Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Chín Huyền

Chín Huyền

Tác giả: Nguyên Hồng


Thấm thoắt đã hơn hai năm và ngày hôm nay là ngày giỗ đoạn tang Tư Lung Thiên.
Trời vừa sập tối, Chín Huyền vội đánh diêm châm đèn, rồi nàng rảo bước chạy lên xóm trên mua nửa chai rượu. Hàng trên này hết cả, Chín hậm hực đành vác chai ra tận đầu làng mua rượu lậu vậy.
Chín Huyền trở về đến nhà thì cả một bầu trời đã đen nghịt không một ánh sao. Chín dắt hai con ra sân rồi nàng mang một cái ghế đẩu, đặt dưới gốc nhãn đằng cuối sân. Rồi Chín bưng ra một mâm thức ăn, để trên mặt ghế.
Ở giữa mâm có một con gà trống luộc, hai bên có hai đĩa cơm nếp cái béo mọng, xung quanh bốn bát: giò nấu với củ cải, su hào và miến. Phía sau con gà, hai nghìn vàng giấy chồng lên nhau, đỡ lấy chiếc đèn hoa kỳ và một cỗ mũ áo lấp lánh những miếng kính tròn. Mùi cam chín, mùi chuối tiêu thơm, mùi huệ ngát trong đĩa hoa quả lẫn với mùi nhang ngào ngạt tỏa khắp khu vườn, tản ra trong một bầu không khí lạnh.
Hai đứa bé ngồi chồm chỗm, trố mắt nhìn mẹ bầy biện.
Một phút sau, Chín bế cả hai con đến trước mâm cúng, giải chiếc chiếu võng, đặt chúng ngồi xuống. Chín yên lặng cởi bộ quần áo xổ gấu bằng vải màu trám của hai con và của mình ra. Nàng mặc cho hai con bộ quần áo mới, còn nàng khoác vội chiếc áo nâu đồng lầm đã phai màu.
Chín thắt xong chiếc thắt lưng sồi xe, cài xong cúc áo, thành kính đặt hai tay ngang đầu, quỳ gối, lễ bốn lễ trước những nén nhang bốc khói.
Sau cùng, Chín Huyền nằm phục trên chiếu, nghẹn ngào khấn rất lâu, đại khái:
- Anh Tư Lung Thiên! Hôm nay là ngày giỗ đoạn tang anh, tôi có đĩa cơm dẻo, bát canh ngọt, ít nhang thơm để dâng cúng, vậy xin linh hồn anh về hưởng, rồi phù hộ cho tôi và hai con được mạnh khỏe, sung túc như khi anh còn sống.
Sống khôn, chết thiêng, chắc anh thấu hết mọi nỗi trong lòng tôi và tình cảnh của tôi. Mâm cơm cúng này nếu có gì sơ sài thì anh cũng đừng nên chấp trách, mà anh nên nghĩ đến người vợ anh, đã nhiều phen chia sẻ đắng cay cùng anh cho đến lúc anh chết.
Anh Tư Lung Thiên! Ông trời đã định vậy biết làm sao? Qua được mặt sông bể chứ ai qua được số kiếp? Nhưng mà cái số kiếp của anh và tôi lại điêu đứng vất vả quá. Anh thì chết non chết yểu, chết không kịp dối dăng cùng vợ con, còn tôi thì sống cơ cực với hai đứa con nheo nhóc, không cha mẹ, anh em, không người bấu víu. Tôi muốn vui mà không sao vui được, muốn khóc lại sợ khóc lắm sẽ héo hắt, lỡ ra ốm yếu, lúc ấy con cái bỏ cho ai? Thành thử ngày đêm tôi âm thầm một bóng, hết tháng này sang tháng khác.
Lại còn khổ một nỗi, chẳng biết mồ mả anh ở đâu mà thăm viếng, và cũng chẳng ai biết để hỏi han. Và dù có biết chăng nữa cũng phải nén lòng đợi chờ vài ba năm đến hết tội nợ mới có thể sửa sang chăm nom được.
Anh Tư Lung Thiên, mà nào tôi ăn ở với anh đã lâu la gì, tình nghĩa vợ chồng đã lấy gì làm đằm thắm! Nhưng tôi vẫn nhớ tiếc những ngày ấy lắm anh ạ. Người ta phải ruộng sâu trâu nái, nhà ngói, cây mít, chứ tôi với anh chỉ hai bàn tay trắng cũng đủ nuôi thân. Danh giá không thiết, giầu sang không cần, mặc người chê bai ghét bỏ, nay chợ này, mai bến khác, anh xem tôi có chán nản nhụt chí bao giờ không? Và những khi nguy biến tôi bị tầm nã, bị tù tội, anh xem tôi có bao giờ oán thán nửa lời không? Tuy phần nhiều tại anh mà tôi đau khổ, nhưng tôi thương mến anh vô cùng, nhất là phục cái bụng dạ chân thật, thủy chung của anh.
Tôi thường ngạc nhiên vì cách anh ăn ở như thế.Tôi tưởng một người hung tợn nóng nảy liều lĩnh như anh thì không bao giờ thương yêu tôi. Và một con đàn bà lẳng lơ trơ trẽn như tôi thì chẳng thể được ai thương yêu tới.
Thế mà tôi với anh đã hết lòng thương yêu nhau thì kỳ lạ thật.Vậy chẳng qua cũng bởi số kiếp ông trời, hay nếu không phải thì bởi cái nghề “chạy” mà tôi với anh theo đuổi.
Mà phải, chính vì nghề đó mà tôi với anh đã được ăn tiêu đầy đủ, được biết những lúc sung sướng cũng như những lúc khốn khổ gieo neo. Chính vì nó mà tôi với anh đã yêu thương nhau hết mực nhưng mà cũng lại chính vì nó...
Khấn đến đây, cổ họng Chín Huyền bỗng nghẹn ứ lại. Nàng không thể thốt lên một tiếng nào nữa. Trong tâm tưởng nàng lại từ từ hiện ra cái hình ảnh Tư Lung Thiên đứng trước vành móng ngựa lần cuối cùng. Chín Huyền vẫn còn thấy rõ ràng vẻ mặt khô khan của Tư, bên tai nàng còn văng vẳng tiếng ông Chánh tòa nghiêm nghị: “...vậy ra anh chán tự do, ưa muốn tội lỗi và tù tội thì tòa...”
Rồi một buổi sáng mờ sương giá, ở cửa Hỏa Lò, Tư Lung Thiên giữa một đám người nhốn nháo, tay bị xích, lưng đeo áo, nón, mắt đưa tìm vợ con. Tư Lung Thiên bị đưa đi đày. Năm tháng nặng nề qua...
Ba năm rồi!
Trong ba năm ấy, không một ai thấy bóng dáng Chín Huyền ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và mấy tỉnh to xứ Bắc Kỳ. Cả những kẻ cắp bạn của nàng, cũng không ai được gặp mặt nàng.
Nhưng bọn đó thường nhắc đến Chín Huyền luôn. Họ không sao quên được người đàn bà có nước da ngăm đen, khổ mặt gầy xương, tóc rễ tre, đôi mắt ti hí mà sắc sảo, cặp môi cong cớn luôn luôn cười, tiếng nói lanh lảnh, dáng điệu cứng cỏi mà nhanh nhẹn như đàn ông và trơ trẽn, táo bạo, liều lĩnh vô cùng.
Tính trơ trẽn và liều lĩnh của Chín Huyền ai cũng nhớ kỹ.
Chín không phải gái làm đĩ, nhưng nếu thách nàng dăm ba xu ra đường níu lấy vai hay bám lấy cổ một người đàn ông thì tức khắc nàng nhận liền. Còn muốn xem nàng đánh vật với một người phu “bắt tê” hay anh phu xe thì cứ đãi nàng bát phở bốn xu. Khi ăn xong, Chín Huyền sẽ xắn quần khiêu chiến với người mà người ta chỉ. Chẳng những khiêu chiến, Chín Huyền còn túm lấy người ấy mà vật thật, kỳ cho người ấy phải xin hàng.
Nguyên Chín Huyền là con một đô vật ở huyện Hải Hậu, một đất có tiếng “chơi” của Nam Định.
Còn sự táo bạo, liều lĩnh, cứ xem những khi chồng Chín hay Chín bị các nhà chuyên trách truy nã thì rõ. Ba lần cảnh sát và mật thám đuổi bắt, ba lần Chín Huyền và Tư Lung Thiên đều tẩu thoát một cách anh hùng.
Ba năm... Chín Huyền nấn ná trong một làng hẻo lánh, trên dọc sông Hồng Hà. Nàng sống như những người đàn bà góa bụa cùng cực khác ở nơi quê mùa. Nàng thuê hai gian nhà nhỏ lấy chỗ trú thân, rồi ngày ngày bế hai con ra mấy chợ gần đấy bán rau đậu, gạo muối. Chín chịu đủ mọi sự lam lũ, khổ cực vì cảnh buôn bán khó khăn. Dù sao, nàng cũng không thể bỏ qua nơi đó mà đi nơi khác được: nàng có án quản thúc, lý trưởng không một lúc nào quên để ý đến nàng.
Lắm phen nhớ tới thành phố Hà Nội sầm uất, đông vui, nhớ tới những cảnh chơi bời với những bạn bè cùng chung cảnh ngộ, tính tình, liên miên hết ngày này sang tháng khác trong chợ Đồng Xuân, ở bến ô tô, trong các sòng bạc lẩn lút dưới bãi Nhà Dầu, trong các tiệm hút, các hàng cao lâu rải rác ở các vùng ngoại ô, Chín Huyền toan gửi con một chỗ, rồi trốn đi, vui sống lại vài ngày cho đỡ cơn thèm muốn, hoặc liều bế cả hai con lên thành phố, rồi lại tiếp tục cuộc đời “dân chạy” xông xáo, không chịu cảnh bó buộc, tù hãm, thiếu thốn. Nhưng không được: ở Hà Nội, nhà chức trách cũng truy tầm ráo riết. Chín Huyền làm sao thoát?
Cảnh tù tội đày ải thì riêng nàng có thể chịu được, nhưng còn sự đau đớn trông thấy hai con nhỏ cũng phải đày ải như mình thì quá sức chịu đựng của Chín.
Cũng may là nàng còn hai đứa con ấy để mà yêu thương, an ủi. Rồi vì sự yêu thương an ủi đó mà Chín Huyền lại trở nên rụt rè, khiếp sợ, không dám làm chuyện phi pháp, nếu không chính sự buôn bán vất vả lam lũ sẽ là cái cớ đầu tiên để nàng đi vào con đường tội ác.
Tuy nhiên, tình mẫu tử chỉ có thể giúp nàng vượt qua được những trở lực tầm thường thôi. Muốn trở nên một con người lương thiện, thì tâm trí u mê của nàng cần được cải tạo, nghĩa là phải từ bỏ hết mọi dấu vết xưa kia của một con “bỉ vỏ” và phải có một hoàn cảnh tốt đẹp để nàng sống.
Khó lắm!
Chín Huyền lúc nào cũng đau đớn, và trong sự đau đớn ấy, chẳng một phút giây nào nàng không nghĩ đến sự uất ức, oán hờn cũng như chẳng bao giờ nàng không nghĩ đến con dao lá mạ của Tư Lung Thiên để lại, vốn trước kia sắc như nước, nhưng mấy năm nay không được dùng tới nên đã han gỉ. Lưỡi dao đó thường làm Chín Huyền rùng mình hồi hộp. Chính nó là kỷ niệm của cả một quãng đời vui vẻ, đầm ấm, nhưng xấu xa và nguy hiểm của vợ chồng nàng. Chính nó là một kỷ vật quý báu của Tư để lại sau bao nhiêu phen nhúng máu, nó như một thứ tiếng thầm lặng thúc giục, êm dịu chi phối lòng nàng.
Chín Huyền đưa mắt nhìn qua khung cửa thấy trên cánh đồng bát ngát chìm ngập trong bóng tối, vòm trời vẫn âm u, cái vòm trời mùa đông không trăng sao, thê thảm chẳng khác gì cảnh đời nàng trong bốn năm nay. Chín Huyền chép miệng một cái rồi thở dài. Nàng trở mình rồi quay mặt vào bức vách, trùm kín chăn, cố nhắm mắt ngủ.
Nhưng những giọt mưa tí tách từ mái tranh rỏ xuống thềm đất cứ lạnh lùng rỉ vào tai nàng những âm thanh não ruột. Hình như những âm thanh ấy rành rọt đếm những giây phút dần qua trong cái giờ cuối cùng của một người hấp hối.
Chín Huyền âu sầu thêm, lạnh lẽo thêm, tuy nàng đã ấp lấy hai đứa trẻ lên ngực. Hơi thở của chúng không đủ làm lòng nàng ấm áp trong khoảng đêm đông vắng vẻ này.
Chợt Chín rít lên một tiếng, co vội hai ống chân lên. Nàng thấy từ đầu gối trở xuống lạnh hẳn đi, năm đầu ngón chân nhức nhối như bị kim châm, cả bắp đùi nặng trĩu.
Chín Huyền giật mình:
- Lại bị tê chăng?
Như mọi năm, hễ bắt đầu rét, chân nàng lại phát tê buốt, nàng phải chịu đau đớn ít ra cũng vài tháng, dùng nhiều thuốc lắm mới đỡ buốt nhức và đi lại được.
Chín Huyền lo sợ, cuống quít, nàng hết sức day day hai bắp đùi cho máu chạy đều.
Nhưng cảm giác đau buốt cứ phút phút thêm lên, rồi hơn một giờ sau nửa người dưới nàng như bại hẳn đi. Không nén được sự kinh hãi, Chín Huyền mím môi lại:
- Thế này có khổ không, trời ơi!
Rồi Chín rớt nước mắt, và lại thở dài.
Vòm trời càng đen sẫm hơn, mấy ánh sao lờ mờ cũng đã bị mây dầy, sương mù và mưa bụi xóa hẳn. Cả vùng quê mênh mông đều im lìm chìm đắm trong một khoảng đen tối khủng khiếp.
Chín Huyền ngước mắt trông trời, rồi trông khắp gian nhà tối tăm mà nàng đương ẩn náu. Không có tiền mua nhiều dầu, Chín đành phải thắp một ngọn đèn hoa kỳ vặn thật nhỏ. Trước vùng ánh sáng yếu ớt, đồ vật trong nhà không phân biệt rõ rệt. Chiếc chạn bát bằng tre phảng phất giống chiếc hòm chân kê chính giữa. Trên mặt chạn chiếc mâm đồng và vài bốn chân nến không còn thể nhận ra được là bằng gỗ sơn màu gì. Cả cái bát hương cũng không rõ bằng sành hay bằng sứ. Khắp nhà rặt những thúng mủng mà nếu ai dẵm phải thì chỉ có việc đem đun, vì nó ọp ẹp quá, không sao có thể sửa nắn được. Ấy là cả gia tài của Chín Huyền gồm thêm cái ổ rơm và dăm chiếc chiếu rách mướp.
Bỗng có tiếng đập cửa liếp.
Chín Huyền giật mình, cất to tiếng:
- Ai đấy?
- Tôi
- Tôi là ai?
- Tôi mà, tôi nhờ chút việc mà.
Chín Huyền ngạc nhiên, xẵng tiếng:
- Một hai giờ đêm rồi còn nhờ việc gì?
Người ở ngoài dằn mạnh lời:
- Thì cứ mở cửa cho tôi nào.
Nàng bực tức:
- Không mở được!
Nàng vừa dứt lời, cánh cửa liếp đã bị đẩy tung hai người bước vào. Chín chỉ thoáng nhận ra một người đàn ông to lớn đi kèm một người thấp bé. Chín toan ngồi dậy, mắng cho hai người lạ mặt đường đột kia mấy câu, nhưng hai chân nàng buốt nhức quá thể, và một người đã vặn to ngọn đèn, quay đầu nhìn nàng, dịu lời nói:
- Phiền bác quá! Đêm hôm tôi làm thế này thật không phải, bác bỏ qua cho. Bác dậy cho tôi nhờ tý việc.
Chín Huyền phát uất lên:
- Ông nhờ gì thì nói ngay đi!
Người đàn ông ngần ngừ một chút rồi nói:
- Bác làm ơn cho tôi ngủ lại đây, và cho tôi mượn cái thừng.
Chín Huyền ngạc nhiên.
- Sao ông lại ngủ lại đây và mượn thừng để làm gì?
Người ấy thong thả đáp:
- Chả giấu gì bác, tôi vừa bắt được một tên ăn cắp, định giải lên Ninh Giang trình quan, nhưng đã quá khuya, vậy trọ nhờ bác đây một đêm, bác làm ơn cho.
- Ông là tuần tổng hay là?...
Người ấy cười:
- Là tuần tổng.
Người đàn ông vừa dứt lời, Chín Huyền vội đáp, giọng nhẹ hẳn đi:
- Ông ngủ đây cũng được, nhưng nhà tôi chẳng có giường phản gì hết, ông có nằm đất thì nằm.
- Thật ư?
- Tôi nói dối ông làm gì?
- Nhưng nhà còn thừa cái chiếu nào không?
Chín Huyền toan chối, nhưng thấy người bé nhỏ ngồi co ro với manh áo rách, nàng liền trỏ phía góc nhà:
- Đấy, chiếu ở đấy. Còn thừng thì không có.
Đêm đã khuya lắm. Gió càng mạnh, càng rét buốt, vang động cả bầu trời tối tăm hoang vắng. Đằng cuối vườn nhà Chín Huyền bên các vùng găng, lởm chởm gai góc, những chòm cau bơ phờ xào xạc. Vài tiếng gà gáy ở các xóm hẻo lánh đâu đấy vẳng lên rời rạc.
Chín Huyền vẫn chưa ngủ được. Cánh tay nàng đã mỏi rời vì đấm bóp. Chín phải gượng ngồi dậy, tựa lưng vào vách, duỗi dài hai chân, cố nghĩ sang những chuyện khác để bớt lo sợ, đau đớn. Nhưng chưa kịp đặt đứa bé con lên lòng, nàng thấy có tiếng gọi khe khẽ:
- Chị Chín, chị Chín Huyền!
Chín giật mình, ngơ ngác nhìn xung quanh:
- Chị Chín, đây cơ mà!
Chín hơi bối rối:
- Ai gọi đấy? Ai đấy?
- Tôi mà!
Giọng Chín run run:
- Ai?
- Sáu lẹm cằm! “So chạy” “bị tôm”.
Chín líu cả lưỡi:
- Thật Sáu ư?
Chín Huyền nói to quá, người kia vội bảo nàng:
- Phải, phải, nhưng khẽ chứ! Chị lại ngay cho tôi bảo cái này. Nhanh lên!
Tuy đương đau Chín cũng phải cố ngồi dậy. Nhưng nàng nhắc chân ra khỏi chiếu thì đầu gối khuỵu gập lại. Người bé nhỏ lại thúc giục:
- Kìa mau lên, chị Chín Huyền!
Chín đành phải chống tay lê mình đến chỗ người bé nhỏ. Nàng vừa tới nơi, một giọng thảm thiết gào lên:
- Chị, chắc chị chưa quên em?
Giọng Chín run run:
- Anh Tư Lung Thiên nhà tôi là một, Sáu là hai, bao giờ tôi quên được? Nhưng sao chú lại nhận được tôi?
Sáu lẹm cằm mỉm cười:
- Vì tôi nhận được cái tiếng nói lanh lảnh chanh chua của chị.
- Nhưng đã bốn năm rồi, giọng tôi chắc cũng thay đổi nhiều. Hay chú đã biết tôi ở đây?
Dứt lời, nàng đờ người nhìn gương mặt Sáu. Khuôn mặt hốc hác, xanh xám, mắt sâu lõm, gò má nhô hẳn lên phía trên, cái cằm lẹm càng lẹm thêm vì mấy vết sẹo. Cổ và đầu tóc hắn lại càng thảm hại hơn: Yết hầu lộ rõ, tròn như củ khoai sọ, da khô đét, tóc hắn rủ cả xuống mi mắt, trùm kín một mảng gáy.
Chín Huyền rùng mình hỏi hắn:
- Chú mà cũng xác xơ thế này ư?
- Chuyện, vừa “nhỡ” (bị tù) mà!
- Lại “nhỡ” lần nữa? Khi trước Sáu đã bị “bét phích” (tám lần tù) rồi mà! Và anh Tư đi đầy, Sáu cũng bị đi đầy mà!
Trong người Sáu đã sôi lên vì những câu hỏi giằng dai này. Sáu vội đáp:
- Phải tôi được tha án đi đầy mà chỉ phải có ba năm tù.
Chín Huyền thở dài:
- Thế có khổ không ! Nếu nhà tôi không chết thì có lẽ cũng được giảm án về với vợ con.
Chín ứa nước mắt hỏi tiếp:
 - Sao Sáu lại bị “tôm “?
Sáu dằn tiếng:
- Ai học được chữ ngờ! Tôi vừa nhảy lên tầu Nam Hải, lạc vào làng này thì bị tôm liền
- Sao “đũn” thế?
Sáu lẹm cằm uất ức:
- Bất ngờ thì giở tay sao kịp. Mà gặp ai nói chuyện đâm chém, chứ vấp phải thằng “nhà đùm” khỏe như vâm này thì cái thằng nghiện oặt như tôi chỉ có đút tay vào “khoong” cho khỏi rầy rà.
Trời càng buốt giá. Không thể kéo dài chuyện thêm, Sáu cất tiếng run run:
- Chị... chị làm ơn...
Nhìn cặp mắt Sáu sáng ngời, Chín nhận ra ngay ý muốn của Sáu:
- Chú muốn “chuỗn”?
Sáu ríu cả lưỡi:
- Em lạy chị, chị giúp em kẻo em đã “bét phích” rồi, lần này mà ra tòa nữa thì mười phần chắc là đi đầy cả mười.
Chín yên lặng, Sáu tiếp luôn:
- Chị nghĩ tình anh em bấy lâu nay ăn ở với anh Tư và chị mà chị thương giúp cho. Em nguyện sẽ thay chị mà cúng giỗ anh và cưu mang chị với hai cháu bé.
Lòng Chín Huyền xúc động vì câu nói tha thiết của Sáu Lẹm cằm. Nàng đưa mắt trông ra bầu trời u ám sau màn sương mù và mưa bụi dày đặc.
Tưởng Chín Huyền lãnh đạm. Sáu nhắc lại câu nói vừa rồi:
- Chị nghĩ tình chị em bấy lâu nay ăn ở với anh chị. Em nguyện sẽ...
Sáu cứ nhắc đi nhắc lại câu nói ấy. Chín Huyền phải xua tay:
- Tôi biết rồi. Sáu không cần phải nói nhiều nữa, để tôi liệu.
Đoạn Chín kéo lê người lại cái chạn bát. Rất nhanh, nàng rút lưỡi dao cài ở mé trong, cắt đứt tung hai lần dây lưng trói kỹ chân tay Sáu.
Người kia vẫn mê man ngủ: Mãi khi Chín Huyền bẩy tung ổ khóa, tháo toang xích cho Sáu, y mới hơi cựa mình, nhưng ấm ứ nói mê xong, lại nằm thẳng cẳng, ngáy rống lên.
Sáu đứng dậy, y không còn biết làm gì để cảm tạ ơn Chín. Y ngây người ra giây phút rồi lắp bắp:
- Chị Chín... chị đã cứu em...
Chín Huyền nhếch mép cười:
- Thôi, thôi, Sáu đi ngay đi!
Sáu như nghẹn ngào:
- Nhưng... nhưng được thoát nạn mà lại gieo vạ cho chị, đang tâm sao được!
Ngọn gió rét lùa vào hai chân Chín Huyền càng tê buốt. Nàng rùng mình. Nàng chợt nghĩ đến cái cấp bách, nguy kịch của ngày mai khi người tuần tổng thức dậy thấy mất Sáu Lẹm cằm và nhận ra nàng là vợ Tư Lung Thiên.
Nàng sẽ cãi chữa cho mình bằng cách gì? Khó lắm!... Hay đành chịu để cho người ấy khóa tay mình? Nàng sẽ phải kéo lê cái thân ốm yếu tới cái nơi đầy ải bó buộc: đề lao.
Sáu Lẹm cằm đã cất tiếng:
- Hay là chị cùng “chuỗn” với tôi? Mà nếu chị đau tê không đi được thì để tôi cõng chị?
Chín khẽ thở dài:
- Còn hai đứa nhỏ tôi sẽ bỏ lại cho ai?
- Thì bế cả chúng nó đi.
Chín lắc đầu:
- Chú gầy như cò hương, mang thân mình còn chả nổi, làm sao đèo thêm được tôi với hai đứa bé?
- Vậy giờ tính sao?
Chợt Chìn Huyền nghiêm nét mặt. Với một giọng yếu ớt mà cương quyết, nàng bảo Sáu:
- Thôi được, Sáu bế hai con tôi rồi trốn đi
- Còn chị ở lại?
Mắt Chín Huyền sáng lên:
- Phải!...
Sáu còn lưỡng lự, Chín đã dằn tiếng.
- Phải thế đấy Sáu ạ! Mặc tôi với nó, Sáu bế hai con tôi đi, đi ngay, đi ngay đi!
Nói đến đây, cổ họng nàng nghẹn ứ lại, nước mắt trào mãi ra , Sáu cũng ứa nước mắt:
- Chị tốt quá!
Chín Huyền nghẹn ngào:
- Thôi, tôi không cần chú khen. Chú lại ổ rơm kia bế hai đứa bé rồi trốn đi. Mau lên!
Vừa nói, nàng vừa giương cặp mắt như nảy lửa chiếu vào mắt Sáu. Sáu phải chạy ngay đến góc nhà cuộn hai đứa vào trong chiếc chiếu, rồi bế lại chỗ Chín:
- Tôi bế hai cháu đi nhé?
Chín nghẹn ngào:
- Ừ thì Sáu đi! Và này...
- Cái gì chị?
Chín Huyền đưa tay vuốt xuôi ngực một cái:
- ...Sáu phải trông nom chúng cẩn thận như con Sáu. Dù sau này tôi có bị tù tội hay ốm chết, Sáu cũng phải cư xử với chúng nó có thủy có chung. Nhất là Sáu đừng để ai hà hiếp chúng... Sáu nghe rõ chưa?
Dứt lời, Chín đưa tay ẩy mạnh Sáu:
- Thôi chú đi ngay đi!
Đưa mắt nhìn Chín Huyền một lần chót, Sáu Lẹm cằm đẩy cửa liếp, ôm chặt hai đứa bé chạy vút ra ngoài. Trong chớp mắt bóng tối đã che khuất cả ba người. Chín Huyền đưa con dao lá mạ lên ngang đầu lâm râm khấn. Đoạn, Chín cố gắng lê đến bên người tuần tổng. Nàng quắc mắt trông trừng trừng vào mặt y và rít lên:
- Này!
Nhưng, chân tay nàng sẵn tê buốt, bây giờ đau đớn nhức nhối. Trong tay nàng, lưỡi dao rung rung chưa kịp phập xuống, thì nàng đã ngã quỵ. Người tuần tổng giật mình ngồi nhỏm dậy, chồm lên ôm chặt lấy lưng nàng.

1937

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét