹ lưỡng, và tôi hơi bối rối vì điều mình khám phá. Tôi vốn thiếu kinh nghiệm. Cho đến tận khi ấy, tôi mới chỉ có dịp nhìn ngắm vợ tôi và con gái tôi lúc họ ngủ mà thôi và tôi vốn biết rõ dáng vẻ của họ vào lúc buổi sáng.
Khi Jeanne không mang bầu, thân hình không nặng nề, vào lúc sáng sớm coi nàng trẻ hơn ban ngày. Các đường nét như nhẵn nhụi phẳng phiu hơn, đôi môi nàng lại hơi bĩu ra như môi bé gái, cũng hơi giống cái bĩu môi của Sophie, cái bĩu môi ngây thơ và hài lòng.
Anna trẻ hơn vợ tôi. Tôi đoán nàng độ chừng hăm hai, hăm ba là cùng, nhưng buổi sáng đó tôi nhận thấy vẻ mặt nàng là vẻ mặt của một người đã chín mùi hơn thế. Khi ngắm Anna thật gần như vậy tôi còn khám phá ra rằng nàng thuộc một dòng giống ngoại quốc.
Chẳng phải chỉ vì nàng từ một xứ sở khác tới, tôi không biết xứ nào, mà còn vì nàng có một cuộc sống khác, những tư tưởng khác, lề lối cảm nghĩ khác với dân ở Fumay, và khác với tất cả những người mà tôi quen biết.
Thay vì nằm buông thả thật thoải mái cho dứt cơn mệt mỏi, Anna thu người lại, trong tư thế phòng thủ, một vết nhăn giữa vầng trán, và đôi khi hai khóe miệng nàng run run như thể có một niềm đau đi qua, hoặc một hình ảnh khó chịu.
Da thịt nàng cũng không giống với da thịt Jeanne. Nó săn hơn, cô đọng hơn, với những bắp thịt có thể căng ra trong chớp mắt như kiểu lũ mèo.
Tôi chẳng biết chúng tôi hiện đang ở đâu. Hàng cây bạch dương viền quanh các đồng cỏ lẫn cánh đồng lúa mì hãy còn xanh um. Những bảng quảng cáo diễu qua như ở mọi nơi và tàu chúng tôi chạy sát gần một con đường hầu như hoang vắng, trên đó không có gì khiến người ta nghĩ tới chiến tranh.
Tôi có nước trong mấy cái chai, một chiếc khăn mặt, một cục xà bông và tất cả những vật dụng cần thiết trong vali; tôi đã dùng những thứ đó để cạo râu, bởi từ bữa qua đến giờ tôi vẫn mắc cỡ vì lớp râu hung đỏ, dài đến nửa phân, trùm hết cả má và cằm.
Khi tôi cạo râu xong, Anna, im lìm, nhìn ngắm tôi, và tôi không thể biết nàng đã thức dậy từ bao giờ.
Chắc hẳn cũng giống như tôi hồi nãy, nàng lợi dụng cơ hội để tò mò quan sát tôi. Vừa lau mặt, tôi vừa mỉm cười với nàng, nàng cũng mỉm cười đáp lại nhưng tôi thấy lối cười của nàng có vẻ gượng ép hoặc như thể nàng đang bận nghĩ tới chuyện đâu đâu.
Tôi vẫn nhìn thấy nếp nhăn trên trán nàng. Chống cùi chỏ nhấc người nhỏm lên, nàng nhận thấy cái áo vét-tông của tôi đắp lên người nàng.
- Tại sao anh làm vậy?
Nếu như nàng không lên tiếng trước thì chắc hẳn tôi đã phân vần chẳng biết nên gọi nàng là em hay cô. Tôi đã băn khoăn về chuyện đó. Nhờ có nàng, chuyện đó trở nên dễ dàng.
- Lúc nãy, trước khi mặt trời mọc, trời hơi lành lạnh.
Nàng cũng không phản ứng giống như Jeanne. Jeanne chắc hẳn sẽ cuống quýt nồng nhiệt cảm ơn, hoặc tự cảm thấy bắt buộc phải phản đối, hay tỏ ra xúc động.
Còn người đàn bà này chỉ hỏi:
- Anh ngủ được chứ?
- Được.
Nàng hỏi nhỏ bởi lúc ấy còn có nhiều người đang ngủ, nhưng nàng thấy cái việc đưa mắt chào những bạn đồng hành đã thức đang ngó chúng tôi, như tôi đã làm, chẳng ích gì.
Ngày nay tôi tự hỏi chẳng biết có phải hôm trước, khi nàng len lén leo lên toa chúng tôi, đó chính là điều khiến tôi ấn tượng hay không. Nàng không sống cùng những kẻ khác. Nàng không tham gia. Nàng sống tách biệt một mình giữa những kẻ khác.
Có lẽ thật khôi hài khi nói điều này sau chuyện vừa diễn ra đêm qua. Dầu vậy tôi tự thông cảm với tôi. Hôm qua, nàng đã đi theo tôi dọc đường sắt, mà tôi thì không hề gọi nàng. Tôi cho nàng một cái vỏ chai mà không đòi nàng gì để bù lại. Tôi không nói với nàng. Tôi không hỏi nàng câu nào.
Nàng đã bằng lòng nhận một chỗ trên cái rương của tôi mà không cảm thấy cần phải nói cảm ơn, cũng như đối với chiếc áo vét-tông của tôi lúc này. Và, khi hai thân thể chúng tôi xáp lại nhau, nàng đã tự phơi trần bụng nàng ra và hướng dẫn cử động của tôi.
- Em không khát à?
Trong chai thứ nhì vẫn còn nước và tôi rót cho nàng uống bằng cái ly loại thường dùng trong mỗi lần đi cắm trại mà vợ tôi đã để vào vali.
- Mấy giờ rồi?
- Sáu giờ mười.
- Chúng ta đang ở đâu vậy?
- Anh cũng không biết nữa.
Nàng lùa tay vào mái tóc, vẫn để ý ngắm tôi, vẻ suy tư.
- Anh có vẻ bình thản, - cuối cùng nàng nói như để kết luận cho chính mình. - Anh lúc nào cũng có vẻ bình thản. Cuộc đời không khiến anh sợ hãi. Anh không có nhiều vấn đề, phải vậy không?
- Này, hai người không im đi được hay sao? - Bé bự Julie càu nhàu.
Chúng tôi mỉm cười và cùng ngồi trên chiếc rương để ngắm phong cảnh đang lướt qua. Tôi cầm tay Anna. Nàng để mặc tôi làm như vậy, nhưng tôi tin rằng nàng có hơi sửng sốt, nhất là lúc tôi nâng bàn tay nàng lên môi hôn vào mấy đầu ngón tay.
Một lúc lâu sau, chúng tôi thấy, tại một ngôi làng, các tín hữu đang ra khỏi nhà thờ sau khi tan lễ mixa, cảnh đó nhắc cho chúng tôi biết bữa nay là Chủ nhật, và tôi đã kinh ngạc trước ý nghĩ mới cách đây hai ngày, ở nhà chúng tôi, cũng vào giờ này, tôi đang phân vân tự hỏi chẳng biết tôi và vợ con có nên ra đi hay không.
Tôi nhớ lại lúc, tôi ném bắp cho gà ăn trong khi nước pha cà phê đang sôi, rồi tôi nhớ lại cái đầu của ông Matray nhô lên khỏi bức tường, vợ tôi ló mặt ra ở cửa sổ, bộ mặt nàng vừa phị ra vừa căng thẳng, rồi sau đó, tiếng nói đầy vẻ lo âu của con gái tôi.
Tôi tưởng như lúc này mình vẫn còn nghe những câu đối thoại hoạt kê trong mấy radio đề cập tới vụ không tìm thấy viên đại tá và lúc này đây tôi hiểu rõ ràng hơn rằng tôi đã tự mình lao vào tình trạng hỗn độn.
Lại thêm một lần nữa, tàu phải chạy chậm lại. Một khoảng đường vòng đã khiến chúng tôi được đi gần như khắp xung quanh ngôi làng nằm trên ngọn đồi.
Tại đây, hình thể và màu sắc của thánh đường và các ngôi nhà không giống như ở chỗ tôi, thế nhưng tại sân trước nhà thờ, các tín hữu sinh hoạt theo những cách thức y hệt.
Cánh đàn ông mặc y phục đen, tất cả đều cao tuổi, vì những người trẻ tuổi hơn hiện đang phải ở ngoài mặt trận, đang đứng thành từng nhóm trên bãi đất, người ta đoán được rằng chỉ một lát nữa các ông đó sẽ đều kéo cả vào quán rượu.
Các bà già ra về, rời rạc từng người, đi men theo những bức tường với dáng điệu vội vàng, hối hả, trong lúc những thiếu nữ mặc váy màu nhạt và đám choai choai đợi nhau đi, với cuốn sách lễ cầm trên tay, còn mấy đứa bé con thì vừa bước ra khỏi sân nhà thờ là đã cắm cổ chạy.
Anna vẫn quan sát tôi và tôi tự hỏi liệu nàng có đi xem lễ mixa ngày Chủ nhật không. Trước khi sanh Sophie, tôi và Jeanne thường dự lễ trọng lúc mười giờ. Sau đó chúng tôi đi dạo một vòng thành phố, vừa đi vừa chào những người quen biết, trước khi tới cửa hàng của em gái nàng để lấy bánh ngọt.
Tôi trả tiền chiếc bánh này. Tôi đã nài nỉ được trả tiền, chỉ chấp nhận một khoản trừ hai chục phần trăm. Thường, cái bánh vẫn còn hơi ấm và trên đường về, tôi ngửi thấy mùi thơm ngọt của nó.
Từ sau khi sanh Sophie, Jeanne có thói quen đi dự buổi lễ bảy giờ còn tôi thì ở nhà trông con, đến khi Sophie biết đi, tôi đưa nó dự lễ mười giờ trong lúc vợ tôi ở nhà làm bữa ăn trưa.
Liệu ở Fumay sáng nay có lễ trọng hay không? Ở đó có còn nhiều tín hữu hay không? Bọn Đức có oanh tạc hay xâm chiếm thành phố chưa?
- Anh đang nghĩ gì vậy? Nghĩ tới vợ anh à?
- Không.
Đúng thế. Jeanne chỉ thoáng hiện trong các ý nghĩ ấy mà thôi. Cùng lúc nghĩ tới nàng, tôi còn nghĩ tới cả ông già Matray và cô gái nhỏ có mái tóc uốn thành từng lọn của ông giáo nữa. Liệu chiếc xe hơi của họ có mở nổi một lối đi giữa đám hỗn độn trên đường cái hay không? Ông Reversé có tới kiếm lũ gà mái và con Nestor đáng thương của chúng tôi hay không?
Tôi không thấy mủi lòng. Tôi đã đặt ra cho mình những câu hỏi này thật khách quan, gần như là để tiêu khiển vậy, bởi vì lúc này bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, chẳng hạn thậm chí thành phố Fumay có thể đã bị san thành bình địa và dân chúng tại đó đã bị bắn chết hết.
Chuyện như thế cũng có thể xảy ra giống như cái chết của thợ máy con tàu này trong phòng đầu máy của bác ta, hoặc nữa, đối với tôi, cũng có thể xảy ra như vụ tôi đã làm tình giữa bốn chục con người, với một thiếu phụ trẻ vừa ra khỏi tù mà chỉ mới bữa kia thôi, tôi không hề quen biết.
Những kẻ khác, giống như hai chúng tôi, đã ngồi dậy, càng lúc càng nhiều thêm, với cặp mắt lờ đờ, và một số lấy đồ ăn từ trong bọc hành lý của họ ra. Tàu chạy tới một thành phố. Tôi đã đọc, trên loạt bảng chỉ dẫn, những cái tên lạ hoắc đối với tôi, và khi được biết là chúng tôi đang ở Auxerre, tôi phải cố nhớ lại bản đồ nước Pháp.
Ngày nay tôi chẳng hiểu vì sao dạo ấy tôi cứ đinh ninh trong đầu rằng tàu sẽ chạy qua Ba Lê. Chúng tôi đã tránh thành phố đó, và rất có thể tàu đã đi qua ngả Troyes lúc ban đêm.
Giờ đây, dưới giàn kiếng lớn của nó, chúng tôi khám phá một nhà ga có bầu không khí khác biệt với nhà ga nơi chúng tôi đã dừng lại trước đó.
Tại nơi này, đó là bầu không khí của một buổi sáng Chủ nhật đích thực, một Chủ nhật trước khi có chiến tranh, không có công tác tiếp đón, không có các nữ y tá, không có những thiếu nữ đeo băng tay.
Có tổng cộng chừng hai chục người, tất cả ngồi chờ trên hàng ghế dài sơn màu lục đặt dọc bờ ke và ánh nắng, lọc qua những ô kiếng bẩn, bị biến thành bụi, tạo cho sự im lặng quạnh quẽ một cái gì như là không thực.
- Thưa sếp, tàu sẽ đậu lại đây lâu không?
Viên chức đó nhìn cái đầu tàu rồi nhìn lên đồng hồ treo, tôi tự hỏi tại sao, bởi vì ông ta trả lời:
- Tôi cũng không biết nữa.
- Liệu có đủ thời giờ tới quầy giải khát không?
- Chắc chắn ông có được ít nhất là một tiếng đồng hồ.
- Tàu này đưa chúng tôi tới đâu vậy?
Ông ta nhún vai bỏ đi, cử chỉ đó có nghĩa là câu hỏi đã vượt quá thẩm quyền của ông.
Tôi tự hỏi không biết chúng tôi - tôi cố ý dùng tiếng “chúng tôi” - có bị mếch lòng vì không được tiếp đãi, vì đột nhiên bị sa vào tình trạng phải tự lo liệu lấy thân hay không. Có kẻ nào đó, khi phát hiện theo cách của y cái cảm nghĩ chung, đã thốt ra:
- Vậy là người ta không nuôi bọn mình nữa sao?
Cứ như thể việc được nuôi đã trở thành một cái quyền vậy.
Cũng vì thế, và cũng bởi chúng tôi đang ở một xứ văn minh, tôi bảo Anna:
- Em có đi không?
- Đi đâu?
- Kiếm cái gì ăn.
Khi đã ở dưới sân ga, nơi chúng tôi đột nhiên có một khoảng không gian quá rộng rãi, phản ứng đầu tiên của chúng tôi là ngó con tàu từ đầu tới cuối và quả tình chúng tôi tỉnh ngộ hẳn khi khám phá ra rằng con tàu này không giống như cũ.
Chẳng những đầu máy đã bị thay thế bằng đầu máy khác mà tôi còn đếm được từ sau toa trữ than có mười bốn toa Bỉ, những toa chở hành khách, trông bề ngoài có vẻ cũng sạch sẽ như toa của các đoàn tàu bình thường.
Phần những toa chở súc vật và hàng hóa của chúng tôi, chỉ còn lại có ba toa.
- Bọn khốn kiếp đã lại một lần nữa cắt chúng ta ra làm đôi!
Mấy cửa lên xuống của toa phía trên mở ra và người đầu tiên bước xuống là một giáo sĩ đồ sộ, dáng dấp lực sĩ, ông ta đi tới chỗ viên sếp ga, vẻ bệ vệ.
Họ thảo luận với nhau. Viên chức có vẻ như chấp thuận một điều gì đó và sau đấy, vị giáo sĩ quay trở lại với những người còn ở trong toa, giúp một bà phước đội mão trắng bước xuống sân ga.
Tất cả có bốn bà phước, trong đó hai người rất trẻ, mặt mũi tươi tắn hồng hào, đang cho khoảng bốn chục ông lão vận những bộ đồ lớn y hệt nhau bằng vải len màu xám xuống và bắt họ đứng xếp thành hàng trên sân như một đoàn học sinh.
Đó là cả một viện dưỡng lão được di tản, và về sau, chúng tôi được biết con tàu mà mấy toa của chúng tôi được móc sang trong lúc chúng tôi đang ngủ là tàu từ Louvain tới.
Những người đàn ông đứng xếp hàng kia tất cả đều già cả, đều ít nhiều tàn tật. Đám râu mọc dài, trắng và cứng lởm chởm trên những khuôn mặt nổi bật hẳn lên giống như trong những bức họa thời cổ.
Điều đáng chú ý nhất chính là cái vẻ tuân phục của họ và sự thản nhiên mà người ta đọc thấy trong mắt họ. Họ để người ta dẫn mình tới quầy hàng ăn dành cho hành khách các toa hạng nhì, nơi họ được đặt ngồi như trong một thực xá và cũng tại quầy ăn uống đó, ông giáo sĩ nói nhỏ với viên quản lý.
Lần này nữa, Anna đã ngó tôi. Phải chăng vì vị giáo sĩ và mấy bà phước tốt lành ấy mà nàng ngó tôi, bởi nàng nghĩ rằng thế giới đó quen thuộc với tôi? Hoặc giả các ông lão xếp thành hàng kia nhắc cho nàng cái cảnh sinh hoạt trong nhà giam và thứ kỷ luật mà tôi không biết tới còn nàng thì đã trải qua?
Tôi cũng chẳng hiểu là vì lý do nào. Hai chúng tôi, người nọ cũng như người kia, phóng ánh mắt thăm dò chớp nhoáng để rồi, ngay sau đó, cùng lấy lại vẻ ung dung.
Các đồn binh ở Liège lọt vào tay quân Đức”.
Tôi đọc được cái tít đó trên một tờ nhật báo ở sạp, và tôi còn thấy, với những hàng chữ nhỏ hơn:
Các toán quân nhảy dù đang tấn công kinh Albert”.
- Em muốn ăn gì? Em có thích ăn bánh croissant không?
Nàng gật đầu.
- Cà phê sữa nghe?
- Đen. Nếu có đủ thời giờ, em muốn rửa mặt trước đã. Anh cho em mượn cái lược đi.
Vì đã yên vị ở một bàn trong lúc các bàn khác đều hết chỗ, tôi không dám đứng dậy đi theo Anna. Lúc nàng bước qua cái cửa gắn kiếng, tôi cảm thấy ngực mình thắt lại, bởi trong óc tôi nảy ra ý nghĩ có lẽ tôi sẽ chẳng còn được thấy nàng.
Ngó qua cửa sổ, tôi thấy một quảng trường yên tĩnh, mấy xe taxi đậu, một khách sạn dành cho lữ khách, một quán rượu nhỏ sơn màu xanh dương, tại đó, một gã bồi đang lau chùi đống bàn xoay đặt ở hàng hiên.
Chẳng hề có gì ngăn cản Anna bỏ đi.
- Cậu có tin tức gì về vợ và con gái cậu không?
Fernond Leroy đứng trước mặt tôi, một lon bia cầm trên tay và mắt y có vẻ giễu cợt. Tôi vừa trả lời không vừa cố gắng giữ để khỏi đỏ mặt, bởi tôi hiểu là y đã biết chuyện xảy ra giữa Anna và tôi.
Tôi chẳng bao giờ ưa Leroy. Là con trai một viên quản kỵ binh, khi chúng tôi còn học chung trường, Leroy từng giải thích với tôi:
- Trong kỵ binh, một viên quản còn quan trọng hơn nhiều so với một trung úy hoặc thậm chí một đại úy ở binh chủng khác nhiều.
Leroy thường sắp đặt để những học trò khác bị phạt thế cho y, và các giáo viên thường lầm lẫn vì cái vẻ thơ ngây như vô tội của y, điều đó không ngăn cản y nhăn nhở khi họ quay lưng đi.
Sau này, tôi được biết là y bị trượt tú tài hai lần. Cha y đã chết. Mẹ y làm công việc ngồi két tại một rạp chiếu bóng. Y làm việc cho hiệu sách Hachette và hai hoặc ba năm sau y cưới con gái một thầu khoán giàu.
Phải chăng y đã cưới cô ta cốt để đào mỏ? Tôi không bận tâm đến câu hỏi ấy. Không hề có ẩn ý gì cả, đến lượt tôi hỏi y:
- Vợ cậu không đi cùng với cậu sao?
- Tớ ngỡ cậu đã biết rồi chớ. Bọn này hiện đang trong thời kỳ xin ly dị mà.
Nếu không vướng y, có lẽ tôi đã chạy đi kiếm Anna. Thời gian có vẻ như dài đằng đẵng. Hai bàn tay tôi trở nên ẩm ướt. Lòng tôi nôn nóng, cảm giác nôn nóng mà tôi chưa hề biết, có lẽ so sánh được, nhưng mạnh hơn, với sự nôn nóng đã khiến ngực tôi thắt lại, hôm thứ Sáu vừa rồi, tại ga Fumay, khi tôi tự hỏi chẳng biết chúng tôi có đi nổi không.
Một cô hầu bàn tới gần. Tôi gọi cà phê và croissant cho hai người trong lúc Leroy lại nở nụ cười đáng sợ. Những tên thuộc loại này, tôi tự nhủ, có thể bôi nhọ mọi sự bằng một ánh nhìn và, trong suốt thời gian chờ đợi, tôi đã thực tình gớm ghét y.
Mãi tới lúc nhìn thấy Anna đẩy cửa bước vào, y mới ném cho tôi một câu trước khi bỏ đi về hướng quầy rượu:
- Thôi tớ để cho hai người với nhau.
Ờ, phải, hai người với nhau, chúng tôi lại có hai đứa với nhau. Ánh mắt tôi chắc hẳn tiết lộ niềm vui bên trong tôi, vì Anna đã thì thầm, khi vừa ngồi xuống trước mặt tôi:
- Anh sợ là em không trở lại hả?
- Ừ.
- Tại sao?
- Anh cũng không biết nữa. Bỗng nhiên anh cảm thấy không yên tâm và suýt thì anh đã chạy theo em trên sân ga.
- Em không có tiền.
- Thế nếu em có tiền thì sao?
- Có lẽ em cũng chẳng bỏ đi đâu.
Nàng không nói rõ có phải vì tôi mà nàng không bỏ đi hay không, nàng chỉ hỏi xin tôi một đồng xu để cho bà gác phòng vệ sinh, rồi nàng mang tiền đến cho bà ta.
Các ông già im lặng ngồi ăn, như ở viện dưỡng lão. Người ta đã kê bàn sát vào nhau. Vị giáo sĩ ngồi ở đầu dãy bàn, bà phước lớn tuổi nhất ngồi ở đầu kia. Lúc đó là mười giờ rưỡi sáng. Chắc hẳn để gộp hai bữa thành một, hoặc giả bởi vì người ta không biết điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước, người ta đã kêu cho mỗi ông già đó phô mai và một quả trứng luộc.
Một số ông già không còn răng nên chỉ nhai bằng lợi.
Một ông trong đám cứ để cho nước dãi chảy ròng ròng khiến một bà phước phải choàng cái khăn giấy quanh cổ ông và chăm chú theo dõi từng cử chỉ của ông. Rất nhiều ông có viền mắt đỏ, những sợi gân xanh lớn nổi rõ ở bàn tay họ.
- Anh không đi rửa mặt cho mát à?
Không những tôi đi rửa mặt mà còn mang theo quần áo lấy trong vali ra để thay. Trong các phòng, các bạn cùng toa với tôi đang cởi trần cả ra mà lau rửa, cạo mặt, chải những mớ tóc ướt. Cái khăn mặt thật dài, được mắc vào một trục quay, đen ngỏm vì dơ và nực mùi hôi hám.
- Cậu có biết bao nhiêu thằng đã lăn qua nó đêm qua không?
Hơi thở của tôi như tắc nghẽn, ngực tôi như bị một cái then chặn ngang, điều đó khiến tôi hiểu là tôi ghen.
- Ngoài thẳng to lớn, còn ba thằng nữa! Tớ đã đếm mà, bởi lúc đó tớ thao thức không sao ngủ được. Có điều, bồ ơi, bọn họ phải nhả hai mươi đồng, giống như ở quán. Cậu từng tới quán của nó rồi chứ, hả cậu?
- Một lần, với anh rể tôi.
- Anh rể cậu? Ai vậy?
- Cậu đã gặp hắn khi cậu xin lập hôn thư và khi cậu khai sanh cho lũ con cậu. Hắn là viên chức hộ tịch mà.
- Hắn có đi chuyến tàu này không?
- Họ không được quyền đi. Thấy người ta nói thế! Vậy mà chính mắt tớ đã nhìn thấy một sĩ quan cảnh sát cưỡi mô tô chở vợ đằng sau chuồn khỏi thành phố.
Tại sao tôi sợ hãi? Nỗi sợ hãi đó còn nực cười hơn bởi tôi là người ngủ thính còn Anna thì gần như là ngủ trong vòng tay tôi.
Cũng tại khu tắm rửa, tôi được biết là trong đêm qua còn có những vụ gặp gỡ khác, trong cái góc đối diện góc của chúng tôi, giữa những kẻ khác với một bà nhà quê to lớn tuổi đã quá ngũ tuần. Người ta còn đồn đại rằng, sau khi mấy gã đàn ông khác đã nếm mùi thì ngay cả lão Jules cũng nhào vào “thử thời vận” và mụ kia đã phải vất vả mới xô lão ra được.
Phải chăng thật là điều kỳ lạ khi không ai có chút hành động “thử thời vận” nào với Anna? Người ta đã trông thấy nàng một mình bước lên toa. Như vậy người ta cũng biết rằng nàng không đi với tôi, rằng cuộc gặp gỡ giữa hai chúng tôi chỉ là ngẫu nhiên. Trong tâm trí những người đàn ông đó, chẳng có lý do nào khiến họ để cho tôi quyền độc chiếm nàng.
Dầu vậy, họ vẫn bằng lòng chỉ quan sát nàng từ xa. Đúng như thế và điều đó giờ đầy khiến tôi xúc động, không một ai nói gì với nàng cả. Phải chăng họ đã nhận ra rằng nàng không cùng dòng giống với họ? Họ nghi ngại chăng?
Tôi đã trở lại với nàng. Viên sếp ga đã hai lần đến chuyện vãn với vị giáo sĩ. Do đấy, chừng nào các ông già còn ngồi trong quán, chúng tôi không lo tàu có thể chạy bỏ chúng tôi lại.
- Này sếp, sếp có biết tàu này chở bọn tôi đi đâu không?
Người hỏi câu đó là gã đàn ông ngậm ống vố, vừa xuất hiện, râu ria nhẵn nhụi, các túi nhét đầy những bao thuốc hút mà gã mua để trữ.
- Trong lúc này, tôi được chỉ thị đưa các ông tới Bourges, qua ngả Clamecy, nhưng quyết định ấy có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
- Rồi sau đó?
- Tại Bourges, người ta sẽ định liệu sau.
- Hành khách có quyền xuống bất cứ nơi nào mà họ muốn chăng?
- Ông muốn rời bỏ tàu à?
- Tôi thì không. Tôi muốn nói trường hợp có người muốn xuống chẳng hạn.
- Tôi cũng không biết làm sao để ngăn cản họ, cũng không biết tại sao lại ngăn cản họ.
- Tại các ga trước, người ta ngăn không cho chúng tôi rời khỏi toa.
Viên sếp ga gãi đầu, có vẻ thực sự băn khoăn về vấn đề đó.
- Điều này tùy thuộc vào việc các ông được coi như những kẻ được di tản hay những kẻ đi lánh nạn.
- Có sự khác biệt nào sao?
- Người ta có dùng võ lực bắt các ông phải ra đi thành từng nhóm không?
- Không.
- Trong trường hợp ấy, các ông là người đi lánh nạn hơn là được di tản. Các ông có phải mua vé không?
- Lúc đó tại chỗ bán vé không có ai cả.
- Trên nguyên tắc...
Vấn đề trở nên quá rắc rối đối với viên sếp ga, và sau một cử chỉ mơ hồ, ông ta bỏ đi tới phía ke số 3, nơi có một chuyến xe lửa sắp tới, một chuyến xe lửa thực sự, với những hành khách thông thường, những kẻ biết rõ mình đi đâu và đã trả tiền mua vé.
- Bạn có nghe thấy những gì ông ta vừa nói không?
Tôi gật đầu.
- Giá mà tôi biết sẽ gặp lại vợ con tôi ở đâu. Tại các ga trước, người ta coi tụi mình như lính hay tù binh chiến tranh vậy: phải làm việc này, cấm xuống sân ga, phân phát đồ giải khát và bánh xăng-uých, đàn bà ở phía trước đàn ông ở phía sau, ai nấy bị sắp vào toa như lũ mục súc. Người ta cắt toa mà không cho mình hay biết gì cả, rồi chúng nó oanh tạc mình, chia cắt mình, tóm lại bọn mình không còn được là người nữa... Thế rồi, tại chỗ này bỗng nhiên mình được hoàn toàn tự do. Các ông muốn làm gì thì làm, tùy ý. Các ông thích ra sao, cứ việc tự tiện...
Có thể là ngày tới hoặc ngay tối nay, tình hình tại ga Auxerre sẽ đổi khác. Kỷ niệm tốt đẹp nhất của tôi là đã được, nhân lúc người ta để chúng tôi có đủ thời giờ, đi dạo phía ngoài nhà ga với Anna. Thật thích thú khi được ở trên một quảng trường đích thực, những hè đường đích thực, giữa những người chưa phải bận tâm lo ngại vì đám phi cơ.
Chúng tôi trông thấy nhiều toán người chầm chậm trở về sau buổi lễ mixa, và hai chúng tôi đã bước vào một quán rượu nhỏ sơn màu xanh, tại đó tôi uống một ly nước chanh, còn Anna, sau khi lén đưa mắt nhìn tôi, đã gọi một ly rượu khai vị của Ý.
Kể từ lúc chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình cho tới bây giờ, đây là ga đầu tiên mà chúng tôi được nhìn thấy phía bên ngoài, với chiếc đồng hồ lớn và giàn mái lồng kiếng, bóng mát của tiền sảnh tương phản với quảng trường ngập nắng, và những tờ nhật báo sặc sỡ treo quanh sạp báo.
- Ông và bà từ đâu tới vậy?
- Fumay.
- Tôi lại cứ ngỡ là một con tàu Bỉ.
- Có những toa Bỉ và những toa Pháp.
- Tối qua thì có người Hòa Lan. Hình như tàu đó đi tới Toulouse. Còn ông và bà đi đâu?
- Chúng tôi cũng chẳng biết nữa.
Gã hầu bàn ngẩng đầu lên ngó tôi, vẻ không tin. Mãi về sau này tôi mới hiểu phản ứng đó của y.
- Sao, chính các ông các bà cũng không biết là đi đâu à? Như vậy là các ông các bà cứ đánh liều nhắm mắt đưa chân sao?
Có những thành phố đã lâm vào vòng chiến, các thành phố khác thì chưa. Vì vậy, dọc đường tàu chạy chúng tôi đã thấy nhiều ngôi làng yên tĩnh nơi người ta vẫn nhởn nhơ với công việc, và các thị trấn chen chúc những đoàn xe đủ loại.
Cảnh đó không chỉ lệ thuộc vào khoảng cách với mặt trận. Đâu phải chỉ có mỗi một mặt trận?
Tại Bourges chẳng hạn, ngay giữa buổi chiều, chúng tôi lại thấy ban tiếp đón như ở phía Bắc, lại thấy một sân ga đầy lúc nhúc những gia đình đang chờ đợi giữa đám vali và bọc hành lý.
Đó vẫn là những người Bỉ. Tôi tự hỏi làm sao họ có thể tới đây trước chúng tôi. Chắc hẳn họ đã đi theo một ngả đường khác ít bị trở ngại hơn con đường của chúng tôi, nhưng họ đã phải nếm một cuộc mạo hiểm tương tự, trầm trọng hơn, ở chỗ biên giới.
Nhiều phi cơ đã oanh tạc họ. Tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà và trẻ con, đã phải xuống khỏi tàu, nằm núp vào những bờ rãnh. Bọn Đức đã quay trở lại tấn công họ hai lần nữa, khiến đầu máy bị hư, và làm cho chừng một chục người chết hoặc bị thương.
Tại ga Bourges, người ta cấm chúng tôi xuống khỏi tàu, e bị lẫn lộn với những người dưới sân, nhưng khi người ta mang đồ ăn thức uống tới cho chúng tôi, chúng tôi nói chuyện với những kẻ đứng dưới.
Tại Auxerre, tôi đã mua hai giỏ thức ăn. Dầu vậy, hai chúng tôi vẫn lấy bánh xăng-uých để dành, bởi vì chúng tôi đã trở nên thận trọng.
Những người Bỉ dưới sân ga coi có vẻ ủ dột, thất thần. Họ đã phải lội bộ suốt hai tiếng đồng hồ trên những thanh tà vẹt và đám đá đường tàu trước khi tới ga, mang theo những gì mà họ đủ sức mang, và phải vứt bỏ lại phần lớn hành lý.
Như thường lệ, gã đàn ông ngậm ống vố là kẻ biết nhiều tin tức hơn cả, trước hết là do vị trí chiến lược của gã ở gần cửa lên xuống, sau nữa là vì gã không ngại đặt câu hỏi.
- Các ông có nhìn thấy cái bà tóc vàng hoe mặc rốp chấm xanh đằng kia không? Con bả chết giữa đường và bả đã bồng nó về tận tới ga... Đám bên đó có vẻ như một xứ nhỏ. Mọi người đều đến thăm hỏi bả, và bả đã trao xác đứa nhỏ cho ông thị trưởng, một người vốn là chủ trại, để ông ta chôn nó.
Bà tóc vàng ấy, với cặp mắt ngơ ngác, đang lơ đãng ngồi ăn trên chiếc vali màu nâu được chằng thật chặt bằng sợi thừng.
- Một chuyến xe lửa đã đi kiếm họ, và đã bỏ những kẻ chết và bị thương xuống một ga lớn hơn, họ chẳng biết chính xác là ga nào. Tại đây, người ta cho họ xuống bởi vì người ta cần các toa của họ và họ phải chờ đợi từ tám giờ sáng đến giờ.
Cả những kẻ đó cũng nhìn chúng tôi với vẻ ganh tị, và họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra với họ. Một nữ y tá coi thật tươi mát, xinh đẹp, bộ đồng phục hồ cứng không một vết dơ, đang dùng bình sữa cho một đứa nhỏ bú trong lúc người mẹ lúi húi lục lọi bọc quần áo để kiếm tã thay cho nó.
Chúng tôi đã không trông thấy con tàu nào tới với họ. Vậy nên tôi cũng chẳng biết bao giờ họ có thể đi được và rốt cuộc người ta sẽ đưa họ tới đâu. Thực sự tôi cũng chẳng biết vợ tôi và con gái tôi hiện đang ở đâu.
Tôi cố thăm dò tin tức, đã hỏi cái bà có vẻ là người điều phối công tác tiếp đãi và bà ta thản nhiên trả lời tôi:
- Đừng lo gì cả. Mọi chuyện đã được định liệu. Sẽ có các bản danh sách.
- Có thể tìm những danh sách đó ở đâu?
- Ở trung tâm người ta sẽ tiếp nhận ông. Ông là người Bỉ à?
- Không. Tôi ở Fumay.
- Làm sao mà ông lại đi trên một chuyến tàu của người Bỉ?
Tôi đã nghe câu hỏi đó cả chục, hai chục lần rồi. Thiếu điều họ khiến chúng tôi phải buồn bã vì sự hiện diện của chúng tôi. Ba toa tàu bất hạnh của chúng tôi, sau một lầm lẫn sao đó chỉ có trời mới biết, đã không nằm đúng ở cái chỗ lẽ ra chúng phải nằm, và người ta gần như gán trách nhiệm cho chúng tôi về sự trạng ấy.
- Những người Bỉ hiện được gửi tới đâu vậy?
- Trên nguyên tắc, tới Gironde và vùng Charentes.
- Tàu này có tới đó không?
Cũng giống như viên sếp ga ở Auxerre, bà ta chỉ đáp lại bằng một cử chỉ mơ hồ.
Trái hẳn với điều người ta có thể tưởng, lúc ấy tôi đã không lo lắng gì lắm khi nghĩ tới Jeanne và con gái tôi, chẳng những thế lòng tôi lại còn thanh thản, bình tĩnh nữa là đằng khác.
Có một lúc, tim tôi se thắt lại khi nghe chuyện con tàu bị oanh tạc, chuyện đứa bé chết và mẹ nó bắt buộc phải bỏ xác nó lại một ga nhỏ.
Nhưng rồi tôi tự nhủ rằng những chuyện như thế xảy ra ở mạn Bắc, còn tàu chở Jeanne chạy phía trước tàu chúng tôi, do đấy đã thoát khỏi khu vực nguy hiểm trước chúng tôi rồi.
Tôi yêu vợ tôi. Nàng đúng là người mà tôi ước mơ và đã mang lại cho tôi đúng những gì tôi vẫn chờ đợi ở một người bạn đời. Tôi không có điều gì để phiền trách vợ tôi. Tôi cũng không tìm kiếm điều gì để phiền trách nàng và chính vì vậy mà tôi đã rất tức giận Leroy về cái nụ cười lập lờ của hắn.
Jeanne không can dự gì tới những chuyện xảy ra lúc này, cũng chẳng can dự tới buổi lễ mixa lúc mười giờ chẳng hạn, hoặc hiệu bánh ngọt của em gái nàng, hoặc những chiếc máy thâu thanh có dán nhãn nơi xưởng làm việc của tôi.
Sở dĩ có khi tôi dùng tiếng “chúng tôi” khi nói đến những người ở cùng toa là bởi vì, xét từ một số khía cạnh, tôi hiểu rằng chúng tôi đã có cùng những phản ứng giống nhau. Còn về điểm này, hiện tôi đang nói cho tôi, mặc dầu tôi tin chắc rằng chẳng phải một mình tôi như vậy.
Một sự nứt rạn đã xảy ra. Điều đó không có nghĩa là quá khứ không còn tồn tại, càng không có nghĩa là tôi đã chối bỏ gia đình tôi và thôi không còn yêu nó nữa.
Nó chỉ có nghĩa là trong một quãng thời gian không hạn định nào đó, tôi đã sống trên một bình diện khác, ở đó những giá trị không hề có gì liên quan đến các giá trị cuộc sống xưa cũ của tôi.
Hẳn tôi có thể nói rằng tôi đã cùng lúc sống trên hai bình diện khác nhau, nhưng trong hiện tại trực tiếp ấy, cái đáng kể là toa tàu có mùi chuồng ngựa của chúng tôi, là những bộ mặt mà mấy ngày trước đó tôi không hề biết tới, những rổ đựng bánh xăng-uých của mấy cô gái đeo băng tay, và Anna.
Ngày nay tôi tin chắc rằng lúc đó Anna đã hiểu tôi. Nàng không còn cố trấn an tôi chẳng hạn bằng cách bảo tôi rằng vợ và con tôi không gặp nguy hiểm nào đâu và chắc hẳn chẳng bao lâu nữa tôi sẽ gặp lại họ.
Óc tôi nhớ tới một câu mà nàng từng thốt ra lúc buổi sáng:
- Anh thật bình tĩnh, anh ấy!
Nàng đã coi tôi như một kẻ mạnh mẽ và tôi ngờ rằng chính vì thế mà nàng quyến luyến tôi. Lúc đó, tôi chẳng biết chút gì về cuộc đời nàng ngoài lời nói bóng gió của nàng về nhà tù ở Namur, và ngày nay tôi cũng không biết thêm gì mấy. Hiển nhiên là lúc ấy nàng không có chỗ bấu víu, không có điểm tựa vững chắc.
Trên thực tế, phải chăng nàng mới chính là kẻ mạnh hơn?
Nếu tôi nhớ không lầm thì tại ga Blois, nơi vẫn có đoàn tiếp đón đợi chúng tôi, nàng là người cất tiếng trước:
- Có chuyến xe lửa nào từ Fumay qua đây không?
- Xứ Fumay đó là ở chỗ nào?
- Trong vùng Ardennes, gần biên giới Bỉ.
- Hiện có rất nhiều người Bỉ đi qua đây.
Lúc ấy, chúng tôi có thể thấy trên khắp các nẻo đường những chiếc xe hơi Bỉ chạy sát đuôi nhau thành hai hàng, thành thử chỗ nào cũng có cảnh nghẽn đường. Cũng có cả xe Pháp, nhưng ít hơn nhiều, nhất là tại các tỉnh mạn Bắc.
Vốn trước đây tôi chưa biết sông Loire, con sông đang lấp lánh dưới ánh mặt trời, và chúng tôi nhìn thấy hai hoặc ba tòa lâu đài lịch sử rất quen thuộc với tôi bởi tôi từng nhìn thấy chúng trên các tấm bưu thiếp.
- Em từng tới đây rồi à? - tôi hỏi Anna.
Nàng ngần ngừ rồi vừa trả lời “vâng” vừa siết chặt mấy đầu ngón tay tôi. Phải chăng nàng đoán biết rằng nàng đã khiến tôi hơi khổ sở, rằng có lẽ tôi thích nàng đừng có quá khứ?
Thật phi lý. Nhưng há chẳng phải tất cả mọi chuyện đã trở thành phi lý và há chẳng phải chính sự phi lý đó là cái mà tôi tìm kiếm sao?
Gã lái ngựa đang nằm ngủ. Cô ả Julie nốc rượu quá nhiều và đang vừa giơ hai bàn tay đỡ lấy ngực vừa nhìn ra cửa toa với dáng bộ của kẻ sắp nôn mửa.
Khắp toa, trên đám rơm, chỗ nào cũng có vỏ chai rượu cùng đồ ăn, và tay thiếu niên mười lăm tuổi không biết đã móc được ở chỗ nào hai cái mền nhà binh.
Mỗi người đều có một chỗ xác định, một góc riêng mà họ chắc chắn sẽ không bị chiếm mất trong trường hợp họ tạm xuống sân ga khi được phép xuống.
Tôi thấy hình như lúc này bọn chúng tôi đỡ đông hơn lúc mới khởi hành, hình như thiếu mất bốn, năm người, nhưng vì không đếm trước nên tôi không chắc lắm, trừ đứa bé gái mà mấy bà phước, thấy nó trong đám chúng tôi, đã đưa lên toa của mấy bà, làm như thể chúng tôi là lũ quỷ vậy.
Buổi tối, tại ga Tours, người ta cung cấp cho chúng tôi món xúp đựng trong tô lớn, thịt hầm và bánh mì. Màn đêm bắt đầu buông. Tôi nôn nóng muốn kiểm lại sự thân tình của chúng tôi đêm trước. Điều đó hẳn phải thấy rõ, bởi vì Anna đã ngó tôi vẻ hơi xúc động.
Theo những tin tức mới nhất, hiện tàu đang đưa chúng tôi tới Nantes, tại đó có lẽ người ta sẽ quyết định đích đến dứt khoát cho chúng tôi.
Một kẻ nào đó, cuộn mình trong tấm mền, thốt lên:
- Ngủ ngon, các bạn!
Vẫn còn thấy vài đốm lửa thuốc lá cháy lập lòe, và tôi im lìm chờ đợi, mắt chăm chú dõi theo ánh đèn hiệu bên ngoài, những thứ mà đôi khi tôi lầm với các ngôi sao.
Jef vẫn ngủ. Tuy nhiên đã có những chuyển động khả nghi ở phía Julie, rồi bỗng nhiên tiếng cô ả nổi lên phá vỡ sự yên lặng:
- Không, các con. Đêm nay đây thèm ngủ. Phải biết như vậy chứ.
Anna cười thành tiếng bên tai tôi và hai chúng tôi chờ thêm nửa tiếng nữa.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét