Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Cái xích cũ


Cái xích cũ

Tác giả: Nguyên Hồng


Bà Phó ngồi thụp xuống, chống một tay trườn người vào gậm giường, đưa lia cái chổi tới sát vách. Vài cái rác quét ra. Chợt bà nheo mắt lại nhìn một vật tròn kéo lanh lảnh trên đất. Bà nhặt nó lên, ghé miệng thổi phù phù rồi cất tiếng gọi:
- Ớ Thuột ơi, cái bánh xe mày đánh mất, mày đi tìm mãi đây này. Quái con đâu! Có thế thôi mà cũng nằm lăn ra khóc hàng mấy tiếng đồng hồ.
Con bé gầy còm, tóc nó xõa và rối bù mặt đen sạm và trô trố đôi mắt trắng dã, chạy xồ đến vừa reo lên:
- Đâu bà? Đâu bà?... Bà tìm thấy rồi à?
Cái Thuột vồ lấy mảnh sắt tròn hãy còn trong tay bà nó. Nó cười khanh khách, trán, mắt, mũi chun cả lại. Nó giơ cái bánh xe ấy lên, vừa nhảy vừa reo luôn miệng. Con bé con ngồi chồm chỗm trên giường nhớn nhác nhìn cái Thuột và bà nó rồi òa khóc. Bà Phó phải gắt lên:
- Thuột mày lại ngồi chơi với em đi. Không nó khóc hết hơi bây giờ.
Nhưng vẫn không đành tâm thấy hai môi đỏ mọng của con bé ngoác ra, dãi chảy ròng ròng và cặp mắt đầy nhử giàn giụa nước mắt, bà Phó buông chổi, chạy đến với cháu. Bà bế áp mặt nó vào ngực, vỗ nhẹ lưng nó, nựng nịu...
- Bà thương cháu bà rồi! Cha mẹ con cái Thuột kia, mày chỉ mải chơi để cháu bà phải ngồi một mình.
Và bà phát đôm đốp nhưng chỉ để có tiếng kêu vào đít con Thuột.
- Đây bà đánh nó đau rồi. Thôi cháu nín đi, tý nữa bà ra hàng bà Quế mua bánh tai voi cho.
Con bé gào lên mấy tiếng nữa, rồi nín bặt. Bà Phó lại đặt nó xuống giường. Cái Thuột trèo lên ngồi bên cạnh con bé. Thuột kéo áo chùi mảnh sắt, và, để cho thật sạch, nó nhổ nước bọt rồi lấy áo kỳ đi kỳ lại. Trò chơi chẳng có gì lạ nhưng cũng đủ làm con bé cười sặc sụa. Cái Thuột búng tròn mảnh sắt, lấy cái mũ trắng bẹp rúm chụp lên,và mỗi lần như thế, Thuột reo òa một tiếng vào tai đứa bé.
Bà cụ Phó lại bắt tay vào việc. Quét xong nhà bà đem chiếu ra giũ, giát giường ra đập rồi phơi dựa vào cái hàng rào bằng nứa tép vây lấy mảnh sân rộng hơn mảnh chiếu trải. Bà lau chùi đồ đạc; một cái bàn nhang, bốn bài vị, hai chân nến bằng gỗ, một mâm bồng, và rất nhiều thứ lắt nhắt khác: vỏ chai rượu, nậm sành, ấm chén vân vân... Toàn những thứ sứt mẻ, cong cớn, long lở và mọt ruỗng cả rồi. Từng chiếc một, bà cụ Phó nhấc ra lau chùi xong bầy ngay ngắn đúng vào chỗ cũ.
Thu xếp xong trong nhà gọn gàng, bà Phó xuống bếp và ra sân quét dọn. Nồi nào vào rế ấy, tro trong những ông đầu rau xúc bớt đi, mấy thanh củi khẳng khiu dựa vào vách. Bên ang nước, những viên gạch kê các chậu rửa, chậu giặt xếp lại. Bà không để một tí rơm rác nào vương víu ở chỗ đó. Đến mảnh sân bà Phó nhổ không sót một ngọn cỏ dù mới lấm tấm mọc. Suốt chân hàng rào, các dây mùng tơi và dây mướp lại bị tỉa đi những chiếc lá chớm vàng.
Chợt thấy tiếng chuông nhà thờ dồn dập ngân nga vẳng tới. “Ba giờ hơn rồi đấy”, bà Phó nhủ thầm. Bà nheo mắt nhìn những giọt nắng vàng từ một chòm cau xanh loáng rớt xuống. Bà đựng chổi rễ vào góc sân, đứng dậy. Nhưng chưa cất được bước, bà Phó vội níu lấy bờ giậu, đứng lặng người đi. Mắt bà đã nẩy đom đóm và đầu óc choáng váng. Giây phút sau bà chập choạng vào nhà, nằm duỗi dài trên chiếu:
- A! A! A! Aaaaaaa...
Con bé lại khóc. Tiếng hò leo nheo liên miên hết nhịp này tiếp nhịp khác. Bà Phó mở choàng mắt, thấy con bé nằm trơ trỏng giữa giường, bà vùng dậy, không kịp vấn tóc, chạy sang.
- Ơ Thuột ơi! Ớ Thuột ơi! Mày không về đây thì chết ngay với tao bây giờ.
Không một tiếng thưa! Bà Phó gân cổ gào lên:
- Ớ Thuột ơi! Thuột! Mày không về chơi với nó cho tao còn kín nước tưới rau à? Thuột ơi! Thuột ơi! Mày mà để bà phải ra tìm thì bà cứ chôn sống mày.
Tiếng đứa bé khóc đã trở nên rít và sắc, luôn luôn réo lên rồi lặng đi, rồi lại réo lên. Nước mắt, nước mũi giàn giụa, mặt nó bẩn như bôi hề. Nó đái vung cả phản. Rồi nó giẫy, nó lăn, tuy bà Phó đã bế xốc nó lên và cao giọng hát ru. Cũng như cháu, người bà Phó đã đẫm mồ hôi. Những giọt nước ấy mặn thêm vì qua lần da mặt cóc cáy, thấm cả vào miệng bà. Không sao chịu được cái nóng hun đốt trong gian nhà lúp xúp, bà Phó đành bế cháu ra ngoài ngõ.
- Giời ơi! Con yêu con quái này, tao gọi mày rát cổ bỏng họng mà mày đứng đấy mày không thưa à?!
Cái Thuột phụng phịu đứng nép bên bức vách. Mặt nó nhem nhuốc thêm vì lớp đất cát khác chạt vào cả ngực nó phơi trần ra. Thuột chớp chớp mắt, yên lặng một lúc nữa mới làu nhàu đáp lại:
- Khốn nhưng lúc nào cũng cứ đèo đẽo bên cạnh, hễ buông xuống lại khóc thì ai người ta chịu được? Sao mẹ nó không ở nhà mà bế nó? Tôi có phải đầy tớ bố mẹ nó đâu?
Bà Phó lắc đầu và cười nhạt:
- À thế ra ở trong nhà này chỉ bà là con ăn đầy tớ chúng bay thôi! Mày nhớn bằng ấy đấy, hỏi ai vẫn còn phải hầu mày? Hỏi con mẹ mày nó đi làm biền biệt cả ngày kia, nó để lại cho bà được một chén gạo thì cái cơm nguội buổi trưa vào mồm mày có đủ không? Và cái thằng bố mày nó nghe chúng nghe bạn vào Sài Gòn, Sài chéo kia, hỏi nó đã gửi cho bà chục nhớn chục bé gì mà từ khi mày còn như là cái giẻ vắt vai, bà phải giường cứt, chiếu đái cho mày, cho tới ngày nay, mày bắt chước con mẹ mày miếng một miếng hai với bà?!
Con Thuột đưa mắt gờm gờm nhìn bà nó, miệng nó dẩu ra:
- Khốn nhưng bố tôi...
- Bố tôi làm sao (bà Phó nói át tiếng) có phải thằng bố mày cướp công cướp của của bà không?! Cái thằng bố mày chỉ sấp mặt vào vợ để nó chửi lại bà, để bố mày chửi bà chưa chán thì lại cả mẹ mày nữa. Giời ơi!...
Ngay lúc đó như có thật bố cái Thuột xuất hiện trước mắt người mẹ già này. Đó là một gã cao lớn, mặt đầy trứng cá, mi mắt hum húp, ngoác cặp môi dày ra mà quát vào tai bà Phó:
- Bà không được chửi vợ tôi, bà không mất tiền mua gạo đổi nó mà chửi nó!
Bên cạnh hình ảnh này, một mụ đàn bà nung núc những thịt là thịt. Mặt mụ ta phèn phẹt như cái cơi trầu. Mắt xếch, mày rậm. Trừ những ngày rét chết cò, còn luôn luôn mụ chỉ phong phanh cái áo cộc ngủn.
- Ai dào! Tôi đây thì chó nó chửi cũng được. Nhà cửa tôi ở xa...
Những lúc mụ đàn bà này lên tiếng bên cạnh chồng như thế, người mẹ già đành thôi. Bà phải nuốt xuôi những cái nghẹn dồn lên cổ họng rồi quay đi chỗ khác, bắt tay vào việc. Một năm, hai năm, ba năm,... cho tới khi được con cái Thuột là cháu đầu lòng, người mẹ già không còn thấy sôi nổi lên vì bực tức nữa. Và, bà như là không trông thấy gì, nghe thấy gì, trong gian buồng của vợ chồng thằng con trai ở đầu nhà kia!
Đã lùi lũi vào nhà với con bé, cái Thuột vẫn lúng búng trong mồm, tuy Thuột thấy bà nó là phải! Bà nó! Cái trí nhớ của Thuột tuy mong manh nhưng vẫn không quên được cứ những lần nào bố nó bỏ nhà đi xa và mẹ nó không đi chợ hay đi làm được, thì những lúc nó đói không một ai cho nó ăn đấy, chỉ có bà nó thổi cơm cho nó ăn, mua chịu quà bánh cho nó nữa. Cái Thuột được ăn thật no hàng tuần lễ, hàng bao lâu không biết nữa.
Bà Phó bế đứa bé vào theo. Trong nhà xộc thêm lên một ít nồng nực vì hơi mồ hôi người và quần áo nhớp nhúa. Bà Phó đặt con bé xuống giường, nhớn nhác trông xem cái quạt nan ở đâu để mà quạt cho cả hai bà cháu, không người đến điên lên mất vì nóng nực. Cái Thuột đưa cái khăn mặt sấp nước vào cho bà nó. Bà lau mặt, cổ, ngực cho con bé rồi mới lau cho mình. Một tay xoa rôm ở lưng con bé, một tay bà quạt liên tiếp.
Nắng bên ngoài vẫn chói lọi. Ánh vàng sáng ngời tràn ngập hết mọi khoảng, trời cao vút, mênh mông xanh. Ở những nhà chung quanh nổi rõ những nhịp võng đưa đều đều, những tiếng ru uể oải và những tiếng gà chiêm chiếp. Đâu đây tiếng ve sầu kêu ran đã thành một làn thanh âm buồn rượi không thay đổi dưới nắng thiêu và những làn hơi mờ mờ.
Con bé đã gà gà, bà Phó cuộn một cái áo cũ, gối đầu nó lên. Bà càng đều tay xoa quạt. Giây lát sau chân tay con bé duỗi mềm ra. Sự phẳng lặng nổi hẳn lên trên nét mặt nó. Bà Phó nhìn đôi mắt hơi xếch, khép lim dim, và vành môi cong ngậm hờ hờ, lắc đầu chép miệng:
- Lại đến giống con mẹ mày thôi!
Mẹ nó! Thật ra con bé này như đúc ở khuôn mặt ấy ra: cái trán nó cũng dô, lông mày ngắn ngủi, mũi to thây lẩy và huếch, môi trên cuộn và loe lên. Mẹ nó cả ngày cũng biền biệt đi chợ. Nhưng khác mẹ cái Thuột là chị ta kiếm được tiền, đùm bọc được bà mẹ đẻ ra mình. Thì ngày được hai miếng cơm chín, bà Phó lúc nào cũng dìu dịu con cháu ngoại ấy, và luôn luôn ngồi lặng người đi mà nghe con gái gào hét sau những buổi chợ mà y mỏi mệt và đã phải chịu nhiều sự uất ức chỉ chờ về đến nhà là trút ra:
- Giời ơi, sao thân tôi khổ thế này mà bà không biết thương tôi! Thóc cao gạo kém, bà ngồi nhà hai bữa đã có người nai lưng ra lo cho đến miệng, bà lại còn lấy của tôi dấm dúi cho cháu rượu của bà. Tôi với con mẹ nó có phải chị em gì đâu. Cả thằng chồng nó nữa! Thằng kia ở nhà nó vẫn nghe con đĩ nọ mà chửi như tát nước vào mặt tôi, bà không biết đấy à? Thôi! Cơ mầu này mẹ con tôi chết đâu thì chết để bà tha hồ mà trông nom cho nhà chúng nó.
Có khi mụ con gái này còn nằm lăn ra đất, giãy lên đành đạch, nếu người mẹ già nói lại, hay là cái Thuột cũng gào hét đối đáp vì không chịu kém cạnh và mang tiếng bấu bíu.
Đứa bé đã ngủ mệt. Bà Phó trao cái quạt cho con Thuột:
- Mày ngồi đây với nó, thỉnh thoảng phe phẩy cho nó mấy cái để tao còn ra đón bà hàng gạo mà đong chịu dăm hào.
Cái Thuột uể oải trèo lên giường. Bà Phó bước xuống lẩm bẩm:
- Chịu mãi của người ta mặt mình đã dày như mặt mo rồi, thế mà mình có hỏi đến tiền thì con gái, con dâu lại tru tréo lên rằng ăn uống gì mà lại hết nhiều thế! Giời đất!...
Bà Phó cắp cái rá ra ngõ, ngồi bên cạnh một hàng quà dọn trên những thúng mẹt bầy ngay dưới đất. Gần đấy, có một chõng hàng nước. Bà bán hàng đương phe phẩy cái quạt mo đuổi những con ruồi cứ chực sà xuống mâm bánh đúc, bánh cuốn. Qua ánh nắng chói lòa, một dáng người đi lại, bà hàng nước vội cất tiếng:
- Ông Vườn ôi, có đậu rán mới cất đây!
Ông già nọ đựng cái cuốc vào bờ tre sau lưng bà hàng, ngồi xuống cái ghế gỗ thấp, cười:
- Ừ, thì bảo cháu nó đi mua cho tôi cút rượu về nhắm nào.
Dứt tiếng ông già nheo mắt nhìn sang bên cạnh.
- Bà Phó đấy à? Bà ngồi đón gì đấy?
Bà Phó cười:
- A, ông đi làm bên chùa đã về! Tôi ngồi đón bà hàng gạo đây, vừa xem có rau cỏ gì thì mua vài mớ rau muống chẻ cho chúng nó ăn với mắm cáy. Nhà tôi mới muối được hũ mắm ngon quá, tí nữa ông về bảo cháu nó mang bát ra lấy một ít mà ăn.
Ông lão gật gật đầu rồi móc tiền ở cái dạ cá trước bụng, đưa cho bà hàng bảo cháu bà đi mua rượu. Rượu về, ông rót cả ra chén, khề khà uống:
- A nào bà Phó, con vện nhà bà thế là mất đứt rồi đấy nhỉ?
- Ôi dào, ông tính bây giờ thì chúng nó ăn đã ra bờ rồi còn gì!
Ông già chép miệng:
- Sao lại có những đứa ác tâm như thế mà giời không vật chết chúng nó đi? Con giống, con má của nhà người ta nuôi đương mơn mởn ra mà nó đang tay vật ra làm thịt, nó ăn như thế thật bằng ăn con cái nhà nó đấy.
- Đấy ông xem, mình có chửi rủa thì lại mang tiếng lắm điều, ác khẩu.
Ông già tớp nhẹ một hớp rượu, xé miếng đậu chấm với tương vừa ăn vừa nói:
- Con vện nhà bà khôn quá nhỉ. Tôi chưa thấy một con chó nào như nó đấy. Người ta cứ bảo chó nhà nghèo thì tham ăn mà con chó nhà bà thì cơm để đến tận mồm còn ngoảnh đi. Tôi vẫn nhớ một hôm bà Đồng cạnh nhà tôi gọi nó sang, đổ chỗ cơm trong nồi ra cái bát chậu có bao nhiêu xương gà cho cả con vàng nhà bà ấy. Thì con vàng sục ngay mõm vào hốc lấy hốc để, còn con vện thì hình như biết phận, ngồi nép bên cái cột đằng xa, mắt lờ đờ nhìn đi chỗ khác. Bà Đồng phải đánh con vàng một cái, lấy lại một tảng cơm quẳng cho con vện, và bà năm lần bảy lượt giục, con vện mới ngoạm lấy miếng cơm, lấm lét chạy về nhà.
Ông già dứt câu này nghển cổ lên nhìn một người khách vừa đến ngồi xuống ghế. Chè tươi nóng múc ra bát, và, người khách chọn một miếng trầu. Y cũng vừa uống nước và nói với bà hàng những chuyện làm ăn của y và những chuyện mưa, nắng ở Bắc Kỳ, Sài Gòn mà hắn đã đi khắp cả. Nhưng bà Phó không nghe thấy gì. Tâm trí bà đã hoàn toàn bâng khuâng và như có những làn gió lạnh thổi vang, trong đó sự chua xót lại thắt lấy lòng bà. Con chó mà ông già vừa nhắc đến kia bà nuôi ngay từ khi nó mới rời vú mẹ, tới nay được vừa đúng một năm. Nó là giống chó chùa ở ngay sau nhà bà, trông to và dữ lắm. Khi bà Phó xin con vện về, tất cả con gái con dâu đều nhao nhao phản đối nào tốn cơm, nào ỉa bậy, nào hay chạy rông ra ngoài phố bị phạt thì lấy tiền đâu mà nộp, nào nhỡ hóa điên cắn phải người ta thì rũ tù.
Nhưng con vện cả ngày chỉ quấn quýt bên bà Phó. Người đâu chó đấy. Những lúc tủi cực, uất ức quá vì sự cửa nhà, bà Phó đã lảng ra tít đằng góc sân chùa và phải xua đuổi mà con vện vẫn cứ theo bà, lưỡi thè lè, thở lừ khừ, mắt cũng lờ đờ nhìn một khoảng không. Bà Phó đã nhiều lần bị con gái day dứt vì tội cơm nước tốn kém, bà thoáng có ý định bán con vện đi thì chỉ một giây sau bà thấy không thể nào làm như thế được. Ruột gan bà đến đứt ra mất nếu con vện bỏ bà.
Một đêm mưa to gió lớn, sợ trộm, bà Phó đã phải xích con vện ngay dưới chân giường bà nằm. Bị phải cái dây xích cũ, và không hiểu tại sao con vện lại sổ ra để đến nỗi mắc bẫy. Luôn mấy hôm bà Phó đi khắp xóm, làng trên, làng dưới rêu rao xin chuộc chó, chứ không dám chửi bới gì.
- Thôi con chó nhà bà vào nồi rồi!
- Thôi có bị giời đánh thì chịu chứ những quân kia nó không khai khẩu ra đâu!
Người ta đã cười và nói với bà Phó như thế.
Một xe ngựa bỗng lộc cộc chạy đến. Bà Phó vội ngước mắt lên reo nhẹ tiếng:
- Kìa bà hàng gạo đã về.
Bà vội đứng lên để chỗ cho một người đàn bà áo the, quần nái, vòng khuyên vàng, cùng một người đàn ông quần đùi thâm, áo cụt tay chuyên những giỏ gạo thóc ở trên xe xuống. Nhưng bà chưa dám mua vội, bà phải để cho những người có tiền ngay đong trước. Cho tới khi bà hàng gạo ngơi tay đong, tẩn mẩn nhặt những hạt thóc, bà Phó mới mon men lại. Mặt cúi, bà Phó ngập ngừng mãi mới dám lên tiếng. Bà phải nằn nì hết lời, một lúc lâu sau người bán mới chịu khảo gạo cho bà Phó.
Bà cắp rá gạo vào với ba mớ rau muống cầm riêng ra. Thấy đứa bé vẫn ngủ, bà dặn thêm cái Thuột mấy câu nữa để nó chịu khó trông con bé rồi xuống bếp. Chia gạo đều cho con gái và con dâu, để của đứa nào vào giường đứa ấy rồi, bà Phó bắt đầu chẻ rau.
Bóng mái nhà đã ra tới nửa sân. Trong ánh nắng, những ngọn mướp non và hoa vàng đương phơ phất. Tiếng chim chích chòe rộn ràng vắng bặt đi từ sáng, giờ lại nổi lên vang vang trên chòm xoan ở nhà bên cạnh. Con dao bài trong tay bà Phó đưa đều lên những ngọn rau. Từng sợi nhỏ tỏa xuống cái chậu sành sâm sấp nước. Bà Phó mắt đăm đăm cúi xuống không chớp. Cái yên vắng lâng lâng dưới vòm trời xanh bao la của chiều hè đã tràn vào tâm trí bà. Bà tê mê. Những làn gió nhẹ từ ngoài vườn cau thoảng tới mơn man trên gáy bà.
Chợt mấy tiếng chó sủa ran lên. Như qua những lớp sương mù dầy đặc một đêm đông nào, những tiếng “gâu gâu” ấy vang trong trí tưởng tượng của bà Phó. Rồi một bộ lông vàng vằn và xám, hai lườn nung núc thịt, hai tai to vểnh lên, và một cái đuôi ngoe nguẩy... lướt qua mắt lờ đờ của bà Phó. Tiếng chó sủa càng vẳng lại gần và rõ ràng, gờn gợn trong cảm giác của bà Phó. Và, như có tiếng người nói: “Kìa con vện của bà Phó ở đâu đã về kìa”.
Đánh thót cái, người bà Phó giật bắn lên. Bà đứng vùng dậy, nhớn nhác trông, cất tiếng gọi ú ớ như bị bóp lấy họng:
- Ối vện ơi, vện ơi! - Liền với tiếng gọi, những giọt nước mắt ấm từ hai hốc mắt rỏ ra, rơi nặng xuống gò má hóp.
Nhưng đâu nào con vện? Đâu nào người gọi?! Đây kia cái lỗ hổng ở một góc giậu mọi khi con vện vẫn chui ra chui vào, từ bấy đến nay vẫn chưa rào lại, và đây kia dây xích hoen gỉ lòng thòng dưới chân giường. Ngay đó, trên nhà cái Thuột gọi léo nhéo:
- Bà ơi! Bà ơi! Cái bé đã dậy rồi, bà vào mà dỗ nó đi.
Bà Phó tất tưởi chạy vào, không kịp chùi nước mắt, bà vỗ nhè nhẹ lên lưng con bé, cầm quạt quạt mạnh và nựng nịu:
- Thôi cháu bà nín đi, nín đi để bà còn xuống thổi cơm cho mà ăn. Chóng! Cháu bà ngoan lắm...
Chờ cho con bé bặt hẳn tiếng khóc, bà Phó nói nịnh nó mấy câu nữa rồi lấy rá gạo của phần mẹ nó đưa ra cầu rửa. Theo những bước chập chừng của bà Phó, hình ảnh con vện lại chờn vờn trước mặt bà. Bà kéo dải yếm đen thủi chấm những giọt nước mắt còn đọng lại, vừa đi vừa sẩy lại mẻ gạo độ hơn một bơ trong cái rá con.
Nắng đã héo hẳn đi. Ánh vàng chỉ còn đọng vài gợn nhạt trên mấy chòm cao cao ngất. Khói thổi nấu ở nhiều mái lá bốc lên, từng làn sáng đục tạt dài trước gió. Trong bếp nhà bà Phó, mấy thanh đóm cháy lom nhom. Cả cái hình thù còm cõi, quần áo rách rưới của người mẹ già này dần nhòa đi trong bóng mờ của buổi chiều dâng lên với những vang động ồn ào mỗi phút một dầy đặc.

1942

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét