Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Người mẹ không con


Người mẹ không con

Tác giả: Nguyên Hồng


Chưa bao giờ Mão Chột thấy cực khổ như lúc bấy giờ. Hắn thua xóc đĩa hết cả sáu đồng bạc tiền mươi công làm vừa lĩnh xong và lại còn vay năm đồng của con mụ “chào tiền khách” ở ngoài sòng, cứ một đồng lãi ba hào một tháng. Không còn một xu dính túi! Không còn thể vay mượn ai! Không thể cầm bán vật gì trong nhà nữa!
Bước khỏi ngưỡng cửa, Mão Chột gieo thình người xuống giường. Hắn bỏ thõng chân, một tay vắt trán. Hắn thở phì phì và thỉnh thoảng lại rít lên khe khẽ.
Tiếng trống cái vẫn khua inh ỏi. Trên bục rạp hát, trẻ con cứ sấn sổ cướp lấy cái dùi. Chúng nó chen lẫn nhau, chửi nhau và kêu hét ầm ầm. Thêm không biết bao nhiêu đứa tuồn lên đó, đua nhau chạy nhảy. Các cột gióng rung chuyển, cát bụi mù mịt.
Vút! Vút! Cái roi mây của tên phu điếm lại quất tới tấp lên đám trẻ con.
Một phần đông chạy rào rào xuống đất, tản ra khắp ngả. Những tiếng khóc của những đứa lóc nhóc theo đứa lớn đi chơi ran lên như ri. Nhưng tiếng trống vẫn ầm ầm với những tiếng giậm chân thình thịch và vỗ tay reo hò.
- Chúng mày thì đã có Quan ôn, Hà bá là dạy được thôi!
Nghe tên phu điếm môi dề và thâm tái nọ gườm mắt, gầm rít, những đứa trẻ con càng nhăn răng ra cười. Chúng nó bảo nhau cùng “híp hơ híp híp hơ” và xỉa đều tay vào cái mặt nghiện bủng ấy. Chợt xế rạp hát, trước một sòng tổ tôm, điếm, nổi ran một tràng pháo. Trẻ con bâu ngay đến đó, và từ những hàng quà, người ta đổ dồn về phía đoàn xe tay vừa sịch xuống sân chùa.
- Cai Túc! Cai Túc đã đến!
Cai Túc, quần lụa mỡ gà, áo sa phủ áo gấm lam hoa bạc, làm ra vẻ rất bệ vệ, bước xuống xe. Theo sau hắn, một bọn sáu người quần áo nhố nhăng không kém. Thoáng trông ra, lão chủ sòng liền toét miệng cười, chạy vội tới giơ tay khom người mời. Trong khi ấy, cái vòng người chen vai hích cánh nhau trước điếm bài, lại ồn ào xô đẩy nhau dãn ra.
Mấy tên phục dịch được dịp lấy lòng chủ, tíu tít cả lên mời chào và xếp chỗ cho bọn khách có tiếng là chơi sang với người cai bao thầu nọ. Tiếng trống cái càng rung lên những hồi thôi thúc. Nắng xuân giội xuống mái ngói đỏ tươi của ngôi chùa và những cờ bay phấp phới. Từng làn xác pháo bay lên rồi giạt vào bờ cỏ xanh bị xéo lụn. Những ánh sáng ngời thêm ở những đồ đồng, đồ sứ, kiệu võng, bát bửu bầy trước cửa chùa và những rồng phượng nạm thủy tinh, mảnh sứ trên mái, trên tường. Cả ba đám xẩm đều kín người xem. Đàn, nhị, tấu lên như ễnh ương kêu gọi nhau trong đêm tối, sau trận mưa rào.
Trong người Mão Chột lại bốc lửa, ruột gan đầu óc hắn đau đớn. Hắn nhìn trừng trừng lên cái nóc nhà thấp hắn ở. Qua những chỗ hổng, nắng xỉa xuống những góc vách, bụi bay loạn xạ như đàn ong vỡ tổ, chỉ chực bâu vào mặt hắn.
Mão Chột ghê rợn, hắn nuốt ừng ực những cái nghẹn đờm. Ơ kìa! Ở đâu mà bay ra nhiều giấy bạc thế? Toàn là những giấy mới tinh, thơm phức, giấy năm đồng, giấy hai mươi đồng và giấy một trăm đồng nữa, cứ vung vào mặt hắn, hằng hà sa số. Đồng thời càng khua động trong tai Mão Chột tiếng tiền xóc đĩa reo rộn ràng, tiếng reo bài ngân nga và tiếng trống tưng bừng.
Đám bây giờ mới vui. Ba giờ chiều đúng rồi. Phường chèo cải lương sắp đến diễn buổi đầu với tích “Nỗi oan Thị Kính” sở trường của họ để trưng tài, cổ động cho ban tổ chức đám hội này có các quan viên sành sỏi thế đấy. Trong nhà chùa chỉ lát nữa đèn nến sẽ sáng choang, nhang trầm nghi ngút, người lễ bái không còn chỗ nào đặt chân.
Đã sáu năm nay mới thấy làng này vào đám. Vẫn mang tên cũ, nhưng hầu hết làng đã biến thành phố ngõ và xóm rồi! Mấy ông già chức sắc trước kia và mấy ông già là cố cựu trong làng vừa quyên tiền tu bổ cho ngôi chùa còn sót lại nọ chẳng có sư mô chủ trì, gần như bỏ hoang. Nhân ngày xuân họ xin phép mở hội để khánh thành công trình này, vừa lại được những buổi hội họp để khoe ăn, khoe nói giữa thiên hạ.
Những trai gái quanh năm đầu tắt mặt tối nhờ đó có dịp chơi bời, và những trẻ con say mê được rước xách thỏa mãn. Suốt dải đường vào xóm, người ta lại bầy bán những bát khế, những liễn trám dầm đường, những lọ lạc rang, ô mai, hạt dưa và những hộp pháo tép, pháo xiết, làm không khí tết kéo dài thêm chút nữa. Cho tới khuya, ở những điện thờ, đàn hát trầm bổng và hương hoa ngào ngạt, những người mẹ chỉ còn biết tin cậy vào thần thánh lại tha hồ hầu đồng bóng.

* * *

Vợ Mão Chột bước vào nhà, hồi hộp. Mắt mụ chớp chớp nhìn. Mụ lại thấy chồng mụ nằm sóng sượt ra thế kia sau mấy ngày đi biền biệt. Quái gở!
- Thôi, ăn hay không cũng mặc! Không ăn nhà thì chốc nữa lại ra ngoài đám mà nốc rượu.
Mụ Mão nghĩ thế và mụ đã quay gót, một ý nghĩ khác kéo dừng mụ lại:
- Hừ! Nằm thiếp đi mà thở hưng hức thế kia chắc mệt và đói lắm! Cơm nước nhà không ăn lại ra hàng uống rượu thì còn hơi sức nào! Thôi cứ liều đánh thức ông ấy dậy. Mình đi rang cơm cho ông ấy ăn vài miếng rồi muốn đi đâu thì đi.
Nhưng tưởng tới sự cáu kỉnh như điên cuồng của hắn, nếu do mụ mà nổ ra trong lúc này thì mụ lại đến chết mất thôi. Vậy đành để hắn nằm lại người đi, lúc nào hắn dậy mụ sẽ mời hắn ăn.
Mụ Mão lẳng lặng xuống bếp. Mụ đổ rau và tép ra rổ nhặt để tý nữa nấu với dưa và cà chua. Mấy hôm nay, Mão Chột không ăn cơm nhà, nồi thịt kho tàu chỉ mình mụ ăn. Mụ đã ngấy mỡ và xót ruột quá, tưởng đến phải bỏ cơm: mà mụ đã bỏ cơm thì còn quà bánh gì cho lại được, còn hơi sức đâu mà đi làm nữa.
Con chó vàng chầu bên cạnh mụ Mão từ lúc nào không biết. Nó nằm áp bụng xuống đất, thô lố mắt nhìn mụ, lưỡi thè lè thở hổn hển. Cái bức sốt đã báo hiệu rồi! Sự mệt nhọc làm cơm nước chẳng thể nuốt được chỉ mai kia thôi sẽ vật nhoài cả nó và người ta ra.
Và kia kìa, chồng mụ đương thiếp đi vì cái nắng đã lại lầm lên cùng cát bụi đấy.
Vợ Mão Chột đưa mắt nhìn con vàng. Bất giác mụ nhìn luôn về phía chồng. Tuy hắn ta quay mặt vào bức vách, nhưng mụ thấy rõ ràng một mắt hắn đang lim dim cạnh một bên mắt con ngươi lồi lên như đầu ốc khêu thây lẩy. Vài con muỗi vo ve. Vài gợn khói lởn vởn ở trong cùng giường Mão Chột. Nằm trong cái im vắng tờ mờ, Mão Chột đương nghĩ gì thế! Hay Mão Chột đương bị căng cả người ra vì những nung nấu day dứt?
Vợ Mão thở một tiếng nhẹ rồi cúi xuống mớ tép. Dưới mắt thẫn thờ của mụ, những vảy ốc con, những hạt sỏi và những vụn cỏ nhặt bỏ ra dần dần biến đi để hiện lên những đống gạch đá xếp đầy hai bên bờ một dòng sông đục ngầu. Suốt đấy những lớp xe bò kéo đến và chở đi rầm rập. Cát bụi mù mịt. Mồ hôi người ta đẫm hết cả áo. Mặc, người ta chỉ đưa cánh tay quệt qua mặt rồi cứ vừa thở vừa làm việc! Ông già, đàn bà, trẻ con đều như thế cả.
Mụ Mão lặng người. Thêm bao nhiêu hình ảnh vang động và ồn ào nữa nổi lên trong tâm trí mụ. Những ống khói đen sạm. Những nóc xưởng máy san sát, rất rộng. Những lớp cửa to như những cổng chào mở toang ra để nhìn thấy tất cả những hàng máy chạy ầm ầm và người làm mải miết. Và những cột buồm, những ống khói tàu tua tủa cất lên trời xanh. Khu Xi măng và khu Hạ Lý bên kia sông Lấp.
Khu Sáu Kho và cửa biển xa kia... Cảng Hải Phòng ấy đương sầm uất, vui vẻ với những người làm việc cũng từ thuở nhỏ lần hồi khốn khó như vợ chồng mụ.
Hôm nay nếu vợ chồng mụ không nghỉ, thì cả hai đều có mặt trong đám phu phen thợ thuyền ấy. Chồng thì khuân sắt hay vác hòm đinh cho sở, vợ thì đẩy xe chuyển các thứ ấy đến kho.
Thường thường mụ Mão dậy trước, từ bốn giờ sáng, thổi cơm hai vợ chồng ăn. Tới chỗ làm nhận thẻ vừa đúng sáu giờ. Trưa hai người ăn qua quýt mấy khoanh cơm nắm, ngồi uống nước một lúc rồi lại bắt tay vào việc tối mịt mới về nhà. Liên miên như thế hàng bao nhiêu năm, dù mưa nắng, bão rét, mụ Mão cũng chẳng dám ngại ngùng chán nản, mà chỉ những lúc nghỉ lâu không có việc làm phải ở nhà là đáng sợ, buồn bã đứng ngồi không yên.
Quái lạ, sao chồng mụ và nhiều người khác lại cứ thích ở nhà! Và sao hễ ở nhà là không rượu chè thì cờ bạc? Những người máu mê như thế từ thuở còn trai trẻ không nói làm gì. Đây cả những người mới đầu năm kia còn hiền lành và chỉ biết có làm ăn chắt bóp dành dụm, thế mà đùng cái trở nên bê tha thì tại sao? Rồi đương xốc vác vui vẻ, họ thành phờ phạc, cau có, khổ cả vợ con, đương là một người tử tế, họ đâm ra phá tán, độc ác, tội lỗi.
Nghĩ đến sự tối tăm khó hiểu đó, mụ Mão thường thấy hoang mang, đau đớn. Mụ chua xót nhìn những đồ đạc bị bán đi. Không! Đó không phải chỉ là cái tủ, cái bàn, cái giường, bị người ta mua rẻ, mà là xương thịt của mụ bóc ra bởi những con thú dữ, các chủ nợ và các con mẹ chào tiền cờ bạc, chúng nó chỉ lăm lăm nhảy đến cấu cổ người ta.
Mụ Mão kiếm mỗi ngày chỉ được năm hào là cùng, nhưng mụ hết sức không động chạm đến. Mụ giấu tiền ấy để chơi họ và chung phần với một phường buôn nhỏ ngoài Sáu Kho. Mụ chỉ tiêu mọi khoản trong nhà với tiền của chồng đưa. Về phần miệng mụ, mụ ăn gì chả được! Tý mắm tôm bắc, tý dưa muối, mớ rau muống luộc: cơm nước của mụ thế là sung sướng lắm rồi! Mụ chỉ lo sao chồng mụ mỗi ngày có một bữa rượu ngon và chỉ mong chồng mụ tin rằng mụ phải tiêu nhiều trong nhà, hắn phải đưa thêm tiền về cho mụ trang trải để mụ giấu đi sắm sửa và làm dấn vốn dành dụm phòng khi hắn...
Vô ích, thứ gì đáng giá mụ Mão mua được, khi chồng mụ túng tiền đánh bạc cũng đều đem bán như vứt đi và gạt bừa nợ. Bàn, ghế, mâm, thau, bát đĩa, và cả chăn màn quần áo nữa... đã lần lượt hết kéo bọn đồ này đến bọn đồ khác, theo nhau chui vào cái bát, cái đĩa, ống tiền hồ của sòng bạc và những cút rượu uống cháy cả tim phổi những đêm khuya con ngươi phờ ra. Cả đến vốn của mụ hắn cũng moi hết. Nói nhời không được thì dùng cổ tay gót chân.
Hết tháng này sang năm khác, hết cuộc phá đám này đến cuộc phá đám khác. Giờ mụ Mão không thể nào can ngăn được nữa, và thật hết hy vọng hàn gắn, xây dựng. Mụ chỉ còn mong giời đất thay đổi hẳn thế nào để hắn một ngày kia nghĩ lại, thì mụ mới hòng có nhà cửa, chỗ ăn, chỗ ở tử tế và khỏi cái tội công nợ day dứt. Năm nay mụ đã gần bốn mươi, tóc đã chớm bạc, mắt nhìn thường hoa lên giữa trưa và chiều, chân tay mỗi khi giở giời lại ê ẩm, người ngày càng rạc đi.
- Con cá rô đực kia! Ở với cái mặt mày lúc nào cũng nhăn nhó như thế thì đến đời nào tao mới mọc mũi sủi tăm lên được hở?
Mão Chột nghiến răng hét vào mặt mụ, những lúc hắn ta thấy mình cứ ngoi ngóp mãi trong sự túng thiếu nợ nần, rạc rài. Và cả những lúc thua thấy trần trụi mà về, nhưng sau đó thì lại là những “nước” bạc đoán chắc nịch như nằm trong đĩa, mở ra đúng như thế, Mão Chột lại đổ cái đen đủi, xúi quẩy lên đầu mụ vợ, lên sự xấu xí quái gở của mụ vợ.
Ừ! Sao lại có người đàn bà khẳng khiu như thế được. Chân tay mình mẩy cứ đét lại, chẳng có một vẻ gì sinh nở cả. Nhất là khổ mặt. Trán thì dô, gò má cao, răng hô, da nhăn nheo, vành khăn trên đầu chẳng bao giờ gọn gàng, mà tóc thì ngắn, nhiều đám xoăn như sợi móc. Nếu mụ Mão đứng yên cho người ta ngắm, mụ sẽ trở nên một pho tượng gỗ đẽo gọt nham nhở dưới đất móc lên hay hun khói. Người mụ còm cõi gày rạc như thế, đâu phải vì Mão Chột để mụ phải đói khát? Không bữa nào ngồi ăn với mụ mà hắn ta không gắt gỏng vì mụ cứ nhất định nhường cho chồng những thứ ngon lành. Hắn phải ép, phải san sẻ cho vợ như một người khách lạ. Thịt cá xào, nấu, sao cứ nghèo là không được mơ tưởng đến? Và người vợ trong nhà làm ra sao cứ phải chấm mút quá, mà để phần cả cho chồng con. Mão Chột uất ức thấy vợ cứ đọa đầy cho hắn độc hưởng sự sung sướng ấy. Không, hắn đã khổ sở, hắn đã cơ cực, thì những lúc làm được đồng tiền hay cờ bạc gỡ gạc được chút ít, hắn cũng muốn cho vợ hắn cũng như hắn, ăn uống tiêu pha thật thỏa thuê để quên mọi sự đi.
- Giời ơi! Con cá rô đực kia! Tao đã có thân tao lo, việc gì mày phải lo cho tao hở? Mày có xéo ngay đi cho khuất mắt tao không?
Không dám ngồi để bị coi là trêu gan chọc tiết hắn, con “cá rô đực” chỉ biết khóc rồi gạt nước mắt đứng dậy. Mụ sang hàng xóm hay xa hơn một chút, lên chợ, ra ngoài Sáu Kho, khuây khỏa ở chỗ đám đông với chị em. Rồi dù bị đánh đập thâm tím mình mẩy, đến bữa cơm trưa hay cùng lắm bữa chiều, mụ Mão cũng về nhà, thổi cơm và để phần chồng như thường. Mụ thấy rằng mụ cứ phải ăn ở như thế còn mặc giời với hắn. Số phận mụ bắt phải thế, mụ phải vâng theo cho tới chết. Không thế, ai bảo mụ đi lấy chồng, và lấy ai không lấy, vớ ngay lão Mão Chột này, hắn vì rượu chè cờ bạc, có thể cầm bán cả thân mình được thì cũng cầm, cũng bán.

* * *

Có tiếng cười nói rít rít qua tai mụ Mão. Bác Tám quần nái mới, áo vải Đồng Lầm, thắt lưng lụa đi qua nhà mụ. Bác ta một tay bế đứa nhỏ, một tay dắt đứa nhỡ đi giữa hai đứa con gái lớn suýt soát tuổi nhau. Mấy đứa trẻ nọ hí hửng vẫy gọi những bạn, cười nói, khoe quần áo mới, guốc mới và cả xu mới của chúng nó nữa. Người mẹ bị con gái quấn quýt phải luôn luôn đứng lại, khi thì đẩy các con, khi thì kéo chúng nó dạt vào bên đường để tránh xe cộ.
Mụ Mão chỉ thoáng nhìn mẹ con nhà Tám rồi cúi ngay mặt xuống. Mụ ghê rợn, không dám để cặp mắt sáng lên ở gương mặt hớn hở của người mẹ kia nhìn mình, nó như là hai lưỡi dao sắc cứa vào lòng mụ vậy. Nhà Tám thuở còn con gái, cũng là bạn chợ búa với mụ. Thấm thoắt mới ngày nào người ta nhận trầu cau của cái Thơm chia cho, thế mà bây giờ y đã thành mẹ Tám, có con gái lớn đã mười bốn, mười lăm, chỉ vài bốn năm nữa là gả chồng được. Nào chỉ mình Thơm, các bạn gái mụ ở trong xóm, người nào cũng đề huề chồng con thế cả.
Họ phần đông vẫn đi đội than hay xe gạch hay buôn bán đầu đường cuối chợ, họ nhiều khi khổ sở lam lũ hơn cả mụ nữa, nhưng so sánh với mụ thế là sung sướng vô cùng. Vì ai nấy ít ra cũng được hai ba con, mà khi những người đàn bà dù nghèo túng và khốn cực đến đâu, có lấy một đứa con thì cũng có thể quên nhiều nỗi khổ não của đời mình và lại còn được nhiều hy vọng nữa. Đây mụ Mão không hiểu sao mình cứ trơ ra chẳng chửa đẻ gì! Mà nào mụ có độc ác hay đời cha mẹ ăn ở thất đức điều gì? Đền, phủ, chùa, miếu nơi nào nổi tiếng linh thiêng, mụ đều cúng lễ cầu đảo cả rồi. Mụ đã nuôi cả con nuôi để mong đứng đầu đứng số đẻ được chăng, nhưng nào có thấy gì! Sao lại khốn nạn cho mụ thế hở giời? Sao lại đẩy mụ vào cái cảnh cô độc còn ghê gớm hơn là tù tội như thế? Không một lúc nào nghĩ đến cái số phận thảm khốc ấy, mụ Mão không thấy chết thêm ruột gan.
“Con cá rô đực kia! Mày thì có đẻ ra gỗ ấy”! Không phải riêng mình chồng mụ rủa sả, mà cả thiên hạ như đều chõ vào mặt mụ mà nói. Càng những lúc tê tái lặng người đi nghe sự đau đớn nghiến rứt, mụ càng thấy những tiếng quái gở kia rít bên tai. Rồi cả trong những lúc ngủ và những khi mụ đau yếu quằn quại và lịm đi trên giường với hơi thở của mình và những bóng mờ dưới mái lá canh khuya...

* * *

Trên nhà, Mão Chột đã ngáy đều. Hắn nằm nghiêng, đầu gối co sát ngực, một cánh tay gập lại làm gối. Nắng nhạt hẳn vàng hoe hoe như mạ úa. Một nửa sân nhà mụ Mão man mát trong bóng rợp. Gió thổi từng làn dài. Những tàu lá chuối to và xanh mướt tung loạt xoạt. Những buồng chuối quả múp míp ẩn hiện. Những chòm cau cao vát phơ phất rác xuống bờ cỏ mơn mởn những cánh hoa nhỏ tý; những áng hương hồn hậu và mong manh lâng lâng trong không khí. Sắc xanh mọng của vườn su hào, bắp cải và rau diếp ở xung quanh đấy cuồn cuộn chạy theo gió, tràn cả ra cả bên ngoài. Mặt đất thấp thoáng những gợn quằn quại của cây cỏ đương nảy nở tìm khoảng rộng và màu mỡ mới. Trên cao, những đám mây trắng xốp vừa tản ra, nắng lại bừng lên tưới xuống ào ào. Nhà mụ Mão hướng về phía tây nam, gió lộng vào với ánh nắng thổi tung cánh màn lùng thùng, trên giường Mão Chột đương gáy giòn.
Ở gian giữa bàn thờ bỗng sáng lên. Cái vẻ âm u của cảnh hương khói vắng lặng bớt đi một phần thê thảm. Hôm nay mười rằm tháng Hai, ở nhà khác thì cái mâm bồng kia thế nào chẳng đầy hoa quả. Đây nhang cũng chưa thắp, và tấm màn vải tây điều bạc phếch cũng chưa vén lên vì còn chờ tối đến mụ mới sửa lễ. Từ ngày mụ Mão về nhà này, cả những giỗ chạp, tết nhất, chỉ một mình mụ dâng cúng. Nhiều khi mâm cơm cúng hạ xuống lại chỉ mình mụ ngồi ăn trước bếp lửa.
Có tiếng người quen, phải, chính tiếng nói sang sảng của Ký Phát đương cất lên giữa sân chùa:
- Cái thằng Cai Túc làm đầy tớ ông không đáng kia! Mặt mày mà cũng dám vác lên với ông à! Nhờ làng ông có đám xá thì mày mới được vác mặt đến đây, chứ không cái đời mày chỉ lê la lạy lục ở chỗ ông làm thôi. Mày tưởng cái thứ mày mới vốc vác được dăm ba nghìn bạc là sang trọng lắm đấy? Không thấm! Không thấm gót chân ông đâu Cai Túc ạ.
Mặt Ký Phát nung núc và hồng hào thế mà tái hẳn đi. Những giọt mồ hôi ướt đẫm cả trán hắn. Ở bên kia sân, trước sòng tổ tôm, Cai Túc gác một chân lên ghế, một cánh tay chống vào cạnh sườn, vênh mặt lên đáp:
- Hà! Hà! Ký Phát! Ông biết mày danh giá gớm rồi, cái đồ bám gấu váy đàn bà ấy! Sao cái thứ mày lại còn dám mở miệng nói những lời như thế?
Từng tiếng đối đáp nghe rõ mồn một. Trẻ con đều im phăng phắc. Đằng sau Cai Túc những cặp mắt sáng quắc lên, làm da thịt nhiều người rờn rợn. Họ ghê chợn tưởng đến một sự xâu xé nhau vì hội hè, cờ bạc, trai gái.
- Lại đến giết nhau thôi!
Mụ Mão rền tiếng tự nhủ. Mụ không dám nhìn nữa. Nhưng dù đã quay mặt vào bếp, mụ Mão còn thấy rõ mặt Ký Phát gân lên và rung rung. Ký Phát vẫn chõ mặt vào mụ, bộ ria vểnh lên mà oang oang cái giọng cố làm bộ hách dịch như cha ông người ta. Mụ Mão hằn học:
- Mày thì trót đời cũng không chừa được cái thói này! Ấy là mấy lần những đứa ngang ngược nó đánh cho thối ngực và làm cho suýt tù tội đấy.
Những câu nói này lại làm hiện ra bao nhiêu hình ảnh trong tâm trí mụ Mão. Trước kia mụ lấy Ký Phát những mong là người chồng một đời của mụ. Hắn ta góa vợ, cưới mụ chẳng mất gì ngoài nghìn cau và hơn cân chè tàu để mụ chia cho xóm làng. Rồi mụ về với hắn đủ cả quần áo, hòm xiểng mà mụ sắm bằng tiền của mụ.
Cả ngày Ký Phát biên chép ở ngoài Sáu Kho, hắn cần người trông nom thổi nấu cho hắn, cho mấy đứa con nhỏ của hắn, vì cha mẹ hắn đã già lọm khọm. Mụ đã ba mươi tuổi, có tiếng là chịu khó, tần tảo. Tích những điều kiện này thêm vào sự lấy nhau không phải mất tiền chục bạc trăm gì cả, nên Ký Phát thấy không còn đám nào trong xóm hời hơn nữa. Mặc dù hồi còn con gái, mụ cũng gầy còm, xấu xí, nét mặt khó đăm đăm, có mấy người ở xa để ý rồi lại bỏ qua vì đều sợ cái tướng cọc cằn ấy. Thấy mình không còn mẹ cha anh em gì, lại cứ sống trơ trọi cô độc rồi chết già, chẳng được ai người máu mủ để nương tựa, mụ nhận lời Ký Phát ngay.
Chẳng gì Ký Phát cũng có gia đình, cha, mẹ, con cái đông đủ, dù mụ có khổ nữa vì sự lo toan, gánh vác cũng chẳng quản. Làm thân đàn bà là phải thế cả. Và, chính mụ mồ côi cha mẹ, khổ nhiều rồi, giờ chịu thêm một đoạn trường nữa cũng được.
Ăn ở với Ký Phát được đến hai năm, mụ cũng chẳng chửa đẻ gì. Người mụ lại gầy đi, mặt mày nhăn nhó thêm. Bỗng một hôm Ký Phát gây chuyện chửi bới đánh đập mụ, quẳng xống áo của mụ ra đường, đuổi mụ đi. Rồi cứ thế, suốt hai tháng ròng, ngày ngày mụ Mão không bị một trận đòn thì lại bị chửi rủa. Thì ra Ký Phát lại lấy vợ. Người đàn bà ở trên phố. Ả ta có một đời chồng. Ả còn đẫy đà gấp rưỡi Ký Phát. Ả làm chủ một cửa hàng đáng mấy nghìn và chẳng có con cái, anh em.
- Thôi dì nằm xuống đây để con bóp cho, chứ đêm hôm khuya khoắt thế này dì còn đi đâu làm gì nữa?
Tối hôm ấy đứa con gái lớn Ký Phát níu lấy cổ mụ kéo lại. Ông bố Ký Phát ngồi ho sù sụ trong màn cũng cố nói ra, giọng phều phào:
- Dì cái Tý định đi đâu hở? Thôi con ở nhà cho cái Tý nó đấm bóp cho rồi thầy bảo... Con phải nên nghĩ đến thầy và chúng nó, còn thì mặc giời! Mà thầy u và trẻ mỏ cũng chỉ biết có con, chỉ ăn ở với con, chứ không mong gì sự sung sướng của ai hết!
Ký Phát về nhà lúc nào không biết, sừng sững ở giữa cửa. Mắt hắn long sòng sọc, môi mím lại.
- Xéo ngay! Xéo ngay đi con cá mắm kia! Mày phải lìa ngay cái nhà này đi, nếu không còn ở ngày nào thì chết với ông ngày ấy. Mà mày cứ lì lì ở nhà ông làm gì, cái thứ con vợ như mày ấy! Hở con cá mắm?!
Cả bố mẹ Ký Phát đều nín thở, lấm lét nhìn cơn thịnh nộ của con trai nổi lên. Mụ còn bàng hoàng chưa kịp nghe ra câu gì, Ký Phát đã xông lại. Hắn xoắn lấy mớ tóc của mụ, lôi xềnh xệch mụ ra ngoài cửa, gầm hét vang nhà. Bốn đứa con nhỏ của Ký Phát run cầm cập, nép vào nhau. Đứa bé nhất đương phải bế bỗng òa lên khóc. Những tiếng khóc khác liền vỡ ra như ri, tưởng mụ như là cái xác chết của người mẹ năm đứa bé nọ khi liệm vào áo quan, phu đồn khiêng đi, lũ nhỏ lăn vào níu giữ năm xưa.
Từ ngày mụ đi khỏi, Ký Phát tưởng bòn rút được tiền của ả kia, ngờ đâu một xu ả cũng không rời! Đi làm hai buổi về, Ký Phát chỉ được ăn bữa cơm chín cùng với bố mẹ và năm con, rồi phải trông nom thu xếp cho ả như một đầy tớ hết lòng. Ngoài ra, Ký Phát còn phải muối mặt chịu sự rủa sả, đào bới cùng với bố mẹ, con cái, tất cả đều không dám hé răng và thấy đời mình như một địa ngục không còn trông mong gì thoát khỏi...
Trên nhà, Mão Chột đương lục sục trở dậy. Mụ loáng thoáng nghe như tiếng hắn gọi. Mụ vội chất thêm một thanh đóm rồi đứng lên. Vừa ra tới sân, mụ giật nảy mình. Bên chùa, tiếng kêu hét, hò reo và đập phá rầm rầm.
- A... a... a, Ký Phát chết rồi!
Những vòng người đã giạt hẳn một bên. Mụ Mão chạy xổ ra ngõ. Thoáng cái, mụ đưa mắt qua đám đông, trong đó Ký Phát nằm sóng sượt dưới đất, mặt mày đẫm máu. Mụ Mão không nén được kêu giời một tiếng, rồi lao người vào đám đông.

* * *

Không! Những tiếng hò ấy đã im rồi mà sao trong tâm trí mụ Mão vẫn còn văng vẳng?
Mụ Mão không thể nào nhắm mắt được và cũng không thể nào nằm yên chiều lấy vài phút. Không phải chỉ có tiếng khóc rền rĩ, của bà mẹ Ký Phát, mà còn thấy rõ cả tiếng khóc của cái Tý nhớn hòa với bốn em nó trước bàn thờ. Làm ma cho Ký Phát xong, ả nọ liền đuổi ngay bố mẹ và lũ con của Ký Phát đi. Họ đi đâu, làm gì cũng mặc kệ. Ả cấm hẳn không được một ai lai vãng đến nhà ả. Rồi ngày hôm nay; ả làm chay ăn uống tốn kém đến bạc trăm, ả cũng không cho gọi.
Ông bố Ký Phát đành sửa lễ ở nhà mình vậy. Trưa mụ Mão gặp cái Tý ngoài chợ, mua vàng hương và hơn chục bạc thịt với tiền một người bạn Ký Phát giúp cho. Mụ Mão đã toan đi theo cái Tý nói với nó một câu, nhưng không hiểu sao chân tay mụ cứng đờ ra, mụ đành thần người nhìn cái Tý cắp rổ về nhà. Cái Tý! Ừ, con bé ấy, không hiểu nó sửa soạn cơm canh thế nào với một xâu thức ăn kia? Rồi một lũ năm cái đầu khăn xô, áo xổ gấu lượt thượt ấy mời mọc những ai và cúng lễ thế nào?
Mụ Mão càng đau đớn, các hình ảnh và những tiếng khóc không lời càng kéo lê thê trong tâm trí mụ.
Tuy không nhìn ở trước mắt, nhưng mụ thấy rõ ràng trên cái giường cũ trước kia những ngày nắng to mụ thường đem giát ra đập bụi và bắt rệp, bà mẹ Ký Phát đương nằm rũ ra và nức nở. Ông cụ thì ngồi bó gối ở tấm phản gỗ thấp dùng để ăn cơm. Lũ trẻ con đứa đứng tựa cột nhà, đứa nằm còng queo cạnh một xó vách, đứa lê la dưới chân bàn thờ sấu mếu với nhau. Và tất cả những đồ vật tồi tàn trước kia luôn luôn mụ Mão thu dọn lau chùi khiến trong nhà vẫn sạch mắt, cũng như ủ rũ cùng với bọn trẻ từ nay trở đi càng nheo nhóc đói khổ.
Mụ Mão nức mấy tiếng, nước mắt mụ giàn ra, nếu mụ không đi lấy người khác giờ ở với hai bố mẹ và lũ trẻ con côi cút nhà Ký Phát, thì chắc chắn những con người khốn nạn ấy lúc này đây càng gần gũi, thân mến mụ. Mụ sẽ cùng khóc với những đứa trẻ và mụ được nói những lời nghẹn ngào an ủi như trong cái thời kỳ tất cả nhà Ký Phát bị tình phụ, cơ cực rau cháo với nhau. Mụ không có được sự sung sướng đẻ con cái, nhưng thay mặt mẹ chúng nó, nuôi nấng, chăm nom chúng nó. Mụ cũng được rung động với cái tình mẹ quý báu đó. Chúng nó tất nhiên cũng thương yêu lại mụ và do thế, mụ càng nức lòng trong việc làm ăn và có được sự thiết tha để sống qua những khó khăn của cuộc đời.
Bỗng, thật như có hơi nóng quen thuộc của lũ trẻ sát vào người mụ.
Ba đứa em nhỡ của cái Tý nằm ngổn ngang xung quanh mụ, thằng bé út ngáy đều đều trên đầu gối mụ. Soi sáng cho gian nhà lá ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ lặng nhìn mụ như một con mắt tê mê nổi trên cái nền mờ mờ tối dưới mái lá. Quấn quýt bên mụ Mão, những đứa trẻ ấy được nuôi nấng, dạy dỗ và cho ăn học thế nào chẳng có đứa nên người. Hai thằng con trai lớn lên, mụ cho tập nghề, ba đứa con gái mụ tập cho gồng gánh buôn bán. Ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy chốc mà chúng nó đứa thành thợ nhà máy, đứa chợ này đứa chợ khác, rồi lấy vợ lấy chồng...
Tiền nghìn bạc vạn mụ không dám mơ tưởng, chứ cái cảnh gây dựng êm đẹp kia, mụ chắc chắn có thể nên lắm. Vì những người chịu khổ mãi, dầu khốn khổ đến đâu, nhưng được cái hạnh phúc ấy thì những người như mụ cũng cam chịu tất cả.
Nhưng, những sự sắp định ấy mất hết rồi! Tan tành hết rồi! Giờ mụ Mão không còn trông mong gì nữa! Mụ đã lấy Mão Chột ngót ba năm rồi! Mụ phải sống một đời khác, xa cách hẳn lũ trẻ kia! Mụ ngoi ngóp đắm đuối mãi với Mão Chột. Mụ sẽ còn bị khốn nạn hơn ai hết trong cái xóm này, dù họ có nghèo gấp năm gấp mười mụ.
Mụ Mão càng thấy bứt rứt, khó thở. Ngay đó tiếng rền rĩ của mẹ Ký Phát lại vẳng đến. Mụ thấy không thể sao nhắm mắt nằm yên chứ không nói là ngủ được. Thế nào mụ cũng phải ngồi dậy và sang với người mẹ già kia...
Hôm đưa ma Ký Phát, sợ Mão Chột ghen tuông, khiến nhà cửa lại tan hoang, mụ đành nuốt nước mắt đi theo sau áo quan một quãng mới trở về. Rồi trưa nay, bốn chín ngày Ký Phát, mụ chỉ đến nhìn theo cái Tý mà vẫn không dám hỏi nó lấy một câu.
Mụ Mão tê tái trong lòng với những ý nghĩ nọ và đưa mắt trông ra ngoài. Bên ngoài, trời cao xanh đặc, lấp lánh vài ngôi sao. Những nhà cửa và cây cối trong xóm, đều thiêm thiếp, chỉ còn thấy thấp thoáng vài kẽ sáng vàng đục qua những tấm phên. Giờ Mão Chột chắc đang mê mệt ở một chiếu bạc. Hắn có về cũng phải đến hai, ba giờ sáng. Vả lại nếu hắn biết, mụ cũng xin chịu mọi sự ghê gớm xảy đến, để mụ khỏi phải hối hận vì không ăn ở theo cái nghĩa của người ta.
Mụ Mão ngồi dậy, run run quấn lại mái tóc và kéo cái áo nâu vắt trên sào màn xuống. Mụ lấm lét nhìn xung quanh rồi kiễng chân rút ở kẽ lá ra một túi vải con. Mụ còn năm đồng bạc giấu ở trong đó để phòng cái tháng Mão Chột không đưa tiền về nhà thì mụ giả đỡ tiền gạo đong chịu và đong thêm lấy một đồng để ăn đi làm. Rồi nếu đêm nay có tiêu cả mấy đồng ấy mụ phải vay lãi cũng được. Mụ còn sống còn có thể gánh vác mọi việc, thì dù công nợ thêm nữa mụ cũng không lo cái tiếng vỗ nợ của người ta.
Lẳn kỹ cái túi vào cạp quần, mụ Mão cài chặt tấm cửa liếp lại, vụt ra đường. Cái đen thẳm của đêm khuya giội xuống mặt mụ. Người mụ lạnh toát thêm, càng bước gấp. Không dám nhìn thẳng vào xung quanh, mụ Mão trông hút vào một khoảng tối để tránh con mắt của Mão Chột hiện ra, quắc lên chiếu vào mặt mụ. Đây kìa, đằng đầu ngõ, đằng cuối xóm, trong giậu găng, trên chòm xoan... ở hốc tối nào cũng có con mắt lồi ra vằn lửa. Và, một bàn tay gân guốc đang quờ quạng, sắp sửa ghì chặt lấy cổ mụ Mão với những tiếng nghiến răng kèn kẹt:
- Con này giỏi! Con này giỏi! A ra thế mày vẫn hai lòng. Mày vẫn mơ tưởng đến nhà Ký Phát. Mày có tiền mày dấm dúi cho bố mẹ nó, con cái nó. Thôi! Thế là ông phải lìa hẳn mày! Ông phải lìa hẳn mày!...
Mụ Mão càng dấn bước và chỉ muốn nhắm nghiền mắt trốn những ám ảnh khủng khiếp ấy!

Một trưa hôm sau, cả xóm Cấm tưởng như toang ra vì cơn điên cuồng của Mão Chột. Hắn băm vằm tất cả đồ đạc, vất đống ra sân, châm lửa đốt ngùn ngụt. Mấy người đàn ông lực lưỡng phải túm ghì lấy hắn, không thì cả nhà của họ cũng bị cháy lây vì Mão Chột định thiêu nhà hắn. Mụ Mão lại thâm tím cả mình mẩy, đầu toạc ra, môi vều lên. Và mụ lại khóc sướt mướt cắp thúng quần áo đi.
Nhưng lần này, buổi chiều đến người ta không thấy Mão Chột về nhà ăn cơm. Hắn nghỉ việc trên phố, ra Sáu Kho làm, ăn và ngủ ngay ở đấy. Đầu tháng tới hắn xuống tàu với đám phu tình nguyện sang Tân Thế giới. Từ bấy giờ biệt hẳn tăm Mão Chột. Còn mụ Mão, mụ vẫn ở xóm Cấm. Mụ không đi làm nữa. Trên cái thân hình mụ chỉ còn da bọc xương, và đen sạm như cẳng gà hun khói, lại lẽo đẽo gánh bún riêu, xôi chè đi khắp Lạc Viên, Chợ Con và rong phố như năm xưa. Và đây kia, dưới một mái lá lúp xúp ở tận cùng xóm, mụ lại chui ra rúc vào với hai ông bà cụ già ốm yếu mù dở và bốn đứa con suýt soát bằng nhau, lóc nhóc như bốn con nhái bén.
Bốn đứa bồ côi bố mẹ của Ký Phát, nguồn hy vọng và niềm vui độc nhất của mụ Mão trong cuộc đời cô độc chỉ có hai bàn tay trắng.

1942

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét