Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Chuyến Tầu Định Mệnh - 3


Chuyến Tầu Định Mệnh

Tác giả: Georges Simenon

Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu

NXB Hội Nhà Văn - 11/2017


Chương 3

Tôi hiểu rõ là đầu máy không đủ sức kéo quá nhiều toa như vậy. Người ta đã nhận ra điều đó, vì thế, họ bắt buộc phải cắt con tàu ra làm hai.
- Lẽ ra họ phải báo trước cho tụi mình biết chứ! Các bà ấy sẽ ra sao đây?
- Có lẽ họ đang chờ bọn mình ở Rethel. Hoặc ở Reims.
- Miễn họ trả lại vợ con cho tụi mình, như trả lại cho lính vậy, khi nào cuộc chiến tranh chó đẻ này chấm dứt, nếu như nó sẽ chấm dứt.
Như một cái máy, tôi cố gỡ bỏ cái phần hài hước ra khỏi tính chất thành thực trong những lời than trách và sự giận dữ ấy. Nhất là, biết đâu đây chẳng phải một dạng trò chơi mà đám đàn ông kia đang chơi với nhau, bởi vì có nhiều chứng nhân?
Riêng phần tôi, tôi đã không xúc động, cũng không thực sự lo lắng. Mặc dầu có hơi bối rối nhưng tôi vẫn cứ ngồi im lìm tại chỗ. Trong một lúc nào đó, tôi có cảm giác là có ánh mắt đang ngoan cố tìm kiếm ánh mắt tôi.
Tôi không lầm. Khuôn mặt của thiếu phụ mặc y phục đen đang hướng tới phía tôi, trong ánh sáng của ban mai mới rạng, bộ mặt đó có vẻ nhợt nhạt hơn, bối rối hơn hôm trước. Bằng tia mắt, nàng cố gắng chuyển cho tôi một thông điệp bày tỏ cảm tình, và cùng lúc đó, tôi tin là mình đã đoán ra một câu hỏi của nàng.
Tôi đã hiểu câu hỏi đó như thế này: “Làm sao ông có thể chịu đựng được nỗi xúc động? Vụ này khiến ông khổ sở lắm phải không?
Câu hỏi thầm kín ấy khiến tôi lúng túng. Tôi không dám biểu lộ với nàng cái tâm trạng gần như bình thản của tôi, e nàng sẽ hiểu lầm. Vì thế tôi làm ra vẻ buồn bã, nhưng không quá đáng. Nàng đã nhìn thấy tôi đi với con gái trên đường rầy, do đấy chắc hẳn nàng cũng nghĩ là vợ tôi cùng đi với tôi. Chắc hẳn nàng ái ngại cho tôi vì tôi bị thất lạc cả vợ lẫn con, tuy là tạm thời thôi, tuy nhiên cũng vẫn là thất lạc.
Can đảm lên!”, đôi mắt màu nâu đang hướng về phía tôi nói với tôi như thế.
Tôi đáp lại sự khuyến khích đó bằng nụ cười của kẻ đau bệnh, kẻ được người ta an ủi khuyến khích bằng những lời đẹp đẽ song sự đau yếu vẫn không giảm bớt được phần nào. Tôi gần như có thể đoán chắc rằng nếu như tôi và nàng ngồi gần nhau hơn, nàng sẽ len lén đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay tôi.
Khi tỏ thái độ như thế, tôi không hề có ý định lừa dối nàng, như người ta có thể tưởng, nhưng bên chúng tôi hiện còn có nhiều người khác nên lúc này không phải lúc thuận tiện để tôi bày tỏ với nàng điều tôi cảm thấy.
Để sau này, nếu như những sự tình cờ của chuyến đi sẽ đưa hai chúng tôi tới gần nhau hơn nữa và nếu nàng cho tôi cơ hội thuận tiện, có lẽ tôi phải bày tỏ sự thực cho nàng hay, cái sự thực mà tôi không có gì phải lấy làm hổ thẹn.
Chuyện xảy ra với chúng tôi hôm nay không khiến tôi sửng sốt hơn so với hôm trước, khi nghe tin nước Hòa Lan và vùng Ardennes bị xâm chiếm. Trái lại! Cái ý nghĩ rằng đây là một chuyện riêng giữa số phận và tôi chỉ càng vững chắc thêm. Nó đã thành hình rõ rệt. Người ta tách tôi ra khỏi gia đình tôi, điều này thực sự tạo ra một tổn thất riêng.
Bầu trời trở sáng rất mau, cũng trong trẻo, cũng thanh khiết như hôm trước khi, trong vườn nhà, tôi cho lũ gà ăn mà không dè đó là lần cuối cùng.
Kỷ niệm về mấy con gà khiến tôi mủi lòng, hình ảnh con Nestor, cái mào đỏ sẫm, vùng vẫy dữ tợn khi ông già Reversé cố bắt nó.
Tôi tưởng tượng ra cảnh đó, giữa hai bức tường thấp quét vôi, tiếng đập cánh, đám lông trắng bay lên, những nhát mổ và ông Matray, có lẽ, nếu ông ta bị ngăn cản không ra đi được, ông ta sẽ leo lên cái thùng gỗ để nhìn qua tường và đưa ra những lời khuyên nọ kia theo thói quen của mình.
Điều này không ngăn cản tôi cùng lúc nghĩ tới người đàn bà vừa bày tỏ cảm tình với tôi mặc dầu tất cả việc tôi đã làm chỉ là cho nàng một cái vỏ chai không lượm được trên đường sắt.
Trong lúc nàng mải dùng mấy ngón tay dấp nước miếng để sửa lại mái tóc, tôi tự hỏi nàng thuộc hạng người nào. Tôi không tìm ra câu trả lời. Thật ra tôi cũng chẳng quan tâm gì đến câu trả lời, và cuối cùng tôi nảy ra ý tưởng đưa cho nàng chiếc lược nằm trong túi tôi, khiến gã đàn ông ngồi bên cạnh, bị tôi khuấy rầy, đưa mắt liếc tôi.
Y lầm. Tôi làm vậy đâu phải nhằm chuyện đó.
Tàu chạy khá chậm, và khi chúng tôi đã rời xa những chỗ có nhà cửa, bắt đầu có tiếng ì ì đều đặn mà chúng tôi không thể định vị ngay được, lúc đầu nó chỉ là sự rung chuyển của không khí.
- Chúng nó kia kìa! - gã đàn ông ngậm ống vồ la lên, hai cẳng chân gã vẫn buông thõng ra bên ngoài.
Đối với một người không mắc chứng chóng mặt, gã chiếm được chỗ thật tốt.
Sau này tôi được biết gã làm nghề dựng mái nhà bằng kim loại.
Bởi tôi ngồi không xa cửa toa nên khi nghiêng người ra ngoài tôi cũng trông thấy chúng. Gã đàn ông kia đếm:
- Chín... mười... mười một... mười hai... Mười hai chiếc cả thảy... Chắc hẳn là một phi đội như người ta vẫn nói... Nếu như bây giờ đang đúng mùa và nếu như chúng không phát ra tiếng động thì chắc chắn tôi ngỡ chúng là một đàn cò...
Phần tôi, tôi chỉ đếm được mười một chiếc, đang bay thật cao. Vì có hiệu ứng ánh sáng, trông chúng có vẻ trắng, lấp lánh, và chúng hợp thành hình chữ V cân xứng.
- Nó đang làm trò gì vậy, chiếc kia kìa?
Người nọ dán sát người kia, chúng tôi nhìn lên không, đúng lúc đó tôi cảm thấy bàn tay thiếu phụ đặt lên vai tôi, rất có thể là vì vô ý.
Chiếc phi cơ cuối của một nét chữ V vừa tách khỏi những chiếc khác và như thể lao chúc đầu xuống đất, đến độ lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ nó rớt. Trông nó lớn dần một cách mau lẹ phi thường, nó lao xuống theo đường xoáy ốc, trong lúc đó những chiếc kia, thay vì tiếp tục bay về hướng chân trời, tạo thành một đường tròn lớn.
Những chuyện sau đó diễn ra quá mau đến nỗi chúng tôi không có đủ thời giờ để thực sự sợ hãi. Chiếc phi cơ đang nhào xuống đã mất hút khỏi tầm mắt chúng tôi, nhưng chúng tôi nghe thấy tiếng gào rú đầy đe dọa của nó.
Lần thứ nhất, nó bay ngay bên trên và suốt dọc xe lửa từ đầu đến cuối, thấp tới độ chúng tôi cúi rạp cả xuống theo phản xạ.
Nó bay ra xa, chỉ để quay lại, nhưng điểm khác biệt là, lần này, chúng tôi nghe thấy ở trên đầu chúng tôi tiếng súng liên thanh tặc tặc và những tiếng động khác nghe như thể tiếng gỗ bị vỡ tan thành từng mảnh.
Có nhiều tiếng kêu thét trong toa chúng tôi và từ các nơi khác. Xe lửa chạy thêm chút nữa, rồi như một con thú bị thương, nó dừng lại sau khi giật giật mấy cái.
Trong một quãng thời gian, bầu không khí im phăng phắc, sự im lặng của nỗi sợ hãi mà lẫn đầu tiên tôi chạm trán, và chắc hẳn tôi cũng đã nín thở chẳng khác gì những bạn đồng hành của tôi.
Tuy thế, tôi vẫn nhìn quang cảnh trên trời, chiếc phi cơ bay vụt thẳng lên như một mũi tên, hai dấu thập ngoặc của nó nổi rõ, cái đầu của gã phi công ngoái lại ngó nhanh chúng tôi lần cuối, và trên cao, những chiếc kia vẫn cứ bay theo đường tròn cho đến lúc chiếc này đã trở về chỗ của nó.
- Quân chó đểu!
Tôi không biết tiếng rủa đó vừa phát ra từ bộ ngực nào. Nó khiển tất cả chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm và kéo chúng tôi ra khỏi sự bất động.
Đứa bé gái khóc sướt mướt. Một người đàn bà vừa chen vừa đẩy mọi người để tiến lên, với dáng vẻ như không còn biết mình đang nói gì, vừa nhắc đi nhắc lại:
- Cho tôi qua... Cho tôi qua...
- Bà bị thương à?
- Chồng tôi...
- Chồng bà đâu?
Như một cái máy, người ta đưa mắt tìm một hình thù nằm sõng soài trên sàn toa.
- Ở toa bên kia... ông ấy đã bị trúng đạn... Tôi đã nghe thấy...
Dáng vẻ ngơ ngác hoảng hốt, bà ta thả mình trượt xuống đám sỏi lớn rải đường rầy rồi vừa chạy đi vừa gọi:
- François!... François!...
Tất cả chúng tôi ai cũng có vẻ lôi thôi, nhơm nhếch nên chúng tôi chẳng còn muốn ngó nhau, về phần mình, tôi thấy như thể mọi thứ diễn ra trong một khúc phim chiếu chậm, có lẽ đó chỉ là một ảo giác. Tôi cũng còn nhớ các vùng im lặng bao quanh những tiếng ồn bị cô lập, khiên cho tiếng ồn đó càng nổi rõ thêm.
Một gã đàn ông, một gã nữa, rồi gã thứ ba xuống khỏi toa và phản ứng đầu tiên của họ là đứng đái ngay gần toa chứ không chịu đi ra xa hơn, một trong ba gã còn không chịu quay lưng đi, cứ hướng mặt về phía chúng tôi mà đái.
Xa hơn một chút, nổi lên tiếng kêu than rền rĩ không dứt, nghe như tiếng gầm gừ rên rỉ của loài thú.
Về phần Julie, cô ta đứng dậy, cái nịt ngực thòi ra khỏi chiếc váy nhàu nát, và, với dáng vẻ người đàn bà say rượu, cô ta thốt ra mấy tiếng:
- Ê này, chàng heo!
Cô ta nhắc lại câu đó hai ba lần; có thể cô ta còn nhắc lại thêm nữa khi đến lượt tôi xuống khỏi toa và đỡ thiếu phụ mang y phục đen trượt xuống.
Tại sao giờ phút đó tôi lại hỏi nàng:
- Quý danh cô là gì?
Hẳn nàng đã không thấy câu hỏi của tôi có vẻ gì là ngớ ngẩn hoặc không đúng chỗ cả, bởi nàng đã trả lời:
- Anna.
Nàng không hỏi tên tôi. Dầu vậy tôi vẫn cứ nói:
- Tôi là Marcel. Marcel Féron.
Tôi cũng rất muốn tiểu tiện như mọi người khác. Nhưng tôi không dám vì có nàng ở đó, và sự nín nhịn khiến tôi thấy khó chịu.
Phía dưới đường sắt có một bãi hoang với lớp cỏ mọc rất cao có chăng dây thép gai, cách khoảng một trăm thước có một nông trại quét vôi trắng, trông vắng ngắt không có ai. Xung quanh một đống phân, lũ gà đua nhau kêu cục tác ầm ĩ, như thể chúng cũng sợ hãi.
Những người trên các toa khác cũng đã xuống cả, họ cũng ngơ ngác, lúng túng như chúng tôi vậy.
Trước một toa, người ta xúm lại với vẻ nghiêm trọng hơn. Những bộ mặt coi có vẻ thất thần.
Một người nào đó chạy tới loan báo với chúng tôi:
- Đằng đó có một bà bị thương. Chẳng biết trong toa các ông có bác sĩ nào không?
Không hiểu sao lúc đó tôi thấy câu hỏi của y có vẻ kỳ cục? Các bác sĩ mà lại đi bằng toa chở súc vật à? Làm sao trong đám chúng tôi lại có thể có một y sĩ được chứ?
Ở tận phía đầu đoàn tàu, bác lái tàu, với khuôn mặt và hai bàn tay đen sì, đang vung vẩy hai cánh tay rất tợn và một lát sau chúng tôi được biết người thợ máy đã chết vì trúng đạn vào giữa mặt.
- Chúng quay lại! Chúng quay lại!
Tiếng la đó nghẹn hẳn đi. Tất cả mọi người đều bắt chước những người đầu tiên nằm rạp xuống bãi cỏ bên bờ đường sắt.
Tôi đã làm giống như mọi người; Anna cũng thế, giờ đây, nàng lẽo đẽo theo tôi như một con chó vô chủ.
Trên trời cao, những chiếc phi cơ lại bay theo một vòng tròn mới hơi xế về phía Tây, và lần này, chúng tôi không bỏ sót một cử động nào của chúng. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc nhào xuống theo đường xoáy ốc, nó ngóc đầu lên đúng vào lúc trông như thể sắp đâm sầm xuống bay là là mặt đất, vươn lên, đảo cánh, rồi vừa bay trở lại theo đường cũ vừa khạc xuống những tràng liên thanh.
Nó ở cách chúng tôi chừng hai, ba cây số. Chúng tôi không nhìn thấy mục tiêu của nó, bị khuất sau cánh rừng thông, có thể đó là một ngôi làng hoặc một con đường. Và giờ đây, chiếc phi cơ đã bay lên nhập bọn lại với những chiếc đang chờ nó trên cao, rồi cả đoàn bay về hướng Bắc.
Cũng như những người khác, tôi tới coi thi hài bác thợ máy, một phần thân thể bác ta còn vắt trên sàn tàu, gần ngay bên lò than hãy còn mở, đầu và đôi vai bác ta buông thõng trong khoảng không. Mặt bác ta trông không còn ra hình thù gì nữa mà chỉ còn là khối màu đen lẫn với màu đỏ, ở đấy máu vẫn ứa thành những giọt lớn rót xuống loang trên đám đá xám đường tàu.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một kẻ chết vì chiến tranh. Ngoài cha tôi, cái thi thể đã được rửa ráy sạch sẽ khi tôi về đến nhà, đây cũng là xác chết đầu tiên mà tôi thấy.
Tôi buồn nôn và cố gắng không để người khác thấy điều đó, bởi vì Anna đang ở gần bên tôi và lúc ấy nàng nắm lấy cánh tay tôi một cách cũng tự nhiên như một thiếu nữ đang đi dạo trên đường với tình nhân.
Tôi tin rằng nàng ít xúc động hơn tôi. Và dầu vậy, nỗi xúc động của tôi có lẽ cũng không đến nỗi mạnh như tôi tưởng. Khi xưa tại liệu dưỡng viện cũng thường có người chết, nhưng người ta tránh để cho chúng tôi nhìn thấy. Các nữ y tá thường tới đúng lúc để mang một người bệnh đi, đôi khi ngay giữa ban đêm. Chúng tôi hiểu bị mang đi như vậy nghĩa là sao.
Ở viện, có một phòng riêng biệt để chết, và một phòng khác, dưới hầm, được dùng làm nơi quàn xác cho đến lúc thân nhân của họ tới xin lấy đi hoặc cho tới lúc họ được mang ra chôn tại một nghĩa trang nhỏ trong vùng.
Nhưng những cái chết đó rất khác. Không có ánh nắng, không có cỏ, hoa, lũ gà mái cục tác, lũ ruồi nhặng bay quanh đầu chúng tôi.
- Không thể cứ để ông ta nằm ở đây được.
Đám đàn ông ngó nhau. Hai người trong bọn họ, đã đứng tuổi, phụ bác lái tàu khiêng xác đi.
Tôi không hiểu họ để cái xác vào chỗ nào. Khi đi về phía sau, dọc theo con tàu, tôi thấy nhiều vách toa bị thủng lỗ chỗ, những vết trầy kéo dài làm trơ hẳn lớp gỗ bên trong rõ ràng như vết cây bị chặt.
Một người đàn bà bị thương, một bên vai gần như đứt lìa hằn ra.
Người ta nghe thấy tiếng bà ta rên rỉ như một kẻ sắp đẻ. Chỉ có những bà khác, nhất là những bà cao tuổi, xúm xít quanh nạn nhân, còn bọn đàn ông vì thấy rối trí nên đã lẳng lặng lảng xa.
- Coi gớm quá.
- Làm gì bây giờ đây? Không lẽ cứ ở lì tại chỗ này cho tới lúc chúng quay trở lại bắn giết chúng ta nữa sao?
Tôi trông thấy một ông già ngồi bệt dưới đất, áp cái khăn tay nhuốm máu lên mặt. Một viên đạn đã trúng vào cái chai ông đang cầm khiến nó vỡ tan tành, các mảnh thủy tinh bay lên cứa vào hai má ông. Ông không kêu than. Người ta chỉ thấy đôi mắt ông toát ra một thứ cảm giác hãi hùng.
- Đã kiếm được một người săn sóc cho bà ta.
- Ai vậy?
- Một cô mụ, trên tàu này.
Tôi đã nhìn thấy cô mụ ấy, một bà già coi bộ thô kệch, thân hình rắn rỏi, búi tóc nằm tận trên đỉnh đầu. Bà không ở cùng toa chúng tôi.
Không ai bảo ai, người của mỗi toa tụ tập lại với nhau thành từng nhóm và, đằng trước nhóm chúng tôi, gã đàn ông ngậm ống vố vẫn tiếp tục lên tiếng chỉ trích chống đối nọ kia, nhưng không tỏ ra mấy tin tưởng. Hắn ta là một trong số rất ít người không tới coi thi hài bác thợ máy.
- Cứt chó, còn chờ gì nữa đây? Vậy ra không có tên chó chết nào có đủ khả năng làm cho cái đầu máy khốn kiếp này chạy được hay sao?
Tôi vẫn còn nhớ có một người từ phía dưới đi ngược đám đá đường tàu, tay hắn xách cẳng một con gà giò đã chết và hắn ngồi xuống vặt lông gà. Tôi không tìm hiểu vụ đó. Bởi hoàn cảnh vốn không còn có vẻ gì giống với cuộc sống thông thường, nên mọi chuyện đều trở nên tự nhiên.
- Lái tàu đang kiếm một hành khách to con để phụ trách việc đun nồi súp-de, để bác ta có thể cố gắng thay thế cho bác thợ máy. Bác ta tin rằng mình sẽ làm được. Trong hoàn cảnh bất thường này, cần phải làm phiên phiến đi vậy.
Trái với mọi mong chờ, gã lái ngựa đã tình nguyện nhận công việc ấy, mà chẳng hề tỏ vẻ lớn lối. Hình như gã khoái việc này, cũng giống như các khán giả lên sân khấu để đáp ứng lời kêu gọi của một nhà ảo thuật.
Gã cởi áo vét-tông, tháo cà vạt, tháo chiếc đồng hồ đeo tay của gã đưa cho Julie giữ hộ trước khi đi lên phía đầu máy.
Con gà đã bị vặt lông một nửa được treo tòn ten ở một gióng sắt trên trần toa. Ba người trong số những kẻ thuộc toa chúng tôi, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở hổn hển, trở lại toa với mấy bó rơm.
- Dang xa ra chút cho rộng chỗ nào, mấy bồ!
Một thanh niên khoảng mười lăm tuổi đã lấy từ ngôi trại bỏ trống về toa một cái xoong nhôm và một cái chảo rán.
Há chẳng phải cũng đang có những kẻ khác vô nhà tôi lấy đồ như vậy hay sao?
Lúc này đây, tôi nhớ lại mấy câu đối đáp kỳ cục của họ, những câu khiến chúng tôi đã phải miễn cưỡng cười.
- Miễn là hắn ta đừng cho xe lửa lao xuống bờ đường là được rồi.
- Thế không có đường sắt hay sao, đồ ngốc!
- Thiếu gì những xe lửa trật khỏi đường rầy, ngay cả trong thời bình, phải thế không? Vậy thì, tôi với chú ai mới ngốc?
Một nhóm người vẫn còn tụ tập xôn xao lúc lâu quanh đầu tàu, và chúng tôi đều sửng sốt khi nghe thấy đầu tàu đó cuối cùng đã kéo còi như một con tàu bình thường. Tàu lại chuyển bánh chậm chạp, gần như chỉ bằng một kẻ lội bộ, nhưng không vấp váp gì nữa, trước khi dần dần gia tăng tốc độ.
Mười phút sau, tàu chạy qua trước một con đường vắt ngang đường sắt, trên đó chen chúc những xe bò có mui và súc vật, với rải rác chỗ này chỗ kia những chiếc xe hơi đang cố mở lối đi. Dăm ba người dân quê giơ tay lên chào chúng tôi, với vẻ nghiêm trọng hơn, u tối hơn chúng tôi, và tôi thấy hình như họ đang nhìn chúng tôi đầy ganh tị.
Sau đó, chúng tôi thấy một con đường cái chạy song song với đường sắt một quãng, trên đó có nhiều xe tải nhà binh đang ngược xuôi trẩy đi, cùng những chiếc mô tô vừa lượn lách vừa nổ máy phành phạch.
Tôi đoán chừng, nhưng sau đó lại không lấy làm chắc lắm, rằng đây là đường tỉnh lộ nối Aumagne và Rethel. Dầu vậy, căn cứ vào các biển đường và nhà cửa san sát nhau, những loại nhà thường thấy quanh các thành phố, chúng tôi biết là tàu đang tới gần Rethel.
- Cô từ Bỉ tới?
Ngoài câu hỏi đó ra, tôi không còn kiếm được lời gì khác để nói với Anna khi ấy đang ngồi trên chiếc rương bên cạnh tôi.
- Từ Namur. Họ đã quyết định thả chúng tôi, ngay giữa đêm. Nhưng nếu muốn lấy lại quần áo, vật dụng thì phải chờ đến sáng vì không ai có chìa khóa căn phòng nơi họ để những thứ đó. Tôi thà không lấy gì cả, và chạy thẳng tới ga nhảy lên chuyến tàu đầu tiên.
Tôi ngồi im không cục cựa. Có lẽ tôi đã vô tình tỏ vẻ sửng sốt, bởi nàng nói thêm:
- Lúc đó, tôi đang ở nhà tù nữ.
Tôi không hỏi nàng tại sao. Đối với tôi chuyện đó gần như bình thường. Dầu sao đi nữa, chuyện đó cũng không dị thường hơn cái cảnh tôi thì ngồi trong toa chở súc vật này, còn vợ và con gái tôi lại ở trên con tàu khác, chỉ có trời biết là nơi đâu, rồi một người thợ máy bị chết trong đầu máy, một ông già bị thương vì đạn súng liên thanh bắn vỡ tan tành cái chai ông ta đang cầm trên tay. Từ giờ trở đi, chuyện gì chăng nữa cũng chỉ là thường.
- Còn ông ở Fumay à?
- Phải.
- Cô bé hồi nãy là con gái ông?
- Phải. Vợ tôi đang có bầu được bảy tháng rưỡi.
- Ông sắp gặp lại bả ở Rethel.
- Có thể.
Những đàn ông khác, từng là quân nhân và có vẻ dễ tính hơn tôi, đang rải rơm xuống sàn tàu để trù liệu chỗ nằm cho đêm sắp tới. Hình thành một thứ giường cộng đồng lớn. Vài người đã ngả lưng xuống đó rồi. Mấy tay chơi bài đang chuyền tay nhau một chai rượu mạnh, nó chỉ quanh quẩn giữa mấy người bọn họ thôi chứ không lọt ra ngoài.
Tàu chạy vào thành phố Rethel, và ở đây, bỗng nhiên, lần đầu tiên, chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi không còn là những người giống như những kẻ khác, mà là dân tị nạn. Tôi nói “chúng tôi” mặc dầu tôi chưa nhận được tâm tư thầm kín của các bạn đồng hành. Tuy thế, tôi cũng tin rằng chỉ mới sau một thời gian ngắn như vậy, chúng tôi đã cùng đi tới chỗ phản ứng theo cách thức ít nhiều giống nhau.
Chẳng hạn, người ta đọc thấy cùng một vẻ mệt mỏi trên những bộ mặt, một thứ mệt mỏi rất khác biệt với sự mệt mỏi mà ta thường cảm thấy sau một đêm làm việc hoặc mất ngủ.
Có thể chúng tôi đã không đi tới chỗ lãnh đạm, nhưng mỗi người đều tự khước từ suy nghĩ.
Vả lại, nghĩ gì mới được chứ? Chúng tôi chẳng biết gì hết. Những chuyện xảy ra không nằm trong tầm hiểu biết của chúng tôi, vì thế suy tưởng hoặc bàn cãi chỉ là điều vô ích.
Chẳng hạn, suốt dọc đường, dài không biết bao nhiêu cây số rồi, tôi cứ mất công thắc mắc về các nhà ga. Như tôi từng kể, các ga nhỏ, các trạm xép đều vắng tanh, không có lấy một nhân viên xuất hiện mỗi khi con tàu tới với hồi còi và lá cờ hiệu màu đỏ của nó. Ngược lại, những ga lớn thì lại đầy nhóc người, và người ta phải thi hành các biện pháp giữ trật tự trên bờ ke.
Cuối cùng, tôi cũng tìm ra một câu trả lời có vẻ hợp lý: bởi vì các chuyến tàu chợ đã bị hủy bỏ.
Tình trạng đường sá cũng vậy, một số đường vắng ngắt, có thể đã bị cấm lưu thông vì lý do quân sự.
Có một người ở Fumay, mà tôi không biết rõ là ai, ngay sáng hôm ấy, lúc tôi đang ngồi cạnh Anna, cả quyết với tôi rằng đã có một kế hoạch di tản thành phố, và y đã nhìn thấy tờ cáo bạch niêm yết tại tòa thị chính.
- Những chuyến xe lửa đặc biệt đã được tiên liệu để chở dân tị nạn tới các làng tiếp cư, tại đó mọi thứ đã được xếp đặt đâu vào đấy để đón nhận họ.
Có thể lắm. Tôi đã không nhìn thấy tờ yết thị. Rất ít khi tôi đặt chân tới tòa thị chính, và khi tôi cùng vợ con đến ga, chúng tôi đã nhảy lên chuyến xe lửa đầu tiên.
Điều khiến tôi nghĩ rằng ông bạn ở bên tôi có lý, rằng tại Rethel có các nữ y tá, hướng đạo sinh và cả một tổ chức tiếp đón chờ đợi chúng tôi. Nhiều băng ca được bày sẵn, như thể người ta đã biết chuyện sẽ xảy ra với chúng tôi, nhưng ít lâu sau đó, tôi được biết tàu chúng tôi không phải con tàu đầu tiên bị oanh tạc giữa đường.
- Thế còn vợ bọn tôi? Con cái bọn tôi? - gã ngậm ống vố la lên như vậy trước cả khi tàu đỗ hẳn.
- Các ông các bà ở đâu tới vậy? - một bà mặc y phục trắng, đã cao tuổi, chắc hẳn thuộc hạng sang trọng, hỏi chúng tôi như thế.
- Fumay.
Tôi đếm thấy ít nhất cũng có tới bốn đoàn xe lửa nằm trong ga. Dân chúng đứng đầy kín các phòng đợi và sau rào chắn, bởi vì người ta đã dựng các thanh chắn giống như vào những cuộc đón rước chính thức. Trong đó có rất nhiều binh lính và sĩ quan.
- Những người bị thương đâu?
- Mẹ kiếp, thế còn vợ tôi đâu?
- Có thể bà nhà ở trên con tàu đang trên đường tới Reims.
- Bao giờ?
Người đàn bà đối thoại với gã càng dịu giọng bao nhiêu thì gã lại càng tỏ ra gây gổ, cáu kỉnh bấy nhiêu, bởi vì gã bắt đầu tự cảm thấy có quyền.
- Cách đây chừng một tiếng.
- Nó không thể chờ chúng tôi được sao?
Lệ dâng lên nơi mắt gã, dầu sao thì gã cũng lo sợ và cũng có thể gã cần cảm thấy mình đang buồn khổ. Nhưng chỉ lát sau, điều đó cũng không ngăn cản gã nhào tới lấy xăng-uých đựng trong những cái rổ lớn mà các thiếu nữ mang tới từng toa.
- Mỗi người được phép lấy mấy cái đây?
- Xin cứ việc ăn cho đủ no. Nhưng khỏi cần lấy để dành làm gì, vô ích. Tới ga sau sẽ có thức ăn mới.
Người ta đưa cho chúng tôi những tách cà phê nóng. Một nữ y tá đi qua cất tiếng hỏi:
- Có người bị thương không? Có ai đau không?
Những bình sữa đã được pha sẵn và một xe cứu thương nằm chờ ở đầu sân ga. Trên đường sắt kế cận, một chuyến tàu chở dân Flamand có vẻ như sắp sửa chuyển bánh. Bọn người trên tàu đó đã ăn uống rồi, và với vẻ tò mò, họ nhìn chúng tôi ngấu nghiến những chiếc xăng-uých.
Gia đình Van Straeten vốn là dân gốc Flamand, họ tới định cư tại Fumay đã ba đời, nên không còn nói ngôn ngữ gốc của họ nữa. Dầu vậy tại hầm đá đen người ta vẫn còn gọi ba vợ tôi là “ông người Flamand”.
- Xin chú ý! Hãy lên tàu...
Cho tới lúc này, người ta đã giữ chúng tôi rất nhiều giờ tại các ga hoặc tại những khu dồn tàu. Nhưng bây giờ, người ta lại tống chúng tôi đi sớm chừng nào hay chừng ấy, như thể họ vội vã xua chúng tôi đi cho rảnh nợ.
Bởi trên sân ga có quá đông người nên tôi đã không thể đọc được những đầu đề lớn trên các báo hằng ngày bày ở sạp báo. Tôi chỉ biết là có một cái tít rất lớn trong đó có tiếng “những toán quân”.
Tàu chúng tôi đã chuyển bánh và một thiếu nữ đeo băng tay vẫn chạy theo để phân phát những thỏi sô cô la cuối cùng. Cô ném cả một nắm kẹo đó đến chỗ chúng tôi.
Tôi nhặt được một cái cho Anna.
Sau đấy chúng tôi sẽ còn thấy nhiều trung tâm tiếp đón giống thế tại Reims và những nơi khác. Gã lái ngựa đã trở về chỗ của hẳn giữa đám chúng tôi sau khi được quyền tắm rửa trong toa-lét của nhà ga và coi bộ hắn có vẻ ta đây lắm. Tôi nghe thấy Julie gọi hắn là Jef. Hắn cầm trên tay một chai rượu Cointreau mua được ở quầy giải khát cùng hai trái cam tỏa mùi thơm khắp toa.
Vào lúc chiều tối, trên quãng đường giữa Rethel và Reims, vì tàu chạy không mau nên một bà nhà quê vừa đứng dậy vừa lẩm bẩm:
- Thây kệ! Dầu sao đây cũng không thể để cho mình bị đau được...
Tới gần chỗ khung cửa mở, bà ta đặt một cái hộp các tông xuống sàn rồi ngồi xổm trên đó, vừa thỏa mãn nhu cầu vừa lẩm bẩm giữa hai hàm răng.
Đó cũng là một dấu hiệu khơi mào. Những quy ước lịch sự thông thường phải nhượng bộ, ít nhất là các quy ước vẫn còn được tuân thủ vào ngày hôm trước. Bữa nay, chẳng có ai tỏ ý phản đối khi nhìn thấy gã lái ngựa nằm gối đầu lên cái bụng căng phồng của Julie mà ngủ.
- Ông có thuốc lá không? - Anna hỏi tôi.
- Tôi không hút thuốc.
Tại liệu dưỡng viện trước kia, người ta đã cấm tôi hút thuốc, và kể từ đó tôi cũng không thấy thèm. Một ông ngồi bên tôi đưa cho nàng một điếu. Tôi cũng không có hộp quẹt trong túi, và vì mớ rơm, tôi lo ngại khi thấy nàng hút thuốc, trong lúc những kẻ khác vẫn hút từ hôm trước tới giờ. Có lẽ đây là một kiểu ghen tuông riêng của tôi, một nỗi khó chịu mà tôi không tìm cách giải thích.
Tàu đậu lại thật lâu trong một khu ngoại ô thành phố Reims, chúng tôi ngồi nhìn mặt hậu những ngôi nhà, và tại ga, người ta loan báo rằng có thể độ nửa tiếng đồng hồ nữa tàu sẽ tiếp tục chạy.
Hành khách đổ xô tới quầy bán đồ ăn uống, tới khu vệ sinh, tới phòng thông tin, tại đó không có ai từng nghe nói đến đàn bà, trẻ con và người đau yếu trên một chuyến xe lửa từ Fumay.
Những con tàu đi qua ga này hoài hoài, từ mọi ngả, tàu thì chở binh lính, tàu thì chở súng đạn, tàu thì chở dân tị nạn, và cho tới ngày nay tôi vẫn còn tự hỏi làm thế nào mà lúc đó đã không xảy ra nhiều tai nạn hơn.
- Có thể vợ ông đã nhắn lại chăng? - Anna gợi ý.
- Ở đâu?
- Tại sao ông không hỏi mấy bà kia?
Nàng trỏ vào mấy nữ y tá và thiếu nữ phụ trách công việc tiếp đón.
- Ông nói tên gì nhỉ?
Bà lớn tuổi nhất rút từ trong túi ra một cuốn sổ tay trong đó có loạt tên được viết bằng nhiều tuồng chữ khác nhau, thường là vụng về.
- Féron hả? Không có. Bả người Bỉ à?
- Nhà tôi từ Fumay tới, có dẫn theo một bé gái bốn tuổi và bé đó ôm con búp bê mặc áo màu xanh.
Tôi tin chắc Sophie không rời con búp bê của nó.
- Bả hiện đang có mang bảy tháng rưỡi, - tôi gắng gượng nói tiếp.
- Vậy ông thử vào y xá coi xem sao, có thể bả đã vào trong đó trong trường hợp bả không được khỏe.
Y xá sực mùi thuốc sát trùng, nó vốn là một văn phòng được biến cải thành. Không có! Ở đây người ta có thâu nhận một số đàn bà mang bầu. Một trong những bà đó đã được di chuyển cấp tốc tới nhà bảo sanh để đẻ, nhưng tên bà ta không phải Féron và bà ta còn có mẹ đi theo.
- Ông lo lắm à?
- Không nhiều lắm.
Trước đó tôi đã biết chắc rằng Jeanne sẽ không để giấy lại cho tôi. Tính nàng không ưa làm như thế. Chắc chắn trong óc nàng đã không nảy ra cái ý tưởng gây phiền nhiễu cho một trong những bà lịch sự này, ghi tên mình vào một cuốn sổ tay và khiến cho người ta lưu ý tới mình.
- Tại sao ông cứ hay đặt tay chỗ túi bên trái của ông vậy?
- Vì cặp kiếng phòng hờ của tôi. Tôi sợ nó bị mất hoặc bị bể.
Người ta lại phân phát cho chúng tôi những chiếc bánh xăng-uých, mỗi người một trái cam, chiêu với cà phê cùng đường, thoải mái. Một số người đã lấy nhiều miếng đường bỏ vào túi.
Nhận thấy trong một góc có một đống gối, tôi bèn hỏi liệu có thể thuê được hai cái không và người ta trả lời tôi rằng họ không biết, rằng người phụ trách việc giữ đống gối hiện vắng mặt, có lẽ phải một tiếng nữa bà ta mới trở lại.
Thế là, hơi lúng túng vụng về, tôi cầm lấy hai cái gối và sau khi tôi leo trở lại toa, các bạn đồng hành của tôi vội vã đổ xô nhau đi lấy những chiếc gối kia.
Ngày nay, mỗi khi nghĩ tới vụ đó, tôi vẫn ngạc nhiên về chuyện suốt cả một ngày dài Anna và tôi gần như không nói năng gì với nhau. Như thể do có thỏa thuận chung, chúng tôi không rời nhau. Ngay cả khi ở Reims chúng tôi tạm chia cách để mỗi người vào phòng vệ sinh dành riêng cho phái của mình, thì lúc trở ra tôi đã thấy nàng đứng chờ tôi trước cửa phòng dành cho đàn ông.
- Tôi đã mua một cục xà bông, - nàng hân hoan như trẻ thơ thông báo với tôi.
Người nàng thơm mùi xà bông và mái tóc nàng, mái tóc mà nàng đã nhúng ướt để chải lại, vẫn còn ẩm.
Tôi có thể tính ra được số lần tôi đi xe lửa trong đời trước khi có cuộc hành trình này. Lần đầu tiên, chuyến đi tới Saint-Gervais, vào năm tôi mười bốn tuổi, trong chuyến đó, người ta đã trao cho tôi một tấm thẻ có ghi tên tôi, nơi tôi đến, và mấy lời chú như sau:

“Trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc gặp khó khăn, xin liên lạc với bà Jacques Delmotte ở Fumay, Ardennes”.

Bốn năm sau, khi đáp xe lửa để trở về nhà, năm mười tám tuổi, tôi đã không cần tấm thẻ như vậy nữa.
Về sau, tôi chẳng bao giờ đi đâu xa, mà chỉ định kỳ tới Mézières để y sĩ chuyên khoa tái khám và để được chiếu điện.
Người ta quen nói bà Delmotte là ân nhân của tôi, và cuối cùng tôi cũng chấp nhận cái tiếng “ân nhân” đó. Ngày nay, tôi không còn nhớ hoàn cảnh nào đã khiến bà trở thành người lo toan, săn sóc cho tôi. Chuyện đó xảy ra sau cuộc chiến 1914 ít lâu, lúc tôi chưa đầy mười một tuổi.
Chắc hẳn lúc ấy người ta đã kể cho bà nghe về việc má tôi bỏ đi ra sao, cha tôi có thái độ sống như thế nào, và tình cảnh đứa trẻ gần như bị bỏ rơi của tôi.
Vào thời kỳ đó, tôi hay lui tới trụ sở hội từ thiện, và một bữa Chủ nhật, vị linh mục trợ tế của xứ chúng tôi, cha Dubois, báo cho tôi hay có một bà đã ngỏ ý mời tôi đến dùng bữa quà chiều tại nhà bà vào thứ Năm tới.
Cũng như cả thành phố Fumay, tôi vốn biết cái tên Delmotte, bởi gia đình đó là chủ nhân những hầm đá đen quan trọng và do đấy, mỗi người trong thành phố đều lệ thuộc vào họ một cách trực tiếp, không nhiều thì ít. Trong tâm trí tôi, những vị Delmotte đó là những Delmotte chủ nhân.
Còn bà Jacques Delmotte, năm ấy khoảng ngũ tuần, là Delmotte hay làm việc từ thiện.
Các Delmotte là anh chị em ruột, anh chị em dâu, hoặc anh chị em bà con, tài sản của họ có nguồn chung, nhưng trong bọn họ chia ra hai tộc loại dị biệt.
Phải chăng, đúng như phỏng đoán của một số người, bà Delmotte thấy xấu hổ trước thói nhẫn tâm và vô tình của gia tộc bà? Góa chồng sớm, bà nuôi dạy con trai bà trở thành bác sĩ nhưng người con trai đó đã chết ngoài mặt trận.
Từ đó, bà sống trong một ngôi nhà lớn bằng đá với hai nữ tỳ và buổi chiều bà thường ngồi ở hành lang lớn trong nhà. Từ ngoài đường nhìn vào, người ta hay thấy bà, trong chiếc rốp đen có cổ cồn chật bằng đăng ten trắng, ngồi đan áo cho những người già ở viện dưỡng lão. Thân hình nhỏ nhắn, da dẻ hồng hào, người bà tỏa ra mùi ngọt ngào.
Chính trong hành lang đó, bà vừa cho tôi uống sô cô la và ăn bánh ngọt vừa hỏi han tôi về chuyện học hành, về bạn bè tôi, về nguyện vọng của tôi đối với tương lai, v.v... Tránh không đả động gì tới cha mẹ tôi, bà hỏi tôi có thích giúp lễ mixa không, và do chính câu hỏi đó của bà mà tôi đã trở thành lễ sinh trong vòng hai năm.
Gần như thứ Năm nào bà cũng mời tôi tới nhà, đôi khi còn có một thằng bé hay một con bé khác nữa, cùng dự bữa quà chiều với chúng tôi. Bữa nào cũng thế, người ta chỉ dọn ra bánh ngọt khô nhà làm, gồm có hai thứ, một thứ màu vàng nhạt có vị chanh, thứ kia màu nâu có mùi gia vị và hạnh nhân.
Ngày nay tôi vẫn còn nhớ cái mùi của hành lang, nhớ tới hơi nóng, vào mùa đông, cái hơi nóng không giống như ở những chỗ khác, tôi thấy nó có vẻ vi tế hơn và nhiều ấp ủ hơn.
Khi phổi tôi khởi sự biến chứng, thứ chứng mà lúc đầu người ta cứ ngỡ là bệnh sưng phổi không có nước, bà Delmotte đã tới nhà tôi thăm tôi và đích thân đưa tôi, trên chiếc xe hơi do Désiré lái, đến một bác sĩ chuyên khoa ở Mézières.
Ba tuần sau, nhờ có bà mà tôi được nhận vào một liệu dưỡng viện, nơi mà nếu không có bà can thiệp, hẳn tôi sẽ không có chỗ.
Khi tôi cưới vợ, cũng chính bà đã tặng hai vợ chồng chiếc cúp bằng bạc, cái cúp hiện được đặt trên mặt tủ buýp phê trong bếp nhà tôi. Lẽ ra nên bày nó trong phòng ăn, nhưng nhà tôi không có phòng ăn.
Ngày nay tôi nghĩ rằng bà Delmotte, một cách gián tiếp, đã giữ vai trò quan trọng trong đời tôi, và, một cách gián tiếp hơn, trong việc tôi rời bỏ Fumay.
Về phần bà, bà khỏi cần phải lên đường bởi lẽ, từ lúc trở thành già lão, cứ vào mùa này hằng năm bà lại tới nghỉ tại căn nhà của bà ở Nice.
Tại sao lúc đó tôi lại nghĩ tới bà? Trong cái toa chở súc vật mà bóng đêm lại một lần nữa ngự trị, tôi vừa nghĩ tới bà vừa phân vân tự hỏi chẳng biết mình có dám nắm lấy tay của Anna khi mà tôi cảm thấy vai nàng đang kề sát vai tôi.
Bà Delmotte đã khiến tôi trở thành một đứa bé giúp lễ, còn Anna là kẻ vừa ra khỏi nhà giam. Tôi không bận tâm tìm biết tại sao nàng bị tù và nàng đã bị kết án như thế nào.
Đột nhiên tôi nhớ rằng nàng không có hành lý gì cả, ngay đến chiếc xắc tay cũng không, rằng người ta đã không thể trả vật dụng lại cho các tù nhân khi mở cửa giải phóng họ. Vậy nên rất có thể nàng không có tiền trong túi.
Và tuy thế, lúc nãy nàng cho tôi biết là nàng vừa mua một bánh xà bông thơm.
Jef và Julie nằm bên nhau, hôn nhau say sưa và tôi thoáng ngửi thấy mùi nước miếng của họ.
- Cô không muốn ngủ à?
- Còn ông sao?
- Chúng ta nằm xuống đây được chứ?
- Có thể.
Mỗi người đều bắt buộc phải đụng chạm vào những người xung quanh, chỗ nào cũng thấy có những cẳng chân và bàn chân.
- Cô dễ chịu chứ?
- Vâng.
- Cô không lạnh à?
- Không.
Phía sau lưng tôi, cái gã đàn ông mà tôi cho là tay lái ngựa, dần dà leo lên trên người đàn bà nằm bên gã và ả đó, khi mở hai đầu gối ra, đã cọ vào lưng tôi. Chúng tôi ở quá sát nhau, sự lưu tâm của tôi thì lại quá mức nhạy bén, thành thử tôi biết chính xác thời điểm hắn đi vào người đàn bà.
Cả Anna cũng vậy, tôi dám cam đoan điều đó. Mặt nàng chạm vào má tôi, tóc nàng xõa ra, đôi môi nàng hé mở nhưng nàng không hôn tôi và tôi cũng không thử hôn nàng.
Ngoài hai chúng tôi ra, còn có những kẻ khác vẫn thức và hẳn là họ phải biết. Nhịp chuyển động của con tàu đang lay lắc tất cả chúng tôi; tiếng của những bánh xe nghiền xuống đường rầy, sau một quãng thời gian, đã trở thành một nhạc điệu.
Có lẽ tôi sắp nói năng thô thiển, do vụng về, chính bởi tôi vẫn luôn là một người đàn ông bẽn lẽn, ngay cả trong tâm tư.
Tôi chưa bao giờ nổi loạn chống đối lại lối sống của tôi. Tôi đã lựa chọn lối sống đó. Tôi đã kiên nhẫn thực hiện một lý tưởng mà, cho đến tận ngày hôm qua, tôi xin nhắc lại điều này với toàn bộ lòng chân thành, tôi vẫn thấy hài lòng.
Bây giờ tôi nằm đây, trong bóng tối, với khúc ca của con tàu, với luồng ánh đèn xanh đỏ loang loáng lướt qua, những sợi dây điện tín, cùng các thân thể khác đang nằm dài trên đám rơm, và sát gần tôi, ngay trong tầm tay tôi, cái mà tu viện trưởng Dubois gọi là hành động của xác thịt, đang được tiến hành.
Sát bên người tôi, một cơ thể phụ nữ áp lại gần, căng thẳng, rung động, một bàn tay luồn xuống để nhấc cái rốp đen lên, tụt quần lót xuống chân, hai bàn chân nàng gỡ cái quần ra trong một cử động kỳ quặc.
Hai chúng tôi vẫn chẳng hề ôm hôn nhau. Chính Anna kéo tôi lại, lật người tôi, cả hai đều lặng lẽ như hai con rắn.
Hơi thở của Julie trở nên dồn dập hào hển hơn vào giữa lúc Anna giúp tôi ngự trị trong nàng, bỗng nhiên tôi thấy mình đang ở đó.
Tôi đã không kêu lên. Thiếu điều tôi đã kêu. Thiếu điều tôi đã thốt ra những tiếng không mạch lạc, nói cám ơn, nói lên niềm hạnh phúc của tôi hoặc có thể còn rên rỉ than vãn nữa, bởi chính niềm hạnh phúc này đã làm tôi đau. Nỗi đau cố vươn tới cái bất khả.
Chắc hẳn đột nhiên tôi đã muốn biểu lộ tình âu yếm của tôi đối với người đàn bà này, người mà mới hôm qua đây tôi chưa quen biết nhưng vốn là một sinh vật có nhân tính, phải trở thành một sinh vật có nhân tính, trong mắt tôi.
Tôi giày vò nàng mà không hay, hai bàn tay tôi hung hăng chiếm đoạt tất cả con người nàng.
- Anna...
- Suỵt!
- Anh yêu em.
- Suỵt!
Đây là lần đầu tiên tôi nói “anh yêu em” như vậy, thốt lên tự đáy lòng. Phải chăng có thể không phải tôi yêu nàng, mà tôi yêu cuộc đời? Ngày nay tôi không biết phải nói như thế nào: lúc ấy tôi đã ở trong cuộc đời nàng; tôi những muốn ở trong đó hàng giờ, không bao giờ nghĩ tới điều gì khác nữa, trở thành giống như một loài thảo mộc trong nắng.
Miệng chúng tôi áp vào nhau, cả hai cái miệng cùng ẩm ướt. Tôi đã không nghĩ tới việc hỏi nàng, như trong những lần tôi thực hiện trải nghiệm của một gã đàn ông trẻ, câu:
- Anh có thể được không?
Tôi có thể được chứ, bởi vì nàng không phân vân e ngại gì cả, bởi vì nàng không đẩy tôi ra, trái lại nàng đã giữ tôi lại trong nàng.
Hai đôi môi chúng tôi cuối cùng đã rời nhau lúc chân tay chúng tôi mềm dãn ra đầy thỏa mãn.
- Đừng động đậy, - nàng thì thầm qua một hơi thở nhẹ.
Và, cả hai như thể vô hình, nàng vuốt ve trán tôi, dịu dàng, và như một nhà điêu khắc, nàng dùng bàn tay lần theo các đường nét trên mặt tôi.
Vẫn bằng giọng thì thầm như thế, nàng hỏi:
- Điều đó khiến anh dễ chịu chứ?
Tôi có lầm chăng khi nghĩ rằng tôi đã ước hẹn với định mệnh?
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét