Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Con “đoàn” cuối cùng


Con “đoàn” cuối cùng

Tác giả: Nguyên Hồng


Muốn làm nghề bán dao, tức là đâm chém thuê phải có một con “đoàn”. Con “đoàn” này càng đẫm máu bao nhiêu, tay anh chị kia càng nổi danh bấy nhiêu. Nhân thế mà đời chơi của anh được đàn em bái phục như dân chúng sùng bái một vị anh hùng nhiều phen hy sinh giúp nước.
Nhưng có một con “đoàn” chẳng phải dễ gì. Vì đã là lưỡi dao dùng lấy máu người thì phải cho ra vẻ chứ không đem đọ nó với dao của kẻ khác mà nó xấu hơn, chủ nhân nó sẽ không được mấy ai tín nhiệm.
Ngắn nhất cũng phải một thước tây. Nhẹ nhất cũng phải nặng tới bốn cân rưỡi. Mũi dao vát, rộng, thật dày, lưỡi thật mỏng và sắc, soi gương được. Chuôi dao phải bằng đồng, khắc một chữ “sinh” để đối với chữ “tử” ở một bên.
Người ta sợ con “đoàn” không hẳn vì nó bén và sáng, cũng không vì cái ý nghĩa kiêu căng của hai chữ Nho ở chuôi dao mà chủ nó dùng để hình dung tất cả mọi cái tàn bạo, ngạo ngược của mình.
Trên đời này, ai cũng tham sống, sợ chết. Nhưng một tay chơi làm nghề bán dao lại khinh thường cả chết lẫn sống. Va nắm sống và chết trong tay, sự sống, chết của va và của người khác.
Cho một nhát lên bả vai, anh-chị để người bị chém được sống sót. Trái lại, chỉ trong chớp mắt đưa lưỡi dao mỏng như lá mạ phạt ngang cổ, anh-chị kết liễu gọn ghẽ một kiếp người. Đền vào mạng người đó, anh-chị chịu năm, mười năm khổ sai nếu nhà chuyên trách dò xét ra được thủ phạm. Cầm bằng tấn thảm kịch diễn ở một góc đường vắng, hay trong một ngõ hẻm, hay ở vùng ngoại ô gần đồng ruộng, anh-chị vẫn ung dung sống một cuộc đời ngang tàng bằng máu người.
Nhưng đừng tưởng hễ có nhiều tiền là dễ dàng thuê được người chém kẻ thù mình. Anh-chị không bao giờ sả một kẻ nghèo hèn cùng mạt, dù người thuê chém trả bao nhiêu tiền chăng nữa. Và anh-chị còn lắm phen được người ta khen vì vui lòng chém không lấy tiền một kẻ quen dùng đồng tiền để áp bức người.
Tôi có quen anh Sáu H.G, người có một con “đoàn” có nhiều thành tích vẻ vang nhất của làng chơi. Tôi đã trông và ngắm và vuốt ve con “đoàn” nhiều phen đẫm máu ấy. Và tôi đã được tay anh-chị cừ khôi nọ kể cho nghe cái tâm sự của va, trong một tiệm thuốc nấu vắng khách, một đêm xuân.

* * *

Đêm ba mươi Tết.
Ngoài đường, gió rào rào lướt qua những chòm sấu. Ghé mắt vào khe vách, tôi thấy không còn một bóng người trong cái màn mưa bụi dày đặc dần dần biến thành một màng khói xám lạnh, ngăn cản không cho ánh đèn điện vàng ngà ngà soi dõi đến những xó cửa.
Mấy người khách hút đã lần lượt ra về. Trong tiệm Sáu H.G làn không khí trở nên buồn bã u uất với ngọn đèn dầu lạc lụn dần.
Sáu ngồi dậy, vuốt ngược hai cánh tóc xõa ra hai mang tai. Đặt mồi thuốc lào, châm lửa xong, Sáu kéo một hơi dài. Làn khói trắng phun ra tản mạn trước mặt Sáu, tăng thêm vẻ đờ đẫn của va. Tôi có cảm tưởng Sáu là một thằng đẫn thua cay luôn mấy canh bạc.
Cánh cửa liếp kẹt mở, một người vận âu phục và một người cao lênh khênh ủ tay vào hai nách bước vào. Anh chàng rỏng rớt như người đàn bà ốm sài mòn, nói:
- Anh Sáu chưa đi ngủ, còn nằm đợi giao thừa hẳn?
Đoạn, hắn cười se sẽ và trỏ Sáu giới thiệu với người vận âu phục:
- Thưa ông, đây là anh Sáu H.G, đàn anh chúng tôi.
Người vận âu phục liền ngả mũ dạ chào và cười một nụ cười hóm hỉnh. Sáu H.G lại nằm duỗi trên cánh phản, nâng dọc tẩu lên gần ngọn đèn. Tôi thay mặt Sáu hỏi người vận âu phục:
- Ông muốn hút thì nằm xuống đây, chúng tôi nhường bàn đèn cho.
Tôi quay bảo Hiến, anh chàng gày và cao, trần một cái áo tây vàng sã vai và cái quần thâm xoạc gối phải dúm bằng mấy sợi gai.
- Anh đi mua thêm mấy xu dầu và đun nước pha chè.
Hiến không đáp lời tôi, trườn người vỗ vai Sáu H.G:
- Anh Sáu, khoan hẵng hút. Em có một chuyện quan trọng muốn nói với anh.
Sáu đưa nghiêng cặp mắt lờ đờ nhìn Hiến. Người vận âu phục nằm ghé bên mình tôi, thong thả nói:
- Thưa ông, tức là anh Hiến đây thay lời tôi xin ông giúp cho một việc.
Sáu nhếch cặp môi thâm như hai miếng chả trâu ôi, ngắt lời người nọ bằng một câu hỏi rất tự nhiên, trơn tru của nghề nghiệp:
- Ông lại muốn nhờ tôi lấy máu của một kẻ thù chứ gì?
Người vận âu phục mỉm một nụ cười. Tiếng nói của va run run vì những cảm giác mãnh liệt kích thích. Ôm lấy cặp mắt vụt sáng ngời, đôi lông mày rậm của va chau lại:
- Ông đoán trúng đó. Vậy xin ông giúp tôi để tôi rửa cái vết nhục lớn này.
Im lặng một hồi lâu, người vận âu phục nói tiếp bằng một giọng căm hờn:
- Thằng chó đểu! Nó thuê vợ chồng tôi làm công cho nó, rồi nó dùng tiền mê hoặc vợ tôi, nó vu cho tôi ăn cắp đồ hàng của nó để bỏ tù tôi, sau đó cướp vợ tôi. Tiếc thay, tôi còn mẹ già và một đàn em dại nên không thể vác dao băm nó ra làm nghìn mảnh được!
Nét mặt đen sạm của người ấy vẫn tối tăm, vẫn giữ những vẻ phẫn uất tới cực điểm của một lòng đau khổ, tủi nhục:
- Vì vậy, nghe thấy nói ông là một kẻ trọng nghĩa khinh tài, một tay chơi can trường, tôi đánh bạo ngỏ ý nhờ ông trừ bỏ một thằng khốn nạn đã làm hại tôi và không biết bao nhiêu người khác. Ngay bây giờ, tôi xin đưa trước ông một số tiền tiêu Tết.
Tôi chợt thấy mắt Sáu H.G sáng lên, và trên làn da xanh bủng, đôi mày lơ phơ giãn ra, miệng hơi hé mở, lộ hai cái răng nanh bịt vàng. Tôi nhìn thấy sự thương xót lấp lánh trong cặp mắt Sáu, cặp mắt bỗng trở nên sắc và sáng như lưỡi dao cạo vừa liếc vào miếng da thấm nhiều dầu. Bất giác tôi trông lên đình màn, tưởng đến con “đoàn” lâu ngày không đẫm máu.
Nhưng Sáu H.G đã dịu ngay nét mặt, chép miệng ôn tồn bảo người vận âu phục:
- Thấy chú Hiến nó dẫn ông đến đây, lại nghe ông kể về những nỗi áp bức làm thâm gan, tím ruột ông, tôi rất có cảm tình với ông. Nhưng tiếc thay, tôi không thể nào giúp ông được. Vậy xin ông bảo chú nó dẫn đi tìm người “chơi” khác. Tôi rất ân hận không giúp được ông, tuy chính tôi cũng đang lo tiền tiêu Tết.
Tôi ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt Sáu H.G lúc bấy giờ bì bì trước ánh đèn dầu lạc vàng ngà ngà. Mắt tôi đưa suốt một lượt trên thân hình Sáu, nằm dán xuống manh chiếu bẩn thỉu chẳng còn nổi cạnh những thớ thịt đen bóng như mun.
Sáu nói tiếp, giọng của người ngái ngủ:
- Ông bằng lòng vậy. Thôi, chú Hiến dẫn ông đi kẻo lỡ việc.

* * *

Nhịp theo tiếng giọt tranh tí tách, Sáu đặt cái dọc ngang bụng, lè nhè ngâm:
- Nhất đăng thiêu tráng sĩ.
Tấc trúc mạt anh hùng.
Sáu láy lại:
-... mạt anh hùng ư... ư... mạt anh hùng...
Không còn một vẻ gì ngang tàng ngạo ngược trên nét mặt đờ đẫn của tay chơi. Mắt Sáu H.G lúc bấy giờ lờ đờ như ngọn đèn dầu lạc mờ mờ giữa cái khay bẩn thỉu. Núm ria bằng con đỉa vắt trên môi thâm sịt làm biểu hiện cho sự bệ rạc, mềm yếu.
Tiếng gió rét thỉnh thoảng rướn lên cao như tiếng sáo diều chợt gặp luồng gió mạnh. Những chòm cây lù mù trong làn mưa bụi âm thầm nhắc người ta tưởng đến những cái gì cằn cỗi sắp thối rữa đương quằn quại trong bóng tối. Ánh đèn điện mờ thê thảm vô cùng, thà tắt đi còn hơn.
Trong tiệm, làn không khí càng lạnh lẽo, u uất. Mấy cái giường thấp lè tè như đã gí xuống tận mặt đất nhớp nháp. Bức vách quét vôi trắng lâu ngày đã trở nên vàng khè, đầy vết bẩn, tăng thêm những cảm giác khó chịu cho người nhìn, như cái màu nâu cặn nhuộm những đồ vật ngổn ngang ở các xó nhà.
Trong cái im lặng riêng biệt của tiệm hút lúp xúp vắng khách, Sáu cất tiếng thở dài:
- Tôi đã đến thời kỳ cùng mạt rồi!
- Sáu nói lạ!
- Thật đấy! Bây giờ thì tôi đành cởi giáp xin hàng bất cứ kẻ nào sinh sự với tôi.
- Nghĩa là Sáu không thèm chấp, nhưng đã có đàn em “thưa chuyện” hộ cho.
Sáu H.G lắc đầu uể oải:
- Ông lầm! Tất cả chúng nó đều đá đít tôi rồi!
- Nhưng vẫn còn con “đoàn” oanh liệt.
- Nó han gỉ rồi.
Tôi ngạc nhiên hết sức. Tôi không hiểu tại sao trước đây hai năm, Sáu H.G nhanh nhẹn, vui vẻ, nói năng toàn bằng một giọng kiêu căng mà nay lại biến đổi khác hẳn như vậy? Ngắt ý nghĩ tôi, Sáu H.G nói:
- Tôi chẳng còn can trường một tí nào. Đấy, ban nãy có người đến thuê tôi lấy máu, tôi phải chối từ liền. Ông xem thì đủ rõ.
- Sáu dư tiền tiêu sài nên không cần “đi” chứ gì?
Sáu H.G yên lặng nhìn tôi, mắt như ướt át:
- Ông tính ngày nay bám vào con vợ “dao cạo” (gái làm tiền) hạng “tã” thì đào đâu ra dư tiền?
Tôi nằm yên, chú hết tinh thần nghe Sáu kể cái tâm sự chua chát của va:
- Hơn hai mươi năm đi chơi, tôi đã kiệt lực rồi! Bao nhiêu năm tù tội đã làm thối chí, núng lòng tôi. Tôi chán hết, ngán hết mọi sự đời...
Mắt lờ đờ như đắm đuối vào quãng quá vãng đầy những kỷ niệm mỉa mai, cay chua, Sáu nói tiếp:
- Nếu không vì con Liên, tôi quyết ăn, hút một bữa cho đã đời rồi đâm đầu xuống sông cho rảnh kiếp.
Nhếch một nụ cười thê thảm trên cặp môi xám xịt, Sáu hất hàm hỏi tôi:
- Ông còn nhớ Liên chứ? Con trùm “phỉnh” (đĩ) ở các săm từ Hàng Bông tới Yên Phụ ấy mà. Liên nó yêu tôi, lấy tôi, rồi cung phụng tôi như ông hoàng, chỉ vì muốn “vây” với các trùm “phỉnh” khác rằng “cậu” nó là anh chị. Cũng vì núp dưới sự ngạo ngược của tôi mà nó làm nhiều tiền và dễ dãi: ở săm nào nó ngủ cũng không mất tiền, bảo xe nào cũng phải kéo không, bắt tụi ma cô kiếm được “cốc” cũng phải dẫn đến cho nó.
- Tôi đã sống với nó hơn tám năm, nhưng...
Ngừng lại một giây để thở dội lên một cái, Sáu H.G nói tiếp:
- Mỗi khi nghe nói đến tiếng “nhưng” ông đã biết trước những cái éo le trong câu nói ngập ngừng ấy chứ gì? Thật éo le quá ông ạ! Con Liên và tôi bị một thằng đàn em nhân tình với một con “phỉnh” mới mọc mũi chém sả vai, vì vợ tôi và “miềng” (nhân tình) thằng nọ tranh nhau “cạo” một con “bò” (kẻ ngu ngốc và nhiều tiền). Thằng nọ bị hai năm tù, nó chưa được ra thì Liên lăn cổ ra chết. Vì thế nên tôi mới phải gắn bó với con “dao cạo” cùn lưỡi hiện giờ.
Bỗng nhiên như bị một sức mạnh gì kích thích, Sáu H.G vùng ngồi dậy, mím môi lại, rít tiếng nói:
- Gắn bó với con này và mở tiệm thuốc nấu này để kiếm miếng ăn, điếu thuốc, tôi nào có sung sướng gì đâu! Nằm chúi một xó không muốn “đi” đâu, chỉ vì tôi gắng gượng chờ đến ngày thằng đàn em và tụi nó ở tù ra để lấy máu cả bọn rửa nhục cho tôi và vong linh con Liên vợ tôi.
Tôi mở mắt to hơn nhìn. Mắt Sáu bỗng sáng quắc như một con thú dữ bị một vết thương tê buốt. Tôi cảm động và ghê sợ cho cái ý nghĩa của sự chịu đựng của Sáu H.G, một tay chơi về già, một hạng người cằn cỗi.
Thì Sáu đã vùng đứng lên, rút con dao giắt trên đình màn ra. Y chém một nhát mạnh xuống cạnh phản. Để lưỡi dao ngập sâu vào gỗ, Sáu cười gằn bảo tôi:
- Ban nãy tôi nói thế là nói đùa, chứ đời nào con “đoàn” của tôi han gỉ, đời nào tôi chịu hàng phục một ai, đời nào tôi để đàn em khinh tôi, và đời nào cảnh tù tội làm núng lòng, thối chí tôi!
Vừa nói, Sáu vừa cầm bàn tay tôi vuốt nhẹ lưỡi dao như người mẹ đưa đứa con hồng hào xinh xắn của mình cho người bạn quý mơn trớn:
- Đấy ông xem, con “đoàn” tôi thửa lần cuối cùng cũng “sứa” (sắc) như những con “đoàn” trước phải không?
Qua cửa sổ, một luồng gió rít lên. Xa, gần bỗng nổi ran tiếng pháo giao thừa quanh mình tôi, một thứ hơi lành lạnh. Tôi ghê rợn tưởng như khí lạnh ấy ở lưỡi dao sáng kia hắt ra, và đưa trên lưỡi dao, bàn tay tôi như đã đẫm chút máu người.

1938

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét