Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 2

Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 2

Các bà các cô đeo băng tay không ngớt đưa người già cả, phụ nữ có bầu, trẻ con lít nhít và người tàn tật lên các toa hành khách, và không phải một mình tôi thắc mắc chẳng biết cuối cùng tàu có còn chỗ cho bọn đàn ông hay không. Tôi cám cảnh khi nghĩ tới trường hợp có thể vợ tôi và con gái sẽ lên đường, còn tôi bị buộc phải ở lại.
Chính đám hiến binh đã quá chán việc ngăn chặn đám đông xô lấn. Đột nhiên họ tự phá vỡ hàng rào trật tự, thế là mọi người xô đẩy nhau ào ào chạy tới năm sáu toa chở hàng hóa họp thành khúc đuôi con tàu.
Vào phút cuối, tôi đã trao được cho Jeanne, đồng thời với thực phẩm, chiếc vali đựng quần áo của đứa nhỏ và một phần quần áo của nàng. Phần còn lại của tôi là chiếc vali nặng hơn, và bên tay kia, tôi cố lôi cái rương đen, nó cứ va vào hai cẳng chân tôi theo mỗi bước chạy. Tôi không cảm thấy đau. Tôi cũng chẳng nghĩ tới điều gì hết.
Bị đám người phía sau xô đẩy lên tàu, tôi cố gắng ngồi nép vào ngay cạnh cửa trượt, và tôi đã có thể đặt cái rương áp vào vách toa, ngồi lên trên, thở hổn hển, với chiếc vali đặt trên đầu gối.
Thoạt tiên, tôi chỉ nhìn thấy phần thân dưới của những kẻ cùng toa, cả đàn ông lẫn đàn bà, mãi về sau tôi mới nhìn thấy mặt mũi họ. Mới đầu tôi cứ ngỡ mình không quen biết một ai trong số đó và điều này khiến tôi ngạc nhiên, bởi Fumay vốn chỉ là thành phố nhỏ, có chừng năm ngàn dân. Thật ra bọn họ là nông dân từ các miền phụ cận. Cả một khu đông đúc, mà tôi không biết rõ lắm, lúc này đã đi vãn hết cả rồi.
Mỗi người hối hả tự lo chỗ, sẵn sàng bảo vệ cái khoảng không gian riêng của mình, một tiếng nói vang lên ở cuối toa:
- Hết chỗ ngồi! Mấy ông mấy bà đừng để ai lên nữa!
Người ta nghe thấy những tiếng cười bồn chồn, những tiếng cười đầu tiên, chúng khiến bầu không khí đỡ căng thẳng đi một chút. Sự chen lấn lúc đầu đã bớt gay gắt. Người ta bắt đầu định cư được trong cuộc chạy trốn, vali và balô sắp xếp gọn lại quanh mình.
Cửa kéo hai bên sườn toa xe mở toang hoác, người trên toa thản nhiên ngó đám đông còn tụ tập ở sân ga đợi chuyến tàu sau, các sạp bán đồ ăn, thức uống dưới đó đầy nhóc người, những chai bia và rượu vang được chuyền từ tay người này sang tay người khác.
- Ê này... chú tóc hung... lấy cho tôi một lít được không?
Đã có lúc tôi nghĩ tới chuyện chạy lên dãy toa trên để coi vợ và con gái ra sao, nhân thể báo cho nàng biết tôi đã kiếm được một chỗ để nàng yên lòng, nhưng tôi lại không đi, vì sợ lúc trở về toa, chỗ của tôi đã bị chiếm mất.
Trước đó người hiến binh thông báo chừng một tiếng nữa tàu sẽ chạy, thế nhưng chúng tôi đã phải chờ cả hai tiếng rưỡi đồng hồ. Nhiều lần con tàu cựa mình, giật giật, những cái chặn cửa va vào nhau, và mỗi lần như vậy chúng tôi lại nín thở, hy vọng rốt cuộc tàu cũng sắp khởi hành. Có một lần, tàu chuyển động là vì người ta móc thêm toa vào.
Bọn đàn ông ngồi gần bên những ô cửa mở thông báo tin tức này nọ cho đám người ngồi trong không nhìn thấy gì.
- Ít nhất cũng có tới tám toa nữa được nối thêm. Lúc này, tàu dài đến tận giữa khoảng đường quẹo.
Những người đã được ngồi trên tàu nảy sinh một thứ tình đoàn kết, không nhiều thì ít, ai nấy đều yên trí mình sẽ được lên đường.
Một gã đàn ông nhảy xuống sân ga đếm những toa tàu.
- Hai mươi tám! - gã loan báo.
Bọn chúng tôi không quan tâm mấy tới những kẻ còn phải đứng chờ tàu khác trên ga hoặc ở quảng trường trước nhà ga. Chúng tôi không còn phải lo ngại về chuyện một đám đông mới sẽ đổ tới, và trong thâm tâm, có lẽ chúng tôi mong mỏi tàu chạy trước khi chuyện đó xảy ra.
Chúng tôi nhìn thấy một bà già ngồi trên chiếc xe lăn được một nữ điều dưỡng đẩy tới dãy toa hạng nhất. Bà ta đội mũ màu hoa cà, mặt đeo mạng trắng nhỏ, hai bàn tay xỏ găng trắng.
Sau đó một lúc, có nhiều băng ca khác cũng được khiêng về phía đó, khiến tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu những người đã ngồi trên tàu có bị đuổi xuống hay không, bởi bắt đầu có tin loan truyền rằng người ta đang cho di tản bệnh viện.
Tôi khát. Hai trong số những người ngồi bên tôi đã nhảy bổ xuống khỏi toa tàu, chạy về phía sân ga rồi trở lại với những lon bia trên tay. Tôi không dám bắt chước họ.
Dần dần, tôi quen với những khuôn mặt quanh tôi, đa số là đàn ông đã trọng tuổi, bởi những người ít tuổi hơn đều đã bị động viên cả rồi, những người đàn bà thuộc giới bình dân hoặc quê mùa, một thằng bé chừng mười lăm tuổi với chiếc cổ dài ngoẵng lộ hầu, và một con bé khoảng chín mười tuổi với mớ tóc buộc túm lại bằng sợi dây giày.
Tôi cũng nhận thấy trong toa còn có người mà tôi quen biết, tới hai người lận. Trước hết là Fernand Leroy, kẻ ngày xưa từng cắp sách đi học cùng tôi và bây giờ đã trở thành nhân viên bán hàng cho hiệu sách Hachette, ngay bên cạnh hiệu bán bánh ngọt của em vợ tôi.
Ngồi co rúm ở góc bên kia của toa, hắn khẽ phác một cử chỉ chào tôi, tôi cũng đáp lại, mặc dầu đã từ nhiều năm rồi chúng tôi không có dịp gặp nhau chuyện vãn.
Người thứ hai là một nhân vật khá đặc biệt của Fumay, một ông già thường hay rượu chè be bét mà mọi người quen gọi là Jules, ông ta làm nghề phát tờ rơi quảng cáo ở cửa các rạp chiếu bóng.
Tôi cũng dành thì giờ để cố nhận diện khuôn mặt thứ ba, mặc dầu ngồi rất gần tôi, nhưng cô ta thường bị một người có thân hình to lớn gấp đôi che khuất. Đó là một cô gái mập mạp khoảng ba mươi tuổi, đã kịp ngồi xơi một miếng xăng-uých, tên Julie thì phải, và là chủ một quán cà phê nho nhỏ ở ngay bến tàu.
Cô ta mặc váy bằng vải “xạc”* màu xanh lơ bó rất sát dọc hai bên hông đi kèm áo sơ mi trắng loang mồ hôi khiến người ta thấy rõ cả nịt ngực bên trong.

*[Tức là vải “serge”, loại vải tương tự vải “denim”, hay được dùng để làm quần jean]

Từ người cô ta tỏa ra mùi phấn sáp, nước hoa và giờ đây tôi vẫn nhìn thấy son môi của cô ta dây vào miếng bánh.
Đoàn tàu nhà binh đã chạy về hướng Bắc. Vài phút sau, chúng tôi nghe thấy tiếng một đoàn tàu khác tới, cũng trên đường rầy ấy. Một kẻ nào đó la lên:
- Kìa, nó đang quay lại!
Nhưng không phải con tàu nhà binh đó, mà là một con tàu Bỉ, hành khách được dồn nhét trên đó còn nhiều hơn cả tàu chúng tôi, và gồm toàn thường dân. Có nhiều người đứng bám ngay ở bậc lên xuống.
Một số người ở tàu ấy đã nhảy sang tàu chúng tôi khiến cho đám hiến binh phải chạy tới la hét ầm ĩ duy trì trật tự. Máy phóng thanh cũng đã trợ lực, loan báo không ai được quyền rời khỏi chỗ.
Tuy vậy những người kia vẫn cố chạy len lỏi qua bên này, trong số đó có một thiếu phụ trẻ, tóc sẫm màu, rốp đen, người đầy bụi bặm, không mang hành lý gì cả, ngay cả đến xắc tay cũng không.
Nàng bẽn lẽn bước lên toa chúng tôi, coi bộ nàng có vẻ buồn rầu, bộ mặt tái xanh, không ai nói gì nàng cả. Bọn đàn ông chỉ nháy mắt với nhau trong lúc nàng ngồi tựa lưng vào một góc, cố thu người thật nhỏ lại.
Chúng tôi không còn có thể nhìn thấy những chiếc xe hơi và tôi dám chắc rằng không người nào trong chúng tôi lưu tâm đến chúng nữa. Những người đứng, ngồi gần cửa chỉ vừa nhìn cái khoảng trời nằm trong phạm vi thị quan của họ, một bầu trời vẫn tiếp tục xanh ngắt, vừa lo ngại một đoàn phi cơ Đức có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và oanh tạc nhà ga.
Từ lúc con tàu Bỉ tới, có tin loan truyền là một số ga xe lửa phía bên kia biên giới đã bị oanh tạc, có người còn nói rõ là ga Namur đã ăn bom.
Tôi ao ước có đủ sức tái tạo bầu không khí và nhất là tình trạng sửng sốt trong toa tàu của chúng tôi lúc ấy. Trên con tàu hãy còn nằm im lìm, chúng tôi bắt đầu tạo ra một thế giới riêng biệt hẳn, nhưng nó vẫn còn mơ hồ, chưa rõ rệt.
Tách biệt với mọi cảnh khác, có thể nói là nhóm chúng tôi chỉ chờ một dấu hiệu, một tiếng còi, một làn hơi nước, tiếng ồn của những bánh xe trên hai đường rầy, để hoàn toàn khép chặt lại.
Và điều ấy cuối cùng đã tới, trong lúc mọi người bắt đầu không còn tin tưởng là nó sẽ tới.
Các bạn cùng toa của tôi liệu sẽ có thái độ, hành động ra sao nếu như người ta thông báo đường xe lửa đã bị cắt đứt, những chuyến xe lửa không chạy được nữa? Liệu họ có quay về nhà với những kiện hành lý của họ hay không?
Riêng phần tôi, tôi tin rằng mình sẽ không chịu nhẫn nại mà quay về, chẳng thà cứ lần theo đám đá vụn đường rầy mà ra đi còn hơn. Lúc này đã quá trễ để có thể quay trở lại phía sau. Sự nứt rạn đã xảy ra rồi. Tôi tự thấy không thể chịu nổi cái ý nghĩ mình sẽ lại nhìn thấy đường phố của mình, ngôi nhà của mình, xưởng làm, khu vườn, những thói quen của mình, cùng những chiếc máy thâu thanh có dán nhãn nằm trên các ngăn gỗ chờ được sửa chữa.
Đám đông trên các kè sân ga bắt đầu từ từ lùi xa ở phía sau chúng tôi và, riêng tôi, tôi thấy như thể họ chưa bao giờ hiện hữu, như thể ngay cả thành phố này, trừ thời kỳ bốn năm tôi sống trong liệu dưỡng viện, đã đánh mất thực tại của nó.
Tôi không nghĩ tới Jeanne và con gái tôi, lúc này đang ngồi trên toa hạng nhất, họ ở trên đó mà như đang xa cách tôi cả hàng trăm cây số vậy.
Tôi không băn khoăn tự hỏi vợ con tôi đang làm gì, họ đã làm thế nào để có thể chịu đựng khoảng thời giờ chờ tàu chạy, hoặc Jeanne có bị nôn mửa nữa hay không.
Mỗi lần một người nào đó trong số những người cùng toa với tôi cử động mạnh hoặc xô đấy, tôi lại lo lắng cho cặp kiếng phòng hờ, nên tôi đưa bàn tay lên giữ túi. Ngay sau khi tàu chạy ra khỏi thành phố, phía bên trái hiện ra khu rừng công cộng Manise, nơi chúng tôi thường tới vào chiều Chủ nhật để vui chơi, nghỉ ngơi trên bãi cỏ. Dưới mắt tôi lúc này, nó không còn là chính khu rừng đó nữa, có lẽ bởi vì tôi đang từ trên tàu ngắm xuống. Những đám cây nhược thảo mọc chen chúc rậm rạp và con tàu chạy chậm đến nỗi tôi nhìn thấy lũ ong bay vù vù, từ đóa hoa này sang đóa hoa kia.
Đột nhiên con tàu dừng khựng lại, ai nấy đều nhìn nhau với cùng một vẻ lo âu sợ sệt trong mắt. Một nhân viên hỏa xa chạy dọc theo đường sắt. Cuối cùng y kêu lên những tiếng mà tôi không hiểu nghĩa ra sao, và con tàu lại chuyến bánh.
Tôi không thấy đói. Tôi cũng quên cả khát. Tôi ngắm đám thảo mộc xanh tươi đang trôi đi cách tôi vài thước, đôi khi chỉ độ một thước, những bông hoa dại trắng, xanh, vàng, mà tôi không biết tên là gì, và tôi có cảm tưởng lần đầu tiên tôi trông thấy chúng. Mùi nước hoa của Julie xộc tới mũi tôi từng đợt, nhất là ở những khúc đường vòng, xen lẫn với cái mùi mồ hôi nồng nồng nhưng không khó chịu của cô ả.
Bầu không khí trong quán cà phê của cô ta cũng giống bầu không khí xưởng làm việc của tôi. Thật ra đó không hẳn là một quán cà phê. Khi lớp màn chắn gió được kéo ra, người ta không nhìn rõ bất kỳ thứ gì bên trong nữa.
Quầy hàng rất nhỏ, không có lớp kim khí bọc ngoài, phía trong không có bồn rửa ly tách. Cái giá, với năm sáu chai rượu bày trên đó, chỉ là loại giá nhà bếp.
Mỗi khi đi qua quán cô ta, tôi thường đưa mắt nhìn vào, và lúc này đây tôi có thể mường tượng ra, trên tường, cạnh chiếc đồng hồ cúc cu đã đứng lại không chạy và cái bảng ghi những điều cấm liên quan đến vấn đề rượu chè, một cuốn lịch loại quảng cáo có hình một cô gái tóc vàng óng cầm trên tay ly bia sủi đầy bọt. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy ly đó giống cái ly người ta hay dùng để uống rượu sâm banh.
Cảnh ấy không có gì đặc biệt, tôi biết thế. Tôi lưu ý đến nó bởi vì lúc ấy tôi đang nghĩ tới quán của cô ta. Trong toa chúng tôi còn có vài thứ mùi khác nổi bật hẳn lên; không kể đến cái mùi của chính toa tàu, cái toa vừa chở lũ mục súc trong chuyến đi mới đây nên tỏa ra mùi sân mục súc nông trại.
Một vài người trong toa đang ăn xúc xích hoặc patê. Một bà nhà quê mang theo miếng phô mai to tướng; và bà ta đang dùng dao làm bếp để cắt.
Người ta vẫn chỉ trao đổi với nhau những ánh mắt kỳ cục, không thôi thận trọng, chỉ những ai cùng làng, cùng khu mới nói chuyện với nhau lớn tiếng, nhất là khi họ nhận ra địa điểm tàu đang chạy qua.
- Kìa, ngôi trại của Dédé đó! Chẳng biết Dédé có ở lại trại hay không? Nhưng lũ bò của y vẫn còn trên đồng cỏ.
Con tàu chạy ngang qua những trạm xép, những ga nhỏ vắng ngắt nơi có giỏ hoa nằm dưới các cột đèn và những tấm áp phích quảng cáo du lịch dán trên tường.
- Đảo Corse, bạn đã tới đó bao giờ chưa? Sao ta lại không tới Corse nhỉ?
Qua Revin, tàu chạy mau hơn, và trước khi đến Monthermé, chúng tôi nhận ra một lò nung vôi nằm giữa các dãy nhà của dân lao động.
Lúc chạy vào ga, đầu tàu hú một hồi còi nghe cũng dữ dằn chẳng khác gì tiếng còi của một chuyến tàu tốc hành. Sau khi đi qua những tòa nhà, những bờ ke đầy lính, con tàu dừng lại giữa những đường rầy hoang vắng và các chòi bẻ ghi.
Một vòi bơm nước, ở gần ngay toa chúng tôi, đang nhỏ từng giọt nước lớn, từng giọt từng giọt một, và tôi lại cảm thấy khát. Một gã nhà quê nhảy xuống khỏi tàu, tiểu tiện vào đường rầy kế cận, giữa trời nắng, mắt gã ta nhìn chằm chặp vào đầu tàu. Cảnh đó khiến cho mọi người bật cười lớn. Người ta đang cần cười thành tiếng và có vài kẻ cố tình tung ra mấy câu đùa bỡn. Lão Jules đang ngủ, tay lão cầm chai rượu uống dở, một cái túi nhỏ đựng mấy chai rượu khác đặt ngay trên bụng.
- Các ông ơi, họ đang tháo đầu máy ra kìa! - gã đàn ông đang đái la lên như vậy.
Dăm người khác nhảy xuống khỏi toa. Tôi vẫn không dám rời khỏi chỗ. Tôi tự cảm thấy mình phải bám chặt lấy cái chỗ này bằng bất cứ giá nào, và điều đó có vẻ đặc biệt cần thiết đối với tôi.
Mười lăm phút sau, một đầu máy mới kéo chúng tôi đi theo hướng ngược lại, nhưng thay vì đi ngang qua Monthermé, tàu lại chuyển sang đường rầy phụ chạy dọc theo sông Semois*, hướng về phía nước Bỉ.

*[Sông Semois: hợp lưu của sông Meuse, chảy ở biên giới Pháp-Bỉ]

Xưa kia, trước khi Jeanne trở thành vợ tôi, hai chúng tôi từng đáp chuyến tàu đi theo ngả đường này. Bây giờ thậm chí tôi còn tự hỏi chẳng biết có phải chính bữa đó, một ngày Chủ nhật của tháng Tám, đã định đoạt số phận hai đứa chúng tôi hay không.
Đối với tôi lúc bấy giờ, hôn nhân không hoàn toàn có cùng ý nghĩa giống như với một kẻ bình thường nào đó. Vả chăng, kể từ cái buổi tối tôi thấy má tôi trở về nhà, thân thể lõa lồ, mái tóc bị cắt trụi, cuộc đời tôi còn có gì thực sự là bình thường hay không?
Tuy vậy, chẳng phải vụ đó khiến lòng tôi xao động. Lúc này đây, tôi không hiểu, cũng chẳng đi tìm hiểu. Từ bốn năm nay, người ta đã đổ quá nhiều tội cho chiến tranh đến nỗi dù có thêm một điều bí ẩn nữa cũng không khiến tôi xúc động chút nào.
Bà Jamais, chủ nhà của chúng tôi, là một góa phụ, kiếm ăn rất khá với nghề khâu đầm. Lúc ấy bà đã săn sóc tôi đến cả chục ngày rồi, cho tới lúc cha tôi trở về, người cha mà tôi không thể nhận ra ngay lập tức. Ông vẫn còn mặc quân phục, nhưng là thứ quân phục khác với bộ quân phục ông mặc lúc ra đi; râu ria ông tỏa ra mùi rượu chua loét; đôi mắt rực sáng như thể ông đang bị cảm mạo, sổ mũi.
Thật ra, tôi gần như không biết cha tôi, và chúng tôi chỉ có một tấm hình độc nhất của ông, được đặt trên tủ buýp phê, tấm hình ông chụp chung với má tôi trong dịp lễ thành hôn của hai đấng. Tôi vẫn luôn luôn tự hỏi tại sao cả hai đấng lại đều có bộ mặt lệch lẹo như thế. Không chừng ngay cả Sophie nữa, nó cũng thấy, trong tấm hình cưới của chúng tôi, mặt chúng tôi thật lệch lẹo.
Tôi được biết cha tôi đã làm công cho cơ sở của ông Sauveur, một hãng buôn bán mễ cốc và phân bón hóa học, các văn phòng và kho hàng của ông chiếm một khu khá lớn ở bến tàu và thông với ga xe lửa bằng con đường riêng của hãng.
Có lần, ở ngoài đường, má đã chỉ cho tôi thấy ông Sauveur, đó là người đàn ông hơi thấp, mập mạp, khuôn mặt tai tái, tuổi tác chắc hẳn phải tới sáu mươi, bước đi chậm chạp thận trọng, như thể ông sợ hãi bất cứ va chạm nào dù nhỏ nhất.
- Ông ấy bị đau tim. Ông ấy có thể chết gục giữa đường bất cứ lúc nào. Trong vụ ông ấy lên cơn đau mới rồi, người ta đã cấp cứu kịp thời, rồi sau đó người ta phải mời một y sĩ danh tiếng chuyên về bệnh tim từ Ba Lê đến.
Lúc hãy còn là một đứa bé, đã có lần tôi đưa mắt dõi theo ông mà tự hỏi không chừng tai nạn của ông sẽ xảy ra ngay trước mắt mình. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, phải sống trong tình trạng bị đe dọa như thế mà ông Sauveur vẫn có thể đi đi lại lại như tất cả mọi người, không hề có vẻ buồn rầu.
- Ba mày là cánh tay mặt của ông ấy. Ngay từ hồi ba mày mười sáu tuổi, ba mày đã tập sự công việc giao thiệp ở hãng của ông ấy, và bây giờ ba mày được quyền ký giấy tờ.
Ký những giấy gì? Về sau này tôi được biết rằng đúng là cha tôi được chủ ủy cho quyền hành lớn lắm và chức vụ của người quả thật quan trọng đúng theo lời má tôi đã nói.
Ông đã nhận lại chỗ làm của ông và cha con tôi dần dần quen sống chung với nhau trong căn hộ của chúng tôi, tại đó má tôi chẳng còn bao giờ được nhắc tới nữa, mặc dầu bức hình ngày cưới vẫn còn nằm trên tủ buýp phê.
Phải mất một thời gian tôi mới hiểu được rằng tại sao chỉ ngày trước ngày sau, đôi khi chỉ giờ trước giờ sau, tính khí cha tôi đã thay đổi khác hẳn. Ông có thể tỏ vẻ dịu hiền, đa cảm, đặt tôi lên hai gối ông - điều này khiến tôi hơi bối rối - và, với cặp mắt rưng rưng lệ, nói với tôi rằng ông chỉ còn có tôi trên đời, và thế là đủ, ông chẳng cần gì khác ngoài một đứa con trai.
Thế rồi, chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, ông lại có vẻ sửng sốt thấy tôi sống cùng ông, ông ra lệnh cho tôi như với một đứa ở, đay nghiến, la rầy là tôi chẳng có giá trị gì hơn so với má tôi.
Cuối cùng, tôi nghe thấy người ta nói ông uống rượu, hay nói cho đúng hơn nữa, ông đã vì buồn khổ mà đâm ra rượu chè, buồn khổ vì khi trở về ông không gặp lại vợ ông và vì ông được nghe biết chuyện từng xảy ra.
Tôi đã tin vậy trong một thời gian dài. Tiếp theo, tôi đã suy nghĩ. Tôi nhớ lại cái ngày ông về, đôi mắt ông long lên, cử chỉ giật cục, rồi mùi cơ thể ông, những chai rượu mà ông đã lập tức chạy ra tiệm thực phẩm mua về.
Tôi đã bắt gặp những câu nói mơ hồ, rời rạc ông xài mỗi khi ông nói chuyện về chiến tranh với đám bạn thân, và tôi nghi rằng ông đã nhiễm thói quen uống rượu lúc còn đang ở ngoài mặt trận.
Tôi không giận cha tôi. Tôi chẳng bao giờ giận ông, ngay cả cái bữa, bước đi lảo đảo, ông đưa về nhà một ả gái nhặt được ngoài đường rồi vừa lẩm bẩm chửi rủa vừa nhốt tôi vào phòng riêng, khóa trái lại.
Tôi không thích nghe bà Jamais vỗ về tôi, coi tôi như một nạn nhân của cha tôi. Tôi tránh né bà. Tôi đã có thói quen sau khi ở trường học về liền chạy đi mua những thức lặt vặt, sửa soạn bữa ăn, rửa chén đĩa.
Một buổi tối, có hai người khách qua đường khiêng cha tôi về nhà, khi họ thấy cha tôi nằm bất động trên hè đường. Tôi định chạy đi kiếm y sĩ, nhưng hai ông kia cho rằng khỏi cần kêu y sĩ làm gì vô ích, chỉ cần cha tôi ngủ một giấc là ông sẽ đỡ. Tôi giúp họ cởi bỏ y phục cha tôi ra.
Tôi cũng biết rằng ông Sauveur vì thương hại mà giữ cha tôi ở lại làm việc. Nhiều lần, cha tôi - nhân viên quản nhiệm của ông - đã vì say mà chửi bới ông để rồi hôm sau lại vừa khóc vừa xin lỗi.
Chuyện đó không can hệ gì lắm. Điều tôi muốn chỉ ra là quãng đời niên thiếu của tôi không giống như đời những đứa trẻ khác, và vào năm tôi mười bốn tuổi, người ta phải gửi tôi tới một liệu dưỡng viện phía trên Saint-Gervais ở miền Savoie.
Bữa lên đường tới viện, một mình trên xe lửa - đó là lần đầu tiên tôi bước chân lên một con tàu - tôi đã tin rằng mình chẳng thể sống sót để mà trở về. Ý tưởng đó không khiến tôi buồn bã và tôi bắt đầu hiểu tại sao ông Sauveur bị bệnh nặng như vậy mà vẫn thản nhiên được.
Dầu sao đi nữa, có lẽ tôi cũng sẽ chẳng bao giờ là một người giống như mọi người. Ngay từ khi còn theo học ở trường, cặp mắt kém đã khiến tôi bị loại khỏi mọi trò chơi. Thêm vào đó, tôi lại còn mắc chứng bệnh vốn dĩ vẫn bị coi là một tì vết, một chứng bệnh gần như đáng xấu hổ. Liệu có người đàn bà nào chịu kết hôn với tôi không?
Tôi đã sống bốn năm, trên đó, tại liệu dưỡng viện, hơi giống như hiện trạng ở đây, trong toa xe lửa này; tôi muốn nói rằng quá khứ và tương lai không đáng kể, cả những chuyện xảy ra trong thung lũng cũng vậy, huống hồ tại các thành phố xa xôi.
Khi người ta tuyên bố với tôi rằng tôi đã khỏi bệnh, và người ta trả tôi về Fumay, thì tôi được mười tám tuổi. Tôi gặp lại cha tôi, cũng không khác gì mấy so với lúc tôi từ giã ông, trừ nét mặt có vẻ nhu nhược mềm yếu hơn, ánh nhìn có vẻ buồn bã và sợ sệt.
Khi trông thấy tôi, ông rình rập phản ứng của tôi và tôi hiểu rẳng ông hổ thẹn, thật ra, ông bực tức tôi đã trở về.
Tôi chỉ có thể làm được công việc nhẹ nhàng, ngồi yên một chỗ. Tôi đã vào học việc trong tiệm của ông Ponchot, một tiệm lớn trong thành phố bán đàn dương cầm, đĩa hát và máy thâu thanh.
Trong thời kỳ sống trên núi, tôi có thói quen mỗi ngày đọc hai cuốn sách và giờ đây tôi vẫn tiếp tục giữ thói quen đó. Mới đầu, mỗi tháng một lần, rồi sau đó, ba tháng một lần, tôi phải tới xin khám sức khỏe ở chỗ y sĩ chuyên môn tại Mézières, nhưng tôi thường hoài nghi lời nói tốt đẹp của ông ta.
Tôi trở lại Fumay năm 1926. Cha tôi qua đời năm 1934 vì chứng tắc huyết trong khi ông Sauveur vẫn rất ổn. Khi đó tôi vừa quen Jeanne, cô bán hàng tại tiệm găng tay Choblet, ở cách cửa tiệm tôi hai căn.
Lúc ấy tôi hai mươi sáu tuổi; nàng hai mươi hai. Hai chúng tôi cùng đi dạo trên phố lúc hoàng hôn. Chúng tôi cùng đi coi chiếu bóng, trong rạp tôi nắm tay nàng, rồi vào chiều Chủ nhật, tôi đã được phép đưa nàng về miền quê chơi.
Trước kia tôi không ngờ mình sẽ được như thế. Đối với tôi, nàng không chỉ là một người đàn bà, mà còn là biểu hiện của cuộc sống bình thường, điều hòa.
Và tôi xin thề rằng chính trong chuyến đi chơi với nàng tại thung lũng sông Semois, cuộc đi chơi mà tôi phải xin phép cha nàng, tôi đã nhận thấy chắc chắn rằng nàng có thể nhận lời cầu hôn của tôi, chấp nhận cùng tôi gây dựng một gia đình.
Tôi đã bàng hoàng vì biết ơn. Tôi rất sẵn lòng quỳ gối dưới chân nàng. Nếu có nói hơi dài dòng về chuyện này thì cũng chỉ vì tôi muốn trình bày rõ tầm quan trọng của Jeanne trong mắt tôi.
Vậy mà giờ đây, trong toa tàu chở súc mục này, tôi không nghĩ tới nàng, hiện có bầu được bảy tháng rưỡi, do đó, chắc hẳn sẽ rất mệt nhọc vì cuộc hành trình. Trí óc tôi đang bận đâu đâu. Tôi tự hỏi tại sao người ta lại đưa chúng tôi vào con đường phụ này, con đường không dẫn tới một nơi nào hết, nếu không phải là một nơi nguy hiểm hơn cái nơi chúng tôi vừa trốn lánh.
Khi tàu dừng lại ngay giữa đồng quê, gần bên một con đường cao cắt ngang huyện lộ, tôi nghe thấy tiếng kẻ nào đó nói:
- Ta đang phải tạm nhường đường cho các toán binh sĩ đi. Chắc hẳn ở đằng đó đang cần viện binh.
Con tàu không động cựa gì nữa. Đột nhiên ta chỉ còn nghe thấy tiếng chim hót và tiếng suối nước chảy rì rầm. Một gã đàn ông đầu tiên nhảy xuống ta luy, rồi một người khác nhảy xuống theo.
- Này, sếp ơi, liệu có phải đậu lại đây lâu không?
- Một hai tiếng đồng hồ. Có thể suốt đêm không chừng.
- Liệu lần này có thể sẽ lại chuyển bánh mà không báo hiệu trước chăng?
- Đầu máy hiện đang quay trở lại Monthermé và ở đó người ta sẽ gửi tới cho chúng ta một đầu máy khác.
Đầu tiên, tôi chờ để chắc chắn là người ta đã thực sự tháo đầu máy, khi thấy nó đang một mình rời xa giữa khung cảnh rừng và đồng cỏ, tôi bèn nhảy từ trên toa xuống đất, công việc trước hết của tôi là chạy tới suối, dùng bàn tay vục nước uống y như hồi còn nhỏ. Nước vẫn có hương vị như ngày xưa, hương vị cỏ và hương vị chính cái thân thể đang nóng bừng bừng của tôi.
Từ khắp mọi toa đều có những kẻ nhảy xuống. Mới đầu tôi ngần ngại, nhưng rồi cả quyết hơn, tôi vừa chạy dọc các toa vừa đưa mắt tìm kiếm phía bên trong.
- Ba!
Con gái tôi đang vừa vẫy tay vừa gọi tôi.
- Má đâu?
- Trong này ạ.
Hai người đàn bà đứng tuổi chặn mất tầm mắt tôi, họ cứ ngồi ì ở chỗ đó nhất định không chịu né người đi một chút và nhìn vẻ mặt quàu quạu của họ, tôi cũng biết họ đang bực bội vì cử chỉ náo động của con gái tôi.
- Ba mở hộ con đi. Con không mở nổi. Má muốn nói chuyện với ba.
Toa tàu này kiểu cũ. Loay hoay một hồi, tôi mở được cửa toa và trông thấy tám người ngồi theo hai hàng, người nào cũng im lìm với vẻ mặt cau có như thể đang ngồi ở phòng đợi nha sĩ vậy. Chỉ có vợ và con gái tôi là chưa tới sáu chục tuổi mà thôi. Trong góc đối diện, có một ông cụ già chắc phải tầm chín mươi.
- Anh khỏe chứ, Marcel?
- Còn em sao?
- Khỏe. Em cứ thắc mắc chẳng biết anh làm sao kiếm được gì mà ăn. May quá, tàu dừng lại. Có bao nhiêu đồ ăn mẹ con em giữ cả.
Bị ép giữa hai bà có hai cặp hông đồ sộ, Jeanne gần như không thể cử động, nàng phải cố gắng lắm mới hơi nhoài mình ra được đế đưa cho tôi một cái bánh mì nhỏ, cùng cả cây xúc xích.
- Còn con và em không ăn à?
- Anh vốn biết mẹ con em không chịu nổi tỏi mà.
- Xúc xích này có tỏi à?
Sáng nay, tại tiệm bán thực phẩm, tôi đã quên không lưu ý điều đó.
- Chỗ của anh khá không?
- Không đến nỗi nào.
- Anh có thể kiếm cho em chút nước được không? Người ta có cho em một chai lúc tàu khởi hành, nhưng vì ở đây nóng nực quá nên mẹ con em đã uống hết sạch cả rồi.
Nàng đưa cái chai không cho tôi và tôi chạy ra suối lấy nước. Ở đó tôi nhìn thấy, đang quỳ bên suối rửa mặt, thiếu phụ trẻ vận rốp đen, người đã leo bừa vào toa chúng tôi sau lúc con tàu Bỉ tới.
- Ông kiếm cái chai đó ở đâu vậy? - cô hỏi tôi.
Giọng nói của cô hơi lơ lớ, không ra giọng Bỉ cũng không ra giọng Đức.
- Của người ta cho vợ tôi.
Cô không hỏi gì thêm, lủi thủi rửa mặt bằng khăn tay, còn tôi bỏ đi lên phía toa hạng nhất. Trên đường đi, tôi đá phải một chai bia không, tôi quay lại nhặt nó như; nhặt một vật quý. Vợ tôi hiểu lầm:
- Anh uống bia đấy à?
- Không. Anh dùng chai này để đựng nước.
Thật kỳ. Chúng tôi nói chuyện với nhau giống như hai kẻ xa lạ. Không hẳn đúng như vậy: giống như những người bà con xa đã từ rất lâu không gặp nhau nên bây giờ chẳng biết nói chuyện gì với nhau nữa. Chẳng phải là do đang có mặt các bà già à?
- Con xuống khỏi toa được không ba?
- Muốn xuống thì xuống.
Vợ tôi tỏ vẻ lo ngại:
- Lỡ tàu chạy thì sao?
- Tàu đâu còn đầu máy nữa.
- Vậy sẽ phải nằm ì lại đây à?
Vào lúc đó, chúng tôi nghe thấy tiếng nổ đầu tiên, tiếng nổ từ xa vọng lại, âm âm mơ hồ, nhưng cũng khiến chúng tôi giật mình hoảng hốt và một bà già vừa nhắm mắt lại vừa giơ tay làm dấu thánh giá, như thể bà vừa nghe thấy một tiếng sấm.
- Cái gì thế anh?
- Anh cũng không biết nữa.
- Có thấy chiếc phi cơ nào không?
Tôi ngó lên trời, da trời vẫn xanh như lúc buổi sáng, chỉ có hai đám mây vàng rực đang từ từ trôi.
- Đừng để con nó đi xa đấy, Marcel à.
- Anh sẽ không rời mắt khỏi nó.
Một tay dắt Sophie, tôi đi dọc theo đường rầy, có ý tìm kiếm một cái chai nữa, và tôi đã may mắn kiếm được một chai còn lớn hơn chai kia.
- Ba lấy cái chai đó làm gì vậy?
Tôi nói dối một nửa.
- Để đựng đồ uống.
Bởi vì tôi đang cúi nhặt cái chai thứ ba, thứ chai đựng rượu vang, ý định của tôi là sẽ đưa cho thiếu phụ trẻ mặc y phục đen ít nhất là một chai.
Từ xa tôi trông thấy cô đứng trước toa chúng tôi, chiếc rốp bằng xa tanh đầy bụi, dáng dấp và mớ tóc xổ tung của cô trông có vẻ xa lạ với tất cả cảnh vật xung quanh. Cô chùng chân cho đỡ mỏi, không quan tâm đến những gì đang diễn ra và tôi nhận thấy hai gót giày cô rất cao và rất nhọn.
- Má con không bị mệt đấy chứ?
- Không. Có một bà cứ nói xàm xạp hoài và cho rằng chắc chắn tàu này sẽ bị phi cơ oanh tạc. Có đúng thế không ba?
- Bà ấy thì biết gì mà nói.
- Ba tin là tàu sẽ không bị oanh tạc chứ?
- Ba tin chắc.
- Rồi mình sẽ ngủ ở đâu?
- Ngủ trên tàu.
- Đâu có giường ạ.
Tôi tới suối rửa ba cái chai, súc đi súc lại nhiều lần cho thật sạch mùi bia và mùi rượu vang, rồi lấy đầy nước vào trong.
Tôi quay lại toa của tôi, vẫn dẫn Sophie theo, rồi đưa một trong mấy cái chai cho thiếu phụ trẻ.
Cô ngạc nhiên nhìn tôi, nhìn con gái tôi, gật đầu cảm ơn rồi leo lên toa cất cái chai vào chỗ an toàn.
Khắp xung quanh, ngoài ngôi nhà của người bẻ ghi xe lửa, chỉ có thêm một nông trại rất nhỏ nằm trên sườn đồi, ở cách tàu hơi xa, trong sân trại có một người đàn bà đeo tạp dề màu xanh dương đang cho lũ gà vịt ăn, làm như thể chẳng hề có chiến tranh vậy.
- Ba ngồi chỗ này à? Ngồi xuống sàn ư?
- Ba ngồi lên cái rương.
Julie đang trò chuyện thân mật với một gã đàn ông có nước da đỏ, mái tóc xám dựng lởm chởm, gã nhìn cô ta với vẻ mờ ám và thỉnh thoảng người ta lại nghe thấy hai người cười lớn bằng thứ tiếng cười ta thường bắt gặp dưới các mái vòm của tửu quán. Gã đàn ông cầm trên tay một chai vang đỏ, thỉnh thoảng lại đưa chai cho cô bạn tu vài ngụm. Cái áo của cô ta bị dây nhiều vệt tím, phía trong áo, cặp vú đồ sộ nẩy lên mỗi khi cô ta phá ra cười.
- Bây giờ ba con mình đi về chỗ má.
- Đã về rồi cơ ạ?
Bắt đầu có phân chia cách biệt trong đám hành khách. Một bên là những người thuộc toa hành khách, một bên là chúng tôi, những người thuộc các toa súc vật và toa chở hàng. Jeanne và con gái tôi thuộc đám kia còn tôi thuộc đám thứ nhì, vì vậy mà tôi đã bất giác hối hả đưa Sophie về với má nó.
- Anh không ăn à?
Tôi ngồi ăn trên đám đá rải đường rầy, trước cửa toa mở rộng. Giữa hai hàng những khuôn mặt lầm lì đang nhìn ngó hết tôi đến vợ tôi, hết vợ tôi đến con gái tôi, chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được nhiều.
- Theo ý anh, liệu tàu có sắp sửa chạy không?
- Họ phải tạm nhường đường sắt cho các tàu chở binh lính. Khi nào đường trống, sẽ đến lượt tàu chúng ta chạy. Kìa! Đầu máy đã tới.
Chúng tôi nghe tiếng nó, nhìn thấy nó, chiếc đầu máy đơn độc ấy đang tung khói trắng chạy trên khúc đường vòng trong thung lũng.
- Anh về chỗ lẹ đi. Em sợ anh bị mất chỗ!
Cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm vì được bỏ đi, tôi ôm hôn Sophie, không dám ôm hôn Jeanne trước mặt mọi người. Một giọng nói gay gắt hắt về phía tôi:
- Đóng cửa toa lại giùm chút chớ!
Trước đây, vào mùa hè, gần như Chủ nhật nào cũng vậy, mới đầu với Jeanne, về sau có thêm con gái tôi nữa, chúng tôi đi về vùng quê hưởng cảnh đồng nội và thường hay ngồi dùng bữa trưa trên bãi cỏ.
Thế mà hôm nay đây, tôi không gặp lại cái mùi, cái vị của đồng quê đó, mà là mùi vị những kỷ niệm ấu thời của tôi.
Từ nhiều năm nay, ngày Chủ nhật, tôi thường ngồi ở một khoảng cây thưa trong rừng, tại đó tôi vui đùa với Sophie, tôi hái hoa kết thành vòng hoa cho nó, nhưng tất cả những cái đó thường diễn ra bình thản, lưng chừng.
Tại sao bữa nay cảnh vật lại có hương vị riêng như vậy? Ngay cả tiếng rù rì của lũ ong vò vẽ cũng nhắc tôi nhớ tới tiếng lũ ong ngày xưa, lúc tôi nín thở quan sát một con ong bay quanh miếng bánh mứt của tôi.
Khi tôi trở về toa, những khuôn mặt tại đó có vẻ đã trở nên thân quen hơn. Một thứ tình đồng lõa đã nảy sinh giữa chúng tôi, chẳng hạn chúng tôi nháy mắt với nhau sau khi quan sát trò con tườu giữa Julie và gã lái ngựa.
Tôi gọi gã là “lái ngựa” mà không biết rõ vì sao. Các danh từ chẳng có gì quan trọng, cả nghề nghiệp chính xác cũng vậy. Hắn ta có dáng vẻ tay lái ngựa nên, riêng phần tôi, tôi gọi thầm gã như thế.
Cặp đó ôm eo nhau và bàn tay hộ pháp của gã đàn ông áp mạnh lên ngực Julie vào lúc tàu bắt đầu chuyển bánh sau khi giật giật mấy cái.
Thiếu phụ bận đồ đen vẫn ép sát vào vách cuối toa, cách chỗ tôi chừng hai thước, và nàng không có gì để kê ngồi. Thật ra nàng vẫn có thể ngồi đại xuống sàn toa như mọi người khác. Lại còn có bốn người ngồi một góc đánh bài với nhau, như thể họ đang ngồi quanh bàn trong một quán nước vậy.
Chúng tôi lại trông thấy ga Monthermé và lát sau, tôi thấy cửa cống Leverzy, nơi có khoảng chục chiếc thuyền nhỏ gắn động cơ đang ngả nghiêng trên mặt nước sáng rực. Khách thương hồ không cần tới xe lửa, nhưng họ lại bị những cửa cống như vậy chặn lại, và tôi hình dung được sự nôn nóng của họ.
Màu trời chuyển sang hồng. Ba chiếc phi cơ bay qua, rất thấp, dấu cờ tam tài khiến người ta thấy yên lòng. Những phi cơ đó bay thấp và gằn đến nỗi chúng tôi có thể nhận thấy khuôn mặt của một trong các phi công. Tôi dám cả quyết rằng viên phi công đó đã đưa tay lên chào chúng tôi.
Khi chúng tôi tới Mézières, hoàng hôn đã buông trùm khắp vạn vật, và con tàu không chạy vào trong ga, mà đậu lại giữa một đám đường rầy hoang vắng. Một quân nhân mà tôi không trông thấy dấu hiệu cấp bậc, vừa đi dọc tàu vừa la lớn:
- Xin lưu ý! Không ai được xuống! Tuyệt đối cấm xuống khỏi tàu!
Vả chăng chỗ này cũng không có bờ kè, và một lát sau nhiều khẩu đại bác được chở trên giàn xe di chuyển hết tốc độ sát ngay bên tàu chúng tôi. Chúng vừa đi khuất thì một hồi còi báo động vang lên, trong khi cũng vẫn tiếng nói lúc trước ra lệnh:
- Ai nấy đều phải ngồi yên tại chỗ. Xuống khỏi tàu sẽ rất nguy hiểm. Ai nấy...
Giờ đây, chúng tôi nghe thấy tiếng ì ì của một số phi cơ. Thành phố tối thui, còn tại ga, các ngọn đèn đều tắt, khách bộ hành chắc hẳn đang lao về phía những hầm trú ẩn ngầm dưới đất.
Tôi không cho rằng mình đã sợ. Tôi vẫn ngồi im không cục cựa, đăm đăm nhìn những khuôn mặt đối diện, lắng nghe tiếng động cơ nổi lên rõ hẳn rồi như xa dần.
Bầu không khí im phăng phắc ngự trị và con tàu nằm đó, như bị bỏ rơi giữa mạng lưới đường sắt dọc ngang chằng chịt, trên đó lết lê vài toa xe trống rỗng. Giữa những toa xe đó, giờ đây tôi vẫn còn trông thấy một toa chở rượu có mang tên nhà buôn rượu vang ở Montpellier, viết bằng những chữ lớn màu vàng.
Bất đắc dĩ, mọi người đành chịu thu mình trong cảnh hồi hộp, nín thinh không nói năng, chờ đợi hồi còi chấm dứt tình trạng báo động, gần nửa giờ sau đó nó mới nổi lên. Bàn tay tay lái ngựa trong suốt thời gian đó đã rời khỏi ngực Julie. Rồi nó lại đặt vào chỗ cũ bạo tợn hơn, rồi gã đàn ông áp miệng vào miệng cô nàng ngồi cạnh.
Một bà già quê lầu bầu:
- Làm thế mà không biết dơ, trước mặt một con nhỏ nhỉ!
Và để đáp lại lời bà già, cái miệng lem luốc son của gã mấp máy:
- Thì một ngày kia con nhỏ cũng sẽ phải học làm chứ. Há bà chẳng cũng phải học vào thời của bà sao?
Đó là một thứ thô bỉ, tục tằn mà tôi không quen. Điều đó nhắc tôi nhớ tới tràng chửi rủa mà mẹ tôi đã tuôn ra xối xả vào mặt đám thanh niên vừa đuổi theo bà vừa cười nhạo độ nào. Tôi tìm ánh mắt cô gái tóc nâu. Cô nhìn đi chỗ khác như thể không nghe thấy gì và không nhận thấy tôi đang để ý.
Tôi chưa hề say bao giờ chỉ vì lẽ giản dị là tôi không uống rượu cũng không uống bia. Tuy nhiên tôi tưởng chừng rằng vào lúc trời sầm tối, tôi gần như ở trong trạng thái của một người đã uống quá “đô”.
Có thể là vì mặt trời xế trưa, trong thung lũng bên bờ suối, mi mắt tôi giật giật, bỏng rát, tôi cảm thấy hai má đỏ rực, tứ chi tê bại, đầu óc trống trơn.
Tôi giật nảy mình khi có một người nào đó quẹt diêm để nhìn đồng hồ, khẽ thông báo:
- Mười rưỡi rồi...
Thời gian trôi qua vừa nhanh lại vừa chậm. Đúng hơn là không còn thời gian.
Một số người đã ngủ, một số khác khẽ khàng trò chuyện với nhau. Phần tôi, tôi cũng thấy thiu thiu buồn ngủ trên chiếc rương đen, đầu tựa vào vách toa, và sau đó trong cơn chập chờn nửa thức nửa ngủ, trong khi con tàu vẫn nằm im lìm, giữa bóng đêm và sự im lặng bủa quanh, tôi bỗng ý thức được có một chuyển động nhịp nhàng, gần sát bên tôi. Mất một hồi lâu tôi mới hiểu Julie và người bạn đường của cô ta đang làm tình với nhau.
Tôi không cảm thấy có gì là chướng cả, mặc dầu, có thể là do bệnh tình bản thân, tôi vẫn luôn luôn vô cùng bẽn lẽn. Tôi lắng tai dõi theo cái nhịp đó, nghe như một thứ âm nhạc, và tôi phải thú nhận rằng dần dần một hình ảnh rõ rệt đã hình thành trong tâm tưởng tôi, rằng khắp người tôi bị thâm nhập bởi làn khí nóng râm ran bối rối.
Khi tôi ngủ lại thì có tiếng Julie thì thầm, có thể là với gã nào khác nằm cạnh:
- Đừng! Bây giờ thì không được.
Một hồi rất lâu sau, vào khoảng nửa đêm, chúng tôi bị lay lắc một hồi, như thể con tàu chuyển bánh. Có tiếng người nói và đi lại dọc theo đường tàu. Một người nào đó nói:
- Chỉ có cách đó thôi.
Và một người khác:
- Tôi chỉ nghe lệnh của chỉ huy quân sự.
Họ vừa rời xa vừa cãi nhau và con tàu chuyển bánh để rồi lại dừng lại sau vài phút.
Tôi không còn quan tâm tới những chuyển động khó hiểu đó của con tàu nữa. Chúng tôi đã rời khỏi Fumay và, chỉ cần con tàu không quay trở lại phía sau là đủ, ngoài ra tôi bất cần.
Có những tiếng còi, rồi thêm tiếng các toa xô động, tàu cứ phụt hơi nước ra, chuyển bánh rồi lại ngừng.
Tôi không biết những gì xảy ra đêm đó tại Mézières và tại những nơi khác trên thế giới, ngoài chuyện người ta đang giao tranh ở Hòa Lan, ở Bỉ, hàng chục ngàn người phải xông pha lặn lội trên các ngả đường, những chiếc phi cơ tung hoành rải rác khắp nơi trên trời, và những khẩu súng phòng không đôi lúc bắn cầu âu.
Chúng tôi nghe thấy tiếng những loạt đạn từ khá xa vẳng lại, tiếng những đoàn xe vận tải dài dằng dặc chạy trên đường cái chắc hẳn phải gần ngay bên đường xe lửa.
Trong toa chúng tôi, nơi bóng tối hoàn toàn ngự trị, những tiếng ngáy tạo thành sự thân mật kỳ lạ. Đôi khi một người nào đó đang ngủ, vì nhức mỏi mình mẩy hoặc sa vào ác mộng đã rên rỉ mà không hay.
Khi tôi mở mắt tỉnh giấc hẳn, tàu đang chạy và một nửa số hành khách trong toa đã thức dậy. Ngày rạng màu trắng đục như sữa tỏa sáng một vùng quê mà tôi không biết là vùng nào, những ngọn đồi khá cao với những khu rừng nhỏ và những khoảng đất trống rộng rãi trong đó mọc lên nhiều nông trại.
Cô ả Julie đang ngủ, miệng hé mở, cái nịt ngực tuột cả móc. Thiếu phụ trẻ mặc rốp đen ngồi tựa lưng vào vách toa, một lọn tóc rủ xuống má. Tôi tự hỏi có phải nàng đã ngồi như vậy suốt đêm hay không, nàng có ngủ nổi hay không. Mắt nàng gặp mắt tôi. Nàng mỉm cười với tôi, vì cái chai nước.
- Chúng ta đang ở đâu vậy? - một trong những người nằm bên tôi vừa tỉnh giấc vừa hỏi.
- Tôi cũng chẳng biết nữa, - một kẻ đang ngồi ở chỗ cửa toa, hai cẳng chân buông thõng xuống, cất tiếng trả lời. Tàu vừa chạy qua một ga có tên là Lafrancheville.
Tàu đi qua một ga khác nữa, cũng hoang vắng và đầy hoa. Tôi đọc trên một tấm biển màu xanh và trắng: Boulzicourt.
Con tàu bắt đầu đi vào khúc đường vòng, giữa một phong cảnh gần như tẻ nhạt, gã đàn ông đang ngồi thõng chân bỗng rút ống vố của y ra khỏi miệng để la lớn một cách kỳ cục:
- Mẹ kiếp!
- Chi vậy?
- Lũ khốn đã cắt ngắn bớt con tàu!
- Ông nói chi vậy?
Mọi người đổ xô ra chỗ cửa để ngó. Hai tay bám chặt lấy thành cửa, gã đàn ông cự nự:
- Mấy người đừng có xô đẩy như vậy chứ! Định hất tôi xuống dưới đường hay sao đây. Các ông thấy không, phía trước chúng ta chỉ còn có năm toa. Những toa kia đâu? Vợ tôi và mấy đứa con tôi ở những toa đó, làm sao tôi gặp lại được bây giờ đây? Mẹ kiếp, thật là chó đẻ quá!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét