Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Khói “ken nếp” và xà lim


Khói “ken nếp” và xà lim

Tác giả: Nguyên Hồng


Khói thuốc phiện mơ màng bay trong xà lim Lô cốt (Xà lim làm ngay dưới chòi canh, trước kia trên chòi giam tù cấm cố, nay lính gác ở đấy), một nơi tối tăm nghiêm ngặt nhất...
Nhưng chỉ một giây thôi, cái hương thơm u ẩn, ngây ngất kia biến mất, không còn một dấu vết.
Trưởng Phác, mắt đương lim dim, hếch mũi, hít lấy hít để, bỗng choàng dậy. Một vẻ tiếc giận in sâu trên khuôn mặt xanh xao.
Thì ra, trời ơi! “So ken thoòng” (thằng nghiện thuốc phiện) này mơ... mơ thấy khói thuốc phiện mơ màng bay...
... ba dãy xà lim. Một dùng để giam những kẻ bị kết án tử hình, án cấm cố, và những tội nhân đã đi đày... mà còn làm nhiều sự rắc rối, bị giám thị trên ấy, giao trả về... Xà lim này gọi là xà lim xử tử hay xà lim A.
Ai còn đương dưới quyền ông Chưởng lý thẩm xét về một việc gì quan trọng, những tù trẻ con bướng bỉnh hay đánh nhau, hoặc khám thấy trong mình có thuốc lào, thuốc phiện thì nằm ở xà lim B và được hưởng cái ân riêng: miễn cùm.
Mà các bạn muốn biết xà lim nó thế nào thì xin yên lặng, nhắm mắt lại, tưởng tượng ra một gian buồng chật hẹp như cái chuồng “hôi” của dân An Nam ta, cửa bằng gỗ lim dầy, cửa sổ cũng bằng gỗ lim, nhưng những thanh gỗ ghép ngược lên phía trên, để người ở trong khó nom được ra ngoài. Và, muốn cẩn thận hơn, người ta đem bịt cánh cửa ấy một lần lưới sắt ken thật sít. Vì thế, quanh năm suốt tháng, xà lim tối mờ mờ, nồng những mùi hôi hám.
Mặc dầu, những người bị nhốt và xà lim cũng phải vui lòng nhận lấy nó vừa làm buồng ăn, buồng ngủ, buồng đi đại tiện, tiểu tiện của mình.
Nhưng xà lim xử tử và xà lim B còn kém xa, thua kém xà lim Lô cốt tuy đã làm tội nhân cực hết sức, làm tội nhân, dù kiên nhẫn đến đâu, cũng phải nóng lòng sốt ruột mong ngóng cái ngày được trông thấy vừng trời đầy ánh sáng.
Trưởng Phác buông một tiếng thở dài. Hắn lờ đờ ngước mắt nhìn các bóng tối âm u, nặng nề hết ngày này sang ngày khác bao phủ lấy xà lim Lô cốt rồi khẽ lắc lư cái đầu bù tóc trên ngấn cổ lộ rõ yết hầu.
Nắn hai cổ chân tê tái, buốt nhức giữa cùm sắt, Trưởng Phác nghĩ đến sự cực nhục bao nhiêu, bác càng tức tối cái cụ suvaydăng B (Surveillant: giám thị)... trời đánh không chết kia bấy nhiêu...
Đáng giận thay! Tay đã cầm lấy rá bánh trái của người nhà xin phép vào thăm, mũi bác hình như đã đánh thấy hơi thuốc phiện táo gói giấy bóng nhét trong đầu khúc cá chép kho, bác chỉ chực bước ra khỏi buồng “nói chuyện” mà cụ B... nọ còn kéo giật bác lại, moi mãi cái đầu cá kho, tìm cho ra cục thuốc phiện để bác phải phạt.
Vốn là người khảnh ăn, nên bốn hôm nay Trưởng Phác đành nhịn đói. Thứ cơm gạo máy nhạt phèo, nhão bét với vài hạt muối trắng khiến bác những lợm giọng. Một vài người khỏe mạnh còn chẳng ăn được, bác ốm yếu, nghiện ngập thì nuốt sao trôi.
Trưởng Phác chán nản tới cực điểm, gục đầu vào bàn tay, mặc những ý nghĩ hắc ám đến lôi kéo tâm trí mình đi. Trưởng Phác muốn chết để tránh khỏi cái cực hình hơn là ngắc ngoải sống những ngày trong xà lim dài đăng đẵng, thiếu khói thuốc phiện.
Xúc động trong lòng Trưởng Phác bật lên thành tiếng nấc ngắn ngủi, tiếng nấc ngắn ngủi ấy gieo sâu vào cái tịch mịch của gian buồng tối mò.
Tư Choáng bị cùm nằm gần đấy vội bịt chặt tai lại, mắt nhắm nghiền. Tiếng nấc quái gở kia giống hệt của một người ho lao kinh niên xua những cơn ho dữ dội.
Trời tối sầm. Gió rét cất lên. Từng lớp mưa phùn tạt vào dãy bàng trơ trụi đứng sừng sững ở ngoài sân. Trong bụm lá muỗm hãy còn um tùm, tiếng gió rì rào nối điệu với giọng âm ỉ của các người ốm rên rỉ trong nhà phemì. (infirmerie- bệnh xá).
Thê lương hơn, ánh sáng đèn điện ở ngoài sân không đủ sức chiếu qua lớp sương mù. Và, đèn trại P.R., trại Tám mươi, trại Nặng năm, trại Chống án đều tắt cả, nên... thê thảm lạ lùng.
Một luồng gió lạnh vừa lùa vào gian xà lim Lô cốt, Trưởng Phác rùng mình, bưng nay lấy mũi. Mùi ô uế ở hai buồng “phân” hai bên và cái bể “phân” đằng sau buồng làm làn không khí rất khó thở.
Đầu Trưởng Phác nhức như búa bổ; trời đông tháng giá được mảnh chăn, lại phải mảnh chăn rách bung. Và chẳng biết phát từ đời nào, hễ bác đắp lên mặt thì lại hắt hơi hàng hồi. Đành cởi áo ra, bác quấn kín đầu, để nửa mình cho rệp, rận tha hồ đốt. Tưởng như thế sẽ ngủ yên, ngờ đâu chỉ được vài phút cơn nghiện đã kéo đến làm bác ngáp đổ dồn, mũi lạnh buốt, nước mũi chảy giàn giụa, chân tay tê tái mỏi nhừ.
Trưởng Phác buồn bã, vật vã mình mẩy. Nhưng bác càng vật vã, hai ống chân bác bị ép trong cùm sắt, bản ngang rộng chừng sáu, bảy phân tây, bề dày chừng hơn một phân tây, cạnh sắc, càng buốt nhức.
Lại một nỗi đi đại tiện mới khó khăn, phải thật khéo, trườn người ra cho vừa phải, nhẹ nhàng với cái “bô”. Chật vật lắm, vô ý hay mạnh một tí thì người lật sấp đi, hai ống chân sẽ tán nhừ. Mà nhấc được cái “bô” lên sàn, nào đã xong đâu, phải chống tay đỡ bổng người lên, mượn người nằm bên luồn nó vào tử tế đâu đấy rồi mới dám “làm việc”.
Hàng nửa giờ khổ sở về phần xác, Trưởng Phác qua khỏi lấy làm sung sướng quá chừng, quên cả những vết lằn lên, tím bầm, như bị ai đem cái vòng sắt nung chín gí vào thịt vậy.
Một ngày mùa đông cách đây vừa đúng một năm, Trưởng Phác không lo phiền, không buồn bã, nằm bên một ngọn đèn dầu lạc trong sáng.
Bác lim dim mắt, say sưa nhìn làn khói thuốc phiện uốn éo, mơ màng tỏa trên trần nhà vừa cảm thấy bao nhiêu cảm giác đê mê.
Hương vị tuyệt vời của “ken nếp” đã chắp cánh vàng cho thân thể bác, nâng tâm hồn bác lên một thế giới huyền ảo, mung lung và kỳ dị. Ngọn đèn trước mắt bác tỏa muôn nghìn tia sáng lung linh, cái dọc tẩu chói lọi muôn nghìn tia sáng lung linh, cái dọc tẩu chói lọi muôn nghìn màu rực rỡ, đĩa bánh ngọt và hoa quả sực nức muôn nghìn hương thơm. Cảnh vật xung quanh bác đã tắm trong một bầu không khí dịu dàng xa lạ, cái bầu không khí lơ mơ, chập chờn mà không rung động.
Trưởng Phác không phải là “người” nữa, là một thể phách thần tiên.
Nhưng than ôi! Cảnh phong lưu này đã biến rồi! Hiện tại, một cảnh tối tăm, hèn hạ với mảnh chăn rách bung, cơ man rận, rệp với sàn gỗ ướt át hôi hám, với bao nhiêu sự cực nhục, đọa đày, một ngày một nhiều hơn lên mãi.
Nằm rũ trên tấm chăn mốc thếch, Trưởng Phác thở dài... Cõi lòng bác tê tái tới cực điểm. Bác giương đôi mắt mỏi mệt để nhìn sự sống của mình về cái ngày Hai mươi sáu Tết này.
- Này, Chó Mực (tên người) mày cởi dây rút nó ra, nó thắt cổ kia kìa.
Anh chàng gầy như que củi đương thiu thiu ngủ, nghe thấy Tư Choáng gọi mình giật giọng hốt hoảng ngồi nhỏm dậy:
- Được “phóng” (tha) à?
- Không!
Chó Mực càu nhàu:
- Thế thì việc “đếch” gì mà đánh thức người ta.
Tư Choáng hất hàm bảo:
- Thì mày hẵng trông xem bên cạnh mày một tí đã nào.
Tư Choáng vừa nói dứt lời tiếng kêu cất lên:
- Trời ơi! “So trô” (thằng nghiện) thắt cổ này! Nó định gieo vạ cho ai đây?
Hí hoáy mãi, Chó Mực mới cởi được nút dây ra, còn Trưởng Phác nghẹn hơi ngất đi một lúc, hồi lâu mới thức dậy. Bác mở hé mắt lờ đờ nhìn vơ vẩn xung quanh.
... Khói thuốc phiện mơ màng bay...
Trưởng Phác cất tiếng yếu đuối mơ màng hỏi:
- Hộp nửa lạng, mợ em còn để trong hòm đấy không?
Chó Mực đương bực tức cũng phải phì cười. Tư Choáng cười sặc sụa.
- Thế mà tự vẫn, cha mẹ ơi!
Chó Mực nối lời:
- Thế thì dậy, dậy mau lên, “ken” đây này.
Tưởng thật, Trưởng Phác cố dùng hết tàn lực chìa tay ra đón, nhưng chợt biết mình lầm, bác vội rụt tay lại, chua xót trông thẳng vào bức tường quét hắc kín vừa há mồm ngáp dài.
Cánh cửa xà lim Lô cốt bằng gỗ lim nặng trịch thoáng mở. Dưới cặp mắt nghiêm khắc của cụ B... hai người nhà pha kì cạch vặn bu loong cùm ra. Không đợi cụ truyền, Chín Khấu bó thản nhiên bước lên sàn, đút hai chân vào lỗ cùm.
Bấy giờ, trên nét mặt những tội nhân trong trại P.R. vẽ ra không biết bao nhiêu vẻ vui mừng.
Một kẻ gian ác tàn bạo quen vào tù, quen đè hầu bóp cổ để bóc lột quần áo những tội nhân yếu đuối bị phạt vào xà lim thật chả đáng thương một tí nào.
Lần đầu tiên, Chín Khấu bó buồn! Qua cái khung cửa tò vò, Chín nhìn mảng trời đen sẫm lờ mờ vài ngôi sao. Phút chốc, những ngôi sao biến mất, mà tâm tưởng của Chín Khấu bó cũng dần dần tối om. Rồi, tự nhiên trong trí nhớ hắn từ từ hiện ra một khuôn mặt hốc hác xanh xao, lộ bao nhiêu vẻ chua xót.
Rùng mình một cái, đoạn Chín quay người lại lay mình Chó Mực khe khẽ gọi:
- Chó! Chó!
Mấy tiếng ấm ứ đáp lại Chín. Chín nhoai người nắm tay Trưởng Phác, giọng run run:
- Ông Trưởng! Ông Trưởng!
Trưởng Phác đã bảy hôm không có thuốc phiện nên mệt lả, chỉ giương cặp mắt sâu hoắm trông Chín mà không buồn trả lời.
Còn Tư Choáng, Tư nằm ở đầu dãy cùm, xa quá, Chín không thể với tới. Như một tên hung thủ đứng trước những tang vật của mình, Chín Khấu bó sợ lạnh toát người và lẩm bẩm:
- Đã ba năm rồi mà vẫn “còn” thì có lạ không?
Ba năm rồi, quãng thời gian khá dài, nhưng xóa sao được dấu vết tấn thảm kịch xưa. Trong ba năm, Chín Khấu bó nay đây mai đó lăn lộn với cái nghề “chạy vỏ” (ăn cắp). Chín tưởng sẽ mãi mãi vô tư lự, không một phút chạnh lòng. Là vì Chín Khấu bó chịu luôn luôn ảnh hưởng xấu xa của tụi bạn bè vô lại, và từ bé đến lớn, hắn không được một ai uốn nắn, dạy dỗ, tuy hắn đã mấy lần tù song cảnh tù tội bó buộc đối với hắn đã thường lắm rồi. Ngồi trong tù, hắn càng rỗi rãi, càng được đo cái tính hung tợn, cái tài giỏi gan góc của mình với của các bạn đồng “nghệ”. Ăn bằng bát gáo, dùng những món ăn xô bồ, Chín Khấu bó cho rằng đó chỉ là một cách hãm mình giản dị để mua lấy cái thích, cái mến những sự ăn uống, phiện phò, chơi bời khi ở ngoài vòng luật pháp.
Mỗi luồng gió lạnh đem theo một mùi hôi hám nồng nực lùa vào đầy buồng. Một tiếng nấc không biết của ai cất lên, tiếp đến những tiếng nghiến răng kèn kẹt. Cái im lặng nặng nề trong xà lim Lô cốt thêm đè nén, thêm ghê rợn.
Chín Khấu bó xanh mắt lại:
- Lần ngồi xà lim này mới “cáy” (sợ) ghê.

* * *

Chó Mực và Tư Choáng đã ngạc nhiên càng ngạc nhiên hơn. Chó Mực bấm Trưởng Phác bảo khẽ:
- Đừng rên nữa, để nghe xem thằng Chín nó nói gì.
Trưởng Phác mắt lờ đờ, uể oải gật đầu. Thì không phải như trăm nghìn lần trước, hễ động mở mồm là càu nhàu, Chín Khấu bó, bằng một giọng run run, lẩm bẩm:
- Chết!
Tư Choáng phì cười nói:
- Ông Bônbe chết?!
Như không để ý đến câu nói châm chọc ấy, Chín tiếp lời:
- Rồi tất cả chúng ta đây sẽ chết rũ trong này thôi!
Lời nói run run mà rắn rỏi ấy làm Trưởng Phác sợ sệt. Bác yếu ớt hỏi Chín:
- Thật ư?
- Phải!
Tư Choáng đổi giọng:
- Phải à?
- Ai nói dọa làm gì! Chúng ta sẽ chết rũ trong này thôi, vì xà lim Lô cốt có “tinh”.
Chín Khấu bó ngừng lại một giây, nuốt nước bọt đến ực một cái rồi nói tiếp theo:
- Mà con “tinh” này là hồn người tù vì tôi mà chết cách đây đã ba năm.
Trong bóng tối, cả Chó Mực, Trưởng Phác, Tư Choáng đều rùng mình một loạt. Ba người hồi hộp nghe giọng Chín nói tha thiết như của một tín đồ đạo Thiên Chúa phủ phục dưới chân bàn thờ, miệng đọc bản kinh sám hối.
Còn Chín chẳng đợi ai hỏi: chậm rãi thuật lại thiên thảm sử của cái người chết đã thành “tinh” cho ba người nghe.
- Xin nhớ cho rằng chỗ kia là chỗ người chết dạo nọ nằm đấy nhé.
Trưởng Phác và Chó Mực quay ngay đầu về phía Chín trỏ. Trưởng Phác lạnh lùng nhìn, Chó Mực có vẻ sợ hãi vì chính bên chỗ hắn nằm.
- Mà lần này vào Hỏa lò là lần thứ tư. Một buổi tối, Cai trại chống án và tôi lôi một người lính khố xanh ở trên mạn ngược chống án về... ra khảo thuốc phiện. Cứ theo lời tên “tiểu yêu” thì “so” này  giấu “ken” ở trong áo bông. Chúng tôi đã kiểm soát rất kỹ lưỡng cái áo ấy mà không tìm thấy thuốc phiện, mãi sau phải dùng đến cách cuối cùng là bóp cổ hắn tới lúc gần tắt thở.
Bất đắc dĩ, hắn xé cái áo bông, lấy lần lót trong tẩm thuốc phiện đưa cho chúng tôi. Tưởng thế đã yên thân, ngờ đâu vì chúng tôi chia nhau không đều, đâm ra đánh nhau làm ồn ào cả trại, nên hắn bị phạt lây vào xà lim Lô cốt.
Hai hôm sau Cai trại hết hạn tù được tha. Trong xà lim chỉ còn tôi với người lính ấy.
Đến đây Chín dừng lời nói, chép miệng, buông một tiếng thở dài. Hắn cảm thấy người thiệt mệnh đương ủ rũ tiến đến gần mình. Vội vung mạnh tay để xua đuổi cái ảo tưởng gớm ghiếc kia, Chín lấy hết can đảm nói tiếp theo kẻo Chó Mực giục giã.
- Tội nghiệp người lính ấy! Luôn luôn hắn than phiền: “Trời không có mắt”, và oán trách chúng tôi đã làm cho hắn bị vào xà lim Lô cốt. Hắn bị phạt cũng chẳng qua vì tôi, rồi chết cũng vì tôi!
Chín Khấu bó lại ngồi yên lặng rồi hắn nói tiếp theo:
- Từ hôm bị cùm, hắn bỏ cả cơm, suốt ngày chỉ khóc. Hễ khi nào cơn nghiện nổi lên hắn lại gờm gờm nhìn tôi như muốn xé tan xác tôi ra. Trước, tôi để tâm giận hắn, sau, thấy hắn vì không có thuốc nuốt nên ốm yếu quá, tôi động lòng thương hại. Lắm lúc tôi phải nâng giấc hắn, chăm nom nước nôi cho hắn, nhưng hắn vẫn ra dáng không bằng lòng, còn tôi, càng thêm sợ sệt, không hiểu tại sao?
Một ngày người lính ấy một xanh xao, gầy còm, tôi chưa thấy ai hốc hác đến thế bao giờ. Hắn rên rỉ và nói mê luôn miệng làm tôi lắm đêm không sao chợp mắt được.
Bảy hôm ròng rã, tôi chịu biết bao nhiêu sự bực tức, sợ hãi. Giữa đêm khuya, cũng về mùa rét, mà thỉnh thoảng cất lên những tiếng rú thê thảm, ai là người không kinh khiếp. Tôi càng kinh khiếp hơn nữa, khi thấy hắn trợn mắt, hổn hển sau những câu nói chập chừng:
“Tôi oan! Nó giết tôi!... Nó hại vợ con tôi... Nó giết tôi!”
Một buổi sáng cụ suvaydăng B... cho hai người nhà pha vào quét dọn xà lim, tôi liền khẩn khoản xin cho hắn được phép khai ốm, nằm ở “phemì” thì bị mắng hắt đi.
...
Cụ chẳng thèm ngó tới người lính ấy, nhìn tới vạt áo vàng hắn... đẫm đờm dãi. Khi “nhà pha” rửa qua loa nền xi măng xong, cụ đóng cửa lại, nguây nguẩy đi ra.
Thế rồi một đêm sau cùng, không thể chịu đựng được tiếng rên rỉ rầu rĩ của hắn, tôi ghé tai hắn bảo to rằng:
- Cụ im cho tôi ngủ chứ! Tôi van cụ đấy!
Nhắc đến lần thứ tư, hình như hắn mới hơi nghe thấy. Chẳng buồn cất tiếng hắn thao láo mắt nhìn tôi. Tôi rủn cả chân tay, quay mặt đi, trùm chăn kín mít.
Sáng sớm mai là sáng hôm thứ tám bị phạt cùm vào xà lim tôi chưa kịp mở mắt đã thấy phảng phất một hơi lạnh và thối tha lạ lùng. Chợt nghĩ đến người lính tôi vội quài tay lay mình hắn, thân thể hắn cứng đờ, tôi sờ ngực hắn: ngực hắn lạnh buốt: thì ra hắn chết từ nửa đêm hôm qua, giờ nào không rõ, mà mắt vẫn mở trông trừng trừng vào tường quét hắc ín, mồm há hốc tay chới với như khi hấp hối hắn vẫy gọi ai.
Tôi kêu vang lên, một lúc sau có một người suvaydăng với hai người nhà pha vào. Hỏi tôi qua loa xong, suvaydăng truyền vặn bù loong cùm... rút... người lính ra.
...
Nó kéo lê thây ra cái “băngca” gác ở bậc lên xuống đằng trước xà lim. Rồi... họ đưa người lính đi...
Chín Khấu bó kết thúc chuyện bằng một cái vò đầu. Trên nét mặt anh nổi lên không biết bao nhiêu vẻ ăn năn tha thiết. Chó Mực và Tư Choáng rùng mình ghê sợ.
Trưởng Phác thở dài ảo não. Chạnh thương người quá khứ cùng một cảnh ngộ, chạnh xót xa cho thân phận bị đày đọa trong nơi cùng cực của sự đọa đày, Trưởng Phác rớt nước mắt và khóc nức lên.
Gian xà lim yên lặng tối mờ vẫn hoàn toàn yên lặng tối mờ.

1939

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét