Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Bố con lão Đen

Bố con lão Đen

Tác giả: Nguyên Hồng


- Ối giời đất ơi!... Anh đánh chết tôi đi... Anh cứ việc đánh chết tôi đi. Ối thiên địa giời đất ôi!
Mặc mụ vợ kêu, lão Đen không thèm đáp lại một tiếng. Lão cứ nghiến răng và, hự! Hự! Hự!... Hắn cứ giáng liên tiếp cái dùi đục xuống lưng vợ. Cả cái thân thể cao lớn và chắc nịch của vợ hắn chồm lên, oằn lại, vùng vẫy. Nhưng, cái nắm tóc dài ghì trong tay lão Đen chỉ càng xoắn thêm.
Mặt lão Đen tím bầm. Làn da nâu sạm biến thành một thứ vỏ sú, vỏ vẹt đã ngâm nước. Mắt hắn sáng quắc tưởng xì ra lửa. Hai mép hắn ngoác ra. Cái vết dao chém bập vào gò má hắn trước kia, dúm lại. Hai bọng thịt ở gò má nổi tròn lên như mang rắn đang phun nọc. Bị đè dưới hắn, mặt dằn xuống đất, mặt mụ vợ những lúc cố ngước vẫn lấp lánh. Và càng giãy giụa, những gợn sóng trong mắt mụ vợ càng loang loáng chiếu vào cặp mắt điên cuồng của lão Đen.
- Hự! Hự! Hự!
- Ối giời đất thiên địa ơi, ối giời cao đất dày ơi, tôi chết mất!...
Tiếng kêu hổn hển của mụ vợ đã khản đặc và ngắc ngoải. Nhưng vẫn không một ai vào can. Mà bên cạnh có người ở, trước mặt có người ở, sau lưng có người ở, chung quanh vợ chồng lão Đen lúc nhúc những hàng xóm đấy. Đã xế trưa, hầu hết người ta đi làm, nhưng vẫn còn đây tiếng chẻ củi chan chát, kia tiếng ru con ời ợi, kìa tiếng giã gạo thình thịch và gần đó, một giọng nghêu ngao từ trưa đến giờ kể mỗi chuyện “Trê cóc”.
- A! Thằng này, có phải mày chim vợ ông không?
- A! Cái con này chính mày xúi bẩy vợ ông theo giai đây.
- A! Những nhãi ranh này, chúng bay vào nhà ông ăn cắp à?
Lão Đen hét lên, kêu rít lên. Cầm bất cứ trong tay củi tạ, búa đinh, dùi đục, chân bàn hay gì gì đấy, hắn choang liền vào bất cứ chỗ nào cái người dại dột đến can vợ chồng hắn. Nhưng ở xóm này đã hơn mười năm, đàn ông, đàn bà, già trẻ nhớn bé, chẳng ai lại dại như thế cả để khi không bị là nhân tình vợ hắn, đưa đón, mồi chài cho vợ hắn, ăn cắp của nhà hắn và giơ đầu chịu búa đinh, củi tạ, chân bàn...
Tuy bị đánh như thế hay gấp mười nữa, vợ lão Đen cũng chẳng coi mùi gì. Cứ trông mụ đã bị hắn ngồi lên kia mà mụ vẫn to gấp rưỡi hắn. Và sao ngày thường ở ngoài Sáu Kho, mụ quại băng băng lên vai cả một tạ gạo, vật nhau cả với những người đàn ông lực lưỡng, thích cùi tay vào mạng mỡ người ta, đấm xỉa vào lá mía và cứ nhè chỗ hiểm lên gối, mà giờ mụ lại chịu bẹp như thế? Đâu phải đã đẻ với lão Đen bẩy tám bận nên mụ bị suy kiệt khí lực? Mụ vẫn đội từng sọt khoai, gánh từng bốn thùng ngô đầy ăm ắp đấy. Trái lại, lão Đen mặt càng sắt thêm, bắp tay không còn thể đánh thình thịch vào những cây sắt như trước, tuy năm nay lão mới ngoài ba mươi tuổi chứ không già cả như người ta tưởng trước cái tên “lão” kèm theo tên Đen kia.
Còn mụ vợ không như những người đàn bà khác trong xóm, tay mụ làm, hàm mụ nhai. Sự may mặc sắm sửa cho mụ đều do cả đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi trán của mụ từ khi mới lấy lão Đen cho tới ngày nay. Hết bến tàu xi-măng, cốt-phát lại Sáu Kho, Máy Tơ vân vân... trừ những khi sinh nở phải nghỉ dăm bữa nửa tháng, còn quanh năm suốt tháng đều có mặt mụ ở những nơi đó. Đun goòng, cầm bò, khuân vác, mưa, nắng, giời rét chết cò, mụ chẳng từ một buổi nào hay một việc gì tuy nhiều người đàn ông đã phải chùn lại.
Mụ lấy lão Đen, bị trói buộc lại với hắn, chẳng vì cheo cưới hay tiền của vốn liếng gì. Anh làm phu, chị làm phu; anh không cha mẹ, chị cũng trên không chằng dưới không rễ; anh chị thân mật với nhau, vui buồn với nhau dưới một trời than bụi và hơi dầu máy. Một hôm kia, họ hẹn mà tìm nhau trong một đêm tối, sau đó thì họ trở nên vợ chồng. Đã nhiều lần tay bế một đứa, tay dắt một đứa, và còn sắp thêm một thúng con quần áo, mụ vợ quyết lìa hẳn anh chồng. Mụ ra Cẩm Phả, vào Vàng Danh, Uông Bí thuê hẳn nhà, mua lại hẳn giường. Nhưng chỉ được mươi hôm, những buổi sớm tinh sương, những buổi chiều mờ tối, những bước chân dồn dập của những người làm ăn buôn bán trở lại nhà giữa những tiếng eo sèo của cảnh cơ cực, lại làm mụ Đen khóc. Mụ khóc rưng rức. Thế là người ta lại thấy vợ lão Đen về với hắn, rồi lại đẻ với hắn và bị hắn đánh những trận thừa sống thiếu chết.
- Ông đã bảo mày mà, ông đã bảo rứt lưỡi ra mà mày cũng không nghe ông. Mày là vợ ông mà mày không nghe ông thì mày chết!...
Đánh mụ vợ chán tay rồi lão Đen ngồi vừa thở vừa nói. Mụ vợ nằm co quắp ở một xó đất, rên rỉ. Mụ ta chờ lão Đen nguôi đi một lúc nữa rồi mới nói. Để khi đó không lo sự phá tan đồ đạc hay một mồi lửa điên cuồng đốt tất cả những quần áo đi.
- Lo! Ai khiến mày lo? Mày lo để làm gì? Đời ông đây khổ đã nhiều rồi, ông chẳng cần gì hết. Chẳng giàu có gì mà mày phải bắt ông chắt bóp. Còn sống ngày nào, còn lê ra được cái đất Sáu Kho, còn cầm nổi cái ngoáo sắt, còn đi được một buổi tầm, thì ông chẳng sợ gì chết đói. Con nhớn, con bé ông kia, nhớn lên thì lại Sáu Kho, lại xi-măng, chúng nó thân lập thân, khổ sở hay sung sướng mở mặt mở mày là do ở tay chúng nó. Bây giờ cốt sao ông nuôi nổi chúng nó ngày hai bữa, không để chúng nó phải ăn mày, ăn nhặt là được rồi!
- Thôi tôi xin anh! Ờ anh không lo nhưng tôi lo. Tôi vun thu hàn gắn, tôi thắt lưng buộc bụng dành dụm để có đồng buôn đồng bán sau này tôi sắm sửa trong nhà thức nọ thức kia, anh đã không giúp tôi thì chớ sao lại còn phá của tôi?! Anh chắc được mạnh chân khỏe tay mãi à? Anh chắc con nhớn con bé không bao giờ ốm đau, sài đẹn đấy hẳn? Anh cứ tưởng làm ăn được dễ dãi mãi hay sao? Ngay bây giờ đấy công nợ đương réo rắt kia kìa. Anh có ở nhà luôn đâu mà biết! Mà anh biết thì anh có lo cho tôi đâu, hay chỉ chửi bới đánh đập thêm thôi.
- Khổ quá câm đi! Câm đi không có cái điếu này lại vào mặt mày bây giờ. Công nợ bao nhiêu nữa, có thì giả. Vay của họ, mua chịu bán đựng của họ thì phải chịu thêm lãi cho họ chứ chẳng chịu không. Mấy lại ông còn sống đây chứ đã chết đâu mà mày sợ?!
- Phải “ông” còn sống đây, nhưng cơ cực lắm, sống để mà cùn đời rạc rài công nợ à, để cứ nheo nhóc mãi à?!
Ngoài sân nắng đương reo, ánh vàng chói lòa tràn ngập. Dưới đất, mụ vợ vẫn co quắp, tóc rối bù, lòa xòa. Những tiếng rên nức nở, hổn hển làm oi nồng thêm cái không khí dưới mái lá, quanh năm lởn vởn thứ bóng lúc đen loãng, lúc tím mờ, lúc tối đặc. Rít xong một hơi dài thuốc lào, lão Đen bước vùng xuống đất. Hắn chạy đến một góc nhà, kiễng chân tìm bọc tiền. Tiếng lá sột soạt, lão Đen gầm khẽ:
-... Đâu? Mày giấu gói tiền của ông đâu?
- Ở đấy chứ còn ở đâu.
Soạt, lão Đen rút xuống một cuộn vải. Hắn rứt phừn phựt sợi dây chằng ra, rồi kẹp tập giấy bạc đếm:
- Sao lại thế này? Sao lại mất đi sáu đồng thế này?
- Mất đi - mất đi vào cái thạp gạo kia kìa, vào cái siêu thuốc của mấy nhãi con kia kìa, chứ tôi chẳng đem cho (mụ rùng cả tâm trí vì một ý nghĩ ghê rợn, vội nói) chẳng còn cha mẹ anh em nào mà cho cả.
Tu ừng ực nước trong bình tích, lão Đen lấy cánh tay quệt ngang miệng xong, khoác cái áo vải tây vàng lên vai, rồi khom người qua cửa, ra đi. Trong này bóng mờ chợt rùng lên. Mụ Đen vùng dậy, hất tung mớ tóc xõa ra sau lưng... Không phải mụ đuổi theo chồng. Mụ gieo mình đánh thình xuống cái giường ở sát cửa. Mụ vật vã chân tay một lúc rồi nức nở:
- Hự! Hự! Giời đất ơi! Hự! Hự! Cha mẹ ôi! Sao thân con lại khổ thế này? Chồng với con không có tiền cũng dằn vặt, mà có tiền thì cũng lại khốn cực! Hơn chục bạc phát tài đấy, vợ con giữ cho thì không đưa mà cứ đem đi cờ bạc phung phí kia kìa!...
Mụ Đen gào lên giãy đành đạch:
- Thế này thì tôi chết mất, tôi chết mất giời ơi!

* * *

Thằng Bùng nhớn nhác nhìn chung quanh. Vừa bước chân vào nhà nó thấy một cái gì lạnh vắng khác hẳn đi. Nhưng Bùng vừa đưa mắt tới người nằm co quắp trên giường, thì cái cảm giác kia tan ngay. Nó vứt sách vở xuống bàn, chạy lại lay gọi:
- Bu ơi! Ối bu ơi! Bu thổi cơm chưa?
Mấy tiếng ú ớ đáp lại Bùng. Sau đó một cặp mắt đỏ lừ mở ra nhìn Bùng với những nét mặt nhăn nhó:
- Thằng Bùng đã về đấy à? Hôm nay bu đau quá không thổi cơm được, nhưng nhà còn nhiều cơm nguội đấy, mày gọi cái Tý nhớn và cái Tý con về cho nó ăn. Rồi đến tối có đói, tao cho xu ra ngoài ngõ mà ăn phở.
Chị em cái Tý đã về. Cái Tý nhớn cõng cái Tý con, tóc rối bù, mặt đẫm mồ hôi, đất cát và vết bẩn loang ra nhớp nháp. Tý nhớn chớp chớp mắt cặp mắt xếch dưới đôi mày to, vừa đến bên giường:
- Bu ơi! Cơm nguội ăn sao đủ, còn độ bốn bát cơm thì ban trưa con và cái Tý con đã ăn hai bát rồi. Hay bu đau không dậy thổi cơm được thì đưa gạo nhờ bác cu bên cạnh thổi cho.
Thằng Bùng vội ngắt lời chị:
- Không, chẳng nhờ vả gì hết! Bu cứ cho con tiền ra hàng ngoài kia mua thêm cơm.
Cái Tý nhớn đưa mắt nhìn thằng Bùng:
- Thế chỉ mày ăn chứ thầy không về ăn à?
Mụ Đen rên rỉ:
- Ối giời! Bố mày mà vác tiền đi thì còn thiết gì nhà cửa ăn uống? Và tao với chúng mày có chết lăn ra đấy cũng chẳng cần nữa là!
- Nhưng bu ạ, mắm tôm bắc gần hết rồi thì ăn cơm với cái gì?
Cái Tý nhớn vừa dứt lời, mụ Đen đập tay xuống giường thình thình:
- Giời ơi? Thế ban nãy hai đứa mày ăn muối ruột hay sao đấy? Vừa mua năm xu mắm bắc với cả hào sườn, nhà chưa ai dúng đũa, mà chỉ hai đứa mày ăn cơm nguội đã hết rồi. Chúng mày xem, những trẻ mỏ ở xóm này đấy, cơm ăn chỉ với tí nước cáy, tí dưa mà còn không có. Hỏi bố mày đưa cho tao được đồng nào mà chúng mày hành hạ, phá hại tao như thế?
Mụ Đen trở mình. Nét mặt mụ càng rúm lại. Luôn luôn mụ đưa tay xoa miết xuống ngực và hai bên sườn. Những vết tím bầm và những vết sẹo hãy còn đỏ chật ra dưới mảnh áo rách xoạc.
- Hự! Hự! Sao lại đau thế này??
Mụ Đen rên rỉ. Mụ quằn quại. Không thể nhịn được những cái đau chói và tức, người mụ còn cong lên. Và mụ nghiến răng rít những tiếng dài. Thằng Bùng đã thấy cồn cào cả ruột gan, nó nhăn nhó:
- Kìa bu ơi! Cho tiền con ra hàng mua cơm đây.
Cái Tý con đặt ngồi bên mụ Đen đã lại khóc nheo nhéo. Nước mũi nó lòng thòng xuống miệng, thêm mấy con ruồi rủ nhau đến bậu. Cái Tý nhớn cũng như thằng Bùng, như không trông thấy và nghe thấy những cái gì ở trước mặt, mà chỉ có mỗi cảm giác buồn bã, day dứt trong dạ dày và các hình ảnh ngon lành của những bát cơm, bát canh giờ đây đã dọn ra ở bên nhà hàng xóm. Nó xịu mặt ra lè nhè:
- Đi! Bu đi! Bu không cho tiền mua cơm thì lấy gạo cho tôi và thằng Bùng nhờ bác cu nấu cho vậy.
Tý nhớn vừa dứt câu, con bé em quờ tay níu lấy áo nó, kéo giật nó xuống, nghẹo cổ ra:
- A... A... A... Aaaaa...
Cái Tý nhớn gạt phắt tay em đi, con bé liền khóc thét lên, ngay đó mụ Đen rít tiếng:
- Thôi tôi xin các ông, các bà làm khổ tôi vừa chứ. Tôi xin dậy đây để thổi nấu cho các ông, các bà xơi.
Mụ ngắt câu lại bằng mấy tiếng rên và những cái quằn quại.
- Còn đồng năm xu ở cái ruột tượng vắt trên sào màn kia kìa, thằng Bùng ra ngoài hàng mua ba xu xáo bò và hai xu đậu kho. Lấy cái liễn mà đựng xáo, bảo người ta cho nhiều nước vào cho con bé nó ăn với, và để cái đĩa lên cái liễn cho nước khỏi sóng ra. Còn cơm thì tôi thổi đây, chứ bác cu bác ấy sắp đi hàng, còn bận tối mắt tối mũi thì nhờ sao được?
Mụ Đen chống cánh tay xuống giường, run run ngồi lên:
- Bùng ạ, mày nhớ xin cho tao một nắm bã chè tươi nóng đấy. Đưa cái rá cho con Tý nhớn nó cầm đi, lấy nhiều về để tao bóp. Mau lên! không được đinh đáo gì cả. - Mụ Đen lại nhăn mặt đấm nhẹ vào lườn. - Sao lại đau thế này? Sao hễ đau thì lại khó thở thế này?
Theo thằng Bùng bưng thức ăn về, con Tý nhớn quẳng cái rá bã chè xuống cạnh mụ Đen rồi cõng em chạy tót ra sân. Thằng Bùng cũng thế. Chúng nó mặc mụ Đen, đi xin lửa, nhóm bếp bắc nồi, vo gạo. Tới khi cơm chín, mụ Đen còn phải sắp mâm bát cho chúng nó và dọn cả thức ăn ra. Trong nhà, bóng mờ đã dầy; muỗi kêu vo vo, át cả mọi tiếng. Mụ Đen không ăn nhưng vẫn ủ cơm để phần chồng. Thằng Bùng và cái Tý nhớn bảo nhau mang cơm ra giữa sân ăn. Chúng nó ngồi hai ghế con hai bên để cái Tý con ngồi chầu hẫu dưới đất.
Người đi làm trên phố đã về. Ngoài ngõ, tiếng guốc công cốc hỗn loạn, tiếng người ồn ào. Những gian bếp bên kia sân, mé trái nhà và chung quanh đều lào rào những tiếng vo gạo dội nước. Khói quét bốc lên. Mái lá đen mốc xám thêm lại. Cái tối mờ và nặng nề của chiều đổ xuống mặt đất gần hơn. Dưới những mái lá lúp xúp sự eo sèo lại bắt đầu với những trẻ con khóc và người nhớn mệt nhoài.
Thằng Bùng vứt bát đũa vào cái chậu ở cầu rửa, không buồn đổ lấy một gáo nước. Nó chùi miệng vội vàng với cái khăn mặt đen thui và nhơm nhớp mà mẹ nó vừa lau mặt rồi nhảy tót ra ngõ. Cái Tý nhớn lại lăn vào đám trẻ con nô đùa ầm ầm, mặc kệ các em bò lê bò la trên đất.
Chuông nhà thờ chợt nổi lên, boong, boong... gọi các con chiên già cả ở trong xóm. Phía trời đây kia đã thâm lại như một vỏ cây già. Xế tây chỉ còn một khoảng đỏ rực. Nhưng không phải sắc đỏ của hoa hồng, của vàng diệp hay của lụa màu. Đó là sắc của nước vang nhuộm áo, của máu một thú vật bị tên đồ tể thọc dao vào họng, trong đó bao nhiêu tia sáng thoi thóp của mặt trời đều bắn cả lên. Những đám mây đều nổi bật với những gợn tím hồng quân, nghệ tía và phẩm lục.
Khói tàu và nhà máy tỏa ra trùng trùng điệp điệp. Vòm trời trên xóm nhà mụ Đen tối sầm lại, như lợp bằng những quả núi đương lở dần, không tiếng động. Dải đường đá gồ ghề và khúc khuỷu càng rầm rập bước chân người. Ở bãi đất trống đầu xóm, không biết bao nhiêu trẻ con đã kéo đến tụ họp. Chúng cười nói, kêu hét, reo hò mê man với một quả cầu độn bằng vải to như quả bưởi. Sự huyên náo thêm rối loạn, khi quả cầu nọ đã mướp ra, và một số đông trẻ con nữa từ những ngõ lẻ dồn vào.
Bãi đất trống đã hoàn toàn ngập dưới những tiếng ầm ầm. Chợt mấy tiếng tục tĩu chửi rủa văng lên. Liền ngay đó, những tiếng cãi cọ và đấm đá huỳnh huỵch. Rồi gạch đá ném vung lên. Rồi lại những tiếng kêu hét reo hò đinh tai nhức óc vang lên khắp xóm. Nhiều người lớn đã đổ xô ra hốt hoảng.
- Ối giời ôi! Lại thằng cu nhà này rồi!
- Khổ thân tôi chưa? Lại ông Tý nhà tôi đánh nhau kia.
- Hờ Dần ơi! Dần ơi! Bố mày không biết dạy mày để mày lại làm khổ bà kia, Dần ơi!
Mụ Đen mở choàng mắt. Cả người mụ rùng lên, Phập! Lưỡi dao của lão Đen thường để giữa nhà và để đi ra kho lao xuống cạnh mụ. Thằng Bùng cũng vừa ngồi sụp xuống luống cuống. Máu từ mũi nó rỏ ròng ròng. Nó vội đưa tay bịt lấy cả những tiếng nức nở, vừa lay lay lưỡi dao. Mụ Đen hét lên một tiếng. Mụ ôm chầm lấy thằng Bùng, ríu cả lưỡi.
- Sao lại thế này, con ơi! Bùng ơi sao con lại thế này?!
Thằng Bùng vung hai tay lên:
- Bu bỏ con ra, bu bỏ con ra ngay! Thằng con bố Bếp nó chết với con! Nó cậy lớn nó ức hiếp con, nó kéo bạn nó đến đánh con đây này.
Mụ Đen càng ghì chắc vòng tay, giữ con lại. Toàn thân mụ nóng bừng, và, mắt mụ nẩy đom đóm. Mụ run bắn, thở hồng hộc, như đương trong cơn sốt rét:
- Thôi bu lạy con, để rồi bu mách bố nó cho.
- Không! Không! Bu ơi! Bu không bỏ con ra thì con chết mất.
Thằng Bùng gầm lên qua những tiếng nức nở.
Mẹ Đen cũng rít lên:
- Không! Bùng ơi! Con mà đi bây giờ thì bu cắn lưỡi chết ngay đấy!
Theo liền tiếng nói, nước mắt mụ Đen tràn ra, trong đó tiếng nói tắc lại. Lưỡi dao bên cạnh hai mẹ con vẫn đứng thẳng, hơi rung rung. Ánh thép lấp lánh tuy gian nhà chỉ có mỗi ngọn đèn hoa kỳ và chút lửa ở bếp đây kia chiếu lên.

Tiếng lão Đen bỗng nổi lên khàn khàn: “Chúng nó đâu cả rồi?”. Lão bước vào, ném phịch một gói to xuống phản, làm vung vãi những chiếc bánh cao lâu, kẹo tây và bút viết, bút chì, tập đồ, giấy thấm...
- Thằng Bùng và chị em cái Tý chúng nó đâu? Kìa bu nó ơi!
Tiếng “ơi” chưa dứt khỏi miệng hắn, mặt hắn đờ ra và mắt hoa lên. Hắn nói như hết hơi:
- Sao thế Bùng ơi! Sao con tôi lại thế kia?!...
Mụ Đen xua tay:
- Không! Không! Có việc gì đâu!
Lão Đen chạy xô lại, rút phắt lưỡi dao lên, nhớn nhác nhìn. Thằng Bùng vẫn nghẹn ngào và máu mũi nó vẫn chảy ròng ròng.
- Thầy, thầy, thằng con bố Bếp nó đánh con đây.
Một hình ảnh vụt qua trí tưởng lão Đen. Lão mím môi lại, các thớ thịt trên mặt và cổ gân lại càng rung rung.
- Thằng Bếp nào? Có phải thằng Bếp béo nấu cho lão đốc công ở ngoài Kho không?
- Hự! Hự! Phải đấy thầy ạ.
- A! Ha! Ha!...
Lão Đen gầm lên. Vút! Người lão lao ra sân với lưỡi dao va xoảng vào những sợi dây thép phơi quần áo. Mụ Đen vùng chạy theo. Cả trời đất trước mặt mụ tối sầm lại.

Nửa tháng sau, mụ Đen đứng trước một bàn giấy rộng. Dưới mắt mụ, để ở rìa bàn, cái lưỡi dao dài mỏng, mũi nhọn, phớt vài ngấn máu thâm sịt. Đầu mụ cúi thấp, tâm trí mụ hoang mang. Có những tiếng hỏi sang sảng bên tai mụ, nhưng mụ không nghe thấy gì cả.
Ngoài cửa sổ, gió ào ào, nắng phấp phới.
Lúc này đây, lão Đen trốn lên Hà Nội đương gò người trên cái càng xe bò ở một vùng ngoại ô; thằng Bùng đi lang thang cạnh một trường tư; cái Tý con mặt mày nhợt nhạt, khóc nheo nhéo trên sống lưng gầy rạc của cái Tý nhớn.

1942

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét