Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Sông máu

Sông máu

Tác giả: Nguyên Hồng


Chị Năng đặt con xuống giường, đứng dậy mở cửa liếp. Người đàn bà bước vào trước đã nhanh miệng vồn vã chào. Người đàn ông theo sau còn bận tháo cúc áo tơi và xoay tròn cái ô để giũ những hạt nước mưa.
Ngọn đèn hoa kỳ vặn to hơn. Hai người khách đã ngồi xuống một cái ghế dài sau lưng có cái khay con đựng hai chén chè tươi bốc khói ở giữa một án thư cũ kỹ.
Người đàn ông băn khoăn nhìn thẳng vào mặt vợ giục giã. Người đàn bà hiểu ý khẽ đáp:
- Thì mình hãy gượm chút nào, để người ta còn quấn xong cho con người ta cái tã đã chứ.
Khi lau chùi cho thằng bé sạch sẽ xong , chị cu Năng đến trước mặt hai người khách:
- Ông, bà xơi nước kẻo nguội.
Chiều ý chị Cu, người đàn bà uống cạn chén nước chè, rồi bắt vào chuyện ngay:
- Chị Cu, chị “đi” cho vợ chồng tôi nhé? “Đi” ngay bây giờ.
Chị Năng đưa mắt nhìn vẻ mặt chăm chú của hai vợ chồng nhà này trong khi chờ mình trả lời. Chị nhích đến gần hơn một chút, hỏi khẽ:
- Có nhiều hàng không?
- Sáu bồ thôi, toàn đồ sứ Tàu và bát đĩa Móng Cáy.
Chị giật mình:
- Cũng bằng lần trước!
- Phải, bằng lần trước, nhưng chị đừng sợ.
Người đàn ông xen lời:
- Không may cho chúng tôi và cho anh chị nên mới sinh ra như thế này chứ chả nhẽ chỉ vì một chút thế mà anh ấy chết. Vậy, chị đi cho chúng tôi đêm nay, đầu xuôi đuôi lọt, chúng tôi chẳng để chị thiệt nào.
Chị Năng đã lại cảm động, rơm rớm nước mắt:
- Vâng, tôi cũng biết chỉ vì sự không may!
Đến đây chị ngừng lại, quay nhìn bốn đứa bé quần áo rách rưới nằm ngổn ngang trên phản gỗ thấp lè tè kê dưới một cái khám thờ. Trong khám tối om, lấp lánh ba nén nhang lạnh lẽo và một ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ bằng hạt đỗ... trong lòng chị tất cả những cảm giác đau đớn, chua xót. Chị sụt sịt chùi mũi và nước mắt.
Giá không có hai người khách này chị đã lại ôm lấy thằng con út mà khóc rồi. Chị khóc hàng mấy giờ cũng được, vì lâu chừng nào càng thấy nhẹ lòng chừng nấy.
Người đàn bà đã hơi sốt ruột. Y phải đứng dậy kéo chị Năng ngồi xuống ghế, vuốt mái tóc chị đẫm nước lên:
- Thôi chị ạ, khóc thế cũng đủ rồi. Và có “đi” cho tôi thì nhận lời ngay đi kẻo nhỡ việc tôi mất.
Chị Năng cúi đầu suy nghĩ. Người đàn ông bực dọc. Hắn xẵng tiếng:
- Còn phải đắn đo gì nữa. Bằng ấy hàng từ Quảng Yên về đây vừa đi vừa về chỉ một đêm, mà đêm nay lại mưa to gió lớn và tối trời, thật tiện lợi đủ đằng.
Chờ chồng nói xong, người đàn bà ngọt ngào dỗ chị Năng:
- Xưa nay anh chị vẫn thường đi cho chúng tôi; chúng tôi khá chị cũng được mát mặt. Thôi, chị nhận lời đi.
Chị Năng xiêu xiêu lòng và chắc dạ vì thấy trời tối, mưa to và gió lớn.
Một cái đò nhỏ mở rộng cánh buồm đón lấy sức gió mạnh vượt chiều nước mà đi còn gì nhanh chóng hơn? Và trong làn mưa dầy đặc khoảng sông rộng tối mờ, ai còn để ý tới chiếc đò ấy, thế nào họ chả nhầm với đò chở khách ở Uông Bí về?
Hơn nữa, chị tưởng tới khi cầm một nắm bạc giấy về nhà, gọi hàng mấy chủ nợ ghê gớm đanh đá đến mà trang trải cho thoát khỏi sự nhục nhã bị họ réo rắt, đào bới xới rễ.
- Vâng, thì tôi “đi” cho ông bà. Nhưng nhận hàng ở đâu?
- Bãi Vạn Xú
- Vạn Xú hay Phạm Xú?
- Vạn Xú gần đèn đỏ số mười ấy mà.
- Tôi biết rồi.
Hai vợ chồng người nọ trở ra. Chị Năng chít lại khăn vuông, mặc thêm cái áo dài nâu. Chị đến phản gỗ, trườn người, vỗ lưng một đứa con trai.
- Cu Năng! Dậy, dậy ngay, mẹ bảo.
Thằng bé ngái ngủ càu nhàu:
- Làm gì mà gọi nhắng lên thế?
- Kìa dậy, dậy đi mẹ bảo.
Nó vẫn còn lải nhải gắt gỏng. Chị Năng phải bước qua ba đứa kia, dựng đứng thằng Năng lên. Đến bây giờ nó mới giụi mắt. Chị kéo nó xuống đất.
- Cu, con đừng ngủ nữa, thức trông em cho mẹ.
Thằng bé ngơ ngác:
- Thế mẹ đi đâu?
Chị, giọng ngần ngại:
- “Đi” hàng chứ còn đi đâu.
Nó trợn mắt:
- Mẹ lại đi hàng, lại đi cho vợ chồng Tiến Lợi?
- Ừ mà, thế con thức trông em cho mẹ nhé.
- Nhưng nhỡ nó lên cơn sốt thì sao?
- Không! Em nó khỏi hẳn rồi, từ hôm qua kia.
- Nhưng nó khát sữa!
- Đã có bột đây, con chỉ việc quấy lỏng và cho thêm ít đường tây mẹ đã để sẵn trên án thư.
- Nhưng...
Thằng bé buông xong tiếng “nhưng” thì níu luôn vạt áo mẹ run run nói tiếp:
- ... Con sợ lắm!
- Quái con, chỉ vẽ thôi! Sợ gì nào? Thôi, trèo lên giường đi để cho người ta còn đi chứ.
Nó vẫn giữ rịt lấy tà áo, và, giọng nó càng thảm thiết:
- Không, mẹ đừng đi, con sợ lắm. Nhà vắng mẹ thế nào thầy cũng lại về.
Vừa nói nó vừa nhớn nhác trông chung quanh. Hình như nó đương thấy chờn vờn trong bóng tối một thân hình nhẹ nhõm trong cái áo trắng chùng chấm gót, rộng thênh thang, lơ lửng trên mặt đất.
Thằng cu Năng xanh mắt lại, hết sức túm rịt lấy áo mẹ, giạng hai chân, ngửa đầu ra đằng sau khóc nức nở:
- Không! Nghe tiếng mèo kêu thầy sẽ về! Con sợ lắm!
Giọng thằng Cu đầy nước mắt, thê thảm quá! Chị lạnh cả người. Chị cảm thấy chỉ đứng gắng thêm với con vài phút nữa chị sẽ chẳng còn đủ can đảm rời bỏ nó ra khỏi gian nhà lụp xụp này.
Chị phải mím môi lại, giơ tay phát mạnh vào lưng nó:
- Thì đây, đừng vòi tao nữa, cầm lấy buộc trinh “Bảo Đại” này để sáng mai dậy sớm mà đánh đáo. Chịu khó ngồi chờ chị Tâm tan tầm máy Tơ về thì gọi chị sang ngủ với.
Dứt lời, chị chạy hối ra ngoài, đóng sập cửa lại.

Cánh buồm mở rộng ra hơi nhích về bên trái, đón sức gió, đưa đò chạy băng băng trên dòng nước chảy xuôi. Qua lớp mưa và làn sương dày đặc, cái đò ấy chỉ còn là một vệt mờ, thoáng hiện rồi thoáng mất.
Bấy giờ, đã phải khoác một áo tơi bằng lá đụp một lần cói chiếu và vải bao gạo mà chị Năng vẫn rét run lên được. Chị khép chặt đùi lại, hai bàn chân kẹp lấy núm gỗ đầu bánh lái, còn một tay chị ủ vào ngực vừa giữ dây buồm.
Không đầy nửa giờ, quay đầu nhìn lại, chị không còn thấy ánh sáng đèn thành phố Hải Phòng tỏa lên nữa. Trước mặt chị, dòng sông càng xanh thẳm dưới trời đêm.
Gió vẫn gào thét... sóng càng ầm ầm xô đẩy vào bờ... tiếng sét luôn luôn rung động sông núi sau những làn chớp nhoáng vụt xé mấy từng mây.
Đến đâu cũng náo động! Đâu đâu cũng mịt mùng! Đâu đâu cũng lăm le những cái khủng khiếp gieo tai vạ cho tất cả nhân loại chen chúc nhau để kiếm sống. Tạo vật đã phô bầy tất cả những sức mạnh hằn học, giận dữ vô lương trong khoảng đêm đông tối tăm này.
Quá làng Vạn Thủy được một quãng, chị Năng bắt đầu thấy sợ.
Cái đò mảnh dẻ của chị trên lớp sóng cuồn cuộn trắng xóa cứ chồm lên chồm xuống, thi chạy với hết luồng gió này đến luồng gió khác. Chị phải hết sức giữ chặt bánh lái. Vì hễ để nhích quá về bên trái hay bên phải vài gang tay thì đò sẽ đâm ngang dòng nước. Cánh buồm không kịp xoay chiều, tức khắc vặn mình đi.
Rắc! Đương thuận chiều gió bỗng trái ngược thì dù khỏe chừng nào cột buồm cũng gẫy. Thế là hết! Hết mong đò điều khiển theo ý của mình.
Những mảnh gỗ khéo chắp nối bưng bít ấy sẽ như con thú dữ ốm yếu vụt sổng chuồng chỉ đủ lực vùng vẫy trong giây phút rồi lại đến ép mình theo sóng gió. Đò sẽ tan tành và... chìm đắm.
Chị vuốt nước mưa hắt đầy mặt. Chị thở dốc luôn mấy cái. Hai khóe mắt chị đã hơi rớm lệ. Chị buồn rầu và đau đớn nhớ đến một sức ủng hộ, thúc giục chị tranh đấu trong bao nhiêu phen bão táp trên sông bể: anh Năng.
Anh Năng!... Một thân thể cao nhớn, vạm vỡ, đầu húi kiểu móng lừa, lộ một vầng trán rộng và cao, đầy vẻ ngang tàng. Hai mắt anh xếch, lúc nào cũng lấp lánh những tia sáng chói lọi như của mặt trời buổi bình minh mùa hạ. Cằm anh rộng và vuông, nhẵn nhụi, hơi xếch về phía trước, tiêu biểu cái tính xô bồ nhưng chân thật và liều lĩnh. Cánh tay anh đầy những bắp thịt cứng như sắt. Lồng ngực anh thây lẩy hai cái vú nẫn thịt, và, hai bắp đùi anh phía dưới thon thon, phía trên nở rộng trông giống bộ đùi của con ngựa thi sung sức.
Anh Năng! Một tâm hồn cương quyết rèn đúc thuần bởi những nhát búa rắn chắc của đau khổ và lầm than, một tâm hồn hồn nhiên, trong sáng giữa đời sống tranh cướp này.
Nhưng anh Năng đã chết rồi!
Cái thân thể hùng tráng như pho tượng Hách-cưu-la, người được tôn là tượng trưng hết cả mọi vẻ đẹp ngang nhiên, cường dũng của đàn ông, đã bị vùi sâu dưới lớp đất đen.Còn cái tâm hồn khí khái và quật cường kia cũng chẳng còn nữa.
Và chẳng còn nữa, cái sức ủng hộ, thúc giục chị Năng trên những đò cũ kỹ mảnh dẻ chiến đấu với bao nhiêu đêm bão táp, bao nhiêu bận gian nan khi đi hàng lậu thuế?
Trong một đêm cuối mùa thu, một đêm cũng tối tăm như đêm nay, đời sống của anh Năng đã đoạn tuyệt.
Cách đấy mới hơn ba tháng, nhưng dù mấy mươi năm sau hay cho đến ngày trọn đời, hình ảnh cái đêm thê thảm chứng kiến cái chết thê thảm của người chồng ấy mờ nhạt sao được trong trí nhớ chị?
Trên một cái đò cũng cũ kỹ, anh Năng mắt sáng ngời quắc lên nhìn một chấm đen vùn vụt đuổi theo đò mình. Anh không hề nao núng, đứng thẳng người lên, tay trái vòng ôm lấy cột buồm, tay phải kéo giữ dây buồm.
- Mẹ Cu kìa! Xà lúp của Đoan đuổi đến nơi rồi.
Chị Năng ở trong khoang chui ra . Gió mạnh hắt từng lớp mưa vào mặt chị: da mặt chị càng xám ngắt hơn, giọng run run:
- Tính sao bây giờ mình?
Anh Cu cất tiếng cười:
- Mẹ nó sợ đến thế cơ à?
- Chứ sao! Nhiều lần thoát rồi, lần này nó tóm được thì mình rũ tù.
Anh Cu vuốt ngược mái tóc cứng, ngắn lên luôn mấy lần làm những giọt nước đọng bay xuống mặt vù vù, anh vẫn giữ giọng cười ngạo mạn:
- Mẹ nó nói lạ! Đi với tôi bốn, năm năm nay thế mà chẳng biết tí gì. Mẹ nó tính xem bao nhiêu lần bị Đoan đuổi bắt rồi? Thế có lần nào bị tù không?
Một làn chớp vụt sáng lên, một cảnh vật đen tối thoáng hiện, một  gương mặt rắn rỏi đanh thép cũng thoáng hiện, và, thoáng phút giây, chị Năng cảm thấy cái người mà chị gọi bằng mình hơn tám năm nay - từ ngày chị thôi làm phu đun goòng ở Sáu kho và nhường lại cái tên “nặc nô” cho một bạn gái lẳng lơ, đanh đá khác - oai nghiêm và đáng được tòng phục hơn cả những vị thần có nhiều quyền phép nhiệm mầu. Chị đứng dậy nhìn chồng bằng một cặp mắt sợ hãi, lấp lánh:
- Nhưng lần này tôi e ngại...
- ?...?...!...
- Sóng gió to lắm!
Anh Năng hất hàm cười, nhưng giọng nghiêm nghị khác thường:
- Mình trẻ con!
Câu trách cương quyết khiến chị đờ người ra. Chị không hiểu bỗng nhiên sao chị lại thốt lên những câu hỏi trên kia làm ngang trở cả lòng hăng hái của chồng! Hình như tâm linh chị đã báo trước cho chị biết rõ một sự gì, một sự nguy hiểm khôn lường.
Nhìn những tảng mây đen kịt rầm rộ chen chúc nhau, xô đẩy nhau trên vòm trời thỉnh thoảng lòe chớp sáng... nhìn dòng sông xanh biếc, cuồng nộ tung lên những lớp sóng trắng xóa... và thấy gió mạnh gào thét như muốn cuốn hết mọi vật để dìm xuống  đáy nước, chị Năng rợn cả người.
Cái chấm đen đã hiện rõ rệt! Rõ rệt chiếc xà lúp nhỏ đang rẽ sóng, vùn vụt đuổi theo đò.
Trong người chị càng nóng ran lên, trái tim chị đập rất mạnh. Chị không muốn trốn và để chồng trốn, cứ ở lỳ trên đò này dù bị lính đoan khóa tay rồi bị tù cũng can tâm. Vì... lạ quá! Chị cảm thấy lần này có trốn cũng không sao thoát mà có lẽ... Trời ơi! Ghê gớm quá! Có lẽ một trong hai người sẽ chết!
Dòng sông chảy xiết, sóng trắng xóa bổ vây, cả mặt nước réo vang trời, gió luôn thay chiều, sức đâu mà ngoi lặn trong mấy mươi phút rồi mới bơi vào bờ.
- Thôi mình ạ, tôi e ngại.
Đến tiếng “ngại” chị lại ngừng và lại ngẩng đầu sợ hãi nhìn gương mặt anh Cu càng đanh thép dưới vầng trán bóng nước ngang tàng. Anh Cu vẫn điềm nhiên như không:
- Mình lạ quá! Còn đợi đến bao giờ mới trốn đi?
Nói đoạn, anh kéo giật vợ lại, lột áo dài ra. Chị Cu dùng dằng chực gỡ tay chồng. Anh Cu liền quắc mắt lên, chiếu vào mặt vợ:
- Mẹ Cu phải nghe tôi! Cuộn áo lại! Trốn đi! Mau!
Cực quá, chị Năng rơm rớm nước mắt, và khóc nức lên:
- Chết mất!
Anh Năng cười gằn:
- Mình không sợ chết à?
Chị lắc đầu một cái, vòng khăn buột ra, tóc bay lả tả:
- Không, tôi sợ cho mình.
- Này sợ cho mình!
Dứt lời, anh Cu ẩy luôn vợ xuống sông.
Đò vẫn vun vút theo chiều gió, đi nhẹ như mũi tên. Cái xà lúp mở hết tốc lực, đuổi đã gần tới.
Cách nhau chừng một cây số nữa... Anh Năng đã vững dạ. Rồi... chỉ còn non một cây số nữa... Anh lái đò chuyên nghề chở hàng lậu thuế càng mừng hơn: Anh đã chắc chắn rằng tụi lính đoan chỉ để ý đến đò của anh mà không ngờ tới một người, một người đàn bà trong đó đã thoát lên bờ ngay chỗ thuyền máy họ vượt qua.
Bao nhiêu phen như thế rồi! Anh cu Năng cười ha hả.
- Nhưng kìa! Cũng trốn đi chứ, trốn đi chứ còn đợi đến bao giờ hở anh Cu?
Anh chàng ngược ngạo nọ vẫn cười ha hả. Anh đợi cho xà lúp đến gần hơn tý nữa để vợ đủ thời giờ lẩn vào con đường nào bên bờ đó rồi anh mới trốn. Dòng sông này với sức gió cuồng nộ này có thấm thía gì. Anh quả quyết tin ở sức mạnh của hai cánh tay, hai bắp chân và ở cái tài vô địch bơi lặn của anh có thể ngoi dưới nước hàng giờ.
Nhanh như cắt, anh lộn vào trong khoang, xách một gói nặng những chén, đĩa, bát, quí giá đã buộc sẵn. Lần nào chở hàng lậu anh cũng sắp trước như thế: lọt qua được Sáu Kho thì những đồ vật kia vẫn thuộc về chủ nó, cầm bằng bị Đoan đuổi bắt thì là cái của đền thêm vào cái công vợ chồng anh trốn tránh.
Ngoắt nhìn thuyền mấy lần nữa, anh Năng nhẹ nhàng văng mình xuống sông.
Tờ mờ sáng mai chị Năng đã về tới nhà. Chị nóng lòng trông mong chồng. Bảy giờ, tám giờ, chín giờ... mười một giờ trưa rồi mà anh cũng chưa về. Rồi tối hôm ấy, sáng hôm sau, hôm sau nữa anh cũng vẫn biệt tăm.Chiều hôm thứ tư, chị Năng đương ẵm con ra cửa mớm cơm cho nó thì có hai người bạn chồng về báo tin: “Anh Năng chết rồi !”
Gió càng nổi cơn thịnh nộ, gào thét vang lừng giúp sức cho không biết bao nhiêu lớp sóng trắng xóa tung vào mạn đò. Chị Năng hoảng sợ. Và, chị càng hoảng sợ khi thấy từ trong một quãng tối đâu đây dần dần rõ rệt hiển hiện ra trước mắt chị một hình thù to nhớn trần truồng nằm trong bãi sú, mắt trắng dã, mở trừng trừng, chân phải gập lại co gần sát bụng, tay phải ôm chặt bộ quần áo cánh và một bọc ấm, chén, bát đĩa quí giá.
Chị Năng đau đớn, chua xót và kinh hãi. Chị gục mặt vào lòng, nức nở:
- Luyện! Anh Luyện ơi!
Lại từng thác nước mưa đổ xuống, lại những chớp sáng vụt xé các mảng trời nặng nề, lại những tiếng sét lay chuyển vũ trụ, lại những luồng gió kêu gào thê thảm.
Bỗng chị Năng vùng đứng dậy, xanh mắt nhìn lên. Qua màng lệ mỏng, chị thấy dòng sông chảy băng băng đương từ màu xanh biếc biến sang màu đỏ lờ lờ, màu máu của bao kẻ thiệt mệnh mà trừ anh Cu, còn hết thảy có lẽ muôn muôn năm bị quên hẳn trong đáy nước.
Chị lại rợn cả người, và bên tai chị rõ ràng có tiếng anh Năng thì thầm:
- Phải về thôi! Bỏ hẳn nghề này thôi!
Rắc một cái, cánh buồm xoay hẳn chiều, bánh lái chệch hẳn về một bên, mũi thuyền quay lại từ từ...

1937

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét