Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 5


Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 5

Một trong những ông già thuộc viện dưỡng lão, mà tôi không biết rõ là ông nào, đã chết trong đêm, bởi vì tới sáng người ta đã khiêng ông ta xuống ga Nantes, với một cái khăn phủ trên mặt. Viên lãnh sự Bỉ đang đứng trên sân ga và vị giáo sĩ dẫn ông ta tới văn phòng của viên phó sếp ga để làm thủ tục.
Tại ga này, công tác tiếp đón có vẻ trang trọng hơn các ga khác, không những bởi số lượng các bà đeo băng tay, mà còn vì hình như họ phải phụ trách việc định cư cho dân tị nạn.
Tôi hy vọng cuối cùng mình sẽ được trông thấy biển lần đầu tiên trong đời*. [Nantes là thành phố thuộc vùng Bretagne nước Pháp, sát biển]. Tôi biết rằng biển ở tận ngoài xa, và hiện chúng tôi đang ở một cửa sông, nhưng tôi đã nhìn thấy những cột buồm, những ống khói tàu thủy, nghe thấy tiếng còi tàu và, gần chúng tôi, các tân binh, chiếm trọn cả một đoàn tàu, bước xuống khỏi các toa, họ đứng xếp thành hàng trên sân ga rồi rời khỏi toa theo nhịp bước nhà binh.
Trời vẫn tươi sáng rực rỡ đến khó tin như những ngày trước và chúng tôi đã có thể tắm rửa rồi ăn sáng trước khi tiếp tục lên đường.
Tôi lo âu trong chốc lát khi ông phó sếp ga vừa lên tiếng thảo luận, với một người nào đó có vẻ là viên chức nhà nước, vừa đưa tay chỉ ba toa tàu tang thương của chúng tôi, như thể họ đề cập tới vấn đề cắt ba toa ấy đi.
Dường như càng ngày càng rõ hơn, vì bị sáp nhập vào đoàn tàu Bỉ ngoài ý muốn của chúng tôi, chúng tôi đã đặt ra cả một vấn đề, nhưng rốt cuộc họ để chúng tôi đi.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là ả mập Julie. Vài phút trước khi tàu huýt còi, cô ta hiện ra trên bờ ke, rạng rỡ, nước da tươi sáng, trong chiếc rốp vải bông in hoa không một nếp nhăn.
- Các bạn tưởng Julie đã làm gì, anh em, trong khi chúng mình dầm người trong rơm rạ? Cô nàng đã đi tắm, tắm nước nóng đàng hoàng, trong bồn tắm của khách sạn trước mặt, và dọc đường cô nàng đã tìm được cách mua cái rốp mới nữa chứ!
Chúng tôi đi xuống phía Vendée nơi, một tiếng sau, tôi thoáng thấy biến phía xa xa. Xúc động, tôi tìm bàn tay Anna. Tôi đã thấy biển trong xi nê, và trên những tấm hình màu, nhưng chưa hề tưởng tượng biển lại trong sáng đến thế, bao la đến thế, ít tính vật chất đến thế.
Nước cùng màu với trời, và vì nó phản chiếu ánh sáng, vì mặt trời vừa ở trên lại vừa ở dưới, nên không còn giới hạn nào nữa và cái từ “vô tận” chợt nảy ra trong tâm trí tôi.
Anna hiểu rằng đó là một trải nghiệm mới mẻ đối với tôi. Nàng mỉm cười. Cả hai chúng tôi đều lâng lâng, khoan khoái. Cả toa tàu đều vui tươi suốt ngày.
Chúng tôi đều biết ít nhiều điều gì chờ đợi chúng tôi từ đây, vì viên lãnh sự đã đi khắp các toa tàu để úy lạo đồng bào và gã ngậm ống vố, lúc nào cũng rình rập, đem tin tức đến cho chúng tôi:
- Hình như, đối với tụi Bỉ, nơi đến của họ là La Rochelle. Có thể gọi đó là “ga lọc hàng” của họ. Họ đã dựng lên ở đấy một khu trại với những lều rạp, giường phản và mọi thứ cần thiết.
- Còn chúng ta thì sao? Vì chúng ta không là dân Bỉ?
- Ta sẽ liệu cách xoay xở.
Tàu chúng tôi lăn chậm chạp và tôi đọc thấy tên các địa phương nhắc tôi nhớ đến những cuốn sách mà tôi từng đọc: Pornic, Saint-Jean-de-Monts, Croix-de-Vie...
Chúng tôi đã thoáng thấy đảo Yeu, trong ánh mặt trời chói lọi, người ta có thể lầm tưởng đó là một đám mây giăng là là sát mặt nước.
Suốt nhiều tiếng đồng hồ, con tàu của chúng tôi đã đi vòng vo tam quốc rất dài, như thể chúng tôi đi du ngoạn, mượn những đường tàu phụ để đậu lại giữa cánh đồng và ngay sau đó lùi trở lại.
Chúng tôi không còn sợ phải xuống và leo lên như chơi trò nhào lộn nữa, vì biết rằng người thợ máy vẫn sẽ chờ chúng tôi.
Tôi hiểu tại sao chúng tôi lại phải thực hành nhiều cuộc thao diễn đến như vậy và có lẽ cả lý do khiến chúng tôi mất quá nhiều thời giờ để đi từ Ardennes đến đây.
Những chuyến tàu thường, với những hành khách bình thường có mua vé hẳn hoi, vẫn còn đi lại, và ngoài ra, trên các tuyến quan trọng, còn có cảnh lưu thông tấp nập của những đoàn công voa nhà binh và quân nhu được quyền ưu tiên.
Tại hầu hết các ga, ngoài những nhân viên thường, chúng tôi bắt đầu thấy một sĩ quan chỉ huy.
Vì chúng tôi không thuộc loại tàu nào nói trên, nên thỉnh thoảng người ta bẻ ghi tàu chúng tôi vào một đường tàu đậu để tránh chỗ.
Tôi đã được nghe một cuộc điện đàm, tại một nhà ga xinh xắn đỏ màu phong lữ thảo, nơi có một con chó nằm chắn ngang cửa ra vào của sếp ga. Ông ta, vì nóng nực, đã trật cái mũ kết ra sau đầu và nghịch lá cờ để trên bàn.
- Anh đấy à, Dambois?
Một ông sếp ga khác đã giải thích cho tôi biết rằng đó không phải là máy điện thoại thông thường. Nếu không lầm, thì cái đó gọi là máy tuyển lọc và mỗi máy chỉ có thể thông tin, theo chiều nghe và chiều gọi, với nhà ga gần nhất. Các chuyến tàu được loan báo bằng cách đó.
- Ga anh sao?
Có mấy con gà sau tấm lưới sắt, như ở nhà tôi, một vuông đất trồng rau chăm sóc cẩn thận. Người đàn bà làm việc nội trợ ở lầu một và thỉnh thoảng lại ra cửa sổ giũ chiếc giẻ lau.
- Ở đây tôi có chuyến 237... Tôi không thể giữ nó lâu hơn nữa, vì tôi đang phải chờ chuyến 161... Đường tàu đậu của anh có trống không?... Quán của mụ Hortense còn mở cửa đấy chứ?... Báo cho mụ biết mụ sắp có một bọn khách đông lắm đó nghe... Được rồi!... Cám ơn... Tôi chuyển giao đoàn tàu cho anh nghe...
Vì lẽ đó, chúng tôi đã đậu lại ba tiếng đồng hồ tại nhà ga nhỏ xíu bên cạnh một lữ quán sơn màu hồng. Bàn ghế bị khách tấn công ào ào. Người ta uống. Người ta ăn. Anna và tôi ở lại bên ngoài, đứng dưới một gốc thông, và đôi lúc, chúng tôi thấy bứt rứt vì không có gì để nói với nhau.
Nếu phải tả lại chốn này, tôi chỉ có thể nói về những mảng bóng tối và mảng nắng, về màu hồng của ngày cùng màu xanh của cây nho và những cây phúc bồn tử, về sự tê cóng trì độn của tôi, về một nỗi an lạc bản năng và tôi tự hỏi, không hiểu ngày hôm đó, tôi có đi tới sát gần niềm hạnh phúc hoàn toàn hay không.
Những mùi hương còn đó như trong thuở ấu thơ của tôi, sự rung rung của không khí, những tiếng thầm của cuộc đời. Tôi tưởng tôi đã nói điều đó nhưng, vì tôi không viết liền một hơi mà nay nguệch ngoạc vài dòng ở đây, mai mốt một hai trang ở kia, cho khỏi quên, giấu giấu, giếm giếm, lặp lại là điều không thể tránh.
Khi bắt đầu câu chuyện, tôi đã có ý định viết một đôi lời kính cáo, ít vì tính hữu dụng mà chủ yếu là vì tình cảm. Quả thật, ở liệu dưỡng viện, thư viện chủ yếu chứa những tác phẩm trước năm 1900 và có một cái “mốt” của các tác giả thuộc thế kỷ trước, là viết một lời kính cáo độc giả, một lời nói đầu hay một bài tựa.
Giấy của những cuốn sách ấy, đã ố vàng, lấm chấm nâu, dày hơn, láng hơn giấy sách ngày nay, và chúng có một mùi hương, đối với tôi nó dính liền với các nhân vật tiểu thuyết. Vải bọc sách màu đen cũng lên nước bóng loáng như đoạn khuỷu tay của chiếc áo vét-tông cũ, và tôi cũng tìm thấy cùng thứ vải ấy ở thư viện Fumay.
Tôi bỏ ý định viết bài kính cáo bởi e tôi tự cho mình quan trọng quá. Đúng là rất có thể tôi lặp lại, nói năng lộn xộn, thậm chí mâu thuẫn vì, tôi viết trước hết bởi nhu cầu vén mở một sự thật nào đó.
Còn về phần những biến cố không trực tiếp liên hệ tới cá nhân tôi, tôi có nhắc lại chúng, khi tôi là nhân chứng với cố gắng hết sức của ký ức tôi. Để tìm lại một ngày tháng nào đó, nhiều khi phải lục tìm trong các bộ sưu tập báo cũ mà tôi thì không biết kiếm chúng ở đâu.
Tôi chắc chắn về ngày thứ Sáu mồng 10, ngày này chắc hẳn hiện nay phải xuất hiện trong những cuốn chuyên thư về sử. Tôi cũng chắc chắn, một cách đại cương, về lộ trình mà chúng tôi đã theo, mặc dầu, ngay hồi đó trên tàu, một vài bạn đồng hành của chúng tôi đã bắt đầu kể tên những ga mà chúng tôi không nhìn thấy.
Một con đường, vào thời đó, buổi sáng trống vắng, có thể lúc nhúc xôn xao sự sống chỉ một giờ liền sau đó. Tất cả đều diễn tiến nhanh khủng khiếp và chậm cũng khủng khiếp. Người ta hãy còn đang nhắc tới những trận đánh ở Hòa Lan, thì đã thấy xe tăng Panzer xuất hiện trước Sedan*.
*[Sedan là địa điểm chiến trận rất quan trọng của giai đoạn đầu Thế chiến thứ hai đối với mặt trận phía Tây của Đức]
Sau rốt, có thế trí nhớ tôi khiến tôi phạm phải vài lầm lỗi. Như tôi đã nói, về buổi sáng cuối cùng ở Fumay, tôi có thể dựng lại một vài giờ rõ ràng từng phút một trong khi, với những giờ khác, tôi chỉ nhớ bầu không khí tổng quát mà thôi.
Chuyện đã xảy ra trên tàu cũng vậy, nhất là với sự mệt mỏi, cái thứ tê cóng trì độn đó, thứ trống vắng đầu óc liên tục đó đối với lối sống của chúng tôi.
Chúng tôi không còn trách nhiệm, sáng kiến nào nữa để phải thi thố. Chẳng có gì tùy thuộc chúng tôi, ngay cả số phận của chúng tôi.
Một chi tiết đã làm tôi bối rối, chẳng hạn, vì tôi khá cẩn trọng và có khuynh hướng nghiền ngẫm một ý tưởng cho đến khi sắp xếp hoàn bị đâu vào đó. Khi tôi nói máy bay oanh kích đoàn tàu của chúng tôi, về người lái tàu vung chân múa tay bên cạnh đầu tàu của bác ta và về người thợ máy chết, tôi chưa kể tới viên sếp tanh*. Mà, phải có một viên sếp tanh chứ, người có phận sự quyết định nhiều chuyện.
*[Tức là trưởng tàu (chef de train)]
Tôi không thấy hẳn ta. Có hắn ta không? Không có hắn? Lại một lần nữa, các sự việc không nhất thiết diễn ra theo đúng luận lý.
Về phần Vendée, tôi biết rằng da thịt tôi, mắt tôi, toàn thân tôi chưa bao giờ khao khát mặt trời đến thèm thuồng như ngày hôm đó, và tôi có thể nói rằng tôi đã thưởng thức tất cả những sắc thái tế vi của ánh sáng, tất cả các loại màu xanh của đồng cỏ, cánh đồng và cây cối.
Một con bò cái, nằm dài dưới bóng cây sồi, màu trắng và nâu, cái mõm ướt át của nó động đậy không ngừng, không còn là một con vật quen thuộc, một cảnh tượng tầm thường, mà đã trở thành...
Trở thành gì? Tôi không tìm được chữ diễn tả. Tôi vụng lắm. Nhưng không phải vì thế mà tôi khỏi nước mắt rưng rưng khi nhìn một con bò. Và, ngày hôm đó, tại ngoài hiên một lữ quán màu hồng, cặp mắt tôi chú mục rất lâu, kinh tâm động phách, vào một con ruồi lượn quanh giọt nước chanh.
Anna nhận thấy điều đó. Tôi ý thức được rằng nàng cười. Tôi hỏi nàng tại sao.
- Em vừa nhìn thấy anh hệt như anh ở tuổi lên năm.
Ngay cả mùi thần thể con người, đặc biệt mùi mồ hôi, cũng thú vị khi gặp lại. Cuối cùng, tôi khám phá thấy một miền mà đất ngang bằng với mặt biển, nơi người ta nhìn thấy cả năm gác chuông nhà thờ cùng một lúc.
Mọi người lúi húi làm việc của mình và khi con tàu của chúng tôi đỗ lại, họ chỉ đứng ngó từ xa, không cảm thấy cần phải tới khám xét chúng tôi hay hỏi han gì cả.
Tôi nhận thấy ở đây có nhiều gà vịt ngan ngỗng hơn chỗ chúng tôi, và nhà cửa thì thấp đến nỗi có thể với tay đụng mái được, như thể dân cư ở đây sợ gió cuốn đi.
Tôi thấy Luçon, khiến tôi nhớ tới Hồng y giáo chủ Richelieu*, rồi Fontenay-le-Comte. Lẽ ra chúng tôi đã có thể tới La Rochelle lúc chiều tối, nhưng ông sếp ga ở Fontenay đến giải thích với chúng tôi rằng sẽ có khó khăn nếu cho chúng tôi xuống tàu giữa đêm tối, rồi sau đó xếp đặt cho chúng tôi nghỉ lại tại trung tâm tiếp cư.
*[Trước khi trở thành “bộ trưởng” của vua Louis XIII, Richelieu từng là giám mục tại giáo phận Luçon, vùng Vendée]
Đừng quên rằng vì những cuộc oanh tạc của máy bay mà loạt đèn khí và tất cả đèn đường đều đã phải sơn xanh, dân chúng bị bắt buộc phải treo màn màu đen ở cửa sổ nhà họ, đến nỗi buổi tối, tại các thành phố, khách bộ hành phải trang bị đèn pin và xe hơi nhích từng chút một, đèn pha chong tù mù.
- Người ta sắp tìm cho quý vị một xó yên tĩnh để ngủ. Hình như người ta cũng sẽ đem lương thực đến cho quý vị nữa đó.
Đúng thế. Chúng tôi tới gần biển để rồi lại xa một lần nữa và con tàu của chúng tôi, không theo một thời biểu nào và có vẻ đang tìm một chỗ trú, cuối cùng đã đậu lại giữa cánh đồng, gần trạm xe lửa.
Lúc đó là sáu giờ chiều. Chúng tôi còn chưa cảm thấy hơi mát của hoàng hôn. Hầu như tất cả mọi người đều xuống tàu duỗi chân duỗi cẳng, trừ những người già được vị giáo sĩ và các bà phước trông coi, và tôi thấy vài phụ nữ đứng tuổi vẻ mặt nghiêm khắc, cúi xuống hái những bông bạch cúc và cúc vàng.
Một người nào đó cho rằng những người già mặc đồng phục bằng vải thô màu xám là những người không bình thường. Có thể lắm. Ở La Rochelle, các y tá cùng những bà xơ khác chờ sẵn họ rồi dồn họ lên hai chiếc xe ca.
Tôi đã có sẵn chủ ý và tiến lại gần Dédé, cậu bé mười lăm tuổi, để mua một cái chăn. Việc đó khó hơn tôi tưởng. Nó bàn cãi ác liệt như tay nhà quê ở chợ phiên, nhưng tôi đã thắng.
Anna vừa quan sát chúng tôi vừa tủm tỉm cười; tôi chắc nàng không thể ngờ mục đích cuộc thương lượng của chúng tôi.
Tôi đùa giỡn. Tôi cảm thấy trẻ trung. Hay đúng hơn tôi không cảm thấy tuổi tác nào cả.
- Anh nói chuyện gì mà sôi nổi thế?
- Một ý định riêng.
- Em đoán được.
- Chắc là không rồi.
- Xạo.
Như thể chúng tôi là, tôi một thiếu niên, nàng một thiếu nữ trẻ măng.
- Em thử nói em nghĩ gì, coi em đoán có trúng không nào.
- Anh không muốn ngủ trên tàu.
Đúng thế, và tôi ngạc nhiên khi nàng đã nghĩ đến điều đó. Trong mắt tôi, đó là một ý nghĩ hơi điên, chỉ có thể đến với một người như tôi chứ không với một ai khác. Tôi chưa bao giờ có cơ hội ngủ đêm ở ngoài trời, khi còn nhỏ xíu thì không được vì mẹ tôi không cho phép, vả lại, ở thành thị, chuyện đó rất khó khăn, còn sau này là vì bệnh của tôi.
Từ khi ông sếp ga nói sẽ kiếm cho chúng tôi một xó ở cánh đồng, tôi đã nghĩ tới chuyện ấy và bây giờ tôi đã kiếm được một cái mền che chúng tôi khỏi sương và bảo vệ sự riêng tư của chúng tôi.
Một chiếc xe hơi màu vàng đi tới, với một cô y tá vui tươi và bốn cậu hướng đạo sinh mười sáu mười bảy tuổi. Họ mang cho chúng tôi bánh xăng-uých, hai bình cà phê nóng và nhiều thỏi sô cô la. Hộ cũng đem mền tới, dành cho người già và trẻ em.
Những cánh cửa tàu mở đóng sầm sầm. Suốt một tiếng đồng hồ, trong ánh sáng ban ngày đang chậm chạp tàn phai, là cảnh ồn ào hỗn loạn trong đó người ta phân biệt trước hết những tiếng kêu gọi của dân miền Flamand.
Phải có trạm xe lửa này tôi mới biết có trẻ nhỏ trong các toa dân Bỉ. Cô y tá, cô ta, biết rõ, nhờ máy tuyển lọc. Cô đã trang bị một số bình sữa cần thiết cùng gói tã bự.
Điều đó không khiến toa chúng tôi quan tâm. Không phải vì đó là chuyện của dân Bỉ, mà bởi đám trẻ nhỏ không thuộc vào nhóm chúng tôi. Vả lại, dân Pháp ở hai toa hàng khác, tuy cùng lên tàu với chúng tôi tại Fumay, cũng xa lạ với chúng tôi.
Những phòng nhỏ như tổ ong được dựng lên, ngăn kín, thu vào trong chính chúng. Và trong mỗi phòng lại có các ô nhỏ hơn, như mấy tay chơi bài, hoặc như cặp Anna và tôi.
Lũ ễnh ương bắt đầu kêu ì ọp, những tiếng động mới vang lên giữa cánh đồng và cây cối.
Chúng tôi đi dạo, không cầm tay nhau, không chạm tới nhau, và Anna hút một trong những điếu thuốc mà tôi đã mua cho nàng ở Nantes.
Ý tưởng nói về tình yêu không hề phớt qua tâm trí chúng tôi và hôm nay đây tôi tự hỏi không biết đó có đúng là tình yêu không. Tôi muốn nói tình yêu theo nghĩa người ta thường gán cho chữ này bởi vì, dưới mắt tôi, nó còn là một cái gì hơn thế nhiều.
Nàng không hay biết tôi đã làm gì trong đời và không hề tỏ ra tò mò. Nàng biết tôi từng bị lao, vì đã có lúc tôi nhận xét, khi nói về sự ngủ nghê:
- Khi anh ở liệu dưỡng viện, người ta tắt đèn từ lúc tám giờ.
Ngay sau đó nàng nhìn tôi và cử chỉ đó đặc biệt thuộc về nàng, ánh mắt của nàng cũng vậy, mà tôi khó lòng tả nổi. Có thể nói một ý tưởng bất chợt đến với nàng, không phải là một ý tưởng phát sinh từ suy nghĩ, mà là một cái gì có thế sờ mó tuy chỉ vụt qua mà bản năng khiến nàng chụp bắt được.
- Bây giờ, em hiểu, - nàng thì thầm.
- Em hiểu gì?
- Anh.
- Em khám phá thấy điều gì?
- Anh đã trải qua nhiều năm bị nhốt kín.
Tôi không gạn hỏi, nhưng tôi tin rằng đến lượt tôi, tôi cũng hiểu. Nàng cũng từng bị nhốt kín. Tên gọi cái nơi người ta bị bắt phải sống trong bốn bức tường không quan trọng mấy.
Phải chăng nàng muốn nói điều đó đã để lại một vết hằn, rằng đó chính là vết hằn mà nàng tưởng đã tìm thấy nơi tôi nhưng không biết gán cho điều gì?
Chúng tôi chậm rãi trở lại đoàn tàu tối tăm nơi người ta chỉ nhìn thấy mấy đốm lửa thuốc lá và chỉ nghe thấy vài tiếng thì thầm.
Tôi lấy tấm mền. Chúng tôi tìm một chỗ nằm, chỗ của chúng tôi, nơi đất mềm, cỏ cao, đất dốc thoai thoải.
Một khóm ba cây lớn che chúng tôi khỏi những cặp mắt và một đống phân bò lớn thoảng mùi nồng nồng, trong ấy một người nào đó đã giẫm vào. Trăng sẽ không lên trước ba giờ sáng.
Chúng tôi hơi lúng túng mất một lúc, người nọ đứng trước mặt người kia, và để lấy lại vẻ bình thản, tôi bắt đầu trải tấm mền.
Tôi lại nhìn thấy Anna ném điếu thuốc của nàng đi và nó tiếp tục cháy sáng trong cỏ, cởi chiếc rốp của nàng bằng một cử chỉ mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy, rồi đến quần áo lót.
Rồi nàng tiến lại gần, trần truồng, bất ngờ chạm phải cái lạnh của đêm khiến nàng rùng mình một vài lần, và nhẹ nhàng kéo tôi xuống đất.
Tôi hiểu ngay rằng nàng muốn đêm nay là đêm của tôi. Nàng đoán được rằng tôi sẽ cung nghinh nó như một buổi lễ, như nàng đã đoán được bao nhiêu ý nghĩ khác của tôi.
Chính nàng là người nắm phần chủ động khởi sự tất cả, cũng lại là nàng đẩy tấm mền đi để cho thân thể chúng tôi được tiếp xúc với mặt đất, với hương thơm của đất và cỏ mượt.
Khi trăng lên, tôi vẫn chưa ngủ. Anna đã mặc lại quần áo và chúng tôi cuộn mình trong chăn, ôm ghì lấy nhau vì khí lạnh của đêm.
Tôi thấy mái tóc đậm màu của nàng có ánh đỏ, khuôn mặt nhìn nghiêng ngoại lai của nàng, nước da xanh xao mà làn da khác hẳn làn da tôi đã được biết.
Chúng tôi hòa trộn vào nhau thắm thiết đến nỗi da thịt chúng tôi chỉ còn là một mùi hương.
Tôi không biết tôi nghĩ gì khi nhìn nàng như vậy. Tôi trầm lắng, không vui không buồn. Tương lai không khiến tôi bận tâm. Tôi khước từ không để nó can thiệp vào hiện tại.
Chợt tôi nhận thấy rằng, hai mươi tư tiếng đồng hồ vừa qua, tôi không lo âu dẫu chỉ một lần đến cặp kiếng phòng hờ của tôi, có lẽ đang nằm đâu đó trong đồng cỏ hay trong lớp rơm rạ trên toa chúng tôi.
Thỉnh thoảng, thân thể nàng lại xao động khẽ run lên và đường nhăn trên trán nàng lại hằn sâu thêm, như thể có một cơn mộng dữ hay một cơn đau đớn đi qua.
Cuối cùng tôi ngủ thiếp đi. Thay vì tự thức dậy theo thói quen, thì lại là một tiếng động kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Một người nào đó đã đi đến gần bên, đó là gã ngậm ống vố, kẻ mà tôi gọi là tay gác cổng. Một bụm khói thuốc của gã bay tới tận chỗ tôi nằm, bất ngờ trong buổi bình minh đồng quê này.
Đó cũng là người dậy sớm như tôi, chắc chắn đó là một người cô độc, mặc dầu gã đã nhắc đến vợ con với vẻ bực bội quá đáng. Gã cũng bước những bước như tôi mỗi sáng trong vườn nhà và ánh mắt chúng tôi gặp nhau.
Tôi thấy gã có vẻ tốt. Với đôi vai xuôi xuống và cái mũi lệch, trông gã có vẻ giống con quỷ lùn tử tế trong các câu chuyện bằng tranh cho trẻ em.
Anna giật mình thức dậy.
- Đến giờ rồi sao?
- Chắc chưa đâu. Mặt trời chưa mọc mà.
Một làn sương mù mỏng nhẹ từ mặt đất bốc lên và lũ bò cái rống trong một chuồng bò phía xa xa, từ đó le lói chút ánh sáng. Chắc người ta đang vắt sữa bò.
Ngày hôm trước, chúng tôi trông thấy có vòi nước đằng sau tòa nhà bằng gạch của trạm xe lửa. Chúng tôi liền tới đó để rửa mặt mũi chân tay. Quanh đấy không có người nào.
- Giữ cái chăn.
Anna cởi quần áo trong chớp mắt rồi vã nước lạnh lên thân thể.
- Anh không muốn chạy đi kiếm cho em miếng xà bông của em sao? Nó nằm trong đám rơm rạ, sau cái rương của anh ấy.
Sau khi lau khô người và mặc quần áo, nàng ra lệnh cho tôi:
- Tới lượt anh!
Tôi ngần ngại.
- Họ bắt đầu trở dậy rồi, - tôi chống chế.
- Rồi sao? Dù họ thấy anh trần truồng thì đã sao?
Tôi bắt chước nàng, môi tái nhọt, rồi nàng lấy khăn chà mạnh lưng và ngực tôi.
Chiếc xe hơi vàng đã trở lại, chở theo cũng cô y tá đó, cũng những cậu hướng đạo sinh có vẻ trẻ con lớn quá nhanh hay đàn ông chưa trưởng thành đó. Họ lại mang đến cho chúng tôi cà phê, bánh phết bơ, những bình sữa cho con nít.
Tôi không biết gì về chuyện đã xảy ra trên tàu đêm qua, cũng không biết có đúng không, cứ theo tin đồn thì hôm qua một thiếu phụ đã sanh. Điều đó làm tôi ngạc nhiên, vì tôi không nghe thấy gì cả.
Người ta đối xử với chúng tôi như lũ học trò đi nghỉ hè và cô y tá, tuy chưa tới bốn mươi, hướng dẫn chúng tôi như kiểu một lớp đồng ấu.
- Lạy Chúa! Ở đây đây mùi chân là chân! Lát nữa, tới trại, phải rửa chân tất cả nghe, các con. Còn ông, ông nội ơi, một mình nội uống hết những chai này sao?
Cô ta để ý Julie.
- Này, cô bé bự, cô còn chờ gì rồi mới dậy nữa đây? Cô định ngủ nướng chăng? Người ta sắp đi rồi đó! Một tiếng nữa, quý vị sẽ có mặt ở La Rochelle.
Ở đó, cuối cùng, biển gần sát bên, bến tàu kề nhà ga với một phía là các tàu thủy chạy hơi nước, còn phía bên kia là những thuyền đánh cá phơi buồm và lưới trong ánh mặt trời.
Tôi chiếm hữu tức tốc phong cảnh đã đi vào da thịt tôi. Dù có nhiều tàu trên đường sắt thì tôi cũng không quan tâm và không nhìn thấy gì cả. Tôi cũng không quan tâm hơn đến các nhân vật ít nhiều quan trọng đi đi lại lại và ra lệnh, đến những thiếu nữ mặc đồ trắng, những quân nhân, những hướng đạo sinh.
Người ta giúp những người già xuống tàu và ông giáo sĩ đếm họ như thể ông sợ để lạc hay quên mất họ.
- Tất cả mọi người tới trung tâm tiếp cư, phía trước mặt nhà ga.
Tôi vác rương của tôi và cái vali mà Anna cố giành lấy từ tay tôi, chỉ để cho nàng mang tấm mền và đám chai không, có thể chúng sẽ vẫn hữu dụng.
Đám lính võ trang nhìn chúng tôi đi qua, quay lại ngó cô bạn đồng hành của tôi đi sát cạnh tôi, như thể nàng chợt cảm thấy lạc lõng và như thể nàng sợ.
Mãi một lúc sau tôi mới hiểu tại sao. Bên ngoài, các hướng đạo sinh chỉ cho chúng tôi những lều trại bằng gỗ thông còn tươi mới dựng lên trong một công viên, cách khu tàu đậu chừng hai bước. Một cái lều rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn ki-ốt bán báo chút xíu, được dùng làm văn phòng và chúng tôi thấy mình cũng như những người khác, đứng nối đuôi nhau trước cái cửa mở rộng.
Nhóm chúng tôi bị chia xé ra. Chúng tôi lẫn vào với đám người Bỉ đông hơn chúng tôi nhiều và không có chút ý niệm nào về điều người ta muốn ở chúng tôi.
Từ xa, chúng tôi ngắm cảnh những người già lên xe ca. Hai cái xe cứu thương cũng mở máy. Chúng tôi nhìn thấy mấy ngọn tháp trong thành phố cách xa một khoảng và những người tị nạn, đã được nhập trại, tò mò đến nhìn chúng tôi. Nhiều người là dân miền Flamand và họ sung sướng tìm thấy bạn đồng hương.
Một người, nói tiếng Pháp, hỏi tôi bằng giọng hơi nặng:
- Anh ở đâu tới?
- Fumay.
- Thế thì anh không được đến đây, phải không. Đây là trại Bỉ.
Anna và tôi lo ngại ngó nhau, trong khi vẫn dài cổ chờ đến lượt dưới trời nắng chang chang.
- Chuẩn bị thẻ căn cước.
Tôi không có thẻ vì lẽ vào thời đó, việc lấy thẻ không bắt buộc ở Pháp. Tôi cũng không có hộ chiếu, vì không bao giờ đi ngoại quốc.
Tôi thấy một vài người trong số những kẻ từ văn phòng đi ra hướng về phía trại, một số khác bị bảo ra đứng trên vỉa hè chẳng biết để đợi cái gì, chắc hẳn họ đợi một phương tiện chuyên chở để đưa họ đi nơi khác.
Tới gần cửa hơn, tôi nghe thấy một mẩu đối thoại.
- Anh làm nghề gì, Peeters?
- Tôi, tôi là thợ nguội, nhưng từ hồi chiến tranh...
- Anh muốn làm việc chứ?
- Anh biết tôi không phải là kẻ làm biếng mà.
- Anh có vợ con chứ?
- Vợ tôi kia, người mặc váy xanh, với ba đứa nhỏ.
- Anh có thế làm việc ngay ngày mai tại nhà máy Aytré và anh sẽ lãnh khoản lương bằng những người Pháp. Ra chờ ngoài vỉa hè. Người ta sẽ đưa các anh tới Aytré, ở đó người ta sẽ tìm chỗ ở cho các anh.
- Thiệt vậy không?
- Người kế.
Đó là lão Jules, một trong những kẻ đến sau cùng, đã len vào hàng.
- Thẻ căn cước của anh.
- Tôi không có.
- Anh đánh mất?
- Người ta không hề cấp cho tôi.
- Anh dân Bỉ?
- Dân Tây*. [Tức là Pháp]
- Thế anh làm gì ở đây?
- Tôi chờ ông chỉ cho tôi điều đó.
Người đàn ông khẽ trao đổi với một người nào đó mà tôi không nhìn thấy.
- Anh có tiền không?
- Còn không đủ mua một xị.
- Anh không có gia đình ở La Rochelle sao?
- Tôi chẳng có gia đình ở đâu hết. Tôi mồ côi từ lúc mới ra đời.
- Họ sẽ lo cho anh sau. Thôi đi nghỉ đi.
Tôi cảm thấy Anna càng lúc càng thêm bứt rứt. Tôi là người Pháp thứ hai đến lượt vào.
- Thẻ căn cước.
- Dân Pháp.
Người đàn ông nhìn tôi chán nản.
- Trên tàu nhiều người Pháp lắm hả?
- Ba toa.
- Ai lo cho ông?
- Không có ai cả.
- Ông tính làm gì?
- Tôi cũng không biết.
Hắn chỉ Anna.
- Vợ ông phải không?
Tôi chỉ lưỡng lự một giây trước khi nói “phải”.
- Tự lo liệu lấy chỗ trong trại cho đến khi có lệnh mới. Chính tôi cũng không biết làm sao. Chuyện này không được tiên liệu.
Ba khu trại còn mới, rộng rãi, với hai dãy nệm rơm trên mấy cái sập. Một vài người còn ngủ, có lẽ là những người đau, hoặc những người tới trong đêm.
Xa hơn chút nữa, người ta đã dựng một căn lều tròn như rạp xiếc cũ kỹ bằng vải thô màu xanh, trong đó chỉ rải rơm rạ.
Chúng tôi cất đồ vào một góc trong đó, Anna và tôi. Lúc đó trại mới bắt đầu lác đác người. Còn nhiều chỗ trống. Tôi đoán rằng điều đó không kéo dài lâu và nghĩ người ta sẽ để chúng tôi yên thân trong lều hơn so với bên các trại.
Trong một căn lều nhỏ hơn, khá tồi tàn, mấy bà đang lo gọt khoai và rửa rau trong mấy cái chậu cây.
- Cảm ơn, - Anna thì thầm.
- Tại sao?
- Tại điều anh đã nói.
- Anh sợ họ không cho em qua.
- Nếu vậy anh định làm gì?
- Anh sẽ đi với em.
- Đi đâu?
- Không quan trọng lắm.
Tôi có mang theo ít tiền, phần lớn tiền dành dụm của chúng tôi nằm trong xắc tay của Jeanne. Tôi có thể làm việc. Tôi không gớm ghét chuyện đó.
Tuy nhiên, lúc này, tôi thích duy trì tư cách dân tị nạn của tôi. Nhất là tôi thích ở lại trong trại này, gần hải cảng, tàu bè, thích đi lang thang giữa những lều trại nơi đám đàn bà giặt giũ và phơi phóng, nơi lũ trẻ con cởi truồng lê la dưới đất.
Tôi không đi khỏi Fumay để phải suy nghĩ và nhận lãnh những trách nhiệm.
- Nếu em thú thật với họ rằng em là dân Tiệp...
- Em là người Tiệp Khắc ư?
- Em sinh ở Praha, với dòng máu Do Thái của mẹ em. Mẹ em là người Do Thái.
Nàng không sử dụng thì quá khứ, điều đó cho phép giả định rằng mẹ nàng hãy còn sống.
- Em không có hộ chiếu, nó nằm ở Namur. Nghe giọng em, họ có thể cho em là người Đức.
Tôi xin thú thực rằng lúc đó tôi có một ý nghĩ xấu và tôi phiền não u sầu lắm. Phải chăng nàng, một cách nào đó, đã lựa chọn tôi, gần như ngay sau khi chúng tôi từ Fumay ra đi?
Trong toa, tôi là người đàn ông độc nhất dưới năm mươi tuổi, trừ thằng bé có mấy tấm mền. Tôi suýt quên anh bạn đồng môn Leroy và tôi bỗng tự hỏi không hiểu tại sao hẳn lại không nhập ngũ.
Dù sao mặc lòng, tôi đã không có bất cứ một nỗ lực nào. Chính nàng đã đến với tôi. Tôi nhớ lại những cử chỉ rõ rệt của nàng, đêm đầu tiên, bên cạnh Julie và gã lái ngựa của cô ta.
Nàng không có hành lý, không tiền bạc; hết nước nàng đành phải đi xin một điếu thuốc.
- Anh nghĩ gì thế?
- Về em.
- Em biết. Nhưng anh nghĩ gì mới được chứ?
Tôi ngu muội nghĩ rằng, ngay từ lúc còn ở Fumay, nàng đã tiên đoán người ta sẽ hạch hỏi giấy tờ nàng một ngày nào đó và nàng tìm cách tự bảo đảm trước bằng một người bảo lãnh.
Tôi!
Chúng tôi đứng giữa hai căn trại, vẫn còn một chút cỏ bị giày xéo trên lối đi, ít quần áo phơi phơ phất trên dây. Tôi thấy con ngươi trong mắt nàng trở nên bất động, đôi mắt phủ mây. Hẳn tôi sẽ không tin nàng có thể khóc, ấy thế nhưng những giọt nước mắt đích thực đang lăn dài trên má nàng.
Đồng thời, nắm tay nàng siết lại và khuôn mặt nàng tối sầm ảm đạm đến nỗi tôi tin rằng qua những dòng nước mắt kia hẳn nàng sắp tuôn cho tôi một tràng chửi rủa và oán trách.
Tôi muốn cầm bàn tay nàng, nhưng nàng rụt lại.
- Xin lỗi, Anna.
Nàng lắc đầu, tóc xõa ra trên má.
- Anh không thực sự nghĩ như thế. Đó chỉ là một ý tưởng mơ hồ, như đôi lúc nó đến với ta.
- Em biết.
- Em hiểu chứ?
Nàng lấy mu bàn tay quệt mắt, hồn nhiên khịt khịt mũi.
- Thôi hết rồi, nàng thông báo.
- Anh làm em đau lắm hả?
- Chuyện đó sẽ qua.
- Anh cũng đau nữa. Thật ngốc. Anh hiểu ngay rằng điều đó không đúng.
- Anh tin chắc thế?
- Ừ.
- Tới đây.
Nàng dẫn tôi đi về phía mép bến tàu và hai chúng tôi cùng nhìn lên phía trên các cột buồm lay động do thủy triều, sừng sững hai ngọn tháp lớn như tháp của những chiến lũy, đứng hộ vệ hai bên lối vào hải cảng.
- Anna!
Tôi nói khẽ, không quay về phía nàng, mắt bị chói bởi mặt trời và màu sắc.
- Dạ?
- Anh yêu em.
- Suỵt.
Cổ họng nàng vồng lên như thể nàng đang nuốt nước miếng. Rồi nàng nói tới chuyện khác, bằng một giọng đã tự nhiên trở lại.
- Anh không sợ người ta thó mất hành lý của anh sao?
Tôi cất tiếng cười, một tràng cười không dứt và tôi hôn nàng trong khi đám hải âu bay ngang qua chúng tôi, cách chừng hai thước.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét